Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần I

18/07/201101:02(Xem: 3869)
Phần I

Thần tăng Thiên Trúc
Việt dịch: Thích Hằng Đạt


Phần I


1. Tôn giả Nhiếp Ma Đằng (Kasyapa-Matanga, Ca Diếp Ma Đằng)
2. Tôn giả Trúc Pháp Lan (Dharmaraksa)
3. Ngài An Thế Cao (Parthamasiris)
Ý nghĩa của kinh An Ban Thủ Ý.
4. Ngài Chi Lâu Ca Sấm (Lokaraksa), nhà dịch giả kinh điển Đại Thừa
5. Ngài Đàm Kha Ca La (Dharmakala)
6. Ngài Khương Tăng Khải
7. Ngài Đàm Đế hay Đàm Vô Đế (Dharmasatya)
8. Ngài Khương Tăng Hội
9. Chi Cương Lương Tiếp
10. Ma Ha Kỳ Vực (Mahajivaka)
11. Chi Khiêm
12. Ngài Duy Đề Nan (Vighna)
13. Ngài Bạch Thi Lê Mật Đa La (Srimitra)
14. Ngài Trúc Pháp Hộ


1. Tôn giả Nhiếp Ma Đằng (Kasyapa-Matanga, Ca Diếp Ma Đằng)


Tôn Giả vốn là người trung Thiên Trúc (trung Ấn Độ). Đối với cử chỉ thần thái hằng ngày, tùy thời mà lộ vẻ xuất thần, với cung cách cao quý hòa nhã. Đối với kinh điển Đại Thừa và Tiểu Thừa, Tôn Giả đều thường quán thông dung hội triệt để. Chí nguyện suốt đời là thích đi chu du các nước để hóa độ dân chúng.


Lần nọ, đang giảng kinh Kim Quang Minh tại một tiểu quốc ở Thiên Trúc, chợt có quân của nước ngoài xâm lăng tiến vào cung thành, nên Tôn Giả phải ngừng giảng kinh. Tôn Giả suy nghĩ: ỀKinh thường dạy rằng nếu thường giảng giải kinh điển Phật pháp, thì sẽ được địa thần bảo hộ, và khiến nơi cư trú đều được an lạc. Hiện tại, chiến tranh đang bộc phát. Thế thì có tương phản với việc ở trên không ?


Suy nghĩ xong, Tôn Giả quên cả sự hiểm nguy, tự thân mau chóng đến hai nước, kêu gọi họ bỏ vũ khí và ngưng đánh nhau. Do oai đức của Tôn Giả, cuối cùng hai nước đều bỏ qua sự hiềm khích, và bắt tay giảng hòa. Nhờ vậy mà danh của Tôn Giả vang xa.


Hán Minh Đế (58-75), trong niên hiệu Vĩnh Bình, vào một đêm nọ, mộng thấy một điềm lạ kỳ. Trong giấc mộng, ông thấy một vị thân vàng, cao hơn một trượng sáu, lưng phóng ánh sáng mặt trời mặt trăng, bay trên không trung, đến trước cung điện. Hôm sau, Hán Minh Đế hội tất cả quần thần để bàn đoán mộng đó, xem coi có ý nghĩa gì. Thái sử Phó Nghị bốc chiêm tinh rồi tấu trình:


- Thời Chu Chiêu Vương, thời tiết có khí tượng lạ kỳ, xuất hiện những tia sáng năm màu xoay vần trên sao Thái Vi. Đương thời quan thái sử Tô Do phụng tấu: "Nhất định có thánh nhân giáng sanh tại phương tây, nên mới xuất hiện điềm cảm ứng tốt lành trên trời như vầy. Một ngàn năm sau, giáo pháp của vị thánh nhân đó sẽ được truyền sang Trung Thổ".


Nghe như thế, Chu Chiêu Vương lập tức hạ lệnh khắc việc này trên đá, để làm bia truyền mãi mãi. Giấc mộng đêm hôm qua của Điện Hạ, nếu tính theo thời gian, thì hiển nhiên có sự liên quan mật thiết. Hiện tại, Thần lại nghe rằng ở Tây Vức có đức Phật. Điện Hạ mộng thấy người vàng, thì nhất định đó là đức Phật vậy.


Nghe qua lời này, Hán Minh Đế bèn sai đoàn sứ giả mười tám người như quan Lang Trung, Tần Cảnh, Thái Hâm, Bác Sĩ, Vương Tuân v.v... do Đậu Cố (cháu ngoại của Đậu Dung, đệ nhất công thần kiến quốc của nhà Hậu Hán) dẫn đầu qua nước Đại Nhục Chi ở Thiên Trúc, để tầm cầu Phật pháp. Trên đường cầu pháp, gặp được Tôn Giả, họ bèn thỉnh cầu qua Trung Thổ hoằng hóa. Tôn Giả vốn có đại nguyện hoằng pháp, nên chấp thuận lời thỉnh cầu. Trải qua bao gian nan hiểm trở trên đường lộ, cuối cùng Tôn Giả cùng với đoàn sứ giả đồng dùng ngựa trắng chở kinh, đi đến Lạc Dương. Nhân đó, nhà vua cho lập chùa Bạch Mã tại Lạc Thành, phía tây Ủng Quan, để làm nơi cư trú cho Tôn Giả. Trung Thổ có tăng sĩ khởi đầu từ đó.


Truyện Cao Tăng ghi rằng ngôi chùa này vốn tên là Chiêu Đề, sau đổi thành Bạch Mã:


- Tương truyền có một quốc vương ngoại quốc tên là Khải Vương thường đem quân đến phá các ngôi chùa, nhưng chỉ có chùa Chiêu Đề là chưa bị phá hoại. Đêm nọ, có một con ngựa trắng đi nhiễu quanh tháp của chùa mà kêu rống bi ai. Nghe tiếng này, Khải Vương bèn ngưng hủy phá các chùa chiền, nên từ đó đổi tên chùa Chiêu Đề thành chùa Bạch Mã. Việc lập danh của các ngôi chùa, thường dựa theo phép tắc của những điềm lành.


Trên đây nói về các quốc vương ngoại quốc, đó chính là các quốc vương Ngũ Hồ làm loạn Trung Nguyên, nhưng danh tánh khó mà biết chính xác. (Pháp Bổn Nội Truyện có kể đến chùa Bạch Mã và Hưng Thánh).


Hán Pháp Bổn Nội Truyện ghi rằng sau khi tôn giả Ca Diếp Ma Đằng đến Lạc Dương, các đạo sĩ ở mười tám ngọn núi tại Ngũ Nhạc dâng sớ lên vua Hán Minh Đế, vào mồng một tháng giêng, niên hiệu Vĩnh Bình thứ 14. Họ muốn cùng tăng sĩ Phật giáo tranh tài lý luận và pháp thuật. Hán Minh Đế bèn sai quan Tống Tường, truyền dụ cho tăng sĩ Phật giáo và đạo sĩ Đạo giáo tranh tài pháp thuật tại chùa Bạch Mã. Trử Thiện Tín ở Nam Nhạc, Lưu Chánh Niệm ở Hoa Nhạc, Hoàn Văn Độ ở Hằng Nhạc, Tiêu Đắc Tâm ở Đại Nhạc, Lữ Huệ Thông ở Sùng Nhạc, cùng với 690 đạo sĩ, lập ba đàn tràng ở phía ngoài chùa: Đàn phía tây, họ bày biện phù lục thư; đàn chính giữa, họ bày biện các kinh thư của hoàng lão; đàn phía đông, họ bày la liệt các thức ăn đồ vật để cầu thỉnh quỷ thần. Chư tăng Phật giáo an trí xá lợi của Phật và kinh tượng ở bên vệ đường phía tây. Sắp đặt đâu đấy xong xuôi, các đạo sĩ bèn đọc chú thuật, làm cháy đàn tràng mà không đốt được kinh điển Phật giáo. Họ càng gắng sức bao nhiêu thì lửa càng mau tắt bấy nhiêu. Xá lợi của Phật phóng năm ánh hào quang, bay vần trên không trung. Tôn giả Ca Diếp Ma Đằng bay lên hư không hiện bao thần biến. Người xem đều khâm phục. Lưu Huệ Thông và các đạo sĩ khác, cùng phụ nữ trong nội cung khoảng 230 người, đồng phát nguyện xuất gia. Triều đình bèn ra lịnh cho xây mười ngôi chùa; dùng bảy ngôi làm chùa của tăng chúng, và ba ngôi làm chùa của ni chúng. Chùa của tăng chúng được kiến lập bên ngoài thành Lạc Dương. Chùa của ni chúng được kiến lập trong thành Lạc Dương. Một số đạo sĩ ở núi Nam Nhạc, trổ hết mọi tài năng, mà pháp lực không bằng tăng sĩ Phật giáo, nên hổ thẹn phẫn uất mà chết.


Sau khi đến Trung Nguyên, tôn giả Ca Diếp Ma Đằng cùng với tôn giả Trúc Pháp Lan phiên dịch kinh Tứ Thập Nhị Chương, năm quyển kinh Phật Bổn Hạnh, bốn quyển kinh Thập Địa Đoạn Kết, hai quyển 260 giới Hợp Dị, một quyển kinh Pháp Hải Tạng, và một quyển kinh Phật Bổn Sanh. Hiện nay, chỉ có kinh Tứ Thập Nhị Chương là còn tồn tại. Các bộ kinh khác do hai tôn giả phiên dịch, đều bị thất lạc vì binh đao hỏa hoạn. Bộ kinh Tứ Thập Nhị Chương1 là quyển kinh đầu tiên nhất được hai tôn giả phiên dịch từ chữ Phạn sang chữ Tàu.


Tương truyền, sau khi dịch xong, kinh này được triều đình cho khắc vào tạng thạch thất, rồi bắt đầu được lưu truyền. Truyện Cao Tăng ghi:


- Đầu tiên, quyển kinh này được để trong thạch thất Lan Đài thứ mười bốn (Thất Lan Đài vốn là tạng cấm thư phủ của đời Hậu Hán).


Sau này, tôn giả Ca Diếp Ma Đằng thị tịch tại chùa Bạch Mã.


2. Tôn giả Trúc Pháp Lan (Dharmaraksa)


Tôn Giả cũng là người trung Thiên Trúc. Tôn Giả đọc thuộc kinh luận cả trăm ngàn chương. Trước khi sang Đông Độ, Tôn Giả đã từng được tôn sùng là bậc thầy của các học giả ở bên Thiên Trúc.


Tôn Giả vốn là pháp hữu thân thiết của tôn giả Ca Diếp Ma Đằng, nên cũng thường đi chu du các nước, hóa độ dân chúng. Sau này do đoàn sứ giả nhà Hán thỉnh cầu, Tôn Giả cùng với ngài Ca Diếp Ma Đằng sang Đông Độ2. Tuy nhiên, các học giả đương thời tại Thiên Trúc đều muốn giữ Tôn Giả ở lại. Vì có đại nguyện hoằng dương Phật pháp, nên Tôn Giả vẫn cứ đi sang Đông Độ. Sau khi đến Lạc Dương, hai tôn giả Trúc Pháp Lan và Ca Diếp Ma Đằng được Hán Minh Đế cho cư trú tại chùa Bạch Mã. Hai tôn giả cùng nhau phiên dịch các bộ kinh như đã kể bên trên. Ngoài ra, tôn giả Trúc Pháp Lan còn tự phiên dịch kinh Văn Thù Sư Lợi Tịnh Luật và kinh Ma Nghịch.


3. Ngài An Thế Cao (Parthamasiris)


Tên của Ngài vốn là An Tịnh, nhưng vì là thái tử nước An Tức (Parthian), nên người đời sau xưng danh Ngài là An Thế Cao. Đối với nước An Tức, sử nhà Tiền Hán và Hậu Hán, đời Tam Quốc, Nam Bắc triều, đã từng ghi rõ. An Tức là nước sáng lập ra quốc gia A Lỗ Tát Khải Tư (Arsakes). Vào đời Hán Minh Đế niên hiệu Vĩnh Bình thứ mười sáu (73), Ban Siêu thọ mạng làm sứ giả sang Tây Vực. Đời Hán Hòa Đế, niên hiệu Vĩnh Nguyên thứ ba (91), Ban Siêu nhậm chức Kỵ Đô Úy, thống trị ba mươi nước ở Tây Vực. Vào đời Đông Hán, niên hiệu Chương Hòa nguyên niên (87) nước An Tức triều cống sư tử cho Trung Thổ. Lại nữa, vào niên hiệu Dực Niên, quốc vương nước An Tức phái sứ giả mang lễ vật triều cống sang Trung Thổ, mở đầu cho sự giao thương giữa hai nước. Vào niên hiệu Vĩnh Nguyên thứ mười ba (101), nước An Tức lại thường mang lễ vật sang triều cống cho triều Đông Hán. Bốn mươi bảy năm sau, ngài An Thế Cao mới qua Trung Thổ.


Đối với cha mẹ, Ngài rất là hiếu thảo, nên được dân chúng tán thán ca ngợi. Thiên tánh của Ngài rất minh mẫn, lại siêng năng học hành, nên thông suốt hết các điển tích ngoại quốc, cùng bảy diệu (mặt trời, mặt trăng, tinh tú), ngũ hành, y thuật, khí tượng, thiên văn. Quán xem sắc diện của người, Ngài liền biết bịnh tình, rồi chế thuốc thang mà trị bịnh cho. Nghe thinh âm của các loài cầm thú chim chóc đều biết qua ý của chúng. Lần nọ, đang đi trên đường, chợt có một đàn chim yến bay ngang, Ngài bèn bảo với đồng bạn:


- Những con chim yến kia bảo rằng lát nữa sẽ có người mang thức ăn đến cho chúng ta.


Chốc lát sau, quả nhiên ứng nghiệm có thật. Dân chúng nghe qua việc này rất đỗi kinh ngạc và thán phục Ngài. Vì vậy, thanh danh của Ngài từ đó lan truyền và chấn động khắp các nước ở Tây Vực, cùng được các quốc vương xa gần tôn kính.


Lúc còn tại gia học Phật pháp, Ngài thường nghiêm thủ giới luật rất cẩn mật, không có chút giải đãi. Ngài thường tụ hội dân chúng lại để giảng kinh thuyết pháp. Phụ vương vừa băng hà, Ngài bèn lên ngôi. Bấy giờ, vương triều Quý Sương (Kushans, 78-320; kiến lập nước Đại Nhục Chi) liên tiếp chinh phạt các nước ở phía tây, và uy hiếp nước An Tức. Ngài An Thế Cao thấy thế sự bất an, khổ, không, vô thường, nên đối với ngôi vua, Ngài rất chán chường khổ não. Do đó, lo an táng phụ vương xong, Ngài liền nhường ngôi cho người chú, rồi xuất gia học đạo, mà không lưu luyến gì với ngai vàng, chỉ một mực tinh tấn tu hành. Năm mươi năm sau khi Ngài viên tịch, nước An Tức bị diệt vong vì quần thần tranh ngôi vị.


Xuất gia xong, Ngài duyệt xem khắp tạng kinh thư, mà trong đó đối với luận học A Tỳ Đàm rất được tâm đắc. Ngài thường tụng trì thiền kinh nên hằng đạt được những sự vi diệu. Vì muốn hoằng dương Phật pháp, Ngài đi khắp các nước, nên rất thông thạo ngôn ngữ của các nước đó. Tạ Phu đời Tấn có viết: "Cao Tông bác thù tục, thiện chúng quốc chi âm", nghĩa là ngài An Thế Cao hiểu rõ phong tục khác nhau của mỗi nước và thông thạo âm thanh ngôn ngữ của các nước đó. Trước khi qua Trung Thổ, lúc còn ở tại nước An Tức, cho đến khi tới Tây Vực, Ngài đã từng tinh thông tiếng Tàu. Đến đời Hán Hoàn Đế (147-167), vào khoảng năm ba mươi tuổi, Ngài qua Đông Độ tới đất Trường An. Với tài năng cao tuyệt, cơ ngộ mẫn tiệp, nên chỉ xem qua một lần về điều gì, Ngài liền liễu giải. Đến nơi, Ngài bắt tay ngay vào việc hoằng dương Phật pháp, và phiên dịch rất nhiều kinh điển, như kinh An Ban Thủ Ý, Âm Trì Nhập, Đại Thập Nhị Môn, Tiểu Thập Nhị Môn, v.v...


Xưa kia, có một vị tam tạng pháp sư, người Thiên Trúc, tên là Tố Chúng Hộ, đã từng soạn viết yếu nghĩa kinh tích thành hai mươi bảy chương. Ngài An Thế Cao căn cứ bộ trước tác đó, tuyển chọn ra bảy chương rồi dịch sang chữ Tàu, tức là bộ kinh 'Đạo Địa' ngày nay. Tổng cộng, Ngài phiên dịch được hơn ba mươi bộ kinh. Tất cả nghĩa lý đều rõ ràng trong sáng, và văn tự rất chính xác. Lời văn tuy không hoa mỹ, nhưng thể chất không thô sơ.


Ngài An Thế Cao thường kể về nghiệp duyên tiền kiếp thần dị của mình mà người khác không thể hiểu nổi. Ngài kể rằng tiền kiếp của Ngài cũng là người xuất gia. Đương thời, Ngài có một người bạn đồng tu, tánh tình rất nóng nảy. Lúc gặp thí chủ nào làm không vừa ý thì bèn nổi tâm sân hận. Đã bao lần Ngài thường khuyên nhủ, nhưng tánh tình của vị tăng đó vẫn y nguyên. Hơn hai mươi năm sau, ngài An Thế Cao (thứ I) từ biệt vị tăng đó rồi nói:


- Tôi phải qua Quảng Châu để đền trả món nợ trong đời tiền kiếp. Thầy hiểu thâm sâu về kinh luận, lại tinh cần dụng tâm. Tuy nhiên, vì tánh tình của Thầy nhiều sân hận, nên sau khi xả báo thân, sẽ bị thọ hình tướng ác quỷ. Nếu tôi chứng quả thánh thì nhất định sẽ cứu độ Thầy thoát tai ương.


Nói xong, ngài An Thế Cao bèn đi qua Quảng Châu. Đương thời, vùng đó bị nạn loạn lạc, giặc cướp nổi lên như ong. Giữa đường, Ngài gặp một thiếu niên từ xa đi tới. Gã thiếu niên đó bèn tuốt đao ra bảo:


- A ! Thầy tới đây để nạp mạng cho Ta !


Ngài bảo:


- Đời trước tôi thiếu ông một mạng, nên mới lặn lội bao dặm đường xa đến đây để đền trả. Vừa thấy tôi là ông liền khởi tâm sân hận. Đây chính là vì mối oán cừu chưa hóa giải xong !


Nói xong, Ngài an nhiên đưa đầu để bị chém, mà thần sắc chẳng chút kinh sợ. Không chút chậm trể, gã thiếu niên bèn vung đao chém đầu của Ngài. Đương thời thần thức bay qua nước An Tức, cũng đầu thai làm thái tử, tức là An Thế Cao (thứ II).


Trong đời Hán, hoạn quan tranh quyền. Giặc giã nổi lên không ngừng. Vì vậy, ngài An Thế Cao (thứ II) phải rời thành Lạc Dương, đến vùng Giang Nam để tiếp tục hoằng pháp. Ngài tự bảo:


- Trước tiên, Ta phải qua Lô Sơn, để hóa độ pháp lữ đồng học đời tiền kiếp.


Lúc đến Lô Sơn, Ngài cư trú tại am Đình Hồ. Theo ngài Huệ Viễn (334-417), trong quyển 'Lô Sơn Lược Ký' có ghi như sau: "Nơi đỉnh núi phía nam, dưới hồ Lâm Cung Đình, có một miếu thần. Dân chúng y theo danh tự của hồ mà đặt tên cho miếu thần la Cung Đình Hồ. Thần tại miếu Cung Đình Hồ, được ngài An Thế Cao cảm hóa. Sự tích vẫn còn ghi trong Tự Sơn Bắc Thiên".


Tương truyền, miếu Cung Đình Hồ rất linh dị. Các thương nhân qua lại vùng đó, trước tiên phải cầu khẩn cúng bái, thì mới được bình an vô sự. Một gã nọ, lén lên núi để chặt tre, mà không chịu qua miếu lễ bái. Thuyền chở tre của gã đó vừa ra khỏi bến sông thì bị sóng đánh lật chìm. Các thương nhân thấy vậy, nên lại càng kính thờ thần miếu.


Hôm nọ, ngài An Thế Cao theo hơn ba mươi thương nhân lên thuyền để đến miếu thần đó. Đến nơi, các thương nhân đi vào thần miếu lễ bái, còn Ngài thì ở trên thuyền. Sau khi họ dâng cúng các phẩm vật để cầu được bình an xong, thần trong miếu bèn bảo họ:


- Trên thuyền có một vị hòa thượng, vậy hãy mời vị đó đến đây.


Thương nhân nghe thế kinh hoàng, bèn vội chạy ra thỉnh Ngài vào miếu. Vừa bước vào, Ngài nghe thần nói:


- Tiền kiếp tôi đã từng cùng với Thầy xuất gia tu đạo tại Tây Vực. Tuy thường hành bố thí, nhưng tánh khí nhiều sân hận, nên mới làm thần tại miếu Cung Đình Hồ này. Chu vi miếu một ngàn dặm, đều do tôi cai quản. Vì nhờ đời trước thường tu hành hạnh bố thí, nên nay mới được thọ vô số tài vật trân bảo vô giá. Tuy nhiên, do tâm sân hận, nên thọ quả báo làm ác quỷ, có thân hình to lớn xấu xa. Mạng tôi sắp dứt. Lúc chết, thân thể sẽ tiết ra mùi hôi thúi khắp sông hồ. Vì vậy, tôi phải lên nơi khe suối ở vùng núi phía tây mà chết. Sau khi chết, sẽ bị đọa vào địa ngục thọ khổ. Xin Thầy từ bi, mang tất cả đồ vật trân bảo mà thay tôi cúng dường Tam Bảo, cùng xây cất chùa chiền, khiến đời sau của tôi được sanh lên cõi lành.


Nghe qua lời này, ngài An Thế Cao (thứ II) bảo:


- Ta vốn đến đây để hóa độ ngươi. Sao không hóa hiện nguyên hình ?


Thần đáp:


- Tôi vốn có hình dạng ác quỷ xấu xa. Nếu hiện hình thì dân chúng chắc sẽ kinh sợ !


- Chỉ việc hiện hình ra là đủ. Dân chúng không sợ hãi đâu !


Từ trong đền thờ, xuất hiện ra một con thuồng luồng to lớn, bò đến kế bên ngài An Thế Cao (thứ II). Ngài bèn thuyết pháp, và tụng thần chú bằng tiếng Phạn. Một lát sau, con thuồng luồng cảm động tuôn trào rơi lệ như mưa, rồi từ từ biến mất. Ngài bèn nhặt lấy các trân bảo, rồi cùng các thương nhân trở lên thuyền. Bấy giờ, mọi người đều thấy con thuồng luồng hiện nguyên hình trên đỉnh núi phía tây, thân dài cả mấy dặm. Vào lúc hoàng hôn, thuyền đang lướt trên sông, chợt có một thiếu niên xuất hiện, tiến đến cúi đầu đảnh lễ Ngài. Được Ngài chú nguyện ban phước lành xong, thiếu niên đó chợt biến mất. Ngài bảo các thương nhân:


- Thiếu niên kia vốn là thần miếu Cung Đình Hồ. Nay đã thoát thân ác quỷ và thăng lên cung trời.


Miếu Cung Đình Hồ từ đó không còn linh hiển nữa. Sau này, dân chúng địa phương phát hiện một xác con thuồng luồng to lớn, dài cả mấy dặm, nằm tại một khe suối về phía tây của ngọn núi Lô Sơn. Hiện nay, vùng núi đó có tên là Xà Thôn, quận Tầm Dương, ở Giang Tây.


Tháp Tự Ký ghi: "Chùa Ngõa Quan ở Đơn Dương, do sa môn Huệ Lập kiến lập vào thời Tấn Ai Đế. Sau này, sa môn An Thế Cao đem dư vật từ Cung Đình Hồ đến sửa chữa".


Đền trả một phần nghiệp báo xong, Ngài cũng đến vùng Quảng Châu, tìm đến người thiếu niên giết mình đời trước, rồi kể lại nhân duyên tiền kiếp, để xả bỏ mối oan khiên xưa, hầu mong cùng nhau kết tình thân hữu. Gặp mặt nhau, Ngài lại nói với người đó:


- Tôi cũng còn một món nợ, chưa trả xong. Hiện tại phải đến nơi đó mà đền trả.


Người đó biết Ngài chẳng phải là phàm phu, nên cung kính cúng dường. Hôm sau, Ngài và người đó ra phố, gặp lúc hai gã nọ đang cầm cây đánh nhau. Một gã nọ chợt đánh nhầm vào đầu của Ngài, khiến Ngài phải vong mạng. Mục kích hai lần nhân quả báo ứng, người đó bèn phát tâm tinh cần tu tập Phật pháp, và cũng thường kể lại câu chuyện thật này cho người khác nghe. Bất luận người nào, hể nghe qua câu chuyện này cũng đều tin sâu lý nhân quả báo ứng trong ba đời.


Thế rồi thần hồn của Ngài cũng bay trở lại làm thái tử nước An Tức, tức là An Thế Cao (thứ III). Sau khi trưởng thành, Ngài cũng xả bỏ vinh hoa phú quý (như kể ở phần trên) để xuất gia học đạo, rồi sang Trung Thổ dịch kinh.


Tiếng Phạn và tiếng Tàu rất khác biệt. Tuy nhiên, những kinh điển do Ngài dịch ra, người người đều đọc dễ dàng.


Trong tập Tam Tạng Ký, đệ tử của ngài An Thế Cao là Nghiêm Phật Điều viết bài tựa về quyển 'Sa Di Thập Huệ Chương Cú'. Thầy rất tán dương công đức của vị tôn sư. Ngài Khương Tăng Hội (217-280) tán thán ngài An Thế Cao trong bài tựa về kinh 'An Ban Thủ Ý'. Trần Huệ xưng dương ngài An Thế Cao là Bồ Tát Phổ Kiến trong bài tựa về kinh Âm Trì Nhập. Ngài Đạo An (312-385) cũng rất tán dương ngài An Thế Cao trong bài tựa về kinh 'An Ban Thủ Ý', và thường bảo:


- Nếu gặp được ngài An Thế Cao, thì cũng đồng như gặp được bậc thánh nhân.


Theo ngài Đạo An thì ngài An Thế Cao liên tiếp dịch kinh điển trong hai mươi hai năm, từ đời Hán Hoàn Đế (148) đến đời Hán Linh Đế (169). Ngoài ra, trong các bài tựa về kinh Đại Thập Nhị Môn, Đạo Địa, v.v... các vị cao tăng đương thời đồng xưng tán công đức của ngài An Thế Cao.


Nghiêm Phật Điều đã từng viết: "Phàm nơi xuất nhập của ngài An Thế Cao, hoặc dùng miệng mà giải thích, hoặc dùng văn tự mà truyền".


Dùng miệng giải thích tức là Ngài thường diễn giảng kinh điển. Dùng văn tự mà truyền tức là Ngài phiên dịch kinh từ tiếng Phạn sang tiếng Tàu.


Xưa kia, Phật giáo đã truyền vào Đông Độ rất sớm. Dân gian cũng đã biết phụng tín Phật pháp. Lại nữa, cũng có rất nhiều vị tăng từ Tây Vực sang phiên dịch kinh điển, nhưng phần nhiều không đề rõ tên kinh, thậm chí danh tánh của người dịch cũng không có. Mãi cho đến thời Hán Minh Đế, triều đình mới chính thức thừa nhận sự dịch kinh của hai tôn giả Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan. Song, bàn về lịch sử thì ngài An Thế Cao mới là vị phiên dịch kinh điển đầu tiên.


Hai trăm năm sau khi ngài An Thế Cao viên tịch, vào đời Đông Tấn, ngài Đạo An (312-385) soạn viết mục lục kinh điển. Người sau y theo đó mà viết ra quyển 'Xuất Tam Tạng Ký Tập', phân đoạn và ghi chép lại tên của các nhà dịch giả thời xưa. Y cứ theo quyển 'Xuất Tam Tạng Ký Tập' thì ngài An Thế Cao phiên dịch được ba mươi bốn bộ, và bốn mươi quyển kinh như sau: Kinh An Ban Thủ Ý (1 quyển), Âm Trì Nhập (1 quyển), Bách Lục Thập Phẩm (1 quyển), Đại Thập Nhị Môn (1 quyển), Tiểu Thập Nhị Môn (1 quyển), Đại Đạo Địa (2 quyển), Nhân Bổn Dục Sanh (1 quyển), Đạo Ý Phát Hạnh (2 quyển), A Tỳ Đàm Ngũ Pháp (1 quyển), Thất Pháp (1 quyển), Ngũ Pháp (1 quyển), Thập Pháp (2 quyển), Phổ Pháp Nghĩa (1 quyển), Nghĩa Quyết Luật (1 quyển), Lậu Phần Bố (1 quyển), Tứ Đế (1 quyển), Thất Xứ Tam Quán (2 quyển), Cửu Hoành (1 quyển), Bát Chánh Đạo (1 quyển), Tạp Kinh Tứ Thập Tứ Thiên (2 quyển), Ngũ Thập Giáo Kế (2 quyển), Đại An Ban Thủ (1 quyển), Tư Duy (1 quyển), Thập Nhị Nhân Duyên (1 quyển), Ngũ Ấm Dụ (1 quyển), Chuyển Pháp Luân (1 quyển), Lưu Nhiếp (1 quyển), Thị Pháp Phi Pháp (1 quyển), Pháp Thọ Trần (1 quyển), Thập Tứ Ý (1 quyển), Bổn Tướng Y Chí (1 quyển), A Tỳ Đàm Cửu Thất Bá Kết (1 quyển), Thiền Hành Pháp Tưởng (1 quyển), Nan Đề Ca La Việt (1 quyển).


Nội dung của các kinh điển mà ngài An Thế Cao phiên dịch, đại lược chia làm hai phần: Thứ nhất là loại kinh thuộc về thiền quán, như kinh Đại An Ban Thủ Ý, Thiền Hành Hành Pháp Tưởng, v.v... Loại thứ hai là theo pháp số, như kinh Âm Trì Nhập, Tứ Đế, Bát Chánh Đạo, Ngũ Pháp, Thập Nhị Nhân Duyên, v.v...


Kinh điển đại biểu thiền quán là kinh An Ban Thủ Ý. Nội dung của quyển kinh này có mười điểm: Sổ tức, tùy tưởng, chỉ, quán, hoàn, tịnh, tứ đế3.


1/ Sổ tức (ganana) là đếm hơi thở. 2/ Tùy tưởng (anugama) là tùy theo hơi thở ra vào mà tâm không tán loạn. 3/ Chỉ (sthana) là ngưng tâm suy nghĩ vọng động. 4/ Quán (upalaksana) là quán sát cảnh giới rõ ràng. 5/ Hoàn (vivartana) cũng gọi là chuyển, tức là phản tỉnh mà quán tâm, biết rõ nó không thật. 6/ Tịnh (parisuddhi) là tâm không có chỗ nương y, không khởi vọng tưởng. Cộng thêm tứ đế là khổ, tập, diệt, đạo, thành mười điểm phát huệ. Kinh An Ban Thủ Ý được thành lập do mười điểm huệ này. Song, bộ kinh này nổi bật tại sáu điểm đầu. Nương vào sáu điểm này mà sau này đại sư Trí Giả (538-596) của tông Thiên Thai lập ra Lục Diệu Pháp Môn. Sáu loại này do sổ tức quán mà nhập vào; từ từ điều hòa sự hô hấp, và đếm hơi thở ra vào, để khiến tâm tập trung một nơi, tức tu tập pháp tịnh lự. Nhờ quán sát mà biết rõ đối tượng được quán. Nhờ quán tâm mà thật ngộ lý không, rồi đạt đến cảnh giới hoàn toàn không khởi vọng niệm. Sáu loại này tức là An Ban Thủ Ý. Trong kinh lại dùng: Tứ niệm xứẠ là sổ tức; tứ chánh cầnẠ là tùy tưởng; tứ như ý túcẠ là chỉ; ngũ cănẠ ngũ lựcẠ là quán; thất Bồ Đề phầnẠ là hoàn; bát chánh đạoẠ là tịnh. Trong đó thuyết tường tận về sổ tức. Hành trì sáu pháp này thì cũng có thể thành tựu như trong kinh Tam Thập Thất Phẩm có dạy. Kinh An Ban Thủ Ý thuyết tường tận về cách hành pháp của sáu việc này.


Kinh An Ban Thủ Ý, bộ kinh đại diện cho giáo lý Tiểu Thừa do ngài An Thế Cao dịch, được người Tàu tiếp nạp rất mau chóng. Đạo giáo dùng bộ kinh này mà lập ra pháp 'Thai Tức'.


Ý nghĩa của kinh An Ban Thủ Ý


Đức Phật bảo:


- Ta nhờ hành pháp 'An Ban Thủ Ý' trong chín mươi ngày mà thân tâm được tự tại. Sau khi đã hành pháp An Ban Thủ Ý xong, thì nhiếp thu ý niệm được. An là thân. Ban là hơi thở. Thủ là đạo, là cấm, cũng gọi là không phạm giới. Cấm cũng gọi là hộ, tức là hộ hết tất cả giới mà không phạm. Ý tức là tâm ý, cũng là đạo.


An Ban tức là hơi thở ra vào, cũng là pháp hô hấp. Pháp hô hấp, tức Sổ Tức Quán, chính là nền tảng căn bản của việc tu đạo. Y theo pháp này thì có thể sanh đức tướng Như Lai. 'An Ban' y theo pháp hô hấp mà thành 'Thủ'. Tứ thiềnẠ y cứ nơi thân mà hoàn thành 'Định'. Pháp hô hấp có sáu giai đoạn: Sổ tức, tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh. Người tu hành thiền quán, thường phải trải qua bốn gian đoạn thiền định. Ngài Đạo An chỉ rõ quán Sổ Tức cùng Tứ Thiền là những yếu điểm đặc sắc của 'An Ban'.


Sự tiếp nạp kinh 'An Ban Thủ Ý' vào nền văn hóa tư tưởng của người Tàu như sau: Con người vốn y theo trời đất dưỡng khí mà sống. Do đó, sanh mạng dựa trên việc còn mất của sự hô hấp. Hô hấp tức hơi thở, là cội gốc của sanh mạng, cũng là lực hoạt động của trời đất. Nếu nhận rõ khí hô hấp thường vận hành, thì con người có thể hòa cùng trời đất đồng thành một thể. Pháp này đồng với lý thuyết của Trang Tử. Từ xưa đến nay, thân người thường hít vào hơi mới, và thở ra hơi cũ.


Pháp Thai Tức của người Tàu do các đạo sĩ Đạo giáo phát minh. Trong các bộ kinh do ngài An Thế Cao dịch như kinh An Ban Thủ Ý và Âm Trì Nhập, thì pháp 'An Ban' bị các đạo sĩ lợi dụng tiếp nạp mà biến chế ra pháp 'Thai Tức'.


Sau này đại sư Trí Giả nương vào lục hạnh (sáu hạnh) của kinh An Ban Thủ Ý để lập ra 'Lục Diệu Pháp Môn'. Thật vậy, phần thứ tư của Thiên Thai Tiểu Chỉ Quán đều đàm luận về pháp hô hấp. Thiền sư Đạo Nguyên người Nhật, khi thuyết về pháp môn tọa thiền, cũng bàn về pháp hô hấp.


Do đó, về phương diện tư tưởng pháp thức tu hành, trải qua bao đời, kinh An Ban Thủ Ý ảnh hưởng rất lớn đối với người tu hành thiền quán.


Đại biểu cho kinh pháp số mà ngài An Thế Cao phiên dịch là kinh Âm Trì Nhập. Trong đó có: Năm ấmẠ, sáu thểẠ, mười hiện sắcẠ, sáu thứcẠ, tứ đếẠ, ba mươi bảy phẩm trợ đạoẠ, bốn sangẠ, ba cõiẠ.


4. Ngài Chi Lâu Ca Sấm (Lokaraksa), nhà dịch giả kinh điển Đại Thừa


Thời Đông Hán, tiếp tục sự nghiệp phiên dịch của ngài An Thế Cao có các ngài Chi Lâu Ca Sấm, An Huyền, Trúc Sóc Phật, Nghiêm Phật Điều, v.v...


Thời đại Tần và Hán, nước Đại Nhục Chi tung hoành tại Trung Á, khống chế vùng bắc bộ A Phú Hãn, Kiền Đà La, v.v... Nhà đại dịch giả đầu tiên từ nước Đại Nhục Chi đến Trung Thổ là ngài Chi Lâu Ca Sấm, gọi tắt là Chi Sấm. Tánh tình của Ngài hoạt bát minh mẫn; suốt đời tu hành nghiêm thủ giới luật, không vượt ngoài giới pháp một ly tấc; tinh cần tụng trì bao kinh điển; cả đời lấy chí nguyện hoằng dương Phật pháp làm trọng trách.


Ngài đến Lạc Dương vào những năm cuối cùng của Hán Hoàn Đế (147-167). Trong thời Linh Đế Quang Hòa, niên hiệu Trung Bình (178-190), Ngài chuyên phiên dịch kinh điển. Tuy vậy, tiểu sử về cuộc đời của Ngài rất là đơn giản; thậm chí nhập tịch vào niên đại nào, tại nơi nào, cũng không rõ. Y cứ theo 'Tam Tạng Ký', ngài Chi Sấm phiên dịch mười ba bộ kinh, và hai mươi bảy quyển như sau: 1/ Kinh Thủ Lăng Nghiêm (2 quyển); 2/ Ban Chu Tam Muội (1 quyển); 3/ Bát Nhã Đạo Hạnh Phẩm (10 quyển); 4/ Truân Chân Đà La Ni (2 quyển); 5/ Phương Đẳng Bộ Cổ Phẩm Viết Di Nhật Thuyết Bát Nhã (1 quyển); 6/ Quang Minh Tam Muội (1 quyển); 7/ A Xà Thế Vương (2 quyển); 8/ Bảo Tích (1 quyển); 9/ Vấn Tự (1 quyển); 10/ Hồ Bát Nhã Nê Hoàn (1 quyển); 11/ Suất Sa (1 quyển); 12/ A Xà Phật Quốc (1 quyển); 13/ Bột Bổn (2 quyển); 14/ Nội Tạng Bách Phẩm (1 quyển).


Ngài An Thế Cao phần nhiều chuyên dịch về kinh điển Tiểu Thừa. Phần đặc sắc của ngài Chi Sấm là chuyên dịch về kinh điển Đại Thừa. Lý do có sự khác biệt này là vì vào đương thời, tại nước An Tức của ngài An Thế Cao, Phật giáo Tiểu Thừa rất hưng thạnh, còn tại nước Đại Nhục Chi của ngài Chi Sấm thì Phật giáo Đại Thừa lại phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, ngài Trúc Sóc Phật chỉ mang kinh điển Đại Thừa từ Tây Vực sang Trung Thổ, rồi truyền lại cho ngài Chi Sấm phiên dịch. Ảnh hưởng đến hậu thế mạnh mẽ nhất là bản kinh Đạo Hạnh Bát Nhã do ngài Chi Sấm phiên dịch. Dĩ nhiên, cách thiền quán trong kinh Thủ Lăng Nghiêm không đồng quan điểm cách hành thiền trong các bộ kinh Tiểu Thừa do ngài An Thế Cao dịch, vì bộ kinh này thuyết minh thiền quán của Đại Thừa. Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội là bộ kinh mà ngài Chi Sấm dịch trước nhất. Trong đời Ngụy và Tấn, thiền quán Đại Thừa đã được lưu hành, nên sứ mạng phiên dịch kinh điển Đại Thừa của ngài Chi Sấm rất quan trọng. Cái khó của dịch giả là sự vận dụng văn tự. Ngài thường không câu nệ nơi lời văn trau chuốt, mà chỉ cầu dịch toát được ý kinh.


Vị tăng có mối quan hệ mật thiết với ngài Chi Sấm là ngài Trúc Sóc Phật. Đời Hán Linh Đế, Quang Hòa năm thứ hai (179), ngài Trúc Sóc Phật mang kinh điển đến Lạc Dương, và cùng với ngài Chi Sấm bắt tay vào sự nghiệp phiên dịch kinh điển. Theo sử viết thì vào rằm tháng chín năm 179, ngài Trúc Sóc Phật khẩu truyền đọc kinh Đạo Hạnh và Ban Chu Tam Muội; ngài Chi Sấm phiên dịch; thị giả là Nam Dương Trương Thiếu An, Nam Hải Tử Bích. Người trợ giúp là Tôn Hòa, Chu Đề Vị.


Ngoài ngài Trúc Sóc Phật ra, ngài Chi Sấm còn có mối quan hệ mật thiết với ngài Chi Diệu, vốn là một tăng sĩ của nước Đại Nhục Chi. Ngài Chi Diệu cũng dịch được một quyển kinh Thành Cụ Quang Minh Tam Muội, mà bộ kinh này cũng đồng với kinh Quang Minh Tam Muội do ngài Chi Sấm dịch. Theo Huệ Kiểu trong quyển Cao Tăng Truyện thì ngài Chi Diệu dịch kinh A Na Luật Bát Niệm, Tiểu Đạo Địa, Thành Cụ Quang Minh Định Ý, Mã Hữu Tam tướng, Mã Hữu Bát Thái Dụ Nhân, v.v...


Ngoài ra, có hai nhà dịch giả cũng từ nước Đại Nhục Chi đến Đông Độ là Chi Việt và Chi Lượng. Chi Việt cũng được gọi là Chi Cung Minh. Trong thời đông Hán Linh Đế, người cha đã đến Trung Thổ, nên ngài Chi Việt xuất sanh tại Đông Độ. Do đó, ngài Chi Việt đã sớm thông thạo tiếng Tàu. Tuy đã từng gặp ngài Chi Sấm, nhưng không thể thờ làm thầy, mà chỉ y theo đệ tử của ngài Chi Sấm là Chi Lượng mà học đạo; có lẽ vì lúc đó ngài Chi Sấm đã già hay sắp viên tịch.


Ngài Chi Việt tài hoa xuất chúng, thông suốt thâm sâu nội điển và ngoại điển. Ngài Chi Việt dịch kinh rất lưu loát, uyển chuyển, và đạt được ý kinh. Vì loạn lạc sau đời Đông Hán, ngài Chi Việt vào nam đến nước Ngô. Từ năm 139 đến năm 153, ngài Chi Việt dịch được mười quyển kinh.


Trong thời Hán Linh Đế, xuất thân từ nước An Tức cùng với ngài An Thế Cao là An Huyền. Ông vốn là ưu bà tắc, tánh tình ngay thẳng, nghiêm túc thủ trì năm giới tại gia, uyên bác thông suốt rất nhiều kinh điển. Cuối đời Hán Linh Đế, niên hiệu Quang Hòa thứ tư (181), ông đến Lạc Dương. Vì cần người giao dịch, nên ông được ban chức Kỵ Đô Úy. Tánh tình của ông rất hòa nhã, thường lấy việc hành trì Phật pháp hằng ngày làm bổn phận sự. Dần dần biết tiếng Hán, nên ông nỗ lực tuyên giảng kinh điển Phật pháp, và thường cùng với các vị sa môn đàm luận. Những Phật tử tu theo pháp Đại Thừa đều gọi ông là Đô Úy Huyền.


An Huyền đã từng cùng với Nghiêm Phật Điều dịch kinh Pháp Kính. Kinh Pháp Kính này do An Huyền đọc từ tiếng Phạn chuyển sang tiếng Hán, rồi do Nghiêm Phật Điều nhuận sắc, nên văn dịch rất hay, mà người đời sau thường tán thán.


Nghiêm Phật Điều là người đã giúp An Huyền dịch kinh Pháp Kính. Vốn là người An Huy, Nghiêm Phật Điều thuở ấu thơ rất hiếu học, và lòng tín thành cùng trí huệ đều đầy đủ. Sau này xuất gia tu học, làm đệ tử của ngài An Thế Cao. Theo lịch sử Phật giáo Trung Quốc thì thầy Nghiêm Phật Điều là người Tàu xuất gia đầu tiên nhất. Nghiêm Phật Điều cũng thường chú trọng vào việc phiên dịch kinh điển. Người đương thời đều xưng tán ba nhà dịch giả: An Thế Cao, An Huyền, Nghiêm Phật Điều. An Huyền xưng tán Nghiêm Phật Điều dịch kinh như sau:


- Thầy Nghiêm Phật Điều dịch kinh, khiến người đọc tỏ ngộ mà không còn phiền lụy. Văn dịch rất tinh tường diệu xảo.


Ngài Khương Tăng Hội tán thán An Huyền và Nghiêm Phật Điều trong bài tựa về kinh Pháp Kính: "Hai vị hiền giả Kỵ Đô Úy An Huyền và Lâm Hoài Nghiêm Phật Điều vào tuổi tráng niên, chí hướng hoằng dương sự nghiệp của thánh hiền; lời lẽ sâu xa, tận cùng ý thần, đạt mối u huyền; vì thương cho thế nhân mù lòa mê muội, không biết đến đại Pháp, nên cả hai vận dụng hết mọi tư tưởng để phiên dịch quyển kinh mẫu mực này. Đô Úy khẩu trần thuật. Nghiêm Phật Điều thọ bút".


Cuối đời Hậu Hán, giữa các nhà dịch giả có Nghiêm Phật Điều là người chú mục kinh điển. Quyển 'Sa Di Thập Huệ Chương Cú' vốn do ngài An Thế Cao dịch chưa xong, nên đệ tử của Ngài là Nghiêm Phật Điều tiếp tục dịch cho đến khi hoàn tất.


Ngoài ra, trong đời Hán Linh Đế, còn có các nhà dịch giả như Chi Diệu (sa môn của nước Đại Nhục Chi), Khương Cự (người nước Khương Cư), Khương Mạnh Tường (người nước Khương Cư). Chi Diệu dịch quyển kinh Thành Cụ Định Ý Tiểu Bổn Khởi, v.v... tại Lạc Dương. Khuơng Cự dịch kinh Vấn Địa Ngục Sự vào năm 187; lời văn chỉ thẳng vào bổn ý chỉ của kinh, không gia sức nhuận sắc. Khương Mạnh Tường cùng với Trúc Đại Lực (người Thiên Trúc) dịch quyển Trung Bổn Khởi và Đạo Hạnh Khởi vào năm 199. Hai quyển kinh bằng tiếng Phạn này vốn do sa môn Đàm Quả thỉnh tại nước Ca Duy La Vệ.


Sau khi nhà Hậu Hán mất, nước Tàu phân thành ba nước: Ngụy, Thục, Ngô. Vào thời đó, ở phía bắc, trung tâm Phật giáo là Lạc Dương. Trung tâm Phật giáo ở phía nam là Kiến Nghiệp (Nam Kinh). Đó là hai nơi mà các nhà dịch giả từ Thiên Trúc và Tây Vực thường lui tới. Theo quyển 'Khai Nguyên Lục' thì các nhà dịch giả tại nước Ngụy như: 1/ Ngài Đàm Kha Ca La, nguời trung Thiên Trúc, đến Trung Thổ vào đời Tào Ngụy, niên hiệu Gia Bình thứ hai (250); 2/ ngài Khương Tăng Khải, người Thiên Trúc, đến Trung Thổ vào đời Tào Ngụy, niên hiệu Gia Bình thứ tư (252); 3/ ngài Đàm Vô Đế, người nước An Tức, đến Trung Thổ vào đời Tào Ngụy, niên hiệu Chánh Nguyên nguyên niên (254); 4/ ngài Bạch Diên, người Tây Vực, đến Trung Thổ vào đời Tào Ngụy, niên hiệu Cam Lộ thứ ba (258); 5/ ngài An Pháp Hiển, người Tây Vực, đến Trung Thổ vào đời Tào Ngụy (không rõ niên đại).


5. Ngài Đàm Kha Ca La (Dharmakala)


Sự phiên dịch luật điển của ngài Đàm Kha Ca La ảnh hưởng rất lớn đối với giới tăng chúng tại đất Tào Ngụy.


Ngài Đàm Kha Ca La tiếng Tàu dịch là Pháp Thời, xuất thân từ trung Thiên Trúc, gia thế đời đời đều là phú hộ giàu sang, thường tu theo phước trời Phạm Thiên. Từ thuở nhỏ, tài năng của Ngài vốn vượt hơn người thường. Uyên bác học rộng, thông suốt bốn quyển Phệ Đà, am tường thiên văn, tinh sao, địa lý, vận thế, đồ thư, sấm vĩ. Ngài từng bảo:


- Văn tự và lý lẽ của thiên hạ đều nằm trong bụng Ta.


Đó là lời tự tín. Tuy nhiên, lúc gặp Phật pháp thì những điều chấp đó đều tiêu tan. Vào năm hai mươi lăm tuổi, Ngài đến tham kiến một vị tăng tại tịnh xá nọ, chợt thấy quyển Thắng Pháp A Tỳ Đàm Tâm Luận, nên bèn lấy đọc. Đối với quyển này, Ngài hoàn toàn hoang mang, không thể hiểu nổi. Dẫu đọc cả ba lần mà cũng không hiểu rõ, nên than:


- Từ lúc trưởng thành, tất cả sự học vấn, điển tích, v.v... Ta chỉ cần đọc qua một lần là thông đạt ý chỉ, mà chẳng bao giờ xem quá ba lần. Hôm nay xem quyển kinh Phật giáo, thật vượt ngoài lý giải của mình. Đạo lý trong đây thật thâm sâu, tất phải là tinh yếu.


Do đó, Ngài cầm quyển luận này, đi đến tăng phòng, vấn hỏi chư tăng, giải thích về huyền học A Tỳ Đàm. Được giải thích xong, Ngài bèn thâm ngộ lý nhân quả báo ứng, và thông hiểu đạo lý luân hồi trong ba đời. Từ đó, Ngài hiểu rõ Phật giáo thâm sâu quảng bác mà sách vở thế tục không thể bì được. Do đó, Ngài quyết định xả bỏ vinh hoa phú quý ở thế gian mà xuất gia tu đạo. Ngài thường tu hành khắc khổ, đọc tụng kinh điển Đại Thừa và Tiểu Thừa cùng các bộ luật Tỳ Ni, rồi lại đi giáo hóa dân chúng.


Đời Tào Phế Đế, niên hiệu Gia Bình thứ hai (250), Ngài đến Lạc Dương. Đương thời, tuy đã có Phật pháp mà đạo phong suy đồi. Rất nhiều tăng sĩ chưa từng đăng đàn thọ giới, chỉ hành giống như kẻ tục. Sự khác biệt là họ cạo đầu đắp y, và thường lo hành trì lễ sám, tế hội, hay tế tự. Tế hội do Sở Vương Anh hay Hán Hoàn Đế lập ra. Tế tự vốn là pháp cúng bái của Hoàng Lão, rồi lại thêm nghi thức lễ bái của Phật giáo. Tăng sĩ vào đời Tào Ngụy không cần thọ giới. Đối với các phương pháp lễ sám, cứ y theo pháp thức mà hành, chứ không hiểu gì về thể pháp của Phật giáo.


Vì vậy, vừa đến Lạc Dương, ngài Đàm Kha Ca La chủ trương rằng tất cả nghi thức, phải tôn theo những điều Phật chế. Do Ngài tinh thông luật học, chư tăng nơi đó bèn cầu thỉnh Ngài phiên dịch kinh điển giới luật. Văn nghĩa trong luật tạng rất là phong phú và phức tạp, mà Phật giáo vào đương thời chưa được hưng thịnh. Nếu y chiếu theo luật tạng mà phiên dịch, thì e rằng đại chúng khó lòng tiếp thọ, nên Ngài chỉ dịch ra một quyển Tăng Kỳ Giới Tâm (toát yếu giới luật của Đại Chúng Bộ). Quyển 'Phật Tổ Thống Ký' thứ ba mươi lăm, ghi như sau: "Niên hiệu Gia Bình thứ hai, tam tạng pháp sư Đàm Kha Ca La (hay Đàm Ha Ca La) từ trung Thiên Trúc đến Lạc Dương, dịch quyển 'Tăng Kỳ Giới', và lập pháp Yết Ma thọ tăng đại giới. Trước kia, tỳ kheo xuất gia chỉ cần xuống tóc mà thôi, vì chưa từng biết y theo luật nghi, mà chỉ y theo sám pháp như tế tự. Lúc đến Lạc Duơng, ngài Đàm Kha Ca La dịch ra quyển giới bổn để làm chuẩn tắc tu hành hằng ngày cho tăng chúng".


Xưa kia, hai chúng tỳ kheo và tỳ kheo ny chỉ thọ tam quy y. Đại tăng và sa di không có phân biệt rõ ràng. Vì vậy, ngài Đàm Kha Ca La cùng với sa môn nước An Tức là Đàm Đế, dịch bộ giới bổn Tứ Phần Luật Đàm Vô Đức. Kế đến mười vị sa môn Thiên Trúc cùng nhau hành pháp Yết Ma truyền giới. Sa môn Châu Sĩ Hành đầu tiên thọ giới. Cao Tăng Truyện ghi: "Tại miền Trung Thổ, giới luật phát xuất từ lúc này".


Thế nên, tại Đông Độ người sau tôn ngài Đàm Kha Ca La là sơ tổ của Luật Tông.


Lúc trước, ngài An Thế Cao đã từng dịch những quyển giới luật pháp Tiểu Thừa như: Kinh Xá Lợi Phất Hối Quá, kinh Pháp Luật Tam Muội, kinh Phạm Giới Báo Ứng Khinh Trọng, kinh Đại Tỳ Kheo Ba Ngàn Oai Nghi (2 quyển).


Tiếp tục sự nghiệp phiên dịch giới luật Đại Thừa của ngài Đàm Kha Ca La là ngài Khương Tăng Khải và Đàm Đế.


6. Ngài Khương Tăng Khải


Ngài Khương Tăng Khải (Samgaraman) tuy không rõ xuất thân từ đâu, nhưng có thể là người nước Khương Cư. Cuối niên hiệu Gia Bình (253), ngài Khương Tăng Khải đến Lạc Dương. Theo quyển 'Khải Nguyên Lục' thứ nhất viết thì tại chùa Bạch Mã ở Lạc Dương, ngài Khương Tăng Khải dịch Ức Già Trưởng Giả Vấn Kinh, Vô Lượng Thọ Kinh (2 quyển), Tứ Phần Tạp Yết Ma. Đối với kinh Vô Lượng Thọ, có nhiều thuyết khác nhau. Thuyết thứ nhất cho rằng kinh này do ngài Khương Tăng Khải đời Tào Ngụy dịch. Thuyết thứ hai cho rằng ngài Trúc Pháp Hộ đời Tây Tấn dịch. Thuyết thứ ba cho rằng ngài Phật Đà Bạt Đà La cùng thầy Bảo Vân dịch.


7. Ngài Đàm Đế hay Đàm Vô Đế (Dharmasatya)


Theo Cao Tăng Truyện thì sa môn Đàm Đế vốn là người nước An Tức, đến Lạc Dương vào đời Tào Ngụy vào năm 254, và dịch ra quyển Đàm Vô Đức Yết Ma.


Từ đời Đông Hán đến Tam Quốc, đa số các nhà dịch giả đều chuyên phiên dịch kinh điển. Đối với giới luật căn bổn cốt yếu của tăng đoàn, ít có ai xiển dương truyền bá. Mãi cho đến cuối đời Tấn, và đời Tào Ngụy, luật điển mới từ từ được phiên dịch.


Ngoài ra, có ngài Bạch Diên người nước Quy Từ, vào đời Tào Ngụy, cuối niên hiệu Chánh Thủy, phiên dịch kinh Thủ Lăng Nghiêm, kinh Tu Lại, kinh Trừ Não Hoạn.


Y cứ theo quyển 'Lịch Đại Tam Bảo Thống Ký' của ngài Trúc Đạo Tổ, còn có nhà dịch giả là An Pháp Hiển. Ngài An Pháp Hiển dịch kinh La Ma Già (3 quyển), kinh Đại Bát Niết Bàn (2 quyển), cùng bốn bộ và hai quyển kinh khác. Ngài Vô La Xoa (Moraksa), người ở Tây Vực, vốn là vị đa văn bác học, cùng với cư sĩ Trúc Thúc Lan (vốn là người Thiên Trúc, theo cha chạy lánh nạn sang Hà Nam) dịch kinh Phóng Quang Minh Bát Nhã vào niên hiệu Nguyên Khang (291).


Ngoài ra, còn có các nhà dịch giả như: Cương Lương Lâu Chí (Kalaruci) người Thiên Trúc, phiên dịch kinh tại Quảng Châu vào năm 281. Ngài An Pháp Khâm, người An Tức, dịch kinh tại Lạc Dương từ năm 281 đến năm 306. Ngài Chi Pháp Độ, người nước Đại Nhục Chi, dịch kinh tại Lạc Dương vào năm 301. Ngài Nhã La Nghiêm, người Thiên Trúc, dịch kinh tại Lạc Dương vào khoảng năm 316.


8. Ngài Khương Tăng Hội


Tổ tiên của Ngài vốn là người nước Khương Cư, sau này qua định cư sống tại Thiên Trúc. Người cha vì việc buôn bán, nên di cư sang Việt Nam (Giao Châu). Vì vậy, Ngài được sanh ra tại Việt Nam (Giao Châu). Lúc lên mười tuổi, cha mẹ đều qua đời. Mãn hạn tang chế, Ngài quyết chí xuất gia làm tăng. Trong tăng chúng, Ngài gắng sức tu hành, không giải đãi chút nào. Ngài dùng tâm nhu hòa nhã nhặn mà đối xử với người khác. Dẫu có kiến thức rộng, Ngài vẫn luôn dốc chí tu học. Đối với ba tạng kinh, luật, luận Ngài đều liễu ngộ thấu triệt. Đối với thư, thi, dịch, lễ, xuân thu của Nho giáo cùng các điển tích khác, Ngài đều am tường hiểu rõ. Ngoài ra, về thiên văn, địa lý, và các loại thư tịch, Ngài đều thông suốt. Biện tài mẫn tiệp, văn chương lưu loát.


Đương thời, vùng Giang Nam do Ngô Tôn Quyền khống chế. Phật giáo chỉ vừa truyền đến nơi đó, nên sự giáo hóa chưa được mở rộng. Vì quyết chí làm Phật pháp hưng thịnh, nên Ngài từ Việt Nam (Giao Châu) sang đến Giang Nam xây chùa tạo tượng Phật. Vào niên hiệu Xích Điểu thứ mười (247), Ngài đến Kiến Nghiệp (Nam Kinh, kinh đô của nhà Ngô), xây am tranh, lập tăng phòng, tạo tượng Phật.


Vì Phật giáo mới được truyền vào, nên dân chúng chỉ hiểu Phật pháp qua những lời truyền tụng của các sa môn thường du hành khất thực. Do đó, ít có ai lãnh hội được nghĩa lý Phật pháp, và rất ít người biết đến công hạnh xuất gia làm sa môn. Một ông quan nọ đã từng tâu với Ngô Tôn Quyền:


- Những người Thiên Trúc từ phương tây đến, rồi tự xưng là sa môn. Dung mạo y phục đều khác với người Tàu. Xin Điện Hạ hãy thẩm tra những hành động cử chỉ của họ.


Ngô Tôn Quyền bảo:


- Trẫm đã từng nghe xưa kia Hán Minh Đế mộng thấy thần nhân, danh xưng là Phật. Những hành vi cử động của các sa môn đó, chẳng giống với đạo phong của Phật sao ?


Ngô Tôn Quyền sau này triệu Ngài vào kinh để chất vấn:


- Sa môn các ngài tu hành theo Phật giáo, có được những điềm linh ứng gì ?


Ngài nói:


- Đức Như Lai nhập diệt đã hơn một ngàn năm, mà xá lợi lưu lại đến ngày nay, vẫn hiển hiện bao điềm linh diệu. Xưa kia, vua A Dục đã từng kiến tạo tám mươi bốn ngàn ngôi tháp để thờ xá lợi. Tháp tự chính là biểu thị cho sự giáo hóa của Phật pháp.


Nghe qua những lời đối đáp này, Ngô Tôn Quyền cho rằng đó chỉ là những lời nói khoác, nên ra lịnh, bảo:


- Nếu Ngài cầu được xá lợi, thì Trẫm cho phép kiến lập tháp tự. Nếu có điều chi dối trá, Trẫm sẽ y theo quốc pháp mà trị tội !


Nghe như thế, Ngài định ước với Ngô Tôn Quyền là trong kỳ hạn bảy ngày, sẽ cầu được xá lợi. Trở về chùa, nhận thấy việc này rất quan trọng, liên hệ tới sự tồn vong của Phật pháp, nên Ngài vân tập đồ chúng, bảo:


- Sự tồn vong và hưng thịnh của Phật pháp đều do việc khẩn cầu xá lợi. Nếu chúng ta không chí thành khẩn cầu xá lợi, thì e rằng Phật pháp khó mà lưu truyền tại vùng này !


Thế nên, Ngài cùng với các đệ tử quét dọn phòng ốc, tắm gội sạch sẽ, trai giới tinh nghiêm, rồi đặt một bình đồng để trên tòa cao, và thành tâm dâng hương, cầu nguyện xá lợi Phật hiển hiện oai linh.


Qua bảy ngày, chưa có điềm cảm ứng gì, nên Ngài đành xin khất thêm bảy ngày nữa. Đến ngày thứ mười bốn cũng chưa có điềm lành gì cả. Vì vậy, Ngô Tôn Quyền cho là Ngài đặt điều dối trá, nên định ra lịnh gia tội, nhưng Ngài lại quyết tâm cầu thỉnh hoãn thêm bảy ngày nữa, và được Ngô Tôn Quyền chấp thuận. Tới chiều ngày thứ hai mươi mốt mà cũng chưa thấy hột xá lợi nào. Đêm hôm đó, vào canh năm, đại chúng chợt nghe có tiếng leng keng trong bình đồng. Mở ra, thấy xá lợi đã xuất hiện trong đó. Sáng hôm sau, Ngài đem xá lợi chiếu năm màu rực rỡ trong bình, trình lên Ngô Tôn Quyền. Tất cả triều thần đều tụ hội để xem xá lợi. Họ chỉ thấy ánh sáng năm màu vi diệu tỏa ra từ trong bình đồng. Ngô Tôn Quyền tự tay cầm lấy bình chứa xá lợi, rồi đổ xá lợi lên mâm đồng. Hạt xá lợi vừa rơi xuống thì mâm đồng liền bị bể tan. Chứng kiến tận mắt việc này, Ngô Tôn Quyền kinh hãi, khởi tâm cung kính, nói:


- Thật là điềm hy hữu !


Ngài bèn bảo:


- Oai thần xá lợi chẳng phải chỉ có tỏa sáng năm màu thôi. Dẫu bỏ vào lửa, lửa không thể đốt cháy. Dẫu có dùng chày kim cang đập mãi, nhưng không thể nào làm tan nát !


Nghe lời này, Ngô Tôn Quyền để xá lợi trên cái đe bằng sắt, rồi sai đại lực sĩ dùng chùy sắt mà đập. Bấy giờ, Ngài khấn niệm:


- Phật pháp vừa hiển lộ. Thiên hạ vừa mới sanh tâm ngưỡng mộ ân trạch của chánh giáo. Ngưỡng vọng đức Thế Tôn từ bi thị hiện thêm thần tích oai linh cảm ứng !


Đại lực sĩ đập mãi, mà chỉ thấy cái đe bị lún xuống, còn xá lợi thì không sứt mẻ chút nào, và vẫn tỏa ánh hào quang sáng ngời. Thấy điềm linh dị rõ ràng, Ngô Tôn Quyền tán thán vô ngần, rồi bèn ra lịnh cho xây tháp tự ngay lập tức. Đó là ngôi chùa đầu tiên được kiến lập tại Giang Nam, được gọi là Kiến Sơ, cũng gọi là Kiến Phật. Ngô Tôn Quyền cũng đổi tên vùng đất xung quanh chùa là Phật Đà Lý. Phật pháp nhờ đó mà phát khởi hưng thạnh.


Sau khi Ngô Tôn Quyền mất, Ngô Lâm lên chấp chính vào năm 256. Ngô Lâm chuyên quyền vô độ, giết hại tăng sĩ, đập phá chùa chiền, bức hại tín ngưỡng của quần chúng. Vì hành vi tàn ác, cuối cùng Tôn Lâm bị giết chết, và Tôn Hạo lên ngôi (264-280). Giống như Tôn Lâm, tánh tình của Tôn Hạo cũng thô bạo, kiêu căng, cùng lạm dụng quyền thế. Tôn Hạo ra lịnh phá rất nhiều đền miếu, và đốt phá chùa chiền. Ngô Tôn Hạo bảo với quần thần:


- Chùa chiền Phật giáo sao lại được lập nhiều quá lắm ? Nếu giáo nghĩa Phật giáo tương hợp với thánh điển thì có thể phụng hành và bảo tồn. Nếu chỉ là hư ngụy thì phải nên đốt sạch.


Quần thần bèn phân trần ngăn cản:


- Oai thần Phật lực vô biên. Đức Phật không đồng với những dị thần khác. Ngài Khương Tăng Hội dùng tâm chí thành mà cảm chiêu điềm lành linh ứng, nên Ngô Đại Đế mới cho xây chùa chiền. Nếu tùy tiện mà hủy hoại, thì e rằng sau này hối hận không kịp !


Nghe quần thần can gián, Ngô Tôn Hạo không biết thật hư, nên phái đại thần Trương Dục đến chùa Kiến Sơ, chất vấn ngài Khương Tăng Hội. Vốn là kẻ cơ trí biện tài, trước khi đến chùa, đại thần Trương Dục chuẩn bị những câu hỏi hiểm hóc, hầu mong làm xấu mặt ngài Khương Tăng Hội trước đại chúng. Tuy nhiên, Ngài tùy cơ ứng biến, đối đáp lưu loát, chẳng có chút gì thua kém. Bàn luận mãi từ sáng đến tối, Trương Dục vẫn không thể khuất phục nổi Ngài, nên đành phải cáo từ. Vừa bước ra cổng chùa, Trương Dục thấy một ngôi miếu ngay bên cạnh của chùa, nên bèn hỏi:


- Chánh giáo Phật pháp đã đắc được nhân tâm. Sao ngôi miếu đó lại còn nằm kế bên chùa chiền, khiến làm ô uế sự giáo hóa của Phật pháp ?


Ngài bảo:


- Ví như sét đánh sấm nổ, khiến núi non tan vỡ. Tuy nhiên, đối với kẻ điếc, họ không nghe được âm thanh gì cả. Vì vậy, vấn đề là chẳng phải ở nơi tiếng sấm sét vang to hay nhỏ. Vạn vật nếu hòa cùng trời đất, thì dẫu có cách xa muôn dặm, cũng vẫn có điềm cảm ứng. Vì những ngôi đền miếu đó không đi đúng với chánh đạo, nên dẫu gần kề trong gang tấc mà không có cảm ứng được gì.


Trở về, Trương Dục thuật lại những lời đối đáp cho Ngô Tôn Hạo nghe, và tán thán Ngài là một vị tài trí cao nhân đệ nhất. Dẫu nghe như thế, Tôn Hạo vẫn không tin phục, nên hội tập quần thần và hiền sĩ tại triều đình, rồi cho người đem xe đi rước Ngài vào cung để chất vấn, hầu mong làm nhục Ngài trước bá quan văn võ. Ngài vừa đến, Tôn Hạo bèn hỏi:


- Nghĩa lý về thuyết nhân quả báo ứng của Phật giáo như thế nào ?


Ngài đáp:


- Hiền minh quân chúa dùng nhân từ bác ái mà huấn dụ răn nhắc người đời, và dùng đạo đức nhân hòa để giáo hóa cùng trưởng dưỡng vạn vật. Gió hòa mưa thuận, vạn vật tốt tươi sinh sôi nẩy nở đều nhờ làm lành mới có báo ứng điềm lành, còn làm ác thì không bao giờ có được như thế. Dẫu người đời không ai biết mình làm việc quấy, nhưng không thể trốn khỏi tai mắt của lưới trời, và cuối đời sẽ bị quỷ thần tru diệt. Làm việc ác mà người người đều biết, thì nhất quyết sẽ bị người giết hại. Kinh Dịch nói: "Tích thiện dư khánh", và Kinh Thi cũng nói: "Cầu thiện bất hồi". Đây là thư điển của Nho giáo, nhưng cũng tương đồng với những lời giáo huấn của Phật pháp.


- Đạo lý này thật đúng, nhưng Chu Công, Khổng Tử đã từng chỉ dạy rõ rồi, thì giáo huấn của Phật đà còn tồn tại để làm gì ?


- Các thuyết của Chu Công, Khổng Tử chỉ bàn về những việc thiển cận mà thôi. Lý thuyết của Phật giáo u huyền, thâm sâu vi tế. Phật thường dạy rằng nếu người đời làm việc ác thì sẽ đọa vào địa ngục chịu bao thống khổ, và nếu họ thường hành việc thiện thì sẽ sanh lên cõi trời hưởng bao sự an lạc sung sướng dài lâu. Việc khuyến tấn làm lành tránh ác chẳng phải là vấn đề trọng yếu sao ?


Tôn Hạo bị Ngài hỏi ngược lại, mà chẳng có lời chi để đối đáp, nên đành tạm bãi trào. Tuy ông ta đã nghe chánh pháp, nhưng chẳng hiểu chi hết, và cũng không biết sám hối sửa đổi. Ngài than với tăng chúng:


- Tôn Hạo tánh tình thô bạo. Thật không có cách nào để giảng giải về nghĩa lý thâm sâu áo diệu của Phật pháp, hay khuyên nhủ báo ứng nhân quả cho ông ta nghe được. Tâm của ông ta trước sau vẫn u mê mờ mịt !


Lần nọ, các vệ sĩ trong vườn thượng uyển đào lên được một tượng Phật bằng vàng cao vài mươi thước. Tôn Hạo hay tin, bèn sai bọn họ để tôn tượng Phật nơi chỗ bất tịnh. Vào ngày lễ Phật đản, tức mồng tám tháng tư, thường có hội lễ tắm Phật. Vào ngày đó Tôn Hạo đến chùa cố ý làm nhơ tượng Phật, tự bảo: "Trẫm tắm Phật !" rồi cười riễu cợt với quần thần. Sau này, Tôn Hạo đột nhiên bị bịnh phù thủng đau nhức nhối, và âm bộ cũng bị sưng phù, khiến rên xiết kêu trời, nên cho vời thái sử vào chiêm bốc. Thái sử tâu:


- Đây là bịnh do phạm đến chư đại oai thần !


Tôn Hạo lập tức sai người đi cầu đảo tại các đền miếu, nhưng bịnh trạng vẫn không thuyên giảm chút nào. Đương thời, trong cung có một cung nữ rất chân thành tín phụng Phật pháp, nên bẩm tấu với Tôn Hạo:


- Xin Điện Hạ hãy đến chùa sám hối.


Bịnh tình đau khổ vô cùng cực, Tôn Hạo vẫn gắng gượng hỏi cung nữ:


- Pháp lực của Phật oai linh đến độ như vầy sao ?


Cung nữ nói:


- Phật vốn là một bậc đại oai thần !


Nghe theo ý kiến của cung nữ, Tôn Hạo bèn sai người đem ra tôn tượng Phật bị ông ta làm ô nhiễm trước kia, và đặt tại cung điện, rồi cung kính dùng nước hương trầm mà tẩy uế cả chục lần. Kế đến, Tôn Hạo dâng hương sám hối, cùng quỳ lạy, khẩn thành tự trần thiết những tội trạng. Nhờ vậy mà bịnh tình thuyên giảm rất nhiều. Tôn Hạo bèn đến chùa, thỉnh cầu Ngài thuyết pháp. Ngài cũng tùy thuận theo ý ông ta mà giải thích cặn kẽ những điểm tinh yếu của luật nhân quả cùng tội phước. Tự thân chứng nghiệm được nhân quả báo ứng, nên Tôn Hạo mới hiểu rõ những lời huấn dụ, nên rất vui mừng, rồi cầu Ngài cho phép xem giới luật của sa môn. Ngài bảo rằng giới luật đó chỉ dành cho những người xuất gia, chứ người thế tục không thể khinh xuất xem được. Tuy nhiên, Ngài lấy ra một trăm ba mươi lăm lời nguyện trong kinh Bổn Nghiệp, rồi phân thành hai trăm năm mươi việc, để lúc đi đứng nằm ngồi, đều nguyện làm lợi ích cho chúng sanh, và đưa cho Tôn Hạo. Vừa xem qua những lời nguyện từ bi thiện ích đó, Tôn Hạo bèn cầu thỉnh Ngài truyền năm giới cấm. Vài ngày sau thì bịnh của Tôn Hạo thuyên giảm hoàn toàn. Từ đó, Tôn Hạo cho người sửa sang chùa chiền và đổi tên chùa của ngài Khương Tăng Hội thành chùa Thiên Tử. Ông lại hạ lịnh cho quần thần và tông quyến đồng tín phụng Phật pháp. Nhờ tự thân cảm nghiệm rõ sự linh ứng của nhân quả báo ứng và nhờ những lời giảng dạy của ngài Khương Tăng Hội, mà Tôn Hạo mới chuyển tánh hung bạo thành hiền lương. Tâm thức của ông ta cũng được khai mở.


Theo quyển 'Xuất Tam Tạng Ký Tập' thì ngài Khương Tăng Hội dịch những bộ kinh như sau: Kinh A Nan Niệm Di, Kính Diện Vương, Sát Vi Vương, Phạm Hoàng Vương, Đạo Phẩm, Lục Độ Tập, v.v... Ngoài ra, Ngài còn chú giải, soạn viết lời tựa cho kinh An Ban Thủ Ý, Pháp Cảnh, Đạo Thọ, v.v...


Ngài Đạo An có ghi: "Tích xưa, Nghiêm Phật Điều soạn Sa Di Thập Huệ Chương Cú. Khương Tăng Hội hội tập Lục Độ yếu mục, cùng kinh Ngô Phẩm".


Lục Độ Yếu Mục của ngài Khương Tăng Hội hiện nay vẫn còn: 1/ Bố Thí Độ Vô Cực Chương; 2/ Giới Độ Vô Cực Chương; 3/ Nhẫn Nhục Độ Vô Cực Chương; 4/ Tinh Tấn Độ Vô Cực Chương; 5/ Thiền Độ Vô Cực Chương; 6/ Minh Độ Vô Cực Chương. Đó là lục độ ba la mật mà bao ức kiếp trong đời quá khứ, đức Phật đã từng thật tiễn hành trì.


Trong các quyển kinh do Ngài dịch và chú giải hay soạn viết lời tựa, như kinh An Ban Thủ Ý, kinh Pháp Kính, kinh Tạp Thí Dụ, Tiểu Phẩm, v.v... văn từ rất điêu luyện tinh mật, khiến ai ai đọc qua cũng lấy làm thán phục. Ngoài ra, Ngài còn giảng giải về kinh Phạm Hoàng, Sát Vi Vương, Kính Diện Vương, A Nan Niệm Di.


Ngài Khương Tăng Hội tịch vào đời Tấn Võ Đế, niên hiệu Thái Khang nguyên niên (280).


Vào thời Tam Quốc, do sự phiên dịch và chú giải của ngài Khương Tăng Hội, tư tưởng Phật học được lưu truyền rộng rãi, và ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc tu học của quần chúng, cùng việc xây cất chùa chiền của chư tăng người Tàu.


Phật giáo ở đời Đông Hán như Sở Vương Anh hay Hán Hoàn Đế, chỉ hạn cuộc trong việc xây cất chùa chiền, tạo tượng Phật, hoặc hành sự theo những nghi thức cổ truyền, còn việc phiên dịch kinh điển thì chưa được phát triển cho lắm. Khởi đầu sự nghiệp phiên dịch kinh điển Tiểu Thừa là ngài An Thế Cao, và phiên dịch kinh điển Đại Thừa là ngài Chi Lâu Ca Sấm, mà kế thừa sự nghiệp này là ngài Khương Tăng Hội và Chi Khiêm. Những bộ kinh về thiền học và số học của ngài An Thế Cao sau này được kế thừa bởi các ngài An Huyền, Nghiêm Phật Điều, Nam Dương Hàn Lâm, Đãnh Xuyên Bì Nghiệp, Hội Kê Trần Huệ, Khương Tăng Hội, v.v...


Ngài Khương Tăng Hội xuất thân từ Việt Nam, lại thông suốt văn hóa cùng văn chương nước Tàu, nên lẽ đương nhiên là trong lúc phiên dịch kinh điển, ngài mong muốn dung hợp tư tưởng Phật giáo với tư tưởng người Tàu. Ví dụ, trong bài tựa về kinh An Ban Thủ Ý, ngài Khương Tăng Hội dùng rất nhiều thuật ngữ của Lão Trang.


Nhờ hai nhà đại dịch giả An Thế Cao và Chi Khiêm mà giáo lý Tiểu Thừa được lưu truyền rộng rãi. Ngoài ra, giáo lý Bát Nhã của Đại Thừa được khởi xướng từ hai nhà đại dịch giả là Chi Lâu Ca Sấm và Khương Tăng Hội.


Tuy cha mẹ gốc là người Khương Cư, nhưng ngài Khương Tăng Hội được sanh ra và trưởng thành ở Việt Nam (Giao Châu). Vì vậy, không giống với các vị thần tăng người Thiên Trúc, Tây Vực, v.v... ngài Khương Tăng Hội vốn là người Việt Nam, xuất gia đắc đạo, thắp lên ngọn đuốc thiền tông cùng giáo lý Đại Thừa ở Việt Nam, rồi dẫn chư đệ tử sang truyền bá Phật pháp ngay trên đất Tàu. Nhờ công lao của Ngài mà Phật giáo vùng Giang Nam mới được phát khởi hưng thạnh. Do đó, công nghiệp truyền bá Phật pháp của ngài Khương Tăng Hội ảnh hưởng lớn lao đối với lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Ngọn đuốc chánh pháp do Ngài truyền sang, mãi mãi chiếu soi trong tâm thức của người Tàu. Dĩ nhiên, oai danh tài đức của Ngài đã tô đậm nét son vàng cho lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ngài là vị đại diện cho biết bao vị cao tăng khác ở Việt Nam sang Trung Thổ truyền bá chánh pháp, và dạy đạo cho các vua chúa cùng dân chúng người Tàu, như pháp sư Phụng Đình (vào giảng kinh trong cung vua Đường), pháp sư Duy Giám (sang giảng kinh trong cung vua Đường), v.v... Thật vậy, nhờ địa thế mà Phật giáo được du nhập vào nước Việt Nam sớm hơn nước Tàu. Điều này được cuốn Phật Giáo Việt Nam Sử Luận chứng minh rõ ràng:


"Trung tâm Luy Lâu (ở Giao Châu) được thành lập sớm nhất và trung tâm này đã làm bàn đạp cho sự thành lập các trung tâm Bành Thành và Lạc Dương ở Trung Hoa".


Bàn về địa thế, trong những năm dài tối tăm bị đô hộ, Việt Nam (Giao Châu) là thương cảng quan trọng nhất của đế quốc phương bắc từ đời Tiền Hán đến đời Đường (111 t.TL - 907 s.TL). Theo thầy Thích Đông Sơ trong quyển Trung Ấn Phật Giáo Giao Thông Sử thì sự giao thương giữa nước Tàu và Ấn Độ vào những thế kỷ trước và sau tây lịch qua ba con đường chính: Thứ nhất là theo con đường lụa (silk route), tức là từ Ấn Độ, vượt ngọn Thông Lĩnh, đi về hướng đông, qua các nước ở Tây Vức như Kế Tân, Vu Điền, băng ngang các bãi sa mạc, rồi vào Cô Tạng hay Lương Châu, để đến Trường An hoặc Lạc Dương. Trên đất liền, đây là tuyến đường mà chư tăng người Ấn Độ thường dùng nhất. Thứ hai là từ Ấn Độ, đi ngang qua Miến Điện, rồi vào Vân Nam. Tuy nhiên, tuyến đường này rất ít người dùng đến. Thứ ba là đường biển. Xuất phát từ Ấn Độ Dương, các chư tăng người Ấn Độ hay Tây Vực thường theo thương thuyền mà đến Việt Nam (Giao Châu), trước khi vào đất Tàu. Ngoài ra, các nước ở Nam Hải như Phù Nam (Cam Bốt), Sư Tử (Tích Lan), v.v... và ngay cả đế quốc La Mã, muốn giao dịch với người Tàu đều phải đến Việt Nam (Giao Châu) bằng đường biển trước nhất, rồi mới đi vào lục địa. Theo sách truyện về nước Thiên Trúc cùng Tây Vực vào đời Hậu Hán (Hậu Hán Thư, Tây Vực Truyện, Thiên Trúc Truyện), viết: "Trong đời vua Hòa Đế (79-104), các nước Thiên Trúc cùng Tây Vực thường phái các đoàn sứ giả đem phẩm vật triều cống đến Nhật Nam".


Quyển truyện Đại Tần thứ tư viết: "Nước Đại Tần (nước Tàu) đã từng cùng với nước An Tức, Thiên Trúc giao thương với nhau bằng đường biển, mười phần đều có lợi ích. Các thương nhân cùng đoàn sứ giả thường đem ngà voi, sừng tê giác, v.v... đến Nhật Nam".


Nhật Nam tức là hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị của Việt Nam hiện nay. Đường Thư Địa Lý, tức là sách địa lý của nhà Đường (618-907) viết: "Những đoàn sứ giả và thương nhân thuộc các nước ở vùng Hải Nam, nằm về hướng nam và hướng tây nam của Giao Chỉ, hoặc cách năm dặm, năm ngàn dặm, trăm ngàn dặm. Họ thường dùng thương thuyền mang hàng hóa trao đổi, hay lễ vật triều cống, và đều tới thương cảng ở Giao Chỉ, từ đời Hán Võ Đế (206 t. TL) cho đến nay".


Lại nữa, theo hai ông Sylvain và Pelliot khảo cứu thì người Tàu và Ấn Độ khi giao thương với nhau đều lấy Việt Nam (Giao Châu) làm môi giới trung gian từ năm 245 trước tây lịch đến thế kỷ thứ bảy.


Ngoài ra, bấy giờ dân tộc Chàm (Champa) còn mạnh, và họ chịu ảnh hưởng rất sâu nặng về nền văn hóa của người Ấn Độ. Họ thường dùng sách vở bằng tiếng Phạn, và thông thạo tiếng Qua Oa (Java). Dân Việt Nam sống gần với họ nên lẽ dĩ nhiên là có rất nhiều người thông thạo tiếng Phạn, và tiếng Tàu. Do đó, các đoàn truyền giáo từ Ấn Độ sang thường tìm đến người Việt Nam để nhờ thông dịch hay phiên dịch kinh điển chữ Phạn ra tiếng Tàu. Các ngài cũng thường đến đó để học chữ Tàu rồi bắt đầu khởi xướng công việc phiên dịch. Vì vậy, chẳng lấy làm ngạc nhiên cho lắm có rất nhiều bản kinh cựu dịch thường được dịch tại Việt Nam.


Thế nên, nhờ có chư tăng người Ấn Độ liên tục qua vùng viễn đông truyền bá đạo pháp trong thời bắc thuộc, mà nền Phật giáo tại Việt Nam vào thời sơ kỳ được ảnh hưởng trực tiếp từ Phật giáo Ấn Độ. Điển hình, là đầu thế kỷ thứ nhất, chư tăng người Ấn Độ từ các trung tâm Phật giáo Đại Thừa ở vùng duyên hải đông Ấn Độ như Nagarunakonda và Amaravati thường theo các thương thuyền để đến vùng Đông Nam Á. Nếu muốn truyền bá Phật giáo vào nước Tàu, thì tất nhiên là các ngài phải đến Việt Nam (Giao Châu) trước nhất, rồi mới đi vào lục địa. Đến nơi, các ngài phiên dịch kinh điển, thành lập tăng đoàn, rồi từ từ truyền bá Phật pháp vào nước Tàu, Cao Ly.


Vì vậy, với địa thế thuận lợi, Việt Nam đã sớm tiếp thọ Phật giáo chánh truyền trực tiếp từ chư tăng người Ấn Độ trong thời bắc thuộc từ đời Tiền Hán cho đến đời Đường, rồi dùng nguồn sinh lực và lẽ nhiệm mầu của Phật pháp làm nơi nương tựa cho tâm linh, chứ không bị giáo điều Khổng - Mạnh của người phương bắc nhồi nhét đồng hóa để làm nô lệ như những dân tộc khác. Chẳng những không bị đồng hóa mà các vị cao tăng người Việt Nam lại đem ngọn đuốc chánh pháp truyền vào tận triều đình của người Tàu.


Ngoài ra, trong ba thời kỳ bắc thuộc (111 tr.TL - 39 s.TL, 43-544, 603-939), ở Việt Nam có rất nhiều vị cao tăng sang Thiên Trúc để tầm cầu Phật pháp, như thiền sư Vận Kỳ, ngài Mộc Xoa Đề Bà, pháp sư Khuy Xung, pháp sư Huệ Diệm, pháp sư Giải Thoát Thiên. Lại nữa, các chư tăng người Tàu cũng thường đến Việt Nam (Giao Châu) để lên thuyền sang Thiên Trúc và Tây Vực cầu pháp điển hình là thầy Huệ Mạnh, Đàm Nhuận, Trí Hoằng, v.v...


Tựu chung, nhờ hấp thụ tinh hoa của Phật pháp, nhất là thiền pháp, từ lúc ngài Khương Tăng Hội chú giải thiền kinh An Ban Thủ Ý, đến khi thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi (?-602) truyền bá cùng sáng lập thiền tông mà tư tưởng của dân tộc Việt Nam luôn được rèn luyện huân tập với ý chí tự lập kiên cường. Đây là điểm then chốt trưởng dưỡng hun đúc ý thức tự chủ, độc lập của dân tộc Việt Nam trong bao năm bị đế quốc phương bắc đô hộ, để rồi gặp thời điểm thuận tiện, giành lại chủ quyền vào năm 939.


Điển hình, nhờ tiếp thu tinh ba của Phật pháp, tại Việt Nam đã sớm xuất sanh những vị cao tăng tài đức, như Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, Pháp Thuận, v.v... Các ngài đã hỗ trợ và làm quân sư cho những vị minh quân như Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ để lèo lái con thuyền quốc gia ra chốn bùn nhơ nô lệ, giành lại chủ quyền độc lập cho dân tộc, rồi xây dựng những triều đại nhân từ và hưng thịnh nhất trong lịch sử nước nhà, qua suốt bốn đời Đinh, Lê, Lý, Trần (939-1400).


9. Chi Cương Lương Tiếp


Ngài Chi Cương Lương Tiếp (dịch là Chánh Vô Úy) vốn là người nước Đại Nhục Chi, dịch sáu quyển kinh Pháp Hoa Tam Muội tại Giao Châu (Việt Nam) vào đời Tào Ngụy, niên hiệu Cam Lộ nguyên niên (256). Theo quyển Lịch Đại Tam Bảo Ký, có một vị tăng người nước Đại Nhục Chi tên là Cương Lương Lâu Chí (Kalyanaruci) đến Phiên Ngu ở Quảng Châu vào năm 266, và dịch bộ Thập Nhị Du Kinh. Theo ông Pelliot tra cứu thì hai người đó chỉ là một vị.


10. Ma Ha Kỳ Vực (Mahajivaka)


Theo quyển Lương Cao Tăng Truyện thì ngài Ma Ha Kỳ Vực vốn là người Thiên Trúc. Ngài đi từ Thiên Trúc sang Phù Nam (Cam Bốt), qua Giao Châu (Việt Nam), rồi đến Quảng Châu vào cuối đời Tấn Huệ Đế (290-306). Lần nọ, lúc đến Tương Dương, Ngài muốn lên đò qua sông. Tuy vậy, chủ đò thấy Ngài ăn mặc rách rưới nên không cho lên. Đò vừa cặp bến sông thì thấy Ngài đã đứng trên bờ sông cùng với hai con hổ. Mọi người đều kinh hoàng. Từ đó, có rất nhiều người đi theo Ngài học đạo. Đến Lạc Dương, Ngài dùng những phương pháp trị bịnh thần dị để chữa những bệnh nan y, khiến cho các bệnh nhân đều được bình phục. Về sau, vì chiến loạn nên Ngài rời Lạc Dương, trở về Thiên Trúc. Trong quyển Cổ Châu Pháp Vân Phật Bổn Hạnh Ngữ Lục (tập truyện viết về sử Phật giáo Việt Nam), thiền sư Viên Chiếu có ghi: "Trong thời Hán Linh Đế thống trị nước ta (Việt Nam), có một vị tăng tên là Kỳ Vực, dẫn theo một đệ tử là Khâu Đà La. Ngài Kỳ Vực tay cầm cành dương chi, đi khắp các nơi. Cuối cùng đến đất Luy Lâu. Nơi đó, có một vị thường tu thiền định. Ông ta thỉnh mời hai thầy trò ngài Kỳ Vực vào nhà nghỉ ngơi. Song, chỉ có Khâu Đà La là lưu lại, còn ngài Kỳ Vực thì tiếp tục đi về hướng đông. Một tháng sau, Khâu Đà La cũng từ biệt ra đi. Tuy nhiên, vị tu thiền định kia lập thệ nguyện kiên trì tu hành mà lưu giữ Khâu Đà La ở lại. Khâu Đà La thường đứng một chân tụng kinh liên tục suốt bảy ngày. Về sau, Khâu Đà La an nhiên mà tịch. Mọi người nghe ở phía tây có âm thanh vang dội, nên đồng tìm đến. Cuối cùng, họ phát hiện một quyển kinh dưới tàng cây lớn (nơi Khâu Đà La thường đứng tụng kinh)".


11. Chi Khiêm


Chi Khiêm tự Cung Minh, biệt danh là Việt, xuất thân từ nước Đại Nhục Chi. Thời Hán Linh Đế, tổ phụ dẫn cả trăm người sang nơi đất Hán, nhân đó đổi tên thành Chi. Chi Khiêm vốn là ưu bà tắc. Năm mười tuổi học kinh thư, có trí thông minh mẫn tiệp hơn người. Năm mười ba tuổi học sách vở tiếng Phạn, cùng thông thạo ngôn ngữ của sáu nước. Đời Hán Linh Đế, đệ tử của ngài Chi Sấm là Chi Lượng sang Trung Thổ. Chi Khiêm bèn theo Chi Lượng học Phật pháp. Cuối đời Đông Hán, Chi Khiêm chạy loạn đến nước Ngô. Tưởng vào nam lánh được loạn lạc, nhưng vẫn gặp khổ ách. Đương thời, Chi Khiêm cùng vài mươi người đồng hương qua đất Ngô. Họ phải đắp chăn ngủ trên đường lộ. Trong nhóm có một người khách; ông ta không có chăn để đắp. Thấy trời lạnh lẽo, Chi Khiêm gọi ông ta qua cùng đắp chăn để đỡ lạnh. Giữa đêm, người khách kia lén lấy chăn ngủ của Chi Khiêm đi mất. Sáng hôm sau, các người đồng hành thấy thế, bèn hỏi Chi Khiêm rằng chăn đắp đâu mất rồi. Chi Khiêm đáp:


- Đêm hôm qua người khách lạ đã lấy mất !


Họ hỏi:


- Sao không la lên ?


- Nếu tôi la lên thì các vị chắc phải bắt trói hay gia hình kẻ trộm. Sao chỉ vì một tấm chăn mà làm lụy đến mọi người, hay hại kẻ khác !


Ngô Tôn Quyền nghe tiếng bác học, tài năng trí huệ xuất chúng của Chi Khiêm, nên triệu ông ta vào hầu cận, lại hỏi vấn về nơi thâm áo của Phật pháp. Chi Khiêm tùy theo căn cơ ứng đáp minh bạch trôi chảy những kinh điển khó hiểu cùng bao nghi vấn. Vừa nghe qua, Ngô Tôn Quyền rất vui mừng, bèn bổ nhậm Chi Khiêm làm Bác Sĩ, đảm nhậm chức Bổ Đạo Đông Cung. Đương thời, đã có rất nhiều kinh điển được truyền vào đất Ngô, nhưng hầu hết đều là kinh tiếng Phạn, nên khó lòng cho dân chúng hiểu nghĩa lý. Do thông thạo tiếng Tàu và tiếng Phạn, cùng ngôn ngữ của sáu nước, nên Chi Khiêm gom góp nhiều loại kinh lại rồi tự phiên dịch ra tiếng Tàu. Chi Khiêm phiên dịch khoảng hai mươi bảy bộ kinh, cùng chú thích các bộ kinh như Liễu Bổn Sanh Tử. Lúc thái tử lên ngôi, Chi Khiêm vào ẩn cư nơi núi Khung Ải, gạt qua mọi việc ở thế gian. Chi Khiêm cũng theo ngài Trúc Pháp Lan mà thọ năm giới, và trú nơi đó sáu mươi năm cho đến lúc qua đời.


Theo quyển 'Xuất Tam Tạng Ký Tập', từ đời Ngô Tôn Quyền, niên hiệu Hoàng Võ (222) đến đời Ngô Tôn Lượng, niên hiệu Kiến Hưng (252-253), Chi Khiêm dịch hơn ba mươi quyển kinh như sau: Đại Bát Nê Hoàn (2 quyển), Đoan Ứng Bổn Khởi (2 quyển), Tiểu A Sai Mạt (2 quyển), Huệ Ấn (1 quyển), Bổn Nghiệp (1 quyển), Pháp Cú (2 quyển), Tu Lại (1 quyển), Tư A Mạt (1 quyển), Vi Mật Trì (1 quyển), A Di Đà (2 quyển), Nguyệt Minh Đồng Tử (1 quyển), Nghiệp Túc (2 quyển), A Nan Tứ Sự (1 quyển), Sai Ma Kiệt (1 quyển), Ưu Đa La Mẫu (1 quyển), Thất Nữ (1 quyển), Bát Sư (1 quyển), Thích Ma Nam (1 quyển), Bột Sao (1 quyển), Minh Độ (4 quyển), Lão Nữ Nhân (1 quyển), Trai Kinh (1 quyển), Tứ Nguyện (1 quyển), Hối Quá (1 quyển), Hiền Giả Đức (1 quyển), Phật Đồ Thượng Sở Hành Tam Thập Kệ (1 quyển), Liễu Bổn Sanh Tử (1 quyển), Duy Minh Nhị Thập Kệ (1 quyển). Đấy là những kinh điển do Chi Khiêm dịch, và đã được ngài Đạo An liệt kê. Theo Tăng Hữu thì Chi Khiêm có dịch thêm sáu bộ kinh khác như kinh: Thủ Lăng Nghiêm (2 quyển), Long Thi Nữ (1 quyển), Pháp Kính (2 quyển), Lộc Tử (1 quyển), Thập Nhị Môn Đại Phương Đẳng (1 quyển), Lại Trá Hòa La (1 quyển).


Cách diễn dịch lời kinh của Chi Khiêm rất uyển chuyển, lưu loát. Trước kia, đa số các kinh điển được phiên dịch đều có rất nhiều từ ngữ tiếng Phạn, nên rất khó đọc. Sau này, Chi Khiêm dịch lời kinh theo ý tưởng của mình rồi kiểm thảo lại để phù hợp với ý của văn kinh. Nếu ý tưởng phiên dịch phù hợp với văn kinh thì duy trì nguyên văn, không sửa thêm gì, nên lời văn rất ít có chữ Phạn.


12. Ngài Duy Đề Nan (Vighna)


Ngài Duy Đề Nan người Thiên Trúc, gia thế tín phụng thờ lửa ngoại đạo. Vào lần nọ, một vị sa môn Tiểu Thừa có pháp thuật, đi hành khất gặp lúc trời sẫm tối. Lúc đến nhà của Duy Đề Nan, vị sa môn này định xin tá túc qua đêm. Vì gia đình của ngài Duy Đề Nan tin theo ngoại đạo, nên hiềm nghi vị sa môn kia, không cho trú trong nhà. Vị sa môn kia bèn nghỉ qua đêm bên ngoài đường lộ. Đêm ấy, vị sa môn kia tụng trì thần chú, khiến lửa trong nhà của ngài Duy Đề Nan đều tắt hết. Hoảng sợ, gia đình của ngài Duy Đề Nan bèn chạy ra, thỉnh cầu vị sa môn kia vào nhà để cúng dường. Vị sa môn kia bèn trì tụng thần chú, khiến lửa cháy trở lại. Mục kích năng lực thần dị thù thắng này, ngài Duy Đề Nan liền khởi tâm tín phụng Phật pháp, rồi lại bỏ nhà xuất gia tu đạo, theo vị tỳ kheo kia học tập ba tạng giáo điển, thông suốt bốn bộ kinh A Hàm. Sau này, ngài Duy Đề Nan đi du hóa khắp các nước.


Đến đời Ngô Hoàng Võ (224), ngài Duy Đề Nan cùng với pháp hữu là Trúc Luật Viêm đồng đến Võ Xương, đem theo kinh Đàm BátẠ bằng chữ Phạn. Đương thời, Ngô Sĩ thỉnh cầu dịch kinh. Tuy ngài Duy Đề Nan và Trúc Luật Viêm chưa thông thạo tiếng Tàu, nhưng vẫn cố gắng phiên dịch, giữ nguyên bổn ý, nên văn từ rất chất phác thô sơ. Đến cuối đời Tấn Huệ, có sa môn Pháp Lập dịch lại thành năm quyển, và sa môn Pháp Cự ghi chép lại.


13. Ngài Bạch Thi Lê Mật Đa La (Srimitra)


Ngài Bạch Thi Lê Mật Đa La hay Thi Lê Mật (dịch là Kiết Hữu) vốn là người Tây Vực. Người đương thời thường gọi Ngài là 'Cao Tọa Pháp Sư'. Ngài vốn là thầy của đại phiên dịch gia vào đời Tây Tấn, tức là ngài Trúc Pháp Hộ. Thế thì ngài Thi Lê Mật (hay Trúc Cao Tọa) vĩ đại biết chừng nào ! Ngài Thi Lê Mật vốn là hoàng tử nước Tây Vực, nhưng lại nhường vương vị cho người em, rồi âm thầm nghiên cứu Phật pháp, sau lại lãnh hội chánh đạo, nên xuất gia làm sa môn. Ngài có thiên tư cao minh xuất chúng, chẳng đồng với phàm phu.


Đời Tây Tấn Hoài Đế, trong niên hiệu Vĩnh Gia (307-312), Ngài đến Trung Thổ. Đương thời, gặp lúc Ngũ Hồ mười sáu nước đang phân tranh, nên Ngài vượt sông Trường Giang, vào miền nam, đến tạm trú tại chùa Kiến Sơ (trong thành Nam Kinh). Thừa tướng Vương Đạo vừa gặp Ngài bèn cảm thấy đây không phải là kẻ phàm phu, mà nhận là 'Ngã Bối Trung Nhân (người đắc ý nhất)'. Nhờ đó, thanh danh của Ngài vang dội, nên thường qua lại với các quan thần và nhà danh sĩ quý phái, như Dữu Lượng, Chu Dĩ, Tạ Côn, Vương Đôn, v.v...


Người đương thời muốn bình luận về Ngài, nhưng trước sau không có cách gì để nghị luận. Lúc Hoàng Di đem việc này hỏi, Chu Dĩ đáp:


- Ngài Thi Lê Mật là một nhân vật cao siêu thanh thoát.


Hoàn Di cũng bảo:


- Lúc trẻ, tôi đã từng gặp được ngài Thi Lê Mật. Tinh thần của Ngài dồi giàu sung túc; thật là một nhân vật kiệt xuất, khiến người người đều bội phục.


Người gặp Ngài trước nhất là Vương Đạo (267-330). Vương Đạo vốn là trung thần của Tấn Nguyên Đế, Tấn Minh Đế, Tấn Thành Đế, và là tể tướng của Đông Tấn Thành Đế. Lúc Vương Đạo đến nơi trụ xứ của Ngài để thăm viếng, Ngài bèn bỏ y ngoài và quăng xuống đất, rồi nói chuyện với ông ta. Vương Đạo đến chẳng bao lâu thì Biện Khổn cũng đến viếng thăm Ngài. Lúc Biện Khổn sắp đến, Ngài bèn chỉnh đốn dung nghi, ngồi ngay ngắn mà đợi ông ta. Người khác thấy vậy, bèn hỏi tại sao Ngài có cử chỉ khác lạ như thế. Ngài bảo:


- Vương Đạo thích 'phong thần siêu dật'. Biện Khổn thì xem dung nghi mà phán đoán người. Vì vậy, Ta mới có hai thái độ khác nhau.


Do đó, người đương thời tán thán là Ngài biết dùng pháp để thích hợp với căn cơ của người.


Tánh tình của Ngài rất rộng rãi bao dung, không câu nệ tiểu tiết. Lúc đến Trung Thổ, Ngài không học tiếng Tàu, nên người nào muốn đàm luận với Ngài đều phải cần có dịch giả. Tuy nhiên, thường thường không đợi dịch giả phiên dịch, mà Ngài có thể hiểu rõ lời nói của người đối diện, tức là có khả năng biết tâm ý của người đó.


Chu Di (269-322) cũng thường qua lại với Ngài. Chu Di là người có thần thái sáng suốt, phong lưu tài hoa. Chu Di vốn là quan Bộc Xạ, nên thường tuyển chọn nhân tài để đưa vào triều làm quan. Khi mới gặp Ngài, Chu Di bảo:


- Nếu là thời thái bình thạnh trị thì phải tuyển chọn vị hiền nhân này, mà chẳng có ân hận gì !


Sau này Chu Di bị Vương Bân giết, nên Ngài đến nhà phúng điếu, tụng đọc hàng ngàn câu thần chú bằng tiếng Phạn, âm thanh ngân vang thấu suốt thiên đình. Lúc đọc tụng xong, thần sắc của Ngài vẫn an nhiên bình thản, không lộ chút vẻ buồn thương. Đối với những sự vui buồn hay giận tức, Ngài không màng đến. Vương Đạo thường nói:


- Ngoại quốc chỉ có một hiền tài này mà thôi !


Đại tướng quân Vương Xứ Xung nghe Vương Đạo, Chu Di, v.v... đều tán thán Ngài, nên đến bái kiến. Vừa gặp mặt Ngài thì ông ta bèn khởi tâm sùng kính.


Cháu của Vương Đạo là Vương Mẫn đã từng theo học mật chú với Ngài, và thường nghe sa môn Tăng Già Đề Bà giảng kinh. Vương Mẫn thường viết lời tựa cho những loại kinh điển.


Ngài thường tụng đọc thần chú, hiển hiện những điềm linh nghiệm. Trước kia, tại vùng Giang Đông chưa từng có chú pháp. Nhờ Ngài dịch quyển kinh 'Khổng Tước Vương' mà chú pháp mới được giới thiệu đến quần chúng Phật tử. Trong quyển 'Xuất Tam Tạng Ký Tập' ghi hai quyển kinh về Mật chú do Ngài dịch là Đại Khổng Tước Vương Thần Chú, và Khổng Tước Vương Tạp Thần Chú. Ngoài ra, Ngài còn dịch nhiều bộ kinh về Mật giáo. Hiện tại, trong quyển thứ hai mươi mốt của Đại Chánh Tân Tu còn ghi lại mười hai quyển do Ngài phiên dịch như sau: 1/ Phật Thuyết Quán Đảnh Thất Vạn Nhị Thiên Thần Vương Hộ Tỳ Kheo Ny Chú kinh; 2/ Phật Thuyết Quán Đảnh Thập Nhị Vạn Thần Vương Hộ Tỳ Kheo Ny Kinh; 3/ Phật Thuyết Quán Đảnh Tam Quy Y Ngũ Giới Đái Bội Hộ Thân Chú Kinh; 4/ Phật Thuyết Quán Đảnh Bách Kết Thần Vương Hộ Thân Chú kinh; 5/ Phật Thuyết Quán Đảnh Chú Cung Trạch Thần Vương Thủ Trấn Tả Hữu Kinh; 6/ Phật Thuyết Quán Đảnh Trủng Mộ Nhân Duyên Tứ Phương Thần Chú Kinh; 7/ Phật Thuyết Quán Đảnh Phụ Ma Phong Ấn Đại Thần Chú Kinh; 8/ Phật Thuyết Quán Đảnh Ma Ni La Đản Đại Thần Chú Kinh; 9/ Phật Thuyết Quán Đảnh Triệu Ngũ Phương Long Vương Nhiếp Dịch Độc Thần Chú Thượng Phẩm Kinh; 10/ Phật Thuyết Quán Đảnh Phạm Thiên Thần Sách Kinh; 11/ Phật Thuyết Quán Đảnh Tùy Nguyện Vãng Sanh Thập Phương Tịnh Độ Kinh; 12/ Phật Thuyết Quán Đảnh Bạt Trừ Quá Tội Sanh Tử Đắc Độ kinh.


Đến đời Đông Tấn Thành Đế, trong niên hiệu Hàm Khang (334-342) Ngài nhập tịch, thọ hơn tám mươi tuổi. Vì Ngài đã từng tu hạnh đầu đà tại Thạch Tử Võng, nên thi thể được an táng tại nơi đó. Dân chúng đương thời nghe Ngài nhập tịch, rơi lệ thương tiếc. Ngưỡng mộ công đức giáo hóa của Ngài, vua Tấn Thành Đế dựng tràng phan nơi phần mộ. Sau này, có một vị sa môn ngoại quốc sang Kinh Sư, rồi lập chùa ngay nơi phần mộ của ngài Thi Lê Mật. Tạ Côn ở Trần Quận hỗ trợ tiền tài để xây chùa; để ghi nhớ công nghiệp của ngài Thi Lê Mật, ngườI sau gọi ngôi chùa đó là Cao Tọa Tự.


14. Ngài Trúc Pháp Hộ


Trước thời của ngài Cưu Ma La Thập, vị có công nhất trong việc truyền bá giáo lý Đại Thừa là đại dịch giả Trúc Pháp Hộ. Lại nữa, tuy có nhiều nhà dịch giả phiên dịch kinh điển thuộc loại bộ số, nhưng người có công nhiều nhất là ngài Trúc Pháp Hộ.


Ngài Trúc Pháp Hộ cũng được gọi là Đàm Ma La Sát (Dharmaraksa), người nước Đại Nhục Chi, gia thế cư trú ở quận Đôn Hoàng, tám tuổi xuất gia, theo học đạo với ngoại quốc sa môn là Trúc Cao Tọa (Thi Lê Mật). Vì học đạo với sa môn người Thiên Trúc, nên lấy danh tánh là Trúc. Ngài thường tụng đọc kinh cả muôn chữ. Do lập chí học vấn, nên không màng gian khổ, đi muôn dặm tầm thầy học đạo. Ngài thông sáu bộ kinh, thấu suốt luận thuyết trăm tôn giáo, nên kiến thức rất uyên thâm. Dẫu bị người đời khen chê, trách mắng, Ngài vẫn không động tâm. Thiên tánh của Ngài nhu hòa, thuần hậu.


Vì biết tại kinh đô Lạc Dương chưa có các bộ kinh Đại Thừa như Phương Đẳng, Bát Nhã, nên Ngài quyết tâm lập chí, hoằng dương đại đạo. Ngài theo thầy mình đi qua các nước ở Tây Vực, nên thông thạo ba mươi sáu ngôn ngữ, cùng tinh thông thể văn tự của Thiên Trúc và Tây Vực, lập nền tảng căn bản cho sự phiên dịch kinh điển sau này. Vì cầu kinh Bát Nhã, từ Đôn Hoàng, Ngài qua nước Vu Điền.


Xưa kia, Châu Sĩ Hành đã từng sao chép lại nguyên bản chữ Phạn của kinh Bát Nhã tại nước Vu Điền. Đương thời, Vu Điền vốn là trung tâm của Phật giáo Đại Thừa và đang được phát triển mạnh mẽ. Từ nước Vu Điền, Ngài lại tới Sa Lặc, rồi vòng qua phía bắc Tây Vực (đại lộ phía nam của núi Thiên Sơn), sang nước Quy Từ, lại trở về Đôn Hoàng. Tại đạo tràng phiên dịch của Ngài có các cư sĩ người nước Quy Từ như Bạch Nguyên Tín, Bạch Pháp Cự, v.v...


Từ Tây Vực, Ngài mang rất nhiều kinh điển tiếng Phạn sang Trường An vào năm 266, rồi trở lại Đôn Hoàng. Từ năm 274 đến năm 283, Ngài ẩn cư trong núi sâu rừng thẳm, tinh tấn hành đạo tại chùa Ngoại Kiến ở Thanh Môn, và dùng oai đức giáo hóa đồ chúng ở bốn phương, nên có hàng ngàn tăng đồ theo Ngài học đạo. Vào ngày mười bốn tháng mười năm 284, tại Đôn Hoàng Ngài dịch xong bộ kinh Tu Hành Đạo Địa và A Duy Việt Chí Giá. Năm 286, Ngài mang rất nhiều kinh điển tiếng Phạn trở qua Trường An. Vì trên đường, Ngài vừa đi vừa dịch kinh, nên khi đến Trường An thì dịch xong quyển kinh Phổ Siêu. Hơn hai mươi năm trường tại Trường An, Ngài hăng say tích cực dấn mình vào sự nghiệp phiên dịch kinh điển.


Đời Tây Tấn Huệ Đế, do loạn bá vương khiến chiến tranh giết chóc không ngừng. Lại nữa, Hồ tộc liên tục xâm nhập vào vùng Hoa Bắc, và vây hãm thành Lạc Dương. Vào tháng mười một niên hiệu Vĩnh Hưng nguyên niên (304), Huệ Đế bị bức bách dời đô về Trường An. Vào tháng năm, Quang Hi nguyên niên (306), Kỳ Tư thống lãnh quân Tiên Ti xâm nhập Trường An, giết hơn hai trăm ngàn người, khiến máu chảy đầy sông. Kinh thành Trường An trở nên hoang tàn. Bá tánh đói rách lầm than. Thiên hạ hỗn loạn cùng cực.


Tuy gặp thời loạn ly, nhưng Ngài vẫn không dừng công nghiệp phiên dịch kinh điển. Trong thời gian Ngài phiên dịch kinh điển, người sao chép là Pháp Cự. Giữa đời Huệ Đế và Hoài Đế (290-312), Pháp Cự dịch được kinh Lâu Thán, và cùng Pháp Lập dịch kinh Pháp Cú Dụ, kinh Phước Điền.


Y cứ theo quyển 'Xuất Tam Tạng Ký Tập', những bộ kinh do ngài Trúc Pháp Hộ phiên dịch vào đời Tây Tần như sau:


Kinh Đời vua Hiệu Năm Thời Gian và địa điểm


-- Tu Chân Thiên Tử Võ Đế Thái nt Thủy-2 266 8/11-30/12 (tại Trường An)

-- Tỳ Kheo Ni Giới nt Thái Thủy-3 267 10/9
-- Tam Phẩm Hối Quá nt Thái Thủy-3 267 21/9
-- Hoàn Thái Thủy-5 269 23/10
-- Đức Quan nt Thái Thủy-6 270 tháng 10
-- Văn Thù Sư Lợi Ngũ Thể Hối Quá nt Thái Thủy-7 271 27/1
-- Trì Nhân Bồ Tát nt Thái Thủy-7 271 15/9
-- Nhạn Vương nt Thái Thủy-9 273 1/2
-- Tu Hành Đạo Địa nt Thái Khang-5 284 23/12 (tại Đôn Hoàng)
-- A Duy Việt Chí Giá nt Thái Khang-5 284 14/10 (tại Đôn Hoàng)
-- Đại Thiện Quyền nt Thái Khang-6 285 17/6
-- Hải Long Vương nt Thái Khang-6 285 10/7
-- Trì Tâm Phạm Thiên ntThái Khang-7 286 10/3 (tại Trường An)
-- Quang Tán Bát Nhã nt Thái Khang-7 286 25/11 (tại Trường An)
-- Phổ Chiếu nt Thái Khang-7 286 27/12 (tại Trường An )
-- Phổ Môn nt Thái Khang-8 287 11/1
-- Bảo Nữ nt Thái Khang-8 287 27/4
-- Mật Tích nt Thái Khang -9 288 8/10
-- Văn Thù Sư Lợi Tịnh Luật nt Thái Khang-10 289 8/4 (tại Lạc Dương)
-- Ly Cấu Thi Nữ nt Thái Khang-10 289 2/10
-- Ma Nghịch nt Thái Khang-10 289 2/12 (tại Lạc Dương)
-- Pháp Một Tận nt Thái Hy-1 290 7/2
-- Cấp Cô Độc Minh Đức nt Vĩnh Hy-1 290 12
-- Bảo Kế Huệ Đế nt Vĩnh Hy-1 290 14/7
-- Tứ Phụ Dụ nt Vĩnh Bình-1 291 đầu năm
-- Mã Vương nt Vĩnh Bình-1 291 6
-- Phổ Nghĩa nt Vĩnh Bình-1 291 6
-- Lộc Mẫu nt Nguyên Khang-1 291 đầu năm
-- Dõng Phục Định nt Nguyên Khang-1 291 9/4
-- Độ Thế Phẩm Nguyên Khang-1 291 13/4
-- Đại Ai ntNguyên Khang-1 291 7/7
-- Như Lai Hưng Hiển nt Nguyên Khang-1 291 24/12
-- Quán Hạnh Bất Di Tứ Sự nt Nguyên Khang-2 292 6
-- Thánh Pháp Ấn nt Nguyên Khang-4 294 25/12 (tại Tửu Tuyền)
-- Tiệm Bị Nhất Thiết Trí nt Nguyên Khang-7 297 21/11 (tại Trường An)
-- Hiền Kiếp nt Vĩnh Khang-1 300 21/10 (tại Trường An)
-- Đại Tịnh Pháp Môn nt Vĩnh Ninh-1 301 26/3
-- Lâu Thán nt Thái An-1 302 23/1
-- Ngũ Cái Nghi Kết Thất Hành nt Thái An-1 302 12/4
-- Bồ Tát Thập Trụ nt Thái An-1 302 3/10
-- Thuận Quyền Phương Tiện nt Thái An-2 303 9/4
-- Ngũ Bách Đệ Tử Bổn Khởi nt Thái An-2 303 1/5
-- Phật Vi Bồ Tát Ngũ Mộng nt Thái An-2 303 6/5
-- Như Huyễn Tam Muội nt Thái An-2 303 11/5
-- Di Lặc Bổn Nguyện nt Thái An-2 303 17/5
-- Xá Lợi Phất Hối Quá nt Thái An-2 303 20/5
-- Bào Thai nt Thái An-2 303 1/8
-- Thập Địa nt Thái An-2 303 4/12
-- Ma Điều Vương nt Thái An-3 304 18/1
-- Chiếu Minh Tam Muội nt Thái An-3 304 1/2
-- Sở Dục Chí Hoạn nt Vĩnh An-1 304 7/2
-- Nghiêm Tịnh Định nt Vĩnh An-1 304 18/2
-- Cổ Khách nt Vĩnh An-1 304 2/3
-- Canh Xuất A Xà Thế Vương nt Vĩnh An-1 304 16/4
-- Diệt Thập Phương Minh nt Kiến Võ-1 304 14/8
-- Nhân Sở Tùng Lai nt Vĩnh Hưng-2 305 25/1
-- Thập Đẳng Tạng nt Vĩnh Hưng-2 305 28/1
-- Nhạn Vương Ngũ Bách Nhạn Câu nt Vĩnh Hưng-2 305 2/2
-- Giới Cụ nt Vĩnh Hưng-2 305 7/2
-- Quyết Đạo Tục nt Vĩnh Hưng-2 305 11/2
-- Mãnh Thí nt Vĩnh Hưng-2 305 20/2
-- Thành Dụ nt Vĩnh Hưng-2 305 1/3
-- Thí Dụ Tam Bách Thủ nt Quang Hy-1 306 7/2
-- Vô Cực Bảo Hoài Đế Vĩnh Gia-1 307 5/3
-- A Sai Mạt nt Vĩnh Gia-1 307 1/12
-- Phổ Diệu nt Vĩnh Gia-2 308 6 (tại chùa Thiên Thủy)

Công nghiệp phiên dịch vĩ đại của ngài Trúc Pháp Hộ khiến cho quyển 'Xuất Tam Tạng Ký Tập' ghi: "Kinh pháp sở dĩ được lưu truyền rộng rãi khắp Trung Thổ vào buổi sơ thời, đa số đều nhờ công sức của ngài Trúc Pháp Hộ".


Từ lúc bắt đầu phiên dịch cho đến lúc cuối, có rất nhiều người trợ giúp Ngài trong sự nghiệp phiên dịch kinh điển, như sau:


Kinh Năm Người Trợ giúp


-- Tu Chân Thiên Tử 266 An Văn Huệ, Bạch Nguyên Tín,


-- Nhiếp Thừa Viễn, Pháp Thừa, Pháp Bảo.


-- Tu Hành Đạo Địa 284 Pháp Thừa, Pháp Bảo, Quý Ưng, Vinh Thừa, Tác Điểu Tử, Thiện Trì Thời, Thông Võ, Chi Tấn, Chi Tấn Bảo, Vinh Huề Nghị, Hầu Vô Anh, và ba mươi người khác.


-- A Duy Việt Chí Giá 284 Pháp Thừa.


-- Trì Tâm Phạm Thiên 286 Nhiếp Thừa Viễn.


-- Chánh Pháp Hoa 286 Nhiếp Thừa Viễn, Trương Sĩ Minh, Trương Trung Chí, Trúc Đức Thành, Trúc Văn Thịnh, Nghiêm Oai Bá, Tích Văn Thừa, Triệu Thúc Sơ, Trương Văn Long, Trần Trường Huyền, Bạch Nguyên Tín, Khang Na Luật, Tôn Bá Hổ.


-- Quang Tán Bát Nhã 286 Nhiếp Thừa Viễn, Bạch Nguyên Tín, Pháp Độ.


-- Văn Thù Sư Lợi Tịnh Luật 289 Nhiếp Đạo Chân, Lưu Nguyên Mưu, Phó Công Tín, Hầu Nham Trường.


-- Ma Nghịch 289 Nhiếp Đạo Chân, Triết Hiển Nguyên, Nhiếp Thừa Viễn.


-- Dũng Phục Định 291 Nhiếp Thừa Viễn.


-- Đại Ai 291 Nhiếp Thừa Viễn, Nhiếp Đạo Chân.


-- Chư Phật Yếu Tập 292 Nhiếp Thừa Viễn, Trúc Pháp Thủ.


-- Thánh Pháp Ấn 294 Trúc Pháp Thủ.


-- Tiệm Bị Nhất Thiết Trí Đức 297 Nhiếp Thừa Viễn, Bạch Nguyên Tín, Pháp Độ.


-- Hiền Kiếp 300 Triệu Văn Long.


-- Phổ Diệu 308 Khang Thù, Bạch Pháp Cự.


Trong số người đó, có Trúc Pháp Thừa là đệ tử thân tín nhất của ngài Trúc Pháp Hộ. Trúc Pháp Thừa theo ngài Trúc Pháp Hộ, thọ giới Sa Di từ thuở thiếu niên. Kể từ lúc ngài Trúc Pháp Hộ đến Trường An lần đầu, Trúc Pháp Thừa luôn đi theo hầu cận, trợ giúp phiên dịch kinh điển và hoằng pháp. Tại Đôn Hoàng, Trúc Pháp Thừa kiến lập chùa chiền, tận lực tuyên dương Phật pháp, khiến chánh giáo được lưu bố khắp Tây Vực. Lúc ngài Trúc Pháp Hộ trở lại Đôn Hoàng, Trúc Pháp Thừa đã từng trợ giúp dịch kinh Tu Hành Đạo Địa và A Duy Việt Chí.


Ngài Trúc Pháp Hộ vốn là một đại dịch giả, vị phiên dịch kinh điển vào thời cổ. Suốt đời, Ngài chuyên chú vào sự nghiệp phiên dịch kinh điển. Song song, có hai giai thoại về Ngài.


Giai thoại thứ nhất: Suốt đời Ngài chăm chú không mỏi mệt, dốc chí tận tâm hành sự nghiệp phiên dịch kinh điển. Cuối đời Tấn Võ Đế (263-274), Ngài ẩn cư trong thâm sơn cùng cốc. Trên núi có một dòng nước trong xanh, là nơi các người đốn củi thường súc miệng tắm rửa, nên khiến dòng nước bị ô uế. Thời gian sau, dòng nước bị khô cạn. Ngài bồi hồi đứng bên dòng nước khô kiệt mà tự bảo:


- Nước chảy đến đây là cạn. Chẳng còn có cách gì để tự sống. Chắc phải đi qua nơi khác !


Ngài vừa dứt lời thì nguồn nước xanh bỗng vụt chảy ra trở lại.


Sau này, tại Trường An, Ngài xây cất chùa viện tại cửa phía đông của thành, và tinh cần hành đạo. Đương thời, người ngưỡng mộ oai đức của Ngài cả hơn ngàn người. Trong quyển 'Cao Tăng Truyện' và 'Khải Nguyên Lục', ngài Chi Độn tán thán ngài Trúc Pháp Hộ như sau: "Ngài Trúc Pháp Hộ tâm tánh trầm tĩnh lặng lẽ, nhu hòa, đạo đức cao thâm".


Ngài là một dịch giả vĩ đại, thâm giải giáo lý u huyền. Giai thoại về dòng nước khô vụt chảy trở lại, biểu hiện cho oai lực thần dị kiệt xuất của Ngài.


Giai thoại thứ hai: Trúc Pháp Thừa đã theo hầu Ngài và làm sa di từ lúc tám tuổi. Lần nọ, một số người dòng quý tộc muốn thử đạo lực của Ngài, nên đến nơi trụ xứ mà mượn hai trăm ngàn đồng. Nghe họ hỏi han vay mượn, Ngài chỉ đứng lặng thinh mà không đối đáp. Lúc đó, chú sa di mười ba tuổi Trúc Pháp Thừa bèn bảo với các người khách:


- Tâm của Hòa Thượng đã chấp thuận lời thỉnh cầu của quý vị rồi !


Nghe lời này, khách bèn từ tạ ra về. Trúc Pháp Thừa liền thưa với Ngài:


- Xem sắc mặt của họ, chẳng phải đến đây để mượn tiền, mà chỉ muốn thử pháp lực của Hòa Thượng thôi !


Ngài bảo:


- Ta cũng nghĩ như thế !


Ngày thứ hai, những người khách kia trở lại, và dẫn theo hơn một trăm người, đến cầu thỉnh Ngài truyền năm giới cấm, cùng nhắc lại bổn ý vay tiền. Nguyên nhân khiến họ đến mượn tiền vì có người bảo rằng Ngài có cả hai trăm ngàn đồng vàng. Tuy nhiên, tiền này không phải do Ngài vay mượn, mà chỉ do tín đồ cúng dường hoặc ủng hộ trong công việc phiên dịch kinh điển. Điều này khác hẳn với sự nghiệp phiên dịch kinh điển của ngài Cưu Ma La Thập và Huyền Trang. Hai ngài vốn được quốc vương quyền thế ủng hộ bảo trợ. Nghe những người khách muốn mượn tiền, Ngài liền hứa khả mà không chút sẻn tiếc. Điều này hiển lộ đạo đức sâu dầy, không tham đắm tiền tài vật chất của Ngài.


Tấn Tôn Xước trong quyển luận Đạo Hiền rất tán thán đạo hạnh của Ngài. Sau này, Ngài tịch vào lúc bảy mươi tám tuổi.


Trong thời Tây Hán, các nhà dịch giả dịch kinh, được liệt kê như sau: Sa môn Cương Lương Lâu Chí dịch một bộ, một quyển kinh. Sa môn An Pháp Khâm dịch năm bộ, mười sáu quyển. Sa môn Vô La Xoa dịch một bộ, ba mươi quyển. Sa môn Bạch Pháp Tổ dịch mười sáu bộ, mười tám quyển. Sa môn Thích Pháp Lập dịch bốn bộ, mười hai quyển. Sa môn Thích Pháp Cự dịch bốn mươi bộ, năm mươi quyển. Sa môn Chi Pháp Độ dịch bốn bộ, năm quyển. Sa môn Nhược La Nghiêm dịch một bộ, một quyển. Ưu bà tắc Trúc Thúc Lan dịch hai bộ, năm quyển. Thanh tín sĩ Nhiếp Thừa Viễn dịch hai bộ, ba quyển. Thanh tín sĩ Nhiếp Đạo Chân dịch hai mươi bốn bộ, ba mươi sáu quyển.


Các nhà dịch giả, không nhất thiết chỉ có sa môn, mà các vị cư sĩ cũng tham gia góp sức.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]