Hòa Thượng Thich Thông Mẫn
Con còn nhớ trong những ngày Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư (Về Nguồn 12) và Lễ Mừng Chu Niên 32 năm (1990-2022) thành lập Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu, con đã thầm rơi lệ vì những lời khai thị quá khiêm cung của Ngài qua những lời tâm sự của bậc tôn đức, luôn nghĩ rằng mình đã được hưởng ân sủng từ Tam Bảo và Chư thiên Long Thần Hộ Pháp, đồng thời có bao sự linh ứng từ Đức Quan Thế Âm cũng như từ vị Bồ Tát hiện đời Thích Quảng Đức mà Tu Viện được mang tên, mà có được sự thuận duyên hoằng pháp nơi hải ngoại đúng như câu đối:
Quảng Đức Tự, Dấu chân vàng, Phật Đà ngời ánh đạo
Thuận Duyên Lành, Quy Chánh Pháp, Tăng Chúng Sáng hạnh tu
Thế nhưng con, Phật tử Huệ Hương sau nhiều năm học đạo và có nghiên cứu thêm, con đã tự cảm nhận rằng: “Phải chăng mọi sự thuận duyên đó đều chính là hoa trái Bồ đề đã nở rộ đúng lúc, đúng thời sau khi đã được tưới tẩm và chăm sóc cẩn thận nhiều năm”.
Và phải chăng vì có ý nghĩ mình được ân phước đó nên sẽ thực thi và hoàn thành trách nhiệm ngày càng cao quý hơn, dõng mãnh hơn và chắc chắn bậc hiền nhân đó sẽ càng ngày càng được thuận duyên hơn nữa và dĩ nhiên sẽ càng khiêm tốn hơn, tâm càng bao dung, đức độ từ bi càng rộng mở hơn.
Trước đây nhiều năm con đã từng công quả tại văn phòng chùa Hoa Nghiêm, Springvale, Melbourne do HT Thích Thiện Tâm Trụ trì, do đó con thường có dịp hội kiến với Ngài qua các buổi Trai tăng và các buổi pháp thoại.
Lần sau cùng khi rời khỏi chùa Hoa Nghiêm vì lý do tang mẹ, nhưng con cũng chứng kiến được sự chân tình hồ hởi thật từ bi của Ngài lúc chúc mừng HT Thích Thiện Tâm được vinh danh, khi hoàn tất Trung Tâm Phật Giáo Ấn Quang, và lúc ấy con đã nghĩ thầm “Đây chính là một bậc chân tu”, dù trước đó qua người bạn thân quá cố Huỳnh Kim Thu có mẹ là Ni Sư Nguyên Lưu từng đồng trú cùng thời tại chùa Quang Minh khi Ngài còn làm Trụ Trì, đã nhiều lần nhắc đến Ngài với sự tôn kính và nuối tiếc khi HT rời khỏi chùa Quang Minh vì bệnh duyên.
Và đúng như những gì con đã học về chữ Duyên trong Đạo Phật, sau này khi cộng tác với Trang Nhà Quảng Đức và được TT Thích Nguyên Tạng tin tưởng giao con nhiệm vụ sưu tầm hành trạng quý Chư Tôn Đức và quý tác giả đã đóng góp trên Trang Nhà Quảng Đức cùng với Phật Tử Quảng Tịnh Kim Phương, đồng thời Thượng Tọa cũng gửi cho con Kỷ Yếu 20 năm Tu Viện Quảng Đức, qua đó con biết được bạn thân đồng khóa với phu quân con là Kiến Trúc Sư Nguyễn Kiển Thành, đã thiết kế lại Tu Viện Quảng Đức từ một trường học đã đổ nát trở thành ngôi Tu Viện Phật Giáo lớn nhất trong thành phố Moreland, thuộc vùng Tây Bắc của tiểu bang Victoria, dù trước chúng con có thoáng nghe anh kể qua về sự đóng góp bản vẽ với Ngài trong các buổi họp mặt nhóm, mà không ai chú ý đến giá trị tâm linh của công trình kiến trúc quy mô này... Đúng là thật xấu hổ cho những kẻ phàm phu như chúng con, tuy nhiên ngày nay được phát lồ tàm quý cũng là một đại duyên lớn cho con rồi.
Và kính xin được trích đoạn trong bản tiểu sử của Tu Viện: “Tu Viện Quảng Đức do kiến trúc sư Nguyễn Kiển Thành thiết kế với sự cố vấn của HT. Trụ Trì Thích Tâm Phương, kiến trúc tổng quát của Tu Viện được kiến lập theo kiểu chữ "Công" (工 ), mang dáng dấp kiến trúc cổ kính Á Đông. Tu Viện gồm một tầng trệt, một tầng lầu, Tăng Xá và Bảo Tháo Tứ Ân. Tầng trệt là hội trường sinh hoạt, dung chứa khoảng 700 người, bên trái hội trường là quả Đại Hồng Chung cao 1m50, nặng 1000 kg, bên phải là trống Bát Nhã, trước giảng đường có hai câu đối nói lên ý nghĩa đạo hiệu của Thầy Trụ Trì:
Tâm Từ tỏa khắp, rời quê hương dốc cả tín tâm, xây nền Chánh Pháp
Phương thảo thơm xa, nơi Úc quốc, trút dâng chí nguyện phụng sự nhân sinh.
Tầng lầu có sân thượng rộng khoảng 10m và hành lang chạy dọc theo 2 bên hông Chánh Điện; bên trong, Chánh điện thờ Phật là một tòa phạm vũ nguy nga, bề rộng 15m, dài 35m, có thể dung chứa 300 người. Công trình chạm khắc phù điêu ở đây có bao lam Cửu Long rất tinh xảo, đặc biệt trên hương án thờ Phật chạm khắc các ngôi chùa danh tiếng trong nước như chùa Một Cột ở miền Bắc, Tháp Linh Mụ Huế, Tháp Vĩnh Nghiêm ở Sàigòn”
Bàn thờ Phật được thiết trí rất trang nghiêm, chính giữa thờ tôn tượng đồng Đức Phật Thích Ca thiền định trên tòa sen cao 2,50m, nặng khoảng 1,5 tấn, bên dưới là pho tượng Phật Ngọc cao 5 tấc; hai bên là hai tôn tượng Hộ Pháp Già Lam được mạ vàng. Hai bên có hai câu đối tiếng Việt nói ý nghĩa tên của Tu Viện:
Quảng Bá năm châu đèn trí tuệ sáng ngời Chánh Pháp truyền đi khắp xứ
Đức truyền bốn biển nước từ bi rưới mát đạo mầu trải rộng mười phương
Sở dĩ con nhắc nhiều đến chữ Duyên, vì trong suốt quãng đời tu học của con đều liên quan đến những bậc Thầy mà lòng hiếu thảo và tình huynh đệ tương thân đã khiến con noi gương theo làm kim chỉ nam trong cuộc sống. Đó là Sư Phụ Viên Minh và Sư Thúc Giới Đức, HT Thích Bảo Lạc và HT Thích Như Điển, HT Thích Thông Mẫn và TT Thích Nguyên Tạng.
Trong tinh thần đó, con đã ghi nhớ mỗi sinh nhật của quý Ngài, hầu đúng vào ngày đó con có thể vừa chúc tụng vừa tri ân sự hiện diện của quý Ngài giữa thế kỷ hiện đại này, sẽ mãi là gương sáng cho hậu thế.
Đặc biệt vào cuối năm 2019 con lại được chứng kiến ngày HT Thích Thông Mẫn thọ đại tang Bổn Sư Hòa Thượng Thích Như Ý, Tổ Đình Linh Sơn Pháp Bảo, Cầu Dứa, Nha Trang, nơi Ngài đã xuất gia và sau đó phát tâm nhập thất tu tịnh và lễ bộ Vạn Phật ròng rã suốt một năm tại Chùa Linh Sơn Pháp Ấn, Suối Dầu, Nha Trang, trước khi lên đường vượt biển tìm tự do vào năm 1986, điều này khiến con tự nhủ thầm “một người tôn trọng Ân sư như thế quả thật xứng đáng với địa vị và lòng tôn kính của bao hàng đệ tử!.”
Gần đây nhất mỗi năm HT cố gắng thu xếp về VN để vừa phối hợp việc thiện nguyện của Giáo Hội, vừa tổ chức đại tường và lễ giỗ cho Bổn Sư, vừa chúc mừng đại thọ Mẹ (Cụ Bà Tâm Thái) khi Tết đến.
Chỉ nhìn vào những hình ảnh được TT Nguyên Tạng online trong group Viber ĐGĐQĐ mới thấy được mọi hoạt động vừa Phật sự vừa cá nhân, đều được thực hiện rất trang nghiêm theo nghi thức cổ truyền và Phật Giáo, không ai là không ngưỡng mộ.
Kính bạch Hòa Thượng, bản thân con vốn rất mê tử vi Tây phương vì qua đó cá tính và đặc điểm ưu tú nhất của mỗi cung Hoàng Đạo phù hợp ngày sinh nhật đều đúng đến 75%, và con xin sám hối đã lén xem khi biết được ngày sinh của HT, nên càng quý kính HT hơn dù rằng TT Nguyên Tạng với tư cách bào đệ Ngài đã ghi lại hành trạng và tác phẩm của Ngài rất tuyệt vời mà không ai có thể so sánh được.
Đó là tất cả những gì rất chân thành của con khi được tiếp cận với Tu Viện Quảng Đức qua hình ảnh Ngài Viện Chủ mà chư Tôn Đức đồng tu đã từng ví đức hạnh Từ Bi Ngài như Đức Bồ Tát Quán Thế Âm thời hiện đại tại Úc Châu.
Kính đảnh lễ và kính mừng Khánh Tuế 70 Hòa Thượng Thích Thông Mẫn, kính chúc Ngài pháp thể khinh an, thọ mạng miên trường, phước trí tròn đầy, pháp duyên vô ngại và nhất là tâm dù rỗng rang thanh tịnh sáng suốt mà các Phật sự tiếp theo vẫn thành tựu viên mãn.
Kính mừng Khánh Tuế 70 HT Thông Mẫn,
Vị khai sơn, Viện chủ Quảng Đức Già Lam
Tựu thành viên mãn hoằng pháp sau những gian nan (1)
Ân hưởng hoa trái Bồ Đề nở rộ vừa đúng lúc!
Thành kính dâng lời nguyện kính chúc
“Tứ thời xuân tại thủ, ngũ phúc thọ vi tiên” (2)
Vô lượng cát tường, vô lượng an lạc trường miên
Mãi là biểu tượng Trưởng Tử Thích Ca ưu việt!
Mang ánh dạo vàng tải ân Tam Bảo thu nhiếp.
Lại kính nguyện chúc:
Hòa Thượng tâm đạt thanh tịnh rỗng rang,
Mẫn tuệ dìu dắt chúng sanh vượt thoát bất an
Thể hiện giáo lý nhiệm mầu với Chánh tín và Chánh Trí!
Thất thập Khánh Tuế, nhật nhật Phật luôn gia bị!
Cuối cùng, kính bạch Hòa Thượng, con rất hoan hỷ khi được trình bày những cảm nghĩ thật vắn tắt nhưng gói trọn tâm tư để có thể cúng dường và chúc thọ Ngài nhân dịp Khánh Tuế 70 vào năm Giáp Thìn 2024.
Kính bút,
Sydney 25/3/2024
Phật tử Huệ Hương.
Chú thích:
(1)Theo tư liệu được biết HT.Tuệ Sỹ từ quê nhà đã gởi tặng Tu Viện câu đối như sau:
“Quảng mạc thiên hoang cố lý, nhi phế hưng cạnh tẩu kinh đào, phiến diệp phù nang, quải nạp đằng la thử ngạn.
Đức hành thế khoát tham phương, tỉ triêu lộ hàm huy diệu cảnh, không hoa thủy nguyệt, huyền hà bích lạc thần châu”.
Có nghĩa là:
“Chốn cũ dặm dài man mác, bởi phế hưng xô dậy sóng cồn, chiếc lá thuyền nan, vá áo chép kinh đất khách;
Đức tu mấy bước mù xa, tợ sương sớm nắng hồng đọng bóng, hoa trời trăng nước, ngân hà dằng dặc quê cha.”
(2) Dịch là bốn mùa như xuân mãi bình yên, năm phúc thọ hườn đầu tiên