Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngôi Chùa Linh Thứu ở Berlin

28/03/201409:10(Xem: 13216)
Ngôi Chùa Linh Thứu ở Berlin


Chua_Linh_Thuu_Duc_Quoc_1
Ngôi chùa Linh…Thứu

Đây là lần thứ 9 ngôi chùa Linh tại Berlin, thủ đô của nước Đức, có tên một ngọn núi Thứu, nơi Đức Phật hay thuyết pháp, đã tổ chức khóa Huân Tu Tịnh Độ niệm Phật ròng rã 7 ngày. Ngay từ buổi ghi danh đầu tiên con số học viên tham dự đã lên đến 120 vị và sau này lên tới 150, đa số đến từ các nơi xa xôi vạn dặm như Pháp, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Đan Mạch và dĩ nhiên là Đức quốc chiếm hơi nhiều, tựa như một khóa tu học Âu Châu thu nhỏ.

Như thông lệ hằng năm cứ ăn Tết xong vào khoảng đầu tháng ba, các đạo hữu lo thu xếp ngày nghỉ cùng công việc nhà để tĩnh tâm tu tập, đặc biệt lần này ngoài Thầy Hạnh Giới hướng dẫn khóa tu còn có Hòa Thượng Phương Trượng thuyết giảng đến 3 ngày, một đặc ân cho hàng thính chúng được Người quan tâm.

Bên hàng Ni Chúng, lực lượng khá hùng hậu gồm 15 vị đến từ Đan Mạch, Hannover - Viên Giác và chùa nhà Linh Thứu.

Trước khi đi sâu vào khóa tu học, tôi muốn giới thiệu sơ qua về ngôi chùa Linh Thứu với vị Ni Sư Trụ trì có tên là Diệu Phước, đã đưa ngôi chùa vừa “linh“ lẫn vừa “phước“ đi vào huyền sử. Vâng, huyền sử thật! Bắt đầu là một Niệm Phật Đường nho nhỏ với căn hộ đơn sơ chỉ có hai phòng, ấy thế mà không có sự gây dựng và hướng dẫn của Hòa Thượng Phương Trượng từ bao nhiêu năm về trước, thì làm gì có được ngôi chùa khang trang như ngày hôm nay và cả Chi hội lẫn những đoàn sinh của Gia Đình Phật Tử Chánh Niệm cũng chẳng hân hoan ăn mừng ngày lễ Chu Niên 25 Năm. Nhớ ngày ấy khi bức tường chia cắt Đông Tây chưa sụp đổ, Người lặn lội qua tuyến đường kinh hoàng với những tên lính biên phòng Đông Đức mặt lạnh như băng, để lên sinh hoạt với Chi hội Bá Linh. Lúc ấy vào khoảng đầu thập niên 80 Chi hội chưa có cơ sở, chùa chưa thành hình lấy đâu ra chỗ để sinh hoạt, phải mượn ngôi chùa của các Sư Tích Lan ở quận Frohnau.

Sang bước thứ hai, với sự xuất hiện thần diệu của bác Trực Ngộ ngôi Niệm Phật Đường Bá Linh mới được thành hình nhưng chưa có tên. Mãi đến khi Sư Cô Như Hân từ Hannover được bổ xứ về mới đặt cho cái tên “Linh Thứu“, nhưng vẫn chỉ là Niệm Phật Đường Linh Thứu chưa phải là Chùa. Rất tiếc Sư Cô Như Hân không trụ lâu tại ngôi Tam bảo này. Hai năm sau một biến cố lịch sử xảy ra, việc đập đổ “bức tường ô nhục“ chia cắt Đông Tây của xứ Đức vào ngày 9 tháng 11 năm 1989, đã đưa ngôi Chùa tương lai này đi vào huyền sử. Chính ngôi Chùa do đa số những người tỵ nạn hay thuyền nhân ở vùng Tây Bá Linh quy tụ về tu tập, đã che chở cho những người vượt tường sang tìm bến tự do, thế là dưới bóng từ bi không ai còn phân biệt chánh kiến kẻ Bắc người Nam, chỉ biết rằng mọi người đều có chung một dòng máu Việt.

Sang bước thứ ba, đây mới chính là khúc quanh lớn của ngôi chùa Linh Thứu, khi một vị Ni Sư được Hòa Thượng Phương Trượng và Sư Bà Bảo Quang bổ xứ về trụ trì ngôi chùa. Đây có phải là phước lớn cho các Phật tử ở Bá Linh không? Chẳng phải người mang tên “Diệu Phước“ hay sao?

Càng ngày Phật tử đến Chùa tu tập mỗi lúc một đông, cứ nhìn cảnh mọi người chen chúc nhau dành chỗ trong Chánh điện chật hẹp khiến Ni Sư phải phát tâm nguyện lớn, xây dựng ngôi Tam Bảo để độ chúng, lập đạo tràng tu học. Chỉ vài chữ ngắn gọn ấy thôi, nhưng thực hiện thì phải hội đủ cả tài năng lẫn đức độ và công phu tu tập sâu dầy. Ni Sư đã đi từng bước một thật vững chắc, khởi đầu với ngôi chùa nhỏ ở quận Spandau, sau đó mua miếng đất mới cùng vùng để xây ngôi chùa lớn hơn, nhưng may mắn lại mua được cơ sở sinh hoạt ngay sau miếng đất để làm điểm tựa cho việc xây cất Chánh điện trong tương lai. Thế rồi như một phép lạ, chỉ một năm sau khi đặt viên đá đầu tiên, một ngôi Chánh điện trang nghiêm và sáng chói nhất trong số 600 ngôi chùa tại hải ngoại (trích lời Hòa Thượng Phương Trượng trong buổi lễ khai mạc khóa tu Phật Thất kỳ 9) đã thành hình.

Trở lại khóa tu với tầm vóc lớn, mở đầu cho chương trình tu tập trong năm Giáp Ngọ của chùa Linh Thứu. Đúng mười giờ sáng ngày mùng 3 tháng 3 năm 2014, Hòa Thượng Phương Trượng và Ni Sư Linh Thứu đã khai mạc buổi lễ, đáng lẽ như thông lệ phải có sự hiện diện của Thầy Hạnh Giới. Nhưng vì Thầy cùng các Sư Cô chùa Viên Giác muốn tiết kiệm tiền của đàn na thính chúng, nên quyết định đi “xe đò lục tỉnh“ vừa đi vừa nghỉ rẻ tiền, do đó đã trượt mất buổi lễ khai mạc không được chụp hình lưu niệm thật đáng tiếc.

Sẵn trong đề tài “tiết kiệm tiền của đàn na thính chúng“, tôi phải kể luôn đến giờ giấc quang lâm của Hòa Thượng tại chùa Linh Thứu. Theo tin tức thu thập được thì chuyến tàu tốc hành từ Tu viện Viên Đức sau buổi lễ Rằm tháng giêng sẽ đến Berlin đúng 12 giờ đêm. Thế mà sáng hôm sau, Hòa Thượng vẫn dậy lúc 5 giờ để tụng Kinh Lăng Nghiêm và Ni Sư sau buổi tụng kinh vẫn lạy Ngũ Bách Danh mỗi ngày trăm lạy. Đến đây tôi phải ngừng viết để nghêu ngao hát bài: “Ai bảo đi tu là khổ, đi tu sướng lắm chứ…ứ…ư“.

Thời biểu khóa tu mỗi ngày gần như giống nhau, ngày nào cũng có 2 thời Pháp sáng và chiều, thời gian còn lại chỉ để Niệm Phật, đi Kinh hành và Bái sám. Buổi tối hay do Thầy Hạnh Giới hướng dẫn về 4 cách Sám Hối, với khẩu hiệu “Sám hối để tội diệt, phước sanh, căn lành tăng trưởng“.

Hướng dẫn các buổi Niệm Phật và đi kinh hành do Ni Sư Huệ Châu, Sư Cô Tuệ Trí, Sư Cô Tuệ Đăng và Sư Cô Tuệ Đàm Hương; với hai bài Văn Phát Nguyện hướng dẫn đạo tràng lạy Phật. Không ngờ các Cô có chất giọng cao vút và trong vắt đã đưa hồn chúng tôi bay bổng quyện theo tiếng niệm Di Đà, lâng lâng đến cõi bình an. Sư Cô Tuệ Nguyệt giữ phần giới thiệu chương trình, tiếng gọi tắt là MC với những lời hay ý đẹp làm buổi lễ càng thêm phần long trọng.

Ni Sư Diệu Phước đã hướng dẫn chúng tôi mỗi sáng sau buổi Công phu khuya, lạy Ngũ Bách Danh đều đặn trong 7 ngày, mỗi ngày một trăm lạy. “Đem con mắt từ quán chiếu chúng sanh“ như trong câu khấn nguyện số 495 làm tâm đắc.

Mặc dù chúng tôi nương theo “tha lực“ của Phật A Di Đà mong Ngài đưa tay đón rước, nhưng vẫn nhớ lời Đức Phật Thích Ca “hãy tự đốt đuốc lên mà đi“ phải chừa lại cho mình một ít “tự lực“ chứ! Do đó các bài Pháp của Hòa Thượng và Thầy Hạnh Giới là những món ăn tinh thần cực kỳ giá trị mà chúng tôi cần phải trân quý và thấm nhuần. Nói theo danh từ dễ hiểu là “tiêu kinh“, nghĩa là tiêu hóa kinh điển chứ không phải thủ tiêu kinh.

Với 3 ngày giảng Pháp của Hòa Thượng nhân đôi lên vị chi là 6 thời, trời ơi nhiều quá làm sao tôi nhớ nổi để mà tiêu kinh. Ngay đến tựa đề cuốn kinh Thầy giảng tôi cũng chưa kịp nắm bắt, chỉ biết rằng kinh này Đức Phật giảng cho ông A Nan Đà nghe về sự thành hình và quá trình đi đầu thai của một chúng sanh, từng chi tiết một thật rõ ràng như những nhà khoa học hiện đại đã chứng minh. Lần giảng sau tôi cố gắng tập trung để nhận ra đó là Kinh Đại Bảo Tích. Nhưng những câu nói vui giúp đạo tràng thêm khởi sắc như “Tam thừa tứ quả“ các dịch giả ở Việt Nam sẽ dịch là “Ba cây bốn quả“ cầu vừa đủ xài thì tôi lại nhớ; hay trên đời này có 2 chỗ dễ tu nhất là nhà tù và nhà thương, đúng quá đi thôi chứ!

Chua_Linh_Thuu_Duc_Quoc_2

Câu chuyện ấp trứng gà tại sao có con nở có con không, đã được Hòa Thượng đem ra đố trong đại chúng. May quá có chị Như Lộc ở Hamburg đã trả lời đúng là con gà mẹ ấp không đều, trứng nào thiếu hơi ấm không đủ nhiệt độ là tiêu tùng. Thầy nhấn mạnh thêm, chúng ta cũng vậy tại sao có người tu được có người không vì thiếu sự chuyên cần và quyết tâm. Thông điệp thứ hai Thầy muốn nhắn nhủ là câu hỏi “bò trắng và bò đen con nào khổ hơn“, nghĩa là ý muốn của con người sẽ là nguyên nhân sự khổ. Theo tôi con nào cũng khổ, chỉ có trộn sữa của bò trắng và bò đen lại thành ly cà phê sữa uống cho bớt khổ mà thôi.

Trong một thời Pháp gần cuối, Hòa Thượng đã giảng về hai chữ “truyền thống“, đấy là một quá trình được lập đi lập lại nhiều lần mà không bị đào thải, không đi ra ngoài đường rầy xe lửa. Phật giáo Việt Nam của chúng ta có trước cả Phật giáo của Tây Tạng, vào thế kỷ thứ 6 Phật giáo mới du nhập vào Tây Tạng; trong khi đó Phật giáo Việt Nam chúng ta đã có mặt vào thế kỷ thứ 1 trước Tây lịch. Chẳng thế sao Vua Thiên Vũ Thiên Hoàng của Nhật Bản khi khánh thành ngôi chùa Đông Đại Tự ở thủ đô Nara vào năm 752 thế kỷ thứ 8, đã mời các Cao Tăng của Việt Nam sang làm lễ. Đến thời nhà Lý (1010-1224) có Thiền Sư Vạn Hạnh của chúng ta đã đưa lịch sử Phật giáo lên thời kỳ huy hoàng bậc nhất. Sang đến phần văn hóa Việt Nam, Hòa Thượng mong sao các đệ tử của Người được gửi đi Đài Loan, Tây Tạng hay Ấn Độ tu học, về hãy biết cách “chuyển hóa“ những cái hay cái đẹp của người trở thành văn hóa của ta, chứ đừng để nguyên sẽ dễ bị mất gốc.

Chua_Linh_Thuu_Duc_Quoc_3

Bài giảng cuối khóa mới thật hào hứng, thính chúng không cần phải ngồi gật gù nghe Đức Phật gọi: “Nầy A Nan Đà…“, mà nghe đọc truyện của một cây bút khá gạo cội viết về… ai đó, tôi sẽ tiết lộ ở phần sau. Tựa đề là “Câu chuyện của dòng sông - Dòng sông của câu chuyện“, hơi phảng phất như Câu chuyện Dòng Sôngcủa Hermann Hesse. Muốn ví von cuộc đời và sự nghiệp của một nhân vật, tác giả đã phải trích dẫn đến 10 cuốn sách, từ Thiền sư Hương Hải với “Vết nhạn bay qua. Ảnh chìm dưới nước. Nhạn không có ý lưu dấu vết. Nước không có tâm giữ lại ảnh kia“, đến Hương Lúa Chùa Quê, Cho Trọn Hiếu Ân của Thầy Bảo Lạc…

Không hiểu bài viết của tác giả tuyệt vời và súc tích đến cỡ nào, cộng thêm giọng đọc rõ ràng và truyền cảm của cô đệ tử hàng thứ mấy ngàn của Hòa Thượng; đã khiến cho thính chúng cảm khái có người đã rơi lệ. Đến đây chắc có người muốn biết tác giả và nhân vật trong truyện là ai? Tôi chỉ có thể tiết lộ là mời quý vị đón đọc tờ báo Viên Giác số đặc biệt 201 viết về chủ đề “65 năm tuổi Đời cùng 50 năm tuổi Đạo“ của một vị Cao Tăng nào đó.

Trước khi từ giã đạo tràng để đi hoằng pháp ở các nơi khác, Hòa Thượng đã dặn đại chúng nhớ nhắc Thầy Hạnh Giới kể chuyện ma, những con ma già trẻ đủ cỡ đã nhờ Thầy quy y, đặt tên và tụng kinh siêu độ, làm Thầy phải đổi đề tài để chiều lòng đại chúng, tùy thuận chúng sinh. Kể cũng lạ, mấy hôm nay đi đứng nằm ngồi gì cũng cũng nghĩ tới Phật A Di Đà, tưởng rằng hình bóng Ngài ở tận trong trái tim con, nhưng khi nghe đến chuyện ma người nào cũng nhao nhao đòi nghe cho bằng được. Thầy Hạnh Giới thuyết giảng có duyên thật, cách dùng từ mới mẻ cùng nụ cười tươi rói, Thầy đã chinh phục được mọi tầng lớp từ già tới trẻ ngồi nghe một cách say mê.

Sau những bài giảng về Tịnh độ, Thầy đã đặt câu hỏi cho đại chúng phải điên đầu suy nghĩ, chỉ cần nói hai chữ thôi là có thể nắm bắt tất cả những gì đã thu thập được trong khóa tu. Thế là cả nhóm tụ nhau lại trong những giờ nghỉ ngơi để tìm ra đáp án, người thì nói là “an lạc“, kẻ cho là “vãng sanh“, cứ thế bàn luận sôi nổi không biết ai đúng nhiều hay đúng ít đây vì chẳng câu nào sai cả. Cuối cùng cả Thầy lẫn trò đều bị những con ma trong Chùa lôi cuốn, không có cơ hội để trả lời. Thôi đợi khóa tu năm tới sẽ giải trình.

Trong suốt khóa tu 7 ngày, có hai ngày huân tu nghiêm mật từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối liên tục không ngừng. Đoạn này đối với tôi hơi hãi, có bao giờ tôi dám nhốt tâm tôi một cách nghiêm mật như vậy đâu. Thế là tôi phá giới, đoạn nào căng quá tôi lẻn ra ngoài đi dạo, hay về phòng trùm chăn ngủ một giấc ngon lành, thực hành đúng lời Phật dạy: “Đói ăn, khát uống, mệt ngủ“, bỏ mặc ngoài tai những lời châm chọc của một số người quá quan tâm đến đường tu hành của tôi.

Buổi tối thứ bảy trước khi mãn khóa có lễ Hội Hoa Đăng, các Phật tử cầm đèn đi kinh hành nhiều vòng quanh Chánh điện rồi dâng đèn trí tuệ lên chư Phật. Phần này ngoạn mục nhất, giương mặt người nào cũng nghiêm trang và thành khẩn đến đáng ngại. Ai cũng muốn trao hết tấm lòng của mình dâng lên chư Phật.

Sáng chủ nhật là lễ mãn khóa với đầy đủ nghi lễ, lời tác bạch và phần phát biểu cảm tưởng thật cảm động. Đa số những người ở xa mới có nhiều ấn tượng để giải bày, ai cũng cảm thấy lợi lạc cho thân tâm và một niềm an lạc len lỏi vào tận trong lòng đã thể hiện lên từng khuôn mặt. Chẳng thấy ai than phiền là mệt mỏi khi phải tu hành nghiêm mật, cũng may là năm nay Ni Sư đã rút bớt xuống một ngày cho các bác lớn tuổi hoan hỉ, gieo duyên tiếp cho khóa tu năm tới.

Bảy ngày sống bên nhau trong một đạo tràng tu học đến cả trăm người như thế sao chẳng có chuyện để viết, từ những bữa ăn thật ngon do các tay đầu bếp trứ danh của các địa phương và của các Sư Cô từ Đan Mạch cho đến chùa nhà, đã gây nhiều ấn tượng cho đại chúng. Họ kháo nhau rằng, đi tu ở chùa Ni được chăm lo chu đáo từ bữa ăn tới chốn ngủ, tội gì không tu cho phí hoài tuổi xuân, mà tuổi xuân của đa số đã lên đến hàng bảy.

Tôi được sắp xếp cho ở chung phòng với phái đoàn của Hòa Lan, Pháp quốc và Đức quốc, trong đó có chị Diệu Hạnh đến trước đã nhường chức Tổ trưởng cho tôi và khiêm nhường chỉ nhận chức Tổ phó chỉ huy khoảng 2 chục người. Với một lý do thật dễ thương là tôi có tài ăn nói, đủ bản lãnh để trấn áp những kẻ lỡ tay vặn đồng hồ báo thức lúc 2 giờ rưỡi đêm. Công việc cũng đơn giản, chỉ cần canh chừng nhắc nhở mọi người đi ra phải tắt đèn, sau mười giờ rưỡi tối phải đi ngủ không được đi buôn, cho dù chỉ là buôn gió chứ đừng nói tới buôn dưa lê.

Cặp bạn đạo kiêm bạn đời Thiện Giáo, Thiện Sanh vừa nghe tin mật báo qua điện thoại của một học viên, hãy lái xe lên gấp khóa tu có Hòa Thượng ở chùa Linh Thứu đến 5 ngày và các bạn học cũ dân Nha Trang, chỉ chừng ấy thôi mà họ đã vượt đường trường bốn trăm cây số lên dự suốt khóa tu, đến giờ bế mạc vẫn chưa chịu về còn ở lại đến ngày hôm sau.

Vùng Tây Đức tỉnh Düssendorf cũng có 2 cặp lý tưởng, họ rủ rê nhau đi tu hết đạo tràng trên Hamburg đến Berlin, bài tường thuật nào cũng nhắc đến tên họ. Dĩ nhiên họ cũng có một tí máu mặt hay tài nghệ gì mới được nhắc chứ, ai rỗi hơi đâu đọc sớ nhắc tên từng người, trừ Thầy hướng dẫn cầu an gia hộ cho cả đạo tràng mà thôi. Chẳng là một tối nọ, tôi rời đạo tràng tính lên phòng nghỉ ngơi một lát, tình cờ đi ngang qua phòng số 1, mùi ngải cứu châm đốt bay ra thơm sặc sụa. Chị Lệ Hiếu đang cầm cây nhang ngải cứu to như điếu xì-gà, hơ hơ dí vào lưng một Sư Cô trông tướng và cách ăn mặc như trường phái Thiếu Lâm tự. Gặp tôi đi ngang, chị la to cầu cứu: “Mau đi tìm ông Cường gấp!“. Thì ra tay nghề của chị còn non kém, gặp bệnh nhân thứ thiệt phải cầu cứu sư phụ “Cường châm cứu“ ngay. Tôi lớ ngớ không biết ông Cường ở đâu, nên chạy tới chạy lui hết tìm ông Ân Mẫn ở chung phòng với ông thày châm cứu để gửi lời nhắn, nếu ông ấy có bị một bệnh nhân nào đó bắt cóc thì hãy giải nguy. Sau chuyến đó tôi mới biết “anh là ai?“ và trở thành một bệnh nhân cho anh chữa cái chân phải bị trật gân sưng to như trái ổi. Pháp danh của anh cũng khá lạ gồm 3 chữ, tôi chỉ nhớ được có chữ đầu là Nhật và chữ cuối, vì tên anh là Cường nên chắc chắn sư phụ sẽ cho anh chữ Hùng, phần chữ giữa tôi đã cho theo lên Cảnh giới cực lạc rồi. Còn cặp Ân Mẫn và Ân Viên mới rắc rối, ngưỡng mộ cái cô Hoa Lan nào đó thì mặc kệ đi, tại sao lại bắt tôi làm 2 câu thơ có gắn tên của họ vào làm chi cho phiền cuộc đời. Tuy càu nhàu nhưng tôi vẫn nặn ra thơ:

Ân tình Viên Mẫn tràn đầy.

Một nhà an lạc, cùng về Tây phương.

Quả thật là thơ được tổ đãi hay có ai nhập, chứ bình thường thơ của tôi chỉ thuộc loại “trăng soi gầm giường“ mà thôi.

Một hiện tượng đáng vui mừng khi tôi được nói chuyện với Quảng Thịnh, cậu Phật tử trẻ vừa mới quy y với Ni Sư Linh Thứu. Cậu đang lo quầy nước cho khóa tu, trà, cà phê, nước nóng sao cho đầy đủ để mọi người khỏi phải chờ lâu. Tình cờ tôi lại bỏ khóa tu ra ngồi nhâm nhi tách trà nóng, cậu đến gần nhờ tôi ra tủ sách của chùa lựa dùm cuốn nào dành cho người bước đầu mới học Phật. Còn cuốn nào hay bằng “Bước đầu học Phật“ của Hòa Thượng Thanh Từ, nhưng rất tiếc tìm không ra. Tôi lấy tạm cuốn của Hòa Thượng Tuyên Hóa rồi dặn dò, đoạn nào hiểu thì đọc tiếp, còn không nhẩy trang cũng được. Không ngờ khi nghe cậu tâm sự về những nhận thức giữa cuộc đời và Phật pháp tôi rất đỗi vui mừng cho tâm nguyện của Ni Sư Linh Thứu xây chùa để độ chúng và lập đạo tràng tu học đã thành công. Cậu xuất thân từ đất Hà Nội ngày nay với bao lừa lọc gian trá, giá trị con người chỉ định bằng tiền tài và địa vị. Sang được xứ Đức ban đầu cậu cũng nghĩ rằng đi làm thật nhiều tiền là sẽ có được hạnh phúc, nhưng từ khi bước chân vào chùa Linh Thứu làm công quả, tham dự các khóa tu. Cậu mới khám phá ra một chân trời mới đầy hạnh phúc và an lạc khác hẳn với quá khứ xa xưa của cậu.

Nếu nói rằng trong tất cả 9 khóa tu Phật thất tại chùa Linh Thứu đều có mặt tôi, các bạn nghĩ sao? Có tiến bộ hay lại dậm chân tại chỗ. Dĩ nhiên là phải khá hơn rồi! Này nhé, khóa đầu tiên do Thầy Hạnh Tấn hướng dẫn vào năm 2007, Thầy gọi tôi là “sao xẹt“, chỉ xuất hiện khi nào cần thiết. Tôi đã từng ngồi viết Email cho Phật A Di Đà một cách thiết tha với hai câu thơ:

Ta cách biệt nhau từ muôn vạn kiếp.

Nhưng chưa bao giờ một phút cách xa nhau.

Thế rồi những khóa sau từ năm 2009 đến nay đều do Thầy Hạnh Giới hướng dẫn, tôi tham dự đầy đủ nhưng buổi tối hay về nhà ngủ, viện cớ chùa chưa xây cất xong phải nhường chỗ cho những vị ở xa đến. Nhưng lần này ngay từ buổi đầu tôi đã xách tay nải và áo vạt hò đến xí chỗ luôn 7 ngày. Có người thắc mắc, tại sao chỉ có 7 năm mà đến 9 khóa tu Phật Thất. Vì lòng ham tu học của Phật tử ở Bá Linh mà Ni Sư phải tổ chức thêm một khóa nữa vào cuối năm trong 2 năm gần đây do Ni Sư và các Sư Cô trong Chùa hướng dẫn.

Trở về lại ngôi chùa Linh Thứu, nếu xét về ngoại hình từ cách kiến trúc theo lối chùa cổ ở Việt Nam với mái cong hình rồng uốn khúc, đến các tượng Phật to cao sáng chói; theo tiếng gọi của người bình dân chùa thuộc diện “Chùa to, Phật lớn“. Nhưng cái chúng ta muốn đạt được là ngôi chùa này đã mang lại những lợi ích gì cho mọi người? Nhiều lắm chứ! Trong những ngày lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan hay Rằm tháng giêng và dĩ nhiên là 3 ngày Tết nữa, số người tham dự lên đến con số ngàn, toàn là giới trẻ. Chùa không phải chỉ dành riêng cho các cụ già gần đất xa trời đến lần tràng hạt như một số người đã nghĩ. Mỗi lần Ni Sư Linh Thứu làm lễ Quy y cho các vị chịu thọ 5 giới để được làm con của Phật, thì bác Chi Hội trưởng Tâm Thứ phải viết phái Quy y đến sái cả tay vì lên đến hàng trăm, họ quy y hết cả một gia đình từ vợ chồng đến con cái, dâu rể, cháu chắt. Đệ tử của Ni Sư cũng có những ông Phật tử người Đức, người Thổ lẫn người Ba Tư mang pháp danh Quảng… gì gì đó làm công quả rất dễ thương.

Thế không phải hạnh nguyện “độ chúng“ của Ni Sư đã thành rồi sao? Sang đến hạnh nguyện “lập đạo tràng tu học“ mới đáng kể, năm nào cũng in sẵn chương trình tu học cho năm tới đăng trên trang web của Chùa nhà. Nếu ai đảo mắt xem qua phải giật mình cho chương trình nghẹt đặc với các khóa huân tu giảng Pháp của các Pháp sư như HT Nhất Chân hay HT Thiện Huệ với biệt danh là “Hòa Thượng Cá“, Người đi đến đâu là mua sạch hết cá để phóng sanh và các buổi Thọ bát quan trai của Hòa Thượng Phương Trượng, Thầy Thông Trí vào đầu xuân và Thầy An Chí vào chớm đông khi tuyết bắt đầu rơi.

Trước khi chấm dứt bài viết, tôi xin thân tặng các khách vãng lai ngôi chùa Linh Thứu 2 câu thơ đọc được ở một ngôi Chùa ngoài Đà Nẵng:



Một nén tâm hương thấu cửu trùng.

Đâu cần đốt nạm cắm lung tung.



Hoa Lan - Thiện Giới.

Mùa xuân 2014.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/03/2021(Xem: 6085)
Vào sáng ngày 21 tháng 3 năm 2021, chùa Đức Viên tọa lạc tại số 2420 McLaughlin Avenue, thành phố San Jose, tiểu bang California đã trang nghiêm tổ chức Lễ húy nhật lần thứ 22 Sư Bà Tọa chủ Khai nguyên chùa Đức Viên. Tham dự buổi lễ có Ni sư Thích Đàm Nhật, trụ trì chùa Đức Viên; Ni sư Thích Nữ Đức Hòa, phó trụ trì chùa Đức Viên; Ni sư Thích Nữ Nguyên Thiện, trụ trì tu viện Huyền Không, cùng chư Ni chùa Đức Viên và một số Phật tử, học sinh Trường Việt ngữ Đức Viên.
22/03/2021(Xem: 6936)
Thư Ngỏ Vận Động Ngân Quỹ làm lại bộ cửa sắt cổng Tam Quan Tu Viện Quảng Đức
17/03/2021(Xem: 4190)
Trong bài thơ Nhớ Chùa của thi sĩ Huyền Không – Thích Mãn Giác có đoạn viết rằng : “Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ thường Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung Mái chùa che chở hồn dân tộc Nếp sống muôn đời của tổ tông” Tôi được sinh ra tại quận Vinh Lộc nay là Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế, nhà tôi nằm phía đầu chợ, trước chợ là một con sông, bắt nguồn từ phá Tam Giang, chảy qua cửa Thuận An, đến cửa Tư Hiền rồi ra biển. Đoạn sông trước làng xã tôi gọi là Đầm Thuỷ Tú. Như bao làng và thôn xóm khác, mỗi làng đều có ngôi chùa làng; ngôi chùa làng của tôi có tên là Chùa Từ Duyên, được xây dựng từ thời Vua Thiệu Trị tại làng Diêm Trường- Phụng Chánh, cũng gọi là Diêm Phụng. Chùa Từ Duyên cách nhà tôi đi bộ khoảng mười phút; và về phía Nam khoảng 15 km gần cửa Tư Hiền có ngôi chùa Thánh Duyên, ngôi chùa nầy được xây trên núi Túy Vân từ thời Vua Minh Mạng. Ở tại Thừa Thiên cố đô Huế, triều đại vua chúa Triều Nguyễn có ba ngôi Quốc Tự đó là: Linh Mụ Quốc Tự, Diệu Đế Quốc Tự và Thánh Duyê
14/03/2021(Xem: 4137)
Chùa Thiện Ân tọa lạc tại số 4354 W. Mckinley Avenue, thành phố Fresno, miền Trung tiểu bang California, Hoa Kỳ. Chùa do Tỳ kheo Thích Trung Tịnh thành lập vào đầu năm 2013 trên mảnh đất có diện tích hơn 2,5 mẫu tây ở thành phố Fresno - là trung tâm kinh tế của thung lũng trung tâm California. Chùa đã được thành phố cấp phép sinh hoạt tôn giáo vào ngày 27.4.2016. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Hương án giữa thờ tượng đức Phật Thích Ca, tượng Tây Phương Tam Thánh và tượng đức Phật A Di Đà. Hương án hai bên thờ tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng. Phía trước tôn trí tượng Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma (tượng bằng gỗ mít nài, đường kính 0,90m, tạc nguyên cây mít cao 2,5m); đại hồng chung (nặng 500kg); trống (dài 2m, ngang 1,2m) và hai bộ Đại Tạng kinh (Bắc truyền và Nam truyền). Đặc biệt, chùa đã đặt tạo tác pho tượng đức Bổn Sư Thích Ca (bằng đồng dát vàng 9999, nặng 2,5 tấn) đang ở Việt Nam, chờ vận chuyển qua Mỹ. Chùa đã có kế hoạch xây ngôi chánh điện mớ
01/02/2021(Xem: 6320)
Tu viện Pháp Vương có diện tích gần 9 mẫu Tây, tọa lạc trên một ngọn đồi có nhiều cây cao bóng mát. Tu viện được Hòa thượng Thích Nguyên Siêu thành lập vào năm 1998. “Pháp Vương” có nghĩa là Phật, như ý nghĩa Phật Đà.
09/01/2021(Xem: 12575)
Quảng Đức, hương thơm khấn nguyện cầu Mong cho nhân loại bớt khổ đau Nguyên niên Tân Sửu nhiều an lạc Thành tựu muôn phần ta chúc nhau. Lại một lần nữa mùa Xuân dân tộc lại trở về với tất cả niềm hoan hỷ trong nụ cười của Đức Phật Di Lặc, một Bậc Giác Ngộ giáng sinh trong ngày đầu năm mới, mang ý nghĩa quan trọng rằng: Mùa Xuân Di Lặc sẽ đem đến cho mọi người, mọi nhà cùng muôn loài những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Nhân dịp đầu năm mới, xin thành tâm kính chúc Chư Tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa Đại Đức Tăng Ni, quý vị lãnh đạo các Tôn giáo, các cấp Chính quyền Úc-Việt, các Hội đoàn, Đoàn thể, quý vị đại diện các cơ quan Truyền thông, Báo chí, quý vị thân hào nhân sĩ, quý ân nhân, thân hữu, quý đồng hương Phật tử xa gần một năm mới Tân Sửu 2021: Đạo tâm kiên cố, Đạo niệm tinh chuyên, Đạo quả viên thành, sở nguyện tùy tâm, cát tường như ý. Thay mặt Ban Trị Sự Đạo Tràng Tu Viện Quảng Đức Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức TT. Thí
05/01/2021(Xem: 14502)
Một số ngôi chùa Ni Giới người Việt tại Hải ngoại (nhiều tập) Kính thưa chư Tôn đức Tăng Ni, Kính thưa quý thân hữu, Bắt đầu ngày 03.01.2021, trên trang facebook: Tuong Vo và trang website: chuaviettoancau.com sẽ giới thiệu một số ngôi chùa Ni Giới người Việt tại Hải ngoại. Việc giới thiệu các ngôi chùa Ni Giới tại Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Nga và Ấn Độ sẽ không theo bất cứ thứ tự nào: 2 ngày 1 chùa. Ngôi chùa Ni Giới ở đây được hiểu là ngôi chùa hiện nay do một vị Ni (Ni trưởng, Ni sư, Sư cô) quản lý (trụ trì, giám tự …). Chúng con chỉ giới thiệu những ngôi chùa mà chúng con có duyên lành đến viếng thăm và chụp ảnh từ năm 2007 đến nay, nên có một số hình ảnh, thông tin chưa được cập nhật. Nếu có những thông tin sai sót, cần sửa hoặc bổ sung, xin quý Chùa, quý thân hữu hoan hỷ liên lạc qua messenger: Tuong Vo hoặc email: vvtuong04@yahoo.com. Xin chân thành cảm ơn. Về bài viết giới thiệu chùa, chúng con sử dụng thông tin ghi chép trực tiếp lúc viếng chùa; tư liệu từ bộ sác
30/11/2020(Xem: 5428)
Chùa Thiện Minh, Lyon, Pháp. Chùa Thiện Minh tọa lạc tại số 51 Rue de Cuzieu 69110 Sainte-Foy-lès-Lyon, Pháp. Điện thoại số: 00.33.04.78.59.71.47; 04.78.59.66.07 Email: tanhthiet2002@yahoo.com Sáng lập và trụ trì: Hòa thượng Thích Tánh Thiệt Đệ nhất Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu. Hội Phật giáo Việt Nam vùng Rhône Alpes thành lập vào ngày 01.7.1981 do ông Cao Văn Trường làm Chủ tịch, dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Minh Tâm. Tháng 5 năm 1982, Hội đã tổ chức Lễ An vị tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
26/11/2020(Xem: 4989)
Chùa Hoa Nghiêm do Hòa thượng Thích Trung Quán thành lập năm 1981 tại Villeneuve Le Roi. Hòa thượng Thích Trung Quán thế danh Vũ Thanh Quát, sinh năm 1918 tại Nghĩa Hưng, Nam Định. Năm 19 tuổi, ngài xuất gia với Hòa thượng Thích Đức Nhuận. Năm 1959, ngài đã mang Phật giáo Đại thừa sang truyền tại Lào, lập được 10 ngôi chùa. Năm 1978, ngài sang Pháp, ban đầu ở chùa Quan Âm, chùa Hồng Hiên, sau các Phật tử của ngài ở Lào định cư tại Pháp thỉnh ngài về Paris lập chùa Hoa Nghiêm. Năm 1979, ngài là 1 trong 7 vị Thượng tọa được Đại hội Tăng già Việt Nam tại hải ngoại họp tại Hoa Kỳ suy tôn lên ngôi vị Hòa thượng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567