Khách Hòa Lan nghĩ gì về ngôi chùa Vạn Hạnh
(Diệu Ɖức trích dịch bài viết của khách Hòa Lan nhân dịp kỷ niệm 40 năm Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan)
Tôi vô cùng cảm phục cách các bạn đã tạo cho mình một mái ấm mới trong một xã hội hoàn toàn xa lạ, cũng như tôi thật sự cảm thương tất cả những gì mà các bậc ông bà cha mẹ của các bạn đã phải trải qua!
Năm 9 tuổi, tôi nhìn thấy trên báo hình ảnh của Hòa Thượng Thích Quảng Đức thiêu cháy như đuốc giữa trung tâm Sài Gòn. Trong nỗi tuyệt vọng cùng cực, tôi đã theo dõi những tin tức về một nước Việt Nam bị sâu xé, sau ách đô hộ của Pháp là chiến trường khủng khiếp của cuộc chiến tranh Mỹ, Trung Quốc, Nga và cả Kmer Đỏ, và kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 là những trại tù kinh hoàng.
Lúc tuổi thiếu niên, mỗi dịp lễ Giáng sinh, tôi thật không thể nào vui chơi ăn uống trong khi trên trái đất hoàn toàn không có hòa bình. Và tôi tự hỏi tôi phải làm gì để có thể đóng góp điều gì tích cực, để có thể tiếp tay giúp đỡ trong một thế giới đầy bạo lực như thế. Câu trả lời cho vấn đề này, tôi đã nhận được từ Đức Đạt Lai Lạt Ma năm tôi sắp 20 tuổi:”Nếu bạn muốn hòa bình, hãy bắt đầu bằng cách phát triển sự an bình trong tâm của chính bạn, sau đó hòa bình với những người thân yêu của bạn, rồi sau đó với những người làng của bạn, v.v…”
12giờ 12phút, một vị thầy đến từ Pháp đặt viên đá đầu tiên xây chùa, một nghi lễ thật xúc động. Sau đó trở lại trung tâm sinh hoạt EveNaarHuis nơi mọi người được tiếp đón rất nhiệt tình, vui vẻ, với nhiều thức ăn nhẹ rất ngon.
Được nghe giải thích là chùa Vạn Hạnh được thiết kế nhằm phản ảnh sự hội nhập của cộng đồng người Việt vào xã hội Hòa Lan, có nghĩa là hội nhập nhưng vẫn giữ cá tính riêng. Và may mắn thay họ đã hoàn toàn thành công. Nhất là trong việc tổ chức ba ngày lễ lớn hàng năm tại chùa: Tết Việt Nam, lễ Phật Ɖản và lễ Vu Lan. Rất tiếc tôi chỉ tham dự được một lần nhưng cũng được hưởng sự cực kỳ hiếu khách và thân thiện cũng như sự kính trọng của người Việt Nam đối với khách, và nghệ thuật nấu ăn tuyệt vời của họ.
Ngoài ra, điều gây ấn tượng sâu sắc nơi tôi còn là sự tận tâm cống hiến của những người Việt Nam. Họ đã làm việc chăm chỉ hàng tháng trời, mỗi cuối tuần, để sơn phết ngôi chùa, mà khi bàn giao chỉ là cái vỏ trần trịu, để lắp đặt đường ống, nhà bếp, sàn nội thất và sân vườn, v.v.. Và sau đó họ đã hoàn tất ngôi chùa một cách thật đồi dào với những pho tượng đẹp và thanh cao cùng những vật tuyệt đẹp mua từ Việt Nam. Thật không thể tin được cộng đồng người Việt đã làm được tất cả những điều này!
(Margriet)
Là người thường đến viếng chùa, tôi cảm thấy thoải mái và an bình ngay khi gần đến chùa. Thật hứng thú khi nhìn thấy khu vườn xung quanh chùa luôn được cải thiện và làm đẹp hơn. Đôi khi Tăng thân chúng tôi đi thiền hành bên ngoài. Hình ảnh cảm động của Tượng đài thuyền nhân đặt ngay lối vào chùa, cùng những pho tượng khác và những cây cảnh được sắp xếp cận thận tạo nên một bầu không khí khiến tôi mở lòng sẵn sàng đón nhận những gì ở nơi đó. Trong chùa, tôi còn cảm nhận nhiều năng lượng tốt hơn nữa. Nơi đây là một sự chăm chút có thể nhìn thấy, cảm thấy, sờ thấy được, khiến tôi cảm động. Từ bông hoa, trái cây tươi được chưng xếp cẩn thận, đến mùi hương, chuông mõ, các pho tượng, tất cả mọi thứ mời gọi ta hiện thân ở ngay nơi đó, trong giây phút đó.
(Zilla)
Nhờ lòng hiếu khách của những người bạn Việt Nam, của Thầy Thích Minh Giác, chúng tôi có cơ hội được cùng nhau tổ chức các buổi thiền tập tại chùa Vạn Hạnh. Mỗi lần đến đó, tôi vô cùng biết ơn vì đã được đến một nơi đặc biệt, tôi có cảm giác như được “trở về nhà” trong giây lát để tìm lại chính mình. Ngôi chùa giống như mái nhà ấm của cha mẹ, nơi tôi cảm thấy an toàn và gắn bó, và cũng là nơi những người có cùng chí hướng gặp gỡ nhau. Việc hành đạo trong một không gian rộng rãi với sự hiện diện của ba vị Phật tuyệt đẹp tượng trưng cho sự sáng suốt, lòng dũng cảm và lòng từ bi, là một kho tàng thực sự.
Không ai khiến tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi, tôi được chào đón như người thân trong nhà và được đón nhận những lời chúc mừng nồng nhiệt. Nghi thức nào tôi không hiểu thì tôi được giải thích tận tình, và cuối cùng tôi được xếp hàng để nhận 'lì xì' chúc mừng từ các Thầy. (Aiselyn)
Khi tôi bước chân vào chùa sau một tuần lễ bận rộn, sự tĩnh lặng trong chùa khiến trong lòng tôi dâng lên một cảm giác bình yên, dễ chịu. Tôi cảm thấy mình vừa là khách, vừa như đang thoải mái ở nhà mình. Tôi ngồi trên chiếc gối, thành vòng tròn với các đạo hữu, lắng nghe tiếng chuông gõ và tức khắc tôi cảm thấy lòng cởi mở, hướng vào nội tâm hơn nhưng đồng thời cũng thân tình hơn với mọi người. Cùng ngồi thiền với nhau giúp việc tham thiền có chiều sâu và hữu hiệu hơn một cách khó diễn tả nhưng được cảm nhận rất rõ ràng: bình yên, an lành.
Đối với tôi, chùa Vạn Hạnh là một nơi dừng chân tuyệt vời. Mỗi lần đến thăm chùa, tôi đều thấy xúc động trước sự quyết tâm cống hiến và cúng dường tài chính của một nhóm người tương đối nhỏ. Chùa là chỗ nghỉ ngơi, tạo cho ta điều kiện để thiền định và suy gẫm. Chánh điện tỏa sáng lộng lẫy với các tượng Phật uy nghiêm, hùng vĩ. Được thiền hành ở đây quả là một đặc ân và khiến cho việc thiền hành thêm sâu sắc. Thỉnh thoảng một chuyến xe lửa chạy ngang qua khiến tôi mỉm cười vì nó nhắc tôi nhớ đến cuộc sống đời thường bên ngoài cửa chùa.
Tôi biết ơn cộng đồng người Việt và đặc biệt là Hòa thượng Thích Minh Giác đã luôn nhiệt tình chào đón tôi tại ngôi chùa Phật giáo này.
Thân ái, Kees
***
15-10-2023, Lễ Khánh Thành Chùa Vạn Hạnh
và Kỷ Niệm 40 năm Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan
Ngày chủ nhật 15 tháng 10 năm 2023 là ngày mong đợi của toàn thể Phật tử tại Hòa Lan. Mong đợi càng lâu thì niềm vui càng lớn khi ước mơ thành sự thật. Quả vậy, sau ngày đặt viên đá đầu tiên xây cất chùa Vạn Hạnh tại Almere vào ngày 12 tháng 12 năm 2012 vào lúc 12 giờ 12 phút, Phật tử Việt Nam tại Hòa Lan đã biết bao mong chờ ngày lễ khánh thành này. Tuy chùa đã được hoàn thành và đã sinh hoạt được nhiều năm nhưng vì đại dịch Covid nên lễ khánh thành không thể tổ chức sớm hơn được.
Buổi sáng chủ nhật trung tuần tháng 10, đầu thu Hòa Lan, bắt đầu với mưa và gió. Tuy nhiên số lượng Phật tử về chùa tham dự lễ khánh thành, chấp cả mưa gió, lên đến hơn ngàn người. Có lẽ nhờ tâm thành cộng chung đó, cùng với công đức và sự chứng giám của nhị vị trưởng lão Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt, Thích Như Ɖiển cùng 70 Chư Tăng Ni thuộc các chùa tại Âu Châu mà trời đã chuyển mưa thành nắng, đổi màu từ xám xịt ra xanh ngắt, trong veo, ấm áp. Trong dịp này, chùa Vạn Hạnh đã hân hạnh đón tiếp năm vị khách danh dự: Thầy Anandaghosa thuộc tu viện Tích Lan, bà Maike Veeningen, đại diện hội đồng thành phố Almere, ông Michael Ritman, chủ tịch Hội Phật Giáo Hòa Lan, ông André Kalden, chủ tịch Hội Ái Hữu Phật giáo và ông Nguyễn Hữu Phước, chủ tịch Cộng đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan. Buổi lễ khánh thành đã bắt đầu vào lúc 11 giờ sáng trong bầu không khí đẹp và tưng bừng đó.
Tiến vào Hội trường nơi buổi lễ chánh được cử hành, mọi người đều ngạc nhiên vì hội trường hôm nay đẹp quá. Mọi mắt đều hướng về sân khấu nơi hình ảnh cổng chùa và ngôi chùa Vạn Hạnh được thực hiện thật rõ đẹp và trung thực, với hai câu đối “Mái chùa che chở hồn dân tộc/Nếp sống muôn đời của tổ tông” ở hai bên. Sân khấu đẹp và sáng đèn này là bối cảnh để quý Thầy ban đạo từ cũng như các quan khách Hòa Lan phát biểu.
Trong diễn văn khai mạc, Hòa Thượng Thích Minh Giác, Chủ tịch Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan kiêm trụ trì chùa Vạn Hạnh, cám ơn sự hiện diện của Chư Tôn Ɖức Tăng Ni, quý quan khách cùng toàn thể Phật tử. Hòa Thượng sơ lượt sự hình thành của Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan và chùa Vạn Hạnh đã được tạo dựng như ngày nay do duyên lành và tâm sức của hằng hà Phật tử. Trong niềm vui của ngày hôm nay, Thầy Minh Giác không quên nhắc đến công ơn cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, vị ân sư của toàn thể Phật tử Việt Nam tại Hòa Lan, người đã bỏ bao tâm huyết để Phật sự tại Hòa Lan được khởi duyên và viên thành.
Trong phần đạo từ, Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt, Ɖệ Nhất Chủ tịch Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất Âu châu, cám ơn chính quyền Hòa Lan đã mở rộng vòng tay tiếp nhận người tỵ nạn Việt Nam để được sống trong một nước thanh bình, một xã hội văn minh. Thầy tán thán công đức Hòa Thượng Thích Minh Giác, là một tăng sĩ trẻ rời bỏ quê hương khi vừa hơn 20 tuổi, đã lặn lội trong xã hội Tây phương, đã vươn mình và phát triển tinh thần Phật giáo Việt Nam trên đất nước Hòa Lan qua việc xây dựng ngôi chùa Vạn Hạnh to đẹp như ngày nay. Ngôi chùa là biểu tượng của linh hồn dân tộc, là linh hồn của văn hóa Việt Nam và ngôi chùa luôn gắn liền với đời sống người dân Việt nên Thầy khuyên nhủ chúng ta có bổn phận giữ gìn và phát triển ngôi chùa Vạn Hạnh này.
Hòa Thượng Thích Như Ɖiển, trong phần đạo từ, đã nhắc đến ngày đau thương 30/4/1975 của dân tộc Việt đã khiến bao người phải bỏ nước ra đi. Tại hải ngoại người Phật tử đã vươn mình lên xây dựng được 1500 ngôi chùa trên khắp thế giới, qua đó đã đưa văn hóa Phật giáo, văn hóa dân tộc đến khắp năm châu. Đóa hoa sen từ châu Á đã được thêm vào vườn hoa tâm linh của các nước Tây phương và ngày càng tươi đẹp hơn. Thầy cầu chúc Giáo Hội Phật Giáo tại Hòa Lan ngày càng vững mạnh trên con đường hoằng pháp.
Ɖại diện chính quyền thành phố Almere, bà Veeningen đã bày tỏ niềm hân hạnh được có mặt trong ngày hôm nay. Bà nói thêm, Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan sinh hoạt 40 năm cũng là thời gian dài so với Almere là thành phố mới thành hình hơn 50 năm. Bà vui mừng thấy sinh hoạt Phật giáo có mặt tại nơi đây và ngôi chùa Vạn Hạnh đã tạo thêm nét đẹp cho thành phố của bà.
Hiện diện trong buổi lễ, ông Ritman, Chủ tịch Hội Phật Giáo Hòa Lan đã cám ơn lời mời của ban tổ chức. Ông nói Phật tử Việt Nam tại Hòa Lan phải tự hào về ngôi chùa của mình với mái cong tuyệt mỹ, với Quan Âm Các, với Cổng Tam Quan, đây cũng là kết quả của sự hợp tác đa văn hóa trong tinh thần hòa bình.
Tiếp theo đó, Hòa Thượng Thích Minh Giác đã trao tặng Bảng Công Ɖức đến đại diện các ban ngành trong Ban Trị Sự Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan. Từ bao nhiêu năm nay, các anh chị trong Ban Trị Sự đã gắn bó với ngôi chùa Vạn Hạnh từng ngày, từng tháng, từng năm, họ âm thầm đóng góp công sức của mình không ngừng nghỉ với tâm thành cúng dường Tam Bảo.
Cũng trong dịp này, Kỷ Yếu Vạn Hạnh đã được trân trọng trao tận tay đến Chư Tôn Ɖức Tăng Ni cùng quan khách. Kỷ Yếu Vạn Hạnh cũng được trao gửi đến Phật tử hiện diện như một món quà ghi dấu sự chung vai góp sức vô lượng tịnh tài và công sức để tạo dựng nền móng Phật sự tại Hòa Lan cũng như xây dựng ngôi chùa Vạn Hạnh hiện nay.
Nghi thức cắt băng khánh thành Chùa Vạn Hạnh được long trọng thực hiện bởi bốn vị Hòa Thượng: Thích Tánh Thiệt, Thích Như Ɖiển, Tịnh Quang và Thích Minh Giác cùng hai vị khách là bà Veeningen và ông Ritman, dưới sự chứng kiến của toàn thể quý Chư Tăng Ni và Phật tử hiện diện. Vào lúc đó, ánh nắng tươi đẹp của một ngày đầu thu như hòa chung cùng niềm vui của mọi người trong giây phút quan trọng này. Ngay lúc đó, đoàn lân Gia đình Phật Tử Chánh Tín (GƉPT/Chánh Tín) đã tiến ra múa lân mừng ngày đại lễ. Tiếp theo đó là màn múa cờ thật đặc sắc của các em Phật tử, nói lên tinh thần chống ngoại xâm của con dân Việt, đã tạo một hình ảnh vui tươi sống động cho mọi người tham dự. Buổi lễ tiếp nối khi quý Chư Tăng Ni cùng quan khách và Phật tử tiến vào chánh điện. Trước Phật đài khói hương nghi ngút, Chư Tăng Ni và toàn thể Phật tử cùng hướng tâm dâng lên Ɖấng Bổn Sư, nguyện theo ánh hào quang chư Phật cứu độ chúng sinh.
Sau phần cúng dường Trai Tăng, Chư Tăng Ni và Phật tử hiện diện đã được thưởng thức một chương trình ca múa đặc sắc của Ban Văn Nghệ Chùa Vạn Hạnh. Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan kỷ niệm 40 năm thành lập trùng hợp với GƉPT/Chánh Tín kỷ niệm 30 năm sinh hoạt dưới mái ấm của Giáo Hội trên đất nước Hòa Lan, do vậy trong dịp này GƉPT/Chánh Tín đã cống hiến chư quan khách những màn múa thật đẹp và đầy tự tình dân tộc. Đặc biệt, hôm nay cũng là ngày sinh nhật của Thầy Trụ Trì Thích Minh Giác, nên các Phật tử đã làm chiếc bánh sinh thật đẹp dâng lên Thầy.
Buổi chiều cùng ngày quý Chư Tăng Ni cùng quan khách, dưới sự hướng dẫn của Hòa Thượng Thích Minh Giác đã đi thăm viếng Cổng Tam Quan, Quan Âm Các, vườn Tứ Ɖộng Tâm, mười hai pho tượng Quan Âm và Tượng Ɖài Thuyền Nhân. Tất cả đã tạo nên khung cảnh êm đềm, thanh tịnh cho ngôi chùa Vạn Hạnh và một niềm an lạc, thanh thản cho khách viếng thăm.
Buổi lễ chấm dứt lúc 16 giờ cùng ngày trong niềm hạnh phúc và an lạc của mọi người tham dự. Phật tử Việt Nam tại Hòa Lan đã hạnh diện không những được tiếp đón hơn 70 Chư Tăng Ni khắp Âu châu vân tập về chùa Vạn Hạnh tham dự ngày đại lễ đầy ý nghĩa này mà còn tạo được sự cảm phục và ấn tượng đẹp nơi khách Hòa Lan như bà Veeningen, đại diện thành phố Almere. Khác với dự tính ban đầu, bà đã ở lại dự đến cuối chương trình, và ngay khi rời buổi lễ, bà đã gửi một điện tin đến ban tổ chức với nội dung “Thật là một buổi lễ đẹp. Xin cám ơn đã được mời tham dự”.