Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2- Thân trung hữu và sự thọ sanh

09/05/201312:21(Xem: 5051)
Chương 2- Thân trung hữu và sự thọ sanh


Phật Học Tinh Yếu

Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Trọn bộ 3 thiên

---o0o---

Thân Trung Hữu Và Sự Thọ Sanh


Tiết mục:
I. Thân Trung-hữu
II. Trạng thái lúc vào thai
III. Trạng thái khi ở trong thai
IV. Sanh về ác-đạo
V. Sanh về thiện-đạo
VI. Nghiệp duyên thọ sanh
Pháp tạng trích dẫn:Tỳ-Nại-Gia-Tạp-Sự, Luận Du-Già, Kinh Đại-Bảo-Tích, Kinh Thủ-Hộ-Quốc-Giới, Tạp-Sự-Lục, Đại-Thừa-Trang-Nghiêm-Kinh-Luận, Kinh Chánh-Pháp-Niệm, Luận Thuận-Chánh-Lý, Luận Câu-Xá, Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm, Pháp-Giới-Tập.
Đề yếu: Loài hữu-tình sau khi mạng chung, đã bỏ thân tiền-hữu, chưa thọ thân hậu-hữu thì ở vào giai đoạn cảm thân Trung-hữu. Thân Trung-hữu nầy do năm ấm vi tế kết hợp, nên cũng gọi là Trung-ấm-thân. Trong đây, trừ những chúng sanh tạo nghiệp cực thiện thuộc cõi Vô-sắc, hoặc nghiệp cực ác thuộc nẻo A-tỳ, thì liền hóa sanh ngay những nơi đó, mà không trải qua Trung-ấm-thân. Ba tiết trước của bản chương thuật lại hình dáng xấu đẹp sai biệt của những Trung-ấm-thân thuộc các nẻo thiện ác, trạng thái của Trung-hữu lúc vào thai và khi chuyển thọ thân hậu-hữu ở trong thai. Hai tiết mục kế, nói về tiên triệu khi chúng sanh lâm chung sẽ sanh về ác-đạo hay thiện-đạo, cùng những cảnh tướng hiển hiện khi Trung-hữu sắp sanh về các nẻo. Tiết sau cùng nói tổng quát về nghiệp duyên của chúng-sanh thăng trầm trong tam giới, hoặc được siêu sanh về Tịnh-độ.
Mục đích của chương nầy là trình bày cảnh duyên thiện ác, cho người học Phật bỏ điều dữ tu pháp lành, và biết trước các nghiệp tướng để tìm nẻo thiện sanh, tránh đường sa đọa.


Tiết I: Thân Trung Hữu

Sao gọi là Trung-hữu? Trung-hữu là thân quả báo ở khoảng giữa của đời nầy và đời sau, vì quả báo ấy có mà chẳng phải không, nên gọi là “hữu”. Trung-hữu cũng gọi là trung-ấm, vì thân ấy do năm ấm tạo thành.

Đức Phật bảo Nan-Đà: “Khi cha mẹ giao hợp là lúc thân Trung-hữu vào thai. Trung-ấm có hai loại: hình sắc xinh đẹp, và dung mạo xấu xa. Trung-hữu của Địa-ngục hình rất xấu, sắc đen như than. Trung-hữu của Bàng-sanh sắc nám như khói. Trung-hữu của Ngạ-quỷ sắc đạm như nước. Trung-hữu của người và trời Dục-giới sắc như vàng ròng. Trung-hữu của chư thiên cõi Sắc rất đẹp, màu tươi trắng sáng rỡ. Thân trung-ấm của hàng nhơn thiên ở cõi Dục, đại để bằng đứa trẻ năm bảy tuổi. Thân trung-ấm của chúng-sanh cõi Sắc lớn bằng thân bản hữu và có y phục vì do nhiều chủng tử tàm tu. Chúng-sanh ở cõi Vô-sắc không có trung-ấm-thân, bởi vì không hình sắc. Loài hữu-tình cực thiện như nghiệp báo cõi Vô-sắc và cực ác như nghiệp báo ngục A-Tỳ, khi chết rồi liền thọ sanh ngay, không trải qua thân Trung-hữu. Trung-ấm-thân có loại hai tay hai chân, có loại bốn chân, nhiều chân, hoặc không chân”. Đại khái, chúng-hữu-tình tùy theo nghiệp đã tạo, phải thác sanh về nẻo nào, loài nào, thì Trung-ấm-thân có hình dáng giống như loài ấy. Trung-hữu của chư thiên đầu hướng lên, Trung-hữu của người, Bàng-sanh và quỷ nằm ngang mà bay đi. Trung-hữu của chúng-sanh cõi Địa-ngục đầu chúc xuống. Các Trung-ấm-thân đều có thần thông, nương hư không mà đi, thị tuyến rất xa và sáng suốt, trong khoảnh khắc đã tìm đến chỗ phải thọ sanh. (Tỳ-Nại-Gia-Tạp-Sự)

Trung-ấm-thân cũng có đủ các căn. Trung-hữu của kẻ tạo nghiệp ác, ánh ra sắc đen xám cũng như đêm tối tăm. Trung-hữu của kẻ tạo nghiệp thiện ánh ra sắc trắng như đêm trong sáng. Mắt của Trung-ấm-thân nhìn suốt xa như thiên nhãn, không bị chướng ngại, thấy các Trung-hữu khác và chỗ mình sẽ thọ sanh. Trong giây phút, Trung-ấm-thân có thể bay vòng quanh giáp núi Tu-Di, lại có thể đi xuyên qua tường vách núi non không chi chướng ngại, trừ ra thai mẹ và tòa Kim Cang của Phật. Những Trung-hữu thuộc về nghiệp ác, úp mặt nhìn xuống mà bay đi, còn những Trung-hữu thuộc về nghiệp thiện thì đầu ngước lên.

Trung-ấm-thân chỉ trụ được bảy ngày đêm, nếu trong thời hạn ấy không tìm được chỗ thác sanh, thì chết rồi sống lại, nhưng đại khái trong vòng 49 ngày là được thọ sanh. Trung-hữu khi chết, hoặc sanh trở lại như thân trước, hoặc do nghiệp lành dữ chuyển biến, đổi lại thành thân của các loại khác. Trung-ấm cũng có tên là Kiền-Đạt-Phược (Hương-hành), vì đi tìm mùi, dùng mùi mà tự nuôi sống. Lại Trung-hữu, khi sắp diệt để thọ thân hậu-hữu, tùy theo nghiệp đã tạo, thấy nhiều tướng khác nhau; bấy giờ tâm thức mơ màng dường như ở trong mộng. Những kẻ tạo nghiệp sát, hay giết heo, dê, gà, vịt, tôm, cá, thì lúc ấy thấy những loài đó, lại thấy có người đang làm thịt, tùy theo túc nghiệp tự nhiên sanh ra ưa thích muốn đi đến xem. Khi đến nơi liền bị cảnh sắc làm trở ngại không thể thoát ly, Trung-hữu liền diệt mà thọ thân hậu-hữu. Lúc sắp diệt, trung-ấm thấy nhiều màu sắc sanh diệt liên tục, như người sắp chết thấy những hình tướng tạp loạn, mắt chăm chú nhìn, tay chỉ chỗ nầy, chỗ khác. (Luận Du-Già).

Tiết II: Trạng Thái Lúc Vào Thai

Trường hợp nào thân Trung-hữu không vào thai được? Đó là những lúc cha mẹ không giao hợp, hoặc khi giao hợp tinh cha ra tinh mẹ không ra, tinh mẹ ra tinh cha không ra, hoặc đều không ra. Lại nữa, hoặc khi người mẹ quá mập, nhiều thịt dư, hay có các chứng bịnh như tử cung lạnh, khí huyết kết thành cục, vàng võ nhiều đàm, hoặc do uống thuốc cấm thai, cùng các chứng bịnh riêng của người cha. Về phần nghiệp báo, nếu cha mẹ tôn quý con ty tiện, hay là trái lại, thì không thể thành thai. Hoặc có khi cha mẹ cùng con đều tôn quý hay đều ty tiện, nhưng nghiệp duyên không hợp cũng không thể thành thai.

Đức Phật bảo: “Nầy Nan-Đà! Nếu không có các trường hợp như trên, thì Trung-hữu mới vào thai mẹ. Như các duyên đều thuận, khi cha mẹ giao hợp, Thân Trung-ấm ở xa trông thấy ánh sáng liền bay đến đó. Lúc ấy, do túc nghiệp, Trung-hữu liền khởi ra các sự vọng tưởng; như Trung-ấm nam thì đối với mẹ sanh lòng mến yêu, với cha lại ganh ghét; Trung-hữu nữ thì đối với mẹ sanh lòng ganh ghét, với cha lại mến yêu; hoặc nam hoặc nữ đều thấy chính mình làm việc ân ái với cha hay mẹ. Bấy giờ Trung-ấm bỗng có cảm giác nóng hoặc lạnh, hay thấy mưa to, gió lớn, mây mù nổi lên, hoặc nghe nhiều tiếng huyên náo đáng chán buồn, hay tiếng thanh tao đáng ưa thích. Khi các vọng tâm, huyễn cảnh nầy hiện ra, tùy nghiệp hơn kém, Trung-hữu lại khởi sanh mười huyễn tướng khác như: nay ta vào nhà, ta muốn lên lầu, ta lên đền đài cao đẹp, ta lên ngồi trên giường ghế, ta vào am tranh, ta vào chòi lá, ta đi vô rừng, ta vào lùm bụi, ta xuyên qua lỗ tường vách, ta chui vào hàng rào. Khi khởi các tưởng niệm như trên xong, Trung-hữu liền vào thai. Sự kết thai đây có ba điều kiện hỗn hợp: tinh cha, huyết mẹ và nghiệp thức. Trạng thái nầy ví như người để sữa chín vào bình, rồi lấy đũa quậy đánh mãi cho đến khi dậy lên thành ra vị-tô. Kết quả hỗn hợp của tinh cha, huyết mẹ, nghiệp thức hòa thành một khối gọi là Yết-la-lam.

Nầy Nan-Đà! Ví như loại thảo trùng nương nơi cỏ mà sanh, cỏ không phải trùng, trùng không lìa cỏ, nhưng do nhân duyên cỏ hòa hợp mà con trùng thân sắc màu xanh. Trường hợp nầy cũng như con bọ hung sanh nơi phân trâu, thân sắc màu vàng sậm. Nên biết thân Yết-la-lam do tinh cha huyết mẹ cũng lại như thế.

Lại nữa, thân Yết-la-lam phải có đủ bốn giới: địa, thủy, hỏa, phong, tức là các tánh chất: cứng đặc, ướt nhuần, nóng ấm và khinh động. Nếu thân ấy chỉ có địa giới thiếu thủy giới thì không thành; ví như người dùng tay nắm bột hoặc tro khô, khi buông tay ra, tro bột đều bay tan. Trường hợp có thủy giới thiếu địa giới cũng như thế; ví như người chỉ nhồi nước hoặc dầu, rốt cuộc vẫn là chất tan lỏng không kết thành khối được. Nên biết do thủy giới nên địa giới không rã, do địa giới nên thủy giới không tan. Và, nếu Yết-la-lam thiếu phong giới thì không thể tăng trưởng, thiếu hỏa giới thì không thể thành thục. Cho nên sắc thân con người khởi thỉ từ Yết-la-lam do các duyên hòa hợp mà có sanh, trụ, tăng trưởng, suy hoại, thật rất đáng chán, ta không chút chi ưa thích! Xét ra sanh tức là khổ, trụ là bịnh, tăng trưởng, suy hoại tức là già, chết. Kẻ nào đối với biển hữu vi mà sanh lòng ưa thích, tất phải nằm trong thai mẹ, chịu đủ các điều khổ”. (Luận Du-Già, Tỳ-Nại-Gia-Tạp-Sự)

Tiết III: Trạng Thái Khi Ở Trong Thai

Đức Phật bảo: “Nầy A-Nan! Thân Yết-la-lam ở nơi thai mẹ trong bảy ngày đầu, hình dáng như sữa tươi, từ đó do sức nội nhiệt, lần lần tăng trưởng. Trong khoảng bảy ngày thứ hai, cảm phát gió nghiệp tên là Biến-mãn, thổi hai bên hông người mẹ, khiến cho Yết-la-lam đọng lại như sữa đặc, sắp hiện ra tướng trạng người, gọi là An-phù-đà. Trong khoảng bảy ngày thứ ba, cảm phát gió nghiệp tên là Tàng-khẩu; so sức gió nầy thân An-phù-đà có hình dáng hai cánh tay khép lại, giống như cái chày đâm thuốc. Trong khoảng bảy ngày thứ tư, cảm phát gió nghiệp tên là Nhiếp-thủ; do sức gió nầy biến tướng hai cánh tay khép lại thành ra Dà-na (mật-hậu, mật-hiệp), hình như chiếc giày cong cong. Trong khoảng bảy ngày thứ năm, cảm phát gió nghiệp tên là Nhiếp-trì; do sức gió nầy chuyển biến Dà-na thành Bát-la-xa-khê (nhục-đoàn-vị), hiện ra tướng hai bên mông, hai vai, thân và đầu. Trong khoảng bảy ngày thứ sáu, cảm phát gió nghiệp tên là Vi-phạn; do sức gió nầy chuyển thành bốn tướng là hai cánh tay và hai bắp chơn. Trong khoảng bảy ngày thứ bảy, cảm phát gió nghiệp tên là Toàn-chuyển; do sức gió nầy, thai nhi lần hiện ra hai bàn tay hai bàn chơn. Trong khoảng bảy ngày thứ tám cảm phát gió nghiệp tên là Phiên-chuyển; do sức gió nầy, mười ngón tay và chơn sanh ra đầy đủ. Trong khoảng bảy ngày thứ chín, cảm phát gió nghiệp tên là Phân-tán; do sức gió nầy sanh ra các tướng; mặt, tai, mũi, miệng và đường đại tiểu tiện. Trong khoảng bảy ngày thứ mười, cảm phát hai luồng gió nghiệp tên là Kiên-tiên và Phổ-môn, hai thứ gió nầy làm cho thai nhi đọng chắc lại và phồng no đầy đủ dường như cái pháo. Trong khoảng bảy ngày thứ 11, cảm phát gió nghiệp tên là Kim-cang, sức gió nầy làm cho thai nhi cửu khiếu đều thông, tay chơn máy động, miệng tươm máu bầm, mũi chảy ra nước. Trong khoảng bảy ngày thứ 12, cảm phát hai luồng gió nghiệp tên là Khúc-khẩu, Xuyên-phát; sức thổi của hai thứ gió nầy khiến cho sanh ra đại tiểu trường, 320 chi tiết và 101 yếu huyệt. Trong khoảng bảy ngày thứ 13, cảm phát gió nghiệp tên là Cơ-khát; do sức gió nầy, thai nhi bỗng sanh ra niệm đói khát, từ nơi cuống rún thâu rút chất bổ ăn uống của người mẹ vào, để tự nuôi dưỡng”. Lúc ấy, Ðức Thế-Tôn nói bài kệ:

Đứa bé trong thai mẹ
Mười ba lần bảy ngày
Cảm giác thân trống không
Liền sanh niệm đói khát
Thức ăn của người mẹ
Tư dưỡng vào thai nhi
Do đó thân mạng còn
Lần lần được thêm lớn.

Nầy A-Nan! Trong khoảng bảy ngày thứ 14, cảm phát gió nghiệp tên là Tuyến-khẩu; do sức gió nầy 900 đường gân sanh ra. Trong khoảng bảy ngày thứ 15, cảm phát gió nghiệp tên là Liên-hoa, sức gió nầy làm cho sanh ra 20 mạch lớn, chất ăn uống chạy theo đó mà tư dưỡng thai nhi. Mỗi mạch lớn có 40 mạch trung, mỗi mạch trung lại có 100 mạch nhỏ, thành ra tám vạn mạch có đủ màu sắc: xanh, vàng, đỏ, trắng. Những mạch nầy liên quan với các lỗ chân lông. Trong khoảng bảy ngày thứ 16, cảm phát gió nghiệp tên là Cam-lộ, sức gió nầy làm cho cửu khiếu đều thông các tạng bên trong, hơi thở lưu chuyển theo thân thai nhi không còn trở ngại. Trong khoảng bảy ngày thứ 17, cảm phát gió nghiệp tên là Mạo-ngưu-diện; sức gió nầy làm cho đôi mắt thai nhi sáng sạch, các căn khác lần lần thành tựu. Trong khoảng bảy ngày thứ 18 cảm phát gió nghiệp tên là Đại-kiên-cường, sức gió nầy làm cho các căn tươi sạch, như gió thổi mây tan lộ ánh nhựt nguyệt. Trong khoảng bảy ngày thứ 19, cũng do sức gió trước, từ thân căn, mạng căn, ý căn, cho đến các căn khác thảy đều thành tựu đầy đủ. Trong khoảng bảy ngày thứ 20 cảm phát gió nghiệp tên là Kiên-cố; do sức gió nầy, các thứ xương thân đều sanh ra. Trong khoảng bảy ngày thứ 21, cảm phát gió nghiệp tên là Sanh-khởi, sức gió nầy làm cho sanh ra thịt. Trong khoảng bảy ngày thứ 22, cảm phát gió nghiệp tên là Phù-lưu, sức gió nầy làm cho sanh ra máu. Trong khoảng bảy ngày thứ 23, cảm phát gió nghiệp tên là Tịnh-trì; sức gió nầy làm cho sanh ra da. Trong khoảng bảy ngày thứ 24, cảm phát gió nghiệp tên là Trì-vân, sức gió nầy làm cho bì phu có sắc tươi nhuần. Trong khoảng bảy ngày thứ 25, cảm phát gió nghiệp tên là Trì-thành, sức gió nầy làm cho máu thịt của thai nhi lần lần được tư nhuận. Trong khoảng bảy ngày thứ 26, cảm phát gió nghiệp tên là Sanh-thành, sức gió nầy làm cho sanh ra tóc, lông, móng tay và chơn. Trong khoảng bảy ngày thứ 27, cảm phát gió nghiệp tên là Khúc-dược; sức gió nầy làm cho thân tướng được thành tựu. Khi ấy, Ðức Thế-Tôn nói bài kệ:


Đứa bé trong thai mẹ
Hăm bảy lần bảy ngày
Do các nghiệp lành dữ
Thân tướng hiện xấu đẹp.
Nếu thai nhi là trai
Ở hông bên mặt mẹ
Ngồi co, tay che mặt
Hướng về phía xương sống.
Như thai nhi là gái
Thì ở hông bên trái
Hai tay úp vào mặt
Ngồi hướng về trước bụng.
Khi người mẹ đi mau
Hoặc ngồi nằm hơi lâu
Hoặc ăn các mùi vị
Nóng, lạnh không hợp thân
Hoặc ăn ít ăn nhiều.
Thai nhi đều chịu khổ.
Cho nên người có trí
Chớ mến nẻo luân hồi.

Lại nữa, A-Nan! Trong khoảng bảy ngày thứ 28, thai nhi sanh ra tám thứ vọng tưởng điên đảo, như: mình ngồi xe ngựa hoặc đi thuyền, ở lầu cao, nằm trên giường, nghe suối chảy, đến đầm ao, thấy sông rộng, ở khu vườn nhỏ, vào hoa viên to. Trong khoảng bảy ngày thứ 29, cảm phát gió nghiệp tên là Hoa-điều, sức gió nầy làm cho thai thân sáng sủa, các tướng phân minh; do nghiệp lành dữ đời trước, thai nhi hoặc đen, hoặc trắng, hoặc không đen trắng, hoặc có các màu sắc khác, hoặc khô khan, hoặc tươi nhuận. Trong khoảng bảy ngày thứ 30, cảm phát gió nghiệp tên là Thiết-khẩu; do sức gió nầy, tóc, lông, móng tay chơn đều dài ra. Trong khoảng bảy ngày thứ 31, đến 35, thai thân lần lần lớn, nhơn tướng đầy đủ. Trong khoảng bảy ngày thứ 36, thai nhi sanh lòng nhàm chán, không vui. Trong khoảng bảy ngày thứ 37, thai nhi khởi ra năm tưởng niệm điên đảo: tưởng tướng bất tịnh, tưởng sự hôi nhơ, ở trong tù ngục, ở chỗ tối tăm, mình thấy buồn chán. Trong khoảng bảy ngày thứ 38, cảm phát hai luồng gió nghiệp tên là Câu-duyên và Thú-hạ; sức thổi của hai thứ gió nầy làm cho thai nhi xoay chuyển, đầu trở xuống dưới, xuôi hai tay như sắp muốn ra. Nếu đứa bé đời trước có tạo nghiệp đọa lạc, thì tay chơn ngang dọc xoay trở không được, chết trong bụng mẹ; làm cho người mẹ rất đau đớn khổ sở hoặc có thể mạng chung. Như đứa bé đời trước tạo những nghiệp lành hay gây nhân sống lâu, thì khi sanh ra, mẹ con đều an ổn”. (Kinh Đại-Bảo-Tích)

Nếu thai nhi ở trong bụng mẹ được chín tháng hay hơn chín tháng mới sanh ra gọi là viên mãn. Như chỉ có tám, bảy hay sáu tháng, thì không gọi là viên mãn. Thai-tạng khi sanh trưởng có tám vị sai biệt: Yết-la-lam, Yết-bộ-đàm, Bế-thi, Kiền-nam, Bát-la-xa-khê, Phát-mao-trảo, Căn-vị, Hình-vị. Yết-la-lam-vị là lúc tinh huyết mới kết động còn hơi lỏng hình như mũi tên. Yết-bộ-đàm-vị (cũng gọi là An-phù-đà) là lúc thai tạng chưa sanh thịt, trong ngoài như sữa đặc. Bế-thi-vị là lúc thai nhi mới tượng hình, có dáng hai cánh tay khép lại, thịt đã sanh mà còn rất mềm. Kiền-nam-vị (cũng gọi là Dà-na) là lúc khối thịt đã hơi cứng có thể xoa rờ được. Bát-la-xa-khê-vị (cũng gọi là Ban-la-xa-khê) là lúc thai nhục lớn lên hiện ra tướng tay chân và đầu. Phát-mao-trảo-vị là lúc tóc, lông, móng tay và chơn hiện ra. Căn-vị là lúc phát sanh mắt, tai, mũi, miệng, và đường đại tiểu tiện. Hình-vị là lúc các tướng nơi thân hiện ra đầy đủ rõ ràng.

Lại thai nhi còn do nghiệp đời trước của mình, hoặc ảnh hưởng bởi người mẹ gây ra, mà tóc lông, màu sắc làn da, hoặc chi phần có sự biến đổi. Nếu trong lúc mang thai, người mẹ ăn nhiều chất vôi, chất mặn, đứa con bị nguyên nhân ấy mà tóc lông thưa ít. Như người mẹ ở nơi chật hẹp nóng bức, hoặc thường gần chỗ lửa nóng, đứa con bị ảnh hưởng đó, màu da trở nên đen đúa; nếu trái lại, thường ở chỗ lạnh, thì đứa con màu da trắng. Hoặc người mẹ thích ăn nhiều chất nóng, về sau hài nhi sẽ có màu da hung đỏ. Nếu trong lúc cấn thai, người mẹ còn nhiều dâm dục, đứa con sẽ có làn da ghẻ chốc, sần sùi. Trong lúc thai nghén, người mẹ không khéo giữ gìn, thường chạy nhảy làm việc xốc xáo, nặng nề, do ảnh hưởng đó, các chi phần của đứa con hoặc xiên xẹo hoặc không đầy đủ. (Luận Du-Già)

Tiết IV: Sanh Về Ác Đạo

Con người khi sắp chết, thân tâm hôn muội như ngủ mà không có chiêm bao. Lúc ấy minh liễu ý thức không hiện khởi, không thể biết được cảnh sở duyên của sáu chuyển thức, đó là tán-hữu-tâm cũng gọi sanh-tử-tâm. Bấy giờ do nghiệp lành dữ, thân phần lần lần lạnh, chỗ nào còn nóng sau rốt, là thần thức ra nơi đó. Có bài tụng rằng:

“Đảnh sanh cõi Thánh, mắt sanh Trời.

Bụng nóng Ngạ-quỷ, tim nóng Người.

Bàng-sanh thần thức ra đầu gối.

Nóng ở bàn chơn Địa-ngục thôi!” (Đại-Thừa-Trang-Nghiêm-Kinh-Luận)

Người nào khi lâm chung, sắp đọa vào loài Bàng-sanh, thì có những tiên triệu như sau: 1. Thân mang bịnh nặng tâm mê mờ tán loạn như ở trong mây mù. 2. Sợ nghe danh hiệu Phật, không chịu ai khuyên bảo điều lành. 3. Ưa thích mùi cá thịt. 4. Quyến luyến vợ con, đắm đuối không bỏ. 5. Các ngón tay và chơn đều co quắp. 6. Cả mình toát ra mồ hôi. 7. Khóe miệng chảy ra nước. 8. Tiếng nói khò khè hoặc rít róng khó nghe. 9. Miệng thường ngậm đồ ăn.

Người nào khi lâm chung, sắp đọa vào đường Ngạ-quỷ, thì có những tiên triệu như sau: 1. Thân mình nóng như lửa. 2. Lưỡi luôn luôn liếm môi. 3. Thường cảm thấy đói khát, ưa nói đến việc ăn uống. 4. Miệng hả ra không ngậm lại. 5. Tham tiếc tiền của, dây dưa khó chết. 6. Mắt thường trương lên mà không nhắm. 7. Đôi mắt khô khan như mắt chim gỗ. 8. Không có tiểu tiện nhưng đại tiện thì nhiều. 9. Đầu gối bên mặt lạnh trước. 10. Tay bên mặt thường nắm lại, tiêu biểu cho lòng bỏn sẻn. 11. Lúc tắt hơi hai mắt vẫn mở.

Người nào khi lâm chung, sắp đọa vào nẻo Địa-ngục, thì có những tiên triệu như sau: 1. Nhìn ngó thân quyến bằng con mắt giận ghét. 2. Đưa tay lên quờ quạng hư không. 3. Đi đại tiểu tiện không tự biết. 4. Thân thường có mùi hôi hám. 5. Nằm úp mặt xuống hoặc che giấu mặt mày. 6. Hai mắt đỏ ngầu. 7. Nằm co về bên trái. 8. Xương lóng đau nhức. 9. Thiện tri thức dù có chỉ bảo, họ cũng không tùy thuận. 10. Nhắm nghiền đôi mắt không mở. 11. Mắt bên trái hay động đậy. 12. Sống mũi xiên xẹo. 13. Gót chân đầu gối luôn luôn run rẩy. 14. Thấy ác tướng vẻ mặt sợ sệt mà nói không được, hoặc sảng sốt kêu la bảo là quỷ hiện. 15. Tâm thức rối loạn. 16. Cả mình giá lạnh, tay nắm lại, thân thể cứng đơ. (Kinh Thủ-Hộ-Quốc-Giới)

Thân Trung-ấm nào sắp sanh về cõi A-tu-la, thì sẽ thấy có những vườn cây khả ái và những vầng lửa lẫn lộn chuyển xoay. Nếu thấy cảnh tượng ấy sanh lòng vui vẻ đi đến đó, tức là thác sanh vào nẻo nầy.

Trung-ấm nào sắp đọa vào loài chó lợn, thường thấy nhiều cô gái đẹp, mình ưa thích chạy theo; do nhân duyên đó mà bị thác thai. Trung-ấm nào sắp đọa vào các loài Bàng-sanh khác, cảm thấy có luồng gió mãnh liệt cuốn lôi không tự cưỡng lại được, hoặc thấy vô số Quỷ-thần cầm binh trượng đuổi theo hoặc thấy lửa cháy lan tới rần rần, sấm sét phủ đầu dữ dội, sương mù phủ giăng mịt mịt, núi lở biển dậy ầm ầm, tự mình sợ hãi chạy vào rừng bụi, hang đá mà lẩn trốn; hoặc đang khi ấy thấy ba cái hố trắng, đỏ, đen, liền nhào xuống mà ẩn thân. Do nhân duyên đó bị thọ sanh vào dị loại như hùm, beo, nai, chồn, rắn, rít...

Những trung-ấm nào sắp đọa vào đường Ngạ-quỷ, thì tự thấy, có một bãi sa mạc rộng lớn mênh mông không cây cối, hoặc chỉ có những hang hố cỏ cây khô héo. Lúc ấy tự mình bị sức gió nghiệp đưa đến đó, liền thác sanh vào Ngạ-quỷ đạo, chịu nhiều sự nóng bức, đói khát khổ sở vô cùng!

Trung-ấm nào sắp sanh vào Địa-ngục bỗng nghe những khúc ca hết sức bi ai buồn thảm, thấy cảnh giới mù mịt tối tăm, nhà cửa sắc đen hay trắng, hoặc thấy hang hố sâu thẳm, đường sá lờ mờ. Lúc ấy chính mình bị quỷ xua đuổi vào trong đó, khi vào rồi thì thân không được tự do, liền bị thác sanh.

Trung-ấm nào sắp đọa vào ngục hàn-băng, do sức nghiệp, bỗng nhiên thân thể nóng bức không kham, gặp hơi lạnh ở hàn ngục xông lên, tự cảm thấy mát mẻ dễ chịu, khởi lòng ưa thích vội vã bay xuống nơi đó, lúc ấy liền bị thác sanh. Trung-ấm nào sắp đọa vào ngục viêm-nhiệt, do sức nghiệp, bỗng nhiên thân thể giá rét không kham, gặp hơi nóng ở hỏa ngục xông lên, tự cảm thấy ấm áp dễ chịu, khởi lòng ưa thích vội vã bay xuống nơi đó, lúc ấy liền bị thọ sanh. Trung-ấm nào sắp đọa vào ngục phẩn-uế, do sức nghiệp, bỗng cảm thấy một mùi thơm ngạt ngào chịu không kham, bấy giờ trong tâm ước ao muốn tìm nơi có mùi hôi thúi để đánh át bớt mùi thơm đó; bởi nhân duyên ấy mà bị thọ sanh.

Lại trung-ấm nào thấy ánh sáng màu lục lờ mờ, ưa thích đi vào đó, liền thác sanh về cõi A-tu-la. Trung-ấm nào thấy ánh sáng màu hơi xanh, ưa thích đi vào đó, liền bị thọ thân Bàng-sanh. Trung-ấm nào thấy ánh sáng màu hơi đỏ, ưa thích đi đến đó, liền thác sanh vào loài Ngạ-quỷ. Trung-ấm nào thấy ánh sáng mờ đục như khói đen, ưa thích đi đến đó, liền thác sanh vào nẻo Địa-ngục. (Tạp-Sự-Lục)

Đức Phật bảo Đại-Dược Bồ-Tát: “Những chúng-sanh tạo nghiệp ác, sắp đọa vào Nại-lạc-ca, tự nhiên có lòng buồn thảm kinh sợ tùy theo bản nghiệp thấy hình tướng của các thứ Địa-ngục, khi thần thức lìa thân liền sanh vào nơi đó. Hoặc có kẻ thấy phương khác có dáng đỏ tươi dường như máu rưới, liền sanh lòng nhiễm trước, do nhân duyên đó mà thọ sanh”.

Bấy giờ ngài Bạt-Đà-La-Bà-Lê thưa: “Bạch Thế-Tôn! Các chúng-sanh ở Nại-lạc-ca thân hình có những màu sắc gì? Sự thọ thân như thế nào?”

Đức Phật bảo: “Nếu chúng-sanh nào nhiễm trước chỗ máu, thì thân thể đỏ như sắc máu. Nếu chúng-sanh nào nhiễm trước sông Tỳ-la-ni (Nan-độ-hà), thì thân thể như sắc mây không trắng không đen. Nếu chúng-sanh nào nhiễm trước Khôi-hà, thì thân thể có sắc vằn. Chúng-sanh ở những nơi đó thọ thân to lớn, cao tám chẩu rưỡi, râu ria cùng tóc rất dài, bàn chơn hướng về phía sau. Giả sử người ở cõi Diêm-phù được trông thấy hình tướng ghê gớm của các chúng-sanh ấy, cũng phải kinh sợ mà chết!” (Kinh Đại-Bảo-Tích).

Tiết V: Sanh Về Thiện Đạo

Người nào khi lâm chung, sẽ sanh lại cõi người, thì có những tiên triệu như sau: 1. Thân không bịnh nặng. 2. Khởi niệm lành, sanh lòng hòa dịu, lòng vui vẻ vô tư, ưa việc phước đức. 3. Ít sự nói phô, nhớ nghĩ đến cha mẹ vợ con. 4. Đối với việc lành hay dữ, tâm không lầm loạn. 5. Sanh lòng tịnh tín, thỉnh Tam-bảo đến đối diện quy-y. 6. Con trai con gái đều đem lòng thương mến và gần gũi, coi như việc thường. 7. Tai muốn nghe tên họ của anh em, chị em, bè bạn. 8. Tâm chánh trực không dua nịnh. 9. Rõ biết bạn bè giúp đỡ cho mình, khi thấy bà con săn sóc sanh lòng vui mừng. 10. Dặn dò giao phó các việc lại cho thân quyến, rồi từ biệt mà đi.

Người nào khi lâm chung, sẽ sanh lên cõi trời, thì có những tiên triệu như sau: 1. Sanh lòng thương xót. 2. Phát khởi tâm lành. 3. Lòng thường vui vẻ. 4. Chánh niệm hiện ra. 5. Đối với tiền của vợ con không còn tham luyến. 6. Đôi mắt có vẻ sáng sạch. 7. Ngước mặt trông lên miệng mỉm cười, hoặc tai nghe thiên nhạc, mắt thấy thiên-đồng. 8. Không có những sự hôi hám. 9. Sống mũi không xiên xẹo. 10. Lòng không giận dữ.

Người nào lúc bình thời giữ giới niệm Phật không được tinh tấn khi sắp chết không có các tướng lành dữ, nhắm mắt đi xuôi như người ngủ; kẻ ấy nghi tình chưa dứt, sẽ sanh về nghi thành ở biên-phương Tịnh-độ.

Người nào khi lâm chung biết ngày giờ trước, chánh niệm rõ ràng, tự tắm gội thay đổi y phục, hoặc thấy quang minh chiếu thân, hoặc thấy tướng hảo của Phật, các điềm lành hiển hiện, kẻ ấy sẽ sanh về cõi Tịnh-độ. (Kinh Thủ-Hộ-Quốc-Giới)

Chúng-hữu-tình ở ba đường ác, khi nghiệp hết, nếu có túc phước cũng được sanh ngay trên cõi trời, như loại Bàng-sanh, lúc mạng chung sắp chuyển sanh lên Thiên-cung, tự thấy có ánh sáng rực rỡ, lòng si nhẹ bớt, trí tuệ mở mang, trong lòng an vui, liền thoát hóa về thiên giới. Các Ngạ-quỷ lúc mạng chung sắp sanh lên cõi trời, tự có cảm giác không còn đói khát, tuy thấy các thức ăn uống, chỉ lấy mắt mà nhìn, nơi tâm vui vẻ, liền được thọ sanh. Chúng-sanh ở Địa-ngục khi nghiệp hết sắp sanh lên Thiên-cung thì đang lúc bị các hình phạt như: quỷ tốt đánh đập, bỏ vào vạc dầu sôi, để trên giường sắt nóng, hay trong khi chim sắt, ác thú cắn mổ liền chết ngay không còn sống lại. Bấy giờ, tự nghe thấy chư thiên múa hát cười nói, cảm biết gió thơm thổi vào mình, liền được thọ sanh.

Các hữu-tình khi mạng chung, thân Trung-ấm đang bơ vơ không nơi nương tựa, thì lúc ấy có ánh sáng yếu ớt của lục phàm soi đến. Tùy theo nghiệp duyên thân Trung-ấm sẽ sanh về cõi nào luồng ánh sáng của đạo ấy càng rực rỡ hơn lên. Ánh sáng của tứ ác đạo như trước đã nói, còn ánh sáng của nẻo trời thì hơi trắng, ánh sánh của nẻo người thì hơi vàng.

Lại nữa, các cõi Phật ở mười phương cũng phóng ra những hào quang rực rỡ và mạnh như: hào quang sắc xanh chói lòa, hào quang sắc trắng trong sạch, hào quang sắc vàng bóng suốt như ngọc, hào quang sắc đỏ mãnh liệt. Như thế có rất nhiều thứ hào quang của chư Phật chói suốt lẫn nhau. Nhưng vì nghiệp lực, nên thân Trung-hữu sợ hãi những hào quang mãnh liệt của chư Phật đã soi đến, mà chỉ ưa thích những hào quang yếu ớt trong lục đạo. Vì thế nên chúng-sanh thường bị xoay vần quanh nẻo luân-hồi, chịu nhiều điều khổ não

Loài người hiện tại khi mạng chung sắp sanh trở lại châu Nam-Thiệm-Bộ, trước tiên thấy có tòa núi to như muốn rớt trên mình, tự đưa tay ra đỡ. Liền khi ấy, lại thấy tòa núi đó đổi hình lại như giải nệm trắng, chính mình ngồi nơi niệm ấy mà bay đi. Trong khi bay lên, lại thấy nệm hóa ra màu đỏ. Kế đó, lại thấy ánh sáng, trong ánh sáng có nam nữ hội hiệp. Nếu sẽ sanh làm thân nam, thì tự thấy mình cùng mẹ giao hiệp, đối với cha cho là chướng ngại, có lòng ghét; như sẽ sanh làm thân nữ thì trái lại. Bấy giờ hốt nhiên tướng Trung-ấm diệt liền vào thai.

Chúng-hữu-tình ở châu Nam-Thiệm-Bộ sắp sanh về châu Đông-Phất-Bà-Đề, khi lâm chung thấy tất cả đều là màu xanh, có một giải nệm xanh rủ xuống, lúc ấy do sợ giải nệm xanh rớt, tự đưa hai tay lên đỡ lấy, vẻ mặt dường như có sắc kinh hãi. Kế đó lại thấy một cái hồ, bầy ngựa chạy giỡn trên bãi cỏ, cha là ngựa đực, mẹ là ngựa cái. Nếu Trung-ấm sẽ sanh làm người nam, thì tự thấy mình là ngựa đực, đối với cha sanh lòng ghét, với mẹ sanh lòng yêu. Như Trung-ấm sẽ sanh làm người nữ, thì tự thấy mình là ngựa cái, đối với cha yêu mến, với mẹ lại ganh ghét. Lúc ấy liền được thọ sanh.

Chúng-hữu-tình ở châu Nam-Thiệm-Bộ khi lâm chung sắp sanh về châu Tây-Cù-Đà-Ni, thì trước tiên thấy một giải nệm vàng vây quấn, nhà cửa đều biến thành sắc vàng. Kế đó lại thấy một cái hồ, bốn bên bờ có trâu gặm cỏ, thân mình là trâu, cha là trâu đực, mẹ là trâu cái. Lúc ấy tùy nghiệp duyên sẽ sanh làm trai hay gái, đối với cha hoặc mẹ sanh lòng điên đảo yêu ghét. Bấy giờ liền được thọ sanh.

Chúng-hữu-tình ở châu Nam-Thiệm-Bộ khi lâm chung sắp sanh về châu Bắc-Uất-Đan-Việt, trước tiên thấy một giải nệm đỏ mịn màng, trong lòng ưa thích đưa tay khuấy động như muốn tiếp lấy. Kế lại trông thấy một hồ sen xanh, các loài bạch nga, hồng, nhạn, uyên ương lội đùa trên mặt nước, mình cũng vào đó chơi giỡn. Khi ở dưới hồ bước lên, vừa lúc cha mẹ dục nhiễm bất tịnh, do nghiệp điên đảo thấy mình là chim ngỗng, cha là ngỗng trống, mẹ là ngỗng mái. Bấy giờ tùy nghiệp duyên sẽ sanh làm trai hay gái, đối với cha mẹ sanh lòng điên đảo ghét yêu. Trong khi đó liền được thọ sanh.

Chúng-hữu-tình ở Đông, Tây, Bắc-châu, từ nơi đây sanh nơi kia, khi lâm chung thấy trong hang tối có lá phướn dài rủ xuống: ánh sáng như làn điển đỏ. Lúc ấy tự mình nắm phăng theo ngọn phướn đi vào, mà thọ Trung-ấm-thân. Còn các tướng sanh về châu nào thì tùy mỗi nơi hoặc thấy hai con ngựa, hai con trâu, hai chim ngỗng như trước.

Chúng-hữu-tình ở châu Nam-Thiệm-Bộ, khi lâm chung sắp sanh lên cõi trời, trước tiên thấy một giải nệm trắng tế nhuyễn rủ xuống như muốn rớt, lại trông thấy các tướng vườn cây, ao hoa, chư thiên múa hát. Lúc đó dù quyến thuộc có than khóc kêu gọi, do bởi phước nghiệp, kẻ ấy cũng không nghe biết, chỉ ngửi thấy mùi thơm, nghe tiếng âm nhạc, trong lòng vui vẻ không còn nhớ nghĩ chi cả, liền được thiện chung.

Chúng-hữu-tình ở châu Phất-Bà-Đề, khi lâm chung sắp sanh lên cõi trời, tự thấy cung đền nghiêm đẹp, xung quanh có thiên-tử, thiên-nữ đang vui vẻ nhàn du. Lúc đó trong lòng sanh hoan hỷ, tự có cảm giác như người mới thức dậy. Bấy giờ liền được thọ sanh.

Chúng-hữu-tình ở châu Cù-Đà-Ni, khi lâm chung sắp sanh lên cõi trời, trước tiên thấy nước chảy xao xuyến trong ao đầm rộng lớn. Lúc ấy thần thức nương theo ngọn nước trôi qua đến bờ bên kia. Kế đó lại thấy các thiên-nữ xinh đẹp, tự mình chạy đến mà ôm. Khi ấy chính là lúc hóa sanh.

Chúng-hữu-tình ở châu Uất-Đan-Việt, khi sanh lên cõi trời, có nhiều tướng trạng. Nếu là người phước đức bậc hạ, thì lúc lâm chung, mũi ngửi mùi thơm lạ, mắt thấy hoa quí đẹp, trong lòng ưa thích muốn leo lên cây cao. Đang khi leo cây chính là lúc Trung-ấm bay lên núi Tu-Di. Khi đến nơi liền thấy thế-giới của chư thiên, cung điện vườn hoa, tất cả đều trang nghiêm xinh đẹp. Lúc ấy tùy theo nhân nhơn duyên kẻ đáng làm cha mẹ mà hóa sanh. Như kẻ phước đức bậc trung, thì khi lâm chung thấy có bầy ong vần vũ xung quanh một hoa sen trong hồ, tự mình bước lên hoa sen ấy, bay đến thiên cung. Lúc ấy tùy nơi nhân duyên của kẻ đáng làm cha mẹ mà hóa sanh. Còn người phước đức bậc thượng, thì khi lâm chung thấy cung điện tốt đẹp trang nghiêm, thân Trung-hữu nương nơi cung điện ấy mà bay lên hóa sanh nơi thiên giới.

Chư thiên khi thọ chung sắp sanh lại cõi trời, tự thấy các đồ trang nghiêm nơi thân không mất, không có vị thiên-tử nào ngồi ở bản tòa của mình. Lúc ấy tự thân bỗng diệt rồi lại sanh, như ngọn đèn tắt rồi lại cháy. Nếu sanh lên cõi trời cao hơn, thì có những tướng trạng thù thắng đáng mến. Như sanh xuống cõi trời thấp hơn, thì thấy vườn cây ao đều không bằng khi trước, tự có cảm niệm u buồn đói khát. Lúc đó liền hóa sanh. (Kinh Chánh-Pháp-Niệm, Tạp-Sự-Lục)

Bấy giờ, Đại-Dược Bồ-Tát hỏi Phật rằng: “Bạch Thế-Tôn! Loài hữu-tình sau khi mạng chung, tướng trạng thọ thiên thân như thế nào?” Đức Phật bảo: “Nầy Đại-Dược! Những chúng-sanh có phước nghiệp khi sắp sanh lên thiên giới, thì có thiên nhãn, thấy được y-báo và chánh-báo ở cõi lục dục. Chúng-sanh đó thấy nhiều cung điện tốt đẹp, ao hoa, vườn cây quí lạ, rừng hoan hỷ.... Nơi ấy có những tòa cao trải lót bằng thiên y cùng vô lượng sự trang nghiêm khác. Chư thiên vị nào cũng xinh đẹp, trang sức bằng hoa tai, vòng xuyến, chuỗi anh lạc. Những thiên-tử và ngọc-nữ dạo chơi khắp các nơi, đối nhau tươi cười. Lúc thấy các tướng như thế, chúng-sanh ấy tự nhiên sanh lòng vui mừng. Khi người đó mạng chung, tâm không điên đảo, mũi không xiên vẹo, miệng không có mùi hôi, tai và mắt giống như sắc hoa sen xanh, thân thể không chảy máu cũng không ra đồ bất tịnh, tay chân không co rút. Lại khi lâm chung, kẻ ấy hoặc thấy xe kiệu tốt đẹp hiện ra trước. Xe đó rộng lớn có đến ngàn cây cột, trang nghiêm bằng hoa thơm, chuỗi ngọc, lưới châu, linh báu. Từ nơi bảo linh phát ra các tiếng nhiệm mầu. Mùi hương bay lan phưởng phất. Vô lượng thiên-đồng cũng theo xe đi đến. Khi thấy các tướng trạng như thế, người ấy thân tâm vui vẻ, yên ổn mà xả thân”. (Kinh Đại-Bảo-Tích)

Chư thiên cõi lục dục khi mới sanh, tùy theo thiên giới cao thấp, thân hình có lớn nhỏ sai biệt, hoặc như đứa bé năm, sáu, bảy tuổi, hoặc như đứa bé tám, chín, mười tuổi. Sau khi hóa sanh, thiên-đồng cảm thấy đói khát, liền có các vị tô đà, cam lộ, đựng trong bảo khí hiện ra. Lúc đó tùy theo phước báo ít nhiều, tự mình thấy thức ăn có những sắc hoặc trắng, vàng, đỏ khác nhau. Khi ăn uống xong, thân thể hóa hiện trang nghiêm, cao lớn. Thường thường thiên nam hóa sanh ở đầu gối bên trái của mẹ. Hoặc có khi chư thiên nam, nữ đều hóa sanh ở đóa hoa nơi tay của thiên mẫu. Chư thiên cõi Sắc khi mới sanh, thiên tướng liền viên mãn, không trải qua sự ăn uống. Tất cả thiên chúng đều tự biết thánh-ngữ, không cần học tập. (Luận Thuận-Chánh-Lý)

Chư thiên khi sắp mạng chung có năm tướng tiểu suy: 1. Y phục và đồ trang nghiêm như vòng xuyến, chuỗi anh lạc, kêu vang ra tiếng không được thanh tao êm dịu. 2. Ánh sáng nơi thân hốt nhiên mờ yếu. 3. Khi tắm, gội, các giọt nước dính đọng nơi mình. 4. Tánh tình thường thung dung phóng khoáng, nay bị trệ lại một cảnh. 5. Mắt luôn luôn máy động, không được trong lặng như mọi khi. Nhưng năm tướng nầy hiện ra cũng có khi nhằm trường hợp khác, không phải nhất định là sẽ chết. Kế đó lại có năm tướng đại suy: 1. Y phục dính bụi. 2. Vòng hoa trên đầu rũ héo. 3. Hai nách chảy ra mồ hôi. 4. Thân có mùi hôi bay ra. 5. Không ưa chỗ ngồi của mình. Lúc năm tướng nầy hiện ra, quyết định sẽ mạng chung. (Luận Câu-Xá. Theo kinh Nhân-Quả thì năm tướng đại suy điều 1 là hai mắt máy động; điều 4 là ánh sáng nơi thân tắt mất).

Tiết VI: Nghiệp Duyên Thọ Sanh

Đức Phật bảo: “Nầy A-Nan! Tất cả loài hữu-tình chết nơi đây, sanh nơi kia, sống chết nối nhau không dứt. Mỗi khi lâm chung, các nghiệp lành dữ trong một đời đều hiện. Chúng-sanh nào thuần tưởng thì bay lên hóa sanh nơi cõi trời. Nếu trong sự thuần tưởng gồm có phước huệ và tịnh nguyện, thì tự nhiên tâm khai được thấy mười phương chư Phật, tùy nguyện sanh về cõi Tịnh-độ. Chúng-sanh nào tình ít tưởng nhiều thì vào hàng phi-tiên, bay đi rất nhẹ nhàng, nhưng không được xa bằng hạng thuần tưởng. Chúng-sanh nào tình, tưởng bằng nhau, sẽ thác sanh vào cõi người; bởi tưởng là thông sáng, tình là tối mê, nên không lên không xuống. Chúng-sanh nào tình nhiều tưởng ít, sẽ lạc vào đường Bàng-sanh, nhẹ thì làm loài phi-cầm, nặng thì làm loài tẩu-thú. Chúng-sanh nào bảy phần tình ba phần tưởng, sẽ bị đọa làm thân Ngạ-quỷ, thường chịu nóng bức đói khát trải qua trăm ngàn kiếp. Chúng-sanh nào chín phần tình, một phần tưởng, sẽ bị đọa vào Nại-lạc-ca nhẹ thì sanh nơi ngục hữu-gián, nặng thì sanh nơi ngục vô-gián. Chúng-sanh nào thuần tình sẽ bị vào đọa ngục đại A-Tỳ. Nếu trong tâm ấy còn kiêm các tội như: Hủy cấm giới của Phật, khinh báng kinh Đại-thừa, thuyết pháp sai lầm, tham của tín thí, lạm thọ sự cung kính và phạm ngũ nghịch thập ác, thì sẽ bị quả luân chuyển sanh về ngục vô-gián ở mười phương”. (Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm)

Bởi ba cõi định ngôi, sáu đường chia loại, nên hình hài xấu đẹp, quả có khổ vui! Tìm ra điểm sanh khởi chẳng rời sắc tâm; xả đến chỗ hội quy không ngoài sanh diệt. Mà sanh diệt luân-hồi chính thật vô thường, sắc tâm hư huyễn nguyên là cội khổ! Thế nên, kinh Pháp-Hoa dụ cho nhà lửa, kinh Niết-Bàn ví với sông to. Bậc thánh-nhơn thuyết giáo để đưa sanh loại vượt ra ba cõi, về nẻo chân tâm là do lẽ trên vậy. Đến như Thiên-báo, tuy lầu quỳnh áo gấm, người đẹp cảnh xinh, nhưng trên trời Tha-Hóa còn có Thiên-ma, trong cõi Vô-Vân vẫn nhiều ngoại-đạo. Huống nữa bậc Phi-tưởng-định còn đạo Phi-ly, trời Đâu-Xuất-Đà hãy mê ngũ dục; nên biết phước báo dễ sanh kiêu mạn, cảnh vui khó học Niết-bàn! Đến khi thắng nghiệp hết rồi, thì tóc tiên hoa héo, áo ngọc bụi vương, điện vàng tắt ánh quang minh, thân nhớp còn chi vẻ đẹp? Khắp khuyên rửa lòng sám hối, niệm Phật làm lành, xa thì vui quả chân thường, gần được về nơi Tịnh-độ. (Pháp-Giới-Tập-Thuật-Ngữ)

---o0o---

Source:Di Đà Nguyện Hải
Vi tính:
Huệ Toàn, Huệ Trang, Từ Hỷ và Tuệ Cường
Trình bày :Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/01/2025(Xem: 114)
Thiền Tông dạy rằng người nào sống với Vô tâm là giải thoát. Trần Nhân Tông, vị Thiền sư nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ 13, từng viết rằng khi gặp cảnh, giữ được vô tâm, thì không cần hỏi tới Thiền nữa. Đức Phật trước đó đã dạy pháp Vô tâm trong Kinh Phật Tự Thuyết Ud 1.10. Bài này sẽ viết theo nhiều bản Anh dịch trên Sutta Central. Một đạo sĩ tên là Bahiya cư trú ở thị trấn Supparaka. Bahiya được cư dân tôn kính, cúng dường y phụ, nhà ở và nhiều thứ. Bahiya tự tin rằng đã chứng quả A la hán, hoặc sắp thành A la hán. Một vị cõi trời, kiếp trước từng là người thân của Bahiya, muốn điều tốt lành cho Bahiya, nên hiện ra, nói với Bahiya rằng Bahiya chưa phải là A la hán, và cũng chưa tu đúng con đường để trở thành A la hán.
15/01/2025(Xem: 101)
Trong rất nhiều truyện cổ dân gian Việt Nam, cũng như truyện cổ của nhiều quốc gia khác trên thế giới, có một niềm tin vững chắc rằng mỗi người chúng ta đều có một kiếp sau ở tương lai. Không chỉ riêng với Phật giáo dân gian, hầu hết (và có thể là tất cả) các tôn giáo khác, đều tin rằng có một kiếp sau, hay một đời sau. Chuyện kiếp sau này cần được phân tích minh bạch, để không rơi vào một niềm tin nhầm lẫn.
15/01/2025(Xem: 125)
Bài này sẽ viết trong tinh thần đối chiếu Kinh Pháp Cú với Thiền Tông. Để nói lên một phương pháp của Thiền rằng, trong khi thiền tập, hễ tin Phật hay nghi Phật đều sẽ hỏng, đều rơi vào bất thiện pháp, sẽ không thấy được pháp Vô Vi. Muốn vào đạo Phật, trước tiên phải tin và phải quy y Phật, Pháp, và Tăng. Người tu theo lời Phật dạy phải tin vào Tứ Thánh Đế, tức là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Trong khi tu tập, người tu phải thành tựu tín, giới, văn, thí, huệ mới có thể đoạn trừ bất thiện pháp. Như vậy, người không có lòng tin chắc thật vào Đức Phật sẽ không đi được con đường dài như thế để thành tựu giải thoát.
15/01/2025(Xem: 102)
Bài này sẽ nói về vai trò của người cư sĩ với nhiệm vụ nên học nhiều về Kinh điển, nên hiểu Phật pháp cho thâm sâu, nên tu tinh tấn để làm gương cho người đời thường, và nên sống đơn giản nhằm thích nghi với mọi hoàn cảnh cần để hoằng pháp. Không phải ai cũng có cơ duyên để học nhiều về Kinh điển. May mắn, thời nay chúng ta đã có kinh điển dịch ra tiếng Việt rất nhiều. Các Kinh điển, Bộ Nikaya và Bộ A Hàm đều đã dịch ra tiếng Việt. Trong khi đó, các buổi giảng Kinh do nhiều vị tăng ni thực hiện đã phổ biến nhiều trên YouTube và các trang web về Phật học. Những gì thắc mắc, có thể hỏi trên mạng Google hay các mạng trí tuệ nhân tạo, như ChatGPT hay Gemini, đều có thể được giải thích ở mức độ tổng quát. Tuy nhiên các giải thích này đều khả vấn, có khi là trích dẫn theo sự giải thích của các học giả Ky Tô Giáo hay không phải Phật tử, cần kiểm chứng.
15/01/2025(Xem: 99)
Trong khi học Phật, chúng ta thường đọc thấy ba pháp ấn là vô thường, khổ, và vô ngã. Đôi khi, chúng ta đọc thấy trong kinh nói về bốn pháp ấn là vô thường, khổ, vô ngã và Niết Bàn. Tùy theo dị biệt bộ phái, mỗi vị thầy ưa nói cách này hay cách kia. Thực tế, nói cách nào cũng đúng, cũng phù hợp kinh điển. Trong khi đó, theo cách nhìn của Thiền tông Việt Nam, tất cả các pháp tự thân đã là tịch diệt, bời vì lìa phiền não thì không có bồ đề, lìa sanh tử thì không có Niết bàn. Cũng như sóng không lìa nước, và ảnh không lìa gương. Do vậy, Thiền tông nêu lên ý chỉ là phải nhìn thấy để sống với pháp tánh, với Niết bàn tự tâm.
15/01/2025(Xem: 108)
Trong nhiều kinh, Đức Phật khi giải thích về vô thường đã hỏi rằng có phải mắt và cái được thấy là vô thường hay không, rồi hỏi có phải tai và cái được nghe là vô thường hay không, và rồi vân vân. Như thế, đối với nhiều người tu, quán sát nơi con mắt sẽ là bước đầu để học đạo giải thoát. Tuy nhiên, đối với Thiền Tông Việt Nam, có một số vị thầy dạy rằng hãy nhìn như một người mù nhìn, và hãy nghe như một người điếc nghe. Lời dạy về con đường giải thoát này là như thế nào?
15/01/2025(Xem: 112)
Khi chúng ta nói rằng nhiều người Việt Nam đã học đạo từ khi nằm nôi, chỉ là một hình ảnh cho thấy Phật giáo đã gắn bó với lịch sử dân tộc Việt Nam từ nhiểu ngàn năm. Nhiều lời dạy trong Kinh Phật đã ăn sâu vào trong chính sử, và cả huyền sử của dân tộc Việt.
15/01/2025(Xem: 94)
Khi đọc Thiền sử Trung Hoa và Việt Nam, chúng ta thường gặp một số vị sư truyền dạy, hay trả lời bằng những cách không dùng lời nói. Người ta thường gọi đó là vô ngôn, là không sử dụng ngôn ngữ. Chữ này có lẽ không thích nghi, vì chữ vô ngôn có khi chỉ là sự im lặng, khi không muốn nói. Có lẽ, chữ thích hợp nên là cái biết xa lìa khái niệm không thể mô tả bằng ngôn ngữ được.
19/10/2024(Xem: 729)
Tứ y pháp (四依法; S: Catuḥpratisaraṇa; E: The four reliances) là 4 pháp phương tiện quan trọng theo quan điểm của Phật giáo Bắc truyền, với mục đích giúp hành giả rõ biết pháp nào nên hoặc không nên nương tựa, nhằm thành tựu giác ngộ, giải thoát.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]