Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương hai

13/03/201118:11(Xem: 5353)
Chương hai

Á CHÂU HUYỀN BÍ
Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

CHƯƠNG HAI

Khi trở về, chúng tôi thấy có một số đông những người lạ tề tựu tại làng Asmah. Họ đến từ những vùng chung quanh. Một số các vị chân sư đã tụ họp lại để chuẩn bị đi hành hương đến một làng hẻo lánh cách đó gần 400 cây số.

Điều này làm chúng tôi ngạc nhiên, vì chúng tôi đã đi một chuyến về hướng ấy và nhận thấy rằng cách đấy 120 cây số, con đường mòn đi ngay vào một bãi sa mạc hoang vu. Bãi sa mạc này thật ra là một vùng cao nguyên bao phủ bởi những cồn cát di động luôn luôn chìm dưới những cơn gió lớn, và ở đó cỏ cây rất thưa thớt. Bên kia đồng cát, con đường mòn vượt lên một dãy núi nhỏ trong dãy Tuyết Sơn.

Chiều hôm đó, chúng tôi được mời cùng đi trong chuyến hành hương, và sẽ lên đường vào ngày thứ hai kế đó. Chúng tôi được cho hay trước rằng, không cần đem theo những đồ hành lý nặng, vì chúng tôi sẽ còn trở về Asmah trước khi vượt qua dãy Tuyết Sơn.

Dật Sĩ và Nê Bưu dĩ nhiên là đã chuẩn bị xong tất cả mọi việc vào ngày thứ hai lúc trời còn chưa sáng. Chúng tôi đã nhập bọn với khoảng ba trăm thành viên của nhóm người hành hương. Phần nhiều những người này đều mắc phải một số bệnh tật nào đó mà họ rất hy vọng sẽ được chữa khỏi trong chuyến đi này.

Mọi việc trôi chảy êm đẹp cho đến ngày thứ bảy. Rồi trời thình lình nổi lên một cơn giông bão dữ dội chưa từng thấy. Trong ba ngày và ba đêm, những cơn mưa lũ trút xuống không dứt, báo hiệu sắp đến mùa hè. Chúng tôi cắm trại ở một nơi cao ráo sạch sẽ, và cơn giông không gây cho chúng tôi một sự tổn hại nào. Nhưng điều chúng tôi lo ngại nhất là vấn đề tiếp tế lương thực, vì chúng tôi biết rằng một sự trì hoãn kéo dài sẽ rất bất tiện cho tất cả mọi người.

Thật vậy, những người trong đoàn chỉ đem theo một số lương thực tối thiểu, vừa đủ dùng cho chuyến hành hương, và không có phòng bị những trường hợp trì hoãn có thể xảy đến Sự trì hoãn này lại càng nghiêm trọng gấp đôi, vì chúng tôi không thấy có giải pháp nào khác hơn là quay trở về Asmah để tiếp tế lương thực.

Trong trường hợp này, chúng tôi lại phải vượt qua hai trăm cây số đường trường, mà phần lớn là đi xuyên qua bãi sa mạc như đã nói ở trên.

Sáng ngày thứ năm, mặt trời chói rạng trên một bầu trời quang đãng, và chúng tôi quyết định lên đường. Nhưng người ta cho hay là tốt hơn chúng tôi nên đợi cho đường khô ráo và mực nước sông rút xuống thấp để chuyến đi được dễ dàng hơn. Một người trong chúng tôi bày tỏ nỗi lo ngại chung của tất cả mọi người là lương thực sẽ cạn. Đức Tuệ Minh là vị đảm trách việc tiếp liệu, bèn nói với chúng tôi:

– Không cần phải lo ngại chi cả. Sự sống vốn tự nó có thể chăm sóc cho tất cả chúng sinh. Các bạn hãy nhìn xem những hạt giống lúa mì này. Khi tôi trồng nó xuống đất, việc làm đó cho thấy rằng tôi cần dùng lúa mì, thế là tôi đã tạo ra lúa mì trong tâm thức của tôi. Tôi đã làm đúng theo định luật tự nhiên và lúa mì sẽ mọc đúng vào thời kỳ của nó. Nhưng phương pháp trồng lúa mì như thế là rất lâu dài và khó nhọc. Chúng ta có cần phải chịu khó chờ đợi lâu như vậy chăng? Tại sao không kêu gọi đến một định luật cao siêu và toàn vẹn hơn để làm cho lúa mì xuất hiện thật mau chóng? Người ta chỉ cần định thần một lát trong sự yên tĩnh, hình dung rõ lúa mì trong tâm thức, và đây là những hạt lúa mì sẵn sàng để đem xay giã. Nếu các bạn nghi ngờ, các bạn hãy nhặt lấy nó, xay nó ra thành bột, và nướng lên thành bánh. Thật vậy, trước mặt chúng ta có lúa mì đã đập xong, chúng ta chỉ cần đem xay ra bột và làm thành bánh mì!

Đức Tuệ Minh nói tiếp:

– Các bạn đã thấy và đã tin. Nhưng tại sao chúng ta không kêu gọi đến một định luật toàn vẹn hơn nữa và tạo ra một vật chất toàn vẹn hơn, nghĩa là đúng cái món ăn mà ta cần dùng, chẳng hạn như bánh mì! Các bạn sẽ thấy rằng cái định luật toàn vẹn hơn, tế nhị hơn ấy, sẽ giúp tôi làm ra đúng cái món ăn mà tôi cần: đó là bánh mì.

Trong khi chúng tôi ngồi nghe một cách thích thú, thì một ổ bánh mì lớn xuất hiện trên tay đức Tuệ Minh, rồi nhiều ổ nữa mà ngài đặt lên bàn cho đến khi chúng tôi đếm được tất cả là bốn chục ổ. Đức Tuệ Minh nói:

– Các bạn thấy rằng có đủ bánh mì cho tất cả mọi người. Nếu ăn không đủ, thì sẽ có những ổ khác nữa cho đến khi chúng ta ăn còn dư thừa.

Tất cả chúng tôi đều ăn bánh mì và thấy rất ngon. Đức Tuệ Minh lại nói tiếp:

– Khi đức Jesus hỏi thánh Philips ở thành Galilée: “Chúng ta sẽ mua bánh mì ở đâu?”, thì đó là để thử thách vị môn đồ. Đức Jesus biết rõ rằng bánh mì mà đám đông đang cần dùng không cần phải mua ở ngoài chợ. Ngài mượn dịp đó để chỉ cho các môn đồ thấy rằng người ta có thể tạo ra bánh mì bằng sức mạnh của tinh thần. Người đời thường có quan niệm vật chất giống như Philips! Vị môn đồ này cũng toan tính như mọi người: “Ta có bấy nhiêu bánh mì, bấy nhiêu lương thực, hay bấy nhiêu tiền bạc...” Đức Jesus biết rằng trong khi người ta sống với tâm thức của chân ngã, thì người ta không còn bị thiếu thốn hay gò bó trong một sự giới hạn nào cả. Ngài biết rằng Thượng đế hay Chân ngã chính là nguồn gốc sáng tạo muôn loài và con người khi phát triển được chân ngã thì luôn sẵn có khả năng tạo ra mọi chất liệu cần thiết bằng chính tâm thức của mình. Ngài bèn bẻ bánh mì và bảo các môn đồ hãy phân phát cho tất cả mọi người. Khi tất cả mọi người đều đã ăn no, thì hãy còn thừa tới mười hai rổ bánh. Đức Jesus dạy rằng trong tự nhiên luôn sẵn có chất liệu để tạo thành mọi thứ vật chất, và người ta có thể tạo ra lương thực từ đó. Chúng ta chỉ cần có được một tâm thức trong sáng đủ để tác động đến các chất liệu ấy và tạo nên mọi thứ cần dùng. Cũng bằng cách đó mà Elisée làm cho người quả phụ thành Jérusalem có dầu để ăn thừa thãi không bao giờ hết. Ngài không hỏi xin những kẻ có thừa dầu ăn trong nhà, vì như thế số dầu chỉ có giới hạn. Ngài tiếp xúc với cõi thiên nhiên, và số dầu tạo ra không có giới hạn nào khác hơn là dung lượng của những bình chứa.

Đức Tuệ Minh nói tiếp:

– Đây không phải là một sự thôi miên. Không có ai trong các bạn có cảm giác rằng mình bị thôi miên. Nhưng các bạn đã tự thôi miên chính mình từ đầu khi cho rằng người ta không thể nào thực hiện những công việc có tính cách toàn năng như Thượng Đế, hay tạo ra được những dạng vật chất mà mình mong ước. Sự nhu cầu phải chăng cũng là một động lực cho ý muốn sáng tạo? Thay vì vươn mình lên để sáng tạo mọi thứ giống như Thượng Đế, người ta lại tự cúi xuống và thu mình trong một cái vòng chật hẹp và nói: “Tôi không thể.” Do sự tự kỷ ám thị đó, rốt cuộc người ta tin rằng mình là một thực thể hèn kém cách biệt với Thượng Đế toàn năng trên cao.

Họ đã đi lệch ra ngoài con đường, họ đã bỏ lỡ mất năng lực sáng tạo của chính mình. Họ không để cho chân ngã được phát triển và biểu lộ. Đức Jesus, bậc đại giáo chủ, há chẳng nói rằng: “Những việc gì mà ta đã làm, các ngươi cũng sẽ làm được và các ngươi còn sẽ làm được những việc lớn lao hơn nữa.” Con người trong bản chất chân thật nhất của họ chính là sự hiển lộ của cái gọi là Thượng Đế. Sứ mạng của đức Jesus trên thế gian phải chăng là để chứng tỏ rằng với chân ngã sẵn có, mỗi con người đều có thể sáng tạo một cách toàn hảo và tốt đẹp? Khi đức Jesus ra lịnh cho người mù hãy đứng dậy và rửa mắt y trong nước ao Siloé, phải chăng là để cho mọi người đều thấy rằng ngài có khả năng sáng tạo cũng giống như Chúa Trời? Đức Jesus muốn rằng mỗi người trong chúng ta cũng làm y như vậy bằng cách phát triển và hiển lộ chân ngã nơi tự thân mình và nơi kẻ khác.

Tôi có thể tiến thêm một bước xa hơn nữa. Cái ổ bánh mà tôi nhận được và cầm trên tay đã tiêu hủy dường như bị lửa đốt cháy. Tại sao? Tôi đã lạm dụng cái định luật đã giúp tôi thể hiện ý muốn. Tôi đã đốt cháy món đồ vật mà tôi vừa sáng tạo nên. Làm như vậy, tôi đã lạm dụng cái định luật toàn vẹn đó. Định luật này cũng đúng đắn như những luật của âm nhạc chẳng hạn. Nếu tôi cứ tiếp tục lạm dụng mãi, thì không những tôi đốt cháy những vật tôi đã tạo nên, mà còn đốt cháy luôn cả chính tôi nữa!

Mới đây, các bạn đã thấy một cục nước đá tượng hình trong ly nước mà không có nguyên nhân rõ rệt. Tuy vậy, vẫn có một nguyên nhân, và đó cũng là cái nguyên nhân đã tạo nên ổ bánh mì. Tôi có thể sử dụng cái định luật đó khi tôi dùng ổ bánh mì hay khối nước đá để làm một việc lợi ích cho nhân loại, hoặc là khi mà tôi hành động với tình thương yêu, phù hợp với luật ấy. Làm ra bánh mì, nước đá hay một dạng vật chất cần thiết, đó là điều tốt lành. Mỗi người nên phát triển tự thân đến mức độ có thể làm được như vậy. Các bạn có thấy là các bạn nên sử dụng được cái định luật cao cả như thế hay chăng? Các bạn sẽ tạo ra được những gì mà các bạn hay những người khác cần dùng và thực hiện được những gì mà các bạn đã hình dung trong tâm thức như là cái lý tưởng cao đẹp nhất của mình. Các bạn sẽ biết cách tự biểu lộ chân ngã một cách toàn vẹn hơn, với điều kiện là phải biết, cũng như đức Jesus, rằng mình luôn hướng đến sự toàn hảo.

lll

Sau tám ngày dừng chân một chỗ, một buổi sáng chúng tôi dỡ trại và tiếp tục hành trình. Vào xế trưa ngày thứ ba, chúng tôi đến bờ một con sông lớn chừng sáu hay bảy trăm thước bề rộng, nước chảy tràn bờ và rất xiết. Chúng tôi được cho biết rằng bình thường thì lòng sông cạn nên có thể lội qua dễ dàng.

Chúng tôi bèn quyết định cắm trại cho đến sáng hôm sau để chờ xem nước sông sẽ còn dâng lên hay rút xuống. Chúng tôi được biết rằng có một chiếc cầu ở về phía thượng lưu để qua sông, nhưng muốn đến đó phải đi vòng quanh mất bốn ngày trên những con đường mòn rất cheo leo hiểm trở. Chúng tôi nghĩ rằng tốt hơn nên đợi vài ngày tại chỗ để chờ nước sông rút xuống.

Như đã được đức Tuệ Minh chứng tỏ cho thấy, chúng tôi không cần phải lo ngại về vấn đề tiếp tế. Thật vậy, từ ngày chúng tôi bị cạn lương thực cho đến ngày trở về căn cứ ở Asmah, tức là trong sáu mươi bốn ngày, cả đoàn gồm trên ba trăm người hành hương đều được tiếp tế đầy đủ với những đồ vật thực xuất xứ từ “cõi vô hình”.

Nhưng cho đến khi đó, vẫn không một ai trong nhóm chúng tôi hiểu được ý nghĩa thật sự của những sự việc đã xảy ra. Chúng tôi không thể hiểu rằng tất cả đã được thực hiện bởi một định luật huyền bí mà mỗi người đều có thể sử dụng.

Sáng hôm sau, lúc ăn điểm tâm có năm người lạ ở trong trại chúng tôi. Họ được giới thiệu với chúng tôi là thành viên của một nhóm cắm trại ở bờ bên kia sông và vừa về đến nơi từ một làng mà chúng tôi định sẽ đến viếng. Chúng tôi không để ý gì đến chi tiết này, vì lẽ tự nhiên chúng tôi nghĩ rằng chắc họ đã tìm thấy một chiếc đò để vượt qua sông. Khi đó, một người trong bọn chúng tôi mới nói:

– Nếu những người này có đò qua sông, thì tại sao chúng ta không mượn dùng tạm để qua sông như họ?

Chúng tôi tưởng là đã thấy có lối thoát cho vấn đề khó khăn này, nhưng rồi người ta nói cho chúng tôi biết rằng không có đò, vì chỗ này ít có hành khách qua sông nên không ai nghĩ đến việc đưa đò.

Sau bữa ăn điểm tâm, tất cả chúng tôi đều tụ họp trên bờ sông. Chúng tôi nhận thấy rằng đức Tuệ Minh, Dật Sĩ, Nê Bưu và bốn người trong nhóm chúng tôi đang nói chuyện với năm người khách lạ. Dật Sĩ bước đến gần chúng tôi và nói rằng tất cả bọn họ đều muốn qua sông cùng với năm người khách lạ để ở lại chơi giây lát trong trại ở bên kia sông. Họ còn nhiều thời giờ vì họ đã quyết định ở lại đến ngày hôm sau để đợi cho mực nước sông hạ xuống thấp.

Lẽ tự nhiên, sự tò mò của chúng tôi bị kích thích. Chúng tôi cho rằng thật là một việc táo bạo nếu muốn lội qua sông giữa dòng nước cuốn mau như vậy, chỉ vì mục đích thăm viếng xã giao một trại láng giềng! Nhưng chúng tôi không nghĩ rằng chuyến đi qua sông lại có thể được thực hiện bằng một cách khác hẳn.

Khi Dật Sĩ đã trở lại với nhóm bạn của anh ta, mười hai người trong nhóm có mặc áo quần đầy đủ, liền đi ngay xuống sông, và bước chân lên trên mặt nước (tôi không nói xuống nước). Tôi không bao giờ quên những cảm giác của tôi khi thấy mười hai người ấy nối tiếp nhau đi hàng một từ đất liền xuống sông và đi trên mặt nước một cách tự nhiên!

Tôi nín thở vì lo ngại rằng họ sẽ chìm đắm và bị dòng nước cuốn trôi đi mất! Về sau, tôi được biết rằng tất cả các bạn tôi cũng đều cảm nghĩ giống như tôi lúc ấy. Nhưng khi đó, mỗi người trong chúng tôi đều lặng người nín thở cho đến khi tất cả mười hai người kia đã đi qua khỏi giữa sông, vì chúng tôi ngạc nhiên xiết bao mà thấy họ đi bình yên trên mặt nước, không hề sợ sệt, và nước không ngập quá gót giày của họ.

Khi họ đã qua sông và lên đến bờ bên kia, tôi có cảm giác như trút được một gánh nặng nghìn cân. Tôi tin rằng các bạn tôi cũng có cảm giác như vậy, cứ xét về nụ cười thoải mái của họ khi tất cả mười hai người kia đều đã qua sông.

Đó hẳn là một kinh nghiệm chưa từng có đối với chúng tôi. Bảy người trong nhóm chúng tôi đã vượt qua sông trở lại để dùng bữa ăn trưa. Tuy rằng bận về của họ không gây nên một sự xúc động mãnh liệt như khi họ ra đi lần đầu tiên, mỗi người chúng tôi đều thở dài nhẹ nhõm khi tất cả đều đã bước chân lên bờ. Không có người nào trong nhóm chúng tôi đã rời khỏi bờ sông sáng hôm đó. Chúng tôi không bình phẩm gì nhiều về sự việc nói trên vì chúng tôi đã quá đắm chìm trong những cơn suy tư trầm lặng.

Đến xế trưa, vì thấy mực nước sông không rút xuống nên chúng tôi đành phải đi đường rừng, theo một vòng cung lớn trước khi qua cầu để sang sông.

Chúng tôi thức dậy sớm vào sáng hôm sau và chuẩn bị lên đường. Trước khi chúng tôi ra đi, năm mươi hai người trong trại lẳng lặng tiến về phía bờ sông và đi trên mặt nước để vượt qua sông như mười hai người hôm trước.

Người ta nói rằng chúng tôi cũng có thể cùng đi qua sông với họ, nhưng không một người nào trong nhóm chúng tôi có đủ đức tin để làm thử!

Dật Sĩ và Nê Bưu đòi đi vòng lớn theo đường rừng cùng với chúng tôi. Chúng tôi cố gắng thuyết phục họ đừng làm vậy, viện lẽ rằng chúng tôi có thể tìm được đường đi để tránh cho hai vị khỏi phải tốn công nhọc sức. Nhưng họ không nghe, nhất định đòi đi cùng chúng tôi và nói rằng điều ấy không có gì là khó nhọc đối với họ cả.

Trong bốn ngày đi bộ vòng quanh đường núi cheo leo để theo kịp những người đã qua sông bằng cách đi trên mặt nước, chúng tôi không có đề tài nói chuyện hay suy gẫm nào khác hơn là những diễn biến ly kỳ mà chúng tôi đã chứng kiến trong khoảng thời gian ngắn ngủi đã trải qua cùng với những nhân vật lạ lùng này.

Qua ngày thứ nhì, trong khi chúng tôi đang vất vả khó nhọc để trèo lên một con dốc đứng, dưới ánh mặt trời nóng gắt, thì vị trưởng nhóm của chúng tôi, vẫn im lặng từ suốt hai ngày qua không nói một câu nào, thình lình nói lớn:

– Này các bạn, tại sao con người lại bị bắt buộc phải bò lết trên mặt đất?

Chúng tôi đồng thanh đáp lại rằng ông ta đã nói lên đúng cái ý nghĩ của chúng tôi lúc ấy. Vị trưởng nhóm nói tiếp:

– Nếu có những người có thể làm được những gì mà chúng ta vừa thấy, thì tại sao tất cả lại không thể làm được như vậy? Tại sao con người lại bằng lòng chịu bò lết trên đất, và không những bằng lòng thôi, mà còn bị bắt buộc phải bò lết? Nếu con người có quyền năng chế ngự mọi loài thì chắc hẳn phải có thể bay cao hơn loài chim. Nếu như vậy, tại sao người ta không hiển lộ quyền năng của mình từ lâu? Đó chắc hẳn là do tư tưởng của con người. Tất cả đều do quan niệm hẹp hòi trói buộc bởi vật chất, không hiểu đúng về bản chất của mình. Trong tư tưởng, con người luôn nghĩ rằng họ đang bò lết và chỉ có thể bò lết trên mặt đất thôi. Bởi đó nên người ta chỉ có thể bò và lết!

Dật Sĩ liền nắm ngay lấy cơ hội và nói:

– Ông bạn hoàn toàn có lý, tất cả đều do tâm thức của con người. Tùy theo sự cảm nghĩ của con người mà họ bị giới hạn hay phát triển được sự toàn năng; tự do hay nô lệ. Các bạn tưởng rằng những người hôm qua đã đi trên mặt nước để vượt sông và tránh khỏi con đường vòng vất vả này là những người đặc biệt và có năng lực nhiệm mầu gì chăng? Không, họ cũng không khác gì các bạn cả. Họ không có được một mảy may quyền năng nào khác hơn các bạn. Họ chỉ phát triển năng lực tự nhiên của họ bằng cách sử dụng đúng đắn sức mạnh của tư tưởng. Những gì các bạn đã thấy chúng tôi làm, các bạn cũng có thể làm được một cách tự do và hoàn hảo như vậy, bởi vì tất cả những hành động của chúng tôi đều hòa hợp vơi một định luật thiên nhiên mà mỗi người đều có thể sử dụng tùy ý muốn.

Tới đây, câu chuyện chấm dứt. Rồi đến khi chúng tôi qua sông được và gặp lại năm mươi hai người đã vượt sông bằng cách đi trên mặt nước, tất cả cùng nhau đi đến một thôn ấp, mục tiêu của chuyến hành hương.

lll

Ngôi đền Chữa Bệnh nằm trong thôn ấp nói trên. Tục truyền rằng từ ngày dựng lên ngôi đền này, tại đó người ta chỉ thốt ra toàn những lời nói biểu lộ lòng hiếu sinh, từ ái, và bình an. Những âm ba rung động tại đây có một mãnh lực phi thường làm cho phần nhiều khách hành hương được khỏi bệnh ngay trong khoảnh khắc.

Người ta cũng đồn rằng những lời nói biểu lộ đức hiếu sinh, tình thương yêu rộng khắp và sự bình an ở đây đã được lặp đi lặp lại nhiều lần và thoát ra từ ngôi đền này từ rất lâu, đến nỗi những âm ba rung động có đủ mãnh lực để phá tan ảnh hưởng của mọi lời nói xung khắc và bất hảo.

Điều này cũng tiêu biểu cho sự tác động trong con người. Nếu người ta tập được thói quen chỉ thốt ra những lời nói có tính cách hiếu sinh, thương yêu, điều hòa và chí thiện, thì không bao lâu người ta sẽ không còn có thể thốt ra một lời nói chướng tai xấu ác nào nữa. Tại đây, chúng tôi đã thử dùng những danh từ xấu xa và mỗi lần như vậy chúng tôi đều nhận thấy rằng không thể nào thốt ra nên lời.

Ngôi đền này là mục tiêu hành hương của những người muốn được chữa khỏi các chứng bệnh tật. Các vị chân sư ở vùng kế cận thường có những cuộc tụ họp định kỳ tại làng này để tiếp xúc với họ và với những người muốn nhân cơ hội đó để học đạo.

Ngôi đền được cống hiến hoàn toàn cho việc chữa bệnh và luôn luôn mở cửa tự do. Vì công chúng không phải lúc nào cũng được gặp các chân sư nên các ngài khuyên họ hãy đến ngôi đền này mỗi khi có dịp thuận tiện và vì mục đích chữa bệnh. Vì thế, các chân sư không thực hiện việc chữa bệnh cho những người hành hương này. Từ đầu, các ngài đã cùng đi một lượt với họ để chỉ cho họ thấy rằng các ngài không khác biệt chi với họ cả, và mỗi người đều sẵn có nơi mình những năng lực nhiệm mầu như nhau. Khi các ngài nêu gương vượt qua sông bằng cách đi trên mặt nước, tôi nghĩ rằng các ngài muốn chứng minh cho những người hành hương và chúng tôi thấy khả năng vượt qua mọi chướng ngại khó khăn của các ngài và khuyến khích chúng tôi hãy bắt chước làm theo các ngài.

Ở những nơi cheo leo cách trở mà người ta không thể nào đi tới ngôi đền này, người nào đến cầu xin sự cứu giúp của các chân sư đều nhận được những kết quả tốt lành. Luôn luôn cũng có những kẻ tò mò và những kẻ vô tín ngưỡng, nhưng dường như họ không nhận được một sự giúp đỡ nào rõ rệt. Chúng tôi tham dự nhiều cuộc hội họp từ hai trăm đến hai nghìn người, trong đó tất cả những người có bệnh tật nan y đều được khỏi bệnh chỉ bằng cách âm thầm bày tỏ ý muốn được chữa khỏi.

Chúng tôi cũng có dịp quan sát một số rất lớn những người được chữa khỏi bệnh như vậy trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Trong chín mươi phần trăm các trường hợp, sự khỏi bệnh được lâu bền, và đối với những người được chữa khỏi bệnh trong ngôi đền thì tỷ lệ đó lên đến một trăm phần trăm.

Ngôi đền này luôn luôn mở rộng cửa cho bất cứ ai muốn tìm đến. Người ta có thể đến đó bao nhiêu lần và ở lại đó bao lâu tùy ý. Một lý tưởng được hình thành bằng cách đó trong tư tưởng của những khách đến viếng và in sâu trong tâm trí họ. Đức Tuệ Minh nói:

– Chính ở đây là nơi xuất phát cái mầm mống tư tưởng dưa đến việc tôn sùng thần tượng của thời quá khứ. Con người tìm cách tạc trong gỗ, đá, vàng, bạc hay đồng, hình ảnh cái lý tưởng của họ. Khi hình tượng vừa thành hình xong thì lý tưởng đã vượt lên cao hơn hình tượng ấy rồi. Bởi vậy, người ta phải nhìn thấy cái diệu ảnh, thương yêu và lý tưởng hóa những gì đến với ta từ chỗ kín đáo trong linh hồn chứ không phải đưa ra một vật thể làm thần tượng để tiêu biểu cho cái lý tưởng mà chúng ta muốn nêu cao.

Một trạng thái gần đây hơn của sự mê tín là suy tôn như một thần tượng người nào phát biểu cái lý tưởng của mình. Thật ra, người ta chỉ nên sùng kính cái lý tưởng được nêu lên chứ không phải cá nhân đã biểu lộ lý tưởng đó. Đức Jesus quyết định bỏ ra đi bởi vì ngài thấy rằng dân chúng bắt đầu suy tôn cá nhân ngài, thay vì yêu kính cái lý tưởng mà ngài nêu lên. Người ta muốn tôn ngài lên làm vua. Dân chúng chỉ nhìn thấy có một điều, họ chỉ thấy đức Jesus là người cung cấp đầy đủ mọi thứ để thỏa mãn những nhu cầu vật chất của họ. Không ai là người nhìn nhận rằng họ vốn sẵn có nơi mình cái khả năng thỏa mãn mọi thứ nhu cầu của chính mình. Không ai nhận thấy rằng họ phải sử dụng cái quyền năng đó giống như đức Jesus. Vì lẽ đó, ngài nói: “Tốt hơn là ta phải ra đi, vì nếu ta không bỏ đi thì đấng hằng an ủi sẽ không bao giờ đến với các ngươi.” Nói cách khác, khi người ta ỷ lại vào cá nhân đức Jesus, người ta sẽ không thể nhận thức được cái quyền năng mà họ vốn sẵn có. Người ta phải tuyệt đối tự tin ở chính mình. Nếu người ta trông cậy nơi kẻ khác, họ sẽ suy tôn kẻ khác ấy làm thần tượng thay vì tự mình biểu lộ lý tưởng của mình.

Chúng tôi đã chứng kiến tận mắt những trường hợp khỏi bệnh thật lạ lùng. Vài người bệnh chỉ cần đi ngang qua ngôi đền cũng được chữa khỏi. Những người khác phải ở lại đó trong một thời gian rất lâu. Không có ai đứng ra làm bất cứ một cuộc hành lễ nào. Dường như không cần phải hành lễ, bởi vì những âm ba rung động toát ra từ trong đền có hiệu lực đến nỗi bất cứ người nào bước vào trong vòng ảnh hưởng của nó cũng đều cảm nhận được những ảnh hưởng tốt lành.

Chúng tôi thấy người ta chở đến một người bị bệnh cứng khớp xương. Những khớp xương đã cứng đơ của ông ta được hoàn toàn chữa khỏi trong vòng một tiếng đồng hồ và ông ta có thể đi đứng lại được. Sau đó ông ta đã tự nguyện làm việc thiện trong bốn tháng, giúp đỡ cuộc hành trình của chúng tôi.

Một đứa trẻ bị bại liệt toàn thân được chữa khỏi ngay tức khắc và có thể chạy ra khỏi đền. Những người bị các chứng phong cùi, đui mù, câm điếc và nhiều chứng bệnh nan y khác cũng được chữa khỏi ngay lập tức...

Sự thật, tất cả những người đến hành hương tại đây đều được chữa khỏi bệnh. Chúng tôi có dịp quan sát một số lớn những người được khỏi bệnh hai hay ba năm về sau, bệnh tật của họ đã khỏi hẳn không còn tái phát.

Người ta nói rằng những trường hợp bệnh tái phát là vì người bệnh thiếu đức tin và không có một nhãn quang tâm linh thật sự.

lll

Khi chúng tôi về tới cứ điểm ở làng Asmah thì mọi việc đã được chuẩn bị sẵn sàng để vượt qua truông núi. Sau một ngày nghỉ ngơi, chúng tôi thay đổi toán phu khuân vác, lừa ngựa và khởi đầu giai đoạn thứ nhì của cuộc hành trình, tức là vượt qua dãy núi Tuyết Sơn.

Trong hai mươi ngày kế đó, sự việc diễn biến một cách bình thường không có gì đáng kể. Đức Tuệ Minh nói với chúng tôi về một khái niệm gọi là tâm thức giác ngộ. Ngài nói:

– Chính do sự tác động của năng lực tư tưởng mà chúng ta có thể hiển lộ tâm thức giác ngộ. Bằng năng lực của tư tưởng, chúng ta có thể phát triển thể xác đến mức độ làm cho nó thoát khỏi ảnh hưởng của sự chết, và do đó có thể tùy ý kéo dài sự sống. Do sự tác động của tư tưởng, do sự tác động của tâm thức giác ngộ, chúng ta có thể chuyển hóa những người quanh ta và làm thay đổi hoàn cảnh sinh hoạt của chính mình. Tất cả những điều đó đều được thực hiện do năng lực của chân ngã sẵn có trong mỗi con người. Trước hết, người ta phải biết cảm nhận và tin tưởng rằng tâm thức giác ngộ, tức tâm Bồ-đề, vốn sẵn có nơi mỗi chúng ta. Kế đó, phải hiểu được ý nghĩa thật sự của chân lý hợp nhất bản thể với chân ngã, vốn là sự hiển lộ của chính tâm thức giác ngộ. Phải thấy được sự hòa hợp toàn vẹn trong hết thảy mọi sinh linh, vì chính trong trạng thái hòa hợp tuyệt đối đó mà chân ngã của mỗi chúng ta được hiển lộ...

Nói đến đây, đức Tuệ Minh ngừng lại và cho biết rằng ngài sẽ từ giã chúng tôi trong mấy ngày để đến gặp vài người bạn đang hội họp trong một làng cách đó độ bốn trăm cây số. Ngài hứa sẽ gặp lại chúng tôi ở cách đây độ một trăm cây số, trong một làng nhỏ ở biên giới mà chúng tôi sẽ đi đến trong bốn ngày. Kế đó, ngài biến mất. Và vài ngày sau ngài đã đến chỗ hẹn đúng lúc, cùng với bốn người bạn.

Khi chúng tôi đến ngôi làng biên giới nói trên, trời mưa tầm tã không ngớt và tất cả chúng tôi đều bị ướt loi ngoi. Người ta dành cho chúng tôi một quán trọ đầy đủ tiện nghi, gồm một gian phòng lớn có đủ bàn ghế, được sưởi và trang hoàng lịch sự, dùng làm phòng khách và phòng ăn.

Một người trong chúng tôi hỏi về nhiên liệu dùng sưởi ấm gian phòng này. Do câu hỏi đó, tất cả chúng tôi liền quan sát kỹ và thật sự không thấy có lò sưởi hay củi lửa gì cả! Chúng tôi hơi ngạc nhiên, nhưng không bình phẩm gì vì chúng tôi đã bắt đầu quen với những sự việc lạ lùng và chắc rằng sau này mọi sự sẽ được giải thích rõ.

Chúng tôi vừa ngồi vào bàn ăn để dùng cơm tối thì đức Tuệ Minh và bốn người bạn của ngài bước vào phòng mà chúng tôi không biết các ngài vào bằng cách nào. Tất cả năm vị đều xuất hiện ở một góc phòng mà gần đó không có cánh cửa nào cả. Việc ấy xảy ra một cách giản dị, âm thầm và không có một tiếng động.

Đức Tuệ Minh giới thiệu với chúng tôi bốn người khách lạ, và các ngài ngồi vào bàn ăn với chúng tôi một cách tự nhiên. Chúng tôi chưa kịp để ý nhìn thấy gì, thì bàn ăn đã có đầy những thức ăn ngon lành, nhưng không có thịt, vì các vị toàn dùng chay.

Sau bữa ăn, một người trong chúng tôi hỏi gian phòng được sưởi ấm bằng cách nào. Đức Tuệ Minh nói:

– Hơi ấm mà các bạn cảm thấy trong gian phòng này là do một sức mạnh cụ thể mà mỗi người đều có thể dụng. Người ta có thể tiếp xúc với sức mạnh ấy và sử dụng nó dưới hình thức ánh sáng, nhiệt điện, hay động lực để vận chuyển máy móc, cơ khí. Đó là điều mà chúng tôi gọi là vũ trụ lực, một sức mạnh thiên nhiên sẵn có ở khắp nơi trong vũ trụ. Sức mạnh ấy có thể dùng để vận chuyển mọi loại máy móc cơ khí mà không cần đến bất cứ loại nhiên liệu nào, hoặc cũng có thể dùng để cung cấp ánh sáng và hơi nóng.

Đức Tuệ Minh mời chúng tôi đi theo ngài đến nhà của một trong bốn người bạn, ở cách đó độ ba trăm năm chục cây số. Tại đây, chúng tôi cũng gặp thân mẫu ngài. Ngài nói:

– Thân mẫu tôi là một trong những người đã tinh luyện thể xác đến mức có thể phân thân đi khắp mọi nơi để học đạo. Vì thế, bà sống hầu như thường xuyên trong trạng thái vô hình. Điều này là một ý nguyện, vì nhờ khả năng học đạo đến mức độ cao, bà có thể giúp đỡ chúng tôi và nhiều người khác. Bằng thiền định, bà có thể hiện thân đến những cảnh giới vô hình mà chúng ta thường gọi là các cõi trời. Đó thật ra chỉ là một trạng thái tâm thức mà tất cả mọi người đều có thể đạt đến. Khi hành giả đạt tới trạng thái tâm thức đó rồi sẽ giống như đang sống trong một cảnh giới vô hình đối với những kẻ phàm tục, nhưng họ có thể trở lại thế gian để dạy đạo cho những người có căn duyên. Có những người phát nguyện sau khi chết trở lại giáo hóa chúng sinh bằng cách tái sinh vào một đời sống mới.

Tối hôm đó, trước khi rời khỏi bàn ăn, chúng tôi quyết định chia cuộc hành trình ra làm năm toán, mỗi toán đặt dưới sự trông nom của một trong những người khách lạ đã thình lình xuất hiện trong phòng để dùng bữa với chúng tôi. Thật ra, họ đều là các bậc chân sư. Cách sắp đặt này sẽ giúp chúng tôi có thể thám hiểm nhiều vùng rộng lớn. Nó sẽ làm cho công việc của chúng tôi được dễ dàng và giúp chúng tôi có thể kiểm chứng những hiện tượng huyền linh như là giao tiếp với nhau bằng phép chuyển di tư tưởng.

Mỗi toán sẽ gồm ít nhất hai thành viên và do một trong năm vị chân sư lãnh đạo. Mỗi toán sẽ ở cách biệt rất xa với những toán khác, nhưng sự liên lạc sẽ được thực hiện bởi các vị chân sư. Các ngài đã bày tỏ rất nhiều cảm tình ưu ái đối với chúng tôi và không bỏ qua một dịp nào để cho chúng tôi kiểm chứng lại công việc của các ngài.

Qua hôm sau, tất cả mọi việc đều được chuẩn bị sẵn sàng đến từng chi tiết. Toán của tôi gồm tôi và hai thành viên khác, có đức Tuệ Minh và Dật Sĩ cùng đi dẫn đường.

Sáng ngày kế đó, mỗi toán đều sẵn sàng ra đi theo những hướng khác nhau. Chúng tôi đồng ý rằng mỗi toán sẽ quan sát cẩn thận những gì xảy đến và ghi chép làm tài liệu. Chúng tôi hẹn sẽ gặp nhau trở lại trong hai tháng ở quê hương của đức Tuệ Minh, một làng nhỏ cách đó ba trăm năm chục cây số.

Sự liên lạc giữa các toán khác nhau sẽ do các vị chân sư đảm nhiệm. Thật vậy, các ngài đảm nhiệm việc đó mỗi buổi chiều, nói chuyện với nhau bằng tư tưởng và di chuyển từ toán nọ đến toán kia. Khi chúng tôi muốn tiếp xúc với vị trưởng toán hay với một thành viên, chúng tôi chỉ cần giao bức thông điệp của mình cho các chân sư. Sự trả lời đến với chúng tôi trong một thời hạn rất ngắn không thể tưởng tượng.

Khi chúng tôi đưa ra những bản thông điệp như thế, chúng tôi viết tay và có ghi ngày giờ cẩn thận. Chúng tôi cũng ghi chép trong bức thư trả lời ngày giờ mà chúng tôi nhận được. Khi gặp lại nhau, chúng tôi đem đối chiếu những tài liệu đã ghi chép và nhận thấy mọi việc đều ăn khớp với nhau một cách hoàn toàn.

Ngoài ra, các chân sư cũng di chuyển từ trại này sang trại khác và nói chuyện với các thành viên của mỗi toán khác nhau. Chúng tôi ghi chép cẩn thận những địa điểm và ngày giờ khi các ngài xuất hiện và biến mất, cùng những đề tài đã đề cập tới. Về sau, khi chúng tôi đem đối chiếu những tài liệu ghi nhận ở các toán khác nhau, thì mọi sự cũng hoàn toàn ăn khớp.

Những toán của chúng tôi ở cách nhau rất xa, một toán ở Ba Tư, một toán ở Trung Hoa, toán thứ ba ở Tây Tạng, toán thứ tư ở Mông Cổ và toán thứ năm ở Ấn Độ. Các chân sư đã vượt qua những đoạn đường dài đến hai nghìn cây số để thông tin cho chúng tôi biết những gì xảy ra ở mỗi trại.

Mục tiêu di chuyển của toán chúng tôi là một làng nhỏ ở trên một vùng cao nguyên trong dãy Tuyết Sơn, cách chỗ khởi điểm của chúng tôi một trăm năm chục cây số. Chúng tôi không mang theo lương thực cho cuộc hành trình. Tuy nhiên chúng tôi không bao giờ thiếu thốn điều gì, và chúng tôi luôn tìm được nơi cư trú có đủ tiện nghi để ngủ đêm.

Chúng tôi đến mục tiêu vào lúc xế trưa ngày thứ năm. Một nhóm dân làng đến chào đón và đưa chúng tôi đến một nhà trọ sạch sẽ tươm tất. Chúng tôi nhận thấy rằng dân làng tỏ ra rất kính trọng đức Tuệ Minh và Dật Sĩ. Đức Tuệ Minh chưa bao giờ đến làng này, còn Dật Sĩ chỉ đến có một lần sau khi có lời kêu gọi cứu giúp trong một trường hợp khẩn cấp. Đó là trong dịp cứu thoát ba người dân làng bị bắt đi bởi những “người tuyết”, một loại sơn nhân rất hung dữ cư ngụ ở vài vùng hoang vu hẻo lánh nhất trên dãy Tuyết Sơn.

Cuộc thăm viếng hiện thời cũng để đáp ứng một lời kêu gọi tương tự và cũng nhằm mục đích cứu giúp những người bệnh không thể di tản ra khỏi làng. Dường như những “người tuyết” này xưa kia là những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, đã từng sống ở những vùng sơn cước đầy tuyết lạnh trong nhiều thế hệ, và sau cùng đã thành lập nên những bộ lạc du mục có thể sống tự túc trong những vùng núi non hoang vắng, hoàn toàn cách biệt với thế giới văn minh của loài người. Tuy dân số của họ không bao nhiêu, nhưng họ rất hung dữ và hiếu chiến. Đôi khi họ bắt giữ những người không may lọt vào khu vực của họ và hành hạ những người ấy.

Vì có bốn người dân làng đã bị bắt đi trong những hoàn cảnh đó, những người khác không biết phải làm sao, đành gửi một người đi cầu cứu với Dật Sĩ. Dật Sĩ bèn ra đi với đức Tuệ Minh và đem cả chúng tôi theo. Lẽ tự nhiên là chúng tôi rất mong mỏi được thấy những sơn nhân đó, vì chúng tôi từng nghe nói đến nhưng vẫn chưa tin.

Lúc đầu, chúng tôi nghĩ có lẽ dân làng nên thành lập một đoàn nghĩa binh đi giải cứu, và chúng tôi có thể tình nguyện gia nhập. Nhưng ý tưởng đó đã tiêu tan khi đức Tuệ Minh và Dật Sĩ cho chúng tôi biết rằng hai vị sẽ ra đi một mình và cùng đi ngay tức khắc.

Trong chốc lát, hai vị đã biến mất dạng và chỉ trở về vào chiều ngày hôm sau, cùng với bốn người dân làng vừa được giải thoát. Những người này thuật lại nhiều câu chuyện quái đản về cuộc phiêu lưu của mình và về những sơn nhân đã bắt họ.

Dường như những “người tuyết” lạ lùng này sống hoàn toàn khỏa thân. Họ mọc lông khắp trên người như loài thú và chịu đựng được thời tiết lạnh kinh khủng trên miền sơn cước. Họ di chuyển rất mau lẹ. Người ta còn nói rằng họ có thể rượt bắt những loại thú rừng trong vùng họ sống.

Họ gọi các chân sư là những “người của mặt trời”, và khi các ngài đến giải thoát cho những kẻ bị bắt thì họ không chống cự. Chúng tôi được biết rằng các chân sư đã nhiều lần thử mở một cuộc tiếp xúc với những “người tuyết”, nhưng vô hiệu, vì họ rất sợ sệt các ngài.

Khi các chân sư đến gần những “người tuyết” thì họ bỏ ăn, bỏ ngủ và chạy trốn trong những chốn núi rừng hoang vu vì quá sợ sệt. Họ đã mất mọi sự liên lạc với đời sống văn minh và thậm chí cũng quên rằng trước kia họ đã có những mối tương quan với chủng tộc loài người và tổ tiên của họ đã xuất xứ từ đó mà ra. Quả thật là họ đã hoàn toàn biệt lập với xã hội loài người.

Đức Tuệ Minh và Dật Sĩ không muốn nói nhiều với chúng tôi về những “người tuyết”. Chúng tôi cũng không thể xin hai vị cho chúng tôi đi theo tận nơi để nhìn thấy họ. Đáp lại những câu hỏi của chúng tôi, hai vị chỉ nói như sau:

– Họ cũng là những con người như chúng ta, nhưng từ lâu họ đã nuôi lòng sợ hãi và thù ghét đồng loại. Những tật đố này ngày càng tăng trưởng. Như vậy, họ đã tự ly khai với xã hội loài người đến mức quên mất đi sự liên hệ của mình trong đại gia đình nhân loại và tưởng rằng họ chỉ là một loại thú rừng. Đi dần đến chỗ cực đoan, thậm chí họ cũng mất cả bản năng của thú rùng, vì thú rừng do bản năng dìu dắt còn nhận biết được những người thương yêu chúng và đáp lại tình thương đó. Khi con người tự ly khai với nhân loại đến mức đó, họ có thể sa đọa đến mức thấp hơn cả loài vật. Không có ích gì mà đưa các bạn đến gặp những “người tuyết” ấy. Vả lại, điều ấy còn là có hại cho họ. Chúng tôi hy vọng rằng có một người nào đó trong bọn họ rồi có ngày sẽ chấp nhận được sự dạy dỗ của chúng tôi, và nếu được vậy, với sự trung gian của người tuyết đầu tiên ấy chúng tôi sẽ có thể cứu độ cho tất cả bọn họ...

Chúng tôi được phép tự do tìm cách riêng để quan sát những “người tuyết” lạ lùng đó. Chúng tôi tin là các chân sư sẽ che chở chúng tôi khỏi mọi sự nguy hiểm và có thể ra tay giải cứu nếu chúng tôi không may bị bắt.

Theo chương trình dự tính, hôm sau chúng tôi sẽ đi viếng một ngôi đền rất cổ xưa, ở cách làng này độ sáu chục cây số. Hai thành viên trong toán của tôi quyết định không tham dự cuộc viếng thăm này, để đi thu thập tài liệu về những “người tuyết”. Họ khẩn khoản yêu cầu hai người dân làng cùng đi, nhưng hai người này quyết liệt từ chối. Không một người nào dám rời khỏi làng khi có nguy cơ gặp “người tuyết” ở vùng chung quanh.

Hai thành viên này đành ra đi một mình. Họ được đức Tuệ Minh và Dật Sĩ hướng dẫn về lộ trình và những gì phải làm. Họ mang theo súng ngắn và chuẩn bị lên đường. Đức Tuệ Minh và Dật Sĩ đã yêu cầu họ phải cam kết rằng chỉ bắn chết người trong trường hợp tối khẩn cấp. Họ có thể bắn chỉ thiên để đe dọa các “người tuyết” khi cần thiết, nhưng phải hứa trên danh dự rằng chỉ bắn vào đối phương trong trường hợp không thể làm khác hơn.

Thật tình, tôi rất ngạc nhiên khi thấy có súng ngắn trong hành lý, vì chúng tôi hầu như không bao giờ cần phải sử dụng chúng. Tôi nhớ đã bỏ lại những khẩu súng ấy từ lâu, thậm chí không còn nhớ rõ là đã bỏ ở đâu. Nhưng về sau tôi mới biết là một trong những người giúp việc khi chuẩn bị hành lý đã tự ý xếp vào đó hai khẩu súng ngắn mà không ai hay biết!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]