Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tính Cách Tức Thời, Tại Đây Và Bây Giờ Của Tịnh Độ Tông

31/12/201003:45(Xem: 2738)
Tính Cách Tức Thời, Tại Đây Và Bây Giờ Của Tịnh Độ Tông

TÍNH CÁCH TỨC THỜI, TẠI ĐÂY VÀ
BÂY GIỜ CỦA TỊNH ĐỘ TÔNG

Nguyễn Thế Đăng

1/ Tịnh Độ tông là Đại thừa.

Ngoài ba kinh chuyên dạy về Tịnh độ của Phật A Di Đà (Kinh Phật Thuyết Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật và Kinh A Di Đà tiểu bản)thì nhiều kinh của Đại thừa như Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Bi Hoa….và các luận Đại thừa Khởi Tín, Luận Ma Ha Chỉ Quán của Thiên Thai Trí giả….và các Bồ tát khởi xướng các tông chính của Đại thừa như Trung Đạo, Duy thức và Mật giáo đều có chỉ dạy và hâm mộ Tịnh Độ.

Từ xưa Phật giáo Việt Nam được xem là sự hòa hợp của Thiền Tịnh Mật, trong đó tùy căn cơ mỗi người, mỗi thời đại mà có một tông trội hơn. Cả ba đều là Đại thừa, có lẽ vì thế mà cả ba sống hòa hợp với nhau dễ dàng. Cũng bởi vì thế mà cả ba đều có thể được tìm hiểu, giải rõ thêm trong toàn cảnh phổ quát của Đại thừa. Nói cách khác ba tông Thiền Tịnh Mật là đồng nguồn, đồng một con đường và đồng một mục đích. Thế nên chẳng phải vô ích khi dùng Thiền và Mật để làm rõ thêm những vấn đề mà chúng ta có thể còn chưa rõ ràng về Tịnh Độ. Nếu có người vì hâm mộ tông mình mà không hiểu bỏ qua tông khác thì đó là một điều đáng tiếc.

Trong bối cảnh đó, ở đây chúng ta nói đến tính cách tức thời, tại đây và bây giờ của Tịnh độ tông.

Thế nào là đồng nguồn, đồng con đường và đồng một mục đích? Đồng nguồn là “Tất cả chúng sanh đều có hạt giống Phật Tánh”, do đó đều có thể thành Phật, và sự thành Phật này sẽ dễ dàng hơn ở Tịnh độ Tây phương. Đồng con đường là tích tập công đức và trí huệ, với Mười Địa là con đường căn bản để thành Phật. Ba kinh Tịnh độ đều nói đến A bệ bạt trí, tức là Vô sanh pháp nhẫn, đây là cấp độ Bất thối chuyển được nói đến trong cả ba tông. Cấp độ đầu tiên của Mười Địa là Sơ Hoan Hỷ địa được nói đến trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Từ bước đầu thực hành đến Hạ phẩm Hạ sanh đến Thượng phẩm Thượng sanh của kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật tương đương và đồng nhất với con đường chung Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa của Đại thừa. Kinh nói hai phẩm Thượng phẩm Trung sanh và Thượng phẩm Thượng sanh chính là mười địa của Đại thừa.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói: “Tưởng sanh của Hạ phẩm Hạ sanh thì liền được sanh về thế giới Cực Lạc, ở trong hoa sen đủ mười hai kiếp mới nở, Bồ tát Quán Âm, Bồ tát Thế Chí với tiếng đại bi nói rộng cho nghe Thật Tướng của các Pháp và cách diệt tội. Kẻ ấy nghe rồi vô cùng hoan hỷ, ngay đó phát tâm Vô Thượng Bồ đề”. Chúng ta thấy được sanh về Tây phương Cực Lạc, dù ở cấp độ thấp nhất cũng phải học Đại thừa: Đại bi, Thật Tướng của các Pháp (Trí huệ), cách diệt tội (tịnh hóa) và phát tâm Bồ đề.

Nếu Tịnh độ là Tín Hạnh Nguyện thì Đại thừa cũng là Tín Hạnh Nguyện. Các kinh điển của Đại thừa nhấn mạnh vào Tin: ‘”tin hiểu, thọ trì”. Chẳng hạn kinh Kim Cương: “Nghe những câu đoạn ấy, dù chỉ một niệm sanh niềm tin thanh tịnh, thì này Tu Bồ Đề. Như Lai thấy biết trọn vẹn rằng những chúng sanh ấy được vô lượng phước đức như thế”. Kinh Hoa Nghiêm nói: ‘Tin là mẹ của các công đức’.

Hạnh ở đây là hạnh Bồ tát, tích tập công đức và trí huệ. Kinh A Di Đà nói: “Không thể dùng ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh về cõi nước ấy”. Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói:

“Bây giờ Thế Tôn nói với bà Vi Đề Hy rằng: giờ đây ngươi có biết không? Phật A Di Đà cách đây không xa. Ngươi hãy buộc niệm quán kỹ nước ấy thì tịnh nghiệp thành. Nay ta giảng rộng cho ngươi, cũng để tất cả các phàm phu đời sau muốn tu tịnh nghiệp sẽ được sanh cõi nước Cực Lạc Tây phương. Muốn sanh nước ấy phải tu ba phước:

Thứ nhất: Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, tâm từ không giết hại, tu mười nghiệp thiện.

Thứ hai: Thọ trì Ba quy y, các giới cụ túc, không phạm oai nghi.

Thứ ba: Phát Bồ đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng đại thừa, khuyên người khác tu hành tinh tấn.

Ba việc ấy gọi là Tịnh nghiệp. Ba việc ấy là chánh nhân tu hành tịnh nghiệp của chư Phật ba đời quá khứ hiện tại vị lai’.

Cũng kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói: Nếu chúng sanh nào sáng suốt tin tưởng trí Phật là trí chẳng thể nghĩ bàn, cho đến là trí tối thắng…., tu các công đức và tín tâm hồi hướng phát nguyện về cõi ấy, thì chúng sanh này ngồi kiết già trong hoa sen bảy báu tự nhiên hóa sanh, trong khoảnh khắc thân tướng, quang minh, trí huệ , công đức đều thành như các Bồ tát”.

Cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà do hạnh nguyện, trí huệ và công đức của tỳ kheo Pháp Tạng, là tiền thân của Ngài: “Trải qua năm kiếp , Ngài tư duy thâu nhiếp công hạnh trang nghiêm tịnh hóa cõi Phật” Khi đã thành tựu ngài lập ra cõi Tịnh độ Tây Phương với bốn mươi tám Lời Nguyện.

Phật A Di Đà đã tu Bồ tát hạnh và phát các đại nguyện bền vững muôn đời để tạo lập ra cõi Tây phương Cực Lạc. “Cõi nước Phật ấy thành tựu các công đức trang nghiêm như vậy” (Kinh A Di Đà). Thế nên để tương ưng và sanh vào cõi ấy, và ở cấp độ cao hay thấp là do sự tích tập trí huệ, công đức của chúng ta tương ưng với công hạnh và đại nguyện của Phật A Di Đà nhiều hay ít. Điều chúng ta cần nhớ là sự tích tập trí huệ và công đức này hiện thời chúng ta chỉ làm được ở cõi Ta Bà này, như ngày xưa Phật A Di Đà đã từng làm ở đây. Thế nên lơ là với sự tích tập trí huệ và công đức ở đây là chúng ta đã mất một cơ hội lớn đối với hoa sen Chín Phẩm của chúng ta.

Nguyện là làm mọi tịnh hạnh, mọi công đức để hồi hướng về Tịnh độ. Nhưng khi ở Tịnh độ đã được Không thối chuyển thì trở lại cõi Ta Bà hay cõi khác làm Phật sự. Tịnh độ tông gọi sự sanh qua Tịnh độ là Vãng tướng, và sự trở lại cõi này hay cõi khác là Hoàn tướng. Như thế nguyện của một người tu Tịnh độ phải lần lần bao trùm cả pháp giới, như Đại hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền.

Quả của Tinh độ là quả Phật. Rốt ráo người tu Tịnh độ sẽ thành Phật, tức là đạt đến và hoàn thiện cả ba thân của một vị Phật: Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Pháp thân vị ấy đồng nhất với Pháp thân của Phật A Di Đà và của tất cả chư Phật. Báo thân và Hóa thân của vị ấy thì căn bản đầy đủ công đức như của chư Phật, nhưng có sai khác tùy theo hạnh nguyện của vị ấy. Quả của người tu Tịnh độ là “trừ diệt tất cả nghiệp xấu trong vô số kiếp để sanh vào Cực Lạc” (Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật). Một điều đặc biệt là người tu Tịnh độ y trên quả Phật đã thành của Phật A Di Đà mà tu hành, cho nên Tịnh độ tông được xếp vào Quả thừa thay vì Nhân thừa

Sự đồng nguồn, đồng con đường và đồng mục đích của Thiền, Tịnh, Mật, chúng ta trích đoạn kinh trong Quán Vô Lượng Thọ Phật:

“Tiếp theo là nên tưởng Phật. Tại sao phải tưởng Phật? Bởi vì chư Phật Như Lai là Thân Pháp Giới, vào trong tâm tưởng của tất cả chúng sanh. Thế nên khi tâm người ta tưởng Phật, thì ngay tâm ấy tức là 32 tướng, 80 vẻ đẹp tùy hình. Tâm ấy làm Phật thì tâm ấy là Phật. Biển Chánh Biến Tri của chư Phật, từ nơi tâm tưởng mà sanh, bởi thế phải nên nhất tâm buộc niệm quán tưởng Đức Phật Như Lai ấy”.

2/ Ý nghĩa của sự việc ‘đang sanh’ về Tịnh độ.

“Thân Pháp Giới”, “Tâm ấy là Phật”, “Biển Chánh Biến Tri của Chư Phật”, là Pháp thân đồng nhất, hoàn toàn không khác biệt của tất cả các chư Phật. Không có chuyện của Pháp thân của Đức Phật này ‘to lớn’ hơn Pháp thân của vị Phật kia. Pháp thân là sự vô ngại tuyệt đối giữa các đức Phật.

Nhưng Báo thân, Hóa thân của các Ngài thì có khác vì hạnh nguyện khi còn là Bồ tát thì khác nhau. Nhưng vì Báo thân và Hóa thân lưu xuất từ Pháp thân nên chúng vô ngại với nhau và vô ngại đối với mọi cõi. Một ví dụ là Đức Quán Thế Âm ở với Phật A Di Đà nơi Tịnh độ Tây phương, nhưng Ngài vẫn làm việc cứu độ ở cõi này một cách vô ngại. Như vậy Phật A Di Đà và Tịnh độ của Ngài vẫn vô ngại với cõi này. Ở đây chúng ta trích vài lời nguyện:

Lời nguyện thứ 12: Khi thành Phật, nếu quang minh thân tôi mà có hạn lượng, ít ra chẳng soi đến hàng trăm ngàn ức vô số cõi Phật, thì tôi sẽ không nhận ngôi Chánh Giác.

Lời nguyện thứ 34: Khi thành Phật, những chúng sanh trong khắp mười phương vô lượng vô số thế giới nghe danh hiệu tôi mà chẳng chứng được Vô sanh Pháp nhẫn và các môn tổng trì sâu xa của Bồ tát, thì tôi sẽ không nhận ngôi Chánh Giác.

Lời nguyện thứ 45: Các chúng Bồ tát ở cõi nước khác nghe danh hiệu tôi thảy đều chứng được tam muội Phổ Đẳng, an trụ trong tam muội đó cho đến khi thành Phật, thường thấy vô lượng vô số tất cả chư Phật. Nếu chẳng như thế thì tôi chẳng nhận ngôi Chánh Giác

Sự vô ngại giữa các cõi với nhau là điều được nói đến trong kinh điển Đại thừa. Tịnh độ Tây Phương và Phật A Di Đà vô ngại với cõi này, nên chúng ta mới niệm Phật, quán tưởng, phát nguyện, lập hạnh, hội hướng….để có thể tiếp thông được với Phật và Tịnh độ. Nếu không vô ngại thì niệm Phật và quán tưởng sẽ không có nền tảng nào để có hiệu quả.

Bốn mươi tám lời nguyện của Phật A Di Đà thể hiện sự vô ngại của Ngài và cõi Tịnh độ của Ngài đối với toàn bộ Pháp giới. Bởi thế niệm Phật và quán tưởng Phật là dành cho chúng sanh ở mọi cõi. Chính sự vô ngại này cho phép chúng ta tiếp xúc được, kết nối được với Tịnh độ và sự tiếp xúc kết nối có thể trở nên trực tiếp. Ba thân của Phật A Di Đà là vô ngại với toàn thể Pháp giới nên mỗi chúng sanh trong Pháp giới đều có thể tiếp xúc, kết nối, tương ưng trực tiếp với Ba thân ấy.

Niệm Phật, quán tưởng Phật…. là đưa Phật A Di Đà và Tịnh độ vào trong thân tâm của chúng ta, tiếp nhận Phật và Tịnh độ vào trong thân tâm của chúng ta. Sự đưa vào, tiếp nhận này khiến cho chúng ta có được Tịnh độ. Đời sống ở cõi này của chúng ta ‘in hình’ Tịnh độ.Để hiểu ‘in hình’ là thế nào, chúng ta trích hai đoạn trong kinh Vô Lượng Thọ Phật:

“Dù mắt nhắm hay mở, không nên để (cho sự quán tưởng) tan mất, luôn luôn nhớ tưởng cõi Tịnh độ. Người quán tưởng được như vậy gọi là thấy thô sơ đất nước Cực Lạc”.

“Nay Như Lai dạy cho bà Vi Đề Hy và thảy hết chúng sanh đời sau quán tưởng thế giới Cực Lạc Tây phương. Nhờ Phật lực mà sẽ thấy cõi nước thanh tịnh kia, như cầm cái gương sáng tự thấy mặt mình. Thấy các sự việc cực diệu cực lạc của cõi nước ấy, tâm rất hoan hỷ, liền ngay lúc ấy đắc Vô sanh Pháp nhẫn”.

Dù chỉ mới “thấy thô sơ cõi Cực Lạc” trong hai pháp quán tưởng đầu tiên, Tịnh độ đã in hình vào trong tâm chúng ta, để từ đây chúng ta được chuyển hóa, được hưởng phần Tịnh độ. Tâm chúng ta bắt đầu thanh tịnh. Chúng ta bắt đầu thấy cuộc sống chung quanh, mọi người “thân thể đều đồng một sắc vàng” (Kinh Phật thuyết Vô Lượng Thọ Phật), “chim chóc cây cối đều thuyết pháp vì đều là báo thân của Phật A Di Đà” (Kinh A Di Đà). Cuộc sống chúng ta ở cõi này bắt đầu đi vào Tịnh độ. Tịnh độ bắt đầu nhiếp lấy cuộc đời Ta Bà của chúng ta.

Nếu so sánh với Mật giáo, khi chọn Phật A Di Đà làm bổn tôn, thì sự quán tưởng là : thế giới sắc tướng chung quanh là mạn đà la của Phật A Di Đà, tất cả âm thanh là thần chú hay danh hiệu Phật A Di Đà, thân thể này cũng được quán tưởng là sắc thân của Phật A Di Đà….Tóm lại tất cả thân tâm và thế giới của chúng ta đều được A Di Đà hóa và Tịnh độ hóa để thành Tây phương Cực Lạc.

Cõi Phật A Di Đà không ngăn ngại với chúng ta mà chỉ vì những phiền não chướng và sở tri chướng, gọi chung là nghiệp chướng (sự che chướng của nghiệp), của chúng ta ngăn che chúng ta với Tịnh độ. Thế nên một trong những mục đích của pháp quán tưởng của Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật là để ‘”trừ diệt hết tội”. Kinh cũng có tên là “Tịnh trừ nghiệp chướng, sanh chư Phật tiền” (Tịnh hóa và trừ diệt nghiệp chướng, sanh trước chư Phật).

Chúng ta cũng thấy mọi pháp tu của Đại thừa, của Thiền và Mật, đều là để diệt trừ hay tịnh hóa phiền não chướng và sở tri chướng, nghĩa là mọi nghiệp chướng, để thấy và chứng được Phật tánh,tức là thấy và chứng được “thật tướng của các pháp”, hay còn được diễn tả là “thấy Như Lai” (trong kinh Kim Cương).

Vì bị trói buộc trong vô minh và những nghiệp chướng, bèn cho thời gian không gian là thật, là cứng chắc chướng ngại thật sự, không thể thấy tánh Không của chúng, nên người bình thường cho rằng Phật và Tịnh độ ở xa, xa lắm. Nhưng như Phật Thích Ca đã nói trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đã trích dẫn ở trên: “Phật A Di Đà cách đây không xa”.

Sự sanh vào Tịnh độ là một sự việc xảy ra ở hiện tại. Kinh A Di Đà nói: “Xá Lợi Phất! Nếu có người đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện muốn sanh vào cõi nước Phật A Di Đà thì những người ấy đều được Bất thối chuyển nơi Chánh đẳng Chánh giác. Trong cõi nước ấy hoặc đã sanh, hoặc sẽ sanh, hoặc đang sanh. Thế nên, Xá Lợi Phất, các thiện nam tín nữ hãy nên tin tưởng phát nguyện sanh vào cõi nước ấy”.

Sự sanh vào là một dòng tương tục từ quá khứ đến tương lai và đang xảy ra trong hiện tại. Khi niệm Phật, quán tưởng, hồi hướng….là chúng ta “đang sanh” vào Tịnh độ, đang đi vào Tịnh độ. Bằng những thực hành ấy chúng ta đang đi sâu hơn vào Tịnh độ, hay nếu dùng thuật ngữ Tịnh độ, chúng ta đang đi lên các bậc Cửu Phẩm ngay ở đây và lúc này. Chánh niệm tịnh giác với sự việc đang sanh này là niềm vui và hạnh phúc hiện tại của chúng ta.

Có người vì không hiểu Thiền, và do đó không hiểu cả Tịnh độ, khi đọc xong phần cuối của phẩm Quyết Nghi trong kinh Pháp Bảo Đàn, cho rằng Lục tổ Thiền tông bác bỏ Tịnh độ Tây phương. Đọc kỹ chúng ta sẽ thấy Lục tổ không bác bỏ Tịnh độ mà ngài chỉ nói rằng cõi này và Tịnh độ không cách xa, cõi này và Tịnh độ dung thông vô ngại với nhau. Sự dung thông vô ngại này là do sự thanh tịnh của tâm. Ngài trích một câu của kinhDuy Ma Cật: “Tùy tâm mình thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh” Ngài nói:

“Nếu tâm của Sử quân không điều gì chẳng lành, thì Tây phương cách đây chẳng xa. Nếu như ôm giữ cái tâm chẳng lành, thì dầu có niệm Phật, cầu vãng sanh cũng khó đến đó được….Nay ta khuyên các thiện tri thức trước phải trừ 10 điều xấu ác tức là đi được 10 vạn dặm, sau trừ 8 điều tà tức là qua khỏi 8 ngàn dặm. Niệm niệm thấy tánh (Phật tánh), luôn luôn thực hành cái tâm bằng phẳng, thì đi đến Tây phương nhanh chóng như khảy móng tay mà thấy Phật A Di Đà liền”.

“Phật tánh giác ở trên cõi tự tâm, phóng ra ánh sáng lớn, ngoài soi sáu cửa thanh tịnh, phá hết các trời Lục dục, chiếu vào tự tánh, ba độc dứt liền, các tội địa ngục thảy đều tiêu diệt, trong ngoài sáng suốt không khác gì cõi Tây phương. Nếu chẳng tu theo pháp ấy thì làm sao đến cõi kia được!”

Quả thật, sự khó khăn ngăn ngại không phải ở phía Phật A Di Đà mà ở về phía chúng sanh chúng ta. Cũng như gã cùng tử lang thang lạc loài trong kinh Pháp Hoa, sự khó khăn ngăn ngại trong việc trở về với cha mình không phải về phía người cha trưởng giả giàu có an cư lạc nghiệp muôn đời, mà từ phía gã cùng tử. Sự khó khăn ngăn ngại xa cách của gã cùng tử này là sự nghi ngờ, mặc cảm, quen thói nghèo hèn lang thang, dơ bẩn, suy nghĩ lặt vặt, ti tiện, tà kiến….Chính những bệnh tật trong tâm này làm cho đường về trở nên khó khăn, chướng ngại, trong khi con đường vốn thông suốt, vô ngại.

3/ Sống trong đại dương Bốn mươi tám lời nguyện.

Con đường về ấy là dễ dàng. Chúng ta có thể tiếp xúc, kết nối, tương ưng với Ngài và Tịnh độ của Ngài, nghĩa là với Pháp thân, Báo thân và Hóa thân của Ngài. Pháp thân là Tâm, Báo thân là Ngữ và Hóa thân là Thân,của Phật A Di Đà. Pháp thân vô niệm, vô tướng, vô trụ của Ngài thì ở khắp tất cả. Báo thân và Hóa thân của Ngài là Tịnh độ và 48 lời nguyện trùm khắp vũ trụ. Thật ra chúng ta có là gì, đang ở đâu, như thế nào, chúng ta luôn luôn ở trong Pháp thân Báo thân và Hóa thân của Phật A Di Đà. Và chúng ta có thực hành niệm Phật, quán tưởng, phát nguyện…như thế nào thì cũng là thực hành trên Quả Phật Đã Thành, trên 48 Lời Nguyện Đã Thành của Đức A Di Đà.

Chúng ta có thể tiếp xúc trực tiếp, tức thời với Ngài và Tịnh độ của Ngài, không chỉ vì Tha lực trực tiếp tức thời của Ngài bao trùm cả vũ trụ, mà còn vì chúng ta cũng có các hạt giống hay tiềm năng Pháp thân, Báo thân và Hóa thân của mỗi chúng ta. Tiềm năng Pháp thân, Báo thân, Hóa thân này là tiềm năng Tâm, Ngữ, Thân của chúng ta.. Có điều Pháp, Báo và Hóa thân của chúng ta chưa được khai mở, tịnh hóa và hoàn thiện, thành thử sự tương ưng, tiếp xúc, kết nối chưa có được hay có được thì lâu lâu mới thoáng qua một cách yếu ớt. Chính vì tiềm năng Ba thân này, tiềm năng Phật tánh này nơi mỗi chúng sanh nên chúng ta mới đam mê, khát khao, tín ngưỡng Phật A Di Đà và Tịnh độ của Ngài đến như vậy.

Bằng việc niệm Phật, quán tưởng, làm các công đức, thân, ngữ, tâm chúng ta dần dần tương ưng với Thân, Ngữ, Tâm của Phật A Di Đà. Bằng niệm Phật và quán tưởng, bằng tin, hạnh, nguyện, hồi hướng…., những chướng ngại ngăn che của chúng ta và do chúng ta khiến ngăn cách với Ba thân của Phật dần dần tan rả. Thân Ngữ Tâm của chúng ta có thể tức thời trực tiếp tương ưng với Thân Ngữ Tâm của Phật A Di Đà tùy theo sự trực tiếp tức thời, sự không bị che chướng của thân ngữ tâm chúng ta.Với sự dần dần tương ưng,cõi Ta Bà của chúng ta mà chúng ta đang sống sẽ dần dần ‘vô ngại’ với Cực Lạc phương Tây.

Bằng niệm Phật, quán tưởng, tin, hạnh, nguyện, hồi hướng….trong Tha Lực (48 lời nguyện đang bao quanh chúng ta), chúng ta nhanh chóng chuyển hóa, tịnh hóa thân tâm mình. Tùy thân tâm mình tịnh hóa đến đâu, chúng ta cảm nghiệm, tương ưng được với Tịnh độ đến đó. Cũng chính thân tâm thanh tịnh của chúng ta quyết định chúng ta sanh vào phẩm nào trong Chín Phẩm, tương đương Mười Địa chung cho cả Đại thừa.

Cho nên hãy đưa Phật A Di Đà và Tịnh độ vào trong thân ngữ tâm của chúng ta. Hãy tiếp nhận Phật A Di Đà và Tịnh độ vào trong thân ngữ tâm của chúng ta. Sự đưa vào đó, sự tiếp nhận đó, chính là Tự lực. Tự lực để sống trong Tha lực của Phật A Di Đà, tức là trong 48 lời nguyện đã thành. Trong nền tảng Phật tánh, Tự lực và Tha lực vốn không ngăn ngại, vốn tức thời, trực tiếp, tại đây và bây giờ.

Để mỗi tiếng niệm Phật là một lời ca hát của Cực Lạc trong lòng chúng ta. Để mỗi quán tưởng là một hiện hình của Cực Lạc trong lòng chúng ta…

Như thế chúng ta đã có Phật, có Tịnh độ. Như thế chúng ta đã bắt đầu kết nối với Phật và Tịnh độ. Và mở rộng Phật và Tịnh độ ở trong lòng chúng ta để cho Phật và Tịnh Độ chiếm lấy toàn bộ đời sống của chúng ta, phải chăng đó là công việc hân hoan “Tịnh trừ nghiệp chướng, sinh ra ở trước chư Phật”?

Nguyễn Thế Đăng
Tuần báo Giác Ngộ số 568
(Ảnh minh hoa: Lễ Hội Hoa Đăng Vía Phật Di Đà tại chùa Hoằng Pháp, Hốc Môn 2010)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/04/2013(Xem: 10796)
Nói chung, ta được biết là có nhiều cõi Tịnh Độ, nhiều cõi linh thánh của những Đấng Giác ngộ mà chúng ta gọi là chư Phật. Cõi Tịnh Độ của Đức Phật Vô Lượng Quang A Di Đà thì đúng là một nơi độc nhất vô nhị. Có những cõi Tịnh Độ ở bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, và ở trung tâm. Trong số đó, cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà là nơi dễ đến nhất và vì thế rất đặc biệt.
22/04/2013(Xem: 7952)
Trong các hành môn của đức Phật đãchỉ dạy, môn nào cũng có pháp nghi riêng biệt, từ cách thờ cúng, lễ bái, trì tụng, sám hối, phát nguyện v.v... Như Mật Tông lại còn sự lập đàn, kiết ấn nữa. Riêng về tông Tịnh Độ, tôi thấy có nhiều người không biết nghi thức hành trì cho đúng pháp. Lại có những vị không hiểu nghĩa chữ Hán, thành ra khi trì tụng chỉ đọc suông theo thông lệ, khó phát lòng thành khẩn, không thể chuyển hướng tâm niệm của mình y như lời văn. Nghĩ vì dòng đời cứ mãi trôi qua, người sau càng ngày lại càng ít am hiểu văn từ Hán Việt, nên theo lời yêu cầu của một số đông, tôi soạn dịch nghi thức tu Tịnh Độ ra Việt văn để giúp bạn đồng tu.
22/04/2013(Xem: 10966)
Pháp sư Thánh Nghiêm sinh năm 1930 tại Nam Thông, Giang Tô, Trung Quốc. Năm 1943 ngài xuất gia tu học tại chùa Quảng Giáo, núi Long Sơn, Nam Thông. Năm 1975, ngài tốt nghiệp Tiến sĩ văn học tại Đại học Lập Chánh, Đông Kinh, Nhật Bản; và từ năm 1977 đến năm 1978 được bầu làm Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Hoa Kỳ kiêm trụ trì Đại Giác tự.
08/04/2013(Xem: 15729)
Trong ba bộ kinh căn bản của Tịnh tông, kinh Vô Lượng Thọ giảng chi tiết nhất về nhân địa, quả đức của đấng giáo chủ cõi Cực Lạc cũng như giảng rõ về bốn mươi tám nguyện vĩ đại của đấng Ðại Từ Bi Phụ, cực lực xiển dương pháp môn trì danh Niệm Phật. Theo cư sĩ Hồng Nhơn, kinh này được chú giải rất nhiều, nhưng hoặc là vì những bản chú giải kinh này chưa hề được dịch ra tiếng Việt, hoặc rất có thể là do kiến văn quá hủ lậu nên mạt nhân chưa hề được đọc những bản dịch ấy.
09/01/2013(Xem: 3503)
Chào chư vị đồng tu! Chúng ta xem tiếp đoạn thứ năm ở trong đoạn lớn này: “A Di Đà Phật thị vạn đức hồng danh, dĩ danh chiêu đức, khánh vô bất tận. Cố tức dĩ chấp trì danh hiệu vi chánh hạnh, bất tất canh thiệp quán tưởng, tham cứu đẳng hạnh, chí giản dị chí trực tiếp dã”. Đoạn nhỏ này là bảo với chúng ta chỗ thù thắng bất tư nghì của pháp môn này. Đây đích thực là pháp môn khó tin, quá dễ dàng, quá đơn giản, rất nhiều người tiếp xúc mà không cách gì tiếp nhận được.
09/01/2013(Xem: 3330)
Chỗ này rất quan trọng, chúng ta phải buông bỏ thân tâm thế giới, tức là buông bỏ vọng tưởng, buông bỏ phân biệt, buông bỏ chấp trước thì chúng ta liền có thể tương thông với chư phật Bồ Tát, liền có thể đột phá giới hạn. Ngày nay chúng ta học Phật không thể đột phá là do nguyên nhân gì vậy? Bạn vẫn chưa buông bỏ. Cho nên lỗi lầm này chính ở chúng ta, không phải ở nơi Phật cũng không phải ở trong kinh điển, mà là ở chính mình.
09/01/2013(Xem: 5008)
Tâm thanh tịnh là gì? Nhất tâm niệm Phật, nhất tâm là tâm thanh tịnh, hai tâm thì không thanh tịnh. Nhất tâm là gì? Ngay trong hai đến sáu giờ, hay một ngày từ sớm đến tối trong tâm chỉ có A Di Đà Phật. Ức Phật niệm Phật, trong lòng chân thật có A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra, không có bất cứ thứ gì thì gọi là nhất tâm. Sự việc này khó! Bạn muốn hỏi tôi, tôi tu bằng cách nào? Tôi niệm bằng cách nào? Tôi nói với bạn, trong tâm của tôi chỉ có một câu A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra là không có bất cứ thứ gì, cách niệm của tôi là như vậy.
26/12/2012(Xem: 3090)
Có người hỏi Khổng Tử: “Người dời nhà mà quên vợ. Điều đó có chăng?”. Khổng Tử bảo: “Lại có kẻ hơn thế nữa, như Vua Kiệt Vua Trụ thì còn quên cả bản thân mình”.
14/12/2012(Xem: 3966)
Đệ tử chúng con, hiện là phàm phu, trong vòng sanh tử, tội chướng sâu nặng, luân chuyển sáu đường, khổ không nói được. Nay gặp tri thức, được nghe danh hiệu, bản nguyện công đức, của Phật Di-đà, một lòng xưng niệm, cầu nguyện vãng sanh. Nguyện Phật từ bi, xót thương chẳng bỏ, phóng quang nhiếp thọ. Đệ tử chúng con chưa biết Phật thân, tướng tốt quang minh, nguyện Phật thị hiện, cho con được thấy. Lại thấy tướng mầu, Quán-Âm Thế-Chí, các chúng Bồ-tát và thế giới kia, thanh tịnh trang nghiêm, vẻ đẹp quang minh, xin đều thấy rõ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]