Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 10: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

08/12/201611:05(Xem: 6084)
Bài 10: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

Toàn Không

(Tiếp theo)

 

5). HỎI NGHĨA HAI CHỮ “KHÁCH

TRẦN” ĐỂ CHỈ CÁI THẤY LÀ CHỦ.


     Bấy giờ, Thế Tôn duỗi cánh tay sáng ngời, mở năm ngón tay, bảo A Nan và đại chúng:
- Lúc ta mới thành đạo, nơi Lộc Viên có nói với năm vị Tỳ Kheo và tứ chúng rằng: Tất cả chúng sanh chẳng thành Bồ-Đề (1) và chứng quả A La Hán, đều tại lầm theo phiền não khách trần (2). Lúc đó, các ông do đâu được khai ngộ, nay chứng thánh quả?
     Khi ấy, Kiều Trần Như (3) đứng dậy bạch Phật:
- Con là bậc trưởng lão trong chúng được gọi là hiểu rộng biết nhiều, vì ngộ hai chữ Khách Trần nên được chứng quả. Thế Tôn, ví như người đi đường vào nghỉ ở khách sạn, ăn ngủ xong rồi lên đường đi tiếp, chẳng thể ở lại, còn người chủ thì cư trú tại đó, chẳng cần đi đâu. Vậy chẳng trụ là khách, trụ gọi là chủ, nên lấy sự "chẳng trụ" làm nghĩa chữ Khách.
- Cũng như mưa mới tạnh, ánh sáng mặt trời rọi qua kẽ hở, thấy rõ tướng bụi trần lăng xăng nơi hư không. Trần thì lay động. Hư không tịch nhiên. Vậy tịch lặng gọi là không, lay động gọi là trần, nên lấy sự "lay động" làm nghĩa chữ Trần.
     Phật nói:
- Đúng thế!
     Tức thời Như Lai ở trong đại chúng co năm ngón tay, nắm rồi lại mở, mở rồi lại nắm, hỏi A Nan:
- Nay ông thấy gì?
     A Nan đáp:
- Con thấy bàn tay của Như Lai lúc mở lúc nắm.
     Phật bảo A Nan:
- Ngươi thấy tay ta mở nắm, là tay ta có mở có nắm, hay cái thấy của ông có mở có nắm?
     A Nan đáp:
- Bàn tay của Như Lai tự mở nắm, chứ chẳng phải tánh thấy của con có mở nắm.
     Phật hỏi:
- Cái nào động, cái nào tịnh?
     A Nan đáp:
- Tay Phật chẳng trụ, tánh thấy của con tịnh còn chẳng có, làm sao có động!
     Phật nói:
- Đúng thế!
     Liền đó, Như Lai từ trong bàn tay phóng ra một tia hào quang rọi bên phải A Nan. A Nan liền quay đầu nhìn bên phải, Phật lại phóng một tia hào quang rọi bên trái A Nan, A Nan lại quay đầu nhìn bên trái, Phật bảo A Nan:
- Đầu ngươi vì sao lại lay động?
     A Nan đáp:
- Con thấy Như Lai phóng hào quang đến hai bên cạnh con, nên theo đó nhìn qua nhìn lại, đầu tự lay động.
- A Nan, ngươi nhìn theo hào quang lay động là đầu ngươi động hay cái thấy động?
- Bạch Thế Tôn! Đầu con tự động, tánh thấy của con ngưng còn chẳng có, nói gì lay động!
     Phật nói:
- Đúng thế!
     Do đó, Phật bảo đại chúng rằng:
- Nếu chúng sanh cho "lay động" là trần, "chẳng trụ" là khách, các ông hãy xem, như A Nan đầu tự lay động mà tánh thấy chẳng động; lại tay ta tự mở nắm mà tánh thấy chẳng mở nắm. Vậy sao các ông hiện nay lại cho động là thân, cho động là cảnh, từ đầu đến cuối niệm niệm sanh diệt, lạc mất chân tánh, hành theo điên đảo. Vì tâm tánh chẳng chân, nhận vật làm mình, tự trôi lăn theo dòng sanh tử, cam chịu luân hồi.

 

GIẢI NGHĨA:

(1) Bồ-Đề: S, P: bodhi; dịch nghĩa là Tỉnh thức, Giác ngộ.
(2)Phiền não khách trần. Phiền não được ví dụ như khách và trần, “Khách” có nghĩa là khách trọ (trái lại với chủ), chỉ cho hành tướng thô di động không ngừng; “trần” là bụi, chỉ cho hành tướng nhỏ nhiệm (vi tế) cũng di động không ngừng. Phiền não của chúng sinh trong ba cõi gồm có Kiến hoặc và Tư hoặc; Kiến hoặc là những sai lầm về thấy biết, tính chất thô thiển, dễ nhận thấy, được ví dụ như “khách”; Tư hoặc là những sai lầm về tình cảm, tính chất nhỏ nhiệm (vi tế), khó thấy hơn, được ví dụ như “trần”.

(3) Kiều Trần Như: Tức A Nhã Kiều Trần Na (Kondana), là vị huynh trưởng của nhóm “năm vị tì kheo đệ tử đầu tiên của Đức Phật”, bốn vị khác là Bạt Đề (Bhaddiya), Bà Sư Ba hay Thập Lực (Vappa), Ma Ha Nam (Mahãnãma) và A Thị Thuyết hay Ác Bệ (Asssaji); họ vốn đều là đạo sĩ Bà la môn, đã cùng tu khổ hạnh với đức Cồ Đàm (tức Thái Tử Sĩ Đạt Đa) tại rừng Già-da, thuộc nước Ma-kiệt-đà.

 

     Sau thời gian dài tu khổ hạnh, cả 6 người đều kiệt sức, trí tuệ không phát triển; một hôm, đức Cồ Đàm kiểm điểm lại sự tu tập và bỗng nhiên bừng tỉnh. Ngài thấy rõ, tu khổ hạnh đã là sai lầm, Ngài quyết định bỏ tu khổ hạnh, trở lại ăn uống bình thường để phục hồi sức khỏe, và bắt đầu thiền quán, đó mới là con đường có thể đưa đến đạo quả giác ngộ.

 

     Sa môn Kiều Trần Như thấy đức Cồ Đàm như vậy, thì cho rằng Ngài đã thối chí, bèn cùng bốn người bạn kia bỏ đi sang vườn Nai (Lộc-Uyển), gần thành Ba-La-Nại, nước Ca-Thi, để tiếp tục tu khổ hạnh.

 

     Sau khi thành đạo, đức Phật đã đến vườn Nai thuyết bài pháp đầu tiên, pháp về KHỔ (Tứ Đế), hóa độ cho họ. Chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, nhờ quyết tâm và tinh chuyên tu hành theo sự dạy dỗ của Đức Phật, cả năm vị, đầu tiên là Kiều Trần Như, rồi tiếp đến bốn vị kia, lần lượt đều chứng thánh quả A-La-Hán.

 

Kinh nói: Bấy giờ, Thế Tôn duỗi cánh tay sáng ngời, mở năm ngón tay, bảo A Nan và đại chúng: “- Lúc ta mới thành đạo, nơi Lộc Viên có nói với năm vị Tỳ Kheo và tứ chúng rằng: Tất cả chúng sanh chẳng thành Bồ-Đề và chứng quả A La Hán, đều tại lầm theo phiền não khách trần”. Lầm theo phiền não khách trần là do bởi thấy sai lầm (Kiến hoặc) và suy nghĩ tưởng nhớ điên đảo (Tư hoặc) do chấp cái ta (ngã chấp) mà sinh ra.

 

     Ngã chấp phân biệt ta, người, chúng sinh, tốt xấu, đúng sai v.v..., tất cả những thứ này làhành tướng lăng xăng, giao động không ngừng, được ví như “khách”. Ngã chấp sinh cùng một lần với thân mạng, hành tướng nhỏ nhiệm (vi tế) khó biết, được ví dụ như “trần”. Phiền não khách trần là mê lầm chung của cả ba thừa (Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát), nếu không đoạn trừ được thì quả vị A-La-Hán cũng không chứng được, nói chi là quả vị Vô-thượng Bồ-đề!

 

Đức Phật hỏi năm vị đệ tử đầu tiên: “Lúc đó, các ông do đâu được khai ngộ, nay chứng thánh quả?”
     Khi ấy, Tôn giả Kiều Trần Như đứng dậy thưa Phật: “Con là bậc trưởng lão trong chúng được gọi là hiểu rộng biết nhiều, vì ngộ hai chữ “Khách Trần” nên được chứng quả. Ví như người đi đường vào nghỉ ở khách sạn, ăn ngủ xong rồi lên đường đi tiếp, chẳng thể ở lại, còn người chủ thì cư trú tại đó, chẳng cần đi đâu; vậy trụ gọi là chủ, nên lấy sự "chẳng trụ" làm nghĩa chữ “Khách”. Tôn giả Kiều Trần Như diễn tả chữ Khách rất rõ ràng dễ hiểu để phân biệt với chữ Chủ, Khách thì không ở lại, còn Chủ thì chẳng đi đâu cả.

     Tôn giả Kiều Trần Như nói tiếp: “Cũng như mưa mới tạnh, ánh sáng mặt trời rọi qua kẽ hở, thấy rõ tướng bụi trần lăng xăng nơi hư không. Trần thì lay động, Hư không tịch nhiên. Vậy tịch lặng gọi là không, lay động gọi là trần, nên lấy sự "lay động" làm nghĩa chữ Trần”. Chữ Trần (bụi) này luôn luôn di động chẳng ở yên đối với hư Không tịch tĩnh yên lặng, giống như Khách và Chủ vậy đó. Đi xa hơn nữa thì Trần cũng là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp đối với Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý; tất cả Trần này cũng là bụi, là khách, di động, thay đổi, sinh diệt. Còn hư Không cũng như sáu Thức (Thấy, Nghe, Ngửi, Nếm, Xúc giác, Ý) đều là Chủ, thanh tịnh, không thay đổi sinh diệt.
Đức Phật xác nhận nói:  “Đúng thế!”

Kinh nói: Tức thời Đức Phật ở trong đại chúng co năm ngón tay, nắm rồi lại mở, mở rồi lại nắm, rồi hỏi Tôn giả A Nan Đà: “Nay ông thấy gì?”
Tôn giả A Nan Đà đáp: “Con thấy bàn tay của Như Lai lúc mở lúc nắm”
Đức Phật hỏi: “Ông thấy tay ta mở nắm, là tay ta có mở có nắm hay cái thấy của ông có mở có nắm?”
Tôn giả đáp: “Bàn tay của Như Lai tự mở nắm, chứ chẳng phải tánh thấy của con có mở nắm”.
Đức Phật lại hỏi: “Cái nào động, cái nào tịnh?”
     Tôn giả đáp: “Tay Phật di động, tánh thấy của con tịnh còn chẳng có, làm sao có động!”

      Ở đây chúng ta thấy rõ là tính thấy không hai, tịch tĩnh; động tịnh đều không liên quan chẳng thể ảnh hưởng đến cái thấy.
     Đức Phật xác nhận nói: “Đúng thế!”

Kinh nói: Liền đó, Như Lai từ trong bàn tay phóng ra một tia hào quang rọi bên phải Tôn giả A Nan. Tôn giả liền quay đầu nhìn bên phải, Phật lại phóng một tia hào quang rọi bên trái, Tôn giả lại quay đầu nhìn bên trái. Đây là Đức Phật biểu diễn để chứng minh cho sự động và tĩnh.

Đức Phật hỏi: “Đầu ông vì sao lại lay động?”
- Con thấy Như Lai phóng hào quang đến hai bên cạnh con, nên theo đó nhìn qua nhìn lại, đầu tự lay động.
- A Nan, ông nhìn theo hào quang lay động là đầu ông động hay cái thấy động?
- Bạch Thế Tôn! Đầu con tự lay động, tánh thấy của con ngưng còn chẳng có, nói gì lay động!

     Ở đây chúng ta thấy gốc thấy (Bản kiến) không thay đổi (không đối đãi), động và tịnh đều chẳng liên quan.
     Đức Phật xác nhận nói:  “Đúng thế!”để xác nhận.

Do đó, Đức Phật bảo đại chúng rằng: “- Nếu chúng sanh cho "lay động" là trần, "chẳng trụ" là khách, các ông hãy xem, như A Nan đầu tự lay động mà tánh thấy chẳng động; lại tay ta tự mở nắm mà tánh thấy chẳng mở nắm. Vậy sao các ông hiện nay lại cho động là thân, cho động là cảnh, từ đầu đến cuối niệm niệm sanh diệt, lạc mất chân tánh, hành theo điên đảo. Vì tâm tánh chẳng chân, nhận vật làm mình, tự trôi lăn theo dòng sanh tử, cam chịu luân hồi!”

 

     Chúng ta thấy Đức Phật giảng rất rõ về sự sai lầm của chúng ta là: Chúng ta cứ tưởng rằng các ý nghĩ hành động hàng ngày của chúng ta là cái tâm chân thật của chúng ta, rồi cho rằng các cử chỉ hành động ấy là hành động của chúng ta; mà thực ra cái chúng ta cho là tâm chẳng phải là chân tâm thường hằng bất biến, thực ra nó khi có khi không có, nó là sinh diệt, được cụ thể bằng những suy nghĩ phân biệt, những cử chỉ hành động. Chính lời giảng này chứng minh cho mục trên về lời Phật nói câu: “Nhận giặc làm con” vậy.

(Quyển một hết)


(Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]