Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 11: Tôi Trở Về Nhà

27/02/201116:17(Xem: 3590)
Chương 11: Tôi Trở Về Nhà

TÂY TẠNG HUYỀN BÍ

Dịch giả: Nguyễn Hữu Kiệt

Chương 11

Tôi Trở Về Nhà

Nhân dịp ngày lễ Logsar, tức ngày lễ đầu năm của Tây Tạng, nhà nhà đều quét dọn, lau chùi sạch bóng và trang hoàng lịch sự. Ngày rằm tháng riêng, Đức Đạt Lai Lạt Ma xuất hành đi lễ bái ở ngôi đền Jo Kang. Khi cuộc lễ chấm dứt, ngài bắt đầu đi diễn hành một vòng lớn trên con đường Barkhor (tức con đường đi vòng quanh ngôi đền Jo Kang và dinh Quốc Hội), đi ngang qua trước chợ và đến khu thương mại. Tại đây là nơi cuộc diễn hành kết thúc, sự trang nghiêm, trịnh trọng sẽ nhường chỗ cho sự vui đùa, hưởng lạc.

Khi tan cuộc lễ bái ở các đền thờ, và mọi người đã thi hành xong bổn phận đối với các đấng Thần Minh, thì giờ phút ăn chơi, tiêu khiển đã diểm. Trên những đài từ mười đến mười lăm thước bề cao, người ta đặt những mô hình nổi khổng lồ đúc bằng bơ có tô màu, để triển lãm những cảnh tượng huyền thoại rút trong các kinh thánh. Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng chân lại để chiêm ngưỡng trước mỗi mỹ phẩm trình bày và ban giải thưởng hàng năm cho những tác phẩm khéo nhất. Những giải thưởng này sẽ được chuyển giao cho các tu viện đã triển lãm những mỹ phẩm ưu tú.

Tại tu viện Chakpori, chúng tôi không thích chơi môn giải trí này, mà chúng tôi cho là ngây ngô và phiền phức, giống như những cuộc đua ngựa không người cưỡi trên vùng đồng bằng Lhassa. Cuộc diễn hành những pho tượng khổng lồ của các nhân vật Thần Thoại làm cho chúng tôi thích thú hơn. Những pho tượng này gồm một cái sườn gỗ nhẹ bọc vải ở ngoài làm cái thân mình, bên trong ruột trống rỗng, có gắn một cái đầu rất lớn làm theo một kiểu rất tự nhiên. Bên trong đầu pho tượng, ở chỗ ngang cặp mắt, có gắn những ngọc đèn bơ; ánh đèn rung rinh lập lòe làm cho cặp mắt pho tượng dường như đảo liếc và linh động. Những sư sãi cao lớn lực lưỡng, chân đi trên hai cây cà khêu bề cao ba thước, chui vào bên trong các pho tượng, và bắt đầu cuộc diễn hành như những người khổng lồ. Đôi khi họ là nạn nhân của những thứ tai nạn dị kỳ. Có khi một trong hai cây cà khêu bị sụp ổ gà trên đường lộ, trong khi đó, những kẻ bất hạnh này đành phải đánh đu giữ thăng bằng trên một chân; có khi cả hai cây cà khêu đều trượt tới vì đường trơn trợt. Nhưng khi những ngọn đèn bơ bị rung chuyển quá mạnh và lật đổ, ngọn lửa bắt cháy thiêu pho tượng, thì đó mới là một thảm kịch thực sự!

Vài năm về sau, trong một cuộc rước lễ đầu năm, tôi được đề cử mang pho tượng đức Phật, bề cao đo tới tám thước tây. Trong khi tôi đi cà khêu bên trong tượng Phật, gió thổi vạt áo dài quyện vào chân tôi, và những con mọt bay vần vũ chung quanh mình tôi vì bộ áo cà sa của tượng Phật vừa mới được lấy từ trong kho ra. Khi tôi vừa bước đi vài bước khập khễnh trên hai cây cà khêu, bụi trong áo cà sa bay ra làm cho tôi hắt hơi liên hồi không dứt, mà mỗi lần hắt hơi đều hăm dọa sự thăng bằng của tôi một cách rất nguy hiểm. Mỗi lần hắt hơi làm thân hình tôi rung chuyển, lại làm cho tình trạng bất ổn của tôi càng trầm trọng thêm vì những ngọn đèn bơ bị lung lay làm đổ tràn những giọt bơ nóng chảy xuống cái sọ dừa cạo trọc của tôi, và... vì cạo trọc nên nó càng "Nhậy cảm" hơn. Khi trời nóng bức một cách kinh khủng, tôi lại bị ngộp thở muốn đứng tim vì hít phải hàng mùi lụa cũ, mốc meo của chiếc áo cà sa bị cất giữ trong kho đã lâu ngày. Tôi bị vây khốn bởi những đám mối mọt bay vần vũ như điên chung quanh tôi, tôi bị phỏng rát da đầu vì bơ nóng của các ngọn đèn; tình cảnh của tôi lúc ấy vô cùng bi đát! Cái lỗ nhỏ khoét ở giữa thân mình pho tượng để nhìn ra ngoài lại không ngang với cặp mắt tôi. Thành thử, tôi chỉ nhìn thấy cái lưng của nhân vật đi phía trước tôi, và xét về cách đi đứng xiêu vẹo và run rẩy của y, thì đủ biết rằng kẻ bất hạnh này cũng không thoải mái sung sướng gì hơn tôi lúc ấy! Nhưng đức Đạt Lai Lạt Ma đang nhìn chúng tôi, và chúng tôi phải tiếp tục diễn hành trong tìng trạng đó, vừa bị ngộp thở vừa bị bơ đổ nóng đến hết phân nửa cái sọ dừa của tôi! Chắc hẳn là tôi đã sút mất vài ký lô trong ngày hôm đó!

Chiều hôm ấy, một vị quan chức cao cấp khen tặng tôi:

- Lâm Bá, con đã trình diễn rất khéo. Con có thể trở nên một tài tử thiện nghệ!

Tôi phải giữ kín không thố lộ cho ông ta biết rằng những cử chỉ mà tôi đã làm cho ông ta thích thú, thật ra là hoàn toàn ngoài ý muốn của tôi, và kể từ đó, tôi không bao giờ đi diễn hành trong pho tượng nữa!

Khỏng năm sáu tháng sau cuộc "Trình Diễn" đó, một cơn giông bão thình lình nổi dậy, cuốn hết những đám mây bụi cát và đá sỏi. Lúc ấy tôi cùng với một thiếu niên sơ cơ đang ngồi trên nóc tu viện và sắp đặt lại những viên ngói để sửa chữa chỗ bị dột. Cơn giông làm tôi bị hất rơi xuống một nóc nhà khác độ sáu bảy thước thấp hơn, từ đó cơn gió thổi mạnh, cuốn tôi đi mãi, làm cho tôi lại rơi một lần nữa xuống đất gần đường Lingkhor từ một bề cao độ chừng một trăm thước. Ở phía dưới là một vùng ao đầm, ẩm thấp, tôi rơi xuống một vũng nước sâu, nước cao ngập khỏi đầu. Tai nạn này làm cho tôi sợ hãi mất bình tĩnh, khi tôi cố gắng ngoi lên khỏi vũng lầy lội, tôi cảm thấy đau nhói ở khuỷu tay và ở chả vai bên trái. Tôi bò trên hai đầu gối, rồi đứng dậy và lết đi một cách khó nhọc trên đường lộ dưới ánh mặt trời nóng gắt. Bị té đau, không đủ sáng suốt để suy nghĩ gì nữa, tôi chỉ có một ý nghĩ: “Trở về tu viện càng sớm càng hay”. Như một người mù, tôi bước tới một cách chập choạng, mỗi bước đi lại vấp ngã; dọc đường tôi gặp những sư sãi vừa chạy tới để xem kết quả tai nạn đã xảy ra cho tôi và đứa trẻ kia. Nhưng không may đứa trẻ này đã chết vì té xuống những chỗ có tảng đá gồ ghề.

Các sư sãi khiêng tôi vào phòng. Sư phụ tôi khám nghiệm những thương tích trên người tôi rồi nói:

- Ồ, tội nghiệp cho những trẻ nhỏ này! Đáng lẽ người ta không nên để chúng ra ngoài khi thời tiết như vầy!

Kế đó, người nhìn tôi vào tận mắt:

- Lâm Bá, con hỡi! Một cánh tay và một xương đòn gánh bị gẫy... Phải nắn xương lại tức khắc. Con sẽ đau đớn, nhưng thầy sẽ làm cách nào để cho con chỉ đau tối thiểu mà thôi.

Sư phụ vừa nói, và trước khi tôi ý thức được việc gì xảy ra, người đã nắn lại cái xương đòn gánh bị trặt và đặt lại cho đúng khớp. Khi Sư Phụ nắn chỗ khuỷu tay bị gẫy, tôi cảm thấy đau hơn nhưng không lâu, vì người đã mau ráp cái xương bị trặt vào đúng khớp của nó. Ngày đó, tôi nằm yên một chỗ không thể cử động.

Qua ngày hôm sau, Sư Phụ đến gặp tôi và nói:

- Con đã bớt đau và có thể tiếp tục sự học, không nên bê trễ. Chúng ta sẽ làm việc chung với nhau ngay trong phòng này. Cũng như tất cả mọi người, con cảm thấy e dè khi phải học những đề tài mới... Thầy sẽ giúp con bớt e dè bằng phương pháp thôi miên.

Sư Phụ đóng các cửa sổ, và gian phòng đắm chìm trong bóng tối.

Chỉ có những ngọn đèn nhỏ cháy leo lét trên bàn thờ. Sư Phụ bèn đặt tôi vào trạng thái giấc ngủ thôi miên.

Tôi đã ngủ thiếp đi trong nhiều giờ. Khi tôi thức tỉnh, tôi nhìn thấy xuyên qua cánh cửa sổ mở, cảnh vật ban đêm hiện ra chập chờn trong thung lũng. Những ánh lửa của các ngọn đèn bơ chiếu lập lòe ở các cửa sổ trong điện Potala và ở chung quanh các vách tường rào: Người sư sãi có phận sự túc trực ban đêm đang đi canh tuần. Tôi cũng có thể nhìn thấy ở dưới chân đồi, thành phố Lhassa đang vươn mình trong sự sinh hoạt ban đêm. Khi đó, Sư Phụ tôi bước vào và nói:

- À, con đã tỉnh! Chúng ta nghĩ rằng có lẽ con đã nhận thấy cõi Trung Giới vui đẹp đến nỗi con muốn kéo dài cuộc ngao du trên đó. Thầy nghĩ bây giờ chắc con đã đói, phải chăng?

Đến đây, tôi mới sực nghĩ ra là thật tình tôi đang đói bụng. Người ta dọn ra cho tôi một bữa ăn, và trong khi tôi ngồi ăn uống lấy sức, Sư Phụ nói với tôi:

- Trong trường hợp thông thường, thì có lẽ con đã chết vì tai nạn vừa qua, nhưng khoa chiêm tinh đã nói rằng cuộc đời con chỉ kết thúc trong nhiều năm sau ở một nơi xa lạ, tận bên xứ của những người mọi da đỏ (Mỹ Quốc). Trong giờ phút này, các sư sãi đang cầu siêu cho linh hồn đứa trẻ thiếu nhi vừa từ giã chúng ta. Nó đã chết ngay trong lúc bị tai nạn.

Những người bước qua cõi giới bên kia cửa tử làm cho tôi mong ước số phận của họ. Kinh nghiệm của tôi đã giúp cho tôi nhận định rằng những cuộc ngao du trên cõi Trung Giới rất là thú vị. Nhưng tôi nhớ lại rằng tuy không ai thích cái trường học ở thế gian, nhưng người ta vẫn phải sống để học hỏi... Cuộc đời trên thế gian là gì, nếu không phải là một trường học? Và đó là một trường học rất gian khổ! Tôi thầm nghĩ: "Trong trường học này, tôi đã bị gẫy mất hai cái xương, nhưng tôi vẫn phải tiếp tục học nữa!"

Trong hai tuần lễ, sự học của tôi càng được thúc đẩy ráo riết hơn lúc bình thường. Người ta nói rằng đó là để cho tôi quên đi, đừng nghĩ đến cái xương gẫy của tôi. Sau hai tuần lễ đó, những chỗ trặt xương đã được hàn gắn lại như cũ, nhưng tôi cảm thấy khớp xương cứng đơ, và tôi vẫn còn thấy đau. Một buổi sáng, vừa bước vào phòng, tôi thấy Minh Gia Đại Đức đang đọc một bức thơ. Sư Phụ ngước mắt nhìn tôi và nói:

- Lâm Bá, chúng ta có một gói dược thảo để gởi tặng cho thân mẫu của con. Con sẽ cầm về cho thân mẫu vào sáng ngày mai, và con có thể ở lại nhà trọn ngày.

Tôi đáp:

- Con chắc rằng cha con không muốn gặp con, vì ông ấy không nhìn con một hôm nọ, khi người đi ngang qua trước mặt con trên cầu thang của điện Potala.

- Đó là một việc rất thông thường. Cha con biết con vừa có cái hân hạnh được đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp kiến, bởi lẽ đó, người không thể nói chuyện với con trong khi vắng mặt Thầy, vì chính đấng Khôn Lường đã đích thân phú thác gửi gấm con cho Thầy rồi.

Sư Phụ nhìn tôi với cặp mắt tinh anh và vừa cười vừa nói:

- Dù sao, cha con sẽ không có ở nhà vào ngày mai. Người đã đi Gyangtsé trong vài ngày.

Qua ngày hôm sau, Sư Phụ chăm chú nhìn tôi từ đầu đến chân và nói:

- Con có vẻ hơi xanh xao, nhưng con ăn mặc sạch sẽ, chỉnh tề, và điều đó rất quan trọng đối với một người mẹ. Đây là một khăn choàng cổ, con đừng quên rằng con là một vị Lạt Ma, là người phải tôn trọng mọi quy tắc. Trước kia, con đi bộ đến đây. Bây giờ, con hãy cưỡi một trong những con ngựa bạch quý nhất của tu viện để trở về nhà. Con hãy cưỡi con ngựa của thầy, nó đang cần phải vận động.

Sư Phụ đưa cho tôi cái bao da đựng dược thảo, bọc trong một cái khăn choàng bằng lụa theo truyền thống để tỏ lòng cung kính. Tôi nhìn kỹ cái khăn choàng một cách hoài nghi, vì không nên để cho nó bị lấm lem trước khi đưa quà biếu. Sau cùng, tôi quyết định cất nó trong túi áo tràng, và chỉ rút nó ra trước khi tới nhà cha mẹ tôi.

Tôi giục ngựa xuống chân đồi và noi theo con đường Lingkhor như thường lệ. Sau khi đi độ nửa giờ, trải qua nhiều con đường ở ngoại ô thành phố, tôi nhìn thấy ở đằng xa cái cổng lớn của nhà tôi.

Khi các gia nô nhận ra tôi, họ bèn hối hả mở cổng. Tôi cho ngựa đi qua cổng để vào tận sân nhà với một hy vọng thầm kín rằng tôi sẽ không bị té rớt xuống yên ngựa. Rất may mắn thay, một người giữ ngựa chạy đến nắm lấy dây cương trong khi tôi nhảy xuống đất.

Người quản gia chạy ra tiếp đón tôi: Chúng tôi bèn trao đổi khăn choàng một cách lễ nghi trịnh trọng. Y nói: "Thưa ngài Lạt Ma y sĩ và đại gia công tử, xin công tử hãy ban ân huệ cho gia đình và toàn thể nhân viên cư ngụ trong nhà này."

Tôi đáp:

- Cầu xin Phật Tổ Như Lai ban ân huệ và ban cho ông sức khỏe trường cửu.

- Thưa đại gia công tử, lệnh bà có truyền lịnh cho tôi đưa công tử vào.

Trong khi chúng tôi bước vào, người quản gia đi trước dẫn đường (làm như tôi không biết đường đi một mình), tôi rút cái khăn choàng ra và phủ ngoài cái bao da một cách cẩn thận. Chúng tôi bước lên lầu trên để vào phòng khách của mẹ tôi. Tôi thầm nghĩ: "Người ta không bao giờ để cho tôi đến đây khi tôi còn nhỏ." Nhưng ý nghĩ đó liền nhường chỗ cho ý muốn mãnh liệt là chạy vắt giò lên cổ để thoát thân ngay lập tức khi tôi thấy rằng phòng khách của mẹ tôi đầy những khách... đàn bà!

Trong khi tôi còn đang lúng túng, tiến thoái lưỡng nan, thì mẹ tôi đã bước đến gần và tiếp đón tôi trước:

- Đại Đức Lạt Ma, hỡi con, đấng Khôn Lường đã ban danh dự cho con rất nhiều. Các bà bạn của mẹ hôm nay đến đây để được nghe chính miệng con kể lại cái vinh dự ấy.

Tôi đáp:

- Thưa mẫu thân, những quy luật trong dòng tu ngăn cấm con không được tiết lộ những gì ngài đã nói với con. Minh Gia Đại Đức có truyền đem dâng mẹ bao dược thảo này cùng với một khăn choàng bằng lụa.

- Hỡi con yêu quý, các bà mệnh phụ này đến từ những vùng xa xôi để được nghe chuyện trong cung điện của đấng Thậm Thâm và nghe nói chuyện về ngài. Phải chăng ngài vẫn thường xem những tạp chí Ấn Độ? Và phải chăng ngài thường sử dụng một thứ kiếng có thể xuyên qua vách tường nhà?

Tôi đáp:

- Thưa mẫu thân, con chỉ là một Lạt Ma sĩ nghèo, vừa mới xuống núi, và thật là không xứng đáng để nói chuyện về đức Chưởng Giáo của dòng tu chúng con. Con chỉ là một kẻ chuyển giao thư tín mà thôi.

Lúc ấy, một thiếu phụ bước đến gần tôi và nói:

- Đại Đức Lạt Ma không nhận ra tôi sao? Tôi là Yaso đây!

Quả thật tôi không nhận ra chị tôi, vì chị tôi đã trở nên một thiếu nữ dậy thì, nở nang trọn vẹn và... hấp dẫn. Tôi cảm thấy e dè sợ hãi. Tất cả là tám hay chín vị phụ nữ có mặt tại đó. Thật là quá nhiều đối với tôi. Những người nam phái thì tôi đã biết cách xử thế đối với họ còn nữ giới thì tôi chịu thua! Họ cứ nhìn tôi với những cặp mắt tò mò, dường như muốn ăn tươi nuốt sống tôi. Tôi chỉ còn có một giải pháp là thoát thân. Tôi nói:

- Thưa mẫu thân, con đã chuyển giao thông điệp và quà tặng của Sư Phụ con xong rồi, bây giờ con phải trở về với bổn phận hằng ngày. Tay con vẫn còn đau và con có nhiều việc phải làm.

Nói xong, tôi chào từ giã tất cả các quan khách rồi quay lưng đi mau với một tốc lực tối đa mà sự lễ nghi cho phép. Vì quản gia đã trở lại văn phòng của người, vì vậy một người giữ ngựa dắt ngựa đến cho tôi. Tôi nói:

- Anh hãy cẩn thận khi đỡ tôi lên yên, vì tôi mới bị gãy xương ở tay và vai, và tôi không thể lên yên ngựa một mình.

Người giữ cửa mở cổng đưa tôi đi ra, đúng vào lúc mẹ tôi xuất hiện trên bao lơn và nhìn theo sau lưng tôi.

Khi tôi trở về tu viện, tôi đến gặp Minh Gia Đại Đức, Sư Phụ nhìn tôi vào tận mắt và hỏi:

- Lâm Bá, con có vẻ ngơ ngác như kẻ mất hồn. Tại sao?

Tôi đáp:

- Bạch Sư Phụ, ở nhà, con gặp một toán phụ nữ muốn nghe chuyện đấng Thậm Thâm và muốn biết những gì ngài đã nói với con. Con đáp rằng trong dòng tu của chúng ta nghiêm cấm con tiết lộ cho họ nghe bất cứ chuyện gì. Và con đã chạy thoát thân... Sư Phụ hãy tưởng tượng xem, tất cả các bà mệnh phụ ấy đều trố mắt nhìn con như cọp rình mồi!

Sư Phụ tôi phát tiếng cười vang; tôi càng ngạc nhiên về sự vui vẻ của Sư Phụ thì người lại càng cười giòn giã hơn nữa. Người nói:

- Đấng Khôn Lường muốn biết con có muốn ở lại tu viện suốt đời hay con còn nghĩ đến việc trở về với gia đình.

Đời sống tu viện đã làm đảo lộn mọi quan niệm của chúng tôi về đời sống xã hội; hồi đó tôi cho rằng phụ nữ là những nhân vật lạ lùng mà cho đến bây giờ tôi vẫn thấy như vậy. Tôi đáp:

- Gia đình con là ở đây. Con không muốn trở về nhà. Tất cả những bà mệnh phụ ấy với những bộ mặt sơn phết và tóc bôi mỡ trơn bóng làm cho con phát ngấy... Họ nhìn con với một vẻ mặt lạ lùng, chẳng khác nào những người đồ tể ở làng Sho trước một con trừu trúng giải nhất trong một cuộc triển lãm nông nghiệp! Họ thốt ra những tiếng kêu chát chúa và những màu sắc trên thể vía của họ thật là... dễ sợ! Bạch Sư Phụ, xin Sư Phụ đừng bảo con trở về nhà nữa!

Nhưng một tuần lễ sau đó, người ta lại nói cho tôi biết rằng đức Đạt Lai Lạt Ma rất chú ý đến tôi, và đã quyết định cho tôi trở về nhà ở một hai ngày mỗi khi mẹ tôi tổ chức những cuộc tiếp tân trong gia đình.

 

Chương 2

Lời Tiên Tri

- Vân Kỳ, anh bứng hết tóc của tôi! Dừng tay lại, không thì đầu tôi sẽ sói như một ông sãi.

 

- Hãy để yên, Lâm Bá. Cái bín tóc của cậu phải được thắt cho ngay và thoa bơ cho láng bóng, nếu không thì bà lớn sẽ trừng phạt tôi.

 

- Hãy nhẹ tay một chút, Vân Kỳ, anh vặn cổ tôi đau quá!

 

- Không sao đâu, tôi phải làm gấp mới được.

 

Tôi ngồi dưới đất và một kẻ nô lệ phũ phàng với hai bàn tay chuối mắn, vặn cái bín tóc tôi như người ta vặn cái "Maniven" quay máy xe hơi! Sau cùng cái bín tóc tôi trở nên cứng đơ như một con yak bị rét cóng và sáng ngời như ánh trăng rằm trên mặt hồ.

 

Mẹ tôi bận rộn quay cuồng như cơn gió lốc; bà ta di chuyển trong nhà mau lẹ dường như người có phép phân thân ở nhiều chỗ cùng một lúc. Có những chỉ thị vào giờ chót, những sự chuẩn bị cuối cùng, và rất nhiều lời lăng xăng dường như một mệnh phụ bốn mươi cái xuân. Cha tôi trốn cảnh náo nhiệt ồn ào đó bằng cách bế môn và rút lui vào phòng riêng của mình.

 

Mẹ tôi quyết định đưa chúng tôi đến JoKang, ngôi đền lớn ở thủ đô Lhassa; đó hẳn là vì mẹ tôi muốn cho cuộc lễ tiếp tân được diễn ra trong một bầu không khí tôn giáo. Vào lúc mười giờ sáng, một tiếng cồng với ba âm điệu khác nhau điểm giờ tựu họp. Chúng tôi tất cả đều cưỡi ngựa, cha tôi, mẹ tôi, Yaso và tôi cùng vài người trong thân quyến sửa soạn lên đường. Chúng tôi noi theo con đường LingKhor, và đi vòng quanh dưới chân điện Potala, một tòa cung điện lâu đài nguy nga tráng lệ của vị Đạt Lai Lạt Ma, độ một trăm ba mươi thước bề cao và bốn trăm thước chiều dài. Sau khi đi qua làng Shô, và đi ngựa mất nửa giờ trên đồng bằng Kyi Chu, chúng tôi đã đến trước cửa đền. Chung quanh đền là những ngôi nhà trọ, cửa tiệm và chuồng ngựa đợi khách hàng trong những đám người hành hương. Từ ngày được dựng lên trước đây mười ba thế kỷ, ngôi đền Jo Kang vẫn luôn luôn tiếp đón khách hành hương. Ngôi đền cổ đã biểu lộ những nét tàn phá của thời gian. Các viên tảng đá dưới nền đã bày ra những đường nứt nẻ sâu đến nhiều phân tây do những bước chân dẫm lên của hàng ngàn tín đồ. Những tượng thần bằng vàng của nền tôn giáo Tây Tạng được xếp thành hàng dài dọc theo các vách tường. Những màn lưới sắt dầy và kiên cố giữ gìn những pho tượng nầy đối với những tín đồ mà lòng tham có thể mạnh hơn là lòng tôn sùng. Những tượng thần lớn nhất phần nhiều đều tràn ngập đến quá nửa thân mình với hàng đống ngọc quý và châu báo mà những người sùng tín cầu xin ân huệ thiêng liêng đã đặt lên đó. Trên những chân đèn bằng vàng khối, những ngọn bạch lạp được thấp thường xuyên, tỏa ra ánh sáng không bao giờ tắt đã từ mười ba thế kỷ.

 

Từ những góc âm u của ngôi đền vọng đến tay chúng tôi những tiếng chuông gân, tiếng cồng và tiếng tù và thổi vang tai. Chúng tôi noi theo con đường vòng trước chánh điện theo như truyền thống bắt buộc, và sau khi đã lễ bái xong, chúng tôi bước lên trên nóc bằng của ngôi đền. Nơi đây chỉ có một số ít người có đặc quyền được lên. Cha tôi, với tư cách Bảo Thế của Giáo Hội, luôn luôn có mặt ở tại đây mỗi khi đến viếng ngôi đền nầy.

 

Tiện đây, tôi xin nói sơ lược về nền chính trị của xứ Tây Tạng. Đứng đầu quốc gia và Giáo Hội là đức Đạt Lai Lạt Ma, tục gọi là Phật Sống Tây Tạng. Ngài vừa là vị nguyên thủ quốc gia cầm quyền chính trị, vừa là nhà lãnh đạo tôn giáo, vừa là vị Thẩm Phán tối cao cầm cán cân công lý của dân Tây Tạng. Mọi người dân bất cứ sang hèn đều có thể thỉnh cầu đến ngài. Nếu một sự khiếu nại hay đơn thỉnh nguyện có lý do chính đáng, hoặc trong trường hợp có sự bất công oan ức, vị Đạt Lai Lạt Ma sẽ xét xử để thỏa mãn các nguyện vọng và san bằng mọi nỗi bất công. Thật không phải là quá đáng mà nói rằng tất cả mọi người, không trừ một ai, đều yêu mến và kính trọng ngài. Ngài là vị quốc vương có quyền hành tuyệt đối. Ngài sử dụng uy quyền thế lực của ngài vì hạnh phúc của dân chúng, chứ không bao giờ vì những mục đích ích kỷ. Ngài đã tiên đoán sự xâm lăng của quân Trung Cộng từ nhiều năm về trước. Ngài cũng biết rằng nền tự do của xứ Tây Tạng tạm thời sẽ trải qua một thời kỳ xuống dốc. Vì bởi những lý do đó mà một số ít người trong giới tu sĩ được một sự thụ huấn đặc biệt, để cho những kiến thức Huyền Môn mà các nhà đạo sĩ thời xưa đã góp nhặt từ nhiều thế kỷ sẽ khỏi phải bị mai một và đắm chìm trong quên lãng.

 

Dưới quyền lãnh đạo của đức Đạt Lai Lạt Ma có hai Hội Đồng: Một là Hội Đồng Tôn Giáo, gồm có bốn vị cao tăng ở cấp đẳng Lạt Ma. Những vị này đều chịu trách nhiệm trước đấng Thậm Thâm (một danh hiệu khác của đức Đạt Lai Lạt Ma. Người ta thường gọi ngài là đức Thái Tuế, đấng Thậm Thâm Le Très Profond, đấng Khôn Lường, I’Inappréciable). về những vấn đề liên quan đến các tổ chức tu viện Lạt Ma Giáo (lamaseries) và đạo viên trong xứ. Tất cả những vấn đề tâm linh và tôn giáo đều phải qua tay các vị ấy phát lạc.

 

Kế đó là Hội Đồng Nội Các, gồm có bốn vị Tổng Trưởng trong số đó có ba vị thuộc thành phần dân chính và một vị là tu sĩ. Các vị này nắm quyền cai trị toàn xứ và đảm trách việc hòa hợp Quốc Gia vào Giáo Hội thành một khối duy nhất.

 

Hai viên chức chánh phủ mà người ta có thể gọi là các vị Thủ Tướng, làm "Ủy viên liên lạc" với hai Hội Đồng trên, và đệ trình những ý kiến của hai Hội Đồng này lên cho đức Đạt Lai Lạt Ma. Hai vị ấy đóng một vai trò quan trọng trong những phiên họp rất hiếm của Quốc Hội, gồm năm mươi nghị viện đại diện cho các gia đình quý tộc và những tu viện lớn nhất của thủ đô Lhassa. Quốc Hội chỉ nhóm trong những trường hợp rất khẩn cấp, như hồi năm 1904 khi đức Đạt Lai Lạt Ma lưu vong tị nạn sang Mông Cổ trước sự xâm lăng của quân đội Anh. Về điểm này, tưởng cần giải thích rõ rằng sự lưu vong tị nạn của đức Đạt Lai Lạt Ma không có nghĩa là Ngài chạy trốn. Chiến tranh ở xứ Tây Tạng có thể ví như một cuộc chơi cờ tướng: Bên nào ông tướng bị bắt thì bên đó thua. Đức Đạt Lai Lạt Ma là vị Quốc Vương của xứ Tây Tạng. Không có ngài, thì mọi sự chiến đấu đều trở nên vô ích: Ngài phải được ẩn trú an toàn để bảo vệ sự hợp nhất của xứ sở.

 

Số nghị sĩ Quốc Hội có thể lên đến bốn trăm người khi nào những thân hào nhân sĩ ở các tỉnh tham dự đông đủ các phiên nhóm.

 

Với thời gian qua, đức Đạt Lai Lạt Ma càng gia tăng quyền hành của ngài và không cần đến sự giúp đỡ ý kiến của những Hội Đồng hay của Quốc Hội nữa. Xứ Tây Tạng chưa bao giờ có được một sự cai trị anh minh và sáng suốt như thế.

 

Từ trên nóc đền nhìn ra xa, là một phong cảnh vô cùng ngoạn mục. Nằm về phía đông là vùng đồng bằng Lhassa xanh tươi, rải rác có những cụm rừng nhỏ với những lùm nhỏ uốn khúc, phản chiếu ánh nắng mặt trời như những con rắn bạc, trước khi chảy vào sông Tsang Pô ở cách đó sáu mươi cây số. Ở phía bắc và nam, những dãy núi cao dựng lên chơm chởm như thành quách bao bọc chung quanh các vùng thung lũng và cao nguyên Tây Tạng, làm cho dân tộc xứ này sống biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Nhiều tu viện Lạt Ma Giáo được dựng lên trên các triền núi. Ở trên những ngọn núi cao hơn, có những đạo viện nhỏ nhô lên một cách nguy hiểm trên những sườn núi cheo leo bên bờ vực thẳm. Về phía tây, hai ngọn núi song đôi của điện Potala và tu viện Chakpori nhô lên ở đằng xa. Giữa hai ngọn núi này, cánh cửa Tây Môn chiếu sáng ngời trong ánh sáng bình minh còn sương mờ lạnh lẽo. Màu đỏ sậm của nền trời càng nổi bật lên một cách dị thường, tương phản với màu tuyết trắng tinh bao phủ các dãy núi nhô lên ở phía chân trời.

 

Trên đầu chúng tôi, những đám mây lợt lướt nhẹ trong không gian. Trong thành phố, ở gần bên, toà Thị Sảnh day lưng vào mặt bắc của ngôi đền. Sở Ngân Khố ở sát bên cạnh, cùng với những gian hàng, cửa tiệm và chợ búa mà người ta có thể mua đủ mọi thứ, thượng vàng hạ cám. Cách đó không xa, ở về phía đông, là một tu viện của nữ giới và vùng cư trú của Âm Công.

 

Những khách hành hương đã tấp nập trước cửa đền, một trong những nơi thánh địa lớn nhất của Phật Giáo. Chúng tôi nghe tiếng nói chuyện không ngớt và những tiếng động ồn ào của các tín đồ hành hương đến từ những vùng xa xôi với những đồ lễ vật mà họ đem cúng dâng với hy vọng được Ơn Trên ban ân huệ. Có người đem theo những con thú mà họ đã mua lại ở lò sát sinh với những số tiền nhỏ nhoi khiêm tốn của họ. Cứu sống một sinh vật dầu đó là một con thú hay một người, là một nghiệp tốt rất lớn về phương diện tâm linh.

 

Trong khi chúng tôi nhìn xem những cảnh tượng cổ điển đó, chúng tôi nghe những tiếng kinh kệ ngân nga của các sư sãi, có những giọng thâm trầm của các vị sư già chen lẫn với những giọng thanh, nhẹ của những chú tiểu sơ cơ. Tiếng trống và những tiếng kèn cũng trỗi dậy vang tai.

 

Những sư sãi không bận rộn công việc, chạy tới lui lăng xăng không ngớt. Vài vị mặc áo màu vàng, những vị khác mặc màu tím, nhưng phần đông mặc áo tràng màu đỏ lợt của những "Sư sãi thường", màu hoàn kim và màu đỏ sậm dành cho các sư sãi trong điện Potala. Những chú tiểu sơ cơ và các sư sãi cảnh binh mặc áo già sậm cũng qua lại lăng xăng. Hầu hết đều có một điểm chung: Áo của họ dầu cũ hay mới, đều là áo cà sa vá từng miếng như của Đức Phật ngày xưa.

 

Những sư sãi có phận sự trong điện Potala mặc một chiếc áo vàng ngắn, không tay, ở bên ngoài áo dài của họ. Màu hoàng kim được coi như một màu linh thiêng ở Tây Tạng (nó không bao giờ phai, bởi nó là một màu tinh khiết), và đó là màu chánh thức của đức Đạt Lai Lạt Ma. Những sư sãi hay các vị Lạt Ma cao cấp hầu cận bên ngoài, có quyền mặc áo ngắn màu vàng phủ ngoài áo của họ.

 

Từ trên nóc đền Jokang chúng tôi đi về phía điện Potala thì thấy có nhiều vị áo vàng đi qua lại. Chúng tôi ngước mắt nhìn lên thì thấy những ngọn cờ tôn giáo phất phơ trước gió và những mái bầu của ngôi đền chiếu lóng lánh dưới ánh mặt trời.

 

Nền trời đỏ thắm trông tuyệt đẹp với những làn mây nhẹ và dài, coi dường như một bức tranh vẽ. Chúng tôi vừa đang ngắm cảnh mà cảm thấy say sưa ngây ngất, thì mẹ tôi đã gián đoạn cái giây phút huyền diệu đó mà nói:

 

- Thôi ta đi kẻo mất thời giờ. Mình phải về xem chừng kẻo bọn gia nô nó làm hư việc.

 

Chúng tôi bèn lên ngựa trở về nhà theo con đường Lingkhor, mỗi bước chân ngựa vang trên mặt đường lộ càng đưa tôi đến gần, điều mà tôi gọi là một cuộc "thử thách", nhưng mẹ tôi thì coi như là ngày Đại Nhật của mình.

 

Về đến nhà, mẹ tôi xem qua tất cả mọi việc một lần cuối cùng,

 

và chúng tôi liền ăn uống một bữa no bụng để chuẩn bị chờ những gì sắp đến. Thật vậy, chúng tôi biết rằng trong những dịp như thế, những quan khách được thiết đãi ăn uống no say, còn những người nhà thì phải lo tiếp đãi mà thôi, chớ không được ăn uống gì cả.

 

Tiếng nhạc trống vang rền báo hiệu các sư sãi nhạc công đã đến, họ liền được đưa vào khu vườn phía sau nhà. Họ có mang theo những kèn loa, kèn ống, trống, tù và, và đeo chụp chõa trên cổ. Họ vừa bước vào khu vườn, vừa nói chuyện huyên thuyên và gọi đem rượu bia uống cho thấm giọng để lấy hứng. Những tiếng rít chát chúa và tiếng thổi điếc tai của những kèn loa, chiếm trọn mất nửa giờ: Các sư sãi đang "lên dẩy" và thử lại những nhạc khí của họ.

 

Vị quan khách đầu tiên đã đến, với một đoàn tùy tùng cưỡi ngựa theo hầu và cầm những ngọn cờ hiệu bay phất phơ trước gió, gây nên những tiếng động ồn ào ngoài sân. Những cổng sắt mở toang và các gia nô nhà tôi đứng sắp hàng hai bên cửa vào để nghinh tiếp những người mới đến. Vị quản gia cùng với hai người phụ tá đứng kèm hai bên, mỗi người cầm nơi tay hàng tá những khăn choàng cổ bằng lụa mà người Tây Tạng dùng để dâng cho khách như một cách chào hỏi theo phong tục bổn sứ. Có tất cả tám loại khăn choàng để dâng cho các vị khách tùy chức vị hay cấp bậc cao thấp, và người ta phải biết dâng cái nào cho thích hợp kẻo mang lỗi bất kính. Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ ban cho và thu nhận những khăn choàng thượng hảo hạng. Những khăn choàng này tên gọi là Khata, và đây là nghi thức để dâng biếu: Nếu người gia trưởng có cấp bậc ngang hàng với khách, thì y đứng thụt lại ở phía sau, và đưa hai tay thẳng tới trước. Người khách cũng làm y như vậy. Kế đó, người gia trưởng vái chào và đặt cái khăn choàng lên hai cườm tay của vị quý khách, người này cũng đáp lễ, rồi gỡ hai cườm tay ra, cầm lấy khăn choàng trở qua lộn lại nơi tay để tỏ ra mình chấp nhận món quà biếu, và giao cái khăn cho một người hầu cận.

 

Nếu người biếu khăn là người ở đẳng cấp rất thấp, thì y quì xuống, le lưỡi ra chào (nghi thức này tương đương với cử chỉ ngả nón chào của người phương Tây) và đặt cái khăn choàng dưới chân khách, kế đó khách đáp lễ bằng cách đặt cái khăn choàng riêng của mình vòng quanh cổ người gia trưởng.

 

Ở Tây Tạng, mọi quà biếu đều có kèm theo một cái khăn choàng thích nghi, hoặc những thơ khen tặng hay văn bằng tưởng lệ cũng vậy. Những khăn choàng của chánh phủ màu vàng, còn những khăn choàng khác màu trắng. Nếu đức Đạt Lai Lạt Ma muốn ban một danh dự lớn lao cho một người nào, ngài đặt nơi cổ người ấy một khăn choàng cột bằng một sợi chỉ tơ đỏ có ba vòng. Và nếu trong khi đó ngài đưa hai bàn tay ra, lòng bàn tay lật ngửa lên trời, thì đó là một cái danh dự rất đặc biệt! Thật vậy, người Tây Tạng tin chắc rằng quá khứ và tương lai đều có ghi trên những đường chỉ trong lòng bàn tay. Đức Đạt Lai Lạt Ma, bằng cách lật ngửa hai bàn tay của Ngài, tỏ lòng ưu ái và thiện cảm đậm đà nhất. Về sau, tôi được Ngài ban cho cái danh dự đó hai lần.

 

Đây nói về người quản gia đứng tiếp đón khách trước cửa với hai người phụ tá ở hai bên. Y chào khách và nhận khăn choàng của khách rồi đưa qua cho người phụ tá đứng bên tả. Trong khi đó người phụ tá đứng bên hữu đưa cho y một khăn choàng thích nghi mà y đặt lên cườm tay hay lên cổ của người khách, tùy theo cấp bậc tương xứng. Tất cả những khăn choàng này đều được sử dụng lại rất nhiều lần.

 

Vị quản gia và hai người phụ tá mỗi lúc càng thêm bận rộn, vì quan khách đến mỗi lúc càng đông. Dầu cho họ đến từ những trang trại láng giềng, từ thành phố Lhassa, hay từ những vùng ngoại ô, những đoàn kỵ mã tùy tùng của họ luôn luôn đến bằng Lingkhor, rồi đi vào con đường nhỏ thuộc địa phận của gia tộc chúng tôi, ở dưới bóng mát của điện Potala. Những bà mệnh phụ phu nhân phải đi bằng ngựa trong nhiều giờ, dùng một cái mặt nạ bằng da để che mặt cho khỏi bị những ngọn gió lốc có quến đầy cát bụi. Trên các mặt nạ ấy thường có phác họa những nét chân dung của vị chủ nhân. Khi đến nơi, các bà mới lột mặt nạ ra và đồng thời cởi luôn cái áo tơi bằng da con Yak. Những bức chân dung ấy luôn luôn làm tôi thích thú: Các bà càng già và xấu, thì những bức chân dung vẽ trên mặt nạ lại càng trẻ và đẹp!

 

Một sự hoạt động tấp nập diễn ra trong nhà tôi. Những gia nô không ngớt đem ra những tấm nệm cho khách ngồi. Ở Tây Tạng người ta không ngồi trên ghế, mà ngồi trên tấm nệm độ một thước vuông và dày độ hai mươi phân. Ban đêm, người ta ghép nhiều tấm nệm lại để làm chỗ ngủ, và chúng tôi thấy nằm ngồi trên nệm thoải mái dễ chịu hơn là ngồi trên ghế bành hay nằm trên giường.

 

Khi khách vừa đến, họ được mời dùng trà pha bơ; và kế đó họ được đưa vào phòng ăn. Tại đây, đủ các thức ăn đã dọn sẵn và khách có thể ăn uống tùy thích trong khi chờ đợi cuộc tiếp tân thật sự bắt đầu. Bốn mươi vị phu nhân thuộc gia đình quyền quý đã đến cùng với những vị quý bà tâm phúc của họ. Trong khi mẹ tôi đang tiếp đón một nhóm các bà mệnh phụ này, thì một nhóm các bà khác đi dạo khắp nơi trong nhà, ngắm nhìn bàn ghế và thưởng thức trị giá các đồ vật trang hoàng. Thật chẳng khác nào một cuộc "xâm lăng" vĩ đại: Các bà khách có mặt ở khắp nơi, đủ các hình dạng, đủ các màu sắc, đủ mọi hạng tuổi. Có vài bà xuất hiện ở những chỗ bất ngờ nhất và không chút do dự, cất tiếng hỏi bọn gia nô giá tiền của món đồ này, hay giá trị của món vật khác. Nói tóm lại, các bà xử sự như tất cả mọi người đàn bà khác trên thế giới. Đó cũng là sự thường tình. Chị Yaso của tôi đủng đỉnh trong một bộ lễ phục mới toanh và bới đầu theo kiểu mới nhất, hay ít ra đó là chị nghĩ như vậy. Tôi thì cho rằng kiểu tóc của chị thật lố lăng, nhưng tôi luôn luôn vẫn có óc chỉ trích những việc làm của nữ giới. Dầu sao, có điều chắc chắn là ngày hôm đó tôi thấy các bà có vẻ tự do xâm lăng một cách độc đáo.

 

Để làm cho cuộc tiếp tân càng sôi nổi đình đám hơn nữa, những cô gái kiểu mẫu cũng có mặt trong hàng quan khách. Ở Tây Tạng, một vị phu nhân thuộc dòng sang phải có rất nhiều y phục sang trọng và đồ nữ trang quý giá. Những bộ y phục này cần phải được triển lãm vào những dịp giao tế công cộng, nhưng vì người ta không thể làm như vậy nếu không thay đổi y phục thường xuyên, nên những cô gái được huấn luyện đặc biệt, gọi là "chủng nữ, " được dùng làm kiểu mẫu. Bởi đó, những cô chủng nữ này khoác vào những bộ y phục và đeo đồ nữ trang của mẹ tôi, và vừa ngồi len lỏi trong đám quan khách vừa uống những chén trà pha bơ nhiều đến nỗi đếm không hết, trước khi đi thay bộ y phục khác và đeo những đồ nữ trang khác. Lẫn lộn trong hàng quan khách, các cô ấy cũng giúp đỡ mẹ tôi trong vai trò nữ chủ nhân. Trong một ngày, các cô "chủng nữ" đó có thể thay đổi y phục và nữ trang đến năm sáu lần.

 

Các quý khách bên nam giới thì chú ý nhiều hơn đến những trò chơi tiêu khiển ở trong vườn. Người ta đã cho một đoàn trò xiếc đến để giúp vui. Ba người trong đoàn này cầm dựng đứng một cây sào cao năm thước, trên chót hết có một người nữa chổng ngược đầu và giữ thăng bằng trên đỉnh cây sào. Khi đó, cây sào bị giật ra thình lình và người làm trò xiếc nhẹ mình rơi xuống đất trên hai chân như một con mèo. Những đứa trẻ con nhìn xem trò xiếc này bèn rủ nhau ra một chỗ vắng để bắt chước. Chúng tìm được một cây sào cao độ hai, ba thước và cầm dựng đứng lên. Một đứa trẻ gan lì nhất trèo lên. Nhưng ơ kìa, khi y thử chổng ngược đầu lên cây sào, y mất thăng bằng và rơi xuống như một tảng đá lên đầu những đứa khác. Nhưng may thay, những đứa này có một cái sọ khá cứng, và ngoài ra những cục u to bằng những quả trứng vịt, không ai bị thương nặng.

 

Mẹ tôi xuất hiện trong khu vườn, người hướng dẫn một nhóm các bà phu nhân muốn xem các trò biểu diễn và nghe nhạc. Điều này không khó, vì các sư sãi nhạc công đã có đủ thời giờ để sưởi ấm lòng bằng những chầu rượu bia dồi dào thỏa thích.

 

Mẹ tôi ăn mặc một cách long trọng đặc biệt: Áo kỵ mã "Bolero" ngắn màu vàng tím, trên một cái "Jupe" bằng nỉ màu đỏ sậm dài đến gót chân. Những đôi ủng rất cao bằng nỉ trắng tinh với những gót đỏ thắm và những sợi dây ủng rất đẹp làm nổi bật màu y phục một cách rất mỹ thuật. Bên trong chiếc áo kỵ mã, mẹ tôi mặc một áo lót bằng lụa đỏ. Phủ bên ngoài là một cái khăn choàng bằng lụa thêu vắt ngang trước ngực từ vai bên mặt qua hông bên trái và cột lại ở bên hông với một cái khoen bằng vàng khối. Cái khăn choàng này thòng xuống đến tận lưng, có màu đỏ thắm ở phía trên dây lưng, và chuyển qua màu vàng lợt đến màu vàng nghệ rất đậm.

 

Mẹ tôi đeo trên cổ ba gói bùa cột bằng một sợi dây vàng, mà mẹ tội không lúc nào rời. Ba gói bùa này là những món quà cưới của mẹ tội, hai gói là quà tặng của gia đình, và gói thứ ba, một danh dự đặc biệt, là quà tặng của đức Đạt Lai Lạt Ma. Mẹ tôi cũng đeo đồ nữ trang rất quý giá, vì ở Tây Tạng những đồ nữ trang của một vị phu nhân nhiều hay ít tùy ở cấp đẳng của họ trong xã hội. Bởi đó, một người chồng phải tặng đồ vàng ngọc cho vợ mỗi khi được thăng quan tiến chức.

 

Phải mất nhiều ngày để làm đầu tóc của mẹ tôi, với tất cả một trăm lẻ tám lọn tóc. Số một trăm lẻ tám là một số linh thiêng, và những phụ nữ có nhiều tóc để có thể kết thành bấy nhiêu lọn rất được hâm mộ. Đầu tóc của mẹ tôi chia làm hai phần có một đường chẻ ở giữa, được kết lại bởi một cái mão bằng cây đặt trên đỉnh đầu như một cái nón. Mão này sơn màu đỏ thắm, có nhận kim cương chiếu lóng lánh, cẩn vàng và ngọc thạch. Mẹ tôi đeo một đôi hoa tai bằng san hô rất lớn và nặng đến nỗi để cho trái tai khỏi bị quá căng và có thể đứt ra, người phải giữ nó lại bằng một sợi chỉ đỏ quấn chung quanh vành tai, và đầu sợi chỉ thòng xuống gần đụng tới dây lưng. Tôi ngắm nhìn mẹ tôi mà phải nhìn nhận rằng mẹ tôi rất đẹp. Tuy nhiên, với đôi bông tai nặng như thế, mẹ tôi làm sao quay đầu lại phía sau?

 

Những quan khách đi bắt bộ dạo chơi, vừa ngắm cảnh trong các khu vườn vừa trằm trồ khen ngợi. Những vị khách ngồi riêng từng nhóm để trao đổi những câu chuyện vặt. Nhất là các bà thì không để lở mất một phút nào mà không nói chuyện của người láng giềng...

 

Nhưng thật sự, tất cả đều đợi chờ đến phần chính của buổi tiếp tân, kỳ dư các mục khác trong chương trình chỉ là một sự chuẩn bị tinh thần để đưa họ đến cái giờ phút quan trọng khi các nhà đạo sĩ chiêm tinh nói tiên tri về bước đường tương lai của tôi. Cuộc đời tôi sau này sẽ tùy thuộc nơi quyết định của họ.

 

Ngày đã sắp tàn, khi ánh tà dương kéo dài những bóng đen của mọi vật và cây cỏ trên mặt đất, các quan khách đều tỏ ra uể oải đối với các trò giúp vui và tiêu khiển. Bửa tiệc no say đặt họ trong một trạng thái thụ cảm. Những kẻ gia nô mệt mỏi vẫn còn đem thêm thức ăn lên bàn khi những dĩa chén đã cạn, nhưng sau cùng mọi người đã ăn uống no đủ với giờ khắc trôi qua. Những người làm trò xiếc giúp vui cũng bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, hết người nọ đến người kia, họ lần lần rút lui, đi vào nhà bếp nghỉ ngơi và gọi thêm một chầu rượu bia cuối cùng.

 

Các nhạc công vẫn còn sắc diện tươi tắn, thổi kèn loa, đánh chụp chõa và đánh trống một cách đầy hứng khởi. Trên những tàn cây to, loài chim sợ hãi vì tiếng động ồn ào đã rời khỏi những tổ quen thuộc của chúng.

 

Không phải chỉ có chim là biết sợ sệt. Những con mèo cũng đã biến mất dạng và ẩn núp trong những chỗ kín đáo từ khi những quan khách đầu tiên cùng các đoàn tùy tùng rầm rộ đến nhà. Những con chó ngao đen lớn của nhà tôi cũng êm hơi lắng tiếng, giấc ngủ đã khớp mỏ chúng. Chúng đã ăn uống no bụng đến mức không còn sức để ăn nữa.

 

Trời càng tối dần trong những khu vườn. Mùi hương thơm ngát xông lên từ những bình lư hương khói trầm nghi ngút. Những khu vườn của cha tôi nổi tiếng khắp sứ Tây Tạng vì những kỳ hoa dị thảo và những hòn non bộ vĩ đại nhập cảng từ Trung Hoa. Có những cây lê, cây táo, cây mơ lùn thấp, bên cạnh những cây cổ thụ cao lớn, trên tàn cây có cắm cờ xí bay phất phơ dưới ngọn gió nhẹ ban chiều.

 

Sau cùng, vầng hồng đã khuất dạng sau những dãy núi Tuyết Sơn xa tít tận chân trời: Một ngày đã chấm dứt. Từ những tu viện Lạc Ma giáo vọng đến tiếng kèn điểm giờ khắc trôi qua; hằng trăm ngọn đèn bơ đã được thắp sáng khắp nơi, trên các cành cây, dưới những mái nhà, và có những ngọn đèn khác thả lướt nhẹ trên mặt nước êm đềm của ao sen trong vườn nhà. Chỗ này, có ngọn đèn bị kẹt trong các lá sen chẳng khác nào những chiếc tàu bị kẹt trên bãi cát, và chỗ kia, vài ngọn đèn trôi lênh đênh phiêu bạt về cái cù lao nơi đó những con hạc sẽ trú ngụ lúc ban đêm.

 

Một tiếng cồng vừa điểm, mọi người quay đầu nhìn lại: Một cuộc diễn hành từ đằng xa sắp sửa đến gần. Trong khu vườn nhà, đã dựng sẵn một cái lều rất lớn, màn treo trướng rũ. Cửa lều mở rộng, bên trong có đặt một cái sàn gỗ và bốn cái đôn Tây Tạng làm chỗ ngồi.

 

Đoàn người diễn hành bước đến trước liều, do bốn người gia nhân của nhà tôi cầm đuốc dẫn đường. Theo sau họ là bốn người nhạc công thổi kèn loa bằng bạc. Kế đó, cha tôi, mẹ tôi, bước lên sàn gỗ cùng với hai vị trưởng lão, là những bậc giáo sĩ kiêm chức Thiên Giám Quan, đảm nhiệm việc tiên tri các điều họa phước của quốc gia.

 

Những vị trưởng lão này, xuất xứ từ vùng Nechung, là những nhà chiêm tinh giỏi nhất của xứ Tây Tạng. Những lời tiên tri của các vị nhiều lần tỏ ra đã chính xác và đúng như các sự việc đã xảy ra về sau. Một tuần lễ trước đó, đức Đạt Lai Lạt Ma đã mời các vị đến để nhìn xem tương lai của một đứa trẻ lên bảy tuổi. Hai vị ấy đã lấy lá số của tôi và nghiên cứu cặn kẽ từng ly từng tí trong nhiều ngày những ảnh hưởng của các vì tinh tú.

 

Hai vị Lạt Ma đem theo lá số chiêm tinh và những bảng đoán số. Hai vị khác tiến đến và đỡ hai vị Thiên Giám Quan già bước lên sàn gỗ, trên đó hai vị này ngồi sát cạnh nhau như hai pho tượng bằng ngà. Những chiếc áo rộng bằng lụa Trung Hoa màu vàng lại càng làm nổi bật tuổi tác cao niên của họ. Họ đội trên đầu chiếc mão lớn của các đạo sĩ mà trọng lượng có vẻ quá nặng đối với những cái cổ nhăn nheo của họ. Các quan khách đều vây chung quanh cái sàn gỗ và ngồi trên những tấm nệm trải dưới đất. Những câu chuyện đều ngưng bặt, mọi người đều lắng tai nghe lời phán quyết của vị niên trưởng trong hai vị Thiên Giám Quan lão thành. Vị niên trưởng bắt đầu nói bằng một giọng nhẹ nhàng:

 

- "Lha dre mig cho nang chig". Quỷ thần và nhân gian cùng bị chi phối như nhau bởi những định luật huyền bí trong vũ trụ. (Ý nói: Người ta có thể tiên đoán việc tương lai.)

 

Bằng một giọng trầm, vị Thiên Giám Quan cao niên nói tiên tri suốt một tiếng đồng hồ. Kế đó, người nghỉ ngơi trong mười phút, và lại nói thêm một giờ nữa, khi đó, người tiếp tục vạch trần tương lai của tôi dưới những nét đại cương.

 

- "Lạ quá, thật là kỳ diệu!" Toàn thể cử tọa bất giác thốt lên trong khi họ đang đắm chìm trong một cơn thích thú mê ly.

 

Như thế, người ta đã nói cho tôi biết trước tương lai của tôi: "Sau một giai đoạn thử thách cam go gian khổ, đương số sẽ là một đứa trẻ lên bảy tuổi, sẽ bước chân vào tu viện để được thụ huấn như một tu sĩ kiêm y sĩ giải phẫu. Y sẽ gặp nhiều nghịch cảnh gian lao, sẽ rời khỏi xứ sở và sống ở ngoại quốc. Y sẽ mất hết tất cả, sẽ phải làm lại cuộc đời từ con số không và sau cùng y sẽ thành công".

 

Cuộc tiên tri đã bế mạc, các quan khách cũng đã giải tán lần lần. Những vị khách ở xa còn nán lại nhà tôi một đêm để sáng ngày hôm sau lên đường. Những người khác trở về ngay đêm đó cùng với gia nhân tùy tùng của họ dưới ánh sáng của những ngọn đuốc. Họ tựu hợp ở ngoài sân, giữa những tiếng ngựa khua móng sắt trên nền đá và những tiếng người kêu gọi lẫn nhau.

 

Một lần nữa, cái cổng sắt nặng nề lại mở toang ầm ĩ để cho đoàn người ngựa đi qua. Tiếng chân ngựa khua vang và những giọng nói chuyện trò của họ nghe đã thưa dần, và sau cùng chỉ còn lại cái im lặng của ban đêm.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]