Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ý nghĩa và hướng dẫn thực hành Pháp tu trì Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và Pháp tu Nyungnay

18/04/201308:22(Xem: 7199)
Ý nghĩa và hướng dẫn thực hành Pháp tu trì Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và Pháp tu Nyungnay

thienthuthienhan-drukpa-01Thứ ba ngày 9/4 (tức 29/2 Â.L), Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa quang lâm, cầu nguyện quốc thái dân an và ban đại lễ gia trì quán đỉnh cộng đồng Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, truyền pháp thực hành Nyungnay tại chùa Hoàng Long xã An Đạo, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

Để giúp đỡ quý vị Phật tử có được sự chuẩn bị và tri kiến cần thiết khi tham dự Pháp hội, Drukpa Việt Nam xin giới thiệu toát yếu các khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa về phương pháp thực hành các pháp tu trì này.

I. Pháp tu Bản tôn Phật Quan Âm

1. Lợi ích của Pháp tu Bản tôn Quan Âm

Lòng từ bi là sự quan tâm bình đẳng đến những người khác cho dù họ có là người xa lạ hay thậm chí đang làm tổn hại bạn. Trưởng dưỡng lòng từ bi từ tận đáy lòng là thiện hạnh rất quan trọng của loài người bởi lòng từ bi có công năng cứu rỗi thế giới. Nếu không có lòng từ bi tỏa khắp, thế giới sẽ trở nên tồi tệ gấp hàng triệu lần so với bây giờ, sẽ đắm chìm trong chiến tranh chết chóc, nạn đói, bệnh tật, thiên tai và các loại thảm họa dẫn dắt bởi nghiệp xấu cộng dồn từ khắp các chúng sinh. Tuy vậy, để phát triển lòng từ bi thì sự cầu nguyện không đủ, sự hiểu biết thông minh hay kiến thức uyên bác về triết học cũng không đủ mà chúng ta cần thực hành thiền định, và đặc biệt, điều quan trọng nhất là cần có sự hướng đạo từ một bậc Căn bản thượng sư giác ngộ để đón nhận quán đỉnh gia trì đặc biệt của Bản Tôn Phật Quan Âm.

Đức Phật Quan Âm là hiện thân từ bi của tất cả chư Phật. Pháp thực hành Bản tôn Quan Âm có mục đích chính là phát triển lòng từ bi trong tâm mỗi người và tất cả chúng sinh. Tình thương yêu và trí tuệ hiểu biết của Đức Quán Âm đã kết hợp hài hòa trọn vẹn, phát triển viên mãn. Bởi vậy Ngài đã thể hiện muôn ngàn hình tướng: Đức Quan Âm Nghìn Tay Nghìn Mắt, Đức Quan Âm Tứ Thủ, Đức Quan Âm Hai Tay hay là hiện thân của các Đức Tara. Tất cả hiện thân của các Ngài để tùy theo sự mong cầu của chúng sinh. Bắt nguồn từ trí tuệ và tình thương yêu, các Ngài hiện thân vô số để có thể cứu độ, cứu giúp, nâng đỡ cho tất cả chúng sinh, đem hạnh phúc đến cho tất cả mọi người. Đó là ý nghĩa chân thật của Đức Phật Quan Âm.

Phương pháp thực hành về Đức Phật Quán Âm chính là phương pháp để bảo vệ, hộ trì và viên mãn mọi ước nguyện của chúng ta. Chúng ta thực hành pháp tu tập của Đức Phật Quán Âm để phát triển Bồ đề tâm, quán chiếu để nhận ra tất cả chúng sinh trong sáu đạo luân hồi đang trôi lăn trong đau khổ không phải là ai xa lạ mà chính là cha mẹ của chúng ta, người thân của chúng ta từ nhiều đời nhiều kiếp. Chúng ta sẽ thấy được trách nhiệm của mình đối với những gì cha mẹ, người thân của chúng ta mong muốn. Họ mong cầu hạnh phúc, sợ hãi khổ đau. Bởi vậy chúng ta nhận ra được cha mẹ của chúng ta, người thân của chúng ta, chúng ta sẽ thực hành Bồ đề tâm, hết lòng đem thiện hạnh để có thể chia sẻ hạnh phúc đến cho tất cả chúng sinh.

Khi Bồ đề tâm chân thật đã thực sự phát triển trong lòng chúng ta thì năng lực của Bồ đề tâm sẽ có thể bảo vệ cho chúng ta thoát khỏi mọi khó khăn, thoát khỏi mọi nguy hiểm và trên thế gian này không có một sức mạnh nào có thể làm tổn hại chúng ta được nữa. Ví dụ như thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – Khi Ngài còn tại thế, Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) là anh họ của Đức Phật thường tật đố ghen tị với Ngài và tìm mọi cách để hại Ngài. Có một lần, Đề Bà Đạt Đa xui thái tử A Xà Thế chuốc cho một con voi uống rượu say rồi thả voi ra để làm hại Đức Phật. Khi con voi xông tới, tất cả chúng Tăng đều sợ hãi dạt sang hai bên, duy chỉ có Đức Phật với lòng từ bi, với tình thương yêu chân thật, Đức Phật hướng về con voi say, và đột nhiên con voi đang hung dữ như nhận được năng lực và từ trường tình yêu thương của Đức Phật Thích Ca gửi đến, nó đã phủ phục và quy y với Ngài. Câu chuyện để chứng minh rằng, với năng lực mạnh mẽ của Bồ đề tâm, với sức mạnh của tình thương yêu vô điều kiện có thể bảo hộ thoát khỏi tất cả những tai nạn. Cũng như sức mạnh năng lực của Bồ đề tâm vẫn có thể chuyển hóa được tâm giận dữ, si mê của con voi say hoang dại.

Trong Kinh điển Đại Thừa, Đức Phật Thích Ca đã dạy rằng: “Dù trong một khoảnh khắc, dù trong một giây phút, nếu có người phát Bồ đề tâm với mong nguyện tu tập giác ngộ để cứu độ cho hết thảy chúng sinh thì công đức của người phát Bồ đề tâm ấy lớn khắp, rộng khắp hư không cũng không thể chứa hết”. Như vậy, năng lực và sức mạnh của Bồ đề tâm có thể giúp cho chúng ta tích lũy vô lượng công đức.

Trong Kim Cương Thừa, phương pháp tu tập để phát triển Bồ đề tâm, phương pháp tu gần gũi và căn bản, chính là pháp tu về Đức Phật Quán Thế Âm. Bằng cách chúng ta tu tập quán tưởng Đức Phật Quán Thế Âm, sự hiện thân của Ngài chính là hiện thân của sự hợp nhất giữa trí tuệ và từ bi, tình thương yêu, lòng bi mẫn, sự hợp nhất hoàn toàn. Bởi vậy, nhờ tâm chúng ta quán tưởng Ngài sẽ được thăng hoa tới mức độ thanh tịnh và miệng chúng ta trì chân ngôn của Ngài dần dần Bồ đề tâm trong chúng ta sẽ được phát triển viên mãn. Thông qua phương pháp tu tập phát triển Bồ đề tâm, phương pháp tu tập phát triển về Đức Phật Quan Âm, trì tụng chân ngôn và quán tưởng hình ảnh của Ngài sẽ giúp cho chúng ta phát triển được tình thương yêu, sự hiểu biết và những hành động thiện hạnh để có thể lợi ích hết thảy mọi loài.

2. Ý nghĩa hình ảnh Bản tôn

Đức Quan Thế Âm Tự Tại vì lòng từ bi phát khởi bi nguyện muốn cứu độ chúng sinh thoát khỏi vô minh mê vọng, không phải chịu khổ trong ba đường ác. Đức Phật Di Đà phóng quang gia trì khiến đức Quan Âm hóa hiện mười một đầu, đầu trên cùng là Đức Phật Di Đà và pháp tướng Ngài có nghìn mắt nghìn tay để có thêm phương tiện tức tốc cứu độ chúng sinh. Thân Ngài sắc trắng, 11 đầu, có một đầu hiện tướng phẫn nộ.

thienthuthienhan-drukpa-02

Ý nghĩa chi tiết của hình ảnh Thangka Phật Bản tôn Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn như sau:

Đức Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn đứng trên tòa sen trong tư thế chữ nhất, nêu biểu sự hợp nhất của lòng từ bi và trí tuệ.

Phần hạ y của đức Quan Âm tượng trưng cho bản tính Phật còn ẩn tàng trong mỗi chúng sinh. Các trang sức, tua lụa tượng trưng cho các công hạnh giác ngộ của ngài, rất uyển chuyển linh hoạt trong các cõi. Phần đầu của tua lụa luôn hướng lên, thể hiện chiến thắng trước tham sân si. Nửa thân dưới có các trang sức và xiêm y nêu biểu cho việc đem tất cả năng lượng ái dục vào con đường tu tập giác ngộ bởi vì tất cả những NL tiêu cực ko bị chối bỏ mà chuyển hóa thành đại từ đại bi và trí tuệ và những công hạnh độ chúng sinh tự lợi lợi tha.

Nửa thân trên của đức Quan Âm tượng trưng cho tâm Phật đã đựoc chứng ngộ hoàn toàn, không bị che đậy bởi vô minh tăm tối. Các trang sức nêu biểu cho các công hạnh ba la mật.

Đức Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn có ba lớp tay: trong cùng là 8 tay tượng trưng cho Pháp thân, lớp ở giữa có 42 tay tượng trưng cho Báo thân, lớp tay ngoài cùng tượng trưng cho Hóa thân. Các tay của đức Quan Âm tượng trưng cho phương tiện, trên mỗi bàn tay có một con mắt tượng trưng cho trí tuệ. Con mắt trong lòng bàn tay hàm ý sự hợp nhất của phương tiện và trí tuệ Phật. Tám cánh tay ở lớp trong cùng tượng trưng hoa sen tám cánh, đồng thời tương ứng với tứ trí (Đại Viên Cảnh trí, Diệu Quan sát trí, Bình đẳng tính trí, Thành sở tác trí) và tứ đức (từ, bi, hỷ, xả).

Hai cánh tay trong cùng của đức Quan Âm đang ôm ngọc Mani. Ngọc Mani là biểu tượng của sự viên mãn tâm nguyện thế gian và xuất thế gian. Ở ý nghĩa sâu sắc hơn đó là sự giàu có tâm bồ đề. Hình ảnh bàn tay ôm ngọc mani chính là biểu tượng của sự hợp nhất giữa lòng từ bi vô lượng và trí tuệ siêu việt của đức Phật.

Các cánh tay còn lại:

- cánh tay cầm chuỗi tràng thủy tinh là biểu tượng của lòng từ bi, sự thanh tịnh và việc lần chuỗi tràng chính là sự cứu độ liên tục không ngừng nghỉ của ngài

- cánh tay cầm pháp luân nêu biểu việc ngài mang giáo pháp của Phật ban trải và cứu độ khắp nơi – chuyển bánh xe pháp vô ngại của đức Quan Âm (là tượng trưng cho các lần chuyển bánh xe Pháp của đức Phật vì lợi lạc của hết thảy chúng sinh)

- cánh tay chỉ xuống là biểu tượng cho vô úy thí: ngài ban gia trì cho chúng sinh vượt qua sự sợ hãi, vượt qua mọi khổ đau phiền não, bởi vì chúng sinh từ lúc sinh ra đã bị ám ảnh bởi rất nhiều nỗi sợ hãi (nỗi sợ hãi bao trùm, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết đi: sợ đói, nghèo, bất hạnh, không danh vọng...), chính vì thế đức Quan Âm hiện cánh tay thí vô úy để cứu khổ ban cho chúng sinh những viên mãn tâm nguyện thế gian.

- cánh tay cầm hoa sen: tượng trưng cho Bồ đề tâm thanh tịnh, phẩm hạnh giác ngộ của chư Phật, cũng như hoa sen mọc từ bùn mà ko nhiễm nhơ, tiêu biểu cho bản nguyện của ngài vào đời cứu khổ chúng sinh mà ko bị chi phối.

- cánh tay cầm cung tên: xạ thủ giương cung mắt - giương cung - đích trên cùng 1 đường) tượng trưng cho sự rõ ràng, hợp nhất của căn, đạo quả (mục đích, con đường tu tập, và thành tựu). Bàn tay của đức Quan Âm cầm cung tên tượng trưng cho sự nhất tâm điều phục tất cả mọi vọng tưởng, giải thoát khỏi luân hồi, đánh bại 4 ma (tử ma, ngũ ấm ma, phiền não ma, thiên ma).

- cánh tay cầm bình cam lồ: tượng trưng cho năng lượng pháp vị cam lồ, tượng trưng sự gia trì của chư Phật để diệt trừ tất cả phiền não đau khổ tham sân si của chúng sinh.

42 tay ở giữa nêu biểu báo thân Phật, nêu biểu 42 thánh vị tu chứng (thập trụ, thập hạnh, thập địa, thập hồi hướng, đẳng giác và diệu giác) để cứu độ 25 cõi chúng sinh trải qua 42 thánh vị để thành tựu giác ngộ.

Lớp tay ngoài cùng tượng trưng cho Hóa thân phật đi tất cả các nẻo trong luân hồi để cứu độ chúng sinh. Mắt (trí tuệ) trong lòng bàn tay (phương tiện).

Phần đầu của đức Quan Âm (tiêu biểu cho 11 quả vị giác ngộ): gồm 5 tầng tượng trưng cho ngũ trí Phật; đầu trên cùng là biểu tượng của Pháp thân (đức Phật Di đà) nêu biểu cho chính đẳng chính giác, tiếp đến là Báo thân (đức Kim Cương thủ trong hiện tướng phẫn nộ chính là Bất không thành tựu Phật ở phương nam), 3 tầng dưới (9 đầu còn lại) là biểu tượng của Hóa thân.

Ba khuôn mặt ở giữa nêu biểu cho Đại viên cảnh trí là Đức A súc bệ ở phương Đông, 3 mặt này hiện tướng từ bi vì thấy chúng sinh làm thiện mà ngài sinh tâm an lạc, đại từ đại bi. Ba mặt bên trái nêu biểu sự hàng phục ngã ái – bình đẳng tính trí của đức Bảo sinh Phật ở phương nam. Ba mặt này vì thấy chúng sinh làm ác mà khởi tâm phẫn nộ, hàng phục chuyển hóa những chúng sinh cương cường khó độ. Ba khuôn mặt bên phải nêu biểu năng lực thuyết pháp của Diệu quan sát trí của phật A di Dà ở phương Tây.

Đức Quan Âm thiên thủ thiên nhãn mang trên mình các sức trang hoàng, tương ứng với Ngũ bộ Phật và Ngũ Trí.

- Khuyên tai tương ứng với Đức Phật Di đà Diệu quan sát trí

- Vòng cổ tương ứng với đức Phật Bảo sinh, tiêu biểu cho Bình đẳng tính trí

- Các vòng tay tương ứng với Phật Tỳ lư giá na, tiêu biểu Pháp giới thể tính trí

- Đai lưng Phật tương ứng với Phật Bất không thành tựu, tiêu biểu Thành sở tác trí

- Mũ (vương miện) tương ứng Phật A súc bệ, tiêu biểu Đại viên cảnh trí

Ba lọn tóc của đức Quan Âm nêu biểu năng lực bi, trí, dũng đồng thời tượng trưng cho tam bình đẳng (Phật, chúng sinh và tâm đều bình đẳng không sai khác).

Đức Quan Âm khoác tấm da nai, tượng trưng cho bi nguyện đồng sự của ngài. Ngài đi vào lục đạo luân hồi, đồng cam cộng khổ với chúng sinh.

Tứ phía của bức Thangka tượng trưng tứ phía với các Bản tôn:

- Phương Nam: Bản tôn Văn thù tiêu biểu cho Bảo sinh Phật – Bình đẳng tính trí

- Phương Tây: bản tôn Bạch độ Mẫu và đức Phật A Di đà – Diệu quan sát trí

- Phương Bắc: bản tôn Lục độ Mẫu – Bất không thành tựu – Thành sở tác trí

- Phương Đông: bản tôn Kim Cương thủ – A súc bệ Phật - Đại viên cảnh trí

Đức Di đà ở giữa là Pháp thân là thể của đức Quan Âm và về phần sự ngài là căn bản thương sư của đức Quan Âm. Về phần lý Đức Di đà là trí tuệ của pháp thân, Đức Quan Âm là phương tiện của lòng từ bi. Tuy đức Quan Âm nhập thế cứu độ chúng sinh hoạt động cứu độ chúng sinh trong khắp nẻo luân hồi nhưng vẫn an trụ trong đại định của đức A di đà.

Ngoài ra trong bức Thangka còn có các loài hoa tượng trưng cho các công hạnh của Phật, muôn thú vạn loài hữu tình đều hoan hỷ quy y Phật.

Phía dưới bức Thangka là ngọc Mani, tượng trưng cho sự giàu có của tâm Bồ đề (phần lý), hay là tượng trưng cho các phẩm vật cúng dường và sự viên mãn tâm nguyện của chúng sinh (phần sự). Tấm gương là biểu tượng của Đại viên cảnh trí, có thể soi rọi nghiệp chướng của chúng sinh một cách rõ ràng. Cây đàn là biểu tượng của diệu âm thanh, nêu biểu 60 diệu âm giác ngộ của Phật.

3. Hướng dẫn thực hành quán tưởng

Trước khi thực hành pháp tu Đức Phật Quán Thế Âm hay bất kỳ một pháp tu nào của Kim Cương Thừa thì chúng ta cần phải quy y sau đó phát Bồ đề tâm, đây chính là phần động cơ của sự thực hành. Sau đấy chúng ta quán tưởng. Quán tưởng xong chúng ta trì tụng chân ngôn, trì đủ số lượng chúng ta định hướng rồi chúng ta hồi hướng. Trong phương pháp tu tập của Kim Cương Thừa thì động cơ để dẫn dắt chúng ta đến việc tu sẽ giúp chúng ta tích lũy được nhiều công đức nhất, cho nên phải quy y phát Bồ đề tâm để có được động cơ chân thật khi tu tập, vì mục đích lợi ích hữu tình.

Việc hàng ngày tập phát Bồ đề tâm sẽ giúp chúng ta mỗi ngày, mỗi ngày mở rộng tâm mình rộng lớn hơn, người nào có thể mở rộng được lòng mình càng nhiều thì sẽ có càng nhiều hạnh phúc. Giống như một cái nhà, nếu chúng ta có một cái nhà rộng với khoảng không gian rộng rãi, chúng ta có thể chứa được rất nhiều người bên trong và họ có thể ngồi hay đi lại một cách thoải mái, nhưng nếu chúng ta có một cái nhà nhỏ hẹp thì ít người có thể ngồi được bên trong, rồi ngồi thì rất gò bó, cựa quậy là sẽ chạm vào chỗ nọ, đụng vào chỗ kia, sẽ rất là khó chịu. Cũng như vậy, nếu tâm chúng ta nhỏ hẹp, chỉ có thể chứa được chính bản thân mình hoặc những người thân của mình, khi đó ngay cả những người thân của chúng ta cũng dễ dàng đem đến cho chúng ta nhiều đau khổ bởi vì luôn chạm vào cái bản ngã của chúng ta, rồi tác động làm cho chúng ta đau khổ. Còn nếu chúng ta biết mở rộng lòng nhiều hơn, quên đi cái tôi của mình nhiều hơn, quên đi cái ích kỷ, hẹp hòi, bản ngã của mình càng nhiều bao nhiêu, bầu không gian tâm của chúng ta càng mở rộng được bao nhiêu thì chúng ta càng có thể chia sẻ tình thương yêu của mình đến nhiều với chúng sinh và chúng ta mới thực sự có được nguồn chân hạnh phúc.

Tiếp đến là phần thực hành chính. Hãy quán tưởng ở nơi tim của Đức Phật Quán Thế Âm là một đĩa mặt trăng, trung tâm của đĩa mặt trăng là chủng tử tự SHRI. Chúng ta sẽ quán tưởng quay xung quanh chủng tử tự SHRI là chuỗi chân ngôn OM MANI PADME HUNG đang chuyển vận theo chiều kim đồng hồ. Hãy quán tưởng từ sáu chữ chủng tử phóng hào quang theo sáu màu của chữ chủng tử đi vào sáu đạo, cứu khổ cho tất cả chúng sinh. Tất cả những chúng sinh trong sáu đạo đang phải chịu những nỗi khổ quằn quại trong sinh tử thì những ánh sáng của sáu chữ Lục tự sẽ đi vào lục đạo nâng đỡ, xoa dịu và cứu khổ cho chúng sinh. Chẳng hạn như ở cõi súc sinh hiện nay, mỗi giờ, mỗi giây vì miếng ăn của loài người, vì áo mặc của loài người, hàng tỷ, hàng triệu chúng sinh đang bị giết hại để thỏa mãn bữa ăn của con người. Những loài chúng sinh ấy không thể nói được và cũng không có cơ hội để được nói rằng: Tôi không muốn chết, tôi không muốn bị giết, tôi muốn sống hạnh phúc như các vị. Khi chúng ta tu tập pháp môn quán tưởng như vậy, ánh sáng của sáu chữ Lục tự sẽ đi vào mỗi cõi để xoa dịu nỗi khổ và cứu độ cho sáu đạo hữu tình.

Khi chúng ta quán tưởng sáu chữ chủng tử, chúng ta cần quán tưởng từ bản thân những chữ chủng tử chúng ta đang trì niệm phóng ra những luồng hào quang rực rỡ. Những luồng hào quang này hướng về mười phương chư Phật, mang đến cúng dường chư Phật tất cả những phẩm vật tôn quý nhất trong hình tướng những phẩm vật hương hoa, đăng trà, quả thực. Cúng dường xong chư Phật, những ánh hào quang này đón nhận sự gia trì từ chư Phật và quay trở lại chiếu vào sáu đạo hữu tình để xoa dịu, cứu khổ cho hết thảy chúng sinh.

Khi quán tưởng hình ảnh Đức Phật Quan Âm, chúng ta không nên quán tưởng Ngài giống như bức tranh hoặc giống như pho tượng gỗ. Hãy quán tưởng Ngài sống động và phi vật chất. Sống động giống như tất cả vạn sự vạn pháp đang tồn tại, hiện hữu chứ chúng ta không nên quán tưởng Ngài một cách cứng nhắc như là bức tranh, như là pho tượng. Chúng ta cần phải hiểu rằng mặc dù tất cả vạn pháp dường như đang tồn tại một cách thực hữu và sống động nhưng thật chất chúng tồn tại tùy duyên, là sự kết hợp của rất nhiều nhân duyên. Thông thường chúng ta bám chấp và đặt danh cho tất cả vạn pháp. Chúng ta gọi đây là cái cây, kia là ngôi nhà, đây là ô tô,… Tất cả những quan kiến này là sự bám chấp nặng nề của loài người chúng ta, chúng ta thường nghĩ rằng giấc mơ là giả còn đời sống hàng ngày là thật. Thật ra giấc mơ và đời sống hàng ngày thì chúng bình đẳng như nhau, đều giả dối và ảo tưởng giống nhau.

Khi chúng ta quán tưởng, nhận rõ tất cả vạn pháp đều có thể do tâm mình biến hiện, kể cả đời sống hàng ngày của chúng ta đều do tâm biến hiện thì việc tu tập, quán tưởng Đức Phật Quan Âm chúng ta cũng có thể dùng tâm của mình để quán tưởng Phật. Sau khi kết thúc phần trì tụng chân ngôn thì chúng ta quán Đức Quan Âm lúc này bất khả phân với bậc Thầy Căn bản Thượng sư của chúng ta, hòa tan vào trong tâm của chúng ta, hòa nhập làm một và an trụ trong chính niệm, tỉnh giác, không nghĩ về quá khứ, không nghĩ về tương lai cũng không phân biệt trong hiện tại, tâm hoàn toàn thư giãn, thảnh thơi. Đó chính là Pháp thân Quan Âm hay chính là bản chất Phật tính ở nơi mỗi người.

Kết thúc của phần tu chính là từng bước chúng ta trở về với Phật tính của chúng ta, từng bước chúng ta trở về với Đức Quan Âm chân thật trong lòng mình. Hãy an trụ trong trạng thái này càng lâu càng tốt.

II. Pháp tu Nyungnay

1. Giới thiệu pháp tu Nyungnay

Phương pháp Nyungnay chính là nghĩa của Bát quan trai giới. Theo Truyền thống của Nguyên thủy Phật giáo, Bát quan trai giới là tám giới Đức Phật chế lập cho Phật tử tại gia. Vì gia duyên còn rằng buộc nên chỉ có thể hành trì Bát quan trai giới trong một ngày, một đêm. Nhưng Bát quan trai giới cũng là căn bản của tất cả Tam thừa. Bởi khi Bát quan trai giới được thực hành cùng với Bồ đề tâm, phát tâm thực hành trì Bát quan trai giới với mục đích lợi ích giải thoát cho hết thảy hữu tình thì tám giới đấy thuộc Bát quan trai giới của Đại thừa. Và Bát quan trai giới khi kết hợp với Kim Cương thừa, trong ngày thọ Bát quan trai thường được thực hành với phương pháp cầu nguyện đến Đức Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, và trở thành pháp Nyungnay.

Trì giới là nền tảng thực hành Phật pháp và pháp tu Nyungnay

Chúng ta đều biết giáo lý quan trọng nhất Đức Phật nhắc nhở chúng ta phải tuân thủ và tôn trọng là giáo lý về Nhân Quả. Một hành giả không có niềm tin và không có trí tuệ hiểu được giáo lý Nhân Quả sẽ không thực hành được thiện pháp. Vì vạn pháp thế gian này đều hiện diện theo quy luật Nhân Quả, nên trong tất cả các phương pháp thực hành, chúng ta thường thực hành bố thí, cúng dàng bởi đây là những hạt giống để tích lũy công đức trí tuệ. Nhưng điều kiện vô cùng cần thiết và tối quan trọng để thực hành Phật pháp là chúng ta phải biết trì giới bởi việc trì giới là nền tảng của công đức. Nền tảng này cũng được ví như mặt đất có thể nuôi dưỡng tất cả cây cỏ, muôn thú đến loài người, bao nhiêu sự sống đều tồn tại nhờ có mặt đất. Tương tự như vậy, nếu hành giả không hành trì giới luật sẽ không có phẩm hạnh và không thể kiểm soát được tâm bị chi phối bởi sát, đạo, dâm, vọng, bị thiêu đốt bởi tâm tham lam, giận dữ, tật đố, kiêu căng. Khi ấy, những thiện hạnh và phẩm chất như từ bi, trí tuệ không thể phát triển được. Vì vậy, với tình thương và trí tuệ vô hạn, Đức Phật Thích Ca đã chế ra giới luật. Đặc biệt, đối với Phật tử tại gia, vì gia duyên còn ràng buộc nên Ngài đã chế pháp trì giới trong một ngày, một đêm. Phát nguyện hành trì giới luật trong một ngày, một đêm thanh tịnh cũng tích lũy được công đức vô lượng, vô biên, kết nhân với sự xuất gia giải thoát. Đây là lý do chúng ta có pháp thực hành Nyungnay.

Mục đích tối thượng của Phật pháp, Đức Phật dạy chúng ta vô số các phương pháp thực hành chỉ cùng một mục đích là chuyển hóa và rèn luyện tâm của chúng ta. Làm thế nào để chúng ta có thể chuyển hóa các xúc tình phiền não trong lòng mình, những xúc tình thuộc tham lam, sân giận, tật đố, kiêu căng. Và để chuyển hóa và rèn luyện tâm thì Biệt giải thoát giới lại là bước đầu tiên, là nền tảng quan trọng nhất giúp chúng ta chuyển hóa tâm.

Thông thường, trong sự thực hành trì giới, chúng ta phát nguyện rằng từ nay con sẽ không bao giờ sân giận, không bao giờ tật đố, không bao giờ kiêu căng. Việc trì giữ nguyện này là vô cùng khó khăn bởi trong đời sống hàng ngày chúng ta hoàn toàn không tỉnh thức và thường bị các xúc tình tiêu cực chỉ huy và dẫn dắt. Ngay cả khi sân phát khởi chúng ta cũng không biết và sau đó chúng ta lại ân hận vì mình đã sân, si. Bởi vậy để giữ được những giới tâm không phải chuyện đơn giản. Nhưng nếu chúng ta phát nguyện thọ Biệt giải thoát giới, phát nguyện không sát hại chúng sinh, không nói dối, không trộm cắp… nhờ giữ gìn Biệt giải thoát giới, từng bước từng bước chúng ta sẽ dần đi vào tâm giới và chuyển hóa được những xúc tình tiêu cực trong lòng mình. Bởi vậy, Phật dạy rằng nền tảng căn bản đầu tiên trong Tam vô lậu học chính là Biệt giải thoát giới. Và Biệt giải thoát giới đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp chúng ta chuyển hóa và rèn luyện tâm mình.

Như vậy nhờ trì giới, khi chúng ta đã rèn luyện thân chúng ta, khẩu chúng ta được tốt đẹp, tức là chúng ta đã giữ giới Biệt giải thoát giới của Nguyên thủy Phật giáo một cách tốt đẹp, thì chúng ta bước đến giai đoạn thứ hai, thêm Bồ đề tâm giới. Bởi vẫn là những giới Biệt giải thoát đó nhưng chúng ta bắt đầu đi vào động cơ của Bồ đề tâm. Có nghĩa là động cơ vô ngã, tất cả mọi thiện hạnh, mọi hành trì giới luật của chúng ta đều hướng về sự giải thoát cho hết thảy chúng sinh. Bởi vậy một vị Bồ tát khi khởi những tâm niệm ích kỷ chỉ nghĩ về bản thân mình sẽ bị xem là bể giới nguyện Bồ tát. Khi thọ giới Bồ tát, chúng ta phát nguyện tất cả mọi hành động, tất cả mọi lời nói, tất cả đời sống của mình cho dù đi, đứng, nằm, ngồi, cũng chỉ vì lợi ích giải thoát cho hết thảy hữu tình. Thân này của mình không thuộc về bản thân nữa mà thuộc về tất cả chúng sinh mẹ đang trôi lăn trong sáu đạo. Mọi hành động đều làm vì lợi ích giải thoát của tất cả hữu tình. Cho nên khi chúng ta khởi những niệm ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình, hoặc sân giận, tham lam cho bản ngã, tức là chúng ta bể giới nguyện của Bồ tát. Bởi vậy giới của Bồ tát hay Bồ đề tâm giới chú trọng nhiều đến tâm giới, đến tâm vị tha, vô ngã, hoàn toàn hướng về sự lợi ích của hết thảy hữu tình.

Tiếp theo, giới nguyện của Kim Cương Thừa là từng niệm, từng niệm chúng ta phải an trụ trong tự tính vô phân biệt. Đó là lý do tại sao hành giả tu tập Kim Cương Thừa thụ nhận quán đỉnh, đón nhận sự gia trì từ thân, khẩu, ý giác ngộ của chư Phật Bản tôn, sau đó, chúng ta được phép quán tự thân mình là Phật, tâm của chúng ta chuyển hóa thành tâm giác ngộ của Bản tôn và an trụ trong tự tính bất nhị, bất khả phân, không phân biệt với các Ngài. Bởi hàng ngày, mắt thấy sắc chúng ta phân biệt đẹp xấu, tai nghe thanh chúng ta phân biệt hay dở. Mỗi tư tưởng hiện khởi chúng ta phân biệt tốt hay xấu. Tất cả những tư tưởng, sự phân biệt như vậy gọi là bể giới nguyện của Kim Cương Thừa. Mỗi khi xuất hiện những sự phân biệt, chúng ta phải để cho tất cả những tâm phân biệt tan vào trong bản chất tự nhiên của chúng.

Trong Bát quan trai giới chú trọng đến tám giới của cư sĩ, chúng ta sẽ thực hành, phát nguyện trì giữ Bát quan trai giới, thì bốn giới đầu là bốn giới căn bản, gồm: không sát sinh; không trộm cắp; không nói dối (gồm có đại vọng ngữ, tức là nói dối mình chứng thánh nhân, hoặc tiểu vọng ngữ tức là nói dối hai lưỡi độc ác, thêu dệt…); và không tà dâm. Bốn giới này thường thọ khi chúng ta quy y bởi khi quy y chúng ta thấy rõ sự bình đẳng giữa hạnh phúc của tất cả chúng sinh với hạnh phúc của mình. Khi bị đứt tay một chút thôi mình cũng thấy đau đớn, khổ sở. Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể cắt cổ, mổ bụng chúng sinh, sung sướng khi ăn gan, uống máu của chúng sinh. Bởi thế, một người quy y đã phải trì giữ năm giới. Bốn giới đầu, tức là bốn việc sát sinh, trộm cắp, tà dâm và nói dối, là những nhân khiến chúng ta đọa ba đường ác. Phật chế ra bốn giới giúp chúng ta cắt đứt những nhân đọa ba đường ác. Một giới nữa là không uống rượu, tức là một hành giả tu tập Bát quan trai giới hay ngũ giới không được phép uống rượu. Giới này giúp chúng ta đạt được trí tuệ tỉnh thức. Khi chúng ta uống rượu, chúng ta mất trí tuệ, hoàn toàn không tự chủ và ba nghiệp chúng ta sẽ tạo lỗi lầm. Và ba giới sau tức là giới không nằm giường cao, tốt, rộng lớn; không xem nghe kỹ nhạc, không trang điểm; và không ăn phi thời. Ba giới này là ba giới giảm thiểu những nhân sinh tử và hướng chúng ta theo con đường xuất thế, con đường của chư Phật, Bồ tát. Bởi cái việc hát hò, xem nghe kỹ nhạc, hay việc trang điểm cho thân thể của mình, hay việc ngồi giường cao, tốt, rộng lớn đều tăng trưởng sự bám chấp vào bản ngã. Khi chúng ta bám chấp, yêu quý và chiều chuộng cái thân này nên chúng ta thích trang điểm, thích nằm giường cao, tốt, rộng lớn hoặc chúng ta thích nghe hát, xem nhạc… để tiêu khiển. Tất cả những việc làm đó là những việc làm vô ích, không gieo được những nhân lợi lạc mà đắm chìm thêm nhân của sự đọa lạc trong luân hồi. Và việc ăn phi thời của chúng ta, tức là trong việc thọ Bát quan trai, sau mười hai giờ chúng ta không ăn, không ăn mặn, không ăn thịt, không ăn hành, tỏi trong những ngày thọ Bát quan trai. Việc này vô cùng quan trọng, bởi buổi chiều là giờ ăn của ngạ quỷ. Khi chúng ta ăn cơm, tất cả các loại quỷ đói sẽ nổi giận vì quá đói nên khi thấy thức ăn họ bèn nổi lửa tự thiêu. Vì miếng ăn của chúng ta, biết bao loài quỷ đói phải khổ sở. Bởi vậy, một người hành trì Bát quan trai giới sẽ không ăn sau bữa trưa, tức là không ăn chiều. Mà ngay cả cái việc giảm ăn cũng vô cùng lợi ích, vì chúng ta biết rằng, nếu nói vấn đề ăn mặc tức là phải giết hại chúng sinh, thì việc đấy đã quá tổn thương tới chúng sinh. Ngay cả việc để trồng lên một cây lúa, trồng lên một hạt gạo, đã biết bao nhiêu trùng, sâu, bọ phải chết vì hạt gạo mà chúng ta ăn. Bởi vậy chúng ta giảm được bữa ăn tối là lòng từ bi hướng đến loài ngạ quỷ, và cũng là lòng từ bi để chúng ta hộ cho tất cả những chúng sinh bớt sự chết chóc, bản thân chúng ta không gieo nhân trong sinh tử, luân hồi. Như vậy, tám giới gọi là Bát quan trai giới thì bốn giới đầu là cắt đứt các nhân đọa lạc trong sinh tử, ba đường ác; một giới sau cắt đứt nhân vô minh, giúp chúng ta đạt được trí tuệ tỉnh thức. Ba giới cuối giúp chúng ta giảm bớt những nhân trong sáu đạo và giúp chúng ta hướng theo con đường xuất thế của Phật và Bồ tát. Bởi vậy đối với Phật tử tại gia, ngày thọ Bát quan trai giới là ngày chúng ta tập xuất gia một ngày để hướng theo con đường xuất thế của chư Phật, Bồ tát, đem lại sự giải thoát cho hết thảy hữu tình.

2. Hướng dẫn thực hành Nyungnay

Có rất là nhiều cách để thọ Bát quan trai giới, chúng ta có thể thọ Bát quan trai giới theo quan kiến của Nguyên thủy Phật giáo, có nghĩa là phát tâm thọ Bát quan trai để có thể giải thoát khỏi sáu đạo, để được tập hạnh xuất gia một ngày và gieo nhân xuất thế. Đó là động cơ theo Nguyên thủy Phật giáo. Nếu chúng ta phát nguyện thọ Bát quan trai giới vì lợi ích của hết thảy hữu tình, vì sự giải thoát của tất cả chúng sinh mà chúng ta thọ giới hôm nay. Đấy gọi là thọ Bát quan trai giới theo Đại thừa Phật giáo. Và chúng ta có thể thực hành Bát quan trai giới theo pháp của Kim Cương Thừa. Thọ Bát quan trai giới có nghĩa là sáng ngày ra khi minh tướng xuất hiện, lúc có thể nhìn thấy chỉ tay của mình, chúng ta sẽ giữ giới từ giờ khắc đó, chúng ta thọ đến ngày hôm sau, giữ giới đến ngày hôm sau. Có bốn cấp độ của việc trì giữ Bát quan trai theo Kim Cương Thừa. Cấp độ thứ nhất, tức là mục đích chính của việc thọ Bát quan trai, giảm ăn để chúng ta thiền định trở về với tâm bất nhị, tâm Phật tính của mình. Khi thọ Bát quan trai, nếu chúng ta không thể tắm được hết toàn thân của mình thì ít nhất mình cũng phải rửa mặt, rửa tay chân, sau đó đỉnh lễ quy y, phát Bồ đề tâm và xin thọ giới nguyện. Ngày thứ nhất thọ giới gọi là Nay, tức là chúng ta có thể uống trà và ăn một bữa trưa, sau đấy chúng ta trì tụng, đỉnh lễ và thiền định. Nhưng ngày thứ hai gọi là Nyung,chúng ta lại hoàn toàn không ăn uống gì cả, nhịn luôn cả ngày, không ăn không nói, tịnh khẩu, miệng không nói lời nào, hoàn toàn tịnh khẩu, không ăn không uống, chỉ tập trung thực hành thiền định, giảm thiểu tất cả những hoạt động không cần thiết. Chư Phật, Bồ tát dạy rằng trong ngày thọ Nyungnay, tức là một ngày chúng ta nhịn đói với động cơ vì lợi ích, vì sự giải thoát của hết thảy hữu tình, là một ngày chúng ta cắt được vô số nhân sẽ đọa địa ngục, ngạ quỷ. Bởi vì miệng chúng ta tịnh khẩu, nên không tạo khẩu nghiệp. Thân chúng ta không đi lại nhiều, không hoạt động, chỉ thiền định, cho nên chúng ta không tạo ác nghiệp của thân. Và tâm chúng ta tập trung vào việc thiền định, an trụ trong tự tính tâm của mình, cho nên chúng ta gieo những nhân giải thoát.

Chúng ta có thể thọ giới Nyungnay hai ngày, tức là một ngày chúng ta ăn một bữa và một ngày chúng ta nhịn đói trắng. Hoặc chúng ta có thể phát nguyện thực hành bốn ngày, tám ngày, bao nhiêu ngày tùy theo tâm nguyện của mình.

Lịch sử và công năng của pháp tu Nyungnay

Về lịch sử của pháp tu Nyungnay: Pháp tu Nyungnay được truyền từ Bồ Tát Quan Âm, xuống Ngài Atisa, từ Ngài Atisa truyền xuống Tỳ kheo ni Palmo giàu đức hạnhxả ly. Cô xuất gia và muốn giải thoát ngay trong một đời vì lợi ích của hết thảy hữu tình. Trong suốt cuộc đời, hàng nghìn lần, hàng nghìn ngày cô thực hành và cuối cùng đã thành tựu pháp tu Nyungnay. Đức Quan Âm thường thị hiện và ban phúc cho cô. Lịch sử kể lại rằng, vì vốn rất nghèo nên cô giống như một kẻ ăn mày lang thang, bẩn thỉu nhưng thực chất cô là một Tỳ kheo ni xuất gia. Một lần, cô muốn vào một ngôi chùa ở Nepal để đỉnh lễ Đức Quan Âm nhưng người giữ cổng chùa không cho vào, bởi trông cô quá bẩn thỉu, dơ dáy. Nghĩ trong lòng rằng, với mình Đức Quan Âm không bao giờ xa cách nên cô ra phía sau lưng của chùa và thực hành pháp Nyungnay trọn vẹn một ngày một đêm với tâm chí thành tha thiết đỉnh lễ Đức Quan Âm. Sáng hôm sau, khi mở cửa chùa, chư Tăng mới nhìn thấy tượng Đức Quan Âm, tức là bức tượng của Ngài đã quay lưng lại và hướng mặt vào tường tức là hướng mặt về phía Tỳ kheo ni Palmo đang thực hành Nyungnay. Cho đến tận bây giờ, ngôi chùa vẫn đang còn tồn tại ở Nepal với bức tượng Quan Âm quay mặt vào tường, như một minh chứng sống động cho sự thực hành Nyungnay của Tỳ kheo ni Palmo. Bởi vậy, pháp Nyungnay gắn liền với quán đỉnh của Bản tôn Quan Âm Nghìn Tay Nghìn Mắt mà hôm nay Đại đức Trụ trì tha thiết thỉnh cầu chúng tôi chuyển pháp Nyungnay ở đây.

Đối với Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, Bậc Thầy của chúng ta thì pháp thực hành Nyungnay lại là một pháp thực hành chính của Ngài. Tôi nhớ ngay từ hồi còn thơ ấu, tôi thường thấy Đức Pháp Vương thực hành pháp Nyungnay. Ngài thực hành một bộ, tức là trong vòng hai ngày. Tôi không thường ở gần Ngài nhiều nhưng chính bản thân tôi đã chứng kiến Ngài thực hành hàng trăm lần pháp Nyungnay để rèn luyện tâm và thực hành thiền định. Bởi vậy pháp tu Nyungnay giúp cho chúng ta thiền định, lễ Phật và vô cùng cần thiết để giảm thiểu tất cả những nghiệp bất thiện, đồng thời thực hành thiện pháp lợi lạc cho hết thảy hữu tình. Phương pháp thực hành Nyungne này cho đến bây giờ tất cả Ni chúng của Ngài ở tu viện Amitabha vẫn thường thực hành một bộ hai ngày vào các ngày 15 và ngày mùng 8 mỗi tháng.

Như vậy, pháp Nyungnay là một trong những phương pháp thực hành vô cùng quan trọng của Kim Cương Thừa giúp cho chúng ta tịnh hóa cả phần thân thể và vật chất. Khi nhịn đói cũng sẽ tịnh hóa được cả ba nghiệp thân, khẩu, ý của chúng ta. Nếu trong đời có thể thực hành tám lần, tức mười sáu ngày, với điều kiện là trong khi thực hành pháp Nyungnay chúng ta không được bể giới dù chỉ một chút nhỏ nào, thì công đức sẽ vô lượng, vô biên. Chẳng hạn giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni cũng có giới không ăn phi thời nhưng Đức Phật dạy khi đã ốm đau, bệnh hoạn cũng có thể dùng chút sữa, chút cháo cho đỡ bệnh. Nhưng đối với pháp Nyungnay, bởi thời gian chỉ là bốn mươi tám giờ cho nên không thể để một tơ hào vi phạm. Nếu chúng ta lỡ phạm khi phát nguyện thọ Nyungnay thì tội lỗi cũng rất lớn. Trong kinh Đức Quan Âm dạy rõ rằng, nếu ai trong đời có thực hành tám lần Nyungnay tức là mười sáu ngày thì bao nhiêu tội lỗi sinh tử trong đời sẽ đều tiêu diệt. Và Ngài hứa nguyện rằng, đến lúc lâm chung Ngài sẽ tiếp dẫn hành giả về Tịnh độ. Bởi vậy, Đức Nhiếp Chính Vương thường khuyên tất cả học trò và đệ tử của Ngài cố gắng thực hành Nyungnay trong đời ít nhất là tám lần trong đời. Và đối với người mất, hành giả có thể cúng dàng cho pháp hội Nyungnay, cho dù một chút trà, một chút thực phẩm vào ngày đầu đều sẽ được công đức vô lượng để hồi hướng cho người đã mất.

Drukpa Việt Nam

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 5691)
Những người cầu Đạo mong mỏi thực hành sự thiền định về Thánh TARA cần phải xếp đặt một bàn thờ và một chỗ ngồi. Hành giả ngồi theo tư thế Kim Cương, bắt đầu buổi lễ bằng sự Quy Y và phát khởi Tâm Bồ Đề, rồi đọc thần chú Svabhava ( Thần chú về Tự Tính )...
08/04/2013(Xem: 6492)
Phàm muốn niệm tụng Pháp Đà La Ni, trước cần phải ở nơi Tam Muội Mạn Đà La, thấy Thánh chúng được quán đảnh, biết Bổn Tôn, theo Thầy thọ được Tam Muội Da.
08/04/2013(Xem: 6213)
Tên gọi là Kim Cương Cổ (Cái Trống Kim Cương). Mở miệng nâng lưỡi chấn cung Pháp Giới. Các Như Lai của Liên Hoa Tạng ra khỏi Định liền dùng đập tan Địa Ngục, diệt tai ương của 7 biến, khởi Giáo dạy Bồ Tát (Thiện Trụ Thiên Tử), nói bí mật của 5 Chữ, nắm gốc trao truyền Bố Tự (An bày chữ) như Pháp.
08/04/2013(Xem: 9262)
Như vậy tôi nghe, một thời Đức Bạc Già Phạm ngự tại Thiện Pháp Đường trên cõi Tam Thập Tam Thiên cùng với các vị Tỳ Kheo, các Đại Bồ Tát, Thiên Chủ Đế Thích, vô lượng chúng đến dự.
08/04/2013(Xem: 16193)
Theo truyền thống Mật Giáo thì Phật Đỉnh Tôn Thắng là một trong 5 Phật Đỉnh của viện Thích Ca thuộc Thai Tạng Giới Mạn Đà La ( Garbhadhàtu- Manïdïala) có tên là Trừ Chướng Phật Đỉnh (Vikiranïa Usïnïìsïa) biểu thị cho Đỉnh Thần Thông không có chỗ sợ hãi (vô sở úy) của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai (‘Sàkyamunïi Tathàgaya).
08/04/2013(Xem: 5065)
Một thời Đức Phật ngự tại trú xứ của Bất Viễn Tiên Nhân trong cung Trời trên đỉnh núi Thiện Lạc cùng với chúng Đại Tỳ Khưu gồm 1250 người đến dự. Lại có Bồ Tát Ma Ha Tát, Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử với 16 vị Đại Sĩ thuộc nhóm Hiền Hộ đều đến tập hội.
08/04/2013(Xem: 4441)
Nghe như vậy. Một thời Đức Phật ngự tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc ở nước Xá Vệ. Thời cùng với Ma Ha Tỳ Khưu Tăng nói Kinh Ma Ni La Đản Đức Phật hỏi A Nan (Ananda) rằng:”Người dân trong Thiên Hạ chẳng được an ổn là do việc gì?
08/04/2013(Xem: 5561)
Bấy giờ Đức Phật bảo A Nan (Ananda) rằng:”Ông hãy lắng nghe ! Nay Ta vì ông tuyên nói Lạc Xoa Đà La Ni . Đà La Ni đó rất khó được gặp giống như Chư Phật xuất hiện ở Thế Gian Này A Nan ! Nếu có chúng sinh được Đà La Ni này, . . .
08/04/2013(Xem: 5364)
Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Bạc Già Phạm ngự trên đỉnh núi Thứu Phong thuộc thành Vương Xá cùng với Chúng Đại Bật Sô gồm 1250 người và 12000 vị Bồ Tát Ma Ha Tát đều là Chúng Đại Bồ Tát của thời Hiền Kiếp đến dự.
08/04/2013(Xem: 5109)
Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Phật ngự tại Tinh Xá Ngưu Đầu Chiên Đàn trong thành Cứu Cáp cùng với chúng Đại Tỳ Khưu đến dự với tám Bộ Trời Rồng cung kính vây quanh chiêm ngưỡng rồi trụ Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo A Nan (Ananda) với các Đại Chúng rằng:”Ta quán thời Mạt Thế cõi Nam Diêm Phù Đề này, . . .
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]