Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chùa Vạn Hạnh tại Nantes, Pháp Quốc

29/10/201410:33(Xem: 12292)
Chùa Vạn Hạnh tại Nantes, Pháp Quốc

Van Hanh Pagoda-3

Chùa Vạn Hạnh tại Nantes, Pháp Quốc

                                                                                Thích Như Điển

Nếu có ai đó đi về miền Tây của nước Pháp thì sẽ gặp một ngôi chùa Việt, mang tên của Vạn Hạnh Thiền Sư, là một vị Quốc Sư của  triều nhà Lý (1010-1225), đang tọa lạc tại số 3, rue du Souvenir Francais, 44800 Saint Herblain, thì đó chính là trụ sở sinh hoạt tâm linh của người Việt cũng như người Pháp, do Thượng Tọa Thích Nguyên Lộc Trù Trì và  làm lãnh đạo tinh thần. 

Chua_Van_Hanh_10_2014 (9)

Ngôi chùa không lớn lắm, nhưng nhìn từ bên ngoài vào trong, người tham quan mới cảm nhận ra được sức sống nội tâm đang vươn lên một cách mãnh liệt qua sự sắp xếp tài tình khéo léo của Thượng Tọa Trụ Trì. Trên từ Chánh Điện, dưới cho đến Hội Trường, rồi nhà nghỉ hay nơi thờ Tổ và thờ Hương linh... đâu đâu cũng có cái hồn đi kèm. Người đến đây bất kể là Việt hay Pháp cũng đều cảm nhận được điều ấy. Ngoài vườn chùa có đủ loại Bonsai của Việt Nam, Trung Hoa và Nhật Bản. Với bàn tay khéo léo của Thượng Tọa Trụ Trì, ai ai cũng phải trầm trồ tán thưởng. Có lẽ nhờ có bàn tay tuyệt vời như vậy, cho nên các Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu hầu như dầu cho ở xa cách mấy, Giáo Hội cũng phải triệu hồi Thầy đến để lo cho vấn đề trần thiết. Nhất là lúc sinh thời, khi còn Hòa Thượng Chủ Tịch Thích Minh Tâm, Ngài  vẫn luôn quan tâm và đốc thúc Thượng Tọa Nguyên Lộc lo cho vấn đề nầy.

 

Được biết trước đây 27 năm (1987) một Hội Phật Giáo Văn Hóa miền Tây nước Pháp được thành lập. Hội viên là những người tỵ nạn Việt Nam, trong đó có rất nhiều người Việt đã sinh sống tại Lào và đã quy y với cố Hòa Thượng Thích Nhật Liên, vốn là Bổn Sư của Thượng Tọa Trụ Trì. Hội được sự dìu dắt của cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm từ thuở đó và sau nầy Hội mua một cơ sở, vốn là một nông trại bỏ hoang đã lâu đời để biến thành ngôi Phạm Vũ khang trang như hiện tại. Vào năm 1996 Hòa Thượng Chủ Tịch đã cử Thượng Tọa Thích Nguyên Lộc về đây để chăm lo Phật sự. Đến năm 2002 đồ án xây dựng chùa đã được chính quyền địa phương chấp nhận và năm 2004 công trình kiến thiết bắt đầu để đến tháng 6 năm 2008 thì hoàn thành và một Đại Lễ Khánh Thành đã được cử hành trang nghiêm trọng thể trong mùa Hè năm ấy.

 Van Hanh Pagoda-4

Tôi đến đây lần đầu vào năm 2004 và lần thứ hai vào dịp Đại Lễ Khánh Thành năm 2008. Lần nầy là lần thứ ba, tôi đến thành phố thơ mộng nầy vào giữa mùa Thu, lá vàng đang rơi lả tả đó đây, như báo hiệu cho thế nhân biết rằng: Việc thành, trụ, hoại, không vốn là một định luật vô thường, mà thế nhân ai trong đời cũng phải trải qua nhiều mùa Thu như thế. Hôm đó là ngày 24 tháng 10 năm 2014 và tôi đã ở lại đây cho đến ngày 27 tháng 10 mới trở về lại Đức. Tôi trở lại chùa Vạn Hạnh ở Nantes sau 6 năm dài với nhiều thay đổi. Bây giờ mái chùa đã phủ một màu rêu, cây cối đã lên cao, sen đã nở vào Hạ, cá trong hồ vẫn nhởn nhơ bơi lội như chẳng hề quan tâm đến khách vãng lai. Nhìn những hình ảnh lễ Khánh Thành chùa treo trên tường từ năm 2008, nay vẫn còn đây; nhưng thế nhân thì mỗi người mỗi ngả, kẻ mất người còn, có người đã ra đi, lắm người còn ở lại; nhưng mỗi người đều có một thế đứng riêng để lo cho Phật sự của mình. Quả thật, nếu đường đời có muôn vạn ngã thì nẻo đạo cũng lắm khúc quanh co. Cuối cùng rồi: "Trăm sông cũng chảy về biển cả", nhưng lúc chảy, lúc trôi, lúc bào mòn, lúc chuyển mình v.v... khiến cho đất Mẹ phải bao phen bị xói mòn, hụt hẫng... Thế nhưng Phật Pháp rất nhiệm mầu. Bởi vì: "Sau cơn bỉ cực đến hồi thái lai". Đó vốn là những việc bình thường lâu nay của tạo hóa vậy.

 

Vườn chùa phải nói là một hoa viên có trồng nhiều cây Bonsai cả hằng mấy trăm năm, chỉ những người có con mắt nghệ thuật cao, mới có thể chăm bón cho vườn hoa cây kiểng như vậy. Khi nhặt từng chiếc lá rơi bên bờ hồ, chắc Thầy Nguyên Lộc có khi cũng liên tưởng đến việc tịnh hóa tâm linh của mình, nên giữa cảnh và người, giữa không gian và sự vật mới được như vậy. Ngoài ra những hòn non bộ, có đủ cả các Tôn Tượng Bồ Tát và chư Thiên đang tĩnh tọa trên những giả sơn nầy. Lúc mới trông vào, xem giống như người thật. Những bình phong, câu đối, những bụi trúc, bờ lau... đâu đó đã tạo nên được một cảnh quang thật là Thiền vị. Nếu Quý Phật Tử nào chưa một lần đến đó, sẽ chẳng thể hình dung ra được cảnh sơn thủy hữu tình của chùa Vạn Hạnh tại Nantes, Pháp Quốc là như thế nào.


Chua_Van_Hanh_10_2014 (16)

Được biết Thượng Tọa Trụ Trì cũng còn  đang tiếp tục cho xây dựng những công trình phụ như Tăng xá, nhà bếp v.v...dĩ nhiên là còn cần rất nhiều kinh phí để hoàn thành. Vậy quý Đạo Hữu hay Phật Tử nào có duyên đọc được bài nầy, thì xin mỗi người một bàn tay, cố gắng giúp Thầy và giúp chùa để cho những Phật sự nầy được thành tựu viên mãn. Công đức nầy chẳng phải là nhỏ cho vấn đề tu tạo phước đức của người Phật Tử tại gia. Mọi việc ủng hộ tịnh tài và tịnh vật xin gửi về địa chỉ bên trên.


TT Nguyen Loc

Thượng Tọa Nguyên Lộc trao cho tôi một tờ chương trình của ba ngày từ thứ Sáu (24.10) đến ngày Chủ nhật (26.10) gồm có phần Thọ Bát Quan Trai, giảng pháp cũng như tụng kinh và huân tu Tịnh Độ. Những nghi lễ kia, Thượng Tọa và Sư Cô Tuệ Đàm Hương đảm trách, còn tôi có tất cả 6 thời giảng trong ba ngày, mỗi lần giảng như thế là một tiếng rưỡi đồng hồ. Đề tài tôi không soạn trước như những nơi khác. Vì tôi muốn biết trình độ của thính chúng, sau đó mới nương theo đó để giảng. Đây là những nhịp điệu muôn thuở của các vị Giảng sư. Dầu cho có lão luyện bao nhiêu đi chăng nữa, cũng không thể nào áp đặt những đề tài cho thính chúng theo sự hiểu biết của mình, mà đa phần các vị Giảng sư hay giảng những gì thính chúng muốn nghe, chứ không phải giảng những điều gì mà vị Giảng sư muốn giảng. Điều nầy nó cũng tương tự như sự giáo dục ngày nay trên thế giới vậy. Nghĩa là người Thầy sẽ dạy cái gì cho người học trò muốn học, chứ không phải dạy những gì mà người Thầy muốn dạy. Thật ra làm Giáo sư Đại học, Giảng viên, Giáo sư, Giáo viên v.v... rất khó mà dễ, vì người Thầy đã biết rành trình độ của sinh viên, học sinh nên người Thầy biết rõ là mình sẽ phải dạy những gì trong tiết mục sắp giảng cho sinh viên, học sinh. Nhưng thú thật giảng pháp rất là khó, vì người ngồi nghe pháp ở bên dưới Hội trường trình độ khác nhau rất nhiều. Có nhiều người có học vị cao như Giáo sư, Tiến sĩ, Cao học, Cử nhân.... đồng thời cũng có lắm người dân dã, chỉ có một niềm tin duy nhất mà họ đến với Đạo. Có người ngoại quốc cũng tham gia cùng, đôi khi lại có nhiều người khác Đạo đến nghe pháp nữa. Quả thật những trường hợp như thế nầy, vị Pháp Sư phải thiên biến vạn hóa các đề tài mới có thể thích nghi cho ngần ấy thính chúng ở trong một ngôi chùa khi nghe pháp. Chẳng bằng với các lớp học khác, Thầy giáo chỉ giảng có một  trình độ cho sinh viên, học sinh theo đề tài đã có sẵn của Bộ Giáo Dục đã duyệt xét. Dĩ nhiên mỗi một phạm trù như thế, nó đều có những khó khăn riêng của nó, nhưng ở đây tôi chỉ muốn đưa ra một vài thí dụ đơn thuần trong việc giảng pháp với việc đi dạy học, không phải để so sánh hơn thua, mà để thấy được cái cần phải quyền biến của một vị Giảng sư trước một cử tọa đa dạng như vậy.

Ở chùa Vạn Hạnh tại Nantes cũng không ra khỏi quy lệ ấy. Phật Tử ở đây đa phần là người lớn tuổi và đã sinh hoạt nhiều năm tại chùa, nhưng ít người đã nghe tôi giảng, nên tôi chọn đề tài tùy tiện theo từng buổi. Buổi giảng đầu tôi xoáy vào Kinh Tạp A Hàm với 37 Phẩm Trợ Đạo cùng những thí dụ cụ thể như thuở Đức Phật xa xưa, khi Ngài còn tại thế. Buổi giảng thứ hai tôi giới thiệu về Phật Giáo Nhật Bản cũng như sự thành công của người Nhật khi mang Phật Giáo Ấn Độ và Trung Hoa vào đất nước của mình và họ đã xay nhuyễn lại, để cuối cùng chỉ còn là Phật Giáo của Nhật Bản, chứ người ngoài ít ai biết đến đó cũng là những sản phẩm kỳ cựu của Trung Hoa. Thế nhưng khi người ta nghe về Zen, về Bushidoo về Chadoo, Kendoo, Shodoo v.v... là của người Nhật, chứ không còn là từ nguồn văn hóa ngoại lai nữa. Buổi thứ ba và thứ tư tôi nói về Trung Ấm Thân cũng như việc đi đầu thai. Lần nầy có tạo cơ hội cho thính chúng hỏi để đáp. Sang ngày Chủ nhật 26 tháng 10 năm 2014 tôi nói về Lịch sử truyền thừa Phật Giáo từ Ấn Độ đến Trung Hoa, Việt Nam và Nhật Bản. Buổi chiều hôm Chủ nhật chỉ đặc biệt nói về Phật Giáo Việt Nam, chỉ mới đến Triều Lý và Triều Trần trong 400 năm lịch sử ấy (1010-1400). Nhìn chung thì thấy rằng mọi người đều hoan hỷ khi tiếp nhận giáo pháp Phật Đà và chắc chắn rằng  sau lần nghe pháp nầy nhiều người sẽ có thay đổi, nhất là việc ăn chay thêm ngày và niệm Phật v.v...

Ngoài những sinh hoạt chính bên trên cũng còn có thêm nhiều sinh hoạt phụ như sau:

 Vào buổi sáng Chủ nhật, tôi và Thầy Nguyên Lộc đi dạo bên ngoài công viên, bỗng đâu có một con chó đen, thật to tướng chạy xông đến chúng tôi, mặc dầu chủ của nó đứng đó không xa mấy. Lẽ ra người chủ phải buộc dây cổ của con chó lại, khi có người lạ, dầu cho ở trong công viên, vì đó là luật, nhưng có lẽ người chủ sơ ý, hay vẫn nghĩ rằng con chó của mình đã được huấn luyện thuần thục rồi, nên không lo. Điều nầy hẳn đã lầm. Vì chó là một loài thú rất trung thành chỉ với chủ, nhưng người ngoài thì chưa phải vậy. Thầy Nguyên Lộc dừng lại và đứng theo thế tấn, chìa hai tay ra để cho nó cũng phải dừng lại việc tấn công. Kế tiếp thì chủ nó hay kịp kêu lớn lên thì nó ngoan ngoãn cụp đuôi chạy lại chủ. Chúng ta cũng chứng kiến nhiều trường hợp con cọp, con beo... đã được chủ nó thuần phục từ nhỏ, nhưng nhiều lúc vẫn cắn xé chủ mình, không cứu kịp. Điểm chính ở đây tôi muốn nói là: Con vật nó vẫn là con vật. Dầu cho mình có thuần hóa được bao nhiêu đi chăng nữa thì nó vẫn là con vật, không nên dể ngươi với nó. Cho nên trong Bồ Tát Giới Kinh khuyên ta nên cầu nguyện cho những con thú nầy kiếp sau trở lại làm người chứ không nên làm súc vật nữa.

Buổi chiều Chủ nhật ngày 26 tháng 10, tôi và Thầy Nguyên Lộc đi dạo quanh bờ hồ một lần nữa. Lần nầy thì trời quang mây tạnh, nên độ nhìn phóng ra được xa hơn so với lúc ban mai khi còn dày đặc sương mù. Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện, đa phần là những việc hồi tưởng về Sư Ông Minh Tâm và bàn qua một vài công việc của Giáo Hội. Thành Phố Saint Herblain chắc phải bỏ công quỹ ra nhiều khoản tiền thật lớn, mới tạo nên được những cảnh quang tuyệt mỹ như thế nầy. Người dân ở đây họ đóng thuế cho nhà nước và nhà nước Pháp đã lấy thuế ấy thực hiện những công việc phúc lợi, để giúp cho dân họ có một đời sống thư giản hơn sau những ngày làm việc mệt nhọc trong tuần. Cho nên công viên, hồ bơi, phòng sinh hoạt công cộng cho người lớn lẫn trẻ con nơi đâu cũng thấy. Chúng tôi lên đồi rồi xuống dốc, đi và nói chuyện cũng như hồi tưởng lại những chặng đường thăng trầm của Giáo Hội đã đi qua và sẽ sắp bước sang giai đoạn khác nữa. Nói để nghe và nghe việc nói để thử tìm một phương pháp nào đó khả dĩ để thực thi trong thời gian tới.

Tối hôm đó tại Hội Trường chùa Vạn Hạnh có một đêm giao lưu văn nghệ. Vì các vị Phật Tử bảo rằng: "Mấy bữa nay Qúy Thầy đã hướng dẫn Phật Pháp cho chúng con và bây giờ chúng con hát để cho Qúy Thầy, Cô cùng thưởng thức". Nhiều vị lớn tuổi nhưng tiếng hát vẫn còn đậm đà, hơi vẫn còn ấm, giọng vẫn còn cao. Không phải chỉ một, mà tại chùa Vạn Hạnh nầy có cả chục người như vậy. Ngâm thơ, ca nhạc và kể chuyện vui... ở Vạn Hạnh nầy không thiếu, mà còn có thể nói rằng nhiều hơn các nơi tôi vẫn thường qua lại nữa. Đúng là tài năng không phân biệt tuổi tác.

Ngày thứ Hai 27 tháng 10 Thầy Nguyên Lộc và  Đạo Hữu Viên Minh đã đưa tôi đi thăm lâu đài DUCS của BRETAGNE. Nay là một viện bảo tàng của thành phố Nantes rất nổi tiếng. Lâu đài nầy đã được xây dựng từ thế kỷ thứ 15 và công trình nầy sau đó được người con gái của Ông Francis II DUKE của Brittany tiếp tục hoàn thành. Bà Anne, Duchess của Brittany và cũng đã hai lần là Hoàng Hậu của nước Pháp. Lâu đài nầy vào thế kỷ thứ 16 cũng đã có lúc biến thành nhà tù khi Hoàng Gia đang ở đây. Bây giờ người ta cho công chúng vào xem tự do để thấy và nhìn được những dấu ấn ngày xưa đã một thời vang bóng. Vua chúa ở Đông hay Tây cũng đều giống nhau. Điều quan trọng của họ là: Củng cố quyền lực. Họ mong muốn triều đại của họ trị vì phải kéo dài cho đến hằng vạn năm, nhưng  trong lịch sử Đông Tây xưa nay chưa có triều đại nào được như vậy.


Van Hanh Pagoda

Kế đó chúng tôi đi xem vườn Nhật Bản trong lòng phố thị của Nantes. Phải nói cho ngay rằng: Nhật Bản ngày nay tại Nantes là Nhật Bản của Nantes, chứ không phải Nhật Bản của Nhật. Từ cách cấu tạo cây cảnh cho đến nhà cửa, hồ nước, mái cổng tam quan  v.v... rất xinh và rất hài hòa với trời nước của miền Tây nước Pháp. Đây là sự thành công tuyệt vời của người Nhật đã giới thiệu văn hóa cũng như kiến trúc và hoa viên của mình  vào các đất nước Âu Mỹ  ngày nay.

Tiếp theo chúng tôi đi thăm một công viên của Pháp. Tại đây phải nói là trên cả tuyệt vời. Với những bàn tay khéo léo của những người tạo nên cây cảnh và vườn tược, họ đã chăm sóc những cây cảnh thiên nhiên từ Á châu mang sang như cây tùng, cây bách, cây trắc bá diệp, cây phong, cây Ginko v.v... đã toát lên một cảnh trí thiên nhiên hội ngộ Á-Âu thật là tuyệt mỹ. Dĩ nhiên cũng còn có nhiều cây cỏ từ Mỹ Châu và Phi Châu mang đến nữa và đã được trồng vào đây, nhưng so với những loài thực vật được mang đến từ Á Châu thì khiêm nhường hơn. Đặc biệt trong vườn hoa nầy hay nói đúng hơn cả xứ Nantes nầy đâu đâu cũng thấy loài hoa Hải Đường, hoa Thung, hoa Mộc Liên ....rất nhiều. Nếu là mùa hoa nở, chắc rằng chim chóc cũng vui lây. Vì hoa sẽ mang theo những hương sắc cho cuộc đời và tạo nên những gấm hoa cho nhân thế.

Sau khi dùng trưa Thượng Tọa Nguyên Lộc và Đạo Hữu Viên Minh đưa tôi lên phi trường để về lại Munchen, Đức Quốc, sau 4 ngày đã lạc bước ở chốn trời Tây. 17 giờ bay, nhưng đến 18 giờ máy bay phải đổi sang máy bay khác mới bay về lại Đức được. Tôi lấy xe S Bahn đi về nhà gare Munchen thì mọi tuyến xe khác đều không còn chờ đợi được người bị trễ máy bay nữa và đành phải lên trên phòng chờ để ngồi chung với những người lỡ đường khác, vì qua nửa đêm mới có chuyến tàu khuya về lại Ravensburg. Dưới hành lang của bến tàu Munchen tình cờ gặp mấy người Phật Tử quen, họ mời tôi về khách sạn gần đó, nhưng tôi cảm ơn và chối từ. Vì lẽ chỉ chờ có mấy tiếng đồng hồ, chắc rằng sẽ vượt qua được thôi. Tại nhà chờ nầy chỉ trong mấy tiếng đồng hồ thôi mà tôi đã tiếp cận được không biết bao nhiêu là loại người và nhiều giai tầng trong xã hội: Người Đức cũng như người ngoại quốc, người vô gia cư cũng như những người say túy lúy. Tự dưng có một đoàn người cả ba, bốn chục vừa người lớn vừa trẻ con ào vào phòng chờ giữa đêm khuya nói cưi rôm rả, dường như họ chẳng để ý đến những người chung quanh mình đang hiện diện. Có lẽ đây là văn hóa của những người đang đến từ phía Đông. Sao mà Đông Tây khác nhau nhiều quá vậy! Tôi ngồi đó và thẫn thờ nhìn rõ ra rằng: Mình là một người tu có đầy đủ phúc báu vô ngần. Do vậy "Con xin niệm ân Tam Bảo rất nhiều. Vì nếu không có Tam Bảo thì con không có được ngày hôm nay" và mình vẫn là người có hạnh phúc hơn nhiều người khác rất nhiều.

Chuyến tàu nửa đêm đã đưa tôi về lại Ravensburg. Lúc đến chùa trời đã sáng, tôi vội viết bài nầy để cảm ơn Thầy Nguyên Lộc và các Phật Tử tại Nantes đã tạo cho tôi có một cơ hội quý báu đến chùa Vạn Hạnh để trải ra cả tấm lòng của mình để cho mọi người cùng học và cùng tu. Xin cảm ơn những bữa cơm chay thật là ngon miệng đầy tình nghĩa Thầy trò. Cũng xin nhớ ơn những tiếng hát và những vần thơ đã đi thẳng vào lòng người và cuối cùng xin cảm ơn những người đi ăn xin đã trọ qua đêm chờ xe lửa trong nhà chờ, họ đã cho tôi rõ biết hơn về một kiếp nhân sinh là như thế đó.

 

Viết xong vào 11 giờ 30 phút trưa ngày 28 tháng 10 năm 2014 tại Tu Viện Viên Đức Ravensburg Đức Quốc.


Chua_Van_Hanh_10_2014 (1)Chua_Van_Hanh_10_2014 (2)Chua_Van_Hanh_10_2014 (3)Chua_Van_Hanh_10_2014 (4)Chua_Van_Hanh_10_2014 (5)Chua_Van_Hanh_10_2014 (6)Chua_Van_Hanh_10_2014 (10)Chua_Van_Hanh_10_2014 (11)Chua_Van_Hanh_10_2014 (12)Chua_Van_Hanh_10_2014 (13)Chua_Van_Hanh_10_2014 (14)Chua_Van_Hanh_10_2014 (15)





Van Hanh Pagoda-3
Xem thêm hình ảnh Chùa Vạn Hạnh ở đây:
http://chuavanhanh.free.fr/index.php?menu=4&ref=3141&lang=

Ý kiến bạn đọc
25/11/201512:43
Khách
Con ở VN con muốn hùn phước xây dựng, kính thầy có mở tài khỏan ở VN cho con xin
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/09/2010(Xem: 8187)
Đầu thập niên 1980 sau cái mốc thời gian 1975 Quốc biến Dân vong, theo làn sóng muôn phương tìm đất sống thì đại lục Úc Đại Lợi này bắt đầu có đông người Việt tỵ nạn với một ít công chức và du học sinh còn kẹt lại của thời Cộng Hòa. Được Thầy Bảo Lạc giới thiệu, Hội Phật Giáo VN Queensland thỉnh Thầy Nhật Tân - đang ở trại tỵ nạn Thái Lan - đến Brisbane 24-4-1982 để trụ trì, hướng dẫn tinh thần và là vị Thầy Việt Nam thứ tư sau quí Thầy Huyền Tôn, Phước Huệ, Bảo Lạc ở quốc độ này.
17/09/2010(Xem: 7758)
Chùa Pháp Hoa Nam Úc
15/09/2010(Xem: 7350)
Sau 15 năm sống ở Úc, chúng tôi Thích Phổ Hương mới đủ duyên lành thành lập Đạo Tràng Chùa Long Quang và nhờ sự trợ duyên đóng góp công sức, tịnh tài của quý Phật tử gần xa, Ngôi Chùa Long Quang được thành lập vào năm 2012 tại số 28A Glassop, Yagoona, 2199. Địa điểm trên sinh hoạt được một thời gian ngắn đã bị gián đoạn vì không thuận duyên.
04/08/2010(Xem: 7423)
CHÙA PHỔ TỪ 17327 Meekland Avenue, Hayward, CA 94541 Tel: (510) 481-1577; website: www.chuaphotu.net Email: [email protected] Trụ trì: Thượng tọa Thích Từ Lực Chùa Phổ Từ được Thượng tọa Thích Từ Lực và một số Phật tử kiến lập từ năm 2000, được Quận hạt Alameda cấp giấy phép xây cất đợt 1 vào năm 2001. Chùa đã làm Lễ An vị Phật vào ngày 08/7/2007. Năm 2008, chùa được cấp giấy phép xây cất đợt 2. Chùa đã tổ chức Đại lễ khánh thành trang nghiêm, trọng thể từ ngày 11/7 đến 18/7/2010.
29/06/2010(Xem: 9351)
Ngôi Tu viện Phật giáo vùng Tây Bắc của tiểu bang Victoria được Thượng tọa Thích Tâm Phương (thuộc Thiền Phái Lâm Tế Liễu Quán đời thứ 43) khai sơn từ năm 1990. Ban đầu tu viện tọa lạc ở vùng Broadmeadows. Đến năm 1996, Tu viện mua lại ngôi trường Tiểu học Fawkner cũ có diện tích 8.000 m2 và xây dựng thành ngôi Tu viện mang tên Bồ tát Thích Quảng Đức. Tu viện được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2003. Công trình do kiến trúc sư Nguyễn Kiển Thành thiết kế theo kiểu chữ “
31/05/2010(Xem: 49661)
Chùa Việt HẢI NGOẠI-ẤN ÐỘ | ANH | ÁO BỈ | CANADA ÐÀI LOAN | ÐAN MẠCH | ÐỨC HOA KỲ | HÒA LAN NA UY | NÉPAL | NGA | NHẬT | NOUVELLE-CALEDONIE PHẦN LAN | PHÁP TÂN TÂY LAN | THỤY ÐIỂN | THỤY SỸ ÚC ÐẠI LỢI | Ý
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]