Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chùa Việt trên đất Nga

20/11/201609:23(Xem: 8867)
Chùa Việt trên đất Nga
Le An Vi Phat Chua Thao Duong Moscow (75)

Chùa Việt trên đất Nga
 Thích Như Điển


 

Trong 73 nước mà tôi đã có dịp đi qua từ sau năm 1975 đến nay (2016), thì nước Nga là một trong những nước rất đặc biệt về cả khí hậu, phong tục, tập quán, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị v.v... Tôi đến Nga lần đầu vào năm 1994 và năm nay 2016, là lần thứ năm tôi đã đặt chân đến đất nước nầy. Chỉ 5 lần thôi, thật ra không có gì để nói được nhiều, nhưng hoàn cảnh của nước Nga và người Việt tại đó, đặc biệt là những người Phật tử Nga và Việt đang làm ăn sinh sống tại đây, thật có nhiều điều phải cần đề cập đến.

 

Cuộc cách mạng Nga năm 1917 đã chấm dứt chế độ của Nga Hoàng và sau 70 năm với Đệ nhất (1914-1918) và Đệ nhị (1939-1945) thế chiến, người Nga đã sống dưới chế độ Cộng sản được cai trị bởi những nhà lãnh đạo độc tài như: Lenin, Stalin v.v… Cho đến khi Ông Gorbachev có mặt tại Đông Đức vào cuối năm 1989 với chủ trương đổi mới, thì Đức trước tiên và sau đó lần lượt đến các nước Đông Âu, trong đó có Nga đã chuyển mình để từ bỏ chế độ Cộng sản và lần hồi tiến đến chế độ Dân chủ tự do ở nhiều bình diện khác nhau để sánh vai cùng thế giới. Nếu không có ngày 9 tháng 11 năm 1989, ngày mà cả bao nhiêu triệu người dân Đông Đức đã tự xô ngã bức tường oan nghiệt Berlin sụp đổ sau 40 năm ngăn chia Đông Tây với hai chủ nghĩa Cộng sản và Quốc gia, thì đây là cơ hội để cả hằng triệu triệu người Đông Âu, trong đó kể cả người Nga, họ không được nếm mùi dân chủ tự do là gì để được dân chủ hóa và nếu không có chủ nghĩa Cộng sản tại Đông Âu sụp đổ từ năm 1989 đến 1991, thì chúng tôi cũng đã không có cơ hội đi Nga và cũng không thể nào biết những sinh hoạt của người Việt của chúng ta tại Nga như thế nào.

 

Năm 1993 có một Hội Nghị Tôn Giáo toàn cầu đã được tổ chức tại Moscow, Nga Sô. Âu Châu có cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Trụ Trì chùa Khánh Anh tại Pháp sang tham dự. Từ Hoa Kỳ có Cố Hòa Thượng Thích Trí Chơn và Hòa Thượng Thích Minh Tuyên cũng đã đến tham dự Đại Hội nầy. Thuở ấy tại Nga có rất nhiều người Việt Nam sinh sống và cũng có nhiều khuynh hướng khác nhau, nhưng đa phần là những sinh viên từ miền Bắc Việt Nam sang đây du học, sau khi tốt nghiệp họ không về nước mà ở lại (xin tỵ nạn chính trị, hay kết hôn với người Nga và ở lại làm ăn buôn bán) làm ăn buôn bán, kết hôn với người Nga, xin tỵ nạn chính trị... với một cộng đồng đông đảo tại Moscow, cũng như trên toàn Liên Bang Nga.  Tại Nga lúc bấy giờ có hai Đạo hữu tham gia Đại Hội nầy, đó là Ông Nguyễn Minh Cần và Bà Inna người Nga chuyên về Việt Nam học. Họ đã đến tham vấn Cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm về một Hội Phật Giáo tại Nga. Ông Cần được đảng Cộng sản Việt Nam gửi đi du học tại Nga từ năm 1958 (sau cải cách ruộng đất tại miền Bắc 2 năm), đến năm 1960 Ông xin tỵ nạn chính trị và đã vào quốc tịch Nga từ lâu, vì không đồng quan điểm chính trị với người Cộng sản Việt Nam. Đây cũng là nhân duyên để hai Ông Bà đến với Đạo Phật. Đúng vào dịp Tết và Rằm Tháng Giêng năm 1994 hai Ông Bà có mặt tại chùa Viên Giác Hannover và đã xin tôi làm lễ Quy  y Tam Bảo, tôi đã cho ông pháp danh là Thiện Mẫn và Bà là Thiện Xuân. Kể từ đó chúng tôi đã có sự liên hệ chặt chẽ với Hội Phật Giáo cũng như chùa Thảo Đường tại Moscow, Nga Sô.

Năm 1994 tôi và Thầy Hạnh Bảo được Ông Bà mời qua Nga tham quan, cũng như hướng dẫn để cho Phật Tử tại đó có cơ sở thành lập Hội và Niệm Phật Đường Thảo Đường về sau nầy. Cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm và tôi đã trở thành hai vị lãnh đạo tinh thần của Hội, cũng như chùa Thảo Đường từ năm 1994 cho đến nay cũng đã trên 20 năm rồi. Tất cả đều là nhân duyên và đều do nhân duyên hòa hợp tái tạo mà thành. Những điều nầy các Phật tử tại Nga cũng không chờ đợi, mà tôi cũng như cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm cũng chẳng trông chờ.

 

Mùa Đông năm 1994 ở Nga rất lạnh. Nếu tôi nhớ không lầm nhiệt độ thuở ấy là trừ 40 độ Cellcus. Cái lạnh ngấm đến tận xương tủy. Điều ấy biểu trưng cho việc lấy hai tay của mình sờ lên hai lỗ tai, mình không còn cảm giác gì nữa; và ngay cả đang mùa Đông như vậy, nhưng ăn kem vẫn thấy ấm trong lòng hơn là sự giá buốt từ bên ngoài. Năm đó (1994) Thầy trò chúng tôi (Thầy Hạnh Bảo) đã khệ nệ mang một tôn tượng Đức Bổn Sư cao độ 40 cm đến Nga bằng đường hàng không để tặng cho Hội Phật Giáo Thảo Đường. Mãi cho đến nay ( 2016) dầu cho có dời về chùa mới, có những tôn tượng to lớn hơn đi nữa, thì đây vẫn là một tôn tượng lịch sử của chùa Thảo Đường tại Nga. Thuở ấy tôi được Đạo Hữu Thiện Mẫn dẫn cho đi St. Peterburg (trước là Leningrad), thăm cung điện Mùa Hè của Nga Hoàng và đặc biệt là thăm những trạm xe điện ngầm tại Moscow. Theo lời Đạo Hữu Thiện Mẫn kể lại thì vào thời Lenin, Stalin, ở trên mặt đất là địa ngục và ở dưới mặt đất là thiên đường. Vì lẽ cứ mỗi trạm xe điện ngầm như vậy được cẩn một loại đá cẩm thạch khác nhau, mà ở Moscow có cả hằng trăm trạm xe điện ngầm như thế. Đến quảng trường Đỏ có điện Kremlin (Cẩm Linh). Thực ra chữ Đỏ trong tiếng Nga có nghĩa là đẹp, chứ không phải đỏ là biểu trưng cho lá cờ của Cộng sản. Ở đây có những tòa nhà kiến trúc thật là vĩ đại từ thời Nga Hoàng, cũng như thời hậu hiện đại. Nơi được canh gác cẩn mật, vì xác của Lenin vẫn còn nằm trong một lâu đài của công trường nầy.

 

Vì chưa có chùa nên Thầy trò chúng tôi được cho ở khách sạn gần nhà Đạo Hữu Thiện Mẫn, mà cũng là nơi để dễ tụ họp làm lễ, thuyết pháp và bàn bạc những công việc Phật sự cho tương lai của Thảo Đường lúc bấy giờ. Năm nay trở lại Nga, tôi không ở khách sạn nầy, nhưng buổi lễ cầu an và gây quỹ cho chùa Thảo Đường mới cũng được tổ chức tại Hội Trường trong khách sạn nầy. So ra với 22 năm trước thì bây giờ khách sạn nầy có phong cách hơn nhiều, có lẽ vì nhờ có khách du lịch thế giới đến ở đây nhiều, nên từ cung cách phục vụ cho đến mọi khâu khác đều được tổ chức rất tươm tất.

 

Đạo hữu Inna Thiện Xuân là một người Nga, nhưng tiếng Việt thì quá tuyệt vời. Vì Đạo Hữu ấy đã có thời sang Việt Nam du học và viết luận án ra trường Cao Học, viết về nông nghiệp Việt Nam bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Sau khi tốt nghiệp ở Việt Nam, Đạo hữu ấy về lại Nga và dạy tại trường bang giao quốc tế của Nga. Bây giờ thì bịnh duyên đã làm cho Bà ấy mất trí nhớ đi nhiều và lần nầy khi đến nhà thăm Đạo hữu ấy, Bà ta có lúc nhớ lúc quên. Hai Ông Bà đã soạn một quyển tự điển Nga Việt cả mấy trăm ngàn từ, mà bao nhiêu thế hệ Sinh Viên Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước Nga đều cần phải sử dụng đến. Ngoài ra, Đạo hữu Thiện Xuân cũng đã ảnh hưởng tư tưởng của nhà văn Tolstoy không ít. Bà ấy đã khảo sát lại tư tưởng Phật Học của Tolstoy đã có viết trong những tác phẩm trước năm 1910 và tìm tòi giá trị của Đạo Học Đông Phương qua nhiều phương hướng khác nhau. Cuối cùng Bà đã chọn Phật Giáo Việt Nam để làm điểm tựa cho tâm linh khi về già và nhất là chữ Thảo Đường, Bà  đã đề nghị lấy tên nầy để vinh danh vị Thiền Sư Việt Nam của chúng ta, là Tổ thứ ba của Thiền phái Thảo Đường cách đây hơn 1.000 năm về trước, mà cũng còn dụng ý là một “am tranh” để cho người Phật tử Việt xa xứ có nơi nương tựa tinh thần. Đọc những tác phẩm của Đạo hữu Thiện Xuân như: “Dưới Bóng Từ Bi” hay những bài biên khảo về Phật Giáo, chúng ta thấy Đạo hữu ấy có một tấm lòng đối với Đạo Phật không nhỏ.

 

Đạo Hữu Thiện Mẫn mất tại Nga vào tháng 5 năm 2016 vừa qua ở tuổi 89 đã để lại cho Hội và chùa Thảo Đường một khoảng trống vô cùng to lớn, nhất là Đạo Hữu Thiện Xuân không có nơi nương tựa và cho tới giờ nầy vẫn chưa biết là chồng mình tại sao lại phải ở trong nhà thương lâu như thế mà không về lại với gia đình, vợ con. Khi trông thấy cảnh nầy, liền nghĩ đến thân phận mình, rủi một mai đây mà ai trong chúng ta hay chính mình bị bệnh Alzheimer nầy thì phải nói rằng quá mất mát, vì chúng ta đã tích tụ bao nhiêu tư lương trong cuộc sống, mà đến cuối đời lại bị như vậy, thì quả thật đáng tiếc vô cùng. Đâu có ai trong chúng ta muốn việc ấy! Nhưng dẫu sao đi nữa thì Đạo Hữu Thiện Xuân cũng đã mãn nguyện, vì Bà đã có cơ hội đặt chân lên chánh điện Chùa Thảo Đường mới, nơi mà Bà đã ấp ủ từ lâu, là làm sao tại Nga phải có một ngôi chùa như các ngôi chùa Việt Nam tại Đức và Pháp. Giờ đây Đạo hữu ấy đã được toại nguyện rồi.

 

Tôi nhớ như in khi đọc tác phẩm “Dưới Bóng Từ Bi” của Đạo hữu ấy có viết về một số danh ngôn của Nga rất hay như sau: “Mất tiền là không mất gì hết cả, mất danh dự là mất một phần lớn của cuộc đời. Kẻ nào mất hết niềm tin, kẻ ấy mới là kẻ mất hết tất cả”. Hoặc câu nói định nghĩa về hạnh phúc rất hay: “Hạnh phúc là những gì người ta đang có, chứ không phải những gì mà người ta đi tìm”. Quả là những tư tưởng tuyệt vời mà Đông Tây kim cổ chắc rằng lúc nào cũng phải cần đến. Những lần Đạo hữu ấy ghé chùa Viên Giác trong nhiều ngày và ở lại nơi đây thì tôi có cơ hội học tiếng Nga với Đạo Hữu ấy. Tiếng Nga là một ngôn ngữ khó nhất trong những ngôn ngữ mà tôi đã học như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hoa v.v… Nếu bảo rằng khó như thế nào thì tôi xin so sánh vậy. Tiếng Pháp khó gấp đôi tiếng Anh; tiếng Đức khó gấp đôi tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Tàu; còn tiếng Nga khó gấp đôi tiếng Đức ở mọi phương diện như ngữ pháp, văn phạm, phát âm v.v… cho đến bây giờ tôi chỉ còn nhớ lại một ít tiếng Nga mà thôi. Lúc đầu khi sang Nga tôi nghĩ rằng mình phải nói tiếng Anh hay tiếng Đức, nhưng điều ấy không cần, vì ở Nga có không ít người Nga giỏi tiếng Việt, ngoài ra những anh chị em sinh viên tốt nghiệp tại Nga họ không về nước mà ở lại đây xây dựng gia đình, làm ăn sinh sống v.v… nên những người nầy đã giúp phiên dịch cho chúng tôi ở cửa ải ban đầu về ngoại ngữ, nên khi đến Nga chúng tôi cũng đỡ lo về việc nầy. 

 

Những năm đầu của thập niên 90 quý Phật tử Việt Nam tại Nga đã thuê lúc thì tầng trên, và sau đó là tầng trệt của một ngôi nhà nhiều tầng làm Niệm Phật Đường. Nơi nầy đã cung đón rất nhiều chư Tôn Đức khắp nơi trên thế giới đến Nga để hoằng pháp như: Từ Hoa Kỳ có Cố Hòa Thượng Thích Trí Chơn, Hòa Thượng Thích Minh Tuyên; từ Úc Châu có Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng; từ Âu Châu có Cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, chúng tôi, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, Sư Cô Chân Không, Thượng Tọa Thích Thông Trí, Thượng Tọa Thích Quảng Đạo, Thượng Tọa Thích Hạnh Bảo, Đại đức Thích Hạnh Định, Đại Đức Thích Pháp Quang cùng Ni Sư Diệu Trạm, Sư Cô Hạnh Khánh và Sư Cô Tuệ Đàm Hương v.v… Ngoài ra một số chư Tăng Tây Tạng cũng được cung thỉnh  đến Niệm Phật Đường nầy hay ở Hội trường để chủ lễ hoặc thuyết pháp cho Phật tử Việt Nam của chúng ta.

Le Quy Y tai Thao Duong Moscow (16)

HT Bảo Lạc, TT Nguyên Tạng
thăm Chùa Thảo Đường năm 2006
(xem hình)

 

Đời sống của người Việt chúng ta tại Nga không tự do như ở Mỹ hay Âu Châu hoặc Úc Châu, vì đa phần họ đều mang quốc tịch Việt Nam,  nên sứ quán Cộng sản rất có quyền uy với quyển sổ thông hành của họ, chỉ trừ những vị đã xin tỵ nạn chính trị và có quốc tịch Nga thì không nói đến, đa phần họ bị cái vòng kim cô nầy kiềm tỏa họ, kể cả trong những việc làm ăn, buôn bán và đi lại v.v… Ngày xưa họ buôn bán tại những khu nhà tập thể, tiếng Nga gọi là Dom, dĩ nhiên là rất phức tạp, không như những khu phố thị sầm uất ở Hoa Kỳ. Một số lớn sống bất hợp pháp tại Nga, vì họ không muốn trở về Việt Nam, mà hợp đồng lao động lại không còn hiệu lực nữa, nên họ chấp nhận làm bất cứ nghề gì, miễn sao nuôi thân được là làm, trong đó có nghề khuân vác. Họ là những người trí thức lẫn những người lao động, nhưng họ đã chấp nhận như vậy để được tự do hơn là sống nơi chôn nhau cắt rốn của mình tại Việt Nam. Tuy nhiên cũng có nhiều chủ hãng may, hãng dệt, hãng trao đổi hàng hóa v.v…vẫn giàu có nhiều hơn những người đang làm ăn buôn bán tại Âu Mỹ, nhưng số nầy rất ít, so với dân số trên 300.000 người Việt hiện đang sinh sống tại Nga.

 

Có một điều phải tán dương cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Nga, là dầu cho có gặp bao nhiêu chướng duyên trở ngại đi chăng nữa, thì họ cũng không lãng quên nhiệm vụ hộ trì Tam Bảo của họ, để cố gắng kiến tạo hoàn thành một ngôi chùa trên đất Nga. Nếu so sánh với ngôi chùa Tây Tạng ở St. Peterburg, mà Đức Đạt La Lạt La thứ 13 đã đến đây làm lễ Khánh Thành thời còn Nga Hoàng, thì ngôi chùa Thảo Đường nầy chưa xứng đáng, nhưng so với tấm lòng của họ, thì ở đây không có uy quyền nào giúp đỡ, mà những người chân lấm tay bùn nầy đã xây dựng nên một ngôi chùa khang trang như thế nầy, thì quả thật là giá trị vô song. Chúng ta không có quyền như người Nga hay giàu có như người Mỹ, người Hoa, nhưng tất cả người Việt chúng ta tại Nga đã có sẵn được một tấm lòng, nên mới được như vậy. Hằng trăm, hằng ngàn năm sau, nếu có ai đó hỏi rằng: Cha mẹ các Anh Chị đã đến Nga vào thế kỷ thứ 20, 21 rất đông và những người ngày xưa ấy đã làm được điều gì? Thì hãy bảo cho con cháu của quý vị chỉ về ngôi chùa Thảo Đường tại Moscow để làm bằng chứng, vì nơi ấy đã ghi đậm lại nét son của bầy chim Di từ một dải trời Á đã có mặt tại đây và đã làm nên một giá trị tâm linh văn hóa như vậy. Nhằm góp phần tô điểm nội tâm cho 3 tôn giáo được chính quyền tại Nga công nhận. Đó là: Chính Thống Giáo, Hồi Giáo và Phật Giáo.

Le Quy Y tai Thao Duong Moscow (10)

 

Ông Bà Thiện Xuân-Thiện Mẫn
(xem hình)

 

Sau khi Đạo hữu Hội Trưởng Thiện Mẫn Nguyễn Minh Cần ra đi vĩnh viễn vào tháng 5 năm 2016 vừa qua, thì sự sinh hoạt của Hội trở nên khó khăn vô cùng, quý vị trong Ban Trị Sự liên lạc với tôi và nhờ đến sự cố vấn là phải nên làm như thế nào? Do vậy từ ngày 24 đến ngày 31 tháng 10 năm 2016 vừa qua, chúng tôi gồm có: Thầy Hạnh Thức, tôi và Sư Cô Tuệ Đàm Hương đã có mặt tại Moscow trong những ngày trọng đại nầy, để giúp giải quyết một số công việc Phật sự tại chùa cũng như Hội Phật Giáo Thảo Đường, nhất là trước đó có hai thành viên trong Ban Trị Sự đã từ nhiệm và ba vị còn lại đồng ý xin giải tán Ban Trị Sự, chờ chúng tôi đến để giúp cho một phương án mới. Tối ngày 25 tháng 10 năm 2016 vừa qua, chúng tôi có một phiên họp đặc biệt tại tư gia của một Phật tử và đã đi đến việc đồng thuận với 32 chữ ký của những Phật tử hiện diện, với quyết định như sau:

- Xin hiến dâng tất cả cơ sở vật chất chùa Thảo Đường tại Nga cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu và xin Giáo Hội quản lý, điều hành ngôi chùa nầy. Đồng thời xin Giáo Hội cử cho một vị Trụ Trì, để vị Trụ Trì thay mặt Giáo Hội điều hành Phật sự nơi đây. Tất cả những tiền đã được cúng dường, không hoàn trả lại, ngoại trừ những Hội Thiện và cá nhân Phật tử đã cho vay không có lời.

- Toàn Ban Trị Sự đã giải tán và xin Vị Trụ Trì bổ nhiệm Ban Hộ Trì Tam Bảo để giúp chùa và Hội được phát triển.

Căn cứ vào những điểm trên, tôi nhân danh Đệ Nhị Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu, kiêm lãnh đạo tinh thần của Hội và chùa Thảo Đường từ hơn 20 năm nay chấp nhận lời thỉnh cầu nầy. Đồng thời tôi đã công cử  Sư Cô Thích Nữ Tuệ Đàm Hương (trú xứ Đan Mạch) đứng ra nhận nhiệm vụ Trụ Trì chùa Thảo Đường tại Nga kể từ ngày 28 tháng 10 năm 2016 và thời gian ban đầu ít nhất là 2 năm. Trong thời gian tới Sư Cô sẽ bổ nhiệm thành phần Ban Hộ Trì Tam Bảo.

 

Việc đầu tiên là Sư Cô củng cố nhân sự cũng như lo tổ chức các khóa tu học cho Phật tử Việt Nam tại Nga, tiếp đến là lo trả nợ cho xong phần chùa đã thiếu các Phật tử đã cho mượn không lời trong khi xây dựng. Cuối cùng nếu Sư Cô và chùa không trả nổi nợ đã vay của quý Phật tử thì tôi và chùa Viên Giác tại Hannover sẽ đảm nhận việc nầy.

 

Ngày 29 tháng 10 năm 2016 vừa qua, tại Chánh điện chùa Thảo Đường ở  Moscow, Nga Sô có hơn 100 Phật Tử Việt Nam đến tham dự lễ An Vị Phật, lễ hiến dâng cơ sở cho GHPGVNTNAC và lễ phát nguyện Trụ Trì của Sư Cô Tuệ Đàm Hương cũng như lễ Quy Y Tam Bảo v.v… đã được thành tựu viên mãn. Hy vọng từ đây về sau, chùa Thảo Đường tại Nga sẽ gặp nhiều thuận duyên hơn.

 

Một tin vui khác được Phật tử Thiện Duyên (người Nga) thông báo cho biết là quyển "Thiền Môn Nhật Tụng“ đang được dịch sang tiếng Nga từ bản tiếng Đức và quyển "Phật Giáo và Con Người“ của chúng tôi viết bằng tiếng Việt, Thầy Hạnh Giới dịch sang tiếng Đức và từ tiếng Đức cũng đang được dịch sang tiếng Nga. Riêng quyển Kinh Địa Tạng đã được Đạo Hữu Thiện Mẫn và Đạo Hữu Thiện Xuân dịch sang tiếng Nga từ lâu, cũng đã được những người Phật Tử Nga trì tụng mỗi khi có tang lễ. Đây là những niềm khích lệ về Tôn Giáo, Văn Hóa Phật Giáo, nhất là Phật Giáo Việt Nam đã bắt đầu cắm rễ và ăn sâu vào tiềm thức của những người con Phật tại xứ lạnh thiên thu nầy.

 

Mong rằng mọi Phật sự trong thời gian tới sẽ luôn được hanh thông.

 

Viết xong vào một sáng mùa Đông ngày 18 tháng 11 năm 2016 tại Tu Viện Viên Đức, Ravensburg, Đức Quốc.

 

                  

chua thao duong moscow-5chua thao duong moscow-6
Photo: Lễ An Vị Phật Chùa Thảo Đường Moscow

 

 

Ý kiến bạn đọc
07/09/201715:21
Khách
Mẹ muốn về an toạ,bố y chỉ nói vậy thoi.nếu chùa có cach liên lạc với tổng thống putin.nói với ngài là mẹ biết chuyện chẳng lành.nếu ngài putin quan tam thì thỉnh mẹ về nhé
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/08/2021(Xem: 8134)
Chùa An Lạc tọa lạc tại số 5249 E. 30th Street, thành phố Indianapolis, tiểu bang Indiana. Chùa An Lạc được một nhóm Phật tử ở tiểu bang Indiana thành lập vào năm 1979. Chùa tổ chức Lễ đặt đá xây dựng ngôi chánh điện vào ngày 19 tháng 6 năm 2004. Lễ An vị Phật và lạc thành ngôi chánh điện khang trang, rộng lớn, mang dấu ấn kiến trúc Á Đông được Chùa tổ chức trọng thể vào ngày 24 tháng 8 năm 2008. Chùa còn có các công trình xây dựng khác như: Nhà đại chúng (nhà sinh hoạt, trai đường, nhà bếp); Nhà Đại Bi (Ni xá, khánh thành ngày 15 tháng 8 năm 2021); Nhà Quán Thế Âm và Nhà Đại Thế Chí (nhà khách, liêu hành giả tu tập). Sân trước chùa tôn trí nhiều tượng lộ thiên bằng đá cẩm thạch: Đài Quan Âm và tượng Bồ tát Di Lặc (năm 2008), tượng Thập bát A La Hán (năm 2008), tượng đức Phật A Di Đà (năm 2012), tượng đức Phật nhập Niết Bàn (năm 2014). Điện Phật được bài trí tôn nghiêm, thờ tượng đức Phật Thích Ca, tượng Tây Phương Tam Thánh, tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng.
29/08/2021(Xem: 7341)
Thiền viện Phước Huệ Quang tọa lạc tại số 1100 South Indian Creek Drive, thành phố Stone Mountain, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ. Thiền viện do Hòa thượng Thích Định Quang và Sư cô Thích Nữ Diệu Như (em ruột Hòa thượng) thành lập vào năm 2020 trên diện tích gần 5 mẫu Tây. Thiền viện có tên tiếng Anh là: Boulder Park Meditation Center. Tên thiền viện lấy từ cặp câu đối của Hòa thượng Thích Thanh Liên, trú trì chùa Từ Hóa, Thừa Thiên Huế (là sư phụ của Hòa thượng Viện chủ Thích Định Quang): Âm: Phước hải hoằng thi pháp giới quần sanh thuyền từ tế độ, Huệ Quang phổ chiếu phá trừ vô minh tốc chứng Bồ Đề.
24/08/2021(Xem: 8696)
Vào sáng ngày 22 tháng 8 năm 2021 (ngày rằm tháng 7 năm Tân Sửu), Chùa Phổ Từ (Compassion Meditation Center) tọa lạc tại số 17327 Meekland Avenue, thành phố Hayward, tiểu bang California đã long trọng tổ chức Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu năm 2021 – Phật lịch 2565. Hòa thượng Thích Tịnh Diệu, Phó Viện trưởng Tu viện Kim Sơn và Phó Viện trưởng Tu viện Thôn Yên (California) đã quang lâm Chứng minh Đại lễ. Tham dự Đại lễ có chư Tôn Đức Tăng, Ni: Thượng tọa Viện chủ Chùa Phổ Từ Thích Từ Lực, Đại đức Thích Pháp Cẩn, Đại đức Thích Nhuận Tuệ; quý Sư cô: Phổ Châu (Trú trì Tu viện Hương Từ Bi, thành phố Los Gatos); Thanh Nghiêm, Thanh Diệu Lạc và Thanh Diệu Hạnh (trú xứ Tu viện Kim Sơn, thành phố Watsonville); Tịnh Minh, Tâm Thảo, Phổ Thanh, Diệu Hảo, Diệu Hiền (trú xứ Chùa Phổ Từ, thành phố Hayward); Phổ Tường, Nhi Liên (trú xứ Trung tâm Tu học Phổ Trí, thành phố Vacaville); cùng đông đảo chư vị thiện tri thức, huynh trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật tử Chánh Tâm, Chánh Đức, Chánh Hòa; quý vị Phật
24/08/2021(Xem: 9805)
Thiền viện Thích Thiên Ân tọa lạc tại số 4050 Boulder Park Drive SW, Atlanta, GA 30331. Thiền viện do Hòa thượng Thích Như Minh (trú trì chùa Việt Nam tại Los Angeles) sáng lập và làm Viện trưởng vào năm 2011. Thiền viện ở trung tâm thành phố Atlanta, có những cơ sở tu tập trong 4 khu đất xinh đẹp. Thiền viện có tên tiếng Mỹ là Boulder Park Meditation Center, được thành lập để tôn vinh và tưởng nhớ đến Hòa thượng Thích Thiên Ân, người đã đưa Phật giáo Việt Nam vào Hoa Kỳ giữa thập niên 1960. Vào ngày 04 tháng 11 năm 2018, Thiền viện đã tổ chức trang trọng lễ khánh thành ngôi chánh điện mới và khóa tu học lần thứ nhất, khai giảng pháp hội “Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa kinh”. Nơi đây, vào mùa thu năm 2019, Hòa thượng Thích Như Minh đã tôn tạo quả chung đại hồng lấy tên “Đại hồng chung Hòa bình Thế giới” để hằng năm, vào ngày đầu năm mới dương lịch, Thiền viện cử hành Đại lễ Cầu nguyện Hòa bình Thế giới. Thiền sư Th
24/08/2021(Xem: 7621)
Vào chiều ngày 21 tháng 8 năm 2021 (ngày 14 tháng 7 năm Tân Sửu), Ấn Tôn thiền đường tọa lạc tại số 4198 Gion Avenue, thành phố San Jose, tiểu bang California đã long trọng tổ chức Đại lễ Vu Lan năm Tân Sửu - Phật lịch 2565. Hòa thượng Thích Chơn Minh, Viện chủ Quán Thế Âm Thiền Tự, thành phố San Jose đã quang lâm Chứng minh đại lễ. Tham dự đại lễ có chư vị: TT. Thích Giải Minh (Viện chủ Chùa Nhật Quang, thành phố Sacramento), TT. Thích Minh Thiện (Viện chủ Chùa Tuệ Viên, thành phố San Jose), TT. Thích Pháp Hạnh (Trú trì Ấn Tôn Thiền Đường, thành phố San Jose), TK. Thích Phổ Hòa (trú xứ Chùa Tuệ Viên, thành phố San Jose), TK. Thích Từ Thiện (trú xứ Chùa Huyền Giác, thành phố Sacramento), TK. Thích Quảng Ân (trú xứ Ấn Tôn Thiền Đường), TK. Thích Hoằng Đức (trú xứ Ấn Tôn Thiền Đường); cùng đông đảo đồng hương, Phật tử ở thành phố San Jose và nhiều thành phố ở tiểu bang California.
20/08/2021(Xem: 9986)
Đại Lễ Vu Lan PL 2565 (2021) & Lễ An Vị Phật Tu Viện Phổ Đà Sơn, Quebec, Canada Tu Viện Phổ Đà Sơn, tọa lạc tại 11 Chemin Katimavik,Val-Des-Monts, Quebec, J8N 5E1, CANADA, số phone 1-819-665-0259 Chương trình Đại lễ Vu Lan năm 2021 - Phật lịch 2565 & Lễ An Vị Phật Tu viện Phổ Đà Sơn ng ày Chủ Nhật 15-08-2021 Quang lâm Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Bổn Đạt, Viện chủ Tu viện Phổ Đà Sơn và chùa Phổ Đà (Ottawa) Hòa Thượng Thích Trường Phước trụ trì chùa Quan Âm “Montreal” Thượng Tọa Thích Huệ Minh, Viện Chủ chùa Cam Lộ Vương “Vaughan” Thượng Tọa Thích Đạo Quang Trú Trì chùa Long Hoa “Toronto” Ni Sư Thích Nữ Từ Diệu, Viện chủ Chùa Từ Thuyền “Brampton” Ni Sư Thích Nữ Viên Tánh, Viện Chủ chùa Hiếu Giang “Ottawa” Bhante Shumana chùa Tích Lan “Ottawa” Bhante Omari chùa Tích Lan “Ottawa” Đ Đ Thích Thông Giới, Viện Chủ chùa Địa Tạng “Montreal” ĐĐ Thích Pháp Chánh trụ sứ chùa Quan Âm “Montreal” ĐĐ Thích Tâm Hoàng trụ sứ chùa Pháp Vân “To
19/08/2021(Xem: 7645)
Tu viện Trúc Lâm tọa lạc tại số 1315 E. Fayetteville Road, thành phố Riverdale, tiểu bang Georgia đã tổ chức Đại lễ Vu Lan năm 2021 – Phật lịch 2565 vào hai ngày 14 và 15 tháng 8 năm 2021 (ngày 7 và 8 tháng 7 năm Tân Sửu). Chương trình ngày 14 tháng 8 năm 2021: 06:00 Tụng kinh Báo Ân và Vu Lan. 10:00 Lễ Bố tát, tụng giới định kỳ hàng tháng cho chư Tôn Đức Tăng, Ni trú xứ tiểu bang Georgia vào ngày 14 tháng 8 năm 2021. Quang lâm Chứng minh buổi lễ có Hòa thượng Thích Hạnh Đạt, Viện chủ Tu viện Kim Cang; Hòa thượng Thích Như Minh, Viện chủ Thiền viện Thích Thiên Ân; Hòa thượng Thích Giác Ân, Viện chủ Chùa Quang Minh; Hòa thượng Thích Định Quang, Trụ trì Chùa Phước Huệ Quang; Hòa thượng Thích Thiện Hiền, Trú trì Tu viện Đức Sơn; Sư bà Thích Nữ Tâm Thường, Viện chủ Chùa Từ Liên; cùng chư Tôn Đức Tăng, Ni trú trì, trú xứ các tự viện Phật giáo ở Georgia và các tiểu bang lân cận. 14:00 Lễ cầu siêu. 19:30 Lễ dâng đèn cầu nguyện.
18/08/2021(Xem: 10070)
LỜI MỞ ĐẦU Thông thường ở bất cứ quyển sách nào cũng có lời mở đầu của chính tác giả, hoặc lời giới thiệu của một người nào đó cho tác phẩm sắp được ra đời. Nay cũng nằm trong thông lệ ấy, tôi viết lời nói đầu cho quyển sách năm nay lấy tên là: "CHÙA VIÊN GIÁC", một quyển sách bằng tiếng Việt mà bao nhiêu người đã chờ đợi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]