- Văn Thư Tấn Phong Trụ Trì Chùa Thảo Đường tại Moscow, Liên Bang Nga
- Lịch sử về sự thành lập Chùa Thảo Đường
- Diễn văn khai mạc Lễ Khánh Thành Chùa Thảo Đường Thủ Đô Moscow, Liên Bang Nga
- Chùa Việt trên đất Nga
- Ngày 1: Lễ Khánh Thành Chùa Thảo Đường Moscow, Liên Bang Nga
- Ngày 2: Lễ Khánh Thành Chùa Thảo Đường, Moscow, Liên Bang Nga
- Hình buổi sáng Lễ Khánh Thành Chùa Thảo Đường, Moscow
- Hình: Văn Nghệ Gây Quỹ
- Video: Lễ mừng Khánh Thành Chùa Thảo Đường Matxcơva
Lịch sử
về sự thành lập
Chùa Thảo Đường
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức,
Kính thưa quý Phật Tử và bà con,
…Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm…
Trong sự tôn nghiêm của ngôi Chánh điện hôm nay, trong tiếng chuông huyền diệu đưa tất cả tâm tư chúng ta ở đây trở về cùng một ý nghĩ, cùng một một nhịp đập, ngược dòng thời gian, chúng ta trở về với khởi nguồn của ngôi chùa yêu thương này.
Cách đây hơn 24 năm, vào một ngày cuối tháng 4 năm 1993, Sư Ông Minh Tâm đã cùng 2 vị Tôn Đức Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Moscow, thủ đô của nước Nga, nơi suốt hơn 80 năm đã là thủ đô của nước Liên Xô Cộng sản, trung tâm của khối Cộng sản quốc tế. Và điều đó cũng đồng nghĩa rằng, trong suốt gần 1 thế kỷ đó những tiếng chuông tỉnh thức vắng bóng trong không gian, vắng bóng trong thế giới âm thanh ở nước Nga này.
Và rồi đột nhiên, tiếng chuông huyền diệu đó đã được đánh lên thánh thót, vang vọng như thế, trong căn hộ nhỏ bé của hai con người đang mong cầu đi tìm chân lý, đi tìm hạnh phúc, đi tìm sự nương tựa tâm linh. Tiếng chuông đó đã được Cố Hòa Thượng Minh Tâm thỉnh lên trong căn hộ của hai cô chú Nguyễn Minh Cần và Inna Malkhanova.
Ông bà Nguyễn Minh Cần và Inna Malkhanova (xem tiểu sử)
Hôm nay đây, lắng nghe tiếng chuông ngân, lòng mỗi chúng ta ở đây không khỏi dâng lên những bồi hồi, xúc động. Dường nhưng tiếng chuông đã đánh thức trong ta một cảm giác thật thiện lành, một ước mong cháy bỏng làm một điều gì đó cho mọi người, mọi loài. Một niềm xúc động như thế đã dâng lên trong lòng của Chú Nguyễn Minh Cần và cô Inna, những con người đã nhiều năm đi tìm cầu gặp được chân lý, gặp được nơi nương tựa cho tâm linh. Và ngay hôm đó, cô Inna đã thỉnh cầu với Sư Ông cho thành lập một trung tâm Phật giáo tại Moskva này. Lời thỉnh cầu đó đã được Sư Ông ủng hộ và ban cho những lời chỉ dạy chân tình và cặn kẽ.
Những năm tháng đầu tiên hoạt động của Hội thật là chông gai, vất vả. Mỗi việc đều cần lòng kiên nhẫn và cố gắng phi thường.
Suốt hai năm đầu, cứ mỗi tháng 2 lần, vào ngày Rằm, Mùng 1, cô Inna lại đi lên Hội Phật Giáo của Nga mượn Tôn tượng Phật bằng đồng nặng 15 kg, cõng Ngài trên vai, vượt qua mấy chục km bằng các phương tiện công cộng khác nhau để mang đến nơi làm lễ. Còn chú Nguyễn Minh Cần thì vai vác balô đựng thảm, tay xách túi đựng đồ trang trí bàn thờ, cũng không dưới 15 kg, đi bộ từ nhà đến nơi làm lễ Phật. Trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ thời hậu Cộng sản, hai cô chú đã tìm trong nhà tất cả những gì quý giá nhất, đẹp đẽ nhất mang ra để trang trí bàn thờ. Nào thảm, nào hoa, nào lọ, nào cốc, nào bát, có thể nói cô chú đã đặt cả tấm lòng, cả trái tim, cả tâm trí vào công việc của Hội, vui với Hội, buồn với Hội, sống với Hội. Có thể nói, nếu không có sự hy sinh, cống hiến của hai cô chú thì Hội đã không thể hình thành, hoạt động và lớn mạnh trong suốt hơn 20 năm qua. Hôm nay đây một trong số 2 người sáng lập Hội, đã không còn nữa, nhưng chúng ta ở đây cảm nhận được đầy đủ sự đóng góp đó, một lòng tri ân công lao và lòng hy sinh đó của hai cô chú Inna Thiện Xuân và Nguyễn Minh Cần Thiện Mẫn.
Sau này tìm được căn hộ thuê làm Niệm Phật Đường, Hội thoát được cảnh cõng Phật trên lưng đi làm lễ, nhưng lại xuất hiện nỗi lo mới là lo tiền thuê hàng tháng. Số tiền 500, rồi 700 những năm cuối tăng lên đến 1000 đô la mỹ mỗi tháng không phải là nhỏ. Những lúc cộng đồng gặp khó khăn, Phật tử thường đến chùa chuyển chỗ ở, có lúc Hội chỉ còn lại hai cô chú và Tâm Diệu Hương , đã thế người phải nằm viện, người ốm liệt giường không đi được, tình cảnh thật là leo lét. Thế nhưng ngay cả những lúc khó khăn như vậy, chưa bao giờ hai ngày lễ Phật: Rằm và Mồng 1 mà Niệm Phật Đường đóng cửa. Dù chỉ một mình, chú Cần và Cô Inna vẫn thay nhau lên Niệm Phật Đường mở cửa làm lễ Phật. Trong những giai đoạn khó khăn như thế, Hội đã nhận được sự giúp đỡ to lớn của hai vị Lãnh đạo tinh thần là Sư Ông Minh Tâm và Hòa Thượng Thích Như Điển. Hai Ngài đã gửi cho Hội biết bao kinh sách để tu học, đã giúp đỡ cho tiền để trả tiền thuê nhà những năm tháng khởi đầu khó khăn, và đặc biệt đã luôn dìu dắt chỉ bảo trên con đường tu học. Trong những năm tháng hoạt động của mình, Hội cũng đã đi qua những khúc quanh rất gian khó, tưởng như không thể đứng vững được, không thể hoạt động được nữa. Hai vị lãnh đạo tinh thần của Hội, Sư Ông Minh Tâm và Hòa Thượng Thích Như Điển đã hết lòng giúp đỡ, động viên và chỉ bảo để Hội vượt qua những thử thách đó.
Sư Ông Minh Tâm và Hòa Thượng Thích Như Điển
Có thể nói rằng, nếu không có sự giúp đỡ, động viên hết lòng của hai vị lãnh đạo tinh thần thì Hội của chúng ta cũng không thể tiến bước vững chắc trên con đường tu học và phát triển đến ngày hôm nay.
Hôm nay, Cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm đã không còn để chứng kiến giây phút hạnh phúc này, nhưng chúng con sẽ luôn cảm niệm công đức của Ngài đối với chúng con, cảm niệm công đức Ngài đã thỉnh lên tiếng chuông huyền diệu làm thức tỉnh những trái tim mê mờ, để chúng con biết đến Đạo, để chúng con ra khỏi cơn mê.
Ngay từ những ngày đầu tồn tại, khi Hội còn chưa có địa điểm làm Niệm Phật Đường, chưa có tiền, cô Inna đã truyền cho mỗi người đến với Hội một giấc mơ tuyệt đẹp. Giấc mơ có một ngôi chùa Phật giáo ở ngay giữa Moskva này. Nước Nga có hơn 146 triệu dân, Phật giáo là một trong 5 tôn giáo lớn được công nhận ở nước Nga này, trong đó có 3 nước cộng hòa tự trị coi Phật giáo là quốc giáo, thế nhưng đã qua bao nhiêu thế kỷ, ở Moskva này người ta chưa xây được một ngôi chùa Phật Giáo nào cả. Đủ để chúng ta hiểu, xây dựng chùa Phật giáo ở nước Nga không phải là việc dễ dàng. Cô Inna đã đi hết mọi cơ quan công quyền để xin đất, nghiên cứu luật xây dựng, nghiên cứu vật liệu xây dựng, nghiên cứu kỹ càng thiết kế của các ngôi chùa Phật Giáo để tự thiết kế nên một ngôi chùa vừa rất Việt Nam, vừa thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của nước Nga. Cô đã dùng các vỏ hộp kẹo, làm nên mô hình của ngôi chùa tương lai hai tầng thật là đẹp đẽ và trang nghiêm. Và cô nói, cô đã sống trong ngôi chùa mơ ước đó mỗi ngày. Mặc dù hết sức tích cực đi xin chính quyền thành phố cấp đất, nhưng càng ngày Hội càng càng hiểu ra rằng, việc đi xin đất xây chùa ở nước Nga này là điều không thể thực hiện được. Giấc mơ có một ngôi chùa, tưởng như mãi mãi sẽ chỉ là một giấc mơ.
Thế nhưng, giấc mơ có một năng lực lớn hơn người ta tưởng, nó hun đúc tâm trí mỗi con người để biến những giấc mơ cháy bỏng thành hiện thực.
Tháng 8 năm 2011, tại thành phố nhỏ bé của nước Áo, nơi diễn ra khóa tu học Phật pháp Âu châu lần thứ 23, đột nhiên xuất hiện ý tưởng mua đất ở ngoại ô Moskva để xây chùa. Có Phật tử hứa sẽ cúng dường cho việc mua đất 20 ngàn đô la và cho vay thêm 100 ngàn đô la nữa để xây dựng. Những lời hứa đó đã thổi bùng ước mơ ấp ủ bao nhiêu năm thành một ngọn lửa lớn, sưởi ấm những tấm lòng khắc khoải chờ đợi. Thế là ngay khi trở về, chia sẻ thông tin đó với các đạo hữu trong Hội, ai nấy đều háo hức bắt tay vào việc tìm đất xây chùa. Cứ tưởng rằng có tiền để xây chùa là quan trọng nhất, còn việc xây dựng thì không có gì khó khăn. Thế nhưng hóa ra xây chùa không đơn giản như người ta xây nhà, xây công sở hay xây bất cứ cái gì khác.
Bởi ai cũng muốn ngôi chùa trang nghiêm nhất, hoàn hảo nhất, nhưng khái niệm hoàn hảo của mỗi người đều khác nhau, nên việc bàn bạc để lựa chọn mảnh đất nào thích hợp nhất cũng kéo dài gần một năm mới ngã ngũ.
và quý Phật tử Chùa Thảo Đường, hình chụp tháng 8-2006
Mảnh đất được lựa chọn nằm ở ngoại ô Moscow, cách đường vành đai của thành phố 7 km, trong khuôn viên của làng biệt thự Marusin Lug mới được hình thành. Khi mua, làng Marusin Lug là một vùng đất xa xôi, nằm cách biệt khỏi khu dân cư, giữa một vùng đất trống trải không có nhà và cũng không có cây, dường như nằm giữa một vùng thung lũng rộng lớn.
Có rất nhiều người lo lắng nếu chùa nằm xa trung tâm, xa thành phố như vậy thì trong tương lai sẽ không ai đến chùa tu tập.
Thế nhưng, trong mấy năm qua, trong lúc chùa đang xây dựng, khu vực xung quanh chùa cũng đã kịp quy hoạch, phát triển thành một khu đô thị sầm uất, và đặc biệt nữa là thành phố quyết định xây một tuyến metro mới về khu vực này . Như vậy trong một tương lai không xa, chùa sẽ nằm giữa một khu đô thị mới, tiện lợi về giao thông và dân cư đông đúc. Đây là khu vực giá nhà tương đối rẻ, nên bà con người Việt quần tụ về đây mua nhà rất đông. Đây cũng là một điều thuận lợi mà khi mua Hội cũng không biết là sẽ có được.
Ngày 8 tháng 6 năm 2012, nhân dịp Rinpoche Hungkar Dorje đến hoằng pháp tại Moscow, Hội PG Thảo Đường đã thỉnh Ngài đến làm lễ chú nguyện cho mảnh đất. Còn nhớ, hôm đó sau mấy ngày trời mưa, khi mọi người đến đây, thấy cả Khu đất chìm trong bể nước, sình lầy, chỉ duy nhất khu vực Chánh điện hôm nay nhô lên như một ốc đảo bình yên, khô ráo, đủ để đặt 1 chiếc bàn làm lễ và đủ chỗ cho tất cả mọi người đứng làm lễ chú nguyện.
Mặc dù đã có đất và mảnh đất đã có đầy đủ hệ thống điện, nước, gaz đưa về tận nơi rất thuận lợi, nhưng rất nhiều người vẫn không tin là Hội có thể xây dựng thành công được một ngôi chùa. Biết bao khó khăn, biết bao chướng ngại đã xuất hiện những ngày tháng đó. Nhưng với sự gia trì của Tam Bảo và tình yêu với ngôi chùa đã được hun đúc bao nhiêu năm tháng, các Phật tử gắn bó với chùa đã vượt qua tất cả những khó khăn đó, những chướng ngại đó để góp từng viên gạch cho ngôi chùa thân yêu này.
Chùa làm lễ động thổ ngày 25 tháng 9 năm 2013. Đúng 40 người đặt 40 viên gạch đầu tiên xuống mảnh đất này, làm nền móng cho ngôi chùa hôm nay. Vạn sự khởi đầu nan, mặc dù đã làm lễ động thổ, nhưng rồi tiến trình xây cất lại phải dừng lại, chờ qua mùa Đông, vì đến khi đào móng mới phát hiện ra vùng đất này thổ nhưỡng rất xốp, không thể thi công theo thiết kế ban đầu được. Hội phải thuê thiết kế lại toàn bộ, từ móng đến mô hình của ngôi chùa để phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 16 tháng 4 năm 2014, với sự chứng minh của Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển và Đại Đức Thích Hạnh Giới, Trụ Trì chùa Viên Giác, Phật tử chùa Thảo Đường đã làm lễ khởi công xây dựng ngôi chùa Thảo Đường này.
Trong số những người đã có công lao to lớn cho việc xây dựng này, phải kể đến đạo hữu Phạm Đức Chính, trưởng ban trị sự đầu tiên của Hội. Rất tiếc vì hoàn cảnh gia đình, đạo hữu đã không có mặt trong buổi lễ đáng nhớ này. Đạo hữu là người đã bám sát công trình, thức khuya, dậy sớm, chịu gió, mưa, giá lạnh trên công trường để theo dõi và giám sát quá trình xây chùa. Những đêm trở về nhà vào lúc 1-2 giờ sáng, những ngày túc trực trên công trường để kịp thời đi mua vật tư, nhằm tiết kiệm từng đồng, đừng xu, những đêm ngủ lại trong ngôi nhà gỗ không lò sưởi để đốc thúc, động viên thợ làm cho kịp tiến độ là hình ảnh quen thuộc trong những ngày tháng xây dựng đó của đạo hữu Phạm Đức Chính.
Vấn đề nan giải nhất trong quá trình xây dựng là làm sao có đủ tiền để trả tiền công và mua nguyên vật liệu. Phật tử của Hội đã hết lòng đóng góp công sức, cúng dường tiền bạc, và cả cho chùa vay không lấy lãi. Ngoài ra cũng có một phần đóng góp không nhỏ của Chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật tử trên khắp thế giới. Mỗi lần có khóa tu học tại Âu Châu, mỗi lần có cơ hội đi đến các chùa tại Âu Châu, Chư Tôn Đức và bà con Phật tử lại hết lòng ủng hộ cho việc xây dựng ngôi chùa Thảo Đường.
Có thể nói, Ngôi chùa Thảo Đường này là hiện thân của tình yêu thương không biên giới, không chính trị, không đẳng cấp, của những người con Phật, đúng như tinh thần của cái tên Thảo Đường, mà hai đạo hữu Thiện Xuân và Thiện Mẫn đã đặt cho Hội từ 24 năm trước.
Thảo Đường không phải là am thất bằng cỏ, mà là tên của vị Thiền Sư danh tiếng thế kỷ thứ 11, thời Vua Lý Thánh Tông. Ngài là người đã lập ra phái Thiền thứ 3, phái Thiền Thảo Đường ở Việt Nam. Ngài xuất thân là người Trung Quốc, đi qua Chiêm Thành hoằng Pháp, bị Vua Lý Thánh Tông bắt làm tù binh, để rồi sau đó lại trở thành Thầy của Vua, rồi thành Quốc Sư của Việt Nam.
Sau gần 1 năm thi công, tốn gần 350 ngàn đô la Mỹ, ngày 1/3 năm 2015 chùa Thảo Đường đã chuyển về đây sinh hoạt, dù lúc đó mới chỉ duy nhất có sàn Chánh điện là hoàn thành. Làm sao kể hết nỗi vui mừng của các Phật tử của chùa, khi được chuyển từ gian Chánh điện của Niệm Phật Đường cũ chỉ vẻn vẹn 21 m1, về gian Chánh điện hơn 180 m2 này làm lễ, thật như thuyền từ chiếc ao nhỏ được bơi ra biển rộng mênh mông. Ngay ngày lễ Phật đầu tiên nhằm ngày Rằm tháng Giêng, ở đây đã quy tụ gần 200 phật tử về dự lễ.
Từ tháng 5 năm 2016 chùa bắt đầu giai đoạn hoàn thiện để hoàn tất ngôi Già Lam này. Mặc dù ngôi chùa đã lên khuôn, thành hình nhưng rơi đúng vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế của nước Nga, nên rất nhiều người cũng không tin là chùa có đủ khả năng quyên góp để hoàn thiện ngôi chùa như mong muốn.
Có thể nói rằng, ước nguyện chung của tất cả Phật tử khi chung tay xây dựng ngôi chùa đầu tiên ở Moskva là có được một ngôi Già Lam để tu học Phật Pháp, vì vậy nhân dịp chuyến hoằng pháp lần thứ 5 của Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển đến Moskva để làm lễ an vị Phật, ngày 26/10/2016, tất cả các Phật tử chùa Thảo Đường đã đồng lòng quỳ lạy, cung kính dâng lên lời tác bạch xin dâng ngôi chùa Thảo Đường này cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu điều hành.
Ngày 28/10, trong không khí thật trang nghiêm của buổi lễ an vị 3 tôn Tượng Phật, Hòa Thượng Thích Như Điển, Đệ nhị Chủ tịch Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu đã chấp thuận lời thỉnh cầu của tất cả Phật tử và công cử Sư Cô Thích Nữ Tuệ Đàm Hương làm vị Trụ trì đầu tiên của Ngôi chùa Thảo Đường. Thật hoan hỷ thay, Sư Cô Tuệ Đàm Hương đã mở lòng từ bi thương các Phật tử tại Moskva và chấp nhận về ngôi chùa Thảo Đường làm Trụ trì, dù ngôi chùa của chúng con còn đang xây dựng dang dở, dù chùa còn bộn bề bao nhiều khó khăn cả về nội tình lẫn ngoại cảnh.
Một năm qua, Sư Cô Trụ trì cùng các Phật tử chùa Thảo Đường đã làm việc miệt mài không ngơi nghỉ cho đến tận những ngày cuối cùng để hoàn thiện ngôi chùa Thảo Đường cho thật hoàn hảo, trang nghiêm, y như vừa được hiện ra từ hào quang của Chư Phật, từ ánh sáng của một giấc mơ đẹp đẽ và cháy bỏng suốt 24 năm qua của tất cả những ai mong ước có một ngôi chùa Phật Giáo trên mảnh đất Moskva này.
Và hôm nay đây, chúng ta hân hoan cùng nhau mừng ngôi chùa Thảo Đường đã hoàn tất trang nghiêm như ước nguyện của biết bao người.
Trong giờ phút đặc biệt thiêng liêng này, chúng con xin một lòng tưởng nhớ và tri ân Cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, vị lãnh đạo tinh thần đầu tiên của Hội.
Chúng con xin tưởng nhớ và tri ân đạo hữu Thiện Mẫn Nguyễn Minh Cần, một trong những người đầu tiên đã sáng lập lên Hội PG Thảo Đường và đã cống hiến tất cả thời gian, tâm trí và cả tiền bạc của mình cho việc xây dựng ngôi chùa này
Chúng con xin tri ân công ơn to lớn vô bờ của Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển đã dành cho chúng con trong hơn 24 năm qua và vẫn đang tiếp tục giúp đỡ, chỉ bảo cho chúng con.
Chúng con xin tri ân tất cả Chư Tôn Đức Tăng Ni đã đến đây hoằng Pháp, đã đóng góp tịnh tài, đã cầu nguyện và hồi hướng cho việc xây dựng ngôi chùa được gặp những thuận duyên và thành tựu viên mãn trong những năm qua.
Chúng con xin tri ân tất cả quý Phật tử và bà con đã ủng hộ, đóng góp cho việc xây dựng ngôi chùa Thảo Đường trong những năm qua, và mong quý bà con tiếp tục giúp đỡ và ủng hộ cho chùa trong tương lai bằng sự tu tập tinh tấn của mình.
Nguyện cầu cho vô số chúng sinh, bước vào ngôi già lam này đều phát tâm Bồ đề, tu hành Chánh Đạo cho đến ngày thành tựu Phật Quả viên mãn.
Nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sinh, đều trọn thành Phật Đạo.