Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

CUỐN 5

06/05/201316:07(Xem: 14466)
CUỐN 5

Kinh Pháp Hoa (Hoa sen của Chánh pháp) (Cuốn 5)

CUỐN 5:
Phẩm 14: Sống yên vui

Hòa thượng Thích Trí Quang

Nguồn: http://www.thuvienhoasen.org

Vào lúc bấy giờ, Văn Thù đại sĩ, vị thái tử của đức Pháp vương, thưa với ngài rằng, bạch đức Thế Tôn, các vị bồ tát này thật hiếm có. Các vị kính thuận đức Thế Tôn nên phát ra thệ nguyện cao cả, nguyện ở trong thời kỳ dữ dội sau này mà kính giữ Pháp Hoa bằng cách đọc tụng diễn giảng kinh ấy. Nhưng bạch đức Thế Tôn, bồ tát đại sĩ ở trong thời kỳ dữ dội sau này, làm thế nào để diễn giảng Pháp Hoa? Đức Thế Tôn dạy, Văn Thù, bồ tát đại sĩ ở trong thời kỳ dữ dội sau này, muốn diễn giảng Pháp Hoa thì phải đặt mình vững chắc vào trong bốn cách sống yên vui.

Cách sống yên vui thứ nhất là đặt mình vững chắc vào phạm vi đi và phạm vi thân của bồ tát, mới có năng lực diễn giảng Pháp Hoa cho mọi người.

Văn Thù, phạm vi đi của bồ tát là gì? Là bồ tát đi trong đường đất nhẫn nhục, ôn hòa, khéo thuận, không thô bạo, không kinh hoảng. Hơn nữa, đối với các pháp thì không đi theo pháp nào mà chỉ nhìn thật tướng của các pháp ấy, cũng không đi theo sự không nhận thức các pháp. Như vậy gọi là phạm vi đi của bồ tát.

Phạm vi thân của bồ tát là gì? Là bồ tát không thân gần quốc vương, vương tử, đại thần, quan trưởng. Không thân gần tu sĩ ngoại đạo, Ni kiền tử. Không thân gần những kẻ tạo ra văn bút, thi ca và tác phẩm trần tục. Không thân gần những kẻ theo chủ thuyết xuôi với đời hay chủ thuyết ngược với đời. Cũng không thân gần những kẻ chơi những trò chơi hung hãn như đâm nhau, vật nhau; những kẻ hóa trang, ảo thuật. Không thân gần chiên đà la và những kẻ ác luật nghi như nuôi heo dê gà chó, săn bắn chài lưới. Tất cả những kẻ trên đây có khi đến với bồ tát, thì bồ tát nên thuyết pháp cho họ mà không ước vọng gì về danh lợi.

Lại không thân gần bốn chúng cầu niết bàn của thanh văn, không hỏi thăm, không ở chung trong phòng, chỗ kinh hành hay trong giảng đường. Các vị ấy có khi đến với bồ tát thì bồ tát tùy nghi thuyết pháp mà không ước vọng gì về danh lợi.

Văn Thù, đối với thân thể nữ nhân, bồ tát không vì những hình dáng phát sinh tư tưởng về dục mà thuyết pháp cho họ, cũng không ham gặp. Đến nhà người, đừng nói chuyện với thiếu nữ, xử nữ, quả phụ... Đừng gần mà thân thiết với năm loại người phi nam. Đừng một mình đến nhà người; có lý do phải đến một mình thì chuyên tâm nghĩ nhớ đến Phật. Thuyết pháp cho nữ nhân thì không cười bày răng, không để hở ngực, và đến nỗi vì chánh pháp cũng không thân thiết với nữ nhân, huống chi vì gì khác. Không thích nuôi đệ tử sa di nhỏ tuổi, trẻ con, cũng không thích cùng thầy với họ. Thường ưa ngồi thiền, ở chỗ không bị quấy nhiễu, tập trung mà sửa chữa tâm mình. Văn Thù, như vậy gọi là phạm vi thân thứ nhất của bồ tát.

Bồ tát lại xét thấy các pháp là Không -- thấy thật tướng các pháp: không thác loạn, không dao động, không suy thoái, không chuyển biến ; thấy như hư không: không phải những sự sở hữu của tư duy, không phải những sự mô tả của ngôn ngữ, không phát sinh, không xuất hiện, không nổi dậy, không danh từ, không khái niệm; thấy thật là không thật: không số lượng, không giới hạn, không trở ngại, không ngăn cách -- chỉ do sự tương quan mà có, và từ sự nhận thức thác loạn mà phát sinh và diễn tả. Thường thích quán sát về thật tướng như vậy. Đó là phạm vi thân thứ hai của bồ tát.

Khi ấy đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đãï nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây:

(1) Thời ác sau này,
vị bồ tát nào
không có e sợ,
muốn nói Pháp Hoa,
(2) thì phải vào nơi
chỗ đi chỗ thân.
Thường xa quốc vương,
cùng với vương tử,
(3) đại thần, quan trưởng,
kẻ chơi hung hãn,
kẻ làm ảo thuật,
kẻ chiên đà la,
và những tu sĩ
các phái ngoại đạo.
(4) Cũng không thân gần
người tăng thượng mạn,
học giả thuộc cả
ba tạng tiểu thừa,
tỷ kheo phá giới,
La hán giả danh.
(5-Những tỷ kheo ni
6) ưa thích cười giỡn,
những nữ tín đồ
quá ham ngũ dục,
với những người ấy
đều chớ thân gần.
Và sự thể này
nên coi như là
tìm kiếm niết bàn
ngay trong hiện tại.
(7) Những người trên đây
bằng tâm lý tốt
đến chỗ bồ tát
để được nghe nói
về tuệ giác Phật,
bồ tát phải đem
sự không khiếp sợ,
và không ẩn ý
ước vọng danh lợi,
mà thuyết pháp cho.
(8) Quả phụ, xử nữ,
và những phi nam,
đừng nên gần gũi
làm người thân thiết.
(9-Cũng đừng thân gần
12) thầy trò thợ thịt.
Săn bắn chài lưới
vụ lợi sát hại,
sinh sống bằng nghề
buôn bán thịt cá,
ma cô tú bà
buôn bán nữ sắc,
những kẻ như vậy
cũng đừng thân gần.
(13) Đô vật hung hãn,
các loại trò chơi,
cũng như dâm nữ
đều không thân gần.
Đừng ngồi chỗ khuất
và ngồi một mình
mà thuyết chánh pháp
cho các nữ nhân,
khi thuyết chánh pháp
thì đừng đùa giỡn.
(14) Đi vào khất thực
nơi chỗ dân cư
thì phải đi với
một vị tỷ kheo,
nếu không có được
vị tỷ kheo ấy
thì phải chuyên tâm
nghĩ nhớ đến Phật.
(15) Như vậy gọi là
chỗ đi chỗ thân;
nhờ hai chỗ ấy
thuyết pháp yên vui.
(16) Lại không đi theo
pháp cao vừa thấp,
hữu vi vô vi,
thật với không thật.
(17) Cũng không phân biệt
này đây là nam
này đây là nữ,
không biết không thấy
không tìm ra được
các pháp là thật.
(18) Như vậy gọi là
chỗ bồ tát đi.
(19) Tất cả các pháp
không phải thật có:
không phải thường còn
không phải sinh diệt,
đó là chỗ thân
của bậc có trí.
(20) Nhận thức thác loạn
nên thấy các pháp
có không, thật giả,
và sinh với diệt.
(21) Ở chỗ trống vắng
tập trung tâm trí,
an nhiên bất động
như núi Tu di,
mà xét các pháp
thì thấy là Không.
(22) Tựa như hư không
không gì cố định:
không là phát sinh
cũng không xuất hiện,
không là suy thoái
cũng không dao động,
vĩnh viễn nhất quán,
ấy là chỗ thân.
(23) Sau khi Như Lai
nhập niết bàn rồi,
bấy giờ nếu có
tỷ kheo bồ tát
nhập vào chỗ đi
và chỗ thân này,
thì nói Pháp Hoa
không có khiếp nhược.
(24-Có lúc vị ấy
25) vào trong tịnh thất,
ghi nhớ chính xác
xét pháp theo nghĩa,
rồi xuất thiền định
mà giảng Pháp Hoa;
diễn giảng khai thị
cho hàng quốc vương,
vương tử, thần dân,
và bà la môn,
mà tâm an nhiên
không có khiếp nhược.
Văn Thù đại sĩ,
như vậy gọi là
bồ tát đứng vững
nơi cách thứ nhất,
có thể ở trong
thời ác sau này
tuyên thuyết phong phú
Diệu Pháp Liên Hoa.

Văn Thù, sau khi Như Lai nhập diệt, trong thời kỳ giáo pháp cuối cùng, ai muốn diễn giảng Pháp Hoa thì phải đặt mình vững chắc vào trong cách sống yên vui thứ hai. Là miệng chỉ diễn giảng hay đọc tụng kinh điển, không thích nói nhược điểm của người, của kinh điển. Không khinh ngạo các vị diễn giảng khác. Không nói những sự tốt xấu giỏi dở của mọi người. Đối với thanh văn, không đem tên ra mà nói xấu hay khen tốt. Tâm lý oán ghét hiềm khích không hề nổi dậy, là vì khéo tu cái tâm yên vui. Ai muốn nghe pháp cũng không nghịch ý họ. Họ hỏi gì thì không trả lời bằng giáo pháp cỗ xe thấp nhỏ, chỉ đem giáo pháp cỗ xe vĩ đại mà giảng giải, làm cho họ đạt được tuệ giác Biết tất cả. Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây:

(26-Bồ tát là người
30) luôn luôn thư thái
yên vui thuyết pháp.
Một cái pháp tòa
được sắp đặt cho
nơi chỗ sạch sẽ.
Trước đó tắm rửa
sạch hết dơ bẩn,
lấy dầu xoa mình,
mặc áo sạch mới.
Trong ngoài sạch rồi
đến ngồi pháp tòa,
tùy người thưa hỏi
mà giảng nói cho.
Đối diện tỷ kheo
và tỷ kheo ni,
hoặc ưu bà tắc
với ưu bà di,
quốc vương vương tử
quần thần sĩ dân,
đều đem nghĩa lý
tinh túy sâu xa
mà nói cho họ
với mặt hiền hòa.
(31) Có ai gạn hỏi,
đáp theo nghĩa lý;
yếu tố, ví dụ,
diễn giảng, phân tích,
dùng những cách này
làm họ phát tâm
tăng dần lợi ích
vào tuệ giác Phật.
(32) Loại bỏ biếng nhác,
tách xa bực dọc,
đem tâm từ bi
mà thuyết chánh pháp.
(33) Ngày đêm thường thuyết
chánh pháp vô thượng,
đem mọi yếu tố
và lắm ví dụ
khai thị cho người
làm ai cũng vui.
(34) Đồ mặc đồ nằm
đồ ăn đồ uống
cùng với thuốc thang,
đối với tất cả
những thứ như vậy
không mong ước gì.
(35) Chỉ một tâm nguyện
nguyện nhờ thuyết pháp
mà mình với người
cùng được thành Phật,
và đó chính là
những sự ích lợi,
lạc thú, hiến cúng
vô cùng lớn lao.
(36) Sau khi Như Lai
nhập niết bàn rồi,
bấy giờ nếu có
tỷ kheo bồ tát
có thể diễn giảng
Diệu Pháp Liên Hoa,
thì lòng không còn
ganh tị, tức bực,
không bị quấy phá
không gặp trở ngại,
không còn lo rầu
không ai thóa mạ,
(37) không bị khủng bố,
hành hung, xua đuổi,
vì đã đứng vững
trong sự ẩn nhẫn.
(38) Người có trí tuệ
khéo tu tâm mình
bằng cách sống theo
cách sống yên vui
mà ở trên đây
Như Lai đã dạy,
thì bao hiệu quả
mà người ấy có,
vạn ức thời kỳ
áp dụng toán số
hay sự ví dụ
nói cũng không hết.

Văn Thù, cách sống yên vui thứ ba là, sau này, trong thời kỳ cuối cùng, khi giáo pháp sắp ẩn mất, những người kính giữ Pháp Hoa thì đừng ôm giữ tâm lý ganh ghét, dua nịnh và dối trá. Đừng khinh khi thóa mạ những người học tập tuệ giác của Phật, đừng tìm kiếm điều hay cái dở của những người ấy. Đối với bốn chúng tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc,ưu bà di, đối với các vị cầu cỗ xe thanh văn, cỗ xe duyên giác, cỗ xe bồ tát, thì đừng quấy rối, làm cho họ thắc mắc, hối tiếc, bằng cách nói rằng các người cách xa tuệ giác của Phật, không bao giờ thực hiện được tuệ giác Biết tất cả, vì lẽ các người là những kẻ bất thường, biếng nhác đối với tuệ giác ấy. Đừng bàn chơi các pháp, cãi cọ lẫn nhau.

Đối với chúng sinh thì nghĩ đến đại bi, đối với Phật đà thì nghĩ là từ phụ, đối với bồ tát thì nghĩ là đại sư. Đối với bồ tát mười phương thì tôn kính sâu xa, đối với chúng sinh đủ loại thì thuyết pháp bình đẳng. Nhưng thuận với chánh pháp nên không nói nhiều cũng không nói ít, thậm chí đối với những người ưa thích chánh pháp một cách sâu xa cũng không vì họ mà nói nhiều.

Văn Thù, sau này, trong thời kỳ cuối cùng, khi giáo pháp sắp ẩn mất, các vị bồ tát có ai thành tựu cách sống yên vui thứ ba này thì lúc diễn giảng Pháp Hoa không ai quấy phá được. Người ấy còn được đồng học rất tốt, chung nhau đọc tụng Pháp Hoa; được các chúng đến nghe mà nghe rồi nhớ được, nhớ rồi tụng được, tụng rồi giảng được, giảng rồi tự mình sao chép hay khuyên người sao chép, và hiến cúng cung kính tôn trọng tán dương đối với cuốn kinh ấy. Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây:

(39) Muốn giảng Pháp Hoa,
phải bỏ tâm lý
ganh tức, ngạo mạn,
dua nịnh, tà ngụy,
mà thường tu sửa
đức tính chất trực.
(40) Đừng khinh miệt người,
cũng đừng bàn chơi
đối với các pháp,
đừng làm người khác
thắc mắc hối tiếc
bằng cách nói rằng
các người không thể
thành đức Phật đà.
(41) Con Phật như vậy
diễn giảng Pháp Hoa
thường xuyên ôn hòa
và hay ẩn nhẫn,
từ bi giáo hóa
tất cả các chúng,
không hề sinh ra
tâm tư biếng nhác.
(42) Chư đại bồ tát
ở mười phương hướng,
vì thương chúng sinh
du hóa khắp cả;
thì với các ngài
phải nên tôn kính,
rằng đó là bậc
đại sư của tôi.
(43) Đối với chư vị
Đại giác Thế Tôn
thì thờ làm bậc
từ phụ tối thượng.
Dẹp bỏ tất cả
tâm lý kiêu căng,
nên thuyết chánh pháp
không gặp trở ngại.
(44) Cách sống thứ ba
là như thế ấy,
người có trí tuệ
phải giữ cho đúng.
Đồng nhất tâm mình
với cách sống vui,
thì được vô lượng
các chúng tôn kính.

Văn Thù, cách sống yên vui thứ tư là, sau này, trong thời kỳ cuối cùng, khi giáo pháp sắp ẩn mất, bồ tát có vị nào kính giữ Pháp Hoa thì đối với những người tại gia và xuất gia phải có lòng lành, đối với những người không phải bồ tát phải có lòng thương; nên nghĩ như vầy: những người ấy mất mát rất lớn nếu không nghe không biết không hay, không hỏi không tin không hiểu gì về sự phương tiện tùy nghi thuyết pháp của đức Thế Tôn, nghĩa là không hỏi không tin không hiểu gì về Pháp Hoa.

Dầu vậy, ta vẫn nguyện rằng khi được tuệ giác vô thượng rồi, tùy những người này ở vào bất cứ vị trí nào, ta cũng đem thần thông lực và trí tuệ lực mà dẫn dắt cho họ được đứng vào trong Pháp Hoa.

Văn Thù, sau khi Như Lai nhập diệt, bồ tát có ai thành tựu cách sống yên vui thứ tư này thì diễn giảng Pháp Hoa không có lầm lỗi, thường được bốn chúng, được quốc vương, vương tử, đại thần, dân chúng, bà la môn, cư sĩ, và mọi thành phần khác, cùng hiến cúng cung kính tôn trọng tán dương. Chư thiên ở trong không gian, vì nghe pháp nên cũng thường xuyên theo hầu. Khi vị ấy ở những nơi thôn xóm thành thị, hoặc ở những chỗ núi rừng thanh vắng, có ai đến muốn gạn hỏi, thì chư thiên ngày đêm thường vì pháp mà hộ vệ vị ấy, làm cho người nghe ai cũng hoan hỷ. Tại sao, vì Pháp Hoa là bản kinh được sự giữ gìn của thần lực chư Phật quá khứ vị lai cùng với hiện tại. Văn Thù, trong vô lượng quốc độ, kinh Pháp Hoa này đến nỗi cái tên còn khó được nghe đến, huống chi được nhìn thấy, thọ trì đọc tụng đối với kinh ấy.

Văn Thù, ví như vị luân vương hùng cường, muốn sử dụng uy thế làm cho các nước thần phục. Nhưng các quốc vương không tuân lịnh. Luân vương phải động binh chinh phạt. Và thấy tướng sĩ chiến đấu ai có công thì luân vương mừng, tùy công mà thưởng bằng cách hoặc cho ruộng đất, nhà cửa, thôn xóm, thành thị, hoặc cho y phục và những đồ trang sức thân thể, hoặc cho những thứ quí báu như bạc, vàng, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, hoặc cho voi ngựa, xe thuyền, tôi tớ, dân chúng. Chỉ viên ngọc sáng trong bối tóc thì không đem cho, vì chỉ trên đỉnh đầu của luân vương mới nên có viên ngọc sáng ấy. Nếu đem cho thì tướng sĩ của luân vương tất hết sức kinh dị. Văn Thù, Như Lai cũng vậy, nhờ định lực và tuệ lực mà có quốc gia chánh pháp, ngự trị ba cõi. Nhưng chúa tể các loại ma không chịu khuất phục. Tướng sĩ hiền thánh của Như Lai phải chiến đấu với chúa tể các loại ma ấy. Và ai có công thì Như Lai hoan hỷ, ở giữa bốn chúng mà nói cho họ các kinh pháp để họ đẹp dạ, thưởng cho họ bao nhiêu là tài sản chánh pháp đại loại như thiền định, giải thoát, căn bản và năng lực thuần khiết, lại ban cho họ đô thành niết bàn, tuyên ngôn họ được niết bàn để dẫn đạo cho lòng họ hoan hỷ. Nhưng không nói cho họ kinh Pháp Hoa này.

Văn Thù, vị luân vương thấy tướng sĩ ai có công lớn mới rất mừng, và đem viên ngọc sáng, một viên ngọc khó có ai tin nổi giá trịcủa nó, từ lâu luân vương để trong bối tóc, không bừa bãi cho ai mà nay thưởng cho. Như Lai cũng vậy, làm vị pháp vương vĩ đại trong cả ba cõi, đem chánh pháp giáo hóa hết thảy chúng sinh, thấy tướng sĩ hiền thánh chiến đấu với ma hợp thể, ma phiền não và ma chết chóc mà ai có công lớn diệt ba độc, vượt ba cõi, phá lưới ma, thì bấy giờ Như Lai rất hoan hỷ, và đem kinh Pháp Hoa, bản kinh có năng lực làm cho chúng sinh đạt đến tuệ giác của bậc Toàn giác, hết thảy thế gian phần nhiều oán ghét khó tin, trước đây chưa nói bao giờ mà nay nói cho. Văn Thù, Pháp Hoa là pháp thoại bậc nhất của chư Phật. Trong các pháp thoại, Pháp Hoa sâu xa hơn hết, nên cuối cùng Như Lai mới nói mà ban cho, như vị luân vương hùng cường giữ mãi viên ngọc sáng, ngày nay mới đem ban thưởng. Văn Thù, Pháp Hoa là kho tàng bí mật của chư Phật, ở trên hết trong các kinh pháp, Như Lai giữ gìn từ lâu, không nói bừa bãi, ngày nay mới đem phát lộ cho chư vị.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây:

(45) Thường xuyên nhẫn nhục,
xót thương tất cả,
mới diễn giảng được
kinh Phật tán dương.
(46) Trong thời cuối cùng,
kính giữ Pháp Hoa,
thì với những vị
tại gia xuất gia
cùng với những vị
không phải bồ tát,
phải có từ bi
thương người không nghe
không tin Pháp Hoa
là rất mất mát.
(47) Nguyện rằng khi được
tuệ giác Phật đà
thì dùng phương tiện
nói cho Pháp Hoa,
để làm cho họ
đứng trong pháp ấy.
(48) Ví như luân vương
năng lực hùng cường,
thấy các tướng sĩ
chiến đấu có công,
thì đem tưởng thưởng
đủ cả mọi vật:
voi ngựa xe thuyền,
đồ trang sức mình,
cùng với nhà đất,
thôn xóm thị thành.
(49) Hoặc cho y phục,
các thứ vàng ngọc,
tôi tớ tài sản
vui vẻ cho cả.
(50) Nhưng ai mạnh nhất
làm việc khó làm,
mới mở bối tóc
lấy cho ngọc sáng.
(51) Như Lai cũng vậy:
làm vua các pháp,
có sức mạnh lớn
là sức nhẫn nhục,
có kho báu lớn
là kho tuệ giác,
vận dụng đại từ
cùng với đại bi
giáo hóa thế giới
một cách đúng cách.
(52) Là thấy mọi người
chịu bao khổ não,
muốn thoát khổ não
nên chiến với ma;
Như Lai vì họ
nói các chánh pháp,
đem phương tiện khéo
nói bao khế kinh.
(53) Khi biết mọi người
đắc lực cả rồi,
cuối cùng nói cho
kinh Pháp Hoa này;
tựa như luân vương
lấy viên ngọc sáng
để trong bối tóc
đem ra ban thưởng.
(54) Pháp Hoa tôn quí
trên hết các kinh,
Như Lai giữ gìn
không nói bừa bãi.
Nay mới đúng lúc
nói cho chư vị.
(55) Sau khi Như Lai
nhập niết bàn rồi,
những ai tìm kiếm
tuệ giác Phật đà,
muốn được yên vui
giảng nói Pháp Hoa
thì phải thân gần
bốn cách sống vui.
(56) Đọc tụng Pháp Hoa
thì không lo bực,
cũng không đau ốm,
sắc tướng sáng tươi;
không sinh hay sống
ở trong những chỗ
nghèo nàn khốn cùng
thấp hèn xấu xí.
(57) Ai cũng thích nhìn
như mến hiền thánh.
Đồng tử chư thiên
làm người phục dịch.
(58) Dao gậy vô phương,
độc tố hết phép.
Ai muốn mắng chưởi
miệng lưỡi tắc nghẽn.
(59) Như sư tử chúa
đi đâu chẳng sợ.
Trí tuệ chiếu sáng
như mặt trời chiếu.
(60) Trong mộng thì thấy
toàn việc tốt đẹp.
Được thấy Như Lai
ngồi tòa sư tử,
đang thuyết pháp cho
tỷ kheo bao quanh.
(61) Được thấy tám bộ
chư thiên thiện thần
nhiều bằng hằng sa
cung kính chắp tay,
và thấy chính mình
thuyết pháp cho họ.
(62) Được thấy Như Lai
thân đầy tướng quí
toàn màu hoàng kim,
phóng ra vô số
các tia ánh sáng
chiếu soi khắp cả,
lại còn sử dụng
âm thanh Phạn thiên
tuyên thuyết diễn giảng
các loại chánh pháp.
(63) Lại thấy Như Lai
nói pháp tối thượng
cho cả bốn chúng,
và thấy bản thân
ở trong bốn chúng
chắp tay ca tụng,
(64) nghe pháp, hoan hỷ,
và hiến cúng ngài,
được pháp tổng trì
thành trí bất thoái.
(65) Và thấy Như Lai
biết mình vào sâu
tuệ giác Phật đà
nên thọ ký cho
sẽ thành một đấng
Biết rất chính xác,
bằng cách nói rằng
này thiện nam tử,
sau này ông được
cái trí vô lượng
là trí vĩ đại
của chư Phật đà,
(66) với một quốc độ
tráng lệ sạch sẽ
và lớn đến nỗi
không cõi nào bằng;
trong quốc độ ấy
cũng có bốn chúng
chắp tay lắng nghe
chánh pháp tối thượng.
(67) Lại thấy bản thân
ở trong núi rừng,
tu tập thiện pháp
thấu suốt thật tướng,
vào sâu thiền định
thấy chư Như Lai.
(68) Thấy thân Như Lai
toàn màu hoàng kim,
tướng quí trăm phước
cực kỳ trang nghiêm;
thấy mình nghe pháp
Như Lai tuyên thuyết,
và đem pháp ấy
nói lại cho người.
Những người đọc tụng
Diệu Pháp Liên Hoa
thì thường được có
mộng đẹp như vậy.
(69) Lại mộng thấy mình
làm vị quốc vương,
rời bỏ cung điện
cùng với hoàng gia,
bỏ cả năm thứ
dục lạc thượng thặng,
và rồi đi đến
nơi bồ đề tràng;
(70) ngồi tòa sư tử
dưới cây bồ đề,
và qua bảy ngày
suy tầm tuệ giác
là được hoàn thành
tuệ giác của Phật;
(71) sau khi hoàn thành
tuệ giác vô thượng,
đứng lên chuyển đẩy
bánh xe chánh pháp,
giảng diễn chánh pháp
cho cả bốn chúng
trải qua đến cả
vạn ức thời kỳ;
(72) giảng diễn chánh pháp
thuần khiết tinh túy,
giáo hóa cứu độ
vô lượng chúng sinh,
sau đó nhập vào
niết bàn hoàn toàn,
tựa như đèn tắt
khói cũng không còn.
(73) Chính trong thời kỳ
dữ dội sau này,
ai diễn giảng được
cái pháp bậc nhất,
thì người như vậy
được đại lợi ích
là những hiệu quả
đã nói trên đây.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]