Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài đọc thêm 6

26/04/201318:19(Xem: 8978)
Bài đọc thêm 6


Phật Học Cơ Bản

Tập Hai

Ban Hoằng pháp Trung ương
GHPGVN

Chương trình Phật học Hàm thụ (1998-2002)
Nguyệt san Giác Ngộ

--- o0o ---

Phần II - Bài đọc thêm

Bàn về chủ thuyết các bộ phái

Minh Chi


đây, chỉ trình bày chủ thuyết của những bộ phái quan trọng nhất (*) :

1. Sthaviravadins hay là Theravadins (Thượng tọa bộ).

Giáo lý nguyên thủy của Đức Phật, được ghi bằng tiếng Pàli, thuộc về bộ phái Theravada (Thượng tọa bộ) có thể được gọi là bộ phái chính thống nhất của Phật giáo. Bộ phái này thừa nhận Thích Ca là một nhân vật lịch sử, một con người, với những hạn chế nhất định của con người, tuy vẫn có một số quyền năng siêu nhiên. Kinh Phật kể rằng có lúc Phật Thích Ca tỏ ra khó chịu trước một số Tỷ kheo làm ồn ào, mà Phật quở trách là mất trật tự như hàng cá ngoài chợ. Đôi khi Phật nói Phật già và đau lưng.

Theo bộ phái Thượng tọa bộ, giáo lý của Phật khá giản dị: trừ bỏ mọi điều ác, làm mọi điều lành và làm trong sạch tâm ý mình, nhờ học và hành ba môn giới, định, tuệ. Giới hay giới hạnh là nền tảng của mọi tiến bộ ở thế gian. Một Phật tử tại gia phải tránh không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không say rượu. Nếu là xuất gia thì phải từ bỏ hẳn dâm dục, theo đúng bốn giới còn lại của người tại gia, ngoài ra còn giữ thêm một số giới như: không dùng vòng hoa và phấn son để trang sức mình, tránh ngồi, nằm ở giường cao, rộng, êm, không được dùng vàng bạc, không được dự các buổi hòa nhạc, diễn kịch, vũ hội, không được ăn quá trưa.

Mục đích của tu tập Thiền định là đạt tới một tình trạng tâm lý hoàn toàn cân bằng, nhờ đó mà có thể nhận thức được sự vật với thái độ khách quan, đúng đắn, như chúng tồn tại như thật. Nhờ tu tuệ mà có được nhận thức sâu sắc về bốn chân lý thánh, về luật duyên khởi giải thích sự diễn biến của luân hồi sanh tử từ kiếp sống này sang kiếp sống khác.

Mọi hiện tượng của đời sống đều có ba đặc điểm là vô thường, khổ, vô ngã, nghĩa là không có gì chân thực, vĩnh cửu, không có thực thể. Mỗi chúng sanh kể cả con người chỉ là một tổng hợp của hai nhóm yếu tố danh (tinh thần) và sắc (vật chất), nếu phân tích chi ly hơn, thì thành năm uẩn (Skkandas) tức là sắc uẩn, là nhóm yếu tố vật chất; thọ uẩn, nhóm cảm thọ; tưởng uẩn, nhóm ghi nhớ và tưởng tượng; hành uẩn, nhóm dụng tâm và tác ý; thức uẩn, nhóm phân biệt. Bốn thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn bao gồm mọi yếu tố tinh thần trong con người. Nếu kể cả sáu trần, ngoại cảnh thì có 12 xứ: sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và sáu ngoại và nội trần tức là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Và nếu thêm sáu thức nữa: nhãn thức (sự phân biệt của mắt), nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức thì chúng ta có 18 giới (dhatua).

Năm uẩn, 12 xứ, 18 giới đó chính là tất cả thế giới của loài hữu tình. Có thể nói Thượng tọa bộ có một quan điểm đa nguyên về cấu trúc của loài hữu tình và thế giới.

Với các bộ phái khác, con số 18 giới còn tăng thêm nhiều nữa. Đến cuộc đại hội kiết tập lần thứ ba ở Pataliputra, bộ phái này được gọi là vibhajyavada (phân tích bộ, cũng gọi là phân biệt thuyết bộ).

Trong bộ luận Abhidhammattha-sangica, mà soạn giả là Anuruda-hacarya, sống vào thế kỷ 8-12 TL, toàn thể các pháp được phân làm 4 loại: Tâm pháp, tâm sở pháp, sắc pháp và niết bàn. Đó là bộ Luận tổng hợp nhất và mới nhất của bộ phái này. Tâm pháp được tác giả phân tích thành 89 loại, tâm sở pháp thành 52 loại, sắc pháp thành 28 loại. Niết bàn là trạng thái hỷ lạc tuyệt đối không thể mô tả.

Khi một người hiểu được thực chấẽt của mọi sự vật và hiện tượng thế gian, thì anh ta rời bỏ cuộc sống thế tục, sống theo nếp sống Bát chánh đạo: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Khi anh ta đạt được tới tâm trạng hoàn toàn thanh tịnh, mọi tham sân, si đều trừ diệt đến gốc rễ thì trở thành A La Hán. Quả A La Hán là lý tưởng của bộ phái này, khi cuộc sống Thánh đã được thành tựu, mọi việc cần làm đã được làm, đời sống này là đời cuối cùng, vĩnh viễn sẽ không còn phải tái sanh nữa.

2. Bộ phái Mahisasakas (Hóa địa bộ)

Về nguồn gốc của bộ phái này, có sự tranh cãi: Trong khi các tư liệu Pàli cho rằng, bộ phái này cùng với bộ phái Vatsiputriyas (Độc tử bộ) tách khỏi Thượng tọa bộ sau đó lại sản sinh ra Nhất thiết hữu bộ. Còn Vasumitra thì cho rằng, chính bộ phái Mahisasakas tách khỏi hữu bộ.

Người ta cho rằng có hai nhóm Mahisasakas hoạt động trong hai thời điểm khác nhau. Thuộc nhóm này, đầu tiên có thể là Purana, là vị A la hán không tán thành những quyết định của cuộc Đại hội kiết tập lần thứ nhất ở Vương Xá.

Cũng như Thượng tọa bộ, bộ phái Mahisasakas tin rằng đã tu đến quả vị A la hán, thì không có thối chuyển. Nhưng mới đến quả Dự lưu thì có thể thối chuyển (arotapannas), chư thiên hay quỷ thần đều không thể sống cuộc sống Thánh, và ngoại đạo không thể chứng thần thông. Không có trung ấm thân giữa kiếp sống này và kiếp sống khác. Phật Đà bao gồm cả trong Tăng già cho nên cúng dường Tăng bảo sẽ được nhiều công đức hơn là cúng dường riêng cho Đức Phật. Trong tám mục của Bát thánh đạo, thì ba mục chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, không được xem là những mục thực có, bởi lẽ chúng không phải là những hoạt động tâm thức.

Điều hứng thú là những người theo bộ phái Mahisasakas về sau lại có những quan điểm trái ngược với những người theo bộ phái đó trước đây. Những người theo bộ phái này, về sau đồng ý với Hữu bộ cho rằng quá khứ, hiện tại và vị lai đều tồn tại, tin rằng có trung ấm thân, cho rằng các uẩn, xứ, giới đều luôn luôn tồn tại dưới hình thức chủng tử.

3. Bộ phái Sarvastivada (Nhất thiết hữu bộ)
(cũng gọi là "Thuyết nhất thiết hữu bộ")

Trong những bộ phái Phật giáo dùng chữ Sanskrit, thì bộ phái Sarvastivada tỏ ra gần gũi nhất với Thượng tọa bộ. Sau khi Thượng tọa bộ suy thoái, thì Hữu bộ đứng ở hàng đầu chống lại mọi mũi tiến công của Phật giáo Đại thừa. Luận sư Vasubandhu (Thế Thân) là đại biểu xuất sắc của bộ phái này trước khi ông được người anh là Asanga (Vô Trước) giác ngộ theo Đại thừa.

Bộ phái này thịnh hành ở Ấn Độ tại tỉnh Penjeb và ở các tỉnh biên giới phía Bắc (nay thuộc Pakistan). Hoàng đế Kaniskha là thí chủ lớn của bộ phái này (thế kỷ 1 TL). Chính dưới triều vua Kaniskha, đã diễn ra cuộc đại hội kiết tập kinh điển nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo. Người ta kể rằng, trong cuộc đại hội này, ba tạng Kinh, Luật, Luận đã được sắp xếp và khắc trên bản đồng cất giấu trong một bảo tháp. Nhưng đến nay người ta vẫn chưa tìm ra được những bản đồng này.

Niềm tin tất cả mọi sự vật, mọi pháp đều tồn tại - sarvamsati, có nguồn gốc từ trong kinh tạng Pàli Samuytha Nikaya - Tương ưng bộ kinh (Sabbham atthi) là nguồn gốc của tên gọi bộ phái: Nhất thiết hữu nghĩa là tất cả đều tồn tại. Hữu bộ chủ trương thực tại luận cũng như Thượng tọa bộ vậy. Họ tin rằng, không những pháp hiện tại là có thực mà cả pháp quá khứ và vị lai đều có thực. Cũng như Độc tử bộ, (Vatsiputriyas) và Chánh lượng bộ (Sammityas), Hữu bộ cũng chống lại vị trí tuyệt đối của A la hán. Họ nói A la hán cũng có thể thối chuyển, nhưng thực là đáng ngạc nhiên, họ lại cho rằng những người mới chứng quả Tu đà hoàn (Dự lưu) lại không thối chuyển. Họ không tán thành quan điểm của Đại chúng bộ, cho rằng Phật và Bồ tát có những quyền năng siêu nhiên. Họ tin có trung ấm thân. Họ tin rằng các vị Bồ tát cũng chỉ là những người bình thường, và ngay các bậc A la hán cũng không thoát khỏi hậu quả của những nghiệp nhân quá khứ. Và A la hán vẫn còn phải học thêm nữa.

Trong con người, họ không tin là có một thực thể hay ngã nào tồn tại. Nhưng họ lại tin các pháp là có thực. Họ tin ở thế giới, một vũ trụ đa nguyên. Họ phân biệt có 75 pháp, trong số này, 72 là pháp hữu vi, có sanh diệt, do nhân duyên sanh và ba pháp vô vi, không sanh diệt, không do nhân duyên sanh. Ba pháp vô vi là hư không Akasa, trạch diệt (đoạn diệt nhờ có trí tuệ phân biệt), và phi trạch diệt, nghĩa là đoạn diệt do quá trình tự nhiên, hay là do thiếu nhân duyên. 72 pháp hữu vi phân thành bốn nhóm: sắc pháp gồm 11 loại, tâm pháp, 46 tâm sở pháp và 14 pháp gọi là bất tương ưng hành pháp. Loại pháp này mang tên như vậy, vì chúng tuy không thuộc tâm pháp hay là sắc pháp, nhưng chúng không thể hoạt động được nếu không có tâm pháp hay là sắc pháp làm nền tảng, làm nơi nương tựa.

Bộ phái Sarvastivadas còn có tên gọi Hetuvada: nhân duyên bộ.

4. Bộ phái Haimavata (Tuyết sơn bộ)

Qua tên gọi, có thể biết địa bàn hoạt động của bộ phái này đầu tiên ở vùng núi Tuyết Sơn (Himalayas). Vasumitra cho rằng, Tuyết Sơn bộ là một bộ phái nhánh tách ra từ Thượng tọa bộ, nhưng một vài tác giả khác như Bhavya Vinitadeva lại cho rằng Tuyết Sơn bộ là một bộ nhánh của Đại chúng bộ. Cũng như Hữu bộ, họ cho rằng Bồ tát không có vị trí ưu thế gì đặc biệt. Chư thiên và quỷ thần không thể sống cuộc sống Thánh, và ngoại đạo không thể chứng phép thần thông.

5. Bộ phái Vatsiputriyas (Độc tử bộ)

Đặc sắc của bộ phái này so với các bộ phái Phật giáo khác, là cùng với Chánh lượng bộ (Sammitiya) là một bộ phái nhánh của nó, chủ trương thuyết pudgala, một thực thể vĩnh cửu trong con người. Họ dựa vào nhiều đoạn trong kinh tạng nguyên thủy có dùng từ pudgala, và lập luận rằng, nếu không có pudgala, thì không thể có tái sinh. Theo họ, pudgala, không đồng nhất cũng không tách biệt khỏi năm uẩn. Giống như Hữu bộ, họ cho rằng A la hán có thể thối chuyển, và ngoại đạo cũng có thể chứng phép thần thông. Theo Chánh lượng bộ thì chư thiên hay quỷ thần đều không thể sống cuộc sống Thánh. Họ tin có trung ấm thân. Cũng như bộ phái Mahisasakas, trong tám mục của bát chánh đạo, họ không kể ba mục Chánh nghiệp, Chánh ngữ, Chánh mạng, vì không phải là hoạt động tâm thức. Dưới thời vua Harsa Ấn Độ, bộ phái này được người em gái của vua là Rajyasri đỡ đầu.

Bộ phái này còn có tên gọi Avantika (Bất khả diệp bộ) nghĩa là hoạt động ở Avanti.

6. Bộ phái Dharmaguptas (Pháp tạng bộ)

Bộ phái này tách khỏi bộ phái Mahisasaka ở điểm cúng dường Phật hay là cúng dường Tăng bảo. Họ rất chú trọng cúng dường Phật, những bảo tháp thờ Phật, như ghi rõ trong luật tạng của họ. Cũng như bộ phái Mahisasakas, họ tin là A la hán đã diệt trừ mọi dục vọng, và ngoại đạo không thể chứng thần thông.

Bộ phái này phổ cập ở Trung Á và Trung Hoa, họ có Kinh tạng, Luật tạng của họ. Các tu viện chùa chiền ở Trung Hoa đều giống theo luật tạng của bộ phái này.

7. Bộ phái Kasyapiyas (Ấm quang bộ)

Bộ phái này rất gần gũi với Thượng tọa bộ, cho nên họ cũng có tên gọi Sthavariyas. Sách Tây tạng gọi họ là Suvaraaka. Họ cho rằng, thời quá khứ một khi đã sinh quả rồi thì không còn tồn tại nữa, nhưng phần thời quá khứ chưa sinh quả vẫn tồn tại. Đó là điểm khác biệt với Hữu bộ, vì đối với Hữu bộ, thời quá khứ cũng tồn tại như thời hiện tại vậy.

Người ta cho rằng bộ phái Kasyapiyas muốn điều hòa quan điểm giữa hai bộ phái Sarvastivada và Vibhajyavadina (phân tích bộ). Họ cũng có ba tạng kinh điển của họ.

8. Bộ phái Sautrantikas hay Sankrantivadins (Kinh lượng bộ)

Theo tài liệu Pàli, bộ phái Sànkrantivadins tách khỏi bộ phái Kasyapiyas, rồi bộ phái Sautrantikas lại tách khỏi bộ phái Sankrantivadins; còn theo Vasumitra, hai bộ phái này là một. Như tên gọi, bộ phái này tin ở sankranti, tức là có một thực thể chuyển từ cuộc sống này sang cuộc sống khác. Trong năm uẩn, thì chỉ có uẩn vi tế nhất là di chuyển từ cuộc sống này sang cuộc sống khác. Còn Độc tử bộ thì lại cho rằng một pudgala không phải đồng nhất nhưng cũng không tách khỏi năm uẩn, di chuyển từ cuộc sống này sang cuộc sống khác. Theo họ, cái uẩn vi tế nhỏ nhiệm đó chính là cái pudgala thực, giống như cái tâm thức vi tế nhỏ nhiệm của Đại chúng bộ, thấm nhuần vào toàn bộ sắc thân. Cũng giống như thức A lại gia của học phái Duy thức Du già vậy. Rất có thể là bộ phái này đã lấy thuyết tâm thức vi tế từ Đại chúng bộ sau đó truyền lại cho học phái Duy thức Du già. Bộ phái này cũng tin là trong mỗi người có khả năng tiềm ẩn trở thành Phật trong tương lai, một thuyết Đại thừa giáo. Vì những quan điểm như vậy, bộ phái này được xem là cái cầu bắc nối giữa Thanh văn thừa và Đại thừa giáo.

9. Bộ phái Mahasanghikas (Đại chúng bộ)

Hiện nay, mọi người đều cho rằng Đại chúng bộ là bộ phái chủ trương phân phái sớm nhất và là tiền thân của Phật giáo Đại thừa.

Do nhiệt tình truyền đạo lớn của họ, cho nên chỉ trong vòng vài thập kỷ, bộ phái của họ phát triển nhanh chóng, họ làm cho những giới luật hiện hành thích ứng với chủ thuyết của họ, và đưa thêm một số giới điều mới. Tăng già Phật giáo được cách tân, do ảnh hưởng của họ. Họ cũng cải biên nhiều trong việc sắp xếp và giải thích ba tạng kinh điển. Họ công bố nhiều kinh mới, mà họ cho rằng là do Đức Phật Thích Ca đích thân nói ra. Họ bác bỏ một số kinh được kiết tập trong kỳ đại hội kiết tập lần thứ nhất ở thành Vương Xá. Họ không công nhận là Phật đã thuyết các bộ kinh Parivara, Abhidamma (Luận tạng), Patisambhida, Niddesa và một bộ phận Jataka (Bổn sanh). Parivara là một phụ lục của luận tạng, và có thể là tác phẩm của một Tăng sĩ Xây-lan. Còn Luận tạng Abhidamma thì được kiết tập dưới triều vua Asoka, trong cuộc đại hội kiết tập lần thứ ba. Còn ngay thời hiện nay, nhiều người cũng công nhận là các sách Niddesa, Patisambhida và một bộ phận của truyện Bổn Sanh là không phải Phật thuyết. Những bộ sách này được soạn về sau này, do đó bộ phái Mahasanghikas không chịu xếp chúng vào ba tạng kinh điển của họ. Trái lại, họ thêm vào ba tạng kinh điển những kinh đã từng bị Đại hội kiết tập lần thứ nhất loại bỏ. Bộ Tam tạng của họ, gọi là Acaryavada, khác với bộ Tam tạng được kiết tập ở Đại hội Vương Xá.

Theo Huyền Trang, Đại chúng bộ có kinh điển riêng của họ, chia thành năm phần: Kinh, Luật, Luận, Đà la ni tạng và Tạp tạng. Cũng theo Huyền Trang, Luật tạng của Đại chúng bộ giống như luật tạng được kiết tập tại thành Vương Xá, trong cuộc Đại hội lần thứ nhất. Trong số 657 bộ sách do Huyền Trang đưa về Trung Quốc, có 15 bộ sách của Đại chúng bộ viết về Kinh, Luật, và Luận. Trước Huyền Trang, Pháp Hiển cũng đem về toàn bộ Luật tạng của Đại chúng bộ, lấy được ở Pataliputra. Trong bộ danh mục Nanjo, có cả Luật Tỷ kheo và Luật Tỷ kheo ni thuộc Đại chúng bộ. Cuốn Mahavastu hay Mahavastu avadana là của Đại chúng bộ. Đó là cuốn đầu tiên trong bộ luật tạng của bộ phái Lokottaravadins (Thuyết xuất thế bộ) là một bộ phái nhánh của Đại chúng bộ. Theo bộ phái này, Đức Phật là siêu thế (Lokottara) và chỉ quan hệ với cuộc sống thế gian trên hình thức bề ngoài mà thôi. Một quan niệm về Phật như vậy giúp nhiều cho sự phát triển triết lý của Đại thừa giáo. Lịch sử Đức Phật là chủ đề chính của cuốn Mahavastu, ngoài ra còn có tư liệu về sự hình thành Giáo hội Tăng già, những vị xuất gia đầu tiên. Cuốn sách viết một phần bằng tiếng Sanskrit, một phần bằng tiếng Sanskrit tạp, và có thể được soạn trong thời gian từ thế kỷ II trước CN và thế kỷ VI sau công nguyên. Sanskrit tạp là một loại chữ Prakrit.

Vào thế kỷ II sau NB, Đại chúng bộ phân thành Nhất thuyết bộ Ekavyaharika và Thuyết xuất thế bộ (Lokottaravada), Kê dẫn bộ - Gokulika (cũng gọi là Kukkutika), Đa văn bộ (Bahusrutiya) và Thuyết giả bộ (Prajnaptivada), và một thời gian ngắn sau đó thì xuất hiện hai bộ phái Tây Sơn trụ bộ và Đông Sơn trụ bộ (Aparasaila và Uttarasaila).

Caityakas (Chế đa sơn bộ) có tên gọi như vậy, vì bộ phái này coi trọng việc xây dựng và cúng dường các Caityas (bảo tháp thờ xá lợi Phật). Tất cả những bộ phái trên đều mở đường cho sự hưng khởi của Đại thừa giáo.

Hai bộ phái Đông Sơn trụ bộ và Tây Sơn trụ bộ có tên gọi như vậy do địa bàn hoạt động xung quanh hai đồi phía đông và phía tây dãy núi Andha. Họ cũng có tên gọi chung là Andhakas, là tên địa lý vùng hoạt động của họ.

Cả ba bộ phái Chế đa sơn bộ, Đông Sơn trụ bộ và Tây Sơn trụ bộ đều có ảnh hưởng lớn ở miền Nam Ấn.

Lúc đầu, họ gặp sự chống đối quyết liệt của Thượng tọa bộ, nhưng dần dần họ trở thành một bộ phái lớn mạnh, có vị trí ở Pataliputra, Vaisali và phát triển cả về phía Nam lẫn phía Bắc Ấn.

Các chủ thuyết của Đại chúng bộ được ghi lại trong tập Kathavatthu, cuốn Mahavastu và trong các tác phẩm của Vasumitran Bhavya và Vinitadeva. Đại chúng bộ chấp nhận các chủ thuyết căn bản của Phật giáo như Tứ đế, 12 nhân duyên, Bát chánh đạo, thuyết Vô ngã, thuyết Nghiệp báo, thuyết Nhân duyên sanh, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, thứ bậc các quả vị chứng đắc trên con đường tu đạo. Các Đức Phật đối với họ là siêu thế, hoàn toàn thanh tịnh; thân, thọ, mạng và quyền năng của các Đức Phật là vô biên. Các Đức Phật không ngủ, không nằm mơ, luôn luôn ở trong định. Trí tuệ của Phật nắm bắt mọi sự vật, hiện tượng trong một sát na. Nói tóm lại, tất cả những gì thuộc về các Đức Phật đều là siêu nhiên.

Quan niệm của Đại chúng bộ về Đức Phật, dẫn tới thuyết ba thân của Phật về sau này, cũng như khái niệm Bồ tát, sau này trở thành nhân vật trung tâm của Đại thừa giáo. Theo Đại chúng bộ, Bồ tát cũng là siêu nhiên. Vì hậu thân Bồ tát vào bụng mẹ dưới hình thức con voi trắng, và ra khỏi bụng mẹ ở hông bên phải. Vì lòng thương tưởng đối với chúng sanh, các Đức Phật chủ động giáng thế theo bất cứ hóa thân nào mà các Ngài chọn. Chính những khái niệm như thế dẫn tới sau này thần thánh hóa Phật và Bồ tát. Một bộ phận của Đại chúng bộ, những người theo Mahadeva, cho rằng A la hán cũng còn nhược điểm, cũng còn phải học, còn có điểm nghi hoặc.

Sau đây là một số chủ thuyết khác của Đại chúng bộ:

1) Năm thức đầu hoạt động có thể dẫn tới tham trước những chuyện thế tục, nhưng đồng thời cũng có thể dẫn tới ly tham.

2) Các quan năng (mắt...) chỉ là thịt cho nên chúng không biết được hoạt động của các tâm thức (vijnanas).

3) Có thể diệt tận mọi đau khổ và chứng đạt cảnh Niết bàn tuyệt đối an lạc thông qua trí tuệ.

4) Vị Dự lưu (Srotapanna) có thể bị thối chuyển, còn A la hán thì không còn thối chuyển. Vị Dự lưu có thể biết rõ tự thân mình, nhờ hoạt động của tâm và tâm sở. Dự lưu có thể phạm mọi loại giới tội trừ năm tội cực trọng là giết cha, giết mẹ, giết A la hán, làm Phật chảy máu và phá hòa hợp Tăng.

5) Mọi hành động đều là ác hay thiện, không thể có hành động bất định, không phải ác, không phải thiện.

6) Bản chất của tâm là thanh tịnh, nhưng nó có thể bị ô nhiễm bởi các dục vọng và những niệm xấu khác.

7) Không có trung ấm thân giữa kiếp sống này và kiếp sống khác.

Tăng sĩ thuộc Đại chúng bộ mặc áo màu vàng, vạt áo dưới buộc chặt vào bên trái.

10. Bộ phái Bahusrutiyas (Đa văn bộ)

Bộ phái này được nhắc tới trong các bia ký ở Amaravati và Nagarjunakonda và là một bộ phái nhánh xuất hiện sau này của Đại chúng bộ, và được sáng lập bởi một luận sư có kiến thức uyên bác về triết học Phật giáo, tên là Bahusrutiya. Bộ phái này cho rằng các thuyết Vô thường, Khổ, Không, Niết bàn của đạo Phật đều có ý nghĩa xuất thế bởi vì chúng dẫn tới giải thoát. Còn những chủ thuyết khác chỉ có giá trị thế tục. Họ chủ trương Tăng già không bị luật pháp thế tục hạn chế. Họ chấp nhận năm thuyết của Đại Thiên (Mahadeva).

Theo Paramartha (Chân Đế), bộ phái này đã cố gắng điều hòa Thanh văn thừa (Sravakayana) và đại thừa. Bộ luận thành thực (Satyasiddhi) là bộ luận chủ yếu của bộ phái này. Tác giả là Harivarman. Harivarman chủ trương tất cả các pháp không phải riêng các loài hữu tình mà mọi sự vật đều vô ngã, không có thực thể. Ông cũng công nhận có hai loại chân lý: chân lý quy ước gọi là Tục đế và chân lý tuyệt đối tức là Chân đế. Theo Tục đế, vũ trụ thế giới có thể chia thành 84 pháp; nhưng theo chân đế, thì cả 84 pháp đều không tồn tại, mà chỉ còn lại sự không rỗng (sunya). Ông chấp nhận thuyết Phật thân và pháp thân, mà ông giải thích như là có bao gồm giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến và tuệ giải thoát. Ông cho rằng chỉ có hiện tại mới thật sự tồn tại, còn quá khứ và vị lai là không tồn tại.

11. Bộ phái Caityakas (Chế đa sơn bộ)

Bộ phái này do Mahadeva thành lập vào khoảng 200 năm sau khi Phật nhập Niết bàn. Không nên nhằm Mahadeva này với mahadeva đề xuất năm điểm dẫn tới sự phân phái đầu tiên trong Phật giáo Ấn Độ. Ông Mahadeva sáng lập ra bộ phái Caityavada và một Tăng sĩ thông thái, xuất gia theo Đại chúng bộ. Vì ông sống trên một ngọn núi có bảo tháp Caitya, cho nên gọi bộ phái do ông thành lập là Caityavada. Chính từ bộ phái Caityavada, sau này tách ra hai bộ phái nhánh là Đông Sơn trụ bộ và Tây Sơn trụ bộ.

Các chủ thuyết của bộ phái Caityavada gồm các điểm như sau:

1) Xây dựng, trang hoàng, cúng dường các bảo tháp Phật có công đức lớn. Ngay việc đi nhiễu xung quanh bảo tháp cũng có công đức.

2) Cúng dường hương hoa cho bảo tháp Phật cũng là một công đức lớn.

3) Nhờ cúng dường (bảo tháp Phật) mà có công đức và người ta có thể hồi hướng công đức đó cho người thân, và bạn bè vì hạnh phúc của những người này. Quan niệm hồi hướng công đức không thấy có trong Phật giáo nguyên thủy nhưng rất là phổ biến trong Phật giáo Đại thừa, và có sức hấp dẫn lớn đối với hàng Phật tử tại gia.

4) Các Đức Phật đã hoàn toàn từ bỏ tham sân, si, và có được 10 quyền năng (bales-thập lực) mà A la hán không có.

5) Một người có Chánh kiến, vẫn có thể có sân, do đó vẫn có nguy cơ phạm tội sát.

6) Niết bàn là một trạng thái tích cực, không còn cấu nhiễm và khuyết điểm gì nữa.

Như chúng ta thấy trong Đại chúng bộ và các bộ phái chánh sau này tách khỏi Đại chúng bộ, đã sớm có những tư tưởng về sau được cụ thể hóa và phát triển bởi Phật giáo Đại thừa. Thí dụ, tư tưởng thần thánh hóa Phật và Bồ tát, xem Phật và Bồ tát là những đấng siêu nhiên. Có thể nói tư trào này làm thỏa mãn tình cảm tôn giáo của đại chúng Ấn Độ. Thuyết ba thân của Phật, sau này trở thành một đặc sắc của triết học Đai thừa chính là bắt nguồn từ thuyết Báo thân (Sambhogakaya) nảy sinh trong Đại chúng bộ. Truyền thống cúng dường bảo tháp Phật và chư Tăng và hồi hướng công đức của mình cho người khác đã giúp nhiều trong việc phổ thông hóa và phổ cập hóa đạo Phật trong đại chúng.

Cuốn Kathavattu có nhắc đến một số bộ phái như Rajagirika, Siddartaka, Pubbaseliya, Aparaseliya, Uttarapatha, Vajiriya, Veluya và Hetvadina.

Bốn bộ phái đầu liệt kê trên đây có tên chung là Andhakas, đều là những bộ phái nhánh của Đại chúng bộ hoạt động trong địa bàn vùng núi Andha phía Nam Ấn. Không có tư liệu gì về bộ phái Vajitiya. Bộ phái Uttarapathakas hưng thịnh ở các vùng Bắc và Tây Bắc Ấn, bao gồm cả Apganistang. Bộ phái này đề xướng thuyết Chân như - Tathata, sau này trở thành một khái niệm quan trọng của Đại thừa giáo. Họ cho rằng chỉ có một thừa, thay vì bốn thừa như Phật giáo chính thống chủ trương. Theo họ, cư sĩ cũng có thể tu thành A la hán. Bộ phái Vetulyakas cho rằng Phật và Tăng già chỉ là khái niệm trừu tượng, không có tồn tại thực tế. Họ đề ra chủ thuyết, có thể là do ảnh hưởng của Phật giáo, rằng nam nữ tu sĩ có thể có quan hệ tình dục, vì lòng lân mẫn đối với chúng sinh. Bộ phái Netuvadina vốn được xem như là đồng nhất với Hữu bộ Sarvastivada, nhưng theo cuốn Kathavatthu, đây là một bộ phái riêng biệt, bộ phái này có thuyết cho rằng người thế tục không thể có trí tuệ nội quán để thấy rõ thực chất của sự vật.

Trên đây, đại khái là học thuyết của các bộ phái./.

Minh Chi
(Ban Phật giáo VN)

(Viết theo một bài bàn về những học phái và bộ phái Phật giáo chính ở Ấn Độ đăng trong cuốn "2.500 năm Phật giáo" do giáo sư Ấn Độ Bapat chủ biên - bản Anh ngữ.)

* * *

Cuốn "Tự điển Sanskrit-Chinese Dictionary of Buddhist Technical Terms" của Unrai Wogihara (Nhật Bản in lại năm 1959), ở trang 234, có bảng danh mục 18 bộ phái, nói chung giống danh mục trong bài chúng tôi, có bổ sung đối với những phái mới. Ngoài ra, cùng một bộ phái, lại có hai, ba sách Hán dịch khác nhau, chúng tôi chép cả ra đây để tiện tham khảo.

1. Aryasarvastivada: Thánh thuyết nhất thiết hữu bộ.

2. Mulasarvastivada: Căn bản thuyết Nhất thiết hữu bộ.

(Mula là căn bổn. Trong bài tôi viết là Nhất thiết hữu bộ chính thống. Ý tứ là đối với những bộ phái nhánh sau này tách ra khỏi Nhất thiết Hữu bộ, thì số người Hữu bộ còn lại tự xem mình là chính thống. Còn, rõ rằng là Aryasarvastivada chỉ là một tên gọi xưng thán, chứ không chỉ một bộ phái nào riêng biệt -- Minh Chi ).

3. Kasyapiyah: Ấm trung bộ (còn gọi là Ca Diếp tỳ bộ, Bộ quang gia bộ).

4. Mahisasakas: Hóa địa bộ.

5. Dharmaguptah: Pháp tạng bộ (còn gọi là pháp hộ bộ).

6. Bahusrutiya: Đa văn bộ.

7. Tamrasaiyah: Đồng điệp bộ (không có trong bài của tôi -- Minh Chi ).

8. Vibhajgyavadinah: Phân biệt thuyết bộ (trong bản của tôi, dịch là Phân tích bộ).

9. Aryasummatiyah: Thánh chúng lượng bộ (cũng gọi là Nhất thiết sở quý bộ, Cung kính chư Thánh bộ).

10. Kaurukullakah: Cao câu lê kha bộ.

(Trong bản của tôi viết là Kê dẫn bộ, gồm có hai tên Sanskrit khác là Kukkulika và Gokulika, theo bảng của Bapat -- Minh Chi).

11. Avantakah: Bất khả diệp bộ (theo Bapat, đây là tên gọi chung cho các bộ nhánh của Đại chúng bộ hoạt động ở vùng Avanti).

12. Vatsiputriyah: Độc tử bộ hay Đâu tử bộ.

13. Mahasanghikah: Đại chúng bộ

14. Purvasailah: Đông sơn bộ

15. Amparasaila: Tây sơn bộ

16. Haimavatah: Thuyết sơn bộ.

17. Lokottaravadinah: Thuyết xuất thế bộ (cũng gọi là xuất thế gian ngữ ngôn bộ).

18. Prajnaptivadinah: Thuyết giả bộ

19. Aryasthaviruh: Thượng tọa bộ (Thánh thượng tọa bộ).

20. Mahaviharavasinah: Đại tự trụ bộ (cũng gọi là Pháp thắng bộ)

21. Jetavaniyah: Thắng lâm bộ

22. Abhayagirivasinah: Vô úy sơn trụ bộ.

(*) Ghi chú:Xem thêm bài viết "Lý do phân phái và tình hình phân phái trong đạo Phật", Minh Chi

[^]


Chân thành cảm ơn Đạo hữu Bình Anson đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/01/2025(Xem: 114)
Thiền Tông dạy rằng người nào sống với Vô tâm là giải thoát. Trần Nhân Tông, vị Thiền sư nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ 13, từng viết rằng khi gặp cảnh, giữ được vô tâm, thì không cần hỏi tới Thiền nữa. Đức Phật trước đó đã dạy pháp Vô tâm trong Kinh Phật Tự Thuyết Ud 1.10. Bài này sẽ viết theo nhiều bản Anh dịch trên Sutta Central. Một đạo sĩ tên là Bahiya cư trú ở thị trấn Supparaka. Bahiya được cư dân tôn kính, cúng dường y phụ, nhà ở và nhiều thứ. Bahiya tự tin rằng đã chứng quả A la hán, hoặc sắp thành A la hán. Một vị cõi trời, kiếp trước từng là người thân của Bahiya, muốn điều tốt lành cho Bahiya, nên hiện ra, nói với Bahiya rằng Bahiya chưa phải là A la hán, và cũng chưa tu đúng con đường để trở thành A la hán.
15/01/2025(Xem: 101)
Trong rất nhiều truyện cổ dân gian Việt Nam, cũng như truyện cổ của nhiều quốc gia khác trên thế giới, có một niềm tin vững chắc rằng mỗi người chúng ta đều có một kiếp sau ở tương lai. Không chỉ riêng với Phật giáo dân gian, hầu hết (và có thể là tất cả) các tôn giáo khác, đều tin rằng có một kiếp sau, hay một đời sau. Chuyện kiếp sau này cần được phân tích minh bạch, để không rơi vào một niềm tin nhầm lẫn.
15/01/2025(Xem: 125)
Bài này sẽ viết trong tinh thần đối chiếu Kinh Pháp Cú với Thiền Tông. Để nói lên một phương pháp của Thiền rằng, trong khi thiền tập, hễ tin Phật hay nghi Phật đều sẽ hỏng, đều rơi vào bất thiện pháp, sẽ không thấy được pháp Vô Vi. Muốn vào đạo Phật, trước tiên phải tin và phải quy y Phật, Pháp, và Tăng. Người tu theo lời Phật dạy phải tin vào Tứ Thánh Đế, tức là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Trong khi tu tập, người tu phải thành tựu tín, giới, văn, thí, huệ mới có thể đoạn trừ bất thiện pháp. Như vậy, người không có lòng tin chắc thật vào Đức Phật sẽ không đi được con đường dài như thế để thành tựu giải thoát.
15/01/2025(Xem: 102)
Bài này sẽ nói về vai trò của người cư sĩ với nhiệm vụ nên học nhiều về Kinh điển, nên hiểu Phật pháp cho thâm sâu, nên tu tinh tấn để làm gương cho người đời thường, và nên sống đơn giản nhằm thích nghi với mọi hoàn cảnh cần để hoằng pháp. Không phải ai cũng có cơ duyên để học nhiều về Kinh điển. May mắn, thời nay chúng ta đã có kinh điển dịch ra tiếng Việt rất nhiều. Các Kinh điển, Bộ Nikaya và Bộ A Hàm đều đã dịch ra tiếng Việt. Trong khi đó, các buổi giảng Kinh do nhiều vị tăng ni thực hiện đã phổ biến nhiều trên YouTube và các trang web về Phật học. Những gì thắc mắc, có thể hỏi trên mạng Google hay các mạng trí tuệ nhân tạo, như ChatGPT hay Gemini, đều có thể được giải thích ở mức độ tổng quát. Tuy nhiên các giải thích này đều khả vấn, có khi là trích dẫn theo sự giải thích của các học giả Ky Tô Giáo hay không phải Phật tử, cần kiểm chứng.
15/01/2025(Xem: 99)
Trong khi học Phật, chúng ta thường đọc thấy ba pháp ấn là vô thường, khổ, và vô ngã. Đôi khi, chúng ta đọc thấy trong kinh nói về bốn pháp ấn là vô thường, khổ, vô ngã và Niết Bàn. Tùy theo dị biệt bộ phái, mỗi vị thầy ưa nói cách này hay cách kia. Thực tế, nói cách nào cũng đúng, cũng phù hợp kinh điển. Trong khi đó, theo cách nhìn của Thiền tông Việt Nam, tất cả các pháp tự thân đã là tịch diệt, bời vì lìa phiền não thì không có bồ đề, lìa sanh tử thì không có Niết bàn. Cũng như sóng không lìa nước, và ảnh không lìa gương. Do vậy, Thiền tông nêu lên ý chỉ là phải nhìn thấy để sống với pháp tánh, với Niết bàn tự tâm.
15/01/2025(Xem: 108)
Trong nhiều kinh, Đức Phật khi giải thích về vô thường đã hỏi rằng có phải mắt và cái được thấy là vô thường hay không, rồi hỏi có phải tai và cái được nghe là vô thường hay không, và rồi vân vân. Như thế, đối với nhiều người tu, quán sát nơi con mắt sẽ là bước đầu để học đạo giải thoát. Tuy nhiên, đối với Thiền Tông Việt Nam, có một số vị thầy dạy rằng hãy nhìn như một người mù nhìn, và hãy nghe như một người điếc nghe. Lời dạy về con đường giải thoát này là như thế nào?
15/01/2025(Xem: 112)
Khi chúng ta nói rằng nhiều người Việt Nam đã học đạo từ khi nằm nôi, chỉ là một hình ảnh cho thấy Phật giáo đã gắn bó với lịch sử dân tộc Việt Nam từ nhiểu ngàn năm. Nhiều lời dạy trong Kinh Phật đã ăn sâu vào trong chính sử, và cả huyền sử của dân tộc Việt.
15/01/2025(Xem: 94)
Khi đọc Thiền sử Trung Hoa và Việt Nam, chúng ta thường gặp một số vị sư truyền dạy, hay trả lời bằng những cách không dùng lời nói. Người ta thường gọi đó là vô ngôn, là không sử dụng ngôn ngữ. Chữ này có lẽ không thích nghi, vì chữ vô ngôn có khi chỉ là sự im lặng, khi không muốn nói. Có lẽ, chữ thích hợp nên là cái biết xa lìa khái niệm không thể mô tả bằng ngôn ngữ được.
19/10/2024(Xem: 729)
Tứ y pháp (四依法; S: Catuḥpratisaraṇa; E: The four reliances) là 4 pháp phương tiện quan trọng theo quan điểm của Phật giáo Bắc truyền, với mục đích giúp hành giả rõ biết pháp nào nên hoặc không nên nương tựa, nhằm thành tựu giác ngộ, giải thoát.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]