“Chuông chùa vang vọng trong đêm vắng
Thức tỉnh tâm ai còn não phiền”.
Đã từ rất lâu, tiếng chuông chùa luôn gắn bó với người dân Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Những ngôi chùa gắn liền vào tổng thể kiến trúc Huế trọn vẹn, hài hòa như chính đạo Phật đã hòa tan vào lòng đời, lòng người xứ Huế. Tìm về với những ngôi chùa Huế cũng chính là tìm về một phần quan trọng làm nên văn hóa Huế.
Giới thiệu
Hòa mình trong dòng chảy văn hóa của Huế, chùa Viên Thông tuy là một trong những ngôi chùa cổ ít được nhắc đến, song đó lại là một ngôi chùa quan trọng, trong lịch sử Phật giáo Thuận Hóa.
Chùa Viên Thông tọa lạc ở đường Hoàng Thi Loan, xã Thủy An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế dưới chân phía trước núi Ngự Bình. Bước vào cổng chùa đứng thẳng đường vào là hai cột trụ cao mới được xây lại với hai vế đối chữ quốc ngữ:
Đến cửa Viên Thông mến chốn danh lam cổ tự;
Nhìn xem núi Ngự nhớ nơi thắng cảnh xuân thành.
Lịch sử
Chùa do Thiền sư Liễu Quán khai sơn vào khoảng năm 1697. Năm 1823, chùa đã được trùng tu quy mô và đổi tên là Hưng Phước. Đến năm 1881, chùa được trùng tu và lấy lại tên Viên Thông.
Chùa Viên Thông được truyền thừa liên tục và còn được tu bổ nhiều lần.
Năm 1929 (khắc biển chùa Viên Thông tự) do Hàn Thiện Nguyên và Văn Hiên Thiện Nhân công tôn nữ pháp danh Hỉ Thiện phụng cúng.
Năm 1932, cải dựng di chỉ thảo am Liễu Quán thành điện Linh Tiêu thờ Mẫu, do bà Đoan Huy Hoàng thái hậu cấp kinh phí.
Năm 1960 – 1964 (làm thêm nhà tây), năm 1968 (sửa Linh Tiêu điện và làm thêm Tuệ Vân các), năm 1972 (làm thêm nhà đông).
Chùa Viên Thông trở thành một trong những danh lam cổ sát đất Thần kinh.
Kiến trúc
Cảnh chùa thật u nhàn trong bóng thông rừng im mát. Chùa có lối kiến trúc theo hình chữ “khẩu”, đây là lối kiến trúc truyền thống của nhiều chùa cổ ở Huế.
“Đại hùng bảo điện” chùa Viên Thông là một ngôi nhà năm gian. Tuy cột kèo bên trong được kết cấu bằng bê tông cốt sắt nhưng vẫn có những hoa văn và cách trình bày chạm trổ theo truyền thống. Ba gian giữa là thượng điện thờ Phật, và Bồ tát. Trên cao có biển hiệu chùa sơn son thếp vàng với ba chữ: “Viên Thông Tự”.
Ngôi tượng chính nhất là Phật điện chùa Viên Thông được bài trí trang nghiêm, là ngôi tượng bằng đồng lớn mới được chú tạo vào năm 1965 theo mẫu pho tượng ở chùa Từ Đàm, tay phải đưa lên bắt ấn “tam muội”, và tượng ngồi theo thế kiết già phu tọa trên một tòa sen đúc bằng xi măng, nhưng không kém phần mỹ điệu vì tỉ lệ cân xứng của pho tượng và tòa sen. Chùa còn giữ được nhiều pho tượng cổ, đặc biệt là bộ tượng Thập Bát La Hán bằng gốm do vua Khải Định cúng, mỗi tượng cao 0,33m.
Gian bên phải thờ Bồ tát Quán Thế Âm và 9 tượng La Hán cỡi trên những con vật. Gian bên trái thờ Bồ tát Địa Tạng và 9 tượng La Hán khác.
Chùa là ngôi cổ tự danh lam ở Huế xưa nay. Trụ trì chùa hiện nay là Thượng toạ Thích Quảng Tú
Trong chùa Viên Thông tự còn trưng bày cái khánh đá chạm khắc rất đẹp có lạc khoản đề “Minh Mạng thất niên, tứ nguyệt cát nhật, tôn nhơn phủ, Tôn Thất Trạch phụng cúng”.
Bên sau phần hậu tổ thì ở trên cao có bức hoành “Vạn Thọ điện”. Bên dưới bàn thờ có hai tầng thờ long vị. Tầng cao và long vị cao nhất thờ chính giữa. Đó là long vị ngài Liễu Quán. Mỗi bên có ba long vị. Phần trước, thấp hơn, chính giữa là long vị của “Ôn Viên Thông”. Hai bên có hai tiếu tượng: Tiếu tượng hòa thượng Như Thừa, tiếu tượng ngài Diệu Khai.
Sau thượng điện thì “tả vu” là nhà khách, “hữu vu” được dành làm tăng xá. Nhà hậu thờ Thánh tức là Quan Công. Trong đó còn có bức hoành đề niên hiệu Đồng Khánh.
Chùa Viên Thông với một lịch sử có dính dáng đến một vị tổ người Đại Việt, khai sáng cả một thiền phái khắp Nam hà, cảnh quan chùa vẫn còn giữ nét thâm u, rêu phong cổ tự…
Tham khảo
http://www.phatgiaohue.vn/news.aspx?KenhID=0&ChuDeID=0&TinTucID=80
http://www.chuaviettoancau.com/chua-mien-trung/chua-vien-thong-thua-thien-hue-362.html
https://chonthieng.com/dia-diem/chua-vien-thong-vien-thong-tu-an-tay-hue/