Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương Ba: Ác Hạnh

02/04/201108:49(Xem: 3508)
Chương Ba: Ác Hạnh

CUỘC ĐỜI CỦA MILAREPA

Đại Thiền Giả Một Đời Thành Phật của Tây Tạng
Một Bản Dịch Mới Từ Tiếng Tây Tạng Bởi Lobsang P. Lhalungpa
Nguyên tác: The Life of Milarepa - A New Translation from the Tibetan
by Lobsang P. Lhalungpa, Arkana, 1993 - Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2000

PHẦN MỘT
CHƯƠNG BA
ÁC HẠNH

Bấy giờ Retchung nói, “Bạch Đạo sư, Ngài nói với chúng con rằng trước hết Ngài đã làm những hành vi xấu ác. Con xin hỏi, Thầy đã phạm vào chúng như thế nào ?”

“Thầy đã tích tập tội lỗi bằng cách đọc chú và gây ra những trận mưa đá.”

“Bạch Đạo sư, những trường hợp nào đã đưa Thầy đến việc đọc chú và gây ra mưa đá ?”

Rồi Đạo sư tiếp tục :

Khi học ở Mithogekha, một hôm thầy đi cùng thầy dạy đến dự tiệc cưới ở một thung lũng thấp vùng Tsa. Uống nhiều bia, không chỉ phần thầy rót cho ông mà mọi người khác đều rót cho ông, thầy dạy của thầy bị say. Ông bảo thầy về trước với những quà tặng ông đã nhận được. Thầy cũng say. Nghe những người hát, thầy cũng muốn hát và có một giọng tốt, thầy hát ca suốt dọc đường. Con đường đi ngang qua nhà thầy và thầy vẫn hát khi đi qua ngoài cửa. Trong nhà mẹ thầy đang nướng bánh và nghe tiếng thầy. “Cái gì thế?” Bà tự nói với mình, “Giọng này nghe như tiếng con ta. Nhưng làm sao nó có thể vui vẻ đến thế khi chúng ta quá bi đát như vầy?” Và không tin vào tai mình, bà nhìn ra ngoài. Vừa nhận ra thầy, bà kêu lên ngạc nhiên. Tay phải bà buông cái kẹp xuống; tay trái buông cái đánh bột xuống; và để mặc bột cháy, bà cầm một cây gậy và tay kia bốc một nắm tro. Bà chạy xuống cầu thang bằng những bước dài ra ngoài, và ném tro vào mặt thầy, quất vài gậy trên đầu thầy và la lớn, “Bố Mila Ngọn Cờ Trí Huệ ơi! Ông đã quên đứa con trai này của ông chưa? Nó chẳng xứng đáng gì với ông. Hãy nhìn số phận của mẹ con chúng tôi!” Rồi bà ngã xỉu.

Vào lúc đó đứa em thầy chạy đến và nói, “Anh ơi, anh đang làm gì thế? Điều gì xảy ra cho mẹ?” Và tiếng khóc của nó làm thầy sực tỉnh. Rồi thầy cũng rơi nhiều nước mắt. Anh em thầy xoa tay bà và kêu tên bà. Sau một chốc bà tỉnh lại và đứng dậy. Rồi nhìn chăm chú vào thầy bằng cặp mắt đầm đìa nước mắt, bà nói, “Từ khi chúng ta là những người bất hạnh nhất trên trái đất, có còn gì đáng để hát ca ? Khi mẹ nghĩ đến chuyện đó, người mẹ già nua của con tan tành trong tuyệt vọng và chỉ biết than khóc mà thôi.” Khi ấy ba mẹ con thầy bắt đầu khóc lớn. Thầy nói với bà, “Mẹ ơi, mẹ nói đúng. Chớ đau buồn quá lắm. Con sẽ làm bất cứ điều gì mẹ muốn.”

“Mẹ muốn con mặc chiếc áo choàng người lớn, cỡi trên một con ngựa, để cho bàn đạp ngựa xé toạc cổ những kẻ thù đáng ghét của chúng ta. Nhưng điều đó không thể được đâu. Nhưng con có thể làm hại chúng bằng những cách âm thầm. Mẹ muốn rằng, con đi học huyền thuật cùng với loại chú thuật hủy diệt, trước hết con hủy diệt chú thím kia, rồi những người làng và những hàng xóm đã đối xử độc ác với chúng ta. Mẹ muốn con nguyền rủa chúng và con cháu chúng cho tới đời thứ chín. Bây giờ, hãy xem con có thể làm điều đó không.”

Thầy trả lời, “Mẹ ơi, con sẽ cố gắng. Mẹ hãy sửa soạn lương thực và một món quà cho thầy lama.”

Để cho thầy học huyền thuật, mẹ thầy bán nửa miếng ruộng Thảm Lông Thú Nhỏ. Với tiền ấy bà mua một viên ngọc bích có tên là Sao Lớn Lấp Lánh, một con ngựa trắng được yêu chuộng trong vùng có tên là Senge Submay (Sư Tử Không Cương), hai kiện thuốc nhuộm và hai lố đường thô. Như vậy bà hoàn thành sự chuẩn bị cho chuyến đi của thầy.

Trước hết thầy đến Gungthang ở vài ngày trong một nhà trọ tên là Lhundup. Có năm thành viên dễ mến đến, nói rằng họ từ Ngari Došl và sắp đi đến vùng UŠ và Tsang để học tôn giáo và huyền thuật. Thầy đề nghị họ cho thầy đi theo vì thầy cũng muốn học huyền thuật. Họ chấp thuận. Thầy đưa họ về nhà mẹ thầy ở Gungthang và đối xử với họ như khách trong vài ngày.

Mẹ thầy âm thầm dặn với họ rằng, “Đứa con này của bác ý chí không mạnh mẽ, các cậu là những người đồng hành của nó, hãy khuyến khích và thúc dục nó trở thành thông thạo trong huyền thuật. Khi đó bác sẽ đền đáp thân tình và rộng rãi, chứ không quên ơn các cậu đâu.” Rồi chất hai bao thuốc nhuộm lên ngựa và đeo ngọc bích vào người thầy, bọn thầy lên đường.

Khi những người bạn đồng hành của thầy đang uống ly rượu tiễn biệt, mẹ thầy lại dặn dò thêm. Khó lìa bỏ thầy, đứa con trai độc nhất của bà, bà nắm chặt tay thầy và kéo riêng thầy ra. Mặt đầm đìa nước mắt và giọng nức nở, bà nói với thầy, “Trên tất cả mọi sự, hãy ghi tâm khắc cốt sự bất hạnh của mẹ con mình và hãy để cho những dấu hiệu huyền thuật của con biểu lộ ra trong làng chúng ta. Rồi hãy trở về. Pháp thuật của những anh kia không giống chúng ta đâu. Pháp thuật của họ là của những đứa con nít được nuông chiều, họ muốn có nó chỉ vì thích thú. Pháp thuật của chúng ta là của người đã chịu thảm kịch. Bởi thế một ý chí không chịu thua là cần thiết. Nếu con trở về mà không thi triển được những dấu hiệu pháp thuật của con trên làng này thì bà mẹ già của con sẽ tự tử ngay trước mặt con.”

Thầy hứa điều này và thầy ra đi. Thầy làm mẹ vững lòng bằng tình thương với mẹ. Thầy cứ nhìn trở lại hoài, và rơi nhiều nước mắt. Và mẹ của thầy, người thương thầy đứt ruột, cứ trông theo bọn thầy bằng đôi mắt đầy nước mắt cho đến khi bọn thầy khuất dạng. Thầy tự hỏi có nên trở lại với mẹ thầy trong chốc lát. Thầy có cảm giác rằng thầy sẽ không bao giờ gặp lại bà. Cuối cùng khi hai bên không thấy nhau nữa, bà trở về làng, khóc sướt mướt.

Vài ngày sau, có tin đồn con trai bà Bạch Ngọc đã ra đi để học huyền thuật.

Theo con đường đến UŠ và Tsang, bọn thầy đến Yakde trong thung lũng Tsangrong. Tại đó thầy bán con ngựa và thuốc nhuộm cho một người rất giàu để lấy vàng cất trong người.

Sau khi qua sông Tsang Po, bọn thầy hướng đến UŠ. Trong một nơi tên là Tušhnlok Rakha (Chỗ nhốt cừu của Tušhn) bọn thầy gặp nhiều vị sư. Thầy hỏi họ có biết một vị thầy ở vùng UŠ thông thạo huyền thuật, bùa chú và mưa đá. Một nhà sư trả lời, “Ở Kyorpo, trong vùng Yarlung, có một lama tên là Yungton Trošgyel (Người Chinh Phục Làm Khiếp Sợ) họ Nyag. Ông có thần lực lớn lao về bùa, chú và pháp thuật.” Nhà sư này là đệ tử của ông. Thế là bọn thầy đi tìm Lama Yungton và đến Kyorpo vùng Yarlung.

Khi bọn thầy trình diện với lama, những bạn đồng hành với thầy chỉ dâng cúng những quà tặng tầm thường, còn thầy thì dâng cúng đủ thứ, vàng và ngọc bích. Và thầy nói, “Con còn dâng cúng thầy thân, ngữ, tâm của con nữa. Họ hàng, hàng xóm và một số người trong làng con không thể chịu nổi hạnh phúc của những người khác. Xin hãy thương xót và ban cho con loại huyền thuật mạnh mẽ nhất có thể trút lên làng con. Trong khi học, xin thầy thương mà cho con thức ăn và đồ mặc.” Vị lama mỉm cười và trả lời, “Ta sẽ nghĩ đến những điều con nói với ta.” Nhưng ông không dạy bọn thầy những bí mật thực sự của huyền thuật.

Khoảng một năm trôi qua, và tất cả những gì ông cho bọn thầy chỉ là một vài bùa chú để làm trời đất xung khắc và một hiểu biết hời hợt về những bùa chú và thực hành cụ thể. Những bạn đồng hành của thầy sửa soạn ra đi. Vị lama cho mỗi người một bộ quần áo vải mịn may khéo của Lhasa. Nhưng thầy không thỏa mãn. Những thực hành này không đủ sức làm phát sinh một hiệu quả nào đối với làng thầy. Nghĩ rằng mẹ mình sẽ tự tử nếu thầy về mà không có những chú thuật có hiệu quả, thầy không chịu đi. Thấy thầy không sửa soạn về nhà, những người bạn đồng hành hỏi thầy, “Tin Lành, anh không đi về sao ?” Thầy trả lời, “Tôi chưa học đủ huyền thuật.” Họ đáp lại, “Những chú thuật này quyền năng cao tột nếu chúng ta cố gắng thành thạo chúng. Chính ngài lama nói rằng ngài không có cái nào khác nữa. Chúng tôi không còn nghi ngờ gì về điều ấy. Bạn cứ chờ đi xem thử ngài lama có cho bạn thêm cái gì nữa không !” Sau khi cám ơn vị lama và làm lễ từ giã, họ bỏ đi. Thầy cũng mặc cái áo vị lama cho và theo họ một nửa ngày. Sau đó bọn thầy chúc nhau sức khỏe, họ đi về quê hương.

Trên đường trở lại vị lama, thầy chất đầy phần trước áo với phân ngựa và lừa, phân bò và phân chó cho miếng ruộng của vị lama. Đào một cái hố trong miếng ruộng tốt của vị lama, thầy chôn số phân ấy vào đó. Vị lama đứng trên sân thượng thấy thầy làm như vậy, nói với vài đệ tử của ông, “Trong nhiều đệ tử đã đến với ta, không có ai đáng yêu hơn Tin Lành, và cũng sẽ không có ai giống như nó. Bằng chứng là sáng nay nó không nói lời từ giã với ta và bây giờ nó trở lại. Khi nó đến đây lần đầu, nó nói với ta rằng bà con, hàng xóm và người trong làng nó không thể chịu nổi hạnh phúc của những người khác. Nó cầu xin ta cho học huyền thuật và dâng cúng thân, ngữ, tâm của nó cho ta. Thật là kiên trì ! Nếu câu chuyện nó kể là thật, thì quả là một điều đáng tiếc nếu không cho nó những bí mật của huyền thuật.”

Một trong những vị sư lập lại những lời này cho thầy. Thầy vui vẻ nghĩ thầm, “Rốt rồi cũng ổn thỏa, mình sẽ được những bí mật của huyền thuật.” Và thầy đến vị lama. Ngài nói với thầy, “Tin Lành, tại sao không về nhà ?” Rồi thầy trao lại bộ áo quần vị lama đã cho thầy. Thầy đặt đầu mình dưới chân ngài và nói, “Lama quý báu, chúng con có ba người, mẹ con, em con và con. Chú và thím của con, một vài người hàng xóm và một số người làng đã trở thành là kẻ thù của gia đình con. Qua sự bạc đãi chúng con không đáng để có, họ dồn chúng con vào thảm cảnh. Con không có sức mạnh để tự bảo vệ mình. Bởi thế tại sao mẹ của con gởi con đi học huyền thuật. Nếu con trở về nhà mà không có một dấu hiệu nào xuất xứ từ những nỗ lực của con, mẹ con sẽ tự tử trước mắt con. Chính là để bà khỏi tự hủy hoại mà con đã không bỏ đi. Đó là lý do tại sao con cầu xin thầy những bí mật của huyền thuật.”

Nói xong, thầy khóc. Vị lama hỏi, “Những người làng hại bọn con như thế nào ?” Nức nở, thầy kể cha thầy, Mila Ngọn Cờ Trí Huệ đã chết như thế nào, và sau cái chết của ông, chú và thím đã làm ba mẹ con thầy tan nát trong thảm cảnh như thế nào. Rồi nước mắt rơi từng giọt, vị lama nói, “Nếu điều con nói là đúng, đây là một hoàn cảnh thương tâm. Huyền thuật mà ta thực hành sẽ có tác dụng. Nhưng chúng ta không phải hấp tấp. Để có được huyền thuật ấy, ta đã dâng cúng những của cải vàng và ngọc bích từ Ngari Korsum phía tây; số lượng lớn trà, lụa, áo quần từ ba vùng núi xứ Kham phía đông; hàng trăm và hàng ngàn ngựa, trâu yak và cừu từ Jyayal, Dakpo và Kongpo phía nam. Nhưng chỉ có con là dâng cúng cho ta thân, ngữ, tâm của mình. Ta sẽ kiểm chứng điều con đã nói ngay bây giờ.”

Sống với vị lama lúc ấy là một nhà sư nhanh như ngựa và khỏe như voi. Vị lama gởi ông đến làng tôi để kiểm chứng câu chuyện của tôi. Nhà sư nhanh chóng trở về và nói, “Lama quý báu, Tin Lành đã nói sự thật. Anh ta cần được dạy cho huyền thuật.”

Vị lama nói với thầy, “Nếu ta đã dạy liền cho con những huyền thuật như vậy, ta sợ rằng con với tính bướng bỉnh của mình sẽ làm ta hối tiếc. Nhưng bây giờ, vì con đã thành thật, con phải đi đến một vị thầy khác để học thêm. Ta có một chú thuật từ sự thờ cúng Dza Mặt Màu Hạt Dẻ(1) mà thần chú Hum(2) của ngài gây nên cái chết trong khi thần chú Paht(3) gây nên bất tỉnh.

“Trong vùng Nub Khulung ở Tsangrong có một lama tên là Yošnten Gyatso (Biển Đức Hạnh) họ Khulung, ông vừa là một đại y sĩ vừa là một nhà đại huyền thuật. Ta đã cho ông chú thuật bí mật của ta. Và để đổi lại ông dạy ta làm thế nào để gọi mưa đá rơi xuống bằng đầu một ngón tay. Sau khi chỉ ta điều đó, chúng ta trở thành bạn thân và người hợp tác. Bây giờ, người nào đến ta để học huyền thuật, ta phải gởi đến cho ông. Người nào đến ông để học gây ra mưa đá, ông phải gởi đến cho ta. Hãy đi với con của ta và kiếm ông ấy.”

Con trai trưởng của vị lama là Darma Ouangchuk (Tuổi Trẻ Thần Lực). Ngoài lương thực, vị lama cho bọn thầy một vóc vải mịn và vải len từ Lhasa, một vài quà tặng nhỏ và một lá thư. Đến Nub Khulung, bọn thầy gặp vị lama trẻ. Mỗi người dâng cúng vị ấy những quà tặng đã mang theo và lá thơ từ vị lama. Thầy cẩn thận kể cho ông nghe mọi biến cố của câu chuyện và khẩn khoản xin ông dạy cho thầy huyền thuật. Vị lama trả lời, “Bạn tôi là một người bạn trung thành và lời nói chân thật. Ta sẽ dạy cho con mọi loại huyền thuật. Để làm việc này hãy dựng một cái cốc bên gờ núi này, con sẽ không có ai hẻo lánh đến.”

Bọn thầy xây một cái cốc trên nền đất, làm bằng những xà chắc đặt cạnh nhau. Bọn thầy bao quanh nó bằng một hàng rào bằng đá to như con trâu yak, không có lối mở ra để không có ai có thể nhìn vào cốc hay có cách tấn công nó. Rồi vị lama cho bọn thầy chú thuật.

Sau khi thầy luyện chú thuật trong bảy ngày, vị lama đến và bảo, “Thường thì bảy ngày là đủ, trường hợp này như vậy là đủ rồi.” Thầy trả lời, “Vì huyền thuật của con phải tác động trong một khoảng cách xa, con xin thầy cho tiếp tục thêm bảy ngày nữa.” Vị lama trả lời, “Tốt lắm, tiếp tục đi.”

Vào chiều ngày thứ mười bốn, vị lama trở lại và nói, “Đêm nay sẽ có một dấu hiệu quanh mạn đà la báo hiệu huyền thuật xảy ra.” Và cũng đêm đó những thần hiện ra, mang cho thầy cái mà thầy yêu cầu : Những đầu lâu và trái tim đẫm máu của ba mươi lăm người. Họ nói, “Trong mấy ngày nay ngươi đã không ngừng kêu gọi chúng ta. Đây là cái mà ngươi muốn.” Và họ chất những cái đầu quanh mạn đà la. Sáng hôm sau vị lama trở lại và nói, “Trong những người phải hủy diệt, có hai người còn sót. Họ có cần hủy diệt hay tha ?” Đầy vui mừng thầy nói, “Con xin thầy để cho họ sống để họ biết được sự trả thù và luật pháp của con.”

Như thế còn chú và thím không bị hại.

Bọn thầy dâng cúng các thần một lễ tạ ơn và bọn thầy bỏ khỏi cốc. Ngày nay cái cốc của bọn thầy vẫn còn ở Khulung.

Khi ấy thầy lấy làm lạ bùa chú đã ứng nghiệm như thế nào nơi làng Kya-Nyatsa của thầy.

Có một buổi tiệc cưới của con trai trưởng của ông chú của thầy. Những đứa con trai và con dâu của chú đến trước tiên cùng với những người ghét mẹ con chú, tất cả là ba mươi lăm người.

Những khách mời khác thân với gia đình thầy đang vừa đi vừa nói chuyện trên đường, “Khi ông chủ giả trở thành ông chủ, thì ông chủ thật bị quẳng cho chó, đúng như tục ngữ nói và như những người ác tâm này chứng tỏ. Nếu huyền thuật của Tin Lành không hiệu nghiệm đối với họ, thì thần lực của các thần hộ pháp cũng phải được cảm nghiệm thôi.” Họ cùng nhau đi về phía ngôi nhà.

Chú và thím đã đi ra ngoài để thảo luận sắp xếp bữa ăn và những lời sắp nói với khách. Vào lúc ấy một người từng là tớ gái của gia đình thầy hiện đang ở với chú thím đi ra xách nước. Chị ta không thấy con ngựa nào cả trong chuồng mà lại thấy đủ thứ bò cạp, nhện, rắn, cóc... Chị thấy một con bò cạp to bằng con trâu yak đang dùng càng kẹp những cột nhà giật sập xuống. Thấy thế chị khủng khiếp bỏ chạy, khó khăn lắm mới ra khỏi sân. Những con ngựa chồm lên những con lừa và lừa đá lại ngựa, chúng tông loạn xạ vào những cây cột nhà rồi nhà sập. Dưới đóng gạch ngói đổ nát, những người con trai, con dâu của ông chú và những người khách mời khác, tất cả ba mươi lăm người, đã chết. Trong nhà đầy cả xác người chôn lấp trong bụi khói.

Nghe tiếng kêu khóc của mọi người, Peta em thầy, chạy nhanh đến mẹ, “Mẹ ! Mẹ ! Nhà ông chú sập rồi và nhiều người chết. Đến mà coi.”

Mẹ thầy kêu lên vui sướng, đứng dậy chạy ra xem. Bà thấy ngôi nhà của chú tôi chỉ còn là một đám mây bụi và nghe tiếng la hét của dân làng. Bà ngạc nhiên sung sướng, cột một mảnh vải vào một cây gậy dài, hươi lên trong không khí và kêu lớn, “Vinh quang cho các ngài, các thần, các lama và Tam Bảo ! Hỡi dân làng và hàng xóm, có phải Mila Ngọn Cờ Trí Huệ có một đứa con trai không ? Ta, Bạch Ngọc, ăn mặc rách rưới và tồi tệ, các người có thấy là để nuôi con ta như thế nào không ? Xưa kia, chú thím đã nói với mẹ con ta, “Mấy đứa bây, nếu có nhiều người thì hãy đánh nhau với chúng ta ; còn nếu ít, hãy ném ra chú thuật.” Chúng ta ít người mà chiến thắng nhờ huyền thuật thì vẫn hơn chúng ta đông người mà thắng trong đánh nhau. Hãy nghĩ đến những người nằm trên sàn nhà, hãy nghĩ đến những kho tàng chôn vùi dưới đó và gia súc trong chuồng. Ta đã sống đủ để thấy và say sưa trước cảnh tượng này do con trai ta đem lại. Hãy tưởng tượng hạnh phúc của ta như thế nào từ nay trở đi !”

Mọi người trong nhà họ đều nghe tiếng la báo thù của mẹ thầy. Một số người trong bọn họ nói, “Bà ta có lý.” Những người khác lại nói, “Bà ta có thể có lý, nhưng sự trả thù của bà quá độc ác.”

Nghe được những người ấy bị giết bằng thần lực nào, những người có thân nhân bị chết họp nhau lại và nói, “Không chỉ thỏa mãn khi gây ra thảm họa này, bây giờ bà ta còn vui sướng với nó. Thế là quá lắm rồi. Hãy hành hình bà ta và moi tim bà ta ra.” Những người già cả thì nói, “Giết bà có ích gì ? Cái điều xảy ra cho chúng ta là việc làm của thằng con bà. Các ngươi phải trước hết tìm ra thằng con bà và giết nó. Sau đó sẽ dễ dàng hơn để giết bà mẹ.” Nói thế, họ đi đến một đồng ý với nhau.

Ông chú khi nghe nhận xét này nói rằng, “Giờ đây những đứa con trai và con dâu của tôi đã chết, tôi cũng chẳng còn sợ chết nữa.” Và ông ta chạy đi tìm giết mẹ thầy. Nhưng dân làng giữ ông lại, nói rằng, “Chính vì ông đã không giữ gìn lời nói mà thảm họa này đổ lên đầu chúng tôi. Nếu ông giết bà mẹ trước khi giết đứa con, chúng tôi sẽ chống lại ông.” Họ không cho chú thầy cơ hội để hành động. Rồi người làng bàn tính âm mưu giết thầy.

Cậu thầy đến mẹ thầy và nói, “Sau những lời nói và hành động của em ngày hôm qua, những người làng sẵn sàng giết em và con trai của em. Tại sao em lại la lớn việc báo thù của em vậy ? Chú thuật tác hại như thế chưa đủ sao ?” Và ông khiển trách bà nặng nề. Mẹ thầy trả lời, “Bất hạnh không trút lên anh. Em hiểu anh muốn nói gì, nhưng cái cách họ ăn cướp tài sản của gia đình em thì khó mà giữ im lặng được.” Và không nói thêm gì nữa, bà khóc. Anh bà nói tiếp, “Đúng vậy. Em có lý. Nhưng những kẻ sát nhân có thể tới, hãy khóa cửa lại, ở trong nhà.” Nói xong, ông bỏ đi. Và mẹ thầy, khóa cửa ở trong nhà, bắt đầu trù tính phải làm gì.

Trong khi đó, người tớ gái của chú thầy, trước kia giúp việc trong gia đình thầy, nghe họ bàn tính với nhau. Vì sự quyến luyến với gia đình thầy, chị không nỡ để cho việc ấy xảy ra và bí mật nói với mẹ thầy cuộc họp của người làng đã quyết định như thế nào, khuyên bà hãy chăm lo cho mạng sống của con bà. Mẹ thầy thầm nghĩ, “Quyết định này làm u ám niềm vui của ta vào lúc này.” Bà bán nửa miếng đất Thảm Lông Thú Nhỏ còn lại, được bảy lượng vàng. Vì không có người lân cận nào bà có thể nhờ đem đến cho thầy, và không có người đưa thư từ nơi khác đến, mẹ thầy nghĩ bà sẽ tự mình ra đi để mang cho thầy đồ dự trữ và khuyên bảo thầy.

Lúc đó có một thiền giả từ tỉnh UŠ trở về từ một cuộc hành hương Nepal, đến trước cửa nhà để khất thực, và mẹ thầy hỏi về ông. Thấy ông có thể làm một người đưa tin, bà nói với ông, “Hãy ở đây vài ngày, tôi có một đứa con trai đang ở UŠ và Tsang và tôi cần gởi cho nó vài tin tức. Xin hãy rộng lượng đem đến cho nó.”

Trong mấy ngày đó, mẹ thầy tiếp đãi vị ấy trọng hậu. Rồi thắp lên một ngọn đèn bơ, bà cầu nguyện, “Nếu ý muốn của con được chấp nhận, nguyện lama của con tôi và những vị thần che chở khiến cho ngọn đèn cháy lâu không tắt. Nếu không được chấp nhận, nó sẽ chóng tắt.” Ngọn đèn cháy suốt một ngày một đêm. Mẹ thầy tin rằng ước nguyện của bà sẽ được đáp ứng, nói với vị hành hương, “Thưa thiền giả, để du hành khắp nước, áo quần và giày là rất quan trọng.” Và bà biếu ông da và chỉ để vá lại những đôi giày. Tự bà vá lại áo choàng đã sờn rách của ông. Âm thầm, bà may bảy lượng vàng vào trong áo choàng, trên đó may một miếng vải đen. Bà thêu trên miếng vải đó những ngôi sao tượng trưng chòm sao Thất Tinh bằng chỉ trắng thô để cho bên ngoài không thể thấy. Rồi bà biếu tặng ông đầy đủ, gởi gắm cho ông lá thư niêm kín bằng chữ bí mật và để ông ra đi.

Sau đó mẹ thầy nghĩ, “Vì ta không biết những hàng xóm định làm gì, ta phải có dáng vẻ đe dọa.” Bà nói với Peta, “Con hãy nói với mọi người là vị thiền giả đó đã mang một lá thư của anh con đến.”

Đây là lá thư mà mẹ thầy viết như thể nó là của thầy :

“Chắc chắn mẹ và em con đều mạnh khỏe và đã thấy những dấu hiệu huyền thuật đã xảy ra. Nếu còn những người xóm giềng nào còn thù hận mẹ, hãy gởi cho con tên của họ và tên của gia đình họ. Bằng chú thuật, con dễ dàng giết họ như ném một nắm muối gạo vào khoảng không. Như thế con sẽ hủy diệt họ cho đến thế hệ thứ chín. Mẹ và em thân mến, nếu người làng còn xung đột với mẹ và em, hãy đến đây với con. Con sẽ hủy hoại mọi dấu vết trong cái làng này. Dù con đang ở trong thất, con dư dả và có đồ dự trữ dư dùng. Chớ có lo cho con.”

Viết xong, mẹ thầy xếp lá thư. Bà đưa nó trước tiên cho anh bà và bạn bè của ông, ông đưa nó cho mọi người xem. Kết quả là họ đều thay đổi thái độ và bỏ ý định giết ba mẹ con thầy. Họ trả lại miếng ruộng Tam Giác Phì Nhiêu từ ông chú thầy về cho mẹ thầy.

***

Khi ấy vị thiền giả đi tìm kiếm thầy. Biết rằng thầy đang ở Nub Khulung, ông kiếm ra thầy. Ông đưa cho thầy lá thư và đứng qua một bên để đọc.

“Mẹ mong rằng Tin Lành con được khỏe mạnh. Ước mong của bà mẹ già của con muốn có một đứa con trai thật sự đã được thành và dòng dõi cha con, Mila Ngọn Cờ Trí Huệ đã được bảo đảm. Những dấu hiệu huyền thuật của con đã xuất hiện trong làng và ba mươi lăm người đã bị giết trong ngôi nhà sụp đổ. Vì điều đó, người dân địa phương có ác ý với hai mẹ con ở đây, nên con cần phải làm cho họ một trận mưa đá lớn. Lúc đó thì những ước nguyện cuối cùng của mẹ già của con sẽ thành hiện thực. Xóm giềng họ nói rằng họ sẽ tìm ra con và sau khi giết con thì sẽ giết mẹ. Để mẹ con chúng ta được an toàn, hãy bảo vệ cuộc đời chúng ta với sự chăm sóc thận trọng nhất. Nếu đồ dự trữ của con hết, hãy nhìn vào vùng hướng về phía bắc, trong đám mây đen, có chòm sao Thất Tinh sẽ xuất hiện. Dưới đó là bảy căn nhà của những người anh em cô cậu của con. Nơi đó con sẽ tìm thấy mọi đồ dùng con muốn. Hãy lấy mấy cái đó. Nếu con không hiểu, hãy hỏi không ai khác ngoài vị thiền giả này sống trong vùng đó.”

Thầy không hiểu ý nghĩa trong lá thơ. Thầy nhớ quê hương và mẹ. Vì thầy đang rất cần lương thực, mà không biết bà con nói trong thơ ở vùng nào, thầy rơi nước mắt. Thầy hỏi vị thiền giả, “Vì ông biết vùng này, các em con cô cậu của tôi ở đâu ?” Thiền giả trả lời, “Trong đồng bằng Ngari.”

“Ông không biết những vùng khác sao ? Vùng của ông là ở đâu ?”

“Ta biết nhiều vùng khác, nhưng ta không biết những vùng nào đứa em cô cậu của chú ở. Ta đến từ tỉnh UŠ.”

“Vậy hãy ở đây một lát, tôi sẽ về ngay.”

Thầy đến trình cho vị lama xem lá thơ và nhờ ông giải thích. Vị lama xem kỹ và nói với thầy, “Này Tin Lành, mẹ của con đầy thù hận. Dù sao cái chết của bấy nhiêu con người bà vẫn còn muốn con làm mưa đá. Ai là những anh em cô cậu của con ở phía bắc ?” Thầy trả lời, “Con chưa hề nghe về họ. Chỉ có lá thơ này nói về họ. Con đã hỏi vị thiền giả nhưng ông không biết gì.”

Vợ vị lama, bà có dấu hiệu của những dakini vĩ đại, đọc lớn lá thơ và nói với thầy, “Hãy mời vị thiền giả.”

Khi thiền giả đến, người vợ của vị lama đốt một ngọn lửa lớn và đưa cho ông bia tuyệt ngon. Rồi lấy cái áo choàng khỏi lưng thiền giả, bà khoác nó vào và nói, “Đây là một cái áo choàng tốt để chu du chỗ này chỗ khác.” Bà đi tới đi lui một lát, rồi lên sân thượng của ngôi nhà. Ở đó bà lấy vàng ra khỏi áo choàng, may lại miếng vải như trước và trở lại, khoác cái áo choàng lên lưng thiền giả.

Sau khi mời thiền giả bữa ăn tối, bà dẫn ông đến phòng của ông và nói, “Hãy đi và nói với Tin Lành đến trình diện ngài lama.” Thầy đến và bà trao cho bảy lượng vàng. Thầy hỏi, “Số vàng này từ đâu đến ?” Vợ ngài lama trả lời, “Nó nằm trong áo choàng của thiền giả. Tin Lành ạ, con có một bà mẹ kỹ lưỡng. Vùng hướng về phía bắc nơi mặt trời không chiếu sáng nghĩa là cái áo choàng của thiền giả mà mặt trời không thể xuyên qua. Đám mây đen nghĩa miếng vải đen vá trên áo. Chòm sao Thất Tinh sẽ xuất hiện là những ngôi sao thêu bằng chỉ trắng. Và bên dưới, bảy căn nhà của những người anh em cô cậu của con là bảy lượng vàng. Nếu con không hiểu, hãy hỏi không ai khác ngoài vị thiền giả này sống trong vùng đó nghĩa là nếu con không hiểu, bởi vì vàng nằm trong áo choàng của thiền giả, hãy chớ có tìm ở đâu khác.”

Vợ vị lama nói như vậy. Và vị lama nói, “Này mình ! Họ nói rằng bà rất láu lỉnh. Và quả là rất đúng.” Rồi ông cười.

Sau đó thầy đưa cho thiền giả một chỉ vàng, ông ta hài lòng. Dâng tặng sư mẫu bảy chỉ. Rồi dâng cúng vị lama ba lượng và nói với ngài, “Thầy thấy bà mẹ già của con còn xin làm mưa đá. Xin thầy dạy cho con.”

Vị lama trả lời, “Nếu con muốn làm mưa đá, hãy đi tìm Yungton Trošgyel (Người Chinh Phục Làm Khiếp Sợ) họ Nyag.” Và ông cho thầy một lá thơ và vài đồ biếu tặng.

Thầy rời làng Kyorpo miền Yarlung. Khi đến trình diện vị lama, thầy để dưới chân ngài ba lượng vàng, bức thơ vàø những quà tặng. Thầy nói với ngài tại sao thầy muốn làm mưa đá. Ông hỏi thầy, “Con đã thành công trong việc làm được huyền thuật chưa ?”

Thầy trả lời, “Con hoàn toàn thành công, và với huyền thuật ba mươi lăm người đã bị giết. Bấy giờ có thêm lá thơ này yêu cầu làm mưa đá. Xin thầy dạy cho con.”

Ông đáp, “Tốt lắm, được thôi.” Và vị lama cho thầy mật chú. Thầy đến trong cái cốc cũ của thầy để thực hiện những nghi lễ.

Bắt đầu ngày thứ bảy, một đám mây bao phủ cái cốc. Sấm chớp nổ vang, và có tiếng nói của Dza Mặt Màu Hạt Dẻ. Điều này làm thầy tin rằng mình có thể cầu mưa đá bằng đầu ngón tay của mình.

Từ đó trở đi, vị lama thường hỏi thầy, “Để làm mưa đá, hiện giờ lúa cao bao nhiêu trong làng của con ?”

Và thầy trả lời, “Nó đã mọc mầm lên kha khá.”

Và thời gian sau, “Nó đã đủ cao để che kín con chim câu xanh.”

Rồi, “Và bây giờ lúa thế nào rồi ?”

Thầy trả lời, “Lúa mạch bắt đầu cong xuống.”

“Đúng lúc để làm mưa đá rồi đó.”

Ông cho một người đưa tin đi với thầy, người này đã từng ở làng thầy. Giả trang thành những nhà sư du phương, bọn thầy lên đường.

Năm ấy lúa ngoài đồng được mùa chưa từng có. Có một luật lệ trong làng, cấm gặt lúa riêng rẽ tùy thích. Khi bọn thầy đến, lúa đã chín vàng hôm sau thì gặt. Thầy ở trên vùng đất cao.

Sau khi thầy tụng đọc những thần chú, một đám mây nhỏ chỉ lớn bằng con chim sẻ bay đến. Thầy thất vọng. Thầy kêu gọi tên những vị thần. Lời cầu xin của thầy căn cứ trên những đối xử tàn bạo mà người làng đã bắt gia đình thầy chịu đựng. Thầy ném cái áo choàng và bắt đầu kêu khóc. Bấy giờ, những đám mây đen khổng lồ thình lình tụ lại trong bầu trời. Trong phút chốc trận mưa đá rơi xuống mùa màng và phủ trùm toàn bộ thung lũng, ngập đến ba viên gạch. Những khe suối mới tạo thành trên núi. Thấy mùa màng mất sạch, dân làng khóc.

Thình lình có một trận gió lớn kèm với mưa. Thầy và người bạn đồng hành lạnh quá, bèn vào trong một cái hang cửa hướng về phía bắc. Ở đó bọn thầy đốt lửa lên.

Vài người làng đang đi săn để lấy thịt làm lễ tạ cho vụ mùa. Họ nói, “Cái thằng Tin Lành này đã gởi cho chúng ta bất hạnh chứ chẳng có ai khác làm được. Nó đã tàn sát bao nhiêu người ! Bây giờ với tài nghệ của nó, chúng ta không còn thấy một chút gì cái mùa màng đẹp tốt của chúng ta nữa. Nếu nó rơi vào tay chúng ta, chúng ta sẽ dứt trái tim còn đập của nó ra. Và mỗi người chúng ta sẽ ăn một miếng thịt, uống một giọt máu của nó.”

Họ nói thế bởi vì vết thương trong lòng họ thì không thể chữa lành. Khi nói chuyện với nhau như vậy, vừa đi xuống núi, họ đi ngang cái hang. Một người già nói, “Im nào ! Im nào! Nói nhỏ thôi! Khói từ hang ra. Ai thế?”

“Chắc là thằng Tin Lành. Nó không thấy chúng ta. Nếu bọn đàn ông trong làng chúng ta không giết nó sớm, chắc chắn nó sẽ tàn phá cả vùng.” Nói thế họ trở lui.

Bạn đồng hành của thầy nói với thầy, “Hãy rời đây trước tôi. Tôi sẽ giả bộ tôi là bạn. Tôi sẽ nói với họ khi rời khỏi đây rằng việc này là sự trả thù của tôi. Chúng ta sẽ gặp lại bốn ngày sau ở quán Dingri về hướng tây.

Tự biết sức mạnh của mình, anh ta ở lại một mình không sợ hãi. Lúc đó, thầy mong được thấy mẹ một lần nữa, nhưng vì sợ những kẻ thù, thầy thoát nhanh và chạy đến Nyanang. Bị chó cắn vào chân, thầy không thể đến đúng hẹn.

Bạn đồng hành của thầy, dù bị những người làng vây quanh, cũng phá được vòng vây và chạy thoát. Họ càng rượt đến gần anh, anh càng chạy nhanh hơn nhưng khi họ tụt lại anh lại buông lỏng bước chân. Họ bắn tên về phía anh, và anh ta ném lại những viên đá lớn.

Anh la lên cho họ nghe, “Ta sẽ đặt một lời nguyền trên bất kỳ ai dám chống lại ta. Ta đã giết chết bao nhiêu người để báo thù. Và bây giờ cả vụ mùa đẹp đẽ đã biến mất. Đây chẳng phải là việc báo thù của ta sao? Thế đấy, nếu các người không tử tế với mẹ và em của ta, ta sẽ đặt một lời nguyền lên toàn bộ vùng này từ chỗ cao nhất đến chỗ thấp nhất của thung lũng. Những người chưa bị giết sẽ thấy dòng họ của họ bị hủy diệt cho đến đời thứ chín. Nếu sự chết chóc tiêu điều không đánh vào vùng này, thì đó sẽ là lỗi của tao. Hãy đợi mà xem! Hãy đợi mà xem!

Nói thế, anh bỏ đi. Và kinh hãi, họ bắt đầu đổ lỗi cho nhau, “Đây hoàn toàn do lỗi của anh, đây hoàn toàn là do anh.”

Họ cãi nhau trong khi trở về làng.

Bạn đồng hành của thầy đến Dingri trước thầy. Anh hỏi chủ quán có ai giống một thiền giả đến đây chưa. Chủ quán trả lời, “Ông chưa tới. Nhưng tất cả những người tự nhận là thiền giả các anh đều rất thích uống. Trong làng bên có một quán bia. Hãy đến đó. Nếu anh không có chén, tôi có thể cho anh mượn.” Và anh mượn của ông ta một chén gỗ sâu và xám như mặt của Thần Chết Yama.

Đem cái chén theo, anh vào quán và thầy ngồi ở sau chót đám khách, anh đến ngồi bên cạnh thầy. Anh nói, “Tại sao không đến chỗ hẹn vào hôm qua?”

“Hôm qua tôi đi khất thực. Một con chó cắn vào chân tôi và tôi không thể đi nhanh. Nhưng chẳng có gì phải lo cả.”

Ra khỏi quán bia, bọn thầy đến Kyorpo vùng Yarlung.

Vị lama nói với bọn thầy, “Tốt, cả hai người đã thành công!”

“Không có ai đến đây trước chúng con. Ai đã nói cho thầy chuyện ấy ?”

Vị lama trả lời, “Các thần đã đến, mặt họ sáng như trăng rằm. Ta đã cảm tạ họ.”

Nói xong, vị lama tỏ ra hài lòng.

Đây là cách thầy đã tích tập những ác hạnh từ sự trả thù những kẻ thù của thầy.

Đạo sư nói như thế. Đây là chương thứ ba, sự tiêu diệt những kẻ thù. Đó là công việc của Milarepa trong thế gian.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]