Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vào cõi tranh Thiền.

22/04/201319:37(Xem: 5188)
Vào cõi tranh Thiền.

Vào cõi tranh thiền

Lê Anh Minh

---o0o---

Trong môn họa truyền thống của Trung Quốc (thường được gọi là Quốc Họa) ta thường bắt gặp những chủ đề ước lệ quen thuộc được thể hiện với màu sắc đậm nhạt thích mắt, thậm chí những màu tươi vui sặc sỡ. Các chủ đề này lặp đi lặp lại đây đó đến mức sáo mòn, đại loại như hoa(đào, mai, lan, cúc, sen, thủy tiên, mẫu đơn, tử đằng, quỳnh), điểu cầm(phụng, ưng, hạc két, quạ, chim cút, vịt trời, gà vịt, ngan ngỗng), muôngthú(hổ, ngựa, lừa, trâu bò, dê, nai), con vật truyền thuyết(long, lân), tôm cá cua, côn trùng(bướm, chuồn chuồn, dế, bọ ngựa, sâu, kiến), cây cối(tùng bách, tre trúc, ngô đồng, dương liễu, phong), phong cảnh(mây nước sông biển, núi non, thác ghềnh, khe suối), trái cây, nhân vật(thật và truyền thuyết)... Những chủ đề này được các họa sĩ khai thác triệt để suốt bao thế kỷ qua. Có người chuyên vẽ đá, hoặc mai, hoặc lau, hoặc trúc... Chính vì thế nên hội họa Trung quốc lâm vào biển chết, người họa sĩ cảm thấy lúng túng trong mê lộ: bất kỳ ý tưởng nào cũng là cũ kỹ mà các tiền bối đã khai thác hết rồi. Loại tranh này chẳng còn gì tân kỳ nữa, rốt cuộc chỉ là những màu sắc trang trí trong phòng thất mà thôi.

Kể từ vị tổ thiền 28 Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma (?-528) sang Đông Độ thành sơ tổ thiền Trung Quốc (năm 520, đời vua Lương Võ Đế), thiền đã mọc rễ và lớn mạnh với thông điệp thù thắng: «Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật.» Cho đến đời Nam Tống (thế kỷ XII) thiền du nhập vào Nhật Bản. Thiền đã ảnh hưởng tâm hồn hai dân tộc Trung-Nhật suốt bao thế kỷ trong sinh hoạt hằng ngày cũng như trong học thuật.

61tranhthien-04


Vòng tròn viên mãn (tranh Torei Enji, 1721-1801)

Thế là thiền đã thổi vào nền hội họa truyền thống một luồng sinh khí mới, cứu lấy môn họa này thoát khỏi biển chết. Cách thể nghiệm thiền «minh tâm kiến tánh» là nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ. Hội họa là một ngôn ngữ phi ngôn ngữ, mà ngôn ngữ hội họa há không thể trực chỉ nhân tâm sao? Rõ ràng có thể xem hội họa là phương tiện thể nghiệm thiền để có thể kiến tánh. Nhưng tôn chỉ của thiền là phi phương tiện (bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền) cho nên phải thể hiện thế nào sao cho hội họa trở thành một thứ phương tiện để có thể tải được tư tưởng ảo diệu thâm mật của Phật giáo? Những đặc điểm nổi bật của thiền họa là sự đơn giản tối đa tưởng chừng phi nghệ thuật, sự hướng nội, sự trống trải đầy gợi ý, sự viên mãn trong bất toàn (như lời Lão Tử: «Đại thành nhược khuyết»), và được thể hiện theo phong các đặc biệt: tiết giảm nét bút và chừa nhiều khoảng trống trên giấy (gọi là bút pháp một góc: one-corner style).

61tranhthien-03


Trúc trong gió(tranh Sengai Gibon, 1750-1837)

Trong môn họa Trung Quốc có hai loại bút pháp trái ngược nhau: «công bút» và «ý bút», có thể độc dụng hay kiêm dụng trong tranh. «Công bút» là lối vẽ tỉ mỉ công phu trau chuốt từng chi tiết nhỏ. «Ý bút» là bút pháp tả ý chấp nhận màu sắc, nhưng trong thiền họa bút pháp này ly khai màu sắc, chỉ có mực đen giấy trắng mà thôi. Người Nhật gọi là sumiye (mặc hội: vẽ bằng mực đen), Trung Quốc gọi là mặc họa.

«Mặc» tức là mực đen, làm bằng bồ hóng và keo. Bút làm bằng lông các thú như dê, thỏ, chồn, sói và ngậm được nhiều mực. Giấy vẽ là loại giấy cực mỏng, đặc biệt là giấy Tuyên mà ta quen gọi là «xuyến chỉ». Từ đời Tống trở về trước, tranh Trung Quốc chủ yếu dùng lụa. Từ đời Tống về sau, do kỹ thuật làm giấy tinh xảo hơn, bắt đầu xuất hiện giấy Tuyên. Nói chung, vẽ sơn thủy và tả ý chủ yếu dùng giấy; vẽ nhân vật, điểu, hoa chủ yếu dùng lụa để dễ đạt sự tinh vi tỉ mỉ. Nhưng dù lụa hay giấy, cả hai đều là chất liệu lý tưởng vì hút mực dễ dàng. Điểm này khác hẳn lối họa sơn dầu Tây phương.

61tranhthien-02


Tranh của thiền sư Mục Khê (1180-1250), đời Tống

Một chất liệu mong manh dễ rách như giấy được chọn làm công cụ thể hiện cảm hứng nghệ thuật bởi những cảm hứng này phải được tải đi thật nhanh, nếu ngọn bút dừng lại lâu, giấy sẽ bở rách vì quá ẩm ướt. Đường nét phải vẽ nhanh, tiết giảm tối đa và chỉ thể hiện những gì thật cần thiết mà thôi. Một nét bút phóng ra phải là duy nhất, dù nó thế nào ta cũng không được dậm vá, tô điểm hay sửa chữa. Nó phải tự do, không gò ép, không tẩy xóa hay đồ lại. Người nghệ sĩ cứ để mình trôi đi theo dòng cảm xúc một cách tự nhiên tự phát tuyệt đối. Cánh tay, bàn tay, ngọn bút chính là một tổng thể và dường như có bàn tay vô hình nào đó dẫn dắt đi. Thiền họa dường như thực hiện bởi khả năng phi kiểm soát của người nghệ sĩ, một sự phi kiểm soát đầy khổ luyện. Nếu giữa bút và giấy có xen vào sự suy tư lý luận nào đó, điều này sẽ phá hỏng tác phẩm. Ta sẽ lầm nếu cho rằng bức tranh chỉ là những nét nguệch ngoạc cẩu thả vô lối. Đường nét của thiền họa là cái gì bất toàn, nó bất chấp luật phối cảnh (perspective) và luật vẽ bóng (chiaroscuro) vốn là định luật cơ bản của lối họa Tây phương để dựng hình ba chiều. Điều cốt yếu là cái thần của sự vật phải thể hiện được trên giấy, do đó nét bút phải sống động như là nhịp đập của một sinh thể.

61tranhthien-08


Chăn trâu (tranh Tsuboshima Dohei)

Lối họa của tranh thiền khác hẳn lối họa sơn dầu Tây phương. Lối họa sơn dầu đòi hỏi một bố cục nghiêm chỉnh có qui tắc và hệ thống. Vải bố, sơn dầu là những chất liệu mạnh mẽ cho phép họa sĩ tẩy xóa, dặm vá, cạo sửa dễ dàng. Lối họa Tây phương ví như tấm vải triết lý hoàn bị mà các sợi chỉ logic của nó đan kết chặt chẽ với nhau. Nó ví như một giáo đường tôn nghiêm mà tường, cột, nền toàn bằng đá tảng rắn chắc. Ngược lại, thiền họa sao mà nghèo nàn, hình thức sao mà sơ sài thô thiển, đường nét sao mà giản ước, chất liệu sao mà mong manh đến vậy. Thế nhưng, người Đông phương chúng ta lại nhìn thấy trong đó một nhịp sống kỳ diệu ẩn tàng sau từng nét, từng chấm, từng mảng đậm nhạt. Đen và trắng tượng trưng cho cặp mâu thuẫn đối đãi gay gắt trong cõi nhị nguyên này. Cõi mà tư tưởng chúng ta chấp trước vào nó: đen/trắng, đúng/sai, thiện/ác, cao/thấp, ngắn/dài, sướng/khổ, đẹp/xấu, có/không, v.v...

61tranhthien-06


Quán Tự Tại

Thiền là bất nhị pháp môn (non-dualism) đột phá cái thế nhị nguyên đối lập để giải thoát nhân sinh. Tư tưởng nhất nguyên (monism) phá chấp ấy chính là căn bản đạo pháp thiền. Những sắc độ đậm nhạt tượng trưng cho từng mức độ hóa giải, và tất cả những đen trắng đậm nhạt ấy trong từng nét bút đã thể hiện một sự vật nào đó tưởng chừng vô nghĩa như gốc cây, cục đá, cành hoa, con chim trên cành, ngọn lau trĩu tuyết... nhưng lại chuyển tải được sự sống mà không cần giảng giải. Một đoá huệ nở cô đơn hay một cánh sen lay trong gió là hình ảnh sống động của một tâm hồn thuần phác nguyên sơ trong cơn giông tố cuộc đời. Một lá thuyền câu bé nhỏ trên mặt nước mênh mông cho ta ấn tượng sâu sắc hình ảnh biển cả bao la và sự hiện hữu một tâm hồn sâu kín hòa nhập với cuộc sống vĩnh hằng vô ngại giữa nhịp sóng đời dâu biển. Tất cả những kỳ diệu sâu kín này lại tựu thành trong sự dung dị và phi nỗ lực.

61tranhthien-07


Thiền sư nhập định
(tranh Thạch Khác, thế kỷ X)

Thiền họa không phải là chụp hình, mô phỏng hay sao chép một thực thể. Một nét chấm hay một đường cong không tượng trưng cho con chim hay ngọn núi, mà nét chấm đó chính là con chim, đường cong đó chính là ngọn núi, bởi vì thiền họa phải là sáng tạo. Một sự vật trong tranh thiền phải giống thực mà không giống thực, phải viên mãn mà dường như khiếm khuyết. Người nghệ sĩ buông xả mọi nỗ lực chụp hình nguyên dạng sự vật, mà sáng tạo một sinh thể ngoài sự tưởng tượng của chúng ta. Thái độ của nghệ sĩ thiền họa đối với nghệ thuật cũng là thái độ của thiền đối với cuộc sống. Đó là lý do tại sao hầu hết các tác giả của tranh thiền đều là thiền sư hay thiền sinh.

Nét bút của họa sĩ phải dứt khoát như tia chớp, không tô sửa. Bởi vì một sự vật chỉ đẹp khi nó không bị ràng buộc hay câu thúc. Cái đẹp đó nằm trong sự buông xả. Cơ nhục được vận dụng vẽ một đường hay một chấm nhưng đằng sau đó là sự vô tâm. Với sự vô tâm vô niệm của nghệ sĩ thiền, tác phẩm nghệ thuật được hình thành. Thiền họa chụp bắt cái thần của sự vật đương lúc nó vận hành. Điều này có vẻ khó bởi vì vạn vật luôn vận động không bao giờ tĩnh tại. Nhưng người nghệ sĩ thiền họa có thể làm được điều này nếu biết nắm bắt sự sống từ trong tâm nội hơn là tâm ngoại. Khi tác phẩm hình thành, những nét bút phóng phát trực tiếp từ nội tâm không bị tạp niệm ngăn trở đó chính là một sinh thể.

Cho nên, thiền họa khước từ màu sắc, bởi vì màu sắc gợi nên một thực thể trong thiên nhiên mà thiền họa thì không chấp nhận một sự tái hiện nào dù hoàn toàn hay bất toàn. Nếu chủ trương hội họa là sao chép mô phỏng tái hiện giống hệt một sự vật thì không gian hai chiều của trang giấy sẽ không thể hiện được trung thực điều gì, và màu sắc khó mà đạt được nguyên dạng sự vật đó. Và nếu người họa sĩ lại cố vẽ cho thật giống thực thể đó thì cũng chỉ là sự mô phỏng tái hiện rất tội nghiệp mà thôi.

Mặt khác, thiền họa không cho phép sự trì hoãn. Sự diên trì của ngọn bút sẽ phá hỏng tờ giấy vốn dĩ mong manh yếu ớt. Trì hoãn có nghĩa là thay đổi, là vỡ mộng, là toan tính, là lý sự, là câu thúc mà đó không phải là tinh thần của thiền họa. Luôn luôn có một nét nào đó xuất hiện bất ngờ đột ngột trong thiền họa. Nơi mà ta tưởng sẽ có một đường hay một chấm thì lại chẳng có gì cả. Nhưng sự thiếu vắng đó không hề gây thất vọng mà nó gợi ý cho ta mạnh mẽ hơn nữa. Cho nên «bút pháp một góc» khiến cho tranh có nhiều khoảng trống, thoáng và đầy gợi ý. Một trang giấy nhỏ có thể hàm ẩn cả vũ trụ. Một nét ngang ngụ ý cho sự mênh mông của không gian, một vòng tròn gợi ý sự vĩnh hằng của thời gian, chúng còn gợi nên sự vô biên và sự sống nữa.

61tranhthien-05


Bồ Đề Đạt Ma

Điều cần lưu tâm là tranh tôn giáo không phải là tranh thiền. Cho nên tranh họa chân dung chư Phật thậm chí chân dung các tổ thiền hay thiền sư không nên miễn cưỡng xếp vào loại thiền họa. Một số tranh tuy thực hiện với lối công bút nhưng giàu hương vị thiền thì cũng có thể gọi là thiền họa được.

Bước vào cõi tranh thiền là bước vào thế giới u mặc đầy gợi ý. Người nghệ sĩ thiền họa – nguyên là thiền sư hoặc thiền sinh – chẳng những muốn ký thác vào tranh tâm nguyện theo dấu bước của chư tổ bằng cách minh họa chân dung, hành trạng các ngài, mà còn muốn gởi cho tha nhân một thông điệp ẩn tàng qua những hình ảnh đơn sơ đời thường tưởng chừng vô nghĩa với nét bút tiêu sái ngõ hầu tha nhân có thể giải thoát tâm linh. Trong chừng mực nào đó thiền họa có thể xem là một phương tiện chứng ngộ. Chức năng của thiền họa gắn với chức năng của công án thiền.

Kể từ Thiền du nhập lưỡng thổ Trung-Nhật, nền hội họa mỗi nước đã khởi sắc và mang một hương vị thâm trầm. Hương vị thiền giúp thiền họa trở thành một mảng tranh độc đáo tân kỳ và biệt lập trong kho tàng hội họa Đông phương. Người thưởng ngoạn tranh thiền trong phút giây tĩnh lặng trầm ngâm bên tách trà ngát hương, dù đã muôn lần hân thưởng một bức tranh nào đó, nhưng rồi sẽ có một lần chợt thấy mình chới với. Bức tranh mới quá, lạ quá, cơ hồ mới thấy lần đầu. Một chân lý vi diệu vừa được khám phá. Đó là khoảnh khắc của sự bừng tỉnh, như căn phòng kín tối tăm đã lâu nay được mở toang mọi cửa nẻo đón ánh quang huy của một ngày mới, như ngọn đèn vừa thắp lên sau biết bao tháng năm bỏ quên lăn lóc trong bóng tối âm thầm.

10 tranh chăn trâu / thập mục ngưu đồ

61tranhthien-ox1


1. Tìm trâu

61tranhthien-ox2


2. Thấy dấu

61tranhthien-ox3


3. Thấy trâu

61tranhthien-ox4


4. Được trâu

61tranhthien-ox5


5. Chăn trâu

61tranhthien-ox6


6. Cưỡi trâu về nhà

61tranhthien-ox7


7. Quên trâu, còn người

61tranhthien-ox8


8. Trâu và người đều quên

61tranhthien-ox9


9. Phản bản hoàn nguyên

61tranhthien-ox10


10. Thõng tay vào chợ

SÁCH THAM KHẢO
1. D.T. Suzuki, Zen Buddhism, Doubleday Anchor Books, NY, 1956, p.279-284.
2. D.T. Suzuki, Manual of Zen Buddhism, Grove Press Inc, NY, 1960, p.128-144.
3. Jean A. Keim, L'Art Chinois, Fernand Hazan, Paris, 1961.

---o0o---

Source: http://cc.1asphost.com/leanhminh/tranhthien/tranhthien.htm

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/03/2017(Xem: 5586)
Con người quay về đạo Phật, nếu thật sự tìm cầu cho mình con đường giải thoát sinh tử, luân hồi, đều phải tri hành từng bước theo chủ trương của đạo Phật. Trước hết phải quy y Tam bảo, và tiếp nhận giới luật Phật, hành trì giới luật mới đúng ý nguyện quay về. Sau đó, phải học Phật pháp, và tu tập là điều kiện ắt phải. Phật pháp do chư Tăng gảng dạy, để cho các hành giả thấy được các chân lý và đạo giải thoát trong các pháp môn tu. Rồi tu hành theo Đạo, sau khi đã ngộ lý. Hành theo đạo để giống như Phật. Giống như Phật, là giống như thế nào ? Đó là tâm giác ngộ từng phần một, rồi đến phần hai, ba…Qua đây, cho ta biết thêm chữ Học, là bắt chước
25/01/2017(Xem: 5952)
Thiền định là phép tu tập chủ yếu của Phật giáo, có thể xem là "cột trụ" chống đỡ cho toàn bộ Phật giáo nói chung. Hình ảnh Đức Phật tọa thiền dưới một cội cây vào một đêm trăng sáng, đạt được những hiểu biết siêu nhiên đã nói lên thật cụ thể cái "cột trụ" đó.
06/01/2017(Xem: 8374)
Phật giáo Tây Tạng hay Kim Cương Thừa nói chung rất thực tế và cụ thể, giúp người tu tập trực tiếp biến cải tâm thức mình và đạt được giác ngộ. Dưới đây là một bài giảng ngắn của Đức Đạt-lai Lạt-ma về một trong các phép luyện tập thiền định chủ yếu và thiết thực của Phật giáo Tây Tạng, là "Phép thiền định gồm bảy điểm" do Atisha (A-đề-sa) đề xướng.
01/06/2016(Xem: 8615)
Bài này được viết như một ghi chú cho Thiền Tông, để như một cách tiếp cận đơn giản… và hy vọng, cũng là một ghi chú cho rất nhiều pháp khác của nhà Phật, kể cả Tịnh Độ. Bởi vì, Thiền Tông là pháp môn cốt tủy nhất, trực tiếp nhất, không qua bất kỳ phương tiện nào khác, và cũng có thể dùng làm chiếc cửa lớn cho tất cả các pháp khác.
28/04/2016(Xem: 16620)
Thiền, Tịnh, Mật được xem là ba pháp môn tu truyền thống của Phật giáo Việt Nam xưa nay. Thiền giáo xuất hiện từ thời Khương Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Các thế kỷ sau, kinh điển Đại thừa được truyền bá, theo đó tư tưởng Thiền, Tịnh và Mật được phổ biến tại nước ta. Từ lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam cho thấy, ba pháp môn tu đó có sự đóng góp tích cực cho con người và xã hội qua nhiều thời đại.
09/04/2016(Xem: 5924)
Chánh niệm, tiếng Pali viết là Sammàsati, là suy niệm chân chính, sự tỉnh giác, biết rõ các pháp một cách trọn vẹn. Chánh niệm—một trong tám chi phần quan trọng của Bát chánh đạo—vốn được xem là con đường tám lối (lanes) đưa đến sự an vui và giải thoát, là chân lý thứ 4 (Đạo đế) trong Tứ Diệu Đế.
21/12/2015(Xem: 5660)
Thừa hay xe không phải là người chuyên chở hay những gì được chuyên chở - nó là sự chuyên chở . Vì vậy Tiểu Thừa có nghĩa là "sự chuyên chở vật nặng nhỏ hơn", và Đại Thừa, "sự chuyên chở vật nặng lớn hơn."
14/10/2015(Xem: 4414)
Đây là bài thuyết trình cho ngày Hội nghị thượng đỉnh Giáo viên ở bang California (California Teachers Summit 2015) tại trường Đại học Tiểu Bang California Sacramento (CSUS) vào ngày 31 tháng 7, năm 2015. Chúng tôi được mời thuyết trình cho gần 400 giáo viên, hiệu phó, hiệu trưởng của những trường học K-12 trong Miền Bắc California. Cùng với hai nhà giáo dục Teresa Burke và Elzira Saffold danh dự trong năm 2015 (teachers of the year), chúng tôi được gặp và thảo luận với vị Chủ tịch trường Đại học Tiểu Bang California Sacramento (CSUS) Dr. Robert S. Nelsen, và Mr. Tom Torlakson, CA superintendent of public instruction. Họ tâm sự với chúng tôi rằng, giáo dục là một nhân quyền căn bản, cần luôn cải cách và tiến hoá. "Nếu đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì cùng đi chung". Họ cảm ơn chúng tôi nhận lời mời để chia sẻ những thực tập hữu ích cho đồng nhiệp. Xin mời quý vị đọc bài thuyết trình mà chúng tôi đã chia sẻ.
17/09/2015(Xem: 8687)
Trong quyển Cơ Sở Khoa Học của Thiền Chánh Niệm, nội dung nhấn mạnh đến những phương pháp thực hành Chánh Niệm. Nội dung quyển này chú trọng đến những khám phá mới về vận hành của não khi thực hành Chánh niệm qua ánh sáng khoa học. Quyển này không có ý viết cho đông đảo quần chúng Phật tử nhưng cung cấp cho một số Phật tử và các tăng ni trẻ những kiến thức mới nhất trong Khoa Học Não Bộ về Chánh Niệm. Tôi cố ý không dịch các từ ngữ não bộ và để nguyên tiếng Anh, xem chúng như là những tên riêng để các cư sĩ và tăng ni trẻ có thể Google trên mạng tìm thêm thông tin. Viết về khoa học não bộ là một điều rất khó vì đề tài khô khan và nhiều chỗ trái ngược với kiến thức thông thường và nhất là đòi hỏi người đọc phải có kiến thức vững vàng về Chánh Pháp. Tôi chỉ cố gắng làm hết sức mình và thỉnh thoảng pha đôi chút trào lộng để độc giả thấy được ý của chư Tổ qua lời dạy ‘Bình thường Tâm thị đạo’. Thực hành Chánh pháp không có gì mầu nhiệm hay huyền bí cả, mà chỉ là một cách sống theo n
24/08/2015(Xem: 4535)
Tập san Phật giáo Regard Bouddhique (Hướng nhìn Phật giáo) của Pháp, số tháng ba và tư, 2015, với chuyên đề "Phật giáo và việc chữa trị bệnh tật" có một bài của nữ ký giả Carole Rap, phỏng vấn thiền sư Roland Yuno Rech về phép tọa thiền (zazen) và việc chữa trị bệnh tật. Roland Yuno Rech sinh năm 1944, được nhà sư Niva Rempo Zeji vị lãnh đạo cao cấp nhất của thiền phái Tào Động (Soto) ở Nhật phong chức "Thầy" năm 1984 nhằm chứng nhận ông là một thiền sư uyên bác của học phái này. Roland Yuno Rech là đệ tử của vị Thiền sư nổi tiếng Taisen Deshimaru (1914-1982), người đã đưa thiền phái Tào Động vào Âu Châu. Roland Yuno Rech hiện trụ trì một thiền viện do chính ông thành lập ở Nice, một thành phố đẹp và sang trọng bên bờ Địa Trung Hải, miền nam nước Pháp. Ngoài ra ông cũng thường xuyên chủ trì các khóa tu thiền tổ chức tại Pháp cũng như tại các nước khác ở Âu Châu. Bài phỏng vấn dưới đây nêu lên nhiều nhận xét thật sắc bén và sâu sắc về sự vận hành sâu kí
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567