Các khóa tu học tổ chức tại Úc châu
Khoá tu học Phật pháp Úc châu kỳ thứ VII
THÔNG BÁO THAY THƯ MỜI
Khóa tu học Phật Pháp Úc châu kỳ VII của Giáo Hội PGVNTNHN tại UĐL - TTL Năm 2007 được tổ chức tại vùng Kyneton, tiểu bang Victoria (từ ngày 03-01 đến ngày 07/01/2008)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Tôn Đức,
Kính thưa quý Đồng Hương Phật tử xa gần,
Trong phiên họp Hội đồng điều hành của Giáo Hội PGVNTNHN tại Úc Châu nhân khóa tu học Phật Pháp kỳ VI - năm 2006 tại Adelaide, Nam Úc vào ngày 2/1/2001, chúng con, chúng tôi được Giáo Hội giao phó tổ chức khóa tu học của GH kỳ VII từ ngày 03-01 đến ngày 07/01/2008. Sau mấy tuần tìm kiếm địa điểm tổ chức, đến nay Ban Tổ Chức đã chính thức chọn trung tâm sinh hoạt Campaspe Downs để tổ chức khóa tu kỳ 7 của Giáo Hội. Trung Tâm sinh hoạt Campaspe Downs tại vùng Kyneton (trên đường đi Bendigo), đây là địa điểm tổ chức khóa tu rất lý tưởng, cách phi trường quốc tế Melbourne 45 phút lái xe. Trung tâm sinh hoạt này tọa lạc tại khu rừng cây bạch đàn với phong cảnh hùng vĩ, thoáng mát, đẹp đẽ và nên thơ, có cây rừng, hồ nước, đường đi bách bộ, thiền hành, có sân chơi thể thao, điện thoại công cộng, đặc biệt có các phòng học rộng rãi, phòng ăn thoáng mát và nhiều tiện nghi khác. …. Nhìn chung trung tâm này cung cấp đầy đủ tiện nghi cần thiết cho hơn 250 người tham dự, (học viên không cần phải mang sleeping bag). Được biết, trung tâm sinh hoạt này là một trong những địa điểm nổi tiếng sạch sẽ và đẹp và vệ sinh tại tiểu bang Victoria, hằng năm có nhiều hội đoàn người Úc và sắc tộc đều hội tụ về nơi đây để sinh hoạt. Xem thêm ở đây : http://www.campaspedowns.com.au/default.htm
Tuy nhiên với giá lệ phí quá đắt đỏ, 30 đồng mỗi người cho mỗi đêm, nhưng qua thương lượng của Thượng Tọa Trưởng Ban Tổ Chức Thích Tâm Phương, ông Davids, điều hợp viên của trung tâm đã bớt giá xuống còn $25 đồng cho mỗi đầu người. Trên tinh thần đó, để giúp cho ban tổ chức hoàn thành công việc thuê mướn trung tâm này, lệ phí cho mỗi học viên đến tham dự (bao gồm cả ăn và ở trong 5 ngày ): xin quý đồng hương Phật tử xa gần ủng hộ với giá như sau:- Người lớn và thiếu nhi từ 15 tuổi trở lên: $120/người (trong và ngoài tiểu bang Victoria);- Trẻ em từ 14 tuổi trở xuống 7 tuổi: $80/em (trong và ngoài tiểu bang Victoria).
Thay mặt BTC, chúng con, chúng tôi xin sơ lược tường trình giai đoạn đầu về việc thuê được địa điểm cũng như ngày giờ tổ chức khóa tu, để quý ngài tường tri và bắt đầu thông báo rộng rãi đến quý Phật tử ngay tại bổn tự của mình.
Hạn chót đăng ký và đặt cọc tiền lệ phí (deposit) là : ngày 30 tháng 10 năm 2007, người lớn: $30 và trẻ em: $10, số tiền này sẽ không được trả lại nếu quý vị không tham dự khóa tu, vì BTC phải đặt tiền cọc cho Trung Tâm Campaspe Downs trước 3 tháng với số tiền $5000 và số tiền này cũng không thể lấy lại nếu chúng ta hủy hợp đồng thuê mướn.
Quý đồng hương Phật tử xa gần muốn tham dự khóa học này, xin liên lạc trực tiếp với các chùa địa phương mà mình đang sinh hoạt, hoặc có thể đăng ký trực tiếp tại Tu Viện Quảng Đức, số: (03). 9357 3544; Email [email protected] hay vào trang web:www.quangduc.com để xem hình ảnh về địa điểm tổ chức khóa tu học sắp tới.
Ban tổ chức kính mong nhận được sự tiếp tay và ủng hộ của chư Tôn Đức Tăng Ni bằng cách vận động quý Phật tử địa phương của mình về tham dự khóa tu học này của Giáo Hội. Kính chúc Chư Tôn đức Tăng Ni pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu và Phật sự viên thành. Cầu chúc quý Phật tử gần xa vô lượng an khang và sở cầu như nguyện.
Diễn từ Khai Mạc Khóa Tu Học Phật Pháp Lần Thứ 7
(thứ năm 3.1.2008 tại vùng Kyneton, Victoria)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Ngưỡng Bái Bạch lên Chư Tôn Hòa Thượng Chứng Minh trong Hội Đồng Chứng Minh, Hòa Thượng Hội Chủ, Hòa Thượng Phó Hội Chủ,
Ngưỡng Bái Bạch Chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa Giáo Thọ, Giảng Sư,
Đồng kính hiện tiền Chư Tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa, Chư Đại Đức Tăng Ni
Kính thưa quí vị Quan Khách,
Kính thưa quí học viên thân mến,
Lời đầu tiên chúng con xin được thay mặt cho Ban Tổ Chức Khóa Tu Học Phật Pháp Kỳ 7 của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Úc Đại Lợi & Tân Tây Lan thành kính đảnh Lễ hiện tiền Chư Tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa Đại Đức Tăng Ni đã hoan hỷ đáp lời cung thỉnh của Ban Tổ Chức chúng con mà quí Ngài đã thương tưởng quang lâm chứng minh, Lễ Khai Mạc, giảng dạy. Đây là niềm khích lệ lớn lao cho Ban Tổ Chức và quí học viên của chúng con.
Kính thưa quí Ngài,
Mặc dù thời tiết oi bức khi mỗi độ hè về của xứ Kangaroo, nhưng tất cả những người con Phật câu hội về đây lại được tưới mát bằng những giọt cam lồ từ tâm đức vị tha vô lượng và ẩn tàng một trí tuệ siêu qua đạo phong khả kính của Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni.
Thật vậy hình ảnh long tượng của quí Ngài là một bài học vô giá ngàn đời mà hàng hậu học của chúng con cần phải nương tựa học hỏi, hành trì trên bước đường tu tập và phụng sự.
Thứ đến chúng tôi cũng xin được thay mặt cho Ban Tổ chức thành tâm chào đón hơn 350 học viên.
Nhân danh Trưởng Ban tổ chức, chúng tôi xin ghi nhận tán thán công đức của toàn thể quí Phật tử, quí vị học viên từ khắp liên bang Úc châu. Quí vị đã khéo sắp xếp những công việc của gia đình trong những ngày nghỉ lễ cuối năm, quí vị đã hy sinh nhiều công việc và cũng có những vị phải vượt qua nhiều khó khăn mới có thể đủ duyên tham dự khóa tu học này. Ngưỡng nguyện hồng ân Chư Phật chứng minh và gia hộ cho quí vị được nhiều tinh tấn, an lạc và gặt hái thật nhiều kết quả từ Khóa Tu Học này.
Chúng con cũng xin đảnh lễ tri ân sự khuyến tấn của Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni trụ trì các tự viện của Giáo Hội, quí ngài đã cổ động để cho quí Phật tử ghi danh tham dự khóa tu học và đặc biệt nhất là các tự viện tại tiểu bang nhà đã nhiệt tâm chia sẻ, ủng hộ để cho khóa tu học được thành tựu trang nghiêm ngay trong giờ phút này.
Kính thưa chư liệt vị,
Tu mà không học là tu mù, học mà không tu như là cái đảy đựng sách. Cũng từ đó hằng năm Chư Tôn Thiền Đức trong Giáo Hội đều cố gắng tổ chức những khóa tu học như thế này để tạo duyên lành cho quí vị đồng câu hội về một trụ xứ trong vòng 4-5 ngày để trau dồi học hỏi con đường chánh pháp của Đức Như Lai đã dày công để lại hơn 2500 qua. Giáo pháp, Chánh pháp của Ngài đã đem lại lợi lạc cho nhân quần xã hội khắp năm châu trong quá khứ và hiện tại chánh pháp của Ngài đã được nhiều người, nhiều giới tiếp nhận giáo pháp vi diệu tối thượng này để tu trì hầu cứu mình và giúp đời vơi bớt phần nào phiền trược, khổ đau của cuộc sống.
• Tuy nhiên chúng ta vẫn biết rằng tất cả chúng ta đã và đang học Phật, chúng ta cũng không thể chữa lành cho một thế giới đầy dãy những bất công, hận thù và đố kỵ.
• Nhưng chúng ta học Phật, có thể hiểu biết tự chọn lựa cho chính mình một cuộc đời biết sống lành mạnh vui tươi và một hướng đi đầy thánh thiện.
• Chúng ta về đây học học để biết chia sẻ và quan tâm đến nỗi khổ đau của nhiều người.
• Học Phật để chúng ta thấy rằng chỉ có tình yêu thương là sức mạnh duy nhất để có thể biến một kẻ thù thành một người bạn tốt.
• Học Phật để mỗi chúng ta nuôi dưỡng và thể hiện phẩm hạnh đạo đức, thái độ, nhân cách của một người Phật tử biết sống yêu thương những người thấp kém, biết đùm bọc bao dung và tha thứ.
• Học Phật để nhắc nhở chúng ta trở về với bản tánh thanh tịnh, làm hiển lộ chân thiện mỹ, hiến tặng cho đời một ý nghĩa đích thực của tình yêu thương nhân loại.
• Học Phật để chúng ta biết trút bỏ những trĩu nặng ưu phiền và trao tặng cho đời một nụ cười đầy an lạc.
• Học Phật để chúng ta biết suy tư, biết sống vì người và yêu thương kẻ khác. Chúng ta phải biết những gì làm cho mình thì nó sẽ mất đi và không có ý nghĩa cao của cuộc sống mà chúng ta phải biết đem tâm phụng sự cho nhiều người và xây dựng cho những cái chung của cuộc sống thì mới mong được trường tồn và lưu dấu đến ngàn sau.
• Học Phật để chúng ta có được sự an lạc và hạnh phúc. Sự thành tựu đạo nghiệp của mỗi con người đều bắt nguồn từ các thiện nghiệp và sự một đãi lọc thân tâm kiên trì, tinh tấn bằng một đời sống suy tư và hành nghiệp chân chánh.
• Học Phật để chúng ta biết bắt tay với những bàn tay luôn luôn nắm chặt những hờn giận, ganh tỵ, cố chấp, tỵ hiềm nhỏ nhen trong đời sống.
• Cuối cùng học Phật để chúng ta giác ngộ rằng đời sống của mỗi chúng ta đang trôi qua từng giây phút, từng ngày của định luật vô thường, cùng với những điều đến rất bất ngờ và sẽ mất đi cũng rất bất ngờ, ngay cả mạng sống này của mỗi chúng ta.
Từ đó chúng ta đừng khép chặt trái tim này mà chúng ta hãy mở nó ra để đón nhận những điều kỳ diệu của cuộc sống. Nhưng trước mắt chúng ta hãy đón nhận hơn 400 đóa hoa Giác Ngộ, hơn 400 trái tim đang thở và mĩm nụ hàm tiếu, sẵn sàng đón nhận và trao truyền những hạnh nguyện hành Bồ Tát Đạo.
Đón nhận những tinh hoa giáo pháp để làm đẹp cho cuộc đời, bằng một đại gia đình đang an trú bây giờ và ở đây. Chúng ta đang an trú trong ngôi nhà của Như Lai, mặc áo của Như Lai. Chúng ta phải nâng bát cơm đầy rộng lượng, uống một ngụm nước cam lồ với tấm lòng kham nhẫn, chịu đựng và hy sinh cho giáo pháp này được trường tồn.
Dù phải chịu muôn ngàn gian khổ
Con dốc lòng vì đạo hy sinh.
Ngưỡng bạch lên quí ngài,
Kính thưa quí học viên thân mến,
Lời cuối cùng cho dù Ban Tổ Chức Khóa Tu Học Kỳ 7 của Giáo Hội đã hết sức nỗ lực về mọi mặt trong việc tổ chức, nhưng không sao tránh khỏi những đều thiếu sót về nhiều mặt khác nhau như cung nghinh Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni, đón tiếp quí Phật tử, quí vị học viên, nơi ăn chỗ nghỉ và nhiều phương tiện khác rất còn khiêm tốn và nhiều điều khiếm khuyết, tại đạo tràng Tu Viện Quảng Đức, và tại Khóa Tu Học này. Ngưỡng nguyện Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni cùng quí vị học viên vì đạo tình của người con Phật, cũng như công việc Phật sự chung của Giáo Hội mà niệm tình hoan hỷ bỏ qua cho.
Thay Mặt Ban Tổ Chức nhân danh Trưởng Ban, xin Tuyên Bố Khai Mạc Khóa Tu Học Phật Pháp Kỳ 7 được tổ chức tại Kaiton, tiểu bang Victoria từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 1 năm 2008 ngay trong giờ phút này.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát
Thân ái kính chào toàn thể liệt quí vị
Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát Tát Đại Chứng Minh
ÐẠO TỪ CỦA HÒA THƯỢNG HỘI CHỦ GHPGVNTNHN-UÐL-TTL
Kính bạch chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni
Kính thưa quý học viên khóa tu học Phật Pháp
Kính thưa liệt quý vị,
Với khí thế ham tu hiếu học của Đạo hữu, Phật Tử toàn Úc châu đang dâng cao, đến hôm nay vẫn còn có người xin ghi tên tham dự, nhưng vì cơ sở vật chất khi đăng ký thuê mướn, dự trù chỉ trong khoảng tối đa là 300 HV, hiện thực hôm nay với gần 400 học viên, thì thật là ngoài dự kiến của BTC. Trong không khí hân hoan, phấn khởi, đầy đạo vị của ngày khai mạc khóa tu học Phật pháp nầy, thay mặt Hội đồng Điều hành GHPGVNTN-HN- UĐL - TTL, tôi kính lời chào mừng chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, nhiệt liệt tán dương tinh thần hăng hái tham gia tu học của quý đạo hữu Phật tử học viên, cùng toàn thể đạo hữu Phật tử hiện diện.
Kính bạch chư Tôn Đức
Kính thưa quý liệt vị
Mặc dù tình hình của GHPGVNTN ở quốc nội cũng như hải ngoại, trong thời gian qua bị đánh phá nhiều mặt, gây hoang mang không nhỏ trong dư luận, và trong sự sinh hoạt tu học ở địa phương chúng ta. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Điều Hành Giáo Hội Úc châu và dưới sự hướng dẫn tu học, biết áp dụng lời Phật dạy vào cuộc sống hằng ngày của Chư Tôn Đức Tăng Ni các tự viện. Tăng Tín đồ thuộc GHPGVNTNHN UĐL TTL chúng ta vẫn giữ vững được lập trường ủng hộ nhị vị Hoà Thượng lãnh đạo, luôn hướng về Giáo hội Mẹ tại quê nhà, và tinh thần tu tập có chiều hướng tinh tấn hơn, điển hình là khoá tu học năm nay, số lượng học viên so với 6 khoá vừa qua, đã vượt kỷ lục rất nhiều.
Nhân trong khí thế nầy, Tôi cũng xin phép được nhắc thêm lại những lời Phật dạy cần thiết, cho đường hướng tu học, trong hiện tại và tương lai.
Trong các kinh điển Phật có dạy:
"Hãy như sư tử, không run sợ trước tiếng động. Hãy như luồng gió, không dính mắc trong màn lưới. Hãy như hoa sen, từ bùn nhơ nước đục mọc lên, Nhưng không bị nước đục và bùn nhơ làm ô nhiễm. Hãy vững bước, đơn độc một mình, như con tê giác."
Là chúa tể sơn lâm, sư tử không sợ hãi, bẩm chất tự nhiên của sư tử là không run rẩy, giựt mình khi nghe tiếng gầm thét của muôn thú khác, mà mỗi khi sư tử hống là muôn loài đều khiếp sợ. Là người con Phật, với Tâm kiên định trong giáo pháp vi diệu, chúng ta cũng sẽ không bị chi phối bởi những thị phi của đời thường, tất cả cũng như là gió thoảng mây bay, không dính mắc vào ta, vì chư Phật có dạy"Tâm bình thế giới bình" "Tâm tịnh quốc độ tịnh" vậy.
Chúng ta đang sống trong cõi Ta bà ô trược với bùn nhơ, nước đục. Nhưng cũng có nhiều đóa hoa sen đã từ đó vượt lên, tô điểm cho đời thêm đẹp, mà không bị nước đục và bùn nhơ làm hoen ố. Chúng ta phải cố gắng sống như hoa sen, một cuộc đời trong sạch và cao quý, không màng danh lợi, không quan tâm và sẵn sàng đón nhận bùn nhơ, mà người khác có thể ném vào mình, thay vì mong đợi những đóa hoa hồng mà người ta có thể tặng. Như thế, ta sẽ không thất vọng.
Tiện nghi vật chất hấp dẫn bên ngoài, đó là sắc trần sinh diệt, nhưng với lục căn thanh tịnh, không ham muốn và không đắm nhiễm, chúng ta sẽ thấy lòng nhẹ nhõm thong dong, muốn được vậy, phải thực hành hạnh buông xả, không mong cầu, không luyến ái. Ðơn độc một mình, chúng ta hãy ra đi đó đây, tận lực phục vụ và tạo an lành cho kẻ khác.
Mười điều tâm niệm, trong Luận Bảo Vương Tam Muội, có dạy: "Xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không bị ma chướng, vì không bị ma chướng thì chí nguyện không kiên cường. Hãy lấy ma quân làm bạn đạo". Ma chướng ở đây có nghĩa là những lời khen tiếng chê, là danh thơm hay tiếng xấu. Nếu chúng ta có thể coi những người khen chê như những người giúp đỡ chúng ta trên bước đường tu tập, rèn luyện tâm tánh, thì chính họ là bạn đạo, là thiện hữu tri thức, là bồ tát nghịch hạnh, là giám khảo trên đường đạo của chúng ta vậy. Thông suốt được như vậy, chí nguyện của chúng ta mới kiên cường, không thoái chuyển, khi tám ngọn gió: lợi, suy, huỷ, dự, xưng, cơ, khổ , lạc thổi đến, tâm trí của chúng ta mới không bị giao động. Muốn được như vậy chúng ta phải hằng ngày thực hành lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú, : "Không nên nhìn lỗi người. Không nên quan tâm người có làm hay không làm. Nên tự nhìn thân mình, có làm hay không làm". Hay "Phản quang tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc". Ðối với lỗi lầm của người khác, chúng ta phải làm như người mù, không thấy, không biết gì cả, để khỏi bực mình, để khỏi bận tâm. Ðối với lời chỉ trích người khác, chúng ta phải làm như người điếc, không nghe, không tin, không rao truyền, để khỏi liên lụy. Ðối với chuyện nói xấu người khác, chúng ta phải làm như người câm, không tham dự, không bàn cãi, không thêm bớt, để khỏi mắc quả báo, mà phải luôn soi xét lại chính mình, để kịp sửa chữa, hầu tự hoàn thiện bản thân. Đức Lục Tổ cũng đã có dạy: " …Chớ nên mong thấy lỗi người, thấy lỗi người, lỗi mình ngay bên ấy…"là vậy.
Với những điều nhắc nhở trên, trong khoá tu học năm nay, chư Tôn Đức trong Ban Giáo Thọ sẽ hướng dẫn cụ thể thêm, để khi về lại địa phương và gia đình, tin tưởng rằng mỗi học viên sẽ mang lại nhiều điều an lạc và lợi ích. Đó là chúng ta đang tham gia hoằng pháp, lợi sanh và thể hiện sự vi diệu, với giáo lý giải thoát của Đạo Phật.
Xin chân thành ghi nhận công đức của chư Tôn Đức trong Ban Tổ Chức, và tán dương tinh thần hăng say phục vụ của quý Phật Tử tại Melbourne đã lắm nhọc nhằn, để chuẩn bị một cách chu đáo cho toàn khoá tu học. Kính chúc chư Tôn đức Pháp thể khinh an, Phật sự viên thành, kính chúc toàn thể học viên sức khỏe dồi dào, thân tâm thanh tịnh, thâu đạt được nhiều kết quả trong khóa tu học này, chúc khóa học thành công mỹ mãn. Tất cả mọi công đức phát sinh do Phật sự này, tôi xin hồi hướng lên Tam Bảo chứng minh và gia hộ cho tất cả sớm viên thành Phật đạo.
Nam mô Công Ðức Lâm Bồ Tát Ma ha Tát
Khóa tu học Phật Pháp lần thứ 7 của GHPGVNTN HN tại UĐL – TTL thành tựu viên mãn
Như đã sắp đặt trước cả năm, Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu kỳ 7 của GHPGVNTN Hải Ngoại tại UĐL - TTL được tổ chức tại vùng Kyneton, tiểu bang Victoria, cách phi trường quốc tế Melbourne 50 phút lái xe, thời gian từ ngày 03 đến ngày 07 tháng 01 năm 2008. Đặc biệt số học viên tham dự năm nay vượt trội hơn nhiều so với những khóa tu học trước. Số lượng Tăng Ni, Cư sĩ lên đến 450 vị; đây là niềm hoan hỷ lớn lao cho Ban Tổ Chức nói riêng và Giáo Hội nói chung. Địa điểm sinh hoạt khóa học năm nay là một nơi khu trại rộng lớn thoáng khí, hoàn toàn cách ly phố xá ồn ào. Nhìn toàn cảnh không gian tựa như một ngôi làng nhỏ, với cảnh trí sinh hoạt đầy đủ, như hội trường đa dụng, dãy nhà ẩm thực, văn phòng hội họp, văn phòng y tế, văn phòng thư ký, v.v...
Đẹp hơn nữa giữa đất trại có một hồ nước lớn, tạo nên một cảnh trí tươi mát làm dịu lại hơi nóng hừng hực, trong tiết mùa nóng nhất của cuối năm. Dù vậy trên hết vẫn là tinh thần học Phật của người Phật tử, một lòng tinh tấn học Đạo, nhằm tạo cho mình một kiến thức, một niềm vui với giáo lý giải thoát, để có thể vượt qua những trở ngại thử thách trong đời sống hiện tại và tương lai. Sau khi ổn định chuẩn bị cho ngày đầu làm quen nơi tu học, một buổi lễ khai mạc được diễn ra ngay hôm đó, vào lúc 10.30 sáng ngày 03/01/2008. Một hội trường hết sức rộng lớn, nơi đây được dựng lên một đài Phật thật trang nghiêm, đó là nhờ tài nghệ của các vị trong ban thiết trí trang hoàng: ĐĐ Thích Đồng Thanh, Sư Cô Thể Viên, Đh Thanh Phi, Đh Nguyên Lượng; Đh Thiện Lý; Đh Tâm Quang; Đh Công Đạo; Đh Thiện Duyên; Đh Giác Định và Đh Minh Chính.
Không gian Hội trường trong giờ phút khai mạc biến thành một Đại Hùng Bảo Điện, thoải mái dung chứa dễ dàng trên 400 người tham dự; và tất cả tề chỉnh nghiêm trang y hậu, áo tràng cung kính chí tâm hành lễ.
TT Tổng Thư Ký Thích Nhật Tân phụ trách điều hợp lễ khai mạc đã giới thiệu trên 40 chư Tôn Đức Tăng Ni về chứng minh và giảng dạy cho khóa tu học. Tiếp đó là diễn văn khai mạc của Trưởng Ban Tổ chức TT Tâm Phương. TT đã ngỏ lời chào mừng và kính lễ chư Tôn Đức trưởng lão đến tham dự chứng minh, chú nguyện cho buổi lễ, cũng như khóa học được viên mãn thành tựu. Đặc biệt TT đã nhấn mạnh đến mục đích tu học : "Chúng ta về đây học để biết chia sẻ và quan tâm đến nỗi khổ đau của nhiều người. Học Phật để chúng ta thấy rằng chỉ có tình yêu thương là sức mạnh duy nhất để có thể biến một kẻ thù thành một người bạn tốt. Học Phật để mỗi chúng ta nuôi dưỡng và thể hiện phẩm hạnh đạo đức, thái độ, nhân cách của một người Phật tử biết sống yêu thương những người thấp kém, biết đùm bọc bao dung và tha thứ. Học Phật để nhắc nhở chúng ta trở về với bản tánh thanh tịnh, làm hiển lộ chân thiện mỹ, hiến tặng cho đời một ý nghĩa đích thực của tình yêu thương nhân loại. Học Phật để chúng ta biết trút bỏ những trĩu nặng ưu phiền và trao tặng cho đời một nụ cười đầy an lạc. .."
Tiếp theo là lời đạo từ của Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Thượng Thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới. Ngài đã tán thán, ca ngợi tinh thần học Phật của hai giới xuất gia tại gia, nhắc lại lời Tổ Quy Sơn từng dạy: 'Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tranh chi đức, có nghĩa là, bên trong phải tự tâm tu niệm, bên ngoài phải thể hiện đức tu không tranh cãi, làm được như vậy mới thật tu thật học theo dấu chân của Phật Đà"
Kế đến là phần báo cáo của Ban Thư Ký, ĐĐ Nguyên Tạng cho biết số học viên tham dự toàn liên bang Úc đã lên đến 373 Phật tử, từ 17 tự viện của Giáo Hội, bao gồm: tại Victoria có các Chùa Bảo Vương: 5 người; Chùa Phổ Hiền: 2; Niệm Phật Đường An Lạc Hạnh: 29; Chùa Thiên Đức: 3; Chùa Diệu Âm: 4; Chùa Phật Quang: 5 ; Chùa Phước Trí: 9; Chùa Linh Sơn: 27; Tu Viện Quảng Đức: 124; Tu Viện Vạn Hạnh, Canberra: 3; tại NSW có các Chùa Pháp Bảo: 19; Chùa Minh Giác: 17; Chùa Huyền Quang: 23 ; Thiền Viện Minh Quang: 34; Chùa Hưng Long: 5; Chùa Phổ Quang, Perth: 1; Chùa Pháp Hoa, Adelaide: 60, cùng với 40 Phật tử phát tâm làm công quả và 44 chư Tôn Đức Tăng Ni về chứng minh và giảng dạy, tổng cộng khóa tu học năm nay trên dưới 400 tăng ni & Phật tử, được xem khóa tu học có số người tham dự đạt kỷ lục so với 6 khóa học trước.
Thượng Tọa Quảng Ba, thuộc Hội Đồng Giáo Thọ, được thỉnh mời công bố chương trình tu học, và thành phần nhân sự các ban phụ trách hướng dẫn tu học. Đây là phần quan trọng, để khóa học có thể nhịp nhàng hoạt động và thành tựu như ý muốn. Ban Giáo Thọ giảng dạy năm nay gồm có: HT Huyền Tôn, HT Bảo Lạc, TT Như Điển, TT Quảng Ba, TT Phước Nhơn, TT Trường Sanh, TT Minh Hiếu, TT Tịnh Đạo, TT Thiện Hiền, TT Tâm Phương, ĐĐ Phổ Hương, ĐĐ Nguyên Tạng, ĐĐ Đạo Thông, ĐĐ Hạnh Phẩm, cùng với Thầy Cô hướng dẫn lớp thiếu nhi: ĐĐ Viên Trí, ĐĐ Hạnh Hiếu, ĐĐ Phổ Huân, ĐĐ Hạnh Tri, SC Nguyên Khai, SC Huệ Nghiêm…Phần tiếp theo là công bố thời khóa hiệu lệnh và nội quy khóa học, do Thượng Tọa Trường Sanh, Ban Giám Luật, tuyên đọc. Cuối cùng là lời đạo từ của Hòa Thượng Hội Chủ Thích Như Huệ. Ngài đã kính lời tri ân Hòa Thượng Thượng Thủ GHPGVN Trên Thế giới, và kính lời chào hỏi vấn an chư vị tôn đức cùng tất cả học viên tham dự. Ngài cho rằng đây là niềm vui lớn, diễm phúc cho khóa học chúng ta, do có sự chứng minh hiện diện của Hòa Thượng thượng Tâm hạ Châu. Ngài khuyên học viên: "Hãy như sư tử, không run sợ trước tiếng động. Hãy như luồng gió, không dính mắc trong màn lưới. Hãy như hoa sen, từ bùn nhơ nước đục mọc lên, nhưng không bị nước đục và bùn nhơ làm ô nhiễm. Hãy vững bước, đơn độc một mình, như con tê giác". Vậy đó là việc sách tấn tu học của mỗi chúng ta, rồi vì lý do sức khỏe, Ngài nhường lời cho HT Bảo Lạc, Phó Hội Chủ tiếp theo đạo từ. Cũng như HT Hội Chủ, HT Bảo Lạc khuyến tấn tinh thần học Phật của học viên để mong đáp đền ân chư tổ.
Một điểm đáng ghi nhận trong phần lễ khai mạc là lễ tấn phong nhị vị sư cô: Thích Nữ Như Lan (trụ trì Chùa Phước Trí, Vic) và Thích Nữ Như Tuyết (trụ trì Chùa Diệu Âm, Vic) lên hàng giáo phẩm Ni Sư. Kết thúc phần hành chánh khai mạc, đến đây là phần nghi lễ cầu nguyện cho khóa học được thành tựu viên mãn, cũng như hồi hướng công đức cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Lễ khai mạc hoàn mãn vào lúc 12:10 trưa cùng ngày trong không khí trang nghiêm và hoan hỷ.
Buổi học đầu tiên bắt đầu lúc 4 giờ chiều ngày 03 tháng 01 năm 2008 trong cái nóng oi bức của trưa hè Úc châu. Mặc dầu thời tiết khắc nghiệt, trên 300 hành giả vẫn chăm chú lắng nghe lời khai thị của HT Hội Chủ Thích Như Huệ, mặc dầu tuổi cao sức yếu, vẫn thùy từ lân mẫn đến khóa tu học khuyến tấn hành giả chỗ cốt lõi trên bước đường tấn đạo nghiêm thân. HT nhắc nhở hành giả nên quý trọng từng giây phút trong lúc được mang thân người, được nghe Phật pháp, được gần Chư Tôn Đức Tăng Ni, dùng thời gian ấy để nhất tâm niệm Phật, tu sửa thân tâm từ xấu đến tốt, từ dở đến hay, chuyển hóa tâm chúng sanh thành tâm Phật Bồ tát.
Cũng trong giờ khai thị này, TT Trưởng Ban Tổ Chức Thích Tâm Phương đã dùng những câu chuyện thiết thực đời thường để nhắc nhở hành giả sau khi tu học xong sẽ đem về được những gì để cho cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội an vui hơn, hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn. TT nhắc lại hạnh đức của Bồ tát Quan Thế Âm và khuyên hành giả thực hành phạm âm, hải triều âm, thắng bỉ thế gian âm.
Lúc 8 giờ tối cùng ngày, TT Như Điển đến từ Chùa Viên Giác, Đức Quốc, giảng khái quát về Tịnh Độ Tông Nhật Bản cho lớp A, trong khi TT Tịnh Đạo phụ trách lớp B. TT nhấn mạnh về năng lực chuyển hóa của lòng Từ bi và khuyến tấn hành giả nên tăng trưởng Tâm Tàm Quý. Hành giả biết hổ thẹn với mình với người, mới lo sám hối và nhân đó mới được giải thoát. Hành giả nương nguyện lực và tha lực để chuyển mê thành ngộ, chuyển thức thành trí, chuyển phiền não thành Bồ Đề. Tịnh Độ Tông Trung Hoa và Việt Nam chủ yếu ở Tín, Hạnh, Nguyện. Tịnh Độ Tông Nhật Bản bao gồm Nhất Tâm, Tín Nhạo, Dục Sanh, Nhiếp Thủ và Bất Xả; trong đó Nhất Tâm, Tín Nhạo và Dục Sanh là Tự lực, còn Nhiếp Thủ và Bất Xả nương vào Tha lực. Hành giả Nhất Tâm, một lòng chuyên trì danh hiệu Phật với một niềm tin vui vẻ (Tín Nhạo) và ý hướng muốn sanh về cõi giải thoát (Dục Sanh) sẽ được Đức A Di Đà, Quan Âm và Thế Chí tiếp dẫn về cảnh giới Vô Lượng Quang của Phật. Nương vào bổn nguyện của Như Lai và thần lực của chư Phật, được sự trợ duyên của thiện hữu tri thức, hành giả nhất tâm dụng công niệm Phật nhất định sẽ được vãng sanh.
Qua ngày thứ hai của Khóa Tu Học (ngày 4-1-08), trời còn mờ sáng, sương rừng lành lạnh, hàng trăm hành giả vân tập nơi Chánh Điện để được Chư Tôn Đức Tăng Ni hướng dẫn tụng thời công phu sáng trong tiếng chuông mõ trầm hùng. Sau đó, đại chúng kính cẩn lắng nghe lời khai thị của HT Bảo Vương. HT nhắc lại sơ lược lịch sử Phật giáo Việt Nam trải bao thăng trầm theo vận nước nổi trôi, và khuyến tấn hành giả nên nhất tâm chung sức chung lòng cùng Chư Tôn Đức Tăng Ni bảo vệ ngôi nhà Phật pháp để Chánh pháp được hoằng dương, chúng sanh được lợi lạc.
Tiếp theo là thời thiền hành buổi sáng quanh hồ nước thơ mộng, sắc vàng y của Chư Tôn Đức nổi bật dưới bầu trời xanh trong và bóng cây rừng râm mát. Màu lam thanh thoát của hàng Phật tử nối bước đoàn sứ giả Như Lai tạo nên một hình ảnh vui đẹp của Tăng già hòa hợp với tứ chúng đồng tu. Niềm an lành lợi lạc này bắt đầu xuyên suốt một ngày tu học đầy triển vọng với những buổi hội thảo sôi nổi, những buổi học giáo pháp thâm thúy và những thời tụng kinh bái sám thanh tịnh trang nghiêm.
Tiếp đó là buổi hội thảo Phật Pháp đầu tiên của Khóa Tu Học được HT Chứng Minh Thích Huyền Tôn chủ trì cùng TT Trường Sanh, TT Tịnh Đạo, TT Nhật Tân, ĐĐ Phổ Hương , ĐĐ Nguyên Tạng, ĐĐ Hạnh Hiếu & ĐĐ Phổ Huân. Hai mươi câu hỏi rất phong phú của học viên đã nêu lên về những điều về thực hành như tìm hiểu về thời mạt pháp, lịch sử về Thập Bát La Hán, ý nghĩa công phu khuya, Bát Quan Trai, ăn chay, niệm Phật, cầu siêu, hiến xác, v.v. Tình hình Phật giáo tại Việt Nam và Úc cũng như việc tổ chức Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam năm 2008 đã được thảo luận sôi nổi. Những câu hỏi sâu rộng hơn về Thiền, Tịnh, Mật cũng được Chư Tôn Đức giảng giải thỏa đáng.
Buổi học thứ hai của Khóa Tu Học vào ngày thứ sáu 04/01/2008 vào lúc 3 giờ chiều do HT Pháp Bảo hướng dẫn lớp A, trong khi TT Trường Sanh phụ trách lớp B. Mặc dầu trời oi nồng của buổi trưa hè, hàng trăm học viên vẫn chăm chú lắng nghe những lời pháp nhũ thấm mát trích từ Luận Đại Thừa Bảo Yếu do chính HT soạn dịch. HT giảng về Pháp An Ổn Vô Trụ, và nhấn mạnh là sở dĩ chúng sanh điêu linh thống khổ là do vướng mắc nhiều quá. HT xác định mục đích tu hành là để chuyển nghiệp, chuyển xấu thành tốt, chuyển dữ thành từ ái dịu dàng.
HT giải khi vô tình bỏ mất đi chỗ thấy tức là lìa cái thấy để có thể thấy không phải là cái thấy nữa. HT phân tích cái thấy chấp thủ với cái thấy chẳng phải cái thấy mà thấy, đó là chánh kiến.
HT khuyến tấn chúng con học hạnh Bồ-tát. Bồ-tát có 4 pháp: 1. Duyên sanh: các pháp đều có nhân duyên tạo tác.2. Không có pháp tự sanh, không có cảnh thú riêng; 3. Nếu pháp do duyên sanh, sanh ấy không có tự tanh; 4. Đối với pháp sâu mầu không có chỗ sai biệt, cũng không mất tánh Bồ Đề. Năm pháp an ổn là:1.Vô sở duyên; 2.Trí giải thoát vô sở duyên không hai; 3. Duyên pháp vô sanh; 4. Các pháp sở hữu chia làm nhiều phần đều không có tự tanh; 5. Trí như hư không. HT kết luận chúng con hãy lấy giáo pháp thậm thâm vi diệu làm gia bảo của chính mình. Sau buổi học là phần khai kinh lễ bái Ngũ Bách Danh để gieo kết duyên lành với Bồ-tát Quán Thế Âm vốn có nhân duyên cơ cảm với chúng sanh ở cõi Ta-bà này.
Buổi học thứ ba của Khóa Tu Học vào 8 giờ tối cùng ngày do TT Quảng Ba phụ trách lớp A, trong khi ĐĐ Nguyên Tạng giảng giải Kinh Sa Môn Quả cho lớp B. Nắng chiều còn vương trên lá cây rừng, cái nóng oi bức của mùa hè Úc châu vẫn chưa chịu nhường bước cho những làn gió hiếm hoi, như thử thách tấm lòng cầu Đạo giải thoát của hàng trăm học viên vân tập trong lớp học. Sau khi thăm hỏi và khuyến tấn học viên, TT Quảng Ba chỉ còn có 80 phút phù du để chuyển tải ý nghĩa sâu sắc của Kinh và hướng dẫn Phật tử ứng dụng Phật Pháp vào cuộc sống. TT đã soạn những bài kinh ngắn trích trong Bộ Trung A Hàmvà Tăng Nhất A Hàm do Ngài Cù Đàm Tăng Già Đề Bà dịch sang Hán tạng, và TT Thích Đức Thắng dịch ra tiếng Việt. Mặc dầu giới hạn về thời gian, nhưng TT cũng đã diễn giảng 3 bài Kinh cho lớp, đó là Kinh Châu Lợi Bàn Đặc, Kinh Người Nữ có 9 Nạn, và Kinh Amla Nữ. Qua bài Kinh Châu Lợi Bàn Đặc, Phật tử học được điều gì? Phật tử cần vô tâm học Đạo, một lòng cung kỉnh chư Tôn Đức Tăng Ni với tâm bình đẳng không phân biệt và tránh lỗi người không trí xét người có trí, tránh lỗi khen chê theo tư kiến hẹp hòi. Qua bài Kinh Người Nữ có 9 Nạn, chúng con cảm nhận ơn đức của Đức Phật đã quan tâm đến người nữ mà thương xót phân tích túc nghiệp của người nữ. Bài học rút ra là chúng con nên lắng nghe và mời người chỉ lỗi cũng như cám ơn người chỉ lỗi chứ không nên tự ái. Bài Kinh Amla Nữ nhắc nhở hành giả tinh cần nhiếp tâm an trụ, giữ chánh trí chánh niệm và giữ tâm thanh tịnh không ô nhiễm. Bài Kinh giáo giới các hành giả ứng dụng vào đời tu hạnh bố thí, hòa nhã, không keo kiệt và không sợ sệt. Ở giảng đường B, ĐĐ Nguyên Tạng với Kinh Sa Môn Quả, bản kinh được Đức Phật nói rõ kết quả tu tập của các bậc Sa Môn cho Vua A Xa Thế nghe. Vua A Xà Thế (Ajatasattu) vốn là con trai vua Bình Sa Vương và Hoàng hậu Vi Đề Hi. A Xà Thế chính là người đã hạ ngục và bỏ đói vua cha để đoạt ngôi. Ông còn cùng với Đề Bà Đạt Đa âm mưu hãm hại Phật, nhưng bất thành. Sau khi Đề Bà Đạt Đa qua đời, ông buồn rầu và hối hận về những tội ác mà mình đã làm. Trong một đêm trăng rằm khoảng tháng 11 dương lịch, bác sĩ Kỳ Bà (Jivaka Komarabhacca) đã đưa vua A Xà Thế đến viếng thăm Đức Thế Tôn, với hy vọng nhờ ân đức của Phật sẽ giúp cho nhà vua tìm được sự an tĩnh trong tâm hồn. Bằng những lời dạy đơn giản, Đức Thế Tôn đã soi sáng cho vua A Xà Thế thấy được giá trị chân thật của Chánh Pháp. Đức Thế Tôn đã dựng lại những gì đã ngã xuống, phơi bày những gì đã bị che kín, chỉ đường cho người lạc lối, soi sáng nơi tối tăm. Sau đó, vua A Xà Thế cầu xin Phật hoan hỷ nhận vua làm đệ tử tại gia của người. Đối với người đệ tử Phật, xuất gia hay tại gia, nên học kỹ bản kinh Sa Môn Quả này và hãy tinh tấn tu tập để đạt được những kết quả, những hoa trái an lạc, hạnh phúc ngay trong đời này và đời sau.
Ngày thứ ba (5-1-08) của khóa tu học bắt đầu bằng thời công phu sáng, tiếp theo là lời khai thị của HT Hội chủ. HT nhắc nhở hành giả nên nhiếp tâm chánh niệm trong mỗi hành động, lời nói và ý nghĩ. Sau đó là buổi thiền hành thường lệ, nhưng đặc biệt là HT Hội chủ, mặc dầu tuổi cao sức yếu, vẫn hướng dẫn Tăng Ni Phật tử từng bước khoan thai quanh hồ nước trong xanh, dưới tàng cây rừng cao rộng cho đến khi hoàn mãn, chứ không nghỉ sớm khi đi ngang qua liêu của Ngài như lời đề nghị của ban tổ chức vì lo lắng cho sức khỏe của Ngài. Điều này làm cho học viên vô cùng cảm kích.
Buổi hội thảo thứ hai vào buổi sáng ngày 05/01/2008 do HT Pháp Bảo chủ trì, cùng với TT Thiện Hiền, ĐĐ Hạnh Tri, ĐĐ Đạo Thông, ĐĐ Hạnh Phẩm & ĐĐ Đạo Hiếu. Hơn 20 câu hỏi đã được giải đáp, bao gồm những phương pháp điều phục Tâm, nên gần Thầy lành bạn tốt, những nơi sẽ đầu thai hoặc vãng sanh, và sự dị đồng giữa quả vị Phật và A La Hán. Điều quan trọng là áp dụng hành trì lời Phật dạy để đem lại an vui cho mình và người. Buổi học thứ tư của Khóa Tu Học vào lúc 3 giờ trưa ngày 05/01/2008 do TT Minh Hiếu phụ trách lớp A, và ĐĐ Hạnh Phẩm phụ trách lớp B. Cái nóng buổi trưa hè vẫn thử thách tấm lòng cầu Pháp của hàng trăm học viên. Tuy nhiên, khi TT Minh Hiếu nói về Thực Hành 9 Phép Lành trong Kinh Tăng Nhất A Hàm thì các học viên như quên đi thời tiết khắc nghiệt để chú tâm vào lời giảng. TT nhấn mạnh hạnh thiểu dục tri túc và tìm hỷ lạc ngay lúc này ở đây (hiện tại lạc trú). TT khuyên hành giả nên tự quyết định mình là ai? Có làm chủ được mình? Làm chủ thời gian? Làm chủ vận mệnh? TT kết luận nhân cách sống là hiểu biết sáng suốt và thương yêu, chính là Bi và Trí. Sau giờ học là thời kinh Ngũ Bách Danh, nhờ sự hướng dẫn của Ban Nghi Lễ, hành giả của khóa tu này đã tụng niệm đầy đủ 500 hồng danh của Đức Quán Thế Âm trong suốt 5 ngày.
Vào 8 giờ tối là buổi học thứ năm của Khóa Tu Học, khi bóng hoàng hôn dần buông xuống mà cái nóng nực oi nồng vẫn không giảm khắc nghiệt. ĐĐ Phổ Hương phụ trách lớp A, trong khi ĐĐ Đạo Thông phụ trách lớp B. Qua kinh nghiệm tu học của chính mình, ĐĐ Phổ Hương khuyến tấn hành giả nên thực hành ứng dụng lời Phật dạy để được lợi ích cho mình và người.
Thấm thoát mà đã đến ngày thứ tư của Khóa Tu Học, chỉ còn một ngày nữa là bế mạc! Thời gian sao qua nhanh thế! Buổi sáng ngày 06/01/2008, thay vì có thời công phu sáng, Chư Tôn Đức Tăng Ni vân tập về Chánh Điện để làm Lễ Tưởng Niệm Tân Viên tịch HT Linh Sơn, Dalat, để tri tán công đức tu hành, khai sơn lập tự, tiếp tăng độ chúng của bậc Trưởng lão. Nhờ đức kham nhẫn của Ngài mà trải qua bao thăng trầm của thế sự, bao nổi trôi của vận nước, ánh đuốc Từ Bi và Trí Huệ vẫn thắp sáng mãi mãi. Buổi hội thảo thứ ba và cũng là buổi hội thảo cuối cùng do TT Quảng Ba chủ trì, cùng với TT Minh Hiếu, TT Tâm Phương, ĐĐ Giác Tín, ĐĐ Viên Trí, ĐĐ Viên Thành và ĐĐ Đồng Thanh. Chỉ có hai tiếng rưỡi đồng hồ mà quý Thầy phải giải đáp gần 50 câu hỏi của học viên, trong đó những câu hỏi về kinh điển và thực hành được giải đáp trước, và những câu hỏi về tình hình Giáo Hội được giải đáp sau. Lời khuyên nhắc của TT chủ trì là hành giả nên dành nhiều thời gian hơn để thực hành Phật Pháp, nên tin cẩn quý Thầy đã thường trực tiếp hướng dẫn Phật tử trong việc hành trì hơn là chạy theo những dư luận, tin đồn trong thế giới ảo của những trang mạng.
Giờ ngọ trai cũng là buổi trai tăng cúng dường để học viên tỏ lòng tri ân cảm đức đối với Chư Tôn Đức Tăng Ni đã tạm gác việc chùa nơi trú xứ để câu hội về Khóa Tu Học mà tổ chức, điều hành, hướng dẫn, giảng dạy và sinh hoạt chung với hàng trăm học viên lớn nhỏ trong thời tiết nóng bức của mùa hè Úc châu. Toàn thể học viên nguyện kiên cố Bồ Đề Tâm, phước huệ song tu, miên mật thực hành lời giáo huấn để mong đền đáp ân sâu trong muôn một.
Buổi học thứ sáu và cũng là buổi học cuối cùng của Khóa Tu Học vào lúc 3 giờ chiều do HT Bảo Vương phụ trách lớp A và TT Thiện Hiền giảng dạy lớp B. HT diễn giảng đề tàiPhương Pháp Cứu Độ Thân Trung Ấm. HT định nghĩa và mô tả thân trung ấm, sau đó hướng dẫn người nhà cách cứu độ người thân vừa quá vãng. HT khuyến tấn hành giả nên thường xuyên quy y Tam Bảo và chí tâm niệm Phật sám hối bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Giờ học hết đã lâu mà học viên vẫn đặt nhiều câu hỏi như để níu kéo thời gian ngắn ngủi còn lại để được gần bậc Thầy mà nghe lời dạy bảo sâu mầu.
Thế nhưng đã đến giờ tụng kinh sám hối, và đến lúc hoàn kinh Ngũ Bách Danh, học viên Khóa Tu Học nhờ TT Trưởng Ban Tổ Chức đề nghị, Chư Tôn Đức hoan hỷ chứng minh, mà có đủ phước duyên tụng niệm đủ 500 hồng danh Đức Bồ-tát Quán Thế Âm.
Về phía lớp thiếu nhi, tre tàn măng mọc, sẽ rất thiếu sót nếu không chú ý đến những chồi non lộc mới, trong những khóa tu học trước của Giáo Hội, các em thiếu nhi được cha mẹ dắt theo và chưa có sinh hoạt nề nếp ổn định. Số lượng các em tham gia khóa tu càng lúc càng đông, nên quý Thầy Cô trong Ban Giáo Thọ chú tâm có lớp Giáo lý để hướng dẫn các em học hiểu Phật Pháp bằng tiếng Anh. Khóa tu năm trước ở Adelaide, có khoảng 50 em tu học. Năm nay, số lượng các em tăng hơn gấp đôi, có đến 104 em, lớn nhất bắt đầu năm thứ nhất Đại học Dươc khoa, nhỏ nhất khoảng 4, 5 tuổi. Vì vậy cho nên năm nay có đến 2 lớp thiếu nhi và 2 nhóm Giáo Thọ phụ trách các em, lớp từ 12 tuổi trở lên do TT Phước Nhơn cùng quý đại đức trẻ hướng dẫn, lớp nhỏ do hai Sư cô Nguyên Khai & Huệ Nghiêm phụ trách. Các em cũng có những lớp hội thảo Phật Pháp và học Giáo lý như các học viên "người lớn". Ngoài những giờ học, các em còn được các anh chị huynh trưởng Gia đình Phật tử hướng dẫn tập thể dục, vui chơi, sôi nổi hào hứng nhất là các em được bơi thuyền trên hồ trong đất trại. TT Quảng Ba trong Ban Giáo Thọ đã có lời khen ngợi sự thông minh của các em qua các câu hỏi đặt ra trong buổi hội thảo Phật Pháp, thí dụ như niềm tin Phật Pháp và khái niệm Thượng Đế, những câu hỏi thiết thực như quý Thầy có học võ không, tại sao quý Thầy Cô đốt liều trên đầu, tại sao quý Thầy được ngồi trên, v.v. và nghe đâu Ban Giáo Thọ còn nợ các em hơn 50 câu hỏi, xin hẹn khóa sau sẽ giải đáp và hy vọng mỗi em sẽ rủ thêm ít nhất là một bạn nữa để được lợi ích an vui trong khóa tu học.
Sự việc gì rồi cũng qua, rồi cũng kết thúc; thời gian bốn ngày sinh hoạt đã là ngắn, chắc chắn ai cũng nhớ đến đêm cuối cùng trên đất trại, một đêm sôi nổi và trầm lắng qua buổi Thiền trà văn nghệ do sự sắp xếp của TT Trường Sanh, ĐĐ Đồng Thanh cùng Đh Quảng Tịnh, đã làm cho chương trình "đại nhạc hội" Hoa Ngàn Thương mãi mãi khắc ghi vào lòng người xem, với những bản hợp ca hào hùng, những bài đơn ca thắm tình đạo vị, những màn ca vũ của các em thiếu nhi, hát bộ Bình Định, hài kịch Lan và Điệp tiếp tục nhiều tập, và có lẽ nổi bật nhất là vở kịch Quan Âm Thị Kính do đoàn kịch cây nhà lá vườn "Sóng Giang" trình diễn.
Tụ hội rồi để chia ly, cái gì đến đã đến, lễ bế mạc đã thông báo rồi, phút giây lưu luyến tha thiết tu học chỉ còn đọng lại trong lòng học viên. Tuy nhiên bốn ngày tu học vẫn là vừa phải, vì thời tiết không thuận lòng người, mà mùa nghỉ cuối năm cũng là thử thách phấn đấu, rời xa gia đình sống chung tập thể, thức khuya dậy sớm, đạm bạc cơm canh chay lạt. Như thế dù biết rằng có nuối tiếc lưu luyến khi chia tay, bù lại mới thấy những ngày tu học vô cùng quý báu. Hơn nữa đâu phải Phật pháp hạn cuộc không gian hoàn cảnh nơi đây nơi kia. Tất cả là phương tiện tu học mà thôi.
Lễ bế mạc cũng diễn ra ở Hội Trường nơi ban đầu khai mạc. Điều khiển chương trình là Thượng Tọa Trường Sanh, Thầy khéo léo giới thiệu niềm nở khiến buổi lễ vừa long trọng, vừa trang nghiêm. Mở đầu, Chư Tôn Đức cùng đại chúng niệm Phật cầu gia bị và một phút nhập từ bi quán để tưởng niệm ân đức Chư Liệt Tổ, những anh linh đã vì Đạo hy sinh, các anh hùng vị quốc vong thân cùng đồng bào tử nạn trong cuộc chiến và trên đường tìm tự do. Tiếp theo là phần tuyên bố bế mạc của TT Trưởng Ban Tổ chức. Rất ngạc nhiên, thay vì lên bục đọc diễn văn như thông lệ, Sư phụ Tâm Phương bắt nhịp đồng ca bài "Gặp nhau đây, rồi chia tay" sôi nổi. Kế đó là lời cảm niệm ân đức chư Tôn Đức Trưởng Lão đã bất từ bì quyện đến chia sẻ thời tiết nóng lạnh bất thường của Melbourne để khuyến tấn và hướng dẫn các học viên, cũng như tán thán công đức các học viên đã sắp xếp thời gian đến tham dự khóa tu. Qua phần báo cáo các ban, thì ban nào cũng hoàn chỉnh trách vụ một cách tốt đẹp. Thiện duyên làm sao chẳng có gì đáng tiếc xảy ra, ngoài những việc nhỏ nhặt không đáng kể. Bắt đầu là Ban Thư ký báo cáo phần việc của ban đã hoàn tất 373 chứng chỉ tu học, 50 bằng tán dương công đức để trao cho học viên trong lễ bế mạc, ban thư ký cũng thực hiện được 2 DVD hình ảnh của khóa tu để tặng cho học viên ngay sau lễ bế mạc. Tiếp theo Ban Giám Luật nhắc nhở học viên khi tham dự khóa tu nên theo nề nếp nhà chùa mà im lặng ăn trong chánh niệm và những việc khác cũng vậy. Thầy nhắc nhở giới luật là mạng mạch của Phật Pháp cho nên cần phải nghiêm như vậy. Sau đó là phần báo cáo của Ban Giáo thọ, với những bài kinh ngắn có thể áp dụng thiết thực trong cuộc sống hàng ngày của người Phật tử tại gia. Trong không khí trang nghiêm cảm động, Thầy Trường Sanh hát bài ca ngợi Mẹ hiền Quan Âm.
Riêng phần báo cáo của ban thủ quỹ chi thu, phải là quan trọng mà ai cũng muốn biết, ngân sách thế nào cho đến giờ chót bế mạc. Thế là khi báo cáo xong, mọi người nhẹ nhõm vỗ tay hoan hỷ; với số chi không vượt qua số thu.
Phần huấn từ của Hòa Thượng Chứng Minh Thích Huyền Tôn và phần tán dương công đức của Hòa Thượng Phó Hội Chủ Thích Bảo Lạc, ngài chủ yếu là tán dương công đức của quý học viên đã không vui chơi trong kỳ nghỉ cuối năm mà đến thức khuya dậy sớm tu tập theo thời khóa khá căng thẳng của khóa tu và ăn uống chay lạt đạm bạc. Sôi nổi hào hứng nhất là phần tán dương công đức Ban Trai Soạn đã thức khuya dậy sớm để chu cấp cho Chư Tôn Đức và quý học viên những bữa thanh trai sung mãn. Kế đến là các Ban Thư ký, nhiếp ảnh, hành đường, văn nghệ, y tế, đại diện mỗi ban được tặng một món quà đầy ý nghĩa đạo vị. Cuối cùng là lời giáo từ của HT Hội Chủ Thích Như Huệ, ngài đã bày tỏ lòng vui mừng sự thành tựu của khóa tu, HT đã nhấn mạnh: " Mặc dù tình hình của GHPGVNTN ở quốc nội cũng như hải ngoại, trong thời gian qua bị đánh phá nhiều mặt, gây hoang mang không nhỏ trong dư luận, và trong sự sinh hoạt tu học ở địa phương chúng ta. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Điều Hành Giáo Hội Úc châu và dưới sự hướng dẫn tu học, biết áp dụng lời Phật dạy vào cuộc sống hằng ngày của Chư Tôn Đức Tăng Ni các tự viện. Tăng Tín đồ thuộc GHPGVNTNHN UĐL TTL chúng ta vẫn giữ vững được lập trường ủng hộ nhị vị Hoà Thượng lãnh đạo, luôn hướng về Giáo hội Mẹ tại quê nhà, và tinh thần tu tập có chiều hướng tinh tấn hơn, điển hình là khoá tu học năm nay, số lượng học viên so với 6 khoá vừa qua, đã vượt kỷ lục rất nhiều".
Điều mong mỏi của các học viên, hay đúng hơn là chưa mong cầu mà được, là chứng chỉ tham dự Khóa Tu học. Trước hết các học viên thiếu niên được mời đứng lên (vì các em đi theo đơn vị chùa nên sẽ lãnh chứng chỉ theo từng chùa) để được Chư Tôn Đức chứng minh công đức. Kế đó lần lượt các học viên theo đơn vị chùa được mời lên để lãnh chứng chỉ và chụp hình lưu niệm, và được tặng những món quà pháp bảo đầy ý nghĩa.
Sau khi hồi hướng công đức, Phật đường trang nghiêm được thu dọn để trả lại cảnh trí ban đầu. Đoàn xe đưa học viên trở về với đời sống thường ngày, với những bận rộn lo toan của cuộc mưu sinh, nhưng chắc chắn trong lòng mỗi học viên còn vang đọng dư âm của lời kinh tụng buổi sáng, lời bái sám buổi chiều, cũng như những lời thuyết giảng tận tâm của quý vị giáo thọ, sẽ là món tư lương để cuộc sống an lạc hơn, hữu ích hơn. Hình ảnh của toàn khóa học đã được phổ biến tại trang nhà: www.quangduc.com, quý học viên và gia đình có thể vào xem.
Khóa tu học kỳ 7 đã khép lại trong niềm luyến tiếc, nhưng Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu kỳ 8 lại mở ra và chuyển về một tiểu bang khác, được biết khóa tu học kế tiếp sẽ được tổ chức tại Sydney, tiểu bang NSW. Giáo Hội đã thỉnh cử HT Bảo Lạc, TT Phước Nhơn, TT Thiện Hiền, TT Minh Hiếu làm cố vấn, ĐĐ Hạnh Hiếu làm Trưởng Ban, và 3Đại Đức Đạo Thông, Hạnh Tri, Đồng Thanh làm Phó Trưởng Ban cho khóa tu học. Nhưng trước mắt, xin hẹn tất cả hành giả ham tu hiểu học về tham dự Khóa An Cư Kiết Đông của Giáo Hội từ ngày 03 đến ngày 13 tháng 7 năm 2008 tại chùa Linh Sơn, vùng Resevoir, tiểu bang Victoria. Quý Phật tử tại gia xa gần có thể ghi danh để tùng chúng tu học, để có cơ hội nghe pháp, tụng kinh, hành thiền, làm công quả trong 10 ngày hoặc những ngày rảnh theo khả năng và điều kiện của mình. Xin liên lạc trực tiếp Chùa Linh Sơn số 03. 9462 1799 hoặc đăng ký trực tiếp ngay tại tự viện địa phương của mình. Chúc nguyện tất cả vô lượng an lạc trong niềm tin yêu thương của Chánh Pháp.
Nam Mô A Di Đà Phật
Lễ trồng cây Bồ Đề tại Tu Viện Quảng Đức
Chủ nhật, 30-12-2007, nhằm ngày 21-11-Đinh Hợi
Đối với hàng Phật tử tại Ấn Độ và khắp năm châu bốn biển, cây bồ-đề có ý nghĩa tượng trưng cho cuộc đời Đức Phật và sự giác ngộ tối thượng của Ngài. Cây Bồ Đề được xem là nơi cội nguồn phát sinh ra Đạo Phật, nếu không có cội Bồ Đề, có thể không có Phật Giáo trên thế gian này, thật vậy sau khi Đức Phật Thích Ca ngồi thiền suốt 49 ngày đêm dưới cội Bồ Đề tại Bodhgaya, vùng đông bắc Ấn Độ, cây bồ đề đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng cao quý và được kính ngưỡng chiêm bái suốt hơn 2000 năm qua. Nay Tu Viện Quảng Đức có đủ phước duyên xin được hạ thổ cây bồ đề cao quý này ngay trong khuôn viên của Tu Viện để cho hàng Phật tử địa phương nơi đây chiêm bái.
Hôm nay, ngày 21-11 âm lịch, cũng là ngày húy nhật của Tổ Thiệt Diệu Liễu Quán, một vị Tổ thuộc dòng Lâm tế chánh tông đời thứ 35, ngài sinh ra tại tỉnh Phú Yên, miền trung nước Việt, qua quá trình tu học và hành đạo, cuối cùng đắc pháp nhiệm mầu với Thiền sư Tử Dung. Trong lịch sử của PGVN, ai cũng biết, nếu ở đàng Ngoài, thiền sư Chân Nguyên được xem như là nhân vật then chốt cho cuộc phục hưng Chánh pháp ; thì Tỗ Liễu Quán của chúng ta được xem là nhân vật lừng danh trong công cuộc chấn hưng Phật Pháp ở đàng Trong.
Trước khi viên tịch vào mùa đông năm 1742, nhằm ngày 21 tháng 11 âm lịch, tại tổ đình Viên Thông, ngài đã để lại bài kệ truyền thừa như sau:
Ngoài bảy mươi năm trong thế giới,
Không không, sắc sắc đã dung thông,
Hôm nay nguyện mãn về chốn cũ,
Nào phải ân cần hỏi tổ tông?
Thiệt Tế Đại Đạo,Tánh Hải Thanh Trừng,Tâm Nguyên Quảng Nhuận,Đức Bổn Từ Phong,Giới Định Phước Tuệ,Thể Dụng Viên Thông,Vĩnh Siêu Trí Quả,Mật Khế Thành Công,Truyền Trì Diệu Lý,Diễn Xướng Chánh Tông,Hành Giải Tương Ưng,Đạt Ngộ Chơn Không.
Hằng năm, tùy theo hoàn cảnh của hàng đệ tử trong thiền phái, chúng ta là hậu duệ, đều tổ chức ngày Giổ Tổ để kỷ niệm ân đức cao dày của Ngài, và cũng là mục đích nhắc nhở cho đàn hậu tấn biết về sự công hạnh tu tập của Thiền Phái Liễu Quán.
Hôm nay ngày giỗ lần thứ 265 và là ngày giỗ đầu tiên được tổ chức khiêm tốn tại Tu Viện Quảng Đức, ngày 21-11-âmlịch, Đinh Hợi, ngày hôm nay cũng là ngày húy nhật lần thứ 35 của Cố Đạo Hữu Tâm Thắng Võ Thống, là thân phụ của TT Trụ Trì Thích Tâm Phương và chúng con.
Giờ đây trong không khí trang nghiêm, lễ nghi đã như pháp chúng con, xin cung thỉnh TT Trụ Trì Tâm Phương, khai sơn tvQuang Đức, cùng TT Thích Trường Sanh, Phó Hội Chủ của GH, kiệm viện chủ Chùa Giác Nhiên, Tân Tân Lan cùng sự chúng minh tham dự của chư Tôn Đức và quý Phật tử cùng hạ thổ Cây Bồ Đề này để đánh dấu ký niệm lễ giổ huý nhật của Tỗ Liễu Quán lần đầu tiên tại TVQĐ, cũng là kỷ niệm Khóa TU HOC PP UC CHAU Ky 7 của Hội
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Ông bà Giáo Sư Đặng Văn Biên đã biếu tặng Tu Viện Quảng Đức cây Bồ Đề này, được chiết từ cây gốc Bồ Đề bên Ấn Độ.
Một lần nữa, chúng con cung thỉnh TT TP và TT Trường Sanh bắt đầu hạ thổ cây Bồ Đề trong tiếng niệm Phật của Chư Tôn Đức và Phật tử.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Tư lương giải thoát
Nương đức Tăng Ni học Đạo Như
Về tu vân tập mấy trăm dư
Bánh xe chuyển Pháp thường thường chuyển
Sen thắm trừ mê tịnh tịnh trừ
Sa mạc khổ đau làm nước mát
Trùng dương hệ luỵ tạo thuyền từ
Tư lương an lạc dần thanh thoát
Tâm trải vô cùng bao thái hư
Viết về Cây Bồ Đề nhân Ngày Phật Thành Đạo
Cách đây gần 26 thế kỷ, một thanh niên rời bỏ cha già, vợ đẹp, con ngoan, xa lìa cuộc sống vương giả, địa vị cao cả uy quyền, để dấn thân vào rừng sâu núi thẳm, nước độc khí thiêng, để mong tìm con đường giải thoát muôn linh ra khỏi khổ đau, sanh, già, bệnh, chết. Một ngày kia, bậc người cao tột ấy đến bên bờ sông Ni Liên, dưới cội Bồ Đề, lấy cỏ kushi (Trung Hoa dịch là cỏ kiết tường) trải làm tọa cụ, yên lặng ngồi nhập định và Thành Đạo Chánh Đẳng Chánh Giác.
Đã có rất nhiều văn, thơ, nhạc, họa, viết về Đức Bổn Sư Từ Phụ, nay nhân Ngày Thành Đạo, con xin trích dịch bài kinh về Cây Bồ Đề, Bodhi Vandana (Salutation to the Bodhi Tree), trong quyển "Daily Buddhist Devotions" do Ngài Venerable K. Sri Dhammananda biên soạn, xuất bản năm 1991 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ngài đã dẫn giải ý nghĩa Lễ kính Cây Bồ Đề và dịch ra tiếng Anh hai bài kinh về Cây Bồ Đề bằng tiếng Pali.
Bodhi Vandana
(Salutation to the Bodhi Tree)
The Bodhi Tree, under which the Buddha gained Enlightenment, is an object of veneration to Buddhists. It is commonly known as "Pipphal" tree and its botanical name is Ficus religiosa. Even before the Buddha's Enlightenment, this tree was long regarded as a holy tree in India.
After His Enlightenment, the Buddha showed His gratitude to this tree by gazing at it fondly and fixedly from a distance for one whole week upon getting up from His seat of Enlightenment. On another occasion, the Buddha advised His followers to plant a Bodhi Tree to represent Him during His absence.
Ever since, the Buddhist world has been venerating this sacred tree which represents the Enlightenment of the Master. A firm belief prevails among Buddhists that certain Devas protect and influence the vicinity wherever a Bodhi tree is situated and venerated. Those who fail to grasp the symbolism of such veneration criticise the Buddhist community for being tree worshippers.
Phật tử thờ kính Cây Bồ Đề là nơi Đức Phật Thành Đạo. Thông thường được biết đến như một cây thuốc và tên khoa học là Ficus religiosa. Ngay cả trước khi Đức Phật Thành Đạo, cây Bồ Đề đã được xem là một cây linh thiêng tại Ấn Độ.
Sau khi Thành Đạo, Đức Phật đã tỏ lòng biết ơn cây Bồ Đề bằng cách nhìn thân mến và chăm chú cây này từ xa trọn một tuần lễ sau khi rời khỏi tòa Giác Ngộ. Vào một dịp khác, Đức Phật có khuyên đệ tử nên trồng Cây Bồ Đề để tưởng nhớ đến Ngài khi Ngài đi vắng.
Từ đó, giới Phật tử cung kính cây Bồ Đề linh thiêng này tượng trưng Chánh Giác của Đấng Đạo Sư. Giới Phật tử cũng tin tưởng vững chắc rằng chư Thiên bảo hộ và gia bị những nơi có trồng và kính lễ cây Bồ Đề. Những ai không hiểu được ý nghĩa sâu xa mầu nhiệm của sự tôn kính cây Bồ Đế có thể chỉ trích Phật giáo đồ thờ cây cỏ.
Sau đây là bài kinh thứ nhất về Cây Bồ Đề bằng tiếng Pali:
Yassa mule nisinnova
Sabbari vijayam aka
Patto sabbannu-tam sattha
Vande tam Bodhi padapam
Seated at whose base the Teacher overcame all foes, attaining Omniscience, that very Bodhi-Tree do I venerate.
Con xin tạm dịch là:
Tại Bồ Đề thọ hạ
Đạo Sư đắc Phật quả
Đại thắng chư nghịch chướng
Chúng đẳng thành kính lễ
Năm xưa dưới cội Bồ Đề
Bổn Sư tìm được lối về Chơn Như
Tà ma nghịch chướng tận trừ
Con xin kính lễ khoan thư tâm thành
Bài kinh thứ hai, cũng bằng tiếng Pali:
Ime ete maha Bodhi
Loka nathena pujita
Ahampi te namassami
Bodhi Raja namatthu te
This great Tree of Enlightenment, the Lord of the world reverenced, I too shall salute you. May there be homage to you, O great Bodhi.
Con xin tạm dịch là:
Dĩ thử Đại Giác Thọ
Thiên Nhân Sư chiêm ngưỡng
Ngã nguyện đương lễ kính
Cúng dường Đại Bồ Đề
Chính Cây Đại Giác này đây
Ngày xưa đã được Bậc Thầy quý thương
Con nay cung kính cúng dường
Bồ Đề là chỗ con nương trở về
o0o
Không thể không nhắc đến hai bài kệ nổi tiếng của hai Ngài Thần Tú và Huệ Năng về Cây Bồ Đề. Nhưng ý nghĩa thâm huyền của câu "Bồ Đề bổn vô thọ" vượt ra ngoài giới hạn của bài viết này, nên con chỉ xin nhắc đến một giai thoại trong lịch sử truyền thừa Phật Pháp mà thôi.
o0o
Ngày nay, người con Phật, xuất gia cũng như tại gia, muốn nhiếp tâm gìn giữ chánh niệm thì mỗi mỗi cử động đều nhớ một bài kệ và một câu chú. Đây là bài kệ và câu chú khi chuẩn bị ngồi thiền, nhắc đến tòa Bồ Đề là nơi Đức Phật Thành Đạo:
Phu đơn tọa thiền
Nhược phu sàng tọa
Đương nguyện chúng sanh
Khai phu thiện pháp
Kiến chân thật tướng
Chánh thân đoan tọa
Đương nguyện chúng sanh
Tọa bồ đề tòa
Tâm vô sở trước
Án phạ tắc ra, a ni bát ra ni, ấp đa da sa ha (3 lần).
Bày đơn ngồi thiền
Bày giường ghế ra
Nên nguyện chúng sanh
Mở bày thiện pháp
Thấy được thật tướng.
Thẳng mình ngồi ngay
Nên nguyện chúng sanh
Ngồi tòa bồ đề
Tâm không vướng mắc.
Án phạ tắc ra, a ni bát ra ni, ấp đa da sa ha (3 lần).
Vì những ý nghĩa thâm thuý này nên hầu như trong tất cả các ngôi chùa đều có trồng Cây Bồ Đề để nhớ lại nơi Đức Bổn Sư đã Thành Đạo và nhắc hàng Phật tử chúng con luôn giữ Tâm an lạc, kiên cố Tâm Bồ Đề, cần cầu Chánh Pháp và vững bước đi trên con đường Giác Ngộ theo gương Phật Tổ cho đến ngày viên mãn chí nguyện Như Lai.