Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[25 - 36]

05/03/201213:03(Xem: 7915)
[25 - 36]
Bốn Mươi Tám Pháp Niệm Phật
Thuật giả: Giang Đô Trịnh Vi Am
Dịch giả: Sa môn Thích Tịnh Lạc

25. CÚNG DƯỜNG NIỆM PHẬT

Phàm gặp giai tiết (tiết đoan ngũ, tiết trung thu v.v...) hoặc ngày vía Phật, Bồ Tát thì nên hương đăng hoa quả tùy phận cúng dường, nhưng đó chỉ là tài cúng, chưa phải pháp cúng. Pháp cúng thuộc về tâm, quý hơn tất cả tài cúng.

Gần đây, vì tà giáo thạnh hành, bày đặt các pháp cúng kiến, la liệt quả phẩm, tam sanh, heo, dê, gà, vịt có ích gì cho sự tu hành? Thậm chí, còn bày bố trận đồ, chiêu hồn dẫn quỉ, tà mị, dị đoan, càng làm cho hao tài tổn mạng, dối dá bậy bạ, phỉnh gạt người đời.

Chỉ pháp môn niệm Phật thì vạn bịnh tiêu trừ không tốn không hao, lại ít người chịu biết đến. Kính mong những trang thức giả đừng để bị lầm.

Lời phụ giải:

Giết mạng sống của kẻ khác để cúng cầu cho mạng mình được sống, thật là hết sức ích kỷ và vô nhân đạo!

Câu: “Thiên địa vô tư, thần minh ám sát, bất dĩ tế hưởng nhi giáng phước, bất dĩ thất lễ nhi giáng họa” sao không suy xét cho kỹ càng. Thần thánh đâu vì của cúng như tham quan ăn hối lộ sao? Trời đất không có lòng tư vị ai, hễ làm lành thì hưởng quả tốt, làm dữ mắc báo xấu thế thôi. Các bậc thần minh thầm xét nghiệm những tâm niệm, hành vi thiện, ác của mình tùy thời răn phạt, nào phải vì ta cúng tế mà các Ngài bỏ qua những điều tội lỗi của ta đâu?

Hơn nữa, tâm mình ngay, thân mình chánh, có sợ gì mà phải bận tâm lo nghĩ?

Khi niệm Phật, Phật hiệu đã ngự trong tâm ta, lòng ta xứng hợp với lòng Phật, cùng xứng hợp một điển lực thanh tịnh, thì tà ma nào dám nhập? Nghe theo tà mị, dị đoan chỉ càng làm cho hàng thức giả chê cười, mà cũng lại chuốc lấy họa hại không ít do một số kẻ lợi dụng lòng tin tưởng và sợ sệt của ta.

Vậy hãy suy nghiệm cho thật chín chắn.

26. NIỆM PHẬT ĐỂ BÁO ÂN CHA MẸ

Ân của cha mẹ là cái ân to lớn nhứt phải làm sao báo đáp? Cung phụng tất cả những thức uống ăn, lập công danh để hiễn đạt phụ mẫu, chỉ là phép báo đáp của thế gian; mặc dầu không phải là bất thiện, song xét cho tột thì đây chưa phải trọn vẹn (vì dù sao cũng vẫn còn trong vòng khổ lụy của kiếp người). Chỉ có cách là ta niệm Phật và khuyên cha mẹ niệm Phật, đem công đức ấy hồi hướng Tây phương, đó là gieo một hột giống kim cương, về sau ta và cha mẹ cùng tự được giải thoát. Huống chi một câu niệm Phật lại có thể tiêu được vô biên tội chướng. Những ai muốn báo thâm ân cha mẹ, không thể không biết pháp này.

Lời phụ giải:

Cung phụng cha mẹ về mặt vật chất, nào quạt nồng, ấp lạnh, món ngon vật lạ, áo ấm cơm no, đó mới chỉ là cái hiếu thế gian mà thôi. Nếu không lo tu nhơn xuất thế, tất phải đọa lạc tam đồ, quanh đi quẩn lại sanh tử không cùng, sao gọi là báo hiếu trọn vẹn được?

Thế tất phải tìm cách nào cho rốt ráo? Chỉ có Pháp môn Tịnh độ Niệm Phật, cầu sau khi xả báo thân này, nương nhờ nguyện lực của Phật A Di Đà mà được cùng vãng sanh Cực lạc. Nhờ chiếc thuyền nguyện lực của Phật, bao nhiêu tội chướng của chúng ta dù nặng như đá cũng nương đó mà qua sông dễ dàng. Thế thì công ít mà quả to, ta còn chần chờ gì nữa?

27. BỐ THÍ BẰNG CÁCH NIỆM PHẬT

Phàm thấy người khổ não, trước phải giúp cho họ an thân (cho cơm, cho áo) rồi sau mới an ủi khuyên họ niệm Phật. Bởi vì cứu cái khổ trong nhứt thời, bố thí là gấp, mà cứu cái khổ nhiều kiếp, phương pháp niệm Phật lại gấp hơn. Hoặc thấy người hay vật bị nạn, sức mình không cứu rỗi được phải gấp niệm Phật cầu an cho hồn thức ấy. Hoặc đêm thanh tụng niệm cầu nguyện cho mọi loài thoát khỏi tai ương. Gặp lúc đao binh, tật dịch, năm canh trì niệm Phật danh, cầu cho chúng sanh được tiêu trừ mọi oan khổ.

Nên quán tưởng: Một câu A Di Đà Phật của ta đây, trên tột trời Hữu đảnh dưới suốt đáy phong luân mọi loài chúng sanh một thời đều được lợi ích. Cách bố thí đó thật không thể nghĩ bàn vậy.

Lời phụ giải:

Trước cho ăn no, mặc ấm để đỡ khổ phần xác, sau khuyên bảo niệm Phật để cứu rỗi linh hồn. Gặp nhiều trường hợp mà sức ta vô khả nại hà, chỉ nên nhứt tâm niệm Phật, vận dùng tất cả điển lành của mình chỉ hướng về kẻ ấy, cầu nguyện cho họ thoát khỏi khổ lụy của kiếp sống triền miên, giải thoát an nhàn nơi thiện cảnh. Một câu niệm Phật diệt oan khiên.

28. TỰ TÂM NIỆM, TỰ TÂM NGHE

Tâm tưởng, rồi mới động đến lưỡi, lưỡi khua động thành tiếng lại trở vào tự tâm, là pháp: Tâm niệm tâm nghe vậy.

Mà hễ tâm niệm tâm nghe thời mắt không thể thấy bậy, mũi không thể ngửi bậy, thân không thể động bậy, vị chủ nhơn ông (tự tâm) đã bị bốn chữ A Di Đà Phật bắt cóc mất rồi.

Lời phụ giải:

Niệm tức là niệm tự tâm Phật, tai nghe tiếng niệm là nghe tiếng của tự tâm, tiếng ấy từ tự tâm mà ra, rồi lại chạy ngược vào tự tâm, xây vòng như vậy, thời một mảy vọng tưởng cũng không còn, tất cả vọng trần, vọng cảnh cũng từ đấy mà diệt.

Niệm Phật niệm tâm, tâm niệm Phật

Tham thiền tham tánh, tánh tham thiền.

29. NIỆM PHẬT TRONG TIẾNG NIỆM

Tiếng niệm Phật đã thuần thục rồi, thời trong sáu trần chỉ còn một thinh trần. Tất cả sáu căn hoàn toàn gởi nơi nhĩ căn (lỗ tai). Thân cũng không còn cảm biết tới lui, lưỡi cũng không còn biết khua động, ý cũng không còn cảm biết phân biệt, mũi cũng không còn cảm biết hít thở, mắt cũng không còn cảm thấy mở nhắm. Hai thứ viên thông của hai ngài Quán Âm và Thế Chí cũng tức là một, không chi là chẳng viên và chẳng chi là không thông cả. Vì căn tức là trần, trần tức là căn, căn và trần tức là thức. Mười tám giới (1) đều dung hợp thành một giới. Trước chưa được thuần, lâu sau sẽ dần dần thâm nhập.

Phàm trong khi niệm Phật, phải lựa một chỗ vắng, yên, sạch sẽ, khoảng 4,5 thước vuông, đi nhiễu một vòng theo phía tay mặt, rồi sau từ từ cất tiếng niệm Phật, tiếng cao lên dần dần, niệm như vậy độ 3 vòng trở lên sẽ tự cảm thấy tâm, tiếng tỏ bày vòng quanh khắp thái hư, bao bọc cả 10 phương, trùm đầy toàn pháp giới. Đó là cách an trụ thân tâm, thế giới vào trong tiếng niệm Phật, và đó là đem thân, tâm của mình an trụ trong tiếng niệm Phật mà niệm Phật. Đây là cảnh thù thắng để tiêu diệt tâm địa phiền não nhơ trược, hành giả cần phải gắng tập cho kỳ được.

(Bài này chỉ vẽ rõ ràng, không cần phụ giải)

30. NIỆM PHẬT TRONG ÁNH SÁNG CỦA TỰ TÂM

Phàm tiếng là tiếng của tự tâm, thì ánh sáng cũng là ánh sáng của tự tâm. Hễ tiếng của tự tâm quanh lộn ở chỗ nào thì ánh sáng của tự tâm phóng ra ở chỗ ấy; nếu ta an trụ trong tiếng của tự tâm mà niệm Phật, tức là an trụ trong ánh sáng của tự tâm mà niệm Phật vậy. Đây cũng là cảnh thù thắng diệt được lòng tham phiền não nhơ bẩn, hành giả nên gắng siêng tu tập.

31. NIỆM PHẬT TRONG THỂ CỦA TỰ TÂM

Tiếng nói của tự tâm vòng quây và ánh sáng tự tâm chiếu phát, tự nhiên tâm thể phơi bày. Một chơn tâm này như tấm gương tròn lớn (Đại viên cảnh) rỗng thông sáng suốt, không gì ngăn ngại, mười phương, ba đời, ta, Phật, và chúng sanh, vòng khổ của đời trược, đài sen nơi cảnh tịnh đều là bóng trong gương cả. Cho nên niệm Phật trong tiếng tức trong ánh sáng, trong ánh sáng tức trong gương không phải một, khác. Đây cũng là cảnh thù thắng tột cùng, diệt hẳn được tâm nhơ, cần phải gia công hết lòng tu tập.

Lời phụ giải:

Tâm thể vốn luôn luôn thanh tịnh (tịch), nhưng hằng phát khởi diệu dụng sai thù (chiếu). Khi chúng ta nhận được toàn thể đại dụng không ngoài tánh thể thường như, thì bấy giờ, tâm, Phật và chúng sanh vốn chỉ là một, rỗng thông, sáng suốt, không gì ngăn ngại. Thật hành pháp niệm Phật mà đạt được như đây, thật quả là bậc đại căn tánh vậy! Muôn pháp đều chỉ là bóng hình trong gương, vốn dĩ hư huyễn, tự sanh, tự diệt, đâu can phạm gì đến tánh thể tự cổ thường như, bất sanh bất diệt của chơn tâm. Thấu triệt được lý này ắt đã thoát được ngoài dòng cương tỏa của không gian và thời gian rồi vậy.

32. KHÔNG DỨT

Buổi sáng niệm, buổi tối cũng niệm; vô sự niệm, hữu sự cũng niệm; chỗ sạch niệm, chỗ nhơ vẫn niệm, không một niệm nào mà không phải là niệm Phật. Giả sử hàng ngày có sự thù tiếp bạn bè, đãi đằng khách khứa, có lúc gián đoạn, nhưng chỉ gián đoạn thinh niệm, chớ không thể gián đoạn được tâm niệm. Niệm Phật mà công phu đến thế, thì dễ thành Tam muội lắm.

33. KHÔNG TẠP

Không xen tạp niệm tức là Chỉ, Chỉ là nhơn của Định, dừng được tạp niệm, thì chánh niệm (định) tự nhiên phát hiện.

Tạp niệm có 3: Thiện, ác, và vô ký, trừ hết ba thứ mới là không tạp. Tâm cần vắng lặng, vắng lặng thời các niệm thiện, ác không sanh. Tâm cần sáng suốt, sáng suốt thời vô ký niệm không có.

Ngoài Phật không có niệm nên thường vắng lặng, trong niệm có Phật nên thường sáng suốt rõ ràng.

34. KHÔNG DỪNG

Không dừng tức là Quán, Quán là nhơn của Huệ. Câu (niệm Phật) trước đã qua, câu sau chưa đến, câu hiện tại cũng không dừng. Cứ thế mà quán sát, rõ ràng nhưng không thể được (không câu chấp), không thể được nhưng lại rõ ràng. Đuổi như vậy mãi sẽ thấu đạt lẽ vạn pháp duy tâm, tức Phật tức tâm, tức tâm tức Phật.

Lời phụ giải: (cho cả ba pháp trên)

Niệm Phật tức niệm tự tâm Phật, cho nên không ngại gì chỗ nhơ sạch. Lại chúng sanh vốn đồng một thể tánh chơn tâm với Phật, vì vọng động bất giác nên để tánh Phật vốn sẵn sáng suốt phải bị phiền não vô minh che lấp, làm cho mê tối đảo điên, càng ngày càng chạy theo vọng trần vọng cảnh, xa lần thật thể, nhận giả làm chân; bấy giờ nhất niệm giác ngộ quay về ánh sáng của tâm, thì dễ gì trong một ít thời gian mà có thể bôi xóa đi được những phiền não đen tối vốn nhuộm đậm từ lâu. Thế nên, chúng ta cần phải luôn luôn liên tục theo dõi câu niệm Phật (niệm Phật tức niệm tự tâm Phật) Phật niệm liên tục mãi mãi thì chúng sanh niệm không còn, thế nên dù có bận rộn gì cũng chỉ gián đoạn được thinh niệm mà thôi, chớ làm sao ràng buộc được tâm niệm bên trong của chúng ta? Khi mà tâm chúng ta thuần một Phật niệm thì tạp niệm đâu còn? Tạp niệm bặt dứt (gió dừng) tâm không còn bị gì làm chao động nữa, bấy giờ tự tâm an nhiên tại định (nước lặng) thì muôn tượng hiện bày, không thiếu sót một mảy may, bấy giờ vạn pháp đương nhiên hiển lộ, tự tâm quán chiếu một cách thần diệu phi thường (huệ). Hành giả thật hành pháp môn niệm Phật được như đây quả đã đạt đến viên mãn cứu cánh rồi vậy.

35. TỨC THIỀN TỨC PHẬT

Hoặc khởi từ một câu thoại đầu gọi là tham thiền, hoặc ngồi mà dứt niệm gọi là tọa thiền. Tham hay tọa đều là Thiền cả, Thiền hay Phật đều là tâm cả. Thiền tức là Thiền của Phật. Phật tức là Phật của Thiền. Pháp môn niệm Phật đâu có gì ngại với pháp tham thiền, tọa thiền? Vả lại, người tham thiền có thể dùng bốn chữ A Di Đà Phật làm một câu thoại đầu, niệm đến, niệm lui, niệm xuôi, niệm ngược, trở lại, xây qua không rời đương niệm, mặc dù không nói tham thiền, mà thiền ở trong đó rồi. Người tọa thiền cần phải đến giai đoạn một niệm tương ưng, hoát nhiên như vinh vào hỗ hư không, mới là Đắc thủ. Niệm Phật đến lúc nhứt tâm bất loạn, không phải là tương ưng là gì?

Niệm đến lúc tâm không, không phải vĩnh viễn tương ưng sao? Trong lúc niệm Phật, không hôn trầm, không tán loạn, chỉ, quán, định, huệ mỗi niệm viên thành; nếu muốn tìm thiền, thiền ở đâu nữa?

Lời phụ giải:

Thiền tức Tịnh vì Thiền hay Tịnh đều cầu đạt mục đích nhứt tâm bất loạn, phương tiện tuy hai, nhưng kết quả vẫn một, mà Thiền thì khó thập bội!

Trong Quy ngươn trực chỉ có đoạn thí dụ người tu các pháp môn khác, như thiền v.v... mà đi đến mục đích, khác nào như con kiến bò lên núi cao, như con mọt đục từng mắt tre mà lên, từ gốc cho đến tận ngọn. Pháp môn Tịnh độ niệm Phật thẳng tắt nhờ tha lực, như thuyền thuận buồm, xuôi nước, như con mọt đục ngang cây tre mà ra, còn gì nhanh chóng hơn!

36. TỨC GIỚI TỨC PHẬT

Trì giới luật của Phật để trị thân, trì danh hiệu của Phật để trị tâm. Trì lâu thì thân thuần, niệm lâu được tâm không. Tánh của niệm hay tánh của giới không hai; luôn luôn trì giới thì tội lỗi không hiện, luôn luôn niệm Phật, thời lúc lâm chung đánh tan được quỷ môn quan, vượt khỏi ba cõi. Nếu giữ giới đã có công phu, liền đem công đức này hồi hướng Tây phương, chắc chắn được về trung phẩm. Còn như chưa có thể giữ trọn cả hai, thời nên phải siêng niệm Phật, như cứu lửa cháy đầu.

Lời phụ giải:

Trì giới cốt làm cho tự tâm thanh tịnh, vì không gây tội lỗi, không có hối hận. Niệm Phật cũng cốt cho thanh tịnh tự tâm. Vậy nên trì giới tức là niệm Phật. Nhưng niệm Phật là phương tiện thiết yếu hơn khi người chưa giữ giới được trọn vẹn. Thế nên ta hãy cấp tốc niệm Phật, để cho tâm tịnh rồi thì tự nhiên giới được thanh tịnh.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/04/2013(Xem: 10117)
Nói chung, ta được biết là có nhiều cõi Tịnh Độ, nhiều cõi linh thánh của những Đấng Giác ngộ mà chúng ta gọi là chư Phật. Cõi Tịnh Độ của Đức Phật Vô Lượng Quang A Di Đà thì đúng là một nơi độc nhất vô nhị. Có những cõi Tịnh Độ ở bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, và ở trung tâm. Trong số đó, cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà là nơi dễ đến nhất và vì thế rất đặc biệt.
22/04/2013(Xem: 7425)
Trong các hành môn của đức Phật đãchỉ dạy, môn nào cũng có pháp nghi riêng biệt, từ cách thờ cúng, lễ bái, trì tụng, sám hối, phát nguyện v.v... Như Mật Tông lại còn sự lập đàn, kiết ấn nữa. Riêng về tông Tịnh Độ, tôi thấy có nhiều người không biết nghi thức hành trì cho đúng pháp. Lại có những vị không hiểu nghĩa chữ Hán, thành ra khi trì tụng chỉ đọc suông theo thông lệ, khó phát lòng thành khẩn, không thể chuyển hướng tâm niệm của mình y như lời văn. Nghĩ vì dòng đời cứ mãi trôi qua, người sau càng ngày lại càng ít am hiểu văn từ Hán Việt, nên theo lời yêu cầu của một số đông, tôi soạn dịch nghi thức tu Tịnh Độ ra Việt văn để giúp bạn đồng tu.
22/04/2013(Xem: 10039)
Pháp sư Thánh Nghiêm sinh năm 1930 tại Nam Thông, Giang Tô, Trung Quốc. Năm 1943 ngài xuất gia tu học tại chùa Quảng Giáo, núi Long Sơn, Nam Thông. Năm 1975, ngài tốt nghiệp Tiến sĩ văn học tại Đại học Lập Chánh, Đông Kinh, Nhật Bản; và từ năm 1977 đến năm 1978 được bầu làm Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Hoa Kỳ kiêm trụ trì Đại Giác tự.
08/04/2013(Xem: 14567)
Trong ba bộ kinh căn bản của Tịnh tông, kinh Vô Lượng Thọ giảng chi tiết nhất về nhân địa, quả đức của đấng giáo chủ cõi Cực Lạc cũng như giảng rõ về bốn mươi tám nguyện vĩ đại của đấng Ðại Từ Bi Phụ, cực lực xiển dương pháp môn trì danh Niệm Phật. Theo cư sĩ Hồng Nhơn, kinh này được chú giải rất nhiều, nhưng hoặc là vì những bản chú giải kinh này chưa hề được dịch ra tiếng Việt, hoặc rất có thể là do kiến văn quá hủ lậu nên mạt nhân chưa hề được đọc những bản dịch ấy.
09/01/2013(Xem: 3271)
Chào chư vị đồng tu! Chúng ta xem tiếp đoạn thứ năm ở trong đoạn lớn này: “A Di Đà Phật thị vạn đức hồng danh, dĩ danh chiêu đức, khánh vô bất tận. Cố tức dĩ chấp trì danh hiệu vi chánh hạnh, bất tất canh thiệp quán tưởng, tham cứu đẳng hạnh, chí giản dị chí trực tiếp dã”. Đoạn nhỏ này là bảo với chúng ta chỗ thù thắng bất tư nghì của pháp môn này. Đây đích thực là pháp môn khó tin, quá dễ dàng, quá đơn giản, rất nhiều người tiếp xúc mà không cách gì tiếp nhận được.
09/01/2013(Xem: 3074)
Chỗ này rất quan trọng, chúng ta phải buông bỏ thân tâm thế giới, tức là buông bỏ vọng tưởng, buông bỏ phân biệt, buông bỏ chấp trước thì chúng ta liền có thể tương thông với chư phật Bồ Tát, liền có thể đột phá giới hạn. Ngày nay chúng ta học Phật không thể đột phá là do nguyên nhân gì vậy? Bạn vẫn chưa buông bỏ. Cho nên lỗi lầm này chính ở chúng ta, không phải ở nơi Phật cũng không phải ở trong kinh điển, mà là ở chính mình.
09/01/2013(Xem: 4643)
Tâm thanh tịnh là gì? Nhất tâm niệm Phật, nhất tâm là tâm thanh tịnh, hai tâm thì không thanh tịnh. Nhất tâm là gì? Ngay trong hai đến sáu giờ, hay một ngày từ sớm đến tối trong tâm chỉ có A Di Đà Phật. Ức Phật niệm Phật, trong lòng chân thật có A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra, không có bất cứ thứ gì thì gọi là nhất tâm. Sự việc này khó! Bạn muốn hỏi tôi, tôi tu bằng cách nào? Tôi niệm bằng cách nào? Tôi nói với bạn, trong tâm của tôi chỉ có một câu A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra là không có bất cứ thứ gì, cách niệm của tôi là như vậy.
26/12/2012(Xem: 2869)
Có người hỏi Khổng Tử: “Người dời nhà mà quên vợ. Điều đó có chăng?”. Khổng Tử bảo: “Lại có kẻ hơn thế nữa, như Vua Kiệt Vua Trụ thì còn quên cả bản thân mình”.
14/12/2012(Xem: 3683)
Đệ tử chúng con, hiện là phàm phu, trong vòng sanh tử, tội chướng sâu nặng, luân chuyển sáu đường, khổ không nói được. Nay gặp tri thức, được nghe danh hiệu, bản nguyện công đức, của Phật Di-đà, một lòng xưng niệm, cầu nguyện vãng sanh. Nguyện Phật từ bi, xót thương chẳng bỏ, phóng quang nhiếp thọ. Đệ tử chúng con chưa biết Phật thân, tướng tốt quang minh, nguyện Phật thị hiện, cho con được thấy. Lại thấy tướng mầu, Quán-Âm Thế-Chí, các chúng Bồ-tát và thế giới kia, thanh tịnh trang nghiêm, vẻ đẹp quang minh, xin đều thấy rõ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567