Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đức Phật với phương pháp tu tập

08/04/201316:35(Xem: 6667)
Đức Phật với phương pháp tu tập



ĐỨC PHẬT

VỚI PHƯƠNG PHÁP TU TẬP


Thích Phước Sơn

--- o0o ---

Nhằm hướng dẫn đệ tử tu tập đạt được hiệu quả tốt nhất, Đức Phật đã linh động vận dụng trí tuệ trình bày bằng những ví dụ vừa thực tế, vừa sống động, mang tính hấp dẫn và đầy tính khả thi. Sau đây, soạn giả xin giới thiệu một số ví dụ để độc giả nào tha thiết tìm hiểu giáo lý thâm diệu và phương pháp thiện xảo của Đức Đạo Sư có thể dễ dàng tham khảo và đem ra áp dụng.

1. Thanh lọc tâm như thợ vàng lọc vàng

Này các Tỷ kheo, có những tạp chất xen lẫn trong vàng như bụi, cát, đá, sạn; người thợ lọc vàng đem vàng đổ vào trong cái máng, rồi dội nước vào, dạu qua dạu lại, rửa đi rửa lại. Làm như vậy xong, lúc bấy giờ vàng còn lại các tạp chất nhỏ hơn, như cát đá sạn mịn, rồi người thợ lọc vàng rửa đi rửa lại thêm nữa. Bây giờ, vàng còn dính chút ít cát mịn và bụi đen, rồi người thợ lọc vàng rửa lần cuối cho hoàn toàn hết các tạp chất, chỉ còn lại vàng khoáng.

Rồi người thợ vàng bỏ thỏi vàng ấy vào trong cái lò, thụt ống bễ, thụt nhiều lần cho đến khi vàng bắt đầu chảy, nhưng không chảy ra khỏi miệng lò. Thế rồi, người ấy tiếp tục thụt ống bễ, nhưng vàng ấy chưa đạt được tinh chất, anh ta lại tiếp tục thụt ống bễ cho đến khi miếng vàng trở nên nhu nhuyến, chói sáng, không bị bể vụn, mềm dẻo dễ sử dụng. Giờ đây, nếu muốn làm thành kiềng vàng, hoa tai, vòng xuyến hay chiếc nhẫn, người thợ kim hoàn có thể dùng thỏi vàng ấy chế tạo những vật trang điểm mà mình mong muốn.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, khi tu tập tăng thượng tâm, nếu các kiết sử thô tạp như thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành còn tồn tại, Tỷ kheo phải nỗ lực tư duy, tìm cách loại bỏ, gột sạch, dứt tuyệt, không cho sinh khởi trở lại. Khi làm như vậy xong, Tỷ kheo tiếp tục tu tập tăng thượng tâm; nếu các kiết sử bậc trung như dục tầm, sân tầm và hại tầm còn tồn tại, phải nỗ lực nhiều hơn nữa loại bỏ, dứt tuyệt, không cho chúng sinh khởi trở lại. Khi làm như vậy hoàn tất, Tỷ kheo lại tiếp tục tu tập tăng thượng tâm, nếu thấy các kiết sử vi tế như ý tưởng về gia tộc, về quốc độ, về danh dự còn tồn tại, phải tiếp tục nỗ lực diệt trì chúng, không cho chúng sinh khởi. Khi tâm đã nhu nhuyến dễ sử dụng, nếu muốn đạt được các pháp thần thông, như thần túc thông, thiên nhĩ thông v.v... Tỷ kheo có khả năng thành tựu các pháp thần thông ấy”. (Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 3 pháp, phẩm Hạt muối, kẻ lọc vàng, tr.459-61).

2. Tu tập như huấn luyện con ngựa

Tôn giả Bhaddali thiếu nghị lực chế ngự tự thân, thường bị các dục vọng sai khiến. Để giáo hóa tôn giả về phương pháp điều phục nội tâm, Đức Phật trình bày về cách thức huấn luyện con ngựa:

- Này Bhaddali, ví như một người huấn luyện ngựa thiện nghệ, khi nhận được một con ngựa tốt, hiền thiện, trước hết phải huấn luyện con ngựa ấy cho quen với dây cương. Trong khi huấn luyện, nếu nó vùng vẫy, nhảy chồm, nhảy ngược, chống cự, vì trước đây chưa được huấn luyện, huấn luyện viên cứ tiếp tục tập luyện, dần dần con ngựa sẽ làm quen với dây cương. Thế rồi, huấn luyện viên lại huấn luyện ngựa làm quen với yên ngựa. Khi huấn luyện, ngựa sẽ vùng vẫy, kháng cự, nhưng huấn luyện viên kiên trì tập luyện, dần dần ngựa sẽ quen với yên ngựa. Giờ đây, người huấn luyện lại tập luyện con ngựa diễu hành, đi vòng quanh, đi bằng đầu móng chân, chạy nước đại, phi hết tốc lực, hí vang v.v... Khi con ngựa đã luyện tập thuần thục các động tác trên, huấn luyện viên lại tập ngựa làm quen với các vật trang sức như lục lạc, vòng hoa, châu ngọc v.v... Này Bhaddali, khi con ngựa đã được tập luyện thành thạo các việc kể trên, nó trở thành một tuấn mã, lương mã, một bảo vật của quốc vương. Cũng vậy, này Bhaddali, một Tỷ kheo thành tựu các đức tính thù thắng sẽ trở thành bậc đáng tôn kính, đáng trọng vọng, đáng lễ bái, cúng dường, là phước điền vô thượng ở đời. Này Bhaddali, khi Tỷ kheo thành tựu Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, Chánh trí và Chánh giải thoát sẽ trở thành bậc đáng tôn kính, đáng trọng vọng, đáng lễ bái, cúng dường, là phước điền vô thượng ở đời. (Kinh Trung Bộ III, kinh Bhaddli 65, tr. 231-34)

3. Tu đúng phương pháp như lên dây đàn

Một thuở nọ Đức Thế Tôn an trú tại núi Linh Thứu, gần thành Vương Xá, còn Tôn giả Sona ở rừng Sita cách Vương Xá không xa. Vì thiếu chánh niệm để phiền não chi phối, Sona muốn trở lại đời sống thế tục, làm các công đức, hưởng thụ hạnh phúc như một người bình thường. Với tha tâm thông, Thế Tôn biết tâm niệm của người đệ tử, liền vận dụng thần túc đến trước Sana, hỏi thầy về những suy nghĩ vừa rồi. Sona thú thực mình có suy nghĩ như vậy. Phật liền hỏi thầy về phương pháp chơi đàn Tỳ bà - vốn là sở trườg của Sona - để khích lệ tôn giả tiếp tục tinh tấn:

- Này Sona, ông nghĩ thế nào, khi các dây đàn Tỳ bà quá căng thẳng có phát âm đúng thanh điệu không?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Khi dây đàn quá chùn, âm thanh có êm dịu không?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Vậy khi vặn dây đàn không căng, không chùn, vừa đúng mức trung bình, âm thanh có êm ta không?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Cũng vậy này Sona, khi tâm trí quá căng thẳng thì phát sinh dao động; khi tâm trí quá thụ động thì đưa đến biếng nhác. Do vậy, ông cần phải vận dụng tâm trí quân bình, không quá căng thẳng, cũng không quá thụ động thì sự tu tập mới đạt được tiến bộ.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Sau khi vâng lời Thế Tôn chỉ giáo, tôn giả Sona sống độc cư, an tịnh, không phóng dật, nỗ lực một cách quân bình, nhờ vậy đã chứng đạt mục đích mà các thiện gia nam tử xuất gia kỳ vọng: Vô thượng cứu cánh phạm hạnh, và an trú trong hiện tại. (Kinh Tăng Chi Bộ, tập 3, chương 6 pháp, Đại phẩm VI, (I) Sona, tr.155-58).

4. Tu phạm hạnh như người cày ruộng

Một hôm, vào buổi sáng, Thế Tôn khoác y, cầm bát, đi khất thực ngang qua nông trường của Bà la môn Bhàradvaja. Trông thấy Thế Tôn, Bà la môn nói:

- Này Sa môn, tôi cày và gieo lúa. Sau khi cày và gieo lúa, tôi sử dụng sản phẩm đã thu hoạch. Vậy, Sa môn có cày và gieo lúa, sau khi cày và gieo lúa, sử dụng sản phẩm đã thu hoạch không?

- Này Bà la môn, Ta cũng có cày và gieo lúa; sau khi cày và gieo lúa, Ta sử dụng sản phẩm đã thu hoạch.

- Nhưng tôi đâu có thấy cái ách, bắp cày, lưỡi cày, chiếc roi và các con bò của tôn giả Gotama mặc dù tôn giả nói: “Ta cũng có cày và gieo lúa, sau khicày và gieo lúa, ta sử dụng sản phẩm đã thu hoạch?”.

Rồi Thế Tôn dùng kệ trả lời Bà la môn:

Lòng tin là hạt giống,

Khổ hạnh là trận mưa

Trí tuệ đối với ta,

Là cày và cái ác

Tàm quí là bắp cày,

Ý căn là dây buộc.

Chánh niệm là lưỡi cày

Thân, khẩu được hộ trì,

Ta nhổ lên tà vạy,

Chứng đạt chân giải thoát.

... Như vậy cày ruộng này,

Đưa đến quả bất tử.

(Tương Ưng Bộ kinh tập I, chương VII, II. phẩm Cư sĩ, 1. Cày ruộng, tr.213)

5. Hộ trì các căn như rùa sợ chó sói

Đức Thế Tôn nói với các Tỷ kheo: “Này các Tỷ kheo, vào buổi chiều một bữa nọ, con rùa và con chó sói cùng đi tìm mồi. Rùa trông thấy chó sói từ đàng xa, liền thụt 4 chân và cổ vào trong mai, nằm im lặng, bất động. Từ đàng xa, chó sói trông thấy rùa, liền đi đến gần bên, suy nghĩ: “Khi con rùa này thò ra bộ phận nào, ta sẽ chụp lấy, bẻ gãy, rồi xơi tái”. Thế nhưng, con rùa không thò ra bộ phận nào cả; chó sói không tìm được cơ hội, nên chán ngán bỏ đi.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, ác ma thường xuyên ở trong tư thế rình rập các ngươi với suy nghĩ: “Rất có thể ta sẽ nắm được cơ hội do sự thiếu cảnh giác của các Tỷ kheo, đối với đôi mắt... cái lưỡi... ý căn của họ”.

Do đó, các ngươi phải luôn luôn tỉnh táo hộ trì các căn: Khi mắt thấy sắc đẹp, không nên đắm trước toàn bộ hay các chi tiết. Nếu thấy những nguyên nhân gì, vì nhãn căn không được hộ trì, khiến tham ái, ưu bi, các ác hạnh sinh khởi, hãy chế ngự nguyên nhân ấy, nỗ lực hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng... Mũi ngửi hương... Lưỡi nếm vị... Thân cảm xúc... Ý nhận thức các pháp, không nên đắm trước toàn bộ hay các chi tiết. Nếu thấy những nguyên nhân gì, vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác hạnh sinh khởi, hãy chế ngự nguyên nhân ấy, nỗ lực hộ trì ý căn.

Này các Tỷ kheo, khi nào các ngươi sống hộ trì các căn thì ác ma sẽ không nắm được cơ hội, chán ngán các ngươi rồi bỏ đi cũng như con chó sói đối với con rùa như vậy”. (Tương Ưng Bộ kinh, tập IV, phần 4, phẩm 4: Rắn độc, đoạn III: con rùa, tr.184).

6. Cây khô mới lấy được lửa

Một hôm, Đức Thế Tôn gặp Aggivessana, đệ tử của phái Ni Kiền Tử, Ngài thuyết giảng cho ông về cách lấy lửa từ trong cây:

- Này Aggivessana, ví như có một khúc cây đầy nhựa sống, đặt trong nước ẩm ướt, rồi một người cầm dụng cụ lấy lửa đến khúc cây ấy, suy nghĩ: “Ta sẽ kéo lửa, làm cho sức nóng xuất hiện”. Vậy, anh ta có thể dùng dụng cụ kéo lửa cọ xát khúc cây ấy cho sức nóng xuất hiện được không?

- Thưa không, Tôn giả Gotama. Vì khúc cây ấy ẩm ướt, nên anh ta có hì hục kéo cách mấy lửa cũng không thể xuất hiện.

- Cũng vậy, này Aggivessana, những Sa môn, Bà la môn nào sống không xả ly, không đoạn trừ các dục của thân và tâm, như dục tham, dục hôn ám, dục khát ái, dục nhiệt não, thì không thể tự nhiên chứng được tri kiến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Và nếu như thình lình cảm thọ những cảm giác đau nhói khốc liệt thì họ cũng không thể chứng được tri kiến Vô thượng Chánh giác.

Này Aggivessana, ví như một khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống, được vớt lên khỏi nước, đặt trên đất khô, rồi người kia cầm dụng cụ đến cọ xát làm cho lửa xuất hiện được không?

- Thưa không, Tôn giả Gotama. Vì khúc cây ấy đẫm ướt, nên người ấy chỉ chuốc lấy mệt mỏi và bực bội mà thôi.

- Cũng vậy, này Aggivessana, những Sa môn, Bà la môn nào không xả ly các dục về thân và tâm thì không thể chứng được tri kiến Vô thượng Chánh giác.

Này Aggivessana, ví như có một khúc cây khô, không có nhựa, được vớt khỏi nước, đặt trên đất khô, rồi một người cầm dụng cụ lấy lửa đến, suy nghĩ: “Ta sẽ lấy lửa, ánh lửa sẽ hiện ra”. Ông nghĩ thế nào? Người ấy có thể làm cho lửa xuất hiện được không?

- Thưa được, Tôn giả Gotama. Vì khúc cây ấy khô, không có nhựa, lại được vớt lên khỏi nước, đặt trên đất khô.

- Cũng vậy, này Aggivessana, những tôn giả Sa môn, Bà la môn nào sống xả ly các dục về thân và tâm, đã đoạn tuyệt khát ái..., thì có thể tự nhiên chứng được tri kiến Vô thượng Chánh giác; hoặc thình lình cảm thọ những cảm giác đau nhói, sẽ chứng được tri kiến Vô thượng Chánh giác. (Trung Bộ kinh, tập 1, kinh 36: Saccaka, tr.528-31).

7. Người tu như khúc gỗ trôi theo dòng nước

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn trú tại Kosambi, trên bờ sông Hằng, trông thấy một khúc gỗ trôi theo dòng nước, liền nói với các Tỷ kheo:

- Này các Tỷ kheo, nếu khúc gỗ ấy không tấp vào bờ bên này, không tấp vào bờ bên kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên cồn cát, không bị con người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị cuốn vào nước xoáy, không bị mục nát bên trong, thì nó sẽ hướng về biển, xuôi về biển, trôi nhập vào trong biển. Vì cớ sao? Vì dòng sông Hằng hướng về biển, xuôi về biển, trôi nhập vào trong biển.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, nếu các ngươi không tấp vào bờ bên này..., các ngươi sẽ hướng về Niết bàn, xuôi về Niết bàn, trôi nhập vào Niết bàn.

- Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn giải thích ý nghĩa các ví dụ mà Thế Tôn vừa nêu.

- Này các Tỷ kheo, bờ bên này đồng nghĩa với 6 nội xứ bờ bên kia đồng nghĩa với 6 ngoại xứ; bị chìm giữa dòng đồng nghĩa với hỷ tham bị mắc cạn trên cồn cát đồng nghĩa với ngã mạn bị cuốn vào nước xoáy đồng nghĩa với 5 dục công đức bị con người nhặt lấy nghĩa là sống quan hệ mật thiết với cư sĩ, chung vui, chung buồn, an lạc khi họ an lạc, đau khổ khi họ đau khổ, tự trói mình vào công việc mà họ phải làm.

Bị phi nhân nhặt lấy nghĩa là sống phạm hạnh với hy vọng: “Với giới luật, khổ hạnh, phạm hạnh này, ta sẽ trở thành Thiên nhân hay một Phạm Thiên”.

Bị mục nát bên trong nghĩa là thọ tà giới, theo ác pháp, sống bất tịnh, có những hành vi đáng ngờ vực, có những hành động mờ ám được che đậy; không phải Sa môn nhưng hiện tướng Sa môn, không phải phạm hạnh nhưng hiện tướng phạm hạnh, nội tâm hủ bại, chứa đầy dục vọng như đống rác bẩn.

Này các Tỷ kheo, đó là ý nghĩa những ví dụ mà Ta đã nêu trên. (Tương Ưng Bộ kinh, tập IV, phẩm 4, đoạn 4: khúc gỗ, tr.185-7).

Trên đây, chúng tôi đã giới thiệu 7 ví dụ về phương pháp tu tập mà Đức Phật đã bi mẫn giảng dạy cho các đệ tử xuất gia. Nhân mùa Phật Đản, chúng ta có thể cố gắng tìm hiểu và giới thiệu cho người khác cùng hiểu những lời dạy vừa vui tươi, vừa thâm thúy của bậc Đạo Sư; rồi vận dụng vào trong đời sống hằng ngày, hầu hoàn thiện chính mình và hoàn thiện người khác; thiết nghĩ, đó cũng là một trong những cử chỉ cúng dường rất ý nghĩa nhân ngày Đản sinh của Đức Từ Phụ.

--- o0o ---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/01/2017(Xem: 5531)
Thiền định là phép tu tập chủ yếu của Phật giáo, có thể xem là "cột trụ" chống đỡ cho toàn bộ Phật giáo nói chung. Hình ảnh Đức Phật tọa thiền dưới một cội cây vào một đêm trăng sáng, đạt được những hiểu biết siêu nhiên đã nói lên thật cụ thể cái "cột trụ" đó.
06/01/2017(Xem: 8262)
Phật giáo Tây Tạng hay Kim Cương Thừa nói chung rất thực tế và cụ thể, giúp người tu tập trực tiếp biến cải tâm thức mình và đạt được giác ngộ. Dưới đây là một bài giảng ngắn của Đức Đạt-lai Lạt-ma về một trong các phép luyện tập thiền định chủ yếu và thiết thực của Phật giáo Tây Tạng, là "Phép thiền định gồm bảy điểm" do Atisha (A-đề-sa) đề xướng.
01/06/2016(Xem: 8395)
Bài này được viết như một ghi chú cho Thiền Tông, để như một cách tiếp cận đơn giản… và hy vọng, cũng là một ghi chú cho rất nhiều pháp khác của nhà Phật, kể cả Tịnh Độ. Bởi vì, Thiền Tông là pháp môn cốt tủy nhất, trực tiếp nhất, không qua bất kỳ phương tiện nào khác, và cũng có thể dùng làm chiếc cửa lớn cho tất cả các pháp khác.
28/04/2016(Xem: 16304)
Thiền, Tịnh, Mật được xem là ba pháp môn tu truyền thống của Phật giáo Việt Nam xưa nay. Thiền giáo xuất hiện từ thời Khương Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Các thế kỷ sau, kinh điển Đại thừa được truyền bá, theo đó tư tưởng Thiền, Tịnh và Mật được phổ biến tại nước ta. Từ lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam cho thấy, ba pháp môn tu đó có sự đóng góp tích cực cho con người và xã hội qua nhiều thời đại.
09/04/2016(Xem: 5835)
Chánh niệm, tiếng Pali viết là Sammàsati, là suy niệm chân chính, sự tỉnh giác, biết rõ các pháp một cách trọn vẹn. Chánh niệm—một trong tám chi phần quan trọng của Bát chánh đạo—vốn được xem là con đường tám lối (lanes) đưa đến sự an vui và giải thoát, là chân lý thứ 4 (Đạo đế) trong Tứ Diệu Đế.
21/12/2015(Xem: 5608)
Thừa hay xe không phải là người chuyên chở hay những gì được chuyên chở - nó là sự chuyên chở . Vì vậy Tiểu Thừa có nghĩa là "sự chuyên chở vật nặng nhỏ hơn", và Đại Thừa, "sự chuyên chở vật nặng lớn hơn."
14/10/2015(Xem: 4378)
Đây là bài thuyết trình cho ngày Hội nghị thượng đỉnh Giáo viên ở bang California (California Teachers Summit 2015) tại trường Đại học Tiểu Bang California Sacramento (CSUS) vào ngày 31 tháng 7, năm 2015. Chúng tôi được mời thuyết trình cho gần 400 giáo viên, hiệu phó, hiệu trưởng của những trường học K-12 trong Miền Bắc California. Cùng với hai nhà giáo dục Teresa Burke và Elzira Saffold danh dự trong năm 2015 (teachers of the year), chúng tôi được gặp và thảo luận với vị Chủ tịch trường Đại học Tiểu Bang California Sacramento (CSUS) Dr. Robert S. Nelsen, và Mr. Tom Torlakson, CA superintendent of public instruction. Họ tâm sự với chúng tôi rằng, giáo dục là một nhân quyền căn bản, cần luôn cải cách và tiến hoá. "Nếu đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì cùng đi chung". Họ cảm ơn chúng tôi nhận lời mời để chia sẻ những thực tập hữu ích cho đồng nhiệp. Xin mời quý vị đọc bài thuyết trình mà chúng tôi đã chia sẻ.
17/09/2015(Xem: 8593)
Trong quyển Cơ Sở Khoa Học của Thiền Chánh Niệm, nội dung nhấn mạnh đến những phương pháp thực hành Chánh Niệm. Nội dung quyển này chú trọng đến những khám phá mới về vận hành của não khi thực hành Chánh niệm qua ánh sáng khoa học. Quyển này không có ý viết cho đông đảo quần chúng Phật tử nhưng cung cấp cho một số Phật tử và các tăng ni trẻ những kiến thức mới nhất trong Khoa Học Não Bộ về Chánh Niệm. Tôi cố ý không dịch các từ ngữ não bộ và để nguyên tiếng Anh, xem chúng như là những tên riêng để các cư sĩ và tăng ni trẻ có thể Google trên mạng tìm thêm thông tin. Viết về khoa học não bộ là một điều rất khó vì đề tài khô khan và nhiều chỗ trái ngược với kiến thức thông thường và nhất là đòi hỏi người đọc phải có kiến thức vững vàng về Chánh Pháp. Tôi chỉ cố gắng làm hết sức mình và thỉnh thoảng pha đôi chút trào lộng để độc giả thấy được ý của chư Tổ qua lời dạy ‘Bình thường Tâm thị đạo’. Thực hành Chánh pháp không có gì mầu nhiệm hay huyền bí cả, mà chỉ là một cách sống theo n
24/08/2015(Xem: 4465)
Tập san Phật giáo Regard Bouddhique (Hướng nhìn Phật giáo) của Pháp, số tháng ba và tư, 2015, với chuyên đề "Phật giáo và việc chữa trị bệnh tật" có một bài của nữ ký giả Carole Rap, phỏng vấn thiền sư Roland Yuno Rech về phép tọa thiền (zazen) và việc chữa trị bệnh tật. Roland Yuno Rech sinh năm 1944, được nhà sư Niva Rempo Zeji vị lãnh đạo cao cấp nhất của thiền phái Tào Động (Soto) ở Nhật phong chức "Thầy" năm 1984 nhằm chứng nhận ông là một thiền sư uyên bác của học phái này. Roland Yuno Rech là đệ tử của vị Thiền sư nổi tiếng Taisen Deshimaru (1914-1982), người đã đưa thiền phái Tào Động vào Âu Châu. Roland Yuno Rech hiện trụ trì một thiền viện do chính ông thành lập ở Nice, một thành phố đẹp và sang trọng bên bờ Địa Trung Hải, miền nam nước Pháp. Ngoài ra ông cũng thường xuyên chủ trì các khóa tu thiền tổ chức tại Pháp cũng như tại các nước khác ở Âu Châu. Bài phỏng vấn dưới đây nêu lên nhiều nhận xét thật sắc bén và sâu sắc về sự vận hành sâu kí
15/08/2015(Xem: 7777)
Đây là cuốn sách thứ 4 của cư sỹ sau 3 cuốn trước “Bài học từ người quét rác”, “Tâm từ tâm”, “Hạnh phúc thật giản đơn”. Cuốn sách là những trải nghiệm thật trong cuộc sống và công việc của ông.Mong rằng mỗi bài viết trong cuốn sách này giúp bạn đọc nhận ra gì đó mới mẻ, có thể là chiếc gương để soi lại chính mình.Và biết đâu ngộ ra được một chân ý cũng nên.Xin trân trọng giới thiệu lời mở đầu của chính tác giả cho cuốn sách mới xuất bản này.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567