Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giới thiệu Kinh Đại Bát Nhã

04/04/201312:44(Xem: 7842)
Giới thiệu Kinh Đại Bát Nhã
minh_hoa_quang_duc (348)


Giới thiệu Kinh Đại Bát Nhã

Đào Nguyên



1. Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (Phạn ngữ: Mahà-Prajnàpàramità- Sùtra) là bộ kinh vĩ đại nhất của Phật giáo Bắc truyền, xét về số lượng cũng như diệu lý. Kinh gồm 600 quyển, chiếm tới 3 tập với 3.000 trang in khổ lớn của Đại Tạng Kinh Đại Chính Tân Tu (ĐTK/ĐCTT, No 220, các tập 5,6,7), do Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng (602-664) dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán.

2. Quần chúng Phật tử Việt Nam cũng như giới Phật học phần đông đều đã tiếp cận với kinh Kim Cương và Bát Nhã Tâm kinh, hoặc đọc tụng, hoặc nghiên cứu, học hỏi, nhưng có thể chỉ một số ít mới biết rằng kinh Kim Cương vốn là một hội ngắn của kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (hội thứ 9, quyển 577, ĐTK/ĐCTT, tập 7, trang979C- 985C), còn Bát Nhã Tâm kinh (ĐTK/ĐCTT, T8, No 251, trang 848C) cũng do Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng dịch, chính là sự thâu tóm một số điểm then chốt, tinh túy nhất của kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa.

Loại bài viết sau đây, chúng tôi xin bước đầu giới thiệu về bộ kinh ấy.

I. MẤY NÉT VỀ DỊCH CHỦ VÀ CÔNG VIỆC DỊCH KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Tên tuổi cùng sự nghiệp cầu pháp của Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng (602-664) đã được sử sách nói tới khá nhiều, ở đây chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh thêm về sự nghiệp dịch thuật kinh điển của Ngài. Trong lịch sử dịch thuật kinh điển của Phật giáo Trung Quốc, ba cái mốc chính được nói tới là Trúc Pháp Hộ (226-304), Cưu Ma La Thập (344-413) và Huyền Tráng (602-664). Như thế, Huyền Tráng được xem là đỉnh cao, là sự tập hợp đại thành của quá trình dịch thuật ấy. Các nhà nghiên cứu Phật học đã sử dụng từ ngữ "cựu dịch, tân dịch" để chỉ cho các công trình và lối dịch thuật kinh điển Phật giáo trước ngài Huyền Tráng (cựu dịch) và từ ngài Huyền Tráng trở về sau (tân dịch).

Nhìn chung, sự nghiệp dịch thuật kinh điển của ngài Huyền Tráng diễn ra trong thời gian khoảng 20 năm với những thành quả đạt được thật là kì diệu, theo mục lục của ĐTK/ĐCTT, ngài Huyền Tráng đã dịch trên 70 tên Kinh, Luật, Luận, gồm 1322 quyển, ngoài bộ Đại Bát Nhã ra, còn có những bộ kinh, Luật, Luận nổi bật sau đây: - Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm kinh: 1 quyển, ĐTK/ĐCTT, No 251, T8- Kinh Phật Thuyết Vô Cấu Xưng (Duy Ma Cật): 6 quyển, ĐTK/ĐCTT, No 476, T14- Kinh Giải Thâm Mật: 5 quyển, ĐTK/ĐCTT, No 676, T16- A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa Luận: 200 quyển, ĐTK/ĐCTT, No 1545, T27 A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận: 30 quyển, ĐTK/ĐCTT, No 1558, T29- A Tỳ Đạt Ma Thuận Chính Lý Luận: 80 quyển, ĐTK/ĐCTT, No 1562, T29... - Bồ Tát Giới Yết Ma văn: 1 quyển, ĐTK/ĐCTT, No 1499, T24- Bồ Tát Giới bản: 1 quyển ĐTK/ĐCTT, No 1501, T24- Du Già Sư Địa luận: 100 quyển, ĐTK/ĐCTT, No 1579, T30 v.v...

Ngoài ra, ngài Huyền Tráng còn trứ thuật bộ sách Đại Đường Tây Vực kí gồm 12 quyển rất nổi tiếng (ĐTK/ĐCTT, No 2087, T51).

Tài liệu trong Phật Quang đại từ điển (Phật Quang Xuất bản xã, 1995, tr 839 trung- 839 hạ) cho biết việc tổ chức để dịch thuật bộ kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa rất là chu đáo, với sự hỗ trợ đắc lực của triều đình nhà Đường thời bấy giờ. Các vị sư: Gia Thượng, Đại Thừa Khâm, Đại Thừa Quang, Huệ Lãng, Khuy Cơ... giữ nhiệm vụ bút thọ. Các vị như Huyền Tắc, Thần Phưởng... giữ nhiệm vụ biên tập, sửa văn (Huyền Tắc còn là người đã viết 16 bài tựa cho 16 hội trong bộ kinh này), còn các vị sư Huệ Quý, Thần Thái, Huệ Cảnh thì lo việc chứng nghĩa. Toàn bộ công việc được tiến hành thuận hợp trong hơn ba năm rưỡi, từ tháng giêng năm 660 tới tháng Mười năm 663 thì hoàn thành, và đó là công trình lớn sau cùng của ngài Huyền Tráng, vì tháng Hai năm sau (664) thì ngài viên tịch. Vì là một bộ phận quan trọng trong tư tưởng của Phật giáo Đại thừa, nên các kinh thuộc văn hệ Bát Nhã đã được đưa vào đất Trung Hoa và được dịch ra Hán văn rất sớm (đời Đông Hán). Trước ngài Huyền Tráng, các kinh thuộc văn hệ Bát Nhã được dịch gồm:

Kinh Đạo Hành Bát Nhã: 10 quyển, Chi Lâu Ca Sấm dịch (đời Hậu Hán, ĐTK/ĐCTT, No 224, T8)

2- Kinh Đại Minh Độ: 6 quyển, Chi Khiêm dịch (đời Đông Ngô, ĐTK/ĐCTT, No 225, T8)

3- Kinh Phóng Quang Bát Nhã: 20 quyển, Vô La Xoa dịch, (đời Tây Tấn, ĐTK/ĐCTT, No 221, T8)

4- Kinh Quang Tán Bát Nhã: 10 quyển, Trúc Pháp Hộ dịch (đời Tây Tấn, ĐTK/ĐCTT, No 22, T8)

5- Kinh Ma Ha Bát Nhã Sao: 5 quyển, Đàm Ma Bì và Trúc Phật Niệm dịch (đời Tiền Tấn, ĐTK/ĐCTT, No 226, T8)

6- Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật: 27 quyển, Cưu Ma La Thập dịch (đời Hậu Tần, ĐTK/ĐCTT, No 223, T8)

7- Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật: 10 quyển, Cưu Ma La Thập dịch (đời Hậu Tần, ĐTK/ĐCTT, No 227, T8)

Toàn bộ các kinh ấy đều có trong Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa và đã được Ngài Huyền Tráng dịch lại (sẽ nói rõ thêm khi giới thiệu các hội trong Đại Bát Nhã). Điều này đã giúp cho các nhà nghiên cứu Phật học nhận thấy rõ hơn về quá trình sử dụng các thuật ngữ Phật học, phương hướng dịch, cũng như cách lí giải và diễn đạt các vấn đề cơ bản của tư tưởng Bát Nhã.

II. GIỚI THIỆU TỒNG QUÁT VỀ KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

A/- Bốn xứ, mười sáu hội:

Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa được thuyết giảng ở 4 nơi là:

- Núi Linh Thứu thuộc thành Vương Xá (gồm các hội 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 15)

Khu lâm viên Kì Đà- Cấp Cô Độc (gồm các hội 7, 8, 9, 12, 13 và 14)

- Cung trời Tha Hóa Tự Tại (hội thứ 10)

- Gần ao Bạch Lộ trong tinh xá Trúc Lâm, thành Vương Xá (hội thứ 16)

Kinh gồm 600 quyển, thuyết giảng qua 16 hội: trong ấy, so với các bản kinh đã được dịch từ trước thì:

- Các hội 1, 3, 5, 11, 12, 13, 14, 15 và 16 (9 hội) là ngài Huyền Tráng dịch mới, gồm 481 quyển.

- Các hội còn lại: 2, 4, 6, 7, 8, 9, 10 (7 hội) đã có các vị đi trước dịch rồi và ngài Huyền Tráng đã dịch lại, gồm 119 quyển.

B/- Giới thiệu từng hội:

Số lượng kinh văn hàm chứa trong mỗi hội không đều nhau: hội ngắn nhất: 1 quyển; hội dài nhất: 400 quyển.

1) Hội thứ nhất: Đây là hội dài nhất, gồm 400 quyển (quyển 1-400) chiếm trọn hai tập ĐTK 5 và 6 với hơn 2147 trang, gồm 79 phẩm chính, phân thành 461 phần, mỗi phần dài ngắn không đều; phần dài có thể là một quyển, phần ngắn thì khoảng một trang hoặc nửa trang v.v... Ở hội này có những phẩm rất dài, như phẩm "Hiệu lượng công đức" gồm 66 phần (ĐTK/ĐCTT, T5, tr 570C-906B), phẩm "Nan tín giải" gồm đến 103 phần (ĐTK/ĐCTT, T5, tr 979A-1074C; T6, tr 1-448A).

2) Hội thứ nhì: Hội này gồm 78 quyển, từ quyển 401-478 (ĐTK/ĐCTT, T7, tr 1-426A), với 85 phẩm chính, chia thành 142 phần; phẩm dài nhất ở hội này chỉ gồm bốn phần, như các phẩm thứ 3 (Quán chiếu), phẩm thứ 23 (Vô biên tế), phẩm thứ 68 (Xảo tiện), phẩm thứ 76 (Chúng đức tướng)...

Các kinh sau đây, đã được dịch trước ngài Huyền Tráng, thuộc về hội này:- Kinh Phóng Quang Bát Nhã: 20 quyển, Vô La Xoa dịch (đời Tây Tấn, No 222, T8).- Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật: 27 quyển, Cưu Ma La Thập dịch (đời Hậu Tần, No 223, T8).

3) Hội thứ ba: Gồm 59 quyển, từ quyển 479- 537 (ĐTK/ĐCTT, T7, tr 427-761B) với 31 phẩm, chia thành 80 phần. Phẩm dài nhất ở hội này là phẩm Thiện Hiện gồm 17 phần (tr 446C-526B).

4) Hội thứ tư: Gồm 18 quyển (từ quyển 538-555, ĐTK/ĐCTT, T7, tr 763A-865A) với 29 phẩm, chia làm 32 phần; phẩm dài nhất ở hội này là phẩm thứ ba (Cúng dường Tốt đổ ba), gồm ba phần.

4 kinh sau đây, đã được dịch trước ngài Huyền Tráng, thuộc về hội này:- Kinh Đạo Hành Bát Nhã: 10 quyển, Chi Lâu Ca Sấm dịch, đời Hậu Hán, No 224, T8- Kinh Đại Minh Độ: 6 quyển, Chi Khiêm dịch, đời Đông Ngô, No 225, T8- Kinh Ma Ha Bát Nhã Sao: 5 quyển, Đàm Ma Bì và Trúc Phật Niệm dịch, đời Tiền Tần, No 226, T8- Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật: 10 quyển, Cưu Ma La Thập dịch, đời Hậu Tần, No 227, T8.

Còn hai kinh này thì được dịch sau ngài Huyền Tráng- vào đời Tống- cũng thuộc hội thứ tư của Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa: Kinh Phật Mậu Xuất Sinh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật: 3 quyển, Pháp Hiền dịch (ĐTK/ĐCTT,, No 229, T8).

5) Hội thứ năm: hội này gồm 10 quyển, từ quyển 556-565, T7, tr 865B-920B, với 24 phẩm, 28 phần (phẩm dài chỉ có hai phần).

6) Hội thứ sáu: Gồm 8 quyển, từ quyển 566-573, T7, tr 921A-963C, với 17 phẩm, 26 phần. Kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã Ba La Mật, 7 quyển, do Nguyệt Bà Thủ Na dịch, vào đời Trần (giữa thế kỉ thứ 6 TL), thuộc về hội này (ĐTK/ĐCTT, No 231, T8).

7) Hội thứ 7: Gồm hai quyển, từ quyển 574-575, T7 tr 963C-964B, được gọi là Mạn Thù Thất Ly Phần (2 phần), hội này cũng được thu vào kinh Đại Bảo Tích, hội thứ 46 (ĐTK/ĐCTT, No 310, tập 11, quyển 115-116, tr 650-657)

Hai kinh lược dịch vào đời Lương (tiền bán thế kỉ thứ 6 TL) cũng thuộc về hội thứ 7 này:- Kinh Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật: 2 quyển, Mạn Đà La Tiên dịch (ĐTK/ĐCTT, No 232, T8)- Kinh Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Bát Nhã Ba La Mật: 1 quyển, Tăng Già Ba La dịch (ĐTK/ĐCTT, No 233, T8)

8) Hội thứ tám: Gồm 1 quyển (576, T7, tr 974B-979B), được gọi là Na Già Thất Lợi Phần.

Kinh Phật Thuyết Nhu Thủ Bồ Tát Vô Lượng Thanh Tịnh Phân Vệ, 2 quyển, do Tường Công dịch (đời Lưu Tống, thế kỉ thứ 5 TL, No 234, T8) là thuộc hội này.

9) Hội thứ 9: Gồm 1 quyển, tức quyển 577 (T7, tr 979C-985C), được gọi là Năng Đoạn Kim Cương Phần, chính là kinh Kim Cương mà phần đông người Phật tử đã biết và trở nên quen thuộc.

Tưởng nên nhắc lại, trước và sau ngài Huyền Tráng, chúng ta có tới 5 bản dịch kinh Kim Cương sau đây (4 trước, 1 sau):- Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật: 1 quyển, Cưu Ma La Thập dịch (đầu thế kỉ thứ 5 TL), ĐTK/ĐCTT, No 235, T8, tr 748C-752C - Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật: 1 quyển, Bồ Đề Lưu Chi dịch (đời Nguyên Ngụy, đầu thế kỉ 6) ĐTK/ĐCTT, No 236, T8, tr 752C-757A - Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật: 1 quyển, Chân Đế dịch (đời Trần, giữa thế kỉ thứ 6), ĐTK/ĐCTT, No 237, T8, tr 762A- 766C - Kinh Kim Cương Năng Đoạn Bát Nhã Ba La Mật: 1 quyển, Cấp Đa dịch (đời Tùy, cuối thế kỉ thứ 6), ĐTK/ĐCTT, No 238, T8, tr 766C-771C - Kinh Phật Thuyết Năng Đoạn Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa: 1 quyển, Nghĩa Tịnh dịch (đời Đường, đầu thế kỉ thứ 8, sau ngài Huyền Tráng), ĐTK/ĐCTT No 239, T8, tr 771C-775B.

Trong số này, bản dịch ra đời trước nhất và được phổ biến rộng rãi nhất là bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập. Xin nêu một so sánh:

- Bài kệ ở cuối pháp thoại ấy, ngài Huyền Tráng dịch:

"Chư hòa hợp sở vi
Như tinh, ế, đăng, ảo
Lộ, bào, mộng, điện, vân
Ưng tác như thị quán"

(ĐTK/ĐCTT, T7, tr 985C) Bốn bản dịch của các ngài: Bồ Đề Lưu Chi, Chân Đế, Cấp Đa và Nghĩa Tịnh, nơi bày kệ này, cũng giống như ngài Huyền Tráng, tức là sử dụng 9 thí dụ: Tinh (tinh tú), Ế (ảo ảnh của mắt bị bệnh), Đăng (đèn), Ảo (ảo thuật), Lộ (sương mai), Bào (bóng nước), Mộng (chiêm bao), Điện (ánh chớp) và Vân (đám mây) để thâu tóm và khái quát hóa về tính chất vô thường của toàn bộ các pháp hữu vi nơi thế gian. Tham khảo bản dịch tiếng Anh của Edward Conze, chúng ta thấy nơi bài kệ ấy cũng nêu đủ 9 thí dụ như 5 bản dịch kể trên. Điều đó chứng tỏ nơi nguyên bản tiếng Phạn hẳn đã dùng tới 9 thí dụ như thế. Nhưng ở bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập thì nơi bài kệ đó chỉ sử dụng 6 thí dụ mà thôi: "Nhứt thiết hữu vi pháp

Như mộng ảo bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán"

(ĐTK/ĐCTT, T8, tr 752B)

"Trong 6 ví dụ của bản dịch ngài La Thập, thì chiêm bao (mộng), ảo thuật (ảo), bóng nước (bào), sương mai (lộ) và ánh chớp (điện) là 5 ví dụ dễ hiểu nhất, và có thể vì vậy mà bản dịch của ngài La Thập đã để nguyên. Còn ảnh tượng (ảnh) thì không có trong 9 ví dụ nơi các bản kia, rõ ràng ngài La Thập đã dùng chữ này (ảnh) để tổng quát 4 ví dụ kia toàn là ảnh tượng; đó là: tinh tú (tinh), ảo ảnh do mắc bệnh (ế), ngọn đèn (đăng) và đám mây..." (HT Trí Quang, Việt dịch Kinh Kim Cương, bản in 1994, tr 261).

Đúng là một sự thâu tóm thật gọn ghẽ, hợp lý và tài tình biết bao! Chính từ 6 ví dụ nơi bản dịch của ngài La Thập mà kho tàng thuật ngữ về tư tưởng của Trung Hoa đã phong phú thêm lên với sự có mặt của từ Lục dụ hay Lục như (xem Từ Hải, tập Thượng, Tối Tân Tăng đính bản, Đài Loan Trung Hoa thư cục ấn hành, 1994, tr 539B)

10) Hội thứ 10: Hội này gồm 1 quyển, tức quyển 578 (ĐTK/ĐCTT, T7, tr 986A-991B), được gọi là Bát Nhã Lý Thú Phần. Bốn kinh sau đây, được dịch vào đời Đường (3) và Tống (1) là thuộc về hội này: -Kinh Thật Tướng Bát Nhã Ba La Mật: 1 quyển, Bồ Đề Lưu Chi dịch, ĐTK/ĐCTT, T8, No 240 Kinh Kim Cương Đỉnh Du Già Lý Thú Bát Nhã: 1 quyển, Kim Cương Trí dịch, ĐTK/ĐCTT, T8, No 241 Kinh Đại Lạc Kim Cương Bất Không Chân Thật Tam Ma Da: 1 quyển, Bất Không dịch, ĐTK/ĐCTT, T8, No 243 Kinh Phật Thuyết Biến Chiếu Bát Nhã Ba La Mật: 1 quyển, Thi Hộ (Tống) dịch, ĐTK/ĐCTT, T8, No 242.

11) Hội thứ 11: Gồm 5 quyển, từ quyển 579-583, T7, tr 991B-1019A, được gọi là Bố Thí Ba Ma Mật Phần, có 5 phần, mỗi phần 1 quyển.

12) Hội thứ 12: Gồm 5 quyển, từ 584-588, T7, tr 1019B-1044A, được gọi là Tịnh Giới Ba La Mật Phần, chia làm 5 phần nhỏ, mỗi phần 1 quyển.

13) Hội thứ 13: Chỉ có 1 quyển, quyển thứ 589 (T7, tr 1044A- 1049C), mang tên là An Nhẫn Ba La Mật Phần.

14) Hội thứ 14: Cũng gồm 1 quyển, quyển 509 (T7, tr 1049-1055), mang tên là Tinh Tấn Ba La Mật Phần.

15) Hội thứ mười lăm: Gồm 2 quyển 591 và 592 (T7, tr 1055B-1065B) được gọi là Tĩnh Lự Ba La Mật Phần, chia làm 2 phần nhỏ, mỗi phần một quyển.

16) Hội thứ mười sáu: Gồm 8 quyển, từ quyển 593 đến quyển 600 (T7, tr 1065B-1110B), được gọi là Bát Nhã Ba La Mật Phần, chia làm 8 phần nhỏ, mỗi phần một quyển.

C/- Một vài ghi nhận thêm:

Ghi nhận một cách tổng quát về 16 hội của kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa là như thế, sau đây là một số ghi nhận thêm:

1. Vị đệ tử được Đức Thế Tôn gọi đầu tiên để nhân đấy thuyết giảng diệu pháp là Tôn giả Xá Lợi Tử (Xá Lợi Phất).

2. Các vị đại đệ tử của Đức Phật có mặt trong kinh, góp phần nêu hỏi sự việc, nhân đấy Đức Thế Tôn quảng diễn giáo pháp gồm: Cụ thọ Xá Lợi Tử, Cụ thọ Đại Mục Liên, Cụ thọ Đại Âm Quang (Đại Ca Diếp), Cụ thọ Chấp Đại Tạng, Cụ thọ Đại Ca Đa Diễn Na (Đại Ca Chiên Diên), Cụ thọ Khánh Hỷ (A Nan), đáng chú ý hơn cả là Cụ thọ Xá Lợi Tử.

3. Vị đại đệ tử xuất hiện nhiều nhất trong kinh này, không chỉ nêu hỏi, được Đức Thế Tôn nhân đấy thuyết giảng, mà còn góp phần quảnh diễn diệu lý của kinh, là Tôn giả Thiện Hiện (Tu Bồ Đề). Chính thông qua kinh này mà Tôn giả Tu Bồ Đề được xem là vị A La Hán "giải không đệ nhất" trong số mười vị đại đệ tử của Đức Phật.

4. Các vị Bồ Tát có mặt trong kinh, ít nhiều tham gia vào pháp thoại, như: Bồ Tát Từ Thị, Bồ Tát Thiện Tư, Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi, Bồ Tát Thiện Dũng Mãnh là người được Đức Thế Tôn gọi tên để thuyết giảng phần sau cùng của kinh.

5. Chư Thiên tham gia nêu hỏi ý nghĩa và được Đức Thế Tôn nhân đấy thuyết giảng, như: Thiên vương Tối Thắng, Thiên vương Quang Đức, một số vị Thiên tử ở cõi Dục và cõi Sắc. Xuất hiện nhiều nhất, tham gia tích cực vào pháp thoại là Thiên Đế Thích (Kiều Thi Ca).

6. Một số thuật ngữ, tên người, tên đất v.v... được Pháp sư Huyền Tráng sử dụng trong kinh này, hoặc theo lối nguyên âm, hoặc theo lối dịch ý, có sự khác với các vị dịch giả đi trước hoặc sau:- Bạc Già Phạm (Thế Tôn), mười tên hiệu của Phật: Như Lai, Ưng Chánh Đẳng Giác, Minh Hành Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật - Bạc Già Phạm.- Bốn chúng đệ tử: Bísô, Bísôni, Ôbasáchca, Ôbatưca.- Tam bộ chúng: Thiên, Long, Dược Xoa, Kiền Đạt Phược, A Tố Lạc, Yết Lộ Đồ, Khẩn Nai Lạc, Ma Hô Lạc Già.- Sáu độ Ba La Mật: Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát nhã.- Bốn quả Thanh Văn: Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn và A La Hán.- Ba nghiệp: Thân, ngữ, ý.- Ba đường ác: Địa ngục, Quỷ giới, Bàng sinh.- Một vài địa danh: Thệ Đa lâm (rừng Kì Đà), Căng già (sông Hằng), Thất La Phiệt (Xá Vệ)... Một số thuật ngữ: Hữu tình (chúng sinh), Cụ thọ (Tôn giả), Độc giác (Duyên Giác, Phật Bích Chi), Nhất sinh sở hệ (Nhất sinh bổ xứ). Đỗ đa (Đầu đà), Tát ca da kiến (Thân kiến), Tốt đổ ba (tháp), Chế đa (Chi đề- tháp không có thờ xá lợi), Thiết lợi đa (xá lợi), Du thiện na (do tuần), Dị sinh (phàm phu)...

7. So với một số bộ kinh tiêu biểu trong Hán tạng, kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa rất ít kệ. Và vì sự diễn đạt mang tính chất bao quát, toàn diện và triệt để, nên một số điểm cốt yếu trong kinh đã được lặp lại. Đây là điều mà những người bước đầu tiếp cận với bộ kinh này cần lưu ý.





Kinh Bat Nha 11 tap5

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/09/2024(Xem: 4635)
Con vừa ghi lại buổi pháp thoại Thầy thuyết giảng về "Đại Sư Thiếu Khang, vị Tổ thứ 5 của Tịnh Độ Tông Trung Hoa", con kính gửi Thầy xem và chỉnh sửa thêm trước khi online. Con kính cám ơn Thầy cho phép con phiên tả, vì đây là cơ hội để con chú tâm để hiểu ít nhiều về Phật pháp thêm vào vốn liếng giáo lý quá ít ỏi của con. Bạch Thầy, con chợt nhận ra rằng, Thầy đã dùng phương tiện này để dẫn dắt con, thay vì như Tổ Thiếu Khang cho tiền để trẻ niệm A Di Đà, Thầy đã khéo léo bảo con tường thuật để cột tâm con vào một mối không đi lang thang như khi ngồi nghe giảng hay tụng kinh. Con kính tri ân Thầy.
21/09/2024(Xem: 3364)
Con trộm nghĩ nếu câu Niệm Phật được thực hiện đúng, nghĩa là luôn được gắn chặt vào một suy nghĩ bất cứ lúc nào thì suy nghĩ duy nhất này sẽ đẩy ra tất cả những suy nghĩ khác thì đương nhiên tác động kỳ diệu của việc niệm Phật rất giống với Thiền.( một yếu tố bắt buộc trong việc học Phật .) Hơn thế nữa con được nghe rằng “ Học lịch sử mà không làm sống lại được nhân vật và hoàn cảnh lịch sử thì nào có bổ ích gì" nhấn mạnh rằng việc học lịch sử không chỉ đơn thuần là ghi nhớ các sự kiện, ngày tháng, hay tên tuổi mà còn phải hiểu rõ bối cảnh, tâm tư và động lực của những nhân vật trong lịch sử. Nếu chỉ học theo cách máy móc mà không thể thấu hiểu và cảm nhận được những giá trị ẩn sau sự kiện, ta sẽ bỏ lỡ những bài học quan trọng nhất.
16/08/2024(Xem: 3796)
Video Books Kinh Trung Bộ, Trường Bộ & Ương Ưng Bộ của Hòa Thượng Thích Minh Châu
07/03/2023(Xem: 5552)
Hạnh Phúc Trong Từng Hơi Thở (bài giảng của SC TN Giới Bảo)
07/03/2023(Xem: 3561)
Kinh Lương Hoàng Sám- S.C Giới Bảo Dẫn Chúng Trì Tụng Năng Lực Tiêu Trừ Nghiệp Chướng Lớn
23/12/2022(Xem: 22310)
Các video sau được sưu tập và biên tập sao cho mỗi video đều có mục lục chi tiết (ngoại trừ các bài giảng lẻ), kèm theo thời điểm lúc giảng các mục để người xem có thể dễ dàng theo dõi. Ngoài ra nếu vô tình nghe một đoạn bất kỳ cũng có thể biết được Sư bà đang giảng tới mục nào vì tên mục đó có ghi phía dưới màn hình.
26/03/2022(Xem: 16189)
❝Trên đường đạo không gì bằng tinh tấn, Không gì bằng trí tuệ của đời ta, Sống điêu linh trong kiếp sống ta bà, Chỉ tinh tấn là vượt qua tất cả.❞ Kính chia sẻ cùng chư Tôn đức, Pháp hữu và qúy Phật Tử Lịch Pháp thoại và khóa tu tại Hoa Kỳ trong tháng 4 và tháng 5-2022 với sự hướng dẫn của Tỳ kheo Như Nhiên. Th Tánh Tuệ CHƯƠNG TRÌNH HAI NGÀY TU HỌC tại Tu viện Đạo Viên tiểu bang Maryland Khóa tu chủ đề: TIẾP XÚC VỚI THỰC TẠI. Với sự hướng dẫn của thầy Thích Tánh Tuệ California, Thầy Viên Ngộ trụ trì Tu Viện Đạo Viên, Maryland và Thầy Tâm Nguyên trụ trì Tu Viện Hạnh Phúc, Florida. Tu học hai ngày thứ Bảy & Chủ nhật (April 09 & 10, 2022) và ngắm Hoa Anh Đào vùng thủ độ Hoa Thịnh Đốn vào ngày thứ hai sau khóa tu.
07/02/2022(Xem: 22880)
Kính đa tạ Thầy đã giới thiệu 14 lời vàng của HT Thích Trí Tịnh (1916-2014 ) một Bồ Tát thị hiện đã mang kho tàng kinh các đến với Phật Tử VN trong và ngoài nước nhưng cuối cùng di chúc để lại cho đời chỉ vỏn vẹn 14 lời vàng này lại là Kim Chỉ Nam cho những ai muốn tu tập giải thoát ( LÀM LÀNH-LÁNH DỮ-THƯƠNG NGƯỜI- THƯƠNG VẬT-ĂN CHAY-NIỆM PHẬT -TỤNG KINH ) và Bộ Toàn tập Kinh Hoa Nghiêm 4 quyển cũng như Ngũ Kinh Tịnh Độ mà Ngài đã thọ trì hằng ngày từ A lại da thức khởi phát.
01/02/2022(Xem: 37099)
48 Đại Nguyện của Đức Phật A Di Đà (loạt bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng trong mùa dịch cúm Covid-19)
09/12/2021(Xem: 23176)
Cách đây vài ngày đọc trên một tờ báo tại Sydney , khi nói về chủng thể Omicron vừa phát tán và lây lan do xuất phát từ các nước Nam Phi , tôi chợt mỉm cười khi đọc được câu này " Chúng ta đã học từ nạn đại dịch một điều rằng : Đừng nên hy vọng một điều gì , vì chắc chắn điều mình hy vọng ấy sẽ chỉ là THẤT VỌNG " If there’s one thing COVID has taught us , it is to expect nothing, except disappointment . What it comes to that COVID really delivers
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]