Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Ham Muốn và Hạnh Phúc

26/04/201317:10(Xem: 4850)
02. Ham Muốn và Hạnh Phúc

ĐƯA VÀO MẬT TÔNG

Nguyên tác:Introduction to Tantra

Tác giả:Lama Thubten Yeshe - Biên tập: Jonathan Landaw

Chuyển ngữ: Thích nữ Trí Hải

---o0o---

2 - HAM MUỐN VÀ HẠNH PHÚC

DỤC VỌNG, BẤT MÃN VÀ TỰ CHẾ

Chúng ta sống trong cõi dục nghĩa là thế giới của những ham muốn. Từ khi thức dậy cho đến lúc đi ngủ, và cả trong những giấc mơ, chúng ta đều bị dục vọng lôi kéo. Mỗi giác quan ta khao khát món ăn riêng của nó: Mắt ta ham nhìn những dáng màu hấp dẫn, tai ta ham nghe những âm thanh dễ chịu; mũi ta hăng hái đánh hơi những mùi thơm và vội vàng quay đi trước những mùi khó chịu; lưỡi ta tìm kiếm những vị ngon mới lạ, và xúc giác ta thì luôn luôn khát khao gặp gỡ những loại xúc khác nhau. Lòng ham muốn đối với sự kích thích giác quan ấy đã ăn sâu gốc rễ trong ta đến nỗi nếu bị cô lập khỏi sắc thanh hương vị xúc trong một thời gian dài, ta sẽ khởi sự có những ảo giác về chúng. 

Nhưng ham muốn không chỉ cuộc vào những gì ta có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ. Tâm ta cũng theo đuổi tư tưởng một cách hăm hở không kém lưỡi chạy theo vị ngon. Những thứ trừu tượng như tri thức, danh tiếng, sự an ninh bảo đảm, sự hài lòng... cũng được theo đuổi một cách nồng nhiệt như thể đấy là những vật có thể cầm nắm trong tay hay thấy được bằng con mắt. Quả thế, dục vọng lan tràn khắp nơi, đến nỗi ta không chắc có một thứ gì ta làm mà lại không bị điều động bởi dục vọng. Bất kể ta hoạt động trong lãnh vực nào- thương mại, thể thao hay tâm linh- chính lòng ham muốn dưới một hình thức này hay khác, đã thúc đẩy ta thành công trong lãnh vực ấy. Lòng ham muốn là một phần bất khả phân trong đời sống, đến nỗi người ta coi cuộc đời mà không có ham muốn thì chẳng khác gì một cái chết đang sống. 

Đằng sau tất cả ham muốn của chúng ta là sự mong mỏi được hạnh phúc. Về phương diện này, quả thực mọi người đều bình đẳng, vì tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc, mặc dù có thể mỗi người định nghĩa hạnh phúc một cách. Không ai trong chúng ta lại mong muốn dù một chút xíu khổ đau hay thất vọng. Nếu xét kỹ, ta có thể thấy rằng mọi hành vi của ta đều được khởi động bởi lòng ham muốn có được kinh nghiệm dễ chịu, hoặc muốn tránh những sự khó chịu. 

Nhưng mặc dù ta chỉ mong muốn thuần hạnh phúc, cuộc đời ta lại dẫy đầy khổ đau bất mãn. Những sở hữu ta yêu quý và làm lụng nhọc nhằn để có được, bỗng tan vỡ, mất mát hoặc bị trộm mang đi. Hoặc nếu có còn, thì nó cũng hết đem lại cho ta niềm lạc thú. Người chồng hay vợ yêu quý chẳng bao lâu lại hóa thành kẻ thù số một của ta, hoặc bỗng lăn ra chết giữa lúc hương lửa đang nồng, để ta ở lại bơ vơ trơ trọi. Chúng ta khao khát có được một việc làm, nhưng khi tìm được việc thì nó trở thành một gánh nặng đốt cháy hết thì giờ và năng lực của ta. Danh tiếng ta bị bôi nhọ, làn da óng ả của ta bắt đầu có nếp nhăn, trí thông minh của ta bắt đầu tàn lụn. Bằng những kiểu cách như thế, cái hạnh phúc mà ta khao khát vuột khỏi tầm tay ta. Đôi khi dường như thể rằng, càng cố được hạnh phúc bao nhiêu, ta lại càng đâm ra khổ sở bấy nhiêu. Về phương diện này, cuộc đời dường như là một cuộc chạy đua vô nghĩa; những nỗ lực của ta để tìm hạnh phúc chỉ có đưa chúng ta đi lòng vòng cho đến cuối cùng ta phải kiệt sức, tuyệt vọng. 

Nhiều triết gia và đạo sư đã mô tả cái vòng lẩn quẩn của sự bất mãn triền miên ấy, và đưa ra những khuyến cáo làm cách nào để thoát ly khỏi nó, hay ít nhất làm cách nào để chịu đựng nổi nó. Đức Thích Ca Mâu Ni chẳng hạn, gọi tình trạng bất mãn triền miên này là samsara, một từ Phạn ngữ có nghĩa là quay vòng tròn, và đưa ra nhiều phương pháp thoát ly. Trong giáo lý nổi tiếng nhất của ngài, ngài dạy nguồn gốc mọi rắc rối và tuyệt vọng chính là ham muốn do ngu si thúc đẩy. Giải thoát hay niết bàn được thành đạt nhờ nhổ tận gốc rễ tất cả những ham muốn như vậy từ trong tâm ta. 

Vì mắt tai mũi lưỡi chúng ta chính là những cửa ngõ của ham muốn, nên những ai mong giải thoát khỏi vòng đau khổ, cần nhất đừng tin cậy vào năm giác quan. Chúng phải được xem là đang kềm chế tâm thức ta một cách thiếu lành mạnh, và ta phải đối xử với chúng hết sức thận trọng. Bởi thế, người nào theo đường lối tu tập này để tự giải thoát, thì đặc biệt chế ngự năm giác quan. Hành giả canh chừng cẩn mật cửa ngõ năm giác quan, và triệt để hoài nghi bất cứ gì muốn xâm nhập chúng. Chẳng hạn, khi một nhan sắc khả ái xuất hiện - như hình dáng một người nam hay nữ - thì hành giả phải bén nhạy xem chừng mối nguy hiểm có thể xảy ra là bị nó hớp hồn. Trong khi tu theo lối này, chúng ta phải phấn đấu với cái khuynh hướng mù quáng đâm đầu theo những đối tượng hấp dẫn, để từ đó trở thành nạn nhân của khổ đau tuyệt vọng - phấn đấu bằng cách luyện mình tập trung vào những khía cạnh xấu nơi đối tượng, để giảm bớt lòng ham muốn của ta đối với nó. Ví dụ, ta có thể hóa giải lòng đam mê đối với một người đẹp bằng cách tập trung vào những bộ phận dơ uế nơi người ấy. Mục đích của cách tu tập này là để làm cho dục vọng khỏi quấy động tâm ta, kết quả nhắm đến là đạt được sự thanh bình an tĩnh không bị giao động trước những thăng trầm của cuộc sống. 

Lối tu thận trọng này được xem là thua xa con đường mật tông, một pháp tu sử dụng chính năng lượng của dục vọng. Nhưng nói thế không có nghĩa rằng pháp tu nói trên không có giá trị gì. Ngược lại, điều thiết cốt là phải biết thời điểm thích nghi để rút sự chú ý ra khỏi những đối tượng quấy nhiễu tâm mình. Nhưng nếu chúng ta chỉ có biết một cách đối phó duy nhất là tránh né những đối tượng gợi ham muốn, thì ta sẽ bị giới hạn gắt gao, không tiến xa mấy trên đường tu tâm luyện tính. 

Phương pháp mật tông khác hẳn. Thay vì xem lạc thú và ham muốn như thể là chuyện mà ta cần né tránh bằng mọi giá, mật tông nhận chân rằng cái năng lượng hùng mãnh trong ta, được dục vọng đánh thức, chính là một nguồn năng lượng thiết yếu trên đường tu tập. Chính vì mục đích duy nhất là thực chứng tiềm năng cao nhất nơi con người chúng ta, mà mật tông tìm cách chuyển hóa tất cả mọi kinh nghiệm - kể cả kinh nghiệm không có vẻ gì là tôn giáo - biến nó thành con đường thành tựu đạo quả. Chính vì cuộc đời hiện tại của chúng ta gắn liền một cách mật thiết với dục vọng, mà ta cần phải xử dụng năng lượng hùng mãnh của ham muốn, nếu ta mong chuyển hóa đời mình thành một cái gì siêu việt. 

Như vậy cái lý của mật tông kỳ thực rất đơn giản: kinh nghiệm lạc thú thông thường của ta có thể được xử dụng làm tài nguyên để đạt đến cái kinh nghiệm hỉ lạc tuyệt đối về tính toàn vẹn, hay giác ngộ. Điều tự nhiên là : những tính chất của tâm thức khi được đào luyện, sẽ sản sinh ra một cái gì tương tự, chứ không chống trái với nó. Điều này đúng cho những tâm trạng tốt cũng như xấu. Như bất mãn không bao giờ có thể trở thành thỏa mãn, khổ đau cũng vậy, không thể tự nhiên mà chuyển thành an vui hạnh phúc. Theo mật tông, ta không hi vọng đạt đến mục tiêu là hạnh phúc viên mãn phổ quát trong khi tự làm cho mình càng ngày càng khổ sở một cách có bài bản, hệ thống. Điều này trái với lối vận hành tự nhiên của mọi sự trong thực tế. Chỉ nhờ trong hiện tại, ta đào luyện những kinh nghiệm nhỏ về an tịnh và toại ý, mà ta có thể thành tựu mục tiêu bình an thanh tịnh trong tương lai. Tương tự như thế, nhờ khéo sử dụng năng lượng của ham muốn và nhờ tích lũy thói quen thưởng thức cái mà ta có thể gọi là lạc thú chân thực, ta mới hi vọng đạt thành niềm phúc lạc vĩnh cửu của toàn giác. 

TÔN GIÁO VÀ SỰ CHỐI BỎ LẠC THÚ 

Thế nhưng dường như có một trái ngược lớn lao giữa sự thưởng thức khoái lạc và sự theo đuổi một đường lối tu hành. Quả thế, với nhiều người, tôn giáo chỉ có nghĩa là từ bỏ những tiết mục vui thú của cuộc đời. Tôn giáo được người ta xem như là lắc đầu trước dục vọng, từ chối tính tự nhiên, không được tự do phát biểu. Thảo nào mà tổ chức tôn giáo thường bị mang tiếng không tốt. Thay vì là một phương pháp giúp ta vượt qua những giới hạn của mình, tôn giáo lại được xem như hình thái đàn áp nặng nề nhất. Tôn giáo mà như thế thì chẳng khác gì một kiểu mê tín dị đoan cần được bác bỏ nếu ta thực sự muốn giải thoát, tự do. Một điều bất hạnh là, nhiều xã hội đã dùng tôn giáo làm phương tiện đàn áp và kiểm soát về mặt chính trị, nên lối phê phán khắt khe này thành ra có lý. 

Không những các nhà chỉ trích tổ chức tôn giáo cho rằng tôn giáo đàn áp hay hạn chế bản chất căn để của con người, mà chính những người thực hành tôn giáo cũng có quan niệm như thế. Không thiếu gì người cho rằng cái cách thích đáng để tuân giữ giới luật là phải từ khước bản chất con người giản đơn của mình. Họ đâm ra hoài nghi về lạc thú đến nỗi nghĩ rằng đau khổ thực sự có giá trị: "Vì là người có tôn giáo, tôi không được phép hưởng lạc thú." Mặc dù mục đích họ là đạt đến một hình thức an bình hạnh phúc vĩnh cửu nào đó, họ nhất quyết từ khước không cho phép mình thưởng thức những lạc thú trong cuộc sống hàng ngày. Họ xem lạc thú là chướng ngại cho sự tu hành, và nếu tình cờ cảm thấy chút thú vui, họ đâm ra vô cùng áy náy. Thậm chí họ không thể thưởng thức một thỏi sô cô la mà không nghĩ mình thực tội lỗi, tham ăn. Thay vì chấp nhận và thưởng thức cái gì đang xảy đến đúng như thực trạng, họ lại tự tạo ra gút mắc của mặc cảm phạm tội và tự thống trách: "Trong khi bao nhiêu người trên thế giới đang chết đói, khổ sở, sao ta dám buông thả mình!" 

Tất cả những thái độ ấy thực hoàn toàn sai lạc. Không có lý do gì để cảm thấy phạm tội về khoái lạc; điều ấy cũng lầm không kém sự bám lấy những lạc thú thoáng qua và mong chúng đem lại thỏa mãn tuyệt đối. Kỳ thực đấy cũng là một dạng chấp thủ khác, một kiểu giam hãm mình vào quan điểm hạn cuộc về tự ngã, không biết đến tiềm năng vô hạn của mình. Mặc cảm phạm tội ấy chỉ là một quái thai của đời sống tâm linh, tuyệt đối không phải là thái độ tâm linh đích thực. Nếu ta thực sự hài lòng với hoàn cảnh - vẫn an nhiên tự tại cho dù gặp khổ hay vui - thì thực hành khổ hạnh có thể có lý phần nào. Khổ hạnh có thể lợi lạc khi ta sử dụng nó để thêm ý thức về giải thoát, hoặc để hiểu được cái gì là thực sự quan trọng trong đời. Nhưng hiếm khi ta từ khước một điều gì vì những lý do chính đáng. Chúng ta ép mình vào một trạng huống đau khổ vì tưởng rằng khổ đau tự nó đã đáng đồng tiền bát gạo. Nhưng thực sự không phải thế. Nếu cứ ngụp lặn trong khổ đau thì hậu quả duy nhất là, chúng ta càng thêm đau khổ. Mặt khác, nếu biết cách nếm trải hạnh phúc mà không có bám víu và mặc cảm phạm tội, thì ta có thể đào luyện những mức độ kinh nghiệm ngày càng sâu xa, và cuối cùng đạt đến tiềm năng toàn vẹn của mình, nguồn hạnh phúc không thể tưởng. 

Nếu phương pháp sợ hãi, ức chế mà tôi đã chỉ trích trên kia là sai lầm, thì cái gì mới là đường lối thiện xảo của một người quả tình mong thực chứng tiềm năng cao cả nhất? Nói đơn giản, đó là: giữ tâm liên tục trong trạng thái càng an vui hạnh phúc càng tốt. Thay vì sống bám víu, bất mãn, rối ren, khổ sở với mặc cảm phạm tội, ta nên cố cải tiến tâm mình bằng cách phát triển những mức độ hiểu biết ngày càng sâu xa, khéo kiểm soát những năng lượng tâm vật lý trong mình, để đạt đến một đời sống cao đẹp với những hình thái phúc lạc càng ngày càng cao. Một phương pháp như thế có ý nghĩa vô vàn hơn là cố tình từ khước những kinh nghiệm lạc thú hàng ngày. Đấy là cái lý của mật tông. 

ĐỨC PHẬT VÀ CON ĐƯỜNG HƯỞNG LẠC 

Trong cuộc đời đức phật Thích ca Mâu ni, có những giai đoạn chứng minh sự thù thắng của phương pháp sử dụng ham muốn, hơn là phương pháp ép xác, đè nén dục vọng. Lúc từ bỏ đời sống đam mê khoái lạc và khởi sự đi tìm phương pháp diệt khổ vào năm 29 tuổi, thái tử Tất đạt đa đã tu ép xác khổ hạnh gắt gao. Như nhiều người ở Ấn nay vẫn còn làm, thái tử đã tìm cách nhổ tận gốc rễ những nguyên nhân của khổ đau bất mãn bằng cách hành hạ các giác quan mình, nhiếp phục chúng. Ngài nhịn ăn, từ bỏ các tiện nghi đến nỗi cuối cùng thân thể ngài chỉ còn là một bộ xương. Sau sáu năm khổ hạnh, ngài thấy phương pháp ấy vô hiệu. Thay vì đưa ngài tiến gần mục tiêu giải thoát, nó chỉ làm ngài kiệt sức, không thể sáng suốt suy nghĩ và thiền định. Ngài quyết định từ bỏ phương pháp ấy và theo một phương pháp tu tâm thích hợp hơn. Theo truyền thuyết, ngài đã chấm dứt tuyệt thực và nhận một bát cháo do tín nữ Sujata dâng cúng. Thực phẩm này đã đem lại một hiệu quả thần tình cho cơ thể và tâm trí, khiến ngài ngập tràn dũng mãnh, sáng suốt và phúc lạc. Sự bừng dậy của năng lực tâm vật lý không những giúp ngài thêm cương quyết mà còn gia tăng khả năng đạt đến toàn giác, mục tiêu chính yếu của ngài. Sự kiện ngài chỉ ngồi thiền có một đêm dưới cội Bồ đề rồi đạt toàn giác, chứng tỏ đã đúng lúc Ngài nên từ bỏ lối tu khổ hạnh. Theo lối nhìn của mật tông, những sự cố này cho thấy rằng biết xử dụng lạc thú là một phương pháp sâu xa và hiệu quả hơn ép xác khổ hạnh rất nhiều. 

Về sau, khi Phật đã nổi tiếng là một bậc đạo sư có thể hướng dẫn nhiều hạng người đạt đến giác ngộ, có lần một ông vua đã xin ngài chỉ dạy một phương pháp tu hành thích hợp cho một người bận nhiều phận sự đa đoan. Vua nói: "Con có phận sự chăm lo cho thần dân, con thực không nên bỏ bê quần chúng. Con không thể làm như ngài, từ bỏ mọi sự để vào rừng tu khổ hạnh. Con cần biết cách làm sao có thể dùng ngay sinh hoạt của một vương gia làm đường lối tu hành. Bởi thế, xin đức Thế tôn dạy cho con cách chuyển hóa những hành vi thường nhật của một vị vua thành pháp tu." Đức Phật trả lời quả thực ngài có một phương pháp như vậy, đó là pháp thực hành mật tông. "Với phương pháp này nhà vua có thể tiếp tục thi hành phận sự của mình, mà lại không cần phải từ bỏ một thứ lạc thú vương giả nào hết trọi." Phật còn nói với vua rằng quả thế, vua có thể vui thú hết ga mà đồng thời vẫn tiến dần đến giác ngộ. 

Giáo lý mà Phật dạy cho ông vua ấy chính là Mật điển Bánh xe Thời gian (Kalachakra, Thời luân), và hệ truyền thừa của phái này cùng tất cả giáo lý mật tông khác cho đến ngày nay vẫn tồn tại đầy năng lực, chưa bao giờ gián đoạn. Vô số người Ấn và Tây tạng đã đạt ngộ nhờ theo những phương pháp này, bởi thế không lý do gì người ngày nay lại không được lợi lạc nhờ áp dụng pháp tu ấy. 

SỰ TU TẬP MẬT TÔNG NGÀY NAY

Mật tông đặc biệt thích hợp với tinh thần thời nay, vì đấy là con đường nhanh nhất, dễ lôi cuốn những người vốn khoái có hiệu lực tức thì. Hơn nữa, cốt tủy đường lối mật tông là phương pháp chuyển hóa, mà nguyên lý chuyển hóa năng lượng- ít nhất trên bình diện vật chất- ngày nay đã khá quen thuộc. Cuối cùng, trong khi sự bùng nổ lớn của sức mạnh ham muốn trong thế kỷ này được xem như một chướng ngại trầm trọng cho phần lớn các tôn giáo, thì nó lại rất tốt cho sự thực hành mật tông, vì tông này xem ham muốn là chất liệu thúc đẩy ta tiến đến mục đích cao nhất. Chỉ có một con đường duy nhất là mật tông- một phương pháp chú trọng kinh nghiệm trực tiếp hơn lòng tin mù quáng- mới có thể đánh thức chúng ta tỉnh dậy từ những kiểu sống tự hủy diệt, và đem lại cho ta cơ hội thành tựu bản thân một cách viên mãn. 

Tuy nhiên, muốn được lợi lạc thực thụ trong lối tu hành này, chúng ta cần ý thức rõ vài điểm quan trọng. Trước hết là động lực thúc đẩy ta tu mật tông phải thực trong sáng. Điều này sẽ nói rõ hơn ở chương 6, ở đây chỉ cần nói rằng, chúng ta không thể nào gặt hái lợi lạc vô biên từ pháp tu này nếu động lực tu hành của ta chỉ tập trung vào an lạc cho tự ngã. Hạng người duy nhất tu mật tông có hiệu quả là người quan tâm trước hết đến lợi ích cho người khác, và thấy con đường mật tông là lối tu nhanh nhất, hữu hiệu nhất để thành đạt mục tiêu vị tha ấy. 

Thứ đến, ta phải có đủ kiên trì và kỷ luật tự giác để khởi sự tu hành có thứ lớp. Nhiều người nghĩ: "Mật tông là lối tu cao nhất, nên tôi không cần quan tâm đến những tập luyện dẫn nhập" rồi họ nhảy bổ vào những giáo lý cao cấp; việc ấy vừa điên rồ vừa ngạo mạn, và lại khá nguy hiểm. Kẻ nào có thái độ nóng nảy thiếu thực tế như vậy thì hoàn toàn không đủ tư cách thụ giáo mật tông. 

Cuối cùng, thực vô cùng quan trọng để phân biệt tinh yếu của mật tông với những sắc thái văn hóa của mật tông hiện thời. Điều tôi muốn nói là, không ích gì cho một người xứ khác phải giống người Tây tạng, hay bất cứ người đông phương nào. Ví dụ, tập tụng kinh bằng một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, thì không phải là cách để ta đạt đến tiềm năng cao nhất của mình. Không có gì siêu việt khi thay thế những quy ước của một nền văn hóa này với một nền văn hóa khác. Những người tu kiểu hời hợt này cuối cùng chỉ rước lấy hoang mang lẫn lộn không biết mình là ai, hay mình phải làm gì. Dĩ nhiên trong giai đoạn chuyển tiếp của mật giáo từ đông sang tây, sẽ rất lợi ích nếu người ta học được Tạng ngữ vân vân. Nhưng ta nên nhớ mật tông là cái gì còn sâu xa hơn vô vàn. Cái điều mà mật tông dạy cho ta là một phương pháp để thoát ly tất cả những giới hạn ràng buộc tri kiến của ta về ta là ai, ta có thể trở thành gì. Nếu đến với mật tông bằng một tâm trí minh mẫn và quyết tâm rút được tinh hoa của giáo lý, thì chắc chắn ta có thể mang lại cho đời mình sự toàn vẹn và hạnh phúc tâm linh mà tất cả chúng ta đang tìm

---o0o---

Nguồn: www.thuvienhoasen.org

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/12/2011(Xem: 6977)
Phật quả đòi hỏi những thành tựu phi thường về thân và tâm. Cho nên, việc truyền những phẩm đức siêu việt này vào trong pho tượng trở nên nổi bật trong những buổi lễ quán đảnh.
17/12/2011(Xem: 9766)
Nẳng mồ tát phạ đát tha nghiệt đá nẫm Nẵng mồ nẵng mạc tát phạ một đà mạo địa tát đát-phạ tỳ dược Một đà đạt mạ tăng chi tỳ dược, đát nhĩ dã tha...
29/10/2011(Xem: 8302)
Lúc bấy giờ đức Thích-ca Mâu-ni ở cung trời Tịnh Cư dạy ngài Văn-thù-sư-lợi đại Bồ-tát và tứ chúng, bát bộ Du không đại thiên, Cửu chấp thất diệu, mười hai cung thần, hai mươi tám vì tinh tú, nhật nguyệt: “Thời quá khứ ta ở chỗ Ta-la Thọ Vương Phật, thọ Pháp Đại oai đức Kim luân, Phật Đảnh Xí Thạnh Quang Như Lai Tiêu trừ Nhất thiết tai nạn đà-ra-ni. Đối với đời vị lai, nếu có cõi nước nào, nhật, nguyệt, ngũ tinh, La Hầu, Kế Đô, sao chổi, sao phướng, các yêu quái, ác tinh chiếu đến bổn mạng cùng quyến thuộc cung thần, hw các vì tinh tú chiếu đến ngôi quốc chủ ở trong nước, trong nhà, nơi thôn làng, lúc bị bức ép, tiến vào làm các tai nạn, nên ở chỗ thanh tịnh an trí đạo tràng chí tâm thọ đà-ra-ni 108 biến hoặc 1.080 biến hoặc một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày.
25/10/2011(Xem: 4641)
Sự thật là chúng ta đều rất lười biếng và cần có những lý do hợp lý để khuyến khích mình hành trì Pháp. Nếu không, chúng ta sẽ không có động cơ nào để thực hành bất cứ pháp tu nào.
02/10/2011(Xem: 5247)
Cuộc đời này tựa như giấc mơ và ảo ảnh Đối với những ai không nhận thức được điều này, hãy phát tâm bi mẫn với họ.
02/10/2011(Xem: 4734)
Khi Đức Dalai Lama học môn tranh luận, Ngài thường xuyên tranh luận với một nhà tranh luận (tsenshab) được chỉ định, và hai vị sẽ tranh luận riêng với nhau.
02/10/2011(Xem: 6897)
Bạn thực hành các tư tưởng tích cực thật nhiều lần, và khi bạn có thể dần dần loại bỏ các tư tưởng tiêu cực thì điều này sẽ tạo ra các thực chứng.
29/09/2011(Xem: 5543)
Tất nhiên không ai trong chúng ta muốn khổ, điều quan trọng nhất là chúng ta nhận ra điều gì tạo ra khổ, tìm ra nguyên nhân tạo khổ và cố gắng loại trừ những nhân tố này.
28/09/2011(Xem: 5041)
Ngài không có bàn thờ, kinh sách, chẳng có gì cả. Ngài đã học thuộc lòng tất cả các kinh sách và bài cầu nguyện trong những năm tu học tại Sera, nên Ngài không cần những thứ này.
28/09/2011(Xem: 5683)
Khi bạn thực hành Chulen, bạn tự hóa hiện như một bổn tôn, sau đó bạn dùng viên thuốc và quán tưởng rằng bạn đang thọ dụng những tinh túy của ngũ đại, không khí...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]