Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tư tưởng Tịnh Độ Tông

18/07/201208:18(Xem: 18069)
Tư tưởng Tịnh Độ Tông
TƯ TƯỞNG TỊNH ĐỘ TÔNG

Hòa Thượng THÍCH NHƯ ĐIỂN biên soạn

tutuongtinhdotong-thichnhudien

Bắt đầu viết sách nầy vào ngày 1 tháng 11 năm 2011

tại Tu Viện Đa Bảo vùng Blue Mountains, Úc Đại Lợi,

nhân lần tịnh tu, nhập thất lần thứ 9.

Viết xong 418 trang khổ A4

vào ngày 1 tháng 12 năm 2011 tại Tu Viện Đa Bảo

Mục Lục

l. Lời nói đầu

I. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một Đức Phật lịch sử

A.- Tư tưởng của kinh A Di Đà

B.- Tư tưởng kinh Vô Lượng Thọ

C.- Tư tưởng kinh Quán Vô Lượng Thọ

II. Tịnh Độ Tông của Ấn Độ

A.- Ngài Long Thọ và tư tưởng Tịnh Độ

B.- Ngài Thế Thân và tư tưởng Tịnh Độ

III. Tịnh Độ Tông của Trung Hoa

A.- Ngài Đàm Loan và tư tưởng Tịnh Độ

B.- Ngài Đạo Xước và tư tưởng Tịnh Độ

C.- Ngài Thiện Đạo và tư tưởng Tịnh Độ

IV. Tịnh Độ Tông của Nhật Bản

A.- Ngài Nguyên Tín và tư tưởng Tịnh Độ

B.- Ngài Nguyên Không và tư tưởng Tịnh Độ

C.- Ngài Thân Loan và tư tưởng Tịnh Độ

V. Tịnh Độ Tông của Tây Tạng

Tư tưởng Tịnh Độ của phái Cổ Mật

VI. Phật Giáo thời kỳ đầu của người Âu-Mỹ

Tư tưởng Đại Thừa và Tịnh Độ Tông

VII. Tịnh Độ Tông của Việt Nam

A.- Ngài Đàm Hoằng và tư tưởng Tịnh Độ

B.- Ngài Thiền Tâm và tư tưởng Tịnh Độ

C.- Tư tưởng Tịnh Độ thời hiện đại

VIII. Con đường Tịnh Độ

Rút tỉa những kinh nghiệm và quán triệt tư tưởng Tịnh Độ đối với Phật Tử Việt Nam

IX. Cùng một tác giả

X. Phương danh cúng dường


Lời nói đầu

Nước Úc là một lục địa hay nói đúng hơn là một đảo quốc to lớn rộng rãi, ít ai có thể hình dung ra được. Ngay cả những người ở đây lâu năm họ vẫn chưa đi hết đảo quốc nầy. Nói là đảo quốc, bởi vì đất đai ở đây bị ngăn cách bởi Ấn Độ Dương và phía Nam đảo quốc nầy là khoảng trời nước mênh mông giáp giới với Nam Cực. Phía Tây cũng như phía Đông cách xa các quốc gia nằm lân cận mình.

Nếu hỏi độ lớn của quốc gia nầy là bao nhiêu thì xin thưa: Hãy nhìn vào bản đồ thế giới để thấy rằng cả lục địa Âu Châu đem bỏ vào nước Úc vẫn chưa lớn bằng. Nước nầy ngang tầm to lớn như Hoa Kỳ và Canada; nhưng dân cư tại đây chỉ trên dưới 30 triệu người, nghĩa là chỉ bằng dân số một phần mười của nước Mỹ.

Nước là một yếu tố để quyết định cho sự sống của con người nơi đây; nên chính phủ giới hạn tối đa việc nhập cư vào quốc gia nầy. Tài nguyên thiên nhiên, đất đai, thổ sản tại nước nầy còn nhiều lắm, chưa khai thác hết. Có lẽ chính phủ họ để dự bị cho một tương lai lâu dài. Vì lục địa nầy cũng chỉ mới phát triển trên 200 năm trở lại đây mà thôi.


Ở đây đa phần là rừng núi và cây bạch đàn cũng như Kanguru; đi đâu cũng thấy và ở đâu cũng gặp. Xứ Nam Phương nầy có rất nhiều cái hay cái lạ của nó, mà ai phải đến đây rồi mới tiếp nhận được những tia nắng mặt trời rọi chiếu như thế nào ở vùng Nam Bán Cầu nầy; dĩ nhiên là nó khác Phi Châu, Mỹ Châu, Âu Châu và ngay cả Á Châu nữa.

Tôi đã có nhân duyên đến nước nầy từ năm 1979; nếu tính đến nay (2011) cũng đã là 32 năm rồi. Trong 32 năm ấy hầu như năm nào tôi cũng có một cho đến 2 lần đến thăm nước nầy. Lý do vì vấn đề Phật Pháp cũng như khí hậu. Con người khi xa quê hương, hay nghĩ nhớ đến quê hương rất nhiều; nhất là lúc về già. Do vậy người ta phải đi tìm một quê hương khác, nơi ấy có cái gì đó có thể bổ sung hay thay thế cho quê hương mình, nên tôi đã đến đây nhiều lần là vậy. Tại đây có ổi, mít, chôm chôm, măng cụt, xoài, sầu riêng, bưởi, chuối, rau muống, rau mồng tơi v.v... và tại đây cũng có một Cộng đồng người Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản từ 1975 đến nay cũng đã lên đến 200.000 người.

Từ năm 2003 đến nay đã 9 lần tôi đến Úc để tịnh tu, nhập thất, viết lách, hành trì tu niệm mỗi năm trên dưới 2 tháng. Tám lần trước ở tại thất Đa Bảo vùng Capelltown cách Sydney chừng 40 cây số. Nơi ấy tôi cũng đã hoàn thành một số tác phẩm và dịch phẩm đã được xuất bản tại ngoại quốc trong những năm qua. Năm nay 2011, Hòa Thượng Phương Trượng chùa Pháp Bảo Thích Bảo Lạc lại đã cho di dời Tu viện Đa Bảo về vùng Blue Mountains nầy; nơi có nhiều núi đồi và phong cảnh thiên nhiên thật tuyệt đẹp. Từ Sydney đến đây bằng xe hơi, lái độ 2 giờ đồng hồ, mặc dầu đoạn đường chỉ 135 cây số. Vì là đường đèo quanh co uốn khúc, khó chạy nhanh hơn được.

Địa điểm mới nầy có hai căn nhà, một cũ và một mới. Căn nhà mới, chủ cũ xây để làm chỗ nghỉ dưỡng sức cho những người lớn tuổi; nên rất đầy đủ tiện nghi; không khác gì Âu-Mỹ mấy, mặc dầu đây là vùng đồi núi, nằm cách mặt biển độ 1.000 mét. Vì vậy về đêm nhiệt độ xuống thấp và ban ngày có khí hậu mát mẻ như vùng Đà Lạt của Việt Nam.

Căn nhà thứ 2 nằm trên đồi, đã cũ; nhưng nhìn xuống phía dưới đồi thì quá tuyệt vời, cả một vùng trời mênh mông vô tận với cảnh trí thiên nhiên thật tuyệt hảo. Có nhiều buổi chiều khi sương xuống hay buổi sáng lúc sương chưa tan, từ ngôi nhà nầy, cảm thấy như mình đang ở trên mây và hòa cùng với thiên nhiên như là một cảnh Tiên không khác.

Nhà ở đây xây theo lối Âu Châu nên có cả 2 hệ thống sưởi; một bằng gas và hai bằng củi. Tôi thích nhất là đốt củi để nhìn lửa tí tách thay nhau cháy trong lò, mình cảm thấy ấm lòng, khi bên ngoài trời màn đêm đã buông xuống. Cũng chính từ đồi nầy, năm nay tôi biên soạn tác phẩm thứ 59 nầy.

Năm 2010 tôi và Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng dịch chung với nhau quyển sách bằng tiếng Anh nhan đề là "Chết An Lạc, Tái Sanh Hoan Hỷ“. Chính quyển sách nầy là động cơ để tôi đi tiếp 3 tác phẩm theo sau. Tôi không ngờ, chỉ dịch sách trong sự tình cờ, mà khám phá ra được Tịnh Độ Tông của Tây Tạng. Đây là nguồn cảm hứng để tôi đi sâu vào Tịnh Độ. Trước đó mấy năm, tôi đã dịch "Tịnh Độ Tông Nhật Bản“ từ tiếng Nhật sang tiếng Việt; nhưng dường như cũng chưa đầy đủ cho sự nghiên cứu của mình; cho nên năm nay (2011) tôi có bảo Thầy Hạnh Giả là đệ tử, tìm cho Thầy một quyển sách nào bằng tiếng Đức có liên quan với Tịnh Độ để Thầy dịch ra tiếng Việt. Thầy ấy đưa cho tôi 2 quyển. Một quyển của tác giả Schumann; ông nầy là một học giả Phật Giáo người Đức rất giỏi về tiếng Pali và Sanskrit; sau khi đọc tác phẩm về Phật Giáo của ông ta, tôi thấy tiếng Sanskrit nhiều quá, không hiểu hết; nên đã biên thư nhờ Giáo sư Lê Mạnh Thát giúp đỡ. Thầy ấy trả lời thuận; nhưng sau đó tôi cảm thấy nhiêu khê quá, vì 2 ngôn ngữ nầy vốn không phải là phần chuyên môn của mình; nên tôi lại không tiếp tục và không dám làm phiền Thầy ấy nữa.

Quyển thứ 2 nhan đề tiếng Đức là: "Những bản kinh căn bản của Tịnh Độ Tông (A Di Đà) Nhật Bản“ của Christian Steineck. Đây là một luận án Tiến sĩ có nghiên cứu, chú thích kỹ càng. Phần cuối sách có giải thích chữ Hán, Nhật ngữ ra Đức ngữ, rất tiện lợi. Do vậy tôi đã chấp nhận dịch tác phẩm thứ 58 từ trong mùa An Cư Kiết Hạ năm nay để khi sang Úc thì dịch phẩm ấy đã hoàn thành, chỉ cần giảo chánh lại và đánh máy nữa mà thôi.

Một bản dịch đặc biệt khác có liên quan đến Tịnh Độ và Phật Giáo Việt Nam; đó là luận án Tiến sĩ của Thầy Hạnh Giả, là đệ tử xuất gia của tôi và cũng đang dạy về Phân khoa Tôn Giáo Học tại Đại Học Hannover cho những sinh viên người Đức với nhan đề là „Tang Lễ của Phật Giáo Việt Nam tại Đức - Sự duy trì và thích nghi tại Hải Ngoại. Dĩ nhiên là chính Thầy ấy dịch ra tiếng Việt có sự trợ lực giảo chánh của tôi để câu văn tiếng Việt nhuần nhuyễn hơn và đây không phải chỉ nói thuần về vấn đề chết chóc, tang ma, mà qua những lễ nghi ấy, người Phật Tử Việt Nam đã gìn giữ phong tục nầy theo truyền thống Tịnh Độ, vốn đã hội nhập và thích nghi với xã hội người Việt ở trong nước cũng như ở tại xứ Đức.

Như vậy tác phẩm nầy là tác phẩm thứ 59 hoàn toàn bằng tiếng Việt; nhưng có tham cứu nhiều ở Phật Quang Đại Từ Điển, quyển nầy do Hòa Thượng Thích Quảng Độ dịch và Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản. Đây là một quyển Từ Điển đầy đủ nhất trong những loại từ điển Phật Học khác. Ước vọng của tôi trong quyển „Tư Tưởng Tịnh Độ Tông“ nầy là mong muốn hệ thống hóa về cách truyền thừa của các vị Tổ Sư Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng và Việt Nam để người Phật Tử có một cái nhìn toàn diện hơn. Dĩ nhiên là sẽ còn nhiều sự phát hiện rõ ràng và tỉ mỉ hơn nữa về sau nầy; nhưng tôi mong mỏi thiết lập sơ khởi như vậy, để gọi là viên gạch lót đường đầu tiên cho vấn đề nầy.

Tư Tưởng Tịnh Độ lấy 3 kinh Tịnh Độ làm chính. Đó là kinh Vô Lượng Thọ (Đại Bản A Di Đà); kinh Quán Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà (Tiểu Bản A Di Đà) và triển khai những sáng tác, bình luận, soạn thuật của các vị Tổ của những nước trên về quán niệm của sự vãng sanh trong thời mạt pháp nầy, để từ đó, tôi đưa ra một đề nghị (xin xem Chương thứ VIII – Con Đường Tịnh Độ) cho những người tu theo Tịnh Độ Tông Việt Nam có một lập luận vững vàng khi thực hành pháp môn nầy.

Xưa nay đa phần chúng ta lệ thuộc văn hóa Trung Hoa không ít, trong đó kể cả văn hóa Phật Giáo. Cho nên với tác phẩm nầy,tôi đã hệ thống hóa tư tưởng Tịnh Độ trực tiếp từ Ấn Độ qua Tổ Sư Long Thọ và Tổ Sư Thế Thân, kế tục là Ngài Đàm Hoằng, Sơ Tổ Tịnh Độ Tông Việt Nam; chứ không qua ngã Trung Hoa như Thiền Tông vốn dĩ đã có lâu nay mà Việt Nam chúng ta đã thừa kế.

Tôi cũng không có một ý nghĩ hoang tưởng nào khi biên tập tác phẩm nầy. Vì lẽ: nếu không có bắt đầu thì sẽ không có cái cuối cùng. Đó là tục ngữ Đức (Ohne Anfang Ohne Ende). Do vậy những gì muốn nói, tôi đã nói hết trong tác phẩm nầy và những gì muốn viết, tôi cũng đã viết hết rồi. Chỉ mong rằng người đọc, kể cả các bậc cao minh, xin chỉ cho những chỗ thừa hay thiếu, để từ đó tác giả sửa đổi lại khi có lần tái bản sắp tới.

Dịch, viết, sáng tác từ ngôn ngữ cho đến thơ văn v.v… nó là một niềm vui và là sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Do đó quan điểm nào đó được nhiều người hưởng ứng, quả là điều hân hạnh cho tác giả; nếu ngược lại chẳng có ai theo và không tán thành, thì đó chỉ là ý kiến của cá nhân người sinh ra tác phẩm ấy mà thôi. Thành kính cảm niệm công đức những vị nào đã để mắt ghé vào đọc tác phẩm nầy. Nếu có những lỗi nông nổi bất cập nào đó, thì tác giả xin nhận trách nhiệm về mình.

Năm 2012 sẽ xuất bản 3 tác phẩm liên quan về Tịnh Độ như đã thưa trên. Tất cả đều được in ấn tống với sự tùy hỷ đóng góp cúng dường của quý Đạo Hữu Phật Tử xa gần, từ châu Úc đến châu Âu và châu Mỹ. Quyển "Tư Tưởng Tịnh Độ Tông“ nầy dự định in 5.000 cuốn và mong rằng sau khi đọc, gấp sách lại, quý Ngài và quý Vị còn lưu lại một vài vấn đề gì đó quan trọng nơi tâm thức của mình; quả là hân hạnh cho người viết biết bao.

Xin cảm ân quý Thầy, quý Cô, quý Đạo Hữu, quý Phật Tử đã chịu khó bỏ công đánh máy, xem xét lại bài vở, layout, trang trí hình bìa sách, chuyên chở, phân phát đến từng địa phương trên các châu lục. Nếu không có quý vị thì bản cảo của sách nầy cũng vẫn còn nằm nguyên vẹn trên bàn viết mà thôi. Tất cả mọi công đức xin được khắc ghi vào lòng và xin niệm ân tất cả chư vị.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát

Núi đồi Đa Bảo vùng Blue Mountains

ngày 5 tháng 12 năm 2011

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/05/2011(Xem: 6448)
Tây phương Cực lạc là cảnh giới thanh tịnh giải thoát. Thanh tịnh là vô nhiễm là thuần thiện, giải thoát là vượt ngoài ba cõi, vượt ngoài ba cõi là xả ly thế gian.
30/04/2011(Xem: 7912)
"Văn hóa Tịnh độ" được thiết lập theo các quy chuẩn, giá trị vật chất và tinh thần nhất định. Thứ nhất, đây là cảnh giới không có khổ đau, chỉ có hạnh phúc...
23/03/2011(Xem: 4344)
Từ ngàn năm trước cho đến tận ngàn sau, sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật vẫn vang dội mãi trong tâm thức đi về của Đạo Phật Việt, như một năng lực cứu độ nhiệm mầu cho chúng sanh...
18/03/2011(Xem: 8610)
Khi một hành giả tu Tịnh độ chuyển hoá tận gốc rễ tham ái, hận thù và si mê, gieo trồng vạn thiện công đức: phụng sự xã hội và con người trên tinh thần vô ngã vị tha thì việc sanh về Tây phương không cònquan trọng nữa. Lúc ấy, hành giả đang sống trong cõi Ta Bà với chất lượng cuộc sống của Tịnh độ. Nói cách khác, với chất liệu và chất lượng cuộc sống như vừa nêu, hành giả có mặt ở đâu thì nơi đó được xem là Tịnhđộ trần thế. Sau khi phân tích kinh, tác giả đã khẳng định không có yếu tố tha lực trong kinh A-di-đà, dầu chỉ là nghĩa ám chỉ
18/01/2011(Xem: 2980)
Sáng nay trên những con đường còn băng giá Tôi chợt thấy mùa xuân trên vạn cánh sen hồng tía… Tôi say sưa ngắm nhìn cảnh tượng sáng ngời trứơc mắt tôi, những cành cây trơ trụi của mùa đông bây giờ đã khóac lên mình những hoa lá trắng mềm mại. Cả cảnh vật như chìm trong mầu sáng tinh khôi của mùa đông băng giá. Trong giây phút đó mọi vât dường như ngừng lại, như từ vô thủy chưa bao giờ thay đổi. Dù thực hay mộng ảo, giửa cỏi này hay cỏi kia có gì khác không? Giòng tâm tư tôi không ngừng tại đó, vẩn cuồn cuộn, vẩn trôi chẩy như từ kiếp nào, giửa bờ thực hư đó, theo thói quen của cuộc sống hiện tại tôi đưa tay nhấn nút, bổng lời đối đáp giữa Jhon Blofeld và thiền sư Hư Vân vang lên
17/01/2011(Xem: 2868)
Chúng ta thấu hiều Tịnh Độ này như thế nào hiện nay? Có phải thật sự có một nơi chốn đặc biệt khác hơn thế giới này mà chúng ta đi đến sau khi chết, một cõi Tịnh Độ của hòa bình và an lạc? Có phải những người thông thường, phần lớn tin rằng sự tín thành trì danh Niệm Phật sẽ bảo đảm cho sự thâm nhập vào một loại Tịnh Độ nào đấy sau khi chết – bất cứ nơi nào có thể là? Có lẻ những người Phật tử thông minh, theo sự hướng dẫn của Thân Loan Thánh Nhân thấu hiểu rằng Tịnh Độ hoàn toàn không phải là một nơi chốn thật sự, mà căn bản là một biểu tượng cho một thể trạng khác biệt của tâm thức, nhưng một khái niệm như thế có gây sự chú ý và có thể được chấp nhận bởi những hành giả thông thường của Tịnh Độ Chân Tông hay không?
31/12/2010(Xem: 2475)
1/ Tịnh Độ tông là Đại thừa. Ngoài ba kinh chuyên dạy về Tịnh độ của Phật A Di Đà (Kinh Phật Thuyết Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật và Kinh A Di Đà tiểu bản)thì nhiều kinh của Đại thừa như Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Bi Hoa….và các luận Đại thừa Khởi Tín, Luận Ma Ha Chỉ Quán của Thiên Thai Trí giả….và các Bồ tát khởi xướng các tông chính của Đại thừa như Trung Đạo, Duy thức và Mật giáo đều có chỉ dạy và hâm mộ Tịnh Độ.
04/12/2010(Xem: 2562)
Đại thừa Phật giáo đối với việc tự cầu giác ngộ của Tiểu thừa Phật giáo mà nói, thì chẳng những tự độ mà còn chuyên chở hết thảy chúng sinh đến Niết Bàn giác ngạn.
11/11/2010(Xem: 4201)
Mục đích thứ nhất của chúng ta khi tu học Phật Pháp đương nhiên là để liễu thoát sanh tử luân hồi, ra khỏi tam giới. Đây là một vấn đề trọng đại, là “một đại sự nhân duyên” mà Phật nói trong kinh Pháp Hoa; đức Thế tôn trong rất nhiều kinh luận Đại thừa không kể là trên lý luận hoặc phương pháp không có chỗ nào không lấy đó làm mục tiêu tối hậu. Nhưng Phật pháp truyền đến ngày nay, y cứ theo cách ghi chép của người Trung quốc đã trải qua ba ngàn năm, và theo cách tính của các nước khác thì cũng trên hai ngàn năm trăm năm. Pháp truyền qua thời gian dài như thế sẽ không tránh khỏi sanh ra tệ đoan.
02/11/2010(Xem: 8551)
Pháp Thân, tự biểu hiện ‘tính không’ và không có sự hiện hữu của thân thể vật lý, mà phải tự hiện thân trong một hình tướng và được biểu hiện như cây trúc...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567