Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 04

04/12/201212:20(Xem: 3708)
Phần 04

LỜI PHẬT DẠY TRONG KINH TẠNG NIKÀYA

TẬP 1
Thích Quảng Tánh

PHẦN 4

 

TÀI SẢN CỦA NGƯỜI TU

Một thời, Thế tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có bảy tài sản này, thế nào là bảy ?

Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài và tuệ tài.

Ở đây, vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng vào sự giác ngộ của Như Lai, gọi là tín tài.

Ở đây, vị Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, trộm cắp… say sưa, gọi là giới tài.

Ở đây, vị Thánh đệ tử có xấu hổ đối với thân, miệng, ý làm ác, gọi là tàm tài.

Ở đây, vị Thánh đệ tử có sợ hãi đới với thân, miệng, ý làm ác, gọi là quý tài.

Ở đây, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, giữ gìn những gì đã nghe, đề cao đời sống phạm hạnh, đọc tụng nhiều lần, chuyên tâm quán sát, thành tựu chánh chiến, gọi là văn tài

Ở đây, vị Thánh đệ tử với tâm từ bỏ xan tham, ưa thích xả bỏ, san sẻ vật bố thí, gọi là thí tài.

Ở đây, vị Thánh đệ tử có trí tuệ về sanh diệt, thành tựu Thánh thể nhập, đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau, gọi là tuệ tài.

Này các Tỷ kheo, đây gọi là bảy tài sản, ai có được những tài sản này, được gọi là không nghèo khổ.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 7, phẩm Tài sản, phần Các tài sản rộng thuyết, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.280)

LỜI BÀN:

Nói đến tài sản, người ta thường nghĩ đến sự sở hữu nhiều thứ như tiền bạc, nhà cửa, đất đai….càng có nhiều tài sản thì càng được tiếng giàu có và nhất là cảm giác ổn định, bền vững trong cuộc sống được gia cố vững chắc thêm. Vì thế, làm giàu đúng đắn, lương thiện là tiêu chí chung cho toàn thể nhân loại phấn đấu, hướng đến xây dựng một đời sống hoàn thiện, sungmãn.

Tuy vậy, xây dựng tài sản vật chất chỉ là một phần của cuộng sống. Sẽ là một sai sót lớn cho cá nhân và cả xã hội nếu chỉ chú trọng tạo dựng tài sản vật chất mà xem nhẹ hoặc quên mất việc làm giàu, phát triển tài sản tinh thần. Sự mất quân bình trong quá trình phát triển vật chất và tinh thần sẽ tạo ra những khủng hoảng xã hội, nhất là các vấn đề như băng hoại đạo đức, suy đồi nhân cách, những quan niệm sống lệch lạc thiên về hưởng thụ, vong thân vong bản…..

Đối với người tu thì “xả phú cầu bần” là một trong những điều kiện cần để góp phần tích lũy, thăng hoa gia sản tinh thần. Tài sản tinh thần tuy vô hình nhưng rất đồ sộ và không khó để tạo dựng. Chẳng cần phải cạnh tranh khốc liệt “thương trường là chiến trường” vẫn kiến tạo được tài sản tinh thần tín, giới, tàm, quý, văn, thí và tuệ.

Tài sản tinh thần là tặng phẩm của tạo hóa vốn dĩ hào phóng ban tặng đầy đủ cho mỗi người. Tìm lại những gì thánh thiện uyên nguyên đã lãng quên và đánh mất là cách làm giàu của người tu. Tài sản này một khi đã tích lũy được sẽ làm cho những ai sở hữu nó thật sự giàu có, hạnh phúc và bền vững trước mọi biến động của thời cuộc.

GIỮ GÌN TÀI SẢN

Một thời, Thế Tôn ở giữa dâng chúng Koliya, tại thị trấn Kakakrapatta. Rồi Byagghapajja, đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tô, chúng con là những người gia chủ thọ hưởng các dục vọng, sống trói buộc với vợ con, dùng hương chiên đàn, đeo vòng hoa, thọ lãnh vàng bạc. Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp cho những người như chúng con, để chúng con được hạnh phúc, an lạc trong hiện tại…..

Này Byagghapajja, có bốn cửa xuất để tài sản bị tiêu phí: Đam mê đàn bà; đam mê rượu chè; đam mê cờ bạc; bạn bè, thân hữu và giao du với kẻ ác. Ví như một hồ nước lớn có bốn cửa nước chảy vào và bốn cửa nước chảy ra. Có người đóng các cửa nước chảy vào và mở các cửa nước chảy ra. Như vậy, nước hồ ấy ngày càng bị giảm thiểu, không tăng trưởng.

Lại nữa, này Byagghapajja, có bốn cửa nhập để tài sản được hưng khởi: Không đắm say đàn bà; không đắm say rượu chè; không đắm say cờ bạc; bạn bè, thân hữu và giao du với người thiện. Ví như một hồ nước lớn, có bố cửa nước chảy vào và bốn cửa nước chảy ra. Có người mở các của nước chảy vào và đóng các cửa nước chảy ra. Như vậy, nước hồ ấy ngày càng tăng trưởng, không có giảm thiểu.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 8, phẩm Gotàmi, phần Dìghajànu – Người Koliya, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.661)

LỜI BÀN:

Đam mê là một cái thú đồng thời là cái tật của con người. Có thể nói rằng hầu hết những người làm nên sự nghiệp đều bắt đầu từ những đam mê nhưng có không ít người cũng vì đam mê mà thân bại, danh liệt. Cuộc sống nếu thiếu đam mê sẽ nhạt nhẽo, vô vị và mất sinh khí. Vì thực ra, đam mê vốn không phải là tội lỗi nhưng vấn đề cần đặt ra với con người là đam mê cái gì, đam mê như thế nào?

Đam mê là một biểu hiện của nghiệp, thể hiện rõ trong tư duy, ý chí và hành động. Ai đam mê cái gì thì nặng nghiệp về phương diện ấy. Vì thế, người Phật tử phải luôn quán sát tự thân để biết rõ nghiệp của mình. Nếu thấy rằng những khát vọng, mong ước, đắm say của mình hướng về Chân – Thiện – Mỹ thì phát huy và ngược lại thì nên kiềm chế, loại trừ.

Về phương diện giữ gìn tài sản, nếu kiềm chế và chuyển hóa được những đam mê bất chính là phương cách hiệu quả nhất. Vì một khi đã thú, đã đam mê thực sự thì vấn đề tốn kém hay phung phí chẳng có nghĩa lý gì; nhất là khi đã chìm đắm, say mê vào đàn bà (đàn ông), cờ bạc, rượu chè và bạn xấu. Những ai đã từng một lần vung tiền qua cửa sổ để thỏa cái thú đam mê đến khi hồi tỉnh mới thấy được cái giá của sự góp nhặt, chắt chiu, cần kiệm.

Tài sản do mồ hôi và công khó làm ra, vì thế người con Phật phải hết sức trân quý, chi tiêu đúng mực, đúng chỗ để làm lợi ích cho mình và người. Luôn quán sát tự thân, cẩn trọng với những đam mê bất chính, tránh tiêu xài phung phí để xây dựng và giữ gìn cuộc sống luôn được an vui, hạnh phúc.

ĐỘNG SẢN VÀ BẤT ĐỘNG SẢN

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, khu vườn ông Anàthapindika. Bấy giờ Ugga, vị đại thần của vua đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lẽ, ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:

Thật vi diệu thay, thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Giàu có đến như vậy, đại phú đến như vậy, tài sản nhiều đến như vậy, bạch Thế Tôn, là Migàra Rohaneyyo!

Này Ugga, Migàra Rohaneyyo giàu có đến mức nào, đại phú đến mức nào, tài sản nhiều đến mức nào?

Bạch Thế Tôn, về vàng có đến trăm trăm ngàn, còn nói chi về bạc!

Này Ugga, đây có thể là tài sản chăng? Không phải Ta nói rằng đây không phải là tài sản. Nhưng tài sản ấy bị chi phối bởi lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch.

Này Ugga, có bảy tài sản không bị lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch chi phối. Thế nào là bảy? Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài và tuệ tài. Bảy loại tài sản này, này Ugga, không bị lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch chi phối. Ai có tài sản này, người ấy là đại phú, thiên nhân giới khó thắng.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương Bảy pháp, phẩm Tài sản, phần Ugga, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.283)

LỜI BÀN:

Tài sản là huyết mạch, là tiêu chí để phấn đấu, là cơ sở tồn tại tính quyết định của một cá nhân, gia đình và cả một đất nước. Tài sản là minh chứng hùng hồn cho sự thành công, phát triển giàu mạnh và thịnh vượng. Vì thế chúng ta không lạ khi các chỉ số về tài khoản, động sản và bất động sản của cá nhân hay thu nhập bình quân mỗi người, tổng thu nhập quốc gia luôn được mọi người quan tâm.

Nhìn chung, con người sống trong cuộc đời, dẫu làm bất cứ việc gì, mục đích cuối cùng của họ cũng không ngoài việc kiếm tiền. Tích lũy và phát triển tài sản, làm giàu lương thiện là điều tốt song khá nhiều người cuồng tín vào ma lực của đồng tiền, “có tiền mua tiên cũng được” nên quay cuồng với việc kiếm tiền mà bất chấp hậu quả. Mặt khác, tạo dựng tài sản hợp pháp vốn dĩ rất khó khăn nhưng để giữ vững nó lại càng khó khăn hơn. Bởi thế, không ít người sau một đêm thức dậy chợt trắng tay, luôn nơm nớp lo sợ “một sớm mai kia, chợt thấy hư vô trong đời”.

Với tuệ giác của Thế Tôn thì giàu có, sở hữu nhiều tài sản hợp pháp là phước báo. Tuy nhiên, tự thân các tài sản này không mang thuộc tính bền vững mà cực kỳ mong manh, luôn biến động và bị chi phối, xâu xé bởi: lụt lội, hỏa hoạn, nhà nước tịch thu, trộm cắp, con cái hư hỏng và sự phá hoại của các thế lực thù địch. Vì vậy, Thế Tôn giới thiệu một phương thức tích lũy tài sản khác, bền vững, tuyệt đối ổn định và bất động. Ai sống ở trên đời tạo dựng được Thất thánh tài mới là bậc đại phú, kẻ giàu có nhất trong thế gian, kể cả cõi trời.

Do vậy, ngoài việc tạo dựng tài sản thế gian hợp pháp, người con Phật phải nỗ lực tạo dựng và tích lũy bảy loại tài sản xuất thế gian của bậc Thánh. Phát triển niềm tin, trau dồi giới hạnh, biết hổ thẹn với người ngoài, hổ thẹn với chính mình, học tập Chánh pháp, thực hành bố thí, phát huy tuệ giác là bảy tài sản cố định vô cùng quý giá, đảm bảo cho một người giàu có đến vô tận, trong đời này và những đời sau.

CÓ TÀI SẢN LỚN

Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, dạy các Tỷ kheo:

Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ kheo, vị Thánh đệ tử được gọi là giàu, rất giàu, có tài sản lớn, có danh xưng lớn. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịn tín bất động với Phật: “Đây là Như Lai, bậc A la hán… Phật Thế Tôn”. Đây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ nhất. Lại nữa, này các Tỷ kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động với Pháp... đối với Tăng… thành tựu các Giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến thiền định. Đây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ hai, thứ ba và thứ tư. Những pháp này, này các Tỷ kheo, là bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc.

Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ kheo, vị Thánh đệ tử được gọi là giàu, rất giàu, có tài sản lớn, có danh xưng lớn.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 11, phẩm phước đức sung mãn vớ kệ, phần Rất giàu hay giàu [1], Nxb Tôn Giáo, 2002, tr.586)

LỜI BÀN:

Tiền bạc, của cải là biểu trưng cho sự giàu có, là mục tiêu để phấn đấu của mọi người. Làm giàu lương thiện để ổn định cuộc sống và góp phần xây dựng xã hội là phương châm sống của những người chân chính. Để đạt được sự giàu có, sung túc về phương diện vật chất ắt phải có một phước báo lớn, không phải ai cũng có được. Tuy vậy, sự giàu có vật chất vốn rất tạm bợ, mong manh, khó tìm nhưng dễ mất. Vì thế, bên cạnh tiêu chí làm giàu về tiền bạc, tài sản con người cần phải làm giàu tâm hồn, phải thực sự giàu có về phương diện tinh thần.

Theo tuệ giác Thế Tôn thì việc thành tựu niềm tin bất động vào Phật, Pháp, Tăng và thành tựu Giới luật đưa đến thiền Định mới được gọi là giàu, rất giàu. Đây chính là tài sản tinh thần của tất cả những người con Phật. So với tài sản vật chất tạm bợ thì tài sản tinh thần này rất ổn định, làm giàu cho những ai sở hữu nó không chỉ trong đời này mà cả những đời sau. Con đường đi đến giàu có tinh thần này không đi kèm với sự trả giá bằng máu và nước mắt; hoàn toàn vắng bặt tham vọng, toan tính, hận thù cùng với tất cả sợ hãi, lo âu; giàu có mà cực kỳ an vui, thanh thản và tự tại.

Trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển, kinh tế xã hội gia tăng đáng kể, những người con Phật cũng ngày càng giàu lên, trong đó tất yếu có cả hàng ngũ xuất gia. Với tinh thần phương tiện, tất cả những người con Phật đều có thể làm giàu về phương diện vật chất vì đời sống tự thân, gia đình và thực hành bi nguyện độ sanh. Tuy nhiên, dẫu cho sự làm giàu này hoàn toàn chân chính, lương thiện và đúng chánh pháp thì vẫn không đạt được sự giàu có đích thực. Vì thế, những ai bám víu, cố chấp vào sự thành tựu vật chất mà chểnh mảng việc làm giàu tinh thần, theo tuệ giác của Thế Tôn, người ấy vẫn thực sự nghèo nàn.

Mỗi người con Phật ngoài việc làm giàu vật chất phải chú trọng đến làm giàu tinh thần. Chỉ có tinh thần tức thành tựu tịnh tín bất động với Tam bảo và Giới luật mới thực sự là giàu, rất giàu, có tài sản lớn, có danh xưng lớn.

NGUYÊN NHÂN PHUNG PHÍ TÀI SẢN

Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana. Bấy giờ, Singàlaka, gia chủ tử, dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, chắp tay đảnh lễ sáu phương.

Rồi Thế Tôn, buổi sáng vào thành Vương Xá khất thực, sau khi dạy Singàlaka về ý nghĩa đảnh lễ sáu phương, Ngài dạy thêm:

Này gia chủ tử, có sáu nguyên nhân phung phí tài sản: Dam mê rượu chè là nguyên nhân phung phí tài sản. Du hành đường phố phi thời là nguyên nhân phung phí tài sản. La cà hí viện đình đám là nguyên nhân phung phí tài sản. Đam mê cờ bạc là nguyên nhân phung phí tài sản. Giao du với bạn ác là nguyên nhân phung phí tài sản. Quen thói lười biếng là nguyên nhân phung phí tài sản…

(ĐTKVN, Trường Bộ II, kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt [trích], VNCPHVN ấn hành 1991, tr.532)

LỜI BÀN:

Tài sản vốn là huyết mạch, mạng sống của hầu hết mọi người. Trải qua nhiều gian khó mới làm ra tài sản một cách chân chính nhưng để gìn giữ hoặc tiêu xài đúng đắn, có ý nghĩa thiết thực thì chẳng dễ dàng. Mỗi người đều có một thú vui, sở thích tiêu xài riêng. Chính những sự tiêu xài phung phí, không chính đáng ấy đã khiến cho không ít người giàu lao đao và người nghèo càng thêm khốn đốn.

Theo tuệ giác Thế Tôn, có sáu nguyên nhân phung phí tài sản, bắt nguồn từ sự đam mê (theo khuynh hướng xấu) của con người. Đam mê rượu chè, cờ bạc, chơi đêm, là cà hí viện, giao du với bạn ác và lười biếng. Thực trạng xã hội cho thấy những nguyên nhân dẫn đến phung phí tài sản hiện đang tràn lan. Điều đáng nói là không chỉ giới nhiều tiền mới phung phí mà ngay cả những người lao động, thu nhập thấp cũng bị đam mê cuốn hút làm cho khánh kiệt.

Vì vậy, người con Phật luôn quán niệm về sự khó nhọc của bản thân, tài sản được đổi bằng mồ hôi và nước mắt mới có, vì thế phải ý thức về tiết kiệm, không phí phạm. Mặt khác, quán niệm về sự nghèo khó của những người xung quanh, nuôi dưỡng và phát khởi từ bi để sẻ chia, sử dụng tài sản một cách có ý nghĩa và hiệu quả thiết thực nhất.

Ngày nay, công nghệ và dịch vụ giải trí rất phát triển, hoạt động hợp pháp, đáp ứng nhu cầu giải trí, thư giãn của con người. Ở một số nơi, giải trí là ngành công nghiệp mũi nhọn, đem lại doanh thu đáng kể. Đành rằng, giải trí và thư giãn vốn rất cần thiết cho đời sống nhưng người tham gia giải trí cần phải chánh niệm, tỉnh giác với đam mê, biết dừng lại đúng lúc… để tránh phung phí tài sản.

KẾ THỪA GIA TÀI CHÁNH PHÁP

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvathi, tại Jetavana, vườn ông Anàthapindika. Tại chỗ ấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, hãy là những người thừa tự pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các ngươi và nghĩ: “Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật”.

Và này các Tỷ kheo, nếu các người là những người thừa tự tài vật của Ta, không phải là những người thừa tự pháp thì không những các người mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: “Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự pháp”.

Và này các Tỷ kheo, nếu các người là những người thừa tự pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật thì không những các người mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: “Cả thầy và trò đều là những người thừa tự pháp, không phải là những người thừa tự tài vật”.

Do vậy, này các Tỷ kheo, hãy là những người thừa tự pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật.

(ĐTKVN, Trung Bộ I, kinh Thừa tự pháp [lược], VNCPHVN ấn hành 1992, tr.31)

LỜI BÀN:

Trong tất cả chúng ta, bất kỳ ai dẫu có kế thừa vật chất hay không thì cũng được thừa kế một gia tài huyết thống và tinh thần từ cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Chính điều này đã góp phần quan trọng tác thành nên thể chất và tâm hồn, tạo ra đặc thù nơi mỗi cá nhân đồng thời phản ánh rõ ràng nghiệp lực của mỗi người ấy. Tuy nhiên, không nhiều người để ý đến phương diện này, đa phần họ đều quan tâm đến thừa kế tài sản, nhà cửa, đất đai (nếu có) và đó cũng là nguyên nhân tạo ra đổ vỡ, xung đột, bất hòa trong mỗi gia đình.

Đối với người tu cũng vậy, kế thừa gia tài Chánh pháp của Phật và thầy tổ để ứng dụng tu tập, hoằng truyền giáo pháp là việc cần làm. Song, thực tế thì điều này chưa được quán triệt trong nhận thức của một số người và kết quả tranh chấp, xung đột, chia rẽ xảy ra trong huynh đệ, trụ xứ và Tăng đoàn là điều không thể tránh khỏi.

Thời Thế Tôn, Ngài và chúng Tăng sống đời khất thực ba y một bát, du hành từ nơi này đến nơi khác, khi mọi người gần như vô sản mà Ngài đã lưu tâm, cảnh báo đến việc thừa kế vật chất chứng tỏ tâm tham ái của chúng sanh lớn đến mức nào! Ngày nay, đời sống xã hội ngày càng phát triển, sung túc hơn dĩ nhiên đời sống của người tu cũng được nâng cao và ổn định hơn. Tuy nhiên, sự phát triển về vật chất chỉ mới là điều kiện cần nhưng chưa thực sự đủ cho việc tịnh hóa thân tâm, thậm chí đôi khi nó còn mang đến hiệu ứng ngược lại. Do đó, phải thành tựu Chánh kiến để thừa kế gia tài Pháp bảo của Như Lai, không thừa kế bất cứ cái gì ngoài Chánh pháp. Trong bối cảnh tu học hiện nay, thừa tự Pháp là điều mà hàng hậu học cần suy gẫm, quán sát thật sâu sắc nhằm thực hành lời Phật dạy để thăng hoa và giải thoát.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]