Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Tập Giữa Trận Đồ Tâm Thức

08/08/201718:03(Xem: 5426)
Thiền Tập Giữa Trận Đồ Tâm Thức

ngoi thien-2

Thiền Tập Giữa Trận Đồ Tâm Thức

Nguyên Giác

 

Chúng ta gọi “trận đồ tâm thức” để chỉ cho những gì gian nan, khó hiểu, tự nhiên chệch ra ngoài sách vở… Bởi vì, có một số người tập Thiền một thời gian, thế rồi đâm ra hoang mang, lo lắng, khi nhìn thấy cái rỗng rang của tâm thức như nhảy vào vực sâu. Trong khi đó một số người tập thiền rồi tự xưng là Phật, là A La Hán đương đại duy nhất, là đại giáo chủ, là siêu sư phụ, và là vân vân. Có phải vì họ đã nhìn thấy hào quang? Có phải họ đã nghe tiếng lạ? Có phải vì họ thấy toàn thân lay động như có cõi vô hình nhập vào? Có phải vì nhiều lý do tương tự? Thực ra thấy nghe gì cũng từ tâm hóa hiện ra, tưởng thực sẽ là những dạng bệnh thôi. Nơi đây, chúng ta chỉ nhìn về sự kiện và sẽ chỉ nói về những gì có thể giải thích theo khoa học và kinh sách. Cũng xin thưa, bài này chỉ là một khảo sát không thẩm quyền, vì bản thân người viết tu học chưa tới đâu, nên không có cặp mắt nhìn thấu suốt ba cõi.

Chúng ta đang nhìn thấy dân Hoa Kỳ rủ nhau Thiền tập, từ bệnh viện tới nhà tù cai nghiện, từ quân đội tới cảnh sát, từ trường học tới Quốc hội… Ai cũng nhìn thấy công năng thần diệu của Thiền tập. Đúng là có công năng thực sự. Thậm chí, có thể chữa rất nhiều bệnh, có thể giúp bỏ hẳn thuốc giảm đau trong nhiều trường hợp. Thiền tỉnh thức có công năng như thế, với đại đa số người tập.

Kỳ lạ là, không nghe nói chuyện giữ giới trong các khóa Thiền tập thế gian. Có lẽ, vì khi nói tới giới luật, sẽ làm cho đậm phong cách nhà Phật, trong khi Hiến pháp Hoa Kỳ buộc phải tách biệt hình ảnh tôn giáo ra khỏi tất cả cơ quan công quyền?

Trong khi đó, đối với một số trường hợp, Thiền tập sẽ có hiệu ứng tiêu cực, có thể dẫn tới ảo giác, có thể tăng thêm thèm muốn sắc dục, có thể làm nghe nhiều tiếng thì thầm xúi giục  bên tai, và vân vân.

Báo Washington Post ngày 5 tháng 6/2015 có bài viết nhan đề “Meditation and mindfulness aren’t as good for you as you think” (Thiền định và Thiền tỉnh thức không tốt cho bạn như bạn nghĩ) của hai phóng viên Miguel Farias và Catherine Wikholm.

Trong bài nói về Thiền tỉnh thức lấy từ nhà Phật ra, để người tập chỉ nhìn vào niệm trong tâm, vào cảm thọ và cảm xúc mà không phán đoán, để làm công cụ đối trị lo lắng, trầm cảm. Tuy nhiên, một số cuộc nghiên cứu cho thấy một số người ngồi một mình tự nhìn vào tâm thức và không chịu nổi  các rối bời cảm xúc. Nghĩa là, viên thuốc Thiền tập có “hiệu ứng phụ” với một số người.

Bài viết cho biết nhiều Phật tử chỉ trích việc sử dụng Thiền tỉnh thức cho các mục tiêu thuần thế tục, vì sẽ làm tăng thêm quyến luyến cõi trần gian và tăng thêm chấp ngã. Nghĩa là, như thế xa lìa mục tiêu Thiền tập nhà Phật là nhận ra “tánh không” và xa lìa mọi chấp thủ. Bài báo ghi lời nhà văn Giles Coren nói rằng kỹ thuật như thế đã biến Thiền tập trở thành món bánh ăn liền McMindfulness, chỉ củng cố tự ngã sâu dày hơn.

Chính phủ Mỹ cũng biết, và cũng có ghi lời cảnh  giác, nhưng không mấy ai để ý.

Trên trang web của viện nghiên cứu NCCIH thuộc Bộ Y Tế Hoa Kỳ (https://nccih.nih.gov/health/meditation/overview.htm#sideeffects) có phần tựa đề “What the Science Says About Safety and Side Effects of Meditation” (Khoa học nói gì về An toàn và Hiệu ứng phụ của Thiền tập), dịch như sau:

Thiền tập một cách tổng quát được xem là an toàn cho người khỏe mạnh.

Những người có hạn chế nơi cơ thể có thể không có thể tham dự thiền tập liên hệ tới chuyển động. Những người có bệnh trong cơ thể nên nói với chuyên gia chăm sóc y tế của họ trước khi khởi đầu tập Thiền, và phải thông báo cho người dạy Thiền biết về hoàn cảnh bệnh của mình.

Có một số trường hợp hiếm hoi ghi nhận rằng Thiền tập có thể gây ra hay làm tệ hơn các hội chứng trong những người có vấn đề tâm lý như lo lắng và trầm cảm. Những người đang có bệnh chứng tâm thần nên nói với chuyên gia chăm sóc y tế của họ trước khi khởi đầu tập Thiền, và phải thông báo cho người dạy Thiền biết về hoàn cảnh bệnh của mình.” (hết trích dịch)

Bộ Y Tế Mỹ nói như thế, không ai để ý, vì nghĩ cũng y hệt như lời cảnh báo rằng hễ  ai nghiện xài điện thoại cũng dễ bệnh tâm thần. Và điện thoại cũng y hệt như Thiền tập, vì mở ra được những cánh cửa thế giới nhiều sắc màu, hễ bấm chệch một nút là sẽ rơi vào các mê lộ thiên nữ múa hát nhạc trời…  và ai không bước ra nổi là sẽ bệnh.

Tạp chí The Atlantic trong ấn bản ngày 25/6/2014 có bài viết tựa đề "The Dark Knight of the Soul" (Hiệp Sĩ Bóng Tối của Linh Hồn) kể về cuộc nghiên cứu của Tiến sĩ Willoughby Britton tại Providence, Rhode Island. Nhóm nghiên cứu của bà chuyên nghiên cứu về các trường hợp gặp “hiệu ứng phụ” của Thiền tập. Họ nghiên cứu kinh sách từ các tông phái nhà Phật – Theravada, Phật Giáo Tây Tạng, Thiền Tông… -- và cả kinh sách của các trường phái chiêm nghiệm thần bí của Ky Tô Giáo, Hồi Giáo Sufism, Do Thái Giáo… và đối chiếu với các trường hợp cụ thể.

ngoi thien

Như trường hợp David, 27 tuổi, năm 2013 tới trình bày với GS Britton rằng anh nghe tiếng nói trong đầu “Ta sẽ xâm chiếm ngươi” đầy kinh hoàng, và anh “nhìn thấy thần chết với lưỡi hái và mũ nhọn trùm đầu và ý nghĩ cứ hiện trong đầu anh ‘Ngươi hãy tự sát đi’ liên tục…”

Hay như trường hợp Michael, 25 tuổi, là một thầy dạy yoga, tới trình bày với GS Britton rằng thiền tập một thời gian, cơ thể anh không muốn ăn nữa, trong ba năm anh mang cảm giác “bị hủy  hoại hoàn toàn” bởi Thiền tập.

Britton là giáo sư tâm lý học ở đại học y khoa Brown University Medical School, thường xuyên nhận được điện thoại, email từ khắp nơi về hiệu ứng phụ Thiền tập cho cuộc nghiên cứu của bà có tên là "The Dark Night Project."

Các nhân vật trong hồ sơ của bà đều được giữ bí mật, ghi tên khác. Để tìm người phỏng vấn, nhóm của bà liên hệ với các Thiền sư Hoa Kỳ nổi tiếng, như Jack Kornfield tại Thiền viện Spirit Rock ở California, và Joseph Goldstein tại Thiền viện Insight Meditation Center ở Massachusetts.

Tạp chí The Atlantic ghi rằng hai vị thầy Goldstein và Kornfield kể với GS Britton về một số khóa thiền thất trong quá khứ, khi có thiền sinh tâm thần bỗng nhiên bất toàn. Britton kể rằng Jack Kornfield nói là có một thiền sinh hình như không bao giờ bình thường trở lại.

Thực ra, không có gì khó hiểu. Đơn giản, Kinh Lăng Nghiêm đã nói rằng, tu Thiền mà không giữ giới luật cũng y hệt như nấu cát thành cơm. Tất cả các phương pháp Thiền tỉnh thức tại Hoa Kỳ dạy trong quân đội, cảnh sát, bệnh viện, trường học, nhà tù… đều không nói gì về giới luật. Vì Hiến pháp Mỹ không cho nói về tôn giáo nơi công quyền. Chỉ trừ khi người dạy Thiền là các vị sư ni, bấy giờ mới nói về giới luật qua Thiền Tâm Từ.

Một điều nữa: rất nhiều người khi  tập Thiền đều ước muốn thành đạt gì đó cho “cái tôi” để rồi sẽ có quyền lực siêu hình nào đó cho “cái của tôi”… Nghĩa là, chệch ra ngoài Phật pháp. Trong khi một kinh căn bản về Thiền tập là Kinh Kim Cang yêu cầu không “trụ tâm vào bất kỳ đâu”… và như thế, sẽ không có tâm nào trở nên khủng hoảng, rối bời nữa.

Tóm gọn, cốt tủy nhà Phật là Giới Định Huệ…  Nghĩa là, phải giữ giới trước. Không giữ giới mà đòi tu là chuyện hoang đường.

Nên nhớ rằng Đức Phật dạy rất nhiều phương pháp rất độc đáo để giải thoát. Nhưng tất cả đều cần bước đầu là giữ giới.

Đức Phật đã từng học xong tứ thiền bát định với các bậc thầy ngoại đạo là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta, nhưng rồi thấy là như thế không giải thoát được, nên mới bỏ đi để tìm đường riêng.

Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn đơn giản hóa, thử xin Đức Phật dạy pháp nào ngắn hơn, có thể tiết kiệm được 90% thời lượng… Hình như sẽ có kinh như thế: Trong rất nhiều cách đơn giản (nhưng cũng cần nỗ lực) để giải thoát, có một cách là hãy giữ gìn giới đức thanh tịnh, và thế thôi, không cần tu gì khác. Sáng  trưa chiều tối, giữ tâm thanh tịnh được là sẽ xong.

Đức Phật có dạy trong hai Kinh rằng hễ ai giới đức thanh tịnh sẽ tất nhiên giải thoát. Hai kinh này dựa vào phương pháp gỡ mắt xích của “hành” trong Thập Nhị Nhân Duyên. Đó là Kinh AN 10.2 và Kinh AN 11.2.  Điều ghi nhận rằng hai Kinh này nằm trong nhóm Kinh Tiểu Bộ, gần với Kinh AN 11.10 -- tức là Kinh Sandha Sutta, trong đó Đức Phật dạy rằng học trò giỏi (cũng như tuấn mã) là phải thấy không có pháp nào để tu hết.

Kinh AN 10.2 trong bản dịch của Bhikkhu Bodhi đặt nhan đề là Volition (Hành), viết: “Bhikkhus, for a virtuous person, one whose behavior is virtuous, no volition need be exerted…”  (https://suttacentral.net/en/an10.2)

Dịch là: Các sư, đối với một người giới đức thanh tịnh, có các thái độ thanh tịnh, sẽ không cần khởi ý định làm gì nữa…

Câu trên trong Kinh AN 10.2 dịch bởi Piya Tan là: “Bhikshus, for the morally virtuous, there is no need of the intention [an act of will]…” (http://dharmafarer.org/wordpress/wp-content/uploads/2013/04/41.6-Dasaka-Cetanakaraniya-S-a10.2-piya.pdf)

Dịch là: Các sư, đối với những người giới đức thanh tịnh, không cần phải khởi tâm làm gì nữa [không cần nỗ lực ý chí gì nữa]…

Tương tự, bản dịch của Thanissaro Bhikkhu: “For a person endowed with virtue, consummate in virtue, there is no need for an act of will…” (http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an11/an11.002.than.html

Tại sao? Kinh này ghi lời Đức Phật giải thích rằng, người có giới đức thanh tịnh, sẽ tự động không hối tiếc, sẽ tự động có hỷ lạc, sẽ tự động có khinh an, sẽ tự động đắc định, sẽ tự động thấy và biết như thật, sẽ tự động ly tham, sẽ tự động có giải thoát tri kiến. Và đó là đắc quả A La Hán.

Một Kinh tương tự là Kinh AN 11.2, cũng ghi rằng chỉ cần giới đức thanh tịnh, và không cần khởi tâm làm gì cả. Nghĩa là, khi giới thanh tịnh được, sẽ không cần một pháp nào khác để làm.

Kinh AN 10.2 nêu trên được Piya Tan đặt nhan đề là: Discourse on “Needless of Intention” (Kinh về “Không Cần Khởi Ý Định Gì”).

Kinh  AN 11.2 (http://dharmafarer.org/wordpress/wp-content/uploads/2010/02/33.3b-Ekadasaka-Cetanakaraniya-a11.2-piya.pdf) được Piya Tan đặt nhan đề kinh là: Discourse on “Without Need of Intention” (Kinh về “Không Cần Khởi Ý Làm Gì”).

Hai Kinh này cho thấy cốt tủy là giới đức thanh tịnh. Sau đó, nếu Thiền tập được tất nhiên sẽ sớm giải thoát; nếu chỉ thuần giới đức thanh tịnh rồi  cũng sẽ giải thoát. Như thế, sẽ không bao giờ rơi vào các  mê lộ rối bời.

Tuy nhiên, tới đây lại cần phải hỏi: thế nào là giới đức thanh tịnh?  Piya Tan dựa vào Luận Tạng Pali chú giải Kinh AN 11.2 rằng (1) ít nhất là phải giữ năm giới, (2) bản chất thực của các pháp (dhammata) là thiện pháp tự động dẫn theo thiện pháp.

Tuy nhiên, nếu khởi tâm rằng mình đang gìn giữ giới đức thanh tịnh là cũng sẽ hỏng.

Bởi vì, khi giữ thân khẩu ý thanh tịnh (tức là giữ sáu căn thanh tịnh) cũng là một nỗ lực rất lớn để xa lìa mọi phân biệt kiến chấp (ưa/ghét, đúng/sai, thuận/nghịch) trong cõi này, vì Kinh SnP 4.13 viết về giới đức thanh tịnh là:

Người đã buông bỏ mọi giới đức và xa lìa mọi cam kết, và có hành động [đã buông bỏ mọi] lỗi và không lỗi, không còn ưa muốn gì về thanh tịnh hay bất tịnh, sẽ sống xa lìa tất cả các pháp, sẽ sống với bình an.

Bản dịch Khantipalo: But one who abandons all virtue and vows, and deeds both blameless and blameworthy, Does not long for either purity or impurity; he lives detached, fostering peace.(https://suttacentral.net/en/snp4.13)

Bản dịch Bhante Varado (có thêm ý “không khởi nghiệp mới”): But one who is detached from precepts and practices, And all conduct, both flawed and not flawed, Not yearning for either purity or impurity, Would abide abstaining from initiating new kamma, Peaceful, free of grasping. (http://suttas.net/english/suttas/khuddaka-nikaya/sutta-nipata/atthakavagga%20-%20php%20version%201.4/13-greater.php)

Bản dịch Thanissaro Bhikkhu (có thêm chữ “từ bi”): But one who's abandoned precepts & practices — all — things that are blamable, blameless, not hoping for 'pure or impure,' would live in compassion & peace, without taking up peace, detached.(http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/snp/snp.4.13.than.html)

Đó cũng là con đường ngắn nhất: Các kinh trong Kinh Tiểu Bộ đã chỉ ra pháp tu của Thiền Đạt Ma vậy. Và pháp tu này sẽ không bao giờ bị vướng bởi các mê lộ đã nêu trong phần đầu của bài viết này, vì tâm đã xa lìa tất cả mọi kiến chấp.




 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/04/2013(Xem: 6824)
Khi bạn bắt đầu thiền định về tâm bạn, hãy ngồi xuống với thân thể thẳng thắn, để cho hơi thở ra vào tự nhiên, và với đôi mắt không nhắm lại cũng không mở lớn, hãy nhìn vào không gian trước mặt bạn. Hãy tự nghĩ rằng chính vì tất cả chúng sinh, là những người từng là những bà mẹ của bạn, bạn sẽ quán chiếu Giác Tánh, khuôn mặt của Đức Phổ Hiền.
22/04/2013(Xem: 5860)
Như chúng ta biết, tất cả mọi biểu hiện trong cuộc sống, qua mọi thi vi động tác của ngôn ngữ cử chỉ hành động của chúng ta, đều phát xuất từ tự tâm chúng ta, như chính đức Phật đã xác quyết trong kinh Hoa Nghiêm: " Nhất thiết duy tâm tạo. " Ở đó, trong cuộc sống thường nhật hằng ngày, chúng được thể hiện qua hai biểu thị: vọng và chân (chân ở đây vượt lên trên vọng và chân của vọng).
22/04/2013(Xem: 6905)
Con đường vượt qua cửa Tổ là Đường về Hố Thẳm. Ở đây, nếu bạn muốn vượt qua, muốn siệu việt nó mà không buông tay để nhảy, thì kể như bạn đã đi lạc vào đường ma lối quỷ rồi đó! Ở đây, chúng tôi đề cập đến một con đường, nhưng thật sự con đường này không phải để chúng ta đi bằng đôi chân dính trên mặt đất, mà phải nhảy vào khi buông đôi tay.
22/04/2013(Xem: 4909)
Sau khi Lục tổ Đại sư đắc Pháp từ Ngũ tổ Hoằng Nhẫn ở Hoàng mai, cho đến ngày đắc Giới tại Đông sơn là khoảng thời gian dài mười lăm năm ẩn tu trong đám thợ săn. Trong khoảng thời gian này, bài pháp đầu tiên để dạy người của Lục tổ Đại sư , là bài pháp nảy sanh từ lòng trắc ẩn, và cái thế chẳng đặng đứng trước lòng ngoa ngụy của con người.
22/04/2013(Xem: 5011)
Từ pháp hội Linh sơn, đức Thế tôn cầm cành hoa giơ lên trước chúng. Bấy giờ, mọi người đều làm thinh, chỉ có ngài Ca-diếp rạng mặt mỉm cười. Phật dạy: "Ta có chánh pháp nhãn tạng, diệu tâm Niết bàn, thực tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, nay trao lại cho Ma ha Ca-diếp." Và cho đến khi Bồ-đề-đạt-ma đến Trung quốc tuyên bố rằng: " Chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật, không lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo." Qua những lời dạy này, đã nêu rõ chủ đích và sự kế thừa của Thiền tông rồi.
22/04/2013(Xem: 6153)
Từ trung tâm Thành nội Huế, ta phải băng qua con đường ven dòng sông Hương, lấy chùa Linh Mụ làm mốc khởi đầu, đi qua những thôn xóm trù phú nhưng tĩnh lặng, men theo góc núi xa để càng đi càng thấy vắng vẻ. Băng qua những cánh đồng, men theo con đường mòn dân sinh đầy ổ gà ven sườn núi để hướng về đỉnh núi Chằm, thuộc huyện Hương Trà.
22/04/2013(Xem: 6107)
Khi nghe một điều gì về Phật giáo trong bản tin tức hàng ngày, bạn thường nghĩ đến một tôn giáo thờ nhiều hình tượng to lớn, có các thầy tu áo vàng, với không khí dầy đặc mùi khói nhang. Bạn có cảm giác tôn giáo nầy không phải dành cho bạn, ngoại trừ có thể đấy chỉ là một buổi trình diễn ly kỳ, hấp dẫn. Tuy nhiên, chẳng lẽ Phật giáo chỉ có thế thôi ? Các tân nhiếp ảnh gia không chụp được các ảnh thật sự Phật giáo hay sao ? Các báo chí hào nhoáng trình bày cho bạn thấy cái nền tảng của tôn giáo đó, hay chỉ là cái dáng vẻ bề ngoài ?
22/04/2013(Xem: 5172)
Chúng ta thường không hay để ý đến những việc tầm thường. Chúng ta thường chỉ nhận biết hơi thở của chính mình khi hơi thở không bình thường, như lúc chúng ta lên cơn suyễn hoặc lúc chúng ta chạy quá sức. Tuy vậy, với cách quán niệm hơi thở, chúng ta sử dụng hơi thở tầm thường của chúng ta làm đề tài cho việc thiền định.
22/04/2013(Xem: 5791)
Thiền học đã không còn là điều mới lạ đối với thế giới Tây phương. Luồng sinh khí Thiền đã được các Thiền sư Á châu thổi vào Tây phương từ mấy thế kỷ trước. Đến nay, nó đã đi vào học đường, đi vào các sinh hoạt cộng đồng và thậm chí, còn là thời trang văn vẻ cho một số người trí thức nữa.
22/04/2013(Xem: 6293)
Từ lâu tôi luôn nghĩ rằng thực hành thiền Minh Sát là hành Chánh Niệm. Kinh nghiệm hành thiền và học thiền của tôi rất giới hạn gồm có thiền Minh Sát theo truyền thống của Ngài Mahasi Sayadaw, (Thiền sư U Pandita, Thiền Sư Khippapanno). Gần đây tôi có được cơ hội học được phương pháp Niệm Cảm Thọ của Thiền Sư Cư sĩ S.N. Goenka. Duyên may đưa đến năm nay tôi được đi học thiền "Niệm Tâm" ở thiền viện của Cố Hòa Thượng Thiền Sư Shwe Oo Min, Miến Điện.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]