- 01. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một Đức Phật lịch sử
- 02. Tịnh Độ Tông của Ấn Độ
- 03. Tịnh Độ Tông của Trung Hoa
- 04. Tịnh Độ Tông của Nhật Bản
- 05. Tịnh Độ Tông của Tây Tạng
- 06. Phật Giáo thời kỳ đầu của người Âu Mỹ
- 07. Tịnh Độ Tông của Việt Nam
- 08. Con đường Tịnh Độ
- 09. Cùng một tác giả
- 10. Phương danh cúng dường
HT Thích Như Điển biên soạn
I. ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI là một Đức Phật lịch sử
C.- Tư Tưởng Kinh QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ
Chữ quán ở đây có nghĩa là Thiền Định, suy tư, nhớ nghĩ về… Vô Lượng Thọ tức là danh hiệu của Đức Phật A Di Đà. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói kinh nầy tại núi Linh Thứu nơi thành Vương Xá thuộc xứ Ma Kiệt Đà, trực tiếp cho Hoàng Hậu Vy Đề Hy và Ngài A Nan cũng như 1.250 vị Đệ Tử Tỳ Kheo nghe.
Nguyên nhân Đức Phật nói kinh nầy là vì lẽ A Xà Thế con mình đã nghe lời dụ dỗ của Đề Bà Đạt Đa giam cha mình là Tần Bà Xa La vào ngục thất để cướp ngôi. Khi đức Vua ở trong tù, được Đức Phật chỉ dạy cho phép tu Bát Quan Trai; nên giờ phút lâm chung, Vua được sanh Thiên. Trong thời gian nhà vua ở trong lao ngục, không ai được phép đến thăm, ngoại trừ Hoàng Hậu Vy Đề Hy. Cứ mỗi lần thăm nuôi, Bà tắm gội sạch sẽ và thoa bột lên tóc mình, khi vào ngục, bà đánh lừa quân canh dễ dàng, vì không biết bà có mang theo thức ăn cho chồng mình. Thời gian trôi qua lâu; nhưng đức vua vẫn chưa có dấu hiệu nào suy yếu, vì không cho cung cấp thức ăn hằng ngày. A Xà Thế hỏi quân canh ngục và được tâu lại tất cả sự tình như trên; nên A Xà Thế rất giận dữ và muốn giết hoặc giam giữ cả mẹ mình nữa; nhưng nhờ những vị Đại Thần can ngăn rằng: “Xưa nay có nhiều người con cướp ngôi vua để xưng vương, chứ ít ai giết hay giam mẹ mình để thỏa mãn lòng mong ước”. Do vậy A Xà Thế đã tha cho mẹ mình.
Một hôm Hoàng Hậu Vy Đề Hy kể lại chuyện xưa cho A Xà Thế nghe rằng: “Ngày xưa vua cha Tần Bà Xa La cũng thương A Xà Thế lắm. Ví như có lần A Xà Thế bị bịnh ung nhọt đầy người. Vua cha Tần Bà Xa La sợ con mình bị đau nên đã dùng chính miệng mình để hút tất cả những chất máu mủ ấy vào miệng, khiến A Xà Thế chóng lành bịnh”. Khi nghe chưa dứt câu chuyện, A Xà Thế đã động lòng trắc ẩn, sám hối lỗi lầm và cho quân lính mở cửa ngục thả cha mình ra; nhưng than ôi! Lúc ấy vua Tần Bà Xa La đã băng hà và nhờ tu giới Bát Quan Trai theo lời Phật dạy; nên ông đã thác hóa sanh thiên và chứng quả Dự Lưu.
Hoàng Hậu Vy Đề Hy thấy cuộc đời nầy quá khổ đau, sống để chứng kiến những điều như vậy; nên bà có ý khi lâm chung muốn sanh về một thế giới khác; không muốn trở lại thế giới nầy để chứng kiến những khổ đau sầu lụy như thế nữa. Đức Phật từ đỉnh núi Linh Thứu biết được tâm ý của bà; nên đã dùng hào quang chiếu soi tất cả các cảnh giới. Cuối cùng bà chọn thế giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà để vãng sanh.
Đây là một câu chuyện có thật, một câu chuyện lịch sử, có thật một triều đại như thế, một ông vua như thế cùng thời với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; nhưng kinh nầy chỉ còn bản văn chữ Hán chứ bản tiếng Phạn lại không còn; cho nên nhiều nhà chú giải kinh điển sinh tâm nghi ngờ; nhưng riêng với tôi, tác giả quyển “Tư Tưởng Tịnh Độ Tông” nầy không nghi ngờ gì cả. Có lẽ vì nguyên bản chữ Phạn được hình thành trước và sau Tây lịch khi đem sang Trung Hoa dịch Hán văn rồi, bản chính bị thất lạc. Còn ở tại quê hương Ấn Độ sau nầy bị Hồi Giáo thiêu hủy tất cả những kinh điển của Phật Giáo; nên nguyên bản không còn tìm lại được nữa. Đây là lý do có thể khả tin chăng?
Riêng Phật Giáo Tịnh Độ do Ngài Thân Loan chủ trương vào thế kỷ thứ 13 tại Nhật thì quan niệm rằng: Những người ác như A Xà Thế, Vô Não, Da Xá v.v… nếu họ đã quyết tâm phản tỉnh, thì chính sự sám hối biết tàm quý ấy mau chứng đạo hơn là những người bình thường và Thân Loan có một lối nhìn khác là: “Phật để tâm độ cho những người ác trước cả người hiền”. Qua câu chuyện một người mẹ có 3 người con; trong khi 2 người con đầu phát triển bình thường thì người mẹ ít lưu tâm; người con thứ 3 bịnh hoạn, đau yếu thì người mẹ thương hơn. Đây là một kết luận độc đáo của Ngài Thân Loan so với tư tưởng của những Tông Phái khác. Ngài nhắm vào tư tưởng cứu độ chúng sanh, như Đức Phật đã cứu Đề Bà Đạt Đa trong kinh Pháp Hoa hay A Xà Thế trong kinh Vô Lượng Thọ.
Tư tưởng kế tiếp là tư tưởng nhờ thần lực của Đức Phật Thích Ca mà bà Vy Đề Hy thấy được cảnh giới Tây Phương Cực Lạc; nếu riêng chỉ tự lực của bà, bà chỉ thấy cảnh khổ chung quanh vây bủa mình mà thôi. Lại chính nhờ câu Phật hiệu A Di Đà mà 16 pháp quán bà đã tâm đắc để sau nầy khi lâm chung sẽ được sanh về đó.
Đức Thế Tôn bảo bà Vy Đề Hy rằng: “Nay ngươi biết chăng? Phật A Di Đà cách đây không xa, ngươi hãy buộc niệm xem kỹ nước ấy, là tịnh nghiệp thành. Nay ta vì ngươi nói rộng các dụ, cũng để tất cả phàm phu đời sau, những ai muốn tu tịnh nghiệp, được sanh về cõi Cực Lạc Tây Phương”.
Trong kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho Ngài Xá Lợi Phất biết rằng: “Cõi ấy cách thế giới Ta Bà nầy cả 10 vạn ức cõi Phật, nơi đó có Đức Phật A Di Đà hiện đang thuyết pháp. Còn nơi kinh Quán Vô Lượng Thọ nầy là: Cách đây không xa; nghĩa là chỉ trong một niệm nhớ nghĩ và xem xét. Do vậy kinh nầy người Âu Mỹ gọi là kinh Thiền Định về Đức A Di Đà.
“Muốn sanh nước ấy, phải tu 3 phước:
- Phước thứ nhất là: Hiếu dưỡng cha mẹ, vâng thờ Thầy dạy, từ tâm chẳng giết, tu mười thiện nghiệp.
- Phước thứ hai là: Thọ giữ ba pháp quy y Tam Bảo, đủ các giới cấm, không phạm oai nghi.
- Phước thứ ba là: Phát tâm Bồ Đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh điển Phương Đẳng Đại Thừa, khuyên người khác tu. Ba điều như vậy gọi là Tịnh Nghiệp”. (Kinh Quán Vô Lượng Thọ, trang 160).
Cái phước của người con hiếu hạnh là phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống cũng như khi về già. Đức Phật đã chẳng từng dạy rằng: Ai biết kính thờ cha mẹ là kính thờ Phật. Cha mẹ là hiện thân của vị Phật từ bi, nếu hai đấng sanh thành ấy mà ta bất hiếu, thì ai sẽ là người có hiếu với bản thân mình về sau nầy. Vì gieo nhân nào sẽ gặp quả nấy; không ở đời nầy thì đời khác, không lúc nầy thì lúc khác phải gặp quả báo ấy.
Thầy dạy ta là những người mang đến cho ta sự hiểu biết và trí tuệ mà ta không biết vâng lời để thực hành theo thì trên thế gian nầy còn gì cao xa hơn nữa?
Là một con người dầu xuất gia hay tại gia, ai ai cũng có Thầy dạy ở trong đạo và Thầy dạy ngoài đời. Họ là những người mô phạm, giúp ta rõ đường đi nước bước. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Không Thầy đố mầy làm nên” là vậy.
Là con người, đa phần lòng từ lại ít; trái lại tâm ưa sát hại chúng sanh lại nhiều. Do vậy cần phải thể hiện lòng từ bi đối với tất cả chúng sanh cũng như tu mười nghiệp lành như: Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời hung ác, không nói dối, không tham, không sân và không si. Có như vậy mới xứng đáng là một hành giả biết tu nhơn.
Là một chúng sanh bình thường biết làm việc thiện không chưa đủ, mà cần phải quy y Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng và giữ gìn những giới cấm do Phật chế. Giới như hàng rào ngăn ngừa những tội lỗi và từ đó bất cứ làm vấn đề gì, chúng ta cũng suy tính kỹ càng trước khi thực hiện. Là người xuất gia có cả 3.000 oai nghi tế hạnh. Riêng Phật Tử tại gia cũng gìn giữ những oai nghi căn bản khi đi, đứng, nằm, ngồi.
Khi đã quy y thọ giới rồi liền khởi tâm làm việc thiện lương, tạo ra những phước đức cho mình và cho người, ở đời nầy cũng như đời sau. Điều quan trọng là những việc làm ấy phải thuận với nhân quả và trì tụng cũng như tin sâu những kinh điển Đại Thừa. Nếu một người tin nhân quả mà không tin những lời dạy của Phật hoặc chư Tổ; như vậy cũng chưa phải là có lòng tin sâu rộng. Từ đó mới khuyến khích những người khác cùng phát tâm tu học.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã bảo Ngài A Nan và Hoàng Hậu Vy Đề Hy rằng:
“Hãy lóng nghe! Lóng nghe! Và khéo nghĩ nhớ. Như Lai ngày nay vì các chúng sanh thời đại sau nầy bị giặc phiền não bủa vây làm hại, mà giảng nói về pháp tu tịnh nghiệp. Lành thay Vy Đề Hy, hỏi việc rất hay! Thị giả A Nan ông hãy ghi nhớ, rộng vì mọi người tuyên nói lời Phật. Như Lai ngày nay dạy Vy Đề Hy và các chúng sanh trong đời sau nầy quán tưởng thế giới Cực Lạc Tây Phương. Nhờ lực của Phật, sẽ được nhìn thấy cõi thanh tịnh ấy, như cầm gương sáng, tự thấy mặt mình, thấy cõi nước ấy cực vui, mầu nhiệm, tâm sanh hoan hỷ, ngay đó liền chứng vô sanh pháp nhẫn…”.
Con người ngày xưa chưa tiến bộ, khi còn ăn lông ở lỗ thì tập hợp nơi núi rừng, săn thú, đào củ ăn để sống. Di chuyển từ gần đến xa, sau đó trở thành dân du mục. Đến thế kỷ thứ 15, 16 con người văn minh hơn, đã biết đi thuyền trên biển; rồi vượt đại dương để đến thăm những lục địa khác trên quả địa cầu nầy. Cho đến thế kỷ thứ 21, con người hầu như đã hoàn toàn chinh phục được thiên nhiên. Ngọn núi Everet ở dãy Hy Mã Lạp Sơn tại Ấn Độ cao 8.848 mét cũng đã có người leo đến đỉnh. Những độ sâu nhất của biển cũng đã có máy móc dò tìm. Rồi lạnh buốt như Nam, Bắc Cực; nơi đá đông quanh năm suốt tháng mà cũng đã có nhiều người mạo hiểm đến đó. Không những thế, ngày nay người ta còn dùng những chiếc máy bay khổng lồ chở 500 đến 700 người bay trên không trung và hạ cánh an toàn tại các phi đạo. Những việc như thế, nếu cách đây 3, 4 trăm năm về trước mà thành tựu thì chắc loài người còn ngạc nhiên hơn nữa và loài người thuở ấy chắc rằng không bao giờ nghĩ đến việc của bốn năm trăm năm về sau nầy như vậy.
Ngay ở thời điểm nầy (2011) người ta đã đặt chân lên cung trăng và các vì tinh tú khác. Tất cả những nơi ấy đều có sự sống và đều có những sinh vật tồn tại ở những nơi kia. Tất cả đều là nhờ khoa học và những nhà Bác Học khám phá ra. Thần thông của họ là nhiên liệu dầu hỏa, khí đốt. Năng lực bảo hộ cho họ khỏi rơi ra ngoài không khí là vỏ máy bay hay phi thuyền làm bằng thiếc, hay chất uranium v.v…
Như vậy chúng ta có thể tin được rằng năng lực của Đức Phật Thích Ca có thể thâu tóm thế giới Tây Phương Cực Lạc nhỏ lại và sáng như tấm gương để Ngài A Nan và Hoàng Hậu Vy Đề Hy trông thấy được. Đồng thời với tha lực của Đức Phật A Di Đà, Ngài có thể mang những chúng sanh có lòng tin tưởng về cõi nước của Ngài sau khi lâm chung muốn sanh về đó. Đây là bổn nguyện lực của Đức A Di Đà và oai lực của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vậy.
Đức Thế Tôn bảo bà Vy Đề Hy rằng:
“Ngươi và chúng sanh phải nên chuyên tâm, buộc niệm một chỗ, tưởng nơi Phương Tây. Tưởng như thế nào?
Cách tưởng ấy là:
- Bất cứ người nào, nếu chẳng phải kẻ sanh ra đã mù, hay người mắt sáng, đều thấy hình ảnh mặt trời sắp lặn. Nên khởi tưởng về mặt trời lặn. Ngoài xoay hướng Tây, xem cho kỹ chỗ mặt trời sắp lặn, giữ tâm đứng vững, chẳng cho di động, thấy mặt trời lặn như cái trống treo. Thấy mặt trời rồi nhắm mắt, mở mắt đều thấy rõ ràng.
Trên đây gọi là: Pháp quán thứ nhất Quán Tưởng Mặt Trời”.
Mặt trời mang ánh sáng tạo ra năng lượng để chiếu rọi xuống quả đất nầy. Không biết bao nhiêu sinh linh được đón nhận từ trường vô giá nầy. Nếu không có mặt trời sưởi ấm, cây cối sẽ không đâm chồi, nảy lộc nở hoa, mang hương sắc đến cho đời. Mặt trời không mọc thì quả đất sẽ lạnh dần. Cho nên mọi sinh linh ở chỉ trong một vũ trụ nầy đã, đương và sẽ cần sự hiện hữu của mặt trời.
Trong kinh Phật dạy: Có những thế giới có một mặt trời, có thế giới có hai mặt trời, có thế giới có ba mặt trời và ngay cả có những thế giới có đến bảy mặt trời. Như vậy ở đó nóng lắm. Những chúng sanh nào sống ở đó chắc phải chịu đựng độ nóng chết người đi được. Có lẽ họ là những người có da thịt bằng đồng hay bằng sắt thép mới chịu đựng được nơi ấy.
Trong mấy thế kỷ qua, người ta đã đào sâu vào lòng đất và biển cả để tìm nhiên liệu và cung phụng tiện nghi cho con người. Bây giờ thì dầu hỏa sắp cạn kiệt đến nơi rồi; nên người ta bắt đầu hứng hơi gió để tạo ra năng lượng và nhiều nước văn minh ngày nay trên thế giới đang tạo ra điện năng bằng cách thâu ánh sáng mặt trời vào tấm cách nhiệt và từ đó năng lượng nầy sẽ giúp cho con người những tiện nghi cần thiết trong đời sống hằng ngày.
Riêng việc quán niệm và buộc chặt tư tưởng khi mặt trời lặn và giữ nguyên hình ảnh ấy trong tâm mà Đức Phật đã dạy cho bà Vy Đề Hy nhằm để làm chủ tâm mình, không cho một vật gì xen vào và tư tưởng ấy là tư tưởng chánh định. Khi tư tưởng đã định thì có thể làm chủ chính mình và thế giới.
“Kế quán tưởng nước, thấy nước lóng trong, cũng phải rõ ràng không nghĩ gì khác. Đã thấy nước rồi, nên tưởng băng giá, thấy băng chói suốt tưởng như lưu ly. Tưởng nầy thành rồi thấy đất lưu ly, trong ngoài chói suốt, dưới có tràng vàng, kim cang bảy báu đỡ đất lưu ly, tràng này tám phương, có đủ tám góc, mỗi mỗi phương diện trăm báu tạo thành, mỗi mỗi châu báu hàng ngàn ánh sáng, mỗi tia sáng có tám muôn bốn ngàn màu sắc khác nhau chói đất lưu ly, như hàng trăm triệu mặt trời chói lọi, nhìn không thể xiết.
Trên đất lưu ly, lằn mức hoàng kim xen kẽ lẫn lộn bởi khu bảy báu, phân ranh hẳn hòi. Trong mỗi châu báu có những tia sáng năm trăm màu sắc, tia sáng như hoa, lại như trăng sao lơ lững hư không thành đài sáng chói, lầu các vô vàn bởi hàng trăm thứ ngọc báu hợp thành. Hai bên lâu đài, mặt nào cũng có trăm ức tràng hoa, vô lượng nhạc khí dùng để trang nghiêm. Tám thứ gió mát từ ánh sáng ra khua những nhạc khí, diễn nói những tiếng khổ, không, vô thường, vô ngã v.v…
Trên đây là pháp quán tưởng băng giá, là quán thứ hai”.
Từ nước đóng thành băng, từ băng tạo thành lưu ly và trăm ngàn báu vật… chỉ là qua cách quán chiếu của tự thân. Khi nước đông thành băng cũng giống như mặt đất chứa đựng nhiều của quý và những châu báu ấy được chiếu sáng bằng nhiều màu sắc khác nhau, giống như mặt trời chiếu vào đó.
Từ mặt lưu ly ấy phát sinh hàng trăm ngàn loại hoa và trăng sao. Gió mát thổi đến tạo thành những âm thanh vi diệu hòa lên những âm thanh của tứ pháp ấn v.v… Những điều nầy thường nhật bà Hoàng Hậu Vy Đề Hy không thấy được trong cung điện của bà. Mặc dầu cung điện ở thành Vương Xá ấy là một cung điện nổi bật so với các cung điện khác đương thời; nhưng bà thấy nước vẫn là nước, chứ chẳng có gì lạ. Bây giờ Đức Phật tạo cho bà có cơ hội để quán tưởng về băng giá một cách tỉ mỉ như vậy có lẽ để bà quên đi những nỗi sầu khổ bi ai về chồng, về con và chỉ chú tâm vào một vật, một nơi, để bà chỉ còn lại việc quán tưởng mục đích tạo sự thành tựu cho niềm tin và khả năng có thể đạt được của bà trong hiện thế.
“Tưởng nầy thành rồi, quán từ hình bóng cho thật tỏ rõ, nhắm mắt, mở mắt không cho tan mất, trừ khi ăn ngủ, ngoài ra luôn luôn nhớ những sự trên. Người tưởng được vậy gọi là thô sơ thấy đất của cõi Cực Lạc. Nếu chứng Tam Muội, thấy đất cõi ấy tỏ rõ hẳn hòi, không sao nói đủ.
Trên đây là pháp quán tưởng mặt đất, là quán thứ ba”.
Khi quán nước và băng đá trở thành lưu ly như ở cõi Cực Lạc rồi thì ngày đêm không dừng nghỉ, lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm như thế, chỉ trừ khi đi ăn và đi ngủ. Như vậy niệm niệm liên tục cho đến khi chứng được Tam Muội hiện tiền nghĩa là chuyên tâm chú ý ở một chỗ, không để tan loạn mà phải giữ cho tâm an tĩnh, trạng thái nầy gọi là Tam Muội. Khi đạt đến trạng thái Tam Muội thì liền phát khởi trí tuệ mà khai ngộ chân lý, vì thế khi dùng Tam Muội nầy tu hành mà được cảnh giới Phật thì gọi là Tam Muội phát đắc hoặc phát định. Khi quán như vậy về đất như thế lâu ngày trở nên thuần thục thì tưởng trên dưới đất lưu ly ấy là thấy đất thô sơ ở cõi Tây Phương Cực Lạc.
“Phật bảo A Nan:
Ông nhận lời Phật, vì các chúng sanh muốn được thoát khổ trong đời sau nầy, mà nói về pháp Quán Đất trên đây. Nếu quán tưởng được pháp quán đất nầy là sẽ trừ những tội khổ sống chết, tám mươi ức kiếp, sau khi bỏ thân quyết sanh cõi Tịnh, tâm được không nghi. Khởi quán như thế gọi là quán đúng, nếu như quán khác, là quán sai lạc”.
Phật bảo A Nan và Vy Đề Hy về pháp quán cây báu. Pháp quán nầy diễn tả cây cối có nhiều cành lá đẹp đẽ, màu sắc như pha lê tỏa ra ánh sáng hồng, xanh và có nhiều lớp lưới bao phủ. Trên lưới ấy có cung điện của các Phạm Vương. Những ánh sáng trên cây ấy chiếu ra như hàng ngàn mặt trời, mặt trăng đang hiện hữu. Trên cây ấy lại có những quả báu như những chiếc bình của Trời Đế Thích và những ánh sáng ấy hóa thành phan phướn và những lọng báu. Trong ánh sáng ấy chói hiện những Phật sự của toàn cõi Đại Thiên và mười phương cõi nước của các Đức Phật cũng hiện trong ấy.
Khi quán tưởng về cây báu nầy, phải quán từ thân cây, nhánh cây, lá, hoa đều phải rõ ràng. Đây là pháp quán thứ tư.
Ánh sáng ở cõi giới Ta Bà nầy luôn giới hạn và có phân chia ra ngày và đêm; nhưng ánh sáng ở cõi Tây Phương Cực Lạc thì luôn luôn tươi mát, chiếu sáng dịu dàng không ngăn ngại và chẳng phân biệt ngày đêm; nên những chúng sanh được sanh về đó có cảm giác hoàn toàn an lạc để được sống trong cảnh giới thanh tịnh giải thoát ấy với vô lượng Bồ Tát và các thiện hữu trí thức ở cõi ấy.
“Kế nên tưởng nước, muốn tưởng nước thì: Quốc độ Cực Lạc có tám ao nước. Mỗi mỗi ao nước bảy báu tạo thành, ngọc ấy rất nhuần nhuyễn, từ những châu chúa Như Ý sanh ra, chia làm 14 chi nhánh, mỗi nhánh có màu bảy báu tuyệt đẹp. Thành ao vàng ròng, dưới thành có chất kim cương nhiều màu làm cát trải đáy. Trong mỗi dòng nước có sáu mươi ức hoa sen bảy báu, mỗi mỗi hoa sen tròn trịa cân đối, mười hai do tuần, nước Ma Ni ấy chảy rót giữa hoa, theo cọng lên xuống, tiếng nước tuyệt vời, diễn nói những nghĩa khổ, vô thường, vô ngã, các Ba La Mật, lại khen thưởng tốt của các Đức Phật. Châu chúa Như Ý vọt ra sắc vàng, ánh sáng vi diệu, ánh sáng hóa thành chim báu trăm màu hót tiếng lảnh lót, thường khen niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
Đó là pháp tưởng Nước Tám Công Đức và là pháp quán thứ năm”.
Nước tám công đức tức là nước có đủ tám thứ công đức thù thắng. Bên cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà có ao tám công đức, chứa đầy nước tám công đức ở trong. Tám công đức thù thắng của nước trong ao là: Lặng trong, sạch mát, ngọt ngào, mềm nhẹ, thấm nhuần, an hòa, trừ đói khát, nuôi lớn các căn… (Phật Quang Đại Từ Điển trang 438).
Trong mỗi dòng nước chảy như thế có cả hằng ức ức hoa sen bảy báu và mặt nước Ma Ni chảy rót vào hoa lớn đẹp kia và tiếng nước ấy cũng diễn nói được tam pháp ấn về khổ, vô thường, vô ngã và ngay cả nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật nữa. Các Đức Phật đều ngợi khen, đồng thời ánh sáng tại đó cũng hóa thành chim báu để ca ngợi, tán thưởng người hay nhớ đến ba ngôi báu.
“Cõi nước Cực Lạc toàn sự quý lạ. Trên mỗi khu vực có năm trăm ức lầu gác châu ngọc. Trong lầu gác ấy, vô lượng chư thiên trỗi những nhạc trời. Lại có những nhạc cụ lơ lửng trên không như cờ phướn trời, không ai trỗi khúc mà vẫn âm vang, trong những điệu nhạc đều nói về việc niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tỳ Kheo Tăng…
Trên đây là pháp quán tưởng Tổng Quát, là quán thứ sáu”.
Quán Tổng Quát nầy gồm có đất, cây, ao, lầu báu v.v… Đây chính là cảnh giới Tây Phương Cực Lạc nơi Đức Phật A Di Đà đang làm giáo chủ. Nhạc trời tự nhiên ngân vang và những âm điệu ấy cũng biết nhớ nghĩ đến ba ngôi Tam Bảo. Đây chính là do năng lực của Đức Phật A Di Đà hóa hiện vậy.
Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ bày cho Hoàng Hậu Vy Đề Hy quán đến đó thì thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ đứng giữa hư không, Ngài Quan Thế Âm và Đức Đại Thế Chí, hai vị Đại Sĩ đứng hầu hai bên, ánh sáng rực rỡ, không sao nhìn rõ, hàng trăm ngàn sắc vàng Diêm Phù Đàn cũng không thể sánh. Bà Vy Đề Hy được thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ rồi, lạy xuống sát đất và bà thưa rằng:
“Kính bạch Đức Thế Tôn! Nay con vì nhờ thần lực của Phật mà được nhìn thấy Phật Vô Lượng Thọ và hai vị Bồ Tát, chúng sanh đời sau làm thế nào quán Phật Vô Lượng Thọ và hai vị Đại Sĩ “.
Đức Phật chỉ bảo bà Vy Đề Hy về việc quán tưởng tòa sen báu của Đức Phật A Di Đà. Đài sen nầy có vô lượng cánh sen và mỗi cánh sen tỏa ra vô lượng ánh sáng và những ánh sáng ấy tạo ra những màu sắc vàng ròng và mỗi tia ánh sáng như vậy đều tỏa ra những ánh sáng lạ. Đây là pháp tưởng Tòa Sen báu, gọi là pháp quán thứ bảy.
“… Muốn quán tưởng Phật Vô Lượng Thọ thì: Trước phải tưởng tượng. Nhắm mắt mở mắt thấy một tượng báu, màu tượng như màu vàng Diêm Phù Đàn, ngồi trên hoa kia. Thấy tượng ngồi rồi thì mắt huệ sẽ mở tỏ rõ ràng. Thấy cõi Cực Lạc bảy báu trang nghiêm: Đất báu, ao báu, hàng lối cây báu, mành báu, các trời bao phủ lên trên cây, các mành lưới báu đầy trong không gian. Thật sự như thế rất rõ ràng, như thấy làn chỉ nơi lòng bàn tay…”.
Tiếp đến quán hoa sen lớn bên trái của Phật A Di Đà; nơi Đức Quan Thế Âm Bồ Tát ngồi đó và một hoa sen lớn bên phải Đức Phật, có Đức Đại Thế Chí ngồi. Khi tưởng nầy thành, tượng Phật và Bồ Tát đều phóng quang minh, quang minh màu vàng soi những cây báu. Dưới mỗi cây báu đều có ba hoa sen. Trên các hoa sen, đâu đâu cũng có một Đức Phật, hai vị Bồ Tát khắp cõi nước ấy.
Nếu tưởng được như vậy sẽ thấy được Vô Lượng Đức Phật A Di Đà và vô lượng Quan Thế Âm cùng Đại Thế Chí Bồ Tát. Khi tưởng được như vậy rồi thì hành giả sẽ nghe được nước chảy, ánh sáng, tất cả cây báu, chim chóc đều diễn phép mầu. Khi nhập định hay xuất định đều nghe được diệu pháp.
Trên đây là pháp quán tưởng hình tượng, là quán thứ tám.
“Phật bảo A Nan và bà Vy Đề Hy: . . . A Nan nên biết, Phật Vô Lượng Thọ, thân như trăm ngàn muôn ức màu sắc vàng Diêm Phù Đàn cõi trời Dạ Ma, thân Phật cao vời, sáu mươi muôn ức số na do tha hằng hà sa do tuần, tướng sáng bạch hào giữa đôi lông mày xoáy tròn uốn lượn về phía bên phải như năm Tu Di. Mắt Phật ví như nước bốn biển lớn, xanh trắng rõ ràng. Các lỗ chơn lông tuôn ra ánh sáng như núi Tu Di. Vòng ánh sáng tròn nơi thân Phật, lớn như trăm ức đại thiên thế giới. Giữa vòng ánh sáng có trăm vạn ức na do tha số cát sông Hằng các vị hóa Phật, mỗi mỗi hóa Phật có đông vô số Bồ Tát hóa hiện theo làm thị giả.
Phật Vô Lượng Thọ có tám muôn bốn ngàn tướng tốt, trong mỗi tướng tốt, tướng nào cũng có tám muôn bốn ngàn vẻ đẹp tùy hình, trong mỗi vẻ đẹp lại có tám muôn bốn ngàn tia sáng, mỗi mỗi tia sáng soi khắp mười phương vô lượng thế giới, nhiếp lấy không bỏ những ai niệm Phật. Quang minh, tướng tốt và những hóa thân của Đức Phật ấy không thể nói đủ, chỉ nên nhớ tưởng, khiến cho “mắt tâm” sáng suốt tự thấy.
Thấy những sự trên, tức thấy tất cả chư Phật mười phương, do thấy chư Phật nên mệnh danh là Niệm Phật Tam Muội. Người vận dụng được pháp quán tưởng nầy, gọi là quán tưởng tất cả thân Phật. Bởi quán thân Phật, cho nên cũng sẽ nhận ra tâm Phật. Tâm Phật chính là tâm Đại Từ Bi, dùng vô duyên (vô duyên từ: Nghĩa là lòng từ bình đẳng vô điều kiện đối với tất cả) nhiếp khắp chúng sanh. Tu pháp quán nầy sau khi bỏ thân, hành giả được sanh ở trước chư Phật, chứng Vô Sanh Nhẫn. Bởi vậy người trí hãy nên buộc tâm, quán kỹ Đức Phật Vô Lượng Thọ…
Trên đây là nói quán khắp tướng toàn sắc thân của Phật, là quán thứ chín”.
Đức Phật A Di Đà là vị giáo chủ ở cõi Tây Phương Cực Lạc, qua 48 lời thệ nguyện của Ngài khi còn là một Pháp Tạng Tỳ Kheo, thì lời nguyện nào cũng có câu: “Giả sử khi tôi thành Phật… nếu không được vậy, thì tôi sẽ chẳng ở ngôi chánh đẳng chánh giác”. Vì cái nhân vô lậu; nên phát sinh cái quả vô lậu. Từ thân tướng của Ngài trang nghiêm đẹp đẽ có vô lượng ánh sáng, vô lượng sắc đẹp, vô lượng trí tuệ, vô lượng phước đức… Tất cả đều do công năng trì giới, tu các phép lành trong vô lượng kiếp mà được thành tựu như vậy.
“Phật bảo A Nan và Vy Đề Hy:
Sau khi quán thấy Phật Vô Lượng Thọ tỏ rõ hẳn hòi, tiếp đến cũng nên quán tưởng Bồ Tát Quán Thế Âm.
Vị Bồ Tát nầy thân cao lớn đến tám mươi muôn ức na do tha do tuần, thân màu vàng tía, đảnh có nhục kế, ót có vòng sáng, bề nào cũng rộng trăm ngàn do tuần; trong vòng sáng có 500 hóa Phật, như Phật Thích Ca Mâu Ni, mỗi mỗi hóa Phật lại có 500 vị hóa Bồ Tát, vô lượng chư thiên để làm thị giả. Quang minh nơi thân khi động khi dừng, bao nhiêu sắc tướng chúng sanh năm đường đều hiện bóng vào. Trên đầu Bồ Tát có đội thiên quan bằng ngọc Ma Ni Tỳ Lăng Già, trong thiên quan ấy có hóa Phật đứng, hóa Phật cao hai mươi lăm do tuần.
Bồ Tát Quan Thế Âm sắc mặt dường như vàng Diêm Phù Đàn, tướng bạch hào đủ màu sắc bảy báu, tuôn ra tám muôn bốn ngàn ánh sáng, mỗi ánh sáng có vô lượng, vô số trăm ngàn hóa Phật, mỗi vị hóa Phật lại có vô số những hóa Bồ Tát theo làm thị giả, biến hiện tự tại khắp mười phương cõi…
Trên đây là pháp quán tưởng sắc thân chơn thật của Bồ Tát Quan Thế Âm, là quán thứ mười”.
Đức Quán Thế Âm là vị Bồ Tát thường theo hầu Đức Phật A Di Đà ở thế giới Tây Phương Cực Lạc và tiếp dẫn chúng sanh khi sắp lâm chung về thế giới kia. Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm thứ 25, Ngài là vị Bồ Tát hóa hiện 32 thân khác nhau để cứu đời. Công hạnh của Ngài thật là vô lượng vô biên không thể nói hết. Người Á Châu thường thờ Ngài như là một vị Bồ Tát cứu khổ, cứu nạn. Trong nhiều bài kệ tán thán công hạnh của Ngài có bài:
Bảo Quang đảnh Phật nhơn đới quả
Quá khứ chánh pháp minh Như Lai
Bi nguyện vận vi Thiên Thủ Nhãn
Chiếu hộ quần sanh bất thất thời.
Nghĩa:
Bảo Quang là Phật ở đời trước
Thời quá khứ hộ Đức Như Lai
Lòng từ vận khắp, ngàn tay mắt
Cứu độ chúng sanh, chẳng kể giờ.
Chúng ta thường hay thấy Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ăn vận giống như người nữ; nhưng thật ra Ngài là nam nhân. Vốn đã thành Phật hiệu là Bảo Quang từ trong quá khứ xa xôi và với lòng từ bi hiện ra thân hình có ngàn tay, ngàn mắt để kịp thời cứu hộ chúng sanh trong mười phương vô biên thế giới trong cùng một lúc, chẳng nệ hà khó nhọc.
Đức Phật dạy tiếp:
Kế nữa Bồ Tát Đại Thế Chí.
Thân Bồ Tát nầy, mức độ lớn nhỏ cũng như Bồ Tát Quan Thế Âm. Vòng sáng trên đầu, mặt nào cũng là một trăm hai mươi lăm do tuần, chiếu ra hai trăm năm mươi do tuần. Mỗi khi động thân, quang minh chiếu suốt cõi nước mười phương, tỏa màu vàng tía, người có phước duyên thảy đều được thấy. Hễ thấy quang minh một lỗ chơn lông của Bồ Tát đây, là thấy ánh sáng thanh tịnh nhiệm mầu của Vô Lượng Đức Phật ở khắp mười phương, do đó tôn hiệu của vị Bồ Tát nầy là Vô Biên Quang, dùng ánh tuệ quang soi khắp tất cả, làm cho chúng sanh lìa khỏi tam đồ, được lực cao tột. Bởi vậy Bồ Tát được mệnh danh là Đấng Đại Thế Chí. Thiên quang trên đảnh của Bồ Tát có 500 hoa báu, mỗi hoa báu có 500 đài báu, trong mỗi đài báu, những tướng rộng dài, các cõi màu sạch của những Đức Phật, ở khắp mười phương đều hiện trong đó. Nhục kế trên đảnh như hoa sen vàng, trên chót nhục kế có một bình báu đầy những quang minh hiện khắp Phật sự. Ngoài ra những tướng lớn nhỏ trên thân như Quan Thế Âm, không mấy sai khác. Bồ Tát nầy đi, thì mười phương cõi đều bị chấn động, ngay chỗ đất động có 500 hoa báu, mỗi mỗi hoa báu trang nghiêm, cao sáng như những hoa báu ở cõi Cực Lạc. Khi Bồ Tát ngồi, cõi nước bảy báu lay động một lúc. Từ quốc độ của Đức Phật Kim Quang ở tận phương dưới, cho đến quốc độ Phật Quang Minh Vương ở tột phương trên, trong khoảng giữa ấy, vô lượng trần số phân thân của Đức Phật Vô Lượng Thọ, vô số phân thân của Quan Thế Âm và Đại Thế Chí thảy đều vân tập về cõi nước Cực Lạc, chật ních hư không, đều ngồi tòa sen diễn nói pháp mầu độ chúng sanh khổ.
Quán được như trên gọi là quán đúng, đúng tướng sắc thân của Đại Thế Chí. Đây gọi là pháp quán thứ mười một”.
Đức Đại Thế Chí luôn luôn đi hầu cận bên Đức Phật A Di Đà, là Bồ Tát trợ thủ với Đức Quan Thế Âm, sẽ tiếp dẫn chúng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc khi được vãng sanh. Có nhiều bài tán ca ngợi tán thán Ngài như sau:
Đảnh thượng bảo bình hiện Phật sự
Nhứt mao khổng trung biến thập phương
Cử túc chấn kình chư quốc độ
Phổ tiếp tịnh nhơn quy Lạc Bang.
Nghĩa:
Trên đầu bình báu hiện Phật sự
Mỗi lỗ chân lông, sáng mười phương
Cất chân chấn động các nước Phật
Nhằm tiếp người sanh chốn Tây Phương.
Vị Bồ Tát nầy tượng trưng cho năng lực mạnh mẽ, thể hiện cho trí tuệ. Còn Đức Quan Thế Âm Bồ Tát thì thể hiện cho lòng từ bi. Khi đứng chung với Đức Phật A Di Đà, gọi đây là Tây Phương Tam Thánh.
“Sau khi quán thành các sự nầy rồi, nên khởi tự tâm sanh nơi thế giới Cực Lạc phương Tây. Ở hoa sen kiết già ngồi vững. Tưởng hoa xếp lại, tưởng hoa nở ra. Khi hoa nở ra, tưởng có 500 ánh sáng đủ màu chiếu rọi đến thân. Khi mở mắt ra, thấy Phật, Bồ Tát đầy khắp hư không. Nước, chim, rừng cây cùng với chư Phật phát ra tiếng nói, đều diễn phép mầu, hoàn toàn hợp với 12 phần kinh; nếu khi xuất định, ghi nhớ không mất. Thấy sự nầy rồi, gọi là được thấy Phật Vô Lượng Thọ và cõi Cực Lạc.
Trên đây là pháp quán tưởng cùng khắp, là môn quán tưởng thuộc thứ mười hai”.
Sau khi đã quán tưởng thành thục về Đức Phật A Di Đà và hai vị Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí rồi, liền tự quán mình là người sẽ được sanh về thế giới Cực Lạc, ngồi trên đài sen báu và tưởng đến lúc hoa xếp lại cũng như hoa nở ra. Mỗi hoa như vậy chiếu rọi rất nhiều ánh sáng đủ màu. Khi mở mắt cũng như khi nhắm mắt đều thấy Phật và các vị Bồ Tát đầy dẫy trong hư không. Các cảnh mầu nhiệm như chim, nước, cây rừng cũng đều tạo nên những âm thanh nói Pháp; những pháp ấy đúng với nội dụng của 12 bộ kinh Phương Đẳng Đại Thừa. Đây là cảnh giới có thật ở cõi Tây Phương đối với những người tin chắc và sâu xa về nhân quả cũng như 12 bộ kinh mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tuyên thuyết khi Ngài còn tại thế.
“Phật bảo A Nan và Vy Đề Hy:
“. . . Phật A Di Đà thần thông như ý, biến hiện tự tại nơi mười phương cõi. Hoặc hiện thân lớn đầy cả hư không; hoặc hiện thân nhỏ cao một trượng sáu. Ảnh tượng hiện ra đều sắc vàng ròng, vầng sáng nơi thân,các vị hóa Phật cùng hoa sen báu… như trước đã nói.
Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí ở tất cả nơi, thân đồng chúng sanh. Chỉ cần quan sát tướng trên đỉnh đầu là có thể biết Đức Quan Thế Âm hay Đại Thế Chí. Hai Bồ Tát nầy luôn luôn hỗ trợ Phật A Di Đà hóa độ tất cả.
Trên đây là pháp quán tướng tạp, là pháp quán tướng thứ mười ba”.
Tạp tưởng quán là quán chung tất cả ba vị Tây Phương Tam Thánh. Từ Đức Phật A Di Đà cho đến hai vị Bồ Tát. Những người tu theo Pháp Môn Tịnh Độ khi quán tưởng về tướng của ba vị nầy, không thể thiếu việc quán về thân tướng, ánh sáng, màu sắc v.v… để thâm nhập vào tâm thức của mình. Vì đây là cái nhân để được tiếp dẫn về Tây Phương Tịnh Độ.
Phật bảo A Nan và Vy Đề Hy:
- Thượng phẩm Thượng sanh là hạng người nào?
Nếu có chúng sanh nguyện sanh về nước ấy, phát ba thứ tâm bèn được vãng sanh. Những gì là ba? Tâm thứ nhất là chí thành tha thiết. Tâm thứ hai là mong muốn sâu nặng. Tâm thứ ba là phát nguyện hồi hướng. Đủ ba tâm quyết sanh nước ấy.
Lại có ba hạng chúng sanh tu hành, sẽ được vãng sanh. Những gì là ba? Hạng thứ nhất là: Tâm từ chẳng giết, đủ các giới hạnh. Hạng thứ hai là: Đọc tụng kinh điển Phương Đẳng Đại Thừa. Hạng thứ ba là: Tu sáu pháp niệm (niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm các thiền định) hồi hướng phát nguyện, nguyện sanh nước ấy…
Đó là những người Thượng Phẩm Thượng Sanh.
- Thượng phẩm Trung sanh là hạng người nào?
Đây là hạng người không hẳn đọc tụng kinh điển Đại Phương Đẳng; nhưng khéo hiểu nghĩa, với đệ nhất nghĩa tâm không kinh động, tin sâu nhân quả, không chê Đại Thừa, dùng công đức nầy hồi hướng nguyện cầu sanh nước Cực Lạc. Người tu hành nầy khi sắp mạng chung, Phật A Di Đà với Quan Thế Âm và Đại Thế Chí, Vô lượng Đại chúng, quyến thuộc bao quanh cầm đài vàng tía đến trước hành giả khen rằng: “Hỡi này Pháp tử! Ngươi tu Đại Thừa, hiểu đệ nhất nghĩa, vì thế nay ta đến đón tiếp ngươi…”.
Đó gọi là Thượng phẩm Trung sanh.
- Thế nào là hạng Thượng phẩm Hạ sanh?
Đây là những người cũng tin nhân quả, không chê Đại Thừa; nhưng chỉ phát tâm Vô thượng Bồ Đề, dùng công đức ấy hồi hướng nguyện cầu sanh nước Cực Lạc. Khi hành giả nầy sắp sửa mệnh chung, Phật A Di Đà, Quan Âm, Thế Chí cùng chư Bồ Tát cầm hoa sen vàng, hóa ra 500 Đức Phật đến đón người nầy. Năm trăm hóa Phật cùng lúc trao tay khen rằng: “Pháp tử!” Nay ngươi thanh tịnh phát tâm Vô Thượng, ta đến đón ngươi…
Ba hạng trên đây thuộc tưởng vãng sanh của hạng người bậc thượng, là quán thứ mười bốn”.
Tất cả những ai được sanh về Thượng Phẩm đều thuộc loại thượng căn, thượng trí, tin sâu Đại Thừa và nhân quả cũng như phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, cầu giải thoát sanh tử sau khi lâm chung ở thế giới Ta Bà nầy thì sẽ được chính Đức Phật A Di Đà và hai vị Bồ Tát Quán Thế Âm cùng Bồ Tát Đại Thế Chí đến nghinh tiếp. Khi về đó rồi gặp Phật liền (bực Thượng) hay sau một ngày đêm (bậc Trung) và sau bảy ngày đêm (bậc hạ); kế tiếp nghe Phật thuyết pháp.
“Phật bảo A Nan và Vy Đề Hy:
Trung Phẩm Thượng Sanh là hạng thế nào?
- Nếu có chúng sanh thọ trì 5 giới, Bát Quan Trai giới, thực hành các giới, không tạo ngũ nghịch, tránh các lỗi lầm. Đem cái lành nầy hồi hướng nguyện cầu sanh về thế giới Cực Lạc Phương Tây. Lúc sắp mệnh chung Phật A Di Đà và các Tỳ Kheo, quyến thuộc vây quanh, phóng quang màu vàng, đến chỗ người ấy, diễn nói những nghĩa: Khổ, không, vô thường, vô ngã, khen ngợi xuất gia được lìa cái khổ. Hành giả thấy rồi tâm rất vui mừng, tự thấy thân mình ngồi trên đài hoa sen, quỳ thẳng chắp tay đảnh lễ Đức Phật chưa kịp ngẩng đầu liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc, hoa cũng vừa nở, ngay lúc hoa nở, nghe các âm thanh khen pháp Tứ Đế, lúc ấy liền chứng quả A La Hán, đầy đủ ba mươi sáu sức thần thông và tám giải thoát. Đó là hạng người Trung Phẩm Thượng Sanh.
Trung Phẩm Trung Sanh là những hạng nào?
- Nếu có những người, một ngày một đêm giữ Bát Quan Trai, hoặc một ngày một đêm giữ giới Sa Di; hoặc một ngày một đêm giữ giới Cụ Túc, oai nghi không khuyết. Đem công đức nầy hồi hướng cầu nguyện sanh nước Cực Lạc, thường hay huân tu giới hương giải thoát. Hành giả như thế khi sắp mệnh chung, thấy Phật A Di Đà và các quyến thuộc phóng quang sắc vàng, cầm hoa sen báu đến trước hành giả, khi ấy hành giả tự nghe trong không trung có tiếng ca ngợi: Hỡi thiện nam tử! Người lành như con, vì biết thuận theo lời dạy của các Đức Phật ba đời, cho nên nay ta đến đón tiếp con !”…
Trung Phẩm Hạ Sanh lại như thế nào?
- Nếu kẻ thiện nam, người thiện nữ nào hiếu thảo với cha mẹ, hay làm các việc từ thiện giúp đời, người nầy đến lúc vừa sắp mệnh chung, gặp thiện tri thức vì họ nói rộng sự vui ở cõi nước Phật A Di Đà, cũng nói rõ về 48 lời nguyện của Ngài Pháp Tạng, nghe xong điều ấy, người nầy mệnh chung, nhanh như thời gian một người lực sĩ co duỗi cánh tay, người ấy liền sanh về thế giới Cực Lạc, qua khỏi bảy ngày liền thấy Quan Thế Âm và Đại Thế Chí, nghe pháp hoan hỷ chứng Tu Đà Hoàn, một tiểu kiếp sau thành A La Hán. Đó là hạng người Trung Phẩm Hạ Sanh.
Ba bực vừa rồi gọi là tưởng sanh của hạng Trung Phẩm, là quán thứ mười lăm.
Hạng Trung Phẩm là hạng dành cho những người Trung căn trung trí. Họ giữ gìn giới luật suốt đời, cho đến một ngày một đêm, hay tu tạo những công đức phước điền và đem những căn lành nầy hồi hướng nguyện cầu sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc thì khi mạng chung có Đức Phật A Di Đà và các vị Tỳ Kheo quyến thuộc phóng quang đến chỗ người ấy tiếp dẫn sanh về Tây Phương, hoa sen liền nở hay qua bảy ngày sau hoa sen mới nở và bảy ngày sau mới thấy được Đức Quan Thế Âm Bồ Tát và Đức Đại Thế Chí Bồ Tát nghe pháp tu hành và chứng liền quả A La Hán, hay Tu Đà Hoàn và qua nửa kiếp mới thành A La Hán; hoặc một tiểu kiếp sau mới thành A La Hán.
Những người sanh về Trung Phẩm không gặp được trực tiếp Đức Phật A Di Đà, mà chỉ gặp các vị Bồ Tát thuyết pháp cho nghe. Từ đó chứng đắc được những quả vị rốt ráo của Tiểu Thừa.
“Phật dạy A Nan và Vy Đề Hy:
Hạ Phẩm Thượng Sanh là những người nào?
Hoặc có chúng sanh tạo các nghiệp ác, tuy không chê bai kinh điển Đại Thừa. Hạng ngu như thế tạo nhiều điều dữ không biết hổ thẹn. Khi sắp mạng chung, may mắn được gặp bực thiện tri thức, vì họ giảng nói tên gọi đầu đề 12 phần kinh. Nhờ nghe thể tài các kinh như thế, trừ khỏi nghiệp ác cực nặng trong một ngàn kiếp, bực thiện trí thức lại dạy chắp tay xưng niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Bởi xưng danh hiệu Phật; nên trừ tội lỗi trong đường sống chết 50 ức kiếp.
Khi ấy Phật kia liền khiến hóa Phật, hóa Quan Thế Âm Bồ Tát, hóa Đại Thế Chí đến trước hành giả khen rằng: Hỡi thiện nam tử! Bởi con xưng niệm danh hiệu của Phật nên tội được tiêu diệt, ta đến đón con…”.
Trên đây được gọi là Hạ Phẩm Thượng Sanh.
Phật dạy A Nan và Vy Đề Hy:
Hạ Phẩm Trung Sanh là hạng người nào?
Hoặc có chúng sanh hủy phạm 5 giới, hủy phạm tám giới và Cụ Túc giới, người ngu như thế ăm trộm những vật thuộc của thường trụ, ăn cắp những vật của hiện tiền tăng, bất tịnh nói pháp không hổ thẹn, dùng các nghiệp xấu để tự tô điểm. Tội nhân như vậy, bởi nghiệp ác nên đáng đọa địa ngục. Khi sắp mệnh chung, những lửa địa ngục cùng lúc hiện đến, may sao được gặp bực thiện tri thức, đem lòng từ bi, vì họ khen nói 10 lực, oai đức của Phật A Di Đà, rộng khen quang minh thần lực Phật ấy, đồng thời khen ngợi về giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Người nầy nghe rồi trừ tội sống chết tám mươi ức kiếp, tướng lửa địa ngục hóa thành gió mát, thổi những hoa trời, trên hoa đều có hóa Phật, Bồ Tát đón tiếp người nầy, trong khoảng một niệm liền được vãng sanh, ở trong hoa sen nơi ao bảy báu, trải qua sáu kiếp hoa sen mới nở, được Quan Thế Âm và Đại Thế Chí với giọng thanh tao an ủi người ấy và nói cho nghe kinh điển thẳm sâu, người ấy nghe pháp, ngay đó phát tâm Vô Thượng Bồ Đề. Đây gọi là bực Hạ Phẩm Trung Sanh.
Phật bảo A Nan và Vy Đề Hy:
Hạ Phẩm Hạ Sanh là những người nào?
Hoặc có chúng sanh gây nghiệp bất thiện: năm tội đại nghịch, mười điều độc ác. Tóm lại đủ các điều chẳng lành. Kẻ ngu như thế do nghiệp xấu nên đáng đọa đường dữ, trải qua nhiều kiếp chịu khổ vô cùng. Kẻ ngu si nầy lúc sắp lâm chung, may mắn được gặp bực thiện tri thức an ủi đủ điều, nói những pháp mầu và dạy tưởng Phật, người nọ quằn quại tưởng niệm không nổi. Tri thức lại bảo: Nếu ngươi không thể niệm tưởng Phật kia, thì nên xưng danh Phật Vô Lượng Thọ. Người nọ hết lòng niệm chẳng dứt tiếng để đủ mười niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”.
Nhờ xưng danh Phật nên trong mỗi niệm trừ tội sanh tử 80 ức kiếp, khi vừa tắt hơi thấy hoa sen vàng như vầng mặt trời ở trước người ấy, trong khoảng phút chốc liền được vãng sanh thế giới Cực Lạc, ở trong hoa sen mãn mười hai kiếp hoa sen mới nở, Bồ Tát Quan Âm, Bồ Tát Thế Chí với tiếng Đại Bi, nói rộng cho nghe thật tướng của các pháp và cách diệt tội, kẻ ấy nghe rồi vô cùng hoan hỷ, ngay đó phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.
Đây thuộc về hạng Hạ Phẩm Hạ Sanh, gọi là tướng sanh của bực Hạ Phẩm, là quán thứ mười sáu.
Ba bực Hạ nầy đều thuộc về loại Hạ căn Hạ trí, hủy giới, phá trai, phạm vào những điều ngũ nghịch trọng tội; nhưng nhờ biết tàm quý và các Thiện Hữu Tri Thức đến lúc lâm chung nhắc nhở cho việc niệm danh hiệu Phật; nên các tội chướng mới được tiêu trừ và liền được vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Bậc trên được hóa Bồ Tát đến trước hành giả khen tặng. Bậc trung được gặp thiện hữu tri thức và bực hạ hạ cũng thế. Khi được sanh về thế giới Cực Lạc rồi, trải qua 49 ngày ở thế giới ấy hoa sen mới nở và trải qua 10 tiểu kiếp mới được vào Sơ Địa. Bực kế tiếp (bậc hạ phẩm trung sanh) trải qua 6 kiếp hoa sen mới nở và được nghe giọng nói của Đức Quan Thế Âm và Đại Thế Chí, liền đó phát tâm Vô Thượng Bồ Đề. Hạng cuối cùng (hạ phẩm hạ sanh) phải ở trong hoa sen 12 tiểu kiếp hoa sen mới nở và nghe tiếng Đại Bi của Đức Quán Thế Âm cũng như Đức Đại Thế Chí thì ngay đó phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.
Tất cả những ai được sanh vào bực Hạ Phẩm đều được gọi là “Thai sanh” hay “Thai cung biên địa” của thế giới Cực Lạc. Vì lẽ khi thai sanh về đó đều phải nằm trong hoa sen từ 49 ngày đến 12 tiểu kiếp mới nghe được tiếng thuyết pháp của các vị Bồ Tát. Chỉ có một điều lợi lạc là không bị sanh tử luân hồi chi phối. Từ những phẩm sen nầy có thể có thể phát tâm tu hành tiếp tục, để chứng ngôi vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Trong kinh “Vô Lượng Thọ” phẩm quyển thượng nơi lời nguyện thứ 18, Ngài Pháp Tạng Tỳ Kheo thệ nguyện rằng: . . . ngoại trừ những kẻ phạm tội ngũ nghịch và những kẻ không tin chánh pháp; nhưng ở kinh “Quán Vô Lượng Thọ” phần Hạ Phẩm nầy từ Thượng, Trung, Hạ đều là những người phạm tội; nhưng may nhờ có những Thiện Hữu Tri Thức trợ niệm lúc sắp lâm chung và ít ra cũng niệm được 10 câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà Phật mới được sanh về chốn “Thai cung biên địa” nầy.
Ngoài ra trong kinh “Đại Bát Niết Bàn” phẩm Phạm Hạnh trong quyển thứ hai. Đức Phật cũng có dạy rằng: Nhứt Xiển Đề cũng có khả năng thành Phật. Vì lẽ các pháp đều bất định; nên Nhứt Xiển Đề cũng bất định. Ngày trước tuy không tin nơi chánh pháp; nhưng trải qua vô lượng kiếp đã phát khởi lòng tin tưởng. Chính niềm tin nầy sẽ dẫn hành giả kia dần đến chỗ cao cả hơn.
“Phật nói đến đây, Vy Đề Hy và 500 thị nữ nghe những lời Phật, ngay đó liền thấy cả tướng rộng dài thế giới Cực Lạc, được thấy thân Phật và hai Bồ Tát, tâm sanh mừng rỡ khen chưa từng có, bừng sáng tỏ ngộ, chứng vô sanh nhẫn, 500 thị nữ phát tâm Bồ Đề, nguyện sanh Lạc Quốc. Đức Phật thọ ký tất cả số ấy đều sẽ vãng sanh, sanh nước ấy rồi chứng được Tam Muội “Chư Phật hiện tiền” Vô lượng chư Thiên đều phát đạo tâm cao tột...
(Tất cả những trích dẫn nằm trong ngoặc kép " " của những đoạn kinh văn trên đều nằm trong “Ba Kinh Tịnh Độ” do cố Thượng Tọa Thích Thiện Thông dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt năm 1991 và đã được Chùa Viên Giác Hannover - Đức Quốc, tái ấn tống năm 2008 - Phật lịch 2552).