Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[161 - 170]

13/02/201217:42(Xem: 8711)
[161 - 170]

DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN

(333 Câu Chuyện Thiền)

Đỗ Đình Đồng góp nhặt

 

161. TÔI KHÔNG MUỐN NỮA, CẢM ƠN

Tatsu-jo là vợ của một trong những đạo hữu của Thiền sư Nhất Hưu, một hôm đến chùa phàn nàn về sự bất chính đáng nghi ngờ của chồng.

Nhất Hưu mỉm cười nói: “Đừng lo.” Họ uống rượu nho với nhau, và Nhất Hưu bắt đầu nắm tay bà. Tatsu-jo ngạc nhiên và nói bà phải đi. Nhất Hưu bảo bà ở lại đêm, bà tức giận ra về. Vừa khóc bà vừa kể cho chồng nghe những gì đã xảy ra, nhưng chồng bà chỉ cười, nói: “Ồ, Nhất Hưu thực là một ông Phật sống, bà có ngủ với ông ấy cũng chẳng có gì sai cả. Cứ đi đi!” Tatsu-jo miễn cưỡng mặc quần áo đẹp, trang điểm lộng lẫy và trở lại chùa.

Khi gõ cửa phòng, bà ta nói giọng nhỏ nhẹ, “Lúc chiều em chẳng nên từ chối thầy. Chồng em đã cho phép em đến đây. Bây giờ em đây nè!” Nhất Hưu tặc lưỡi, không mở cửa, nói: “Tôi không muốn nữa, cảm ơn. Lúc ấy tôi cảm thấy như vậy, bây giờ thì không. Xin hãy về nhà đi.” Tatsu-jo phẫn nộ vô cùng, nhưng chẳng làm gì được, vì vậy bà trở về nhà kể cho chồng nghe kết cuộc câu chuyện. Ông chồng vỗ tay nói: “Khi ông động, ông động, không ai làm ông động được.”

(Phật Giáo và Tính Dục)

162. NẾU ANH THẬT YÊU TÔI, HÃY ÔM TÔI ĐI

Ở Nhật không có nhiều nữ Thiền sư, nhưng Eshun là một trong những người sắc bén nhất, kể cả nam lẫn nữ. Vì bà đã nổi danh cả nước là cô gái có sắc đẹp vô song, anh trai của bà, hoà thượng Ryoan, đã chùn bước khi bà yêu cầu được thọ giới làm ni cô. Khi bà yêu cầu, Ryoan gạt đi, nói: “Chỗ của đàn bà là ở trong nhà. Em có thể tu học Phật giáo một cách hoàn hảo như là một nữ cư sĩ. Vả lại, em đẹp quá. Tăng chúng không phải bao giờ cũng có thể tự kìm chế họ được.” Vài ngày sau Eshun trở lại, lần này với đầu cạo trọc và cái mặt lệch lạc vì cô đã dùng than hồng đốt da mặt.

Thấy quyết tâm của cô, Ryoan bớt nghiêm khắc, nhưng ngay cả với cái mặt có sẹo và quần áo lụng thụng che dấu thân hình, Eshun vẫn đẹp không chê được. Một ông tăng trẻ thầm yêu cô, nhét vào ống tay áo cô một lá thư tình. Eshun viết thư trả lời: “Tôi chấp nhận đề nghị của anh, nhưng vì chúng ta đã có lời thệ nguyện không gặp nhau bí mật. Tôi sẽ cho anh biết thời gian và địa điểm.”

Lần kế khi tăng chúng tập hợp để nghe vị sư trụ trì thuyết pháp. Eshun bỗng nhiên xuất hiện trước chánh điện, không mảnh vải che thân. Cô đứng trước mặt ông tăng đa tình, nói: “Nếu anh thật yêu tôi, hãy ôm tôi đi.” Ông tăng xấu hổ, bỏ chạy khỏi chùa; trong khi vị trụ trì và tăng chúng còn lại mặt trơ như tượng gỗ.

(Phật Giáo và Tính Dục)

163. CÁI CỦA BỔN NI SÂU KHÔNG CÓ ĐÁY

Vào một dịp khác, hòa thượng Ryoan quyết định phái Eshun làm đại biểu đi dự một cuộc họp được tổ chức tại ngôi chùa lớn Viên Giác ở Kiêm Thương. Một vài tăng nhân láo cá ở đó nghe được tin này liền bày ra quỷ kế để trắc nghiệm cô ni này. Không bao lâu sau khi cô đến chùa Viên Giác, một ông tăng nhảy ra trước mặt cô, tự phô mình ra nói, “Cái của lão tăng đây dài ba trượng! Còn đó thế nào?” Không một chút do dự, Eshun mở vạt áo trước ra đáp: “Cái của bổn ni đây sâu không có đáy,” và lướt qua cạnh ông tăng.

(Phật Giáo và Tính Dục)


164. CÔNG ÁN CỦA SHOSAN

Ở một ngôi chùa nọ có một nữ cư sĩ rất sắc bén tên là Mujaku. Vị Thiền sư ở đó gửi tất cả những tăng nhân đã tu lâu đến nữ cư sĩ này để dùng lửa thử vàng. Man-an, một trưởng lão có chỗ khác người, đến để đọ sức Thiền. Mujaku gọi Man-an vào phòng của bà. Khi Man-an bước vào liền thấy bà đang nằm trần truồng ngay đó. Man-an chỉ ngay chỗ kín của bà, hỏi:

- Cái gì đó? Có phải là cửa chính đưa vào trần gian không?”

Majaku đáp:

- Tất chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai; tất cả sáu Tổ sư Thiền, tất cả chư đại đức thượng tọa đều do chỗ ấy mà đến.

Man-an hỏi:

- Như lão tăng đây có thể trở lại chỗ đó được chăng?

Mujaku đáp:

- Bọn lừa đực, ở đây chẳng có chỗ trở lại.

Mujaku vừa nói vừa quay phắt lại phía Man-an, dang hai chân phô ra chớp nhoáng. Man-an mặt đỏ bừng, lúng túng, vội vã rút lui.

Công án của Shosan: Ông làm thế nào để đáp câu hỏi, “Như lão tăng đây có thể trở lại chỗ đó được chăng?”

(Phật Giáo và Tinh Dục)

165. GỐC CỦA SANH TỬ

Thiết Chu là một cư sĩ ngộ đạo thời Minh Trị, sau trở thành Thiền sư nổi tiếng. Chữ viết kiểu nghệ thuật xuất sắc của ông được trưng bày trong các kỹ viện và các khu hành lạc. Có lần ông tiết lộ: ”Ngay cả sau khi ngộ, vấn đề tính dục căn bản vẫn cứ tồn tại. Mãi cho đến lúc năm bốn mươi chín tuổi (Thiết Chu mất lúc năm mươi hai tuổi) tôi mới vượt qua được đam mê tính dục.”

Một người bạn gợi ý Thiết Chu rằng cư sĩ già rồi. Thiết Chu bảo: “Không phải. Đam mê tình dục mà ông muốn nói là sự ham muốn thể xác. Tôi đã vượt qua cái ấy lúc ba mươi mấy tuổi. Nếu một người không thể thâm nhập bản tánh của đam mê tình dục -- gốc rễ của sinh tử và sức sống căn bản -- đến tận cội nguồn của nó, cái ngộ của người ấy không có giá trị.”

Tính dục là công án tối thượng.

(Phật Giáo và Tính Dục)

166. LÀM SAO DỨT BỎ ĐAM MÊ TÍNH DỤC

Một trong những đệ tử có gia đình của Thiền sư Thiết Chu có lần nói với sư:

- Muốn thực sự tu Thiền, cần phải dứt bỏ đam mê tính dục.

Sư cười lớn, nói:

- Cảnh giới anh đang nhắm đến thực là cao vời. Đam mê tính dục là cội rễ của toàn thể cuộc tồn sinh. Làm cách nào anh có thể dứt bỏ nó được?

- Bằng cách lìa xa vợ tôi và tránh xa tất cả mọi người đàn bà khác; lúc ấy mọi cám dỗ tính dục sẽ không nổi dậy.

- Vậy có hơi ích kỷ không? Vợ anh sẽ ra sao, một người bạn đường trung thành đã hai mươi năm? Đó hoàn toàn không phải là cách dứt bỏ đam mê tính dục -- đó chỉ là lẩn tránh nó thôi.

- Vậy làm sao tôi có thể nhổ hết gốc rễ của đam mê tính dục?

- Hãy lao mình vào thế giới đam mê tính dục, làm cạn hết mọi khả năng của nó, rồi anh sẽ thấy được giải thoát. Hãy yêu vợ anh và tìm giác ngộ ngay giữa dòng đời - đó là ý nghĩa của Thiền.

(Phật Giáo và Tính Dục)

167. NGƯỜI TU KHÔNG NÊN GẦN ĐÀN BÀ

Trái ngược với quan điểm của Thiền sư Thiết Chu, Munan--một Thiền sư Nhật khác--viết: “Không một tăng nhân hay tu sĩ nào nên gần đàn bà. Dù cho không phạm giới luật thì ông ta cũng không thể ngăn được tâm mình không bị ảnh hưởng vì sự hiện của người đàn bà. Vì vậy, gần gũi với một người đàn bà là khởi đầu tạo nghiệp hướng về cảnh giới súc sinh. Tôi lấy sự tránh xa đàn bà làm pháp môn tu tập của tôi bởi vì tôi ý thức được dư tập thú tính trong tôi.”

(Phật Giáo và Tính Dục)

168. THẬT LÀ MỘT THỬ THÁCH GIAN NAN

Thiền sư Mặc Lôi là trụ trì chùa Kiến Nhân ở Kyoto trong một thời gian dài. Sư so sánh tu Thiền với việc chui vào một trái bầu. Chỗ hở thì cực kỳ chật hẹp, nên hành giả phải tự kiểm soát mình thật chặt để chui qua. Vì vậy, sư ca ngợi Nantembo như là tấm gương sáng. Khi Nantembo ngồi thiền, hình ảnh của những người đàn bà đẹp hiện lên trong tâm làm ông hưng phấn. Nantembo nguyền rủa sự hưng phấn, dùng sức mạnh tuyệt đối của ý chí đè bẹp những ảo ảnh cám dỗ đó. Chính Natembo đã kể lại câu chuyện sau đây: “Có lần tôi đang du hành trên một con thuyền, ở một hải cảng nọ những hành khách cùng đi với tôi gọi một nhóm kỹ nữ đến để mua vui. Họ cũng gọi cho tôi một cô, nhưng tôi chỉ trả tiền và bảo cô ta đi đi. Các khoan thuyền chật như nêm. Tôi không có sự chọn lựa nào cả mà chỉ có thể đặt mình xuống giữa sự cuồng lạc để ngồi thiền. Thật là một thử thách gian nan.”

(Phật Giáo và Tính Dục)

169. ĐI CHƠI ĐÊM

Tangen là đệ tử giỏi nhất của Thiền sư Tiên Nhai, nhưng có một tật xấu. Hầu như đêm nào Tangen cũng leo tường chùa ra ngoài đến các khu hành lạc. Mặc dù Thiền sư Tiên Nhai rất hiểu bản chất con người, (có lần trong lúc trời đang mưa tầm tã, sư đã sai một chú tiểu đem dù đến kỹ viện cho Tangen) sư cảm thấy rằng sự quá độ như thế sẽ làm bại hoại người đệ tử của mình. Một đêm sư dời hòn đá làm chỗ kê chân để leo tường của Tangen và ngồi ngay vào chỗ đó tọa thiền. Ngay trước khi trời rạng đông, Tangen leo qua tường, trượt chân trên một cái gì âm ấm, chạy vào chùa lấy làm lạ, tự hỏi: “Mình đã dẫm lên cái gì ngoài đó?” Đến sáng, khi không thấy Thiền sư Tiên Nhai xuất hiện trong giờ họp, Tangen hỏi lý do. Có người trả lời rằng, “Hòa thượng bị đau đầu dữ lắm.” Nhận thức được việc gì đã xảy ra, Tangen thề quyết tâm tu sửa phong cách của mình.

(Phật Giáo và Tính Dục)

170. Ở HOÀN CẢNH NÀO CŨNG NGỘ ĐƯỢC

Ohashi, nữ đệ tử của Thiền sư Bạch Ẩn, đã có thể đạt ngộ ngay trong thời gian làm kỹ nữ. Là một thiếu nữ đáng yêu và có tài, Ohashi đã ký giao kèo làm kỹ nữ để trợ giúp gia đình khi người cha samurai của cô thất nghiệp vì ông chủ lãnh chúa qua đời. Tuyệt vọng vì số mệnh, Ohashi được một ông tăng khách làng chơi hiền triết tặng lời khuyên như vầy: “Có thể đạt ngộ và an tâm trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả ở đây trong chốn hoa tường liễu ngõ này. Hãy tìm Phật ở mọi nơi và cô có thể đạt được giải thoát.” Từ đó về sau, Ohashi cần mẫn ngồi thiền và quán xét chính cuộc sống như là công án tối hậu và cô đã đạt ngộ như vầy:

Để trừ bỏ tánh sợ sấm của mình, một hôm Ohashi quyết tâm ngồi ở phía trước hiên nhà trong lúc có cơn bão mãnh liệt. Một lằn sét xẹt qua ngay trước mặt, đánh cô bất tỉnh. Khi tỉnh lại, cô cảm thấy tựa hồ vũ trụ như là của mình. Thiền sư Bạch Ẩn xác nhận cô đã ngộ, điều ấy chứng tỏ rằng ngay cả một cô gái giang hồ cũng có thể thành Phật được. Cuối cùng Ohashi được một khách làng chơi quen thuộc giàu có chuộc ra và cô đã kết hôn với ông ta. Sau đó, được chồng cho phép, cô trở thành một ni cô.

(Phật Giáo và Tính Dục)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/04/2013(Xem: 6468)
Vào tuổi 39, Janet Clarke khám phá rằng cô đã bị bướu cột sống khiến cô đau lưng triền miên. Các loại thuốc giảm đau cũng có giúp cô đôi chút, nhưng mãi cho đến khi cô tham dự một khóa Thiền tập ở Lytham, cô mới khám phá ra một vũ khí lợi hại bên trong cơ thể của mình : đó là tâm của cô.
22/04/2013(Xem: 6765)
Khi bạn bắt đầu thiền định về tâm bạn, hãy ngồi xuống với thân thể thẳng thắn, để cho hơi thở ra vào tự nhiên, và với đôi mắt không nhắm lại cũng không mở lớn, hãy nhìn vào không gian trước mặt bạn. Hãy tự nghĩ rằng chính vì tất cả chúng sinh, là những người từng là những bà mẹ của bạn, bạn sẽ quán chiếu Giác Tánh, khuôn mặt của Đức Phổ Hiền.
22/04/2013(Xem: 5832)
Như chúng ta biết, tất cả mọi biểu hiện trong cuộc sống, qua mọi thi vi động tác của ngôn ngữ cử chỉ hành động của chúng ta, đều phát xuất từ tự tâm chúng ta, như chính đức Phật đã xác quyết trong kinh Hoa Nghiêm: " Nhất thiết duy tâm tạo. " Ở đó, trong cuộc sống thường nhật hằng ngày, chúng được thể hiện qua hai biểu thị: vọng và chân (chân ở đây vượt lên trên vọng và chân của vọng).
22/04/2013(Xem: 6878)
Con đường vượt qua cửa Tổ là Đường về Hố Thẳm. Ở đây, nếu bạn muốn vượt qua, muốn siệu việt nó mà không buông tay để nhảy, thì kể như bạn đã đi lạc vào đường ma lối quỷ rồi đó! Ở đây, chúng tôi đề cập đến một con đường, nhưng thật sự con đường này không phải để chúng ta đi bằng đôi chân dính trên mặt đất, mà phải nhảy vào khi buông đôi tay.
22/04/2013(Xem: 4852)
Sau khi Lục tổ Đại sư đắc Pháp từ Ngũ tổ Hoằng Nhẫn ở Hoàng mai, cho đến ngày đắc Giới tại Đông sơn là khoảng thời gian dài mười lăm năm ẩn tu trong đám thợ săn. Trong khoảng thời gian này, bài pháp đầu tiên để dạy người của Lục tổ Đại sư , là bài pháp nảy sanh từ lòng trắc ẩn, và cái thế chẳng đặng đứng trước lòng ngoa ngụy của con người.
22/04/2013(Xem: 4976)
Từ pháp hội Linh sơn, đức Thế tôn cầm cành hoa giơ lên trước chúng. Bấy giờ, mọi người đều làm thinh, chỉ có ngài Ca-diếp rạng mặt mỉm cười. Phật dạy: "Ta có chánh pháp nhãn tạng, diệu tâm Niết bàn, thực tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, nay trao lại cho Ma ha Ca-diếp." Và cho đến khi Bồ-đề-đạt-ma đến Trung quốc tuyên bố rằng: " Chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật, không lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo." Qua những lời dạy này, đã nêu rõ chủ đích và sự kế thừa của Thiền tông rồi.
22/04/2013(Xem: 6124)
Từ trung tâm Thành nội Huế, ta phải băng qua con đường ven dòng sông Hương, lấy chùa Linh Mụ làm mốc khởi đầu, đi qua những thôn xóm trù phú nhưng tĩnh lặng, men theo góc núi xa để càng đi càng thấy vắng vẻ. Băng qua những cánh đồng, men theo con đường mòn dân sinh đầy ổ gà ven sườn núi để hướng về đỉnh núi Chằm, thuộc huyện Hương Trà.
22/04/2013(Xem: 6076)
Khi nghe một điều gì về Phật giáo trong bản tin tức hàng ngày, bạn thường nghĩ đến một tôn giáo thờ nhiều hình tượng to lớn, có các thầy tu áo vàng, với không khí dầy đặc mùi khói nhang. Bạn có cảm giác tôn giáo nầy không phải dành cho bạn, ngoại trừ có thể đấy chỉ là một buổi trình diễn ly kỳ, hấp dẫn. Tuy nhiên, chẳng lẽ Phật giáo chỉ có thế thôi ? Các tân nhiếp ảnh gia không chụp được các ảnh thật sự Phật giáo hay sao ? Các báo chí hào nhoáng trình bày cho bạn thấy cái nền tảng của tôn giáo đó, hay chỉ là cái dáng vẻ bề ngoài ?
22/04/2013(Xem: 5138)
Chúng ta thường không hay để ý đến những việc tầm thường. Chúng ta thường chỉ nhận biết hơi thở của chính mình khi hơi thở không bình thường, như lúc chúng ta lên cơn suyễn hoặc lúc chúng ta chạy quá sức. Tuy vậy, với cách quán niệm hơi thở, chúng ta sử dụng hơi thở tầm thường của chúng ta làm đề tài cho việc thiền định.
22/04/2013(Xem: 5757)
Thiền học đã không còn là điều mới lạ đối với thế giới Tây phương. Luồng sinh khí Thiền đã được các Thiền sư Á châu thổi vào Tây phương từ mấy thế kỷ trước. Đến nay, nó đã đi vào học đường, đi vào các sinh hoạt cộng đồng và thậm chí, còn là thời trang văn vẻ cho một số người trí thức nữa.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]