Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Ân phụ mẫu

06/08/201100:22(Xem: 3106)
08. Ân phụ mẫu

HAI CHỮ MẸ CHA
Chân Hiền Tâm
Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh 2007

ÂN PHỤ MẪU

Này Thiện nam tử! Ân phụ mẫu là: Cha có từ ân, mẹ có bi ân. Bi ân của mẹ, nếu ở thế gian một kiếp thuyết cũng không hết. Ta nay vì ông chỉ nói ít phần. Giả như có người vì cầu phúc đức lấy chiên đàn trầm hương lập các phòng xá, dùng muôn báu trang nghiêm v.v… cung kính cúng dường cho 100 đại Bà-la-môn tu tịnh hạnh, 100 đại thần tiên có ngũ thông, 100 thiện hữu v.v… nhất tâm cúng dường như thế mãn đến ngàn kiếp, không bằng một niệm trụ tâm hiếu thuận, dùng chút sắc vật cúng dường bi mẫu, tùy thời cung phụng hầu hạ. So với công đức trước, dù có trăm ngàn vạn phần cũng không sánh được.

NHẤT TÂM, là một lòng hướng về đó.

MỘT NIỆM TRỤ TÂM HIẾU THUẬN là có tâm hiếu thuận dù chỉ một tíc tắc ngắn ngũi.

DÙ ... CŨNG KHÔNG SÁNH ĐƯỢC, thì biết cái nhiều phải thua cái ít. Tức dùng một chút phẫm vật phụng dưỡng hầu hạ cha mẹ, phước đức nhiều gấp bội so với việc dùng trân châu mã não cúng dường cho các thần thánh ngàn kiếp. Cho nên, muốn cầu phú quí phúc lộc không gì bằng thật lòng phụng dưỡng cha mẹ cho đầy đủ. Phụng dưỡng cha mẹ đầy đủ thì phúc lộc dư giả là chuyện đương nhiên.

Phần sau là nêu lý do vì sao phụng dưỡng cung kính cha mẹ lại được phúc lộc như thế.

Bi mẫu thế gian nghĩ tưởng đến con không gì sánh được. Từ lúc thọ thai cho đến mười tháng, đi đứng nằm ngồi chịu các khổ não không thể nào nói. Dù được bao thứ dục lạc, y phục, đồ ăn thức uống cũng không sinh thích. Một lòng lo lắng nghĩ tưởng đến con. Khi sắp sinh sản, phải chịu các khổ ngày đêm không dứt. Chẳng may sinh khó, như trăm ngàn dao cắt xẻ. Bằng không khổ não, người thân kẻ thuộc vui vẻ vô cùng. Như kẻ bần cùng được châu như ý. Nghe tiếng của con như nghe âm nhạc. Lòng mẹ là chỗ nghỉ ngơi. Ngực mẹ tuông suối cam lồ. Ân trưởng dưỡng che khắp trời đất. Đức thương yêu bao la khó bì. Chỗ cao ở thế gian không gì hơn núi, ân của bi mẫu vượt cả Tu di. [06] Cái trọng ở thế gian đại địa là đầu, ân của bi mẫu còn hơn cả đó.

Đây là nói về BI MẪU. Vì những việc nêu ra đó mà con cái khó đền đáp cái ân của bà.

Nếu nam nữ nào bội ân không thuận, khiến cha mẹ sinh niệm ai oán, mẹ phát lời ác con liền theo đó mà đọa, có khi rơi vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Sự mau chóng ở thế gian không gì bằng gió mạnh, biểu hiện của ai oán cũng nhanh như thế. Tất cả Như Lai cho đến tiên nhân có đủ ngũ thông v.v… đều không thể cứu.

Đây, nói về cái quả mà con cái phải chịu khi khiến cha mẹ mình sinh niệm ai oán. Phật trời không thể cứu. Thật ra, thứ gì ở đời cũng có nhân duyên. Ngày nay con cái không hiếu thuận với mình, một phần là do cái nhân mình đã gây ra trong kiếp trước, không hoàn toàn lỗi ở con cái. Nhưng hiện tại nếu nó không hiếu thuận, nó lại phải chịu cái quả của việc không hiếu thuận đó. Nhân quả trói buộc người ta theo kiểu đau khổ như vậy. Thành đã thật là bi mẫu, thương con, mình nên tỉnh giác vào những lúc thế này. Nếu con lỡ khiến mình buồn, thì biết đó là do cái nhân mình đã gây ra trong quá khứ. Cố gắng tỉnh giác, buông đi những niệm oán hận sầu khổ. Bình tâm được thì nghiệp cũ sẽ qua. Phước đức đủ rồi, dù con bất hiếu bao nhiêu, cũng sẽ trở thành ngoan hiền hiếu mực. Còn cứ để mọi thứ theo dòng nghiệp lực, giận lên là buộc miệng rủa con, thì không phải chỉ có con khổ mà mình cũng khổ lây. Vì một lời ai oán của mình, con liền đọa địa ngục v.v… Đừng nói địa ngục, chỉ cần hiện đời nó nghèo túng khốn khổ hay mắt bệnh hiểm nghèo là mình đã đủ đứt ruột không yên. Thành cần phải cẩn thận với tâm thức và khẩu nghiệp của mình.

Nhiều khi giận quá, nói cho hả giận, nhưng cái hả giận của mình có khi rút lại không kịp. Thành giận bao nhiêu cũng gắng tỉnh giác, đừng để tâm thức phát khởi. Người gặp họa mình cũng họa theo.

Có những chuyện, mình tưởng đó là bình thường, nhưng đọc kinh đọc luận rồi mới biết nó không bình thường chút nào. Song kinh luận là thứ phải đủ phước báu, mình mới nhận được. Phật nói “Gặp được kinh luận là khó”. Không đủ phước báu, không gặp được kinh luận mà đọc. Không đủ phước báu, kinh luận có tới tay, cũng không muốn đọc. Thành gặp được kinh luận để đọc, hiểu, và áp dụng vào đời sống thường nhật của mình là một phước báu rất lớn. Thành bố thí pháp là loại bố thí có công đức lớn nhất trong các loại bố thí.

Nếu nam nữ nào theo lời mẹ dạy, vâng thuận không trái, chư thiên hộ niệm phúc lạc vô biên. Nam nữ như thế là hạng trời người tôn quí. Bằng không cũng là Bồ tát vì độ chúng sanh, hiện làm nam nữ để khiến mẹ cha được nhiều lợi ích.

Thuận theo lời cha mẹ không làm cha mẹ buồn lòng sẽ được phúc lạc vô biên. Nhưng nếu cha mẹ bảo mình giết người thì sao? Theo nhân quả mà nói thì một nhân, đủ duyên sẽ cho ra một quả tương ưng. Phật đã nói có, thì cái quả từ cái nhân nghe lời ấy nhất định sẽ có. Do sự hiếu thuận, cái phúc ấy vẫn có. Nhưng bù lại, cha mẹ giết người và mình giết người lại có cái quả của việc giết người.

Một lần, có người hỏi Hòa thượng “Cha mẹ con muốn ăn cá mà phải làm khi nó còn sống. Con học đạo, biết việc đó không tốt, nhưng trái ý thì cha mẹ buồn, mang tội bất hiếu. Vậy nếu làm thì có tránh được báo nghiệp sát sanh không?”. Ở đây tôi không thể lập lại nguyên văn lời Hòa thượng đã nói, cũng không nhớ nó nằm trong cuốn băng nào để trích được nguyên văn câu trả lời, chỉ xin ghi lại ý chính mà Hòa thượng đã dạy : Nếu vì chữ hiếu thì làm cho cha mẹ ăn. Nhưng không vì cái hiếu đó, mà nghiệp quả sát sanh có thể tránh được. Có nhân rồi, đủ duyên quả vẫn xảy ra. Cho nên, đây Phật nói “Được phúc vô biên”, thì phải hiểu cái nhân NGHE LỜI đó, phải đi liền với một duyên thiện. Còn không, cái phúc ấy không thể trọn vẹn.

Cho nên, cái phước lớn nhất của con người là cha mẹ con cái đồng biết đạo và sống đạo. Có biết đạo thì mới biết cái gì nên tránh, cái gì nên làm. Có biết đạo thì mới biết khuyên cha mẹ không gieo nhân xấu. Con cái cũng không vì những đòi hỏi không đúng của cha mẹ mà phải khó xử hay lãnh những cái quả bất hạnh. Cha mẹ cũng không vì những mong muốn không đúng của mình, khiến đứa con hiếu thuận phải chịu những nghiệp quả không tốt, bản thân mình cũng bị cái quả không hay, làm đau lòng đứa con hiếu hạnh. Đây là lý do vì sao, Phật khuyên chúng ta nên cúng dường Tam bảo. Là để có cái duyên gặp được chánh pháp, hiểu và sống chân chánh, cuộc sống của mình mới hạnh phúc.

Thiện nam tử, thiện nữ nhân nào vì muốn báo ân cha mẹ, trải qua một kiếp, mỗi ngày ba thời cắt thịt của mình dâng hiến cha mẹ cũng không báo nổi cái ân một ngày. Vì sao? Vì khi còn ở trong thai, máu mẹ dưỡng nuôi các căn[07] . Khi ra khỏi thai, sữa mẹ dưỡng nuôi ngàn trăm vạn đấu. Mẹ được vị ngon trước dành cho con. Quần áo đẹp đẽ cũng lại như vậy. Xưa có nữ nhân đi đến nước khác, ôm con vượt sông Căng-già. [08] Chẳng may nước lớn, ôm con lội sông không được. Vì niệm thương con không bỏ, cả hai cùng chết. Do lực thiện căn của từ tâm đó, bà được sinh lên cõi Sắc Cứu Cánh làm Đại Phạm Vương. Từ các nhân duyên trên, bi mẫu có được 10 đức :

1. Như đại địa : Khi còn trong thai, bụng mẹ là chỗ y tựa cho con, dưỡng con như đất dưỡng cây.

2. Trải qua các khổ mà vẫn sinh nở.

3. Thường dùng tay mẹ chỉnh lý ngũ căn.

4. Tùy thời trưỡng dưỡng con cái :Hạ thì làm mát, lạnh thì mặc ấm, đau thì nuôi cháo v.v…

5. Khéo nhờ phương tiện mà sinh trí tuệ: Trí tuệ phát sinh từ kinh nghiệm đối với con cái. Biết lúc nào cần nhẹ nhàng, lúc nào cần nghiêm khắc v.v… khiến con được nên người.

6. Dùng anh lạc trang sức cho con: Xưa, ở Ấn Độ, không kể là nam hay nữ, nếu đủ khả năng, đều dùng chuỗi anh lạc trang sức cho mình. Muốn nói mẹ hay dùng mọi thứ đẹp tốt trang sức cho con .

7. Lòng mẹ là chỗ nghỉ ngơi an ổn : Mẹ là chỗ che chở khi con còn nhỏ, là chỗ dựa tinh thần khi con đã lớn.

8. Khéo dùng phương tiện dẫn dạy con thơ: Dạy con hiếu nghĩa, đạo đức làm người v.v…

9. Dùng lời thiện xả bỏ các ác: Khuyên răn nhắc nhở con trẻ tránh xa các ác nghiệp. Thường những đứa trẻ có những suy nghĩ và hành động hàm hồ như người lớn trong rất dễ thương. 6 tuổi, nhưng con bé có những cử chỉ và lời nói như bà chủ đầy uy quyền khi nói huyện với chị bếp. Trông thật ngộ nghĩnh đáng yêu. Nhưng mỗi lần con trẻ có những hành động như thế, mà mình vui cười tán thưởng, là mình đang để con trẻ phát triển một nhân bất thiện. Cũng như khi thấy con trẻ dí chết một con kiến hay bẻ cánh con gà một cách thích thú, mà mình không ngăn cản, không giải thích, là mình đang giúp cho nghiệp sát ở con trẻ lớn dần.

10. Giao phó gia nghiệp cho con.

Trên, Phật kể ra 10 đức mà mọi BI MẪU đều có. Được 10 đức này chính là BI MẪU. Gọi là đức vì 10 việc này thuộc thiện nghiệp, đưa đến quả báo lành. Thường thì nhân cách của một đứa con liên quan đến mẹ nhiều hơn cha, vì sự chăm sóc, gần gũi … nên Phật nêu mẹ có 10 đức. Nếu cha là người săn sóc lo lắng cho con, thì ân đức đó dành cho cha. Hoặc không riêng vị nào.

Này thiện nam tử! Ở thế gian, thứ gì giàu nhất? Thứ gì nghèo nhất? Bi mẫu còn, là giàu nhất. Bi mẫu không còn, là nghèo nhất. Bi mẫu còn, là trời giữa trưa. Bi mẫu mất, là trời tắt nắng. Bi mẫu còn, là đêm trăng sáng. Bi mẫu mất, là đêm không trăng. Cho nên, các ông cần tăng tu hành, hiếu dưỡng mẹ cha. Phúc đức đó không khác người cúng dường Phật. Phải biết báo ân cha mẹ như vậy.

Ca dao thường nói :
Còn cha gót đỏ như son
Đến khi cha chết gót con như bùn

Cha nếu là trụ cột vững chắc của gia đình thì khi ông mất, mới thấy cái son hóa bùn này thế nào. Khi cha mất, tôi 12 tuổi. Ngoài những đêm nằm canh quan tài, ruột quặn lên quặn xuống không có lý do, tôi không thấy có gì để buồn hay đáng khóc. Nhưng cậu em 10 tuổi thì khác, nó hình dung “Bà Tiên! cuộc đời mình từ nay khác rồi”. Đúng là mọi thứ đổi khác rất nhiều dù mẹ cố còng lưng lo đủ cho con, để mọi thứ vẫn y nguyên. Nhưng không thể y nguyên, khi quyền lực và tiền bạc là thứ gắn liền với cha. Cha đi nó cũng theo.

Mẹ còn, dù mình lớn bao nhiêu, giấc ăn miếng ngủ, mẹ cũng lo. Mẹ mất, mọi thứ trở thành trơ trụi. Muốn sắm một cái áo, muốn mua một thỏi son … cũng không còn ai để mua ...

Cho nên, từ phụ và bi mẫu còn, là phước đức rất lớn của con cái.

Cúng dường phụng dưỡng mẹ cha, phước ngang bằng với việc cúng dường đức Phật. Cho nên, những ai đối với cha mẹ hiếu nghĩa vuông tròn, sẽ luôn được giàu sang phú quí, phúc lộc vun đầy. Chưa giàu sang phú quí, chẳng qua vì còn bị những nghiệp quả trong quá khứ chi phối. Nghiệp quả đó trả xong, nhất định sẽ giàu sang phú quí.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567