Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 09

18/04/201317:21(Xem: 7459)
Phần 09

NHỮNG TRUYỆN DUYÊN KHỞI

TRONG LUT NGŨPHN

Lược thuật:Phước Thắng

Hiệu đính:Thích Đỗng Minh

Chú thích:Tâm Nhãn

--- o0o ---

Phần 9

TÁC PHÁP HẠ Ý5

Cách thành Xá-vệ không xa, có khu rừng Am-ma-lặc6. Bên cạnh rừng này có nhà một ông Trưởng giả tên là Chất-đa-la. Ðối với Phật pháp, ông có lòng tin kính rất sâu dày. Trong rừng Am-ma-lặc, Tỳ-kheo Thiện Pháp là người sống lâu năm ở đây, thường làm người hỗ trợ Tăng trên đường du hành ghé đến. Trưởng giả Chất-đa-la khi muốn thỉnh Tăng cúng y thực, hay bố thí vật gì cho ai đều tin cho Tỳ-kheo Thiện Pháp biết trước.

Ngày ấy, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên cùng năm trăm Tỳ-kheo du hành đến khu rừng này. Trưởng giả nghe, liền đích thân ra nghinh đón, đầu mặt đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên. Sau khi nghe diệu pháp và điều lợi ích được chỉ bày rồi, Trưởng giả hoan hỷ bạch:

- Kính mời Ðại Tăng sáng mai thọ trai nơi nhà con.

Mọi người im lặng nhận lời.

Trưởng giả đảnh lễ lui về, đến Tỳ-kheo Thiện Pháp thưa:

- Con đã mời Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên... sáng mai thọ trai. Ðại đức đến dùng cơm với các Ngài.

Tỳ-kheo Thiện Pháp nghĩ: “Lão trưởng giả này tâm hồn đã bị bại hoại. Từ lâu nay, khi cần thỉnh Tăng đều cho ta biết trước, tại sao nay thỉnh Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên cùng năm trăm Tỳ-kheo mà không cho ta biết là có ý gì?” Nghĩ rồi nói:

- Sáng mai tôi sẽ đến.

Suốt đêm, nhà Trưởng giả lo trai soạn. Trong thế gian, những thức ăn quý giá nhất, không thiếu thứ gì. Sáng ra, Trưởng giả cho trải tòa ngồi... Lúc ấy, Tỳ-kheo Thiện Pháp đến nói:

- Các thức ăn đầy đủ cả, chỉ thiếu món bánh “Hồ-ma”7.

Nghe lời nói không đẹp, có ẩn ý xấu, Trưởng giả đùng đùng giận dữ đáp lời:

- Ðại đức uyên thâm giáo lý mà tuôn ra lời ác như vậy à?!

Và như để dạy cho Thiện Pháp một bài học, Trưởng giả đem chuyện xưa kể:

- Ngày xưa có người khách buôn từ phương Bắc đem một con gà mái đến nước Ba-tuần. Vì nước Ba-tuần không có gà trống nên cho con quạ rập con gà mái kia. Gà đẻ ra trứng, ấp, nở ra con quạ con. Khi lớn lên, con gà này không kêu được tiếng gà, mà cũng không kêu được tiếng quạ. Nay Ðại đức cũng như vậy, uyên thâm giáo lý mà tuôn ra lời ác.

Thiện Pháp bị một vố đau, tức giận nói:

- Trưởng giả mạ nhục tôi một cách quá đáng, làm sao tôi ở đây được, tôi sẽ đi phương xa!.

Trưởng giả thấy mình lỡ lời nên nói:

- Ðại đức đừng nổi giận, nên lưu lại đây, tôi vẫn cung cấp y thực như thường.

Ông Trưởng giả mời thỉnh như vậy ba lần mà Tỳ-kheo Thiện Pháp vẫn từ chối, ra đi. Ông Trưởng giả hỏi:

- Ðại đức muốn đi đến đâu?

- Tôi muốn đi đến chỗ Phật. - Tỳ-kheo Thiện Pháp nói.

- Nếu đến chỗ Phật, cho tôi kính lời vấn an đức Thế Tôn và xin Ðại đức trình bày đúng sự thật, chớ nên thêm bớt. - Trưởng giả bảo.

- Ðược rồi, tôi sẽ thưa. - Tỳ-kheo Thiện Pháp đáp.

Khi trai soạn đầy đủ rồi, Trưởng giả đến rước:

- Giờ thọ trai đã đến, xin kính mời Ðại Tăng.

Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên và đại chúng cùng đến nhà ông Trưởng giả, tất cả ngồi vào tòa. Ông Trưởng giả dâng thức ăn, chư Tăng thọ thực xong, rửa tay... Ông Trưởng giảù lấy chiếc ghế nhỏ ngồi trước Tăng. Hai tôn giả vì gia chủ nói diệu pháp, chỉ bày sự lợi ích và điều hoan hỷ, rồi rời tòa ra về.

Sau khi cùng thọ trai, Tỳ-kheo Thiện Pháp trở về rừng, lại đắp y bưng bát đến chỗ đức Thế Tôn đang trú ngụ trong Kỳ-hoàn. Ðảnh lễ xong, ngồi lui qua một bên. Tỳ-kheo Thiện Pháp đem chuyện Chất-đa-la trình bày trung thực lên đức Phật. Ðức Phật liền quở trách:

- Thầy là người ngu si, tại sao lại dùng lời hạ tiện gán cho ông Trưởng giả kia?!

Nhân việc này, đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo:

- Từ nay nên trao cho những Tỳ-kheo như thế pháp “Hạ ý” bằng bạch tứ Yết-ma xin lỗi bạch y kia. Nếu trực tiếp xin lỗi không thành, thì Tăng sai các Tỳ-kheo khác làm trung gian xin lỗi. Nếu không được nữa thì Tỳ-kheo đương sự phải rời đi nơi khác. (^)

PHÁ PHÁP TĂNG LUÂN1

Ðiều-đạt luôn nuôi ý đồ phá Tăng. Bây giờ là lần thứ ba, Ðiều-đạt lại suy nghĩ: “Nay phá Tăng của Sa-môn Cù Ðàm, ta sẽ được tiếng đồn vang, danh tiếng sẽ lên cao, mọi người sẽ có nhận định: Sa-môn Cù Ðàm có đại thần lực mà Ðiều-đạt còn có thể phá Tăng của ông ta. Như vậy Ðiều-đạt cũng là tay cao thủ”. Ðiều-đạt rất sung sướng với ý nghĩ này và bàn bạc kế sách với Át-bệ, Phân-na-bà-tẩu-ban-na, Lô-hê-già-lô-đế-xá, Cù-già-ly, Khiên-tra-đà-bà, Tam-văn-đạt-đa2... là những bằng hữu tâm đắc, trong đó Tam-văn-đạt-đa là bậc đại thông minh, đặt vấn đề với Ðiều-đạt:

- Sa-môn Cù Ðàm có đại oai đức, Tăng của ông Ta làm sao có thể phá được?

Ðiều-đạt nói:

- Ta sẽ thuyết minh năm pháp giữa Tăng, năm pháp ấy là:

1-Không ăn muối.

2-Không ăn tô và sữa.

3-Không ăn cá, thịt.

4- Khất thực, không nhận mời ăn của người.

5- Tám tháng mùa Xuân và mùa Hạ ngồi nơi đất trống, bốn tháng mùa Ðông thì ở trong am tranh.

Ðiều-đạt lại nhận định:

- Nhân dân trong hai nước Ma-kiệt và Ương-già đều thích và tin vào đường lối khổ hạnh. Chúng ta thực hành năm pháp này, số người theo ta chắc chắn sẽ nhiều, như vậy Tăng của Cù Ðàm dần dà bị phá.

Nghe chủ trương này, Tam-văn-đạt-đa rất tán đồng, bởi vì nó có thể chia rẻ được chúng Tăng của Phật, và như thế được cái danh lớn lắm. Tam-văn-đạt-đa trở thành “đồng chí” lý tưởng của Ðiều-đạt.

Khi ấy, Ðiều-đạt có người đệ tử Ưu-bà-tắc tên là Hòa-tu-đạt, thường cúng dường Ðiều-đạt, nên Ðiều-đạt đã nhiều lần thuyết phục ông ta ủng hộ đường lối phá Tăng của mình. Như vậy, về phía cư sĩ, Hòa-tu-đạt là người vận động quần chúng ủng hộ Ðiều-đạt một cách có hệ thống.

Hôm ấy là ngày thứ 15, Bố-tát. Giữa chúng Tăng, Ðiều-đạt tuyên thuyết năm điều trên - chính mình rút thẻ - xướng rằng:

- Vị nào đồng ý năm điều này thì rút thẻ này...

Có đến 500 Tỳ-kheo bốc thẻ đồng ý, chỉ trừ A-nan và một Tỳ-kheo Tu-đà-hoàn không rút thẻ. Hôm đó, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên và các đại La-hán không có mặt trong kỳ Bố-tát này. Ðiều-đạt rút thẻ xong, liền cùng 500 Tỳ-kheo hòa hợp Bố-tát. A-nan và Tỳ-kheo Tu-đà-hoàn liền đi ra ngoài. Hai vị đến chỗ đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân Ngài, rồi đem vấn đề xảy ra bạch Phật. Ðức Phật nhân đó nói kệ:

Người thiện, dễ gần nhau

Người ác, thiện khó gặp

Người ác, dễ hội nhau

Người thiện, ác khó gặp.

Khi sự việc xảy ra như vậy, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên đến chỗ đức Phật. Ðức Phật trông thấy hai tôn giả đến, Ngài vui mừng khen ngợi:

- Thiện lai, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên! Hai thầy có thể đến giữa chúng của Ðiều-đạt đưa 500 Tỳ-kheo trở về.

Hai vị ghi nhận lời Phật dạy, kính lễ sát chân Ngài rồi ra đi. Tỳ-kheo Tu-đà-hoàn đi với tôn giả A-nan nhìn theo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên ra đi, liền khóc òa. Ðức Phật hỏi:

- Tại sao Tỳ-kheo lại khóc như vậy?

- Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên là đệ tử bậc nhất của đức Phật, nay cũng đến với chúng Ðiều-đạt, con sợ hai tôn giả học theo pháp của Ðiều-đạt, chính vì thế mà con khóc. - Tỳ-kheo Tu-đà-hoàn thưa.

- Thôi đi, ông đừng khóc nữa. Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên không bao lâu họ sẽ dẫn 500 Tỳ-kheo về lại đây. - Ðức Phật nói.

Khi Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên đi thẳng vào chỗ chúng của Ðiều-đạt thì Tam-văn-đạt-đa đã nhìn thấy từ xa, liền chạy vào nói với Ðiều-đạt:

- Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên là hàng đệ tử bậc nhất của Sa-môn Cù Ðàm, hiện đã đến đây nhằm phá ý định của các Tỳ-kheo chúng ta, chúng ta không nên nói chuyện, cũng đừng nên mời họ ngồi.

Ðiều-đạt vốn chủ quan với năm pháp đường hướng của mình, nên không chấp nhận lời của Tam-văn-đạt-đa, cũng không bận tâm đến vấn đề. Khi Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên đến thẳng chỗ Ðiều-đạt, ông ta bèn nói:

- Thiện lai Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên! Có thể đến ngồi nơi kia.

Ðiều-đạt nói tiếp:

- Là người có trí, điều gì trước chưa nghe, nay nghe để nhận lấy mà hành trì. Hai vị trước đây là hàng đệ tử bậc nhất của Sa-môn Cù Ðàm, còn bây giờ lại đến đây làm đệ tử bậc nhất của tôi, thật là điều tốt đẹp!

Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên im lặng không trả lời. Ðiều-đạt tưởng họ đã chấp nhận lời nói của mình, Ðiều-đạt liền bắt chước nếp sống của Phật, bảo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên:

- Quý thầy có thể vì chúng hội nói pháp, tôi bị đau lưng, nằm nghỉ một chút.

Ðiều-đạt xếp Tăng-già-lê thành bốn lớp để gối, nằm nghiêng phía bên hữu, hai chân chồng lên nhau, nhưng không hệ niệm tại tiền, nên chỉ trong giây lát ngủ muồi, lăn qua bên tả, xoải người lên đất, ngáy khò khò...

Khi ấy, Mục-kiền-liên hiện các thần lực chuyên môn của mình, còn Xá-lợi-phất nói các pháp vi diệu, ba phần: trước, giữa, sau của bài pháp nói lên điều thiện, thiện nghĩa và thiện vị, hiện rõ hình tướng thanh bạch phạm hạnh. Năm trăm Tỳ-kheo nghe đều đắc pháp nhãn thanh tịnh, rồi họ nói với nhau rằng:

- Chúng ta nên trở về với Phật.

Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên từ chỗ ngồi đứng dậy, cùng 500 Tỳ-kheo về lại trú xứ đức Phật.

Tam-văn-đạt-đa lúc bấy giờ lấy ngón chân đụng nhẹ vào Ðiều-đạt, mắng:

- Tôi tớ dòng họ Thích hãy đứng dậy! Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên đã dùng các phương tiện dẫn các Tỳ-kheo đi hết rồi!

Ðiều-đạt thức tỉnh lại, rất hãi hùng, rủa nộp:

- Ðích thị họ là ác dục Tỳ-kheo! Mới đó đầy thiện ý, giờ thì bỗng sanh ác tâm, dùng phương tiện dẫn hết các Tỳ-kheo của ta đi!

Vì quá giận dữ và sợ sệt nên máu nóng từ lỗ mũi trào ra, mạng sống của Ðiều-đạt sờ sờ ra đó, song đã đọa vào địa ngục khổ đau rồi!

Trước đức Phật, Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đầu mặt đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, Mục-kiền-liên bạch Phật:

- Con muốn cho 500 Tỳ-kheo này thọ lại giới Cụ túc.

- Khỏi phải thọ lại, tại sao vậy? Vì 500 Tỳ-kheo này ngu si nên lầm tưởng rút thăm mà thôi. Nay chỉ cho phép Tăng khiến bảo tác pháp Hối quá Thâu-lan-giá. - Ðức Phật dạy.

Tôn giả Mục-kiền-liên bạch Phật:

- Kỳ lạ thay! Bạch Thế Tôn! Ðiều-đạt bắt chước Phật nên liền đọa vào khổ xứ như thế.

Ðức Phật dạy:

- Không phải chỉ bây giờ Ðiều-đạt bắt chước Ta mà đọa vào địa ngục. Xưa kia cũng đã từng bắt chước Ta mà phải đọa vào khổ xứ.

- Kính bạch Phật, chuyện xưa ấy là như thế nào? - Mục-kiền-liên hỏi.

Ðức Phật kể:

- Thuở đời quá khứ, nơi chỗ không nhàn3có một ao nước. Nơi đây có một con voi lớn thường vào trong ao lấy ngó sen rửa sạch rồi ăn, nhờ thế sức khỏe của voi được dồi dào. Lại có một con voi nhỏ cũng bắt chước vào ao lấy ngó sen, không rửa mà ăn nên đưa đến bệnh tật rồi chết.

Nhân sự việc này, đức Phật nói kệ:

Ðừng bắt chước đại tượng

Bắt chước không thể được

Do bắt chước đại tượng

Nên ăn bùn rồi chết.

Ðức Phật bảo Mục-liên:

- Con voi ấy chính là Ta. Còn con voi nhỏ kia là Ðiều-đạt. Xưa bắt chước Ta nên phải bỏ mạng, nay bắt chước Ta nên phải nhận lấy cái khổ như vậy.

Tôn giả Mục-kiền-liên bạch Phật:

- Lạ kỳ thay! Bạch Thế Tôn! Ðiều-đạt theo Phật nghe pháp, trong 84.000 pháp tạng, đặng năm thần thông, tại sao lại làm phản, kiêu mạn đối với đức Thế Tôn?

Ðức Phật bảo:

- Không những đời này, mà xưa kia Ðiều-đạt cũng đã từng theo Ta nghe pháp rồi khinh mạn đối với Ta.

- Bạch Thế Tôn! Chuyện xưa ấy ra sao? - Mục-kiền-liên hỏi.

Ðức Phật kể:

- Thuở đời quá khứ có một Tượng sư điều phục voi rất cao tay, được nhà vua đối xử rất trọng hậu. Khi ấy, có một người đến Tượng sư thưa:

“Xin dạy cho con nghề điều phục voi, con làm đệ tử của thầy”.

Tượng sư nhận lời và dạy đệ tử không giấu giếm một nghệ thuật điều phục nào. Sau khi nắm vững mọi phương pháp, đệ tử lại sanh tâm đố kỵ, đến chỗ vua tâu:

“Sự hiểu biết của thầy dạy voi kia đâu có thể hơn nô tài được. Tại sao bệ hạ cung cấp cho ông ta hậu đến thế, chẳng nghĩ gì đến nô tài?”

Nhà vua gọi thầy dạy voi đến hỏi:

“Ngươi với đệ tử, tài nghệ dạy voi ai hơn ai?”

Tượng sư đáp:

“Xin bệ hạ cho phép thần lui về, sau bảy ngày thi về pháp điều tượng thì lúc ấy mới biết ai giỏi”.

Nhà vua chấp thuận, và trong bảy ngày ấy, Tượng sư đưa voi đi điều phục: dạy voi đi tới là voi phải đi thụt lùi, dạy lùi thì đi tới, dạy ngồi thì bắt voi đứng, bảo đứng thì bắt nó lại ngồi. Ðiều phục voi với các động tác trái ngược như vậy và voi nhanh chóng thuần lệnh.

Ðúng bảy ngày, trước nhà vua, Tượng sư cùng đệ tử biểu diễn các nghệ thuật điều voi. Ban đầu, cả hai thầy trò chưa có nghệ thuật nào khác, không ngoài cái khuôn mẫu nằm lòng. Nhà vua hỏi người đệ tử:

“Nhà ngươi còn có nghệ thuật nào khác lạ nữa không?”

“Tâu bệ hạ, không còn nghệ thuật nào nữa”. - Ðệ tử đáp.

Xoay sang người thầy, vua hỏi:

“Ngươi còn phương pháp nào khác lạ nữa không?”

“Tâu bệ hạ, còn phương pháp khác”. - Tượng sư trả lời.

“Ngươi biểu diễn đi!” - Nhà vua bảo.

Tượng sư điều khiển voi như đã dạy (như trên) và voi răm rắp làm theo một cách ngoạn mục. Ðã rõ sự thật, nhà vua chỉ người đệ tử nói:

“Tại sao ngươi dám khi dối ta?”

Vị Tượng sư điều voi kia tâu với vua:

“Thưa bệ hạ, người này là đệ tử của hạ thần. Trước đây thần dạy cho cậu ta hết lòng, nhưng chưa biết hết nghệ thuật mà lại khinh dối. Thưa bệ hạ:‘ Xưa, có một người vào tháng cuối mùa Xuân mang đôi giày một lớp, đất nóng nên da giày co lại, giày siết chân kẻ ấy, gây tổn thương. Bổn ý mang giày là để bảo hộ đôi chân, song ngược lại, giày làm cho đôi chân thương tổn’. Thần cũng như vậy, trước kia dạy đệ tử, mong sao có ích nhưng ngược lại bị đệ tử làm hại”.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ:

Như người mang giày da

Dụng ý bảo vệ chân

Khi nắng nóng bất ngờ

Giày rút, chân bị thương

Thế gian kẻ ngu ác

Không nghĩ mình mang ơn

Ơn thầy dạy kỹ thuật

Lại phản, vu khống thầy.

Ðức Phật dạy:

- Tượng sư ấy chính là tiền thân của Ta. Còn người đệ tử kia là Ðiều-đạt, đời nào cũng theo Ta thọ học, rồi trở lại khinh mạn đối với Ta.

Tôn giả Mục-kiền-liên bạch Phật:

- Bạch đức Thế Tôn! Thật hy hữu! Tôn giả Xá-lợi-phất chỉ một lần thuyết pháp mà phá cả chúng của Ðiều-đạt.

Ðức Phật dạy:

- Không những đời này mà xưa kia Xá-lợi-phất cũng đã từng nói pháp để phá chúng của Ðiều-đạt.

Mục-kiền-liên thưa hỏi:

- Chuyện ấy như thế nào, bạch Thế Tôn.

Ðức Phật nói:

“Thuở đời quá khứ có một bậc sư xạ tiễn, tên là Câu-hòa-ly, dạy một học trò theo học pháp bắn cung. Trong sáu năm chỉ dạy cách cầm cây cung phải như thế này, vót tên phải như thế kia, mà chưa dạy cách bắn trúng đích. Người đệ tử bấy giờ tự nghĩ: “Sáu năm qua chỉ học cầm cung và vót tên mà chưa được bắn lần nào. Nay ta thử bắn xem sao?”. Người đệ tử nhắm bắn vào một cây cổ thụ, tên xuyên thủng qua khỏi cây rồi cắm phập vào lòng đất. Người thầy biết việc này, hỏi:

“Ông đã bắn một mũi tên phải không?”

“Vâng, con đã bắn thử một tên”. - Ðệ tử đáp.

“Ông bắn vào chỗ nào?”. - Thầy hỏi.

“Con đã bắn vào cây đại thọ kia”. - Học trò đáp.

Người thầy nói:

“Ông đã thành xạ thủ từ đây. Tôi là hạng nhất, ông là hạng nhì”. - Người thầy lại nói:

“Nơi địa điểm ấy có 500 tên giặc cướp chận đường, không ai dám đi qua nơi đó. Ông có thể đến tảo thanh bọn cướp để đem lại sự bình an cho người đi đường. Ông sẽ có công rất lớn”.

Ông thầy liền giao cho học trò một chiếc xe ngựa, một mỹ nữ cùng với cái bát vàng và 500 mũi tên. Trên chiếc xe ngựa chở mỹ nữ cầm bát vàng, người trai trẻ ấy cầm cung như ý và 500 mũi tên, điều khiển xe trực chỉ đến địa điểm có giặc cướp.

Lúc bấy giờ, bọn giặc đang phân chia các vật cướp được cho nhau, chỉ sai một người canh phòng nơi yếu đạo. Người canh phòng thấy chiếc xe ngựa từ xa chạy đến, vội vã về tâu với tướng soái giặc. Tướng soái nói với đồng bọn:

- Chúng Ta làm giặc từ lâu, nhưng chưa từng thấy có một người nào đơn thương độc mã dẫn một người đàn bà đi trên trục lộ này. Có lẽ người này là một dũng kiện không sợ bất cứ ai. Nên để họ tự nhiên đi qua, đừng gây phiền toái, không có lợi.

Ngay lúc ấy, Xạ thủ kia tiến đến chỗ bọn giặc cướp rồi dừng lại, cách bọn họ một quảng xa, bảo mỹ nữ bưng bát vàng đến chỗ bọn giặc, xưng tên họ để khất thực. Mỹ nữ thực hiện đúng chỉ dẫn, khiến bọn giặc rất cảm kích và thích thú. Chúng lại ham cái bát vàng nên cùng nhau thảo luận rằng:

- Gái đẹp như thế đó, bát vàng như thế đó, tại sao chúng ta lại cho phép họ đi là thế nào?

Tướng soái giặc lại nói:

- Người kia chắc đã lượng được sức mình nên chẳng biết sợ là gì, mới thản nhiên hành động như thế. Cần phải nhẫn nại, không khéo nóng giận chận lại thì phải chiêu lấy cái họa.

Ðồng bọn nghe theo, bèn cho đầy bát thức ăn ngon. Mỹ nữ đem bát thức ăn trở lại chỗ Xạ thủ. Xạ thủ lại bảo mỹ nhân đến bọn giặc nói: “Các ông hãy chia cho tôi một phần vật dụng”. Mỹ nhân thực hiện lời Xạ thủ. Bọn giặc cả giận bảo nhau:

- Con mẹ này là thứ gì mà dựa vào thằng tình nhân của nó dám khinh cả bọn chúng ta?! Chúng ta phải giết ngay, đừng để ôm lấy cái nhục này.

Tướng soái giặc vẫn dè dặt khuyên đồng bọn như trước. Bọn giặc chia cho người đẹp một phần. Nhận vật dụng, mỹ nhân trở lại chỗ Xạ thủ. Xạ thủ lại bảo người đẹp đến nói với bọn giặc:

- Có thể cùng ta chiến đấu chứ không thể để yên như thế này được.

Bọn giặc lại nói:

- Người này thừa thắng xông lên, khinh miệt ta quá đáng, không thể nhẫn mãi được.

Tướng soái giặc cố khuyến dụ đồng bọn, nhưng chẳng còn tác dụng. Cơn giận bốc lên dữ dội, không còn lường được sự nguy hại, bọn giặc đồng loạt tấn công hai người kia. Người Xạ thủ bắn ra một phát giết một người, và cứ thế, 499 phát giết 499 người. Còn lại một mũi tên để “hầu” tướng soái, song tướng soái khôn ngoan lẫn tránh theo người nữ nên không bắn được. Tay Xạ thủ liền bảo người đẹp lõa hình đứng trước tên tướng giặc. Tên tướng soái liền bị loạn tâm, nhân đó nhận mũi tên cuối cùng, chết ngay. Cảm cảnh này, mỹ nhân kia nói ra bài kệ:

Tuy có cung tên sắc

Chưa từng bắn một phát

Tử thương đã dãy đầy

Tại sao không hối hận?

Người xạ thủ liền đáp kệ:

Ta có cung kỳ diệu

Tâm hợp nên tay cung

Giết một, lòng vui liền

Tại sao phải ăn năn?

Ta vốn đi đường này

Vì người trừ oán hại

Không hề tiếc thân mạng

Ðể thành người dũng kiện.

Ðức Phật dạy:

- Xạ sư kia là tiền thân của Ta, đệ tử người Xạ sư là Xá-lợi-phất, 500 tên giặc là 500 Tỳ-kheo hiện nay, tướng soái giặc chính là Ðiều-đạt. Xưa kia, Xá-lợi-phất dùng tên phá bọn giặc, nay một thời thuyết pháp phá chúng của Ðiều-đạt.

Mục-kiền-liên lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, lạ lùng thay! Ðiều-Ðạt-mắng rằng: “Ác dục Tỳ-kheo” thì liền khi ấy đọa vào địa ngục, dù thân vẫn còn sống.

Ðức Phật dạy:

- Không những bây giờ mà xưa kia Ðiều-đạt cũng đã từng dùng lời ác khẩu nên đã thọ đại khổ, dù thân hiện sống.

- Chuyện xưa như thế nào, xin Ngài dạy. - Mục-liên thưa.

Ðức Phật kể:

“Thuở quá khứ, bên ao nước nơi A-lan-nhã có hai con nhạn cùng kết bạn thân với con rùa. Một thời gian sau, nước ao bị cạn dần và đến khi không còn nước, hai con nhạn bàn với nhau:

“Nay ao nước đã cạn khô, bạn thân của ta chắc bị đau khổ”.

Nghĩ đến cảnh khổ này, hai con nhạn nói với rùa:

“Nước ao đã cạn hết rồi, bạn khó sống nổi nơi này. Bạn có thể ngậm giữa cái cây, chúng tôi ngậm mỗi đứa mỗi đầu, đem bạn bay đến chỗ nhiều nước, nhưng với điều kiện, khi bạn ngậm cắn vào cây thì tuyệt đối không được nói một lời”.

Nhất trí nhau, chúng liền thực hiện nhưng khi bay ngang qua một xóm nọ, bọn trẻ con thấy cảnh vui mắt liền la ầm lên:

“Nhạn ngậm rùa bay đi! Nhạn ngậm rùa bay đi!”.

Con rùa liền nổi giận, buông miệng nói:

“Việc này có can dự gì đến bọn bay?!”.

Miệng rùa tuột ra khỏi cây, rùa rớt xuống đất chết ngay.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nhân việc này nói kệ:

Ðời sống kẻ sĩ

Búa rìu trong miệng

Sở dĩ chém mình

Do bởi lời ác

Nên chê lại khen

Nên khen lại chê

Tự nhận lấy họa

Bị khổ dài dài

Nếu giành nhau tài lợi

Ác ấy chưa phải lớn

Ác tâm hướng về Phật

Ác đây mới là to

A-phù 4có trăm ngàn

Ni-la5, ba mươi sáu

Ác ý với người hiền

Phải đọa vào địa ngục.

Ðức Phật dạy:

- Con rùa kia chính là Ðiều-đạt. Xưa kia do nói lời giận mà phải chết khổ đau, nay lại giận mắng liền đọa vào địa ngục.

Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Nếu Ta thấy ở Ðiều-đạt chỉ có một pháp thiện bằng một sợi lông thì hoàn toàn không ghi nhận Ðiều-đạt đọa vào đại địa ngục một kiếp khổ. Ví như một người bị chìm dưới hầm phân, nếu có người muốn cứu họ, mà tìm thấy có được một chỗ sạch nơi thân họ - chỉ bằng một sợi lông thôi - là có thể nắm lấy chỗ ấy kéo họ lên. Ta quán sát nơi Ðiều-đạt cũng lại như vậy.

Ðức Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

- Ta không thấy pháp nào phá hoại lòng Vô thượng đạo của con người bằng vang danh và lợi dưỡng. Ðiều-đạt sở dĩ phá Tăng là do lợi dưỡng. Ðiều-đạt thành tựu 8 điều phi pháp cho nên phá Tăng: Lợi - không lợi, khen -không khen, kính - không kính, ưa ác và nhận thức ác để làm theo.

TỪ ÐÂY ÐƯỢC NHẬN PHÒNG XÁ1

Khi đức Phật an trú tại thành Vương-xá, bấy giờ Tỳ-kheo Át-bệ2thị giả Phật. Một hôm, Át-bệ vào trong thành để khất thực. Một Trưởng giả nọ thấy hình ảnh oai nghi trong sáng, đức độ của Át-bệ đi khất thực, liền có cảm tình, đến để tận mắt chiêm ngưỡng và hỏi:

- Thầy là ai? Thầy đệ tử của ai? Xuất gia với ai? Phụng hành pháp của vị nào?

Tỳ-kheo trả lời:

- Tôi là Át-bệ, Ðại Sa-môn là thầy của tôi, tôi xuất gia với Ngài, phụng hành đạo pháp của Ngài.

- Quả là chưa từng có người nào tự toát ra oai nghi đĩnh đạc như vậy! Hóa ra là học trò của Ðại Sa-môn!

Trưởng giả khen ngợi và lại hỏi:

- Hiện nay thầy ở đâu?

Tỳ-kheo đáp:

- Tôi ở nơi A-lan-nhã, dưới cây Sơn-nham, chỗ đất trống gò mả là chỗ ở của tôi.

- Thầy trải thứ gì để ngồi?

- Tôi lấy cỏ Thi, cỏ Câu-thi, cỏ Bà-bà, cỏ Văn-nhu, cho đến lá cây, cát, đất... có thể trải ra để ngồi.

- Lại có thể sống với nếp sống thiểu dục như vậy! Quả người tu có khác!

Trưởng giả vui mừng khen ngợi, lại cung kính thưa:

- Nếu tôi vì Ðại đức làm một phòng để cho Ðại đức thọ dụng, thì Ðại đức có nhận không?

- Ðức Thế Tôn của chúng tôi chưa cho phép thọ dụng phòng xá.

- Ðại đức có thể đem vấn đề này bạch Phật, tôi cũng sẽ đích thân đến bạch Phật.

Trưởng giả đề nghị và Át-bệ im lặng chấp nhận.

Sau khi thọ trai, Át-bệ đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi thưa rõ lời đề nghị của Trưởng giả kia. Nhân việc này, trước Tăng, Ngài khen ngợi hạnh thiểu dục tri túc, khen giới, khen người trì giới, rồi bảo các Tỳ-kheo:

- Từ nay cho phép các Tỳ-kheo nhận các phòng xá của người cúng.

Sau đó, Trưởng giả kia đến hầu Phật, nghe pháp Tứ đế, Trưởng giả hiểu đạo, thọ Tam quy Ngũ giới, làm người Ưu-bà-tắc rất mực tín tâm. Nhân đó, Trưởng giả bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, con muốn cất phòng xá cúng dường các Tỳ-kheo. Xin Ngài chấp thuận.

Ðức Phật im lặng trước lời xin này. Trưởng giả vui mừng vì biết đức Phật đã chấp thuận. Ông ta đảnh lễ rồi lui về.

Không lâu sau, Trưởng giả dốc toàn bộ tiền của, công sức, chỉ trong một ngày cất xong 60 phòng xá, lại cúng dường ẩm thực cho Phật và Tăng. Cả gia quyến Trưởng giả cùng nhau lo liệu việc cúng dường, trai nghi thịnh soạn: kẻ bửa củi, người lấy nước, kẻ làm thức ăn, người rưới nước hoa trên đất, trải tòa ngồi... Tất cả đều nhộn nhịp đông vui như một ngày hội mừng Phật, mừng Tăng, mừng nhà mới.

KỲ THỌ CẤP-CÔ-ÐỘC VIÊN3

Trưởng giả Tu-đạt-đa4là người thành Xá-vệ, hằng năm thường đến thành Vương-xá thu 30 vạn tiền vàng cho người ở đây vay. Lần nào đến cũng đều có một Trưởng giả ra nghinh đón và đãi tiệc, nhưng lần này Trưởng giả Tu-đạt-đa đến thì không được Trưởng giả thành này đi đón tiếp. Tuy vậy, khi đến Vương-xá, Trưởng giả Tu-đạt-đa đến thẳng nhà ông Trưởng giả kia. Thấy ông Trưởng giả bạn tất bật lo thiết bày, mua sắm đồ ăn thức uống sang trọng, liền hỏi:

- Ông làm đám cưới, mở hội hay rước nhà vua?

- Chẳng phải làm đám cưới, mở hội, hay rước vua gì cả. - Trưởng giả thành Vương-xá trả lời.

- Không phải, tại sao sửa soạn thức ăn cao sang mỹ vị như vậy? - Trưởng giả Tu-đạt-đa lại hỏi.

- Ðức Phật ra đời có đại oai đức, các đệ tử của Ngài cũng như vậy. Ngày mai, tôi thỉnh quý ngài để cúng dường, cho nên lần này tôi không ra để nghinh đón ông được. - Trưởng giả đáp lời.

- Tôi cũng thường nghe có Phật ra đời, hiệu là Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. Người mà ông thỉnh là đức Phật sao? Hay không phải là Phật? - Trưởng giả Tu-đạt-đa hỏi.

- Chính là đức Phật. - Trưởng giả đáp.

- Hôm nay Ngài ở đâu?. - Trưởng giả Tu-đạt-đa lại hỏi.

Ông Trưởng giả kia liền để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, tay bên hữu chỉ về hướng chỗ Phật ở.

Trưởng giả Tu-đạt-đa khi biết rõ chỗ ở của Phật, lòng vui mừng phấn khởi, liền để trống vai bên hữu, vọng hướng về chỗ đức Phật trú ngụ, kính lễ ba lần.

Ðêm hôm đó, trưởng giả Tu-đạt-đa niệm danh hiệu: “Nam mô Phật”, ông ta ngủ rất ngon dù đã đi một chặng đường xa, quá mệt mỏi.

Có người Thiện tri thức đời trước của ông ta, làm một vị thần ủng hộ. Vị thần suy nghĩ: “Ta sẽ giúp ông Trưởng giả này không phải đợi qua một đêm mới thấy Phật”. Vị thần này liền khiến đêm đen sáng rực lên. Tu-đạt-đa tưởng trời đã sáng, liền thức dậy đi đến cửa thành, cửa thành liền tự mở. Khi ra khỏi cửa thành thì cửa tự đóng, bỗng nhiên trời tối lại, Tu-đạt-đa hoảng sợ, nghĩ thầm: “Vừa rồi ta đâu phải cuồng!”. Vị thần biết ý niệm đó, nói kệ:

Nay là lúc đến Phật

Mỗi mỗi bước chân đi

Lợi hơn thí ngàn vàng

Voi ngựa không sánh kịp.

Vị thần lại nói:

- Ðừng hốt hoảng, đừng sợ hãi! Cứ tiến bước, tiến bước trong giây lát sẽ thấy Phật.

Tu-đạt-đa nghe lời ấy, mọi sợ hãi đều biến mất, hăng hái bước đi, và còn từ xa đã thấy đức Thế Tôn dung nghi đặc thù, giống như núi vàng. Ðức Phật thấy ông Trưởng giả, Ngài khen:

- Lành thay, đến đây Tu-đạt-đa!

Tu-đạt-đa nghe Phật gọi, rất vui mừng, tự nhủ: “Ðức Phật lại biết luôn cả tên do cha mẹ ta đặt”. Tu-đạt-đa liền kính lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Ðức Phật vì Trưởng giả nói các pháp vi diệu, nói pháp Tứ diệu đế. Từ nơi chỗ ngồi, Trưởng giả đắc pháp thanh tịnh. Thấy pháp, đắc quả rồi, Tu-đạt-đa xin thọ Tam quy, Ngũ giới và bạch Phật:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Nguyện Phật và Tăng nhận lời mời của con, đến an cư mùa Hạ nơi thành Xá-vệ.

Trưởng giả thỉnh ba lần như vậy, đức Phật đều im lặng. Ðến lần thứ tư, Ngài bảo rằng:

- Nếu chỗ nào không có sự ồn ào, có được sự vắng vẻ, yên tịnh, không tiếng động, chư Phật mới an cư nơi đó.

Ông Trưởng giả bạch Phật:

- Con đã hiểu lời dạy của Thế Tôn. Xin Ngài sai một Tỳ-kheo, người có kinh nghiệm trong việc thiết lập tinh xá cùng đi với con.

- Nay ông muốn vị nào cùng đi? - Ðức Phật hỏi.

- Con muốn nhờ tôn giả Xá-lợi-phất. - Trưởng giả thưa.

Ðức Phật liền bảo tôn giả:

- Thầy có thể đến đó làm người chỉ dẫn thiết lập trú xứ Tăng.

Xá-lợi-phất phụng hành lời Phật dạy

Sáng hôm sau, Trưởng giả thành Vương-xá đến bạch Phật:

- Thức ăn đã sửa soạn xong, xin chư Thánh đến thọ trai.

Ðức Phật cùng Tỳ-kheo Tăng mặc y, bưng bát, kẻ trước người sau vây quanh Phật đến nhà Trưởng giả kia. Theo thứ lớp, các vị ngồi vào tòa ngồi. Ông Trưởng giả tự tay sớt thức ăn. Ðức Phật và chư Tăng thọ trai xong ông Trưởng giả bạch Phật:

- Kính bạch đức Thế Tôn, con xin dâng cúng ngôi vườn và phòng xá này cho Tứ phương Tăng.

Ðức Phật im lặng nhận lời. Biết đức Phật đã nhận rồi, Trưởng giả lấy một chiếc ghế nhỏ ngồi đối diện với Phật. Ðức Phật tùy hỷ, vì ông nói kệ chú nguyện:

Vì ngăn gió, nóng, lạnh

Và ngừa các ác thú

Che mưa, sương và bụi

Cùng trừ nạn muỗi mòng

Cúng dường người trì giới

Tọa thiền, thuyết, tụng pháp

Ai nghe hiểu nghĩa này

Trừ hết các gốc khổ.

Sau đó, Ngài nói các pháp mầu, chỉ bày điều lợi ích, điều hoan hỷ an vui. Ngài và Tăng trở về trú xứ.

Ngày ấy, Trưởng giả Tu-đạt-đa đưa Xá-lợi-phất lên đường trở về thành Xá-vệ. Qua các thành thị, xóm làng, nơi nào Trưởng giả cũng loan báo cho mọi ngời biết rằng:

- Ðức Phật ra đời, có đại oai đức, các đệ tử của Ngài cũng như vậy. Tôi đã thỉnh Ngài an cư nơi thành Xá-vệ. Các người, nơi đâu cũng phải sửa soạn nhà cửa, tu bổ đường sá và cầu đò, chuẩn bị tốt mọi thứ để đón đức Thế Tôn.

Nhân dân các xóm làng ấy nghe lời rao bảo như vậy, biết đức Phật sẽ đi qua nơi mình đang sống nên rất vui mừng, thực hiện lời rao bảo trên một cách cung kính.

Khi về đến Xá-vệ, Trưởng giả nghĩ: “Nơi nào là chỗ tốt nhất để cất tinh xá đây? Trong thành này chỉ có vườn cây ăn trái quý giá của Kỳ-lâm đồng tử 5, nơi đây lại có cảnh trí tươi đẹp, nguồn nước thanh khiết, có suối róc rách quanh năm, có ao tắm, có hoa thơm cỏ lạ. Nói khác hơn, phong cảnh tịch mịch, hoàn thiện. Ta nên hỏi mua chỗ này để lập tinh xá cho Phật và Tăng”.

Thực hiện ý nghĩ, Trưởng giả đến sở hữu chủ vườn cây đặt vấn đề mua lại. Kỳ-lâm đồng tử bảo:

- Nếu Trưởng giả dùng tiền vàng trải khắp diện tích đất vườn, không sót một nơi nào thì tôi mới thuận cùng ông trao đổi việc sang nhượng.

Trưởng giả thực hiện ngay lời thách này, liền hạ lệnh đem tiền vàng trải khắp đất vườn Kỳ-lâm... Kỳ-lâm đồng tử bảo:

- Thử chơi vậy thôi, chứ tôi đâu có muốn trao đổi, mua bán gì!

- Ðiều kiện ông tự đặt ra, nó trở thành lời cam kết giá trị, sao lại hối tiếc để biến thành kẻ thất tín. Coi sao được?!

Hai bên giằng co, tranh cãi mãi, cuối cùng phải đưa đến cửa quan. Cửa quan y theo pháp luật hiện hành mà xử. Tu-đạt-đa thắng kiện. Kỳ-lâm đồng tử hỏi Tu-đạt-đa:

- Vì lý do gì mà ông không tiếc vàng bạc để mua khu vườn này với giá như vậy?

Trưởng giả như được cơ hội, liền thuyết:

- Ðức Phật ra đời, có đại oai đức, các đệ tử của Ngài cũng như vậy. Tôi đã mời Ngài an cư nơi đây, do đó tôi trút hết gia tài cũng không hề nuối tiếc.

Kỳ-lâm đồng tử nghe thế liền bảo:

- Nếu để tôi đặt tên vườn là Kỳ Viên tinh xá thì tôi sẽ thỏa thuận. Như vậy tôi xin cúng hết số cây có ở trong vườn.

- Tốt! Tôi thuận với tên vườn ông đặt. - Tu-đạt-đa đáp lời.

Sau khi thỏa thuận, Trưởng giả Tu-đạt-đa ra lệnh chính thức trải tiền vàng lên diện tích đất vườn, chừa các gốc cây. Tôn giả Xá-lợi-phất đo đạt, giăng dây, đóng cọc, thực hiện đúng bản vẽ của một con người trí tuệ siêu phàm.

Khu vườn Kỳ-lâm bây giờ lại có giá trị khác, giá trị của một tinh xá, có lối đi kinh hành, có nhà Tăng, nhà ôn hòa, có giảng đường, nhà tắm và phòng xá khác,... không thiếu một phương tiện nào cho mọi sinh hoạt, nhằm đáp ứng sự tu học của Tăng nói riêng, cho bốn chúng nói chung.

Khu vườn lịch sử ấy, kinh điển ghi rõ là Kỳ thọ Cấp-cô-độc Viên.

ÐỪNG TẠO MÂU THUẪN

Bấy giờ, La-hầu-la đến tụ lạc Na-la6, ở đây có người Ưu-bà-tắc thân tín cất cho La-hầu-la một tịnh thất để ở. Khi cất xong, La-hầu-la có duyên sự nhỏ nên du hành nhân gian.

Không bao lâu, A-nan lại đến tụ lạc này, người Ưu-bà-tắc đó lại đem tịnh thất ấy cúng cho tôn giả A-nan. Khi La-hầu-la trở về, bảo A-nan đi tìm chỗ khác, A-nan nói:

- Trước kia, tuy người ta cúng cho thầy, nhưng thầy lại ra đi. Sau đó người ta cúng cho tôi thì phòng này thuộc về tôi.

Ðể làm rõ việc này, hai vị đến hỏi người Ưu-bà-tắc kia, người Ưu-bà-tắc trả lời:

- Tuy trước kia tôi cúng cho La-hầu-la, nhưng vì La-hầu-la ra đi, nên sau đó tôi cúng cho A-nan.

Các Tỳ-kheo Trưởng lão biết sự thể như thế nên bạch Phật, Ngài tập hợp Tỳ-kheo Tăng và bảo:

- Không những đời này mà xưa kia Ưu-bà-tắc này cũng làm như vậy.

- Bạch Thế Tôn, chuyện xưa kia như thế nào? Xin Ngài dạy. - Các Tỳ-kheo hỏi.

Ðức Phật kể:

“Thuở quá khứ có một nhà vua tên là Ba-lâu. Trong cương giới của vua này có hai vị tiên: một tên là La-hầu-la, ưa tọa thiền; một tên là A-nan, đa văn, vô úy. Vua Ba-lâu trước đó rất kính trọng La-hầu-la nên cất một cái phòng cúng cho vị tiên này. Phòng làm xong thì La-hầu-la đi vào nhân gian du hành. Sau đó, A-nan lại đến, nhà vua cũng rất kính trọng nên đem cái phòng đó cúng cho A-nan. Khi La-hầu-la trở về, bảo A-nan đi tìm chỗ khác và nói:

“Phòng này là của tôi”.

A-nan cũng bảo:

“Phòng này là của tôi”.

Cả hai cùng đến chỗ vua để hỏi xem vua quyết định cái phòng thuộc về ai. Nhà vua nói:

“Tuy lúc trước tôi cúng cho La-hầu-la, nhưng vì La-hầu-la bỏ đi nên sau đó tôi mới cúng cho A-nan. Vậy nay phòng này thuộc về A-nan ”.

Lúc bấy giờ, các Thiên, Long, Quỷ, Thần đều nói:

“Nhà vua này làm việc phi pháp, tại sao đã cúng cho La-hầu-la rồi, sau lại cúng cho A-nan? Chúng ta sẽ phá hoại quyến thuộc của nhà vua”.

Họ liền cùng nhau đến cung vua, dùng đá ném, đánh, giết hại quyến thuộc nhà vua. Nhân việc này, đức Phật nói kệ:

Vua cúng không trước sau

Tiên nhơn cùng tranh cãi

Làm cho quỷ thần giận

Chuốc hại quyến thuộc mình

Nếu hành xử tùy ái

Không được người trí khen

Do vậy nên xả ái

Hoan hỷ nói đúng nghĩa.

Ðức Phật dạy:

- Tiên nhơn La-hầu-la xưa kia, nay là La-hầu-la. Tiên nhơn A-nan ngày trước bây giờ là A-nan. Quốc vương trước kia, nay là Ưu-bà-tắc.

Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Từ nay không cho phép nhận phòng mà trước đó đã cúng cho người khác.

NĂM THỨ THUỘC TỨ PHƯƠNG TĂNG

Lúc bấy giờ đức Phật cùng đại Tỳ-kheo Tăng 1.250 vị trong nước Câu-tát-la, lên đường du hành nhân gian, đến ấp Ngật-la-ngật-liệt. Nơi ấp này có năm Tỳ-kheo cựu trú, nghe Phật cùng đại chúng sắp đến ấp, bàn thảo rằng:

- Trong chúng của Phật có Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, chắc chắn sẽ gây não chúng ta. Chúng ta có thể phân chia phòng xá, ngọa cụ, vườn cây ăn trái trong trú xứ này thành năm phần để thuộc quyền sở hữu riêng của mỗi chúng ta. Ðừng để các động sản và bất động sản này thuộc sở hữu Tứ phương Tăng.

Họ thực hiện việc phân chia.

Ngày ấy, đức Phật và đại Tăng đến trú xứ, các Tỳ-kheo bảo Tỳ-kheo cựu trú:

- Các thầy mở cửa phòng, trải ngọa cụ để chúng tôi có chỗ tạm nghỉ. Năm Tỳ-kheo nói:

- Ðức Phật là vị Pháp chủ, mở cửa phòng hạng nhất mời Ngài ở. Ngoài ra, mọi phòng ốc chúng tôi đã phân chia thành tư hữu cả rồi, không thuộc của Tăng. Quý vị có thể vào trong xóm làng, tùy theo sự quen biết mà tìm chỗ ở.

Trước sự từ chối cung cấp chỗ ở, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên đêm ấy, đành ngủ nhờ ngoài hiên căn phòng đức Phật nghỉ. Sáng ra, nhân việc này đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo:

- Có năm thứ thuộc Tứ phương Tăng, không được quyền chiếm đoạt làm tư hữu, không được quyền bán, không được chia chát. Năm thứ ấy là:

1-Ðất đai trú xứ.

2-Phòng xá.

3-Vật cần dùng của Tăng.

4-Cây ăn trái.

5-Hoa quả.

Tất cả những thứ này, các Sa-môn Thích tử đều có phần trong đó. Ai chiếm đoạt làm tư hữu, bán hay phân chia đều phạm tội Thâu-lan-giá.

SỰ GIÁO HÓA HIẾM THẤY1

Bấy giờ, bốn vị Thanh văn: Ca-diếp, Mục-liên, A-na-luật, Tân-đầu-lô cùng nhau bàn định rằng: “Hiện nay trong thành Vương-xá có một số người không tin ưa Phật, Pháp, Tăng. Chúng ta nên cùng nhau khiến thế nào để cho họ có lòng tin kính Tam bảo”.

Bàn định như vậy rồi, các vị liền quan sát khắp gần xa, chỉ thấy có Trưởng giả Bạt-đề và người chị của ông ta không tin ưa Phật, Pháp, Tăng. Ba vị Thanh văn nói:

- Không lẽ chỉ giáo hóa Bạt-đề không thôi?!

- Có thể giáo hóa chị của Bạt-đề nữa. - Tân-đầu-lô nói.

Nhà ông Trưởng giả Bạt-đề có bảy lớp cửa, có ba bộ kỷ. Khi muốn ăn, họ cho đóng bảy lớp cửa và mỗi thức ăn đặt trên một bộ kỷ. Khi ông Trưởng giả ăn thì A-na-luật liền đứng ngay trước mặt xin. Ông Trưởng giả hỏi:

- Ông từ đâu vào được đây?

- Tôi vào từ cửa. - A-na-luật đáp.

Ông Trưởng giả hỏi người giữ cửa:

- Tại sao ngươi cho người ăn xin vào?

- Cửa đóng chặt như thường lệ, không thấy có ai vào đây cả. - Người giữ cửa trả lời.

Ông Trưởng giả liền lấy một miếng bánh mè để vào trong bát và nói:

- Ði đi! Ông có vật này để ăn rồi.

A-na-luật nhận thức ăn, liền đi...

Vào bữa cơm sau, Ca-diếp lại đứng trước Trưởng giả khất thực (hỏi và trả lời như trước). Ông Trưởng giả lại hỏi người giữ cửa:

- Tại sao ngươi cố ý cho Sa-môn vào nhà ta?

- Cửa đóng như thường lệ, chẳng thấy ai vào cả, thưa Trưởng giả. - Người giữ cửa thưa.

Ông Trưởng giả lại lấy một miếng cá bỏ vào trong bát và bảo:

- Ði đi! Ông có vật này để ăn rồi.

Sau khi Ca-diếp đi, vợ ông Trưởng giả hỏi:

- Ý ông thế nào? Cứ ngỡ rằng Tỳ-kheo này không thể có được thức ăn nên mới đến đây xin phải không?

- Chính như vậy. - Ông Trưởng giả trả lời vợ.

- Ông có biết vị Tỳ-kheo ngày hôm qua là ai không? - Người vợ hỏi.

- Không biết. - Ông Trưởng giả trả lời.

- Ông ấy tên là A-na-luật, con dòng họ Thích, bỏ cung điện ba mùa, bỏ thú vui ngũ dục, xuất gia học đạo đó ông ơi!

Người vợ đáp lời, rồi lại nói:

- Ông có biết Tỳ-kheo hôm nay là ai không?

- Không biết. - Người chồng đáp.

- Vị ấy là con dòng họ lớn Tất-ba-la-diên Ma-nạp, bỏ 990 mẫu ruộng, nhà cửa, trâu, bò xuất gia học đạo, dũ lòng thương đối với ông cho nên đến xin thức ăn đấy, ông biết không? - Người vợ nói.

Ông Trưởng giả nghe vợ nói, trong lòng kính phục. Ngay khi ấy, Mục-kiền-liên bay lên hư không, vì Trưởng giả nói pháp, chỉ bày sự lợi ích, sự hoan hỷ... Nghe pháp, ông Trưởng giả liền từ chỗ ngồi xa trần lìa cấu, được con mắt pháp trong sạch. Thấy pháp, đắc quả rồi, thọ Tam quy, Ngũ giới. Từ đó về sau, ông Trưởng giả thường cúng dường cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và các ngoại đạo. Sau đó, ba vị Thanh văn nói với Tân-đầu-lô rằng:

- Chúng tôi đã giáo hóa được Trưởng giả Bạt-đề kính tin Phật pháp rồi, nay đến phiên thầy giáo hóa bà chị của ông ta.

Nhận sự phân công, vào buổi sáng, Tân-đầu-lô mặc y bưng bát vào thành khất thực, theo thứ tự đến nhà bà chị của Trưởng giả Bạt-đề. Lúc ấy, chị ông Trưởng giả tự tay đóng bánh, bỗng nhiên thấy Tân-đầu-lô, bà liền cúi đầu nhắm mắt. Tân-đầu-lô nhất tâm nhìn vào bình bát. Bà ta bèn nói:

- Quyết không cho một thứ gì! Ông có chú tâm nhìn vào bát cũng chỉ uổng sức mà thôi.

Tân-đầu-lô làm thân tuôn ra khói. Bà ta nói:

- Cả thân tuôn ra khói cũng mặc. Không cho là không cho.

Tân-đầu-lô làm thân tuôn ra lửa. Bà ta lại nói:

- Cả thân lửa bùng cháy cũng thừa, cương quyết không cho ông thì dứt khoát không cho.

Tân-đầu-lô liền bay lên hư không. Bà ta nói:

- Có bay lên hư không cũng mặc, đã không cho là dứt khoát không cho, thử ông làm gì nào?

Tân-đầu-lô bèn lộn nhào trong hư không. Bà ta nói:

- Có nhào lộn tới đâu cũng quyết chí không cho là không cho.

Tân-đầu-lô nghĩ: “Ðức Thế Tôn không cho phép ta cưỡng bức để xin cho bằng được”, bèn ra đi. Nhưng cách thành Vương-xá không xa có một tảng đá lớn, Tân-đầu-lô ngồi trên đó, rồi kẹp tảng đá bay vào thành Vương-xá. Người trong thành thấy đều hết hồn, hết vía, sợ tảng đá rớt xuống là xong đời, mọi người vội vã chạy trốn. Bay đến nhà chị ông Trưởng giả, Tân-đầu-lô cho tảng đá lững lờ trên nhà bà ta. Bà ta thấy tảng đá như sắp rơi trên người bà, thất kinh hồn vía, tóc lông dựng ngược, bà ta vòng tay thưa:

- Xin ngài tha mạng cho con, đem tảng đá về chỗ cũ, con xin cúng cho ngài.

Tân-đầu-lô liền đem tảng đá để vào chỗ cũ rồi trở lại đứng trước nhà bà ta. Chị ông Trưởng giả lại có ý nghĩ: “Ta không thể cho cái bánh lớn, nên làm cái bánh nhỏ để cho”. Bà ta liền viên tròn cái bánh còn chút xíu, nhưng cái bánh lại biến thành rất lớn. Ba lần như vậy, bánh nhỏ đều biến thành bánh lớn. Bà ta lúng túng nghĩ: “Ta muốn làm cái bánh nhỏ thì nó lại thành cái bánh lớn. Thôi thì cứ lấy đại một cái mà cho họ”. Bà ta lấy một cái, thì liền tù tì các bánh còn lại dính theo, đến nỗi cái thẩu đựng bánh cũng dính theo bánh. Bà ta cầm cái thẩu lại, thì tay bà cũng dính luôn vào thẩu. Rất khó chịu, bực tức, bà nói với Tân-đầu-lô rằng:

- Ông cần bánh, tôi cho hết bánh, kể cả cái thẩu tôi cũng không tiếc. Cớ sao ông lại cần tôi để làm gì, đến nỗi tay tôi cũng dính chặt vào thẩu?!

- Tôi không cần bánh, lẫn thẩu; cũng không cần bà. Chúng tôi bốn người đã cùng bàn định giáo hóa bà và em của bà. Ba vị kia đã giáo hóa được em của bà rồi. Nay tôi giáo hóa bà, nên tôi phải mượn cách mầu nhiệm như vậy mà thôi! - Tân-đầu-lô nói rõ như thế.

- Vậy bây giờ ông muốn tôi thực hiện việc gì? - Bà chị Trưởng giả hỏi.

- Tôi muốn chị em bà có thể đưa số bánh này đi theo tôi đến cúng dường Phật và Tăng. - Tân-đầu-lô yêu cầu như thế.

Bà ta liền cho chở bánh đi theo Tân-đầu-lô. Tân-đầu-lô biến hóa con đường đi ngang qua ngõ nhà mọi người, khiến cho ai cũng thấy sự giáo hóa này. Khi đến chỗ đức Phật, tự tay bà sắp bánh cúng dường Phật và 1.250 Tỳ-kheo. Tất cả các vị đều thọ dụng đầy đủ, song cũng không hết số bánh bà đem đến cúng. Số bánh còn lại, bà mang đến chỗ Phật, thưa:

- Con đã cúng dường và chư Tăng đã thọ dụng đầy đủ cả rồi. Chỗ bánh dư này nên để chỗ nào?

Ðức Phật bảo:

- Có thể để nơi chỗ đất trống không có cỏ sống, hay bỏ vào chỗ nước không có trùng.

Bà chị Trưởng giả đem số bánh dôi ra đổ vào nước không có trùng, nước sôi sùng sục như sắt nóng bỏ vào trong nước. Bà hoảng sợ, rợn cả tóc gáy. Quay trở lại chỗ Phật, bà đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi lui qua một bên. Ðức Phật vì bà nói các pháp nhiệm mầu. Bà đắc pháp, thọ Tam quy, Ngũ giới, cúng dường tứ chúng, cầu đạo như người em của mình.

Việc hiện thần túc để giáo hóa, khi đưa ra trước Tăng, Tân-đầu-lô bị đức Phật quở trách. Ngài bảo các Tỳ-kheo:

- Từ nay không cho phép hiện thần túc. Nếu thị hiện thì phạm tội Ðột-kiết-la.

MƯỜI MỘT ÐIỀM MỘNG

Ðức Phật lúc bấy giờ ở nước Câu-tát-la, cùng với 1.250 Tỳ-kheo du hành nhân gian, đến xóm làng Ðô-di của Bà-la-môn trải tòa ngồi nghỉ dưới cây Sa-la cạnh bên đường. Khi ấy đức Phật mỉm cười, A-nan nghĩ đức Phật mỉm cười chắc có nhân duyên, để trống vai bên hữu, quỳ gối thưa hỏi Phật, đức Phật dạy:

- Này A-nan! Thuở quá khứ, có ông vua tên là Cấm Mị. Con gái vua khi sanh ra, trên thân đã đeo sẵn một tràng hoa bằng vàng. Nhà vua triệu tập quần thần thảo luận việc đặt tên cho công chúa. Quần thần đều có ý kiến nên hỏi thầy tướng Bà-la-môn. Thầy tướng được triệu vời. Sau khi xem xét mọi hiện tượng, thầy tướng Bà-la-môn bảo: “Công chúa khi sanh ra, thân đã đeo sẵn tràng hoa bằng vàng, với đặc điểm này nên đặt tên cho công chúa là Ma-lê-ni”. Nhà vua rất bằng lòng với tên gọi này và sự nuông chiều yêu dấu của vua đối với con gái thật vô bờ. Ðể hầu hạ con mình, nhà vua cho tìm hiểu trong nước xem bé gái nào sanh ra đúng ngày với con mình thì cho lập danh bộ đưa vào cung nuôi dạy, làm người sai khiến hầu hạ. Cả nước có đến 500 bé gái như vậy, trở thành người của nhà vua.

Khi tuổi đã lớn khôn, Ma-lê-ni được lệnh của vua cha thường phải cúng dường 500 Bà-la-môn mà vua cha tôn trọng cúng dường. Nhà vua nói với con gái rằng:

- Con nên như cha, hằng ngày nấu 500 nồi canh theo sở thích của quý vị mà cúng dường.

Ma-lê-ni vâng lời cha thực hiện việc cúng dường 500 Bà-la-môn rất trọng hậu. Sau mỗi bữa cúng dường, Ma-lê-ni cùng 500 người nữ thị tùng ngồi xe tứ mã dạo chơi các viên quán. Từ vườn này đến vườn kia, thăm thú hết cảnh quan này đến cảnh quan khác, và ngày nào cũng như ngày nào...

Bấy giờ, đức Phật Ca-diếp đang ở trong một khu vườn. Khi người đánh xe đưa Ma-lê-ni đến ngôi vườn này thì anh ta liền cho quay xe lại, không vào. Ma-lê-ni hỏi:

- Trong quốc giới của ta, không vườn nào là không vào. Tại sao ngươi thường lãng tránh ngôi vườn này?

- Trong vườn này có một Sa-môn đầu trọc tên là Ca-diếp, tôi không muốn thấy ông ta nên không vào. - Người đánh xe đáp.

- Sa-môn Ca-diếp đâu có dính dáng gì đến việc của ngươi. Ngươi có thể quay xe lại, vào trong vườn này thử xem sao! - Ma-lê-ni bảo người đánh xe.

Người đánh xe quay xe lại, vào vườn. Xe đến cuối đường, Ma-lê-ni xuống xe đi vào sâu trong vườn. Từ xa, Ma-lê-ni đã trông thấy Phật Ca-diếp dung nhan vô cùng rực rỡ, chẳng khác nào một núi vàng. Hình ảnh này đã khiến Ma-lê-ni vô cùng hoan hỷ, liền đến trước Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân rồi đứng qua một bên. Ðức Phật vì Ma-lê-ni nói các diệu pháp, chỉ bày sự lợi ích, niềm vui và sự an lạc. Nhận thức được pháp, Ma-lê-ni liền đắc quả, rồi thọ Tam quy, Ngũ giới. Ma-lê-ni đảnh lễ, nhiễu quanh Phật rồi ra về.

Từ ngày được gặp đức Phật Ca-diếp, Ma-lê-ni có nhiều thay đổi về nhận thức. Có nhiều suy nghĩ về 500 Bà-la-môn kia. Vấn đề được công chúa Ma-lê-ni đặt ra là: “Hằng ngày cúng dường 500 nồi canh cho 500 Bà-la-môn là sự cúng dường không đúng chỗ, không phải là phước điền, họ không nên nhận của thí. Ta nên cúng dường thức ăn tốt cho đức Phật Ca-diếp. Ðây là phước điền ta đã cảm nhận ra như vậy”.

Khi các Bà-la-môn nghe Ma-lê-ni làm đệ tử Phật Ca-diếp, lại dùng thức ăn ngon để cúng dường đức Phật Ca-diếp thì họ sinh lòng đố kỵ. Họ họp lại thảo luận sôi nổi và đề nghị: “Chúng ta phải tìm mọi phương cách để giết chết người con gái phản phúc này”.

Cũng trong thời gian ấy, vào một đêm vua Cấm Mị ngủ thấy 11 điềm mộng:

1-Mộng thấy cây dài bốn ngón tay lại có hoa.

2-Mộng thấy hoa liền thành trái.

3-Mộng thấy con bò con thì cày, con bò lớn thì đứng xem.

4-Mộng thấy ba cái chõ đều nấu cơm. Hai chõ ở hai bên, cơm sôi nhảy vào nhau mà không rơi vào cái chính giữa..

5-Mộng thấy con lạc đà có hai đầu ăn cỏ.

6-Mộng thấy con ngựa mẹ bú con ngựa con.

7-Mộng thấy cái bát vàng vận hành giữa hư không.

8-Mộng thấy nước tiểu con cáo hoang đựng trong cái bát bằng vàng.

9-Mộng thấy con khỉ đột ngồi trên cái giường vàng.

10-Mộng thấy đem bán cái đầu bò bằng Chiên-đàn mà giống như cỏ mục.

11-Mộng thấy trong vũng nước, xung quanh trong, chính giữa đục.

Sáng ngày, nhà vua triệu tập quần thần, nói lại 11 điềm mộng rồi hỏi ý kiến:

- Những điềm mộng ấy có ý nghĩa như thế nào?

Quần thần đều nói:

- Nên hỏi ý kiến thầy tướng Bà-la-môn.

Nhà vua cho triệu vời thầy tướng Bà-la-môn đến hỏi. Họ liền nảy ra ý nghĩ: “Chúng ta định giết người nữ này thì đây là cơ hội tốt”. Họ liền tâu với nhà vua rằng:

- Những điềm chiêm bao ấy đều không tốt, là dấu hiệu bị mất nước, hoặc phải mất mạng.

Nhà vua hỏi:

- Có cách nào để tránh khỏi tai ương này không?

- Tâu bệ hạ, có! Nhưng khốn nổi nhà vua quá thương yêu mà không nỡ hy sinh, nên không thể thực hiện được. - Thầy tướng Bà-la-môn tâu.

- Cứ thẳng thắn nói ra. - Nhà vua bảo.

Thầy tướng tâu:

- Tâu bệ hạ, voi... của nhà vua, ngựa... của nhà vua, đại thần... của nhà vua, Ðại Bà-la-môn.. của nhà vua dẫn 500 bò đực, 500 trâu nước, 500 trâu nghé cái, 500 trâu nghé đực, 500 con dê đen, 500 con dê sức lực, vương nữ Ma-lê-ni và 500 người con nuôi, sau bảy ngày - nơi ngã tư đường - giết hết để tế Thiên thần, thì tai ương này có thể tiêu trừ, nếu không thì cái họa này không thể nào tránh khỏi.

Nhà vua nghe rồi cả tin, liền ra lệnh chuẩn bị. Riêng con gái mình, sau khi nói rõ sự việc, lại cho phép trong vòng sáu ngày tùy ý làm theo sở nguyện. Ma-lê-ni tâu với vua cha:

- Con không hề sợ chết, nhưng xin được làm theo ý nguyện:

·Ngày thứ nhất cùng nhân dân nam nữ, lớn nhỏ trong thành đến chỗ Phật Ca-diếp. (Nhà vua chấp thuận, tức khắc ra lệnh toàn dân trong thành đến chỗ Phật Ca-diếp. Ðức Phật vì họ nói các pháp nhiệm mầu, chỉ bày sự lợi ích để họ được vui mừng... Sau khi nghe pháp, họ đều đắc quả, thọ Tam quy, Ngũ giới).

·Ngày thứ hai, xin được cùng đại thần của vua đến chỗ Phật Ca-diếp.

·Ngày thứ ba, xin cùng với các vương tử đến chỗ Phật Ca-diếp.

·Ngày thứ tư, xin cùng với vương nữ đến chỗ Phật Ca-diếp.

·Ngày thứ năm, xin cùng với thể nữ đến chỗ Phật Ca-diếp.

·Ngày thứ sáu, xin cùng với vua cha đến chỗ Phật Ca-diếp.

Nhà vua đều thuận cho và tất cả đều thấy pháp đắc quả, thọ Tam quy, Ngũ giới như lời nguyện đầu.

Nhà vua đắc quả rồi, đem 11 điềm mộng thưa hỏi Phật Ca-diếp:

- Bạch Thế Tôn, những điềm mộng ấy có báo ứng như thế nào?

Ðức Phật dạy:

- Mười một điềm chiêm bao này thuộc về đời sau, chứ không phải đời này:

- Mộng thấy cây còn nhỏ mà sanh hoa là đời sau có đức Phật ra đời chỉ sống 100 tuổi, gọi là Thích Ca Mâu Ni Như Lai, Ứng Cúng Chánh Ðẳng Giác. Khi ấy, người 30 tuổi đều đã bạc đầu.

- Mộng thấy hoa liền thành trái, là bấy giờ người mới 25 tuổi đã sanh con.

- Mộng thấy con bò con cày, bò lớn lại đứng nhìn, là lúc ấy người trẻ thống lãnh việc nhà, cha mẹ không được tự tại.

- Mộng thấy ba nồi đều nấu cơm, nồi hai bên cơm sôi nhảy vào nhau mà không rơi vào nồi ở giữa, là khi ấy người giàu cùng nhau ban ân giúp đỡ giữa họ mà người nghèo không nhận được.

- Mộng thấy con lạc đà hai đầu ăn cỏ, là khi ấy quần thần của nhà vua đã hưởng bổng lộc của quốc vương mà lại ăn cắp vật của dân.

- Mộng thấy con ngựa mẹ lại bú con ngựa con, là khi ấy con gái đã có chồng rồi, người mẹ lại đến cầu thực nơi con gái.

- Mộng thấy cái bát vàng vận hành giữa hư không, là khi ấy mưa không đúng thời tiết, cũng không khắp cùng.

- Mộng thấy nước tiểu con cáo hoang ở trong bát vàng, là khi ấy nhân dân chỉ chọn người giàu m�� kết hôn, chứ không chọn người có bổn tánh.

- Mộng thấy con khỉ đột ngồi trên giường vàng là khi ấy quốc vương dùng phi pháp cai trị, bạo ngược, vô đạo.

- Mộng thấy đem bán cái đầu bò bằng Chiên-đàn mà giống như cỏ mục, là khi ấy Sa-môn dòng họ Thích tham lợi dưỡng nên cùng bạch y nói pháp.

- Mộng thấy trong vũng nước ở giữa đục, xung quanh trong, là khi ấy Phật pháp ở trung tâm bị tiêu diệt trước, nơi ven biên cương lại thịnh.

Ðức Phật dạy:

- Mười một điềm mộng của vua thấy là như vậy, chẳng có gì bất tường cho bản thân của đại vương.

Nhà vua liền từ chỗ ngồi ra lệnh cho quần thần rằng:

- Những phẩm vật dùng để tế trời, thần hãy mang đem bố thí khắp, chẳng có việc gì phải lo sợ. Từ nay ta thà tự mất mạng chứ không cố ý sát sanh, huống nữa lại bảo giết người. Không cố ý làm tổn thương loài kiến, loài trùng, huống là làm tổn thương con gái và mọi người.

Ðức Phật bảo tôn giả A-nan:

- Ðức Phật Ca-diếp sau khi Nê-hoàn, nhà vua Cấm Mị vì Ngài xây tháp bằng vàng, bạc, dọc ngang nửa do-tuần, cao một do-tuần, thêm vào tháp là những viên ngói bằng vàng, bằng bạc xen lẫn nhau, hiện nay vẫn còn trong lòng đất.

Ðức Phật liền bước ra chỉ cho Tứ chúng thấy rõ vị trí tháp và toàn thân xá-lợi của Phật Ca-diếp, nghiễm nhiên vẫn như cũ. Nhơn việc này, đức Phật lấy một nắm đất rồi nói kệ:

Tuy được Diêm-phù-đàn2

Trăm ngàn lợi kim bảo

Không bằng một nắm đất

Vì Phật, xây bảo tháp.

Chỉ bảo xong, trở lại chỗ cũ, đức Phật lấy bốn nắm bùn trát lên chỗ đất mà ngay phía bên dưới, ngầm trong lòng đất là ngôi tháp của Phật Ca-diếp. Một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo, mỗi vị cũng lấy bốn nắm bùn trát lên chỗ đất ấy. Và tại chỗ đống bùn này, sau đó, các Tỳ-kheo xin phép Phật xây một ngôi tháp lên đó. Ðức Phật cho phép và đây là ngôi bảo tháp đầu tiên được xây trên cõi Diêm-phù-đề này.

TIỀN KIẾP CỦA TÔN GIẢ XÁ-LỢI-PHẤT

Bấy giờ, tôn giả Xá-lợi-phất bị bệnh phong, thường dùng trái Ha-lê-lặc để chữa trị. Ngày ấy, Cù-già-ly là cấp bậc Thượng tọa, đến chỗ ở của Xá-lợi-phất, bảo tôn giả đi chỗ khác, nhường chỗ cho Thượng tọa. Xá-lợi-phất liền nhường chỗ nhưng khi đi để quên lại trái Ha-lê-lặc. Cù Gia Ly thấy thế, nói với các Tỳ-kheo:

- Ðức Thế Tôn khen ngợi Xá-lợi-phất là thiểu dục tri túc, nay lại cất chứa đồ ăn, còn chúng ta không làm việc này.

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe lời ấy liền suy nghĩ: “Tại sao nay vì một việc nhỏ, ta lại bị cơ hiềm!”. Xá-lợi-phất lấy trái Ha-lê-lặc quăng đi. Các Tỳ-kheo nói:

- Ðại đức bị chứng hoạn phong, cần dùng trái Ha-lê-lặc để chữa trị. Nó là vị thuốc, nên lượm lại để dùng.

Xá-lợi-phất nói:

- Do một vật nhỏ lại khiến cho đồng phạm hạnh cơ hiềm đến như thế. Tốt hơn là quăng đi, mà đã quăng rồi thì cớ gì phải lượm lại?!

Các Tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy:

- Xá-lợi-phất, không những đời này hành động như vậy, mà thuở quá khứ cũng từng như vậy. Thuở ấy, có một con Hắc xà cắn một con bò nghé, rồi chui vào trong bộng cây. Có một thầy chú thuật dùng thần chú “Cổ Dương” (dê đen) phù phép cho con rắn ra khỏi bộng cây, nhưng Hắc xà không ra. Thầy chú thuật bèn đốt lửa trước con bò nghé để làm phép, hóa thành gió lửa bay vào trong bộng cây đốt nóng con Hắc xà. Chịu không nổi sức nóng, Hắc xà bò ra khỏi bộng cây. Con dê dùng sừng hất con rắn để trước mặt chú thuật sư. Chú thuật sư nói:

“Ngươi liếm lại nọc độc, bằng không ta quăng vào trong lửa”.

Hắc xà liền nói kệ:

“Ta đã nhả độc này

Nhất định không liếm lại

Nếu có phải bị chết

Chấm dứt mạng này thôi!”

Dứt khoát, Hắc xà không thu lại độc của mình, liền phóng vào lửa.

Ðức Phật dạy:

- Lúc ấy là Hắc xà, nay là Xá-lợi-phất. Xưa kia chấp nhận cái chết khổ đau chứ không thu lại nọc độc, huống nay lại thu lượm lại thuốc đã vứt đi. Từ nay ta cho phép các Tỳ-kheo chứa thuốc để dùng trị bệnh.

Sự cất dành thuốc về sau có quy định mức độ.

VÀO NHÀ KHÔNG NHỚ LỐI RA1

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo khất thực hơi đãng trí, lại không hệ niệm. Ngày nọ, đi khất thực, Tỳ-kheo vào trong nhà người, lại không nhớ lối ra. Ði tìm lối ra thì lại lạc vào một nơi có người đàn bà nằm ngửa, thân thể lõa lồ. Tỳ-kheo thất kinh, vội vã thoát nhanh ra khỏi nhà không bằng cửa chính. Ngay lúc ấy, tình cờ người chủ nhà cũng vừa về, nhìn thấy nét mặt hốt hoảng, sợ hãi của Tỳ-kheo, sinh nghi ông này có hành động bất chính, người chồng vội chạy vào nhà trong, thì thấy bà vợ lõa hình nằm ngửa, liền nghĩ ngay đến việc Tỳ-kheo kia tư thông với vợ mình. Ông ta chạy vội theo Tỳ-kheo, kêu:

- Ðứng lại, ông đã làm việc “như vậy...”, “như vậy...” trong nhà tôi.

- Ông đừng nói lời đó. Pháp Tỳ-kheo chúng tôi không làm việc ác như vậy! - Tỳ-kheo trả lời.

Người chồng kia không tin, đánh cho Tỳ-kheo một trận thừa sống thiếu chết rồi tước đoạt y bát của Tỳ-kheo mới buông tha. Về đến Tăng phường, Tỳ-kheo kể chuyện cho các Tỳ-kheo nghe. Các Tỳ-kheo nghiêm khắc quở trách:

- Tại sao thầy không hệ niệm tại tiền? Vào trong nhà người ta mà không nhớ đường ra!.

Sự việc được bạch lên Phật, nhân đó đức Phật chỉ dạy Tỳ-kheo khất thực mọi oai nghi trước và sau khi đi khất thực. Bài học cần phải học.

MỬA SẠCH

Trong Tăng hồi ấy, Xá-lợi-phất là bậc cao nhất, còn La-hầu-la là bậc thấp nhất. Ngày ấy, hai thầy trò thọ trai nơi nhà một đàn-việt nọ. Người thí chủ dùng canh nấu thứ váng sữa(sanh tô, thục tô)béo ngậy dâng cho Thượng tọa, còn loại canh bằng dầu cúng cho Thứ tọa. Hạ tọa như La-hầu-la thì cúng cho loại canh thừa thãi.

Sau khi thọ trai về, La-hầu-la đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Ðức Phật hỏi La-hầu-la:

- Hôm nay ông ăn thức ăn như thế nào?

La-hầu-la liền nói kệ:

Người ăn dầu có sức

Người ăn tô có sắc

Ăn canh loãng xà bần

Không sức, huống là sắc.

Nói kệ xong, bạch Phật:

- Hôm nay, con ăn thứ canh loãng nấu với đồ thừa.

Sau đó, Xá-lợi-phất cũng đến chỗ Phật, đảnh lễ xong rồi ngồi qua một bên, đức Phật hỏi:

- Hôm nay thầy ăn thức ăn thế nào?

- Thưa, con ăn thức ăn bằng váng sữa nấu canh. - Xá-lợi-phất đáp.

Ðức Phật quở:

- Hôm nay thầy ăn thức ăn bất thiện. Tại sao Tỳ-kheo Thượng tọa ăn thức ăn bằng váng sữa, Trung tọa ăn thức ăn bằng dầu, Hạ tọa ăn thức ăn bằng đồ thừa?!

Xá-lợi-phất lặng thinh không trả lời, bèn vào chỗ vắng làm cho ói hết thức ăn ra và cương quyết không nhận đi thọ trai ở nhà đàn-việt nữa.

Ðức Phật dạy:

- Từ nay, có người mời cơm, Thượng tọa nên nói với người chủ “Tất cả thức ăn đều cúng bình đẳng”.

ÐÂU PHẢI Ở A-LAN-NHÃ LÀ YÊN THÂN

Hồi ấy, Tỳ-kheo ở A-lan-nhã gặp phải nhiều nạn có thể mất mạng, cho nên đức Phật dạy Tỳ-kheo A-lan-nhã rất nhiều điều để thích nghi, để biết vận dụng sao cho được an ẩn để tu hành. Ngài dạy Tỳ-kheo A-lan-nhã phải giỏi quán sát các hiện tượng. Cụ thể như:

- Tỳ-kheo A-lan-nhã nên khéo biết tướng bốn phương, khéo biết cơ nghi, khéo phân biệt tinh tú, biết thời tiết sớm muộn, biết nhớ ngày trong tháng, nửa tháng, cũng nên nhớ ngày tháng trong năm.

Biết tướng bốn phương có lợi ích gì? - Nếu biết tướng bốn phương, khi có giặc đến mới biết đường tránh.

Khéo biết cơ nghi thì khi có giặc đến nên tư duy: Chạy trốn hay nên ra rước, nên cung cấp, nên nói pháp, khéo vận dụng cơ nghi để tùy theo đó mà ứng dụng.

Khéo phân biệt tinh tú ban đêm có lợi ích là: biết đầu đêm tướng tinh tú như thế nào, giữa đêm và cuối đêm tướng tinh tú như thế nào. Biết được như vậy là biết giờ nào đi ngủ, giờ nào hành đạo. Nếu có giặc đến hỏi mới biết sớm muộn để trả lời. Nếu giặc bắt dẫn đi rồi thả về thì biết xem sao, xem hướng để trở về.

Khéo biết số ngày trong tháng, nửa tháng để biết ngày Bố-tát.

Khéo biết ngày tháng trong năm để biết mùa Xuân, biết còn bao nhiêu ngày nữa đến thời gian an cư. Trong khi an cư, biết còn bao nhiêu ngày nữa đến ngày Tự tứ.

HỌ TỰ NHẬN MỚI KẾT TỘI1

Bấy giờ, đức Phật lưu trú tại nước Chiêm-bà, bên sông Hằng. Hôm ấy, nhằm ngày 15 Bố-tát, đức Thế Tôn cùng chúng Tỳ-kheo kẻ trước người sau vây quanh, ngồi nơi đất trống. Ngài nhìn khắp trong chúng Tăng rồi im lặng đình chỉ Bố-tát. Ðầu đêm đã qua, A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Phật đảnh lễ sát chân, quỳ gối, chấp tay, bạch Phật:

- Kính bạch đức Thế Tôn, đầu đêm đã qua, chúng Tăng ngồi đã lâu, cúi xin Ngài vì các Tỳ-kheo thuyết giới.

Ðức Thế Tôn im lặng, A-nan trở về chỗ ngồi. Giữa đêm lại qua, A-nan lại bạch như vậy, đức Phật cũng im lặng. Cuối đêm, A-nan lại bạch:

- Tướng ánh sáng đã muốn xuất hiện, chúng Tăng ngồi đã quá lâu, cúi xin Ngài vì các Tỳ-kheo thuyết giới.

Ðức Phật nói với A-nan:

- Chúng không thanh tịnh, Như Lai không thể nói giới.

Khi ấy, Mục-liên đặt thành vấn đề: “Nay trong chúng này, ai là người không thanh tịnh nên đức Thế Tôn mới nói lời như vậy?”, rồi bèn dùng Tha tâm thông quán sát khắp chúng, thấy một Tỳ-kheo ngồi gần đức Phật là phi Tỳ-kheo mà tự nói là Tỳ-kheo, phi Sa-môn mà tự nói là Sa-môn, không tu phạm hạnh mà tự nói là tu phạm hạnh, thành tựu ác pháp, che giấu lỗi ấy, không bỏ tà kiến.

Mục-liên đứng dậy, đến trước Tỳ-kheo kia, nói:

- Ðức Như Lai đã thấy thầy, thầy phải đi ra khỏi chỗ này gấp, đừng ngồi đây nữa.

Vừa nói dứt lời, Mục-liên nắm tay kéo đưa ra ngoài, rồi trở về ngồi lại chỗ cũ.

Ðức Như Lai nói với Mục-liên:

- Này Mục-liên! Lạ thật! Quái thật! Chưa từng có người như thế! Sao không dùng phương tiện nào khác để cho họ tự biết tội lỗi của mình, mà đến nỗi phải kéo tay họ ra ngoài? Mục-liên không nên làm như vậy!

Liền theo đó, A-nan lại đứng dậy, bạch Phật:

- Bạch đức Thế Tôn, trong chúng đã thanh tịnh, xin Ngài vì các Tỳ-kheo thuyết giới.

Ðức Phật bảo A-nan:

- Từ nay các thầy tự cùng nhau nói giới. Ta không thể vì Tỳ-kheo mà nói. Vì sao vậy? Vì nếu trong chúng không thanh tịnh, mà Như Lai nói giới thì người phạm tội kia đầu họ bị bể làm bảy phần.

Ðức Phật lại bảo A-nan:

- Biển cả có tám thứ chưa từng ở đâu có. Loài A-tu-la thường thích ở trong đây. Tám thứ ấy là gì? - Ðó là:

1-Biển cả nước sâu từ từ.

2-Nước thủy triều không vượt quá giới hạn.

3-Không dung nạp tử thi.

4-Trăm sông đều đổ về biển.

5-Không có tên gọi riêng.

6-Vạn nguồn nước đổ vào biển mà nước biển không tăng, giảm.

7- Sản sinh ra trân châu, ma-ni, san hô, Lưu-ly, hà ngọc, vàng, bạc, pha lê, các châu báu, chúng sanh có thân hình to lớn đều ở trong đó.

8- Ðồng một vị mặn.

Ðó là tám thứ.

Chánh pháp của Ta cũng như vậy. Có tám thứ chưa từng có, các Tỳ-kheo đều cùng vui sống trong đó. Tám thứ đó là gì? Ðó là:

1-Chế cấm từ từ, giáo giới từ từ, học hỏi từ từ.

2- Các đệ tử của ta đối với những giới đã chế cấm trọn đời không dám vượt qua.

3- Có tội thì bị loại ra ngoài.

4- Tất cả chủng tộc xuất gia đều bỏ tộc tánh riêng mà xưng là Sa-môn Thích tử.

5- Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn xuất gia phần nhiều đắc Vô-dư Niết-bàn mà không thêm bớt.

6-Có các pháp bảo như là Tứ niệm xứ cho đến Tám phần Thánh đạo, các pháp trợ đạo.

7-Có các đại nhân, A-la-hán hướng, A-la-hán quả, cho đến Tu-đà-hoàn hướng, Tu-đà hoàn quả ở trong chánh pháp.

8-Người nào ở trong đó thì đều được hưởng vị giải thoát.

Ðó là tám thứ.

MỘT SÁNG KIẾN1

Bấy giờ, tại nước Câu-xá-di có một ông Trưởng giả thấy pháp đắc quả, ông ta thường cung cấp vật thực cho các Tỳ-kheo. Ông có một người con và người chị của ông Trưởng giả cũng sanh một người con. Hai chị em thường cùng cúng dường Tỳ-kheo Trưởng lão A-thù. Ông Trưởng giả lúc gần lâm chung chỉ chỗ chôn giấu của báu cho Tỳ-kheo A-thù và nói:

- Sau khi con qua đời, trong hai đứa con cô cậu này, đứa nào có lòng tin kính Phật pháp và đối với các Tỳ-kheo thường không tiếc của cải thì Ngài chỉ chỗ chôn giấu của báu cho nó.

Sau lời trăn trối này, ông Trưởng giả trút hơi thở cuối cùng.

Về sau, Tỳ-kheo A-thù xét thấy trong hai đứa nhỏ, thằng con ông Trưởng giả lại trở mặt, quay lưng với chánh pháp, còn người con của bà chị thì lại hết lòng tin kính Phật pháp nên Trưởng lão A-thù chỉ chỗ chôn giấu của báu kia cho con bà chị. Con ông Trưởng giả biết việc này, ức lắm, liền đến chỗ tôn giả A-nan hỏi:

- Thưa Tôn giả, thường tài sản của cha để lại thì ai là người được thừa hưởng?

- Người con được quyền thừa hưởng. - A-nan trả lời.

-Ấy thế, của báu của cha con cất giấu, Tỳ-kheo A-thù lại giao cho con của cô con. - Con ông Trưởng giả phân bua.

A-nan liền đến nói với A-thù:

- Tại sao của báu của cha người ta, thầy không giao cho người ta? Thầy chẳng phải là Sa-môn, chẳng phải Thích chủng tử.

- Tôi là Sa-môn, là Thích tử. Chính tôi đủ tư cách y theo kinh, luật để phán quyết việc này. - A-thù trả lời.

- Việc này tự nó là như vậy, cần gì phải viện đến kinh, luật. - A-nan nói.

Khi ấy, các Tỳ-kheo Trưởng lão đều yểm trợ cho chủ trương của A-thù. Sự bất đồng giữa A-nan và A-thù càng lúc càng sâu hơn, kéo theo hai chúng A-nan và A-thù gay gắt chia rẽ nhau. Sự chia rẽ này kéo dài đến sáu năm. Cùng an cư trong một trú xứ mà không Bố-tát, Tự tứ được. Tiếng đồn khắp cả, lên đến tận trời Phạm thiên.

Bấy giờ, La-hầu-la du hóa nơi thành Ca-duy-la-vệ, các người nữ dòng họ Thích đều kéo nhau ra nghinh đón. Họ trình bày sự việc chia rẽ trên rồi than phiền:

- Tại sao đức Thế Tôn Nê-hoàn chưa bao lâu, chúng Tăng lại lún sâu trong chia rẽ, đến nay đã sáu năm. Chúng con mong muốn chúng Tăng hòa hợp lại, mà chẳng biết làm cách nào để có kết quả!

La-hầu-la nói:

- Tôi sẽ chỉ cho các cô cách làm hàn gắn đó. Cách thực hiện là như vầy: Tôn giả A-nan thế nào cũng đến đây. Trong thân tộc người nào có con nhỏ đều bồng theo để đón tiếp tôn giả. Khi ấy, các bà hãy đặt các hài nhi xuống đất, thế nào các cháu cũng khóc ầm lên. Chắc tôn giả sẽ hỏi câu này: “Tại sao các bà không bồng các cháu lên?”. Các bà liền trả lời: “Con chúng tôi khóc, dĩ nhiên là chúng tôi đau lòng, nhưng không đau lòng bằng đức Thế Tôn mới Nê-hoàn bằng mai bằng chiều mà chúng Tăng không vui hòa với nhau. Nếu Trưởng lão cùng với Trưởng lão A-thù hòa hợp thì chúng con mới bồng các cháu lên”. Các bà cứ thử thực hiện việc làm đơn giản như vậy, hy vọng sẽ có kết quả, chúng Tăng sẽ hòa hợp trọn vẹn.

Quả đúng như vậy, thời gian sau A-nan đến, 500 Thích nữ bồng các hài nhi ra đón và thực hiện đúng kịch bản của La-hầu-la. Khi các cháu thi nhau khóc lên, tôn giả liền hỏi:

- Tại sao không bồng các cháu lên?!

Các bà đồng thanh trả lời:

- Con chúng tôi khóc, dĩ nhiên là chúng tôi đau lòng... Nếu Trưởng lão cùng với Trưởng lão A-thù hòa hợp thì khi ấy chúng tôi mới bồng các cháu lên.

Tôn giả A-nan cảm thông được nỗi lòng của các bà, lại thương các hài nhi, nên nói:

- Chị em hãy bồng các cháu lên, tôi sẽ cùng với A-thù hòa hợp.

Tôn giả A-nan liền trở về họp chúng Tăng. Ưu-ba-ly hỏi A-nan:

- Tỳ-kheo không cho mà lấy có mấy hạng phi Sa-môn, phi Thích tử?

A-nan trả lời:

- Có ba hạng: Tự mình lấy, dạy người lấy, khiến sai người lấy.

Ưu-ba-ly hỏi A-thù:

- Thầy có tự lấy, có dạy người lấy, có khiến sai người khác lấy không?

A-thù trả lời:

- Không.

Ưu-ba-ly lại hỏi A-nan:

- Tỳ-kheo A-thù có lỗi gì?

- A-thù không có lỗi. Chính tôi là người có lỗi. - A-nan đáp.

Trước Tăng, A-nan dõng dạc nói lớn:

- Chính tôi, A-nan có lỗi. A-thù không có lỗi.

A-nan bèn hướng đến A-thù sám hối để hòa hợp.

CŨNG MAY

Bấy giờ, Bạt-nan-đà với một người khách buôn cùng đi chung đường để hỗ trợ nhau, tránh sự cướp bóc. Khi đến trạm thuế, người khách buôn mượn cái đãy của Bạt-nan-đà và kín đáo bỏ viên ngọc quý giá vào trong rồi trả đãy. Bạt-nan-đà không hay biết, và khi qua lọt cửa thuế, người khách buôn đòi lại viên ngọc trong đãy. Bạt-nan-đà nói:

- Tôi không có lấy ngọc của ông.

- Thật sự thầy không lấy ngọc cuả tôi, nhưng vừa rồi tôi mượn cái đãy của thầy và bỏ viên ngọc vào đấy. - Người khách buôn nói.

Bạt-nan-đà xem lại đãy và lấy viên ngọc đưa cho người khách buôn. Bạt-nan-đà cứ nghi là mình phạm tội, khi về đến trú xứ bạch Phật, Phật dạy:

- Không phạm, nhưng phải hết sức cẩn thận. Nên xem kỹ lại đãy khi đưa cho ai, rồi nhận lại. Nhất là khi qua các chỗ quan thuế.

THẾ TÔN LÀM CHỨNG

Bấy giờ, Tỳ-kheo Tỳ-la-trà-tư-ha bị bệnh ghẻ đến 500 mụt, lở lói, hôi thối, trông thấy rất ghê người. Tỳ-kheo ni Hoa Sắc cùng 500 Tỳ-kheo ni đến thăm. Hoa Sắc nhìn thấy cảnh ghê rợn này lại cười. Các Tỳ-kheo ni quở trách:

- Tại sao không có tâm lân mẫn, thấy Tỳ-kheo đau bệnh lại cười?! Thái độ như vậy là khinh khi người bệnh. Không tốt.

Hoa Sắc trả lời:

- Tỳ-kheo này đời quá khứ là một vị quốc vương, tên là Tỳ-kiệt-bà. Lúc ấy, tôi là đệ nhất phu nhân. Nhà vua đã cưỡng bức lấy 500 đồng nữ, phá hỏng cuộc đời của họ. Do nhân duyên ấy, vô số trăm ngàn vạn năm đọa vào địa ngục, bị khổ độc thiêu đốt, và dư báo đến hôm nay phải nhận 500 mụt ghẻ ghê tởm này.

Các Tỳ-kheo ni nghe thế, nói:

- Không có lý này!

Lại quở trách nặng nề Hoa Sắc, rằng:

- Tại sao Tỳ-kheo ni lại tự cho mình được pháp hơn người?!

Họ bạch Phật, Phật dạy:

- Tỳ-kheo ấy sự thật đúng như vậy và Hoa Sắc nói sự thật thì chẳng có gì là phạm.


5Tác pháp hạ ý: Xem cht. 11, tr 182.

6Rừng Am-ma-lặc: Skt. mrªtïaka-vana, Pali. Ambªlïa-vana, Ambavana, hay gọi rừng Am-la, cách thành Xá-vệ 30 do-tuần.

7Hồ-ma: Skt. atasÌ, tên khoa học: Gaertncra racemosa. Cây hồ-ma sinh trưởng ở Ấn Ðộ, hạt dùng chế dầu ăn, dầu tóc.

1Phần 5, Chương 1: Pháp phá Tăng (Pali. Samïghabhedakkhandhaka).

2Bốn người bạn của Ðề-bà-đạt-đa: Pali. 1.Kokªlika, 2.Katïamorakatissaka, 3.Khanïdïadeviyªputta, 4.Samuddadatta. Các bộ phái phiên âm khác nhau: Căn bản 14, tr.701c8, T23n1442: 1. Cô-ca-lý-ca, 2. Khiên-đề-đạt-phiêu, 3. Yết-tra-mô-lạc-ca-để-sái, 4.Tam-một-đạt-la-đạt-đa. Tứ phần 4, tr. 594a3, T22n1428: 1.Tam-văn-đạt-đa, 2. Khiên-trà-đạt-ba, 3. Cấu-bà-ly, 4. Ca-lưu-la-đề-xá.Thiện kiến 13, tr.768b26, T24n1462: 1. Câu-ca-lị-ca, 2. Nhất-thát-vô-ca-lị, 3. Khiên-đà-tỳ-da-tử, 4. Bà-vật-đà.

3Chỗ không nhàn: Hán“ không nhàn xứ”, cũng gọi là a-luyện-nhã (Skt. Aranïya), là một nơi yên tĩnh thích hợp cho Tăng sĩ tu hành, cách làng xóm khoảng 300 đến 600 dặm.(xem thêm cht. 20, tr 21).

4A-phù:Skt. arbuda, Pali. abbuda, phiên âm khác: A-phù-đà: Ðịa ngục lạnh

5Ni-la: Skt. Nirarbuda, Pali. Nirabbuda, phiên âm khác: Ni-la-phù, cũng là địa ngục lạnh.

1Chương 2: Pháp ngọa cụ (Pali. Senªsanakkhandhaka).

2Át-bệ: Skt. Asùvajit, Pali. Assaji, hay gọi là A-thấp-bà, A-thuyết-thị... dịch Mã thắng, Mã tinh. Cách gọi tôn kính “ Tôn giả Chánh nguyện”. Một trong năm Tỳ-kheo.

3Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên: Xem cht. 3, tr 48.

4Tu-đạt-đa: Skt=Pali. Sudatta, tên của trưởng giả Cấp-cô-độc (Skt=Pali. Anªthapinïdïika)

5Kỳ-lâm đồng tử: Pali. Jeta-kumªra, là thái tử Kỳ-đà con vua Ba-tư-nặc (Skt. Prasenajit).

6Tụ lạc Na-la: Skt. Nªdïakantha, Pali. NÕªdika, thuộc thôn của bộ tộc Tỳ-đề-ca (Skt. Videha), gần rừng Ngưu giác Bà-la (Skt. Gosingasªla vanadªya), phía Bắc bộ Ấn Ðộ.

1Chương 3: Pháp tạp (Pali. Khuddakavatthukkhandhaka).

2Diêm-phù-đàn: Vàng Diêm-phù-đàn (xem cht. 19, tr 149).

1Chương 4: Pháp oai nghi (Pali. Iriyªkkhandhaka).

1Chương 5: Pháp ngăn Bố-tát.

1Chương 7: Pháp Ðiều phục (Lược Chương 6: Pháp Biệt trụ).

--- o0o ---


Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567