Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngôi Chùa mang trái tim Bồ Tát và lễ hội Quán Âm

08/04/201316:45(Xem: 8662)
Ngôi Chùa mang trái tim Bồ Tát và lễ hội Quán Âm
lehoiquanam-1

Tu Tập Hạnh Bồ Tát

Tìm Hiểu Các Vị Bồ Tát

Ngôi Chùa Mang Trái Tim Bồ Tát Và Lễ Hội Quán Âm

Cư Sĩ Liên Hoa

Nguồn: Cư Sĩ Liên Hoa


Cảm niệm của một ngưòi Phật tử về :
NGÔI CHÙA MANG TRÁI TIM BỒ TÁT
& LỄ HỘI QUAN ÂM

Đứng nhìn Tượng Đức Bồ Tát Quán Thế Âm vươn cao lên trên bầu trời, một hình ảnh quá thiêng liêng và tuyệt đẹp. Tượng Ngài màu trắng nổi bật trên nền màu xanh, có những đám mây trôi qua, nhẹ nhàng càng tô điểm thêm vẻ đẹp, vô hình chung làm hài hoà giữa Tôn Tượng và thiên nhiên mang hương trầm đầy Đạo vị.

Gió rì rào khua động những cành lá của các cây dừa. Mọi người đến đây, ai nấy đều cảm nhận như lạc vào cảnh giới vừa xa lạ vừa gần gũi, êm dịu, giải thoát và các cây lá chung quanh uốn mình, vang động như cùng nhau góp lời thuyết pháp của thiên nhiên, trong cảnh giới Cực Lạc.

Một buổi sáng mai, hoa nở
Nắng lung linh tô điểm sắc da trời
Ngôi Chùa vàng, vươn mình trong mây nhạt
từng lời kinh, vang nhẹ tiếng chuông ngân
Bao cảnh vật bỗng đồng thời rực rỡ
tiếng Nam Mô che mát, ấm lòng người
hỡi những ai đã bao lần say giấc
cùng về đây buông bỏ bước chân hoang
để sáng tỏ trong tâm kinh vừa nở
mắt từ quang chiếu rọi khắp muôn loài

( Minh Thanh )


Khi còn ở Louisiana, một vài lần gia đình tôi có đi Houston, Texas và có viếng Chùa Việt Nam cách đây nhiều năm về trước. Ngôi Chùa lúc đó chưa thành hình, chỉ có ngôi Chánh điện tạm, chung quanh còn là bải đất trống, hồ nước hoang vu, sơ sài. Nay thì cảnh vật và ngôi Chùa đã khác lạ hoàn toàn.

Sau khi dọn qua Houston. Nhiều lần đến Chùa, và mỗi lần đến viếng ngôi chùa nầy lại là mỗi lần tôi thắc mắc. Vẫn biết rằng " Y báo đi theo Chánh báo", nhưng người sáng lập, tạo dựng ngôi Chùa nầy phải là người mang hoài bão lớn, đem mọi ước muốn, đem Văn hoá của Dân tộc, đem suối nguồn của Giáo Pháp để làm lợi lạc con người. Chúng ta cảm nhận được đều đó qua bao sắc thái có mặt, hiển hiện phiá trước, chung quanh Chùa.

Nầy- cổng Tam quan khi bước chân vào cổng như đi vào nhà của Ba Ngôi Báu để đến nơi Ba Cửa Giải thoát: Khổ Không-Vô thường-Vô Ngã. Kia- Bốn Trụ đá cao sừng sững, vững vàng trước phong ba sóng gió như áng ngữ trước Chùa bằng tấm lòng Từ bi Hỷ Xả, bằng Bốn Thánh Đế…Đây hồ nước thanh lương có những cành sen vươn lên từ bùn, toả hương sen nhẹ dịu, bản chất của năm loại hương: Giới-Định-Tuệ-Giải thoát-Giải thoát Tri kiến…Chiếc cầu bắt qua hồ, đẹp dịu dàng để nâng bước chân con người đến cửa Phật, phải chăng bước chân lên được trên cầu là đã đi qua một cảnh giới khác- cảnh giới sống với " trực tâm " của Ngài Duy Ma Cật.

Ngọn Ngũ hành sơn mang dấu ấn của Năm Uẩn ẩn mình sau lưng Tựợng Quan Âm, bởi vì Sắc-thanh-hương-vi-xúc vốn là Không, bị soi rõ trước đôi mắt Tuệ quán chiếu của Ngài.

Đi theo lối giữa, hai bên hai hàng cây cao, theo khoảng đường rộng lớn dẫn đi lên những bậc thang để vào Chánh điện. Ngôi Đại Hùng Bửu Điện, mọi người vẫn thường gọi như vậy với lòng cung kính, bởi vì đây là nơi thờ Đức Phật Thích Ca- Giáo chủ của cõi Ta bà, người khai sáng ra Đạo Phật.

Đây cũng là nơi tích tụ những năng lực siêu việt của Bi-Trí-Dũng biểu lộ trên một con người siêu việt trên con người. Vẫn biết rằng " không thể lấy sắc thanh hương …hay là bất cứ những gì khác " để nói để thấy về Ngài, vì Ngài vượt lên trên tất cả để trở thành " Con Người Bình Thường".

Đạo Phật là Đạo của Trí tuệ, cho nên không bao giờ hướng dẫn người tín đồ qui kính Tôn Tượng một cách mù quáng như một thần linh. Nhưng, người con Phật lại vẫn muốn qua hình tượng của Ngài để cung kính, chiêm ngưỡng vị Thầy Dẫn Đường và qua biểu tượng cao quí nầy, noi theo gương hạnh của Ngài để thấy lại vị Phật của nơi chính mình. .

Tôn Tượng Đức Phật Thích Ca được thờ, ngồi giữa Chánh Điện, tạc bằng đá cẩm thạch trắng. Gương mặt Từ bi toả sắc Giải thoát, Tự Tại, miệng hơi cười mỉm. Mặc dù chỉ là Tượng bằng đá, nhưng khi người Phật tử cúi mình đảnh lễ Ngài đều cảm nhận được sự ấm áp, từ lực và an lạc như trở về với ngôi nhà tâm linh của mình, bên cạnh người Cha Hiền.

Buổi lễ Cầu Nguyện bắt đầu. Tôi quì xuống đảnh lễ Phật và chấp tay, nghe lời bản nhạc Trầm Hương Đốt….Mọi người con Phật đang tựu tập nơi đây đều lắng lòng, chú tâm, chánh niệm.

Tại Chùa ngoài những Khoá lễ thường nhật sáng chiều, hay những ngày Niệm Phật, thọ Bát Quan Trai, Đạo tràng Pháp Hoa v.v…Mỗi Chủ Nhật đều có khoá lễ cho tất cả Phật tử, cũng là lúc có đọc sớ Cầu An cho người bện hoạn và cầu Siêu cho những Vong linh ký tự.

Bài Kinh của ngày Chủ Nhật rất ngắn, nhưng nội dung lại chứa đựng, dung thông cả Thiền Tịnh Mật. Quả là người sáng tạo ra Nghi Thức Lễ Cầu Nguyện nầy đã đơn giản hoá khi trích từ trong các Bộ Kinh Tạng của Đạo Phật, để cho mọi người Phật tử đọc tụng có thể hiểu và sống với lời Kinh để chuyển hoá tâm. Nhiều người tự hỏi, chỉ có bao nhiêu lời, bao nhiêu chữ đó thôi thì làm sao có thể chuyển đổi tâm người, nhưng quên rằng tất cả sự kỳ diệu đều đến bằng những sự bình dị…

Có khi chỉ là đóm lửa nhỏ
Mang thân hình hận thù
Làm dậy sóng cuồng phong
Thiêu rụi cả đời người

Có khi chỉ là đóm lửa nhỏ
Mang tấm lòng kỳ diệu
Sáng rực tan bóng vô minh
đốt cháy rừng u mê

Phật là Phật từ tâm
Trí tuệ mang bầu trời
Khi muôn loài thức tỉnh
Vô minh chợt lìa xa…..

( Minh Thanh )

Bài ca Trầm Hương Đốt thật nhẹ nhàng để khởi đầu, làm lòng mọi người có mặt hoan hỉ, an lạc. Vị Chủ Lễ đối trước Phật, xướng tụng bài Niệm Hương cúng dường và Bài Tâm Kinh Bát Nhã được nối tiếp . Bài nầy đã được dịch ra tiếng Việt để dễ hiểu, đem ánh sáng của trí tuệ soi rõ các Pháp. Niệm Danh hiệu Chư Phật, Chư Bồ Tát, Chư Hiền Thánh Tăng, và vị Tuyên Sư tuyên đọc Sớ Văn để Cầu Siêu- Cầu An.

Có người thắc mắc rằng sao không đọc Sớ Kỳ nguyện nầy riêng biệt cho những người hữu cầu, vì đây là Lễ Cầu Nguyện chung cho mọi người vào ngày Chủ Nhật.

Vâng, chúng ta đúng, nhưng lại quên đi « Phương tiện thiện xảo » mà vị Hướng dẫn tinh thần mong đạt tới. Ngày Chủ nhật là một ngày mà tất cả chúng ta đến Chùa, sau một tuần lễ bận rộn sinh kế, đến để sống một ngày tâm linh, được gặp lại bạn bè, người thân hoặc sơ giao.

Mái Chùa lại là nơi dung chứa, bảo tồn và nuôi dưỡng nếp sống của Văn hoá Dân tộc. Những bản sắc Văn hoá là sức sống của một Dân tộc được cấy trên đất nước mới cần phải được nuôi dưỡng, dung hoà, phát triển dưới ánh sáng Trí tuệ cuả Đạo Phật, vì Đạo Phật đã gắn liền với dòng sinh mệnh của Việt Nam trong suốt chiều dài Lịch sử đã hơn Hai ngàn năm qua và mãi sau nầy.

« Tiếng Việt còn, Văn hoá còn thì người Việt Nam còn tồn tại, dù bất cứ nơi đâu ». Khi rời xa quê hương, chúng ta mất tất cả, chỉ còn lại nền Văn hoá và nếp sống Tâm linh đem theo. Chúng ta có bổn phận duy trì và phát triển cho hiện tại và mai sau. Có khi chính những người đang xa xứ, sống tại quê hương mới lại là những người đang duy trì và bảo tồn được nền Văn hoá và làm cho Bản sắc nầy kỳ diệu hơn, vì họ ý thức được bổn phận, trách nhiệm và sống cùng, không phá bỏ, hũy hoại làm tổn thương nét Văn hoá của Dân tộc và làm đau lòng Mẹ Việt Nam.

Đạo Phật lại sống động và vi diệu hơn qua tư tưởng của Hoa nghiêm, vì cho rằng tất cả mọi vật trong vũ trụ đều liên hệ lẫn nhau, tương duyên tương sinh để cùng tồn tại, hiện hữu. Không có một Pháp nào sống đơn độc mà không lệ thuộc lẫn nhau. Cho nên, sau thời Khoá Lễ, chúng ta có an lạc, hạnh phúc…nên đều cùng chí tâm, góp sức cầu nguyện cho nhau, cầu siêu cho những người đã mất mà chúng ta vừa nghe được tên hay cầu an cho những người, dù mình chưa biết, vì biết đâu lại có một ngày đó lại chính chúng ta lại được những người khác cầu nguyện đến. Do đó, sự Cầu Nguyện nầy tạo được sợi dây thân ái, hoà đồng, chia sẻ v.v..cho nhau theo tinh thần của Đạo Phật và tinh thần của Làng Xã Việt Nam.

Bài Thần Chú Vãng Sanh và Chú Tiêu Tai lại là dấu ấn đậm cho tấm lòng đó. Rồi đến Lời Quán Nguyện để cho chúng ta sống và thực hành những Đức Tánh An Lành và rồi đến Ba Tự Quy để trở về nương tựa Phật Pháp Tăng và để sống với sự Sáng Suốt, Giải Thoát và Hoà hợp của chính mình.

Sau đó, tất cả Phật tử đều đãi cơm chay tại Chùa. Đây là những bửa cơm do sự đóng góp của những nhà hào tâm, những Phật tử cúng dường cho mọi người. Những người đến công quả vui vẻ, xới cơm vào dĩa có thức ăn rau cải, canh, tàu hủ chiên v.v... Đó là tấm lòng cao quí quá, làm cho mọi liên hệ lẫn nhau giữa người con Phật đầy ấm tình người. Biết bao nhiêu người đã đóng góp gạo, thức ăn rau quả, công sức để có những hạt cơm với nhiều món ăn, tuy thanh đạm…

Và những vị Hướng dẫn Tinh Thần nầy phải là những người đặc biệt, mang tâm nguyện của những vị Bồ Tát tại thế gian nầy, đã làm hình thành ngôi Chùa mang trái tim Bồ Bồ Tát- CHÙA VIỆT NAM, và có được những người Phật tử được hướng dẫn tu trì và cùng mang hạnh nguyện đó, mà chúng ta thấy rõ hiện diện nơi bếp Chùa với bao nhiêu người lăn xăn cho kịp bửa ăn trưa cho Phật tử, của những người quét dọn, lau chùi nhà cầu v.v…mà những vị nầy có thể trước đó hay hiện tại là những người có địa vị, danh vọng, giàu có ngoài xã hội, và đang tập xả bỏ dần cái ngã qua những công việc rất tầm thường, mà chúng ta không dám hy sinh làm.

Tất cả những điều kỳ diệu, sống động đã được nói và đang nói đến ở trên, đều bắt nguồn từ tấm lòng của hai vị Sư bình thường : TT. Thích Nguyên Hạnh và TT. Thích Nguyên Đạt.

Thầy Nguyên Hạnh là nhà tu hành bình thường, nghiêm trang, đạo hạnh mang hoài bão lớn làm sống động cho Phật giáo qua tinh thần dấn thân, duy trì và phát triển Đạo Phật tại nước ngoài, cũng như góp phần duy trì và bảo tồn nếp sống văn hoá Việt Nam.

Thầy Nguyên Đạt là người vui tánh, năng động, sáng tạo, hoà đồng v.v…đã nối kết cùng Thầy Viện chủ, đều cùng nhau mang sứ mạng làm sáng rực, nuôi dưỡng nếp sống Văn hoá và Tâm linh của Đạo Phật. Hai vị đã và đang làm nên những kỳ tích tại điạ phương nầy, cũng như ảnh hưỡng lan truyền đến những nơi khác.

Tôn Tượng Bồ Tát Quan Âm mỉm cười. Ngọn gió mang hơi lạnh thổi qua, lất phất vài giọt mưa làm tôi chợt giật mình, thoát ra khỏi vòng suy tưởng đã dẫn dắt đi qua một khoảng thời gian dài. Vì ngày hôm nay là ngày Lễ Hội Quan Âm- Ngày Hành Hương và Cầu Nguyện.

Tất cả Lễ Đài, sân khấu lộ thiên, những gian hàng bán đồ dân gian, những bích chương quảng cáo của các nhà tài trợ, bảo trợ v.v.. đã chuẩn bị đầy đủ, để đón mừng Lễ Hội được Tổ chức Lần Thứ 6 tại Chùa Việt Nam. Một Lễ Hội mang tầm vóc quốc tế.

Chúng tôi không muốn đi vào chi tiết mang từng nét một của Lễ Hội, nhưng chỉ muốn biểu lộ những cảm nghĩ và ảnh hưỡng về những ấn tượng đẹp mang màu sắc Văn hoá Dân gian và Đạo vị nầy. Việc nói về từng những chi tiết cũng như quá trình tổ chức Lễ Hội Quan Âm, đã có biết bao nhiêu người viết và đề cập đến.

Từ khi Tôn Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm được hoàn thành và nhân ngày Tổ chức An vị Tôn Tượng của Ngài. Trước Ông Thị Trưởng Thành Phố Houston, các vị Quan khách, Chánh quyền, Các Hội Đoàn v.v…Thầy Nguyên Hạnh đã tuyên bố « Dâng tặng Tôn Tượng Mẹ Hiền Quan Âm » cho Thành phố Houston, như một đóng góp của Người Việt Nam và Đạo Phật cho đất nước Hoa kỳ nói chung và địa phương Texas nói riêng, để làm đẹp thêm cho nền Văn hoá và đời sống Tâm linh của đất nước nầy. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều xúc động vì tấm lòng cao quí đó..

Đạo Phật là như vậy. Trong Lịch sử truyền bá Giáo Pháp Từ Bi-Trí Tuệ và Giải Thoát đến bất cứ quốc gia nào, chưa bao giờ Đạo Phật lại là nhân tố xâm chiếm, hũy hoại, tiêu diệt v.v…nền văn hoá của Quốc gia đó để thống trị, chi phối và độc tôn. Đạo Phật chỉ biểu lộ sự khiêm cung, kính trọng, chia sẻ, hoà đồng v.v…cùng với nền văn hoá bản địa để cùng sinh tồn, dung nhiếp tạo thành nền Văn hoá Nhân bản, sâu sắc, là tinh hoa cuả Sáng suốt và Giác ngộ, và làm phong phú và nuôi dưỡng đưa con người đến Chân Thiện Mỹ, qua tư tưởng sáng ngời của Đức Phật : « Ta là Phật đã thành, tất cả chúng sanh đều là Phật sẽ thành ».

Thầy Nguyên Hạnh lại một lần nữa lập lại lý tưởng đó. Người không đem Thành phố nầy để hiến cúng cho trái tim Bồ tát Quan Âm, nhưng lại dâng tặng Tôn Tượng của Ngài cho Thành Phố, vì Đạo Phật là nếp sống tâm linh của biết nhiêu con người Việt Nam xa quê hương, đến đây an cư lạc nghiệp, đem dâng tặng cho đất nước Hoa kỳ một nếp sống tâm linh An Lành và Hạnh phúc. Cám ơn Thầy- TT. Thích Nguyên Hạnh.

Và khởi từ ngày đó đến nay, trở thành truyền thống Lễ Hội Quan Âm của Chùa Việt Nam và là biểu tượng làm sống lại Lễ Hội Dân gian ở quê nhà, như đi Trẩy Hội Chùa Hương. Nhưng ngày Lễ Hội ngày càng trở thành một nhu cầu tâm linh bức thiết hơn nữa, giữa biết bao nhiêu sự bạo động, chiến tranh, chết chóc do hận thù, kiêu ngạo, độc tôn về mọi mặt, bắt nguồn từ vô minh.

Tất cả mọi người con Phật hay bất cứ ai, dù có tôn giáo hay không, khi đau khổ và cầu cứu đến Ngài dều được sự che chở, cứu giúp. Hình ảnh của Ngài là biểu trưng cho lòng từ, không phân biệt, như tấm lòng thương yêu của Bà mẹ đối với đàn con thơ dại, luôn luôn nâng niu, che chở, hướng dẫn dù phải hy sinh tánh mạng. Có thể vì môi trường sống, vì những nhu cầu thường nhật che lấp, chúng ta đã vô tình hay cố ý lãng quên tấm lòng của Ngài, và đây cũng là dịp để chúng ta hành hương và sống với những hạnh nguyện đó.

mẹ đã có bên anh,
như giọt cam lồ xoá tan vết hằn sâu
chị buổi mai còn trong sáng
từng ngày qua chồng chất vui buồn
có một lúc nào chợt thấy đời hư ảo
mẹ mỉm cười đã có bên chị yêu
tình Mẹ là cánh chim sải trên bầu trời
ôm ấp chị vào lòng, truyền hơi ấm
là giọt nước mưa thấm vào lòng đất lạnh
để muôn loài vẫn còn có bên nhau…………

( Minh Thanh )


Lễ Hội Quan Âm năm nào cũng báo động là thời tiết xấu, có mưa lớn. Và năm nay, cũng không ngoại lệ, nhưng mưa gió không làm quản ngại, ngăn trở được tấm lòng của mọi người. Hơn 165 vị Tôn Túc, Tăng Ni đã đến từ các Tiểu bang ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới và trên 10 ngàn Phật tử qui tụ về đây để biểu lộ tấm lòng qui ngưỡng đó. Ôi có còn hạnh phúc nào lớn bằng, có còn niềm vui nào cao quí hơn nữa, vì cái nhìn chia sẻ với nhau, cùng chung tấm lòng, cùng chung niềm cầu nguyện v.v…để sống trọn vẹn và làm biểu lộ tấm lòng của Mẹ Hiền Quan Âm.

Tiếng chuông vang lên đi tận vào các cõi, tận đáy sâu của tấm lòng, lòng người…Hỡi những ai lạc bước mau dừng lại, để quay về bờ Giác. Chiến tranh phải chấm dứt, mong đừng ai vì thù hận, ganh ghét, bất đồng chánh kiến, theo tôn giáo bảo thủ hay nhân danh bất cứ lý do gì v.v…mà gây khổ đau cho nhau, cho đồng loại.

« Tất cả nước mắt cùng mặn, dù chúng ta khác màu da, khác chủng tộc, khác tôn giáo v.v…nhưng chúng ta đều là con người, có máu cùng màu đỏ ».

Nước mắt Mẹ Quan Âm đã bao lần rơi xuống vì sự đau khổ của muôn loài, ngày nào sự thống khổ nầy còn tồn tại, chế ngự tâm mọi người, Ngài sẽ không bao giờ thành Phật. Tất cả chư Phật đều hiện thân xuống các cõi, các cảnh giới…đều tùy tâm của các loài mà cứu khổ, ban vui. Tất cả chư Bồ Tát đều biến hoá ra thiên hình vạn trạng cùng vì mục đích giải thoát các loài như vậy, và đó là tấm lòng cao thượng của các bậc Giác ngộ, và hạnh nguyện của các Ngài đang được noi theo, tiếp bước của biết bao nhiêu người con Phật trên toàn thế giới.

Mặt hồ sen bỗng rực sáng, cánh sen vươn lên giữa bùn lầy, trong tâm là ánh sáng của ngọn đèn trí tuệ soi sáng cuộc đời u tối. Ngọn lửa chợt bốc cháy, phừng lên, bừng lên giữa đêm tối, muôn lòng đều lắng đọng, ngắm nhìn Tôn Tượng Bồ Tát…ánh lửa như đánh thức lòng người, ánh lửa làm xoá tan màn vô minh…Hỡi loài người ! Hỡi nhân loại ! Thế giới đã đảo điên lắm rồi, biết bao nhiêu quốc gia, biết bao nhiêu con người đang đau khổ, gào thét, quằn quại trong niềm thống khổ, chết chóc, đói khổ, lầm than…bao thảm cảnh đã bày diễn ra bởi những hận thù, dã man của những chủ nghiã, tôn giáo vô tâm….Chiến tranh phải chấm dứt, mọi người nên nhìn nhau như anh em ruột thịt….để sự khổ đau nầy không còn. Loài người sẽ làm gì trước thảm cảnh nầy ? Tất cả người con Phật- những con người đang noi theo hạnh của Đức Phật, của Bồ tát Quán Thế Âm sẽ làm gì và chúng ta- chúng ta sẽ làm ???

Rừng áo vàng toả sáng. Màu áo của Tăng già, màu của đất nhẫn nhục, cưu mang, chịu đựng…

Có một lần, được nghe Giáo sư Hồ Hũu Tường tại Viện Đại học Vạn Hạnh, đề cập tới nền Văn Minh Tu Sĩ. Lúc đó, ai nấy đều ngờ ngợ, hoài nghi…vì tất cả mọi độc tôn đều nên cần loại bỏ. Nhưng nay, trước thế giới cuồng loạn, đưa đẩy mọi người vào cảnh chiến tranh, sống chết không biết ra sao…Sự định đoạt mạng sống của con người do bàn tay, suy tính của người khác đang mang đầy hận thù. Văn Minh Tu Sĩ lại càng được đánh động, thức tỉnh…Không phải biến tất cả mọi người thành tu sĩ, nhưng là khơi dậy Tánh Phật, Tánh giác có mặt trong tâm tất cả muôn loài. Chỉ khi nào nền Văn minh Tâm linh nầy soi sáng, vô minh hay dục vọng v.v…mới có cơ chuyển đổi lòng người, vượt thoát khỏi nạn trầm luân, đau khổ.

Con đường mà ngày xưa Chư Tổ đã đi, các vị Tôn Túc, tăng Ni đang mang và tất cả người Phật tử bằng năm giới, sáu hoà hay tất cả những người đặt sự tồn vong của con người, của nhân loại…đang noi theo, thực hành. Cố Hoà Thượng Thiện Minh có một lần đã nói : « Nếu tôn giáo hay những tư tưởng bảo thủ nào đem lại cho con người sự đau khổ, chia rẽ, hận thù, độc quyền, độc tôn v.v…thì chẳng thà chúng ta không cần đến tôn giáo đó, mà mọi người còn nhìn lại nhau với tình yêu đồng loại với Hạnh phúc, An lạc ».

Chiếc áo cà sa của Tổ Huệ Năng đã theo chư Tôn Đức trải rộng trên mặt đất ngày hôm nay, chan hoà trong tâm kính của mọi người. Rất là xúc động, rất là cảm kích, rất là trân quí. Màu vàng của Tâm Sáng trải dài, phủ đến đâu, bóng tối lùi bước đến đó.

Ba bước một lạy ( Tam bộ nhất bái ). Cái hạnh khiêm cung, xoá bỏ ngã của mọi người luôn luôn sống động bằng sự thực hành, bằng sống với…mà không bằng lời nói. Ba bước đi để nhớ về Ba Ngôi Tam Bảo cao quí của cuộc đời. Ba bước đi để kính lòng với Ba Đời Chư Phật. Ba bước đi như dẫm chân lên Ba Món Độc: Tham Sân Si, để kính dâng tấm lòng trong sáng, An Lạc, Hạnh Phúc, Tự Tại lên Chư Phật, Chư Bồ Tát và Mẹ Hiền Bồ Tát Quán Thế Âm.

Những chiếc bong bóng nhiều màu sắc bay lên trên bầu trời, từng đợt pháo hoa đăng sáng rực…nhưng, nước mắt tôi chợt rơi xuống vì niềm vui vô tận, vì hạnh phúc không cùng…Nhìn chung quanh, trên gương mặt của mọi người, đều bắt gặp được những hình ảnh tương tự. Ngày Lễ Hội Quan Âm- Ngày Hành Hương và Sống Với Lời Cầu Nguyện. Vâng, chúng ta không thể Hành Hương và Cầu Nguyện không, mà còn sống với chính lời cầu nguyện của mình bằng sự tu tập, phát triển Tâm Bồ đề, nuôi dưỡng Tánh giác…để cho mình và cho những người thân và những người mà chúng ta tiếp cận, sống với…đều được thọ hưởng sự An Lạc Hạnh Phúc. Chỉ tiếc rằng, với số lượng người tựu tập quá đông không thể tưởng tượng được, nếu có một giờ Thuyết Pháp để giảng rõ thêm ý nghiã nầy, thì sự mầu nhiệm sẽ vô cùng.

Xin cám ơn Thầy : TT. Thích Nguyên Hạnh. Xin cám ơn TT. Thích Nguyên Đạt, Người đã biến Ngôi Chùa Việt Nam trở thành Ngôi Chùa Mang Trái Tim Bồ Tát. Xin cám ơn tất cả quí Thầy, quí Sư Cô trong Chùa, tất cả quí Phật tử, những người đã hy sinh công sức, thời giờ, tiền bạc… để đóng góp cho Ngày Lễ Hội Quan Âm thành tựu- dù mưa gió, dù thời tiết xấu- nhưng tất cả mọi người đều thấm nhuần mưa Pháp, đóng góp vào sự duy trì Văn hoá Dân gian và Nền Tâm Linh Phật giáo, cho hôm nay và mai sau.
Dù ai vạn nẻo đường trần

Đến ngày Lễ Hội Quan Âm trở về
Từ bi Cam lộ tuôn rơi
Đưa người thoát khỏi bến đời trầm luân….

( Minh Thanh )

Viết xong Ngày 08.04.2007
Houston, Texas.
Cư sĩ Liên Hoa

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/05/2022(Xem: 4359)
Nhờ Hồng Ân Tam Bảo, Long Thiên Hộ Pháp gia hộ, nhờ sự gia trì hỗ trợ của Tăng Già và sự đóng góp tình tài, công sức của quý Phật tử. Đ ã trải qua bao gian nan khó nhọc, di chuyển bao lần. Nay Ngôi Chùa Long Quang được định thành nơi đây và đã được sự chấp thuận của Hội Đồng Thành Phố Fairfield cấp phép xây dựng Ngôi Chùa mới.
06/04/2022(Xem: 7088)
Vào chiều ngày 03/4/2022, chùa An Lạc tọa lạc tại số 1647 East San Fernando Street, thành phố San Jose, tiểu bang California đã trang nghiêm tổ chức nghi lễ xóa Mandala Quán Âm. Mandala Quán Âm tại chùa An Lạc được các vị Sư đến từ Tu viện Sera Jhe Monastic University, Ấn Độ thực hiện từ ngày 30/3/2022 để cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc, dịch bệnh tiêu trừ. Mở đầu buổi lễ, Thiền sư Tiến sĩ Phật học Geshe Lobsang Dorji có bài thuyết giảng về ý nghĩa, sự mầu nhiệm của Mandala Quán Âm và tụng kinh cầu nguyện. Sau đó, Thiền sư Geshe Lobsang Dorji cử hành nghi lễ xóa Mandala Quán Âm, tặng quà kỷ niệm, cát Mandala Quán Âm cho Ni trưởng Viện chủ Chùa An Lạc Thích Nữ Nguyên Thanh và Phật tử có mặt, cùng chụp ảnh lưu niệm với đại chúng.
16/03/2022(Xem: 5275)
Vào các ngày 11, 12 và 13 tháng 3 năm 2022, Chùa An Lạc tọa lạc tại số 1647 E San Fernando Street, thành phố San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ đã trang nghiêm tổ chức Pháp hội LƯƠNG HOÀNG SÁM. Tham dự Pháp hội có Giảng sư: Hòa thượng Thích Minh Quang, Viện chủ Tu viện Thiện Tường (thành phố Champaign, tiểu bang Illinois); Chủ sám: Thượng tọa Thích Tâm Đạo, Trụ trì Chùa Đạo Tâm (thành phố New Braunfels, tiểu bang Texas); Trưởng ban Tổ chức: Ni trưởng Thích Nữ Nguyên Thanh, Trụ trì Chùa An Lạc, thành phố San Jose; MC: Sư cô Thích Nữ Minh Huệ; cùng quý Sư Cô: Thích Nữ Minh Duyên, Thích Nữ Minh Lý, Thích Nữ Minh Hải, Thích Nữ Minh Định; và đông đảo Phật tử Đạo tràng An Lạc.
24/02/2022(Xem: 6935)
Vào lúc 08:00 sáng ngày 19/02/2022, tại Hội trường Trường Trung học Yerba Buena số 1855 Lucretia Avenue, thành phố San Jose, Chùa Thiên Trúc đã long trọng làm lễ khai đàn Đàn Tràng Dược Sư Thất Châu, Trai Đàn Chẩn Tế dưới sự Chứng minh của Hòa thượng Thích Thông Đạt, Viện chủ Chùa Đại Nhật Như Lai, San Jose.
23/02/2022(Xem: 5817)
Chùa Pháp Vân ở thành phố Pomona, quận Los Angeles, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Chùa Pháp Vân được hai vị Hòa thượng Tịnh Đức và Chơn Trí thành lập vào năm 1978. Đây là ngôi chùa Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam (Theravàda) đầu tiên tại Hoa Kỳ. Năm 2019, Hòa thượng Thích Chơn Trí đã tổ chức trùng tu ngôi chánh điện, tôn tạo các tượng lộ thiên … thành ngôi phạm vũ Pháp Vân trang nghiêm, mỹ lệ!
16/02/2022(Xem: 8668)
Chùa Long Quang được thành lập vào tháng 6 năm 2012. Trải qua bao sự thăng trầm biến chuyển, đổi dời 3 lần di chuyển 3 căn nhà. Hôm nay chúng con, chúng tôi đã nhờ sự gia hộ của Tam Bảo và Long thần Hộ pháp độ trì, đồng thời cũng nhờ sự đóng góp sức lực và Tịnh tài của quý Đồng Hương Phật tử, mới nên được Đạo Tràng Chùa Long Quang hôm nay. Chùa Long Quang hiện tại là căn nhà cũ 80 năm tuổi rồi, tất cả đều hư hại theo thời gian, mục nát, chảy dột nhiều nơi khi trời mưa, không thể duy trì được nữa.
10/02/2022(Xem: 4616)
Mừng Xuân Vui Tết Nhâm Dần 2022 tại các Chùa ở miền Bắc California, Hoa Kỳ.
25/01/2022(Xem: 7672)
Ôn Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức Thích Tâm Phương phát quà Xuân Nhâm Dần tại Xã Vĩnh Thái, Nha Trang trưa ngày 24/1/2022 nhằm ngày 22 tháng Chạp âm lịch Tân Sửu, tại đây Ngài thăm hỏi, an ủi và tận tay trao 100 món quà xuân đến 100 hộ nghèo neo đơn khó khăn trong những ngày cuối năm, món quà tuy nhỏ nhưng ấm áp tình người. Xin thành tâm tán thán công đức Đạo hữu Thục Trinh Nguyên Nhật Diệu, Đạo hữu Diệu Hải, Đạo hữu Loan Tỷ cùng quý Phật tử Tu Viện Quảng Đức đã đóng góp tịnh tài cho đợt ủy lạo từ thiện kỳ này. Nam Mô A Di Đà Phật . Nam Mô A Di Đà Phật t 🙏🙏🙏🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️
24/01/2022(Xem: 6616)
Chiều thứ bảy lúc 3 giờ ngày 01 tháng 01 năm 2022, Giáo Hội Phật Giáo Liên Hữu Mỹ Việt đã cử hành Lễ cầu nguyện hòa bình thế giới, lễ tưởng niệm những nạn nhân đã qua đời do nhiễm coronasvirus tại Hoa kỳ và khắp nơi trên thế giới và cầu nguyện đại dịch covid-19 sớm tiêu trừ. Trước đó vào khuya ngày đầu năm mới 2022 chư Tăng Ni cũng đã cử hành lễ đón mừng giao thừa khai Chung Đại Hồng Hòa Bình Thế Giới mà đã được Thiền Sư Nhất Hạnh chứng minh chú nguyện.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]