Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vượt qua, vượt qua, lại vượt qua...

07/05/201100:48(Xem: 4557)
Vượt qua, vượt qua, lại vượt qua...

hoasen4VƯỢT QUA, VƯỢT QUA,

LẠI VƯỢT QUA...

VĨNH HẢO

Thời tiết đang chuyển dần sang mùa hạ.

Ban đêm, phòng ngủ có thể mở rộng cửa sổ để đón gió từ hướng biển lùa vào, và cũng để nghe tiếng lá khua lào xào, vui tai, ru giấc ngủ an lành. Khi mặt trời chưa mọc, có thể nghe tiếng chim ríu rít, rôm rả cả chòm cây bạch đàn và những bụi bông giấy đủ màu ở hướng vườn sau.

Chẳng gì thú vị bằng được réo dậy mỗi bình minh bằng tiếng chim reo; cũng không gì khiến lòng lâng lâng thanh thoát cho bằng được tiếng chuông chùa đánh thức mỗi khuya. Tiếng chuông của một ngôi chùa trên núi, hoặc nơi thôn xóm làng mạc. Thức dậy, ngồi im, không cần phải tụng niệm chi; cũng không cần một nghi thức rườm rà nào. Chỉ ngồi im như thế thôi. Lắng nghe từng tiếng chuông thong thả rơi vào đêm thinh lặng. Tựa hồ những đợt sóng phả nhẹ vào bờ. Lan tỏa. Lan tỏa. Âm hưởng của sóng trước chưa dứt hẳn đã nghe sự dâng trào của sóng sau. Tiếng chuông, tiếng sóng. Tiếng trước, tiếng sau. Có khi như là nối nhau, có khi như trườn lên nhau. Nhưng bao giờ giữa hai âm thanh cũng có một khoảng cách nào đó, ngắn hoặc dài. Và bao giờ giữa những âm thanh cũng có một khác biệt nào đó, mạnh hoặc nhẹ. Nghe như là các âm thanh trước và sau đều giống nhau, mà kỳ thực không bao giờ giống.

Nhiều năm rồi, ở nơi này, không còn nghe được tiếng chuông chùa buổi khuya. Đôi khi bỗng nhớ, bỗng buồn man mác. Nhưng nghĩ cho cùng, lẽ nào hạnh phúc của đời người lại tùy thuộc nơi một cái gì đó như là hình sắc, âm thanh? Thiếu vắng nó thì không thể vui được hay sao! Thế thì cứ vui ở những gì đang có. Nói đơn giản là vậy, có vẻ như là một cách an ủi. Kỳ thực không phải là có thể lấy cái này thay thế cái kia để có hạnh phúc. Hạnh phúc chẳng phải là sự hoán chuyển và thay thế bởi đối tượng hoặc cảm giác. Không phải là ở chỗ ngưng đọng, dừng lại nơi một cái gì, dù là đối tượng cụ thể như là không gian, âm thanh, hình sắc, hay trừu tượng như là thời gian, ý tưởng, cảm giác, ý chí, hay thức giác… Chẳng có cái gì thực sự là hiện tiền, hiện tại để mà an trú hay tỉnh giác hoặc nương tựa, bám víu. Hoặc là tất cả đều vụt qua, hoặc là tất cả đều đồng hiện. Không có cái này chuyển động cố gắng dừng lại an trú nơi một cái kia tịch lặng; cũng không có một cái tịch lặng an trú trên một cái chuyển động. Không làm gì có một cái đương hiện, dù là không gian hay thời gian. Cái mà nhà thiền gọi là “hiện tiền”, hay “thực tại” chính là nhất như, là bất nhị. Cái đó không thể an trú, bằng ý thức hay bằng cảm giác, hay bằng sự cố gắng gọi là chí tâm, nhất tâm. Chỉ có thể vượt qua, vượt qua, lại vượt qua…

Cơn sóng đã vỗ lên bờ, nhanh chóng trải một làn nước trên bãi cát hãy còn lưu lại nước của đợt sóng trước. Rồi nó thu rút lại về hướng biển, trong khi cơn sóng kế tiếp lại chồm lên, lướt qua… Quan sát kỹ, chẳng thấy đâu là nước của sóng trước hay sóng sau. Nước vẫn là nước, làm gì có sóng. Làm gì có quá khứ, hiện tại và tương lai!

Đã nhiều khi thức dậy nửa khuya, ở nơi này, trong đêm tịch lặng mà nghe được tiếng chuông chùa vang vọng. Tiếng chuông chùa, ở đâu thế nhỉ? Chuông Hải Đức hay chuông Linh Phong? Chuông Diên Thọ hay chuông Linh Sơn? Chuông Long Tuyền hay chuông Linh Ứng? Chuông Già Lam hay chuông Long Quang? Tiếng chuông chùa nào cũng cơ hồ giống nhau mà thực ra mỗi nơi mỗi thời đều khác. Tiếng chuông có lúc rền vang như sấm dậy; có khi tỏa nhẹ như hải triều buổi bình minh. Do kích thước chuông nơi lớn nơi nhỏ. Do người thỉnh chuông, tay đưa lúc nặng lúc nhẹ. Do quang cảnh lúc động lúc tĩnh. Do tâm thức và cảm giác của người lắng nghe lúc vầy lúc kia. Nhưng mà, tiếng chuông nào đây? Từ vô thức, tiềm thức? Ừ, thì chỉ là vọng hưởng từ quá khứ, từ sự níu kéo hoài niệm, từ cảm thức nuối tiếc mơ mòng mộng tưởng. Tiếng chuông xuất phát từ đâu cũng chẳng quan hệ gì. Âm thanh hay tiếng dội cũng đều là những đợt sóng của mộng huyễn vô thường. Cái quan trọng là có thể ngồi một chỗ mà vượt qua, rồi vượt qua, rồi lại vượt qua...

Nghe người ta nói, đã từ lâu chuông chùa Hải Đức không còn gióng lên mỗi sớm tối. Nơi ấy ngày xưa là nơi tụ hội của hàng trăm tăng sĩ, vang tiếng một thời là nơi đào tạo những tăng tài rường cột của Phật giáo. Bây giờ chỉ còn là một ngọn đồi trơ trụi từ cảnh trí đến sinh hoạt. Ngôi chùa cũ, trên trăm năm, với hai gác chuông trống đẹp một cách khiêm nhường lặng lẽ. Bây giờ toàn bộ kiến trúc xưa đã bị san bằng để chuẩn bị cho một ngôi chánh điện khang trang hiện đại. Ngày nào đó, lão ông râu tóc bạc phơ từ phương xa về thăm ắt là người xưa mất dấu mà cảnh cũ cũng không còn. Giống như một từ-thức về trần. Vui chăng, buồn chăng?

Không phải cái gì mới mẻ, tân kỳ thì đều đẹp cả đâu, bạn ạ! Cố nhiên là sóng sau phải dồn sóng trước, trườn lên và vượt qua để khẳng định sự hiện hữu của chính nó. Nhưng vượt qua không phải tàn phá, hủy diệt.

Tôi có một bậc thầy, nhiều bậc thầy. Nói là một cũng đúng, nói là nhiều cũng không sai. Một thầy là nhiều thầy, nhiều thầy cũng là do một thầy đó mà ra. Thầy tôi, từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước, trong một bài giảng thuyết cho những người trong bộ tộc Kalama, ở thị trấn Kesaputta, đã dạy rằng:

Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình...”

Lời tuyên bố này trở thành một bài kinh bất hủ mà chưa một giáo chủ hay lãnh đạo (tổ chức, giáo phái, tôn giáo, quốc gia) nào dám nói, cũng chưa bậc toàn năng tuyệt đối nào có thể nói ra được. Trong tiến trình tu tập, nó khai mở con đường của thánh trí, của bát-nhã, của sự vượt qua; trên phương diện xã hội, nó đặt nền tảng cho ý thức tự do, dân chủ và quyền hạn tối ưu của con người trước mọi hướng đi của phong tục, tập quán, văn hóa, tri thức, tư duy, niềm tin và kinh nghiệm…

Có được một bậc thầy như thế trong đời, thật là vô cùng hạnh phúc, huống chi lại có nhiều bậc thầy. Vâng, tôi có thật nhiều bậc thầy, những bậc bồ-tát. Có khi họ dạy tôi bằng lời, có khi chỉ im lặng, có khi bằng hành động, có khi bằng sự dấn thân hy sinh, thời gian hoặc mạng sống. Tôi mang nợ của họ rất nhiều. Tôi biết tôi không bao giờ trả hết được cái ân mà họ đã truyền dạy cho tôi. Nhưng tôi vẫn hạnh phúc với sự việc không thể nào đền đáp ấy. Tôi biết khả năng và trí lực của tôi hẳn phải còn vô lượng kiếp, hoặc hàng trăm kiếp nữa may ra bắt kịp họ, nhưng tôi vẫn hạnh phúc là sự việc bắt kịp sẽ không bao giờ thực hiện nổi. Bởi vì, thật là diễm phúc khi có những vị thầy siêu tuyệt mà lúc nào mình cũng chỉ là đứa học trò tồi tệ, không bao giờ sánh kịp! Trong thực tế trường lớp cũng thế, tôi hãnh diện được là người học trò dở của thầy tôi. Bởi vì, học trò dở, biết ít, thực hành ít mà còn có nhiều hạnh phúc như vậy huống gì những người học nhiều, biết nhiều, thực hành nhiều hơn! Có nhiều người được hạnh phúc hơn mình thì còn gì vui sướng cho bằng!

Năm xưa, lần đầu tiên đọc sách thiền gặp câu “Phùng Phật sát Phật, phùng Tổ sát Tổ,” tôi đã không cần tham vấn, tra cứu làm gì cho mệt. Tôi chỉ hiểu theo ý của tôi thôi: tất nhiên không phải là giết Phật, giết Tổ; cũng không phải là phải vượt hơn, giỏi hơn Phật và Tổ. Mà chính là vượt qua, vượt qua, lại vượt qua…

Không dính mắc vào bất cứ cái gì. Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm. Thực hành chỉ một điểm này thôi, tôi biết có thể phải kinh qua hàng nhiều kiếp. Nhưng ngay bây giờ, tôi đã hạnh phúc rồi, không đợi đến khi thành Phật, thành Tổ. Tôi không cần phải nỗ lực vượt hơn thầy, giỏi hơn thầy. Tôi chỉ cần làm sao đừng vướng kẹt, dính mắc vào thầy của tôi, dù là ở thân giáo hay khẩu giáo.

Và như thế, khi nói về Phật đản, ngày sinh của đức Phật, tôi cũng vui với mọi người trong mùa đại lễ, nhưng tôi ngầm hiểu rằng đức Phật không phải chỉ sinh ra một lần, mà thường sinh ra trong từng giây phút, từng sát-na. Hóa thân của ngài xuất hiện khắp nơi khắp chốn. Nhìn đâu cũng thấy ngài. Nhìn đâu cũng thấy những bậc thầy của tôi. Còn nói theo lý bất sinh thì quả nhiên là ngài chưa từng sinh ra. Ngài có mặt khắp nơi trong mọi thời gian thì không thể nói là có sự sinh ra và mất đi.

Giống như những tiếng chuông lan trong lòng đêm rộng. Từng tiếng, từng tiếng, nối nhau, vượt lên nhau. Tiếng này không hủy diệt tiếng trước, cũng không ngăn ngại gì tiếng sau.

Giống như những đợt sóng vỗ vào bờ rồi rút về lại với đại dương mênh mông. Sóng trước, sóng sau, cũng chỉ là sự luân chuyển của nước.

Và trên cao, giữa bầu trời mùa hạ trong xanh như phản ảnh màu biếc của đại dương, vẫn có những áng mây trắng tụ lại, chồm lên nhau, hòa vào nhau, hoặc tản ra thành những sợi thật mỏng.

Cách thế sinh-diệt của tiếng chuông, sóng và mây vẫn thường dạy tôi bài học về sự vượt qua, vượt qua, lại vượt qua… như thế. Tôi ghi lại để cúng dường ngày Phật đản sinh năm nay.

Midway city, Mùa Phật Đản, 15 tháng 5, 2007.
Phương Trời Cao Rộng Số 12, Tháng 04/2007icn_pdf

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/03/2012(Xem: 13068)
Hiện nay, thế giới đang có sự rối loạn, không hiểu biết, tranh cãi về bệnh tâm thần, thiền định, và sự liên hệ giữa hai đề tài này. Các chuyên gia về sức khỏe thể chất, và tâm thần cũng không hiểu rõ phạm vi nghề nghiệp của họ. Họ cũng không hiểu cái gì là thiền định. Bởi vậy đối với người bình thường họ sẽ rất bối rối.
05/03/2012(Xem: 12495)
Đức Phật đến với cuộc đời không gì khác ngoài việc chỉ bày cho con người một nếp sống hạnh phúc an lạc. Những lời dạy của Ngài thật giản dị nhưng lại hết sức thiết thực...
03/03/2012(Xem: 4478)
Bất cứ người nào theo học khóa thiền Vipassana trong vòng mười ngày, đều có thể nhìn thấy sự sai lầm về mặt này của khoa tâm lý học hiện đại. Anh ta biết ngay từ kinh nghiệm bản thân là các sự kiện tâm lý nội tại có thể được quan sát trực tiếp. Mỗi thiền sinh của Vipassana đều trở thành một bác sĩ tâm lý thực thụ cho chính mình. Và xuyên qua môn khoa học thuần khiết về quán sát tự thân, anh ta bắt đầu thoát khỏi đau khổ.
16/02/2012(Xem: 16186)
Những lúc vô sự, người góp nhặt thường dạo chơi trong các vườn Thiền cổ kim đông tây. Tiêu biểu là các vườn Thiền Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
21/12/2011(Xem: 5958)
Giác ngộ không phải là cầu toàn, vì càng cầu toàn con càng khổ đau thất vọng, mà là cần thấy ra bản chất bất toàn của cuộc sống. Chỉ cần vừa đủ trầm tĩnh sáng suốt...
07/12/2011(Xem: 6867)
Cựu TT Bill Clinton tập Thiền Phật giáo, ăn chay để cải thiện sức khỏe và đời sống tâm linh Từ khi bệnh tim gây ra nỗi kinh hoàng cho cựu Tổng thống Bill Clinton, ông đã tìm nhiều cách để giúp đầu óc thư giãn. Ông có đời sống bận rộn, đi lại nhiều trong cương vị làm đại sứ cho Hoa Kỳ, và cần phải giữ đầu óc cho minh mẫn Cali Today News - Cựu Tổng Thống Bill Clinton đã chọn cách cải thiện sức khỏe cho ông để đạt tới những đỉnh cao tinh thần bằng cách học Thiền Phật giáo để giúp ông thư giãn.
25/11/2011(Xem: 4749)
Khi bước vào các ngôi chùa trên khắp thế giới, dù là chùa Bắc Tông hay Nam Tông, chùa Thiền hay Tịnh Độ, lòng tôi lúc nào cũng cảm thấy an lạc, hạnh phúc và sinh lòng kính ngưỡng, vì lúc nào tôi cũng nhìn thấy trứơc mắt mình là rất nhiều các vị Thánh Tăng đang đi lại, đang thuyết pháp, đang tụng kinh, đang thiền định… dù đó là một vị sư già, một ni cô trẻ, hay một chú tiểu đang học vần. Họ có thể là các vị Tu Đà Hòan đang trở lại cõi này trong kiếp thứ 4 hay thứ 5, trong 7 kiếp còn sót lại sau khi đắc quả thánh đầu tiên.
25/11/2011(Xem: 5673)
Đạo Phật trên ý nghĩa thiết yếu là “biện chứng giải thoát” hay là con đường gỉai thoát. Gỉai thoát khỏi khổ đau, sinh tử luân hồi. Tuy cùng đi trên một con đường, nhưng vì con người có nhiều tâm tính, trình độ, khả năng và căn cơ khác nhau, lại vì tùy hoàn cảnh, tùy phong tục, tập quán, luật lệ thay đổi theo từng địa phương và tùy thời điểm, cho nên Đức Phật đã đưa ra vô số phương tiện khác nhau, thường được tiêu biểu bằng con số 84 nghìn pháp môn, để hướng dẫn mọi người đạt đến cứu cánh giác ngộ, giải thoát. Cầu nguyện và tụng kinh, tuy không phải là cứu cánh, nhưng cũng là một trong 84 nghìn pháp môn.
22/10/2011(Xem: 3837)
Thực hành phát triển Định Tuệ sẽ xa dần các tà kiến và các thiên chấp; sẽ sống với nhân cách tự-do-tinh-thần; cởi bỏ gánh nặng nô lệ thị phi, tập tục.
20/10/2011(Xem: 4335)
Trong cuộc sống, bạn có thể nhận thấy rằng nhiều việc có xu hướng xẩy ra rất sai lạc, hoặc ít nhất, thì những điều đó không đúng như ý bạn mong đợi. Nên, mặc dù nhiều lần gây tổn thương, nhưng bạn vẫn phải tiếp tục đối diện và cố gắng vượt qua, để tìm kiếm hạnh phúc mỏng manh tiềm ẩn trong tâm, mà bạn theo đuổi. Nhưng, nhìn lại, nó khó khăn như là phải đánh vật với vỏ sĩ Mike Tyson. Không ai có thể đạt được mơ ước như là tránh không bị các vấn đề của bệnh tật, tuổi già, cái chết, có kẻ thù v.v… Tuy nhiên, có một phương pháp có thể loại bỏ các vấn nạn khổ đau có trong ngữ vựng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]