Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Làm sao gặp Phật?

02/02/201108:57(Xem: 5949)
08. Làm sao gặp Phật?

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO
Cư Sĩ Chánh Trực
Toronto, Canada 1999 - PL 2543


Làm sao gặp Phật?

Qua hình tướng tìm Phật
Qua âm thanh tìm Phật
Làm vậy là sai đường
Làm sao gặp được Phật?

Trong mùa Phật Đản năm nay, nhân dịp làm lễ kỷ niệm Đức Phật Thích Ca sinh ra trên thế gian này, để cứu độ chúng sanh, hãy thử suy nghĩ: chúng ta đã từng gặp Phật chưa? Nếu chưa, chúng ta làm sao gặp Phật? Có phải đợi sau khi chết rồi, vãng sanh tây phương cực lạc, mới gặp được Phật chăng? Có phải chỉ có Phật Tử mới gặp được Phật chăng?

Hoặc có phải chăng: tất cả chúng ta có thể gặp Phật, ngay trên thế gian này, ngay trong cõi đời này, bất luận người đó là Phật Tử, hay không là Phật Tử, bất luận người đó tại gia hay xuất gia? Dường như ai ai cũng có các thắc mắc này, vậy chúng ta hãy lần lượt cùng nhau tìm cách trả lời dựa theo giáo lý của đạo Phật.

Hầu như mọi người Phật Tử đều biết lịch sử Đức Phật Thích Ca: Ngài đản sinh ở vườn Lâm Tỳ Ni, được gọi là Thái Tử Tất Đạt Đa, con của Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Gia, trị vì vương quốc Ca Tỳ La Vệ, thuộc nước Ấn Độ bây giờ. Ngài lớn lên, cưới vợ, sinh con, cũng như bao nhiêu con người khác trên thế gian. Rồi nhân những chuyến ra khỏi hoàng cung, nhận thấy các cảnh: sanh, lão, bệnh, tử, của kiếp con người, cho nên Ngài quyết tâm xuất gia tu hành, tìm đường giải thoát và thành đạo dưới cội bồ đề. Sau đó, Ngài chuyển pháp luân, thuyết pháp cứu độ chúng sanh trong 50 năm, cuối cùng nhập niết bàn ở vườn Ta La. Như vậy, Đức Phật Thích Ca đã nhập niết bàn, chúng ta đi tìm Phật ở đâu, làm sao chúng ta gặp được Phật?

Thực ra, chúng ta chẳng cần đi tìm Phật ở đâu xa, chẳng cần phải qua Ấn Độ, hay vào chùa mới gặp Phật. Phật luôn luôn ở trong cuộc đời, ngay trên thế gian này, hiện hữu khắp nơi, nhưng chúng ta không thấy, vì chúng ta chỉ nhìn đời bằng đôi mắt thịt, mà quên xử dụng con mắt trí tuệ, để quan sát những gì tiềm ẩn bên trong, hoặc ý nghĩa của những việc làm. Nơi các tôn tượng chư Phật, con mắt trí tuệ được tượng trưng bởi viên ngọc quí ở giữa chặn mày, luôn luôn chiếu sáng, mang ý nghĩa: tuệ đăng thường chiếu, tức là ngọn đèn trí tuệ thường chiếu sáng, còn đôi mắt thịt, luôn luôn khép lại, không duyên theo cảnh trần. Tuệ đăng thường chiếu nghĩa là con người sống luôn luôn tỉnh thức, không bị mê mờ, không bị dục lạc thế gian lôi cuốn, sống trong thế gian, nhưng không phiền lụy, cũng chẳng khổ đau. Chúng ta có thể tìm thấy Phật qua sự sống trong tất cả mọi loài chúng sanh. Sự sống đó bàng bạc trong khắp không gian và thời gian, không hạn hẹp trong trăm năm của một kiếp con người.

* * *

Trong cuộc sống hằng ngày, khi tiếp xúc giao thiệp với mọi người chung quanh, chúng ta thường nhìn người đời bằng cặp mắt thịt, trong kinh sách gọi là nhục nhãn, cho nên chỉ nhìn thấy được hình tướng bên ngoài của con người, phân biệt nam nữ, cao thấp, đẹp xấu, già trẻ, lớn bé, giàu nghèo, mập ốm. Chính vì con người có cái nhìn phân biệt như vậy, cho nên cảm thấy phiền não và khổ đau nhiều hơn là an lạc và hạnh phúc. Tại sao vậy?

Bởi vì, khi có cái nhìn phân biệt như vậy, con người chỉ thấy chung quanh toàn là chúng sanh, cho nên khởi tâm thương ghét, làm cho cuộc sống đảo điên, tâm trí bất an. Chẳng hạn như khi gặp người nào đẹp đẽ, hạp nhãn, hay gặp vật gì quí giá, hiếm hoi, thì sanh lòng tham lam, ưa thích ngắm nhìn, muốn chiếm hữu làm của riêng. Toại nguyện thì hả hê, thích thú, bằng không được như ý, thì sanh tâm oán thù, ghét bỏ, bực dọc, tức tối. Chẳng hạn như gặp người nghèo hèn, ít học, thì sanh tâm khinh khi, kỳ thị, rẻ rúng, còn gặp người giàu sang, học thức, thì thèm muốn, ước mơ, nịnh bợ. Chẳng hạn như gặp người mập ú thì cười, gặp người gầy ốm thì chê. Con người thường có ước mơ muốn được bình yên, nhưng tâm trí cứ chạy theo cảnh trần đời như vậy, lăng xăng lộn xộn cả ngày, suốt tháng, quanh năm, làm sao cuộc sống bình yên, an vui cho được?

Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật có dạy: "Ly nhứt thiết thướng, thị danh thực tướng".

Nghĩa là: Khi nào lìa bỏ được tất cả các hình tướng bên ngoài, không chấp vào nhân dáng thế này thế khác, chúng ta mới có thể nhận ra thực tướng của tất cả mọi người. Thực tướng đó là gì? Thực tướng đó chính là con người chân thật của tất cả mọi người trên thế gian này. Con người chân thật đó đồng nhất, không khác, không phân biệt nam nữ, già trẻ, lớn bé, màu da, sắc tộc, quốc gia, ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa, giai cấp, xuất xứ, kiến thức, học lực, bằng cấp.

Mọi người đều có thực tướng đồng như nhau, chỉ vì mê ngộ không đồng, nghiệp chướng khác nhau, cho nên hình tướng bên ngoài có khác.

Chẳng hạn như: Người tham gian thì cặp mắt láo liên, đảo điên, đảo qua, đảo lại. Người sân hận thì cặp mắt trợn trừng, tóe lửa, dữ dằn. Người si mê thì cặp mắt lờ đờ, khờ khạo.

* Tu theo đạo Phật, không phải chỉ có, cúng kiến lễ lạy, van xin cầu nguyện, cầu an cầu siêu, cầu được bình an, cầu sang cực lạc, cầu đủ thứ chuyện, cầu cho sung sướng, biểu diễn hình tướng, không còn gì khác! Không phải như vậy!

* Tu theo đạo Phật là phải thúc liễm thân tâm, chuyên cần chăn trâu, con trâu tâm ý, đừng để chạy rong, ngông cuồng phá phách, giẫm đạp ruộng người, húc đàng đông xông đàng tây, từng giây từng phút.

* Tu theo đạo Phật là phải tìm ra con người chân thật, hay giác ngộ thực tướng của chính mình. Thực tướng đó bất sanh bất diệt. Ngộ được thực tướng thì thoát ly sanh tử luân hồi, theo đúng lời dạy của tam thế thập phương chư Phật. Còn con người bằng xương bằng thịt, trong kinh sách gọi là tấm thân tứ đại, chỉ tồn tại hơn kém trăm năm là nhiều!

Trong khi bình thường, hai người tánh tình giống nhau, hòa đồng, nhã nhặn, vui vẻ, lịch sự, không khác. Khi có biến cố xảy đến, người biết tu tâm dưỡng tánh, giữ gìn được sự bình tĩnh thản nhiên, không khởi tâm tham lam, không khởi tâm sân hận, không khởi tâm si mê. Nếu người nào hoàn toàn giữ gìn được bản tâm thanh tịnh, trong mọi hoàn cảnh trên thế gian, trước những bát phong của cuộc đời, dù được hay mất, dù khen hay chê, dù vinh hay nhục, dù sướng hay khổ, tâm tánh vẫn luôn luôn bình tĩnh thản nhiên, luôn luôn mỉm nụ cười an nhiên tự tại, người đó chính là một vị Phật.

Một vị Phật không phải từ trên trời giáng xuống, không phải từ lòng đất chui lên. Một vị Phật tùng địa dũng xuất, như trong Kinh Pháp Hoa dạy, nghĩa là từ nơi tâm địa của mỗi con người chuyển hóa mà thành, chuyển hóa từ xấu xa thành tốt đẹp, chuyển hóa từ tâm tham sân si ô nhiểm, trở về bản tâm vốn thanh tịnh. Một vị Phật thành đạo từ nơi con người biết tu tâm dưỡng tánh, đi đúng Chánh Đạo, hành đúng Chánh Pháp. Người nào chưa đạt được hoàn toàn như vậy, chính là những người đang trên bước đường tu tập, công phu được bao nhiêu, người đó được an lạc và hạnh phúc bấy nhiêu. Chứ không phải van xin cầu nguyện mà đặng đâu!

Theo truyền thuyết, khi Thái Tử Tất Đạt Đa đản sanh, có hai vị long vương đến phun nước tắm cho ngài. Một vị phun dòng nước nóng. Một vị phun dòng nước lạnh. Điều này có ý nghĩa thâm sâu như sau: cũng như Thái Tử Tất Đạt Đa, người nào trên thế gian này, chịu đựng nổi sức mạnh của hai dòng nước, kham nhẫn nổi sức nóng lạnh, tượng trưng cho những áp lực thường xuyên và sự đối nghịch của cuộc đời, chẳng hạn như: thịnh suy, hủy dự, xưng cơ, khổ lạc, nói chung là bát phong, thì người đó chính là một vị Phật trong tương lai.

Còn đại đa số người đời, khi có biến cố xảy ra, tâm tham lam liền khởi lên, không thể dừng được, luôn luôn nghĩ đến những việc tranh giành quyền lực, lợi mình hại người, xúi người hại nhau, bất chấp thủ đoạn, thưa gửi kiện tụng, sang đoạt tài sản, chiếm hữu bản quyền, giựt hụi quịt nợ. Nếu mục tiêu là bạc triệu đô la, con người càng đối xử với nhau ghê rợn hơn, khủng khiếp hơn, chẳng còn kể quan hệ cha con, chồng vợ, bè bạn, thầy trò, anh em, thân bằng quyến thuộc gì hết, mạng sống của con người, của chính bản thân bị coi rẻ như bèo! Đồng bào, đồng bạn, đồng chí, đồng đội, đồng đạo, đồng hương, đồng nghiệp, đồng ngũ, chẳng có giá trị gì cả, chẳng có nghĩa lý gì cả. Chỉ có đồng tiền là trên hết, là vạn năng, có đủ năng lực xô đẩy, sai khiến con người vào vòng tội lỗi hết sức dễ dàng. Cửa thiên đàng khép lại, cửa địa ngục mở rộng kể từ đây!

Khi có biến cố xảy ra, dù chỉ một lời nói vô thưởng vô phạt, vô ý vô tứ, hay một cử chỉ nhỏ nhặt, nhưng va chạm tự ái, tổn thương mặt mũi của con người, tâm sân hận liền khởi lên, không thể dừng được, con người liền nghĩ đến chuyện trả thù, báo oán, làm đủ mọi cách, khiến cho kẻ thù, người mình không ưa, sống không được yên, chết cũng không xong, ngả nghiêng điêu đứng, tạo dựng chuyện ác, khiến người tội oan, tiêu tan danh dự, te tua tơi tả, thì mới hả dạ, mới thỏa tấc lòng, tâm địa chúng sanh, phàm phu tục tử, sâu hiểm ác độc, của một con người. Khi tam bành lục tặc nổi cơn lên, dù có phải đại náo thiên cung, lật tung nhà người, con người cũng dám làm, không cần biết hậu quả ra sao! Bởi vậy cho nên, có nhiều người đánh mất hạnh phúc trong tầm tay, hay đánh mất người cộng tác tài năng đáng tin cậy, chỉ vì những cơn sân không kềm chế được như vậy.

Khi có biến cố xảy ra, người ta không còn hợp tác, không còn qua lại với mình, mình liền ngậm máu phun sau lưng người, không kể người cười miệng mình dơ, đâm bị thóc thọc bị gạo, bêu riếu đàm tiếu đủ điều, vạch lá tìm sâu, bới bèo ra bọ, chứng nào tật nấy, không bao giờ chừa! Cũng do tâm si mê xui khiến, con người tin chuyện nhảm nhí, mê tín dị đoan, van xin thượng đế, cầu nguyện thần linh, tìm sông lội suối, nước kém vệ sinh, cho là nước thánh, trị được bá bệnh, cầu gì được nấy, cũng mang về uống, dù cho người đó, có nhiều bằng cấp, dù thấp hay cao, ở ngoài thế gian, hay trong nhà đạo!

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật có dạy: "Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh". Nghĩa là: "Tất cả mọi chúng sanh đều có tánh giác".

Tất cả mọi người đều có tánh giác, sáng suốt đồng nhau, không khác, trong kinh sách gọi là Chân Tâm hay Phật Tánh, nhưng chỉ vì nghiệp lực khác nhau, tâm tham sân si khác nhau, cho nên bị phiền não khổ đau cũng khác nhau, hình tướng bên ngoài cũng khác nhau.

Chẳng hạn như mặt trăng lúc nào cũng sáng tỏ, không khác, nhưng đêm nào có nhiều mây đen, chúng ta trông thấy mặt trăng mờ nhạt nhiều hơn. Chẳng hạn như mặt biển lúc sóng yên gió lặng, thanh bình, rộng rãi, bao la, trông xa, thấy rộng, mênh mông, bát ngát, nhưng lúc cuồng phong nổi lên, sóng to gió lớn, bầu trời đen kịt, không còn trông thấy được gì cả. Mặt trăng sáng tỏ, mặt biển thanh bình, tượng trưng cho bản tâm thanh tịnh của tất cả mọi người. Đó cũng chính là con người chân thật hay Chân Tâm Phật Tánh của tất cả mọi người. Mây đen hay sóng to gió lớn, tượng trưng cho những phiền não khổ đau, che lấp từng phần, hay che khuất hoàn toàn, tâm trí con người không còn sáng suốt trọn vẹn nữa.

Như vậy, câu hỏi tìm Phật ở đâu, làm sao gặp Phật, thật là quá dễ, ai cũng có thể trả lời được. Trước hết, Phật có nghĩa là Đức Phật Thích Ca, vị Phật có thực trong lịch sử, sinh ra ở Ấn Độ, tu hành và thành đạo, cách đây hơn 2500 năm, ngay trên thế gian này, ở ngay cõi ta bà này, không phải cõi nào khác, không phải tây phương cực lạc. Đó là câu trả lời gần nhứt, đơn giản nhứt, rõ ràng nhứt.

Tuy nhiên, trong kinh sách có câu: "Phật biến nhứt thiết xứ", nghĩa là Phật có ở khắp mọi nơi, Phật ở chung quanh chúng ta, nhưng chúng ta không hiểu biết, không nhận ra đó thôi. Đó là nghĩa lý cao siêu mầu nhiệm của chữ "Phật". Đó là con đường thực tế, giúp đỡ cuộc đời được nhiều ánh sáng giác ngộ và giải thoát, cuộc sống được nhiều an lạc và hạnh phúc, con người được nhiều an nhiên và tự tại, giảm bớt phiền não và khổ đau.

Trong kinh sách cũng có câu: "Tâm, Phật, chúng sanh, tam vô sai biệt". Nghĩa là: "Tâm, Phật và chúng sanh, cả ba không khác, không sai biệt".

Phật và chúng sanh bổn nguyên tánh thường rỗng lặng, trong kinh sách gọi là không tịch. Tâm của người nào không chất chứa bất cứ hình ảnh của chúng sanh trong ba cõi, sáu đường, hoàn toàn trống rỗng, tĩnh lặng, tâm người đó chính là tâm Phật.

Chư Tổ cũng có dạy: "Phật tức Tâm, Tâm tức Phật", chính là nghĩa đó vậy.

Khi thấy người nào vào chùa, van xin cầu khẩn chư Phật ban cho điều này điều kia, chư Tổ thường dạy: Ngươi cõng Phật đi tìm Phật! Nghĩa là chư Phật đã bỏ những điều phiền não, chỉ dạy chúng ta pháp môn tu tập để giải thoát, để thành Phật, chúng ta không chịu tu học, để tự mình thoát ly phiền não khổ đau, trái lại chúng ta van xin cầu khẩn những điều phiền não, chẳng hạn như: tiền tài, danh vọng, ước gì được nấy, nhứt bổn triệu lợi, buôn may bán đắt, thi đâu đậu đó, bình yên vô sự, nhà cao cửa rộng, điều cuối cùng là: cầu vãng sanh cực lạc quốc! Cầu không được, khổ là cái chắc! Cầu bất đắc, tức khổ không sai!

Chúng ta có thể tìm thấy hình ảnh Phật, qua các vị chân tu thực học, giới đức tròn đầy, là điểm tựa, là chỗ quy ngưỡng, để chúng sanh tìm được sự an lạc khi gần gũi. Chúng ta có thể tìm thấy Phật ở khắp nơi trên thế gian này, chỗ nào có tình thương ngự trị, có từ bi hỷ xả hiện tiền, là có Phật ở ngay nơi đó. Bất cứ người nào, dù không là Phật Tử, dù là Phật Tử tại gia hay xuất gia, mà trong một khoảng thời gian nào đó, phát tâm bồ đề, khai mở Chân Tâm, thực hành hạnh lợi tha, vì người quên mình, thể hiện bốn tâm lượng rộng lớn: từ bi hỷ xả, thì ngay trong giây phút đó, người ấy đang sống với tâm Phật, như một vị Phật. Nhưng sau phút giây giác ngộ đó, người ấy trở lại cuộc sống tầm thường, thì tâm Phật lại tiềm ẩn, chờ cơ hội khác để phát huy. Phật là con người giác ngộ trọn vẹn và vĩnh viễn, lúc nào cũng tỉnh thức và sáng suốt. Chúng sanh khác Phật ở chỗ: chỉ lóe sáng trong giây phút, rồi lại chìm đắm trong bóng tối vô minh. Tại sao vậy? Bởi vì, con người không đủ sức vượt khỏi tam giới, không đủ sức ra khỏi căn nhà lửa, không đủ sức chống cự sức mạnh của con trâu tâm ý, nghĩa là con người bị "nghiệp thức che đậy" và thường hay "biết mà cố phạm"!

Để có cái nhìn thực tiển và có phương pháp thực hành, trong cuộc sống hằng ngày của người Phật Tử, tại gia hay xuất gia, Chư Tổ có dạy:

"Chúng sanh nhìn Chư Phật như chúng sanh, cho nên phiền não khổ đau.
Chư Phật nhìn chúng sanh như Chư Phật, cho nên Niết bàn tự tại".

Nếu hiểu biết một cách thấu đáo, một cách tường tận lời dạy này, chúng ta liền biết làm sao gặp Phật, hay tìm Phật ở đâu? Chúng ta thường hay nghĩ rằng: Phật ở Tây phương cực lạc, Phật ở trong chùa, Phật ở trong kinh sách, Phật ở trong các bức tượng bằng gổ, bằng đồng, bằng bạc, bằng vàng, hay bằng tranh vẽ. Còn chung quanh toàn là chúng sanh tất cả! Chính bởi cái nhìn, cái hiểu biết, cái suy nghĩ, cái quan niệm như vậy, cho nên con người gặp nhiều phiền não khổ đau, không sao tránh khỏi, không bao giờ dứt.

Con người không biết rằng: chính mình có Chân Tâm, Phật Tánh, và mọi người chung quanh cũng y như vậy, không khác. Con người đeo cặp mắt kính chúng sanh, tức nhìn đời qua tâm vọng động, cho nên nhìn ai cũng thấy chỉ là chúng sanh, nhìn ai cũng chỉ thấy tật xấu của họ, nhìn ai cũng thấy đáng ghét, nhìn ai cũng thấy đáng đề phòng, nhìn ai cũng thấy muốn xa lánh, nhưng không bao giờ, nhìn lại chính mình, xem tốt hay xấu, cho nên gặp nhiều, phiền não khổ đau, rồi chờ khi chết, lết về tây phương, nương về cực lạc, để tìm gặp Phật, làm sao gặp được?

Còn chư Phật và những người giác ngộ, biết tu tâm dưỡng tánh, đeo cặp mắt kính thanh tịnh, nhìn đời bằng bản tâm thanh tịnh, nhìn ai ai chung quanh cũng thấy được họ có Chân Tâm, Phật Tánh, nhìn ai ai chung quanh cũng hiểu biết họ là vị Phật sẽ thành trong tương lai, gần hay xa tùy theo công phu tu tập của mỗi người, nhìn ai ai chung quanh cũng hiểu biết họ có những điều hơn mình, đáng cho mình học hỏi, nhìn ai ai chung quanh cũng thấy được con người chân thật, không phải con người hiện tướng tham đáng ghét, không phải con người hiện tướng sân dữ dằn dễ sợ, không phải con người hiện tướng si khờ khạo ngu ngơ.

Cho nên chư Phật và những người giác ngộ, biết tu tâm dưỡng tánh, luôn luôn an nhiên tự tại, bình tĩnh thản nhiên, chứng được cảnh giới niết bàn hiện tiền. Chúng ta có giác ngộ, mới có cuộc sống an lạc và hạnh phúc như vậy, mới giải thoát khỏi phiền não và khổ đau.

Cuộc đời có ý nghĩa, cuộc đời đáng sống, kể từ đây!

* * *

Tóm lại, trong Kinh Kim Cang, Đức Phật có dạy:

"Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng.
Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai".

Nghĩa là: Phàm ở trên thế gian này, tất cả những gì có hình tướng đều hư vọng, có ngày cũng phải bị hư hao, hoại diệt, kể cả những bức tượng Phật, dù làm bằng vật liệu gì đi nữa cũng vậy, kể cả tấm thân tứ đại, sau trăm năm cũng phải bỏ lại. Nếu chúng ta nhìn mọi người, không qua hình tướng bên ngoài, không phân biệt kỳ thị, không thành kiến bất công, lúc đó chúng ta sẽ nhìn thấy được Như Lai, tức là thấy được Chân Tâm Phật Tánh, của mình và của mọi người, đồng nhất không khác! Đó chính là con người chân thật, bất sanh bất diệt. Kiến Như Lai tức là ngộ đạo, tức là thoát ly sanh tử luân hồi.

Cũng trong Kinh Kim Cang, Đức Phật có dạy:

Nhược dĩ sắc kiến ngã.
Dĩ âm thanh cầu ngã.
Thị nhơn hành tà đạo.
Bất năng kiến Như Lai.

Nghĩa là: Nếu người nào nhìn qua sắc tướng, diện mạo, hoặc do âm thanh, mà cầu Phật, hoặc cho rằng có hình tướng như vậy, có âm thanh như vậy, mới phải là Phật, thì người đó đang đi sai đường, lạc lối, không thể nào gặp được Phật, không thể nào thấy Như Lai. Nói một cách khác, những người cứ tưởng: lạy tượng Phật nhiều, tức là hình tướng, tụng kinh Phật nhiều, tức là âm thanh, thì được gặp Phật, nằm mơ thấy Phật, những người như vậy, chẳng hiểu biết gì, đang hành tà đạo, làm sao hiểu được Như Lai? Tại sao vậy?

Bởi vì, Phật hay Như Lai chỉ về tâm tánh, vô hình vô tướng, không có hình tướng có thể thấy được bằng đôi mắt thịt của con người. Bởi vậy cho nên, muốn thấy được Như Lai, muốn gặp được Phật, con người phải phát huy trí tuệ bát nhã, phải nhận ra con người chân thật, nhận ra Chân Tâm Phật Tánh của chính mình và của mọi người chung quanh chúng ta.

Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, và trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật có dạy:

"Sanh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền".
"Sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc".

Nghĩa là: Khi nào trong tâm con người, những niệm lăng xăng lộn xộn không còn khởi lên, chẳng hạn như niệm tham, niệm sân, niệm si, khởi lên rồi lắng xuống nên gọi là: sanh diệt, ngay lúc sanh diệt chấm dứt, không còn đó, tâm trí bình yên lặng lẽ, không xáo trộn, chẳng bất an, bình tĩnh thản nhiên, an nhiên tự tại, cho nên gọi là: tịch diệt hiện tiền, hay tịch diệt vi lạc, tức là cảnh giới an lạc, niết bàn tự tại, hiện ngay trước mặt.

Tâm trạng bất an vì những niệm sanh diệt, gọi là tâm chúng sanh. Tâm sanh diệt diệt rồi, không còn lăng xăng lộn xộn nữa, trở nên tâm không tịch, trống không và tịch tịnh, hoàn toàn thanh tịnh, gọi là: bản tâm thanh tịnh hay Tâm Phật.

Như vậy muốn tìm gặp được Phật, chúng ta chỉ cần hành trì các pháp môn, dù thiền tông, tịnh độ tông, hay mật tông, tức là: thiền quán, tọa thiền, thiền hành, tứ oai nghi thiền, tụng kinh, niệm Phật, trì chú, cho đến mức rốt ráo, đạt được trạng thái "nhứt tâm bất loạn". Lúc đó, chẳng những chúng ta gặp được Phật, mà chính chúng ta vừa trọn thành Phật Đạo đó vậy./.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/11/2010(Xem: 4414)
ánh"không" (S. 'Suunyataa, P. Su~n~nataa) là một trong các học thuyếtquan trọng bậc nhất của Phật giáo và cũng là học thuyếtbị người khác đạo hiểu sai lầm nhiều nhất. Các tác giảchống Phật giáo thường không hiểu rõ hay ngộ nhận ý nghĩacủa hai chữ sắc và không trong đạo Phật. Họ lẫn lộnhoặc lợi dụng vào hiện tượng đồng âm dị tự trong tiếngViệt và Hán Việt, đánh đồng hai khái niệm hoàn toàn khácnội dung làm một, để bôi bác giáo lý của đạo Phật.
06/11/2010(Xem: 9851)
Bát Chánh Đạo rất dễ nhớ, nhưng ý nghĩa của chúng thâm sâu và đòi hỏi một sự hiểu biết về nhiều lãnh vực liên quan trong giáo lý của Đức Phật.
28/10/2010(Xem: 3731)
Hỏi:Một lần, tôi có đọc được một đoạn của bài viết trong báo Giác Ngộ như sau “Khi được hỏi con người ở thế giới này từ đâu có, trong một bản kinh Phật trả lời: có những vị Trời sắp hết phước, họ nhìn xuống thế giới này thấy có ánh sáng liền tìm đến. Tới nơi, họ ăn thử trái cây nơi đây thấy ngon, liền mất thần thông nên ở lại luôn, làm tổ tiên loài người…”. Xin cho biết xuất xứ của đoạn kinh trên và tóm tắt ý chính của kinh. Quan điểm của Phật giáo về nguồn gốc loài người có sự khác biệt như thế nào so với các lý thuyết khoa học đương đại?
23/10/2010(Xem: 10443)
Trên đời này có những người có chánh kiến, tin rằng sự bố thí cúng dường sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp; các hành vi thiện ác đều dẫn đến quả báo; đồng thời cũng tin rằng có những người chân chánh hành trì Chánh pháp, tuyên bố những điều do tự mình thể nghiệm và chứng ngộ. Do nguyên nhân chánh kiến này mà một số loài hữu tình sau khi mệnh chung được sinh vào thiện thú, cõi đời này (Trung Bộ kinh I)
16/10/2010(Xem: 3740)
Đạo Phật tồn tại trên thế gian cách đây hơn 2.500 năm. Ngoài nền tảng giáo lý vượt thời gian và không gian, thích ứng với cuộc sống con người trong giai đoạn mới thì yếu tố để hình thành nên phẩm chất đạo đức con người chính là sự góp phần bằng Đạo hạnh của người tu sĩ, mà công hạnh ấy được xây dựng trên nền tảng căn bản của giới luật.
11/10/2010(Xem: 6119)
BA PHÁP ẤN - Edward CONZE - Bản dịch Hạnh viên
03/10/2010(Xem: 6437)
Bernard Glassman, Viện trưởng của Cộng đồng Thiền ở New York, và Trung tâm Thiền ở Los Angeles. Tốt nghiệp tiến sĩ Toán Ứng Dụng, ông là kỹ sư không gian của hãng McDonnell-Douglas, trong chương trình gửi người lên Mars những năm 1970. Khi tôi bắt đầu học Thiền, thầy tôi cho tôi một công án, một câu hỏi Thiền để tôi trả lời: “Làm sao đi xa hơn đầu ngọn cờ một trăm thước?” Ta không thể dùng lý trí để trả lời công án này hay bất cứ câu hỏi Thiền nào một cách logic. Tôi quán chiếu một thời gian dài, rồi thưa với thầy: “Câu trả lời là phải sống một cách trọn vẹn”.
25/09/2010(Xem: 5302)
Trong kinh Majjhima Nikàya (Trung Bộ), Đức Phật dạy rằng: "Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp. Nghiệp là thai tạng mà từ đó con người được sanh ra...Nghiệp là gì? Theo từ nguyên, nghiệp, tiếng Sanskrit gọi là karma, Pàli gọi là kamma, có nghĩa là hành động cótác ý (volitional action). Nói cách khác, nghiệp luôn luôn được bắt nguồn từ những tạo tác của tâm (ý) thông qua những hoạt động của thân, miệng và ý, gọi chung là tam nghiệp. Do đó, một hành động (tạo tác) nếu không phát sinh từ tâm thì không thể gọi là nghiệp, mà hành động ấy chỉ được gọi là hành động hay hành động duy tác (kriyà). Và như vậy, định nghĩa của nghiệp là: hành động có tác ý, hay hành động được phát sinh từ tâm.
22/09/2010(Xem: 9378)
Ở trong chánh điện thờ Phật, chỉ có cái ý thờ Phật mà thôi, nhưng Phật có tam thân là Pháp thân, Báo thân và Ứng thân. Cách bài trí các tượng Phật ở chánh điện theo đúng ý nghĩa ấy...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]