Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[111 - 120]

13/02/201217:42(Xem: 6454)
[111 - 120]

DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN

(333 Câu Chuyện Thiền)

Đỗ Đình Đồng góp nhặt

 

111. DẤM CỦA TOSUI

Tosui là Thiền sư từ bỏ hình thức chùa chiền để sống dưới gầm cầu với những người ăn mày. Khi sư quá già, một người bạn giúp sư cách kiếm sống mà không phải đi xin ăn. Ông ta chỉ Tosui cách ủ gạo làm dấm, sư đã làm nghề này cho đến khi qua đời.

Khi Tosui làm dấm, một trong những người ăn mày tặng sư một bức tranh Phật. Tosui treo bức tranh lên vách lều và gắn một tấm biển bên cạnh.

Trên tấm biển, sư viết: “Này ông Phật A-di-đà, Căn phòng nhỏ này chật hẹp lắm. Tôi chỉ có thể để ông ở đây nhất thời. Nhưng đừng nghĩ rằng tôi đang cầu ông giúp tôi tái sinh ở cõi Tây Phương Cực Lạc của ông đấy nhé.”

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

112. NGÔI CHÙA IM LẶNG

Thánh Nhất (Shoichi) là Thiền sư chột mắt rạng ngời giác ngộ. Sư dạy đệ tử ở chùa Đông Phước.

Ngôi chùa cả ngày lẫn đêm chìm trong im lặng. Hoàn toàn không một tiếng động.

Ngay cả việc tụng kinh cũng bị sư bãi bỏ. Các đệ tử của sư không làm gì cả ngoại trừ thiền định.

Một hôm bà lão hàng xóm nghe tiếng chuông rung và tiếng tụng kinh. Lúc ấy bà biết Thánh Nhất đã qua đời.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

113. THIỀN CỦA PHẬT

Phật nói: “Tôi xem địa vị của vua chúa và các nhà cai trị như vi trần. Tôi nhìn kho tàng châu báu như gạch sỏi. Tôi xem áo lụa đẹp nhất như giẻ rách. Tôi thấy vô số thế giới trong vũ trụ như hạt nhỏ của trái cây, những ao hồ lớn nhất ở Ấn độ như giọt dầu nhỏ trên bàn chân tôi. Tôi biết các giáo lý thế gian là trò ảo hóa của các nhà ảo thuật. Tôi thấy rõ quan niệm cao cả nhất về sự giải thoát như gấm vàng trong mộng, và xem thánh đạo của những kẻ giác ngộ như hoa đốm trước mắt người. Tôi xem thiền định như trụ cao trên núi, Niết bàn như ác mộng giữa ban ngày. Tôi xem phán quyết đúng sai như sự nhảy múa uốn éo của con rồng, sự hưng thịnh và suy vong của tín ngưỡng chỉ là dấu vết của bốn mùa để lại.”

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

114. NIỆM PHẬT

Niệm Phật, cũng gọi là trì danh, là phép tu chính của các tông phái Tịnh độ Phật giáo. Một trong những tác dụng chủ yếu của nó cũng tương tự như một công án Thiền, là làm cho tâm qui nhất và yên tĩnh để có thể thấy được bản tánh mình tức Phật A-di-đà.

Một thanh niên Nhật đã phê bình bà ngoại anh ta, người chuyên trì danh hiệu Phật A-di-đà, như vầy:

Sáng chiều niệm Phật trì danh,

Nam mô trộn lẫn cằn nhằn uổng công.

Bà lão nghe được liền đáp lại:

Sáng chiều niệm Phật trì danh,

Nam mô cho Phật, cằn nhằn cho con.

(Bước Đầu Đọc Thiền)

115. CẢM ƠN LÒNG TỐT

Một hôm trên đường hành hương, ni cô Rengetsu đến một làng nọ vào lúc hoàng hôn nên xin dân làng cho ở tạm qua đêm, nhưng họ đóng sầm cửa lại. Cô phải trú dưới gốc một cây anh đào ngoài cánh đồng. Nửa đêm cô thức giấc và thấy, tựa như giữa bầu trời đêm xuân, hoa anh đào nở đầy cười với trăng mờ hơi sương. Choáng ngợp với cái đẹp, cô đứng dậy hướng về phía làng bái tạ:

Nhờ họ hảo tâm không cho tạm trú,

Ta được ngắm hoa dưới ánh trăng mờ.

(Bước Đầu Đọc Thiền)

116. MÂY TRÊN TRỜI, NƯỚC TRONG BÌNH

Lý Cao là một học giả nổi tiếng, một hôm tham kiến Thiền sư Dược Sơn Duy Nghiêm. Lúc ấy Dược Sơn đang bận đọc kinh, chẳng chú ý gì đến khách. Lý Cao nóng nảy nói:

- Hừ, thấy mặt không bằng nghe danh.

Dược Sơn liền gọi:

- Lý tướng công! Sao lại trọng tai mà khinh mắt?

Lý Cao vội vàng xin lỗi:

- Xin tha thứ cho tội vô lễ.

Rồi Lý Cao lại hỏi:

- Thế nào là đạo?

Sư lấy tay chỉ lên chỉ xuống rồi hỏi:

- Hiểu không?

Lý Cao không hiểu đáp:

- Dạ không.

Dược Sơn nói:

- Mây ở trời xanh, nước trong bình.

Lý Cao hốt nhiên tỉnh ngộ.

Đạo chính là đám trên bầu trời xanh, là nước trong cái bình ấy; không phải là cái gì bất thường mà là cái vẻ rạng ngời tự nhiên của núi, sông và đồng bằng. Đây thật là Đạo bình thường và đơn giản.

(Bước Đầu Đọc Thiền)

117. THẾ NÀO LÀ DIỆU PHÁP

Có người đến hỏi Mộng Song Quốc sư, Thiền sư sáng lập chùa Thiên Long ở huyện Saga, Nhật bản, “Thế nào gọi là diệu pháp?” Nói cách khác, Phật pháp là gì? Quốc sư đáp, “Con cá ở trong nước mà không biết nước; con người ở trong diệu pháp mà không biết diệu pháp.” Con cá sinh ra trong nước, lớn lên trong nước, sống ở trong nước, nhưng vì quá gần gũi với nước nên không biết nước. Ở đây có một điểm tế nhị. Nếu con cá ra khỏi nước để nhìn nước và có thể kêu lên, “A ha! Đó là nước!” ắt nó sẽ chết.

(Bước Đầu Đọc Thiền)

118. KHO BÁU TRONG NHÀ

Ngày xưa, khi Đại Châu Huệ Hải đến học Thiền với Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất, Mã Tổ hỏi, “Ông từ đâu đến?” Huệ Hải đáp:

“Chùa Đại Vân ở Việt châu.”

“Ông đến đây tìm gì?”

“Con đến cầu Phật pháp. Con đến đây mong hòa thượng dạy con Phật pháp.”

“Ở đây một vật cũng chẳng có, ông cầu Phật pháp gì?”

Mã Tổ bảo Huệ Hải rằng nếu sư bỏ qua kho báu trong nhà mình mà đi tìm nơi khác sẽ chẳng được gì cả. Huệ Hải hỏi:

“Cái gì là kho báu trong nhà Huệ Hải?”

“Cái đang hỏi tôi đó là kho báu. Nó có đủ cả, chẳng thiếu thứ gì. Sao ông lại đi tìm nơi khác?”

Ngay câu nói này sư nhận ra bản tánh.

(Bước Đầu Đọc Thiền)

119. NẾU BIẾT ĐÈN LÀ LỬA

Thiền sư Liễu Quán, mất năm 1743, là truyền nhân đời thứ 35 dòng Lâm Tế. Sư người tỉnh Sông Cầu, miền Trung Việt Nam.

Lúc trẻ, sư đi tham vấn khắp thiền lâm, chịu nhiều khó khăn khổ nhọc. Sư đến tham kiến hòa thượng Tử Dung ở Long Sơn. Tử Dung dạy sư tham công án, “Muôn pháp về một, một về chỗ nào?”

Sư ngày đêm tham cứu đến bảy tám năm mà chưa lãnh hội, trong lòng tự lấy làm hổ thẹn.

Một hôm nhơn đọc Truyền Đăng Lục đến câu: “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ,” thoạt nhiên sư được tỏ ngộ. Nhưng sư ở xa Tử Dung nên không thể trình chỗ ngộ được.

Đến khi trở ra Long Sơn gặp Tử Dung, sư đem chỗ công phu của mình, mỗi mỗi trình bày, đoạn nói câu: “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ.”

Tử Dung bảo:

- Bờ thẳm buông tay, tự nhận đảm đang.

Chết rồi sống lại, dối ngươi chẳng được.

Sư liền vỗ tay cười hả hả.

Tử Dung nói:

- Chưa nhằm.

Sư nói:

- Trái cân vốn là sắt.

Tử Dung lại nói:
- Chưa nhằm.

Hôm sau, Tử Dung gọi sư đến bảo:

- Chuyện hôm qua chưa xong, nói lại xem!

Sư đáp:

- Nếu biết đèn là lửa, cơm chín đã lâu rồi.

Bây giờ Tử Dung mới chấp nhận và khen ngợi.

Trước khi tịch mấy ngày, sư ngồi vững vàng, tự cầm bút viết bài kệ từ biệt rằng:

Hơn bảy mươi năm ở cõi này,

Không không sắc sắc thảy dung thông.

Hôm nay nguyện mãn về quê cũ,

Nào phải bôn ba hỏi Tổ tông.

(Thiền Sư Việt Nam)

120. THẾ NÀO LÀ ĐẠO?

Triệu Châu Tòng Thẩm là một Thiền sư sáng ngời của Trung quốc. Một hôm có ông tăng hỏi, “Thế nào là Đạo?” Triệu Châu liền đáp, “Ngoài hàng rào đó.” Đạo ư? Ồ vâng, kìa, nó đó! Ngoài hàng rào đó. Nhưng về phía ông tăng--đó chẳng phải cái mà tôi đang hỏi, con đường nhỏ ngoài hàng rào. Ông tăng nói, “Cái gì thế, con muốn nói Đại Đạo kià.” Ông ta muốn nói Đại Đạo của vũ trụ.

Bây giờ Triệu Châu nói: “Đại đạo đến Trường an.”

Đại đạo ư? Nếu là đại đạo mà ông muốn nói, đó là con đường dẫn đến kinh đô Trường an. Đây sẽ là xa lộ chính và trong thời hiện đại này chúng ta có thể đi đến kinh đô bằng tàu suốt. Đại đạo đến Trường an, đó là câu trả lời của sư.

(Bước Đầu Đọc Thiền)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/03/2024(Xem: 73)
Con là Trần Duy Phô, Pháp danh Nguyên Thành, 61 tuổi. Con có duyên lành dự Khóa thiền Căn bản do Thầy giảng dạy tháng 2/2008 và Khóa Trung cấp Bát Nhã I do Sư Cô Triệt Như hướng dẫn tháng 8/2009 tại Sacramento, California. Với lòng tri ân sâu sắc Thầy và Tăng đoàn đã cho chúng con Pháp dừng tạp niệm, con kính trình lên Thầy bốn cảm nghiệm cá nhân trong thời gian dự Khóa Nhập thất Chuyên tu 10 ngày do Hội Thiền Tánh Không tổ chức tại Cedar Falls Center, núi San Bernadino, California, Hoa Kỳ, tháng 10/2009.
31/10/2023(Xem: 1356)
Phật Tánh? Xin nói rằng, tôi không biết. Tôi không thể trả lời câu hỏi có Phật Tánh hay không, và nếu có, thì là như thế nào. Bài viết này không nhằm trả lời những câu hỏi tương tự, mà chỉ là một khảo sát từ cương vị một người học Phật, chưa học tới đâu và cũng chưa tu tới đâu. Bài viết này là một lời thú nhận, rằng không biết chắc có bao nhiêu phần đúng, nhưng hy vọng sẽ phần nào giúp được một số độc giả để dùng làm viên gạch dò đường qua sông. Xin mời độc giả khảo sát, nghi vấn từng câu, từng chữ trong bài này, và rồi nên dựa vào Kinh Phật để đối chiếu.
11/05/2023(Xem: 1472)
Hôm nay 5/5/2023, dưới sự hướng dẫn của Thầy Nhuận Ân và Sư Cô Giới Bảo các thiền sinh bắt đầu cho lễ khai mạc cũng như ngày đầu tiên trong khoá Tu Học và Thực Tập Thiền Vipassana (5-7/5/2023) tại chùa Việt Nam, Kanagawa. Các thiền sinh khoá tu Vipassana trước cũng như những thiền sinh mới được hoà nhập với nhau qua từng bài thực tập bởi sự chia sẽ hài hoà và uyển chuyển mà chư Tôn Đức hướng đến đại chúng.
20/03/2023(Xem: 1228)
Trong bối cảnh Trịnh – Nguyễn phân tranh trong gần nữa thế kỷ, từ năm Đinh Mão ( 1627) cho đến năm Nhâm Tý ( 1672 ) với hơn 7 lần xua quân giáp chiến với nhau, từ trận năm Đinh Mão ( 1627) cho đến cuộc chiến năm Nhâm Tý ( 1672 ) mà vẫn chưa phân thắng thua, gây bao đau thương và xáo trộn cuộc sống dân tình, hai bên chọn dòng sông Gianh để tạm thời làm dấu cắt đôi cương thổ. Cả hai đều chọn sông Gianh bởi trước hết có tính đặc thù riêng của nó và những cậu ca dao cổ đã ví von:
18/03/2023(Xem: 2233)
Buổi toạ đàm về Thiền Vipassana trong cuộc sống đời thường cùng SC Giới Bảo & Doanh nhân Anh Tuấn
18/03/2023(Xem: 1457)
Một ứng dụng mới đã được chính thức ra mắt vào hôm thứ Tư, ngày 19 tháng 9 năm 2018 cho các thiết bị iOS, sẽ cung cấp các bài hướng dẫn công phu tu tập thiền chánh niệm cho người dùng, cùng với các cuộc thảo luận bằng âm thinh của các Phật tử và Thiền giả tích cực hoạt động xã hội hàng đầu tại Hoa Kỳ. thiết bị phần mền Ứng dụng có tên Awaken, là sản phẩm trí tuệ của Thiền sinh kiêm Doanh nhân Phật tử Ravi Mishra và có sự hiện diện của các vị Giáo thọ Phật giáo hàng đầu chuyên giảng dạy tu tập thiền, Rev. angel Kyodo williams, Lama Rod Owens và Sensei Greg Snyder.
12/03/2023(Xem: 1662)
Từ ngày 17 đến 19 tháng 3 năm 2023 tới sẽ diễn ra khoá THIỀN ONLINE K26 do Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng hướng dẫn. Các thiền sinh vẫn ở tại nhà mình, chỉ cần bật Zoom lên, cùng nghe hướng dẫn và thực hành thiền, cùng nghe giảng và tu tập liên tục từ tối thứ 6 và trọn vẹn 2 ngày cuối tuần, thứ 7 và chủ nhật.
27/02/2023(Xem: 1628)
Có lần, trong lúc trò chuyện thân tình khi chúng tôi còn làm việc chung với nhau ở tòa soạn Nhật báo Việt Báo cách nay nhiều năm, Cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải đã kể cho tôi nghe về cơ duyên anh bước vào Thiền. Rằng, một hôm tại Chùa Tây Tạng ở Bình Dương, Hòa Thượng Thích Tịch Chiếu, là Thầy Bổn Sư của anh, dạy cho người em gái của anh pháp môn niệm Phật để hành trì. Vì không thấy Hòa Thượng dạy cho mình pháp gì để tu, anh mới hỏi Hòa Thượng: “Còn con thì tu pháp môn gì?” Hòa Thượng nhìn thẳng anh, rồi dạy: “Thấy tánh!”
19/02/2023(Xem: 2400)
Sách Thiền Tập với Pháp Ấn dày 460 trang gồm 27 chương do Ananda Viet Foundation ở California vừa xuất bản mà tác giả gửi biếu tôi bản đầu tiên. Đây là cuốn sách thứ bảy biên khảo về Thiền của cư sĩ Nguyên Giác. Có thể kiếp trước tôi và Nguyên Giác là bạn vong niên đồng tu cho nên tôi đã dành nhiều thời giờ giới thiệu nhiều sách của ông
06/09/2022(Xem: 2158)
Duyên khởi cho bài viết này là từ một bản tin BBC News có nhan đề “Thiền định chánh niệm có thể khiến con người xấu tính đi?”--- và từ một số cuộc nghiên cứu khác đã giúp chúng ta có cái nhìn đa diện hơn về Thiền chánh niệm, một pháp môn nhà Phật đang thịnh hành khắp thế giới. Trong khi Thiền chánh niệm (Mindfulness meditation) lợi ích nhiều vô tận, vẫn có một số bất lợi sinh khởi. Có phải là vì thế gian chưa làm cho phù hợp? Do vậy, người viết đã tìm đọc nhiều hơn, để nhìn lại vấn đề theo nhiều khía cạnh. Và rồi dò theo con đường xưa, Đức Phật đã dạy thiền như thế nào? Kinh điển rất mực mênh mông, bài viết này chỉ là tổng hợp một phần nhỏ, chủ yếu là trích dẫn những lời dạy thực dụng của Đức Phật. Đối với các sai sót có thể có, người viết xin được sám hối.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567