Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

40 năm Người Việt Định Cư, PGVN tại Úc: Hình thành Phát triển và Thử thách

11/04/201521:22(Xem: 12239)
40 năm Người Việt Định Cư, PGVN tại Úc: Hình thành Phát triển và Thử thách


 Ban do Uc Chau



Bốn Mươi Năm Người Việt Định Cư
Phật Giáo Việt Nam tại Úc Châu:
Hình thành Phát triển và Thử thách
 
                                        * Lưu Tường Quang, AO



 

Tóm Lược:                                                                                                                            

 

Sự hiện diện của người Việt tại Úc, sau thảm trạng đau buồn tại Việt Nam, có phần khác biệt so với các cộng đồng sắc tộc văn hoá đa nguyên khác ở Úc Châu. Sự khác biệt đó là do chính sách định cư người tị nạn của chính phủ, khiến cộng đồng người Việt gia tăng gấp 16 lần trong 5 năm đầu sau 1975, và tăng 62 lần trong vòng hai thập niên kế tiếp.

 

Trên 50% người Việt là Phật tử, nên sự gia tăng nhân số nhanh chóng này đã tạo thử thách lớn cho năm bảy vị tăng ni người Việt mở đường hoằng Pháp trong đầu thập kỷ 1980 vừa xây dựng tự viện vừa hướng dẫn tâm linh cho Phật tử khắp Úc Châu. Tăng ni đã phải vượt qua những chướng ngại thế tục cũng như những biến đổi và thách đố về mặt tổ chức và thành phần dân số. Qua tiến trình này, tập thể tăng ni người Việt đã có những đóng góp đáng kể cho di sản văn hóa vật thể và phi vật thể Úc Châu.

 

Trong dài hạn, sự hiện hữu bền vững của Phật Giáo Việt Nam tại Úc tùy thuộc vào phương cách mà lãnh đạo Phật Giáo có thể ứng biến để duy trì liên hệ thích hợp với thế hệ thứ hai và các thế hệ kế tiếp người Úc gốc Việt mà nhân số đang gia tăng [1].

 

 

                                                       *****

 

 

Trong nhiều năm, Diệu Kim thường sử dụng những ngày nghỉ Lễ Giáng Sinh và năm mới để tham dự khóa Tu ngắn hạn mùa Hè tại Chùa Phước Huệ ở miền Tây Sydney. Cô thoải mái hòa lẫn với các học viên già trẻ mà phần lớn là người gốc Việt để nghe giảng Pháp bằng tiếng Việt từ tăng ni Việt Nam hoặc đôi khi bằng tiếng Anh bởi các tăng ni khác. Diệu Kim, một bác sĩ y khoa làm việc tại bệnh viện, thuộc thành phần thế hệ một rưỡi, và đã định cư tại Úc từ thuở vị thành niên. Cô có khả năng song ngữ và lớn lên trong hai nền văn hóa Việt Úc.                                                                                                                   

 

Stephen Nguyễn, một kỹ sư trẻ,  đã định cư tại Úc cùng với gia đình từ thuở bé. Mặc dầu gia đình là Phật tử thuần thành, Stephen đã theo học tại một trường Công giáo như là một sự lựa chọn thực tiễn. Anh lớn lên mặc nhiên như một người Công giáo và thường cảm thấy lạc lõng tại Lễ hội Phật Giáo, khi theo mẹ đến Chùa làm công quả.

 

Vi Phan tốt nghiệp Viện Đại Học Sydney và từng làm Phó Chủ tịch Mitra. Cô thường bận rộn quảng bá sinh hoạt của Mạng Lưới Phật Tử Trẻ này và phổ biến tài liệu thông tin tại quầy hàng cộng đồng bên ngoài địa điểm giảng Pháp trong vài lần Đức Đạt Lai Lạt Ma thăm viếng Sydney. Sinh đẻ tại Úc trong một gia đình Phật Tử thuần thành, Vi Phan coi mình là một Phật tử, nhưng không còn cùng cha mẹ đi chùa Việt Nam nữa như Cô đã từng làm khi hãy còn là một trẻ thơ. Cô cảm thấy thoải mái trong môi trường liên viện đại học nói tiếng Anh nên tu học Đạo Phật thật an nhiên tự tại.

 

Liz Thanh là một nhân viên xã hội sinh đẻ tại Canberra thuộc thế hệ thứ hai người Việt, nhưng chưa hề biểu lộ ý thích gì đến Phật Giáo. Giống như các bạn đồng trang lứa, Cô đơn giản là chưa có niềm tin tôn giáo.

 

Có rất đông người gốc Việt như Diệu Kim, Stephen Nguyễn, Vi Phan và Liz Thanh tượng trưng cho giới trẻ người Úc gốc Việt đang làm thay đổi từ cơ bản không những thành phần cộng đồng Việt Úc mà còn nhu cầu tâm linh của người Úc gốc Việt chỉ sau bốn thập niên định cư [2]

 

 

Kiểm tra dân số 2011: Chân dung người Úc và người Úc gốc Việt                                                       

 

Dân số Úc Châu vào thời điểm 2011 là 21.5 triệu mà 1.1% là người gốc Việt. Nhân số gốc Việt thay đổi tùy theo ba cách tính. Trên căn bản sinh quán, có 185 039 người so với 221 114 người có nguồn gốc sắc tộc Việt Nam và 233 390 người nói tiếng Việt tại nhà [3].

 

Khoảng 56% trong cộng đồng Việt Úc khai Phật Giáo là tín ngưỡng của họ.

Vào thời điểm 2011, Phật Giáo hãy còn là tôn giáo đứng hàng thứ nhì, sau Thiên Chúa Giáo nhưng trước Hồi Giáo và Ấn Giáo. Tuy nhiên, vị trí thứ nhì này không phản ảnh đúng toàn bộ Phật Giáo tại Úc Châu.                                                                                     

Thứ nhất,  Úc Châu vẫn còn là một quốc gia đa phần Thiên Chúa Giáo, mặc dầu tỉ lệ người Thiên Chúa Giáo đã giảm rõ rệt từ 96% hồi năm 1911 xuống 61% trong cuộc Kiểm tra dân số năm 2011 (với 13 150 600 người), trong khi đó người theo Phật Giáo gia tăng đến 2.5% dân số, tức là 529 000 Phật tử mà 104 066 là Phật tử gốc Việt tức là khoảng 20%.

Thứ hai, trong số các tôn giáo ngoài Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo gia tăng nhanh hàng thứ ba, sau Ấn Giáo và Hồi Giáo. Chỉ trong một thập niên kể từ cuộc Kiểm tra năm 2001, Ấn Giáo đã gia tăng 189%, Hồi Giáo 69% so với 48% Phật Giáo. Ở mức độ gia tăng này,  Phật Giáo có thể không còn ở vị trí thứ nhì trong vòng mười năm sắp tới.

Thứ ba, tuy sự gia tăng nhân số của ba tín ngưỡng này tùy thuộc phần lớn vào nguồn di dân từ Châu Á kể cả Trung Đông, tỉ lệ tín đồ sinh đẻ ở nước ngoài là 61.5% cho Đạo Hồi, so với 69.5% trong cộng đồng Phật tử Úc Châu. Sự khác biệt tuy nhỏ nhưng có thể chứng tỏ Đạo Hồi thu hút nhiều hơn tín đồ sinh trưởng tại Úc. Người Úc thổ sinh gồm thế hệ thứ nhì và kế tiếp, hậu duệ của di dân và người tị nạn thế hệ thứ nhất cũng như những người Úc thổ sinh khác thuộc mọi nguồn gốc ngôn ngữ và văn hoá.

thứ tư, Phật tử trong cộng đồng văn hoá đa nguyên Úc Châu thuộc nhiều nguồn gốc sắc tộc mà phần lớn là từ Châu Á. Họ là tín đồ từ ba tông phái chính của Phật Giáo, tức là Đại Thừa, Nguyên Thủy và Mật Tông Tây Tạng. Trong mỗi tông phái, họ có thể  theo nhiều truyền thống khác nhau. Vì vậy, cộng đồng Phật tử rất phức tạp và có khuynh hướng gia tăng trong phạm vi ngôn ngữ của từng nhóm.             

Một thí dụ dễ thấy trong sự khác biệt phức tạp này là các phương cách thành lập tự viện và giáo hội của tập thể người Đông Dương tại Úc từ năm 1975. Tất nhiên Đông Dương là một cấu trúc thời thuộc địa Pháp. Ba dân tộc gọi là Đông Dương không chia sẻ gì nhiều về văn hóa và ngôn ngữ và theo đuổi truyền thống tôn giáo khác nhau. Đa số Phật tử người Việt theo Đại Thừa, trong khi người Cam Bốt và Lào theo Phật Giáo Nguyên Thủy. Tôi đã thăm viếng rất nhiều tự viện và nhận thấy rằng Chùa Việt Nam khác biệt rõ rệt với Chùa (Wat) Cam Bốt và Lào không những về hình thái kiến trúc mà còn về nghi thức tụng niệm. Ít khi mà một Phật tử người Việt đến một Wat Cam Bốt hoặc Lào để nghe giảng Pháp và ngược lại. Phật tử gốc Trung Hoa từ Đông Dương có thể thăm viếng Chùa Hoa, Chùa Việt và Chùa Cam Bốt và Lào. Nhưng ngoài ngoại lệ này, Phật tử từ ba nước Đông Dương thành lập giáo hội riêng rẻ cho nhu cầu tâm linh của họ.

Cấu trúc đại diện cấp liên bang và tiểu bang là Hiệp Hội Phật Giáo Úc Châu (the Buddhist Federation of Australia - BFA), Hiệp Hội các Hội Đồng Phật Giáo Úc Châu (the Federation of Australian Buddhist Councils - FABC), Hội Đồng Phật Giáo NSW (the Buddhist Council of NSW), Hội Đồng Phật Giáo Victoria (the Buddhist Council of Victoria) và những tổ chức tương tự tại các tiểu bang khác. Đây là nơi qui tụ hàng giáo phẩm thuộc các tông phái khác nhau và một số cư sĩ tên tuổi để phối hợp tiếng nói và chia sẻ mục tiêu phát huy giáo lý Nhà Phật cho nền hòa bình và hài hòa xã hội. Tuy nhiên, mức độ hợp tác ở cấp lãnh đạo lại không thể truyền đạt xuống các cộng đồng văn hóa đa nguyên Phật Giáo là nơi mà sự giao tiếp cá nhân hãy còn tùy thuộc vào tiếng mẹ đẻ.

Cộng đồng người Việt tăng nhanh trong giai đoạn tiên khởi xã hội văn hóa đa nguyên Úc

 

 

Một số người Việt đã tình cờ đến Úc Châu. Khoảng một thế kỷ trước, một chuyến tàu Pháp chuyên chở công nhân Việt đi Tân Đảo, đã phải thay đổi lộ trình để vào một hải cảng miền Bắc Queensland, vì lý do có hành khách lâm bệnh.

 

Trong thập niên 1960 và 1970, hàng ngàn sinh viên Việt Nam đã được học bổng Colombo theo học bậc đại học tại Úc. Họ là thành phần ưu tú của thế hệ trẻ Việt Nam Cộng Hòa du học để trở thành chuyên viên phục vụ cho nhu cầu phá triển đất nước.

 

Trước năm 1975, Úc Châu chưa có một cộng đồng người Việt thường trú, ngoại trừ khoảng 700 đã định cư với tư cách người phối ngẫu hoặc con nuôi. Khi Sài Gòn thất thủ vào ngày 30 tháng  4 năm 1975, hàng trăm sinh viên Việt Nam bị kẹt lại và được phép định cư tại Úc. Nhân số người Việt thường trú tăng lên 2 427 một năm sau [4]

 

Tập thể cựu sinh viên Việt Nam phân hóa nội bộ vì lý do chính kiến. Những ai chọn ủng hộ nhà cầm quyền mới tại Việt nam, kết hợp với nhau và do dự không muốn liên hệ gì đến một cộng đồng người Việt tị nạn sắp sửa gia tăng nhân số nhanh chóng. Những cựu sinh viên khác như Tiến sĩ Trần Mỹ-Vân tại Viện Đại Học ANU ở Canberra và sau đó tại Darwin,  Kỹ sư Phan Đông Bích và Kỹ sư Trần Tấn Tài, tốt nghiệp Đại học NSW và Adelaide...là nhân tố trong thành phần học vấn cao của cấu trúc xã hội người Việt vào những năm cuối thập kỷ 1970. Họ làm công tác thiện nguyện bên cạnh thân hữu người Úc để̀ giúp người tị nạn mới đến thích nghi với môi trường văn hoá Úc.

 

Nhân số người Việt gia tăng nhanh chóng và liên tục qua bốn kỳ Kiểm tra Dân số kế tiếp: 41,096 trong năm 1981, 83,028 trong năm 1986, 121,813 trong năm 1991 và 150,941 trong năm 1996. Kiểm tra Dân số năm 1996 còn cho thấy cộng đồng có  46,756 thuộc thế hệ thứ hai người Việt.                                                                                                    

 

Do những thay đổi quan trọng về mặt chính sách di trú và người tị nạn trong thập niên 1990, số người Việt nhập cư giảm hạ rõ rệt sau kỳ Kiểm tra Dân số năm 1996. Cộng đồng gia tăng nhân số trong thập niên kế tiếp là phần lớn nhờ vào thế hệ thứ hai người Úc gốc Việt thổ sinh. Hay nói khác đi, trong sự thiếu vắng di dân và người tị nạn từ Việt Nam, cộng đồng người Úc gốc Việt thay đổi nhanh chóng hơn là các nhóm di dân khác.

 

Những con số này cho thấy rằng người Việt đến Úc đông đảo hơn khi cộng đồng Người Việt thiếu những cấu trúc cần thiết về xã hội văn hóa và tôn giáo để hỗ trợ nhau. Nhưng khi các cấu trúc này được hoàn thiện hơn, thì Việt Nam không còn là một quốc gia nguồn đáng kể nữa. Theo ý tôi, đây là một trải nghiệm độc đáo khi so sánh chẳng hạn với người Lebanese vào giữa thập niên 1970 khi họ đến Úc vì cuộc nội chiến tại Lebanon, người Ba Lan trong đầu thập niên 1980 vì Phong trào Liên Đới bị đàn áp ở Ba Lan và sinh viên Trung Quốc vào đầu thập niên 1990 tiếp theo sau cuộc thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn hồi tháng 6 năm 1989. Các sắc tộc này đã đến Úc hoặc được ở lại Úc, khi cấu trúc cộng đồng của họ đã được ổn định để giúp đỡ họ và cho họ tiếng nói trong cộng đồng chính mạch.

 

Những bưc đầu khó khăn và Thập Niên Thành Tựu

 

Không kể các chuyến thăm viếng bất định kỳ của Đại Đức Thích Như Điển từ Tây Đức, Úc Châu trước năm 1980 không hề có một tăng ni thường trú nào cả chớ đừng nói chi đến một ngôi chùa Phật Giáo Việt Nam.

 

Người Việt theo Thiên Chúa Giáo có thể gia nhập vào Giáo Hội Công Giáo đã hoàn chỉnh hoăc các giáo hội Thiên Chúa Giáo khác, nên họ không cần xây dựng giáo đường. Tuy vậy, cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại nhiều nơi ở Úc như Melbourne, Sydney và Brisbane, đã tổ chức sinh hoạt tập thể để dễ thích nghi về mặt ngôn ngữ và văn hóa tại các thành phố lớn ấy.  Ngay cả cộng đồng Tin Lành người Việt nhỏ hơn cũng bắt đầu thành lập được Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Sydney năm 1978, khi Mục sư Đoàn Trung Chánh đến Úc định cư. Mục sư đã được một nhóm cựu sinh viên Colombo Việt Nam trợ giúp mạnh mẽ, trong số đó có Tiến sĩ Lê Đức Hồng và Tiến sĩ Đỗ Lê Minh.

 

Tiến sĩ Hoàng Khôi, một Phật tử, hồi tưởng khi còn là sinh viên hậu cử nhân tại Viện Đại học NSW, ông và các thân hữu đồng đạo đã phải tổ chức các buổi tụng niệm hoặc đôi khi tổ chức Lễ Phật Đản hoặc Tết Việt Nam tại một Chùa Thái trong nội thành Sydney. Chùa Thái sinh hoạt theo nghi thức Phật Gíáo Nguyên Thủy trong khi đa số Phật tử người Việt theo nghi thức Đại Thừa.

 

Chua Phuoc Hue SydneyChùa Phước Huệ, Sydney


                                       


Biến cố chính trị tại Úc ngày 11.11.1975 khi Thủ tướng Gough Whitlam bị Toàn Quyền liên bang sa thải, đem lại thay đổi lớn lao trong chính sách định cư người tị nạn Việt Nam. Khi người Việt bắt đầu nhập cư đông đảo hơn dưới thời chính phủ Malcolm Fraser kế nhiệm, thì nhu cầu có vị sư người Việt và Chùa Việt Nam trở nên khẩ̀n thiết hơn. Bà Bé Hà và gia đình vừa đến từ một trại tị nạn và hãy còn tạm trú trong Enterprise Migrant Hostel ở Melbourne năm 1979, chưa biết phải làm thế nào để nhu cầu tâm linh có thể đáp ứng được, nhất là đối với hai đứa con thơ mà bà mong sẽ lớn lên như là một Phật tử.            

Hiện phục vụ thiện nguyện lâu năm trong vai trò chủ tịch Hội Tương Trợ Đông Dương tại Springvale, Victoria (SICMAA), Bà Bé Hà nhớ lại niềm vui không tả khi cùng một nhóm nhỏ Phật tử có mặt tại Phi cảng Quốc tế Tullamarine, Melbourne, ngày 09.07.1980 để̀ nghênh đón vị sư người Việt đầu tiên đến Úc: Thượng tọa Thích Tắc Phước (mà sau này cải danh thành Hòa Thượng Thích Phước Huệ) được bảo trợ nhập cư từ một trại tị nạn tại Hồng Kông. Thượng tọa đã từng là một cao tăng thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Sài Gòn. Sau năm1975, Giáo Hội này bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cấm hoạt động. Chẳng bao lâu sau đó, Thượng tọa Thích Huyền Tôn cũng đến Melbourne từ một trại tị nạn ở Malaysia [5]

Thượng tọa Thích Tắc Phước cử hành một nghi thức Phật giáo đầu tiên bằng tiếng Việt trong tư cách thường trú ngay trong năm 1980. Địa điểm là một cơ sở Công giáo ở Melbourne do hảo ý của Linh mục Bart Huỳnh San. Trước đó tại Adelaide hồi năm 1977, Ông Nguyễn Văn Tươi và nhóm cư sĩ tị nạn tại Pennington Migrant Hostel cũng đã tổ chức Lễ Phật. Nhóm Phật tử này cũng đã nhận được sự giúp đở của  Linh Mục Jefferies Foale CP, Chủ tịch sáng lập Hội Bạn Người Tị Nạn Đông Dương / Indo-China Refugee Association (ICRA), cho đến khi họ có thể thành lập Hội Phật Giáo Việt Nam tại Nam Úc năm 1981.                                                                   

Sau một thời gian ngắn tại Melbourne, Thượng Tọa Thích Tắc Phước đến Sydney và tại đây Thầy cũng đã cử hành Lễ Vu Lan đầu tiên. Sáu tháng sau vào ngày 16.02.1981, vị sư thứ ba là Đại Đức Thích Bảo Lạc được bảo lãnh từ Nhật Bản và cũng đến định cư tại Sydney. Vào đầu thập niên 1970, đại đức đã được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất gởi sang Nhật Bản tu học nhưng Thầy không trở về nước được vì biến cố tháng 4 năm 1975. Khi Thầy đang phân vân với việc định cư tại Mỹ thì Thầy nhận được bảo trợ từ  Hội Phật Giáo Việt Nam tại NSW vừa được thành lập. Thầy quyết định tiếp tục hành trình hoằng Pháp lợi sinh tại thủ phủ Tiểu bang NSW.                                                                    

Thỉnh thoảng Đại Đức Thích Bảo Lạc về Adelaide để giúp đỡ Hội Phật Giáo địa phương tại Chùa Pháp Hoa vốn là một cơ sở cải gia vi tự, cho đến khi Hội có thể bảo trợ vị sư tị nạn ở Nhật Bản là Thượng Tọa Thích Như Huệ vào giữa năm 1982. Dưới sự hướng dẫn của Thượng Tọa, Hội Phật Giáo tại Nam Úc bắt đầu chương trình kiến tạo tự viện và Chùa Pháp Hoa trở thành khuôn mặt của Phật Giáo Việt Nam tại Nam Úc.

 

Cộng đồng Phật tử Việt Nam lớn mạnh nhanh chóng nhưng cũng sớm ý thức được là xây dựng tự viện gặp rất nhiều khó khăn phức tạp. Ngày nay, các tự viện khang trang như Phước Huệ và Pháp Bảo tại Vùng Tây Sydney, cũng như nhiều ngôi chùa Việt Nam tương tự tại Brisbane, Canberra, Melbourne, Adelaide và Perth có thể che dấu phần nào những trở ngại vì cư dân trong vùng phản đối, vì qui luật sử dụng đất đai, vì luật lệ xây cất của Hội đồng Thành phố Địa phương mà chùa đã phải vượt qua khi bắt đầu dưới hình thức cải gia vi tự trong vùng dân cư. “Thờ Phật trong một nhà xe / Buddha worship in a garage” [6] là tựa đề của một bài tường thuật trên Nhật báo Sydney Morning Herald về sinh hoạt Phật sự tại ngôi nhà khiêm tốn gọi là Niệm Phật Đường Phước Huệ. Đây là cơ sở đầu tiên của Chùa Phước Huệ, được “khánh thành” ngày 01.11.1980 tại Fairfield NSW, vốn là một khu gia cư nghèo lúc bấy giờ. Ngày nay những khó khăn này vẫn chưa có gì thay đổi đối với cơ sở tôn giáo ‘cải gia vi tự’ tại khu gia cư [7].

 

Động cơ đã thúc đẩy những Phật tử như Ts Hoàng Khôi, Phan Đông Bích, Lê Thẳng Tiến, Chúc Thanh, Thiện Châu, Bà Nhu Hòa, Cô Mai Tuyết Ánh, Cô Ngọc Hân, và các cư sĩ đã quá cố như Trần Ngọc Thạch, Đinh Quang Chỉnh vân vân...tại Sydney,  Bác Minh Chiếu, Bà Bé Hà, Ông Trần Hoàng, Bác sĩ Trần Quốc Đông, cố Bác sĩ Nguyễn Đức Hùng vân vân... tại Melbourne, ông Nguyễn Viết Trưng, Bác sĩ Bùi Trọng Cường, Bác sĩ Trần Văn Lân vân vân...tại Brisbane và nhiều nơi khác là nhu cầu cấp bách chưa được đáp ứng của thành phần người Việt luống tuổi bắt đầu cuộc sống mới trong môi trường Anh ngữ tại Úc mà phần đông là cư dân Thiên Chúa Giáo.

 

Chua Quang Minh

                                                             Chùa Quang Minh, Braybrook, Victoria 

 

Nhờ sự quyết tâm, tận tụy với công tác và dấn thân lâu dài của tập thể thiện nguyện viên trong các đồ án phát triển tự viện từ thập niên 1980 mà nhiều ngôi chùa với phong thái Việt Nam được hoàn thành khắp Úc Châu. Ông Chu Văn Hợp (nay đã mãn phần), cố vấn sắc tộc sự vụ cho Thủ hiến NSW Barry Unsworth hồi giữa thập niên 1980, có đóng góp đáng kể cho Chùa Phước Huệ. Tại Melbourne, ngoài những cố vấn và người làm công quả,  tài năng sáng tạo của Họa sĩ kiêm Điêu khắc gia Lê Thành Nhơn (1940-2002) cũng đã đóng góp nhiều cho Chùa Quang Minh qua nhiều giai đoạn phát triển.

 

“Mẹ tôi là một Phật tử thuần thành, nhưng tại Sydney, bà không thể đến nơi nào để lễ Phật”, Hoàng Khôi đã từng tâm sự khi dấn thân đẩy mạnh dự án xây Chùa Pháp Bảo. Bà Bé Hà, một thành viên hăng hái trong đồ án xây dựng Chùa Hoa Nghiêm ở Springvale, Victoria,  tin tưởng mãnh liệt rằng một ngôi chùa Phật Giáo Việt Nam là tụ điểm tâm linh thiết yếu cho cộng đồng Người Việt vừa thành hình.                                                                              

 

Chỉ mới khoảng 5 năm sau khi Sài Gòn thất thủ, cộng đồng người Việt chưa có luật sư hoặc kiến trúc sư tốt nghiệp đại học Úc, nên cần người địa phương góp ý. Một vài ban kiến thiết được cố vấn thiện nguyện người Úc chính mạch giúp trong việc liên lạc với công vụ và vận động ba cấp chính quyền địa phương, tiểu bang và liên bang. Philip Coen với Pháp danh Chúc Bính nói thông thạo tiếng Việt, đã dành một số thì giờ riêng giúp chùa tại Sydney. Tương tự như thế tại Perth, nhân lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Chùa Phổ Quang, Thượng tọa Thích Phước Nhơn cũng đã tán thán công đức mà Ông Wilson đã dành cho chùa.

 

Về mặt cấu trúc, Thượng Tọa Thích Tắc Phước, Thượng Tọa Thích Huyền Tôn và Đại Đức Thích Bảo Lạc, cùng với các Hội cư sĩ Phật Giáo tại Adelaide, Brisbane và Perth, trong Đại Hội đầu tiên tháng 4 năm 1981 ở Sydney, đồng ý thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Úc mà mục đích là nhằm phối hợp sinh hoạt Phật sự và đẩy mạnh phát triển khắp Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan [8].

 

Kể từ Đại Hội lần thứ nhì của Tổng Hội vào tháng 4 năm 1983 khi Thượng Tọa Thích Tắc Phước tái đắc cử Chủ Tịch (và được biết như là Hoà Thượng Thích Phước Huệ),  Phật Giáo Việt Nam đã trải qua hai thập niên phát triển tốt đẹp nhất.

 

Tăng ni tị nạn được bảo trợ đến Úc từ Đông Nam Á kể cả ba vị đại đức trẻ. Đại Đức Thích Quảng Ba được cử về Thủ đô liên bang Canberra và xây dựng Tu Viện Vạn Hạnh. Đại Đức Thích Phước Nhơn đi Perth và bắt đầu dự án Chùa Phổ Quang, còn Đại Đức Thích Nhật Tân thì về Brisbane xây dựng Chùa Pháp Quang. Tổng Hội / Giáo Hội cũng mở rộng sinh hoạt hoằng Pháp sang Auckland và Wellington, Tân Tây Lan.

 

Năm1982, Tổng Hội và Giáo Hội tại NSW bắt đầu xuất bản tập san Phật Giáo Việt NamPháp Bảo như là phương tiện quảng bá quần chúng. Trước thời đại @ phương tiện thông tin truyền thống rất cần thiết để giữ liên lạc với cộng đồng Phật tử hãy còn non trẻ.

 

Phục hoạt sinh hoạt giới trẻ

 

Tuy nhiên, tiến bộ đến đâu đi nữa, kỹ thuật truyền thông vẫn không thay thế được sinh hoạt mặt-đối-mặt.  Hầu hết tự viện Việt Nam đều tổ chức lớp học văn hóa và ngôn ngữ cuối tuần mà thành phần giảng dạy thường là tình nguyện, sau khi đã trải qua một khóa huấn luyện sư phạm ngắn. Các lớp học cuối tuần tạo cơ hội cho chùa tiếp xúc với phụ huynh và con em. Thượng tọa Thích Phước Tấn coi đây là “kết quả thầm lặng”, vì việc cải thiện khả năng song ngữ đòi hỏi nỗ lực từ phía tăng ni trau dồi tiếng Anh và thế hệ trẻ thổ sinh gốc Việt học tiếng Việt. Điều đáng tiếc là các lớp học cuối tuần chưa được phối hợp rộng rãi trong giáo hội ở cấp tiểu bang cũng như liên bang.

 

Tôi tin rằng  một tổ chức có vẻ hữu hiệu hơn và có khả năng đáp ứng với khuynh hướng giới trẻ đang xa dần các vấn đề tín ngưỡng là Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPT)                                                                                                      

 

Về mặt khái niệm, GĐPT không khác chi nhiều so với Phong Trào Hướng Đạo hay Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Cả ba tổ chức đều đã hoạt động tích cực tại Việt Nam thống nhất trước khi Việt Nam bị chia đôi vào năm 1954. Cả ba đều tiếp tục sinh hoạt đều đặn và phát triển tại miền Nam Việt Nam từ năm 1954 đến 1975.

 

Khác với hai tổ chức kia vốn được biết nhiều trên thế giới, GĐPT là tổ chức đặc thù Việt Nam và do cư sĩ có tiếng là Bác sĩ Lê Đình Thám thành lập năm 1940. GĐPT là phân bộ trẻ kết hợp với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mà trụ sở trung ương đặt tại Thủ đô Sài Gòn. Giáo Hội này đã bị chính quyền cộng sản Hà Nội cấm hoạt động từ năm 1981. Tại Việt Nam ngày nay, GĐPT bị đặt trong tình trạng tế nhị giữa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do nhà nước cộng sản thành lập và kiểm soát và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mà nhà nước cộng sản đã cấm hoạt động.

 

Bên ngoài Việt Nam, khi làn sóng người tị nạn Đông Dương trở nên dồn dập vào cuối thập niên 1970 và trong thập niên 1980, nhiều trại tị nạn được Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR chính thức thiết lập và do chính quyền địa phương tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Hồng Kông quản trị. Cũng như các làn sóng tị nạn trước trên thế giới, người Việt Nam mang theo truyền thống và tín ngưỡng của họ. Giáo đường và chùa chiền đã được xây dựng, dầu là tạm thời, để giúp thỏa mãn nhu cầu tôn giáo của người tị nạn trong thời gian tạm dung tại những trại này, chẳng hạn như Trại Pulau Bidong đã có một thánh đường Thiên Chúa và một Chùa Phật Bà Quán Thế Âm. Khi tôi đi công tác và viếng thăm một vài trại tị nạn trong vùng Đông Nam Á, với tư cách viên chức Bộ Di Trú Liên Bang Úc, tôi không khỏi ngạc nhiên khi được đoàn viên GĐPT, Hướng Đạo và Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tiếp đón.

 

Thượng Tọa Thích Quảng Ba hồi tưởng nỗ lực mà Thầy đã thực hiện để gây dựng lại GĐPT tại trại Pulau Bidong khi Thầy nhập trại với tư cách người tị nạn hồi đầu năm 1983. Sau khi đến Úc, Thầy được công cử lãnh đạo GĐPT với tư cách Ủy Viên Tổng Vụ Thanh Niên của Tổng Hội từ năm 1983 đến năm 1987.

 

Cũng trong năm 1983 tại Sydney nhân dịp Lễ Vu Lan, Thượng Tọa Thích Bảo Lạc quyết định phục hoạt GĐPT và Nguyên Mẫn Lê Viết Lâm, một huynh trưởng GĐPT lâu năm và giàu kinh nghiệm đã được giao phó trách nhiệm tổ chức. Vào năm 2008, nhìn lại quá trình sinh hoạt 25 năm của GĐPT Pháp Bảo, Nguyên Mẫn nhấn mạnh đến quan hệ thân hữu lành mạnh giữa tập thể thành viên trong mục đích mà họ chia sẻ nhằm trở thành Phật tử tốt trong xã hội. [9]                                                                                           

 

Mỗi GĐPT tổ chức sinh hoạt vào cuối tuần, được sự phối hợp nhưng không bị kiểm soát bởi một tự viện Việt Nam. Các đơn vị GĐPT được hướng dẫn tổng quát bởi một  Ban Hướng Dẫn Trung Ương như tại Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Úc.

 

Tại Úc, tất cả các đơn vị GĐPT đều sinh hoạt dưới cùng một Nội Qui ghi nhận rõ GĐPT là một tổ chức giáo dục nhằm huấn luyện thành viên trẻ trở thành Phật tử tốt, và hợp tác với cộng đồng để góp phần vào một xã hội lành mạnh trong tinh thần Đạo Phật. Tương tự như Phong Trào Hướng Đạo, Nội Qui GĐPT phân loại thành viên theo lớp tuổi, kinh nghiệm và qui định trách nhiệm của huynh trưởng ở nhiều cấp bậc khác nhau.

 

Trong 40 năm qua, hàng ngàn thanh thiếu niên đã hưởng được lợi ích của sinh hoạt cuối tuần, học hỏi trong vui chơi của từng nhóm để trau dồi nhân cách, giúp đỡ lẫn nhau và thói quen phục vụ cộng đồng. Ngày nay họ đã trưởng thành và trở về chùa như là huynh trưởng để tiếp tục công tác huấn luyện và phát triển nhân cách. Một trong những huynh trưởng ấy là Nguyễn Quốc Toàn, một luật sư tại Sydney. Anh Toàn hồi tưởng:

 

“Vào đầu thập niên 1990 và riêng tôi là năm 1992 – bọn trẻ chúng tôi gia nhập GĐPT vì tình bạn, giao tiếp xã hội, để trợ giúp lẫn nhau vì chúng tôi đều là di dân mới đến Úc. Tôi đến với GĐPT vì các cuộc Múa Lân và lớp học Kungfu được tổ chức tại Chùa Phổ Quang ở Perth. Một ngày nọ, trên đường về nhà, tôi gặp một bạn cũ thời tiểu học và nó hỏi tôi muốn tham dự GĐPT không, vì sinh hoạt rất vui”                                                                 

“Tôi nhớ lúc ấy GĐPT chưa được tổ chức như ngày nay, vì thiếu thốn phương tiện. Phần lớn các sinh hoạt của chúng tôi đều ở ngoài trời và thành viên lớn phải giúp đỡ thành viên nhỏ, như chuyên chở, đóng tiền tham dự trại vân vân... Mọi việc đều đơn sơ nhưng bọn tôi cảm thấy rất vui và chúng tôi thích các sinh hoạt đó, cũng như tình bạn và lớp học kinh sách được Thầy trụ trì giảng dạy.”

 

Học hỏi trong vui chơi và sinh hoạt nhóm cũng là lý do đầu tiên mà Nguyễn Thanh Hải gia nhập GĐPT. Ngày nay là huynh trưởng và sinh hoạt dưới sự hướng dẫn (nhưng không kiểm soát) của Thượng Tọa Thích Phước Tấn, Nguyễn Thanh Hải và GĐPT do anh điều hành là khuôn mặt trẻ của Chùa Quang Minh.

 

Nguyễn Quốc Toàn ở Sydney và Nguyễn Thanh Hải tại Melbourne đều tin rằng GĐPT có vai trò quan trọng trong việc đem Phật giáo đến với giới trẻ Việt Úc, vì hầu hết các tự viện tại Úc thật sự không thể hỗ trợ sinh hoạt của giới trẻ, và vì sinh hoạt GĐPT có tính cách học hỏi trong vui chơi mà các huynh trưởng là người có năng khiếu làm việc với thanh thiếu niên trong sinh hoạt văn hóa xã hội ngày nay.

 

Với tư cách là Phó Chủ Tịch GĐPT tại Tiểu Bang NSW, và huynh trưởng GĐPT Huyền Quang, một tự viện tại Bankstown NSW, Nguyễn Quốc Toàn hồi năm 2012 đã nghĩ đến phương cách cải thiện GĐPT như là một tổ chức của giới trẻ.

 

“Là một huynh trưởng, tôi nghĩ có nhiều lãnh vực mà GĐPT có thể cải thiện, nhất là về mặt huấn luyện và thủ tục điều hành sinh hoạt. Tôi đã gắn bó với tổ chức trong 20 năm và tôi phải nhìn nhận rằng chư tôn đức tăng ni không thể giúp đỡ trọn vẹn, nhất là về phương diện tài chánh… Như là một ngành sinh hoạt, nhiều người tin tưởng vào GĐPT, đặc biệt là công việc từ thiện. Theo tôi, tổ chức GĐPT hãy còn thiếu kế hoạch dài hạn, viễn kiến và sinh hoạt đúng tiêu chuẩn thủ tục…”

 

Nguyễn Thanh Hải còn nghĩ thêm rằng sự phân hóa trong hàng giáo phẩm trong và ngoài nước Việt Nam cũng đã có ảnh hưởng đến GĐPT trong nỗ lực trở thành một định chế hợp nhất cho tuổi trẻ.

 

Tất nhiên, đây là những điểm yếu thông thường cho mọi tổ chức phi-chính-phủ, đặc biệt là những đoàn thể chưa có tư cách pháp nhân và các đoàn thể Phật Giáo không phải là một ngoại lệ.

 

Năm 2013, Nguyễn Quốc Toàn bắt đầu công tác gây quỹ cho kế hoạch dài hạn và vào cuối năm 2014 anh đã thu xếp mua được một bất động sản trong vùng Fairfield NSW để làm trụ sở sinh hoạt trong tương lai. Nhiều huynh trưởng lớn tuổi và sinh hoạt lâu năm đồng ý với Nguyễn Quốc Toàn.

 

“Khi được đánh thức và hướng dẫn đúng cách, GĐPT có khả năng trở thành phương tiện hữu hiệu để tái tạo thế hệ cư sĩ Phật tử tại Úc”, Pháp Lợi nhận xét.                                                                           

 

Pháp Lợi là một huynh trưởng GĐPT có kinh nghiệm tại Việt Nam và tại Úc Đại Lợi. Ông định cư tại Canberra từ năm 1981, sau khi đã tạm dung tại Songkla, một trại tị nạn của Phủ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc ở phía Nam Thái Lan. Trong thời gian tạm dung, ông cũng đã tích cực tổ chức sinh hoạt với lớp trẻ trong trại. Pháp Lợi, Nguyên Mẫn và các huynh trưởng GĐPT khác đều đã góp phần hướng dẫn GĐPT trong giai đoạn tái lập tại Úc trong những năm 1980 và đầu thập niên 1990, cùng với Thượng Tọa Thích Quảng Ba và Thượng Tọa Thích Nhật Tân, Tổng Ủy Viên đầu tiên và kế nhiệm đặc trách Thanh Niên Sự Vụ của Tổng Hội và Giáo Hội. 

 

Từ Tổng Hội đến Giáo Hội – Những Thử Thách Tổ Chức

 

Một mốc điểm khác đã đến vào năm 1987 khi Tổng Hội chấp thuận Nội Qui mới để trở thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan (Congregation - Giáo Hội)

 

Trọng tâm của Tổng Hội / Giáo Hội trong thập niên1980 và đầu 1990 là xây dựng tự viện và cải thiện cấu trúc tổ chức nhằm mục đích tối hậu là phục vụ nhu cầu tâm linh của Phật Tử mà hầu hết thuộc thế hệ định cư thứ nhất. Trong nỗ lực này, Giáo Hội nói chung và các tự viện nói riêng đã khá thành công, nếu ta không quên rằng thế hệ giáo phẩm lãnh đạo thứ nhất đã đến Úc riêng rẻ trong tư cách tị nạn mà không có ý định tập thể hoặc kế  hoạch tái lập một cấu trúc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Úc Châu.

 

Các tự viện vừa được thành lập nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ không những về mặt nhân số Phật tử đến Chùa nghe giảng Pháp hoặc tham dự Lễ Hội truyền thống, mà còn  thể hiện qua sự cúng dường tài chánh. Vài tự viện còn được chính phủ tiểu bang trợ giúp về đất đai, nhưng hầu hết nhờ vào sự cúng dường bằng hiện kim, hiện vật và công sức lao động trong cộng đồng Phật tử.

 

Tổng Hội / Giáo Hội được biết đến trên toàn Úc Châu và thế giới sau khi gia nhập Hiệp Hội Phật Giáo Úc Châu (the Australian Buddhist Federation – ABF), Hội Đồng Tăng Già Thế Giới (the World Sangha Council) và Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới (the World Fellowship of Buddhists).                                                                                                   

 

Vào đầu thập niên 1990, Phật tử Việt Nam khắp nơi tại Canberra và các thành phố lớn khác đều có thể đến Chùa của mình để học Pháp (ngoại trừ Hobart, Tasmania) và riêng tại Darwin, Lãnh thổ Bắc Úc, cộng đồng Người Việt không nhiều nhưng vẫn được tăng ni từ các nơi khác đến thăm viếng. [10]

 

Khi Giáo Hội bước vào giai đoạn củng cố, hội đồng giáo phẩm bắt đầu có rạn nứt nội bộ. Giáo Hội đã không còn sinh hoạt hữu hiệu kể từ năm 1997 và đến năm 1999 thì bị phân hóa, khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại được thành lập (Giáo Hội thứ nhì). Hòa Thượng Thích Như Huệ, nguyên Phó Hội Chủ Giáo Hội đầu tiên, đành phải đồng ý lãnh đạo Giáo Hội mới với tư cách Hội Chủ. Hòa Thượng Thích Phước Huệ tiếp tục lãnh đạo Giáo Hội thứ nhất mà tự viện thành viên còn lại khoảng một phần ba số

nguyên thủy.                                                                                                                                        

 

Sự phân hóa này là chướng duyên đầu tiên về mặt tổ chức trong cộng đồng Phật Giáo Việt Nam. Tuy rằng nguyên nhân không phải là dị biệt về chính sách hoặc mục tiêu, nhưng sự phân hóa vẫn là một diễn tiến tiêu cực. Cả hai giáo hội tại Úc đều không liên hệ đến chính trị, mặc dầu vẫn tiếp tục ủng hộ cuộc tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, vốn bị nhà cầm quyền Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam liên tục đàn áp.





Một thập niên sau, khi nhìn lại biến chuyển phân hóa này, Hòa Thượng Thích Phước Huệ nói với tôi rằng đáng lẽ Tổng Hội không nên trở thành Giáo Hội, vì theo nhận xét của Thầy, thực tế tự viện tại Úc không thích hợp cho một cấu trúc theo chiều dọc. Trong cốt lõi, tự viện tại Úc tự lo liệu nhu cầu điều hành sinh hoạt và tương lai của chính mình [11]. Một vài tự viện còn mở rộng sinh hoạt đến các thành phố khác. Thí dụ như Chùa Phổ Quang ở Perth đã thiết lập Chùa Phổ Minh tại Sydney mà cơ sở mới tại Bankstown NSW còn đang được xây cất vào đầu năm 2015. Tu Viện Vạn Hạnh tại Canberra cũng đã thiết lập Tu Viện Nguyên Thiều tại Sydney.

 

Hòa Thượng Thích Bảo Lạc tin rằng sự phân hóa khó có thể tránh được vì hàng giáo phẩm lãnh đạo thiếu tin tưởng lẫn nhau, trong khi Thượng Tọa Thích Quảng Ba coi sự va chạm cá nhân là một phần nguyên nhân tạo ra nghịch duyên của tổ chức.

 

Tại Chùa Phổ Quang ở Perth, hồi tháng 4 năm 2007, nhân Đại Hội Toàn Quốc định kỳ 4 năm lần thứ 3 của Giáo Hội hải ngoại, tôi đã thỉnh ý Hòa Thượng Thích Hộ Giác, Lãnh đạo Văn Phòng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Mỹ về sự phân tán tại Úc. Hòa Thượng không tỏ vẻ quan ngại gì, với lý do là cả hai giáo hội tại Úc đều nỗ lực hoằng Pháp lợi sanh theo giáo lý Nhà Phật. Hòa Thượng Thích Hộ Giác đã viên tịch tại Mỹ hồi tháng 12 năm 2012.                                                                                                                   

 

Dầu là vì lý do gì đi nữa, hai giáo hội cũng đã vượt qua thử thách và sinh hoạt trong niềm tương kính, tuy không gần gũi nhau lắm.

 

Một số Phật tử cảm thấy buồn lòng khi sự phân hóa được công bố, nhưng cộng đồng Phật tử không vì sự phân hóa ấy mà phải thay đổi tự viện. Họ tiếp tục sinh hoạt như thường lệ và đôi khi tiếp tục giữ liên hệ với nhiều tự viện mà không phân biệt giáo hội. So sánh với sự phân hóa trải qua nhiều thập kỷ trong cộng đồng Hi Lạp, giữa Tổng Giáo Phận ‘Greek Orthodox Archdiocese of Australia’ và Cộng Đồng ‘Greek Orthodox Community’, thì quả thật hàng giáo phẩm lãnh đạo hai giáo hội Việt Nam đã duy trì được hòa khí tốt đẹp với nhau.

 

Tuy nhiên, diễn tiến bất ngờ xảy ra từ Việt Nam hồi tháng 9 năm 2007 đã làm xao xuyến chư tôn đức tăng ni cũng như cộng đồng Phật Tử Việt Nam tại Úc. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, nhân danh Đức Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang và Hòa Thượng Thích Quảng Độ, đã quyết định giải tán Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Mỹ, Canada, Châu Âu và Châu Úc (giáo hội hải ngoại) để mở đường cho việc cải tổ Văn Phòng 2 của Giáo Hội ở hải ngoại và đặt trụ sở tại Hoa Kỳ. Văn Phòng 2 này cũng do Hòa Thượng Thích Hộ Giác điều hành. Hòa thượng là một trong những vị cao tăng nhất của Giáo Hội trong nước trước năm 1975.

 

Một lần nữa, sự bất tín nhiệm trong hàng giáo phẩm và tham vọng của một vài cá nhân cư sĩ phần lớn đã dẫn đến quyết định có thể làm suy yếu các giáo hội Phật Giáo Việt Nam ở nước ngoài và làm suy yếu chính Giáo Hội trong nước. Quyết định trong nước không thể ràng buộc về mặt pháp lý đối với Giáo Hội tại Úc, nhưng quyết định này không thể không ảnh hưởng tiêu cực đến Giáo Hội hải ngoại. Hòa Thượng Thích Như Huệ và Hòa Thượng Thích Bảo Lạc đã cảm thấy thất vọng với quyết định đến mức độ mà hai Hòa Thượng đã từ chối tư cách thành viên của Văn Phòng 2 tại Mỹ. Thượng tọa Thích Phước Nhơn, Khai sơn Trụ trì Chùa Phổ Quang tại Perth, được cử làm đại diện Úc Châu duy nhất tại Văn Phòng 2.

 

Vào tháng 8 năm 2008, Hòa Thượng Thích Phước Huệ, lúc ấy 87 tuổi, đã từ nhiệm Hội Chủ Giáo Hội đầu tiên, vì lý do cá nhân và sức khỏe suy yếu. Trưởng tử Thích Phước Bổn, Khai sơn Trụ trì Chùa Phước Huệ tại Los Angeles, Hoa Kỳ, và Thứ tử, Thượng Tọa Thích Phước Tấn, Trụ trì Chùa Quang Minh ở Melbourne, được cử kế nhiệm. Hòa Thượng Thích Phước Huệ đã viên tịch ngày 28.01.2012 tại Sydney.

 

Thay đổi trong thành phần dân số cũng là thử thách

 

Lãnh đạo trong hai giáo hội tin rằng hàng giáo phẩm có thể đương đầu với thử thách cấu trúc để duy trì lòng tin của cộng đồng Phật tử. Điều mà lãnh đạo tăng ni tin là khó vượt qua hơn, là sự thay đổi thành phần tuổi tác trong cộng đồng. Sự thay đổi này đòi hỏi thế hệ thứ hai tăng ni phải chọn phương cách khác về khả năng ngôn ngữ, năng khiếu kỹ thuật và sự hiểu biết rộng rãi về nước Úc và xã hội Úc. Hiện nay, khả năng đáp ứng trong các lãnh vực này có vẻ còn giới hạn trong cả hai giáo hội.

Thế nhưng, sự thay đổi thành phần tuổi tác không phải là duy nhất cho cộng đồng Phật tử Việt Nam – khi chúng ta nhớ rằng ít hơn phân nửa (tức là 48%) trong thế hệ Y có niềm tin tôn giáo trong môi trường đương đại càng ngày càng gia tăng nếp sống thế tục [12].

Thế hệ Y bao gồm những ai sinh từ năm 1981 đến năm 1995. Ảnh hưởng của nếp sống thế tục càng rõ nét với Thiên Chúa Giáo hơn là Hồi Giáo và Phật Giáo trong thành phần giới trẻ chào đời vào cuối thế kỷ thứ 20 và đầu thế kỷ thứ 21, tính theo chỉ số phần trăm. Kiểm tra Dân số năm 2011 cho thấy rằng có đến 18.5% là Phật tử và 20.8% tín đồ Hồi Giáo ở vào lớp tuổi dưới 15 so với 12.5% tín đồ Công Giáo và 9.2% tín đồ Anh Giáo.                                                                       

Nhìn lại thập niên đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam, chúng ta có thể lập luận rằng Giáo Hội đã phải trả giá khi quan tâm quá nhiều trong việc xây dựng thành công những phương tiện vật thể. Pháp Lợi tin rằng Giáo Hội đã không chú ý đúng mức trong việc  “xây dựng con người” để làm nguồn vốn nhân lực cho tương lai bền vững của Giáo Hội trong nhiệm vụ hoằng Pháp.

Lãnh đạo của hai Giáo Hội vẫn tin rằng đấy là bước đi đúng hướng, bởi vì cộng đồng Phật tử quả thật đã thiếu thốn phương tiện để theo đuổi niềm tin trong một môi trường thích hợp. Đại hội đầu tiên của Tổng Hội năm 1981 đã diễn ra tại một hội trường thuê mướn ở Cabramatta thuộc vùng Tây Nam Sydney.

 

Tuy nhiên, Thượng Tọa Thích Quảng Ba, Trụ trì Tu Viện Vạn Hạnh và Thượng Tọa Thích Thiện Tâm, Trù trì Chùa Hoa Nghiêm, đều nghĩ rằng đây chính là vấn đề cơ bản chứ không chỉ là nỗ lực hãy còn thiếu sót của thế hệ tăng ni thứ nhất.

 

Theo Thượng Tọa Thích Quảng Ba, Việt Nam đã có lịch sử Phật Giáo hai ngàn năm và ít nhất là hai phần ba dân số Việt Nam đã sinh ra trong môi trường ấy và đương nhiên sống với môi trường ấy.  Thượng Tọa Thích Thiện Tâm nhận xét: “Khi ta bứng rể một cây từ nơi này và đem trồng nơi khác thì cây đó sẽ èo uột hoặc biến đổi phần nào bản chất nguyên thủy của nó”

 

Không khác chi những làn sóng di dân đi trước, người Việt cũng đã trải nghiệm cùng một tiến trình định cư. Bậc thang giá trị và mong đợi của họ không phải lúc nào cũng được thế hệ thứ hai và kế tiếp chia sẻ. Trong thực tế, con cái của họ rất ít khi chấp nhận quan điểm của họ về cuộc đời. Gia đình nào cố gắng áp dụng “kỷ luật truyền thống” thường bị thất bại, nhưng cũng có gia đình dễ dãi cho con cái theo đuổi cuộc đời dung hòa hai nếp sống bên trong và bên ngoài [13]. Một gia đình đầm ấm cũng như một cộng đồng hài hòa tùy thuộc rất nhiều vào khả năng dung hòa dị biệt thì mới thành công được. Bà Bé Hà nói rằng mong ước của bà đã thành hiện thực, khi các con ngày nay đã có chức nghiệp mà vẫn duy trì niềm tin vào Đạo Phật.

 

Vấn đề giữa các thế hệ

 

 “T vin Vit Nam không đối thoi vi thành phn tr”  – Vi Phan

 

Tôi tin rằng Giáo Hội và mỗi cá nhân tự viện đều am hiểu nhu cầu đối thoại, tiếp cận với giới trẻ trong cộng đồng. Tuy nhiên đến mức độ nào mà tự viện có thể duy trì và phát triển liên hệ này còn tùy thuộc vào khả năng biến đổi thích nghi của tự viện cũng như khả năng huấn luyện và nuôi dưỡng thế hệ lãnh đạo mới.

 

Khi tôi đề nghị chư tôn đức nhận diện những thử thách khó khăn nhất, thì hầu như ai cũng nói đến hai vấn đề là thông tin liên lạc với lớp trẻ được sinh ra tại Úc và khả năng của tự viện trong việc đáp ứng nguyện vọng của giới trẻ.

 

Trong xã hội văn hóa đa nguyên Úc Châu, Thượng tọa Thích Thiện Tâm tự hỏi là ta có thể học kinh nghiệm gì từ các cộng đồng tôn giáo bạn.

 

Giáo Hội Chính Thống Hi Lạp đã có mặt tại Úc trên một thế kỷ mà vẫn có thể gần gũi với nhiều thế hệ người Úc gốc Hi Lạp. Trong mấy thập niên qua, Giáo Hội dần dần trở nên song ngữ. Phật Giáo Tây Tạng mới du nhập vào Úc Châu, nhưng nhờ vào vai trò nổi bật và thế đứng của Đức Đạt Lai Lạt Ma mà Phật Giáo Tây Tạng đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng chính mạch và cộng đồng văn hóa đa nguyên [14].  Tương tự như thí dụ về người Hi Lạp, người Úc gốc Việt là cơ sở của Phật Giáo Việt Nam, nhưng Phật Giáo Việt Nam chưa trở thành đa văn hóa. Bất cứ chiến lược nào nhằm thu hút thế hệ thứ hai thổ sinh tại Úc và thông thạo tiếng Anh  (hơn tiếng Việt) cũng đem lại cơ hội cho Phật Giáo Việt Nam mở rộng vào cộng đồng chính mạch.                                                      

 

Đây là cơ hội song ngữ thuận lợi cho Thượng Tọa Thích Phước Tấn và Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, kế vị trụ trì Thượng Tọa Thích Tâm Phương tại Tu Viện Quảng Đức, Fawkner, Victoria. Tuy nhiên, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc nói rằng, theo nhận xét của Thầy, trong khi nhân số thế hệ ông bà đã giảm dần theo năm tháng, thì thế hệ đứng giữa – tức là tập thể Phật tử ngày nay đã luống tuổi mà vài thập niên trước chỉ mới trưởng thành – vẫn giữ trọn cam kết và tích cực với Giáo Hội. Con cái của thế hệ đứng giữa này mới thực sự là vấn đề – những thành phần trẻ như Diệu Kim, Stephen Nguyễn, Vi Phan và Liz Thanh.

 

Truyền thừa trách nhiệm đã xảy ra trong hàng giáo phẩm trọng tuổi của Giáo Hội. Quí Thầy Thích Như Huệ, Thích Bảo Lạc và Thích Phước Nhơn đã trở nên Hòa Thượng Phương Trượng và truyền thừa trách nhiệm điều hành với tư cách trụ trì tự viện tại Adelaide, Sydney và Perth.

 

Vài tự viện khác như Vạn Hạnh, Quảng Đức, Phổ Quang và Huyền Quang tại Bankstown, NSW, cũng đã bảo trợ cho tăng ni trẻ từ Việt Nam đến Úc làm việc chung với tăng ni được huấn luyện tại địa phương.

 

Phương thức bảo trợ thường gặp hai trở ngại: (a) Tăng ni từ Việt Nam phải mất thời gian khá lâu mới thích nghi được với môi trường văn hóa, xã hội Úc Châu, nhất là khi tăng ni không thông thạo tiếng Anh, và (b) nhân số tăng ni giữ trọn tinh thần bảo trợ không cao. Hòa Thượng Thích Quảng Ba ước lượng khoảng phân nửa tăng ni được bảo trợ, đã rời khỏi tự viện trong vòng 5 năm sau khi đến Úc. Trong số những tăng ni không rời Chùa, Thầy Thích Nguyên Tạng tại Tu Viện Quảng Đức và Thầy Thích Nhuận An tại Chùa Nguyên Thiều (trong một thời gian) đã rất thành công. Thầy Thích Nguyên Tạng giỏi về kỹ thuật điện toán và Thầy Thích Nhuận An có năng khiếu hướng dẫn giới trẻ tại những khóa tu học ngắn hạn. Sư Cô Thích Nữ Tịnh Ánh và Sư Cô Thích Nữ Bảo Trường, tu học tại Huế và được bảo trợ đến Perth, đã trở thành trụ trì Chùa Phổ Quang và Chùa Phổ Minh. Những tăng ni thành công, thường trở lại đại học hoặc theo đuổi bậc hậu cử nhân. Sau thời gian du học, Sư Cô Bảo Trường còn nói thông thạo tiếng Quan Thoại.

 

Tăng ni được huấn luyện tại địa phương ở Úc, thường là người Úc gốc Việt tốt nghiệp Đại Học Úc là giải pháp “lý tưởng” để thay thế lãnh đạo giáo hội thuộc thế hệ thứ nhất. Nhưng một giải pháp “lý tưởng” thường lại là giải pháp khó đạt được.

 

Việt Nam đã từng có hệ thống huấn luyện tăng ni rất tốt. Học viên phải trải qua thời gian thụ huấn tại tự viện và đồng thời theo học tại một Viện Cao Đẳng Phật Học. Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và Thích Quảng Ba đã theo học tại Huệ Nghiêm ở Sài Gòn và Hải Đức tại Nha Trang. Hòa Thượng Thích Phước Huệ cũng có nhiều kinh nghiệm huấn luyện, vì trước kia Thầy làm giám đốc các trường Bồ Đề tại Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Theo Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, nếu chỉ thụ huấn tại Chùa, sa-di có thể thiếu môi trường tương tác mà một Viện Phật Học có thể tạo ra cho tình huynh đệ tăng lữ và đó là kinh nghiệm mà Thầy đã có được tại Huệ Nghiêm. Trước năm 1975, Viện Đại Học Phật Giáo Vạn Hạnh tại Sài Gòn là cơ sở huấn luyện chính cho cư sĩ và học tăng, tuy rằng tiêu chuẩn nhập học không phân biệt tôn giáo.

 

Lãnh đạo giáo hội vẫn thường đề cập đến một Viện Cao Đẳng Phật Học Việt Nam tại Úc, nhưng nhiều thập niên đã trôi qua mà ý nguyện này vẫn còn là một ước vọng, vì thiếu thốn phương tiện nhân sự cũng như tài chánh.

 

Tại Úc, Giáo Hội nào và  tự viện nào cũng gặp khó khăn về phương tiện, trừ phi nguồn tài trợ có thể nhận được từ nước ngoài. Chùa Trung Hoa Nam Thiên tại Wollongong NSW có vẻ như đã vượt qua được giới hạn tài chánh không những trong công trình xây cất tự viện qui mô nhất tại Nam Bán Cầu mà còn cả trong việc tạo dựng cơ sở giáo dục đại học được chính thức công nhận. Chùa Nam Thiên đã kỷ niệm 20 năm sinh hoạt hồi tháng 9 năm 2014 và Học Viện Nam Thiên / Nan Tien Institute, một cơ sở giáo dục “thấm nhuần giá trị Phật Giáo”, đã được chính thức khai mạc ngày  01.03.2015 [15]

 

Chùa Phước Huệ cũng đã từng có dự án mở rộng đầy hứa hẹn, kể cả một Viện Phật Học, nhưng học viện này sau cùng đã không tiến hành được. Hòa Thượng Thích Phước Huệ đã gởi hàng chục tăng ni đến các Viện Đại Học ở Đài Loan và Ấn Độ cũng như tạo điều kiện cho tăng ni theo học tại các trường đại học Úc. Tiếc thay, nhân số tồn tại lại không cao như dự định. Có ít nhất là ba đại đức trẻ tuổi và học giỏi, đã rời tự viện trở về đời sống thế tục trong vòng 5 năm sau khi thọ giới tỳ kheo. Các tăng ni thành công về mặt học vấn và tiếp tục hành trình đã chọn, lại bận bịu với vai trò truyền thống ở nơi khác, như Thượng Tọa Thích Phước Ân nay là Khai sơn Trụ trì Quán Âm Sơn Đạo Tràng tại Auckland, Tân Tay Lan. Sư Cô Thích Nữ Huệ Khiết và Sư Cô Thích Nữ Phước Sinh, Ph D, đã lập Chùa riêng tại Sydney và Melbourne.                                                                            

 

Sự thiếu vắng một Viện Phật Học và giảng sư kinh nghiệm đã làm cho việc huấn luyện tăng ni tại Úc khó khăn, nhưng sự quyến rũ của xã hội tiêu thụ đương đại còn tạo nhiều khó khăn hơn trong việc lưu giữ sa-di sau khi tốt nghiệp.

 

Hầu hết trong khoảng 50 tự viện Việt Nam tại Úc đều được tăng ni thế hệ thứ nhất, những người đã được huấn luyện ở Việt Nam, quản trị. Chùa Chánh Giác tại Perth có lẽ là cơ sở duy nhất đã từng được một cư sĩ trông coi. Tuy nhiên, về mặt phái tính, chỉ số ni tăng trong vai trò trụ trì là 1 trên 10, điều này phản ảnh thực tế là Phật Giáo Việt Nam phần lớn hãy còn do chư tăng lãnh đạo, tương tự như các giáo hội Phật Giáo tại Châu Á. Ni trong vai trò trụ trì vẫn còn là một ngoại lệ.

 

Tại Sydney, Ni sư Thích Nữ Tâm Lạc và Sư Cô Thích Nữ Phước Hoàn đã tự mình quản trị Ni viện Liên Hoa và Ni viện Thiện Hoà và đã được cộng đồng Phật tử nễ trọng ủng hộ. Ni sư Thích Nữ Hải Triều Hạnh (viên tịch năm 2014) coi trọng vai trò Tuyên Úy Phật Giáo và đã thường thăm viếng các trung tâm cải huấn để ủy lạo tinh thần những người còn thụ hình. Tại nơi khác, vài tự viện khang trang đã có nữ trụ trì như Ni sư Thích Nữ Chơn Đạo tại Quán Thế Âm ở Perth, Thích Nữ Hạnh Thắng tại  Phật Quang ở Melbourne và Sư Cô Thích Nữ Trí Lưu tại Linh Sơn ở Brisbane.

 

Sự việc thiếu vắng quân bình tăng ni Việt Nam trong vai trò lãnh đạo sẽ còn mất nhiều thời gian để được cải thiện – nếu quả thật sẽ có thay đổi -  mặc dầu về mặt nhân số Giáo Hội đã tiếp nhận nhiều sa-di ni hơn trước. Trong khi đó, khoảng cách thế hệ giữa tăng ni lớn tuổi và tăng ni hậu duệ có vẻ như phần nào đã được giải quyết thành công.

 

Con Đường Tương Lai

 

Tại Chùa Pháp Bảo, vị trụ trì thứ nhì là một người trẻ đã hoàn tất học vấn tại Victoria trước khi đến Sydney để học tăng tại Chùa trong 16 năm. Đại Đức Thích Phổ Huân, với máy vi tính trong tay, rất muốn tiếp xúc với thế hệ trẻ cũng như thế hệ lớn tuổi qua hình thức trực diện tương tác, hoặc qua phương tiện kỹ thuật hiện đại.

 

Vị trụ trì hiện nay tại Chùa Quang Minh trước đây từng là một cậu bé 10 tuổi chỉ có ý định ở chùa một tuần tại Sài Gòn. Khi trở thành một vị thành niên tị nạn vào năm 11 tuổi tại Úc,  Thầy Thích Phước Tấn đã theo học trường chính phủ NSW và đã hấp thụ giáo lý Nhà Phật tại Chùa Phước Huệ như một sa-di trong 10 năm ròng rã trước khi  được thọ giới tỳ kheo trên 20 năm trước đây. Ngoài nhiệm vụ hằng ngày của một trụ trì, Thượng Tọa Thích Phước Tấn còn trông coi việc xây dựng Chùa Quang Minh mới tại Braybrook, Victoria. Thầy cũng sinh hoạt tích cực trong Đối thoại Liên tôn và được nễ trọng trong các vấn đề tôn giáo và văn hóa đa nguyên.

 

Thượng tọa Thích Nguyên Tạng, Trụ trì Tu Viện Quảng Đức, thật ra đã được huấn luyện tại Việt Nam, nhưng Thầy đã thành công trong việc học lại tại Viện Đại Học La Trobe ở Melbourne. Thầy hiện đang trông coi Trang Mạng Quảng Đức là một trong những websites hoàn chỉnh hơn trong số những Trang Nhà Tự Viện Việt Nam (www.quangduc.com).                                                                                   

 

Hãy còn trong lớp tuổi ba mươi hoặc bốn mươi, quí Thầy là thế hệ thứ nhì trụ trì và cùng đồng  nhiệm tương lai, đem lại hi vọng tốt nhất để Phật Giáo Việt Nam có thể tái tạo và phát triển. Thế hệ lãnh đạo mới này không những đang phục hồi liên hệ qua  phương cách truyền thống GĐPT, mà còn có khả năng truyền đạt Phật Giáo như là một tôn giáo sinh động và chuyển biến đến  nhiều thành phần – những ai là Phật tử và vẫn còn là Phật tử, những ai từng là Phật tử và nay không còn là Phật tử, và cả những ai chưa quan tâm đến Phật Giáo.

Ngôn ngữ truyền thông ngày nay chắc hẳn bao gồm Internet, iphones và trang mạng xã hội. Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng cho biết trang mạng www.quangduc.com có trên 200 000 văn bản và tài liệu bằng tiếng Việt và tiếng Anh, trên 2 000 nhân số thăm viếng mỗi ngày mà 80% là tiếng Việt và 20% là tiếng Anh [16] Số liệu tương đương tại Thư Viện truyền thống Hoa Nghiêm là 13 000 tựa chữ Việt, chữ Anh và chữ Hán với khoảng 100 người thăm viếng mỗi ngày. Số liệu này tuy khiêm tốn nhưng là chỉ dấu quan trọng của nỗ lực thay đổi sơ khởi. Hầu hết các tự viện lớn ngày nay đều đã có Trang Mạng trên Internet để mở rộng tầm giao tiếp.

Tu_Vien_Quang_Duc (2)Tu_Vien_Quang_Duc (4)

  Tu Viện Quảng Đức tại Fawkner, Victoria     

                                                                                         

 

Tuy nhiên, Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng tin rằng kỹ thuật chỉ là một phương tiện bổ túc chớ không phải là phương tiện điền thế cho việc giảng dạy và học hỏi. Cô Ngọc Hân, một Phật tử và nguyên là Trưởng Ban Việt Ngữ SBS Radio tại Sydney, đồng ý với nhận xét này. Là một cư sĩ, Cô Ngọc Hân có thể học hỏi mà không cần phải đến Chùa, vì Cô là thành viên của Nhóm Giảng Pháp Trên Mạng của Thượng Tọa Thích Tuệ Sĩ, một học giả có tiếng và nguyên là Giáo sư tại Viện Đại Học Vạn Hạnh ở Sài Gòn [17].

 

Đại lộ thông tin siêu tốc ngày nay đã tạo cơ hội cho học viên liên lạc ảo với thầy dạy mà không cần phải rời nhà đến trường. Thế nhưng, Phật tử như Cô Ngọc Hân vẫn thường xuyên đến Chùa, vì họ yêu thích môi trường thiền môn và ở nơi đây có cơ hội gặp gỡ người đồng đạo. Con người là sinh vật xã hội. Ngày nay, tự viện không còn là tụ điểm gặp gỡ như xưa, nhưng tự viện vẫn còn đặc tính quyến rũ xã hội và bằng hữu cần thiết cho nhu cầu khác hơn là đời sống kinh tế của Phật Tử.

 

Vi Phan có lý do chính đáng với  nhận xét là tự viện Việt Nam không duy trì được quan hệ đúng mức với tập thể giới trẻ. Khoảng cách thế hệ là một lý do và lý do kia là ngôn ngữ truyền thông.

Lãnh đạo thuộc thế hệ thứ nhất như cố Hòa Thượng Thích Phước Huệ và các Hòa Thượng Thích Huyền Tôn, Thích Như Huệ và Thích Bảo Lạc là bậc thức giả am tường chữ Hán, chữ Hán-Việt và tất nhiên là chữ Việt. Hòa Thượng Thích Bảo Lạc còn là một tác giả và dịch giả có tiếng với nhiều Bộ Kinh được dịch từ chữ Hán sang chữ Việt và nhiều tác phẩm giá trị mà độc giả thế hệ thứ nhất rất hâm mộ. Độc giả thế hệ thứ nhất cũng rất ưa chuộng những tác giả như cố Hòa Thượng Thích Phước Huệ, chư tăng cầm bút như Thầy Thích Phước Nhơn, Thích Nhật Tân, Thích Phước Ân và gần đây, Thầy Thích Phước Thái, Chùa Quang Minh. Nhưng độc giả trẻ người Úc gốc Việt vẫn không hấp thụ được những công trình trí tuệ ấy, vì ngôn ngữ của họ là chữ Anh và phương tiện tiếp cận thông tin mà họ thường sử dụng là Internet, iphones và trang mạng xã hội.

 

Tăng ni gốc Việt thuộc thế hệ thứ nhì đã được trau dồi kỹ năng mới để đối diện với các thử thách như cải cách cấu trúc và thay đổi thành phần tuổi tác, vì họ trưởng thành trong môi trường song ngữ, đa văn hóa và quen thuộc kỹ thuật thông tin đương đại.

 

Trong tương lai, Thông điệp Phật giáo về tính nhân ái vẫn không thay đổi, nhưng phương tiện truyền đạt cần được đổi mới và có tính sáng tạo khác hơn.

 

Những đóng góp vật thể và phi vật thể

 

Niềm hãnh diện không phải là cảm tính đạo hạnh trong cõi vô thường, nhưng cộng đồng Phật tử Việt Nam cảm thấy hoan hỉ đã góp phần vào xã hội văn hóa đa nguyên Úc Châu là đất nước đã cho họ cơ hội mới và sinh sống trong tự do tín ngưỡng.

 

Nói tổng quát, những đóng góp này có thể nhìn thấy theo nghĩa vật thể là sự hiện diện của tự viện Việt Nam tại những khu phố ngoại ô, hoặc nhìn từ góc cạnh xã hội qua sự an cư tâm linh của cộng đồng Phật tử như là một thành phần của tập thể tôn giáo đa nguyên. Đại diện dân cử thuộc ba cấp chính quyền liên bang, tiểu bang và hành chánh địa phương cũng như lãnh đạo xã hội dân sự thường thăm viếng tự viện vào dịp lễ hội văn hóa truyền thống hoặc tôn giáo để ghi nhận vai trò của tự viện trong đời sống cộng đồng.

                                                                                                                        

Tuy vậy, một cách chính thức, cơ quan công quyền cũng như đại diện của giáo hội chưa có nỗ lực gì để đánh giá những đóng góp này trên căn bản di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Úc Châu. Tiến trình di sản hóa có thể đã bắt đầu từng bước nhỏ bởi các định chế như bảo tàng viện di dân tiểu bang và Bảo Tàng Viện Quốc Gia Úc Châu như một phần tài liệu lịch sử, hoặc bởi Thư Viện Quốc Gia như một phần lịch sử truyền khẩu.

          

Dầu sao đi nữa, sự việc một vị lãnh đạo tên tuổi Phật Giáo Việt Úc viên tịch đã tạo cơ hội để nước Úc ghi nhận những đóng góp này dưới hình thức phát biểu của chính gíới và xã hội dân sự.


An Cu Chua Phap Hoa 2007 (48) Chùa Pháp Hoa, Nam Úc

Chua Phap Bao Sydney
Chùa Pháp Bảo, Sydney

cpq-congtamquan5
Chùa Phổ Quang, Tây Úc

chuaphapquang (15)
Chùa Pháp Quang, Queensland
 
 
Thien Vien Minh Quang Sydney (4)

                                                      Thiền Viện Minh Quang tại vùng Tây Nam Sydney       

Chua Hoa Nghiem Melbourne
Chùa Hoa Nghiêm, Melbourne

Chua Linh Son Melbourne (7)
Chùa Linh Sơn, Melbourne

ancuvanhanh_0168
Tu Viện Vạn Hạnh, Canberra

 

Có lẽ điều này chưa từng thấy trước đây trong sinh hoạt tôn giáo bên ngoài Thiên Chúa Giáo Úc, là những đóng góp của Hòa Thượng Thích Phước Huệ nói riêng và của Phật Giáo Việt Nam nói chung đã trở thành tụ điểm, khi Hòa Thượng viên tịch tại Sydney vào ngày 28.01.2012. Theo thông lệ, đồng đạo của Hòa Thượng thuộc nhiều tông phái Phật Giáo tại Úc và trên thế giới đã bày tỏ ngưỡng mộ đối với Hòa Thượng như một bậc Thầy, một bậc thức giả và một lãnh tụ cổ xúy hòa bình và hài hòa xã hội cả trong nước và ngoài nước [18]. Điều mà tôi nghĩ có ý nghĩa đặc biệt là thông điệp phân ưu của Giáo chủ Công Giáo Úc Châu, Đức Hồng Y George Pell, Tổng Giáo Phận Sydney và Quyết Nghị Chia Buồn tại Quốc Hội liên bang ngày 27.02.2012 do Dân Biểu Philip Ruddock đệ trình, Dân Biểu Craig Kelly tán trợ cùng 4 dân biểu khác từ phía chính phủ và đối lập. Dân biểu Philip Ruddock đã từng làm Bộ trưởng Di Trú và Văn Hóa Đa Nguyên Sự Vụ và Bộ trưởng Tư Pháp.

                                                                                       

Dự thảo Quyết Nghị được Dân biểu Philip Ruddock tuyên đọc như sau:

 

“Rằng Hạ Nghị Viện (1) bày tỏ lòng thương tiếc sâu xa đối với sự viên tịch của Hòa Thượng Thích Phước Huệ, OAM, vị lãnh đạo tinh thần của Tổ Đình Phước Huệ và lãnh tụ cộng đồng Phật Giáo Việt Nam tại Úc ; (2) ghi nhận vào văn bản sự thán phục của Hạ Nghị Viện đối với sự phục vụ xã hội quí báu và lâu dài của Hoà Thượng; và (3) chuyển đạt phân ưu sâu xa đến cộng đồng Phật tử Việt Nam trong sự đau buồn mất mát này”.

 

Kế đến Ông Philip Ruddock đọc vào Biên Bản chính thức của Quốc Hội bản văn Phân Ưu của Hồng Y George Pell như sau: “ Tổng Giáo Phận Công Giáo Sydney hiệp thông cùng Thượng Tọa Thích Phước Tấn, OAM, và chư tôn đức tăng ni cùng cư sĩ đang đau buồn trước sự viên tịch của vị lãnh đạo tinh thần gương mẫu này. Trong nhiều dịp sinh hoạt toàn giáo hội và sinh hoạt liên tôn, sự yểm trợ mạnh mẽ của cố Hoà Thượng Thích Phước Huệ, OAM,  và cộng đồng Phật Giáo đã được cảm nhận và tri ân sâu xa. Cố Hòa Thượng Thích Phước Huệ, OAM,  sẽ vẫn là nguồn phấn khởi không chỉ cho cộng đồng Phật tử Việt Úc mà còn cho tập thể người Úc khác, khi mọi người với lòng biết ơn, nhớ lại những đóng góp của Hoà Thường vào đời sống đất nước Úc Châu”.

                                                                                                                                                  

Trong phần kết luận,  Ông Ruddock - được coi là “Cha già của Hạ Nghị Viện” vì Ông làm dân biể̀u lâu năm nhất từ năm 1973, đã nói: “Hòa Thượng Thích Phước Huệ đã thành đạt rất nhiều trong nỗ lực xây dựng lại Phật Giáo Việt Nam như là phần của cấu trúc và yếu tố bồi dưỡng Nước Úc văn hóa đa nguyên”.

                        

Các diễn giả khác đồng ý.

 
HT. Thich Tac Phuoc

Dân biều Chris Hayes ghi nhận rằng [Hoà Thượng Thích Phước Huệ] “mong ước xây dựng lại Phật Giáo Việt Nam không những để phục vụ nhu cầu tôn giáo của người Úc gốc Việt, mà còn để đóng góp thật sự vào nền văn hóa đa nguyên tại Úc Châu”.

 

Theo Dân biểu Chris Hayes, “Chùa Phước Huệ không chỉ là một chốn thiêng liêng đặc biệt đối với tập thể Phật tử, mà còn là một cơ sở từ bi và cúng dường. Chùa Phước Huệ cũng là một cấu trúc đặc thù thành tố văn hóa đa nguyên tại Miền Tây Sydney”.

                                                                                                        

Sự đóng góp vật thể này cũng được một dân biểu khác nhấn mạnh.

 

Ông Craig Kelly, MP,  phát biểu: “ Với động lực và quyết tâm, Thầy đã xây dựng hoặc khuyến khích xây dựng, các tự viện tại Sydney, Melbourne và tại  các thủ phủ khác của Úc Châu – Tân Tây Lan”.

 

Trong tư cách dân biểu thuộc nguồn gốc Do Thái, Ông Micheal Danby không những đã ca ngợi cố Hòa Thượng Thích Phước Huệ mà còn nêu thí dụ tương đương với một lãnh tụ tôn giáo khác. Ông Danby nói:

 

“Hòa Thương Thích Phước Huệ có thể là vị lãnh đạo Phật Giáo có nhiều ảnh hưởng nhất mà nước Úc đã nhìn thấy. Người Úc gốc Việt đã đóng góp rất nhiều cho Nước Úc và Hoà Thượng Thích Phước Huệ đã giữ vai trò thiết yếu cho những đóng góp ấy. Hòa Thượng nhắc nhở tôi đến một lãnh tụ tuyệt vời Do Thái Giáo trong thời kỳ hậu chiến. Đó là Rabbi Chaim Gutnik, người đã khôi phục niềm tin cho tập thể người tị nạn Do Thái đã đến Úc Châu mang theo truyền thống và tín ngưỡng. Tôi nghĩ rằng Úc Châu là một nước tốt hơn nhờ vào Hòa Thượng và sinh hoạt của ngài – tôn giáo, văn hóa và liên tôn”.

 

Về phần mình, Dân biểu Russell Matheson hồi tưởng những diễn tiến cụ thể trong đời của cố Hòa Thượng: “ Như là vị Hội Chủ đầu tiên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Úc Đại Lợi –Tân Tây Lan, Hoà Thượng đã có một danh sách thành đạt dài và đáng phục, tại Úc cũng như trên thế giới. Vài thành quả ấy có thể kể đến việc  Chùa Phước Huệ được Hoàng Thái Tử Charles chọn làm địa điểm trung hòa để tổ chức thảo luận với lãnh đạo liên tôn từ Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo, Ấn Giáo đến Phật Giáo hồi năm 1994. Vào năm 1995, Hoà Thượng được Huân Chương Order of Australia để ghi nhận đóng góp cho cộng đồng Phật Giáo Việt Nam”.

 

                                                                                                

Để kết luận, Dân biểu Laurie Ferguson, nguyên Thứ Trưởng Văn Hóa Đa Nguyên trong chính phủ Lao Động Úc, đã phản ánh tâm tư tình cảm tại Quốc Hội liên bang với lời lẽ như sau: “ Tại đây trong Quốc Hội Úc Châu, chúng ta vinh danh cuộc đời của một lãnh tụ sinh đẻ năm 1921 tại một làng gần Sài Gòn, một người đã phải thoát ra nước ngoài tị nạn tại Hồng Kông năm 1979, rồi được bảo trợ đến Úc và trở thành vị tăng thường trú gốc Việt đầu tiên tại Úc. Chúng ta vinh danh đóng góp của Hòa thượng vào đất nước nầy, những gì mà ngài đã đạt được và sự kiện là tất cả các điều đó đã xảy ra tại Úc Châu”[19]

 

Lãnh vực đóng góp vật thể chưa được điều nghiên chuyên môn đối với các tự viện Phật Giáo Việt Nam. Ngoài đường nét Việt Nam của những tự viện được biết đến nhiều hơn  như Phước Huệ và Pháp Bảo tại Sydney, Hoa Nghiêm và Quang Minh tại Melbourne, Pháp Hoa tại Adelaide, Phổ Quang tại Perth, Pháp Quang tại Brisbane - vì chúng ta không thể kể hết - chúng ta có thể nhìn kỹ hơn với chi tiết đặc thù Tu Viện Quảng Đức tại Fawkner Victoria và Chùa Minh Quang tại Canley Vale, NSW. Tu viện Quảng Đức được chỉnh trang từ một trường học địa phương không có gì đáng chú ý về mặt kiến trúc trong khi Chùa Minh Quang được xây dựng hoàn toàn từ mặt đất trống với khoảng “80% vật liệu từ Việt Nam” và theo đồ án của một kiến trúc sư gốc Việt.

 

Những ai đã biết đến trường học trước năm 1990 và ngắm nhìn Tu Viện Quảng Đức từ năm 2010 sẽ thấy sự thay đổi cảnh quang rõ rệt và tốt đẹp hơn tại khu vực, nhờ vào nỗ lực không ngừng nghỉ của Thượng Tọa Thich Tâm Phương và vị trụ trì kế nhiệm Thượng Tọa Thich Nguyên Tạng: Tu Viện nổi bật về mặt kiến trúc. Thầy Thích Tâm Phương đã gói ghém nỗ lực ấy trong Kỷ Yếu Tu Viện Quảng Đức: “Hai mươi năm, một chặng đường dài đối với một đời người, nhất là đối với người đệ tử Phật, gấp rút lo tu để giải thoát sinh tử luân hồi, không luống bỏ một thời gian nào trong tiến trình tìm về cội nguồn tâm linh. Hai mươi năm qua, thế hệ thứ nhất của chúng ta đã phải chịu thiệt thòi hy sinh, gian khổ để xây dựng hạ tầng cơ sở tạo dựng một nền móng vững chắc cho thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt trên xứ nầy”[20].

 

Được xây dựng sau vào năm 2003 theo đồ án của kiến trúc sư Phạm Văn Đức, tốt nghiệp ngành Kiến Trúc tại Viện Đại Học Sài Gòn, Chùa Minh Quang trong vùng Tây Nam Sydney đã kỷ niệm 10 năm thành lập vào năm 2013, một cơ sở hạ tầng mới nhất trong số các tự viện Việt Nam tại Úc. Vào dịp ấy, Hòa Thượng Thích Minh Hiếu, Khai sơn Trụ trì, đã giải thích hai lý do của việc tạo dựng ngôi Chùa này: Một là để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng và văn hóa của Phật tử Việt Nam - và Hai là Phật Giáo Việt Nam đóng góp văn hóa cho Nước Úc dưới hình thức một ngôi tự viện theo kiến trúc Việt Nam. Hòa Thượng bày tỏ hi vọng mãnh liệt là ngôi tự viện này sẽ thách đố với thời gian, không phải 30 năm mà là 300 năm”[21].

 

Tạm Kết

 

Phật Giáo Việt Nam chia sẻ những thách đố mà các tôn giáo ngoài Thiên Chúa Giáo, đã trải qua tại Úc Châu trong nỗ lực tại vị định hình trong một quốc gia định cư mà tín ngưỡng chủ yếu là Thiên Chúa Giáo. Nhờ vào sự yểm trợ mạnh mẽ của cộng đồng tị nạn người Việt, tuy hãy còn trong giai đoạn đầu định cư, Tổng Hội / Giáo Hội  đã có thể phát triển kịp thời trên toàn Úc Châu để đáp ứng nhu cầu tâm linh của Phật tử mà đa số là người tị nạn Việt Nam thế hệ thứ nhất. Trong những thử thách khác, sự phân hóa tổ chức năm 1999 đã không ngăn trở khả năng phục vụ Phật tử người Việt – và trong giới hạn nào đó – Phật tử bên ngoài cộng đồng Việt Nam. Thế nhưng, vì thành phần tuổi tác người Việt thay đổi, Giáo Hội cũng phải tiến bước để thu hút Phật tử trẻ và giới trẻ có thể trở thành Phật tử. Về mặt con số, Giáo Hội có đủ phương tiện với trên 50 tự viện lớn nhỏ kể cả ‘cải gia vi tự’ khắp nước. Tuy nhiên, thế hệ lãnh đạo thứ nhì của Giáo Hội hãy còn ít về mặt nhân số và kém quân bình về mặt phái tính – vẫn còn dò dẫm bước đi để kết nối với giới trẻ người Úc gốc Việt là thành phần nói tiếng Anh, lớn lên trong môi trường đa văn hóa và có khuynh hướng truy cập thông tin với kỹ thuật mới.

 

 (c) [2015] Lưu Tường Quang, Sydney Australia

 


Ghi Chú                                                                                                                           

 

[1] A shorter version was published in Part II Chapter 5 “Changes and Challenges to Vietnamese Buddhism in Australia of [2011] Cristina Rocha and Michelle Parker, Eds, Buddhism in Australia – traditions in change, Routledge, London, UK                                                                                                                                 

 

This article has been updated to cover events up to early 2015 including the author’s presentations delivered at a Seminar on Buddhism, organised by Dr. Anna Halafoff of Deakin University, at Quang Minh Temple, Melbourne on 27 October 2012, and a round-table talk at the Buddhist Council of NSW, Sydney, on 11 June 2013                                                                                                                                            

 

[2] All quoted views are taken from the author’s interviews with Buddhist leaders of various lineages and traditions, lay Buddhists and others via face-to-face meetings, and some times by emails.

 

[3] [2014] Commonwealth of Australia – Department of Immigration and Border Protection, The People of Australia – Statistics from 2011 Census

 

[4] Census 1976

 

[5] [1991] Lưu, Tường Quang, Chúc-Thanh, and Ngọc Hân (eds) The United Vietnamese Buddhist Congregation of Australia and New Zealand 1981-1991, Phuoc Hue Monastery, Sydney

 

[6] This article drew the attention of politicians, particularly in the State of NSW, to the unmet needs of Vietnamese Buddhists.

 

[7] Skennar, John, Sydney, A City Growing Within: The Establishment of Buddhist Centres in Western Sydney, in Casula Powerhouse Arts Centre’s “Buddha in Suburbia, Greater Western Sydney”, 2005.

 

[8] See Note [5]

 

[9] [2008] Pháp Bảo Pagoda, Gia Đình Phật Tử Pháp Bảo – 25 Năm Kỷ Niệm (25th Anniversary of Gia Dinh Phat Tu Phap Bao), Sydney.                                          

 

[10] See Note [5]

 

[11] [2011] Lưu, Tường Quang, Vài Vấn đề Pháp lý trong sinh hoạt tự viện Phật Giáo Việt Nam tại Úc Châu-Tân Tây Lan / Some Legal Issues relating to Vietnamese Buddhist Temples in Australia-New Zealand (Presentation to the 4th National Vietnamese Buddhist Conference, at Phap Hoa Temple, Adelaide, 17-19 March 2011)                                         

www.tuvienquangduc.com.au/tacgia/luutuongquang.html   

                                                                                                                                             

 

[12] Sarah Price & Susanna Kass, Generation Y turning away from religion, The Age, Melbourne, August 6, 2006.

 

[13] [2002] Ang, Ien Professor & Others, Living Diversity – Australia’s Multicultural Future, University of Western Sydney, Sydney (a research project commissioned by SBS Corporation)                                         

 

[14] Interview on 17 October 2012 at Barom Kagyu Chodrak Drupju Chuling Buddhist Sydney Centre.

 

[15] www.nantien.edu.au/ Nan Tien Institute (NTI) is the place for quality education                                 and cultural exchange…                                                                                                                                  

[16] Ngọc Hân, Interview with Senior Venerable Thich Nguyen Tang on the occasion of the 20th Anniversary of Quang Duc Monastery - VOA Vietnamese Service on 6th November 2010 and Dân Việt Weekly, Sydney, 5th November 2010     quangduc.com/author/about/86/ngoc-han?r...

[17] Lưu Tường Quang, Some Thoughts on Buddhism and Communications in
Multicultural Australia,
Australian Buddhist General Conference: ‘Engaging                                       Buddhism in Australia at Victoria University, Melbourne, from 20th to 22nd                           February 2004.                                                                                                                            www.tuvienquangduc.com.au/tacgia/luutuongquang.html                                                    

[18]  Lưu Tường Quang, Thich Phuoc Hue (1912-2012): Leader advocated                                   social harmony, Sydney Morning Herald, February 18, 2012  http://www.smh.com.au/national/obituaries/leader-advocated-social-harmony-20120217-1teeh.html                                                                                                                                                     

[19] Commonwealth of Australia, House of Representatives, Hansard, Monday, 27 February 2012, pages 79- 85

[20] [2014] Kỷ yếu Hai Mươi Năm (1990-2010) Thành Lập Tu Viện Quảng Đức                                – The 20th Anniversary of Quang Duc Monastery                                                                                 

[21] Ngọc Hân, The 10th Anniversary of  Minh Quang Temple, Interview with Most Venerable Thich Minh Hieu, VOA Vietnamese Service on 7th August 2013 at 10 PM ;              Nhân Quyền Weekly, Melbourne, 7th August 2013, Văn Nghệ Weekly, Sydney,                         8th August 2013.                                                                                                        quangduc.com/author/about/86/ngoc-han?r...


Some selected references:                                                                                                                

[1989] Paul Croucher, Buddhism in Australia 1848-1988, New South Wales University Press, Sydney Australia                                                                                                                                           

[2011] Dr. Cristina Rocha and Dr. Michelle Barker (ed.), Buddhism in Australia – Traditions in Change, Routledge, London UK                                                                                                                                        

[1973] Nguyễn Lang (reportedly a pen name of Most Venerable Thich Nhat Hanh), Việt NamPhật Giáo Sử Luận (Critical Essays on the History of Vietnamese Buddhism), first published by Lá Bối, Saigon, Vietnam.

                                                       * * * * * *

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/06/2017(Xem: 17867)
Đúng ra, sách đã được phát hành một năm trước, nhưng do yêu cầu của một số chùa cần đưa vào sách - từ 72 ngôi chùa (như tập 1) tăng lên 100 ngôi chùa ở tập 2; và do tài chánh của nhà xuất bản hạn hẹp, cần đầu tư cho việc in ấn các loại lịch trước, nên quý chùa đã trông chờ sách khá lâu. Thành thật kính xin lỗi chư Tôn Đức, quý Bác, và mong quý Ngài hoan hỷ lượng thứ!
28/05/2017(Xem: 7437)
Mặc dù nhóm chúng tôi chín người từ St. Gallen Thụy Sĩ đến Strasbourg Pháp quốc khởi hành từ 6 giờ sáng nhưng đến nơi sau hơn 3 tiếng rưỡi đồng hồ vẫn bị huốt mất để tôi không kịp thưởng thức màn múa lân vừa mới kết thúc chỉ còn nghe dư âm giới thiệu « múa theo kiểu Âu Châu ». Tôi thắc mắc không rõ múa theo kiểu Âu Châu là kiểu nào, bất chợt nhìn thấy bốn cô gái Pháp và hai cậu Tây trong quần áo múa lân, tôi mới vỡ lẽ và tiếc hùi hụi đã bỏ qua một màn rất độc đáo với con lân…cái và hai « Bà Địa » mà có lẽ từ thời cha sinh mẹ đẻ tới giờ tôi mới nghe thấy. Vì múa lân rất cần thể lực, xưa nay chỉ dành cho lân…đực thôi.
21/05/2017(Xem: 9866)
Lễ Khánh Thành và lễ Phật Đản chùa Phổ Hiền tại Strasbourg Pháp Quốc ngày 20 và 21.5.2017"
20/05/2017(Xem: 8717)
Lễ Phật Đản 2641 (2017) tại Chùa Minh Giác, Sydney
10/05/2017(Xem: 13798)
Lễ Phật Đản 2641 (2017) tại Ni Viện Như Ý
08/05/2017(Xem: 13273)
Năm nay thời tiết Mát-xcơ-va thật thất thường. Đến cuối tháng tư đầu tháng năm rồi mà có lúc tuyết vẫn còn bay bay. Thế nhưng, đúng ngày Hội Phật Giáo Thảo Đường tổ chức đại lễ Phật Đản thì trời hết âm u, trở nên quang đãng, ấm áp và bừng sáng. Nắng rực rỡ chói chang như reo vui báo mừng cho cả các loài chúng sinh một ngày Đại Lễ trọng đại đã đến. Ngày đó cách đây 2641 năm, một vị Đại Thánh Nhân ra đời, một Đấng Toàn Giác đản sanh, đó là Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện để cứu độ chúng sanh, để dẫn dắt tất cả muôn loài vượt qua bể khổ, để khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật. Và hình như trong tôi, trong mỗi người Phật tử tại Moscow chúng ta đều dấy lên niềm hân hoan vô bờ bến. Tựa hồ như muôn ngàn điệu nhạc trời đang hòa tấu trong tâm, giống như bài thơ của một thi sỹ vô danh:
07/05/2017(Xem: 13811)
Vào sáng ngày chủ nhật 07 tháng 5 năm 2017 (ngày 12 tháng 4 năm Đinh Dậu), Niệm Phật đường Fremont, thành phố Fremont, tiểu bang California đã long trọng cử hành Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2561. Tham dự buổi lễ có Hòa thượng Thích Thái Siêu, Hòa thượng Thích Kim Đài cùng chư Tôn đức Tăng, Ni, thiện nam, tín nữ, Phật tử ở nhiều thành phố miền Bắc tiểu bang California, một số tiểu bang ở Hoa Kỳ và một số tỉnh, thành ở Việt Nam.
07/05/2017(Xem: 17806)
Lễ Phật Dản 2641 (2017) tại Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc
07/05/2017(Xem: 13781)
Lễ Phật Đản 2641 (2017) tại Chùa Khánh Anh, Bagneux, Pháp Quốc
07/05/2017(Xem: 12609)
Chùa Đức Viên, ngôi chùa nổi tiếng ở thành phố San Jose, tiểu bang California đã long trọng tổ chức Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2561 vào sáng chủ nhật 07 tháng 5 năm 2017 (ngày 12 tháng 4 năm Đinh Dậu). Đông đảo chư Tôn đức Ni và thiện nam, tín nữ, Phật tử ở thành phố San Jose và các thành phố lân cận đã về chùa dự lễ, tụng kinh, nghe pháp, xem văn nghệ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]