Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11. Ân Tam bảo

06/08/201100:22(Xem: 3547)
11. Ân Tam bảo

HAI CHỮ MẸ CHA
Chân Hiền Tâm
Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh 2007

ÂN TAM BẢO

Này thiện nam tử! Ân Tam Bảo, không thể nghĩ bàn. Lợi lạc chúng sanh không hề thôi dứt. Nói sơ vì sao phải biết ân Tam bảo.

Thân của chư Phật chân thiện vô lậu, do vô số kiếp tu nhân chứng được. Nghiệp quả ở tam giới đoạn hẳn không còn. Công đức của chư Phật, núi báu nguy nga không thể sánh, tất cả hữu tình không thể biết. Phúc đức sâu mầu giống như biển cả. Trí tuệ vô ngại đồng với hư không. Thần thông biến hóa đầy khắp thế gian. Quang minh chiếu khắp mười phương thế giới.Đây là nói về thân tướng, công đức, trí tuệ và diệu dụng của Phật bảo, khiến chúng sanh được lợi ích.

Tất cả chúng sanh, phiền não nghiệp chướng đều không giác biết, chìm trong bể khổ, sống chết không cùng. Tam bảo ra đời, làm đại thuyền sư hay phá dòng ái siêu thăng bờ kia. Những người có trí thảy đều chiêm ngưỡng.

BỜ KIA là chỉ cho bờ niết bàn. Nói bờ này, bờ kia nhưng thật không ngoài tâm này. Tâm DÍNH MẮC là biển sanh tử. Tâm KHÔNG DÍCH MẮC là bờ niết bàn. Mọi phương tiện cầu cúng, lễ lạy, sám hối, thiền định v.v… chỉ là những phương tiện tạm thời, cốt giúp chúng sanh đủ trí tuệ, nhận ra tâm vô trụ sẵn đủ nơi mình. Sống được với tâm không dính mắc đó, chính là đến bờ kia. Không có một cõi niết bàn nào khác để ta tới lui như từ Lâm Đồng xuống Nha trang. Thấy đến, đi, ra, vào … chỉ là vọng thấy, như ngủ rồi mộng. Tất cả không ngoài tự tâm của chính mình.

Thứ mà gần như ở đời ít ai tránh khỏi là ái dục, được thể hiện bằng hai từ rất nên thơ “Tình yêu”. Nó là thứ đem lại cho con người nhiều lạc thú, nhưng con người vật vã khổ đau vì nó không ít. Nếu bạn có tình cảm trong lòng, tức sự dính mắc đã xuất hiện, thì một lời thương yêu hay một nụ cười của người bạn yêu, sẽ làm bạn đau khổ không ít khi nó không dành cho bạn mà cho một người khác. Nếu tình cảm của bạn chỉ là loại tình thương bình thường, mang dấu ấn từ bi hơn ái dục, tức không có sự dính mắc, thì mọi thứ … vô tư. Khổ đau và niết bàn đều do tâm dính mắc hay không dính mắc mà ra. Thành Tổ Long Thọ nói “Thế gian cùng niết bàn không hào ly phân biệt …”

ÁI, không phải chỉ có ái dục, mà còn chỉ chung cho tất cả mọi sự yêu thích. Phật nói “Có ái sinh lo, có ái sinh sợ”. Lo và sợ là hai thứ khiến mình khổ não không ít. Ái tiền thì vất vả lao nhọc, ái dục quá độ thì sinh bệnh v.v… Ái cũng là cái nhân khiến mình dễ gây tội lỗi vô vàn. Vì thế dứt ÁI, tức chuyển ÁI thành BI, thì sanh tử chính là niết bàn.

NGƯỜI CÓ TRÍ, trong đạo là chỉ cho hàng có thể hiểu được, hành được những gì đức Phật đã nói, ngoài đời là chỉ cho hàng có tri thức, thấy được giá trị thiết thực của đạo Phật. Einstein, ông tổ của ngành vật lý hiện đại từng nói về đạo Phật như sau “Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Tôn giáo này siêu việt khỏi một đấng thiêng liêng, tránh hết mọi giáo điều và thần học. Vì bao trùm cả thiên nhiên lẫn tâm linh, tôn giáo này phải được đặt nền tảng trên một ý niệm đạo giáo phát sinh từ những thực nghiệm của mọi sự vật thiên nhiên và tâm linh, như là một sự hợp nhất đầy ý nghĩa. Đạo Phật đáp ứng được điều đó”. Đó là một trong các cách mà đây gọi là CHIÊM NGƯỠNG.

1 Phật bảo

Này thiện nam tử! Chỉ một Phật bảo, đủ 3 loại thân :

1. Tự tánh thân : Có đại đoạn đức. Hai không đã hiển. Tất cả chư Phật thảy đều bình đẳng. Tự tánh thân này vô thủy vô chung, ly tất cả tướng, tuyệt các hí luận, không thiếu khuyết, vô biên, ngưng nhiên, thường trụ.Đây là nói về pháp thân mà Phật và chúng sanh đồng có, là nói về mặt thể tánh của chúng sanh. Tánh KHÔNG mà mỗi chúng sanh đang sở hữu, chính là TỰ TÁNH THÂN này.

ĐẠI ĐOẠN ĐỨC, là cái đức có được do đoạn hết hai chướng phiền não và sở tri. Vì đoạn đến tận cùng các vi tế nhiễm ô, nên nói ĐẠI ĐOẠN.

HAI KHÔNG là ngã không và pháp không. Ngã không là do đoạn phiền não chướng mà có. Pháp không là do đoạn sở tri chướng mà ra.

2. Tự thọ dụng thân : Có đại trí đức, chân thường, vô lậu. Tất cả chư Phật thảy đều đồng Ý. Có hai tướng : Một là tự thọ dụng. Hai là tha thọ dụng. Phần này là diệu dụng của chư Phật, là khả năng mà chư Phật có được. Mình cũng có khả năng đó, nhưng vì bị hai chướng phiền não và sở tri che lấp mà không sử dụng được. Như người giàu đang bị cầm trói trong NGHIỆP TẬP CHÚNG SINH, nên tuy đầy đủ diệu dụng châu báu mà chịu, không dùng gì được cho bản thân, cũng không dùng được cho người khác. Sau là nói về hai tướng Thọ dụng thân.

a. Tự thọ dụng : Ba a tăng kỳ kiếp tu vạn hạnh, lợi ích an lạc cho chúng hữu tình xong, mãn tâm Thập địa, chuyển thân trụ ở cõi trời Sắc cứu cánh, vượt ngoài tam giới, ngồi nơi vô lượng vô số đại bảo liên hoa ở quốc độ tịnh diệu. Có vô số Bồ tát hải hội vây quanh trước sau[12] … Đây là nói về quá trình tu hành để có thân tự thọ dụng. Thân này chỉ cho khả năng tự mình thọ dụng của báu nhà mình, nên gọi là TỰ THỌ DỤNG.

b. Tha thọ dụng thân : Đầy đủ 84000 tướng hảo, ở nơi tịnh độ thuyết pháp Nhất thừa, khiến các Bồ tát thọ dụng Đại thừa pháp lạc vi diệu. Tất cả Như Lai vì giáo hóa hàng Bồ tát Thập địa mà hiện ra 10 loại Tha thọ dụng thân: Thân này để làm lợi ích cho chúng sanh. Thân này có thể biến hiện ra thành 10 thân, giáo hóa 10 loại Bồ tát thuộc Thập địa. Như vậy, thọ dụng thân này chính là BÁO THÂN, chỉ có tâm thức của hàng Bồ tát Thập địa mới cảm được.

NHẤT THỪA là thừa cao nhất trong các thừa. Giáo Nhất thừa nói về cảnh giới Hoa Nghiêm sự sự vô ngại. Sau là kể ra 10 loại thân, ứng cho 10 địa của Bồ tát. Đây lược bớt, chỉ nêu ra hai Địa.

. Phật thân thứ nhất ngồi ở liên hoa trăm cánh, vì Bồ tát Sơ địa thuyết trăm pháp minh môn. Bồ tát đó ngộ rồi, khởi đại thần thông, biến hóa đầy khắp trăm thế giới Phật, lợi ích an lạc vô số chúng sanh.

. Phật thân thứ hai, ngồi ở liên hoa ngàn cánh vì hàng Bồ tát Nhị địa thuyết ngàn pháp minh môn. Bồ tát đó ngộ rồi, khởi đại thần thông, biến hóa đầy khắp ngàn thế giới Phật, lợi ích an lạc vô số chúng sanh.

Cứ vậy lên đến Bồ tát Thập địa, có số cánh liên hoa và số pháp môn không thể nghĩ bàn, nên việc giáo hóa của hàng Bồ tát Thập địa cũng khó nghĩ bàn.

3. Biến hóa thân : Có đại nhân đức, định thông biến hóa. Tất cả chư Phật thảy đều đồng Sự ... Đây là thân thứ ba, gọi là hóa thân, tùy cảm với chúng sanh mà ứng hiện, như Phật với 32 tướng tốt hóa hiện độ hàng Thanh văn, cư sĩ. ĐỒNG SỰ là chư Phật ứng hiện cùng với căn nghiệp của chúng sanh để độ họ, như với người uống rượu thì đầu thai thành người uống rượu để độ họ v.v...

Trên mỗi cánh liên hoa, có tòa kim cang dưới bồ-đề thọ vương[13] . Dưới cây bồ-đề đó, có trăm ngàn vạn không thể nói các hóa thân lớn nhỏ, phá quân ma xong, nhất thời chứng vô thượng chánh đẳng giác. Các hóa thân lớn nhỏ này, mỗi hóa thân đều đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, vì hàng Bồ tát, Nhị thừa và phàm phu mà thuyết diệu pháp thuộc Tam thừa... Phần văn kinh tiếp theo đi sâu vào việc tùy nghi mà có pháp cho hàng Bồ tát, Nhị thừa và phàm phu. Như với hàng Bồ tát thì thuyết lục độ vạn hạnh. Với Nhị thừa thì thuyết Tứ đế hay Thập nhị duyên sanh để họ thoát ly sanh già bệnh chết. Với hàng phàm phu thì thuyết giáo pháp thuộc Nhân, Thiên v.v… để họ có đời sống hiện tại được sung túc an vui. Tùy theo ý nguyện của mỗi người mà Bồ tát Thập địa ứng theo đó cho pháp. Các hóa thân lớn nhỏ như thế đều gọi là Biến hóa thân của Phật.

TRÊN MỖI CÁNH LIÊN HOA… là cảnh giới Hoa Nghiêm của mười phương chư Phật. Nó là cảnh giới đòi hỏi tâm thức phải bặt hết mọi phiền não, quan niệm, định kiến, mới thấu được. Với cái trí của mình hiện nay, cảnh giới ấy trở thành siêu hình. Chẳng qua vì cái nhìn hiện nay của mình bị hạn chế trong nghiệp thức con người, nên mình không thấy được, không phải cảnh giới ấy không có. Ngay cả những cảnh giới, vẫn còn bị ràng buộc trong một tiền đề được định trước, hay phải dựa vào những giả thuyết siêu hình của ngành Vật lý hiện đại cũng như ngành Thiên văn hiện nay, mình còn chưa thể thấy, huống là những thứ phải bặt hết dòng tâm thức mới thấy được nó. Khó mà nghĩ bàn.

Tam thân này, chỉ có hàng Bồ tát chứng được tự tâm Phật tánh mới sử dụng được. Hàng La hán không sử dụng được các loại thân này, vì chưa nhận được Phật tánh. Đây là lý do vì sao, gọi pháp Thanh văn là Tiểu thừa, còn pháp của hàng Bồ tát là Đại thừa. Phải có được vô số hóa thân như thế cùng lúc ứng hiện giáo hóa chúng sanh, mới gọi là ĐẠI, không phải chỉ với một thân này độ được vài chục ngàn người ở thế gian. Cho nên, có khi rồi một vị với thân tướng Tiểu thừa hiện nay, lại là một trong hàng ngàn hóa thân của hàng Bồ tát Thập địa.

32 thân của Quán Thế Âm chính là loại hóa thân nói đây. Tùy căn dục và trình độ của chúng sanh mà hiện hóa làm lợi ích cho họ. Hiện hóa đây không phải là nhập đồng, hay phù phép hóa hiện v.v… mà tùy loài có thân. Như độ người thì có thân người, độ La sát thì có thân La sát v.v… Kinh Lăng Nghiêm nói “Nếu có chúng sanh ưa hạnh xuất gia, giữ các giới luật, con sẽ hiện thân Tỷ kheo vì họ thuyết pháp, khiến cho thành tựu … Nếu các chúng sanh ưa thích trị nước, chia đoán ranh ấp, con sẽ vì họ hiện thân tể quan thuyết pháp khiến cho thành tựu…”. THÀNH TỰU nói đây là khơi dậy hạt giống Phật trong chính họ.

Vì cái trí mình bị hạn cuộc trong nghiệp thức con người, nên mình mới thấy đạo Phật là tiêu cực. Theo giáo Nhất thừa, thì thứ gọi là tiêu cực trong Phật pháp chỉ là bước đầu. Nhưng nhờ đó, mới có những tích cực tốt đẹp về sau. Thế giới này sẽ đi về đâu, khi con người chỉ có tri thức mà không có đạo đức đi kèm, khi con người không hiểu được qui luật nào đang chi phối thế gian này? Nếu chỉ muốn mọi thứ tích cực, một sự tích cực bị chi phối bởi lòng tham của con người, thì thế giới này chỉ là hiện thân của khổ đau, muộn phiền và tang tóc. Cái lợi không bù nổi cái hại.

Dù đang trong bất cứ hình thức nào, một Tỷ kheo, một kẻ bần cùng, hay một vị giám đốc v.v… mỗi NIỆM từ ái trong ta, chính là MỘT HÓA THÂN của Quán Thế Âm đang lưu chuyển trong thế giới chúng sanh, để tự độ mình và độ người. NIỆM NIỆM từ ái vì người, là niệm niệm đang hành Bồ tát đạo.

Này thiện nam tử! Hai loại ứng hóa thân Phật, tuy hiện diệt độ mà thân Phật này thì tương tục thường trụ.

PHẬT BẢO nói đây, tuy nói về thân Phật, nhưng cũng chính là Phật trong mỗi chúng sinh. Nếu mình tu pháp môn Tâm địa, nhiễm ô vô minh hết, thì những hóa dụng nói trên sẽ hiển lộ.

Khi ấy, 500 trưởng giả bạch Phật rằng : Bạch Thế Tôn! Như Phật đã nói, trong một Phật bảo có vô lượng hóa Phật đầy khắp pháp giới làm lợi ích an lạc cho chúng sanh, vậy vì nhân duyên gì chúng sanh ở thế gian không thấy Phật lại còn chịu các khổ não? Thắc mắc rất chí lý.

Phật nói : Thí như ánh sáng mặt trời phóng trăm ngàn ánh sáng soi sáng thế gian, nhưng người mù lại không thấy. Này thiện nam tử! Ý ông thế nào? Ánh sáng mặt trời có lỗi không?

Các trưởng giả nói : Thưa không.

Phật nói : Này các nam tử! Chư Phật Như Lai thường thuyết chánh pháp, lợi lạc cho chúng hữu tình. Nhưng chúng sanh thường tạo ác nghiệp, đều không giác biết, không tâm tàm quí, với Phật pháp không thích thân cận. Các chúng sanh như vậy, tội căn sâu nặng, trải qua vô lượng kiếp không thể nghe thấy danh tự Tam bảo. Như người mù chẳng thấy ánh sánh mặt trời.

Pháp thì thường trụ, nhưng nghe được hay không là do mình. Sách thì biếu như nhau, nhưng có người thích đọc, có người lại chê. Cùng đọc một quyển sách, nhưng người thì nhận được chỗ này, người lại nhận được chỗ khác. Đó là vì tâm thức của mỗi người mỗi khác. Mình chỉ nhận được thứ gì phù hợp với tâm thức của mình.

Một pháp Duyên khởi, nhưng tùy căn cơ mà nhận lãnh có khác nhau. Hàng Thanh văn, chỉ nhận được lý Tứ đế. Hàng Duyên giác chỉ nhận được Thập nhị duyên sanh. Hàng Bồ tát nhận được lý Tánh không-Duyên khởi. Trong phần Tánh không duyên khởi đó, tùy cấp độ tu chứng mà phần nhận hiểu lại có sai khác. Pháp bảo cũng vậy, nó vốn thường trụ, nhưng do căn nghiệp của từng người mà có người được, người không.

“Các chúng sanh như vậy tội căn sâu nặng”, là muốn nói do tội căn sâu nặng mà dù Phật thường trụ ở thế gian, vẫn không hay biết.

Nếu có chúng sanh cung kính Như Lai, ưa thích Đại thừa, tôn trọng Tam bảo, phải biết người này nghiệp chướng được tiêu trừ, phúc trí tăng trưởng, thành tựu thiện căn, chóng được thấy Phật, xa lìa sanh tử, sẽ chứng bồ đề.

Đây là cách để phúc trí của chúng ta được tăng trưởng, nghiệp chướng được tiêu trừ.

2 Pháp bảo

Này thiện nam tử! Như một Phật bảo có vô lượng Phật, Pháp bảo mà Như Lai đã thuyết cũng lại như vậy. Pháp bảo có vô lượng nghĩa. Pháp bảo có 4 loại : Giáo pháp, lý pháp, hạnh pháp và quả pháp. Tất cả vô lậu hay phá vô minh phiền não nghiệp chướng. Thanh danh cú văn gọi là giáo pháp. Các pháp hữu vô gọi là lý pháp. Giới định tuệ hạnh, gọi là hạnh pháp. Vi, vô vi quả gọi là quả pháp. 4 loại như thế gọi là Pháp bảo. Dẫn đạo chúng sanh xuất ly sanh tử đến bờ niết bàn.

Pháp bảo có vô lượng nghĩa, phân thành 4 loại :

1. Giáo pháp : Chỉ cho tất cả kinh luận tạng giáo mà Như Lai đã thuyết trong một đời. THANH là chỉ cho âm thanh ngữ ngôn. DANH là y nơi sự mà lập tên. CÚ VĂN là chỉ cho câu từ văn nghĩa. Những thứ này làm thành giáo pháp của Như Lai.

2. Lý pháp : Tất cả pháp ở thế gian, từ sự vật, hiện tượng cho đến con người v.v… đều là giáo thể, đều có thể lấy đó làm Phật sự. Như cây gậy của thiền sư Vân Môn v.v… Kinh Tịnh Danh nói “Có Phật độ lấy quanh minh của Phật làm Phật sự. Ở Phật quốc cực lạc thì chim, nước, rừng cây đều tuyên diệu pháp. Biển tánh Hoa Nghiêm thì đài mây lưới báu đồng diễn pháp âm v.v…”. Tất cả pháp ở thế gian không ra ngoài có và không, nên nói CÁC PHÁP HỮU VÔ ...

3. Hạnh pháp : Chỉ cho loại Pháp bảo nghiên về hạnh tu như giới định tuệ. GIỚI là những giới mà Phật tử phải giữ. Như 5 giới của người tại gia, 250 giới của Tỷ kheo v.v… ĐỊNH, chỉ cho sự bất động của tự tâm. Tâm không vui, buồn v.v… theo 6 trần là sắc, thanh v.v… thì ngay lúc đó ta có định. TUỆ là chỉ cho trí tuệ, bao gồm cả trí hữu sư và trí vô sư. Tùy mực độ an định của tâm mà có loại tuệ tương ưng.

4. Quả pháp : Có hai loại. Thuộc xuất thế, gọi là VÔ VI QUẢ. Như chỗ tâm chứng của hàng La-hán hoặc pháp giới tánh. Thuộc thế gian, gọi là HỮU VI QUẢ, là quả báo có được do tu 5 giới hay 10 thiện. Hành bố thí được phú quí, thì phú quí gọi là quả pháp.

Này thiện nam tử! Thầy của chư Phật chính là Pháp bảo. Vì sao? Vì ba đời chư Phật đều y theo Pháp bảo tu hành, đoạn tất cả chướng, thành tựu bồ đề, làm lợi ích cho chúng sanh tận mé vị lai. Do nhân duyên đó, ba đời Như Lai thường cúng dường Pháp bảo ba-la-mật vi diệu, hà huống là tất cả chúng sanh chưa được giải thoát mà không cung kính Pháp bảo vi diệu.

Nêu lý do vì sao phải biết ân Pháp bảo.

Này thiện nam tử! Xưa, ta từng làm nhân vương cầu pháp, vào hầm lửa lớn mà cầu chánh pháp, đoạn hẳn sanh tử, được đại bồ đề. Cho nên, Pháp bảo có thể phá trừ tất cả lao ngục giống như kim cang phá tan vạn vật.NGỤC LAO là chỉ cho nghiệp tập thói quen của chúng sanh. Chính vì những thứ đó mà mình bị trói buộc lao lư mãi trong phiền não, sanh tử. Quen ăn ớt, sẽ bị ớt trói buộc. Quen đọc kinh sẽ bị kinh trói buộc. Thứ gì thành thói quen, từ vật chất đến tinh thần, mình liền bị thứ đó trói buộc. Làm tất cả mà không bị thói quen trói buộc, chính là giải thoát.

Pháp bảo có thể soi chiếu si ám của chúng sanh như mặt trời soi chiếu thế giới. Kinh luận giúp mình khai mở những thứ mình chưa biết. Y pháp tu hành, giúp mình khai mở kho báu nhà mình.

Pháp bảo hay cứu các chúng sanh bần khổ như châu ma ni mưa xuống các báu. Chịu ứng dụng Phật pháp vào đời sống, mình sẽ thoát bần cùng và khổ não, không ở trước mắt thì tương lai. Cứ gieo nhân, đủ duyên sẽ có quả.

Pháp bảo có thể cho chúng sanh an lạc giống như thiên cổ nhạc của chư Thiên. Nghe pháp mang lại cho mình niềm an lạc. Đọc học kinh luận cũng vậy. Nhất là những kinh luận thuộc Đại thừa và Nhất thừa. Hỉ lạc không thể nghĩ bàn.

Pháp bảo làm thang báu của chư thiên, vì lắng nghe chánh pháp được sanh Thiên. Tuy nói lắng nghe, nhưng phải hành cho được những thứ đã nghe đó, mới sanh thiên.

Pháp bảo là thuyền lớn bền chắc đưa chúng sanh qua biển sanh tử đến bờ niết bàn.Không nương pháp, thì không biết đâu mà tu tập, nên nói PHÁP BẢO LÀ THUYỀN LỚN …

Pháp bảo còn như Chuyển Luân Thánh Vương, phá trừ giặc phiền não tam độc. Tam độc là tham sân si.

Pháp bảo là y phục trân diệu vì phủ che các chúng sanh không biết tàm quí.Tàm quí là không biết hổ thẹn hối hận.

Pháp bảo giống như giáp trụ kim cang, vì phá trừ tứ ma, chứng bồ đề. TỨ MA là ấm ma, phiền não ma, tử ma và thiên tử ma. BỒ ĐỀ, chỉ cho tâm chân thật của mình.

Pháp bảo giống như dao trí tuệ sắc bén, cắt đứt sanh tử lìa trói buộc.

Pháp bảo chính là xe báu Tam thừa, chuyển tải chúng sanh ra khỏi nhà lửa. NHÀ LỬA, được dùng trong kinh Pháp Hoa để chỉ cho thế gian sanh tử.

Pháp bảo giống như tất cả đèn sáng, phá trừ chỗ tối tăm của tam đồ khổ.TAM ĐỒ KHỔ, chỉ cho 3 cõi địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh.

Pháp bảo giống như cung tên giáo mác, vì trấn giữ đất nước, dẹp hết oán địch. Dẹp hết phiền não sở tri, để tâm địa được an định mà phát huệ và các dụng vi diệu.

Pháp bảo giống như đạo sư trên đường hiểm nguy, vì khéo dụ chúng sanh đạt được bảo sở. BẢO SỞ là chỉ cho bờ cuối cùng mà người tu phải đến. Chính là tự tâm chân thật của chính mình, còn gọi là Phật tánh, chân như, pháp giới tánh.

Này thiện nam tử! Ba đời Như Lai thuyết giảng diệu pháp có các việc khó nghĩ bàn như thế, nên nói ân Pháp bảo khó nghĩ bàn.

3 Tăng bảo

Này thiện nam tử! Thế gian và xuất thế gian có ba loại tăng :

1. Bồ tát tăng : Văn Thù Sư Lợi và Di Lặc … là Bồ tát tăng. Đưa ra Văn Thù và Di Lặc … nhưng không phải chỉ có chư vị mới là Bồ tát tăng. Đây là muốn nói đến hàng Tăng Ni đã chứng được căn bản trí, sống được với trí vô sư của mình. Thân tuy ở thế gian mà tâm đã xuất thế gian.

2. Thanh văn tăng : Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên … là Thanh văn tăng. Tương tự, đây chỉ cho hàng tăng chúng đã chứng thánh quả La-hán.

3. Phàm phu tăng : Những vị đã thành tựu biệt giải thoát giới, là chân thiện phàm phu, đầy đủ chánh kiến, hay vì người khác diễn thuyết, khai thị các pháp thánh đạo làm lợi lạc cho chúng hữu tình, gọi là phàm phu tăng. Dù chư vị chưa được giới định vô lậu cùng với tuệ giải thoát, nhưng nếu cúng dường cho chư vị thì vẫn được phúc vô lượng. BIỆT GIẢI THOÁT GIỚI, là chỉ cho giới mà một Tỷ kheo, Tỷ kheo ni … phải thọ khi xuất gia. Tỷ kheo, 250 giới. Tỷ kheo ni, 348 giới v.v…

ĐẦY ĐỦ CHÁNH KIẾN, là nắm vững về Nhân duyên Nhân quả, hiểu được thực tánh của thế gian.

GIỚI ĐỊNH TUỆ VÔ LẬU cùng với TUỆ GIẢI THOÁT là chỉ cho thứ mà hai loại tăng vừa nêu trên đã có.

Ba loại trên gọi là Chân thật phúc điền tăng.

PHÚC ĐIỀN là ruộng phước. Gọi là CHÂN THẬT PHÚC ĐIỀN vì những ruộng này, nếu chúng sinh gieo mạ vào đó, nhất định sẽ gặt được rất nhiều lúa thơm trong tương lai. “Ruộng phúc” Phật nói đây không phải chỉ có đầu tròn áo vuông là đủ mà phải có thêm nhiều duyên khác hỗ trợ :

. Loại ruộng I, đòi hỏi phải là hàng thánh tăng chứng được căn bản trí (Phật tánh).

. Loại ruộng II, đòi hỏi phải có thánh quả.

. Loại ruộng III, đòi hỏi phải gìn giữ giới luật cẩn mật, đầy đủ chánh kiến và cuối cùng là giảng nói chánh pháp, làm lợi ích cho chúng hữu tình.

Nếu chỉ có đầu tròn áo vuông mà không có những việc đi kèm kể trên, chưa gọi là ruộng phúc chân thật.

Lại có một loại gọi là phúc điền tăng. Đối với xá lợi Phật và hình tượng Phật cùng các pháp chế giới của tăng thánh, sanh lòng kính tin sâu đậm, tự mình không có tà kiến, khiến người cũng được như vậy, hay diễn nói chánh pháp tán thán Nhất thừa, tin sâu nhân quả, thường phát thiện nguyện, tùy chỗ phạm lỗi của mình mà sám trừ nghiệp chướng. Phải biết lực tin Tam bảo của người này hơn hẳn các ngoại đạo trăm ngàn vạn lần, cũng hơn bốn loại Chuyển Luân Thánh Vương, hà huống là các loại chúng sanh khác. Như hoa Uất kim, dù héo úa vẫn đẹp hơn loài hoa dại. Tỷ kheo chánh kiến cũng như vậy, vẫn hơn chúng sanh trăm ngàn vạn ức, dù hủy cấm giới cũng không hoại chánh kiến. Do nhân duyên này mà gọi là phúc điền tăng.

Đây kể thêm một loại ruộng có thể làm phúc điền cho chúng sanh. Điều kiện của loại ruộng này không bằng 3 loại trên. Nhưng vẫn cho ra lúa thơm.

Chánh kiến đã vững, nhưng trên sự vẫn chưa hành tốt. Tức KIẾN HOAC đã trừ mà TƯ HOAC chưa xong. Tuy vậy luôn có tâm sửa lỗi, không biện minh hay bẻ quẹo kinh, luật, luận cho phù hợp với chỗ phạm giới của mình. Đó gọi là DÙ HỦY CẤM GIỚI cũng KHÔNG HOẠI CHÁNH KIẾN.

NHẤT THỪA là thừa mà giáo chỉ nói về cảnh giới của tâm chân thật trong mỗi chúng sinh. Vị nào nói cho mình biết mình có tánh Phật, là đang nói về cái nhân để có cảnh giới Nhất thừa. Như kinh này đang nói về 3 thân 4 trí của Phật, chính là đang nói về cảnh giới Hoa Nghiêm, thuộc giáo Nhất thừa.

Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào, cúng dường hàng phúc điền tăng đó, sẽ được phúc đức không cùng tận. Cúng dường ba loại Tăng bảo chân thật trước, công đức có được cũng không khác. 4 loại Tăng bảo thánh phàm đó, làm lợi ích cho chúng hữu tình không ngưng dứt, nên nói ân Tăng bảo không thể nghĩ bàn.

Cha mẹ cho thân, nhưng chỉ có thân mà không có trí để biết về những qui luật đang chi phối cuộc sống này thì đời mình sẽ lắm khổ nạn. Có khi trở lại oán cả mẹ cha. Tam bảo là cái duyên giúp mình phát huy được loại trí tuệ đó. Tam bảo dạy ta sống phù hợp với qui luật Nhân quả đang chi phối thế giơi này, để cuộc sống của ta được an lạc sung mãn, tránh tai ương hoạn nạn. Cho nên ân Tam bảo sâu rộng vô cùng.

Lúc đó 500 trưởng giả bạch Phật : Bạch Thế tôn, chúng con ngày nay nghe Phật pháp âm, ngộ được Tam bảo rất lợi ích cho thế gian. Nhưng nay không biết vì nghĩa gì mà Phật Pháp Tăng được gọi là bảo? Nguyện Phật giải nói, hiển thị cho chúng hội cùng với tất cả hữu tình kính tin Tam bảo ở đời vị lai đoạn hẳn lưới nghi, được lòng tin bất hoại, tiến vào biển Tam bảo khó nghĩ bàn.

Hỏi về ý nghĩa của từ BẢO đi sau ba từ Phật, Pháp, Tăng. BẢO có nghĩa là báu quí. BIỂN TAM BẢO KHÓ NGHĨ BÀN, là chỉ cho Tam bảo của tự tâm. Nó là TAM THÂN trong Phật bảo, là QUẢ PHÁP VÔ VI trong Pháp bảo, là BỒ TÁT TĂNG trong Tăng bảo.

Phật nói : Lành thay, Lành thay! Các thiện nam tử hỏi Như Lai về Diệu pháp thậm thâm, cũng là làm lợi lạc cho tất cả chúng hữu tình ở đời vị lai. Giống như trân bảo đệ nhất ở thế gian có đủ 10 nghĩa trang nghiêm quốc giới, làm lợi ích cho chúng hữu tình, Phật Pháp Tăng bảo cũng như vậy. Gọi là báu quí, vì Phật Pháp Tăng có 10 nghĩa như ngọc báu.

1. Kiên cố : Như báu ma ni không ai phá hoại được. Phật Pháp Tăng bảo cũng vậy. Ngoại đạo thiên ma không thể phá hoại.Không ai phá hoại được Phật Pháp Tăng bảo. Nếu thấy Phật Pháp Tăng bị phá thì đó chỉ là mặt hình tướng tạm thời. Vì tạm thời nên nó mất rồi lại hiện. Còn Phật Pháp Tăng vốn không phải ba, chính là pháp giới tánh của tất cả pháp, từ hữu tình cho đến vô tình. Pháp giới ấy không tướng, nên không ai phá hoại được.

2. Vô cấu : Báu đẹp ở thế gian trong suốt không nhơ. Phật Pháp Tăng bảo cũng vậy. Đều xa lìa phiền não trần cấu. Trong bùn mà vẫn không không tanh mùi bùn.

3. Ban lạc : Như bình đức của chư Thiên, hay cho an lạc. Phật Pháp Tăng bảo cũng vậy, hay cho chúng sanh sự an lạc của thế gian và xuất thế gian. Sự an lạc ở thế gian, là chỉ cho hạnh phúc đời thường của con người về cả tinh thần lẫn vật chất. Sự an lạc xuất thế gian là chỉ cho tâm thái an lạc khi xuất ly phiền não và sở tri. Dù là thế gian hay xuất thế gian, nếu ta áp dụng đúng những gì Phật dạy vào đời sống bình nhật của mình, mình sẽ được cái quả an lạc. Đến với đạo mà không tìm thấy an lạc, là do mình hiểu không thấu về đạo Phật, mình không biết ứng dụng lời dạy của đức Phật vào đời sống hằng ngày của mình, chỉ chạy theo những thứ như cầu xin bói toán bên ngoài nên không đạt được sự an lạc của tự tâm.

4. Khó gặp : Như báu kiết tường hiếm có, khó gặp. Phật Pháp Tăng bảo cũng vậy, chúng sanh nghiệp chướng sâu dày, ức kiếp khó gặp.Nghiệp chướng là chỉ cho những hành động hay thói quen không tốt, khiến mình có cái quả không hay. Như nghiệp giết chó, giết heo v.v… Không nói đến nghiệp giết, chỉ cần một nghiệp uống rượu, uống nghiêng trời đổ đất là đã không muốn đến chùa. Thành gặp được Phật pháp để tu là phước báu rất lớn của con người.

5. Năng phá : Như báu như ý có thể phá bần cùng, Phật pháp Tăng bảo cũng vậy, có thể phá các bần khổ ở thế gian. “Muốn giàu có, phải biết bố thí, cúng dường v.v… dù ít hay nhiều”, là PHÁP BẢO. Pháp bảo đó do PHẬT BẢO nói, được TĂNG BẢO truyền lại. Nếu ứng dụng được như thế, mình sẽ có cái quả giàu sang. Nên nói Phật Pháp Tăng bảo hay phá bần khổ ở thế gian. Đó là mặt vật chất.

Về phần tâm linh, nếu áp dụng Phật pháp vào đời sống của mình, trí tuệ sẽ phát triển, là phá bỏ được sự nghèo nàn của tâm linh.

6.Uy đức : Như Chuyển Luân Vương có luân bảo, có thể hàng phục các oán. Phật Pháp Tăng bảo cũng vậy. Đầy đủ lục thần thông hàng phục tứ ma.Luân bảo là bánh xe báu. Chuyển Luân Thánh Vương nhờ có bánh xe báu này mà hàng phục được tứ phương.

7. Mãn nguyện : Như châu Mani, tùy tâm mong muốn của người mà mưa các báu. Phật Pháp Tăng bảo cũng vậy. Có thể khiến chúng sanh tu thiện nguyện được mãn đầy.

8.Trang nghiêm : Như châu báu trang nghiêm vương cung. Phật Pháp Tăng bảo cũng vậy. Trang nghiêm cung báu pháp vương bồ đề.

9. Tối diệu : Như diệu báu của chư thiên rất là vi diệu. Phật Pháp Tăng bảo cũng vậy. Vượt hẳn diệu báu tối thắng của thế gian.

10. Bất biến : Thí như vàng ròng vào lửa không bị biến hoại. Phật Pháp Tăng bảo cũng vậy. Bát phong ở thế gian không thể khuynh động. Phật Pháp Tăng bảo đầy đủ vô lượng thần thông biến hóa, lợi lạc hữu tình không hề ngưng dứt. Do đó, Phật pháp tăng được gọi là bảo. Bát phong là 8 thứ lợi, suy, chê, khen, khổ, lạc v.v… là những thứ khiến người đời chao đảo. Tam bảo không bị những thứ đó khuynh đảo.

Này thiện nam tử! Ta vì các ông thuyết sơ về 4 loại ân thuộc thế và xuất thế. Các ông phải biết, tu Bồ tát hạnh nên báo 4 loại ân như thế.

500 trưởng giả hỏi Phật : 4 loại ân đó rất khó báo. Phải tu hạnh gì mới báo ân được?

Phật nói : Này thiện nam tử! Để cầu bồ-đề có ba loại Ba-la-mật : Một, Bố thí ba-la-mật. Hai, Thân cận ba-la-mật. Ba, Chân thật ba-la-mật. [14]

1. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào phát tâm Vô thượng chánh giác, có thể dùng bảy báu đầy khắp Tam thiên đại thiên thế giới bố thí cho vô lượng chúng sanh bần khổ, bố thí như vậy gọi là Bố thí Ba-la-mật, không phải là Chân thật ba-la-mật. Đây là bố thí của cải ngoài thân.

2. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào phát đại bi tâm, vì cầu vô thượng chánh đẳng bồ-đề, dùng vợ con mình bố thí cho người khác tâm không lẫn tiếc, tay chân đầu tủy nảo cho đến thân mạng đều theo chỗ mong muốn của người mà bố thí, bố thí như thế gọi là Thân cận ba-la-mật, chưa gọi là Chân thật ba-la-mật.Bố thí người thân và chính bản thân mình.

3. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào phát khởi tâm vô thượng bồ-đề, trụ vô sở đắc, khuyên các chúng sanh đồng phát tâm này, dùng một bài kệ bốn câu nói về pháp chân thật, thí cho một chúng sanh, khiến họ hướng về vô thượng chánh giác, gọi là Chân thật ba-la-mật.

PHÁT KHỞI TÂM VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ, là phát tâm tu Phật và bắt đầu đọc học kinh luận và tập ngồi thiền ... Nếu không ngồi thiền thì y cứ ngay tâm mà tu như pháp tu Tâm Địa Quán đã giải thích ở phần đầu kinh, như pháp Niệm Phật mà tổ Ấn Quang đã dạy v.v… Để chi? Để đưa tâm trở về chỗ vô sở đắc. VÔ SỞ ĐẮC là không có chỗ được. Chỉ khi thể nhập được tâm chân thật của mình, mới đạt được cái vô sở đắc đó. Đây thuộc về phần tự lợi.

KHUYÊN CÁC CHÚNG SANH ĐỒNG PHÁT TÂM NÀY thuộc lợi tha. Tức làm sao để người có duyên với mình cũng phát tâm tu Phật như mình. Dùng một bài kệ 4 câu … là một trong các phương tiện mà người tu Phật dùng để khuyến hóa tha nhân. Như các bạn đọc được những gì tôi viết đây, bỗng dưng hứng khởi phát tâm “Con sẽ tu Phật và hành Bồ tát đạo, nhưng … thong thả cho con, cho con từ từ, vừa tu vừa chơi như đức Di Lặc v.v…” thì những lời viết đây, chính là một bài kệ bốn câu nói về pháp chân thật. PHÁP CHÂN THẬT là chỉ cho Phật tánh, pháp tánh, chân tâm, tâm chân như v.v…

Hai bố thí trước chưa gọi là báo ân. Tu Chân thật ba-la-mật, mới gọi là chân thật báo 4 ân. Vì sao? Vì hai thứ trước còn tâm sở đắc, thứ chân thật sau không có sở đắc. Dùng pháp chân thật thí cho một hữu tình khiến họ phát tâm vô thượng bồ đề, thì khi người ấy chứng được bồ-đề, lúc đó họ độ chúng sanh không có cùng tận, tiếp thừa hạt giống Tam bảo không để đoạn dứt. Đó mới gọi là báo ân.

Phật nêu lý do vì sao Chân thật ba-la-mật mới có thể báo ân trọn vẹn.

Này thiện nam tử! Tất cả chúng sanh trong đời vị lai, nếu nghe được phẩm Tâm Địa Quán Báo Tứ Ân này, rồi thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép … khiến kinh được lưu truyền rộng rãi, người đó sẽ được phúc trí tăng trưởng, chư thiên bảo vệ, hiện thân không tật bệnh, thọ mệnh dài lâu. Khi mệnh chung liền được vãng sanh vào nội cung của đức Di Lặc, thấy tướng bạch hào, siêu việt sanh tử. Dự vào tam hội Long Hoa, sẽ được giải thoát, tùy ý vãng sanh mười phương tịnh độ, thấy Phật nghe pháp, nhập chánh định tụ, chóng được trí tuệ chánh đẳng chánh giác của Như Lai.

Đây là Phật nói về cái quả có được khi mình chịu thọ trì, đọc tụng v.v… phẩm Báo Ân này. Tùy mức độ thực hành sâu cạn mà mình có những quả báo khác nhau, nhưng cũng loanh quanh trong những thứ Phật vừa kể trên.

ĐỌC TỤNG là đọc và tụng phẩm kinh này. Ngày nào cũng đọc tụng thì mới đủ tác dụng có những quả báo kia. Công đức nằm trên việc đọc tụng đó. Vì sao chỉ đọc tụng mà đã có công đức. Vì đó là cách mình huân tập lời Phật dạy vào tạng thức của mình. Khi nó ăn sâu vào tiềm thức của mình, một lúc nào đó nó sẽ thành quan niệm sống của mình.

THỌ TRÌ, trong đó có cả ý nghĩa đọc tụng, nhưng vì đã giải thích từ ĐỌC TỤNG, nên đây chỉ nói về việc thực hành khác. Một khi những việc kinh nói trở thành quan niệm sống của mình, nó sẽ trở thành hành tác của mình. Đó là cái nhân của thiện báo. Nếu nghe kinh mà làm theo tức thì, không cần phải chờ đọc tụng huân tập mới làm được, thì coi như thiện báo được gieo tức thì. Công đức có được, đương nhiên phải lớn hơn việc đọc tụng. Song phải nhớ, đọc tụng thọ trì chỉ mới là NHÂN. Tạo những NHÂN như thế thì chắc chắn phải có cái quả như thế. NHÂN mình gieo trong kiếp này, quả sẽ có sau khi gieo nhân. Nhưng cuộc sống của mình hiện tại là do những nghiệp nhân trước nữa. Nếu là BẤT ĐỊNH NGHIỆP thì việc thọ trì đọc tụng v.v… sẽ thay đổi được quả xấu trong hiện đời. Còn với ĐỊNH NGHIỆP thì ngay cả Phật [15]cũng không thể thay đổi. Phải nắm cho vững chỗ này, không thì khi đọc tụng thọ trì, nhỡ gặp tai ương hoạn nạn lại cho là đổ nghiệp. Đọc tụng thọ trì kinh điển không thêm phước báu thì thôi, không có chuyện đổ nghiệp. Nếu nghiệp xấu xảy ra, thì hoặc vì đó là định nghiệp, hoặc là nó đã giảm bớt so với báo nghiệp mình phải trả, hoặc là do lời nguyện trả nghiệp của mình.

BẠCH HÀO là tướng lông trắng có hào quanh giữa hai chặn mày của đức Phật.

TAM HỘI LIÊN HOA, chỉ cho việc đức Di Lặc thành đạo dưới cây Long Hoa trong vườn Hoa Lâm, mở ba kỳ pháp hội, độ cho cả ba loại chúng sanh thượng, trung và hạ căn.

CHÁNH ĐỊNH TỤ, là từ được dùng trong luận Đại Thừa Khởi Tín, chỉ cho hàng chúng sanh mà niềm tin đối với chánh pháp không còn lui sụt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]