Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sự quan trọng của Chánh Niệm.

22/04/201319:48(Xem: 6283)
Sự quan trọng của Chánh Niệm.

Sự quan trọng của Chánh Niệm
Kinh Đại Niệm Xứ

Thiền Sư U Silananda
Nita Truitnerdịch Việt

---o0o---

Vài lời của người dịch

Từ lâu tôi luôn nghĩ rằng thực hành thiền Minh Sát là hành Chánh Niệm. Kinh nghiệm hành thiền và học thiền của tôi rất giới hạn gồm có thiền Minh Sát theo truyền thống của Ngài Mahasi Sayadaw, (Thiền sư U Pandita, Thiền Sư Khippapanno). Gần đây tôi có được cơ hội học được phương pháp Niệm Cảm Thọ của Thiền Sư Cư sĩ S.N. Goenka. Duyên may đưa đến năm nay tôi được đi học thiền "Niệm Tâm" ởthiền viện của Cố Hòa Thượng Thiền Sư Shwe Oo Min, Miến Điện.

Tuy còn sơ cơ về pháp hành, tôi nhận xét tất cả những gì mà tôi thu thập được trong những phương pháp hành thiền kể trên, tôi nghĩ rằng, tất cả đều là thực hành chánh niệm và phương pháp hành thiền là theo trong kinh Tứ Niệm Xứ. Mỗi một Thiền sư danh tiếng tự chọn cho mình một "chuyên môn" theo kết quả kinh nghiệm cá nhân, nhưng chung quy vẫn là thiền Tứ Niệm Xứ hay Thiền Minh Sát, hay Vipassana. Hiện nay danh từ Vipassana thường dùng để chỉthiền Minh Sát, hay Tứ Niệm Xứ, rất phổ thông trong cộng đồng tu thiền.

Tôi rất muốn diễn đạt sự hiểu biết ít nhiều về lý thuyết cũng như thực hành thiền, cho vài đạo hữu mới vào học thiền, nhưng không biết làm cách nào để diễn tả giáo lý và thực hành một cách rõ ràng minh bạch và gần với sự thực. May mắn thay, mới đây tôi mới có dịp đọc một quyển sách nhỏ tựa đề là "The Importance of Mindfulness", phía dưới đề là "The Mahasatipatthana Sutta" của Hòa Thượng Thiền sư U Silananda viết, tôi vô cùng hoan hỉ vì sự giảng giải ngắn gọn nhưng rõ ràng minh bạch về nghĩa lý hàm chứa trong Kinh, rất gần với như sự hiểu biết và nhận xét của tôi về lý thuyết cũng như về thực hành thiền Minh Sát.

Trong tập sách nhỏ ấy, Hòa Thượng Thiền Sư kết luận rằng, hành thiền Tứ Niệm Xứ tức là hành Chánh Niệm. Một điều tôi muốn được ghi nhận ở đây khi Thiền Sư nói rằng "thiền Minh Sát có thể đạt đến hai loại diệt trừ phiền não đó là sự diệt trừ từng chập và sự diệt trừ tạm thời, nhưng thiền Minh sát không thể đạt được sự diệt trừ thứ ba đó là sự diệt trừ phiền não toàn diện." (trang 23 bản tiếng Anh) Thoạt đầu tôi không hiểu rõ hàm ý câu nói trên, vì nếu thiền Minh Sát không đạt được sự diệt trừ phiền não toàn diện thì phương pháp nào hiệu quả hơn để giúp hành giả diệt trừ phiền não toàn diện và chứng ngộ Niết Bàn? Phải chăng đó là sự liên tục và tích cực thực hành chánh niệm đến một mức độ nào đó khi trí tuệ tột cùng phát sanh tâm đạo lấy Niết Bàn làm đối tượng?

Một điểm quan trọng khác mà tôi muốn ghi nhận ở đây là Thiền Sư U Silananda nói rằng (trang 19 trong bản tiếng Anh) chữ si - "moha" trong tiếng Pali, không được nói đến ở đây vì si (moha) rất khó để ngăn ngừa và diệt trừ. Tuy nhiên có thể moha được hàm chứa. Trong trang cuối quyển sách nhỏ nầy, Thiền Sư U Silananda đã hàm ý nói đến si (moha), khi Ngài nói đến thực hành thiền Vipassana. Khi thực hành thiền Vipassana, hành giả sẽ được phát sanh trí tuệ để thấy rõ tam tướng vô thường, khổ, vô ngã. Si (moha) mê có nghĩa là sự thiếu trí tuệ, thiếu chánh kiến, để thấy rõ tam tướng vô thường, khổ, vô ngã. Mục đích của thiền Vipassana là để phát sanh trí tưệ, khi trí tuệ phát sanh thì si mê tiêu diệt, cũng như khi có ánh sáng thì bóng tối biến mất. Tuy không nói nhiều về Vipassana trong quyển sách nhỏ nầy, thiền Sư U Silananda đã viết và giảng rất nhiều về thiền Vipassana trong những khóa tu thiền.

Để giải thích sự diệt trừ phiền não toàn diện, những thiền sư hiện đại phải "giới thiệu" danh từ Vipassana một danh từ vừa có nghĩa minh sát (hay trí tuệ), vừa để giải thích vì sao hành thiền Tứ Niệm Xứ để tận diệt ba phiền não: tham, sân và si, và là "con đường duy nhứt... " theo như phần đầu trong kinh đã khẳng định.

Chúng ta phải hiểu rằng kinh Phật dạy chỉ là một "chỉ nam", một "dàn bài," chớ không phải một bài giảng chi tiết cho một phương pháp. Thí dụ Thiền Sư U Silananda có nói rằng trong đoạn nói về tâm định một yếu tố quan trọng trong ngủ căn, tâm định mặc dù không có được nêu lên trong kinh Đại Niệm Xứ, nhưng ta phải hiểu rằng tâm định được hàm chứa, vì nếu không có tâm định thì ta sẽ không có tỉnh giác vân vân ... Ngài cho thí dụ một người thợ s ăn nai chỉ thấy dấu chân nai rõ ràng ở hai bên của tảng đá, người săn nai phải kết luận rằng con nai phải chạy ngang qua tảng đá.

Nếu không giải thích rõ ràng, thiền sinh sẽ dễ ngộ nhận cho rằng thiền Tứ Niệm Xứ và thiền Vipassana là hai phương pháp hành thiền khác nhau.

Thay vì tự vặn óc để viết lên sự hiểu biết của tôi về chánh niệm là pháp hành thiền minh sát, tôi phát tâm hoan hỉ tự nguyện sẽ cố gắng dịch tập sách nhỏ nầy ra tiếng Việt để chia xẻ với bà con mới vào học thiền. Tuy là quyển sách nhỏ, nhưng nó rất căn bản và là một kim chỉ nam cho những ai mới bắt đầu học thiền và hành thiền và cũng rất lợi ích cho cả những thiền sinh kinh nghiệm.

Nita Truitner
Minnesota, Mùa Thu sang Đông 2003

Đoạn mở đầu của Kinh Đại Niệm Xứ

"Nầy Chư Tỳ Khưu, đây là con đường độc nhứt đưa đến sự thanh lọc cho chúng sanh, vượt khỏi sự sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn, đó là Tứ Niệm Xứ.

Thế nào là bốn?

Nầy Chư Tỳ Khưu, ở đây vị Tỳ Khưu sống quán thân trên thân, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

Vị Tỳ Khưu sống quán thọ trên thọ, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

Vị Tỳ Khưu sống quán tâm trên tâm, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

Vị Tỳ Khưu sống quán pháp trên pháp, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời".


Đoạn trên trích ra từ một trong những bài kinh của Đức Phật tựa là: "Bốn lãnh vực quán niệm"; theo Phạn ngữ Pali, kinh nầy gọi là "Mahasatipatthana Sutta" ( Đại Niệm Xứ).

Tuy là đoạn mở đầu, đoạn kinh nầy đã tóm tắt cốt tủy của toàn bài kinh.

Chính Đức Phật đã thực hành và công nhận rằng có sự lợi ích sẽ đem lại cho hành giả. Sau đó Ngài khuyến khích các thầy Tỳ Khưu và các đệ tử của Ngài thực hành pháp môn Tứ Niệm Xứ, và trong suốt 45 năm truyền bá giáo pháp, Đức Phật luôn luôn đề cập dẫn chứng và nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh Tứ Niệm Xứ.

Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn những phương pháp thực hành được góp nhặt và ghi chép lại trong tạng kinh Pali.

Những ai thực hành Tứ Niệm Xứ hay thiền Minh sát phải hiểu một cách rõ ràng và đúng đắn đoạn kinh nầy. Thực vậy, tất cả những bài giảng dạy, chỉ dẫn hành thiền tại các khóa thiền Vipassana đều căn cứ từ kinh Đại Niệm Xứ. Cho nên để được gặt hái trọn vẹn sự lợi ích, các thiền sinh thực hành thiền Minh Sát nên đọc và hiểu rõ ràng và thấu triệt bài kinh quan trọng nầy.

Đề mục của bốn lãnh vực quán niệm

Theo kinh, có bốn lãnh vực quán niệm, và bốn đề mục của sự quán niệm như sau:

1) Thân

Danh từ "Thân" trong kinh Tứ Niệm Xứ không chỉ có nghĩa là toàn thể tấm thân vật chất mà còn có nghĩa chỉ một nhóm của nhũng phần thuộc về vật chất. Nó bao gồm những phần khác nhau của thân thể hay tất cả những gì liên quan đế thân thể vật chất. Thí dụ hơi thở cũng gọi là thân.

2) Cảm thọ

"Cảm thọ" là gì? Cảm thọ là một tâm sở (trạng thái của tâm.) Có ba thứ cảm thọ - lạc thọ, khổ thọ và thọ vô ký. Lấy sự đau nhức làm thí dụ. Ta kinh nghiệm sự đau nhức vật chất bằng cái tâm của ta. Chonên khi có đau nhức, thì trạng thái tâm là có cảm giác sự đau nhức. Khi Đức Phật dạy rằng "thầy Tỳ Khưu quán thọ trên thọ" có nghĩa rằng thầy Tỳ Khưu đang quán cái trạng thái tâm trên cảm thọ đó. Cho nên, trong thực tập chánh niệm, khi ta kinh nghiệm sự đau nhức vật chất, ta phải hay biết rằng đó là trạng thái tâm cảm nhận sự đau nhức trên thân.

3) Thức (hay tâm)

Tiếng Pali của thức là "citta". Thường thì tiếng Pali được dịch là "tâm". Nhưng Sư nghĩ chữ "thức" mới là chữ dịch nghĩa đúng hơn là chữ tâm. Chú ý là dù dùng chữ "thức" dịch từ danh từ "citta", nó vẫn không phải là chữ dịch thật đúng của "citta". "Thức" được định nghĩa sự hay biết một đề mục. Chỉ khi nào có sự hay biết một đề mục, thì mới có thể có được sự xúc chạm với đề mục đó, cảm thọ đề mục, thích đề mục, không thích đề mục vân vân.. . Vậy những nhóm tâm sở nầy phụ thuộc vào thức, nhưng chúng cũng là phần tử của tâm.

Nhiều khi có sự lầm lẫn xảy ra giữa hai danh từ "tâm" và "thức". Trong Vi Diệu Pháp, tâm gồm có bốn nhóm tâm, gồm có thức, và ba nhóm tâm khác.

Như định nghĩa trên, thức là sự hay biết một vật. Ở đây sự hay biết không phải giống như sự hay biết trong khi thực hành thiền. Nó chỉ là một sự hay biết suông. Thí dụ như tôi đang hay biết có một người nào ở đó mặc dầu tôi đang nhìn nơi nầy. Sự hay biết đó gọi là "thức". Ít ra, nó được gọi như vậy trong Vi diệu pháp. Một thí dụ khác là khi ta hành thiền và ta ghi nhận "khổ, khổ", ta có một cái thức đi cùng cái khổ. Cũng có thể là sự quán niệm trên cái thức. Khi ta niệm "giận, giận", ta cũng đang quán trên cái hay biết.

Còn tâm sở thì có tâm xúc, thọ, tưởng, chú tâm, thích, không thích vân vân.. Theo Vi diệu pháp, có tất cả năm mươi hai tâm sở, và chúng được gồm trong ba nhóm chánh - thọ, tưởng, và hành.

4) Pháp

Chữ "dhamma", là một trong những danh từ trong tiếng Pali khó dịch nhứt vì nó không thể nào được dịch ra một ngôn ngữ khác một cách thích hợp và đúng nghĩa. Danh từ nầy có nghĩa khác nhau trong mỗi trường hợp. Nơi đây Sư xin giới thiệu danh từ "đối tượng của pháp".

Nếu bạn quán niệm hay chú tâm vào sự giận, đó là bạn đang quán pháp. Ở đây chữ pháp không có nghĩa giáo pháp hay giáo lý của Đức Phật. Cũng vậy nếu bạn thấy vật gì và bạn chánh niệm về cái thấy, đó là bạn đang niệm pháp. Đây chữ Pháp chỉ những pháp như những pháp chướng ngại, ngũ uẩn, mười xứ, thất giác chi, hay tứ diệu đế. Như thế quán niệm đối tượng của pháp rất sâu rộng.. Chúng được gọi là Dhamma (Pháp) trong bài kinh nầy. Vì thế đó cho nên cứ dùng danh từ dhamma (pháp) hơn là dịch ra tiếng khác để tránh sự lầm lẫn.

Không thể dịch danh từ dhamma chỉ bằng một chữ sang tiếng Anh. Nếu bạn làm như vậy, bạn sẽ sai. Chữ dhamma hay được dich là đối tượng tâm (mind object) hay sự vật thuộc về tâm (mental object). nhưng cách dịch nầy không được chính xác.Nếu dịch nó là "đối tượng tâm", và ta cho nó nghĩa là "tâm là đề mục", thì còn những đối tượng không phải là tâm thì sao? Nếu ta dịch nó là sự vật thuộc về tâm, thì thật ra tất mọi sự vật đều là đối tượng hay sự vật của tâm. Thân vật chất cũng là đối tượng của tâm. Vì ta không dịch được danh từ nầy một cách chính xác và thích hợp, tốt hơn hết là cứ dùng từ tiếng Pali không dịch.

Ý nghĩa của câu "con đường độc nhứt" - "ekayano"

Trong phần bằng tiếng Pali, kinh bắt đầu bằng chữ "ekayano", con đường độc nhứt. Chữ tiếng Pali gồm có hai phần: "eka" và "ayana". "eka" nghĩa là "một "và ayana nghĩa là cách, con đường hay lối đi. Như thế "ekayano" nghĩa đen là "một con đường". Do đó từ ngữ "một con đường" có thể diễn đạt nghĩa của con đường không có lối rẻ hay chi nhánh. Vậy chỉ có một con đường và nếu bạn dấn bước trên con đường nầy thì bạn chắc chắn sẽ đến đích. Không có sự lầm lẫn sai lệch trên đại lộ nầy.

Một cách diễn đạt khác của "ekayano" - "con đường độc nhứt" - là chỉ mình ta đi, nghĩa là, con đường của mỗi cá nhân chọn lựa để đi một mình. Có nghĩa là khi đã chọn đi trên con đường nầy, bạn đi một mình đơn độc, bạn không có bạn đồng hành đi chung. Bạn dù có tiến bộ hay không tiến bộ đều do khả năng riêng của bạn.

Còn có cách diễn dịch thứ ba của danh từ "Ekayano" là: "Con đường của một Bực Độc Nhứt". Bực "độc nhứt ở đây chỉ Đức Phật. Đức Phật là bậc toàn mỹ toàn thiện cho nên Ngài được gọi là "Bậc Độc Nhứt". Vì Ngài là người đã khám phá ra và truyền dạy Tứ Niệm Xứ cho nên Thiền Tứ Niệm Xứ được gọi là "Con đường của Bậc Độc Nhứt".

"Đây là con đường độc nhứt"

Câu đầu trong kinh được dịch là: "Nầy các thầy Tỳ khưu, đây là con đường độc nhứt đưa đến sự thanh lọc (tâm) chúng sanh ... đó là Tứ Niệm Xứ.

Như vậy chính ngay phần đầu của kinh Đức Phật đã nhấn mạnh "Đây là con đường độc nhứt". Có nghĩa là Tứ Niệm Xứ được nhấn mạnh là một con đường đưa đến sự thanh lọc (tâm) chúng sanh. Nhưng có câu hỏi là những chi của Bát chánh Đạo cũng là con đường đưa đến sự thanh lọc tâm chúng sanh? Xin thưa rằng những chi trong Bát Chánh Đạo không hiện diện nếu không có Chánh Niệm. Cho nên khi Chánh Niệm được nêu lên thì bảy chi đi cùng với Bát Chánh Đạo cũng được nêu lên.

Có con đường nào khác không?

Những người Tây Phương thường đặt câu hỏi "Tại sao Đức Phật nói rằng : Đây là con đường độc nhứt? Còn có con đường nào khác đưa đến sự thanh lọc tâm chúng sanh?" Họ tranh cãi rằng có nhiều con đường khác mà ta có thể đi để đến một khu xóm hay thành phố. Cũng thế ấy, nếu có nhiều con đường để đưa đến một thành phố, thì tất nhiên phải có nhiều con đường khác nhau để chúng sanh có thể theo để thanh lọc tâm hay đưa đến Niết Bàn.

Bạn nên nhớ là có nhiều khi sự so sánh không hoàn toàn thích hợp hay đúng đắn. Đúng vậy, có nhiều con đường để dẫn đến một khu xóm hay thành phố. Hay là ta nói rằng con đường lộ là một phương tiện duy nhứt để ta đi đến một thành phố. Như thế, mặc dù có nhiều đường lộ dẫn đến một khu xóm, nhưng những phương tiện đó cũng vẫn là đường lộ.

Cùng thế ấy mặc dú có nhiều phương pháp khác nhau để thực hành chánh niệm, nhưng rốt ráo thì những phương pháp đó vẫn là phương pháp thực hành chánh niệm. Chỉ có chánh niệm mới có thể đưa ta đến sự chứng ngộ Niết Bàn.

Ta biết rằng ta cần tập thể thao để làm các bắp thịt được săn cứng và nở nang. Như vậy, nếu bạn muốn cho các bắp thịt được mạnh chắc, bạn phải tập thể thao. Nhưng tập thể thao cũng có nhiều phương cách khác nhau ví dụ như tập tạ, hay dùng các máy móc vân vân.. Cùng thế ấy, chỉ có chánh niệm mới đưa chúng sanh đến sự chứng ngộ Niết Bàn, nhưng Chánh niệm có thể được thực hành dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong kinh Niệm Xứ, Đức Phật dạy rằng chánh niệm được thực hành theo 21 cách khác nhau. Có 21 cách để thực hành chánh niệm mà ta có thể chọn. Nhưng dù bạn chọn cách nào, chung quy cũng vẫn là thực hành chánh niệm, đó mới là điều quan trọng vì chỉ bằng chánh niệm tâm ta mới được sự thanh lọc.

Chánh niệm là sự bảo vệ tâm

Chánh niệm cũng giống như người hộ vệ. Khi nào người hộ vệ bị dời đi, thì những cửa của giác quan sẽ không được bảo vệ. Như thế, chỉ khi nào có chánh niệm hiện diện ở các giác quan thì tâm ta mới được thanh lọc. Những trạng thái tâm phiền não bất thiện sẽ không xâm nhập vào tâm ta được vì có chánh niệm gìn giữ các giác quan ta. Chỉ khi nào chánh niệm bị mất đi, hay khi tâm ta ít chánh niệm thì những phiền não đủ loại sẽ phát sanh. Thế nên chỉ có chánh niệm mới giúp giữ tâm trong sạch. Ở đây nên lưu ý là Chánh niệm là một chi trong tám chi của Bát Chánh Đạo.

Những hình thức của Chánh Niệm

Chánh niệm được thực hành dưới nhiều hình thức - chánh niệm thân, chánh niệm cảm thọ, chánh niệm tâm, chánh niệm Pháp hay chánh niệm các bộ phận của thân thể, vân vân. Những hình thức của chánh niệm được lược kê trong bài kinh (xin xem phần dưới đây). Như thế ấy, sự thực hành chánh niệm là một phương pháp duy nhứt để thanh lọc tâm chúng sanh. Xin chú ý, câu nói "thanh lọc chúng sanh" phải hiểu là "thanh lọc tâm của chúng sanh".

Sự quan trọng của sự thanh lọc tâm

Tại sao có sự nhấn mạnh về tâm? Tại vì Đức Phật luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thanh lọc tâm. Điều nầy không có nghĩa là ta xem nhẹ việc vệ sinh và giữ gìn sức khoẻ của cơ thể. Nhưng quan trọng hơn chính là sự thanh lọc tâm của chúng ta.

Sự sạch sẽ của thân quan trọng như thế nào? Trong chú giải có nói rằng vệ sinh cá nhân hay sự sạch sẽ của cơ thể cũng như sự sạch sẽ tươm tất của nơi ăn chốn ở cũng vô cùng quan trọng vì chúng rất cần thiết trong sự hổ trợ để đạt tới định và phát sanh trí tuệ. Như thế ta cần phải giữ gìn thân thể sạch sẽ và chăm sóc nơi ta thực hành thiền cho tươm tất gọn ghẽ. Hàm ý ở đây là trong khi ta không chểnh mãng trong sự giữ gìn thân thể sạch sẽ, ta càng cố công nỗ lực nhiều trong sự làm cho tâm trong sạch.

Những sự lợi ích có được trong sự thực hành chánh niệm

1) Thanh lọc tâm

Trong kinh, Đức Phật kể những lợi ích mà ta gặt hái được khi hành chánh niệm. Lợi ích thứ nhứt là sự thanh lọc tâm.

2) Vượt khỏi sầu đau và ta thán

Lợi ích thứ hai mà Đức Phật kể là sự vượt khỏi sầu đau và ta thán. Nếu muốn vượt khỏi sầu đau và ta thán, Đức Phật dạy ta nên thực hành chánh niệm. Ở đây sầu đau là trạng thái của tâm. Ta thán là khóc than trong đau khổ và để thổ lộ trong lời than vãn.

3) Diệt trừ sự đau đớn và sầu bi

"Đau đớn" ở đây chỉ sự đau đớn của thể xác. "Sầu bi" ở đây chỉ sự phiền não trong tâm, buồn phiền, giận hờn, sân hận, ác ý. Thực hành chánh niệm giúp ta vượt qua mọi đau đớn và sầu bi và làm chúng tan biến đi. Nhưng dù bạn không thể chiến thắng sự đau đớn hay không thể hoàn toàn tiêu diệt nó hẳn, bạn cũng có thể sống với sự đau đớn và chấp nhận nó nếu bạn thực hành chánh niệm. Tâm của bạn sẽ không bị phiền nhiễu hay quấy rầy bởi cái đau nhức ở cơ thể. Khi tâm bạn không thấy bị phiền nhiểu bởi sự đau ở thể xác, thì cái đau nầy hình như không hiện hữu. Cũng như thế, để diệt trừ buồn phiền ưu tư, sân hận, ác ý, bạn phải thực hành chánh niệm.

Tâm không thể nào chú ý nhiều hơn một sự việc cùng một lúc. Tâm chỉ có thể bắt một đối tượng trong một lúc. Vì thế ta nên dùng đặc tánh nầy của tâm để diệt trừ đau khổ buồn phiền khi tathực hành chánh niệm. Lấy sự giận làm thí dụ. Thí dụ ta giận ông A. Khi nào tâm ta còn để trên ông A, cơn giận của ta sẽ tăng lên và ta sẽ càng giận thêm vì ta đang lấy ông A làm đề mục của tâm ta. Nhưng một khi ta thay đổi đề mục từ ông A là nguyên nhân của sự giận, sang sự giận lập tức ông A không còn hiện hữu trong tâm ta trong giờ phút đó. Ngay trong lúc ta để tâm vào sự giận, ông A đã biến mất trong tâm ta. Khi tâm ta để vào cái giận và khi cái nguồn gốc của sự giận không còn hiện hữu, thì cái giận cũng sẽ biến mất luôn.

Cùng thế ấy, ta nên chăm sóc những trạng thái tâm bằng chánh niệm, một thứ chánh niệm đơn giản nhưng mạnh mẽ hay một sự chánh niệm được đẩy mạnh. Ta phải dùng cách đó để đương đầu với những xúc cảm trên như tham ái, sân hận, thù ghét, buồn phiền và đau khổ. Khi có những trạng thái tâm phát sanh, ta chỉ dùng chánh niệm và ghi nhớ. Khi tâm chánh niệm mạnh, những trạng thái tâm kia sẽ biến mất. Vì thế nên Đức Phật dạy: "Đây là con đường độc nhứt để vượt khỏi sự sầu não, diệt trừ đau đớn và ưu tư trên đời".

Đây là con đường độc nhứt đạt đến Đạo cao thượng

Nghĩa của "Con Đường" hay "Đạo"

Khi bạn đọc sách Đạo Phật, bạn sẽ gặp chữ Path "Đạo" rất nhiều lần. Có khi chữ đó viết với chữ "p" nhỏ, nhưng thường thì chữ đó viết với chữ hoa "P". Chữ con đường hay Đạo là một thuật ngữ dùng để chỉ sự phối hợp hay nhóm của tám yếu tố của Bát chánh đạo - Chánh kiến, chánh tư duy, vân vân... phát sanh cùng lúc với khi chứng ngộ. Cái tâm thức đi chung cùng phát sanh với những yếu tố trên gọi là "Đạo".

Nghĩa của chữ " giác ngộ"

Chữ "giác ngộ" là một chữ khác rất quan trọng, mà nghĩa của nó cũng rất khó hiểu. Người đời thường dùng chữ nầy một cách tự do, nhưng chỉ một số ít mớI thật hiểu nghĩa của nó một cách trọn vẹn. Nếu không định nghĩa thì nghĩa của nó rất mơ hồ. Chữ nầy đối với nhiều ngườI, hay đối với nhiều tôn giáo thì mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Như thế, nghĩa của chữ "giác ngộ" đối vớI một Phật tử rất khác đối với "giác ngộ" của ngườI Công giáo. Cho nên khi nói đến sự giác ngộ, trước hết ta nên định nghĩa nó cho được rõ ràng.

Đối với đạo Phật, "giác ngộ" có nghĩa là sự diệt trừ phiền não và chứng ngộ Niết Bàn, thấy và nhận diện Niết Bàn cùng một lúc. Khi một ngườI thực hành thiền Minh Sát và tiến bộ từ giai đoạn nầy sang giaiđoạn khác, đến tầng cao hơn do kết quả sự thực hành thiền Minh Sát, đến một lúc khi có một loại tâm thức phát sanh trong tâm mà người ấy chưa bao giờ được kinh nghiệm trước kia. Tâm nầy đồng sanh khởi với những tâm sở khác vô cùng mãnh liệt đến nổi chúng có thể tiêu diệt hoàn toàn những ô nhiễm, và không để những ô nhiễm nầy còn trở lại trong tâm. Đồng thời tâm thức nầy lấy Niết Bàn làm đối tượng, được gọi là "Tâm Đạo".

Ngay sau "Tâm Đạo", có hai hay ba "Tâm Quả" phát sanh. Bạn phải hiểu Vi Diệu Pháp mới có thể hiểu rõ vấn đề nầy hoàn toàn. Giản dị mà nói, đạt đến Đạo cao thượng chỉ là một cách để giác ngộ. Khi nào bạn đạt đến Đạo cao thượng, khi đó bạn mới giác ngộ, và bạn mới có thể diệt trừ ô nhiễm trong tâm và lấy Niết bàn làm đối tượng.

Đây là con đường độc nhứt để chứng ngộ Niết Bàn

Đây có cùng nghĩa với đạt đến Đạo cao thượng. Cho nên khi một hành giả đạt đến Đạo cao thượng, và khi Tâm Đạo sanh khởi nơi tâm của người ấy và cái tâm đó lấy Niết bàn làm đối tượng, người ấy được cho rằng đã đạtNiết bàn. Do đó, đạt đến Đạo cao thượng và chứng ngộ Niết bàn có cùng một nghĩa. Cho nên Đức Phật dạy rằng thực hành chánh niệm, nghĩa là thực hành Tứ Niệm Xứ, là phương pháp độc nhứt để diệt trừ buồn phiền và ta thán, diệt trừ đau khổ và phiền não, để đạt đến Đạo cao thượng và chứng ngộ Niết Bàn.

Ý nghĩa của Bốn Lãnh Vực Quán Niệm

Có hai chữ quan trọng ở đây là "lãnh vực" và "chánh niệm". Trước khi ta nói về Bốn Lãnh Vực Quán Niệm, ta nên hiểu nghĩa của "chánh niệm" là gì. Tuy ta thực hành chánh niệm lâu năm, đôi khi ta được hỏi: "chánh niệm" là gì, ta không thể trả lời một cách thoả đáng.

Nghĩa của chữ "niệm" (sati)

""Chánh niệm" là chữ dịch từ chữ Pali "sati". Bài kinh nầy gọi là kinh Niệm Xứ (Satipatthana). Ở đây "niệm" (sati) dịch là "chánh niệm". Có lẽ không có danh từ nào đúng hơn trong tiếng Anh để dịch chữ đó. Nghĩa đen "sati" là "nhớ". Nhưng thật ra, chữ đó gồm nhiều nghĩa hơn là "nhớ". Bởi vì theo nguồn gốc ngôn ngữ thì "sati" có nghĩa là "nhớ", tuy nhiên do thông dụng thì "sati" còn hàm chứa nhiều nghĩa hơn. "Sati" được định nghĩa trong Chú giải là "nhớ" và đặc tánh của nó là không hời hợt, không nổi lềnh bềnh trên bề mặt. Nếu đúng là "sati" nó không giả tạo, mà nó đi sâu vào đối tượng. Vì thế cho nên, Sư luôn luôn nói rằng "sati" hàm chứa nghĩa: "hay biết hoàn toàn đối tượng" hay là "hay biết thấu triệt đối tượng". "Sati" còn có nghĩa là có chức năng không làm mất đối tượng. Khi nào có "sati" hay chánh niệm, ta không mất đối tượng, ta không quên đối tượng. Sati không phải là sự hay biết hời hợt giả tạo, mà là một sự biết sâu rộng và thấu đáo một đối tượng.

Nghĩa của "lãnh vực chánh niệm"

Bây giờ ta nên bàn về thuật ngữ "lãnh vực chánh niệm". Nó có nghĩa là "sắp đặt" đặt nền tảng của chánh niệm hay là "sự thiết lập chặt chẽ chánh niệm" hay "chánh niệm được thiết lập vững chãi". Danh từ tiếng Pali satipatthana được dịch ra là "lãnh vực của chánh niệm" nhưng thật ra nó có nghĩa là "sự sắp đặt một chánh niệm vững mạnh" hay "thiết lập một chánh niệm vững vàng".

Thực hành "Bốn Lãnh vực chánh niệm"

Trong kinh nầy, Đức Phật dạy rằng có bốn lãnh vực chánh niệm. Khi bạn thực hành thiền Minh sát, bạn phải thực hành cả bốn lãnh vực chánh niệm, nhưng bạn thực hành chúng tự do và không theo thứ tự cái nầy trước hay cái nầy sau theo thứ tự trong kinh. Bởi vì khi bạn thực hành thiền Minh Sát, bạn phải chánh niệm đối tượng trong giây phút hiện tại. Đối tượng ở giây phút hiện tại có thể là một trong bốn lãnh vực - có khi đó là thân, có khi đó là cảm thọ, có khi đó là tâm thức, có khi đó là pháp. Bạn phải niệm những đối tượng ngay khi chúng phát sanh vì bạn không có lựa chọn. Bởi thế có khi người ta cho rằng thiền Minh Sát là thiền không chọn lựa. Nghĩa là bạn không lựa chọn, bạn chỉ ghi nhận những gì xảy đến với bạn. Cho nên bạn thực hành bốn lãnh vực chánh niệm một cách không thứ tự, cái gì phát sanh ra, bạn chỉ niệm, đó là cách hành thiền Minh Sát.

"Nầy các thầy Tỳ Khưu, ở đây vị Tỳ Khưu sống quán thân trên thân, tinh cần, tỉnh giác (hay ý thức sáng suốt) và chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời".

Câu trên đây có nhiều nghĩa quan trọng, Sư sẽ bắt đầu phân tách những nghĩa của nó một cách chi tiết như sau:

Bốn lãnh vực quán niệm là gì?

Đó là:

- niệm thân trong thân

- niệm thọ trong thọ

- niệm tâm trong tâm

- niệm pháp trong pháp

Ta phải thực hành chánh niệm như thế nào?

Trong đoạn mở đầu của kinh Đại Niệm Xứ kể trên, ta thấy Đức Phật dạy rằng, mỗi lảnh vực chánh niệm, ta phải tinh tấn nỗ lực, phải tỉnh giác hay ý thức sáng suốt , và phải chánh niệm để diệt trừ tham ái, khổ đau trên đời.

"Quán thân trong thân"

Nghĩa là thầy Tỳ Khưu hay người cư sĩ thực hành chánh niệm hay quán thân, người ấy phải thật chính xác. Người ấy quán thân chỉ ở trong thân mà thôi, người ấy không quán cảm thọ trong thân hay là quán con người ở trong thân, vân vân.... Để cho có một đề mục thật rõ ràng Đức Phật lập lại những chữ "thân, thọ, tâm và Pháp" trong những câu trên. Nghĩa là Đức Phật vô cùng chính xác trong sự chánh niệm hay quán thân, cảm thọ, tâm thức và Pháp. Khi quán niệm thân, Ngài tinh cần, ý thức sáng suốt và chánh niệm.

Ta phải tinh cần trong sự thực hành

Danh từ tiếng Anh "ardent" - "tinh cần" không phải chữ dịch đúng nghĩa của chữ Pali "atapi". Khi một chữ từ ngôn ngữ nầy được dịch sang ngôn ngữ khác, thế nào cũng bị mất ít nhiều ý nghĩa. Chữ "atapi" tiếng Pali lấy từ chữ "atapa". "Atapa" có nghĩa là "sức nóng của mặt trời". Ta biết rằng mặt trời có thể đốt nóng những vật cho đến khi những vật ấy trở nên héo úa và có khi thiêu cháy.

Cùng thế ấy nỗ lực mà hành giả để vào sự hành thiền làm nóng và đốt cháy mọi phiền não trong tâm. Người mà có "atapa" nghĩa là tinh cần thì được gọi là "atapi, chữ "I" chỉ sự làm chủ. Cho nên chữ "atapi" chỉ người có cố gắng trong hành thiền, không dễ duôi, người thực sự cố gắng để chánh niệm và hiểu biết thấu đáo. Khi đọc kinh bằng tiếng Pali và thấy chữ "atapi" ta nên hiểu chữ đó có nghĩa thực sự như vậy. Ta phải thấy sự tinh tấn sẽ đốt cháy được phiền não. Bây giờ bạn mới thấy tại sao khi dịch chữ "atapa" ra tiếng Anh (hay ra tiếng Việt là "tinh cần") bạn sẽ mất đi ý niệm trên.

Ta phải để nhiều nỗ lực

Khi Đức Phật còn là một vị Bồ Tát ngồi dười cội bồ đề hành thiền để trở thành Phật, Ngài đã phát nguyện mạnh mẽ trong tâm. "Dù cho chỉ còn da, gân, xương, dù cho thịt và máu có khô cạn, ta quyết không bao giờ ngưng hay bỏ bỏ mọi nỗ lực phi thường cho đến khi thành Phật. Ta sẽ không rời khỏi chỗ ngồi nầy cho đến khi thành Phật. Ta sẽ vô cùng cố gắng để đạt đến mục đích." Nỗ lực như thế gọi là "Chánh Tinh Tấn".

Để có chánh tinh tấn bạn phải có nhiều nỗ lực thực sự, chớ không phải nỗ lực hời hợt. Nỗ lực ở đây cũng là chánh tinh tấn, một trong tám chi của Bát Chánh Đạo. Chánh tinh tấn nghĩa là sự nỗ lực để diệt trừ hay tránh xa những bất thiện tâm và để trau dồi và gặt hái những thiện tâm. Muốn chống lại những trạng thái tâm bất thiện để diệt trừ những điều xấu, bạn cần có nỗ lực. Nếu bạn không nỗ lực, bạn không thể chống lại điều bất thiện. Cùng thế đó, bạn cần có sự cố gắng thật sự, mạnh mẽ để thực hánh thiền Tứ Niệm Xứ.

Tỉnh giác hay ý thức sáng suốt

Danh từ kế đó là "tỉnh giác". Tỉnh giác có nghĩa là "thấy rõ ràng". Đối tượng nào mà hành giả để tâm niệm, vị ấy thấy thật rõ ràng. "Rõ ràng" có nghĩa là gì? Nghĩa là hành giả thấy thấu đáo thông suối, thấy với trí tuệ. Khi hành giả niệm hơi thở, vị ấy thấy hơi thở rõ ràng. Vị ấy thấy hơi thở vào rõ ràng phân biệt với hơi thở ra, và hơi thở ra thật rõ ràng phân biệt với hơi thở vào. Hành giả cũng thấy hơi thở phát sanh và diệt. Hành giả trong thời gian nầy chỉ thấy có hơi thở và sự biết hơi thở và không có gì khác mà thường được cho là con người hay một cá nhân. Sự hiểu biết đó gọi là "tỉnh giác" hay ý thức sáng suốt.

Khi bạn có sự tỉnh giác về một việc gì, bạn biết việc ấy và những trạng thái của nó. Cũng theo giáo pháp của Đức Phật, bạn biết rằng chỉ có vật được quan sát và cái tâm quan sát vật ấy, ngoài ra không có gì gọi là một người, hay một cá nhân, đàn ông, đàn bà. Nhìn sự vật như thế ấy được gọi là tỉnh giác. Sự tỉnh giác nầy sẽ đến với bạn sau một thời gian thực tập, không phải đến ngay khi bạn mới bắt đầu hành thiền.

Khi mới bắt đầu hành thiền bạn có thể không thấy hơi thở rõ ràng. Có khi những hơi thở lẫn lộn và không rõ ràng. Nhưng từ từ, với sự tìến triển của tâm định và thực hành, bạn sẽ thấy đối tượng càng ngày càng rõ thêm luôn cả sự sanh và diệt của hơi thở, vân vân.. .Như thế, sự tỉnh giác nầy xảy ra không phải ngay lúc đầu, nhưng sau một thời gian bạn có kinh nghiệm.

Muốn có sự tỉnh giác phát sanh, ta cần một yếu tố nữa, tuy trong kinh không nói tới. Ta cần có tâm định. Nếu không có tâm định, tỉnh giác sẽ không thể phát sanh.

Ta cần phải phát triển tâm định

Tâm định là gì? Tâm định là một trạng thái tâm hay một yếu tố của tâm, để giữ những chi của tâm nằm trong đề mục và không để chúng chạy sang những đề mục khác. Tâm định thường được diễn tả là một thứ tâm có thể ở trên đề mục một thời gian khá lâu. Lấy hơi thở làm đề mục để làm thí dụ, tâm định của bạn luôn luôn để trên hơi thở và tâm bạn không chạy đi nơi khác. Luôn luôn tâm định giữ tâm và những yếu tố của tâm chung lại nhau trên đề mục. Sự định tâm nầy rất cần thiết cho sự tĩnh giác phát sanh. Không có tâm định bạn không hy vọng xuyên thấu được sự vật, và cũng không hy vọng có sự tỉnh giác.

Khi ta đạt được tâm định, tâm của ta lắng xuống và trở nên vắng lặng. Đây là lúc ta bắt đầu thấy rõ sự vật. Giống như nước dơ hay nước bùn trong một ao hồ. Trước tiên, khi có đất cát dơ hay bùn sình trong nước, ta sẽ không thấy đáy của ao hồ qua mặt nước. Nhưng khi đất cát dơ hay bùn sình được lắng đọng xuống và mặt nước trở nên trong ta mới có thể thấy xuyên qua nước. Cùng thế đó, tâm ta cũng như nước bùn hay nước dơ tại vì nó chứa đồ dơ bẩn hay là những ô nhiễm. Khi nào tâm ta còn bị nhiễm độc bởi những ô nhiễm, ta không thể thấy sự vật một cách rõ ràng. Ta phải đè nén hay để những ô nhiễm của tâm lắng đọng xuống trước khi ta có thể thấy sự vật một cách rõ ràng. Những ô nhiễm nầy gọi là những chướng ngại trong tâm.

Khi ta phát triển định tâm, ta sẽ có thể giữ những chướng ngại tạm thời ở một bên. Khi những chướng ngại được khắc phục, tâm ta trở nên rõ ràng trong sáng. Chỉ có khi đó tỉnh giác hay sự hiểu biết thật sự của mọi sự vật sẽ phát sanh.

Tuy rằng tâm định không được nêu lên trong kinh Đại Niệm Xứ, ta nên hiểu rằng sự cần thiết của tâm định được hàm chứa bởi vì nếu không có tâm định ta sẽ không thể có sự tỉnh giác phát sanh. Cho một thí dụ giãn dị sau đây. Một người thợ săn đang đuổi theo một con nai. Người ấy thấy một tảng đá bằng phẳng và người ấy thấy dấu chân ở hai nơi đối diện nhau của tảng đá, mà không phải ở trên mặt hay xung quanh tảng đá. Theo sự nhận xét nầy, người ấy suy diễn rằng con nai phải phóng ngang qua bề mặt trên của tảng đá để đi từ bên nầy sang bên kia. Nghĩa là người ấy thấy phần đầu, và người ấy thấy phần cuối và người ấy suy diễn phần giữa, nghĩa là, con nai phải phóng ngang qua tảng đá. Tương tợ như vậy, chánh niệm ở đoạn đầu và tỉnh giác ở phần cuối. Phần giữa phải là tâm định vì nếu không có tâm định, sẽ không có tỉnh giác.

Bốn trạng thái tâm căn bản cần thiết

Có bao nhiêu phần tử của tâm mà ta đã nói đến? Ta có bốn - và chúng kết hợp thành bốn trạng thái tâm rất căn bản cần thiết trong sự thực hành thiền chánh niệm. Thứ nhứt là tinh cần, thứ hai là tỉnh giác, thứ ba là tâm định, và thứ tư là chánh niệm. Bốn trạng thái tâm nầy là những phần tử cần thiết của sự thực hành thiền. Khi ta thực hành thiền, bốn phần tử của tâm nầy phải làm việc chung và hòa hợp với nhau. Nhưng còn một tâm khác mà không được nêu lên trong kinh, đó là đức tin.

Ta cần có đức tin

Đức tin hay sự tin tưởng cũng là một yếu tố quan trọng bởi vì nếu ta không có sự tin tưởng nơi phương pháp dạy của Đức Phật, ta sẽ không áp dụng thực hành. Nếu không có đức tin, sẽ không có sự thành công trong bất cứ việc làm gí. Trong Phật giáo, ta không có đức tin mù quáng. Đó không có nghĩa là ta không có đức tin. Ta có đức tin hay sự tin tưởng nơi Đức Phật và giáo lý của Ngài. Ta tin tưởng rằng chú tâm quán niệm những đề mục trong Tứ Niệm Xứ ta sẽ thấy đặc tánh thật của những sự vật nầy- là vô thường, và nó dẩn đến đau khổ và chúng vô ngã.

Đức tin cũng là một phần của sự thực tập thiền tuy nó không tích cực hoạt động khi thiền hay khi thực tập chánh niệm, nó vẫn hiện diện và làm việc hòa hợp với những yếu tố tâm khác. Cho nên nếu ta thêm yếu tố đức tin vào bốn yếu tố mà ta bàn tới lúc đầu, bây giờ ta có năm yếu tố và chúng được gọi là Ngũ Căn. Tiếng Pali gọi là Indriyas. Các thiền sư thường thích nói về Ngũ căn nầy. Năm yếu tố nầy phải làm việc cùng một lúc và hòa hợp với nhau nếu ta muốn có được một sự thưc hành tốt đẹp. Nếu chúng không làm việc hòa hợp nhau thì ta mất thiền.

Thăng bằng giữa tinh tấn và định

Khi ta thực hành thiền sự thăng bằng giữa tinh tấn và định rất quan trọng. Nếu chúng không thăng bằng, nghĩa là, nếu một trong hai cái quá nhiều, ta sẽ kinh nghiệm sự khó khăn trong khi hành thiền. Ta phải nỗ lực cho vừa đủ, không nhiều lắm và cũng không ít lắm. Nhiều khi ta nổ lực nhiều quá vì ta nóng lòng muốn đạt được điều gì. Kết quả là ta mất thăng bằng. Thế nên, quá nhiều tinh tấn không đem lợi gì cho ta. Ngược lại, việc gì xảy ra khi ta nỗ lực ít ? Ta sẽ trở nên buồn ngủ, lười biếng và ta không thể chú tâm và không thể hành thiền được. Cho nên ta tinh tấn vừa đủ không nhiều quá và cũng không ít quá. Khi có quá nhiều tinh tấn thì định tâm không đủ. Nếu bạn để quá ít tinh tấn, thì sự định tâm lại không đủ.

Giả thử như bạn hành thiền và bạn được định tâm tốt. Sau khi được định tâm tốt, bạn sẽ giảm bớt nỗ lực, bạn sẽ trở nên lười biếng hay buồn ngủ. Khi việc nầy xảy ra, bạn phải cố gắng nhiều hơn và chú tâm nhiều hơn trong sự hành thiền. Nhiều khi bạn phải chú tâm đến nhiều đề mục khác, chú tâm đến mỗi đề mục mỗi lần riêng biệt trong sự hành thiền. Như vậy, tinh tấn và định tâm phải thăng bằng để cho ta hành thiền tốt đẹp và có sự tỉnh giác.

Có khi, bạn đang hành thiền có tâm định tốt, thình lình bạn mất đi sự định tâm. Tại sao? Một trong những lý do có thể là bạn để quá nhiều tinh tấn. Do sự mong muốn để cho sự hành thiền tốt hơn, ta có lẽ để quá nhiều sự tinh tấn. Kết quả là ngược lại sự mong muốn của ta. Có khi trong khi hành thiền bạn có được tâm định tốt và mặc dù tâm định tốt, bạn cảm thấy buồn ngủ hay ngủ gật. Tại sao vậy? Có thể là bạn có quá nhiều tâm định. Nếu có quá nhiều định tâm, bạn nên giảm bớt sự định tâm và tăng thêm sự tinh tấn.

Như vậy, hành thiền không phải dễ. Sư không muốn làm bạn nãn lòng chớ thật sự hành thiền không phải dễ. Nó rất tinh tế. Chỉ một chút mất th ăng bằng của tâm cũng có thể phá sự định tâm mà bạn đã công phu bồi đấp với nhiều nỗ lực. Cho nên, năm trạng thái tâm kể trên phải làm việc song song và hòa hợp với nhau. Hành thiền cũng giống như một cái máy. Có nhiều bộ phận trong một cái máy, và mỗi bộ phận phải làm việc đúng và đồng ăn khớp, hòa hợp với nhau. Nếu một bộ phận không chạy thì cả cái máy sẽ không chạy. Cùng thế ấy nếu một yếu tố trong tâm không làm việc đúng thì cả sự hành thiền sẽ bị mất đi sự thăng bằng. Thế cho nên, mỗi một trạng thái tâm trong ngũ căn phải làm việc đúng và hòa hợp với những trạng thái tâm kia.

Giá trị của chánh niệm

Bây giờ đây ta nên suy xét một cách nghiêm túc về giá trị của chánh niệm. Chánh niệm là một yếu tố tâm điều hành. Chính chánh niệm giữ cho sự tinh tấn không quá độ, chánh niệm cũng giúp sự định tâm không quá độ vân vân.. Vì vậy chánh niệm là một yếu tố điều hành trong ngũ căn trong sự hành thiền. Vì thế cho nên chánh niệm được cho là rất cần thiết. Không bao giờ nói rằng có quá nhiều chánh niệm. Chánh niệm vô cùng cần thiết trong mọi lúc giống như muối dùng để nêm nếm đồ ăn, và giống như ông quan lớn làm tất cả những nhiệm vụ của một ông vua. Tuy chánh niệm là một yếu tố quan trọng trong ngũ căn nhưng mỗi yếu tố kia đều quan trọng và chúng phải làm việc đồng nhứt hóa hợp và thăng bằng với những yếu tố kia.

Ái dục

Vượt khỏi tham ái và sân hận trên đời

Khi ngũ căn làm việc thăng bằng và hành giả có được sự tỉnh giác, vậy kết quả là gì? Kết quả là sự vượt khỏi tham ái và sân hận trên đời. Đó chính là kết quả mà hành giả có được khi có sự tỉnh giác của sự tu tập chánh niệm. Ở đây khi dịch ra tiếng Anh, có một sự thiếu sót về ý nghĩa. Thường thì được dịch là "đãđược vượt khỏi" hay "đãđược vứt bỏ" hay "đãđược chế ngự" tham ái và sầu đau trên đời. Thực hành thiền để làm gì? Thực hành chánh niệm để làm gì? Thưc hành thiền để vượt khỏi tham ái và sầu đau ở trên đời. Tham ái nghĩa là sự bám víu, và sầu đau nghĩa là ác ý hay sân hận. Như thế, thực hành thiền Minh Sát hay thiền Tứ Niệm Xứ là để vượt ra khỏi tham ái và sầu đau. Nếu ta đã đạt được mục đích nầy rồi thì ta đâu cần thực tập thiền nữa. Như thế, ở đây ta nên dịch câu đó như thế nầy "đangvượt khỏi tham ái và sân hận (cùng lúc đang phát sanh)", chớ không phải "đãđược vượt khỏi tham ái và sân hận." Có nghĩa là hành giả đangvượt khỏi tham ái và sân hận khi hành giả đanghành chánh niệm. Sư muốn các bạn nên chú ý đến điểm nầy. (Ở đây nên giảng nghĩa v ăn phạm tiếng Pali cho được rõ ràng hơn, nhưng vì quá dài dòng cho nên Sư phải bỏ qua ở đây).

Vượt khỏi tham ái và sân hận ở đời có nghĩa là tránh xa tham lam hay bám víu hay sân hận, hay ác tâm đối với đối tượng mà hành giả đang quan sát niệm. "Trên thế gian" nghĩa là thế giới của thân, cảm thọ vân vân.. đối với đối tượng. Khi ta thấy một vật, và ta trở nên bám víu vào vật ấy, Và nếu ta kết luận rằng vật ấy đẹp, hay tốt, ta sẽ bám víu vào vật ấy. Ngược lại, ta có thể phát sự sân hận hay oán ghét vân, vân .. về vật đó nếu ta cho đó là xấu xa hay ghê tỡm. Cho nên những phiền não trong tâm có thể phát sanh trong tâm khi ta kinh nghiệm một việc gì.

Nghĩa sâu rộng của "ái dục"

Khi Đức Phật dạy rằng "vượt khỏi tham ái và sân hận trên đời" có nghĩa là hành giả có thể phòng ngừa không cho tham ái và sân hận phát sanh đối với vật mà hành giả đang quan sát.

đây tham ái hay ái dục có nghĩa là gồm tất cả những thứ bám víu, tham lam, ái dục, và những trạng thái tâm tương tợ như vậy, và "sầu đau" có nghĩa sầu não, sân hận, ganh ghét, đau buồn, sầu khổ, tất cả đều bao gồm trong nghĩa của sân hận. Đây là ba nguồn gốc của tâm bất thiện, đó là tham, sân , và si. Trong ba tâm bất thiện đó, có hai tâm được kể ra đây. Tham ái thực ra là tâm đầu tiên, là sự bám víu. Tiếng Pali gọi là "lobha", tâm thứ hai được gọi là "dosa". Cho nên, "tham ái" có nghĩa bao gồm trong "lobha" và sân hận có nghĩa bao gồm trong "dosa". Si, gọi là "moha" tiếng Pali không có được gồm chung ở đây, bởi vì moha "si" thật rất khó để ngăn ngừa và tiêu diệt. Vì thế cho nên tại sao Đức Phật dạy các vị Tỳ Khưu nên nỗ lực cố gắng chánh niệm để phát sanh tâm định và tâm tỉnh giác khi hành giả quán niệm để hành giả có thể tránh xa sự tham ái và ngăn ngừa sân hận không cho phát sanh. Phương pháp nầy cũng được áp dụng khi hành giả quán niệm tho, tâm và Pháp.

Bảo vệ chống lại với tâm ô nhiễm

Để ngăn ngừa không cho những tâm ô nhiễm phát sanh, ta cần có phương cách để bảo vệ. Cách bảo vệ nầy chính là chánh niệm. Khi ta chánh niệm thì những ô nhiễm đó không có cơ hội để phát sanh trong tâm ta. Khi ta chánh niệm, khi ta tỉnh giác, và khi ta thấy sự vật một cách rõ ràng, ta biết rằng chúng sẽ đến và đi và chúng vô thường. Ta cũng hiểu rõ rằng ta không nên bám víu vào chúng. Cho nên ta có thể tránh khỏi sự tham ái hay bám víu hay sân hận đối với vật ấy do sự thực hành chánh niệm.

Khi ta nói "vượt khỏi" hay "diệt trừ", thật ra ta đang tránh hay ngăn ngừa không để ô nhiễm phát sanh. Đó không có nghĩa là ta diệt trừ hay vượt khỏi ô nhiễm sau khi chúng phát sanh. Nghĩa thật của nó là ngăn ngừa tham ái và sân hận không cho chúng phát sanh ở trong tâm ta. Nếu ta không chánh niệm trên đối tượng đó, thì chắc chắn tham ái hoặc sân hận sẽ phát sanh. Những tâm ấy có thể phát sanh, nhưng nếu ta chánh niệm, ta có thể ngăn ngừa không cho chúng phát sanh. Ngăn ngừa không để chúng phát sanh trong tâm là ý nghĩa của câu "vượt khỏi ô nhiễm". (Nhưng nếu chúng phát sanh, thì ta lại phải dùng chúng là đề mục của chánh niệm để diệt trừ chúng).

Khi ta nói đến giác ngộ, ta thường dùng đến chữ "trong giây phút giác ngộ" những ô nhiễm sẽ được tiêu diệt. Những tâm ô nhiễm nào được tiêu diệt trong lúc đó? Hiện tại, quá khứ hay tương lai? Quá khứ thì đã qua, ta không cần làm gì cả để mà tiêu diệt chúng. Còn tương lai, những ô nhiễm chưa phát sanh, ta không làm gì được cả. Còn hiện tại? Nếu ô nhiễm có mặt, thì sẽ không có giác ngộ. Tại sao? Bởi vì chứng ngộ là một tâm trong sạch và ô nhiễm là tâm không trong sạch. Tâm trong sạch và tâm không trong sạch không cùng hiện hữu. Chúng không hiện diện chung. Cho nên những ô nhiễm mà nói là được tiêu diệt trong lúc giác ngộ không phải ở quá khứ, tương lai hay trong hiện tại.

Những ô nhiễm nào được tiêu diệt?

Thật ra nói cho cùng thì những ô nhiễm bị tiêu diệt không phải gọi là ô nhiễm, hay kilesas trong tiếng Pali. Chúng được gọi là "ngủ ngầm" hay anusayas trong tiếng Pali. Chữ "anusayas" nghĩa là có tiềm năng để phát sanh. Cái mà tâm giác ngộ sẽ tiêu diệt đó chính là cái tiềm năng (ngũ ngầm) đó. Thí dụ như hút thuốc lá. Giả thử như bạn là một người hút thuốc lá. Ngay bây giờ bạn không có hút thuốc lá. Giả thử Sư hỏi bạn "Bạn có hút thuốc lá?" và bạn trả lời rằng "Dạ ,tôi có hút". Đó có nghĩa là bạn đã có hút thuốc lá trong quá khứ, và bạn sẽ hút thuốc lá trong tương lai. Tóm lại là bạn không có bỏ hút thuốc. Thế cho nên tuy rằng bạn không hút thuốc lá ngay trong lúc nầy, bạn trả lời "Dạ, tôi có hút thuốc ".

Cùng thế ấy, ngay trong lúc bây giờ, Sư nói rằng Sư không có ô nhiễm trong tâm và bạn cũng không có ô nhiễm trong tâm bạn. Nhưng sau buổi nói chuyện, bạn đi ra và bạn đạp phải một vật nhọn hay là có người nào đó xô đẩy bạn và bạn nổi giận. Sự ô nhiễm nầy được dịp sanh khởi bởi vì nó có điều kiện để sanh khởi. Chính cái "tiềm năng phát sanh" nầy mới là cái bị tiêu diệt bởi giác ngộ.

Làm thế nào ngăn ngừa không để ô nhiễm phát sanh?

Những ô nhiễm mà nói là được diệt trừ trong lúc giác ngộ không gì hơn là những tiềm năng ngủ ngầm có thể phát sanh. Khi chúng phát sanh thì chúng đã hiện diện rồi. Cùng thế đó, nói rằng vượt khỏi tham ái và sân hận nghĩa là tránh hay ngăn ngừa không để chúng phát sanh trong tâm. Bằng cách nào? Bằng cách thực hành chánh niệm. Nếu ta tinh tấn, nếu ta áp dụng chánh niệm và nếu ta có tâm định, ta sẽ thấy sự vật rõ ràng. Nếu ta thấy sự vật rõ ràng, thì sẽ không có cơ hội để cho tâm ô nhiễm phát sanh. Như vậy ta nói rằng thực hành thiền Minh Sát hay thực hành chánh niệm để diệt trừ phiền não.

Sự diệt trừ ô nhiễm nầy có phải là vĩnh viễn hay không?

Sự diệt trừ ô nhiễm nầy chỉ có tánh cách tạm thời, vì nó chỉ thay thế tạm thời thôi. Chỉ một phút giây sau là chúng trở lại. Nó chỉ kéo dài một thời gian ngắn thôi. Sự diệt trừ nầy được gọi là "diệt trừ bằng sự thay thế". Có nghĩa là bạn trừ bỏ những tâm bất thiện bằng sự thay thế những tâm thiện. Khi có sự hiện diện của tâm thiện thì sẽ không có sự hiện diện của tâm bất thiện. Bạn đặt những tâm thiện ở một chỗ trong tâm thì những tâm bất thiện không có chổ để phát sanh. Sự diệt trừ nầy gọi là diệt trừ ô nhiễm bằng sự thay thế. Nhưng trạng thái tâm đó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ở trong tâm của hầu hết hành giả. Chỉ một lúc sau ô nhiễm lại trở lại. Khi thực hành thiền Minh Sát, tham ái và sân hận được tiêu diệt bằng cách đó. Khi bạn ra khỏi thiền và bạn gặp những điều kiện thuận lợi cho những ô nhiễm phát sanh, chúng sẽ phát sanh trở lại.

Diệt trừ ô nhiễm tạm thời

Có một sự diệt trừ ô nhiễm gọi là " diệt trừ tạm thời". Sự diệt trừ nầy bằng cách đẩy lui chúng đi. Khi bạn đẩy lui một vật gì sang một bên, nó sẽ ở đó một thời gian hay nó không trở lại ngay, giống như cây nổi trôi trên mặt nước. Nếu bạn đẩy gạt nó đi nó sẽ đứng yên ở đó một thời gian, nhưng từ từ nó cũng sẽ trở lại. Sự diệt trừ như vậy được gọi là "diệt trừ tạm thời" hay diệt trừ bằng sự đẩy gạt nó qua một bên. Trạng thái tâm nầy được đạt tới khi hánh giả đang trong trạng thái tâm "phỉ lạc" trong thiền. Khi một hành giả có được phỉ lạc hay kinh nghiệm phỉ lạc, hành giả nầy có thể đẩy lui ô nhiễm trong tâm trong một thời gian. Chúng có thể sẽ không trở lại trong tâm hành giả trọn ngày, hay có thể cả tuần hay cả tháng, nhưng sau cùng chúng cũng sẽ trở lại trong tâm hành giả.

Diệt trừ ô nhiễm toàn diện

Sự diệt trừ ô nhiễm thứ ba gọi là "diệt trừ toàn diện". Tiếng Pali gọi là "samuccheda" = cắt đứt, nghĩa là diệt trừ bằng sự cắt đứt. Nếu bạn chặt đứt rễ của một cây, nó sẽ không mọc trở lại. Như vậy sự diệt trừ toàn diện gọi là sự diệt trừ bằng cách cắt đứt và sự cắt đứt ô nhiễm toàn diện nầy được đạt đến trong lúc chứng ngộ. Những ô nhiễm được diệt trừ trong lúc chứng ngộ là toàn diện và chúng sẽ không bao giờ trở lại trong tâm hành giả.

Người nào đã diệt trừ được mọi phiền não?

Chỉ có A la Hán là ngườI hoàn toàn diệt trừ những ô nhiễm. Ngài không còn bám víu, không còn sân hận, không còn ngã mạn, không còn ganh tị hay những trạng thái tâm bất thiện nào khác. Cả những khi các Ngài bị thách đố, các Ngài cũng không nổi giận. Cả những khi các Ngài nhìn thấy một vật gì hấp dẩn hay tốt đẹp, các Ngài cũng không cảm thấy bị bám víu hay mong muốn vật ấy. Những bậc nầy đã hoàn toàn tiêu diệt ô nhiễm bằng cách hoàn toàn chặt đứt mọi ô nhiễm trong tâm các Ngài.

Diệt trừ ô nhiễm tạm thời bằng thiền Minh Sát

Những sự vật mà ta gặp phải cũng có thể gây ra sự tham ái hay sân hận trong tâm ta. Nếu ta không chánh niệm về vật đó, ta sẽ phát sanh bám víu hay sân hận đối với vật ấy. Việc nầy hay xẩy ra cho phần đông chúng ta.

Nếu bạn hành thiền Minh Sát tốt và bạn đã có kinh nghiệm tránh được tham ái và sân hận đối với vật mà bạn quan sát, bạn sẽ thấy rằng bạn cũng có thể ngăn ngừa không cho phát sanh cả những vật bạn không có quan sát. Đó được gọi là "tạm thời diệt trừ ô nhiễm bằng thiền Minh Sát".

Thiền Minh Sát có thể đạt được hai sự tiêu diệt ô nhiễm đó là sự diệt trừ từng chập hay sát na diệt trừ, và diệt trừ tạm thời. Nhưng thiền Minh Sát không thể đạt được sự tiêu diệt ô nhiễm thứ ba đó là sự diệt trừ toàn diện; sự diệt trừ nầy chỉ được thực hiện bằng sự chứng ngộ hay chứng Đạo.

Nhiều khi hành giả nghĩ rằng nếu họ không chú tâm trên đề mục chánh, thì họ không thực sự hành thiền. Nhiều khi họ nói rằng: "à, ta đã để thì giờ hay phí thì giờ theo dõi tâm đi chỗ nọ chỗ kia mà ta không để nhiều thì giờ để niệm đề mục chánh." Bất kỳ bạn niệm đề mục chánh hay đề mục phụ, khi nào bạn có được chánh niệm là bạn thiền đúng rồi. Bạn đang thực sự hành thiền và thực tập thiền Minh Sát. Điều quan trọng trong thiền Minh Sát thứ nhứt là sự chánh niệm của đề mục trong giây phút hiện tại. Có khi bạn có thể quên chánh niệm và cái quên nầy sẽ trở nên đề mục thiền của bạn. Bây giờ bạn phải chánh niệm cái "quên" và đem tâm trở về đề mục thiền của bạn.

Chánh niệm dẫn đến sự chứng ngộ "vô thường"

Bạn phải luôn luôn chánh nìệm. Nếu bạn có thể giữ chánh niệm rốt ráo, bạn sẽ có tiến bộ rất nhanh và bạn sẽ bắt đầu thấy đặc tánh thật của sự vật. Chỉ có cách đó bạn mới bắt đầu thấy sự vật sanh và diệt. Khi bạn thấy chúng sanh và diệt, bạn cũng sẽ thấy chúng vô thường. Khi bạn thấy chúng vô thường, bạn cũng sẽ thấy đặc tánh khổ và đặc tánh vô ngã của chúng. Bạn sẽ nhận thức rằng bạn không điểu khiển được chúng và chúng sanh và diệt theo ý chí tự do của chúng. Cho nên khi bạn có thể thấy sự vật là như thế ấy, bạn mới có thể thấy ba đặc tánh chung của tất cả các pháp hữu vi, đó là tinh yếu của thiền Minh Sát. Nếu bạn hành thiền Minh Sát bạn phải thấy ba đặc tánh đó bởi vì chữ "Vipassana" có nghĩa là "thấy sự vật bằng nhiều cách", và thấy sự vật bằng nhiều cách có nghĩa là thấy dưới ánh sáng của vô thường, khổ và vô ngã.

Điều quan trọng của thiền Minh Sát là phải thấy ba đặc tánh đó, và để được thấy ba đặc tánh đó, ta cần phải nhìn quan sát và chú tâm vào trong đối tượng ngay trong giây phút hiện tại. Muốn chú tâm vào đối tượng trong giây phút hiện tại, ta cần nhiều nỗ lực. Không có sự nỗ lực thì sẽ không đạt được những việc gì có giá trị. Vì thế cho nên Đức Phật dạy rằng phải "tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm". Khi ta làm tròn đủ những điều kiện trên "tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm" và có định tâm, ta mới có thể vượt khỏi tham ái và sân hận đối với sự vật mà ta quan sát.

Lời nhắn nhủ

Trên đây Sư đã giảng cho bạn một cách ngắn gọn bài kinh rất quan trọng của Đức Phật, đó là kinh Đại Niệm Xứ, Maha Satipatthana. Nếu bạn hiểu được những gì Sư đã giảng ở trên, Sư nghĩ rằng bạn đã nắm vững thế nào là sự thực hánh chánh niệm. Bạn cũng hiểu là phương pháp hành thiền như thế nào. Điều quan trọng là bạn nên theo những lời chỉ dẫn với sự tinh tấn và áp dụng chánh niệm để bạn được thấy sự vật một cách thật rõ ràng. Làm được như vậy, Sư cầu chúc cho tất cả quí vị được vượt khỏi mọi tham ái và sân hận ở đời.

---o0o---

Source: http://www.budsas.org/

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/07/2013(Xem: 8068)
Video: Thiền Vipassana 6
21/07/2013(Xem: 7923)
Video: Thiền Vipassana 4
21/07/2013(Xem: 8222)
Video: Thiền Vipassana 2
30/06/2013(Xem: 9010)
Trước những sự kiện diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, tôi đã từng ngày đêm thao thức với biết bao câu hỏi “ Tại sao ?”... Tại sao cuộc sống đầy rẫy những khổ đau, bất hạnh, bất như ý ? Tại sao cùng sinh ra làm kiếp người mà lại có muôn vàn sai khác, cách biệt nhau ? Tại sao niềm vui thường chóng tàn, còn khổ đau, phiền não thì cứ triền miên như bất tận? Làm thế nào để hết khổ được vui ?
23/04/2013(Xem: 12529)
Thiền, cốt yếu nhất, là nghệ thuật kiến chiếu vào thể tánh của chúng ta; nó chỉ con đường từ triền phược đến giải thoát, đưa ta đến uyên nguyên của cuộc sống uống ngụm nước đầu nguồn, Thiền cởi bỏ tất cả những gì ràng buộc chúng ta, những sanh linh hữu hạn, luôn luôn quằn dưới ách khổ lụy trong thế gian này.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]