Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Na-tiên Đàm Đạo

04/04/201319:25(Xem: 4467)
Kinh Na-tiên Đàm Đạo

KINH TỤNG HẰNG NGÀY

TỔNG HỢP 49 KINH CĂN BẢN CỦA HAI TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO NAM TÔNG VÀ BẮC TÔNG

Tỳ-kheo Thích Nhật Từ
biên soạn

---o0o---

KINH NA-TIÊN ĐÀM ĐẠO

Thứ hai mươi mốt

Có một hôm, vua Di-lan-đà thăm viếng chùa San-khê-da, nơi Đại đức Na-tiên đương cư trú với tám chục Tỳ-kheo. Ông tiến đến trước mặt Đại đức và cung kính vái chào. Đại đức đáp lễ. Sau lễ tương kiến, nhà vua cung kính ngồi xuống một bên.O

1. VẠN VẬT VÔ NGÃ

Đoạn vua khởi chuyện hỏi rằng:

- Bạch Đại đức, trẫm muốn hỏi Ngài ít điều, có được không ?

- Xin Đại vương cứ phán hỏi, bần tăng xin nghe.

- Bạch Đại đức quý danh là gì ?

- Người ta gọi bần tăng là Na-tiên. Các pháp hữu của bần tăng cũng gọi bần tăng bằng tên ấy. Nhưng dù cho cha mẹ bần tăng có đặt cho bần tăng tên Na-tiên hay một tên nào khác, chẳng hạn như Duy-tiên, Thủ-la-tiên hoặc Duy-ca-tiên v.v.. thì chẳng qua cũng chỉ là những tên suông, đặt ra để phân biệt người nọ với người kia mà thôi. Trong những cái tên đó không hề có cái "ta" hay cái "của ta" như các quan điểm tà kiến và ngã chấp thường lầm nhận. O

Nhà vua kinh ngạc, quay sang đám tùy tùng và các vị Tỳ-kheo trong chùa rồi nói:

- Này năm trăm quan chức và tám chục Tỳ-kheo ! Các vị hãy ghi nhớ lời của Đại đức Na-tiên hôm nay. Ngài nói: tên là do cha mẹ đặt ra và bạn hữu dùng để gọi, chứ trong đó không có cái "ta." Như vậy trẫm có thể tin được lời Ngài chăng ?

Nói xong nhà vua quay trở lại hỏi Đại đức Na-tiên rằng: O

- Bạch Đại đức nếu không có cái "ta" trong đó thì khi tín thí cúng dường y bát, vật thực, phòng xá, thuốc men, dụng cụ v.v.. ai thâu nhận các món cúng dường ấy? Ai bảo tồn luân lý, đạo nghĩa? Ai tham thiền nhập định? Ai hành đạo, đắc quả và nhập Niết-bàn? Nếu không có cái "ta" trong tâm người thì ai giữ giới? Ai phạm giới? Ai sát sanh? Ai trộm cướp? Ai hành dâm? Ai nói dối? Ai say sưa? Nếu quả như vậy thì không ai tạo nghiệp lành, cũng chẳng ai tạo nghiệp dữ. Luôn cả nghiệp lành, nghiệp dữ cũng không có. Những việc làm lành hay dữ đều không có quả báo gì hết. Bạch Đại đức ! Như thế thì nếu có kẻ giết Đại đức cũng không phạm tội sát sanh chăng? Và trong tăng đoàn không có ai là vị giáo thọ giảng dạy, chẳng có ai là Hòa thượng truyền giới thu nhận đệ tử tu lên bậc trên? Ngay các pháp hữu của Đại đức, gọi Đại đức Na-tiên cũng không có nốt? Và cái tên Na-tiên đó là ai? Kính mong Đại đức từ bi giải thích cho trẫm được rõ. O

- Thưa, Đại đức đã nghe rồi chứ ?

- Tâu Đại vương bần tăng đã nghe rõ rồi.

- Người nghe đó có phải là Na-tiên không?

- Tâu Đại vương, không phải đâu.

- Thế thì ai là Na-tiên? Cái gì là Na-tiên? Tóc trên đầu là Na-tiên chăng ?

- Tâu Đại vương, không phải.

- Lông là Na-tiên chăng ?

- Tâu Đại vương, không phải.

- Móng là Na-tiên chăng ?

- Tâu Đại vương, không phải.

- Hay răng, da, thịt, tủy, gân v.v.. là Na-tiên chăng?

- Tâu Đại vương, cũng không phải.

- Sắc là Na-tiên chăng ?

- Tâu Đại vương, không phải.

- Thọ là Na-tiên chăng ?

- Tâu Đại vương, không phải.

- Tưởng là Na-tiên chăng ?

- Tâu Đại vương, không phải.

- Hành là Na-tiên chăng ?

- Tâu Đại vương, không phải.

- Thức là Na-tiên chăng ?

- Tâu Đại vương, không phải.

- Hay con mắt là Na-tiên chăng ?

- Tâu Đại vương, không phải.

- Hay lỗ tai, lỗ mũi, lưỡi, thân thể hoặc ý là Na-tiên chăng ?

- Tâu Đại vương, không phải.

- Hay tất cả năm tổ hợp nhân thể: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức gồm lại là Na-tiên chăng?

- Tâu Đại vương, không phải.

- Hay ngoài năm tổ hợp nhân thể ra còn có cái gì đó là Na-tiên chăng ?

- Tâu Đại vương, cũng không phải nốt.

- Bạch Đại đức, nãy giờ trẫm đã gạn hỏi tường tận về 32 thể trược, 5 nhóm nhân thể và 18 yếu tố có phải là Na-tiên không, hết thảy đều bị Đại đức phủ nhận. Theo lời dạy bảo của Đại đức, trẫm quán tưởng cũng thấy rằng trong từng cái nêu hỏi không có Na-tiên, và Na-tiên cũng không có trong tất cả những cái đó họp lại: Na-tiên chỉ là cái danh suông. Như vậy khi nãy, Đại đức bảo với trẫm rằng người ta gọi Đại đức là Na-tiên, như thế là Đại đức đã nói sai, chứ thật ra không có Na-tiên. Này năm trăm quan chức và tám chục Tỳ-kheo, xin các vị hãy làm chứng cho. O

Bấy giờ, Đại đức Na-tiên từ tốn thưa với nhà vua rằng:

- Tâu Đại vương, Đại vương thật là một bậc đế vương thanh nhã, hưởng nhiều phước báo an vui. Nhưng trên con đường từ hoàng cung đến chùa này, chắc hẳn vì gặp lúc khí trời oi bức, Đại vương thấy trong lòng khó chịu, long thể bất an, nên tâm trí Đại vương có phần nóng nảy, kém thanh tịnh. Chẳng hay Đại vương đến đây bằng đi bộ hay bằng xe ?

- Bạch Đại đức, trẫm đến bằng xe. Chỉ khi tiến vào đây, trẫm mới đi chân.

Nghe nhà vua nói xong, Đại đức Na-tiên thưa rằng:

- Này năm trăm vị quan chức ! Xin quý vị hãy ghi nhớ lời nói của nhà vua. Ngài bảo rằng Ngài đến đây bằng xe.

Phân chứng cớ xong, Đại đức Na-tiên quay lại hỏi nhà vua: O

- Tâu Đại vương, Đại vương bảo rằng Đại vương ngự đến bằng xe. Đó là Ngài nói thật chứ?

- Bạch Đại đức, trẫm nói thật.

- Vậy, xin Đại vương cho bần tăng biết rõ về chiếc xe. Gọng có phải là xe không ?

- Thưa Đại đức, không phải.

- Trục có phải là xe không ?

- Thưa Đại đức, không phải.

- Bánh có phải là xe không ?

- Thưa Đại đức, không phải.

- Căm có phải là xe không ?

- Thưa Đại đức, không phải.

- Thùng có phải là xe không ?

- Thưa Đại đức, không phải.

- Ách có phải là xe không ?

- Thưa Đại đức, không phải.

- Chỗ gác chân có phải là xe không ?

- Thưa Đại đức, không phải.

- Mui có phải là xe không ?

- Thưa Đại đức, không phải.

- Dây cương có phải là xe không ?

- Thưa Đại đức, không phải.

- Hay cây roi là xe ?

- Thưa Đại đức, không phải.

- Hay tất cả các món ấy họp lại và buộc chung với nhau là xe?


- Thưa Đại đức, không phải.

- Hay ngoài các món ấy ra, còn có một món nào khác gọi là xe ?

- Thưa Đại đức, cũng không phải.

- Hay tiếng khua động là xe ?

- Thưa Đại đức, cũng không phải nốt.

- Vậy chớ, xe là cái gì ?

Nhà vua lặng thinh, không trả lời. Đại đức Na-tiên dừng nghỉ một lát rồi tâu rằng:

- Tâu Đại vương ! Nãy giờ bần tăng đã gạn hỏi tường tận về từng món một như gọng, mui, thùng, v.v.. có phải là xe không, hết thảy đều bị Đại vương phủ nhận. Theo lời phán bảo của Đại vương, bần tăng quả thật cũng thấy rằng trong từng món nêu hỏi đều không có xe, và xe cũng không có trong tất cả những món đó họp lại; Xe chỉ là cái danh suông. Như vậy, khi Đại vương nói với bần tăng rằng Đại vương đến đây bằng xe điều đó e đáng ngờ vực lắm. Đại vương là một vị đại hoàng đế cao cả, làm chủ một đất nước mênh mông, thật hẳn không đáng lại đây để nói những lời luống dối như thế. Này năm trăm quan chức! Xin quý vị hãy làm chứng cho.

Thấy nhà vua ngồi lặng thinh và các quan chức thì tỏ lòng tán dương bằng nhiều cách khác nhau, Đại đức Na-tiên bèn từ hòa tâu với nhà vua rằng: O

- Trong kinh, Đức Phật có dạy như vầy: Hiệp các món gọng, thùng, bánh, mui v.v.. theo một cách thức nhất định thì chúng sẽ thành một cái mà người ta tạm gọi là xe. Cũng như thế, hiệp tất cả đầu, mặt, tay, chân, hơi thở, lời nói, sự khổ, sự vui, điều lành, điều dữ v.v.. thì cũng thành một đơn vị mà người ta tạm gọi là cái "ta" để tiện bề phân biệt. Chứ thật ra thì không có cái "ta" chơn thật nào cả ! Đúng như lời của nữ tôn giả Va-ji-ra đã bạch với đức Thế Tôn rằng: "Danh xưng xe sở dĩ có là do nhiều món đồ họp lại mà thành. Nhiều thành phần nhân thể họp lại thì thành một vật, mệnh danh là chúng sanh.”

Vua Di-lan-đà nghe đến đây, lấy làm hoan hỷ, hết lòng tán thán Đại đức Na-tiên.

- Hay thay ! Hay thay ! Nếu mà Đức Phật còn tại thế thì hẳn Ngài phải khen ngợi Đại đức lắm. O

2. ĐỜI TRƯỚC VÀ ĐỜI SAU

- Vua Di-lan-đà hỏi: Bạch Đại đức, kinh Phật nói con người sau khi chết tiếp tục thác sanh trở lại theo nghiệp lành hoặc nghiệp dữ đã gây, như vậy đó là con người cũ hay là một con người mới nào khác ?

- Tâu Đại vương, không phải con người cũ, nhưng cũng chẳng phải là lìa con người ra mà sanh một con người mới khác.

- Bạch Đại đức, như thế nghĩa là thế nào?

- Đại đức Na-tiên hỏi lại: Bệ Hạ hồi còn bú sữa mẹ với bệ hạ cai trị trăm họ bây giờ có khác gì nhau không ?

- Bạch Đại đức, khác chứ ! Hồi đó trẫm nhỏ dại bây giờ trẫm lớn khôn. . .O

Tâu Đại vương, như vậy thì mẫu hậu hồi đó không phải mẫu hậu ngày nay ! Phụ vương cũng thế ! Và bệ hạ cũng chẳng có phụ đạo. Vì ông ấy chỉ dạy đứa bé mới mười lăm tuổi cách đây mấy chục năm, chứ đâu có dạy bệ hạ bây giờ! Thân trước thân sau khác nhau thì mẹ đứa bé không phải mẹ nhà vua ! Người học trò lúc trước cũng không phải nhà vua trong hiện tại ! Và kẻ phạm tội giết người năm ngoái không phải là người bị cáo ra tòa ngày nay !

Bệ hạ làm sao buộc tội được người ấy ?

- Bạch Đại đức, không phải như thế. Nhưng nếu có ai hỏi Đại đức về điều này thì Đại đức giải đáp ra sao ?

- Tâu Đại vương, thân bần tăng lúc nhỏ với thân bần tăng bây giờ cũng là một thân mà thôi. Thân ấy từ nhỏ đến lớn trải qua nhiều quãng thời gian khác nhau, nhưng vẫn được liên tục nuôi dưỡng bởi một sinh mạng. O

- Xin Đại đức cho ví dụ.

- Tâu Đại vương, ví như một ngọn đèn thắp lên từ đầu hôm, nó có thể cháy mãi cho tới sáng không ?

- Bạch Đại đức, có thể.

- Tâu Đại vương, lửa ngọn đèn thắp lên từ đầu hôm với lửa ngọn đèn lúc nửa đêm và lửa ngọn đèn lúc gần sáng có phải là một không ?

- Bạch Đại đức, không.

- Tâu Đại vương, trong ba khoảng thời gian khác nhau ấy, người ta có đốt ngọn đèn nào khác không ? O

- Bạch Đại đức, vốn chỉ có một ngọn đèn với một cái bấc và cùng một loại dầu từ đầu hôm cho đến tảng sáng.

- Tâu Đại vương, trong con người cũng như thế đó. Pháp này đi thì pháp kia tới, trước sau tiếp nối nhau mà nuôi dưỡng tinh thần. Từ khi sinh ra cho đến lúc lớn lên rồi già chết, nó lại tiếp tục hướng đến một kiếp sống khác. Cứ thế cuộc sống được tương tục mãi mãi. Cho nên nói rằng thân cũ sinh trở lại thì không đúng, nhưng nói lìa thân cũ ra mà có một thân mới khác cũng không được. Lại ví như sữa tươi mới vắt, để lâu thì thành sữa ối, thành bơ v.v.. nói sữa tươi là bơ thì hẳn không phải, nhưng nếu nói bơ không do sữa tươi mà ra thì cũng sai. Cũng tương tợ như thế, con người sinh ra với tinh thần và sau khi sinh ra thì lớn lên, già, rồi chết. Chết rồi, nó lại mang một thân mới mà sinh trở lại. Mất thân trước, nó liền thọ thân sau. Cho nên nói người đầu thai sinh trở lại và người đã chết là một thì không đúng, mà nói chúng tách biệt, không có quan hệ gì lẫn nhau cũng không được.

- Hay thay ! Hay thay ! O

3. THẦN THỨC TÁI SANH

- Vua Di-lan-đà hỏi:

- Bạch Đại đức, con người sau khi chết rồi cái gì sanh trở lại?

- Tâu Đại vương, đó là danh, tức thần thức, và tổ hợp sắc thân bao gồm đất, nước, gió, lửa.

- Bạch Đại đức, phải chăng đó là thần thức và thân của người cũ sanh trở lại ?

- Tâu Đại vương, không phải thần thức cũ, cũng chẳng phải xác thân cũ. Thần thức và xác thân của đời này làm các việc thiện ác, do nghiệp thiện ác ấy, một thần thức và xác thân khác chuyển sanh để thọ lãnh phước báo hay tội báo đã gây ra. O

- Bạch Đại đức, như vậy là không phải cái thần thức và xác thân cũ sanh trở lại. Thế thì đời này làm điều ác, đời sau đâu có chịu quả báo? Và sanh trở lại nữa thì tức là đã thoát khỏi luân hồi rồi !

- Tâu Đại vương, không phải như vậy. Nếu sống ở đời mà chỉ làm toàn điều thiện thì sau khi chết có thể không sanh trở lại. Nhưng thông thường thì làm điều thiện cũng có, mà gây điều ác cũng nhiều, việc lành việc dữ tiếp nối xen nhau không ngừng, cho nên phải sanh trở lại mà thọ báo. Làm sao thoát khỏi luân hồi được. O

- Bạch Đại đức, xin Đại đức cho ví dụ về sự liên hệ giữa thần thức và xác thân cũ với thần thức và xác thân mới.

- Tâu Đại vương, ví như có người hái trộm xoài của kẻ khác. Chủ vườn xoài bắt được quả tang, đem đến tố cáo với Đại vương, yêu cầu Đại vương xử trị. Trước mặt Đại vương, bị cáo cãi rằng: “Tôi không hái xoài của anh ấy. Cây xoài của ảnh trồng hồi trước là một cây mầm tí xíu. Còn những trái xoài mà tôi hái bây giờ nằm ở trên một cành cây to lớn xum xuê. Tôi đâu có ăn trộm.” Trước những lý lẽ viện ra như thế, Đại vương có cho rằng anh ta vô tội và xử cho anh ta được kiện chăng ? O

- Bạch Đại đức không, anh ta có tội, trẫm sẽ xử cho người trồng xoài được kiện. Vì trước kia nhờ người này ra công trồng trọt, bón xới cây mầm, cho nên ngày nay mới có cây xoài to lớn, đơm hoa kết trái.

- Tâu Đại vương, con người tái sanh trở lại cũng như thế. Với cái thân này, người ta sống trên đời mà làm các việc thiện ác. Nghiệp thiện ác ấy tiếp nối nhau không ngừng, hình thành nên một hợp thể tinh thần và xác thân mới ở đời này và nhiều đời khác nữa. Cũng như do công phu đào lỗ, bỏ hột và vun bón mầm cây nên về sau mới có cây xoài sum suê cành lá với trái chín trĩu đầy. Làm việc thiện ác trong đời này tức như gieo hạt xuống đất và bón xới cây mầm. Đời sau không sao không thọ quả báo được ! O

- Xin Đại đức cho ví dụ khác.

- Tâu Đại vương, ví như có người gặt trộm lúa của kẻ khác. Bị bắt, anh ta cãi rằng lúa anh ta gặt hiện nay so với cây mạ của kẻ kia trồng mấy tháng về trước, không liên quan gì nhau. Như vậy đâu có được !

- Xin Đại đức cho ví dụ khác.

- Tâu Đại vương, ví như có người trời tối cầm đuốc lên lầu ăn cơm. Vô ý, y để tàn lửa bay ra cháy nóc nhà mình. Lửa lan sang nhà kế cận, cuối cùng thiêu rụi cả làng. Dân làng bắt tội y. Y cãi rằng: “Tôi không đốt làng. Tôi chỉ đốt đuốc ăn cơm mà thôi. Ngọn lửa đuốc của tôi đốt lên để ăn cơm khác với ngọn lửa của cơn hỏa hoạn thiêu đốt cả làng”, cãi nhau bất phân thắng bại, họ đưa nhau đến trước Đại vương, yêu cầu xét xử. Vậy Đại vương sẽ xử ai được ai thua ? O

- Bạch Đại đức, dân làng được, người đốt đuốc kia thua.

- Tâu Đại vương, vì sao vậy ?

- Bạch Đại đức, vì nguồn gốc tai họa chính do y gây. Do y đốt đuốc lên để ăn cơm mà không cẩn thận, thì mới có hỏa hoạn sanh ra. Lửa cháy cả làng bắt gốc từ ngọn đuốc của y.

- Tâu Đại vương, thân cũ, thân mới cũng lại như vậy. O

- Xin Đại đức cho ví dụ khác.

- Tâu Đại vương, ví như có người đàn ông nọ đã nạp đủ lễ để xin cưới một bé gái. Sau đó anh ta ra đi, rồi biệt tích luôn. Khi cô này đến tuổi trưởng thành, có một người đàn ông khác xin cưới và cũng nạp đủ lễ. Thình lình người đàn ông trước trở về, quở trách người đàn ông sau sao dám lấy vợ mình. Người sau cãi lại: “Tôi đâu có cưới vợ anh. Cô bé mà anh trả lễ xin cưới trước kia và thiếu nữ mà tôi trả lễ xin cưới ngày nay là khác nhau.” Không ai chịu ai, họ dẫn nhau đến xin Đại vương phân xử. Vậy Đại vương sẽ xử ai được kiện. O

- Bạch Đại đức, người đàn ông trước.

- Tâu Đại vương, vì sao vậy ?

- Bạch Đại đức, vì cô bé thuở trước và thiếu nữ ngày nay cũng là một. Thân thiếu nữ ngày nay là do thân cô bé thuở trước mà ra. Ai cưới trước, người ấy được.

- Tâu Đại vương, tinh thần và xác thân cũ với tinh thần và xác thân mới cũng như vậy đó. O

- Xin Đại đức, cho một ví dụ nữa.

- Tâu Đại vương, ví như có người đến chủ nuôi bò hỏi mua một bình sữa. Mua xong, người ấy gửi bình sữa lại, hẹn sau khi ra chợ về sẽ ghé lại lấy. Bị trắc trở công việc, vị ấy không về kịp. Hôm sau mới tới lấy sữa thì sữa đã ối. Anh ta cự nự đòi lấy sữa mới, viện lẽ rằng anh ta không mua sữa ối. Cãi vã nhau, không ai chịu ai, họ dắt nhau đến kiện với Đại vương. Vậy Đại vương sẽ xử ai được kiện. O

- Bạch Đại đức, chủ nuôi bò.

- Tâu Đại vương, vì sao vậy ?

- Bạch Đại đức, sữa trong bình chính là sữa người kia đã mua hôm trước. Vì để cách đêm nên nó mới trở nên ối. Chủ nuôi bò vô can.

- Tâu Đại vương, người tái sinh trở lại cũng như vậy đó. Nương nơi danh sắc, người ta sống ở đời mà làm các việc thiện ác. Nghiệp thiện ác ấy nối tiếp không ngừng, chiêu cảm một danh sắc mới sau khi chết để thọ quả khổ vui hết đời này sang đời khác. Nghiệp thiện ác chính là nguồn gốc của sự tái sanh vậy. Cho nên ai bảo rằng đời này làm ác, đời sau không tái sanh để đền trả là không thể được. O

***

4. CHUỖI THỜI GIAN

- Vua Di-lan-đà hỏi:

- Bạch Đại đức, thời gian là gì ?

- Tâu Đại vương, quá khứ, hiện tại và vị lai. Quá khứ dài vô cùng vô tận. Vị lai cũng dài vô cùng vô tận. Chỉ hiện tại là không dài.

- Bạch Đại đức, xét cho cùng, có thời gian hay không ?

- Tâu Đại vương, có khi có có khi không.

- Bạch Đại đức, khi nào thì có và khi nào thì không?

- Tâu Đại vương với những vị tu hành đắc đạo vào Niết-bàn thì không có thời gian. Với những kẻ chưa đắc đạo, còn vào ra trong sanh tử, thì còn có thời gian. Khi thời gian còn có thì nếu đời này thích làm việc bố thí và ăn ở hiếu thuận với cha mẹ, đời sau hẳn sẽ được hưởng phước báo. O

- Bạch Đại đức nguồn gốc của thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai là cái gì ?

- Tâu Đại vương, Vì ngu si mê muội nên có hành. Do có hành nên có thức. Do có thức nên có danh sắc. Do danh sắc nên có sáu giác quan. Một là biết của mắt, hai là biết của tai, ba là biết của mũi, bốn là biết của lưỡi, năm là biết của thân, sáu là biết của tâm. Cả sáu cái biết này đều hướng ngoại. Mắt hướng sắc, tai hướng thanh, mũi hướng hương, lưỡi hướng vị, thân hướng êm ái, tâm hướng đối tượng. Do có sáu giác quan nên có sự tiếp xúc. Do có tiếp xúc mà có cảm giác hạnh phúc và khổ đau. Do có cảm giác nên có tham ái. Do có tham ái nên có chấp thủ. Do có chấp thủ nên có sự hình thành cái nguyên nhân tái sanh. Do tái sanh nên có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Vì vậy mà con người chết đi sanh lại hết đời này sang đời khác, không bao giờ chấm dứt. Trong cái thời gian dài vô tận và không thể phanh ra đầu mối ấy, tìm trở lại cái bản thân trước kia của con người, quả là một việc bất khả đắc. O

- Bạch Đại đức, Đại đức vừa nói không thể phanh ra đầu mối của thời gian, vậy xin Đại đức cho ví dụ.

- Tâu Đại vương, như trong việc trồng lúa. Hột lúa gieo xuống đất, tự nó nẩy mầm, đâm rễ, lên cây, trổ lá đơm bông, ngâm sữa phơi mao, kết hột. Hột lúa mới gieo trở lại xuống đất, sanh ra những hạt lúa mới khác nữa. Nếu cứ gieo trồng như thế hết năm này sang năm khác, sự liên tục của hột lúa có bao giờ ngưng nghỉ được không ? O

- Bạch Đại đức, không.

- Tâu Đại vương, con người sanh ra qua thời gian cũng như vậy đó. Trước sau nối nhau tương sanh không dứt. Trong dòng sự sống tương tục ấy, tìm cho ra đầu mối của sanh tử là một việc bất khả đắc.

- Xin Đại đức cho ví dụ khác.

- Tâu Đại vương ví như gà đẻ trứng. Trứng gà ấp nở ra gà con. Gà con lớn lên, lại đẻ trứng mới, lại nở gà con. Từ trứng nở ra gà, từ gà đẻ ra trứng, cứ thế tiếp tục mãi không bao giờ ngừng. Con người sanh ra rồi lại chết đi, chết xong lại sanh trở lại, lộn lui lộn tới trong vòng sanh tử, cũng giống như thế. Không thể nói đâu là đầu mối và đâu là tận cùng. O

- Xin Đại vương cho ví dụ khác.

Đại đức Na-tiên cúi xuống vẽ một hình bánh xe dưới đất, rồi chỉ vào hình vẽ mà hỏi vua rằng:

- Trên cái vòng tròn này Đại vương có thấy đâu là cái điểm đầu không ?

- Bạch Đại đức, không.

- Tâu Đại vương cũng như thế đó. Trong vòng sanh tử không thể biết được đâu là bắt đầu, đâu là chấm dứt. Phật dạy rằng con người sanh tử tử sanh, lộn đi lộn lại, lộn tới lộn lui như bánh xe lăn chuyển không bao giờ ngừng nghỉ, bởi thế mà đau khổ kéo dài mãi chẳng bao giờ ngừng. Tạng luận giải thích sự kiện này như sau: O

Do con mắt và hình sắc tiếp giáp nhau nên thức liền thấy biết. Do sự tương tác giữa căn và trần ấy gọi là xúc. Bởi có xúc nên có cảm thọ khổ vui. Bởi cảm thọ khổ vui nên sanh ra ân ái. Bởi ân ái nên sanh ra tham đắm. Bởi tham đắm nên một nghiệp mới được hun đúc và hình thành dần dần: đó là hữu. Bởi hữu nên mới có sanh. Bởi có sanh nên có các việc làm thiện ác. Rồi do các việc làm thiện ác cho nên mới phải tái sanh trở lại để thọ báo. O

Cũng giống như thế, lỗ tai và âm thanh, mũi và hương, lưỡi và vị, thân và vật trơn nhám, ý và điều nhớ nghĩ. Và hễ có cảm thọ khổ vui thì có tác động dây chuyền đưa đến quả tái sanh. Tất cả đều tiếp nối tương sanh, trước sau tương tục, không bao giờ dừng nghỉ. Cho nên trong thời gian dài dằng dặc, tìm cho ra đầu mối của sanh tử là một việc bất khả đắc. O

5. NHÂN DUYÊN SANH

- Vua Di-lan-đà thưa: Bạch Đại đức, trên thế gian này có vật gì ngẫu nhiên sanh ra không?

- Tâu Đại vương, không có vật gì ngẫu nhiên sanh ra cả. Hết thảy đều phải có nhiều nhân duyên.

Nhân đó, Đại đức Na-tiên hỏi ngược lại nhà vua rằng:O

- Cung điện mà Đại vương đang ngự đây, phải chăng là do tự nhiên sanh ra hay do tay người kiến tạo ?

- Bạch Đại đức, do tay người kiến tạo. Cây thì đốn trong rừng về để làm kèocột, các thứ. Đất sét thì gánh ngoài đồng vào để xây tường. Nhân công cả đàn ông lẫn đàn bà xúm nhau kẻ cưa người đẽo, kẻ đắp người tô, ai lo tròn việc ấy mới kiến tạo xong tòa cung điện này.

- Thưa Đại vương, cũng như thế đó, con người cũng do yếu tố hòa hợp lại mà thành. Mọi vật không thể bỗng dưng mà sanh ra được. Hết thảy đều có nhiều nhân và duyên, chứ không tự nhiên mà có.O

Ví như thợ gốm làm đồ gốm. Trước hết là lấy đất sét về, hòa với nước mà nhồi cho nhuyễn. Nhồi xong cho lên khuôn mà vo rồi chất vào lò mà hầm. Có như thế mới tạo thành chén bát chậu bồn đủ cỡ. Chứ đâu phải tự nhiên mà sanh ra ! Chén bát chậu bồn ấy đều có nhân và có duyên: đó làđất sét, nước, công thợ, củi lửa v.v.. Trên thế gian này từ người cho đến vạn vậtkhông có cái gì do tự nhiên sanh ra.O

Đại đức Na-tiên diễn giải tiếp: Nếu muốn cưa cây lấy lửa không có hai thanh gỗ, lại cũng không có người cưa, chẳng có bùi nhùi, thì có tạo ra lửa được không ?

- Bạch Đại đức, không.

- Tâu Đại vương, ví như nếu có kính thủy tinh và có ánh sáng mặt trời đương nóng, lại thêm có người chịu khó ngồi cầm kính mà thâu sức nóng ấy cho chiếu xuống đống cỏ khô hay rơm khô thì có tạo ra được lửa không?

- Bạch Đại đức, được.

- Tâu Đại vương lại ví như không có gương, không có ánh sáng, không có người đứng soi thì có hình người lộ ra trong gương không.O

- Bạch Đại đức, không. Phải có gương, có ánh sáng, có người đứng soi thì mới có hình người lộ ra trong gương.

- Tâu Đại vương, con người và vạn vật ở trong thế gian cũng như thế đó. Không một vật hay sự kiện hiện tượng nào bỗng dưng sanh ra. Hết thảy đều phải có nhân duyên. Các nhân duyên ấy kết hợp lại với nhau tạo thành sự sự vật vật ngàn sai muôn khác. Tóm lại, thế gian này thuộc về nhân duyên sanh vậy. Không thể nào có tự nhiên sanh.O

6. NGUYÊN NHÂN SAI BIỆT

- Vua Di-lan-đà hỏi: Bạch Đại đức, người ta sanh ra trên đời, ai cũng có thân thể với đầu, trán, râu, tóc, da, mặt, tai mũi, lưỡi v.v.. như nhau, ai cũng có tứ chi gồm hai tay, hai chân không khác nhau. Nhưng vì cớ gì mà có kẻ chết yểu, người sống lâu; kẻ hay ốm đau, người thường mạnh khỏe; kẻ giàu người nghèo; kẻ ngu dốt người thông minh; kẻ xấu hình người tốt tướng; kẻ nói cuội nói trăng, người thật thà như đếm, vân vân và vân vân. Tại sao vậy ?

- Tâu Đại vương, chẳng có gì là lạ. Kìa xem như trái cây trong vườn. Cũng từ cây lá xanh ra, nhưng có cây trái ăn ngon, có cây trái ăn dở. Trong số đó, lại có thứ đắng, thứ ngọt, thứ chua, thứ cay, thứ chát, thứ bùi v.v.. cũng đồng thời là trái cây, tại sao chúng chẳng giống nhau ?O

- Bạch Đại đức, do hột giống không đồng.

- Tâu Đại vương, con người cũng thế. Bởi tâm ý và nghiệp duyên mỗi người mỗi khác cho nên căn cơ không đồng, địa vị không đồng, và hưởng thụ cũng không đồng. Do đó mới có kẻ xấu người đẹp, kẻ sang người hèn, kẻ ngu dốt người thông minh v.v.. Theo lời Phật dạy thì chỉ vì các hành vi tạo tác lành dữ đã thực hiện trong quá khứ và hiện tại có sai khác mà mỗi người tự có báo ứng riêng. Trước kia làm lành thì nay được phước; trước kia làm ác thì nay gặp tai họa. Nhân nào sanh quả nấy; quả nào theo nhân nấy, mảy mún không sai.O

7. THÂN MẤT VIỆC LÀM CÒN

- Bạch Đại đức, có thần hồn để nhớ không ?

- Tâu Đại vương, không.

- Bạch Đại đức, thế thì trong con người cái gì ghi lại các việc làm đã qua ?

Đại đức Na-tiên hỏi trở ngược lại nhà vua rằng:

- Ví như có người hái trộm xoài của kẻ khác thì phải chịu tội. Khi mới trồng cây xoài mầm đâu đã có trái? Đây chỉ hái trái, đâu có trộm cây xoài mầm mà cũng chịu tội?O

- Bạch Đại đức, nhưng nếu không trồng cây xoài mầm thì lấy đâu ra xoài trái để người kia hái trộm ?

- Tâu Đại vương, con người cũng giống như thế. Với cái thân hiện tại, người ta làm các việc lành dữ. Các việc lành dữ này không có tướng trạng gì hết, nhưng trong khoảng “minh minh chi trung” ấy, đương tựu thành một thân mới để đời sau tái sanh mà thọ quả báo. O

- Bạch Đại đức, theo trẫm nghĩ, không phải con người đời sau chịu quả báo mà là nó dựa vào thân mới ấy để tiếp tục làm điều thiện, điều ác khác.

- Tâu Đại vương, thế thì những việc lành dữ của nó trước kia đi đâu ?

- Bạch Đại đức, chúng đã tiêu mất với thân cũ rồi.

- Tâu Đại vương, như vậy, xoài mầm của Đại vương đâu có kết trái? Làm sao
kết tội người hái trộm xoài trái được ?O

- Thế theo Đại đức, những việc lành dữ trước kia đi đâu ?

- Tâu Đại vương, chúng không đi đâu hết. Chúng theo sát gót kẻ đã tạo tác ra chúng như bóng theo hình. Người chết chỉ mất cái thân, không bao giờ đánh rơi những việc đã làm. Ví như đêm tối đốt đèn viết sách, khi viết sách xong và đèn đã tắt, nhưng chữ viết vẫn tồn tại trên trang giấy. Vì vậy cho nên, những việc thiện ác đã làm trong đời này, đời sau đương nhiên phải tựu thành kết quả, và kết quả ấy cũng chính tác giả phải tự thọ lãnh lấy.O

8. KHOẢNH KHẮC TÁI SANH

- VuaDi-lan-đà hỏi:

- Bạch Đại đức, giả sử có hai người cùng chết ở đây, một người sanh lên cõi trời Phạm Thiên, một người đi đầu thai tại bang Kế-tân cách đây mười hai do tuần, thế thì ai là kẻ đến trước ?

- Tâu Đại vương, cùng đến một lượt.O

- Bạch Đại đức, đường đi xa gần không đồng nhau, vì sao lại cùng đến một lượt?

- Đại vương thử nhớ nghĩ đến xứ A-lệ-tàn đi. Rồi sau đó, Đại vương liên tưởng đến xứ Kế-tân đi.

- Bạch Đại đức, trẫm đã lần lượt nghĩ đến hai nơi ấy rồi.

- Tâu Đại vương, Đại vương nhớ nghĩ đến xứ nào mau hơn ?O

- Bạch Đại đức, hai bên mau như nhau.

- Tâu Đại vương, cũng như thế đó, người sanh lên cõi trời Phạm Thiên và người đi đầu thai ở nước Kế-tân, sẽ diễn ra cùng một lượt, nếu cả hai qua đời cùng thời điểm. Thưa Đại vương, nếu có một cặp chim cùng bay, nhưng một con đến đậu trên một gốc đại thọ, và một con đến đậu trên một cành cây con, cả hai con cùng đậu, bóng con nào in xuống mặt đất trước ?

- Bạch Đại đức, cùng một lượt.

- Tâu Đại vương, người chết sanh lên cõi trời Phạm Thiên và người chết đầu thai ở nước Kế-tân cũng như thế đó.O

9- NGUYÊN NHÂN LUÂN HỒIVÀ PHƯƠNG PHÁP GIẢI THOÁT

- Vua Di-lan-đà hỏi:

- Bạch Đại đức, có ai chết rồi mà không sanh trở lại không ?

- Tâu Đại vương, có kẻ sanh trở lại và cũng có kẻ không sanh trở lại.

- Bạch Đại đức, những ai sanh trở lại và những ai không sanh trở lại ?

- Tâu Đại vương, ai còn nặng nợ tham dục ái ân, kẻ đó còn sanh lại đời này. Ai đã thoát khỏi vòng tham dục ái ân, người đó không còn sanh trở lại nữa.O

- Bạch Đại đức, kẻ nào hết lòng quán tưởng chánh pháp có thoát khỏi luân hồi không ?

- Tâu Đại vương, hết lòng quán tưởng chánh pháp nhưng lại còn phải đạt được trí tuệ và các điều kiện khác nữa thì mới thoát khỏi luân hồi.

- Bạch Đại đức, nhất tâm và trí tuệ có đồng nghĩa nhau không ?

- Tâu Đại vương, không.O

- Bạch Đại đức, gia súc như bò, ngựa, chó, mèo v.v.. có trí tuệ không ?

- Tâu Đại vương, chúng có nhất tâm nhưng không có trí tuệ.

- Bạch Đại đức, nhất tâm và trí tuệ khác nghĩa nhau như thế nào ?

- Tâu Đại vương, nhất tâm là định. Có định mới có hiểu biết. Trí tuệ có công năng cắt đứt. nhờ trí tuệ mà cắt đứt được phiền não mê lầm và chấm dứt luân hồi sanh tử.

- Xin Đại đức ví dụ cho trẫm dễ hiểu.

- Tâu Đại vương, Đại vương từng thấy thợ gặt lúa chứ? Tay trái họ gom bụi lúa lại, trong khi đó thì tay mặt họ cầm lưỡi hái mà cắt. Cũng giống như thế, nhà tu hành dùng nhất tâm gom tư tưởng lại và dùng lưỡi hái trí tuệ cắt đứt phiền não ái dục. Phiền não ái dục đã cắt đứt thì vĩnh viễn không còn tái sanh, luân hồi chấm dứt.

- Hay thay ! Hay thay ! Ví dụ của Đại đức rõ lắm.O

10. TỰ BIẾT KHÔNG TÁI SINH

- VuaDi-lan-đà hỏi: Bạch Đại đức, người không còn tái sinh nữa có thể tự mình xác tri được việc đó không ?

- Tâu Đại vương, có thể được.

- Bạch Đại đức, bằng cách nào ?

- Tâu Đại vương, ai tự biết mình không còn ân ái, không còn tham dục, không có tham tâm làm điều dữ, người đó tự biết chắc không còn tái sanh trên cõi đời này nữa.O

Xin Đại đức cho ví dụ.

- Tâu Đại vương, ví như người làm ruộng đầu mùa lo cày bừa, gieo giống, cấy mạ thì đến cuối mùa thu hoạch nhiều lúa cất chứa trong vựa. Qua năm sau nếu người ấy không còn cày bừa, gieo giống và cấy mạ nữa mà chỉ tiêu dùng số lúa còn dự trữ của năm trước, như vậy người ấy có thể tự biết rằng mình không gặt lúa nữa không ?O

- Bạch Đại đức, biết chứ.

- Tâu Đại vương, bằng cách nào ?

- Bạch Đại đức, không cày, không gieo, không cấy, tức nhiên không có lúa mà gặt.

- Tâu Đại vương, bậc tu hành đắc đạo cũng giống như thế. Quên ân ái, xả khổ vui, không tham dục, tức như không cày, không gieo, không cấy. Đương nhiên là sẽ không gặt quả tái sanh. Vì vậy bậc đắc đạo biết chắc rằng đời sau mình không còn tái sanh trên thế gian này nữa.O

11. NIẾT-BÀN

- Vua Di-lan-đà hỏi:

- Bạch Đại đức, phải chăng Niết-bàn là tịch diệt, là ngưng nghỉ vĩnh viễn ?

- Thưa phải.

- Xin giải thích cho trẫm hiểu.

- Kẻ mê muội từ trong tâm ra đến ngoài thân, mãi mê chạy theo ham muốn của giác quan, trôi dạt trong sự ham muốn ái ân, hụp lặn trong sự ham muốn ái ân. Kẻ kia không có cách gì thoát khỏi khổ đau của sanh già bệnh chết. Bậc trí giả nhờ có tu hành nên từ trong tâm cho đến ngoài thân, không say đắm một cái gì hết. Không ham muốn, cũng chẳng vui thích. Không trìu mến ái ân, cũng chẳng chạy theo khoái lạc của giác quan. Không ái ân thì không tham dục. Không tham dục thì không có đầu thai. Không có đầu thai thì không có sự tái sanh. Không tái sanh thì không già, không bệnh, không chết. Không sanh già bệnh chết thì ngoài không sầu lụy hiện ra, trong không bi thống nung nấu. Cho nên nói Niết-bàn tịch diệt, trong đó khổ đau ngưng nghỉ vĩnh viễn và hoàn toàn.O

- Như vậy, bạch Đại đức phải chăng các nhà tu hành đều chứng đắc Niết-bàn hết ?

- Thưa, chưa chắc. Ai nhất tâm hướng thiện, đi trên con đường đức hạnh, thực hành những điều chánh chân, luyện tập những gì đáng luyện tập, gạt ra ngoài những gì đáng xả ly, nhớ nghĩ những gì đáng nhớ nghĩ, dứt bỏ những gì không đáng gắng ghi, người nào làm được như thế mới có thể chứng đắc Niết-bàn.

- Bạch Đại đức, người chưa chứng đắc Niết-bàn có biết rằng Niết-bàn là cảnh giới sung sướng không ?

- Tâu Đại vương, biết.O

- Bạch Đại đức, chưa chứng đắc Niết-bàn làm sao biết Niết-bàn là sướng ?

- Tâu Đại vương, những người chưa từng bị chặt tay chân có biết rằng bị chặt tay chân là khổ không ?

- Bạch Đại đức, biết.

- Tâu Đại vương, chưa bị chặt tay chân làm sao biết được là khổ.

- Bạch Đại đức, nghe tiếng kêu la than khóc của những người bị chặt tay chân thì biết rằng bị chặt chân tay khổ lắm.

- Tâu Đại vương, cũng gống như thế, tuy chưa chứng đắc Niết-bàn, nhưng nghe các nhà chân tu đắc đạo nói lại và thấy phong thái an lạc và giải thoát của họ thì biết rằng Niết-bàn sướng lắm.O

LỜI CUỐI CÙNG

Đến đây, Đại đức Na-tiên tâu với vua rằng: Tâu Đại vương bây giờ đã nửa đêm rồi. Bần tăng muốn trở về chùa.O

Vua Di-lan-đà liền truyền thị vệ lấy vải và dạ quấn lại, bên trong tẩm đầy dầu, đốt lên làm đuốc để tiễn đưa Đại đức Na-tiên ra về. Nhà vua phán:O

- Các ngươi phục vụ trẫm như thế nào thì cũng phục vụ Đại đức giống như thế ấy.

Nói xong, ông quay lại bạch Đại đức Na-tiênrằng:

- Có thầy như Đại đức và có đệ tử như trẫm thì hẳn là người đời mau thông hiểu đạo lý lắm !O

Tất cả các câu hỏi của nhà vua đều được Đại đức Na-tiên ứng đáp rành rẽ và mau lẹ, cho nên ông hết sức hài lòng. Ông liền truyền mở kho lấy ra một cây gấm đáng giá mười vạn đồng dâng cúng Đại đức Na-tiên và bạch rằng:

- Bạch Đại đức, từ nay về sau, trẫm nguyện cúng dường tám trăm Đại đức Sa-môn ngay tại cung điện này. Chư Đại đức cần dùng những gì thì xin cứ tùy thích. Của trong kho có sẵn.

- Tâu Đại vương, xin đa tạ. Bần tăng và huynh đệ là những kẻ tu hành, không ham muốn gì hết.O

- Bạch Đại đức, trẫm vẫn biết như vậy. Nhưng Đại đức nên tự bảo vệ và đồng thời bảo vệ luôn cho trẫm nữa.

- Tâu Đại vương, vì sao vậy ?

Bạch Đại đức, vì nếu Đại đức từ khước thì e dư luận sẽ cho rằng, một là: trẫm là người keo lẫn, được Đại đức dạy bảo và tháo gỡ hết mọi hoài nghi thắc mắc mà không chịu đền ơn. Hai là Đại đức không đủ sức giải thích các thắc mắc của trẫm cho nên trẫm không ban thưởng gì hết. Ngược lại nếu Đại đức không từ khước thì điều đó khiến trẫm được phước mà chính Đại đức cũng vẹn toàn tiếng thơm.

- Xin vâng lãnh ý Đại vương.O

Nhà vua bùi ngùi tâm sự rằng:

- Trẫm ngày nay như con sư tử bị nhốt trong lồng vàng thường nghễnh cổ ra ngoài mơ ước một cuộc đời phóng khoáng. Thân tuy làm quốc vương nhưng lòng chẳng bao giờ được thơ thới. Lắm lúc, trẫm muốn từ bỏ ngôi vua để xuất gia cầu đạo mà không được.O

Sau câu nói tâm tình của nhà vua, Đại đức Na-tiên đứng dậy cáo từ và trở về chùa. Ngài đi rồi, nhà vua nằm thao thức ôn lại và tự hỏi: “Ta đã hỏi Na-tiên những gì? Ngài đã đáp ta những gì ?” Ông thầm xét rằng: “Những gì ta hỏi, Đại đức Na-tiên đều đã giải đáp thỏa đáng. Ta đã hỏi hết rồi. Ngài cũng đã đáp hết rồi.”Ông thao thức như thế cho đến lúc trời sáng.

Sáng sớm hôm ấy, Đại đức Na-tiên lại choàng cà-sa, ôm bình bát, trở lại cung vua, ngồi nơi chỗ đã dành sẵn cho Ngài hôm trước. Vua Di-lan-đà đảnh lễ rồi ngồi xuống bên cạnh và bạch rằng:O

- Bạch Đại đức, chắc Đại đức không ngờ trọn đêm trẫm không ngủ được vì lòng hếtsức hân hoan được nghe những lời dạy bảo của Đại đức. Tất cả các mối nghi ngờ của trẫm đều đã được giải tỏa.

- Tâu Đại vương, chắc Đại vương cũng không ngờ rằng trọn đêm qua bần tăng cũng chẳng ngủ được vì lòng hết sức hân hoan đã giải đáp cặn kẽ hết các nghi vấn của Đại vương.

Sau khi chúc tụng nhau, Đại đức Na-tiên cáo biệt. Vua Di-lan-đà đứng dậy hành lễ và tiễn chân Ngài ra khỏi cung. O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO


--- o0o ---
Chân thành cảm ơn Thầy Nhật Từ đã gởi tặng bản Kinh điện tử này
( Quang Duc Website 04/2002)
--- o0o ---
Trình bày : Nguyên Hân- Nguyên Phúc

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/04/2011(Xem: 4733)
Xá Lợi là chân thân của Đức Phật, sau khi Đức Phật nhật Niết Bàn, kim thân của Ngài được trà tỳ (hỏa táng) do nhân duyên và nguyện lực đại từ bi của Đức Phật...
16/04/2011(Xem: 5956)
Tắm Phật còn là một cách nhắc nhở chúng ta tịnh hóa thân tâm, gột rửa dần tham lam, sân hận và si mê, nhờ vậy mà chúng ta có thể đạt được chân hạnh phúc trong cuộc sống.
14/04/2011(Xem: 4395)
Khi những hạt mưa đầu mùa bắt đầu tí tách, con ve gọi hè bổng náo nức râm rang, những giọt xuân cuối cùng sắp sang, nhường chổ cho hạ về ngập trànnắng sáng, cũng là lúc người con Phật ở khắp nơi trên thế giới, lại mộtlần nữa cung kính chào mừng ngày đại lễ Đức Phật Đản Sanh.
02/04/2011(Xem: 6032)
Kim ô tợ tiễn, ngọc thố như thoa, tưởng cốt nhục dĩ phân ly, đỗ anh hồn nhi hà tại. HT Thích Bích Liên
28/02/2011(Xem: 6767)
Những Bài Tán Trạo Theo Nghi Thức Phật Giáo Miền Trung
28/02/2011(Xem: 10665)
Các Bài Tán Xấp theo Nghi Lễ Phật Giáo Miền Trung
25/02/2011(Xem: 5429)
Những Bài Tán Rơi Theo Nghi Thức Phật Giáo Miền Trung
17/02/2011(Xem: 5344)
NGHI THỨC LỄ THÀNH HÔN
15/02/2011(Xem: 3740)
Nghi lễ là cái được sáng tạo sau khi đức Phật nhập diệt, mà một trong những mục tiêu là thể hiện sự kính ngưỡng đối với Đức Phật và giáo pháp của Ngài, thông qua những hình thức cụ thể.
15/02/2011(Xem: 4468)
Xin hỏi, tôi có đọc 1 trang báo về đạo Phật của 1 ngôi chùa nói rằng việc cúng sao là Phong tục lâu đời của Việt Nam Việc cúng sao giải hạn có Khoa nghi cúng sao giải hạn (bản phiên âm Hán Việt), Sớ cúng sao giải hạn (bản tiếng Việt) của truyền thống Phật giáo miền Bắc do chư Tổ Sư biên soạn và tất nhiên bên dưới là chú của Phật như Biến thực chân ngôn, Cam lộ thuỷ chân ngôn & Phả cúng dàng chân ngôn vv…
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]