Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tư tưởng Đại Thừa và Tịnh Độ Tông

17/07/201200:58(Xem: 11846)
Tư tưởng Đại Thừa và Tịnh Độ Tông
TƯ TƯỞNG TỊNH ĐỘ TÔNG

HT Thích Như Điển biên soạn

VI. PHẬT GIÁO THỜI KỲ ĐẦU CỦA NGƯỜI ÂU MỸ

TƯ TƯỞNG ĐẠI THỪA và TỊNH ĐỘ TÔNG

Nước Hoa Kỳ từ khi lập quốc đến nay đã trải qua 44 đời Tổng Thống trong hơn 200 năm lịch sử và đã không có một vị Vua hay một Hoàng Hậu nào tại vì. Khác với lịch sử của Trung Hoa, Việt Nam, Pháp hay Đức. Vì Hoa Kỳ còn là một lục địa quá mới mẻ, là vùng đất hứa của nhân tài và những người triệu phú. Tất cả những gì trên thế giới có, Hoa Kỳ đều có hết, mà thật nổi bật nữa kia; nghĩa là cái gì ở Hoa Kỳ cũng đều nhất cả.

Đã có lần có người nào đó hỏi tôi rằng: “Thầy đi chu du khắp các châu lục Âu, Mỹ, Á, Úc, Phi và trải qua hơn 70 nước. Vậy thì nước nào làm Thầy thích nhất và mỗi châu lục, dưới mắt nhìn của Thầy ra sao?” - Quả là một câu hỏi khó; nhưng có nhiều cách trả lời khác nhau. Tôi trả lời rằng:

- Đứng về phương diện Khoa học kỹ thuật thì Á Châu không thể nào so sánh với Âu Châu và Hoa Kỳ được; nhưng đứng về phương diện Văn hóa thì Á Châu hơn Hoa Kỳ chứ! Vì Hoa Kỳ chỉ có văn minh mà không có văn hóa. Văn hóa là những gì đã trải qua hằng ngàn năm lịch sử. Còn Hoa Kỳ chỉ có hơn 200 năm lập quốc làm sao sánh với văn hóa Á Châu chúng ta được.

- Tôi ví von rằng: Á Châu giống như một bà cụ già 70 tuổi. Âu Châu giống như một người đàn bà trung niên từ 40 đến 50 tuổi; trong khi đó Hoa Kỳ là một cô gái 18 tuổi. Người già rồi đâu còn phát triển gì nữa. Chỉ có những người trẻ mới có một tương lai lâu dài.

Thế còn Úc Châu và Phi Châu?

- Phi Châu tôi mới chỉ đi Ai Cập, Tunésie chưa đi Trung và Nam Phi; nhưng đây là một châu lục thiên nhiên không ưu đãi mấy; nhưng họ cũng có nền văn hóa lâu đời mấy ngàn năm; họ hãnh diện lắm. Mới đây có một cô gái Phi Châu 10 tuổi, sáng tác một bài văn xuôi bằng tiếng Anh rất ngắn gọn; nhưng đã được UNESCO phát giải thưởng đặc biệt. Đầu đề của bài văn là: Người Da Màu.

Khi tôi sinh ra tôi màu đen

Khi tôi lớn lên, tôi màu đen

Khi tôi đi dưới ánh sáng mặt trời, tôi màu đen

Khi tôi bịnh, tôi màu đen

Khi tôi chết, tôi cũng màu đen.

Còn họ là người da trắng

Khi họ sinh ra, họ màu đỏ

Khi họ lớn lên, họ màu trắng

Khi họ đi dưới ánh sáng mặt trời, họ màu nám

Khi họ bịnh, họ màu xám

Khi họ chết, họ màu tím

Thế mà họ gọi chúng tôi là người da màu.

Câu kết nầy là câu quan trọng nhất, nó đã nói lên tất cả mọi ý tưởng và đánh đổ quan niệm của người da trắng lâu nay. Vì họ chỉ nghĩ rằng: Người da trắng mới là văn minh, còn người da đen là thấp kém. Họ nghĩ rằng họ mới là người nguyên chất; nhưng thật sự ra người da trắng mới là người mau đổi màu nhất. Còn người da đen, ở bất cứ dưới hình thức nào, họ vẫn là người da đen mà thôi.

Do vậy quan niệm về đúng, sai, tốt, xấu… nó khó có thể hiểu một chiều được. Ví dụ như người quen đi bên tay trái thì cho rằng tôi đi bên trái mới đúng luật lệ lưu thông; nhưng những dân tộc lưu thông bên tay mặt lâu nay quen rồi, thì không thể nói rằng đi bên trái là đúng luật được. Cho nên ông bà mình thường hay nói: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài là vậy! Cái gì nó cũng chỉ tương đối thôi, không có tuyệt đối bao giờ, ngoại trừ chân lý.

- Thế còn Úc Châu?

- Đã có lần tôi viết về nước Úc rồi. Quý vị đọc trên Viengiac.de hoặc quangduc.com sẽ hiểu rõ hơn. Đây là một lục địa rộng mênh mông, tương đương với Hoa Kỳ; nhưng dân số chỉ trên dưới 20 triệu; trong khi đó Hoa Kỳ đã có trên 300 triệu người đang sinh sống tại đó.

Từ năm 1979 đến 2011, trên 30 năm đó, tôi đã đến xứ Úc ít nhất mỗi năm một lần. Độ dài và xa của mỗi lần đi về là 34.000 cây số. Nghĩa là bằng vòng quanh một quả địa cầu. Nếu ai đó có hỏi tôi rằng: Thầy thích sống ở đâu nhất? Tôi sẽ trả lời rằng: Ở Đức tôi thích sống tại đó nhất. Vì lẽ trên 30 năm sống tại đó rồi. Ngôn ngữ đã quen, phong tục, tập quán và nhất là ơn nghĩa đã có quá nhiều tại xứ sở nầy. Tôi thích đi thăm viếng, hoằng pháp tại Hoa Kỳ. Còn ẩn tu thì nên chọn Úc. Còn nơi nào đẹp nhất trên thế giới? – Đó là quê hương Việt Nam; nơi tôi đã được sinh ra cách đây gần 63 năm về trước (1949 – 2011). Dĩ nhiên là quê hương tôi nghèo; nghèo hơn nhiều nước cả Phi Châu nữa; nhưng càng về già và càng ở ngoại quốc lâu năm thì người ta càng nhớ quê hơn bao giờ hết. Có lẽ núm ruột của mình đã được chôn ở đó. Cho nên sợi tơ lòng cứ mãi vấn vương trong muôn thuở chăng?

Một Đại Sư Thái Hư vào những thập niên 1920, 1930 đã muốn làm cách mạng Phật Giáo tại Trung Hoa; cho nên Ngài đã đưa ra tiêu đề là nên cách mạng về: giáo chế, giáo sản và giáo hội. Ngài là một bậc Tôn Túc rất nổi tiếng lúc đương thời và là Thầy cũng như nhà mô phạm của Đại Sư Ấn Thuận ở Đài Loan. Khi còn tại tiền, Ngài lấy tinh thần Trung Quán, Tánh Không và Bát Nhã của Ngài Long Thọ để đi diễn giảng khắp nơi trên thế giới. Cách đây gần 100 năm trước, việc ấy đâu phải dễ làm; còn ngày nay việc di chuyển, hoằng pháp không khó như xưa; nhưng ít người làm được. Có lẽ thế giới nầy là thế giới của vật chất. Người học Phật cũng trọng vật chất hơn là tâm linh; cho nên con người vẫn còn trầm luân khốn khổ.

Người Đức rất hãnh diện về nền triết học của họ. Vì họ có những triết gia tiêu biểu như: Schopenhauer, Hermann Hesse, Nietzsche, Freud v.v… Những triết gia nầy có tư tưởng rất gần với Phật Giáo. Vì từ thế kỷ đầu Tây lịch đến thế kỷ thứ 17, 18 họ chỉ quen sáng tác theo lối trừu tượng và nhìn thế giới nầy dưới cái nhìn của một vị Thần linh sáng tạo; nhưng khi họ bắt gặp luồng tư tưởng mới từ Á Châu du nhập vào qua tác phẩm “Ánh Sáng Á Châu” của người Anh viết, họ đã biết thế nào là Bản ngã, thế nào là Vô ngã, thế nào là Tứ Diệu Đế, thế nào là Bát Chánh Đạo, thế nào là Pháp duyên sinh, Tam pháp ấn, Tứ pháp ấn v.v…

Cách đây 200 năm về trước một Hội Phật Giáo đầu tiên được thành lập tại thành phố Leipzig; nhưng từ năm 1949 đến năm 1989 nước Đức bị chia cắt Đông Tây. Miền Đông theo chủ nghĩa Cộng Sản và miền Tây theo chủ nghĩa quốc gia. Đến ngày 9 tháng 11 năm 1989 cả hai miền Đông Tây đã thống nhất và nay là nước Cộng Hòa Liên Bang Đức gồm 11 Tiểu Bang và 3 thành phố tự trị (Berlin, Hamburg, Bremen). Trong thời gian Cộng Sản trị vì tại Đông Đức các Hội Phật Giáo cũng chịu ảnh hưởng chung với các Tôn Giác khác như Thiên Chúa, Tin Lành, Chính Thống Giáo mà thôi. Sau ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, Tôn Giáo tại miền Đông Đức mới có cơ ngơi phục hồi lại.

Ở phía Tây Đức, tại thành phố Berlin có một ngôi chùa Theravada do Phật Giáo Tích Lan quản lý. Chùa nầy trước đây của một ông Bác Sĩ người Đức tên là Paul Dahlke đã cúng cơ sở nầy cho Phật Giáo Tích Lan làm chùa. Sau gần 100 năm chùa vẫn còn đó; nhưng không được phát triển mấy, vì thiếu chư Tăng Tích Lan và Đức quản lý trông coi; nên chùa nầy chỉ còn là một biểu tượng, nhiều hơn là một chốn sinh hoạt Tôn Giáo sống động.

Tại Đức có ít nhất là 700 ngôi Chùa, Niệm Phật Đường, Thiền Đường, các cơ sở dạy về Phật Pháp; nhưng đa phần do Cư sĩ Phật Tử hướng dẫn; còn chư Tăng rất ít.

Như trên đã được trình bày - Phật Giáo đầu tiên được du nhập và Đức, Anh, Pháp hay nói chung các nước Âu Châu là Phật Giáo Nam Tông. Đến đầu thế kỷ thứ 20, Đại Thừa Thiền Nhật Bản đã có mặt tại Âu Châu, rồi từ năm 1959 trở lại đây Kim Cang Thừa đã phát triển mạnh tại các quốc gia Âu Mỹ nầy. Trong đó có sự đóng góp của Phật Giáo Việt Nam cả Thiền lẫn Tịnh Độ.

Đa phần chư Tăng, Ni ngoại quốc đến một nước nào đó, đầu tiên là phải học ngôn ngữ của nước sở tại. Nếu ngôn ngữ không rành thì khó mà đi vào quần chúng tại xứ sở đó được; nhưng những thế hệ đi trước đa phần đến đây là những người lớn tuổi; cho nên học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức không phải là điều đơn giản. Họ chỉ là nhịp cầu để bắc qua thế hệ đi trước để tiếp nối với thế hệ đi sau mà thôi. Thế nhưng những thế hệ đi sau được sinh ra, lớn lên và chịu sự giáo dục tại các quốc gia Âu Mỹ nầy cũng có những vấn đề nhất định của nó. Ví dụ như các em rất giỏi tiếng địa phương; trong khi đó ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ thì không rành. Vì các em không có cơ hội để thực tập. Đây là vấn đề quan trọng trong việc hội nhập vào xứ người.

Lối giáo dục của Á Châu là giáo dục truyền thống; nghĩa là Thầy, trò, sư, đệ rõ ràng. Trên nói dưới nghe, không cãi lại, dầu cho việc ấy có sai quấy đi chăng nữa. Học trò đa phần chỉ học lại sự hiểu biết của ông Thầy, dầu cho là Thầy dạy đời hay Thầy dạy Đạo. Cái học của Á Châu là cái học từ chương và trọng bằng cấp. Lấy bằng cấp làm thước đo vị trí của con người. Bao nhiêu thế hệ như thế trôi qua, đã trở thành một thói quen cố hữu. Trong khi đó lối giáo dục của Âu Mỹ thiên về sự phát triển cá nhân. Ông Thầy chỉ dạy những gì người học trò muốn học; chứ không phải dạy những gì ông Thầy muốn dạy. Ở Âu Mỹ tinh thần cá nhân chủ nghĩa rất được coi trọng; trong lúc đó tại Đông Phương, ngay cả học đường và nhất là ở Chùa hay ở trong một đại gia đình, tinh thần nầy không được chấp nhận và không được khuyến khích. Vì cho đó là cá nhân chủ nghĩa, chỉ biết sống cho mình chứ không nghĩ đến người khác.

Cả hai quan niệm Đông và Tây, cũ và mới, cá nhân và đại thể, cái nào nó cũng có cái đúng và cái sai của nó. Ví dụ như đời sống của người Á Châu vì không có trợ cấp xã hội cho người lớn tuổi; cho nên khi cha mẹ về già hay ở chung với con cái. Con cái đi làm để phụng dưỡng cho cha mẹ. Đó là đền đáp chữ Hiếu. Ở Á Châu, nếu người con trai nào không làm như vậy được, cho là bất hiếu. Ngược lại, tuy mất tự do cá nhân nhưng được sự đùm bọc che chở của gia đình, của người lớn tuổi; thường không bị cô đơn hay trầm cảm. Trong khi đó đời sống tự do qua lối giáo dục của Âu Mỹ như tự do luyến ái, tự do kết hôn, tự do phát biểu, tự do ăn nói v.v… Tất cả chừng ấy thứ tự do; nhưng thực sự ra người ta đã mất đi sự tự do rất nhiều. Vì lẽ tự do luyến ái và tự do kết hôn; chỉ để dẫn đến tự do ly hôn và tự do ly dị. Trong khi đó ở các xã hội Á Châu ngày xưa và ngay cả ngày nay cũng vậy, khi con cái lớn lên, đa phần quyền dựng vợ gả chồng là của cha mẹ, của người lớn. Con cái có bổn phận là đồng ý hay không; chứ không phải như ở Âu Mỹ muốn làm gì thì làm. Thế mà cuộc sống hôn nhân của người Á Châu đa phần họ ở với nhau suốt đời chứ ít khi ly dị hay ly hôn.

Tự do ăn nói, tự do tư tưởng, tự do phát biểu… Điều ấy tốt với xã hội Âu Mỹ; nhưng Á Châu thì rất giới hạn. Ví dụ như cha mẹ nói thì con cái phải lắng nghe, không được cãi lại. Trong khi đó với sự tự do của Âu Mỹ, nhiều khi cha mẹ nói với con cái như anh em đối xử với nhau. Còn Thầy trò cư xử với nhau như là bạn; chứ không là Thầy và trò rõ rệt như ở Á Châu. Ở Việt Nam có truyền thống là đi học, học trò phải học thuộc lòng, đặc biệt trong Chùa kỷ luật nầy lại càng gắt gao hơn nữa. Vì có không biết bao nhiêu bài kinh, luật và luận bắt buộc người Tăng Sĩ phải rập tâm, học thuộc lòng. Nếu đến giờ trả bài mà không thuộc thì phải chịu hình phạt như Thầy cho trò điểm zéro (điểm không) hay quỳ gối v.v… trong khi đó ở Âu Mỹ, nếu Thầy hỏi bài trò, trò không biết thì bảo rằng không biết, không thuộc. Thế là xong, không có một hình phạt nào được thể hiện cả. Do vậy ở đây; nơi cấp bậc Đại Học người ghi danh vào học rất đông; nhưng ra trường rất ít; trừ những người có ý thức cá nhân thật cao mới thành công được. Trong khi đó ở Nhật Bản khi đậu vào Đại Học tức là biết rằng mình sẽ có ngày ra trường.

Bây giờ ở tại ngoại quốc nầy có hơn 2 triệu người Việt Nam đang sinh sống. Ở Hoa Kỳ đã có trên dưới một triệu. Số còn lại chia cho nhiều quốc gia trên thế giới. Ví dụ như Pháp 300.000 người; Đức 100.000 người; Anh 70.000 người; Canada 200.000 người; Úc 200.000 người v.v… Bây giờ người Việt Nam hầu như có mặt trên 2 phần 3 của thế giới nầy. Nghĩa là khoảng 150 quốc gia đều có người Việt Nam cư ngụ. Thế hệ thứ hai được sinh ra, lớn lên ở Âu Mỹ rất thành công về việc học hành, thi cử, đỗ đạt.

Ví dụ như ở Đức ông Dr. Philip Rösler vốn là một cô nhi sinh ra tại Việt Nam, đến Đức vào năm 1973 với 9 tháng tuổi, được giáo dục và tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa tại Đại Học Hannover. Năm 2010-2011 hiện là Đảng Trưởng của Đảng FDP (Đảng Tự Do Dân Chủ) và là Phó Thủ Tướng của nước Đức. Trước đây ông là Bộ Trưởng Bộ Y Tế, lo cho hơn 80 triệu người Đức. Đây là một thành quả thật bất ngờ cho cả người Đức lẫn người Việt. Đâu phải dân tộc Đức hết người, mà trong Quốc Hội lại có một người tóc đen đang ngồi ghế thứ hai; chỉ sau Bà Thủ Tướng Merkel mà thôi. Giả sử nếu Philip Rößler được đưa sang Phi Châu hay vẫn còn ở tại Việt Nam thì giờ nầy Philip là ai, nào ai biết được.

Đồng thời ở Úc, ở Mỹ, ở Canada và nhiều nước trên thế giới nữa, nhờ vào lối giáo dục tự do của Âu Mỹ và cũng phải nói cho ngay rằng nhờ vào truyền thống hiếu học của người Việt Nam, do cha mẹ đứng phía sau đốc thúc, an ủi, động viên nên mới được như vậy. Nếu không có thế hệ tỵ nạn đi trước, chắc gì thế hệ thứ 2 đã được thành công như vậy. Mới đây Bộ Giáo Dục Đức có một sự thống kê về những người tốt nghiệp Tú Tài 2 để vào Đại Học thì người Đức chiếm tỷ lệ 49 phần trăm; trong khi đó người tỵ nạn Việt Nam là 54% và người Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống tại Đức 14%.

Thế nhưng bước sang thế hệ thứ 3 từ 15 đến 20 tuổi là thế hệ đáng quan tâm. Vì các em hầu như được đào tạo hoàn toàn theo Âu Mỹ. Tuổi trẻ sớm biết yêu đương, sớm tự tử, sớm bỏ học đi làm để kiếm tiền. Vì cái khổ của thế hệ thứ 2 không có như thế hệ thứ nhất đã kinh qua. Do vậy đây là một vấn đề thử thách to lớn trong gia đình của người Việt Nam đang sống tại ngoại quốc ngày nay. Đó là vấn đề hội nhập vào cuộc sống mới. Vậy thì Tôn Giáo như thế nào?

Giới biệt của Tôn Giáo, nhất là Phật Giáo kể từ ngàn xưa rất nghiêm khắc. Đức Phật chia đệ tử của Ngài ra làm hai hạng. Đó là người tại gia và chúng xuất gia. Người tại gia sống có gia đình, có nhiệm vụ hộ trì Tam Bảo. Người xuất gia sống không có gia đình riêng và có nhiệm vụ hoằng pháp lợi sanh. Trong chúng xuất gia lại chia ra 5 thành phần. Đó là: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thức Xoa, Sa Di và Sa Di Ni. Tất cả đều phải tuân theo giới luật đã quy định sẵn. Không ai được vượt khỏi thành trì nầy. Ngoài ra còn giới Bồ Tát, chung cho cả người tại gia và xuất gia nữa; nhưng quý Thầy, những bậc Đại Sư khi đến các xứ Châu Âu, Châu Mỹ nầy thấy việc hành đạo khó khăn và muốn hội nhập vào văn hóa tại đây để đạo Phật sớm có chân tại xứ nầy qua tinh thần tự do sẵn có; nên Phật Giaó tại các nước Tây Phương ngày nay quả thật khó khăn vô cùng. Vì thiếu những người lãnh đạo đầy đủ từ bi, trí tuệ và giới đức.

Ví dụ tinh thần Đại Thừa hay nói chung Phật Giáo chủ trương bình đẳng. Giữa nam nữ, lớn nhỏ không có phân biệt. Vì ai cũng có Phật tánh và với Phật tánh nầy ai ai cũng có khả năng thành Phật. Do vậy mà có một số vị Đại Sư chủ trương Tăng lạy Ni và chế ra những giới luật hơi khó coi nữa. Đây thật là một lỗi lầm. Vì Đức Phật dạy trong Bát Kỉnh rằng: Ni dầu bao nhiêu tuổi hạ đi nữa cũng phải đảnh lễ thưa hỏi chư Tăng, dầu cho vị Tăng ấy mới thọ giới và Tăng luôn có quyền cử tội Ni theo giới luật; chứ Ni không có quyền cử tội Tăng. Đây là giới, đây là luật; nhưng bây giờ một số vị Đại Sư làm sai rồi; biết làm sao ăn nói với những người Tây Phương đây? Vốn họ là những người chọn theo lối giáo dục tự do; cho nên tu cũng tự do nữa.

Đó là chưa nói đến việc trong Tăng thì không thể có Cư sĩ được; trong Cư sĩ không thể có chư Tăng trong đó. Tăng thì ra Tăng, Cư sĩ thì ra Cư sĩ; chứ không thể có hình thức thứ ba ở trong ấy. Thế mà vẫn có những vị Đại Sư chấp nhận một thành phần thứ ba như vậy.

Khi Đức Phật thành lập Giáo Đoàn, Ngài đã khẳng định rõ ràng vấn đề nầy trong các bộ luật như: Tứ Phần, Ngũ Phần, Thập Tụng, Ma Ha Tăng Kỳ luật, Thiện Kiến, Luật Pali v.v… ngay cả Ngài Ma Ha Ca Diếp và Đức Đạt Lai Lạt Ma còn không tự động sửa luật trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất, sau khi Đức Phật nhập diệt 100 ngày và ở vào đầu thế kỷ thứ 21 nầy cũng vậy. Thế mà có những vị chủ trương mới mẻ như vậy; nên người Âu Mỹ tin theo một cách dễ dàng và họ sẽ tiếp tục ứng dụng trong cuộc đời Tăng không ra Tăng, tục không ra tục của họ vậy.

Năm 1979 có một phiên họp đặc biệt của DBU (Liên Hội Phật Giáo Đức) tại Wachendorf gần Bonn, chính chúng tôi đã đề nghị là Hội nầy phải chia ra hai Tổ Chức rõ ràng. Đó là Tổ Chức của Tăng Ni và Tổ Chức của Phật Tử. Tăng Ni sẽ lãnh đạo Tăng Ni, Phật Tử sẽ lãnh đạo Phật Tử; thế nhưng tinh thần ấy vẫn trì trệ cho đến 30 năm sau mới thành tựu được: Tổ chức Tăng Ni nầy gọi là DBO (Những người xuất gia Phật Giáo Đức). Tuy nhiên chư Tăng ít người tham gia; trong hiện tại đa số chư Ni lãnh đạo. Vì nhiều lúc họ quá tự do; ví dụ như Cư sĩ và Tu sĩ chung chạ trong thảo luận; chung chạ trong tu học; chung chạ nơi công cộng v.v… chúng tôi hoàn toàn không đồng ý vấn đề nầy.

Nếu nhìn cao hơn ở cấp bậc quốc tế thì cũng có 2 cơ quan như vậy. Một Tổ Chức của Tăng Già gọi là World Buddhist Shanga Counsil (WBSC) trụ sở chính đặt tại Đài Loan, mà chúng tôi là Ủy viên Hoằng pháp của thế giới. Trong Tổ Chức nầy chỉ toàn là Tăng Sĩ và hầu như không có ai là Cư sĩ cả. Một Tổ Chức thứ 2 do Cư sĩ lãnh đạo. Đó là World Buddhist Fellowship (WBF) trụ sở đặt tại Thái Lan. Tổ Chức nầy có cả những vị Tăng Sĩ tham gia. Đó là nói về quốc tế.

Còn nói về quốc gia như Việt Nam cũng có 2 Viện. Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo. Viện Tăng Thống chỉ toàn là Chư Tôn Trưởng Lão đạo cao đức trọng từ 60 tuổi đời trở lên và hơn 40 tuổi đạo mới được có mặt trong tổ chức nầy. Rồi Viện Hóa Đạo; trong tổ chức nầy có cả Tăng Sĩ lẫn Cư Sĩ cũng giống như hai Tổ Chức của Thế giới vừa nêu trên.

Khi đến Đức vào năm 1977, tôi vẫn còn chân ướt chân ráo tại quê hương mới nầy; nên chưa biết phải tính sao, vì thiếu nhân sự; nhưng đến năm 1979 Hội Sinh Viên và Kiều Bào Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Đức đã ra đời. Đến năm 1980 Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Tây Đức được thành lập. Tổ chức nầy cũng toàn là Tăng Ni đang sinh sống tại Đức, chứ không có Cư sĩ và tổ chức đầu tiên toàn là Cư sĩ chứ không có Tăng sĩ. Tôi muốn cống hiến hình thức tổ chức của Thế Giới, của Việt Nam và của ngay người Phật Tử Việt Nam đang ở Đức sinh hoạt cho Hội Phật Giáo Đức. Thế mà sau hơn 30 năm mới có kết quả. Xin niệm ân tất cả những ai đã lưu tâm cho việc nầy.

Riêng Tổ Chức DBU của người Đức đa phần gồm nhiều Tông Phái khác nhau như: Theravada, Nhật Bản, Tây Tạng (gồm nhiều phái), Đại Hàn, Thái Lan, Trung Quốc v.v… nhiều người Đức chấp nhận lấy vị Thầy của mình để sinh hoạt. Do vậy DBU chỉ là một Tổ Chức Tổng Hợp của Phật Giáo chứ không là một Tổ Chức chỉ đạo Cư sĩ như các nước tại Á Châu. Ở đây cũng do tinh thần tự do bên trên mà đưa đến kết quả như vậy.

Trong khi nước Áo bên cạnh Đức và nước Ý, Phật Giáo đã được công nhận là một Tôn Giáo có quyền lợi giống như các Tôn Giáo địa phương Tin Lành và Thiên Chúa Giáo; còn nước Đức tuy là tín đồ Phật Giáo đông hơn 2 nước kia, có nhiều chùa viện mà cho đến nay sau hơn 50 năm thành hình của DBU mà vẫn chưa thực hiện được điều nầy. Quả là một vấn đề cần quan tâm đến. Hy vọng rằng: Đây là quyền lợi của tín đồ Phật Giáo của chúng ta tại Đức, những người có trách nhiệm trong DBU nên thực thi việc nầy. Thực ra các chính quyền Tiểu Bang chỉ đòi có 3 điều kiện cho việc nầy. Đó là:

- Một phần ngàn trên số dân đang sinh sống tại Tiểu Bang ấy phải là Phật Tử. Ví dụ như Tiểu Bang Niedersachsen có 8 triệu người Đức, chỉ cần 8.000 người Phật Tử Đức và các sắc dân khác là được rồi.

- Điều kiện thứ hai là Tổ chức ấy phải hoạt động ít nhất là 30 năm, và

- Điều kiện thứ ba là phải được sự tin tưởng của Bộ Tài Chánh sở tại.

Đây là 3 điều căn bản để được công nhận là một Tôn Giáo tại xứ Đức; nhưng đã bao nhiêu lần bàn qua tính lại, bao nhiêu phiên họp; nhưng cho đến nay đã đi vào quên lãng. Tôi mong rằng việc nầy không sớm thì muộn cũng sẽ được thành tựu để tiếng nói của Phật Giáo chúng ta tại Đức được quan tâm; không những tại những nơi có Chùa, Viện, mà còn ở học đường và những nơi công cộng nữa.

Người Phật Tử Việt Nam ở tại Đức trong hiện tại là số đông, so với Phật Tử Đức; nhưng trong tương lai gần, người Phật Tử Đức sẽ đông hơn. Do vậy để người Đức đứng chủ đạo lo vấn đề nầy; còn những người Phật tử đến từ Á Châu nên tán đồng và hỗ trợ cũng như tham gia là được rồi. Vì lẽ ngôn ngữ, luật pháp, địa lý v.v… có nhiều vấn đề phức tạp lắm. Những người Phật Tử Đức có tâm nên đứng ra gánh vác trách nhiệm nầy. Đây cũng là tinh thần Đại Thừa Phật Giáo, tinh thần xả kỷ vì người quên mình; tinh thần của Bồ Tát Đạo…

Hơn 30 năm qua theo chỗ chúng tôi quan sát, Phật Giáo Đức phát triển rất nhanh. Qua luận án Tiến Sĩ của Giáo sư Baumman hay những tạp chí Tibet Buddhismus; Buddhistische Aktuelle v.v… đây là những thành quả nhất định đáng trân quý đối với những sự thành tựu của Phật Giáo tại phương Tây. Ví dụ như ngày nay hầu như ở tất cả những Đại Học lớn nhỏ của nước Đức cũng đều có Phân khoa Phật Học hoặc Tôn Giáo Học để cho sinh viên có thể học cho đến hết cấp bậc Tiến Sĩ. Đây là một thành quả tri thức mà Bộ Giáo Dục Đức đã chủ xướng, là một vấn đề tốt đẹp vô cùng cho việc mang niềm tin Phật Giáo đến cho người bản xứ. Ví dụ như ở Đại Học Hamburg có Phân khoa Phật Học. Nơi đó người ta có thể học tiếng Sanskrit, tiếng Tây Tạng, tiếng Tàu, tiếng Nhật hay Phân khoa Đông Nam Á, sinh viên có thể chọn tiếng Việt v.v… Ở Đại Học Marburg, Heildenberg, trước đây Đại Học Göttingen đều có Phân khoa Phật Học. Đại Học Berlin, Hannover, München, Freiburg v.v… đều có Phân khoa Tôn Giáo Học; nơi ấy các sinh viên có thể chọn ngành Tôn Giáo mình muốn học như: Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo v.v… Đây là một lợi điểm, một thế đứng vô cùng quan trọng đối với giới trí thức Đức cũng như sinh viên ngoại quốc.

Ở Đức hầu như thành phố nào cũng có những tiệm Reform Haus (Nhà cải cách); nơi đó bán toàn là những đồ chay, sản xuất từ đậu nành. Nếu tính tổng quát từ Nam lên Bắc Đức chắc cũng không dưới 3.000 tiệm như vậy. Trong hiện tại người Đức rất mến mộ việc ăn chay, vì để tránh sát sinh và tôn trọng sự sống của kẻ khác.

Đối với một đất nước như vậy, quả thật rất khó tìm được trên quả địa cầu nầy. Đây không phải tôi bênh vực nước Đức, vì tôi có quốc tịch Đức hay được chính phủ Đức đãi ngộ; nhưng ở đây tôi muốn chứng minh cho việc thực hiện tinh thần lục độ Ba La Mật cho mọi người thấy và từ đó có nhiều điều để đi xa hơn nữa trong lãnh vực tinh thần nầy.

Khi tôi nói đến nước Đức cũng có nghĩa là ý tôi muốn nói đến nước Pháp, nước Nga, Ba Lan, Tiệp Khắc, Ý, Tây Ban Nha, Na Uy, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Canada, Úc và các nước khác của Á cũng như Phi Châu. Vì hầu như các nước nầy đều có hoàn cảnh tương tự như ở nước Đức. Bởi vì tôi không thường xuyên sinh hoạt tại các nước trên; nên không thể viết về những nước ấy. Chỉ có nước Đức là nước mà tôi đã sống hơn 30 năm tại đó; nên mới nói lên những tiếng nói trung thực như vậy.

Từ ngày 18 đến ngày 26 tháng 6 năm 2011 vừa rồi, Chùa Viên Giác tại Hannover có triển lãm Phật Ngọc hòa bình thế giới. Có 17.000 người đến chiêm bái, cầu nguyện và có nhiều việc chúng tôi muốn kể với quý vị như sau:

Nhờ đài truyền hình ARD và các báo xuất bản hằng ngày bằng tiếng Đức như: Hannoversche Allgemeine Zeitung, Neue Presse v.v… nên đã có rất nhiều người Đức đến thăm viếng Phật Ngọc vào những ngày trong tuần. Vào 2 cái cuối tuần ngày 16-17 và 25-26 tháng 6 năm 2011 thì đa phần là người Việt. Thỉnh thoảng mới có những cặp vợ chồng Đức-Việt; Việt-Đức đi cùng. Điều tôi muốn trình bày với quý vị độc giả hôm nay ở đây là hiểu và thực hành tinh thần Đại Thừa Phật Giáo của người Đức như thế nào.

Tôi quan sát cứ mỗi buổi sáng sớm có một người đàn ông Đức dẫn chó đi dạo, sau đó ông mang đến một bó bông hồng thật lớn, độ 25 cành; ngày nào cũng vậy chứ không phải chỉ một ngày, mà ngày nào cũng đúng giờ vào buổi sáng như thường lệ. Tôi chào ông ta và hỏi rằng: Tại sao ông không tự mang bông hồng ấy lên cúng Phật? Ông đáp rằng: Nếu tôi cúng hết 25 bông nầy thì chỉ một mình tôi có công đức mà thôi. Chi bằng tôi để bông đây, mấy bà phát hành bông, cắm vào mỗi chậu bông mỗi cành hồng thì công đức của tôi được chia cho 25 người khác nữa.

Quả là người Đức! Khi nghe xong câu trả lời bằng tiếng Đức ấy tôi mới nói:

À! Thì ra là vậy! người Đức bây giờ đã hiểu đạo và đã thực hành con đường bố thí Ba La Mật như vậy. Quả là tốt đẹp biết dường bao!

Rồi một hôm tôi đi dạo ngoài vườn hoa gần Chùa Viên Giác có một người Đức chắp hai tay xá và chào: Nam Mô A Di Đà Phật! Tôi cúi chào và ông ta tiếp:

- Nghe nói Hòa Thượng định làm vườn hoa Nhật Bản và xây tượng Phật A Di Đà bên cạnh chùa phải không?

- Sao ông biết ?

- Tôi có nghe quý Thầy trong chùa nói như vậy; nhưng Hòa Thượng có cần Kiến trúc sư hoa viên không?

- Dĩ nhiên là cần; nhưng tôi chưa biết nên nhờ ai.

- Tôi có một người Kiến trúc sư vẽ hoa viên rất đẹp và họ phát nguyện sẽ cúng dường công phác họa hoa viên, không lấy tiền.

- Xin cảm ơn! Khi có dịp tôi sẽ liên lạc lại với ông.

Cứ thế và cứ thế, hằng ngày, hằng tháng rồi hằng năm… Ở xứ Đức, tôi đã nhận không biết bao nhiêu là ân huệ từ Chính phủ Đức trong vòng 25 năm trời. Kể từ năm 1981 đến 2005. Thời gian chừng ấy, nhân dân và chính quyền Liên Bang Đức đã giúp cho chúng tôi thành tựu được nhiều mặt trong vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa Phật Giáo tại xứ người. Trong quyển sách bằng hai thứ tiếng Việt-Đức tôi đã kể hết những vấn đề nầy rồi; nhưng có một điều đặc biệt nữa là cách đây chừng 5 năm, có một bà người Đức ở Hoa Kỳ viết thư gởi qua Bưu điện về Hannover cho tôi và bà khoe là đã đọc xong quyển Danke Deutschlanddo một người bạn Việt Nam đã tặng cho bà. Điều bà muốn nói là:

- Trong Đệ nhị thế chiến, bà đã bỏ Đức qua Hoa Kỳ tỵ nạn. Đi đâu bà cũng bị người ta chê Đức, ít thấy ai khen bao giờ. Nay thì có người Á Châu đến sống tại xứ Đức mà đã viết được một tác phẩm như vậy quả là có giá trị.

Rồi một hôm tôi từ ngoại quốc về, Thầy Hạnh Giới, Trụ trì Chùa Viên Giác báo tin cho tôi biết là có một gia đình người Đức đã làm giấy Di Chúc lại cho Sư Phụ. Tôi mới hỏi đầu đuôi câu chuyện, thì Thầy ấy thưa rằng:

- Cách đây mấy hôm ở Bệnh viện có gọi điện thoại vào Chùa mình và đòi Chùa trả tiền bệnh viện phí cho Bà B...; chúng con hỏi tại sao phải trả, thì họ bảo rằng: Vì Chùa của ông được nhận quyền thừa kế tài sản của hai ông bà và bây giờ bà đã chết; cho nên Chùa phải lo vấn đề nầy.

Đúng là chuyện từ đâu đưa đến thật bất ngờ. Thế rồi, mấy Thầy trò mới lo thủ tục nơi Luật sư để chuyển những tài sản ấy vào tài khoản của Giáo Hội. Tôi có bảo Thầy Hạnh Giới là nên thờ hình hai ông bà tại bàn linh cho đàng hoàng và nên làm một cái cầu thang máy dẫn lên chánh điện cho người tàn tật và nên để tên ông bà ấy cúng dường, để nhớ về những người đã âm thầm giúp Chùa mình.

Những gì tôi đã làm cho người Việt và người Đức trong hơn 30 năm qua ở xứ Đức, tôi chẳng để ý và cũng chưa bao giờ mong sự đền đáp; nhưng nay thì kết quả là vậy. Đúng là tinh thần Đại Thừa, tinh thần Bồ Tát Đạo người Đức đã hiểu thật sâu và âm thầm thực hiện như việc bố thí Ba La Mật chẳng cần ai biết đến mình nữa và cuối cùng của cuộc đời, sau khi chết; kẻ chịu ơn và người thi ân mới nhận diện ra.

Vào ngày 23 tháng 6 năm 2011 vừa rồi cũng là một ngày đáng ghi nhớ. Thầy Hạnh Giả, đệ tử xuất gia của tôi đang dạy cho những sinh viên Đức và ngoại quốc tại Đại Học Hannover về Phân khoa Tôn Giáo Học. Thầy ấy có mời tôi và Thầy Hạnh Giới (anh ruột Thầy Hạnh Giả và cũng đã tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Đại Học Hannover nầy vào năm 2003) đến lớp dạy của Thầy ấy thuyết trình về Phật Giáo Việt Nam tại Đức. Đây là một thành quả mà bao nhiêu năm tôi đã mong đợi qua thế hệ đệ tử, học trò của mình. Điều tôi mong mỏi là người Đức nên hiểu Phật Giáo ở một cấp độ cao hơn và hiểu rõ về thế nào là Tịnh Độ? Thế nào là Thiền? Thế nào là Kim Cang Thừa? Thì bây giờ tôi đã có thế hệ kế thừa để lo cho vấn đề ấy. Quả là vi diệu.

Thầy ấy soạn giáo trình trong 10 Semester cho 5 năm Cử Nhân của Sinh viên học về Phật Học, có trình qua tôi xem và tôi thấy rất hài lòng. Vì lâu nay đọc sách vở phương Tây bằng tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp v.v… Ít thấy nhắc đến Phật Giáo Việt Nam; nay có đệ tử của mình đứng trên bục giảng của giảng đường Đại Học để nói về Phật Giáo Việt Nam và Tịnh Độ Tông Việt Nam làm sao không vui được.

Ngoài ra những sách của tôi viết và dịch từ các ngôn ngữ khác nhau như: Anh, Đức, Việt, Hán văn, Nhật ngữ trong 60 tác phẩm ấy đã là nguồn tài liệu quan trọng để trích dẫn cho các luận án Tiến Sĩ người Đức; trong đó có ông Dr. Baumman và nhiều sinh viên Đức khác học về khoa Phật Học hay Tôn Giáo Học tại các Đại Học ở Đức. Ngoài ra những luận án Tiến Sĩ của Thầy Thích Hạnh Giới, Thích Như Tú, Thích Hạnh Giả v.v… cũng đã dùng những tài liệu sống từ cá nhân tôi, hay những sách vở của mình đã viết để hoàn thành cho những luận án Tiến Sĩ của mình. Tôi xin cảm ơn tất cả mọi người. Vì đây là một sự tương tức cần thiết cho cuộc sống tâm linh của con người.

Từ năm 1977 đến năm 2011, hơn 30 năm tôi đã lưu ngụ ở Đức, có cơ hội đi thuyết trình nhiều nơi và quan sát chung thì thấy rằng: Ở đâu và Hội Đoàn nào hay Đại Học nào mời mình tới thuyết trình, họ cũng chỉ muốn biết điều họ cần biết mà thôi. Do vậy tôi chỉ trả lời theo những câu hỏi của họ muốn hỏi.

Riêng ở Áo có một người Phật Tử tên là Fenzl; ông ta tu theo Pháp môn Tịnh Độ Chân Tông của Nhật Bản. Ông là Hội Trưởng Hội Phật Giáo Tịnh Độ tại Salzburg, Áo quốc. Năm 1980 tôi đã có dịp đến đây để hội thảo và thuyết trình về Tịnh Độ Tông Việt Nam. Nay thì ông đã qua đời rồi; nhưng Hội Tịnh Độ Chơn Tông nầy vẫn còn hoạt động mạnh ở Áo.

Vừa rồi ngày 8 tháng 7 năm 2011, Chính phủ và Hội Đồng Tăng Già Tích Lan đã phát giải thưởng cao quý cho những người có công mang ánh sáng Phật Pháp vào Âu Mỹ có ông Chánh Hội Trưởng Hội Phật Giáo Áo và ông Phó Hội Trưởng. Ông Hội Trưởng là một Tiến Sĩ và ông Phó là một Bác Sĩ đương kiêm Dân Biểu Quốc Hội của Áo. Đây là một niềm hãnh diện chung của những người Phật Tử phương Tây.

Có một điều đặc biệt, nếu so sánh cách hấp thụ tinh ba Phật Giáo từ ngoại quốc truyền vào như các nước Á Châu thì đa phần quần chúng theo đông đảo nhất, bất kể là pháp môn nào như: Hoa Nghiêm, Duy Thức, Pháp Hoa và ngay cả Tịnh Độ; nhưng ở Âu Châu nầy Phật Giáo đến đây qua ngã trí thức trước khi đi vào quần chúng. Muốn ảnh hưởng giới nầy người giảng giáo lý phải thâm sâu Phật Học và khả năng ngôn ngữ phải giỏi cũng như phải thông suốt những phong tục, tập quán tại xứ người.

Ở vùng Düsseldorf nước Đức là nơi có khoảng 4.000 người Nhật Bản cư ngụ. Khi người Nhật đi đến đâu, cũng giống như người Việt Nam vậy; nghĩa là họ mang theo một quê hương nhỏ thu gọn đến đó. Từ ẩm thực cho đến văn hóa, các cách sinh hoạt, đều tìm đủ mọi cách để phỏng theo cho giống như nơi mình được sinh ra. Do vậy tín ngưỡng cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Những lễ lộc như cưới hỏi, ma chay, học hành, văn hóa, thơ đạo, trà đạo, nghiên cứu v.v… đều phải tổ chức tại Chùa. Ở vùng nầy có một ngôi Chùa Nhật Bản rất nổi tiếng tên là Eko Haus (Nhà Huệ Quang); tôi không biết tại sao họ không dùng chữ Chùa mà gọi là nhà? Có lẽ để giữ tính cách trung dung chăng? Vì Chùa thì chỉ để cho Phật Tử tới lui. Còn nhà thì ai cũng đến được.

Ngôi Chùa thuộc Tịnh Độ Tông Nhật Bản; họ có xuất bản định kỳ tạp chí Phật Giáo gọi là Horin (Pháp Luân). Tất cả đều được viết bằng tiếng Đức. Đa phần là những Giáo sư, học giả nghiên cứu về Phật Giáo viết bài. Khi mới nhìn vào, chúng ta phải cúi đầu khâm phục. Vì người Đức hiểu tinh thần Đại Thừa thuộc Tông Tịnh Độ không phải là ít.

Tại Chùa Viên Giác Hannover mỗi năm có nhiều khóa tu khác nhau như: Khóa tu học cho Gia Đình Phật Tử, khóa tu cho Hội Phật Tử, khóa Tu Gieo Duyên, khóa Tu Bát Quan Trai vào cuối tuần, Huân Tu Tịnh Độ vào cuối năm v.v… Cứ mỗi lần như vậy quy tụ cả hằng trăm cho đến 400 Phật Tử về tham dự trong nhiều ngày. Đôi khi cũng có những người Đức đến tham gia cả tuần lễ dưới sự hướng dẫn của Thầy Hạnh Tấn thuở xưa và bây giờ là Thầy Hạnh Giới. Nhiều lúc thấy những người Đức cùng đi kinh hành niệm Phật theo nhịp điệu chuông mõ tiếng Việt mà cảm thấy chạnh lòng. Tôi không biết là họ có muốn hiểu hay có thể hiểu hết được tiếng Việt chăng! nhưng dẫu sao đi nữa thì đó vẫn là một hình ảnh đẹp.

Nhiều khi tôi trình bày cho người Đức nghe rằng: Quý vị cần tu và học theo lời dạy của Đức Phật qua ngôn ngữ bằng tiếng Đức, tiếng Việt hay Tây Tạng; nhưng quý vị không cần phải học văn hóa của Dân Tộc ấy. Dân Tộc đó chỉ đại diện để giới thiệu cho quý vị về tinh thần Phật Học mà thôi! Thế nhưng có nhiều người Đức vẫn lầm lẫn vấn đề nầy.

Thật ra cái khó của buổi giao thời là phải làm sao tiêu thụ được giáo lý Đạo Phật cho người Đức; chứ không phải chúng ta truyền tư tưởng của Việt Nam hay Nhật Bản, Tây Tạng vào đây; điều ấy hẳn không cần thiết lắm.

Vào tháng 7 năm 1991 chúng tôi làm lễ Khánh Thành Chùa Viên Giác tại Hannover, tôi đã thỉnh được Hòa Thượng Bổn Sư Thích Long Trí từ quê hương xứ Quảng đến tham dự. Thuở ấy đi đứng khó khăn, giấy tờ phức tạp. Khi Ngài đến thì lễ khánh thành đã xong. Ngài ở lại Đức một tháng; Thầy trò hàn huyên tâm sự cũng nhiều. Có một hôm Ngài lên Chánh Điện và bảo tôi rằng:

- Tại sao không tạc hình Đức Phật người Đức, mà cứ giữ hình tượng Phật Việt Nam như vậy?

Khi mới nghe câu hỏi, tôi chưa trả lời ngay; nhưng ngẫm nghĩ cho sâu thì thấy Thầy mình thật có lý. Không ngờ Thầy hiện đại và cởi mở như vậy. Vả lại Ngài có một cái nhìn thông thoáng như thế không phải là ai cũng nghĩ được. Đoạn tôi trả lời rằng:

- Bạch Thầy: Ban đầu là vậy; nhưng nước chảy từ nguồn ra, rồi đổ ra sông và giữa sông với biển bắt buộc phải có một thời gian giao thoa như vậy, để nước sông không còn là nước sông nữa. Lúc ấy giữa biển cả mênh mông ít ai còn nghĩ rằng có sự luân lưu của nước sông! Nhưng trên thực tế thì trong sự hiện hữu của nước biển vẫn tồn tại nước sông trong ấy.

Năm 2011 là năm tôi hoàn thành 2 tác phẩm thứ 59 và thứ 60 nầy. Tác phẩm thứ 59 dịch từ tiếng Đức sang tiếng Việt nhan đề là: Những Bản Kinh Căn Bản Của Tịnh Độ Tông (A Di ĐÀ) Nhật Bản. Sách do ông Christian Steineck viết tiếng Đức và dịch những bản kinh từ tiếng Nhật sang tiếng Đức. Đọc sách xong, gấp sách lại và sau khi dịch sang tiếng Việt, mới thấy người Đức qua phần nghiên cứu về Tịnh Độ, phải nói rằng quá tuyệt vời. Một người Tây phương hiểu được về Tịnh Độ như thế thì còn gì nữa!

Ông Hatara, Giáo sư Piano trường Đại Học Hildesheim là đệ tử tại gia của tôi. Ông là người Nhật và lúc nào cũng sẵn sàng cung cấp sách tiếng Nhật, gởi từ Nhật Bản qua. Do vậy mà những sách của các Tông Phái bằng tiếng Nhật tôi có đầy đủ. Kỳ nầy dịch sách tiếng Đức; nhưng tôi muốn tra cứu nguyên bản tiếng Nhật về Giáo, Hạnh, Tín, Chứng của Ngài Thân Loan, Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật của Ngài Pháp Nhiên và Duy Tín sao văn ý v.v… vừa dịch vừa đối chiếu cả tiếng Đức và tiếng Nhật thì thấy rằng khả năng tiếng Nhật của ông Christian Steineck quá tuyệt vời. Dịch rõ nghĩa ra tiếng Đức để người Đức khi đọc vào là hiểu liền. Ví dụ như Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà thì ông dịch tiếng Đức là Urspruengliches Geloebnis des Amitabha Buddha. Hoặc Tuyển Trạch Bổn Nguyện thì ông dịch tiếng Đức là: Urspruengliches Geleobnis der Erwählung. Dịch như thế là hết ý, là quá tuyệt vời. Tuy nhiên chữ tuyển trạch theo âm Hán-Việt là tuyển chọn và trích ra; nhưng chữ Đức thì chỉ có một chữ là lựa ra(Erwählung) hay chọn ra. Ngôn ngữ thì khó nói cho hết và cũng không có điểm cuối cùng. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là Tinh Thần Đại Thừa và Tư Tưởng Tịnh Độ. Ngay cả chính bản thân mình qua bao nhiêu việc hành trì, nghiên cứu sách vở về Tịnh Độ mà vẫn còn những điều cần phải học thêm. Ví dụ như những người Đức gọi tín ngưỡng A Di Đà là tín ngưỡng theo Bái Hỏa Giáo của Ba Tư. Đây là phát minh lạ của người Đức; nhưng có chứng cớ rõ ràng. Sau đó tôi tìm đọc sách vở của Ngài Ấn Thuận ở Đài Loan thì Ngài Ấn Thuận cũng nhận định giống như ông Christian Steineck vậy. Ngoài ra Ngài Ấn Thuận cũng còn cho biết thêm là trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, cách quán thứ nhất về mặt trời lặn là ảnh hưởng Thần Mặt Trời của Bà La Môn và Bái Hỏa Giáo. Đây cũng là một lối nhận xét mới. Vì lâu nay chưa có Đại Sư nào tu theo Tịnh Độ phát biểu như vậy. Nhưng nay thì có một người Đông Phương (Đại Sư Ấn Thuận) và một người Tây Phương (Christian Steineck) qua bao nhiêu nghiên cứu đã trình bày được vấn đề trên qua lịch sử và tiến trình thành lập của Tịnh Độ Tông qua từng giai đoạn và quốc độ khác nhau; chúng ta nên quan tâm về việc nầy.

Người Đức hay người Âu Mỹ đến với Thiền Học dễ hiểu và đơn giản hơn. Nếu đến với Tịnh Độ hay Kim Cang Thừa có thêm nhiều vấn đề phức tạp khác nữa. Ví dụ như người Âu Mỹ lâu nay vốn theo Tôn Giáo nhất thần; còn Phật Giáo thì vô thần hay cũng có thể nói là siêu thần. Vì Thần nào Phật Giáo cũng không bác bỏ (Kinh Pháp Hoa là ví dụ). Từ một vị Thần sáng tạo ra tất cả vũ trụ, con người. Bây giờ họ gặp đức tin A Di Đà (Tịnh Độ) nhiều người cũng nghĩ là một vị Thần không chừng. Vì vị nầy cũng có khả năng chuyên chở họ về cảnh giới khác.

Đức Phật Di Đà là một vị Phật có tính cách siêu việt (Tranzendent Buddha); không phải là một Đức Phật lịch sử như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; Ngài không sinh ra, lớn lên, thành đạo và nhập Đại Bát Niết Bàn ở cõi Ta Bà nầy; nhưng qua Ba Kinh Tịnh Độ như đã được trình bày ở trên, chúng ta tin qua lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói là có một thế giới gọi là Cực Lạc và có một vị Phật tên là A Di Đà cùng với các vị Bồ Tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Nhưng Đức Phật A Di Đà không phải là một vị Thần hay một vị Chúa Tể có quyền ban ơn giáng họa cho người khác, mà Ngài chỉ là một vị Phật thực hành theo bổn nguyện của mình để giúp cho chúng sanh thoát ly sanh tử luân hồi. Sau khi về được cảnh giới Tây Phương Cực Lạc rồi mỗi chúng sanh phải tự tu và tự chứng lên đến bậc giác ngộ giải thoát hoàn toàn; chứ Đức Phật A Di Đà không thay thế cho chúng ta để giải thoát.

Từ những năm 1981 đến năm 1995 gần 15 năm như thế có hai Phật Tử người Đức tu theo Pháp môn Tịnh Độ. Họ ở tại Berlin và là những người Bác sĩ. Một ông tên là Roland Berthold và một ông tên là Günstler Hälfte. Hai ông đã giúp cho tôi rất nhiều trong thời gian ban đầu về việc xem xét bài vở bằng tiếng Đức cũng như những bản kinh tôi đã dịch từ tiếng Việt sang tiếng Đức như Kinh A Di Đà và Kinh Vu Lan Bồn về văn phạm cũng như cách hành văn. Hai vị nầy do Đạo Hữu Trực Ngộ Phạm Ngọc Đảnh giới thiệu. Trong khoảng thời gian trên, bất cứ lễ Phật Đản hay Vu Lan nào của Chùa Viên Giác Hannover tổ chức, hai ông đều về tham dự; nhưng từ năm 1995 đến nay khi Chi nhánh Phật Quang Sơn của Hòa Thượng Tinh Vân đã được thành lập tại Berlin thì hai vị nầy đã sang đó để cộng tác những công việc Phật sự của Chùa nầy. Đây có lẽ là hai người Phật Tử Đức tu theo pháp môn Tịnh Độ có thời gian lâu dài đáng kể. Họ theo truyền thống Trung Hoa cho nên rất gần gũi với Phật Giáo Việt Nam.

Cách đây chừng 15 năm; nghĩa là từ năm 1995, 1996 các thanh niên được sinh ra và lớn lên tại Đức đọc kinh tiếng Việt Hán hay Hán Việt không hiểu. May sao có một người Đức tên là Dr. Günzel, học Phân khoa Phật Học tại Đại Học Göttingen có làm một luận án Tiến Sĩ về quyển Thiền Môn Nhựt Tụng từ chữ Hán dịch ra tiếng Đức. Thầy Hạnh Hảo, đệ tử người Đức xuất gia với tôi thuở ấy, liên lạc được với ông nầy và xin phép để in thành song ngữ Việt Đức nghi thức nầy để cho những thế hệ trẻ bớt bỡ ngỡ khi đi đến Chùa tham gia những thời khóa tụng. Từ thời kinh Lăng Nghiêm buổi sáng cho đến kinh Di Đà, Hồng Danh, Mông Sơn Thí Thực buổi chiều được dịch ra tiếng Đức và hầu như 99% đúng tiêu chuẩn của bản kinh xưa khi tôi đem ra đối chiếu lại.

Thiền Môn Nhựt Tụng hay Nhị Thời khóa tụng là một cuốn kinh tại Trung Hoa, Chư Tổ đã soạn cho người xuất gia và tại gia hành trì hằng ngày. Sau đó được truyền vào Việt Nam và Đài Loan. Đây là kinh điển được soạn lại theo pháp môn Tịnh Độ. Trong đó còn các kinh khác như: Dược Sư, Vu Lan, Kim Cang, Báo Ân Phụ Mẫu v.v… tất cả những kinh nầy hầu như đã được dịch sang tiếng Đức.

Do vậy ở đây tôi có thể tạm kết luận rằng: Về phương diện nghiên cứu, dịch thuật, học thuật thì người Đức nói riêng, người Âu Mỹ nói chung là quá tuyệt vời. Họ có trách nhiệm tuyệt đối với tác phẩm dịch của họ. Ví dụ như muốn dịch ra tiếng Đức từ ngôn ngữ Pali, Sanskrit, Nhựt, Hán, Việt v.v… họ đến tận những nước ấy học hỏi hay học tại các Đại Học Đức và họ dịch trực tiếp sang tiếng Đức chứ không qua một trung gian ngôn ngữ nào cả. Đây là việc làm đáng tin cậy ở xứ Đức nầy. Về phương diện tu học và hành trì dĩ nhiên là rất khó định nghĩa. Vì hơn 30 năm qua tôi quan sát bao nhiêu người Đức đến xuất gia với Chùa Viên Giác, tu theo pháp môn Tịnh Độ; nhưng họ không thể tu hơn 15 năm với tư cách là một Tăng Sĩ; mặc dầu họ rất rành tiếng Việt như Thiện Nam, Hạnh Hảo, Đồng Hòa v.v… Cái khó của người Đức không phải chỉ riêng với truyền thống của Phật Giáo Việt Nam, mà ngay cả những truyền thống Phật Giáo khác nữa. Ví dụ như Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng tại Hamburg khi Ngài Geshe Thubten Ngawang đến Đức từ năm 1977, cùng thời với tôi, và Ngài ấy đã viên tịch cách đây 10 năm về trước; Ngài là người đã rất thành công cho việc truyền thừa Phật Giáo Tây Tạng vào Đức lúc ban đầu. Tuy Ngài không rành tiếng Anh và tiếng Đức mấy; nhưng nhờ người Đức tận tâm học tiếng Tây Tạng để dịch những bản kinh văn thẳng qua tiếng Đức. Có 2 đệ tử nam người Đức rất giỏi là Christop và Oliver; mỗi người tu tại Trung Tâm nầy trên 10 năm; nhưng cuối cùng vẫn trở lại đời thường. Không biết đời sống xuất gia có cái gì đó rất khó khăn với người Tây Phương. Tôi vẫn không rõ hết. Có lẽ họ khó khăn về giới luật, chuyện ăn uống, chuyện đời thường chăng? Vì ở đây họ quen tự do rồi. Thế nhưng những người nữ Đức xuất gia thì tương đối bền hơn. Ví dụ như Sư Cô Carola bây giờ là Tiến Sĩ Phật Học, đệ tử của Ngài Geshe Tubten Ngawang, đang dạy tiếng Tây Tạng tại Đại Học Hamburg và Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng ở Schneverdingen cũng chỉ toàn là chư Ni Đức coi sóc, chứ hầu như không có một Tăng Sĩ người Đức nào xuất gia gần đây tại Trung Tâm nầy.

Tại Hannover có một người nữ tu Đức y chỉ với tôi mấy năm nay. Sư Cô nầy tu theo Thiền Tào Động Nhật Bản; nhưng khi thọ giới Tỳ Kheo Ni thì nương theo luật Tứ phần. Sư Cô đã dịch luật Tỳ Kheo Ni từ tiếng Anh sang tiếng Đức và Cô cũng viết nhiều sách tiếng Đức nổi tiếng về Thiền. Tên Sư Cô là Dagma Wasskönig. Hiện tại những vị Ni nầy đang lãnh đạo Hội DBO của người xuất gia như có lần tôi đã giới thiệu ở trên.

Năm 1980 Thượng Tọa Seelawansa người Tích Lan đến Áo du học. Sau đó Ngài đậu Tiến Sĩ tại Đại Học Wien và trong hiện tại Ngài đang dạy Phật Học cho các Sinh viên Áo tại Đại Học nầy. Suốt trong mấy chục năm qua tôi đã quen biết với Thượng Tọa và được biết rằng: Từ đó đến nay cũng chẳng có người Áo nào xuất gia cả. Thượng Tọa cũng có bảo lãnh 5, 7 Thầy từ Tích Lan qua; nhưng chẳng ai ở nổi tại Áo; cuối cùng lại về nước hoặc ra đời. Có lẽ tại Âu Châu lạnh quá, khí hậu không thích hợp, ngôn ngữ khó khăn, không có Phật Tử thuần thành v.v… Đó có lẽ là lý do chính.

Riêng bản thân chúng tôi từ năm 1982 đến năm 2003 đúng 22 năm như thế, tôi đã độ cho 45 người xuất gia kể cả Việt và Đức. Sau một thời gian dài tu học như vậy đã có 4 Sư Cô viên tịch trong khi vẫn còn tu. Có 8 Thầy, Chú ra đời. Số còn lại 33 người cả nam lẫn nữ đương trụ trì các chùa các nơi; hoặc giả đang hành đạo các chốn khác, tương đối là một thành quả lớn. Vì lẽ người xuất gia bây giờ hiếm lắm; hiếm nhất là những người phát tâm dõng mãnh để tiếp tục đi cho hết cuộc đời còn lại của mình.

Bởi vì cuộc sống nầy có rất nhiều cám dỗ và quá tự do ở nhiều phương diện; nếu người nào không biết tự làm chủ mình, sẽ bị bánh xe thời gian sẽ vô tình nghiền nát chí nguyện xuất trần thượng sĩ lúc ban đầu; mặc dầu biết rằng khi trở về lại với cuộc sống thế tục cũng không phải là lối thoát đúng nghĩa; nhưng biết nói sao hơn, nhân duyên là vậy. Có duyên thì còn gắn bó với Chùa; không duyên thì làm một Cư sĩ. Rồi áo cơm, chồng vợ; rồi con cái, nghiệp duyên… Con đường mòn của sanh tử đã sẵn lối; chẳng chừa một ai cả. Đến khi về già trở lại cô đơn, nuối tiếc vì đã quá vụng về khi quyết định cho một chuyện quan trọng của đời mình. (Xem thêm phần Ngài Thân Loan bên trên).

Tóm lại việc Phật Pháp được truyền sang Âu Mỹ là một việc tốt đẹp. Vì lâu nay họ chỉ thấm thuần có một vị thuốc khi đau ốm bệnh tật, trị bằng thuốc Optalidon; nhưng bây giờ có thêm thuốc Aspirin là loại giải cảm mới qua tinh thần giáo lý giải thoát của Đạo Phật, họ uống vào cũng có thể chữa được thân bịnh. Tuy nhiên phải thành thật mà nói rằng: Giáo lý ấy mới chỉ thích hợp với người Cư sĩ tại gia về Thiền cũng như Tịnh hay Kim Cang Thừa. Còn con đường cho người xuất gia đối với người Tây Phương chắc phải cần thời gian năm tháng lâu dài hơn thế nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]