Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 11: Đối diện với Vọng tâm – I

27/12/201013:15(Xem: 3550)
Chương 11: Đối diện với Vọng tâm – I

CHÁNH NIỆM CƠ BẢN

Thiền sư: Henepola Gunaratana
Dịch Việt: Lương Thanh Bình

Chương 11: Đối diện với Vọng tâm – I

Ở một thời điểm nào đó, mỗi thiền giả đụng độ với vọng tâm trong buổi tọa thiền, và pháp đối trị trở nên rất ư cần thiết cho thời điểm này. Vài động tác khéo léo, uyển chuyển có thể giúp bạn trở lại đề mục chính ngay lập tức, thay vì cố gắng kình chống với những xung lực trái ngược. Sự tập trung và chánh niệm nên phải hỗ trợ và bổ sung lẫn nhau. Nếu một trong hai bị yếu đi, thì phần kia bị ảnh hưởng lập tức. Những ngày không tốt thường biểu thị qua sự kém tập trung, tâm của bạn cứ trôi dạt. Do đó, bạn cần phải có phương pháp tái lập lại sự tập trung của mình, ngay trong hoàn cảnh khó khăn tâm lý. May thay, bạn có. Thật ra, bạn có thể lựa chọn từ hàng loạt kinh nghiệm truyền thống đã có.

Động tác 1: Ước lượng thời gian

Cách thức này đã nhắc qua trong một chương trước. Sự quấy nhiễu kéo bạn rời khỏi hơi thở, bất chợt bạn nhận ra mình đang ngủ ngày. Mẹo vặt để thoát khỏi những gì đang trói giữ bạn, để bạn có thể mang toàn bộ sự chú tâm trở về lại hơi thở là: ước lượng thời gian bạn đã để tâm lang thang. Không cần phải chính xác, chỉ phỏng chừng theo đơn vị phút. Chỉ tự nhẩm, “Được rồi! Mình đã lo ra hai phút rồi” hay là “Từ lúc có tiếng chó sủa” hay “Từ lúc nghĩ đến tiền bạc.” Khi bạn mới dùng cách này, bạn sẽ phải tự nhẩm trong đầu. Khi quen rồi, bạn không cần làm thế nữa, cả động tác diễn ra không lời và nhanh chóng. Nên nhớ mục đích của động tác này là dùng để kéo tâm lang thang của bạn về với hơi thở. Bạn thoát ra khỏi tư tưởng bằng cách lập nên một tiêu chuẩn giám sát, khoảng thời gian bị thất niệm. Bao lâu thì không quan trọng. Một khi bạn thoát khỏi vọng tâm rồi, thì bỏ tất cả để trở về với hơi thở, chứ đừng bị trói buộc vào sự ước lượng.

Động tác 2: Hơi thở sâu

Khi tâm của bạn bị rối ren và dao động, bạn có thể tái lập chánh niệm bằng vài hơi thở sâu và nhanh. Kéo không khí vào thật mạnh và thả ra cũng giống như thế. Động tác này làm tăng thêm xúc cảm bên trong viền mũi và làm cho dễ dàng hơn để trụ lại. Cố ý tạo một động tác thật mạnh và áp đặt sự chú tâm. Sự tập trung có thể thúc đẩy vào sự phát triển, nên nhớ thế, cho nên bạn có lẽ tìm được trọn vẹn sự chú tâm ổn định trở lại vào hơi thở.

Động tác 3: Đếm

Đếm hơi thở khi chúng đi ngang qua là cách thức đã có từ lâu đời rồi. Vài trung tâm tu thiền dạy động tác này như là phương cách chính cho họ. Thiền Minh Sát dùng nó như là một kỹ thuật phụ trợ, dùng để tái lập chánh niệm và làm vững mạnh sự tập trung. Như đã nhắc qua ở chương 5, bạn có thể đếm hơi thở theo nhiều cách khác nhau. Nhưng nên nhớ là phải luôn giữ sự chú tâm của bạn vào hơi thở. Bạn có lẽ sẽ nhận thấy sự khác biệt sau khi bạn đã dùng cách đếm. Hơi thở chậm lại hay là nó trở nên rất nhẹ và mỏng. Đây là dấu hiệu sinh lý cho sự tập trung trở nên vững chắc. Ở điểm này, hơi thở đang thật nhẹ hay là thật nhanh và êm đến nỗi bạn không thể nào phân biệt hít và thở. Chúng chừng như trộn lẫn vào nhau. Lúc này bạn có thể đếm cả hai cho một lần. Tiếp tục đếm nhưng chỉ đếm tới năm thôi, rồi bắt đầu trở lại. Khi đếm trở thành bất tiện, thì bỏ đếm đi mà chỉ khái niệm quá trình hít-thở, hòa nhập vào cảm giác tinh khiết của hơi thở. Hít hòa lẫn với thở, một hơi thở trộn lẫn với hơi kế tiếp như vô tận, tinh khiết và trôi chảy.

Động tác 4: Niệm ra-vào

Động tác này thay thế cho cách đếm và chức năng thì cũng tương tự. Chỉ hướng sự chú tâm của bạn vào hơi thở và đặt tên trong tâm cho mỗi chu kỳ với “hít…thở” hay “vào…ra”. Tiếp tục cho đến khi nào bạn không cần nữa thì dừng lại.

Động tác 5: Vô hiệu hóa một tư tưởng bằng tư tưởng khác

Vài tư tưởng cứ quanh quẩn mãi, vì loài người chúng ta thì luôn bị ám ảnh, cho nên nó là một trong những vấn đề trọng đại cần phải giải quyết. Chúng ta có chiều hướng dính mắc vào những thứ như: tình dục hoang tưởng, lo âu, và hoài bão. Chúng ta nuôi dưỡng những nỗi lo sợ ám ảnh này qua nhiều năm tháng và cho chúng nhiều cơ hội rèn luyện, bằng cách chơi đùa với chúng mỗi khi chúng ta rảnh rỗi. Để rồi, khi ngồi xuống tọa thiền, chúng ta yêu cầu chúng đi chỗ khác cho mình được yên; nhưng lấy làm ngạc nhiên một cách lạnh lùng chúng không vâng lời chúng ta. Tư tưởng dai dẵng như thế này đòi hỏi một phương pháp trực tiếp, một sự tấn công toàn bộ đúng cỡ một cách trực diện.

Tâm lý học phật giáo đã phát triển thành một hệ thống riêng biệt. Thay vì phân chia tư tưởng ra nhiều loại như “tốt” hay “xấu”, những nhà tư tưởng Phật giáo thích đánh giá chúng như là “khéo léo” trái lại với “vụng về”. Một tư tưởng “vụng về” thì có liên hệ với tham lam, sân hận, hay si mê. Những tư tưởng này tạo cho tâm dễ rơi vào tình trạng bị ám ảnh. Chúng vụng về theo cách hiểu là chúng sẽ đưa chúng ta rời xa hơn mục đích giải thoát.Còn tư tưởng khéo léo thì lại khác, chúng tương quan với lòng bao dung, lòng bi mẫn, và trí tuệ. Khéo léo theo ý nghĩa là có thể dùng để đối trị những tư tưởng vụng về, và giúp cho chúng ta tiến dần đến sự giải thoát.

Bạn không thể chế biến ra sự giải thoát. Nó không phải là một trạng thái gầy dựng lên bởi tư tưởng. Bạn cũng không thể nào tạo nên phẩm chất cá nhân để tạo nguyên nhân cho sự giải thoát phát sinh. Tư tưởng từ thiện có thể tạo ra nét nhân từ bên ngoài nhưng nó không thật. Nó sẽ bị sụp đổ bởi sức ép của cuộc đời. Tư tưởng về lòng thương cảm cũng chỉ sinh ra tình thương hại hời hợt mà thôi. Bởi vậy, thực chất của những tư tưởng khéo léo sẽ không giúp chúng ta thoát ra khỏi cái bẫy khái niệm. Chúng thật sự khéo léo chỉ khi nào được dùng như liều thuốc giải độc đối với chất độc của những tư tưởng vụng về. Tư tưởng về lòng bao dung có thể tạm thời vô hiệu hóa lòng tham lam, giống như giữ nó phía dưới tấm thảm nhỏ đủ lâu để nó không ngăn cản chánh niệm làm việc. Sau khi chánh niệm xâm nhập tận gốc rễ của bản ngã, tham lam bị phá tan và lúc đó lòng bao dung thật sự mới có khả năng phát sinh.

Nguyên lý này có thể dùng vào sự tu tập hàng ngày của bạn. Nếu bị sự ám ảnh nào đó làm phiền, bạn có thể vô hiệu hóa nó bằng cách dùng tư tưởng đối nghịch. Ví dụ: Nếu bạn ghét Charlie và không thể nào gạt bỏ gương mặt cau có của anh ta ra khỏi tâm, vậy thì cố gắng hướng dẫn tình thương và sự thân thiện tới Charlie. Bạn có lẽ sẽ gạt bỏ được hình ảnh trong tâm ngay, rồi bạn có thể tiếp tục sự tu tập của mình.

Đôi khi chỉ có mánh lới duy nhất này thôi thì cũng không mang lại kết quả hữu hiệu, vì sự ám ảnh quá mãnh liệt. Trong trường hợp này, phải làm cho nó yếu đi, trước khi bạn có thể lấy lại được thăng bằng. Đây là chỗ cảm giác ray rứt, một trong những yếu điểm nhất của con người, có tác dụng hữu ích. Nhìn thật rõ vào phản ứng tâm lý mà bạn muốn từ bỏ, hãy đắn đo, nhận ra xem, nó làm cho bạn cảm giác ra sao. Nó có tác động gì đối với cuộc đời, hạnh phúc, sức khỏe, mối quan hệ của bạn. Thử nhìn xem nó biến bạn ra sao khi gặp người khác. Nhìn xem cái lối nó ngăn chặn mức tiến bộ của bạn trên đường đi dần đến giải thoát. Trong kinh điển Pali, người xưa khuyến khích bạn nên vô hiệu hóa những tư tưởng vụng về với hết sức mình, khuyên dặn bạn làm việc với những cảm giác của sự kinh tởm, sự nhục nhã, giống như là cảm giác lúc bạn bị đày đi di hành mà phải mang dây kết bởi những xương cốt của thú vật quanh cổ. Nỗi ghét thật sự là những gì bạn theo đuổi. Chỉ bước này đã có thể chấm dứt tất cả vấn đề rồi. Nếu vẫn không có kết quả, thì kế đến, điều chỉnh phần còn xót lại thêm một lần nữa bằng tư tưởng trái ngược cái cảm giác kia.

Tư tưởng tham (tham lam) bao gồm tất cả mọi thứ có liên hệ tới sự ham muốn, từ hám lợi những vật thể thô tới những thứ vi tế như muốn là một người đạo đức. Tư tưởng ghét (sân hận) đi trọn tiến trình từ sự dễ tức giận những thứ nhỏ nhặt cho tới cơn thịnh nộ đầy khắc nghiệt. Ảo tưởng (si mê) bao gồm những thứ mơ hồ cho tới những ảo giác. Tính rộng lượng đối trị lòng tham. Tính từ thiện và lòng bi mẫn đối trị sân hận. Bạn có thể tìm thấy liều giải độc thích hợp cho bất kỳ tư tưởng nào tạo ra vấn đề, nếu bạn chịu suy nghĩ về nó một chút.

Động tác 6: Nhớ lại mục tiêu của bạn

Có đôi khi sự việc nhảy vào tâm của bạn, có lúc bắt được mà có lúc lại không. Những từ ngữ, lời nói, hay mẫu chuyện nhảy vọt ra từ trong vô thức mà không hiểu nguyên do ở đâu. Nhiều đối tượng xuất hiện; hình ảnh chợt ẩn, chợt hiện. Những kinh nghiệm này thật là bứt rứt. Tâm của bạn giống như là lá cờ bị gió mạnh thổi quần quật; nó nhấp nhô như sóng nước trong đại dương. Ở thời điểm này thì bạn chỉ cần nhớ lại là tại sao bạn đang ngồi đây. Bạn có thể tự nói với mình, “Ta không phải ngồi đây chỉ để hoang phí thời gian của mình cho những tư tưởng này. Ta ngồi đây để tập trung tâm mình vào hơi thở, là tiến trình chung xảy ra cho muôn loài.” Đôi khi tâm của bạn lắng xuống lập tức ngay trong lúc bạn đang tự nhắc lòng. Cũng có lúc bạn phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần trước khi tập trung trở về hơi thở.

Phương pháp này có thể dùng riêng hay phối hợp với những động tác khác. Dùng những động tác này một cách đúng đắn, chúng sẽ tạo thành một kho vũ khí có hiệu lực cho trận chiến của bạn đối với cái tâm viên ý mã kia.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]