- 01. Tổ Đình Sắc Tứ Liên Hoa Tự tại Vĩnh Ngọc, Nha Trang
- 02. Chùa Tổ Đình Thiên Quang, thôn Phú Lộc Tây, Diên Khánh, Khánh Hòa
- 03. Chùa Kim Quang tại Thủy Tú, Vĩnh Thái, Nha Trang
- 04. Chùa Long Quang, Xã Vĩnh Hiệp, Thành Phố Nha Trang
- 05. Chùa Lộc Thọ, Ngọc Hội, Vĩnh Ngọc, Nha Trang
- 06. Chùa Hải Ấn, Xã Vĩnh Phước, Thành Phố Nha Trang
- 07. Linh Phong Cổ Tự , phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang.
- 08. Minh Phước Ni Tự, thị trấn Thành, Diên Khánh, Khánh Hòa
- 09. Chùa Huệ Quang, xã Diên Thủy, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa
- 10. Kỳ Viên Trung Nghĩa , số 160 Đường Sinh Trung, phường Vạn Thạnh, thành phố Nha Trang
- 11. Chùa Sắc Tứ Kim Sơn, Ngọc Hội, Vĩnh Ngọc, Nha Trang
- 12. Chùa Hoa Quang, Vĩnh Điềm Trung, Vĩnh Hiệp, thành phố Nha Trang
- 13. Chùa Long Sơn, Vạn Phú, Vạn Ninh, Khánh Hòa
- 14. Tu Viện Giác Hải, Vạn Hưng, Vạn Ninh, Khánh Hòa
- 15. Tịnh Xá Ngọc Phước ở Thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh
- 16. Tịnh Xá Ngọc Sơn ở thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang
- 17. Tịnh Xá Ngọc Tòng, Lương Hoà, Vĩnh Lương, Nha Trang, Khánh Hòa.
- 18. Tịnh Xá Ngọc Pháp, phường Phước Hòa, TP Nha Trang
- 19. Tịnh Xá Ngọc Trang, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang
- 20. Chùa Long Cảnh ở thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh
- 21. Chùa Lương Hải, làng Cát Ném, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
- 22. Chùa Diên Thọ ở Thị Trấn Diên Khánh, Khánh Hòa
- 23. Chùa Pháp Hoa ở Vạn Lương, Vạn Ninh, Khánh Hòa
- 24. Vạn Thạnh Ni Tư, Ngôi chùa Sư Nữ đầu tiên của Thị xã Nha Trang
- 25. Chùa Kim Sơn, Lương Hoà, Vĩnh Lương, Nha Trang, Khánh Hoà
- 26. Tổ đình Sắc tứ Hội Phước, Nha Trang
- 27. Bửu Liên Hoa Viện, Đại Điền Đông 1, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà.
- 28. Chùa Linh Sơn Phước Điền, xã Phước Đồng (Đồng Bò xưa), TP. Nha Trang.
- 29. Chùa Long Thọ ở thôn Phú Thạnh, xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang
- 30. Chùa Linh Ứng trên đèo Rọ Tượng, Ninh Hòa, Khánh Hòa
- 31. Chùa Cổ Đại Phước ở Diên Điền, Diên Khánh
- 32. Chùa Phú Hải ven biển Nha Trang
- 33. Chùa Long Hòa, tọa lạc tại thôn Vinh Huề, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
- 34. Chùa Lộc Sơn, Đắc Lộc, Vĩnh Phương, Nha Trang
- 35. Chùa Hoa Tiên, Thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà
- 36. Chùa Thiên Bình, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà.
- 37. Chùa Linh Sơn Pháp Tạng (xã Bình Lộc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà)
- 38. Chùa Tân Chánh ở Thị trấn Diên Khánh, Tỉnh Khánh Hòa
- 39. Chùa Phổ Tế, Ngọc Hiệp, Nha Trang, Khánh Hòa
- 40. Chùa Phước Điền - Nha Trang và các Bảo Tháp trong khuôn viên Chùa
- 41. Chùa Đông Phước (đường Đông Phước, P. Phước Long, Tp. Nha Trang)
- 42. Chùa Phước Huệ toạ lạc tại số 27 đường Phước Huệ, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang.
- 43. Chùa Linh Thứu ở Thành phố Nha Trang
- 44. Chùa Kim Long từ ngôi già lam suy tàn hoang lạnh trở thành di tích cấm xâm phạm
- 45. Chùa Bảo Long ở thôn Thạnh Mỹ, xã Ninh Quang, Thị xã Ninh Hoà
- 46. Chùa Quảng Đức, Ngôi chùa đầu tiên của huyện miền núi Khánh Vĩnh - Khánh Hoà
- 47. Chùa Phú Quang: Nơi nương tựa của những mảnh đời bất hạnh
- 48. Hoa Quang Ni Tự, cửa Từ Bi luôn rộng mở độ sanh
- 49. Chùa Long Tuyền ở thôn Khánh Thành Nam, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm
- 50. Chùa Linh Sơn Pháp Quang, Đất Lành, Vĩnh Thái, Nha Trang
VẠN THẠNH NI TỰ
Ngôi chùa Sư Nữ đầu tiên của Thị xã Nha Trang
1. Tên gọi – Địa chỉ:
Lúc mới lập tự, chùa đã được an danh là Vạn Thạnh Ni Tự, để khẳng định với đại chúng đây là ngôi chùa Sư Nữ, chùa Ni đầu tiên xuất hiện trên thị xã Nha Trang, vì vậy thời bấy giờ mọi người chỉ cần gọi “Chùa Sư Nữ” là biết đó là Vạn Thạnh Ni Tự. Sau này, khi trên địa bàn thành phố Nha Trang đã lần lượt xuất hiện những ngôi Ni Tự khác (như Ni Viện Diệu Quang, Linh Sơn ở Chụt, An Tường, Hải Ấn – Chùa Hang, Kim Quang…) thì chùa mới thường được gọi là chùa Vạn Thạnh.
Chùa toạ lạc tại số 75 đường Nguyễn Thái Học, phường Vạn Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà.
2. Lịch sử:
Van Thạnh Ni Tự được Ni trưởng Thích Nữ Như Hoa (1925-2006), huý Diệu Liên, tự Chơn Diệu, đời thứ 10 thiền phái Lâm Tế Liễu Quán khai sơn kiến lập vào năm 1947.
Song thân của Ni trưởng có được 2 người con, gia đình gồm 04 người, sau khi hiếu nghĩa vẹn toàn, tất cả đều xả tục xuất gia, trở thành các bậc Chơn Tăng của Phật giáo nước nhà. Cụ ông là Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hòa, nguyên là Viện Chủ Tổ Đình Ấn Quang, một bậc cao
tăng thạc đức trong thời cận đại; Cụ bà là Sư Bà Thích Nữ Như Nghĩa; Người em trai là Đại Sư Thích Tịnh Đức, vị Giáo thọ lỗi lạc của Phật Học Đường Phước Hòa tỉnh Trà Vinh, thuộc Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Nam Việt, nhưng Đại sư viên tịch khi tuổi đời vừa mới 29.
Ni Trưởng xuất gia học đạo với nhiều nhân duyên thuận tiện,vào Thập niên 30, khi phong trào Chấn hưng Phật học ra đời, rất nhiều Phật Học Đường mở khắp nơi.
Năm Đinh Sửu (1937), vừa tròn 12 tuổi, Ni Trưởng được gia đình cho xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Viện Chủ chùa Huê Lâm; cầu pháp với Hoà ThượngThích Thiện Hòa.
Với đức tính ôn hòa, nghi dung khiêm tốn, Ni trưởng tiêu biểu cho các bậc tiền bối của Ni giới miền Nam vào thời hậu bán thế kỷ 20.
Sau khi thọ Đại giới năm Đinh Hợi 1947, Ni Trưởng cùng với Ni trưởng Thích Nữ Như Liên khai sơn Vạn Thạnh Ni Tự ở Thị xã Nha Trang.
Chùa Vạn Thạnh nguyên trước đó là miếu Vạn Thạnh, một tiểu miếu nằm bên đầm Xương Huân (còn gọi là đầm Cù Huân, đầm Én), đến khi Đình Vạn Thạnh được xây dựng rộng lớn hơn toạ lạc dưới chân núi Sinh Trung, thì tiểu miếu này không còn được chăm nom hương đăng nữa, đất để trống không. Hai vị Ni trưởng đã đến tiếp nhận nơi này, mua đất để kiến lập ngôi chùa sư nữ, đó chính là bước khởi đầu cho công cuộc hoằng hóa của Ni Trưởng Như Hoa. Lập chùa xong, hai vị Ni trưởng tiếp độ một số Ni chúng tu học, rồi một thời gian sau, Ni Trưởng Như Hoa một mình trở vào miền Nam tiếp tục tham vấn tu học.
Năm Đinh Dậu (1957), sau khi dự khóa tu học tại Ni Trường Dược Sư, Ni trưởng Như Hoa trở lại chùa Vạn Thạnh, giảng dạy Phật pháp cho Ni chúng. Trong khi đó, Ni trưởng Như Liên lại vào Nam hoằng pháp, trụ trì một ngôi chùa nhỏ.
Vào năm Quý Mão 1963, Vạn Thạnh Ni Tự được trùng tu để Ni chúng có nơi tu học.
Năm Bính Ngọ (1966), Ni Trưởng xây dựng trường Bồ Đề Trí Đức ngay trong chùa Vạn Thạnh (các lớp Mẫu giáo đến lớp 4), và Bồ Đề Nguyệt Quang tại thành phố Nha Trang, làm cơ sở giáo dục cho con em Phật Tử.
Ngày 03 tháng 1 năm 1972 (nhằm ngày 17 tháng 11 năm Tân Hợi), chùa làm “Lễ Rót Đồng” đúc đại hồng chung dưới sự chứng minh và chú nguyện của Hoà thượng Thích Thiện Hoà, và lễ khai chuông vào ngày 23 tháng 1 năm 1972 (mồng 8 tháng 2 năm Tân Hợi).
Ni trưởng Thích Nữ Như Hoa viên tịch vào năm 2006 tại ngôi Ni tự mà 60 năm trước Người đã khai sơn.
Truyền thừa:
- Ni sư Thích Nữ Như Minh
- Ni sư Thích Nữ Như Tín
- Ni sư Thích Nữ Như Trí trụ trì từ năm 2000 đến nay.
3. Cảnh quan – Kiến trúc- Thờ tự:
Thuở mới lập tự, khu vực ven đầm Xương Huân còn hoang vắng, dân cư thưa thớt, những nhà dân quanh đó đều có sân trước vườn sau thoáng đãng. Các bậc trưởng lão kể lại rằng trong những ngày đầu khi hai vị Ni trưởng đến mua đất để lập chùa, chính ông Xã trưởng hồi đó, nhà ở cách chùa chừng hơn 50 mét, đã đích thân cầm sổ đi đến từng nhà dân, nhà Phật tử để quyên góp tịnh tài cúng dường Tam Bảo với ước nguyện có một nơi thờ tự thiêng liêng cho bà con chòm xóm. Đầm nước phía đối diện chùa qua chừng 2 thập niên đã dần dà trở thành khu dân cư đông đúc với đa số là nhà sàn, vách ván mái tole. Cho đến khi khu Chợ Đầm bị cháy vào năm 1968, khu dân cư này bị giải toả, rồi 2 dãy chung cư mọc lên cùng ngôi Chợ Tròn hình dáng hoa sen, thay đổi toàn bộ cảnh quan, cho nên ngôi Ni tự đầu tiên của thị xã Nha Trang không còn được toạ lạc nơi yên tĩnh như xưa nữa, mà phải ở ngay trong lòng của chợ búa ồn ã xô bồ, hằng ngày xe cộ dập dìu, tấp nập người mua kẻ bán…
Về sau, chùa Vạn Thạnh đã qua vài đợt trùng tu nhỏ, cổng tam quan được xây mới, tên chùa được đắp nổi trước cổng được thay đổi cho phù hợp với thời đại, là “Chùa Vạn Thạnh” chứ không còn là “Vạn Thạnh Ni Tự” nữa. Điện đức Quán Thế Âm Bồ Tát giữa sân chùa cũng đã được đập dỡ cho khoảng sân được trống trải, tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm được di chuyển lên trên lầu tôn trí nơi bái đường trước Chánh điện.
Chùa có hai tầng, tầng trệt là khách đường, tầng lầu trên là ngôi Chánh điện. Trên bảo điện, gian chính giữa an vị tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tĩnh toạ trên toà liên hoa. Phía trước, án thờ thấp hơn tôn trí bộ tượng Tây Phương Tam Thánh. Hai bên cửa ra hành lang Chánh điện thiết đặt chuông trống lớn. Phía sau Chánh điện là Tổ đường, hương án chính thờ tranh tượng Tổ Diệt Hỷ (vị thiền sư Ấn Độ khai sáng thiền phái Tỳ-Ni- Đa-Lưu-Chi tại Việt Nam) và linh vị chư tôn Trưởng lão Hoà thượng, chư tiền bối cao Tăng thạc đức. Phía bên phải là án thờ Bồ tát Địa Tạng Vương và linh ảnh chư hương linh ký thác nương tựa hồng ân. Kế bên Tổ đường, căn phòng mà xưa kia là lớp học của trường Bồ Đề Trí Đức đã trở thành gian thờ chư Tổ Ni khai sơn (Ni trưởng Như Hoa, Ni trưởng Như Liên và Sư Bà Như Nghĩa - mẫu thân của Ni trưởng Như Hoa), cùng linh vị chư Ni trụ xứ tại chùa đã viên tịch.
Ni trưởng Như Hoa viên tịch tại chùa Vạn Thạnh, được môn đồ pháp quyến xây bảo tháp an trí trong khuôn viên một ni tự ở phía Bắc thành phố Nha Trang mang tên Hoa Quang, trụ trì là trưởng tử của Ni trưởng Như Minh (đệ nhị trụ trì chùa Vạn Thạnh).
4. Đạo tràng tu tập:
Trước kia, vào những ngày đại lễ của Phật giáo như Phật Đản, Vu Lan, Phật Thành Đạo, hay những ngày vía chư Phật và Bồ tát, chùa Vạn Thạnh luôn tổ chức trang nghiêm long trọng, nhiều lần tổ chức Trai Đàn Chẩn Tế, đạo tràng tu tập rất đông đảo thiện nam tín nữ tham gia cộng tu, tới lui ra vào lễ bái. Nhưng từ khi hai vị Ni trưởng kế thế trụ trì là Như Minh và Nư Tín lần lượt viên tịch, mọi sinh hoạt của chùa đã lắng xuống, chậm rãi và âm thầm. Ni chúng bây giờ chỉ chuyên tâm chuyên chú thiền tịnh song hành, hạn chế rất nhiều những tiếp xúc với ngoại duyên, chùa khép nép bên chợ phố náo nhiệt, cổng cửa không còn mở rộng như trước nữa.
Ngôi chùa Sư Nữ đầu tiên của Thị xã Nha Trang chừng như đang quay về với không gian và thời gian đúng nghĩa thanh tịnh của những năm tháng mới được chư Tổ lập tự khai sơn.