Vấn đề hôn nhân khác tôn giáo và việc giao lưu giữa Phật giáo và Cơ Đốc giáo
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và Linh Mục Phạm Ngọc Khuê, đại diện cho tòa Giám mục Phát Diệm trả lời về vấn đề hôn nhân khác tôn giáo và việc giao lưu giữa Phật giáo và Cơ Đốc giáo trong buổi viếng thăm nhà thờ Phát Diệm ngày 30/04/2007 lúc 9 giờ sáng:
Sáng ngày 30/04/2007 lúc 9 giờ, thiền sư Nhất Hạnh cùng phái đoàn tăng thân quốc tế Làng Mai đã đến viếng thăm nhà thờ Phát Diệm. Thiền sư và tăng thân đã được các linh mục, các nữ tu và các giáo dân tiếp đón rất trọng thể. Trong số các linh mục có mặt, có linh mục Phạm Ngọc Khuê, đại diện cho tòa giám mục Phát Diệm. Các nữ tu đã hát những bài hát chào mừng chúc tụng và một ban hợp ca gồm có khoảng 30 thanh niên và thiếu nữ cũng đã hiến tặng nhiều bài thánh ca rất linh động. Trong lời chào mừng linh mục Phạm Ngọc Khuê đã nói rằng đây là một cuộc viếng thăm lịch sử của một phái đoàn Phật giáo quốc tế như thế tại nhà thờ Phát Diệm và thỉnh mời thiền sư Nhất Hạnh phát biểu đôi lời về vấn đề giao lưu giữa Phật giáo và Cơ Đốc giáo. Đây là những phát biểu của thiền sư Nhất Hạnh và đáp từ của Linh Mục Phạm Ngọc Khuê.
Sư Ông Làng Mai:
Kính thưa các bạn, tôi đã từng có dịp đọc Phúc Âm với con mắt của một thiền sư. Chúng tôi đã từng có giao lưu với các linh mục và các vị mục sư. Chúng tôi đã từng sinh hoạt chung, những sinh hoạt này không phải chỉ là trao đổi ý kiến và kinh nghiệm mà còn là sống chung và tu tập chung. Chúng tôi xin phát biểu trên cơ bản đó. Chúng tôi cũng đã tham dự nhiều buổi họp, nhiều hội nghị đối thoại giữa đạo Phật, đạo Ki Tô và những đạo khác.
Tôi nhớ ngày xưa có một thiền sư Việt Nam đã đọc kinh Dịch và đã trình bày kinh Dịch theo cái nhìn của một thiền sư. Ngày xưa tôi đã hứa với một số các bạn trẻ là sẽ trình bày Phúc Âm qua cái nhìn của thiền quán và may mắn là tôi đã làm được việc đó. Trong thời gian 40 năm ở nước ngoài chúng tôi đã từng ngồi thiền với các vị linh mục và các vị mục sư. Chúng tôi đã cùng hoạt động cho hòa bình, và trong khi hoạt động cho hòa bình chúng tôi có cơ hội chia sẻ với nhau những tuệ giác của chúng tôi về truyền thống mình. Trong quá trình giao lưu, tôi có viết được những tác phẩm có tính cách đối thoại giữa những người theo Phật giáo và những người theo Ki Tô giáo.
Cuốn sách đầu tiên mà chúng tôi xuất bản về đề tài này là “Living Buddha, Living Christ”. Bản Hoa Ngữ mang tên là “Sinh Sinh Ki Tô, Thế Thế Phật” dịch ra tiếng Việt là: “Bụt Ngàn Đời, Chúa Ngàn Đời”, nghĩa là “Bụt Bất Tử, Chúa Bất Tử.” Cuốn sách đó là kết quả của một khóa tu mà chúng tôi tổ chức tại Đức, trong đó có 50% là Phật tử và 50% là tín hữu Ki Tô giáo. Chúng tôi đã gom lại những bài thuyết giảng và làm thành cuốn sách Living Buddha, Living Christ. Cuốn sách này đã đi rất xa, đã đi vào các tu viện kín và chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều thư các Cha và các Xơ từ các tu viện kín. Cuốn sách đó giúp cho người Phật Tử hiểu thêm đạo Ki Tô và giúp người Ki Tô hiểu thêm về đạo Phật. Công đức của sách này rất lớn. Ban đầu người ta đọc chỉ vì tò mò thôi, nhưng nhờ sự tò mò đó mà có cơ hội hiểu được một nền đạo đức mà lâu nay mình chỉ có một ý niệm mơ hồ.
Sau cuốn Living Buddha, Living Christ thì chúng tôi có cuốn Going Home, Buddha and Jesus as Brother. (Chúng ta hãy về nhà đi thôi, Bụt và Chúa là hai anh em). Sách này cũng được đón nhận một cách rất nồng nhiệt ở trong giới độc giả Tây Phương, Phật Tử cũng như Cơ Đốc giáo.
(Hình bên: bức tranh Bụt và Chúa treo tại trai đường Xóm Mới, Làng Mai)
Ở Mai Thôn Đạo Tràng tại Pháp, mỗi năm đến ngày giáng sinh, chúng tôi luôn luôn tổ chức lễ Giáng Sinh rất long trọng, tại vì đa số các thiền sinh đều có nguồn gốc Ki Tô giáo. Ngày giáng sinh rất nhiều thiền sinh Tây phương về Đạo Tràng Mai Thôn như con cháu về nhà tổ phụ. Vì vậy vào đêm Giáng Sinh tôi luôn luôn giảng một bài về Phật và về Chúa. Tôi nhớ có một linh mục tên là Thomas Kwan người Hồng Kông đã nghe được nghe một bài như vậy và vị linh mục này thấy rất tiếc, vì hôm đó chỉ có 600 người được nghe. Linh mục nói: “Tất cả các tín hữu Cơ Đốc giáo trên thế giới phải được nghe bài này. Để có thể thấy rõ Chúa và con đường của mình hơn”. Tôi đã sưu tập được 10 bài giảng Giáng Sinh như thế, làm được cuốn sách thứ hai gọi là Chúng ta hãy về nhà đi thôi, Bụt và Chúa là hai anh em.
Rất tiếc là hai cuốn nói trên chưa được dịch ra tiếng Việt . Những người đến với chúng tôi trong các khóa tu tại Mỹ Châu và Âu Châu, đại đa số là những người tín đồ Công giáo, Tin Lành và Do Thái giáo. Chúng tôi khuyên họ không nên bỏ đạo gốc của mình. Chúng tôi biết do kinh nghiệm khi một con người mất gốc thì người đó không bao giờ có hạnh phúc thật sự được. Vì vậy khi họ tới thực tập theo pháp môn của đạo Phật chúng tôi yêu cầu họ đừng bỏ gốc rễ của họ và khuyên họ sau khi tu tập thành công rồi, khi đã chuyển hóa được những bức xúc, khó khăn và giận hờn rồi thì hãy về với truyền thống của mình và hãy giúp truyền thống mình làm mới lại. Thanh niên bây giờ thấy được là giáo đường, nhà thờ chưa cung cấp được những giáo lý và những thực tập có thể đáp ứng được những khổ đau, những bức xúc của họ. Vì vậy không chỉ đạo Phật phải làm mới mà đạo Ki Tô cũng phải làm mới thì mới đáp ứng được những nhu yếu của người trẻ hôm nay. Giới trẻ hôm nay bỏ nhà thờ mà đi rất đông.
Điều tôi nói cũng rất trung thực với giáo lý của Phật tại vì Phật giáo luôn luôn có thái độ rất cởi mở, phá chấp. Mình không nên bám víu một giáo điều cho đó là chân lý tuyệt đối và để rồi xem các giáo lý khác là tà đạo.
Vì vậy thái độ của người Phật Tử là giang tay ra ôm lấy tất cả mọi người. Tình yêu trong đạo Phật là “Từ Bi Hỷ Xả.” Xả có nghĩa là inclusiveness, không loại trừ bất cứ người nào ra khỏi tình thương của mình, dù người đó không phải là đồng bào của mình, không phải theo tôn giáo của mình. Tiếng pháp dịch là équanimité. Tôi quyết hành động theo tinh thần này tại vì hồi xưa các giáo sĩ tới Việt Nam truyền đạo đã bắt người Việt mình phải bỏ đi tôn giáo gốc của mình và điều đó đã gây đau khổ kkhông ít.
Những người có gốc gác Cơ đốc giáo tới tu tập với chúng tôi rất hạnh phúc vì họ có cảm tưởng là họ được công nhận 100%, họ không cần phải từ bỏ niềm tin của họ, gốc gác văn hóa của họ. Sau một thời gian thực tập, họ có thể thấy, khám phá ra được những châu báu trong truyền thống của họ mà trước đây họ chưa thấy. Nhờ tiếp xúc với đạo Phật mà họ trở về và khám phá ra những châu báu trong các gia sản tâm linh ở Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo. Điều đó làm chúng tôi rất vui mừng.
Chúng tôi thường hay nói với các bạn Cơ Đốc giáo là cõi Tịnh Độ hay cõi Niết Bàn có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Nếu chúng ta có trái tim tinh khiết, trái tim có năng lượng của niệm, định và tuệ, nếu chúng ta có mặt đích thực trong giây phút hiện tại thì chúng ta có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của thế giới Cực Lạc, của Tịnh Độ có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Chúng ta không cần phải chết đi mới sinh về Tịnh Độ, mà có thể đi vào trong Tịnh Độ bằng mỗi bước chân, ngay bây giờ và ở đây. Giáo lý ấy được thực tập tại Mai Thôn Đạo Tràng, và chúng tôi cũng đã chia sẻ cho các bạn Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo. Chúng tôi nói rằng các bạn không cần phải chết đi mới đi về nước Chúa. Nếu các bạn có tình thương, có ý thức sáng tỏ, có tâm rộng mở thì mỗi hơi thở và mỗi bước chân có thể đưa các bạn vào nước Chúa trong giây phút hiện tại. Thiên Quốc có mặt trong giây phút hiện tại. Trong đạo Phật các vị tổ có nói rằng Tịnh độ và Phật nằm trong trái tim của mình. Phúc Âm cũng nói như thế, Thiên Quốc nằm trong trái tim của mình và vì vậy mình đi tìm thiên quốc hay tịnh độ nơi khác và thời khác thì có thể sai.
Khoa học lượng tử bây giờ bắt đầu dùng danh từ phi cục bộ, tiếng Anh là “non-local”. Cái thực tại lượng tử là phi cục bộ, chúng ta không thể nào xác định vị trí của một lượng tử trong thời gian hoặc không gian. Bản chất của lượng tử là phi cục bộ. Chúng tôi nghĩ rằng ngôn ngữ ấy chúng ta có thể áp dụng cho Phật độ và cho Thiên Quốc. Thượng Đế, hay Thiên quốc là những thực tại phi cục bộ, chúng ta không thể xác định vị trí của nó trong không gian và thời gian, tại vì nó nằm trong trái tim của mình. Khi trái tim của mình đã sẵn sàng rồi thì là mình đang ở trong Thiên quốc, đang ở với Thượng Đế, không cần phải trông chờ điều đó trong tương lai. Chúng ta tu như thế nào, thực tập như thế nào để Thiên quốc có mặt trong giây phút hiện tại. Chúng ta tu như thế nào, thực tập thế nào để tịnh độ có mặt trong giây phút hiện tại.
Và hạnh phúc không cần chờ đến tương lai. Hiện pháp lạc trú là một giáo lý Phật giáo. Nhà văn André Gide có nói một câu làm tôi rất thích. Ông nói Thượng Đế tức là hạnh phúc ( Dieu est bonheur ). Và ông nói thêm một câu nữa: “Thượng Đế có mặt cho chúng ta 24 giờ một ngày ...”. Những câu nói đó rất phù hợp với giáo lý đạo Phật. Nếu chúng ta đi sâu vào Phúc Âm, chúng ta cũng thấy chân lý đó, nghĩa là nếu chúng ta đem tâm trở về với thân mà nhận diện được tất cả những cái mầu nhiệm đang có mặt trong ta và xung quanh ta thì lúc đó ta đang ở trong Thiên quốc và ta đang tiếp xúc sâu sắc với Thượng đế. Nếu nhà thờ và nhà chùa có thể cung cấp được những giáo lý đó và đưa ra những phương pháp thực tập để con người có thể sống an lạc và hạnh phúc trong giây phút hiện tại thì người ta sẽ không cần đi tìm hạnh phúc ở sắc dục, tiền tài và danh vọng.
Trong Phúc âm có câu chuyện một bác nông phu khám phá ra được một kho tàng chôn giấu ở trong một đám ruộng và sau đó đi về và bán đi những khu ruộng khác để chỉ mua một đám ruộng đó. Khi chúng ta đã tu và tiếp xúc được với nước Chúa và Chúa rồi thì chúng ta đâu cần những cái khác nữa, chúng ta đâu cần danh, không cần lợi, không cần sắc dục, không cần quyền lực, vì chúng ta đã hạnh phúc chán. Vì vậy cái giáo lý nào và sự thực tập nào giúp cho ta tiếp xúc được với Thiên chúa trong giây phút hiện tại thì đó là kho tàng châu báu của chúng ta. Hạnh phúc ấy chúng ta có thể đạt được trong giây phút hiện tại, không cần phải chết đi mới có. Nói chuyện với các bạn Do Thái giáo và Ki Tô giáo chúng tôi cũng chia sẻ cách thực tập, mỗi hơi thở mỗi bước chân của mình có thể đưa mình vào Thiên quốc mà đừng trông chờ Thiên quốc ở tương lai.
Tôi nhớ có một lần thăm viếng Đại Hàn tôi được tham dự vào một buổi giao lưu giữa người Kitô giáo và người Phật tử: đó là lần đầu tiên mà người Phật tử và người Cơ Đốc giáo tới với nhau. Tôi có đưa ra vấn đề có những thanh niên thiếu nữ khác tôn giáo yêu nhau. Bên này bắt bên kia phải bỏ đạo, phải chọn lựa.Đó là một vấn đề còn tồn tại ở nhiều nước và ngay trong nước Việt Nam chúng ta. Và biết bao nhiêu cặp thanh niên thiếu nữ đã đau khổ tại vì thế.
Tôi nghĩ rằng một người có thể rất hạnh phúc khi có hai gốc rễ, một gốc rễ Cơ đốc giáo và một gốc rễ Phật Giáo. Hai cái đó không nhất thiết phải loại trừ nhau. Tại vì mình hẹp hòi cho nên mình mới thấy hai cái khác nhau chống đối nhau. Nhưng nếu mình vượt lên, thấy được hai truyền thống có thể bổ túc cho nhau thì mình sẻ có một thái độ cởi mở hơn.
Trong số các đệ tử của tôi có rất nhiều các thầy các sư cô có gốc Cơ đốc giáo và Do Thái Giáo, nhưng họ hạnh phúc vô cùng khi được tu tập và ôm ấp luôn cả hai truyền thống. Ngay trong phái đoàn của chúng tôi có mặt hôm nay có một vị đại đức ngày xưa đã từng làm linh mục. Vị linh mục đó tới với đạo Phật và khám phá ra những phương pháp thực tập rất thiết thực có thể thực hiện được lý tưởng của Cơ đốc giáo. Chúng ta thấy có hai gốc rễ đôi khi lại hay hơn có một gốc rễ và vì vậy ngay trong đại hội đó tôi đã đề nghị khi hai thanh niên yêu nhau, một người thuộc về Cơ đốc giáo, một người thuộc về Phật Giáo thì cả hai gia đình nên cho họ cưới nhau với điều kiện hai bên công nhận truyền thống của người bên kia và nếu người con trai là Cơ Đốc Giáo và người con gái là Phật Giáo thì người con gái phải học thêm Cơ Đốc Giáo và người con trai phải học thêm Phật Giáo. Và đến ngày chủ nhật thì hai người cùng đi nhà thờ, đến ngày mồng một và ngày rằm thì hai người cùng đi Chùa.
Và điều đó là điều chúng tôi đã thực hiện được ở Tây Phương. Tại sao chúng ta phải để cho các bạn trẻ tiếp tục đau khổ năm này qua năm khác ?. Và đó là tinh thần cởi mở mà chúng tôi đã thấy được rõ ràng khi đọc kinh Phật và kinh Thánh. Hôm nay tôi xin nói ra vài cái thấy của tôi cũng như một món quà hiến tặng qúy vị có mặt ở đây.
Sư cô Chân Không hỏi:
Như Sư ông đề nghị tức là khi một người Công giáo và một người Phật giáo thương yêu nhau thì người Phật tử nên học hỏi những gì tinh ba nơi Công giáo và gia đình phải đi nhà thờ vào những ngày Chủ nhật và đi chùa vào mồng một và ngày rằm. Con xin hỏi là quý vị linh mục có chấp nhận được như vậy không? hay là người Phật tử chỉ phải theo đạo của người chồng, phải làm lễ rửa tội và phải từ bỏ đạo Phật? Con xin hướng câu hỏi này về cho các vị Tôn đức bên phía Công Giáo.
Cha Phạm Ngọc Khuê trả lời:
Đây là một câu hỏi có thể nói là thật sự rất tế nhị và rất thời sự. Trước hết tôi xin được nêu lên nguyên tắc về giáo luật và kinh thánh. Thiên chúa không bao giờ ngăn cản con người tự nguyện nhất là trong việc hôn nhân gia đình thì không có bao giờ ngăn cản hai người thương yêu nhau. Giáo hội không bao giờ chặn ngăn hai người nam nữ yêu thương và tiến tới hôn nhân với nhau, điều đó là chắc chắn thuộc về giáo luật, không ai có quyền ngăn cản tình yêu của họ, vì đó là tuyệt đối.
Nhưng tại sao lại xảy ra cái vấn đề giữa nam nữ tín đồ các tôn giáo khác nhau lại có những vấn đề mà người ta chưa đi đến chỗ kết hôn với nhau thì do đâu? Trong thực hành việc phục phụ hôn phối, đối với anh em trong Công giáo chúng tôi, đối với danh Chúa, đối với người tín đồ Công giáo cũng như giáo hội thì chúng tôi không bao giờ đặt vấn đề là phải trở thành người Công Giáo thì mới có thể cưới (nhau ) về phía công giáo của mình (trở thành vợ chồng). Không bao giờ có vấn đề đó, chúng tôi luôn luôn tôn trọng tình yêu của họ.
Và tôi nói với người nam hoặc người nữ là tình yêu của các anh chị là tình yêu tuyệt đối và chúng tôi tôn trọng. Tuy nhiên khi hai người quyết định yêu thương nhau thì đức tin của người tín đồ Ki Tô Giáo cũng như Phật giáo phải được tôn trọng bởi sự tự do của họ.
Cũng như Thầy Thích Nhất Hạnh đã nói là họ phải sống cội rễ của họ họ mới thấy hạnh phúc. Và cái việc họ được chịu phép rửa tội là hoàn toàn tự do. Cho nên giáo hội chỉ nói một điều này. Khi tiến tới hôn nhân thì hai người phải hứa là tôn trọng quyền lợi của nhau và niềm tin của mỗi người, và không được vi phạm. Vì vậy về phía tín đồ tôn giáo khác phải cam đoan, có thể nói là tuyên thệ tôn trọng niềm tin vì đó là lãnh vực thiêng liêng và tự do tôn giáo, không ai được can thiệp. Tôn trọng niềm tin của tín đồ thiên chúa giáo, không được ngăn cản. Nếu họ giữ được như thế thì cuộc hôn phối đó được tốt đẹp và thành sự trước mặt Chúa và trước luật pháp .
Luật thì như vậy, nhưng trong thực tế thì không luôn luôn được xảy ra như vậy. Hoàn cảnh của Việt Nam thì khác nữa, nghĩa là trong hoàn cảnh rơi rớt của chế độ phong kiến vẫn còn nhiều cho nên quý vị biết rõ là ở Việt Nam người nam có quyền hơn người phụ nữ. Mặc dù họ hứa như vậy, nhưng khi về nhà mà hai vợ chồng không có hòa thuận với nhau cơm không lành, canh không ngọt. Khi họ sống chung với nhau và nếu như có chiến tranh trong gia đình thì họ đổ lổi trên đầu người tín đồ của mình hoặc Ki Tô Giáo hoặc người Phật Giáo tôi không nói là về phía này hay phía kia. Nếu người chồng có quyền thì sẽ buộc người vợ không theo tín đồ của mình, theo tôn giáo của mình nữa. Và có thể có khó khăn trong gia đình.
Chính vì vậy Giáo hội đặt ra điều kiện này, nếu một người tín đồ tôn giáo khác, lấy người Công giáo, rồi sau đó Phật tử, hay là người thờ ông bà không giữ lời tuyên thệ trung thành thì người tín hữu Công giáo có thể trình lên thẩm quyền nguồn Thánh có thể tháo cái hôn phối mà người ta đã cam kết chỉ vì nếu mà đe dọa đến cái niềm tin tự do của mình giáo hội phải bảo vệ con cái của mình. Quý vị phải hiểu là đây không phải là bắt buộc phải làm. Các gia đình đó là truyền thống của gia đình, hoàn cảnh của gia đình muốn con cái của mình giòng sớ, cũng như quý cô, quý ông bà cũng như quý vị muốn cho gia đình mình cùng một chiều cho dễ để việc đó cho dễ hơn. Về phía giáo hội thì không có đứng ngăn cản sự việc hôn nhân của họ. Xin quý vị hiểu rõ thì về luật giáo thì không ép buộc mà buộc một trong hai người phải tôn trọng tôn giáo của nhau. Phải dành ưu tiên nhất cho người bạn đời theo tôn giáo đó để thực hành niềm tin tôn giáo và không có ngăn cản giữ đức tin riêng của họ.
Một cha hỏi :
Người thương gia trong kinh thánh tìm thấy viên ngọc quý và về bán tất cả gia tài để mua lấy viên ngọc quý đó, đây là một trang tin mừng rất hay của kinh thánh Tân ước, vậy xin hỏi giáo sư viên ngọc vùi trong thửa ruộng này dưới mắt Phật giáo là gì và đối với Công giáo diễn tả điều gì? Xin giáo sư vui lòng cho biết.
Sư Ông Làng Mai:
Trước hết tôi xin đề nghị thêm cho hai bên giáo hội Công giáo và Phật giáo phải có những văn bản rõ rệt về vấn đề hôn nhân dị giáo này. Nếu tôi là pháp chủ Phật giáo Việt Nam thì tôi sẽ cho phép những người con trai hay con gái Phật giáo lấy những người con trai hay con gái Công giáo và hai người được học truyền thống của nhau, hai người cùng đi nhà thờ một lần, hai người cùng đi chùa một lần, hai người cùng được rửa tội một lần và hai người đều được quy y.
Cha Thomas Kwan một linh mục người Hồng Kông đã quy y ở Làng Mai nói sau khi quy y và thọ năm giới thì cha hiểu giá trị truyền thống của Cha nhiều hơn. Cha đã đem năm giới đó về dạy cho giáo dân của cha. Và đã giúp được rất nhiều người và thấy rõ là hai bên bổ túc cho nhau, không chống đối nhau. Vì vậy khi một cặp thanh niên khác đạo muốn cưới nhau thì nên nói cho họ biết là cả hai người nên cùng được rửa tội và cùng được quy y.Hai cái đó không chống đối nhau. Nếu chúng ta cần 100 năm để các giáo hội đi tới sự thỏa thuận về văn bản đó thì cũng đáng tại vì các cặp thanh niên nam nữ đã khổ hơn 400 năm nay rồi, nếu cần 100 năm nữa để tới văn kiện đó cũng đáng để chúng ta chờ đợi. Nhưng trong cái thời đại toàn cầu hóa này, biết đâu, có thể vài ba tháng các giáo hội đã có thể ra một văn kiện như thế để làm các thanh niên bớt khổ.
Cái kho tàng chôn giấu trong đám ruộng đó, tức là Thiên chúa, tức là Thiên quốc, mà trong Phật giáo gọi là Niết bàn, là Cực lạc, là Phật độ. Mỗi người có thể gọi cái kho tàng đó bằng một cái tên khác, nhưng mà nó cùng là một thực tại. Trong đạo Phật có giáo lý về Niết bàn như thực tại không sinh, không diệt, không tới, không đi, không còn, không mất, đó là nền tảng của tất cả các hiện tượng của vũ trụ. Nếu không có cái đó thì tất cả các hiện tượng không có chỗ nào để trở về. Cái đó mình có thể gọi tương đương với Thiên chúa của Cơ đốc giáo. Tại vì Thiên chúa phải là bất sinh bất diệt, phi hữu phi vô, vô khứ vô lai. Ngôn ngữ của loài người của chúng ta không thể nào diễn tả được Thiên chúa. Nếu anh nói anh có thể diễn tả được Thiên chúa là gì, tức là anh còn nông cạn. Niết bàn là một thực thể cần phải chứng nghiệm. Nếu anh dùng những ý niệm, những ngôn từ để diển tả Niết Bàn thì anh sẽ không bao giờ có thể diễn tả được. Dùng những phương tiện hữu hạn mà diễn tả cái vô hạn, đó là việc không thể nào làm được. Niết Bàn hay Thượng đế cũng thế. Niết bàn, bản thể, chân như là thực tại không sinh không diệt; cái đó chính là Thiên chúa của Cơ đốc giáo. Cũng như cái mà người Việt chúng ta gọi là chuối thì người Pháp gọi là banane. Chuối và banane là hai danh từ để chỉ cho một loại trái cây. Chúng ta có thể gọi cái tuyệt đối bằng nhiều tên, nhưng thực tại không sinh không diệt là nền tảng của tất cả các hiện hữu. Ta có thể gọi đó là chân như, là pháp thân là niết bàn hay là Thượng đế. Chúng ta đừng mất thì giờ vì những tên từ, chúng ta nên tiếp xúc trực tiếp với thực tại.