Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

II. Cuộc Đời Của Thân Loan

02/05/201316:04(Xem: 3390)
II. Cuộc Đời Của Thân Loan


TỊNH ĐỘ TÔNG NHẬT BẢN

Dịch giả Thích Như Điển

---o0o---

[1]

II. Cuộc Đời Của Thân Loan

II.1 Thân Thế Và Xuất Gia

Thân Loan (Shinran)- tên lúc nhỏ không rõ - được sinh ra trong một gia đình bình dân, ở Nhật Dã (Hino), ngoại ô Kyoto (Kinh Đô), vào mùa xuân năm Thừa An[2](Yoan) thứ 3, cuối thời Bình An (Heian).

Thân phụ là Đằng Nguyên Nhứt Môn (Tohara Hitoshimon) trôi nổi đến vùng Nhật Dã, đổi tên thành Hữu Phạm, làm quan đến chức Quyền Đại Tiến trong cung Hoàng Thái Hậu. Ông mất năm nào cũng không rõ, Đời sau căn cứ vào sự chứng ngộ viết trong quyển “Bản Đồ Chi Phái Ở Hino” vào năm 1541 mới rõ.Thân Loan có bốn người em tên là: Tầm Hữu (Yinu) làm quan chức Quyền Thiểu Tăng Đô; Kiêm Hữu (Kaneu) làm Quyền Luật Sư; Hữu Ý (Arui) làm Pháp Nhãn và Hành Kiêm (Okokane) làm Quyền Luật Sư. Riêng Tầm Hữu và Kiêm Hữu còn được nêu danh trong sử sách thời Nam Bắc Triều.

Phạm Cương, anh của Hữu Phạm - bác của Thân Loan – vốn là Tiến Sĩ Văn Chương, tước vị Nhược Hiệp Thốn – đứng vào hàng thứ ba trong Đại gia Phạm Cương ở Hino. Nhờ ông ở cương vị nầy mà Tông Nghiệp ở Hino được nổi danh từ ấy. Những người em của Thân Loan là Tầm Hữu (Yinu), Kiêm Hữu (Kaneu) và Hành Kiêm (Okokane) đều là con nuôi của bác Phạm Cương cả.

Mùa xuân năm Dưỡng Hòa[3]Nguyên Niên, Thân Loan được ông bác Phạm Cương cũng là dưỡng phụ cho xuất gia làm đệ tử Thầy Từ Viên (Yien) khi tuổi vừa lên 9, với pháp danh là Phạm Yến. Vào chùa với phong cách là con quý tộc nhưng Thân Loan không quan hệ với quan quyền. Không ai đề cập đến lý do sao Thân Loan xuất gia đầu Phật. Thế nhưng sau khi Ngài xuất gia, thân phụ là Hữu Phạm (Arinori) từ quan rời cung đình lui về ẩn cư tại Tam Thất Hộ (Mimuroto), cũng chẳng có lý do gì chánh đáng cả.

Năm Trị Thừa thứ 4, thân phụ Ngài lại phải vào lính và tử trận trong thời Nguyên Lại (sau nầy gọi là con của Bạch Hà Pháp Hoàng). Thật ra, từ quan lui về sống ẩn dật ở Tam Thất Hộ (Mimuroto) đã được gọi là “Đi vào con đường ẩn cư ở Tam Thất Hộ”. Nhưng cả hai việc xuất gia của Thánh Nhơn và từ quan của thân phụ, không có liên hệ gì với nhau cả, cũng chẳng phải là lý do mà năm anh em của Thân Loan đi xuất gia.

Thầy Từ Viên[4](Yien) - Bổn sư thế độ của Thân Loan - là con của Tohara Tadamichi (Đằng Nguyên Trung Thông), em của Đằng Nguyên Kiêm Thật (Tohara Kaneyane) thuộc gia đình danh tiếng Cửu Điều ở Quan Bạch. Năm Trị Thừa thứ 2, Ngài Từ Viên đã là tọa chủ của chùa Pháp Tánh lúc tuổi vừa 24. Ngài còn làm tọa chủ của Tỷ Duệ Sơn thuộc Tông Thiên Thai trước sau đến 4 lần, dù là một thanh niên chỉ 27 tuổi. Tất cả được ghi lại nơi cửa viện Thanh Liên (Shoren).

Ngài Từ Viên vốn tên là Giác Khoái, được các quan sống ở tại Bạch Xuyên mến mộ. Ngài tự xưng là Đạo Khoái. Ngôi chùa ở Bạch Xuyên lúc ấy nay là Viện Thanh Liên có lẽ là nơi xuất gia của Ngài Thân Loan. Tháng 11 năm Ngài xuất gia, Ngài gặp một việc không lành là Bổn Sư Giác Khoái viên tịch. Tên Đạo Khoái đổi thành là Từ Viên. Cho đến tháng 2 nhuần năm sau, bao nhiêu sự thịnh hành tiêu tan, bao nhiêu vinh hoa của một gia đình cũng không còn thấy nữa.

Sau khi xuất gia, Phạm Yến lên Tỷ Duệ Sơn (Eizan) tu học và hành trì một cách nghiêm mật như một học Tăng của Tông Thiên Thai trải qua 20 năm.Theo tranh họa về cuộc đời Ngài Thân Loan, Ngài tinh thông kinh Lăng Nghiêm và các giáo phái khác, được xem là bậc “Tứ Giáo Viên Thông”. Lúc ấy ở Tỷ Duệ Sơn như một trung tâm tu hành, có ảnh hưởng rất mạnh của Nguyên Tín và Hoành Xuyên. Dù nội dung tu học chẳng được tường thuật rõ ràng nhưng chữ: “Tứ Giáo Viên Thông” ấy mang ý nghĩa ám chỉ giáo học Thiên Thai vậy. Nguyên lý cơ bản về giáo học của Thiên Thai Tông là Thai Mật, bao gồm cả hai: Thiên Thai và Mật Giáo. Tỷ Duệ Sơn chính là nơi, mà người học có thể tu học về những điều ấy. Nơi đó, Ngài thật sự liễu tri được Hữu và Không; thế nhưng trước khi rời Tỷ Duệ Sơn, Ngài đã làm việc ở Thiền Đường như là một vị tăng Trực Nhật.

Theo thư riêng của Ni Huệ Tín[5], người bạn đời của Ngài viết trong “Cuộc Đời Ni Huệ Tín” rằng: Duệ Sơn chính là Tổ Đình của Tịnh Độ Giáo, vì khi làm Tăng trực đường trong Thiền Đường là lúc Thân Loan thực hành tinh tấn pháp môn Niệm Phật, bằng cách vừa đi vừa niệm Phật trong Thiền Đường dù ở đây việc tu học chuyên về Thiên Thai Tịnh Độ Giáo kể từ thời Nguyên Tín trở đi. Có thể đây chỉ là một câu chuyện kể vậy thôi.

II.2 Tham Cứu Nơi Nhà Lục Giác

Khi rời núi và đến xin làm đệ tử của Pháp Nhiên (Honen), niềm tin và bổn nguyện của Thân Loan như là một hành giả niệm Phật A Di Đà vì đã có thời gian hơn 20 năm trong thời gian tu tập tại Tỷ Duệ Sơn. Năm Kiến Nhơn nguyên niên (nhằm năm 1201), Thân Loan đúng 23 tuổi. Nhờ thư từ của Ni Huệ Tín để lại mà ta biết khi còn ở tại Tỷ Duệ Sơn, Thân Loan chẳng hề tin tưởng khả năng vượt qua sanh tử của mình qua việc tu học nên đã phát nguyện đi bộ về Lục Giác Đường ở Kyoto tham cứu trong thời gian 100 ngày. Ước vọng vượt qua sanh tử được tìm thấy trong tâm. Nếu khi sống, sống sao cho thật ý nghĩa, thì lúc chết sẽ được tiếp dẫn.

Tại Lục Giác Đường, Thân Loan đã chứng ngộ và làm lễ cầu siêu cho Thánh Đức Thái Tử[6](Shotoku Taishi), bởi vì Lục Giác Đường là nơi được Thánh Đức Thái Tử xây dựng lên và hoạt động. Ngài biến nơi đó thành Bổn Tôn và tạo một pho tượng Cứu Thế Quan Thế Âm Bồ Tát. Tượng Đức Quan Thế Âm nầy rất linh. Phật tử ở các chùa và dân chúng ở đây đều quy ngưỡng và tôn sùng, chính vì thế mà Thân Loan tin rằng Thánh Đức Thái Tử là hóa thân của Cứu Thế Quan Thế Âm Bồ Tát đó. Điều nầy được thấy rất rõ nếu đọc những lời ca tụng về Thánh Đức Thái Tử trong những tác phẩm mà Thân Loan viết khi tuổi về già.

Ở nơi Lục Giác Đường, Thân Loan nguyện quyết sống chết tu hành để chuyển hóa. Đến đêm thứ 95, Ngài nằm mộng thấy Thánh Đức Thái Tử cho là Chân Phật. Điều nầy đã được đệ tử lớn của Thân Loan là Cao Điền ghi lại trong “Thân Loan mộng lý”. Do vậy mà cho rằng Bổn Tôn của Lục Giác Đường được ghi lại qua sự giác ngộ về Đức Cứu Thế Quan Thế Âm Bồ Tát.

Sau đây là những câu kệ bằng thơ có thể rõ hơn về điều đó. Lại nữa, lúc 80 tuổi Thân Loan chính là Chân Phật, mà lúc 50 tuổi không được như thế.

Nếu đời trước, hành giả phạm vào người nữ

Ta, thân nầy biến thành Ngọc Nữ bị phạm

Cả một đời có thể trang nghiêm

Lâm chung sẽ được tiếp dẫn sanh Cực Lạc[7].

(Ai đó thệ nguyện một đời chẳng phạm giới nhưng phá giới kết hôn, ta (Quan Âm) sẽ hiện ra thân Ngọc Nữ trở thành vợ của người ấy. Ta sẽ làm cho cả đời người kia trang nghiêm Phật Đạo và khi lâm chung được tiếp dẫn về Cực Lạc).

Phạm tội phá giới, lập gia đình, sinh sống như người tại gia hoặc là một vị Tăng phá giới vẫn có thể vãng sanh Tịnh Độ ý nói rằng có con đường thành Phật như thế. Đây chính là Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đàđối với những ai có niềm tin vào pháp môn niệm Phật. Dù người tại gia hay xuất gia; dù trì giới hay phá giới Ngài đều cứu độ mà không phân biệt. Đó vừa là lời dạy của Pháp Nhiên vừa là minh chứng rõ ràng giấc mộng báo trước vậy.

Thân Loan liễu ngộ từng bước đi lúc tu hành tại Tỷ Duệ Sơn trong thời gian tham cứu tại Lục Giác Đường và nhận được tinh hoa cốt tủy giáo lý Tịnh Độ từ những lời huấn từ của Pháp Nhiên, mặc dù Pháp Nhiên không được học Tăng tại Tỷ Duệ Sơn tôn trọng nhiều. Họ cho rằng Giáo Lý Tịnh Độ mà Pháp Nhiên truyền trao không phải là Phật Pháp, có thể là ngoại đạo, bởi vì người xuất gia lẫn người tại gia, người trì giới lẫn kẻ phá giới, người hiền lẫn kẻ ngu, người lành lẫn kẻ dữ nếu xưng danh hiệu đức Phật A Di Đà đều được vãng sanh Tịnh Độ như nhau và sẽ chứng nhập Niết Bàn.

Đây là lời dạy của Pháp Nhiên chứng minh điều ấy:

Chư ác mạc tác,

Chúng thiện phụng hành,

Tự tịnh kỳ ý,

Thị chư Phật giáo.[8]

Đừng làm các điều ác,

Nên làm các điều lành,

Phải thanh tịnh tâm mình,

Là lời chư Phật dạy.

Những quy tắc nầy được xem làn nền tảng căn bản về lời dạy của Chư Phật trong bảy đời, lấy đó làm chỗ nương tựa, vì đối với người ngu trong đời hay kẻ đọa lạc trong Phật-pháp, đối với mọi tà thuyết cũng có thể cứu độ tất cả.

II.3 Sự Hồi Tâm Của Thân Loan

Giáo lý mà Pháp Nhiên truyền trao cho Thân Loan là tà kiến, ác kiến hay chánh kiến khai thông con đường cứu khổ? Nghi vấn ấy cần được thẩm định. Thật ra, khi chưa gặp Pháp Nhiên, Thân Loan hết sức kính tin và phụng hành giáo lý niềm tin của nước ta (Nhật Bản), nghĩa là hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Thánh Đức Thái Tử và luôn quy hướng và ngưỡng vọng. Cho đến khi mộng thấy Bồ Tát Quan Thế Âm, Thân Loan mới hết mê tín sự hiện hữu của Thánh Đức Thái Tử

Thế rồi, khi đến thăm Pháp Nhiên tại thảo am ở núi phía đông Kiết Thủy, nghe Pháp Nhiên giải thích Thân Loan liền hồi tâm. Sự việc ấy được lưu lại trong tác phẩm “Cuộc đời Ni Huệ Tín”[9]như sau:

Thánh Nhơn Pháp Nhiên dạy rằng: “Người lành, kẻ dữ đều được cứu vớt như nhau, hoàn toàn không có phân biệt. Đức Phật A Di Đà phát nguyện tiếp dẫn chúng sanh về cõi Tịnh Độ. Ai niệm Phật cho thật nhứt tâm sẽ vượt qua con đường sanh tử. Phải dứt khoát quyết định như thế. Ngoài ra, với tôi, nguyện quyết một lòng niệm Phật trong đời nầy”.

Một đoạn được trích ra như thế! Lời huấn từ ấy được hiểu như vầy: “Một khi đã quyết định sẽ vãng sanh vào quốc độ của các bậc Thánh, dẫu cho có rơi vào địa ngục đi nữa cũng chẳng hối hận gì cả, bởi vì suốt đời chẳng còn mê muội như những người mê khác nữa”.Với người niệm Phật dù cuộc đời họ còn nhiều khiếm khuyết đi nữa, Thân Loan vẫn cung kính ngưỡng vọng như thường.

Lời huấn từ của Pháp Nhiên ảnh hưởng rất nhiều trong tâm thức cuả Thân Loan. Có lúc suốt thời gian 100 ngày, chẳng có ngày nào, Thân Loan không thông qua Thầy những kiến giải của mình, hết lòng tin tưởng, ước nguyện thiết tha và thân tâm niệm Phật. Tuy nhiên vào năm Tân Dậu, niên hiệu Kiến Nhân có lần bị quở phạt là ngu ngốc, Thân Loan liền kinh sợ liền từ bỏ tạp hạnh trở về lại với bổn nguyện của mình[10].

Sự việc nầy xem như sự hồi tâm của Thân Loan được ghi chép lại và cũng là điều gọi là tái sanh lần thứ hai. Suốt hơn 20 năm trường tu hành và học hỏi ở Tỷ Duệ Sơn, Ngài buông bỏ tất cả tạp hạnh[11]. Sau đó Ngài quyết định buông thả sự nương tựa từ những sự chỉ dạy của chư vị ân sư cũng như các bậc đàn anh của Ngài, tự thân Ngài đã tin tưởng chắc chắn Pháp Ngài đang tu, đang hành không còn sai lạc. Với Thân Loan, lòng ích kỷ xưa đã chết và phát đại bổn nguyện làm thay đổi thế giới quan. Hồi tâm ấy cũng là tái sanh lần thứ hai.

Pháp Nhiên lúc bấy giờ tìm một tên mới đặt cho Thân Loan là Xước Không (Shakuku), nghĩa là xả bỏ con đường vào Thánh và nhập vào cửa Tịnh Độ, được học đạo của Đạo Xước (Doshaku) Tổ Sư Tịnh Độ. Pháp Nhiên kết hợp chữ Xước của Đạo Xước và chữ Không là tên của Pháp Nhiên, họ và tên là Phòng Nguyên Không, nên đặt cho Thân Loan là Xước Không (Shakuku). Nếu Thiên Thai Tông quyết dùng pháp môn tự lực đi vào cửa Thánh, Tịnh Độ Tông nương vào tha lực vượt qua con đường đi đến thành Phật. Nếu con đường bậc Thánh đi qua bằng tự lực của mình để đoạn trừ phiền não như Đức Thích Tôn hoàn thành việc tịnh hóa thân tâm trong đời nầy mà chứng quả, thì Tịnh Độ tông cho rằng sinh ra trong đời nầy không ai tránh khỏi phiền não trói buộc, nếu kẻ phàm phu ngu muội không thể tự mình dứt trừ được, nên nương nhờ thần lực của Như Lai, mà Như Lai lại không từ chối một ai. Một khi đã nương vào câu niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ, chắc chắn hành giả chuyển đổi phiền não, mở bày giác ngộ. Ấy chính là giáo lý nương vào tha lực độ sanh.

II.4 "Tuyển Chọn Bổn Nguyện Niệm Phật"

Tư tưởng của Pháp Nhiên hiển lộ rành rành trong tác phẩm “Tuyển Chọn Bổn Nguyện Niệm Phật”.Ngay đầu đề tác phẩm đã cho chúng ta thấy rõ Niệm Phật là việc thiết thực, được quyết định từ tâm nguyện của mình, phù hợp với bổn hoài của Phật A Di Đà, Phật Thích Ca và Chư Phật trong mười phương, mà Ba Bộ Kinh [12]Tịnh Độ có minh chứng rõ ràng và các kinh khác cũng ghi nhận.

“Tuyển Chọn Bổn Nguyện”- khi còn là Bồ Tát Pháp Tạng, với tâm đại bi Ngài phát nguyện cứu độ tất cả chúng sanh khổ não, bất kể người lành, kẻ dữ, người hiền, kẻ ngu đều được hóa độ như nhau và tiếp dẫn về cõi Tịnh Độ. Do đó, tất cả những khả năng tự lực trở thành không cần thiết khi bổn nguyện của hành giả là niệm Phật nhứt tâm cầu vãng sanh Tịnh Độ. Dù là kẻ ngu cũng có thể phát lên tâm nguyện như vậy một cách dễ dàng. Nương nhờ oai đức và thần lực của Phật A Di Đà, tâm nguyện nầy vượt lên trên tất cả các tâm nguyện khác. Do vậy, vạn người niệm Phật, vạn người được cứu độ như nhau, cuối cùng là đại ngộ và thành Phật. Chư Phật cũng thường xưng tán danh hiệu Phật (niệm Phật) cho nên Pháp Nhiên mượn từ ấy đặt tựa đề tác phẩm của mình là “Tuyển Chọn Bổn Nguyện Niệm Phật”.

Sau thời gian cần mẫn nghe pháp, nghiên cứu học hỏi, Thân Loan được Bổn sư Pháp Nhiên thọ ký và truyền trao tác phẩm “Tuyển Chọn Bổn Nguyện Niệm Phật”, bức họa di ảnh Ngài và bản đồ tu tập, vào tháng 4 năm Nguyên Cửu thứ 2 (1205). Ngoài ra hình của Ngài (bức họa). Năm ấy Thân Loan vừa tròn 33 tuổi, kể từ đó Tín đồ Phật Tử gọi Thân Loan bằng pháp danh Xước Không. Chính điều ấy cũng có nghĩa là Ngài được Bổn sư Pháp Nhiên thừa nhận. Việc nhận tác phẩm, di ảnh cũng như bản đồ minh chứng được rằng chính Thân Loan (Xước Không) là người tiếp tục truyền thừa y bát từ Bổn sư Pháp Nhiên.

Thật ra, nội dung tác phẩm “Tuyển Chọn Bổn Nguyện Niệm Phật”bị người đương thời quá khích cho rằng Pháp Nhiên là kẻ phá đạo, sẽ đọa vào tam đồ, bởi hy vọng của Ngài thì xa vời vợi, trong khi quan điểm thực tế như cửa sổ bị ngăn bởi bức tường thành. Những điều họ phê phán không sai. Bởi vì, nếu người đọc thiếu tâm cầu học, chắc chắn hiểu sai và không khỏi phỉ báng giáo lý Niệm Phật trong tác phẩm “Tuyển Chọn Bổn Nguyện Niệm Phật” nầy. Thậm chí dù họ không muốn phạm tội hủy báng pháp môn Niệm Phật đi nữa, nhưng xem xong vẫn thấy dường như có một bức tường đứng sừng sững trước mắt ngăn che tất cả. Có lẽ, vì thế mà Pháp Nhiên chỉ trao tác phẩm nầy cho Thân Loan (Xước Không), đệ tử của mình, mà không tin tưởng bất cứ ai khác. Thật giống như một chuyện cổ tích! Một người mới nhập môn chỉ có bốn năm như Thân Loan có nhiều bậc đàn anh đang xôn xao và lo lắng việc truyền thừa lại được Bổn sư Pháp Nhiên truyền pháp quả là nói lên sự chờ đợi và tin tưởng của vị Thầy đến mức nào.

II.5 Pháp Nạn Thừa Nguyên Và Lưu Đày Ở Việt Hậu

Pháp nạn Thừa Nguyên (Jogen) và bị tội lưu đày ở Việt Hậu (Etsugo)

Chẳng bao lâu sau khi Pháp Nhiên và môn đồ đệ tử ổn định mọi Phật sự, thính Pháp và niệm danh hiệu Phật A Di Đà, buông bỏ tất cả các pháp tu khác, chỉ chú trọng vào giáo lý tha lực, tinh tấn niệm Phật để được Đức A Di Đà tiếp độ, Thiên Thai Tông, Pháp Tướng Tông (Hotsuso Shu) và các giới học Phật lúc bấy giờ đặt ra nghi vấn đây có phải là đạo Phật chân chánh không? Họ phê phán công kích nhất là rất khó chịu khi nghe âm thanh của tiếng niệm Phật.

Tháng 11 năm Nguyên Cửu Nguyên Niên (1204), Ngài Chơn Tánh, tọa chủ chùa Diên Lịch thuộc tông Thiên Thai phê bình pháp môn chuyên tu niệm Phật của Pháp Nhiên kịch liệt bởi vì Pháp Nhiên tự dưng gửi thư khải thỉnh đến các sơn môn mà không tham khảo ý kiến người khác và tự ý chế ra bảy điều giáo huấn dành riêng cho hành giả niệm Phật. Chính việc nầy làm cho các tông Thiên Thai, Chơn Ngôn và Pháp Tướng khó chịu và ngăn cấm rất nghiêm nhặt. Họ cảnh báo với nhau rằng trong Phật Giáo đã có những tà giáo, dung dưỡng kẻ phá giới không biết xấu hổ. Các đệ tử của họ lại tìm đến và chất vấn Liên Thự, một tên khác của Thân Loan thay cho tên Xước Không lúc ấy. Bản phụ của lá thơ mà Liên Thự viết về “bảy điều giáo huấn” hiện còn sót lại tại hai chùa Sa Nga ở Kyoto. Cuối cùng nhờ Đằng Nguyên Kiêm Thật (Tohara Kanezane), nguời quy y với Pháp Nhiên góp lời giúp đỡ nên mọi việc rồi cũng êm xuôi.

Tháng 10 năm sau, năm Nguyên Cửu thứ hai, Triều đình đưa ra bản cáo trạng chùa Hưng Phước, (Hofuku) ở Nara (Nại Lương), với nội dung là toàn thể Phật Giáo đồng lòng yêu cầu dẹp bỏ môn phái Pháp Nhiên, mà tác giả chấp bút không ai khác hơn là Lạp Trí (Kasagi), một vị tăng cang học hạnh và giới đức kiêm ưu, thuộc phòng Giải Thoát thời Trinh Ứng[13]. Nội dung bản cáo trạng nêu lên tất cả chín điều sai trái và buộc Pháp Nhiên và đồ đệ Ngài phải chấp hành việc xử phạt một cách nghiêm trọng.

Thật ra, triều đình rất thận trọng phán nghị cả năm trước bản cáo trạng trong đó có chữ ký của 8 tông khác mãi cho đến hạ tuần tháng giêng năm Kiến Vĩnh [14]thứ hai, triều đình tuyên bố cho Pháp Nhiên và cả chùa Hưng Phước phải đình chỉ việc chuyên tu niệm Phật và viết tường trìnhkiểm điểm về “nghe chẳngchính xác”. Sau đó các môn đồ đệ tử phải viết kiểm thảo. Sự kiện đau đầu nầy được ghi ở phần cuối của “Giáo hành chứng văn loại”và được thuật lại như sau:

Hàng đệ tử của chùa Hưng Phước tâu lên với Thái Thượng Thiên Hoàng (Dajo Tenno) rằng:

Tấu vua đến vào thượng tuần mùa Xuân năm Đinh Mão thuộc niên hiệu Thừa Nguyên. Bởi trên có chủ, dưới có thần đã gọi là quốc pháp, thì dù có sai trái thì dân phải chịu, tuy nhiên nhẫn lâu thành oán. Do vậy, đại Tổ Sư Nguyên Không, chùa Hưng Phước thuộc Chơn Tông đề nghị cùng với môn đồ, dù không quan tâm về loại tội, nhưng cũng chẳng phải hèn hạ ngồi chờ gia hình. Và lại theo quy luật của Tăng, vị Tăng bị tội chỉ đổi tánh danh và chịu phạt lưu đày vĩnh viễn. Vì Tăng cũng chẳng ra Tăng mà tục cũng không phải tục, nên lấy chữ Ngốc làm họ. Các đệ tử của Sư Không (Nguyên Không) bị phân chia các nơi và bị canh giữ trong vòng 5 năm”[15].

Ở đây “dù không quan tâm về loại tội, nhưng cũng chẳng phải hèn hạ ngồi chờ gia hình”là một tử tội; hoặc bị xử phạt. Thân Loan là người điển hình. Nói về loại tội thật ra chiếu theo pháp luật thì chỉ xử phạt mà thôi. Nhưng theo ngôn ngữ của Thân Loan, chẳng có lý do nào chánh đáng để xử phạt cả mà thật tế chỉ là những lời công kích và áp bức cho nên nói rằng trên có chủ, dưới có thần đã gọi là quốc pháp, thì dù có sai trái thì dân phải chịu, tuy nhiên nhẫn lâu thành oán”.Với chừng ấy chữ tâu trình với Thượng Hoàng Hậu Điểu Vũ cho thấy trước nhất họ là những kẻ dựa vào quyền lực để đàn áp chánh pháp và xét xử cướp đoạt tấm lòng của nhiều người.

Việc nầy bị phê phán một cách nghiêm khắc trong tác phẩm “Giáo Hành Chứng Văn Loại”cho thấy giáo lý của Pháp Nhiên hoàn toàn chân thật và ảnh hưởng rất lớn, ngược lại những người đả kích tác phẩm “Tuyển Chọn Bổn Nguyện Niệm Phật”là đi quá đà

Theo tác phẩm “Dị Sao Tập”và “Huyết Mạch Văn Tập”, những phụ lục của các sách còn sót lại, và căn cứ theo “Truyện Nhật Thanh” của Cổ Đức Giác Như, lúc ấy có bốn người bị xử tử đó là: Trụ, Liên, An và Lạc, còn Pháp Nhiên và 8 người khác bị lưu đày (thật tế khi bị tội lưu đày chỉ có 7 người vì không có Chứng Không). Pháp Nhiên bị đưa đến nước Thổ Tá. Thân Loan bị đày đến Việt Hậu Quốc Phủ. Các vị khác cũng lần lượt bị lưu đày với tội danh như thế. Theo hình luật lúc bấy giờ khi bị lưu đày, Tăng Tịch của các Tăng lữ đều bị tịch thâu và đổi thành tên của thế tục. Thân Loan bị gọi tên là Đằng Tĩnh Thiện Tín[16]. Tệ hơn nữa triều đình hạ lịnh không được dùng họ của thế tục mà phải đổi thành họ Ngốc. Thân Loan trở thành một người phi Tăng phi Tục với tên là Ngu Ngốc Thân Loan.

II.6 Phi Tăng Phi Tục

Ý nghĩa của phi Tăng trong “phi Tăng phi Tục” được hiểu theo tính cách thông thường là vị Tăng bị thu hồi Tăng tịch và không còn ở trong địa vị Tăng lữ nữa. Phi tục nghĩa là không có nghề nghiệp trong đời, không được sống như người tại gia. Thế nhưng, với họ sống để niệm Phật; ngoài ra còn truyền cách sống ấy cho mọi người. Đó mới đúng là ý nghĩa chân thật. Cuộc đời của Thân Loan bị tước đoạt Tăng tịch ngoài ý muốn làm sao là phi Tăng được. Nhưng chính Ngài đã tiến hành việc lấy vợ, sinh con và xả bỏ giới luật cũng chẳng phải là phi Tăng, bởi vì phải hiểu rằng trong cuộc sống đầy phiền não thương ghét ấy luôn luôn được chỉ đạo bằng bổn nguyện cứu độ kẻ phàm phu rất cao cả và chân thành. Trong cuộc sống thế tục, muốn vượt qua sanh tử và các thương ghét thường tình, phải thiết lập một đạo tràng niệm Phật trang nghiêm trong tự tâm. Ở trong thế tục nhưng vẫn là phi tục bởi vì hành trì pháp môn niệm Phật là gặp Như Lai ngay trong cuộc sống đầy phiền não nầy. Cao hơn nữa với ý nghĩa ấy, đời sống tại gia vẫn là con đường thành Phật. Có lẽ sống như thế cho nên Thân Loan được gọi là sống một cách phi Tăng phi Tục. Trong thời gian 5 năm lưu đày ở Việt Hậu, Thân Loan tự chọn cho mình một hình thái Phật Giáo tại gia; nhưng không có nghĩa là Phật Giáo bị thế tục hóa, mà chính ở trong đời sống thế tục, nêu cao con đường Phật đạo.

Xuất thân từ một học Tăng của giai cấp quý tộc, Thân Loan xem thời gian lưu đày ở Việt Hậu, nơi thiên nhiên rất khắc nghiệt, đất đai cằn cổi, người dân nghèo nàn, là cơ hội để tu luyện và hành trì rốt ráo pháp môn tu; để thấy rõ nhân quyền bị tước đoạt; để cùng sống, cùng cảm nhận, cùng chia sẻ và cảm thông với mọi người ở tận cùng của xã hội; để nghe tiếng than thở của người dân với mình. Thật tế, ai nhận ra tự lực là không, có thể nhận được nhiều điều hay nơi người khác. Ngoài ra, đánh giá một ai không phải chỉ giới hạn ở nửa vời mà phải dựa trên khả năng thực sự của họ.

Thân Loan kết hôn lúc nào không rõ. Lúc còn ở Kyoto chưa kết hôn. Có lẽ Ngài kết hôn với con gái của Binh Bộ Đại Bổ, Tam Thiện Vi Giáo pháp danh Huệ Tín ở Việt Hậu (Etsugo). Trong thời gian ngắn, Ngài có tất cả sáu người con cả trai lẫn gái. Căn cứ từ “Hệ phổ Hino”con của Ngài gồm có: Tiểu Hắc (Oguro), Từ Tín, Huệ Loan, Tín Liên, Minh Tín, Ích Phương (Masukata) nhập đạo có Pháp Danh Hữu Phòng là Thiền Ni của Cao Dã (Takao). Thánh Nhơn Thân Loan và Ni Huệ Tín sống cùng với Ni Giác Tín, người con gái. Ngoài ra, trong thời gian ấy còn có con gái của Đằng Nguyên Kiêm Thật là Phạm Ý cũng ở đó; nhưng trên thật tế thì không phải là con. Sáu người con trên được ghi rõ trong tác phẩm “Cuộc Đời Ni Huệ Tín”.

II.7 Sự Hành Hóa Ở Kanto (Quan Đông)

Ngày 17 tháng 11 năm Kiến Lịch Nguyên Niên (1211) toàn thể môn hạ của Pháp Nhiên được ân xá, nhưng vì bệnh Ngài Pháp Nhiên không thể về Kyoto được, Ngài đã thâu thần thị tịch vào ngày 25 tháng giêng năm Kiến Lịch[17]thứ 2, tại Đông Sơn Đại Cốc, thọ 80 tuổi.

Thân Loan lúc ấy vẫn còn ở tại Việt Hậu cho đến năm Kiến Bảo[18]thứ 2, nhận lời thỉnh niệm Phật của Tánh Tín ở Kanto, và theo sự truyền đạt lời chỉ dạy của Pháp Nhiên, Thân Loan phải về Kanto để hướng dẫn đệ tử của Hoành Tằng Căn Môn (Yokozo Nemon) và truyền bá pháp môn Niệm Phật của Pháp Nhiên.

Vợ con của Thân Loan phải phân chia làm đôi để sống, ở Thường Lục lúc Thân Loan đúng 42 tuổi. Tại Kanto thuộc Thường Lục (huyện thành Hagi), Ngài ở trong một thảo am của Waseda giữa cù lao, một trung tâm chính từ vùng phía Bắc Kanto đến Áo Châu, để giáo hóa nuôi dưỡng nhiều môn đệ, theo “Thân Loan Thánh Nhơn Môn Lữ Giao Danh Điệp”,con số kỷ lục là 44 người, trong đó có 35 người từ Kanto đến Áo Châu sinh sống và 19 người ở tại Thường Lục. Có lúc môn đệ lên đến 80 người, theo thư của Thân Loan, đa phần là người thuộc chùa Thiện Quang rất siêng năng lo việc Phật sự. Thánh Nhơn cư trụ tại Kanto là 20 năm. Năm Nguyên Nhơn Nguyên Niên, [19]Ngài chấp bút soạn thảo sự lập giáo khai Tông của Tịnh Độ Chơn Tông để làm Thánh Điển căn bản và tác phẩm “Hiển Tịnh Độ Chơn Thật Giáo Hạnh Chứng Văn Loại” (Giáo Hạnh Chứng Văn Loại).Sau đó, vào năm Trinh Ứng [20]thứ 3, tại chùa Diên Lịch triều đình đã ra sắc lệnh “Diên Lịch tự tấu trạng”(Diên Lịch tự đại chúng giải), đình chỉ pháp môn chuyên tu niệm Phật một lần nữa. Phải chăng do nội dung tác phẩm Giáo Hạnh Chứng Văn Loại?”

II.8 Những Năm Về Già Của Thân Loan

Năm 61, 62 tuổi, Thân Loan từ Kanto về lại Kyoto không ai rõ lý do, nhưng có lẽ do tác phẩm Giáo Hạnh Chứng Văn Loại”đã hoàn thành cần có nơi tiện lợi việc truyền trao quyển sách đến tay mọi người dễ dàng hơn; nên Ngài trở lại Kyoto. Ở Kyoto, Thân Loan thuyên chuyển nhiều nơi, nhưng chỗ Ngài ở lâu nhất là Ngũ Điều Tây Động Viện. Cuối đời Ngài tá túc trong phòng ở của Tầm Hữu Tăng Đô thuộc phòng Thiện Pháp, em Ngài.

Sau khi về lại Kyoto, Ngài nhuận bút lại tác phẩm “Giáo Hạnh Chứng Văn Loại”cho hoàn chỉnh và trước tác nhiều tác phẩm khác, trong ấy có “Hòa Tán”.Ngoài ra Ngài còn giảng dạy cho những môn đệ từ Kanto đến xin học pháp môn Tịnh Độ; và trả lời cho những môn đệ từ các nước xa xôi gửi thư thỉnh cầu học hỏi. Về già Thân Loan còn phải nhận thêm nhiều bi kịch khác nữa. Năm Kiến Trường [21]thứ 3 một việc không lành nữa lại đến, đó là sự kiện Thiện Loan. Thật ra, sự kiện nầy không rõ ràng lắm, chỉ có hai lá thư về “Thiện Loan Nghĩa Tuyệt Trạng”liên quan với Thân Loan mà thôi.

Năm Kiến Trường thứ 3 thứ 4, có kẻ ác trong nhóm môn đệ ở Kanto tung nhiều tin không sự thật một cách vô tội vạ để tạo dư luận xấu trong quần chúng xã hội. Các môn đệ thỉnh cầu Ngài Thân Loan dàn xếp, Ngài bảo Từ Tín Phòng Thiện Loan, con trai của Ngài làm việc. Nhưng không may, Thiện Loan không chịu làm theo những gì thân phụ dạy. Cuối cùng Thân Loan phải đứng ra thành lập một nhóm môn đồ khác, khiến cho Thiện Loan và chúng cuả ông không nơi nương tựa. Cũng vì thế, thân phụ Thân Loan chỉ truyền mật pháp vãng sanh Cực Lạc cho một người mà người ấy không truyền lại do vậy môn đệ của Thiện Loan đều không học được pháp vãng sanh. Họ chỉ biết theo lời dạy của nguyện thứ 18 mà thôi. Vì thế họ như những “chiếc hoa không nở”, chẳng liễu ngộ pháp môn niệm Phật vãng sanh nên lần lần từ bỏ bổn nguyện.

Thật ra, Thiện Loan cũng nhận được sự truyền thọ mật pháp và pháp lạc từ pháp môn vãng sanh, nhưng hầu hết những môn đồ mới nhập đạo của Trung Thái Lang (Chyutaro) (hay là của Bình Thái Lan) thì chưa. Lúc đầu, tự nhiên có 9 người theo Thiện Loan, trong số đó có Tánh Tín, về sau càng nhiều hơn. Họ cũng bị người công kích vì chịu ảnh hưởng xấu từ lời dạy vô cùng nguy hại của Thiện Loan. Chính những huấn từ của Thân Loan bị bình giải hoàn toàn sai lạc khiến cho các quan lại ở tại Thường Lục, Hạ Giả xem Tánh Tín và đồ chúng của ông như những kẻ phản phúc trong xã hội cho nên sắc lệnh trục xuất ra khỏi địa phương. Cuối cùng sự kiện xảy ra là Tánh Tín và Nhập Tín bị đưa về Kamakura Bakufu.

Thật sự, hơn ai hết Thân Loan biết rõ chơn tướng của sự việc và nhơn duyên cha con song không lẽ vì sự việc nhỏ ấy mà chọn lấy oán thù sao! Thế nhưng ngày 29 tháng 5 năm Kiến Trường thứ 8 Ngài phải đành lòng gửi một trang thư “Nghĩa Tuyệt Trạng”cắt đứt duyên cha con với Thiện Loan và cùng ngày ấy cũng gửi cho Tánh Tín thông báo nghĩa tình đã dứt. Ngài cũng công khai thông báo đến tất cả những môn đệ ở Kanto biết về trang thư đoạn tuyệt nghĩa tình ấy. Lúc đó là năm Thân Loan đã 84 tuổi.

Sự kiện ấy cho thấy Thân Loan xử trí một cách rõ ràng dứt khoát về nghĩa tình cha con đối với Tánh Tín và chấp nhận mọi sự đả kích về vấn đề tinh thần nầy. Dù tuổi đã 80 và trước sự việc điên đầu xảy ra như thế nhưng Thân Loan vẫn sáng suốt biên soạn những rất nhiều tác phẩm và pháp nghi với những chủ đề chuyên môn trong nhiều bức thư gởi về Kanto, mà nội dung những bức thư chỉ đạo hướng dẫn mọi sinh hoạt của các đệ tử tại Kanto giữ vững tín tâm cuả họ.

Trong những sáng tác ấy, đặc biệt là “Giáo hành chứng văn loại”được xếp vào vị trí hàng đầu và hơn 10 bộ khác nữa. Riêng bộ biên tập của phái Bổn Nguyện Tự cũng đã thâu thập được 14 bộ, 21 quyển thuộc Tịnh Độ Chơn Tông Thánh Điển”. Cũng phải kể thêm Quán Kinh Tập Chú”, A Di Đà Tập Chú”Tây Phương Chỉ Nam Sao”.Còn có những biên tập được kết thành những lời dạy của Thánh như: Thánh Giáo gia điểm, Thánh Giáo thơ tả, Thánh Giáo diên thơ v.v…” Nếu tổng hợp lại rất là nhiều. Công việc sáng tác những tác phẩm chính ấy như thế nào được giới thiệu ở phía sau.

Cho đến năm 90 tuổi, tuổi trường thọ quý hiếm, vào ngày 28 tháng 11 năm Hoằng Trường[22]thứ 2, Ngài mới vãng sanh tại thư phòng cuả Tầm Hữu Thiện Pháp, em Ngài ở đường Tam Điều Phú. Chỗ ở của vị Tầm Hữu Thiện Pháp ngày nay được xác định là vị trí gần cái hồ trong vườn của trường trung học Yanagiike, đường Liễu Mã Trường, ở khu Trung Kinh.

Sau khi Thân Loan viên tịch, nhục thân được hỏa táng tại Điểu Bộ Dã (Tori Beno) chùa Diên Nhân. Di cốt được đưa về chôn tại phần mộ ở Đông Sơn Đại Cốc vào năm Văn Vĩnh[23]thứ 9. Ni trưởng Vương Ngự Tiền, người con gái út cuả Ngài và môn đệ dựng miếu thờ tại Lục Giác Đường. Sau đó Ni Giác Tín [24]dời tất cả di cốt về đây. Ngoài ra tại đây cũng thờ một tôn tượng Ngài bằng gỗ. Miếu Đường nầy về sau được Giác Huệ, trưởng nam của Giác Tín [25]; rồi Giác Như [26], trưởng nam của Giác Huệ tiếp tục giữ gìn. Sau đó, Giác Như biến Miếu Đường thành tự viện và đổi tên là chùa Bổn Nguyện [27]Ngày nay chính là chốn Tổ của Đông Tây Bổn Nguyện Tự vậy.


[1]Thế danh của Ngài Pháp Nhiên là Phòng Nguyên Không

[2]Năm 1173

[3]Năm Thừa Trị thứ 5 nhằm năm 1181

[4]Sinh năm 1155 và mất năm 1225

[5]Ngài Thân Loan đã lập gia đình và người vợ của Ngài sau đó đã trở thành Ni Cô. Thật ra Tịnh Độ Tông của Nhật Bản, các vị Sư đã lập gia đình từ cuối thế kỷ thứ 12 trở đi.

[6]Ông sinh năm 574 và mất năm 622

[7]Trích từ Kinh Thính Văn Văn Thơ – phần Cao Điền cổ điển trang 1.126)

[8]Trích từ Kinh Xuất Diệu. Đại Chánh Đại Tạng Kinh quyển 4 trang 741.

[9]Thánh Điển trang 811. Từ đây trở đi chữ Thánh Điển được hiểu là: Tịnh Độ Chơn Tông Thánh Điển.

[10]Giáo hạnh chứng văn loại – Thánh Điển trang 472.

[11]Ý dùng để chỉ cho những việc làm mà nơi tự lực chẳng có cái tâm của Phật A Di Đà.

[12]Kinh Đại Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ và Kinh A Di Đà

[13](1155-1213)

[14]Nguyên Thừa Nguyên Niên - 1207

[15](Giáo hành chứng loại – Thánh Điển trang 471)

[16]Tức là cư sĩ Đằng Tĩnh

[17]Nhằm năm 1212

[18]Nhằm năm 1214

[19](thuộc năm Trinh Ứng thứ 3 – 1224)

[20]Nguyên Nhơn Nguyên Niên

[21]Nhằm năm 1256

[22]Nhằm năm 1262

[23]Nhằm năm 1272

[24]Sanh năm 1224, tịch năm 1283

[25]Sinh năm 1239 và mất năm 1307

[26]Sinh năm 1270 và mất năm 1351

[27]Chùa nầy ngày nay vẫn còn tại Kyoto


---o0o---

Vi tính: Hạnh Bổn

Trình bày: Vĩnh Thoại



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]