Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Viên Giác

04/04/201321:25(Xem: 4547)
Kinh Viên Giác

KINH TỤNG HẰNG NGÀY

TỔNG HỢP 49 KINH CĂN BẢN CỦA HAI TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO NAM TÔNG VÀ BẮC TÔNG

Tỳ-kheo Thích Nhật Từ
biên soạn

---o0o---

KINH VIÊN GIÁC

Thứ bốn mươi tám

Tôi nghe như vầy: một thuở nọ Đức Phật nhập định Thần Thông Đại Quang Minh Tạng, là nơi trụ trì Thường Tịch Quang Trang Nghiêm của tất cả Như Lai, cũng là nơi giác ngộ vốn trong sạch của tất cả chúng sanh, tất cả thánh phàm đều tùy thuận bản thể bình đẳng bất nhị của tự tánh đầy khắp mười phương không gian và thời gian, thân tâm tịch diệt mà hiện cảnh bất nhị nơi các cõi Tịnh, cùng với mười vạn đại Bồ-tát đều nhập chánh định, đồng sự pháp hội bình đẳngcủa Như Lai.O

Bấy giờ Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đứng dậy, đi nhiễu quanh Phật ba vòng, đảnh lễ chân Phật, chắp tay quỳ gối bạch Phật rằng:

- Xin Thế Tôn đại bi vì tất cả pháp hội giảng về nhân địa phát tâm trong sạch của Như Lai, phải dựa theo pháp nào, tu theo hạnh gì mà được thành Phật. Nhiều người đã phát tâm trong sạch nguyện độ chúng sanh thành Phật, nhưng chẳng biết dụng tâm tu hành như thế nào mới được chánh tri kiến, xa lìa các thiền bệnh, khiến cho chúng sanh thời mạt pháp ở vị lai cầu pháp Đại thừa, không rơi vào tà kiến. O

- Lành thay ! Lành thay ! Ông khéo vì các Bồ-tát hỏi về nhân địa phát tâm của Như Lai dựa theo pháp nào, tu hạnh gì, lại vì tất cả chúng sanh đời mạt pháp cầu pháp Đại thừa được trụ nơi chánh pháp, chẳng rơi vào tà kiến. Nay ông và đại chúng hãy lắng nghe, Như Lai sẽ tuyên nói. O

Lúc ấy Bồ-tát Văn-thù và đại chúng hoan hỷ vâng lời Phật dạy, im lặng mà nghe.

Này các vị! Có pháp môn tổng trì nhiệm mầu vô thượng gọi là Viên Giác. Từ pháp này kiến lập tất cả thanh tịnh, Chơn Như, Bồ-đề, Niết-bàn và Ba-la-mật để dạy Bồ-tát và chúng sanh về nhân địa phát tâm của tất cả Như Lai, đều nên nương theo giác tướng trong sạch chiếu soi đầy đủ, dứt hẳn vô minh mới thành Phật đạo. O

Này các vị! tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay bị nhiều điên đảo, ví như kẻ lạc đường nhận lầm phương Nam thành phương Bắc, vọng cho tứ đại là thân tướng thật của mình, ví như kẻ bị nhậm thấy hoa đốm và thấy mặt trăng thứ hai.

Này các vị! Hư không vốn chẳng có hoa đốm, vì bệnh nhậm mà ảo giác vọng chấp thành có. Do vọng ấy chẳng những không biết tánh hư không lại còn lầm nhận chỗ sanh ra hoa đốm là thật. Từ cái vọng này thành có sanh tử luân hồi nên gọi là vô minh. O

Này các vị! Vô minh này không có thật thể, như người trong mộng lúc chiêm bao thì có, đến khi thức tỉnh thì không còn gì cả. Tất cả chúng sanh sở dĩ có sự sanh tử luân hồi là vì các pháp vốn vô sanh mà vọng thấy có sanh diệt. Này các vị! Như Lai do tu theo tự tánh Viên Giác, chiếu soi bản thể của tự tánh vốn tịch diệt, biết rõ thân tâm, thế giới như hoa đốm trên không. Thân tâm vốn không, lấy gì để thọ sanh tử luân hồi? Cái “không” này là vì bản tánh vốn không, chẳng phải do tạo tác thành không. Cái biết đó ví như hư không, kẻ biết như hư không đó tức là tướng hoa đốm cũng chẳng thể nói không có tánh tri giác, “có” với “không” đều lìa, đó mới gọi là tùy thuận giác tánh trong sạch.

Tại sao? Vì tánh hư không thường trụ bất động. Trong Như Lai Tạng vốn chẳng có sự sanh diệt nên chẳng có tri kiến sanh diệt trong đó, cũng như pháp giới tánh rốt ráo viên mãn đầy khắp mười phương không gian và thời gian. Bồ-tát vì thế ở nơi Đại thừa phát tâm trong sạch, chúng sanh trong đời mạt pháp theo đó tu hành chẳng đọa tà kiến. O

***

Lúc ấy, Bồ-tát Phổ Hiền bạch Đức Phật rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn, nếu thế giới như huyễn, thân tâm như huyễn tại sao chúng sanh lại dùng huyễn để tu huyễn. Cúi xin Thế Tôn chỉ dạy phương tiện tu tập trình tự để lìa hẳn các huyễn.

- Này các vị! Mọi thứ huyễn hóa đều sanh nơi diệu tâm Viên Giác của Như Lai, cũng như hoa đốm từ hư không mà có, hoa đốm dù diệt, tánh hư không chẳng hoại, huyễn tâm của chúng sanh dù theo huyễn diệt, các huyễn diệt hết, bản giác chẳng động. Do “huyễn” nói “giác”, giác cũng là huyễn, nếu nói “có giác” thì vẫn chưa lìa huyễn, nói “không có giác” thì cũng như thế, nên nói các huyễn diệt hết gọi là bản giác bất động. O

Này các vị! Tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp nên xa lìa tất cả huyễn hóa, những cảnh giới hư vọng do vọng tâm cố chấp mà sanh. Nay xa lìa vọng tâm, cái tâm năng lìa cũng là huyễn, cũng phải xa lìa. Có sự xa lìa vẫn là huyễn, cũng phải lìa luôn, lìa rồi lại lìa nữa, đến chỗ không còn sở lìa mới dứt hẳn các huyễn. Ví như dùi cây lấy lửa, lửa phát ra thì cây cháy thành tro, khói diệt tro bay, đất nơi đốt vốn chẳng động. Dùng huyễn tu huyễn cũng như thế, các huyễn diệt hết nhưng chẳng phải đoạn diệt. O

Này các vị! Biết huyễn tức là lìa, chẳng lập phương tiện; lìa huyễn tức là giác, cũng chẳng thứ lớp. Tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp theo đó tu hành, như thế mới lìa hẳn các huyễn. O

***

Nghe Đức Phật giảng xong, Bồ-tát Phổ Nhãn bạch rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn, Bồ-tát phải an trụ và quán tâm như thế nào và dùng phương tiện gì để hóa độ chúng sanh một cách hữu hiệu trong thời mạt pháp ?

- Này các vị! Những Bồ-tát sơ học và chúng sanh đời mạt pháp muốn cầu tâm Viên Giác trong sạch của Như Lai, nên dùng chánh niệm để xa lìa các huyễn. O

Muốn giữ chánh niệm, trước tiên phải nương theo hạnh Xa-ma-tha của Như Lai, kiên trì giới cấm, cho đồ chúng an cư, tĩnh tọa trong tịnh thất. Hành giả trước tiên hãy quán thân này do tứ đại hòa hợp, những thứ tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, não, chất bẩn đều thộc về địa đại. Nước mắt, nước mũi, mồ hôi, mỡ, máu, mủ, đờm, dãi, tiểu, tiện v.v.. đều thuộc về thủy đại. Hơi ấm là hỏa đại, hơi thở là phong đại. Nếu tứ đại lìa nhau thì thân này ở đâu? Quán xét như thế thì biết thân này chẳng có tự thể, do các đại hòa hợp thành có tướng, thật ra đồng như huyễn hóa vì bốn duyên giả hợp với vọng, có lục căn; từ bốn đại sanh khởi sáu giác quan; giác quan và đối tượng hòa hợp sanh khởi sáu thức, do sáu thứ phân biệt sáu đối tượng, ghi nhớ tích tụ bên trong, tựa như có tướng nhân duyên hiện ra nên giả gọi là tâm O

Này các vị! Cái vọng tâm này nếu chẳng có, sáu đối tượng cũng chẳng thể có, bốn đại tan rã thì cảnh trần cũng không còn. Nhân duyên giác quan và đối tượng đều tự tiêu tán, rốt cuộc cũng chẳng thấy có gì là tâm phan duyên.

Này các vị! Khi huyễn thân diệt huyễn tâm cũng diệt, huyễn tâm diệt rồi huyễn trần cũng diệt, huyễn trần diệt rồi, huyễn diệt cũng diệt, cái biết huyễn diệt cũng diệt rồi thì phi huyễn tức bản giác chẳng diệt, cũng như chùi gương, bụi sạch gương sáng. O

Này các vị! Phải biết thân tâm cũng là cấu bẩn của huyễn, tướng cấu bẩn diệt hẳn thì mười phương trong sạch.

Này các vị! Ví như hạt châu Ma-ni, bản thể trong sạch vốn chẳng màu sắc, tùy theo màu sắc bên ngoài tương phản vào mà người quán sát thấy màu sắc ấy; kẻ mê chẳng biết, cho rằng hạt châu Ma-ni thật có màusắc.O

Này các vị! Tánh trong sạch của Viên Giác cũng như thế, tùy loại cảm ứng hiện ra thân tâm, kẻ mê chẳng biết lại cho bản thể Viên Giác thật có thân tâm sắc tướng, chấp thành tự tướng cũng như vậy. Chúng sanh do đó chẳng thể xa lìa huyễn hóa. Đối với người đã lìa được cấu bẩn của huyễn hóa được gọi là Bồ-tát. Cấu bẩn là sở lìa, Bồ-tát là năng lìa, cấu bẩn sạch tức sở lìa hết, đối đãi trừ tức năng lìa hết, vậy chẳng còn năng sở tương đối để lìa cấu bẩn và tên gọi người năng lìa. O

Này các vị! Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp, nhờ quán xét diệt được những bóng hình của vọng tâm tạo ra thì chứng được các pháp đều huyễn. Lúc ấy liền thấy mười phương trong sạch, vô biên hư không là bản giác sở hiện; bản giác tràn đầy sáng tỏ, hiển hiện thâm tâm trong sạch. Vì tâm trong sạch nên thấy trần trong sạch. Cái thấy trong sạch nên con mắt trong sạch, con mắt trong sạch nên nhận thức của mắt trong sạch, do nhận thức của mắt trong sạch nên nghe trần trong sạch, nghe trong sạch nên tai trong sạch. Lỗ tai trong sạch nên cái nghe trong sạch, do cái nghe trong sạch nên trần trong sạch. Tương tự, mũi, lưỡi, thân, ý đều cũng trong sạch như vậy. O

Này các vị! Do sáu giác quan trong sạch nên hình thể, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm và ý tưởng của tâm đều trở nên trong sạch.

Này các vị! Do sáu đối tượng giác quan trong sạch nên các yếu tố đất, nước, lửa, gió cũng đều trong sạch.

Này các vị! Do bốn yếu tố trong sạch nên mười hai xứ, mười tám giới, cho đến hai mươi lăm cõi sống trong ba cõi đều trong sạch. O

Vì các pháp thế gian của sáu phàm trong sạch nên các pháp xuất thế gian của bốn thánh như: mười lực, bốn vô sở úy, bốn trí vô ngại, mười tám đặc tính của Phật, ba mươi bảy yếu tố giác ngộ v.v... đều trong sạch. Như thế cho đến tám mươi bốn ngàn pháp môn tổng trì, tất cả đều trong sạch.

Này các vị! Nói tóm lại tất cả pháp đều là tướng, tánh vốn trong sạch. Vậy thì một thân trong sạch nên nhiều thân trong sạch; vì nhiều thân trong sạch như thế cho đến mười phương chúng sanh Viên Giác trong sạch. O

Này các vị! Theo sự trong sạch kể trên, do một thế giới trong sạch nên nhiều thế giới trong sạch, vì nhiều thế giới trong sạch như thế cho đến khắp không gian và thời gian, tất cả bình đẳng trong sạch chẳng động.

Này các vị! Vì hư không bình đẳng chẳng động nên biết giác tánh chẳng động; vì bốn đại bình đẳng chẳng động nên biết giác tánh bình đẳng chẳng động, như thế cho đến tám mươi bốn ngàn pháp môn tổng trì bình đẳng chẳng động. O

Này các vị! Giác tánh cùng khắp, trong sạch chẳng động, tròn đầy chẳng có ngằn mé. Nên biết sáu giác quan cùng khắp pháp giới, sáu đối tượng của chúng cũng cùng khắp pháp giới, như thế cho đến pháp môn tổng trì đều cùng khắp pháp giới.

Này các vị! Do diệu giác ấy tánh vốn cùng khắp nên tánh giác quan, tánh đối tượng chẳng hoại chẳng nhiễm. Vì giác quan và đối tượng chẳng hoại chẳng nhiễm như thế cho đến pháp môn tổng trì chẳng hoại chẳng nhiễm, như ánh sáng của trăm ngàn ngọn đèn chiếu trong một phòng, ánh sáng ấy cùng khắp, chẳng hoại chẳng nhiễm. O

Này các vị! Vì bản giác vốn thành tựu nên biết Bồ-tát chẳng bị pháp trói buộc, chẳng cần pháp giải thoát, chẳng chán sanh tử, chẳng ưa Niết-bàn, chẳng kính trì giới, chẳng ghét phá giới, chẳng trọng tu lâu, chẳng khinh sơ học. Tại sao? Vì tất cả đều ở trong bản giác, ví như con mắt sáng tỏ thấy rõ cảnh tượng trước mắt, ánh sáng ấy viên mãn chẳng sanh yêu ghét. Tại sao? Vì bản thể ánh sáng không hai nên chẳng sanh yêu ghét vậy.

Này các vị! Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp tu tập tâm này đều được thành tựu. Vì bản giác vốn đầy đủ, dù nói tu tập thành tựu, thật vốn vô tu, cũng vô thành tựu. Vì Viên Giác phổ biến chiếu soi, tịch diệt bất nhị, trong đó bao gồm trăm ngàn muôn ức a-tăng-kỳ bất khả thuyết vô số hằng sa thế giới của các Đức Phật, ví như hoa đốm hiện trên hư không, khởi diệt lăng xăng, chẳng hợp chẳng lìa, chẳng trói buộc, chẳng giải thoát, vì thế mới biết chúng sanh bổn lai thành Phật, sanh tử Niết-bàn đều như việc trong mộng. O

Này các vị! Do các pháp như việc trong mộng nên biết sanh tử và Niết-bàn chẳng sanh chẳng diệt, chẳng đến chẳng đi, những sở chứng ấy chẳng được chẳng mất, chẳng nắm chẳng buông, những cái chứng đắc được vốn không bị tạo tác, vô chỉ, vô nhậm, vô diệt, nơi pháp chứng này rốt cuộc vô năng chứng vô sở chứng, tất cả pháp tánh đều bình đẳng chẳng hoại.

Này các vị! Những Bồ-tát ấy nên tu hành như thế, theo thứ lớp như thế, quán tưởng như thế, an trụ tâm như thế, phương tiện như thế, khai ngộ như thế, cầu pháp như thế, tất cả thực hành theo chánh pháp, chánh hạnh như thế thì tâm chẳng mê muội. O

***

Lúc ấy, Bồ-tát Kim Cang Tạng thưa hỏi Đức Phật:

- Bạch Thế Tôn ! Nếu các chúng sanh bổn lai thành Phật, tại sao lại có tất cả vô minh ? Nếu những vô minh sẵn có trong chúng sanh thì do nhân duyên gì Như Lai lại nói bổn lai thành Phật ? Nếu mười phương chúng sanh bổn lai thành Phật rồi sau mới khởi vô minh, vậy tất cả Như Lai đến lúc nào sanh lại tất cả phiền não ? Xin Phật rủ lòng đại từ vì những Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp khai giảng pháp tạng bí mật, khiến người nghe được pháp môn liễu nghĩa của kinh này, dứt hẳn tâm nghi ngờ. O

- Này các vị! Các cặp phạm trù nhị nguyên trong đời như: thủy chung, sanh diệt, trước sau, có không, tụ tán, khởi dừng, thủ xả, vân vân, đều là đối đãi, xoay vần tương sanh với nhau, niệm niệm tương tục, đều là luân hồi. Kẻ chưa ra khỏi luân hồi mà phân biệt Viên Giác thì tánh Viên Giác kia cũng đồng như luân hồi, vậy muốn khỏi bị luân hồi thì chẳng có chỗ đứng. Ví như mắt nháy thấy nước lặng dợn sóng, mắt ngó hẳn một chỗ, thấy vòng lửa xoay tròn, do mây bay mau thấy mặt trăng đi nhanh, do thuyền đi thấy bờ trôi vậy. O

Này các vị! Sự xoay vòng chưa dừng mà muốn cảnh vật dừng trước còn chẳng thể được, huống là tâm cấu bẩn chưa từng trong sạch, còn ở trong sanh tử luân hồi mà muốn quán Viên Giác của Phật chẳng xoay vần thì làm sao được ! Vì thế các vị mới sanh ba điều nghi hoặc kể trên.

Này các vị! Ví như bệnh nhặm vọng thấy hoa đốm hiện trên hư không, nếu bệnh nhặm hết, chẳng thể nói rằng nhặm nay đã diệt, vậy đến lúc nào tất cả bệnh nhặm mới sanh trở lại. Tại sao? Vì hai pháp bệnh nhặm và hoa đốm chẳng phải đối đãi sanh nhau, cũng như hoa đốm diệt nơi hư không rồi chẳng thể nói rằng hư không lúc nào sanh lại hoa đốm nữa. Tại sao? Hư không vốn chẳng có hoa đốm nên chẳng có sự sanh diệt. Sanh tử, Niết-bàn cũng giống như hoa đốm sanh diệt, nếu diệu giác hiện ra tròn đầy chiếu khắp thì hoa đốm và bệnh nhặm đều tự lìa hẳn. O

Này các vị! Phải biết hư không chẳng phải tạm có, cũng chẳng phải tạm không, huống là bản tánh bình đẳng của hư không là tùy thuận Viên Giác của Như Lai, làm sao có thể dung nạp những đối đãi như: có không, sanh diệt, trước sau, v.v... ở trong đó!

Này các vị! Như luyện quặng vàng, vàng chẳng phải do luyện mà có, khi đã thành vàng ròng thì dù trải qua vô lượng kiếp tánh vàng chẳng hoại, chẳng thể trở lại làm quặng nữa; vậy chẳng nên nói rằng vàng ròng vốn chẳng thành tựu, Viên Giác của Như Lai cũng giống như thế. O

Này các vị! Tâm Viên Giác của tất cả Như Lai vốn chẳng Bồ-đề và Niết-bàn, cũng chẳng có sự thành Phật hay chẳng thành Phật, cũng chẳng có vọng luân hồi và phi luân hồi.

Này các vị! Theo cảnh giới sở chứng của hàng Thanh Văn, thân tâm ngôn ngữ đều đã đoạn diệt còn chẳng thể đến chỗ Niết-bàn của tự mình chứng, huống là dùng tâm suy tư để đo lường cảnh giới Viên Giác của Như Lai; ví như lấy lửa đom đóm để đốt núi Tu-di thì làm sao cháy được ! Nên dùng tâm luân hồi sanh tri kiến luân hồi mà muốn vào biển tịch diệt của Như Lai thì làm sao đến được! Cho nên ta nói tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp, trước tiên phải đoạn dứt cội gốc luân hồi từ vô thỉ. O

Này các vị! Những tác ý suy tư do có tâm mà sanh khởi ấy đều là sáu đối tượng trần cảnh, là nhân duyên của vọng tưởng, chẳng phải bản thể thật của chân tâm nên nói như hoa đốm; vậy nếu dùng tâm suy tư này để phân biệt cảnh giới của Phật, cũng như trông hoa đốm lại kết thành quả hư không, ấy đều là do vọng tưởng xoay vần, thật ra chẳng có chỗ đúng. O

Này các vị! Vọng tâm trôi nổi sanh nhiều kiến chấp xảo trá nên chẳng thể thành tựu phương tiện của Viên Giác, sự thưa hỏi của ông là do vọng tâm phân biệt như thế. Thật chẳng phải là câu hỏi đúng theo chánh kiến. O

***

Lúc ấy, Bồ-tát Di-lặc cung kính thưa hỏi Đức Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn ! - Nếu các Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp muốn vào biển Đại Tịch Diệt của Như Lai nên dứt gốc rễ luân hồi như thế nào? - Chúng sanh luân hồi có bao nhiêu chủng tánh? - Người tu đến Bồ-đề của Phật có mấy bậc sai biệt ? - Bồ-tát trở vào trần lao nên thiết lập bao nhiêu phương tiện để giáo hóa chúng sanh?

Xin Phật rủ lòng từ bi cứu đời, khiến tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp theo đó tu hành, được huệ nhãn trong sạch, tâm gương sáng tỏ, viên mãn ngộ nhập vô thượng tri kiến của Như Lai. O

- Này các vị! Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay do có đủ thứ tham dục ân ái nên có luân hồi. Tất cả chủng tánh nơi các thế giới như sanh từ trứng, sanh từ thai, sanh từ sự ẩm ướt, sanh từ sự biến hoá, đều lấy dâm dục làm chánh nhân mới có sinh mạng, nên biết ái dục là cội gốc của luân hồi. Do có các dục làm trợ duyên phát khởi tâm ân ái, vì thế khiến chúng sanh có sanh tử tương tục. O

Do nơi cảnh dục mà sanh tâm yêu ghét; cảnh thuận với tâm ta thì yêu, cảnh nghịch với ta thì ghét, nên theo đó tạo đủ thứ ác nghiệp mà bị sanh vào đường địa ngục, ngạ quỷ.

Nếu bỏ ác mà ham thiện thì sanh vào cõi trời, cõi người. O

Lại nữa, nếu biết nhàm chán những tham ái, ưa xả bỏ tham ái, nhưng, cái ưa ấy vẫn là gốc của tham ái nên tăng thêm quả thiện, đó đều là pháp hữu vi nên vẫn còn phải bị luân hồi, chẳng thành thánh quả. Cho nên chúng sanh muốn giải thoát sanh tử luân hồi, trước tiên phải đoạn đứt tham dục và trừ bỏ ân ái.

Này các vị! Tất cả chúng sanh do cội gốc tham dục phát khởi vô minh, sanh năm thứ chủng tánh khác nhau, vô minh nương theo hai thứ chướng mà hiển hiện sâu cạn.

Thế nào là hai thứ chướng ? Một là lý chướng tức là chướng làm ngại chánh tri kiến, hai là sự chướng, do chướng này làm cho sanh tử tương tục. O

Này các vị! Năm thứ chủng tánh như sau:

Một là chủng tánh phàm phu: Nếu hai thứ chướng kể trên chưa được đoạn diệt thì gọi là chưa thành Phật. O

Hai là, chủng tánh Nhị thừa: Nếu những chúng sanh bỏ hẳn tham dục, đã trừ được sự chướng nhưng chưa dứt lý chướng thì chỉ có thể ngộ nhập hàng Thanh Văn hay Duyên Giác, chưa thể trụ nơi cảnh giới Bồ-tát . O

Ba là chủng tánh Bồ-tát: Nếu tất cả chúng sanh đời mạt pháp muốn vào biển Đại Viên Giác của Như Lai, trước tiên phải phát nguyện siêng năng dứt trừ hai chướng, nếu hai chướng đã hàng phục thì được ngộ nhập cảnh giới Bồ-tát. Nếu hai chướng dứt hẳn thì được đến Niết-bàn, Bồ-đề đầy đủ, thẳng vào Viên Giác vi diệu của Như Lai. O

Bốn là chủng tánh bất định: Này các vị! Tất cả chúng sanh đều chứng Viên Giác, được gặp thiện tri thức, tùy nơi nhân địa tự tu pháp gì, hạnh gì của mỗi thiện tri thức để dạy bảo môn đồ, người theo đó tu tập bèn có chủng tánh đốn tiệm khác nhau. Nếu gặp đường lối tu đúng chánh hạnh, thẳng đến vô thượng Bồ-đề của Như Lai thì chẳng kể căn cơ lớn nhỏ, đều thành quả Phật. O

Năm là chủng tánh ngoại đạo: Nếu chúng sanh muốn cầu chánh pháp mà lại gặp thầy bạn tà kiến thì tu hành chẳng được chánh ngộ, đây gọi là chủng tánh ngoại đạo, ấy là lỗi của tà sư, chẳng phải lỗi của chúng sanh. O

Đó là năm chủng tánh sai biệt của chúng sanh. Này các vị! Bồ-tát chỉ vì tâm đại bi, tùy sự phương tiện vào các cõi thế gian khai thị cho kẻ chưa ngộ, cho đến thị hiện đủ thứ hình tướng, tùy theo cảnh giới thuận nghịch cộng sự với họ, giáo hoá cho đến thành Phật ấy đều nương theo nguyện lực trong sạch đã sẵn từ vô thủy. O

Nếu tất cả chúng sanh đời mạt pháp khởi tâm tiến lên Đại Viên Giác nên phát đại nguyện trong sạch của Bồ-tát rằng:

- Nay tôi phát nguyện trụ Viên Giác của Phật, cầu thiện tri thức, chớ gặp ngoại đạo và Nhị thừa, theo nguyện tu hành, các chướng dứt dần, chướng dứt sạch thì nguyện thoả mãn, bước lên pháp điện trong sạch giải thoát, đến cõi Diệu Trang Nghiêm, chứng Đại Viên Giác. O

***

Lúc ấy, Bồ-tát Thanh Tịnh Huệ bạch Đức Phật rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài giảng lại tính giác viên mãn và cách thức tu hành theo từng căn cơ để hành giả được chứng ngộ.

- Này các vị! Tự tánh của Viên Giác vô sở trụ, chẳng trụ nơi “có và không” chỉ tùy theo tánh nhân duyên sanh khởi, chẳng thủ chẳng chứng. Ở trong thật tướng, thật chẳng có Bồ-tát và những chúng sanh. Tại sao? Vì Bồ-tát và chúng sanh đều là huyễn hóa, nếu huyễn hóa diệt thì chẳng có kẻ thủ chứng. Ví như nhãn căn chẳng tự thấy nhãn, pháp tánh vốn bình đẳng mà chẳng có kẻ bình đẳng. O

Chúng sanh mê muội, chưa thể diệt trừ tất cả huyễn hóa, lúc đang dụng công diệt trừ, muốn diệt trừ mà chưa diệt thì hiện ra sai biệt. Nếu được tùy thuận bản tánh tịch diệt của Như Lai, rốt cuộc chẳng có sự tịch diệt và kẻ tịch diệt.

Lại nếu có người dứt hẳn trần lao, được pháp giới trong sạch, ngay cái kiến giải trong sạch ấy tự làm chướng ngại cho mình nên ở nơi Viên Giác chẳng được tự tại, đây gọi là tùy thuận giác tánh của phàm phu. O

Này các vị! Tất cả Bồ-tát do kiến giác chiếu soi, biết kiến giải là chướng ngại, dù đoạn được chướng ngại của kiến giải nhưng kiến giác vẫn còn, trụ nơi kiến giác cũng thành chướng ngại mà chẳng thể tự tại, đây gọi là tùy thuận giác tánh của những Bồ-tát chưa vào Sơ Địa.

Này các vị! Có chiếu soi, có kiến giác đều gọi là chướng ngại, cho nên thường giác của Bồ-tát chẳng trụ năng sở; năng chiếu và sở chiếu đồng thời tịch diệt. Ví như có người tự chặt đầu mình, khi đầu đã chặt đứt thì chẳng còn kẻ năng chặt. Vậy dùng tâm chướng ngại đã đoạn diệt thì chẳng có kẻ năng diệt chướng ngại. O

Kinh giáo liễu nghĩa của Phật như ngón tay chỉ mặt trăng, nếu thấy được mặt trăng thì biết ngón tay chẳng phải mặt trăng. Tất cả các thứ ngôn thuyết của Như Lai chỉ để khai thị cho Bồ-tát và chúng sanh cũng như thế, đây gọi là tùy thuận giác tánh của những Bồ-tát đã vào Sơ Địa.

Này các vị! Tất cả chướng ngại cũng là cứu cánh giác; đắc niệm thất niệm đều là giải thoát; pháp thành tựu, pháp phá hoại đều gọi là Niết-bàn; trí huệ, ngu si cùng là Bát Nhã, pháp thành tựu của Bồ-tát và ngoại đạo đồng là Bồ-đề; vô minh với cảnh giới Chơn Như chẳng khác; giới định huệ và tham sân si đều thành tịnh hạnh; cõi chúng sanh và cõi Phật đồng một pháp tánh; địa ngục, thiên cung đều là Tịnh độ; hữu tánh vô tánh cùng nhau thành Phật; tất cả phiền não tức là giải thoát. Dùng trí huệ biển giác chiếu soi các tướng trong pháp giới đều như hư không bình đẳng bất nhị, đây gọi là tùy thuận giác tánh của Như Lai. O

Này các vị! Những Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp phải an trụ tâm như thế này: bất cứ lúc nào cũng chẳng dừng nghỉ và diệt trừ, nơi cảnh vọng tưởng không cho liễu tri, đối với sự không liễu tri cũng chẳng phân biệt là thật không liễu tri.

Nếu những chúng sanh đối với pháp môn khó tin, khó hiểu, khó thực hành này, nghe rồi mà chẳng sanh tâm kinh ngạc và khiếp sợ, ấy gọi là tùy thuận giác tánh.

Này các vị! Các ông nên biết, những chúng sanh này đã từng cúng dường trăm ngàn muôn ức hằng sa các Đức Phật và đại Bồ-tát, gieo trồng nhiều phước đức thiện căn, nên Phật nói người ấy gọi là thành tựu nhất thiết chủng trí quyết định sẽ thành Phật. O

***

Lúc ấy Bồ-tát Oai Đức Tự bạch Phật:

- Xin Thế Tôn vì chúng con giảng rõ tất cả phương tiện thứ lớp và người tu hành gồm có mấy loại khiến Bồ-tát trong hội và chúng sanh đời mạt pháp, kẻ cầu Đại thừa mau được khai ngộ, vào biển Đại Tịch Diệt của Như Lai?

- Này các vị! Vô thượng diệu giác cùng khắp mười phương không gian và thời gian, sanh ra Như Lai và tất cả các pháp, bản thể đồng nhau, bình đẳng bất nhị nên những người tu hành thật chẳng có hai. Nếu tùy thuận phương tiện thì số ấy vô lượng, nay qui nạp lại theo các tánh sai biệt phải có ba thứ. O

Một là, nếu các Bồ-tát ngộ biết Viên Giác vốn trong sạch, dùng giác tâm trong sạch ấy phát khởi quán chiếu, lấy tịnh làm hạnh quán tâm thể chẳng động. Do lắng lặng các niệm, vọng tưởng ngừng nghỉ thì thấy tướng tập khi sanh diệt trong thức thứ tám, quán lâu thì tịnh huệ sanh khởi, bỗng thấy khách trần lăng xăng của thân tâm từ nay diệt hẳn, trong tâm liền cảm thấy tịch tịnh khinh an. Vì tâm được tịch tịnh nên thấy tâm của Như Lai trong mười phương của thế giới đều hiển hiện trong đó như hình tượng hiện trong gương, phương tiện này gọi là thiền quán Xa-ma-tha. O

Hai là, nếu các Bồ-tát ngộ biết Viên Giác vốn trong sạch, dùng giác tâm trong sạch ấy phát khởi quán chiếu, biết tánh của giác tâm và căn trần đều do huyễn hóa mà sanh khởi các huyễn, nay dùng huyễn trí (thủy giác) diệt trừ kẻ huyễn (vô minh), thì hiện thân biến hóa như huyễn. Do huyễn thân hóa độ chúng sanh mà chẳng chấp tướng chúng sanh, nên trong tâm cảm thấy đại bi khinh an. Tất cả Bồ-tát từ đây khởi hạnh theo thứ lớp tiến lên, cái huyễn của trí năng quán kia chẳng đồng với cái huyễn của cảnh sở quán. Trí năng quán tuy chẳng đồng với cảnh sở quán nhưng cũng là huyễn, vì năng quán sở quán đều là huyễn, chẳng đồng với kẻ chấp thật có người để lìa hai thứ huyễn năng sở. Sở quán đã diệt thì năng quán cũng tiêu, cảnh trí đều tuyệt, vậy mới được lìa hẳn tướng huyễn.

Những Bồ-tát này tu theo chánh hạnh kể trên thì được diệu hạnh viên mãn cũng như mầm Chơn Như trưởng thành nơi đất Pháp thân. Phương tiện này gọi là thiền quán Tam-ma-bát-đề. O

Ba là, nếu các Bồ-tát ngộ biết Viên Giác vốn trong sạch, dùng giác tâm trong sạch ấy phát khởi quán chiếu, chẳng chấp huyễn hóa và tướng tịnh, liễu tri thân tâm đều là chướng ngại, nay chẳng chấp giác minh, chẳng kể chướng ngại, thì được diệt hẳn cảnh ngại và vô ngại. Sự thọ dụng thân tâm thế giới là tướng phiền não. Niết-bàn là nơi phiền não của cõi trần cũng như âm thanh ở nơi chuông trống, chuông trống dù nhỏ hẹp, nhưng âm thanh vọt ra ngoài xa, chẳng bị khuôn khổ của chuông trống chướng ngại. Như thế Niết-bàn vượt ra ngoài tướng phiền não, cùng khắp pháp giới, cũng chẳng bị phiền não chướng ngại vậy. Nếu theo thiền quán kể trên thì trong tâm được tịch diệt khinh an, tùy thuận cảnh giới tịch diệt của diệu giác thì thấy bốn tướng Ngã, Nhơn, Chúng sanh, Thọ mạng đều là vọng tưởng trôi nổi, tất cả thân tâm đều chẳng đến chỗ diệu giác. Phương tiện này gọi là Thiền-na. O

- Này các vị! Ba pháp môn này đều là Viên Giác, vì mười phương Như Lai tu hành nơi nhân địa được thân cận tùy thuận ba môn này nên do đó thành Phật.

Đủ thứ phương tiện và tất cả đồng dị của mười phương Bồ-tát đều tu hành theo ba pháp môn kể trên mà viên mãn chứng nhập, thành quả Viên Giác. O

***

Lúc ấy, Bồ-tát Biện Âm đảnh lễ Đức Phật rồi bạch rằng:

- Bạch Thế Tôn, để vào cửa Viên Giác thì có mấy thứ tu tập và phải vận dụng phương tiện gì để ngộ nhập thật tướng.

- Này các vị! Tất cả Như Lai Viên Giác trong sạch, vốn chẳng có sự tu tập và kẻ tu tập. Tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp nương theo tâm chưa giác, dùng huyễn lực tu tập, khi ấy có hai mươi lăm thứ định trong sạch.

Một là, nếu những Bồ-tát tu pháp cực tịnh, do sức tịnh được dứt hẳn phiền não, thành tựu rốt ráo nên chẳng rời chỗ ngồi liền vào Niết-bàn, Bồ-tát này gọi là chuyên tu thiền quán Xa-ma-tha. O

Hai là, nếu những Bồ-tát tu pháp quán như huyễn, dùng sức Phật tánh biến hóa thế giới và đủ thứ tác dụng để thực hành diệu hạnh trong sạch của Bồ-tát, nơi pháp tổng trì chẳng lạc mất tịch niệm và tịch huệ, Bồ-tát này gọi là chuyên tu thiền quán Tam-ma-bát-đề. O

Ba là, nếu những Bồ-tát chuyên diệt các huyễn, chẳng cần tác dụng mà tự dứt phiền não. Khi phiền não dứt sạch liền chứng thật tướng, Bồ-tát này gọi là chuyên tu thiền quán Thiền-na. O

Bốn là, nếu những Bồ-tát trước tu cực tịnh dùng huệ tâm của tịnh để chiếu soi kẻ huyễn, liền ở trong đó để khởi hạnh Bồ-tát. Bồ-tát này gọi là trước tu thiền quán Xa-ma-tha, sau tu thiền quán Tam-ma-bát-đề. O

Năm là, nếu những Bồ-tát tu theo tịnh huệ, chứng được tánh cực tịnh, liền dứt phiền não, lìa hẳn sanh tử, Bồ-tát này gọi là trước tu thiền quán Xa-ma-tha, sau tu thiền quán Thiền-na. O

Sáu là, nếu những Bồ-tát tu theo huệ tịch tịnh, lại hiện sức huyễn hóa biến hiện đủ thứ thân tướng để độ chúng sanh, sau mới dứt phiền não mà nhập tịch diệt, Bồ-tát này gọi là trước tu Xa-ma-tha, giữa tu Tam-ma-bát-đề, sau tu Thiền-na. O

Bảy là, nếu những Bồ-tát dùng sức cực tịnh dứt phiền não rồi sau mới thành diệu hạnh trong sạch của Bồ-tát để độ chúng sanh, Bồ-tát này gọi là trước tu Xa-ma-tha, giữa tu Thiền-na, sau tu Tam-ma-bát-đề. O

Tám là, nếu những Bồ-tát dùng sức cực tịnh, tâm dứt phiền não rồi lại độ chúng sanh, kiến lập thế giới, Bồ-tát này gọi là trước tu Xa-ma-tha, sau đồng thời tu hai thiền quán Tam-ma-bát-đề và Thiền-na. O

Chín là, nếu những Bồ-tát dùng sức cực tịnh để sanh khởi biến hóa, sau mới dứt phiền não, Bồ-tát này gọi là trước đồng thời tu hai thiền quán Xa-ma-tha và Tam-ma-bát-đề, sau tu Thiền-na. O

Mười là, nếu những Bồ-tát dùng sức cực tịnh để đưa đến tịch diệt, sau lại khởi tác dụng biến hóa thế giới, Bồ-tát này gọi là đồng thời tu hai thiền quán Xa-ma-tha và Thiền-na, sau tu Tam-ma-bát-đề. O

Mười một là, nếu những Bồ-tát dùng sức biến hóa tùy thuận đủ thứ cho đến cực tịnh, Bồ-tát này gọi là trước tu Tam-ma-bát-đề, sau tu Xa-ma-tha. O

Mười hai là, nếu những Bồ-tát dùng sức biến hóa biến hiện đủ thứ cảnh giới mới đến tịch diệt, Bồ-tát này gọi là trước tu Tam-ma-bát-đề, sau tu Thiền-na.O

Mười ba là, nếu những Bồ-tát dùng sức biến hóa để làm Phật sự, an trụ tâm nơi tịch tịnh mà dứt phiền não, Bồ-tát này gọi là trước tu Tam-ma-bát-đề, giữa tu Xa-ma-tha, sau tu Thiền-na. O

Mười bốn là, nếu những Bồ-tát dùng sức biến hóa tác dụng vô ngại để dứt phiền não, an trụ tâm nơi cực tịnh, Bồ-tát này gọi là trước tu Tam-ma-bát-đề, giữa tu Thiền-na, sau tu Xa-ma-tha. O

Mười lăm là, nếu những Bồ-tát dùng sức biến hóa tác dụng phương tiện để tùy thuận hai thiền quán cực tịnh tịch diệt, Bồ-tát này gọi là trước tu Tam-ma-bát-đề, sau tu hai thiền quán Xa-ma-tha và Thiền-na. O

Mười sáu là, nếu những Bồ-tát dùng sức biến hóa sanh đủ thứ dụng để đến cực tịnh, sau mới dứt phiền não, Bồ-tát này gọi là trước đồng thời tu hai thiền quán Tam-ma-bát-đề và Xa-ma-tha, sau tu Thiền-na. O

Mười bảy là, nếu những Bồ-tát dùng sức biến hóa để đưa đến tịch diệt, sau an trụ nơi tịnh lự trong sạch vô tác, Bồ-tát này gọi là trước đồng thời tu hai thiền quán Tam-ma-bát-đề và Thiền-na, sau tu Xa-ma-tha. O

Mười tám là, nếu những Bồ-tát dùng sức tịch diệt mà sanh khởi cực tịnh, trụ nơi thanh tịnh, Bồ-tát này gọi là trước tu Thiền-na, sau tu Xa-ma-tha. O

Mười chín là, nếu những Bồ-tát dùng sức tịch diệt mà sanh khởi tác dụng, tùy thuận công dụng tịch chiếu để chiếu soi tất cả cảnh, Bồ-tát này gọi là trước tu Thiền-na, sau tu Tam-ma-bát-đề. O

Hai mươi là, nếu những Bồ-tát dùng sức tịch diệt tùy đủ thứ tự tánh an trụ nơi tịnh lự mà sanh khởi biến hóa, Bồ-tát này gọi là trước tu Thiền-na, giữa tu Xa-ma-tha, sau tu Tam-ma-bát-đề. O

Hai mươi mốt là, nếu những Bồ-tát dùng sức tịch diệt và tự tánh vô tác nơi cảnh giới trong sạch sanh khởi tác dụng rồi trở về tịnh lự, Bồ-tát này gọi là trước tu Thiền-na, giữa tu Tam-ma-bát-đề, sau tu Xa-ma-tha. O

Hai mươi hai là, nếu những Bồ-tát dùng sức tịch diệt mỗi mỗi thanh tịnh trụ nơi tịnh lự mà sanh khởi biến hóa, Bồ-tát này gọi là trước tu Thiền-na, sau đồng thời tu hai thiền quán Xa-ma-tha và Tam-ma-bát-đề. O

Hai mươi ba là, nếu những Bồ-tát dùng sức tịch diệt để đưa đến cực tịnh mà sanh khởi biến hóa, Bồ-tát này gọi là trước đồng thời tu hai thiền quán Thiền-na và Xa-ma-tha, sau tu Tam-ma-bát-đề. O

Hai mươi bốn là, nếu những Bồ-tát dùng sức tịch diệt sanh khởi biến hóa, đưa đến cảnh huệ trong sạch sáng tỏ của cực tịnh, Bồ-tát này gọi là trước đồng thời tu hai thiền quán Thiền-na và Tam-ma-bát-đề, sau tu Xa-ma-tha. O

Hai mươi lăm là, nếu những Bồ-tát dùng trí huệ Viên Giác chiếu soi, đầy khắp tất cả các tánh các tướng mà chẳng lìa giác tánh, Bồ-tát này gọi là tùy thuận vốn trong sạch của tự tánh mà viên tu Ba-la-mật thứ quán. O

Đó là hai mươi lăm định luân của Bồ-tát. Tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp nếu tu theo định luân này nên thực hành như thế: Phải giữ giới thanh tịnh, lắng lòng quán tưởng, thiết tha cầu sám-hối trải qua hai mươi mốt ngày, ở nơi hai mươi lăm định luân, mỗi mỗi đều ghi dấu cho rõ ràng rồi thành tâm khẩn cầu, sau đó dùng tay lấy một dấu hiệu đã ghi để quán chiếu cho đến khi nhận chân ra được các pháp đốn tiệm, pháp nào thích hợp với mình, nếu có một niệm nghi hoặc thì chẳng thể thành tựu. O

***

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng cung kính thưa hỏi Đức Phật.

- Bạch Đức Thế Tôn, kính xin Ngài khai thị cho chúng con pháp tánh thanh tịnh để làm đạo nhãn cho tương lai, giúp chúng sanh ngộ nhập trọn vẹn. O

- Này các vị! Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay vọng chấp thật có bốn tướng: Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ mạng, rồi nhận lầm bốn tướng điên đảo này là thực thể của mình, do đó liền sanh hai cảnh yêu ghét, vậy nơi thể hư vọng lại chấp thêm một lớp hư vọng nữa. Hai thứ vọng nương nhau sanh ra vọng nghiệp, vì có vọng nghiệp nên vọng thấy có luân hồi; kẻ phàm chán luân hồi lại vọng thấy có Niết-bàn, do sự chấp thật Tướng ngã này nên chẳng thể ngộ nhập bản giác trong sạch. Chẳng phải bản giác chống cự với những kẻ năng nhập, vì có kẻ năng nhập thì chẳng phải bản giác vậy. Cho nên động niệm và dứt niệm thuộc về mê muội. Tại sao? Vì bổn khởi vô minh đã làm chủ cho mình từ vô thỉ rất khó đoạn trừ, phải có huệ nhãn mới trừ được. Vì tất cả chúng sanh sanh ra chẳng có huệ nhãn, hiện tiền các tánh thân tâm đều là vô minh, vô minh chẳng thể tự dứt vô minh, cũng như người chẳng có sinh mạng chẳng thể tự dứt sinh mạng vậy. O

Này các vị! Thế nào là tướng ngã ? Những chúng sanh tu hành, tâm biết có chúng sanh đều thuộc về tướng ngã.

Này các vị! Ví như có người cơ thể điều hòa thư thái, tay chân thư giãn, bỗng quên mất thân ta, vì ăn uống thất thường sinh ra bệnh hoạn, nhờ thầy thuốc châm cứu thấy đau mới biết ta còn đây, cho nên người chấp có sở chứng mới hiện ra tướng ngã. O

Này các vị! Nếu tâm liễu tri rốt ráo biết có sở chứng, dù chứng biết thanh tịnh Niết-bàn của Như Lai đều thuộc về tướng ngã.

Này các vị! Thế nào là tướng nhơn? Như những chúng sanh tâm có sở chứng, cho kẻ năng chứng là ta, nay tiến thêm một bậc, ngộ biết chứng chẳng phải là ta, ngộ này siêu việt tất cả chứng, nhưng còn giữ tâm ngộ tức là tướng nhơn. O

Này các vị! Những tâm biết có năng sở đều thuộc về ngã, tâm dù chỉ còn chút năng ngộ để chứng lý cùng tột của Niết-bàn đều gọi là tướng nhơn.

Này các vị! Thế nào là tướng chúng sanh? Chỗ nào là những chúng sanh có tâm biết năng chứng, năng ngộ đều chẳng thể biết.

Này các vị! Ví như có người nói rằng: “Ta là chúng sanh,” thì biết kẻ nói chúng sanh kia chẳng phải ta cũng chẳng phải ngươi. Sao nói chẳng phải ta? Vì “ta là chúng sanh” thì chẳng phải ta, sao nói chẳng phải ngươi? Vì nói “ta là chúng sanh,” thì chẳng phải ông cũng chẳng phải ta vậy. O

Này các vị! Nếu những chúng sanh có tâm biết năng chứng, năng ngộ đều là tướng ngã. Nay tiến thêm một bậc, liễu tri chỗ này là tướng ngã, tướng nhơn chẳng thể đến, nhưng còn sở liễu tri, biết có năng chứng năng ngộ để lìa, nên gọi là tướng chúng sanh.

Này các vị! Thế nào là tướng thọ mạng? Những chúng sanh nay tiến thêm một bậc nữa, tâm quán chiếu sáng tỏ chiếu soi tâm liễu tri cũng bất khả đắc, chỉ còn một giác thể trong sạch; giác thể này tất cả nghiệp trí trong luân hồi đều chẳng thể tự thấy được, cũng như con mắt chẳng thể tự thấy mắt, tất cả tịch diệt. Vì trụ nơi tịch diệt thì mạng căn chưa dứt nên gọi là tướng thọ mạng. O

Này các vị! Nếu tâm chiếu soi thấy tất cả những giác tri là cấu bẩn của trần lao. Có năng giác, sở giác là chẳng lìa được trần lao. Ví như nước canh làm tan băng, nước canh là năng tan, băng là sở tan; khi băng đã tan thì nước canh và băng đều thành nước, năng tan sở tan đều diệt, nếu còn có kẻ biết băng tan thì có cái năng biết, cái biết đó là ngã. Nói “còn tướng thọ mạng” thì nghĩa cũng như vậy. O

Này các vị! chúng sanh đời mạt pháp chẳng rõ bốn tướng không thật, dù trải qua nhiều kiếp siêng năng khổ hạnh tu hành, chỉ gọi là pháp hữu vi, rốt cuộc cũng chẳng thể thành tựu tất cả thánh quả, cho nên gọi là “chánh pháp trong đời mạt pháp.” Tại sao? Vì lầm nhận tất cả tướng ngã cho là tướng Niết-bàn, cho có chứng có ngộ mới gọi là thành tựu. Cũng như có người nhận giặc làm con thì tài sản nhà họ chẳng thể thành tựu. Tại sao? Như có lời: luyến ái ngã cũng luyến ái Niết-bàn, đè nén gốc luyến ái ngã trở thành tướng Niết-bàn; có người chán ngã cũng chán sanh tử, chẳng biết gốc ái luyến ấy mới thật là chơn sanh tử vậy. Nay có tâm nhàm chán sanh tử nên gọi là chẳng giải thoát.O

Tại sao biết được pháp ấy chẳng giải thoát?

Này các vị! Chúng sanh đời mạt pháp tu tập Bồ-đề, cho sự chứng của mình là tự trong sạch, chứng được chút ít cho là đủ, chưa dứt sạch cội gốc của tướng ngã nên chẳng giải thoát. Nếu có người tán thán pháp mình thì liền sanh tâm hoan hỉ, muốn cứu độ họ; nếu phỉ báng pháp sở đắc của mình thì liền sanh tâm sân hận. Vậy thì biết cái tâm chấp tướng ngã rất kiên cố, tiềm ẩn trong tạng thức, gặp ngoại cảnh kích thích thì phát khởi hiện hành nơi các căn, mãi chẳng gián đoạn.

Này các vị! Người tu hành vì chẳng dứt sạch tướng ngã nên chẳng thể ngộ nhập bản giác trong sạch. O

Này các vị! Nếu biết tướng ngã vốn không thì chẳng có cái bản ngã để cho họ tán thán và phỉ báng; nay thấy “có ta thuyết pháp” thì tướng ngã chưa dứt, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ mạng tướng đều cũng như thế.

Này các vị! Chúng sanh đời mạt pháp vì chưa dứt ngã tướng, cho sự thuyết pháp là “do ta thuyết” nên pháp của họ thuyết là thuyết cái bệnh của ngã tướng, chẳng phải thuyết cái pháp của Niết-bàn vậy, cho nên gọi là kẻ đáng thương xót ! Dù siêng năng tinh tấn chỉ tăng thêm cái pháp của bệnh nên chẳng thể ngộ nhập bản giác trong sạch. O

Này các vị! Chúng sanh đời mạt pháp vì chẳng thấu rõ bốn tướng kể trên, chấp chỗ hành và kiến giải của Như Lai cho là kiến giải của mình, vì chẳng phải do tự mình tu chứng nên rốt cuộc chẳng thể thành tựu. Hoặc có chúng sanh chưa đắc nói đắc, chưa chứng nói chứng, thấy người hơn ta mà sanh tâm ganh tỵ, ấy là chúng sanh đó chưa dứt ngã kiến nên chẳng thể ngộ nhập bản giác trong sạch.

Này các vị! Chúng sanh đời mạt pháp muốn tu thành đạo, chớ nên sanh tâm cầu ngộ; người sanh tâm cầu ngộ thì muốn học rộng nghe nhiều để hiểu thêm giáo lý, vậy chỉ thêm đa văn, tăng trưởng ngã kiến, chẳng phải người chơn tu. O

Người chân tu chỉ nên tinh tấn hàng phục phiền não, khởi tâm đại dũng mãnh; Niết-bàn chưa đắc khiến cho đắc, phiền não chưa dứt khiến cho dứt, những tâm tham, sân, si, mạn, siểm khúc, ganh tị đối cảnh chẳng sanh, ân ái giữa mình và người tất cả đều tịch diệt, Phật nói người ấy sẽ dần dần thành tựu Thánh quả. Nương theo nhân địa này tu hành để cầu thiện tri thức thì chẳng đọa tà kiến, nếu có sở cầu khác với nhân địa phát tâm kể trên, lại sanh lòng yêu ghét thì chẳng thể ngộ nhập biển giác trong sạch. O

***

Khi ấy Bồ-tát Phổ Giác thưa hỏi Đức Phật về cách loại bỏ những bệnh chấp mắc để giúp chúng sanh thoát khỏi tà kiến. Đức Phật dạy rằng:

-Này các vị! Chúng sanh đời mạt pháp người muốn tu hành nên phát đại tâm cầu thiện tri thức, tức là phải cầu người có chánh tri kiến, chẳng chấp cảnh giới Thanh Văn, Duyên Giác, tâm chẳng trụ tướng, dù hiện trần lao, tâm thường trong sạch, thị hiện có lỗi mà tán thán hạnh thanh tịnh, khiến chúng sanh thường giữ giới luật, cầu người như thế mới được thành tựu vô thượng chánh đẳng chánh giác. Chúng sanh đời mạt pháp gặp người như thế nên chẳng tiếc thân mạng mà phụng sự cúng dường. Thấy những thiện tri thức trong bốn oai nghi thường hiện các hạnh trong sạch ấy là thuận độ; hoặc gặp Bồ-tát nghịch độ, thị hiện đủ thứ tội lỗi mà tâm chẳng kiêu mạn, dù cho Bồ-tát ấy có vợ con quyến thuộc, giữ lấy tiền tài cũng chẳng sanh tâm khinh bỉ. Nếu Thiện nam tử đối với các thầy bạn kể trên nên chẳng khởi ác niệm thì được đến chỗ rốt ráo thành tựu chánh giác, nên bản tâm sáng tỏ chiếu khắp mười phương cõi Phật O

Này các vị! Diệu pháp sở chứng của thiện tri thức ấy nên lìa bốn bệnh.

- Một là bệnh “làm”: Nếu có người nói rằng nơi bản tâm ta làm đủ thứ hạnh để cầu Viên Giác nhưng tánh của Viên Giác chẳng do làm mà cầu được, nên đây là một loại bệnh. O

- Hai là bệnh “mặc kệ”: Nếu có người nói rằng nay ta chẳng dứt sanh tử, chẳng cầu Niết-bàn, đối với sanh tử Niết-bàn chẳng có một niệm khởi hay diệt, mặc kệ tất cả, đều tùy pháp tánh. Mặc kệ như thế mà muốn cầu Viên Giác, nhưng tánh của Viên Giác chẳng do mặc kệ mà có, nên đây là loại bệnh thứ hai. O

Ba là bệnh “dừng lại”: Nếu có người nói rằng nay tự tâm ta dừng hẳn các niệm, cho tất cả tánh đều tịch nhiên bình đẳng, vậy muốn nhờ dừng niệm để cầu Viên Giác, nhưng tánh Viên Giác ấy chẳng hợp với dừng, nên đây là loại bệnh thứ ba. O

Bốn là bệnh “diệt”: Nếu có người nói rằng nay ta dứt hẳn tất cả phiền não, thân tâm rốt ráo rỗng không chẳng có gì cả, huống là cảnh giới hư vọng, căn trần tất cả diệt hẳn để cầu Viên Giác. Nhưng tánh Viên Giác ấy chẳng phải tướng diệt, nên đây là loại bệnh thứ tư. O

Người đã lìa bốn bệnh thì bản tri trong sạch, theo quán chiếu này gọi là chánh quán, nếu theo quán chiếu khác gọi là tà quán.

Này các vị! Chúng sanh đời mạt pháp muốn cầu Viên Giác nên phát tâm như thế này: Tất cả chúng sanh nơi tất cả hư không, ta đều khiến cho ngộ nhập Viên Giác rốt ráo, không có nắm bắt chấp thủ Viên Giác đó, dứt trừ tất cả các tướng nhơn ngã v.v...Phát tâm như thế thì chẳng đọa tà kiến.O

***

Lúc ấy, Bồ-tát Viên Giác thành kính cầu xin Đức Phật giảng dạy pháp tu thiền quán để chúng sanh nương theo đó tu tập, giải thoát.

- Này các vị! Nếu những chúng sanh tu thiền quán Xa-ma-tha, trước tiên dùng sức cực tịnh, chẳng khởi một niệm nào. Tịnh đến chỗ cực liền hiện Bản Giác, ấy là Sơ Tịnh. Từ nơi một thân cho đến một thế giới đều cũng như thế.

Này các vị! Nếu Bản Giác cùng khắp một thế giới thì trong thế giới đó có một chúng sanh nào tâm khởi một niệm cũng đều biết cả, cho đến trăm ngàn thế giới cũng đều như thế. Đây là chánh quán, đại chúng đã nghe, còn tất cả cảnh giới chẳng phải sở nghe của đại chúng thì chẳng nên chấp lấy để tu. O

Này các vị! Nếu các chúng sanh tu thiền quán Tam-ma-bát-đề, trước tiên nên tưởng nhớ mười phương Như Lai, tất cả Bồ-tát ở mười phương thế giới, y theo mỗi mỗi pháp môn của Phật dạy, tùy thứ lớp tu hành siêng năng khổ hạnh, độ các chúng sanh, ở nơi chánh định phát đại nguyện, dùng như huyễn quán tự huân tập thành chủng tử Phật. Đây là quán, đại chúng đã nghe, còn tất cả cảnh giới chẳng phải sở nghe của đại chúng thì chẳng nên chấp lấy để tu. O

Này các vị! Nếu các chúng sanh tu thiền quán Thiền-na, trước tiên quán theo pháp đếm số, trong tâm liễu tri mỗi niệm sát-na trong sanh, trụ, dị, diệt. Sự liễu tri ấy cùng khắp trong bốn oai nghi, số niệm nào cũng biết rõ ràng. Như vậy, huệ quán dần dần tiến lên mà chẳng thấy số cực lớn và cực nhỏ. Do đó, sự quán được siêu việt số lượng, rồi chánh biến tri của Phật tánh cũng được hiện ra thì một giọt mưa ngoài hằng sa thế giới cũng đều thấy rõ như vật trước mắt. Đây là chánh quán, đại chúng đã nghe, còn tất cả cảnh giới chẳng phải sở nghe của đại chúng thì chẳng nên chấp lấy để tu. O

Đây gọi là phương tiện đầu tiên của ba thứ thiền quán kể trên. Nếu các chúng sanh lợi căn siêng năng khổ hạnh tinh tấn, đồng thời tu đủ ba thứ thiền quán thì gọi là Như Lai xuất hiện trên đời. Còn những chúng sanh độn căn đời mạt pháp muốn cầu đạo mà chẳng được thành tựu, là do nghiệp chướng đời trước, thì nên siêng năng sám- hối, thường mong đoạn dứt những tâm yêu ghét, ganh tị, siểm khúc, kiêu mạn, chọn một thứ trong ba thứ thiền quán trong sạch kể trên, tùy sức tu tập một thứ thiền quán, pháp quán này tu không được thì tu pháp quán khác, tâm chẳng buông lung, tùy theo thứ lớp để cầu chứng nhập. O

***

Khi ấy Bồ-tát Hiền Thiện Thủ ở trong đại chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, đi nhiễu quanh Phật ba vòng, đảnh lễ chân Phật, chắp tay quỳ gối bạch Phật rằng:

- Đức Thế Tôn đại bi, đã vì chúng con và chúng sanh đời mạt pháp, chỉ bày các pháp môn không thể nghĩ bàn như thế.

Bạch Thế Tôn ! Kinh này tên gì? Phải thọ trì như thế nào ? Chúng sanh tu tập theo Kinh này sẽ được công đức gì? Chúng con phải hộ vệ người trì Kinh như thế nào? Làm thế nào để phổ biến giáo pháp này đến tất cả chúng sanh trong đời?O

Ngài Hiền Thiện Thủ Bồ-tát nói xong, năm vóc gieo sát đất, đảnh lễ thưa thỉnh ba lần như vậy.

Đức Phật bảo Bồ-tát Hiền Thiện Thủ và toàn thể chúng hội rằng:

- Lành thay, lành thay ! Ông khéo vì các Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp hỏi Như Lai về vấn đề Kinh giáo, công đức, tên gọi như thế. Nay ông hãy lắng nghe, ta sẽ tuyên nói.

- Này các vị! Kinh này là do trăm ngàn muôn ức hằng sa các Đức Phật sở thuyết, được ba đời Như Lai hộ trì, là chỗ quy y của mười phương Bồ-tát, là con mắt trong sạch của mười hai thể loại Kinh. Kinh này gọi là Kinh Đại Phương Quảng Viên Giác Tổng Trì, cũng gọi là Khế Kinh Liễu Nghĩa, cũng gọi là Tam-muội Bí Mật Vương, cũng gọi là Cảnh Giới Quyết Định của Như Lai, cũng gọi là Tự Tánh Sai Biệt trong Như Lai Tạng. Đại chúng hãy nên thọ trì.O

Này các vị! Kinh này hiển bày cảnh giới của Như Lai, chỉ có chư Phật Như Lai mới có thể giảng thuyết đến chỗ tột cùng. Nếu các Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp theo đó tu hành, tùy thứ lớp tiếnlên, sẽ đến địa vị Phật. O

Này các vị! Kinh này gọi là Đại thừa đốn giáo, chúng sanh lợi căn do đó đốn ngộ, lại cũng bao gồm pháp tiệm tu cho tất cả chúng sanh. Ví như biển lớn chẳng bỏ sót dòng nước nhỏ, cho đến ruồi muỗi và A-tu-la uống nước này đều được no đủ cả. O

Này các vị! Nếu có người nghe tên Kinh này lòng tin vững chắc, nên biết người ấy đã gieo trồng thiện căn phước huệ nơi hằng sa tất cả các Đức Phật, nên được nghe kinh giáo này mà tâm chẳng nghi hoặc, chứ chẳng phải gieo trồng thiện căn nơi một Đức Phật, hai Đức Phật mà được như thế. O

Này các vị! Các ông nên hộ trì người tu hành đời mạt pháp, chẳng cho ác ma và ngoại đạo nhiễu loạn thân tâm họ, khiến cho lui sụt.

Lúc bấy giờ, chúng hội sau khi đi quanh và đảnh lễ Đức Phật, ai nấy đều phát nguyện thọ trì và ủng hộ người thọ trì Kinh này. Các vị thần Kim Cang như Kim Cang Hỏa Thủ, Kim Cang Tồi Toái, Kim Cang Ni-lam-bà và tám vạn Kim Cang cùng quyến thuộc phát nguyện hộ trì người trì Kinh, như giữ tròng con mắt mình. Các Thiên Vương như Thiên Vương Đại Phạm, Thiên Vương Hộ Quốc thì phát nguyện hộ trì và giúp cho hành giả yên ổn thân tâm, thẳng tiến tu tập. Các vị quỷ vương như Đại Lực, Cưu-bàn-trà và cùng mười vạn quyến thuộc phát nguyện hộ trì người trì kinh.

Khi Phật nói kinh này xong, tất cả Bồ-tát, tám bộ trời rồng quỷ thần cùng quyến thuộc, và các Thiên Vương, Phạm Vương, v.v... và toàn thể đại chúng đều rất hoan hỷ và thực hành theo. O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO
--- o0o ---
Chân thành cảm ơn Thầy Nhật Từ đã gởi tặng bản Kinh điện tử này
( Quang Duc Website 04/2002)
--- o0o ---
Trình bày : Nguyên Hân- Nguyên Phúc

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/02/2011(Xem: 4883)
NGHI THỨC HỒNG CHUNG
13/02/2011(Xem: 7855)
NGHI THỨC CÚNG NGỌ
13/02/2011(Xem: 6684)
NGHI THỨC CÔNG PHU KHUYA
13/02/2011(Xem: 8907)
NGHI THỨC CÔNG PHU CHIỀU
13/02/2011(Xem: 5976)
NGHI THỨC CẦU AN - KINH DƯỢC SƯ
13/02/2011(Xem: 6266)
NGHI THỨC CẦU AN - KINH PHỔ MÔN
07/02/2011(Xem: 25119)
Ý nghĩa cận sự nam và cận sự nữ, cần được hiểu là những cư sĩ có niềm tin nơi Phật-Pháp-Tăng, trọn đời nguyện phụng sự Tam bảo, luôn luôn sống theo sự hướng dẫn của Tam bảo.
22/01/2011(Xem: 3571)
Thực tế, dưới triều đại vua Lý Nhân Tông, thì cả dân tộc đang bước vào thời kỳ phục hưng mọi giá trị văn hóa sau hơn 1.000 năm bị phong kiến Trung Hoa xâm lược. Phật giáo trở thành quốc giáo...
20/01/2011(Xem: 4161)
Sáng sớm mùng 1 Tết, tiết trời Đà Lạt (Lâm Đồng) thường se lạnh, mưa xuân lất phất bay, ngoài đường phố cũng thường thưa thớt người bởi hầu hết các gia đình còn tất bật làm cơm cúng tân niên.
20/01/2011(Xem: 3830)
Tết Nguyên Đán, hầu như nhà ai cũng có một mâm ngũ quả đặt trên mâm bồng. Đó là mâm trái cây, ít nhất là phải đủ 5 thứ quả theo thuyết Ngũ hành.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]