Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

V. Lược giải kinh văn

27/04/201311:13(Xem: 3781)
V. Lược giải kinh văn

PHÁT KHỞI BỒ TÁT THÙ THẮNG CHÍ NHẠO

KINH LƯỢC GIẢNG

(Nguyên văn: Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký)

Chủ giảng: Hoà Thượng Thích Tịnh Không

Cư Sĩ Truyền Tịnh Chỉnh Lý

Chuyển Ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hoà

---o0o---

IV. LƯỢC GIẢI KINH VĂN

A. TỰ PHẦN

1. Phật tại Lộc Uyển, năm trăm tỳ-kheo, năm trăm Bồ Tát cùng nhóm

Chánh kinh:

Như thị ngã văn: Nhất thời Phật tại Ba Ly Nại thành, tiên nhân trụ xứ, thi Lộc Uyển trung.

(Tôi nghe như thế này, một thời Phật ở tại thành Ba Ly Nại, ngự trong Lộc Uyển là chỗ trụ của tiên nhân).

Đây là năm thứ thành tựu đầu trong Lục Chủng Thành Tựu; tôi nghĩ chúng ta có thể tỉnh lược. Ở đây, xứ sở là Lộc Dã Uyển, một nơi thường được nhắc đến. Tôi nghĩ trong số các vị đồng tu chúng ta cũng có một vài vị đã đến thăm Ấn Độ, đến Ấn Độ triều thánh. Nếu vậy, đã đến thăm các danh thắng cổ tích Phật giáo. Vườn Lộc Dã là một địa điểm trọng yếu, ban sơ đức Thích Ca Mâu Ni Phật độ năm vị tỳ-kheo ngay tại ấy. Sau này, chỗ ấy kiến lập thành tinh xá, Phật cũng giảng khá nhiều kinh điển tại nơi ấy.

Chánh kinh:

Dữ đại tỳ kheo chúng, mãn túc thiên nhân. Phục hữu ngũ bách chư Bồ Tát chúng.

(Cùng chúng đại tỳ kheo đủ cả một ngàn vị, lại có năm trăm vị Bồ Tát).

Đây là Chúng Thành Tựu. Lúc ấy, tham gia pháp hội có một ngàn năm trăm người.

2. Có các Bồ Tát nghiệp chướng sâu nặng, đầy đẫy hạnh bất thiện, nghi hoặc thoái chuyển, Di Lặc Bồ Tát an ủi khiến họ vui mừng

Đây là đoạn thứ hai, chính là Phát Khởi Tự của kinh này.

Chánh kinh:

Thị thời chúng trung, đa hữu Bồ Tát.

(Lúc ấy trong chúng có nhiều vị Bồ Tát).

Câu này nói về đa số trong năm trăm vị Bồ Tát. Do vậy biết rằng, những vị Bồ Tát ấy chẳng phải là tầm thường, họ đa phần là cổ Phật tái lai, cố ý thị hiện như thế nhằm tạo cơ hội cho Di Lặc Bồ Tát đến thỉnh pháp để Thích Ca Mâu Ni Phật răn dạy chúng ta. Những lỗi các ngài phạm chính là những lỗi bọn người hiện tại chúng ta đang phạm, các vị chỉ đến biểu diễn, lòng từ bi đến mức cùng cực vậy! Bọn họ mắc những lầm lỗi gì?

Chánh kinh:

Nghiệp chướng thâm trọng, chư căn ám độn.

(Nghiệp chướng sâu nặng, các căn ám độn).

Câu này là lời thuật tổng quát. Nói gọn một câu là nghiệp chướng nặng nề! Nghiệp là gì? Nói theo ngôn ngữ hiện đại, Nghiệp là hoạt động, tạo tác. Hoạt động ấy chướng ngại trí huệ đức năng sẵn có của tự tánh nên gọi là “nghiệp chướng”. Nghiệp chướng ấy rất sâu, rất nặng, cho nên trí huệ đức năng của chúng ta chẳng hiện ra được.

[Trong câu] “các căn ám độn”,chữ “các căn”chỉ sáu căn. Sáu căn chẳng thông minh, mắt tuy vẫn có thể thấy nhưng lắm việc nhìn lầm, tai tuy vẫn có thể nghe nhưng ý nghĩa đúng đắn chẳng nghe ra. Nhóm chữ này chỉ căn tánh chẳng lanh lợi. Tiếp theo đây kinh nói mười hai câu, mười hai câu này là nội dung của bản kinh này. Ở phần sau, với mỗi một điều Phật sẽ giảng tường tận cho chúng ta. Điều thứ nhất là:

Chánh kinh:

Thiện pháp vi thiểu

(Thiện pháp ít ỏi).

Thế nào là “thiện căn”?Thiện căn pháp thế gian, không tham, không sân, không si. Chúng ta hãy nghĩ xem là mình có hay không có [thiện căn]. Nếu như chúng ta tham sân si đều đầy đủ cả thì căn bản là chúng ta không có thiện căn. Bọn họ vẫn có thiện căn, nhưng thiện căn ít ỏi; chúng ta không có thiện căn; làm sao biết vậy? Thiện căn của Bồ Tát là tinh tấn, còn chúng ta mỗi ngày càng giải đãi, biếng nhác, tán loạn.

Chánh kinh:

Háo ư hội náo

(Ưa nơi náo nhiệt)

Ở đây, “hội” là “hôn hội” chúng ta thường nói là hồ đồ. “Hội náo”nghĩa là ồn náo lộn xộn. Các vị có biết nơi nào là ồn náo lộn xộn chăng? Chính là những chốn ăn chơi có khá nhiều trong xã hội hiện tại: ca xướng, khiêu vũ, đấy là những chỗ ồn náo lộn xộn. Bọn họ ưa thích những chỗ ấy.

Chánh kinh:

Đàm thuyết thế sự.

(Bàn nói thế sự).

Đây là câu thứ ba. Phạm vi bao quát của “thế sự” rất rộng. Trong thế sự có cả tà lẫn chánh. Thế nào là chánh? Những điều Khổng Tử, Mạnh Tử nói là chánh, đều là thế sự cả! Thế sự bất hảo ư? Thế sự chẳng thể thoát tam giới. Quý vị phải hiểu rằng: Mục tiêu của Phật pháp là dạy chúng ta liễu sanh tử, xuất tam giới. Vì thế, sự giáo dục của Nho giáo dẫu tốt, có thể giúp chúng ta đạt được thân người, thậm chí giúp chúng ta sanh thiên, nhưng chẳng thể giúp chúng ta liễu sanh tử, thoát tam giới.

“Thế sự”là gì? Là mọi việc trong lục đạo. Vui vẻ bàn nói những chuyện ấy. Ngày nay người ngoại quốc bàn đến khoa học, kỹ thuật cũng là thế sự. Họ luận đến chuyện vượt ngoài hư không, nhưng ngoài hư không vẫn là trong luân hồi lục đạo, vẫn chưa vượt thoát luân hồi lục đạo. Thế sự có chánh, có tà. Tà là đọa ba ác đạo, Chánh là ba thiện đạo.

Điều thứ tư là ưa thích ngủ nghỉ, ham ngủ. Điều thứ năm là:

Chánh kinh:

Đa chư hý luận

(Lắm điều hý luận)

Phạm vi của “hý luận”cũng rộng rãi phi thường; như thông thường chúng ta nói giỡn chơi, đều gọi là hý luận.

Chánh kinh:

Quảng doanh chúng vụ.

(Rộng lo liệu các việc).

Trong xã hội hiện tại, hiện tượng này rất nhiều. “Doanh” là kinh doanh, “vụ” là sự vụ. “Quảng” là nhiều. Tôi vừa mới nhắc qua, Bách Trượng thiền sư từng nói: “Phật môn lấy vô sự làm hưng vượng”;há nên đa sự? Thế nào là đa sự? Nêu một thí dụ phổ biến để nói, pháp hội là đa sự, huống gì những chuyện khác! Điều này trong phần sau đức Phật sẽ giảng rộng, quý vị nhất định phải hiểu sâu xa ý Phật.

Tu học Phật pháp là gì? Đề mục kinh Vô Lượng Thọ đã cho chúng ta biết: “Thanh tịnh, bình đẳng, giác”.Làm nhiều việc quá thì tâm sao thanh tịnh được? Thù tạc quá nhiều, chẳng thể thanh tịnh được! Sự vụ quá nhiều chẳng thể bình đẳng được. Mỗi ngày từ sáng đến tối mê hoặc điên đảo, làm sao có thể giác ngộ cho được? Đấy chính là lỗi hại của việc “quảng doanh chúng vụ”.Đấy là câu thứ bảy.

Chánh kinh:

Chủng chủng tham trước.

(Tham chấp các thứ)

Câu này phạm vi rất lớn. Tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, buông xuống chẳng được! Đây là câu thứ tám.

Chánh kinh:

Vi sở bất ưng.

(Làm điều chẳng nên làm)

Những điều họ làm đều là điều chẳng nên làm, đều là điều Phật chẳng cho phép, họ cứ nhiều phen tạo tác. Đây là câu thứ chín.

Chánh kinh:

Vọng thất chánh niệm.

(Hư vọng mất chánh niệm)

Vọng là hư vọng. Suốt ngày hư vọng nên chánh niệm bị mất. Đây là câu thứ mười.

Chánh kinh:

Tu tập tà huệ.

“Tà huệ”như trong nhà Phật thường bảo là thế trí biện thông, chẳng phải là chân trí huệ. Đây là câu thứ mười một.

Chánh kinh:

Hạ liệt tinh cần.

(Siêng gắng hèn kém).

Bọn họ cũng rất nỗ lực, một ngày từ sáng đến tối chẳng nghỉ ngơi, dù bận vẫn vui. Bận bịu những gì? Bận bịu với sự nghiệp tam đồ. Chữ “hạ” chỉ ba ác đạo, chẳng phải ba thiện đạo! “Hạ liệt”nghĩa là gì? Vướng tham sân si, tranh danh đoạt lợi, bọn họ dũng mãnh tinh tấn làm những việc như thế. Câu cuối cùng là:

Chánh kinh:

Hành mê hoặc hạnh.

(Làm hạnh mê hoặc)

Đây là hiện tượng bao gồm cả tại gia lẫn xuất gia trong cửa Phật vào thời Mạt Pháp này. Nếu như chúng ta thật sự chăm chú phản tỉnh, [sẽ thấy là] nếu mắc căn bệnh này thì bất luận đang tu học pháp môn nào cũng đều chẳng thể thành tựu, niệm Phật cũng chẳng thể vãng sanh. Điều kiện để vãng sanh là tâm phải thanh tịnh - “tâm tịnh thì cõi nước tịnh”.Tây Phương thế giới là Tịnh Độ, chẳng phải là uế độ! Vì thế tâm chẳng thanh tịnh, làm sao vãng sanh được? Mê hoặc là chẳng thanh tịnh, chẳng ứng hợp Tịnh Độ. Tụng kinh cho nhiều, niệm Phật cho lắm thì cũng như lời cổ nhân nói: “Long hầu rách họng vẫn uổng công!”,chỉ có thể kết duyên lành với Tịnh Độ chứ chẳng thể vãng sanh ngay trong một đời!

Sự việc như vậy có gì là lạ, chẳng biết là trong đời quá khứ chúng ta đã làm như thế bao nhiêu lần. Chúng ta có nhân duyên rất sâu xa với Tây Phương Tịnh Độ, vì sao chẳng thành tựu? Nói chung là vì phạm phải những lầm lỗi ấy. Đời đời kiếp kiếp quá khứ phạm phải những lầm lỗi ấy nên niệm Phật mà chẳng thể vãng sanh. Đời này gặp được bản kinh này, đấy là nhân duyên hy hữu. Thử nghĩ nếu lại phạm những lỗi ấy thì một đời này ắt phải luống uổng. Nếu quả thật có thể thường tích cực phản tỉnh, sửa lỗi đổi mới, quay đầu là bờ thì trong một đời này chúng ta quyết định sẽ thành tựu.

Chánh kinh:

Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát tại ư hội trung, kiến chư Bồ Tát cụ túc như thị bất thiện chư hạnh.

(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát ở trong hội thấy các Bồ Tát đầy đủ các hạnh bất thiện như thế).

“Cụ túc”:mười hai điều vừa nhắc đến ở phần trên đều phạm đủ cả, phạm toàn bộ. Ngài Di Lặc thấy các Bồ Tát ấy có nhiều lầm lỗi như thế.

Chánh kinh:

Tác thị niệm ngôn.

(Nghĩ như thế này)

Trong tâm Ngài suy nghĩ.

Chánh kinh:

Thử chư Bồ Tát ư vô thượng Bồ Đề, viên mãn đạo phần, giai dĩ thoái chuyển.

(Các vị Bồ Tát này đối với vô thượng Bồ Đề, viên mãn đạo phần, đều đã lui sụt).

Cổ nhân thường nói: “Người sơ phát tâm thành Phật có dư”. Sơ Phát Tâm đều là phát thiện tâm, hảo tâm, do nghiệp chướng sâu nặng, các căn ám độn nên rất dễ bị thoái chuyển, rất dễ bị mê hoặc, đặc biệt là [mê hoặc] bởi danh tiếng, lợi dưỡng! Người sơ phát tâm xuất gia không có ai cúng dường họ, cuộc sống rất thanh bần, khổ sở, đạo tâm rất kiên định. Tu hành được mấy năm, có chút ít thành tựu, danh tiếng, lợi dưỡng đưa tới, kẻ ấy lại bị đọa lạc. Trong có phiền não, ngoài có dụ hoặc, làm sao không đọa lạc cho được? Vì thế đối với Vô Thượng Bồ Đề bèn thoái chuyển. Di Lặc Bồ Tát thấy xong bèn khởi tâm từ bi.

Chánh kinh:

Ngã kim đương linh thị chư Bồ Tát giác ngộ khai hiểu, sanh hoan hỷ tâm.

(Nay ta nên làm cho các Bồ Tát này giác ngộ, hiểu biết, sanh lòng hoan hỷ).

Di Lặc Bồ Tát đến giúp đỡ các Bồ Tát ngu si ấy. Ở đây, chúng ta phải chú ý: Thế nào là đại từ đại bi? Thế nào gọi là cứu tế bần khổ? Người tu hành không có đạo, ấy là “bần”. Người tu hành vẫn phạm những lầm lỗi y như cũ, thật là “khổ”! Ở đây Di Lặc Bồ Tát hành từ bi cứu tế. Ngài cứu tế các Bồ Tát điên đảo mê hoặc đó, bảo họ “giác ngộ khai hiểu”,nghĩa là phá mê khai ngộ. Giúp đỡ hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ là đại từ đại bi, là chân chánh cứu tế.

Chánh kinh:

Tác thị niệm dĩ.

(Nghĩ như vậy xong).

Di Lặc Bồ Tát khởi lên ý niệm ấy xong.

Chánh kinh:

Tức ư bô thời, tùng thiền định khởi.

(Liền sau giờ Ngọ, từ thiền-định dậy).

Bô thời”là sau Ngọ, sau khi dùng Ngọ trai xong, Ngài từ thiền định xuất.

Chánh kinh:

Vãng đáo kỳ sở, cộng tương úy vấn, phục dĩ chủng chủng nhu nhuyễn ngôn từ, vị thuyết pháp yếu, linh kỳ hoan hỷ.

(Đến chỗ bọn họ cùng nhau an ủi, thăm hỏi, lại dùng các lời lẽ mềm mỏng nói pháp yếu khiến họ hoan hỷ).

Đích thực là Di Lặc Bồ Tát rất có trí huệ, nói theo cách chúng ta ngày nay là trí huệ cao độ! Ngài chẳng trách móc bọn họ, mà đến an ủi họ, lời lẽ nhu hòa, dịu dàng an ủi họ khiến họ sanh lòng vui mừng, sanh hảo cảm đối với Bồ Tát. Phải dùng cách khéo như vậy để họ tiếp thọ lời dẫn dụ của Ngài.

Chánh kinh:

Nhân cáo chi viết: “Chư nhân giả!”

(Nhân đó bảo rằng:“Này các nhân giả!”)

Chư nhân giả”là tiếng tôn xưng bọn họ.

Chánh kinh:

Vân hà nhữ đẳng ư vô thượng Bồ Đề viên mãn đạo phần nhi đắc tăng trưởng, bất thoái chuyển da?

(Các vị làm thế nào để đối với vô thượng Bồ Đề viên mãn đạo phần được tăng trưởng, chẳng thoái chuyển vậy?)

Lời hỏi rất khéo! Chẳng trách móc họ phạm lỗi lầm, chẳng trách họ thoái chuyển, trái lại Ngài hỏi: Đối với vô thượng Bồ Đề viên mãn đạo phần, các vị có phương pháp nào làm cho nó tăng trưởng, chẳng thoái chuyển hay chăng? Chúng ta phải học tập điểm này: bình thường đối người, đối sự, đối vật phải nói năng thế nào để thật sự giúp người giác ngộ, giúp người sửa lỗi đổi mới, chẳng dùng lời lẽ trách móc, mà phải dùng những lời quan hoài, thương yêu, che chở, dùng phương pháp dẫn dụ khơi gợi. Ở đây ta mới thấy chỗ cao minh của Di Lặc Bồ Tát. Vì thế, lúc bọn họ nghe Ngài nói đều rất hoan hỷ, vui vẻ trò chuyện với Ngài.

Các vị xem nhé!

Chánh kinh:

Thị chư Bồ Tát đồng thanh bạch ngôn:

- Tôn giả! Ngã đẳng kim ư vô thượng Bồ Đề viên mãn đạo phần vô phục tăng trưởng, duy hữu thoái chuyển.

(Các vị Bồ Tát ấy đồng thanh thưa rằng:

- Thưa tôn giả! Chúng tôi nay với vô thượng Bồ Đề viên mãn đạo phần chẳng còn tăng trưởng, chỉ có thoái chuyển).

Những người ấy đều thưa thật: Đối với vô thượng Bồ Đề chúng tôi không tăng trưởng, ngày càng lui sụt!

Chánh kinh:

Hà dĩ cố?

(Vì sao vậy?)

Vì sao chúng tôi ngày càng lui sụt?

Chánh kinh:

Ngã tâm thường vị nghi hoặc sở phú.

(Tâm tôi thường bị nghi hoặc che phủ)

Tham, sân, si, mạn, nghi. Nghi là phiền não trọng đại đối với Bồ Tát, là chướng ngại nghiêm trọng đối với tu học. Bọn họ có nghi, có Hoặc. Hoặc là mê hoặc.

Chánh kinh:

Ưvô thượng Bồ Đề bất năng giải liễu.

(Đối với vô thượng Bồ Đề chẳng thể hiểu rõ).

Câu này ý nói bọn họ nghiệp chướng sâu nặng, tuy thường nghe Thế Tôn giảng kinh thuyết pháp, nghe xong chẳng hiểu rõ chi mấy, chẳng những không thể liễu giải, còn lắm phen nghe lầm lời Phật dạy, hiểu lầm ý nghĩa. Lúc chúng ta khai kinh kệ, niệm “nguyện giải Như Lai chân thực nghĩa”.Bọn họ hiểu lầm ý nghĩa chân thật của Như Lai, hiểu cong quẹo ý nghĩa lý chân thật của đức Như Lai. Ấy là tướng nghiệp chướng sâu nặng, tiếp theo đây các vị nói rất rõ.

Chánh kinh:

Vân hà ngã đẳng đương tác Phật da? Bất tác Phật da?

(Vậy thì chúng tôi sẽ thành Phật ư? Chẳng thành Phật ư?)

Đây là nêu lên một thí dụ cụ thể để minh họa. Bọn họ thường hoài nghi: Học Phật là tốt hay chẳng học Phật là tốt? Thành Phật là tốt hay chẳng thành Phật là tốt? Thường có vấn đề như thế, đó là hoài nghi thiện pháp.

Chánh kinh:

Ư đọa lạc pháp diệc bất năng liễu!

(Với pháp đọa lạc cũng chẳng rõ được).

Tam đồ lục đạo, gieo thiện nhân được thiện quả, tạo ác nghiệp nhất định phải thọ ác báo. Phật cũng đã giảng rất rõ ràng, nhưng họ đối với điều ấy vẫn nghi hoặc!

Chánh kinh:

Vân hà ngã đẳng đương đọa lạc da? Bất đọa lạc da?

(Vậy thì chúng tôi sẽ đọa lạc ư? Chẳng đọa lạc ư?)

Chúng tôi có bị đọa lạc hay chăng? Đọa lạc thật sự hay là chỉ đọa lạc giả? Những nghi vấn ấy thường xuyên hiện hữu.

Chánh kinh:

Dĩ thị nhân duyên, thiện pháp dục sanh thường vị nghi hoặc chi sở triền phú.

(Bởi nhân duyên ấy, thiện pháp sắp sanh thường bị nghi hoặc ràng buộc, che phủ)

Lẽ đương nhiên là trong bất cứ thời đại nào, bất cứ cá nhân nào chẳng thể không có lấy một thiện niệm. Hết thảy chúng sanh đều là thiện ác hỗn tạp, có lúc thiện nhiều, ác ít, lại có lúc ác nhiều, thiện ít nên mới hình thành lục đạo và mười pháp giới. Bọn họ sanh thiện niệm, nhưng chỉ vì nghi hoặc nên lúc hoài nghi thì thiện chẳng thể hình thành, lúc đó rất dễ thoái chuyển. Những vị Bồ Tát này đều rất thành thật, rất khó có. Nói theo ngôn ngữ hiện nay là bọn họ còn tự biết rõ mình, vẫn kể là chưa lầm lạc! Dù có phạm lầm lỗi, vẫn còn có thể cứu, vì thế Di Lặc Bồ Tát đến cứu bọn họ.

Chánh kinh:

Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát nhi cáo chi viết:

- Chư nhân giả! Khả cộng vãng nghệ Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri sở. Nhi bỉ Như Lai nhất thiết tri giả, nhất thiết kiến giả, cụ túc thành tựu vô chướng ngại trí, giải thoát tri kiến, dĩ phương tiện lực thiện tri nhất thiết chúng sanh sở hạnh, đương vị nhữ đẳng tùy kỳ căn tánh chủng chủng thuyết pháp.

(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bảo họ rằng:

- Các nhân giả! Nên cùng đến chỗ Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. Đức Như Lai là bậc biết hết thảy, bậc thấy hết thảy, thành tựu đầy đủ trí vô chướng ngại, giải thoát tri kiến, dùng sức phương tiện khéo biết sở hạnh của hết thảy chúng sanh, Ngài sẽ vì các ông thuyết pháp các thứ tùy theo căn tánh).

Đây cũng là điểm cao minh của Di Lặc Bồ Tát. Di Lặc Bồ Tát chẳng thể thuyết kinh giảng pháp cho họ ư? Đương nhiên là có thể.

Vì sao Di Lặc Bồ Tát chẳng thuyết pháp? Bởi vì họ thuộc vào địa vị Bồ Tát, chưa chắc bọn họ đã tin tưởng vào lời giảng kinh thuyết pháp của Ngài. Vì thế, Di Lặc Bồ Tát giới thiệu: “Chúng ta đi gặp Phật”. Mọi người nghe đến Phật đương nhiên chẳng dị nghị, chúng ta cùng nhau đi đến chỗ Phật.

“Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri”là ba thứ trong mười danh hiệu của đức Như Lai, chúng tôi cũng không giải thích chi tiết. Câu “nhi bỉ Như Lai, nhất thiết tri giả, nhất thiết kiến giả”là lời tán thán trí huệ đức năng của Phật: không chi chẳng biết, không gì chẳng thể! Ý nói: quả vị Phật là thành tựu đầy đủ, chẳng có một mảy gì thiếu khuyết. Trí huệ Phật đầy đủ viên mãn, Phật tự tại viên mãn, hơn nữa phương pháp của Phật hay khéo phi thường. “Dùng sức phương tiện”dạy dỗ chúng sanh khế cơ, khế lý.

Trước hết nói “thành tựu đầy đủ trí vô chướng ngại, giải thoát tri kiến”, đó là Lý. Phật thuyết pháp khế lý! Lại nói “khéo biết sở hạnh của hết thảy chúng sanh”: hết thảy chúng sanh đời đời kiếp kiếp đã tạo nhân gì, thọ quả báo gì, Phật đều biết cả, vì thế thuyết pháp bèn khế cơ. Bọn họ đến gặp Phật, nhất định đức Phật sẽ tùy theo căn tánh của mỗi người mà thuyết pháp các thứ. Ấy là khế cơ, khế lý.

Kinh văn chia làm ba phần: Phần Phát Khởi đến đây là hết. Đó là một đoạn lớn. Dưới đây là phần mở đầu phần Chánh Tông của kinh, phải nên đơn khởi một hạnh. Bản kinh hiện thời tôi bảo thầy Ngộ Quảng sao từ bản Tần Già Tạng ra, rồi lại dựa theo Đại Chánh Tạng phân thành đoạn. Tiêu chuẩn phân đoạn trong Đại Chánh Tạng có rất nhiều vấn đề, quý vị cứ xem kinh văn thì thấy ngay, quý vị xem kỹ thì thấy bốn chữ (1) là một câu, cho nên đọc tụng chẳng khó.

---o0o---

Source: http://www.niemphat.net/

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567