Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Sư Vô Ngôn Thông (759 – 826), Sơ Tổ Thiền Phái Vô Ngôn Thông tại VN 🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷

24/06/202112:37(Xem: 16836)
Thiền Sư Vô Ngôn Thông (759 – 826), Sơ Tổ Thiền Phái Vô Ngôn Thông tại VN 🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷



Nam Mô A Di Đà Phật

Kính bạch Sư Phụ

Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học về Thiền Sư Vô Ngôn Thông (759-826).
Ngài là vị thiền sư Trung Hoa, đệ tử của Thiền Sư Bách Trượng Hoài Hải.

Năm 820, Sư qua Việt Nam, ở chùa Kiến Sơ, thành lập phái thiền Vô Ngôn Thông và phái thiền này kéo dài được 17 thế hệ.

Sư họ Trịnh, quê ở Quảng Châu, xuất gia tại chùa Song Lâm xứ Vũ Châu. Tánh Sư điềm đạm ít nói, nhưng thông minh, nên thời nhân gọi ngài là Vô Ngôn Thông.

Một hôm, Sư lễ Phật, có một thiền khách đến hỏi:
- Toạ chủ lễ đó là cái gì?
Sư đáp: - Là Phật.
Thiền khách bèn chỉ tượng Phật hỏi: - cái này là Phật gì?
Sư không đáp được.
Đến tối, Sư y phục chỉnh tề đến lễ thiền khách và thưa:
- Hôm nay Thầy hỏi, tôi chưa biết ý chỉ thế nào?
Thiền khách hỏi: - Toạ chủ được mấy hạ?
Sư thưa: - mười hạ.
Thiền khách bảo: - Đã từng xuất gia chưa?
Sư càng thêm mờ mịt.

Sư Phụ giải thích, ngài Vô Ngôn Thông rất khiêm hạ, ngài không trả lời được câu hỏi của thiền khách, ngài y phục chỉnh tề thưa hỏi ý chỉ của thiền khách, vị thiền khách hỏi tiếp câu hỏi thứ nhì là ngài Vô Ngôn Thông xuất gia chưa, ngài không trả lời được, hẳn ngài biết câu hỏi của vị thiền khách không phải là câu hỏi tầm thường nên ngài mờ mịt.

Sư Phụ giải thích về xuất gia gồm có 3 nghĩa, mà bản thân con cảm thấy quá mầu nhiệm, sâu thẩm, khó có thể làm được, thảo nào năm xưa ngài Vô Ngôn Thông đã không thể trả lời được câu hỏi của vị thiền khách tưởng chừng như đơn giản này:

1/Xuất thế tục gia: ra khỏi nhà thế tục, cắt ái từ thân, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, khó làm nhưng làm được nên trong lễ xuất gia, cạo tóc hành giả được ngợi khen qua bài kệ:

“Thiện tại đại trượng phu,
Năng liễu thế vô thường,
Khí tục thú Nê – hoàn,
Công đức nan tư nghì,
Hủy hình thủ khí tiết,
Cái ái từ sở thân,
Xuất gia hoằng Phật đạo,
Thệ độ nhất thế nhân.”

Dịch nghĩa:

“Lành thay bậc trượng phu,
Thấu rõ cuộc đời vô thường,
Xả thế tục hướng Niết-bàn,
Công đức khó nghĩ nghì,
Cát ái từ người thân,
Xuất gia hoằng Phật đạo,
Thề độ hết chúng sinh”.

 

2/ Xuất phiền não gia: ra khỏi nhà phiền não, nhà vô minh, tức là hành giả phải tận trừ căn bản phiền não (gồm 10: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ) và chi mạt phiền não (gồm 20: phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, xiễm, hại, kiêu, vô tàm, vô quý, trạo cử, hôn trầm, bất tín, giãi đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri)

3/ Xuất tam giới: dục giới (có 6: Trời, người, A Tu La, Địa Ngục, Ngạ quỹ, Súc Sanh); Sắc giới (16 cõi:
Cõi trời Phạm chúng, Phạm phụ, Đại phạm, Thiểu Quang, Vô Lượng Quang, Quang Âm, Thiểu tịnh, Vô lượng tịnh, Biến tịnh, Quảng quả, Vô tưởng, Vô phiền, Vô nhiệt, Thiện hiền, Thiện kiến, Sắc cứu cánh); Vô Sắc Giới (có 4 cõi: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ)


Giải thích về ý nghĩa xuất gia Sư phụ con minh họa thêm hình ảnh xuất gia ngày xưa của Đức Thế Tôn đã vượt thành xuất gia sau khi phụ vương Tịnh Phạn không thể đáp ứng 4 yêu câu của ngài đưa ra:

1/“Làm sao cho con trẻ mãi không già.
2/Làm sao cho con mạnh mãi không đau.
3/Làm sao cho con sống hoài không chết.
4/Làm sao cho chúng sanh hết khổ”.


Và Sư Phụ đã hát bài “dòng sông Anoma”, ca ngợi lúc Đức Phật vượt dòng sông này tìm đường đến đạo giải thoát:

Dòng A Nô Ma sóng nhấp nhô bờ lau xanh
Nhìn làn nước biếc, Thích Ca ngài lòng vững bền
Thôi con hãy về để ta vui ánh Vàng
Ta đã quyết tìm Đạo sáng cứu chúng sanh
A Nô Ma vẫn còn nhớ ghi gương sáng ngời
Chúng ta giờ đây nguyện theo Đức từ bi.


Thiền khách khuyên Sư đến tham vấn với Thiền Sư Mã Tổ Đạo Nhất. Sư đến Giang Tây nghe tin Mã Tổ đã tịch, bèn đến yết kiến ngài Bá Trượng Hoài Hải.
Một hôm trong giờ tham vấn, có vị tăng hỏi Thiền Sư Bá Trượng: -“Thế nào là pháp môn đốn ngộ của Đại thừa?”
Tổ Bá Trượng đáp: - “tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu” (Mặt đất của tâm nếu không bị ngăn che thì mặt trời trí tuệ tự nhiên rọi đến).
Nghe câu này, Sư hoát nhiên đại ngộ.


Sư Phụ giải thích, đất tâm không bị cỏ dại của phiền não, của vọng tưởng ngăn che thì mặt trời trí tuệ tỏa sáng, tất cả chúng sanh đều có mặt trời trí tuệ tự tánh, tám chữ này là công án nổi tiếng của tổ Bách Trượng.

Năm Canh Tý niên hiệu Nguyên Hoà thứ 15 đời Đường (820), Sư sang Việt Nam, ở chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng, huyện Tiên Du Bắc Ninh. Ở đây trọn ngày, Sư ngồi xoay mặt vào vách, suốt mấy năm mà không ai biết, chỉ có thiền sư Cảm Thành (trụ trì chùa này) biết Sư là vị cao tăng đắc đạo trong nhà thiền.
Ngài CảmThành hết lòng kính trọng tôn Sư làm Thầy.

Một hôm, Sư gọi Cẩm Thành đến bảo:
-ngày xưa Tổ sư là Nam Nhạc Hoài Nhượng (là đại đệ tử của Lục Tổ Huệ Năng) khi sắp tịch có dặn mấy lời:
       Tất cả pháp đều từ tâm sanh
        Tâm không chỗ sanh, pháp không chỗ trụ
       Nếu đại tâm địa chỗ trụ không ngại
       Chẳng gặp thượng căn dè dặt chớ dạy

     ( Nhất thiết chư pháp giai tùng tâm sanh
       Tâm vô sở sanh pháp vô sở trụ
       Nhược đạt tâm địa sở trụ vô ngại
       Phi ngộ thượng căn thận vật khinh hứa).


Nói xong, Sư chấp tay thị tịch, nhằm năm Bảo Lịch thứ hai đời Đường (826), ngài Cảm Thành rước Sư lên hỏa đàn, thu hài cốt xây tháp thờ ở núi Tiên Du, dòng thiền của Sư kéo dài được 17 đời.

Cuối bài giảng, Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh Thiền Sư Vô Ngôn Thông của Thầy Chúc Hiền rất hay:

Điềm đạm vô ngôn lặng lẽ không
Siêng năng lễ Phật chẳng nề công
Thiền tăng gạn hỏi nhằm khai tuệ
Nhân giả suy tư cốt mở lòng
Bá Trượng thiền sư trao ấn chứng
Hoà An thạch trụ nối tông phong
An Nam diện vách vô âm tính
Thiền mạch uy linh vang núi sông.

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng về Thiền Sư Vô Ngôn Thông, là vị thiền sư Trung Hoa, Sư ít nói, khiêm hạ, nhưng tâm Sư  thông suốt nên khi nghe câu trả lời của Tổ Bách Trượng “Tâm địa nhược không, tuệ Nhật tự chiếu”, cho câu hỏi của một thiền sư, “thế nào là pháp môn đốn ngộ của Đại thừa”, thì Sư hoát nhiên đại ngộ, vì ngay lúc đó tâm của Sư đang vắng  lặng thông suốt trực nhận tức thời “chân tâm Phật tánh” tự có trong bản thể của Sư. Phật tâm này luôn hằng có trong tất cả vạn loài chúng sanh, và chỉ nhận ra được khi “tâm địa nhược không”, hay “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Chân tâm Phật tánh này không thể diễn tả ra được, chỉ có người đạt đạo tự nhận biết như người uống nước tự biết nước nóng lạnh như thế nào.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).     

 






250_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Vo Ngon Thong
Thiền Sư Vô Ngôn Thông
đã mang phương pháp đốn ngộ của Tổ Sư Thiền
để thành lập dòng Thiền mới tại VN vào năm 820
Phương pháp đốn ngộ là một phương pháp mà Thiền Sư Vô Ngôn Thông đã đem giảng dạy ở Việt Nam nhờ thời gian được tu tập với Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải và đã hoắt nhiên đại ngộ sau hơn 10 hạ lạp tiệm tu, lễ Phật ...
(Thiền Sư Vô Ngôn Thông (759 – 826), là một vị Thiền sư Trung Quốc, đệ tử của Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải. Năm 820, sư qua Việt Nam, ở tại chùa Kiến Sơ, thành lập phái thiền Vô Ngôn Thông và phái thiền này kéo dài được 17 thế hệ )

Kính dâng Thầy bài viết trình pháp về Thiền Sư Vô Ngôn Thông khi nghe được pháp thoại hôm nay quá tuyệt vời . Kính tri ân Thầy đã ôn nhắc lại những câu chuyện ngộ đạo của những Tổ Sư Thiền Trung Hoa cùng thời đại với Ngài Vô Ngôn Thông trước khi Ngài sang Việt Nam để thành lập dòng thiền này . Thật là hữu ích khi được thấm nhuần lại về Đốn Tiệm để chúng đệ tử cứ từng bước soi rọi vào bản tâm mình và luôn giữ được cái sơ tâm ban đầu . Kính bạch Thầy, nhờ 250 bài pháp thoại trong mùa đại dịch này mà con đã nắn nót viết lại câu "TÂM LÀ PHẬT, PHẬT CHÍNH LÀ TÂM . ĐI TÌM SỰ VẬT NGOÀI TÂM LÀ ĐI TÌM BẮT HƯ KHÔNG " khắc ghi trong lòng không lúc nào quên . Kính đảnh lễ Thầy và kính chúc Thầy pháp thể khinh an, HH



Tích sử Tổ Sư dòng thiền mới tại Việt Nam ... lòng ngưỡng kính !
Vô Ngôn Thông nào phải tên thế tục, pháp danh (1)
Người đời tán dương hạnh điềm đạm, rõ việc ngọn ngành
Đã 10 năm hạ ....xuất gia chưa? Phật là gì ? mịt mờ bế tắt ? (2)

Nhờ khiêm hạ được thiện tri thức thượng căn dẫn dắt !
Gặp được minh sư Bách Trượng ...đốn ngộ đại thừa ( 3)
Đất tâm không còn phủ che cỏ dại ....kiến chấp dư thừa (4)
" TÂM ĐỊA NHƯỢC KHÔNG, HUỆ NHẬT TỰ CHIẾU "

Kính đa tạ Giảng Sư ...
giúp ôn lại từng điển tích Tổ Sư Thiền trọng yếu!
Hạnh nguyện xuất gia và kiến tánh sơ tâm (5)
Từ tiếng Dạ do gọi tên ...chính xác không sai lầm
Từ chuyện con ngỗng trong bình , không dùng dây ra khỏi giếng (6)

Đấy chính là ...sự thường trụ hiện tiền của TÁNH BIẾT (7)
Mà Thiền sinh không phải nương dựa tìm cầu
Kính tri ân Giảng Sư ....
Rốt ráo của Thiền : soi rọi tự bản tâm, chiêm nghiệm lắng sâu ( 8)
Nhìn thấy được Phật nơi mình ...Niết Bàn, Giải thoát !

Tâm là Phật, Tâm sanh Pháp .. nguyên tắc truyền thừa gắng ...đạt ! (9)
Tại chùa Kiến Sơ ( VN ) đệ tử Cảm Thành được nối pháp! (10)

Nam Mô Vô Ngôn Thông Thiền Sư tác đại chứng minh .

Huệ Hương
Melbourne 24/6/2021





(1) Sư họ Trịnh quê ở Quảng Châu, xuất gia tại chùa Song Lâm xứ Vũ Châu. Tánh Sư điềm đạm ít nói mà thông minh, nên thời nhân gọi là Vô Ngôn Thông.

Sư lễ Phật, có một Thiền khách đến hỏi:

- Tọa chủ lễ đó là cái gì?

Sư đáp:

- Là Phật.

Thiền khách bèn chỉ tượng Phật hỏi:

- Cái này là Phật gì?

Sư không đáp được.

(2)

Đến tối, Sư y phục chỉnh tề đến lễ Thiền khách, thưa:

- Hôm nay Thầy hỏi, tôi chưa biết ý chỉ thế nào?

Thiền khách hỏi:

- Tọa chủ được mấy hạ?

Sư thưa:

- Mười hạ.

Thiền khách bảo:

- Đã từng xuất gia chưa?

Sư càng thêm mờ mịt.

(3)

Thiền khách khuyên Sư đồng đến tham vấn với Mã Tổ. Đi đến Giang Tây nghe tin Mã Tổ đã viên tịch, bèn đến yết kiến Bách Trượng Hoài Hải.

Một hôm trong giờ tham vấn, có vị Tăng hỏi Bách Trượng:

- Thế nào là pháp môn đốn ngộ của Đại thừa?

Ngài Bách Trượng đáp:

- Đất tâm nếu không, mặt trời trí tuệ tự chiếu.

Nghe câu này, Sư hoát nhiên đại ngộ.

(4) lời dạy của Tổ Bách Trượng đã được diễn giải như sau :

Các người trước ngưng các duyên, thôi nghĩ muôn việc, thiện và bất thiện thế gian và xuất thế gian, tất cả các pháp chớ ghi nhớ, chớ duyên niệmbuông bỏ thân tâm khiến cho tự tại, tâm như gỗ đá chẳng còn phân biệt, tâm vô sở hành.

Tâm địa nếu không thì huệ nhựt tự hiển, như đám mây tan thì mặt trời hiện ra.

Hễ ngưng nghỉ tất cả phan duyên những hình thức tham sân, ái thủ, cầu tịnh đều sạch đối với ngũ dục, bát phong chẳng bị lay động, chẳng bị kiến văn giác tri trói buộc, chẳng bị các cảnh xấu đẹp mê hoặc, tự nhiên đầy đủ thần thông diệu dụng, ấy là người giải thoát. Đối với tất cả cảnh giới, tâm chẳng tịnh chẳng loạn, chẳng nhiếp chẳng tán, thấu qua tất cả thanh sắc, chẳng có trệ ngại gọi là đạo nhân.

Thiện ác thị phi đều chẳng tác ý, cũng chẳng mến một pháp, cũng chẳng bỏ một pháp, gọi là người đại thừa. Chẳng bị tất cả thiện ác, không hữu, cấu tịnh, hữu vi vô vi, thế gian xuất thế gian, phước đức trí huệ ràng buộc, gọi là Phật huệ. Thị phi tốt xấu, đúng lý sai lý, các tri kiến tình thức đều sạch hết, chẳng có trói buộc, chẳng có giải thoát, nơi nơi tự tại, gọi là bồ tát mới phát tâm liền lên địa vị Phật.

(5)

Thế nào là xuất gia ?

Xuất gia theo nghĩa đen là ra khỏi nhà. Nhưng đầy đủ thì xuất gia mang ba ý nghĩa chính:

Xuất thế tục gia: chỉ cho người đó quyết lòng vứt áo ra đi, từ bỏ những tình cảm, những lòng thương yêu thân bằng quyến thuộc của mình, chấp nhận ra đi và ra đi tìm đạo, chân lý, con đường chân lý, hay để phụng sự.

Xuất phiền não gia: là qua quá trình tu tập người này đã điều phục được tất cả phiền não: tham, sân, si, ích kỷ, đố kỵ, thù hận, ghen tuông, thủ đoạn, lừa đảo, mánh mung, … tất cả những thói hư tật xấu này, mà người tu tập cần phải điều phục.

Xuất tam giới gia: Và khi đã chấm dứt mọi phiền não vượt ra ngoài sự chi phối, ràng buộc của ba cõi: dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Đây là những từ ngữ chuyên môn có phân tích thì cũng mơ hồ lắm, nhưng đại khái để giải thoát ra khỏi cuộc đời này, cái đó gọi chung là xuất tâm giới gia.

Như vậy đủ ý nghĩa này thì chúng ta gọi là xuất gia. Một người ra khỏi nhà nhưng chưa chắc gì ra khỏi phiền não. Mà phiền não chưa chắc ra khỏi thì làm sao ra khỏi nhà tam giới?

Thế nào là Kiến tánh sơ tâm để giải thích cho tên chùa KIẾN SƠ

SƠ TÂM “Nơi tâm của sơ cơ đầu có nhiều khả thể, nhưng nơi tâm của người chuyên môn thì có ít.”

Sơ tâm là cái tâm hồn nhiên, ban đầu của một người khi mới bước vào Đạo

Do vậy trong nhà Thiền dù chú tiểu hay đã là Hoà Thượng cũng nên luôn giữ được sơ tâm .

Kiến theo nghĩa rộng ngụ ý sự hiểu biếttoàn triệt giáo lý Phật giáo; nhưng trong nhà Thiền chữ đó không những biểu thị sự hiểu biết các nguyên tắc và chân lý Thiền, mà còn ngụ ý cả cái nhìn thức tỉnh phát xuất từ kinh nghiệm “Ngộ”. Kiến theo nghĩa này, có thể được hiểu là “thấy thực tại” hoặc “một cái nhìn về thực tại”. Nhưng trong khi Kiến có nghĩa là nhìn thấy thực tại, nó không hàm ý “sở hữu”, hay “khắc phục” thực tại.

Một chăm ngôn Thiền nói: “Lý tuy đốn ngộ, Sự phải tiệm tu”. Nói cách khác, sau khi đã đạt được Ngộ người ta vẫn phải tu luyện để đưa nó đến mức chín muồi, cho đến khi đạt được đại cơ đại dụng.

(6)

Một hôm, Sư bảo Huệ Tịch đem giường (ghế bố ngày nay ) lại. Huệ Tịch đem đến.

Sư bảo:

- Đem lại chỗ cũ.

Huệ Tịch vâng theo.

Sư hỏi:

- Cái giường ở bên này là vật gì?

- Không vật.

Sư gọi:

- Huệ Tịch!

Huệ Tịch đáp:

- Dạ!

Sư bảo:

- Đi!

Cũng như khi Thày Huệ Tịch đến với Tổ Quy Sơn có hỏi

" Làm thế nào để một con lừa trong giếng sâu 100m thoát ra được mà không cần dùng đến dây "

Thì Ngài Quy Sơn chỉ gọi " Huệ Tịch " và Thầy DẠ

Thế là Ngài Quy Sơn bảo " con vật đã ra khỏi giếng "

Tương tự với câu hỏi của Hoàng Lục Công và Tổ Qui Sơn về con ngỗng nuôi trong lọ bình khi còn nhỏ và bây giờ nó lớn làm sao chui ra khỏi bình ?

Chỉ một tiếng Dạ sau khi Ngài Qui Sơn gọi " Hoàng Lục Công " là con ngỗng đã chui ra được

(7)

- Khi không khởi tâm muốn biết mà vẫn biết một các tự nhiên đó là tánh biết. Khi khởi tâm muốn biết hoặc muốn có thái độ phản ứng lại với đối tượng như gọi tên, đánh giá, lý luận, so sánh, muốn phải là, mong sẽ là v.v... chính là tướng biết. Thí dụ vô tình nghe một âm thanh đó là tánh biết nghe, sau đó khởi tâm muốn nghe lại xem đó là tiếng hót con chim gì thì đó là tướng biết nghe.

- Ngoài danh và sắc (sắc thân và tâm thức) tương tác tạo ra hiện tượng sinh diệt, vô thường, còn có Tánh biết và Niết-bàn không bị ảnh hưởng bởi danh sắc. Danh và sắc tuỳ duyên mà có sinh có diệt còn Tánh biết và Niết-bàn thì không sinh, không diệt.

Tánh biết thường trú hiện tiền còn gọi là THỂ TÁNH TỊNH MINH , là cái mà học giả cần phải nhận được nơi mình nó luôn hằng hữu

(8)

Sau, Sư về Quảng Châu trụ trì tại chùa Hòa An. Có người hỏi:

- Thầy phải Thiền sư chăng?

Sư đáp:

- Bần đạo chẳng từng học thiền.

Sư lặng thinh giây lâu, gọi người kia.

Người kia đáp:

- Dạ!

Sư chỉ cây tòng lư (cây móc).

Như vậy

Thiền là trở về chính mình, hiểu mình, làm chủ được cảm xúc, tỉnh táo trong suy nghĩ, chủ động mọi hành vi.

Thiền không cần phải học Thiền tìm cách gạt qua một bên tất cả những vấn đề và những thảo luận phụ thứ và chỉ thẳng vào , và nhìn Thực Tại.

(9)

Năm Canh Tý niên hiệu Nguyên Hòa thứ mười lăm đời Đường (820), Sư sang An Nam ở chùa Kiến Sơ làng Phù Đổng, huyện Tiên Du Bắc Ninh. Ở đây trọn ngày, Sư ngồi xây mặt vào vách, suốt mấy năm mà không ai biết, chỉ Thiền sư Cảm Thành (trụ trì chùa này) biết Sư là vị Cao tăng đắc đạo trong nhà thiền. Cảm Thành hết lòng kính trọng tôn thờ Sư làm thầy.

Một hôm, Sư gọi Cảm Thành đến bảo:

- Ngày xưa Tổ sư là Nam Nhạc Hoài Nhượng khi sắp tịch có dặn mấy lời:

Tất cả các pháp đều từ tâm sanh
Tâm không chỗ sanh, pháp không chỗ trụ.
Nếu đạt tâm địa chỗ trụ không ngại
Chẳng gặp thượng căn dè dặt chớ dạy.

(Nhất thiết chư pháp giai tùng tâm sanh
Tâm vô sở sanh pháp vô sở trụ.
Nhược đạt tâm địa sở trụ vô ngại
Phi ngộ thượng căn thận vật khinh hứa.)

Nói xong, Sư chấp tay thị tịch, nhằm năm Bảo Lịch thứ hai đời Đường (826). Cảm Thành rước Sư lên hỏa đàn, thu hài cốt xây tháp thờ ở núi Tiên Du.

(10 )

Thầy Cảm Thành xưa có tên là Lập Đức , trụ trì chùa Kiến Sơ ( Bắc Ninh ) tương truyền đã có giấc mơ , một giấc mơ rất là lạ lùng. Có một nhân vật hiện ra trong giấc mơ và nói rằng: Thầy nên nhận làm trụ trì chùa đó đi, tại vì sau này chùa sẽ trở nên một trung tâm tỏa chiếu hào quang cả nước. Khi thức dậy, thầy tin ở giấc mộng đó cho nên thầy nhận lời làm trụ trì và thầy tụ tập một số người xuất gia để tu học. Chính ngôi chùa đó là nơi thầy Vô Ngôn Thông tìm tới. Có lẽ thầy Lập Đức cũng còn trẻ, cũng không vướng víu vào chuyện chùa chiền. Vì vậy cho nên thầy Vô Ngôn Thông tới và trong vòng hai năm trời thầy không giảng dạy gì cả, thầy chỉ sống trong chúng và ngồi thiền mà thôi.

Thầy Lập Đức lại có nhận xét rất tinh vi. Thầy nói đây là một vị cao tăng. cho nên thầy tiếp đãi vị cao tăng đó với tất cả tấm thịnh tình của một người tri kỷ. Vì vậy mà đến năm thứ ba thì thầy Vô Ngôn Thông bắt đầu nói chuyện và dạy cho thầy này. Sau đó thì thầy Vô Ngôn Thông truyền pháp cho thầy Lập Đức, rồi đặt tên lại cho thầy là Cảm Thành, tại vì thầy Vô Ngôn Thông cảm tấm lòng rất thành khẩn của thầy Lập Đức.(theo Đại thụ trong vườn thiền của HT Nhất Hạnh )








youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]