Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bàn về bốn bộ A Hàm

04/04/201312:56(Xem: 8077)
Bàn về bốn bộ A Hàm

Bàn về bốn bộ A Hàm

Định Huệ

Nguồn: Lương Khải Siêu. Định Huệ dịch

I. A-hàm và ngũ bách kiết tập

A-hàm còn gọi là A-cấp-ma, A-hàm-mộ. Hán dịch : Pháp quy, nghĩa là nơi quy thú của muôn pháp (Bài tựa KINH TRƯỜNG A-HÀM), còn dịch là "Vô tỷ pháp", nghĩa là pháp tối thượng (PHIÊN DỊCH DANH NGHĨA TẬP 4), cũng dịch là "giáo", là "truyền", nghĩa là giáo pháp được lần lượt truyền trao nhau (NHẤT THIẾT KINH ÂM NGHĨA 24). A-hàm vốn là tên chung của kinh Phật (Pháp Hoa Luận Sớ của ngài Cát Tạng nói A-hàm là tên gọi chung cả kinh điển Đại thừa, Tiểu thừa. Bốn bộ A-hàm là Tiểu thừa, Kinh Niết-bàn là "Phương Đẳng A-hàm", đó là Đại thừa). Nay chỉ bàn về A-hàm Tiểu thừa.

Nghiên cứu về lịch sử thành lập kinh điển Phật giáo, tôi xin đưa ra bốn quan niệm để làm tiền đề :

Kinh Phật đều không phải có từ hồi Phật còn tại thế, bất luận kinh điển thuộc thừa nào, bộ nào, cũng đều do đệ tử Phật thuật lại sau khi Phật diệt độ. Kinh Phật xuất hiện sớm nhất là sau Phật diệt độ vài tháng, và muộn nhất là từ Phật diệt độ 500 năm về sau.

Về việc thuật lại kinh Phật có hai hướng : Một là do đoàn thể công khai kiết tập, hai là do cá nhân trước thuật. Hướng thứ nhất thì có lịch sử để khảo chứng, còn hướng thứ hai thì không làm sao khảo chứng được.

Kinh Phật sử dụng cả hai hình thức đơn hành bản và tùng thư, mười mấy bộ kinh lớn hiện còn lưu hành đều là tùng thư. Nhưng theo tính chất thì loại tùng thư này lại chia làm hai : Có loại biên soạn cùng một lúc hoàn thành, có loại phải trải qua nhiều năm bổ sung mãi mới hoàn thành.

Đầu tiên kinh Phật không có bản chữ viết mà chỉ dựa vào đọc thuộc lòng, bản chữ viết sau Phật diệt độ mấy trăm năm mới có, Phật giáo truyền đến đâu thì tùy theo tiếng nước đó mà biên chép. Do đó có thể nói kinh Phật đều là văn học phiên dịch.

Bốn bộ A-hàm là bốn loại tùng thư do đoàn thể công khai kiết tập cùng một lúc hoàn thành vào tháng thứ tư sau Phật diệt độ. Bốn bộ A-hàm này trải qua nhiều năm sau mới dùng mấy loại văn tự biên chép. Lần kiết tập đầu tiên này nổi tiếng nhất trong lịch sử, được gọi là "Ngũ bách kiết tập". Tình tiết của sự kiện này được thấy đầy đủ trong TỨ PHẦN LUẬT 54, DI-SA-TẮC NGŨ PHẦN LUẬT 30, MA-HA TĂNG-KỲ LUẬT 32, THIỆN KIẾN LUẬT 1, v.v...

Sáng sớm ngày Rằm tháng 2, Phật nhập diệt tại Câu-thi-na, lúc ấy đại đệ tử Đại Ca-diếp còn ở tại nước Diệp-ba, nghe tin liền trở về. Sau khi trà-tỳ Phật xong, tự thầm nghĩ rằng cần phải kiết tập pháp tạng để cho chánh pháp trụ ở đời làm lợi ích chúng sanh, Ngài mời vua A-xà-thế làm đàn việt, bắt đầu kiết tập vào ngày 27 tháng 6 tại hang Tất-ba-la (cũng gọi là Thất Diệp) ngoại ô thành Vương Xá, với sự tham dự của 500 người. Ngài Ca-diếp làm Thượng thủ, trước tiên mời ngài Ưu-ba-ly kiết tập Tỳ-ni (cũng gọi là Tỳ-nại-da), Hán dịch : Luật tạng, sau này biên tập thành Luật Bát Thập Tụng. Kế đó, mời ngài A-nan kiết tập Tu-đa-la (cũng gọi là Tố-đát-lãm), Hán dịch : Kinh tạng, cũng gọi là Pháp tạng, sau này biên tập thành các bộ A-hàm.

A-nan, đệ tử Phật, làm thị giả Phật 25 năm, Phật khen Ngài là người đa văn đệ nhất, do vì trí nhớ của Ngài rất tốt, cho nên đại chúng suy cử Ngài phải đảm nhiệm chức vụ lớn lao là kiết tập Kinh tạng. A-nan thăng tòa, ngài Ca-diếp hỏi : "Kinh Phạm Võng trong pháp tạng được nói ở đâu ?" (Kinh Phạm Võng này không phải là Kinh Phạm Võng giới Bồ-tát của Đại thừa, mà là Kinh Phạm Động trong Trường A-hàm). A-nan đáp : "Phật nói ở tại nhà Vương-am-la-hy giữa thành Vương Xá và Na-lan-đà". Hỏi : "Do ai phát khởi ?" Đáp : "Do Tu-bi-dạ-ba-lợi-bà-xà-ca và Bà-la-môn Đà-đa phát khởi". Sau khi hỏi đáp nhân duyên bản khởi như thế xong, A-nan mới tụng lời Phật nói, bắt đầu bằng câu "Tôi nghe như vầy", tụng xong, 500 vị La-hán ấn khả, rồi tuần tự tụng đến kinh khác, tụng hết các kinh, về sau chép thành định bản, tức là Kinh A-hàm.

Vì sao lại chia A-hàm thành bốn bộ ? Phẩm TỰ của KINH TĂNG NHẤT ghi : "Lúc ấy, A-nan nói kinh nhiều vô lượng, ai có đủ khả năng làm thành một nhóm, hoặc có một số pháp nghĩa sâu xa, khó trì khó tụng không thể nhớ. Ta nay phải tập hợp pháp nghĩa này để cho các pháp không bị thất lạc". Theo đây thì dường như ngài A-nan e rằng các kinh đã được tụng ra tản mạn khó nhớ, nên muốn tập hợp thành "một nhóm" bằng cách dùng hình thức tùng thư để tổng trì nó. Phẩm TỰ còn ghi : "Khế kinh nay sẽ chia làm bốn đoạn, trước tiên là Tăng Nhất, hai là Trung, ba là Trường Đa Anh Lạc, bốn là Tạp Kinh". Đó là nói về thứ tự của bốn bộ. LUẬN PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC giải thích : "Do vì văn nghĩa lộn xộn nên phải lấy sự lý theo nhau, theo thứ tự lớn nhỏ, lấy một làm đầu tiên, theo thứ tự đến mười; một, hai, ba theo sự tăng lên, cho nên gọi là Tăng Nhất. Trung là không lớn không nhỏ, không dài không ngắn, thích hợp với bậc trung. Trường là nói về sự việc từ xa xưa trải qua nhiều kiếp. Tạp là các kinh đoạn kiết khó tụng khó nhớ, việc nhiều tạp toái, dễ làm cho người ta quên". DI-SA-TẮC NGŨ PHẦN LUẬT ghi : "Ngài Ca-diếp hỏi tất cả Tu-đa-la xong, trong chúng nói rằng : Đây là kinh dài, nay tập thành một bộ, gọi là Trường A-hàm. Đây là kinh không dài không ngắn, nay tập thành một bộ, gọi là Trung A-hàm. Đây là kinh nói cho các Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Thiên tử, Thiên nữ nghe, nay tập thành một bộ, gọi là Tạp A-hàm. Đây là từ một pháp đến mười một pháp, nay tập thành một bộ gọi là Tăng Nhất A-hàm". Căn cứ theo đây, bốn bộ A-hàm được phân loại theo văn kinh dài ngắn. PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA 10 ghi : "Tăng Nhất nói về nhân quả trời người, Trung A-hàm nói về nghĩa sâu xa của chân tịch, Tạp A-hàm nói về các Thiền định, Trường A-hàm phá ngoại đạo". Thuyết này không tránh khỏi bịa đặt. Bốn bộ A-hàm tuy được nói là đem các kinh sắp xếp tổ chức lại, nhưng cách phân loại của lý luận loại này dường như chẳng phải của thời ấy, ngày nay xem kỹ lại các kinh được dịch thì cũng không thể nói bộ kinh nào chuyên nói về một nghĩa nào.

Tại sao lại lấy số bốn ? Hoặc có người cho rằng đó là phỏng theo Tứ Phệ-đà, điều này cũng có thể đúng. Nhưng theo Thiện Kiến Luật thì còn có Khuất-đà-ca A-hàm, chứ không phải chỉ có bốn ! A-hàm chữ Pàli của Tích Lan truyền bá có năm bộ, bộ thứ năm là Khuất-đà-ca. Nhưng nếu đem văn bốn bộ A-hàm trích yếu phân loại biên tập, e rằng chẳng phải là nguyên bản. Tôi ngờ rằng Khuất-đà-ca này có quan hệ với kinh điển Đại thừa, tôi sẽ bàn ở thiên sau.

II. Sự truyền bá A-hàm tại Ấn Độ

PHÓ PHÁP TẠNG NHÂN DUYÊN TRUYỆN 2 có ghi một việc đáng buồn cười như sau :

A-nan du hành đến một rừng tre, nghe một Tỳ-kheo tụng kệ Pháp cú : "Nếu người sống trăm năm, không thấy con vịt trời, chẳng bằng sống một ngày, mà được trông thấy nó". A-nan nói với thầy Tỳ-kheo ấy rằng đó không phải lời Phâ䴠dạy, nay ông hãy nghe ta đọc : "Nếu người sống trăm năm, không hiểu pháp sanh diê䴬 chẳng bằng sống một ngày, mà thấu rõ pháp ấy". Lúc ấy, thầy Tỳ-kheo này thuật lại lời ngài A-nan cho thầy ông ta nghe. Vị thầy ấy bảo : "A-nan già cả lẩm cẩm, lời nói nhiều lầm lẫn, không nên tin, ông cứ đọc tụng y như trước".

Kinh Phật thời ấy chỉ dựa vào học thuộc lòng chứ chưa được ghi chép, do đó ý nghĩa bị thay đổi, đến nỗi ngài A-nan còn tại thế mà đã có sự sai lầm đến thế rồi, dù được bậc học rộng đức cao như ngài A-nan chỉ dạy mà còn không thể sửa lại cho đúng được; vì thế Mạnh Tử mới than : "Tin hoàn toàn vào sách vở, chi bằng không đọc sách !" Chẳng những chuyển biến mà còn dễ sót mất, LUẬN PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC quyển thượng, ghi :

"Tăng Nhất A-hàm vốn có 100 sự, A-nan đem truyê஠cho Ưu-đa-la, 12 năm sau, A-nan nhập Niêᴭbàn. Các thầy Tỳ-kheo sau này thích tập tọa thiền, bỏ phế phúng tụng, do đó kinh này mất 90 sự, các pháp sư ngoại quốc truyền trao cho nhau bă讧 miệng, không nghe nói đến văn tự biên chép, lúc ấy chỉ truyền hết 11 sự mà thôi. Từ đó thừa kế nhau chính là văn bản này. Đệ tử của Ưu-đa-la là Thiện Giác, học thuộc từ thầy chỉ được 11 sự, Ưu-đa-la bèn nhập Niết-bàn. Ba tạng kinh hiện tại đều do ngài Thiện Giác truyền".

Một Kinh Tăng Nhất như thế, các kinh khác cũng vậy. Bộ A-hàm hiện nay không thể nói là nguyên bản thời ngài A-nan. Nhưng các bộ phái Phật giáo Ấn Độ đã nhiều nên bản kinh này cũng không thể nào y hệt nhau. LUẬN THUẬN CHÁNH LÝ (Chúng Hiền soạn, Huyền Trang dịch) ghi : "Tuy có các kinh, các bộ phái đồng tụng, nhưng danh cú của chúng có sai khác nhau" (quyển 1). Điều này cũng như kinh điển lúc mới truyền vào Trung Quốc phần nhiều do đọc thuộc lòng nên các nhà biên tập văn cú có khi trái ngược nhau, như lấy Tăng Nhất làm thí dụ. LUẬN CÔNG ĐỨC nói : "Các nhà Tát-bà-đa (tức Nhất Thiết Hữu Bộ) không có bài tựa và mười việc sau". Vậy kinh do Tát-bà-đa Bộ truyền chắc chắn là khác với bản Thiện Giác, mà bản dịch Trung Quốc hiện nay có 52 phẩm thì đã chẳng phải bản 100 thiên của nguyên bản thời A-nan, cũng chẳng phải là bản 11 thiên của Thiện Giác, lại chẳng phải là bản 90 thiên của Tát-bà-đa Bộ (hoặc là bản này chưa dịch hết, cũng chưa nói chắc được), thế nên biết Tăng Nhất ở Ấn Độ có ít nhất là bốn dị bản. Tôi sở dĩ bàn tới bàn lui về điều này, không phải vì thích khảo chứng vụn vặt. Bởi vì sự giải thích giáo lý của các bộ phái thời ấy có các thứ sai biệt, tuy đồng thuộc về một kinh, mà bản của bộ phái nào truyền thì mang tính chất đặc sắc riêng của bộ phái ấy, chẳng chỉ như "thủy lạo hạc" v.v...có sự dị đồng của văn tự mà thôi. Thử đem so sánh bốn bộ A-hàm Hán dịch và bản Pàli của Tích Lan thì sẽ phát hiện rất nhiều giáo nghĩa khác nhau. Sau này, nếu có thể đem các bản kinh A-hàm dị bản hiện có trên khắp thế giới so sánh đối chiếu, làm một sự nghiên cứu tổng hợp, tìm ra bộ phái nào truyền để khảo cứu về đặc điểm tư tưởng của mỗi bộ phái, đây là một việc làm trọng đại của giới Phật học.

Bốn bộ A-hàm Trung Quốc không được phiên dịch đồng thời, nguyên bản cũng không phải cùng một xuất xứ, nên nguồn gốc truyền vào cũng phải bất đồng. Ngài Từ Ân cho rằng bốn bộ A-hàm đều do Đại Chúng Bộ truyền. Ngài Pháp Tràng cho rằng Tăng Nhất do Đại Chúng Bộ; Trung A-hàm, Tạp A-hàm do Nhất Thiết Hữu Bộ; Trường A-hàm do Hóa Địa Bộ truyền.

III. Nguồn gốc truyền dịch A-hàm

Về dịch kinh, ở Trung Quốc, đầu tiên dịch loại Pháp Cú, tức là loại sách trích yếu lời dạy trong các kinh. Kế đến là dịch các tiểu phẩm A-hàm, bởi A-hàm là thể tài tùng thư, các phẩm vốn là các thiên độc lập, nên sự chia cắt các thiên không gây sự tổn thất nào cả. (Người dịch xin lược bỏ bảng dị dịch các kinh thuộc A-hàm).

A-hàm mang tính chất tùng thư, là do hợp một số lớn các kinh nhỏ đơn hành bản mà thành, ở Ấn Đô⯍ cũng tụng tập riêng biệt với nhau. Khoảng hơn 100 năm của thời kỳ đầu, các nhà phiên dịch như An Thế Cao, Chi Khiêm, Pháp Hộ, Pháp Cự đều phiên dịch từ các bản đơn hành này, các ngài có biết nó đồng xuất xứ từ một tùng thư hay không, tôi chưa dám nói. Tổng số kinh trong bốn bộ A-hàm là bao nhiêu cũng không thể khảo chứng đích xác được. Theo bản Hán dịch ngày nay, Trường A-hàm gồm 30 kinh, Trung A-hàm 222 kinh, Tăng Nhất A-hàm 72 kinh, Tạp A-hàm ngắn và nhiều không thể nêu số lượng chính xác, chỉ ước chừng 1200 - 1300 trở lên (quyê宠1 gồm 28 kinh, trọn bộ 50 quyển), tính chung hơn 2000 loại, nhưng vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ (Tăng Nhất, thể lệ mỗi phẩm đều lũy tiến từ 1 đến 10, một phẩm có 10 kinh. Bản hiện nay 51 phẩm mà chỉ có 472 kinh, chắc là có thiếu sót. Nhưng theo LUẬN PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC thì bộ này phải có đến 100 phẩm hợp thành 1000 kinh, bản được truyền đến Trung Quốc chưa được phân nửa). Nay kiểm lại trong các kinh lục, cộng chung các kinh Tiểu thừa hiện còn chừng 1000 loại, trong số đó trừ ra chừng mười mấy loại, thì hầu hết đều là di văn của A-hàm.

Các bản dịch đơn lẻ trước đó không làm thỏa mãn yêu cầu của người đọc, cho nên đến đầu đời Đông Tấn bắt đầu có những bản dịch đầy đủ trọn bộ. Đầu tiên là Tăng Nhất A-hàm, Trung A-hàm, kế đến Trường A-hàm và cuối cùng là Tạp A-hàm được dịch suốt thời gian 60 năm mới hoàn thành.

Tăng Nhất A-hàm được Đàm-ma-nan-đề dịch vào năm 384 với sự trợ dịch của Trúc Phật Niệm và Đàm Tung.

Trung A-hàm được Tăng-già-đề-bà và Tăng-già-la-xoa dịch vào năm 398 với sự trợ dịch của Đạo Từ.

Trường A-hàm được Phật-đà-da-xá dịch vào năm 413 với sự trợ dịch của Trúc Phật Niệm và Đạo Hàm.

Tạp A-hàm được Cầu-na-bạt-đà-la dịch vào năm 443 với sự trợ dịch của Pháp Dũng.

Người mở đầu cho việc phiên dịch A-hàm ở giai đoạn này là ngài Đạo An, Ngài dịch Tăng Nhất A-hàm và Trung A-hàm, chính là năm Phù Kiên mất nước, trong bài Tựa kinh Tăng Nhất, ngài Đạo An viết : "Năm ấy kinh thành lâm nạn đao binh, chiêng trống vang dậy áp cận kinh thành". Bởi trong lúc vây thành, vội vã dịch cho xong, năm sau ngài Đạo An tịch, nên ngài Đạo Từ viết trong bài Tựa kinh Trung A-hàm : "Người dịch vụng về đánh mất ý nghĩa, bậc thầy xuất chúng đã qua đời (chỉ ngài Đạo An), nên không thể nào sửa lại cho đúng", cho nên biết hai bộ Kinh A-hàm dịch vào đời Tần này chưa hoàn hảo. Bộ Tăng Nhất chưa được cải chính này, hiện đang nằm trong Tạng, chính là bản năm 384 (Đây là căn cứ theo kinh lục cũ mà nói như thế, kỳ thật tôi còn có điểm nghi ngờ. Bài tựa của ngài Đạo An nói 41 quyển, mà bản hiện nay có đến 50 quyển. Bài tựa của ngài Đạo An có câu "Thiếu phần lục kệ", dường như là chỉ cho phẩm TỰ, mà bản hiện nay lại có phẩm TỰ, có lẽ được thêm vào sau này. Bài tựa của ngài Đạo An lại nói : "Cộng chung 472 kinh", nếu bản kinh ngày nay số không phải bao nhiêu đó, thì có thể chứng tỏ có sự thêm vào, rất tiếc là tôi không có thì giờ để kiểm đếm). Trường A-hàm bắt đầu từ nỗ lực của Pháp Hòa và Đề-bà, lại được La-xoa từ Kế Tân mới đến trợ dịch thành ra bản dịch thứ hai, nhưng bản dịch đầu tiên ngày nay không còn được thấy. Tạp A-hàm trước đó đã có bản dịch đời Tần, không biết là thời ngài Đạo An hay thời ngài La-thập ? Còn về Trường A-hàm thì lai lịch phiên dịch đơn giản như đã trình bày ở trên.

Khi nghiên cứu về nguồn gốc truyền dịch bốn bộ A-hàm, bỗng tôi có hứng thú muốn tìm đến các nhà phiên dịch để khám phá ra bộ A-hàm nào do bộ phái nào truyền. Phật giáo Tiểu thừa ở Ấn Độ có đến 20 bộ phái đều theo giáo nghĩa A-hàm, nhưng các bản tụng tập của các bộ phái đều có dị đồng như trước đã nói. LUẬN PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC nói bốn bộ A-hàm Hán dịch đều được truyền từ Đại Chúng Bộ, hoặc nói Tăng Nhất A-hàm từ Đại Chúng Bộ, Trung A-hàm, Tạp A-hàm từ Nhất Thiết Hữu Bộ, Trường A-hàm từ Hóa Địa Bộ, không biết thuyết này xuất xứ từ đâu. Nay từ các nhà phiên dịch bốn bộ A-hàm và các tài liệu khác, tôi đem so sánh đối chiếu, và có vài ý kiến như sau :

1. Tăng Nhất A-hàm

Tôi nghi là dựa vào bản của Nhất Thiết Hữu Bộ rồi được bổ sung bởi bản của Đại Chúng Bộ. Dịch giả Đàm-ma-nan-đề là người Đâu-khư-lặc. Vùng Đâu-khư-lặc nằm trong địa bàn truyền giáo của Nhất Thiết Hữu Bộ. Những năm gần đây, người châu Âu khai quật ở Khố-xa (Kucha) được bản Ba-la-đề-mộc-xoa (giới luật) bằng chữ Nguyệt Chi, chính là Thập Tụng Tỳ-kheo-ni Giới Bản của Tát-bà-đa Bộ (tức Nhất Thiết Hữu Bộ) do ngài La-thập dịch.

Vua Ca-nị-sắc-ca tổ chức đại hội kiết tập Tỳ-bà-sa là người dòng dõi Nguyệt Thị, có nhân duyên rất sâu với Hữu Bộ, Đâu-khư-lặc thuộc Nguyệt Thị, dùng văn tự Nguyệt Thị thì cố nhiên phải học Hữu Bộ. Theo LUẬN PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC, Tăng Nhất A-hàm của các bộ phái khác chỉ còn 11 phẩm, chỉ có bản Hữu Bộ là còn 90 phẩm. Bản lưu hành hiện nay 51 phẩm, rõ ràng là được truyền từ Hữu Bộ, sở dĩ không đủ 90 phẩm hoặc là do phiên dịch chưa hoàn tất, bởi lúc dịch kinh này thì giặc đang vây thành, chẳng bao lâu thì Phù Tần diệt vong. LUẬN CÔNG ĐỨC còn ghi : "Bản của Tát-bà-đa Bộ không có bài tựa". Trong bài tựa của ngài Đạo An cũng nói : "Thiếu phần lục kệ". "Bài tựa", "lục kệ" dường như chỉ cho phẩm TỰ. Vậy thì một quyển phẩm TỰ của bản hiện nay có lẽ chẳng phải là của nguyên dịch mà do người sau lấy từ bản của bộ phái khác thêm vào. Bản được dùng để thêm vào này có thể là bản của Đại Chúng Bộ, cho nên ngài Từ Ân nói : Tăng Nhất A-hàm được truyền từ Đại Chúng Bộ. Phẩm TỰ có nhiều ngôn ngữ của nhà Đại thừa, hẳn là có liên quan với Đại thừa.

2. Trung A-hàm

Tôi nghi là xuất phát từ Nhất Thiết Hũu Bộ. Bản dịch Trung A-hàm và Tăng Nhất đầu tiên đều của Đàm-ma-nan-đề đã chứng tỏ là được truyền từ Hữu Bộ. Bản đang lưu hành hiện nay là bản dịch năm 398, do Tăng-già-la-xoa giảng bản Phạn, Tăng-già-đề-bà chuyển dịch Phạn Hán, cả hai đều là người Kế Tân (tức Ca-thấp-di-la), Kế Tân là căn cứ địa của Hữu Bộ, mọi người đều biết. Đề-bà dịch Luận A-tỳ-đàm Bát Kiền-độ (Luận Phát Trí của Ca-chiên-diên) là sách trọng yếu nhất của Hữu Bộ, La-xoa dịch tiếp Luật Thập Tụng của ngài La-thập cũng là luật Hữu Bộ. Vậy ba người dịch Trung A-hàm đều là các đại sư Hữu Bộ, ngài Pháp Tràng cho rằng Trung A-hàm được truyền từ Hữu Bộ là có chứng cứ lịch sử.

3. Trường A-hàm

Tôi nghi là xuất phát từ Đàm Vô Đức Bộ. Dịch giả của Trường A-hàm là Phật-đà-da-xá cũng là người Kế Tân, nhưng Luật Tứ Phần của Đàm Vô Đức Bộ cũng do Ngài tụng ra, đủ biết Ngài là người thuộc Đàm Vô Đức Bộ, cho nên Trường A-hàm của Ngài tụng ra ắt cũng dùng bản Đàm Vô Đức Bộ.

4. Tạp A-hàm

Tôi nghi là xuất phát từ Di-sa-tắc Bộ. Cầu-na-bạt-đà-la, dịch Tạp A-hàm, là người Trung Thiên Trúc, vốn là nhà Đại thừa nổi tiếng, không có quan hệ lắm đối với các bộ phái Tiểu thừa, nguyên bản Tạp A-hàm truyền vào Trung Quốc, thật ra do ngài Pháp Hiển. Pháp Hiển được bộ kinh này ở nước Sư Tử (tức Tích Lan), đồng thời cũng được bộ Luật Di-sa-tắc. Vậy thì, Tạp A-hàm đương nhiên có quan hệ với Di-sa-tắc Bộ, bộ phái này vốn hưng thạnh ở vùng Nam Thiên Trúc. Nước Sư Tử chắc hẳn có chịu ảnh hưởng của bộ phái này, trước khi Cầu-na sang Trung Quốc, Ngài cũng có cư trú tại nước này một thời gian.

Những khảo chứng nói trên dường như không có liên quan gì đến nghĩa lý của kinh, nhưng học thuyết của các bộ phái Ấn Độ cổ đại truyền đến nay rất ít (trừ Hữu Bộ). Nếu tìm được một chút ít trong bốn bộ A-hàm cũng giúp phần nào cho việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng Ấn Độ.

IV. Sự cần thiết và phương pháp nghiên cứu A-hàm

Ở Trung Quốc, từ Tùy, Đường (thế kỷ VI) về sau, người học Phật cho rằng bàn về Tiểu thừa là điều xấu hổ, do đó Kinh A-hàm đã bị xếp xó hơn một nghìn năm. Còn tôi quan niệm rằng thật sự muốn nghiên cứu Phật học thì phải nghiên cứu A-hàm, vì những lý do sau đây :

 A-hàm là kinh điển được thành lập trước nhất, dùng hình thức kiết tập công khai, rất đáng tin cậy, vì thế, tuy không dám cho rằng Phật nói hết trong A-hàm, nhưng A-hàm chiếm một phần quan trọng của lời Phật nói, điều này không còn gì nghi nữa.

1. Phần lớn kinh Phật đều là tác phẩm văn học, A-hàm tuy không tránh khỏi, nhưng so với các kinh khác thì A-hàm mang ít tính văn học hơn, mà mang tính thật thà chất phác. Vì thế, dù không dám cho rằng mỗi câu mỗi chữ của A-hàm đều là lời Phật nói, nhưng nó hàm chứa nhiều và thuần túy lời Phật mà kinh khác không bì kịp.

2. A-hàm mang thể tài của một loại ngôn hành lục, tính chất đại khái đồng với Luận Ngữ, muốn thể nghiệm nhân cách hiện thực của Đức Thích Tôn mà không nghiên cứu kinh này thì không được.

3. Các nguyên lý căn bản của Phật giáo như Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Ngũ uẩn giai không, Nghiệp cảm luân hồi, Tứ niệm xứ, Bát chánh đạo... đều được nói rõ trong A-hàm. Nếu đối với các giáo lý căn bản này mà không hiểu chính xác thì không thể nào hiểu được kinh điển Đại thừa.

4. A-hàm chẳng những không xung đột với kinh điển Đại thừa, mà giáo nghĩa Đại thừa được cưu mang trong đó không ít, không cho phép ta chê bai là thiên, tiểu, rồi bỏ qua.

5. A-hàm trình bày rất nhiều về tình hình xã hội đương thời, đọc A-hàm có thể biết được hoàn cảnh sinh hoạt của Đức Thích Tôn và Ngài đã khổ tâm ứng cơ giáo hóa như thế nào. Chúng ta là người khác nước khác thời với Phật, làm thế nào để thọ dụng được Phật học, có thể nhờ đây mà tự xét biết.

Điều cần thiết của sự nghiên cứu A-hàm đã hữu ích như thế. Nhưng nguyên nhân khiến cho sự nghiên cứu A-hàm không được phổ cập là do :

1. Pho quyển quá nhiều

2. Thiên chương trùng phức :Các kinh trong bốn bộ A-hàm trùng phức với nhau, có trường hợp cùng trong một bộ mà có các kinh trước sau trùng phức, cùng một đoạn kinh mà bình quân trong bốn bộ A-hàm thấy xuất hiện ba bốn lần, câu văn chỉ khác nhau chút ít.

3. Từ ngữ lặp lại liên miên:Chúng ta đọc A-hàm có thể thấy được sự rườm rà của ngôn ngữ người Ấn Độ đương thời. Mỗi khi nói một nghĩa thường từ chánh diện phản diện dùng cùng một câu lặp đi lặp lại giải thích. Lúc vấn đáp, thường lặp lại lời nói trước, cho nên thường thường cả một đoạn văn dài ba bốn nghìn chữ chỉ trình bày được một vài điểm mà đáng lẽ chỉ dùng từ ngữ trong mười mấy câu là đủ, người đọc hơi vội vàng thì không thể nào biết được đâu là chánh văn, đâu là lời phụ thích, cho nên rất dễ sanh chán.

4. Văn dịch vụng về:Tăng Nhất A-hàm và Trung A-hàm được dịch xong trong hoàn cảnh chiến tranh, Trung A-hàm tuy có sửa lại, còn Tăng Nhất thì giữ y nguyên, về văn nghĩa, chính người dịch cũng tự cảm thấy chưa vừa ý. Trường A-hàm, Tạp A-hàm dịch sau, khá hơn hai bộ dịch trước, nhưng cũng đều là giai đoạn đầu của nền phiên dịch, nên kinh nghiệm và tài năng của người dịch không bằng các dịch giả sau này. Còn về thuật ngữ, phần nhiều được các dịch giả đời sau chỉnh sửa dần dần và các thuật ngữ trong A-hàm bị đào thải, cho nên ngày nay đọc A-hàm cảm thấy khó hiểu.

Nay muốn phục hưng "A-hàm học", cần phải bắt tay vào các phương pháp sau đây :

 Trước tiên, cần phải đem các giáo lý trọng yếu xếp thành đề mục như : Khổ, Vô thường, Vô ngã, Nhân duyên sanh pháp, Ngũ thủ uẩn, Tứ thiền... khoảng chừng ba bốn mươi mục. Sau đó, phân loại các kinh theo đề mục, lấy một kinh hoặc hai, ba kinh làm chính, còn các kinh khác có văn nghĩa hoặc dài ngắn gần giống thì đặt vào phần phụ lục. Đối với kinh hoàn toàn đồng, chỉ để tên trong cùng một mục, nếu biên soạn lại như thế thì chỉ còn chừng một phần mười của nguyên bản, nhưng muốn nghiên cứu xem trong A-hàm có bao nhiêu điều giáo lý trọng yếu, nội dung của các giáo lý ấy thế nào, chúng quan hệ với nhau ra sao, đều có thể thấu hiểu, và quan điểm căn bản nguyên thủy của Phật giáo do đây có thể xác lập.

-- Đem những tư liệu có liên quan đến xã hội, phong tục Ấn Độ trong A-hàm phân loại, biên tập và xem xét mối quan hệ của nó với Phật giáo, như những đoạn ghi chép về chế độ bốn giai cấp cho ta thấy được tinh thần bình đẳng của Phật giáo, xem những ghi chép về các nghi thức tế lễ, nhân đó thấy được tinh thần phá trừ mê tín của Phật giáo.

-- Cần phải chú trọng đến địa phương và nhân sự, đem những nơi Đức Thích Tôn đã cư trú và du hóa trong A-hàm lập thành một bảng kê, xem Ngài thuyết pháp ở đâu nhiều nhất, kế đến là nơi nào, ở nơi nào thuyết loại pháp nào. Về những người được tiếp xúc với Phật như đệ tử, quốc vương, trưởng giả, thường dân, ngoại đạo..., mỗi loại người nên làm một biểu để biết được cách ứng cơ thuyết pháp của Phật. Như vậy có thể cung cấp tư liệu chính xác về truyện Phật Thích-ca, truyện đệ tử Phật, lịch sử Ấn Độ...

Bốn bộ A-hàm là một kho tàng văn hóa quý báu, bất luận nghiên cứu về phương diện nào cũng đều có giá trị.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/09/2024(Xem: 3827)
Con vừa ghi lại buổi pháp thoại Thầy thuyết giảng về "Đại Sư Thiếu Khang, vị Tổ thứ 5 của Tịnh Độ Tông Trung Hoa", con kính gửi Thầy xem và chỉnh sửa thêm trước khi online. Con kính cám ơn Thầy cho phép con phiên tả, vì đây là cơ hội để con chú tâm để hiểu ít nhiều về Phật pháp thêm vào vốn liếng giáo lý quá ít ỏi của con. Bạch Thầy, con chợt nhận ra rằng, Thầy đã dùng phương tiện này để dẫn dắt con, thay vì như Tổ Thiếu Khang cho tiền để trẻ niệm A Di Đà, Thầy đã khéo léo bảo con tường thuật để cột tâm con vào một mối không đi lang thang như khi ngồi nghe giảng hay tụng kinh. Con kính tri ân Thầy.
21/09/2024(Xem: 2936)
Con trộm nghĩ nếu câu Niệm Phật được thực hiện đúng, nghĩa là luôn được gắn chặt vào một suy nghĩ bất cứ lúc nào thì suy nghĩ duy nhất này sẽ đẩy ra tất cả những suy nghĩ khác thì đương nhiên tác động kỳ diệu của việc niệm Phật rất giống với Thiền.( một yếu tố bắt buộc trong việc học Phật .) Hơn thế nữa con được nghe rằng “ Học lịch sử mà không làm sống lại được nhân vật và hoàn cảnh lịch sử thì nào có bổ ích gì" nhấn mạnh rằng việc học lịch sử không chỉ đơn thuần là ghi nhớ các sự kiện, ngày tháng, hay tên tuổi mà còn phải hiểu rõ bối cảnh, tâm tư và động lực của những nhân vật trong lịch sử. Nếu chỉ học theo cách máy móc mà không thể thấu hiểu và cảm nhận được những giá trị ẩn sau sự kiện, ta sẽ bỏ lỡ những bài học quan trọng nhất.
16/08/2024(Xem: 3316)
Video Books Kinh Trung Bộ, Trường Bộ & Ương Ưng Bộ của Hòa Thượng Thích Minh Châu
07/03/2023(Xem: 5200)
Hạnh Phúc Trong Từng Hơi Thở (bài giảng của SC TN Giới Bảo)
07/03/2023(Xem: 3333)
Kinh Lương Hoàng Sám- S.C Giới Bảo Dẫn Chúng Trì Tụng Năng Lực Tiêu Trừ Nghiệp Chướng Lớn
23/12/2022(Xem: 20868)
Các video sau được sưu tập và biên tập sao cho mỗi video đều có mục lục chi tiết (ngoại trừ các bài giảng lẻ), kèm theo thời điểm lúc giảng các mục để người xem có thể dễ dàng theo dõi. Ngoài ra nếu vô tình nghe một đoạn bất kỳ cũng có thể biết được Sư bà đang giảng tới mục nào vì tên mục đó có ghi phía dưới màn hình.
26/03/2022(Xem: 15730)
❝Trên đường đạo không gì bằng tinh tấn, Không gì bằng trí tuệ của đời ta, Sống điêu linh trong kiếp sống ta bà, Chỉ tinh tấn là vượt qua tất cả.❞ Kính chia sẻ cùng chư Tôn đức, Pháp hữu và qúy Phật Tử Lịch Pháp thoại và khóa tu tại Hoa Kỳ trong tháng 4 và tháng 5-2022 với sự hướng dẫn của Tỳ kheo Như Nhiên. Th Tánh Tuệ CHƯƠNG TRÌNH HAI NGÀY TU HỌC tại Tu viện Đạo Viên tiểu bang Maryland Khóa tu chủ đề: TIẾP XÚC VỚI THỰC TẠI. Với sự hướng dẫn của thầy Thích Tánh Tuệ California, Thầy Viên Ngộ trụ trì Tu Viện Đạo Viên, Maryland và Thầy Tâm Nguyên trụ trì Tu Viện Hạnh Phúc, Florida. Tu học hai ngày thứ Bảy & Chủ nhật (April 09 & 10, 2022) và ngắm Hoa Anh Đào vùng thủ độ Hoa Thịnh Đốn vào ngày thứ hai sau khóa tu.
07/02/2022(Xem: 22346)
Kính đa tạ Thầy đã giới thiệu 14 lời vàng của HT Thích Trí Tịnh (1916-2014 ) một Bồ Tát thị hiện đã mang kho tàng kinh các đến với Phật Tử VN trong và ngoài nước nhưng cuối cùng di chúc để lại cho đời chỉ vỏn vẹn 14 lời vàng này lại là Kim Chỉ Nam cho những ai muốn tu tập giải thoát ( LÀM LÀNH-LÁNH DỮ-THƯƠNG NGƯỜI- THƯƠNG VẬT-ĂN CHAY-NIỆM PHẬT -TỤNG KINH ) và Bộ Toàn tập Kinh Hoa Nghiêm 4 quyển cũng như Ngũ Kinh Tịnh Độ mà Ngài đã thọ trì hằng ngày từ A lại da thức khởi phát.
01/02/2022(Xem: 36512)
48 Đại Nguyện của Đức Phật A Di Đà (loạt bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng trong mùa dịch cúm Covid-19)
09/12/2021(Xem: 22700)
Cách đây vài ngày đọc trên một tờ báo tại Sydney , khi nói về chủng thể Omicron vừa phát tán và lây lan do xuất phát từ các nước Nam Phi , tôi chợt mỉm cười khi đọc được câu này " Chúng ta đã học từ nạn đại dịch một điều rằng : Đừng nên hy vọng một điều gì , vì chắc chắn điều mình hy vọng ấy sẽ chỉ là THẤT VỌNG " If there’s one thing COVID has taught us , it is to expect nothing, except disappointment . What it comes to that COVID really delivers
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]