Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Phẩm chánh kiến thứ hai mươi bốn

03/05/201312:58(Xem: 11175)
2. Phẩm chánh kiến thứ hai mươi bốn

Kinh Hoa Thủ

2. Phẩm chánh kiến thứ hai mươi bốn

Hòa thượng Thích Bảo Lạc

Nguồn: Hòa thượng Thích Bảo Lạc Việt dịch

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn hỏi Xá Lợi Phất: chánh kiến là nghĩa thế nào? Xá Lợi Phất đáp: chánh kiến là quán các pháp không cao, không thấp, chỗ thấy không khác nên gọi là chánh kiến.

Chánh kiến những gì? Mắt là Niết Bàn nên không lìa mắt mà có Niết Bàn. Mắt và Niết Bàn là hai cái đồng nhau. Lấy gì cho là đồng? Chẳng phải mắt đồng với mắt; chẳng phải Niết Bàn đồng Niết Bàn. Tại sao thế? Vì trong mắt không phải là mắt, trong Niết Bàn không phải Niết Bàn. Trong con mắt không có Niết Bàn, trong Niết Bàn không có mắt. Mắt và Niết Bàn không hai cũng không phải khác. Vì không hai khác nên gọi là đồng nhau. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý... là Niết Bàn; không thể lìa ý mà có Niết Bàn, cho nên ý và Niết Bàn là hai thể đồng nhau. Lấy gì cho là đồng nhau? Chẳng phải ý đồng với ý, chẳng phải Niết Bàn đồng Niết Bàn. Tại sao? Vì trong ý không phải ý, trong Niết Bàn không phải Niết Bàn. Trong ý không có Niết Bàn, trong Niết Bàn không có ý. Ý và Niết Bàn không hai cũng không khác. Như không phân biệt pháp tức là không, không là đồng nhau, nên gọi là chánh kiến. Lại nữa Xá Lợi Phất, là chánh kiến nên gọi chánh kiến. Trong cái chánh không có tà nên gọi là chánh kiến. Hơn nữa, cái thấy ấy vô cùng tận nên gọi là chánh kiến. Thế nào là mất chánh kiến? Này Xá Lợi Phất, trái ngược lại kinh điển không tin, không thọ trì, đọc tụng, không theo đúng pháp thực hành là mất chánh kiến. Này Xá Lợi Phất, phân biệt các pháp như thế gọi là mất chánh kiến. Tại sao? Vì không phân biệt tức là chánh kiến. Như trong kinh nói: nếu đệ tử của các bậc Thánh không niệm tướng đất, cũng như không nghĩ tới đất đây đất kia, ta trong đất, đất trong tă; cũng không nghĩ tới những chất nước, gió, lửa khác. Không nghĩ tới các cõi trời Phạm Thế, Quang Âm, Biến Tịnh cũng không nghĩ tới các trời Quảng Quả, Vô Cuồng, Vô Nhiệt, Không Xứ, Thức Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng. Không nghĩ tới Niết Bàn, cũng không nghĩ tới đây kia là cảnh Niết Bàn mà Niết Bàn chính trong ta, ta trong Niết Bàn. Này Xá Lợi Phất, chánh kiến không có hết thảy vật gì để thấy cả. Tại sao? Vì có sở kiến cũng là tà kiến. Không hết thảy vật gì thấy tức là chánh kiến. Này Xá Lợi Phất, chánh kiến không thể nói là thấy được. Tại sao thế? Vì tất cả lời nói chỉ là âm thanh trống rỗng, do người tham chấp mà có thôi. Này Xá Lợi Phất, cũng như chỗ biết của Như Lai là chánh kiến, vì trong cái thấy biết của Như Lai không có tà kiến. Tại sao? Vì tất cả lời nói đều có bên trong, nên không nói ra lời nói cũng vậy. Xá Lợi Phất, tất cả nghiệp của thân cũng thế, đều có sẵn bên trong, không chánh không tà, không có phân biệt. Này Xá Lợi Phất, tất cả nghiệp đều ở trong thân, chẳng chánh, chẳng tà, không có phân biệt. Tất cả nghiệp báo cũng có sẵn bên trong như nghiệp chuyên nói chẳng hạn, nên Như Lai nói lời chân thật. Ngài nói thế nầy: nếu có tạo nghiệp chắc chắn có nghiệp báo. Nghiệp báo theo nghiệp vậy. Như thế này Xá Lợi Phất, ấy là trí phân biệt trong năm đường (11). Trí phân biệt trong năm đường ấy đều là phi trí, tất cả năm đường đều do phi trí sanh. Này Xá Lợi Phất, Bồ Tát nghe thế không nên kinh sợ mà lui sụt đạo tâm. Xá Lợi Phất, có bốn loại pháp, nếu quen gần gũi sẽ tăng thêm ngu si, không phát sanh trí huệ. Những gì là bốn?

1) Ðọc tụng kinh điển ngoại đạo tăng thêm ngu si không sanh trí huệ

2) Thân cận tu tập các pháp tà kiến tăng thêm ngu si không sanh trí huệ

3) Ưa việc quyết đoán tăng thêm ngu si không sanh trí huệ

4) Xa các pháp mầu nhiệm, cùng pháp không, tương ưng; không thọ trì, đọc tụng, cũng không có chánh quán, tăng thêm ngu si không sanh trí huệ. Ðó là bốn pháp.

Này Xá Lợi Phất, trái với bốn pháp này thì phát sanh trí huệ nên phải tu tập. Những gì là bốn?

1) Tu tập chánh kiến nên đoạn tà kiến. Ðó là pháp thứ nhất dứt trừ ngu si phát sanh trí huệ.

2) Nếu có đọc tụng kinh điển ngoại đạo phải giữ hạnh thanh tịnh, nên xa lìa, không nên mắc kẹt trong đó. Ðây là pháp thứ hai phá trừ ngu si phát sanh trí huệ

3) Xá Lợi Phất, như có nhiều nơi, có người ưa quyết đoán, phải giữ hạnh thanh tịnh, không nên cùng ở chung. Nếu muốn ở chung chỉ nói tới việc đạo, chớ bàn việc tạp phi pháp để trừ sự quyết đoán, hầu an ổn đồng hành; cũng như đánh bạt những điều phi pháp, trong tăng hòa hợp không làm tan rã. Ðó là pháp thứ ba phá trừ ngu si phát sanh trí huệ.

4) Xá Lợi Phất, gần gũi những kinh điển cao siêu nhiếp tâm, nghe xong liền thọ trì, tu hành đúng pháp. Vì người truyền bá làm cho giáo pháp tồn tại lâu dài. Ðó là pháp thứ tư phá trừ ngu si phát sanh trí huệ. Như trên đó gọi là bốn pháp. Này Xá Lợi Phất, pháp của Bồ Tát là thực hành sâu với tâm hổ thẹn, giữ gìn giới luật thanh tịnh, không tạo nghiệp. Bồ Tát phải sanh tâm không sợ sệt phát nguyện trang nghiêm. Bồ Tát thường hay tu hạnh của bậc đại nhơn chuyên cần tinh tấn, không biết mỏi mệt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]