Bí mật của hành thiền tiến bộ và thành công là luôn giữ cho được tâm trạng cân bằng và thoải mái, không căng thẳng mà cũng không căng thẳng. Kinh 42 Chương kể chuyện tăng sĩ Sona, khi hành thieenfkhoong làm sao giữ được tâm trạng cân bằng. Khi thì đầu óc căng thẳng quasinh ra đau đầu, khi thì buông lỏng quá sinh ra buồng ngủ. Không biết làm sao được, Sona đến gặp Phật, Phật hỏi:
- Có phải trước đây, khi chưa xuất gia người làm thợ đàn, có phải không?
- Thưa phải, bạch Thế Tôn-Sona trả lời.
- Nếu dây đàn căng quá thì thế nào? Phật hỏi.
- Bạch Thế Tôn, không thanh tiếng.
- Nếu dây chùng quá thì thế nào? Phật tiếp tục hỏi.
- Cũng không thanh tiếng, bạch Thế Tôn. Sona trả lời.
Phật bèn giảng giải:
Tu hành cũng như vậy đó, tích cực thái quá tới mức căng thẳng cũng không được, mà buông lỏng lười biếng cũng không được. Phải biết giữ tâm trạng cân bằng mới tiến bộ.
Thiền sư Tây Tạng Ma-chik-lap-Dron nhắn nhủ học trò mình:"Tinh tấn, tinh tấn nhưng vẫn thư giãn, thư giãn".
(Xem cuốn" The Tibetan Book of Living and Dying" Soyal Rinpoche, trang 73) (Cuốn sách Tây Tạng về Sống và Chết-bản Anh)
Câu trên của thiền sư Tây Tạng cũng tương tự về ý tứ như tôn chỉ tu thiền của thiền sư Việt Nam Hương Hải (1628-1715):
- "Tỉnh tỉnh tịch tịch thị,
- Tỉnh tỉnh loạn tưởng phi.
- Tịch tịch tỉnh tỉnh thị,
- Tịch tịch vô ký phi"
Tỉnh tỉnh là tỉnh táo hay tỉnh giác. Nhưng nếu chỉ một chiều tỉnh giác thì tạp niệm sẽ dấy lên loạn xạ. Tu thiền như vậy là sai. Phải vừa tỉnh táo, vừa tịch lặng mới đúng. Do đó mà thiến sư Hương có hai câu đầu:
- Tỉnh táo mà tịch lặng là phải,
- Tỉnh táo mà loạn tưởng là sai.
Thế nhưng, nếu cứ tịch lặng một chiều mà mất tỉnh táo sẽ sinh ra buồn ngủ, như vậy cũng sai, mà phải vừa tịch lặng, vừa tỉnh giác mới là đúng. Do đó mà hai câu cuối cùng của bài kệ của thiền sư Hương Hải là:
- Lặng lẽ mà tỉnh táo là phải,
- Lặng lẽ mà không biết gì hết là sai.
Vô ký ở đây có nghĩa là mê mờ, không phân biệt được ngoại cảnh. Sách Phật thường dùng hai từ hôn trầm, thuỵ miên.
Nói tóm lại, nếu chúng ta hiêu hành thiền là một cái gì đặc biệt, chỉ có thể thành tựu trong hoàn cảnh đặc biệt (thí dụ sống cô độc trong rừng sâu v.v…) với tư thế đặc biệt (thí dụ ngồi tư thế hoa sen), mà là cả một nếp sống thoải mái, tự do tự tại, tỉnh giác và năng động, thì chúng ta mới hiều vì sao đức Phật cũng như các thiền sư lớn sau này đều nhấn mạnh phải giữ cho luôn luôn có được tâm thoải mái, tâm nhẹ nhàng, hoàn toàn không có dấu vết ức chế nào.
Vui thích hay ghét bỏ, vơ vào hay gạt ra là biều hiện của tình trạng ức chế trong tâm, nhưng thuộc hai cực khác nhau.
Phải là tâm trạng như trong kinh 42 Chương nói:"Nội vô sở đắc, ngoại vô sở cầu". Nghĩa là trong tâm không thấy được thêm gì, đối với ngoài cũng không cầu mong gì.
Hay là hai câu thô chữ Hán của Trần Nhân Tông, kết thúc bài phú nôm "Cư Trần Lạc Đạo":
- "Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên,
- Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên".
Dịch:
- Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên,
- Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền…
---o0o---
Chân thành cảm ơn Giáo sư Minh Chi đã gởi tặng bài viết này
( Trang nhà Quảng Đức )
---o0o---