Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Một Cách Hiểu Kinh A Di Đà

06/05/202416:27(Xem: 1117)
Một Cách Hiểu Kinh A Di Đà


phat a di da phat


MỘT CÁCH HIỂU KINH A DI ĐÀ


 

Kinh A Di Đà cùng với kinh Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ là ba kinh căn bản làm tông của tông Tịnh Độ. So với hai kinh kia thì kinh A Di Đà ngắn, ngôn ngữ dễ hiểu, nội dung không quá thâm sâu hay mật nghĩa như những kinh Đại Thừa khác. Phật tử bắc tông phần nhiều ai cũng đọc tụng và khá nhiều người thuộc nằm lòng.

Nội dung kinh A Di Đà là miêu tả cảnh quan thế giới Cực Lạc, trình bày lời dạy và thệ nguyện của đức Phật A Di Đà, phương cách vãng sanh và sự hộ trì của chư Phật sáu phương cũng như sự gia hộ của chư Phật và thánh chúng cõi Cực Lạc. Trong kinh có một chi tiết rất quan trọng, rất căn bản nhưng hình như mọi người lại ít chú ý và không quan tâm đến. Thông thường mọi người chỉ chú tâm vào nội dung niệm Phật từ một đến bảy ngày để nhất tâm bất lọan mà vãng sanh chứ không nhìn đến đoạn kinh văn này: “ bạch hạc, khổng tước, ca lăng tần già, cộng mạng ngày đêm sáu thời cất tiếng kêu hòa nhã, tiếng chim diễn nói các pháp ngũ căn ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần...”. Phải nói đây là đoạn kinh văn quan trọng, gồm thâu những căn bản cốt lõi của Phật pháp.

Đây là những điều căn bản, là cốt lõi của Phật pháp. Không cứ là nam tông, bắc tông hay mật tông… Hễ tu học Phật pháp thì phải bám sát vào cốt lõi căn bản, nếu chỉ tu học hoa lá cành mà bỏ qua căn bản thì e rằng chẳng hữu ích vàchẳng thể có kết quả tốt.

Năm xưa khi Phật thành đạo sau bốn mươi chín ngày nhập định dưới cội cây. Ngài đã đến vườn Nai để thuyết pháp cho năm anh em ông Kiều trần Như. Bài kinh ấy chính là kinh Chuyển Pháp Luân, ba luân mười hai chuyển để nói về tứ diệu đế. Đức phật chỉ rõ khổ, nguyên nhân khổ, hết khổ và con đường đi đến hết khổ. Con đường đó chính là con đường trung đạo, là bát chánh đạo, con đường chuyển phàm thành thánh, con đường đưa con người đến giải thoát. Tu học pháp môn nào, tông phái nào cũng không thể ra ngoài bát chánh đạo. Ngay cả người không tôn giáo hay tôn giáo khác, nếu thực hành bát chánh đạo thì cũng đi đến giải thoát ( tất nhiên là còn tùy thuộc vào căn cơ, năng lực, công phu, trí huệ, phước đức của mỗi người).

Phật giáo cho là một tôn giáo, một học thuyết, một hệ thống triết học, một nghệ thuật sống...dù dưới góc độ nào cũng đều lấy bát chánh đạo làm cương lĩnh, đi con đường trung đạo mà đức Phật đã vạch ra.

Chánh kiến đứng đầu trong bát chánh đạo, chánh kiến có hai là chánh kiến hợp thế và chánh kiến siêu thế. Chánh kiến là sự hiểu biết về khổ, nguồn gốc của khổ, con đường thoát khổ và sự chấm dứt khổ. Chánh kiến tức là tứ diệu đế vậy. Mở rộng và liên hệ một chút là chánh kiến tức cái thấy, cái biết đúng đắn, chân chánh. Chánh kiến là cái nhìn sự vật, sự việc, hiện tượng đúng với bản chất của nó, nói cách khác là như thị ( look as is). Chánh kiến là cái tri kiến đúng, không lệch hai bên, không để quan điểm yêu thích can thiệp vào. Điều này quả là khó với người thế gian, vì con người từ xưa đến giờ luôn nhìn sự việc, sự vật  qua lăng kính yêu – ghét, thích- chán, lợi – hại, được – mất, ta – địch… Bởi vì thế mà Phật tử sơ cơ chúng ta cần có chánh kiến, có cái nhìn khách quan, cái hiểu biết đúng. Chánh kiến khôn phải tự nhiên mà có, cũng chẳng phải cho Phật hay thánh thần ban cho. Chánh kiến phải tự thân mình tu tập dần dần mới hình thành. Mình mê muội vọng tưởng đã lâu, giờ phản tỉnh xoay lại, phải cố gắng học và hành thì mới có thể có được. Trong thế giới ngày nay, chánh kiến quả là rất khó có, người có chánh kiến cũng khó gặp, đừng nói là Phật tử sơ cơ, ngay cả nhiều vị xuất gia vẫn không có chánh kiến, vì không có chánh kiến nên nói năng, hành động bị sai sử bởi mê lầm, kiến chấp. Vì không có chánh kiến nên nói bậy làm sai để bảo vệ quyền lợi danh vị của mình hay của nhóm mình. Chúng ta có thể thấy cụ thể như những trường hợp đăng đàn nói nhảm, nói xàm, nói bậy tỷ như:” Trung Quốc là anh, Việt Nam là em. Trung Quốc đánh Việt Nam cũng như anh dạy dỗ em” hoặc “ Lý Thường Kiệt đánh Tống là hỗn”, “ xây dựng quân đội như Bắc Hàn”...Rồi bao nhiêu vụ lùm xùm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín đạo Phật cũng như gây bất mãn trong dân chúng như: Trừ tà, mở ngải, trục vong,lên đồng, cúng sao giải hạn, huy động tiền cúng dường vô tội vạ… Tất cả những trường hợp trên là đều là những điển hình của sự thiếu chánh kiến. Những Phật tử sơ cơ nghe theo, làm theo, tin theo cũng đều là vì thiếu chánh kiến vậy. Người không có chánh kiến sẽ làm bậy nói sai và dễ bị đi sai đường vì sự rù quến của tà môn ngoại đạo (tu theo bà Thanh Hải, Pháp Luân Công…).

Chánh tư duy là sự suy tư theo hướng ly dục, thiện tâm vô sân và ly hại. Chánh tư duy là sự tư duy có chủ ý đúng, ly dục, ly sân tầm và ly hại tầm, đó là theo kinh sách. Còn chánh tư duy theo cách nghĩ của hàng Phật tử sơ cơ thì chánh tư duy là sự suy nghĩ đúng đắn, chân chánh, hợp chân lý. Con người vốn thiên sai vạn biệt vì nghiệp của mình, vì biên kiến, tà kiến, giới kiến thủ. Con người vì tư lợi, vì danh hão, vì mê vọng mà tư duy thiếu sự sáng suốt, tư duy tà vạy. Tư duy đúng và chân chánh phải hợp lẽ đạo, phải khế hợp với tứ diệu đế, tam pháp ấn; Khổ, không, vô thường, vô ngã… Nếu những tư duy mà ngược lại thì đó là tà tư duy. Chánh kiến và chánh tư duy thường đi liền với nhau, chánh kiến quyềt định nội dung của chánh tư duy, có chánh kiến thì có chánh tư duy, có chánh tư duy thì chánh kiến vững vàng, cả hai bổ sung cho nhau. Chánh tư duy là những suy nghĩ hiền thiện, đúng pháp, lợi mình, lợi người, lợi vật. Chánhn tư duy dẫn dắt nói năng hay hành động của mình đi đúng hướng trên con đường tu học Phật pháp.

Chánh ngữ là lời nói chân chánh, hiền thiện, hợp đạo. Nói năng vì chánh pháp, vì sự thật. Người có chánh ngữ sẽ không nói linh tinh, nói xàm, nói nhảm, nói vì tư lợi, nói vì quyền thế chính trị, danh văn lợi dưỡng… Muốn có chánh ngữ thì ắt phải có chánh kiến và chánh tư duy. Người có chánh kiến tu cái miệng, là là một trong tam nghiệp: Thân – khẩu – ý.

Chánh nghiệp thuộc về phần tu giới, không sát sanh, trộm cắp, tà dâm; mở rộng ra thì chánh nghiệp tức là tạo tác sự nghiệp một cách đúng và chân chánh. Nghiệp dẫn dắt tất cả mọi người đi lên hay đi xuống . Nghiệp là do thân-khẩu-ý tạo ra, nghiệp là do tư duy, nói năng hành động của chính mình mà ra. Nghiệp chân chánh thì đem lại lợi lạc cho chính mình, cho gia đình mình và những người xung quanh. Nghiệp chân chánh sẽ đem lại lợi mình, lợi người, lợi vật, đem lại sự thức tỉnh, quân bình, an lạc. Chánh nghiệp của người Phật tử sơ cơ yêu thương giúp đỡ nhau trong đời sống cũng như trên con đường tu học Phật pháp. Người Phật tử sơ cơ giữ những giới mình đã thọ ấy cũng chính là tạo nghiệp chân chánh vậy.

Chánh mạng là sự nuôi mạng hạp đạo, đúng đắn, tuân theo những gì Phật dạy. Mình sống, mình mưu cầu để sống thì kẻ khác hay vật cũng ham sống sợ chết vậy. Chánh mạng là mưu sinh để nuôi thân mạng này nhưng không được làm hại người, hại vật, hại môi tường xung quanh. Người Phật tử sơ cơ sinh sống bằng những nghề lương thiện, mưu sinh để nuôi thân nuôi gia đình cần tránh những nghề gây đau khổ hay chết chóc cho kẻ khác như: chế tạo hay buôn bán vũ khí, ma túy, rượu, nhà thổ, lò mổ...Mình sống và cần tôn trọng sự sống của kẻ khác, không thể lấy sự đau khổ hay chết chóc của kẻ khác hay con vật để nuôi mạng mình.

Chánh tinh tấn tức là sự siêng năng, nỗ lực, kiên trì tu bốn điều cần thiết cần thiết chân chánh đó là: Việc ác chưa sanh thì đừng để sanh ra, việc ác đã sanh thì làm cho tiêu trừ đi, điều thiện chưa sanh thì hãy làm cho phát sanh, điều thiện sanh ra rồi thì làm cho tăng trưởng. Chánh tinh tấn là sự cố gắng một cách đúng và hợp chánh pháp. Cố gắng tu học, nghiên cứu kinh sách, tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền, bố thí, phóng sanh… Nói chung tất cả những gì đem lại lợi mình, lợi người, lợi vật; những gì đem lại an lạc, quân bình và khai mang trí huệ. Chánh tinh tấn là sự cố gắng đúng pháp trên con đường tu học giác ngộ giải thoát. Nếu như cũng cố gắng nhưng sự cố gắng làm cho mình mê mờ, ràng buộc thêm, xa rời chánh pháp thì đó không phải là chánh tinh tấn mà là tà tinh tấn. Tỷ như người Phật tử siêng năng đi hầu đồng, trục vong, bói toán, mở ngải, bùa chú, yêu thuật, cúng bái quỷ thần… thì sự tinh tấn này là tà tinh tấn vì nó không đem lại lợi ích, nó chỉ làm cho mình thêm tà vạy lạc đường. Hoặc giả như cũng tinh tấn nhưng tu theo bà Thanh Hải, theo Pháp Luân Công… thì càng ngày càng xa rời chánh pháp, xa rời con đường giác ngộ và giải thoát. Muốn có chánh tinh tấn thì cần phải có chánh kiến và chánh tư duy để biện biệt được chánh- tà để mà tu học. Nếu cũng cố gắng mà không có chánh kiến, chánh tư duy thì ai bày vẽ gì cũng nghe theo và cuối cùng theo họ vào đường tà.

Chánh niệm, chữ niệm trong phép viết chữ Hán gồm bộ kim ở trên và chữ tâm ở dưới, nghĩa là cái tâm nghĩ nhớ, tập trung ở ngay tại cái phút giây hiện tại. Bây giờ và ở đây. Chánh niệm là sự có mặt của tâm ở hiện tại quan sát một cách khách quan những gì xuất hiện trong ta và quanh ta, cái tâm duy trì ở hiện tại, lặng lẽ, sáng suốt. Chánh niệm đóng vai trò điều khiển tu tập: Quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp, đi sâu hơn có lẽ là việc tu học của những bậc xuất gia. Hàng Phật tử sơ cơ chúng ta thì cạn cợt một tí thôi: Chánh niệm là sự nghĩ nhớ đúng, chân chánh ngay hiện tại bây giờ. Quá khứ đã qua không hối tiếc tương lai chưa đến không mong cầu, chỉ có phút giây hiện tại này. Mình làm việc gì thì biết việc ấy, toàn tâm toàn ý vào việc ấy.  Hơi thở vào biết thở vào, hơi thở ra biết thở ra, hơi thở ngắn biết hơi thở ngắn, hơi thở dài biết hơi thở dài, an trú vào hơi thở… Người có chánh niệm thì tâm ý không lan man hay vẩn vơ muôn mối, nhà Phật thường ví người không có chánh niệm là “Tâm viên ý mã” tức là cái tâm vọng tưởng loạn động như khỉ chuyền cành, ngựa chạy rông vậy. Người có chánh niệm thì trọn tâm ý trong việc mình làm, biết việc mình làm. Chánh niệm không những chỉ cần cho người học đạo mà còn cần cho cả người ngoài đời. Có chánh niệm thì mới an được cái tâm, tâm có an thì mới định, mới phát sinh trí huệ. Người có chánh niệm thì làm việc gì cũng trọn vẹn, không bị sai sót, hư hỏng.

Chánh định theo kinh sách gồm có: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Chánh định (Samadhi) là chú tâm vào một điểm. Chánh định có thiền chỉ (Bhavana) và thiền quán ( Vipassana), tùy trình độ mà đi từ thấp đến cao tứ thiền, tứ không… Với hàng Phật tử sơ cơ thì chúng ta chỉ cần biết chánh định tức là định tâm đúng phương pháp, Phật giáo có nhiều phương pháp để định tâm, thiền định là phương pháp rộng rãi, phổ biến và được sử dụng nhiều nhất. Thiền định có nhiều cấp độ thích hợp với mọi căn tánh và trình độ khác nhau, có thiền bắc tông, thiền nam tông, có thiềm minh sát, tham thoại đầu, sổ tức, chỉ, quán...Nói chung tất cả đều giúp cho hành giả định được cái tâm, dẹp được cái vọng… tâm có lắng, có định thì huệ mới phát sanh. Ngoại đạo cũng có thiền định như không phải chánh định vì mục đích của họ để khai mở luân xa, cầu đắc thần thông… Chánh định của Phật giáo là để định tâm, để khai mở trí huệ, chánh định là con đườngtu học, là một trong tam học: Giới – định- tuệ.

Ngoài bát chánh đạo còn có những phẩm trợ đạo mà các lòai chim ngày đêm sáu thời diễn nói pháp:

“Ngũ căn là năm nền tảng của sự tu chứng đã được đấng thập lực khéo tu tập, khéo chứng đắc, khéo tuyên thuyết:

Tín căn là căn bản của đức tin

Tấn căn là căn bản của tinh cần

Niệm căn là căn bản của tỉnh thức

Định căn là căn bản của chuyên nhất

Huệ căn là căn bản của trí huệ

Ngũ lực là năm sức mạnh của sự tu chứng đã đựợc đấng thập lực khéo tu tập, khéo chứng đắc, khéo tuyên thuyết

Tín lực là sức mạnh của đức tin

Tấn lực là sức mạnh của tinh cần

Niệm lực là sức mạnh của tỉnh thức

Định lực là sức mạnh của chuyên nhất

Huệ lực là sức mạnh của trí huệ

Thất bồ đề phần còn gọi là thất giác chi, tức bảy yếu tố dẫn đến giác ngộ đã được đấng thập lực khéo tu tập, khéo chứng đắc, khéo tuyên thuyết

Niệm giác chi là yếu tố minh sát

Trạch pháp giác chi là yếu tố phân biệt

Cần giác chi là yếu tố tinh tấn

Hỷ giác chi là yếu tố an lạc

Tịnh giác chi là yếu tố lắng đọng

Định giác chi là yếu tố chuyên nhất

Xả giác chi là yếu tố quân bình

(kinh Bồ Đề Phần)

Như vậy là tiếng chim ở cõi Cực Lạc đã tuyên thuyết con đường trung đạo, tuyên thuyết ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Ấy là tất cả căn bản và cốt lõi của Phật pháp.

Tịnh Độ là pháp môn tu học phổ biến rộng rãi trong quần chúng ở các nước: Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam. Pháp môn niệm Phật thâm nhập sâu rộng trong quảng đại quần chúng vì dễ thực hành. Niệm Phật là một cách đào luyện tâm, thanh tịnh tâm, chuyển hóa tâm, đem tâm trụ vào phật hiệu thay vì trụ vào ngũ dục lục tràn. Câu Phật hiệu như cái mỏ neo giữ cho con thuyền tâm không bị trôi giạt giữa bốn bề sóng gió. Tướng hảo qaung Minh của Phật A Di Đà như ngọn hải đăng để chúng sanh trong bể khổ tìm về nương tựa, là đích để đi ra khỏi biển khổ.

Lợi ích của pháp môn niệm Phật to lớn khó nghĩ bàn, tuy nhiên có một điều cần phải nói là Phật tử tu học theo Phật giáo bắc truyền rất mơ hồ về giáo lý, rất nhiều người không biết được căn bản Phật pháp là gì, phần nhiều chỉ đến chùa đốt hương, niệm Phật hay lễ lạy một cách chung chung mơ hồ. Kinh sách có câu: “ tu mà không học là tu mù, học mà không tu là đãy sách”. Vì thế Phật tử sơ cơ chúng ta cũng cần học, đọc giáo lý để nắm được những vấn đề căn bản. Kinh A Di Đà với đoạn kinh văn các loài chim tuyên thuyết Phật pháp: Bát chánh đạo, ngũ căn, ngũ lục, thất bồ đề phần… Ấy chính là căn bản Phật pháp.

Tu pháp môn niệm Phật cũng cần tu tứ niệp xứ và học giáo lý căn bản. Khi sư bà Hải Triều Âm còn sống, sư bà luôn luôn khuên nhủ niệm Phật cần phải tu tứ niệm xứ: nhận biết thân bất tịnh để buông bỏ mà niệm Phật, pháp vô ngã để không chấp trước mà niệm Phật, thọ khổ để dốc lòng niệm Phật, tâm vô thường để rỗng rang mà niệm Phật. Có tu tứ niệm xứ, có biết giáo lý căn bản thì niệm Phật đắc lực và hiệu quả hơn. Niệm Phật là quan trọng nhưng giáo lý căn bản là cần thiết, bởi vậy nên trong kinh A Di Đà các loài chim ở thế giới Cực Lạc ngày đêm sáu thời thuyết pháp: Bát chánh đạo, ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần…

 

Tiểu Lục Thần Phong

Ất Lăng thành, 0323

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/10/2010(Xem: 5661)
Phật dạy: “Nếu có người niệm Phật, nên biết người này cùng với Văn Thù Sư Lợi không khác” Thứ nhất định tâm thiền; Thứ hai là chế tâm thiền; Thứ ba chân thiền; Thứ tư phương tiện tùy duyên thiền; Thứ năm tức nhị biên phân biệt thiền.
12/10/2010(Xem: 5229)
Sự kiện ra đời của đức Phật để đem lại an lạc cho con người và cuộc đời, đã được Ngài đề cập trong nhiều kinh: "Ta ra đời vì an lạc, vì hạnh phúc, vì lợi ích cho chư thiên và loài người, vì lòng thương tưởng cho đời". Với lý tưởng đó, Ngài đã trải qua bao nhiêu thử thách, gian lao, bằng những kinh nghiệm của tự thân để cuối cùng tìm được con đường đi ra khỏi khổ đau. Ở đây chúng tôi muốn giới thiệu kinh nghiệm tu học của đức Phật được ghi lại trong kinh Thánh Cầu (số 26, Trung Bộ I).
11/10/2010(Xem: 7444)
Hạnh phúc hay đau khổ là số phận chung của mọi chúng sinh, nhất là con người, và theo quan điểm Phật giáo thì đây không phải là phần thưởng hay hình phạt do Thượng Đế ban cho một sinh linh đã làm điều thiện hay điều ác. Tín đồ Phật giáo tin vào một định luật tự nhiên, gọi là “ luật nhân quả”, áp dụng chung cho tất cả mọi hiện tượng trong thế giới này. Tín đồ Phật giáo không tin vào một Đấng Thượng Đế toàn năng, và do đó một Đấng Thượng Đế như vậy, và ngay cả Đức Phật đại từ bi cũng không thể ngăn cản được định luật này.
04/10/2010(Xem: 4860)
Nghiệp báo đóng một vai trò rất quan trọng trong giáo lý nhà Phật. Tuy nhiên chúng ta nên nhớ rằng Đức Phật thuyết minh nghiệp lý không phải với mục đích khuyến khích làm điều kiện để hưởng thụ hạnh phúc trong cõi cực lạc,thiên đường, nhưng để giúp con người thoát khỏi dòng nghiệp báo triền miên (kammakkhayya).
03/10/2010(Xem: 5692)
Bồ Tát Quán Thế Âm đã khả hứa với chúng ta: “Nếu hành giả có thể tụng trì đúng pháp -khởi lòng thương xót tất cả chúng sanh- lúc ấy ta sẽ sắc cho tất cả Thiện thần, Long vương, Kim Cang, Mật tích thường theo ủng hộ, không rời bên mình, như giữ gìn tròng con mắt hay thân mạng của chính họ “.
01/10/2010(Xem: 6420)
Kính lạy Đức Thế Tôn, Ngài đã thị hiện vào cõi nhân gian nhiều khổ đau, phiền lụy này, bằng hạnh nguyện độ sinh, bằng trí tuệ siêu việt, để từ đó Đức Thế Tôn xây dựng một nền văn hóa người trong sáng, một nếp sống hướng thượng, tâm linh siêu thoát, bằng giáo pháp giác ngộ, bằng nếp sống văn hóa cao đẹp, lành mạnh có lợi ích cho tha nhân mà con người thời bấy giờ đã xưng dương, tán thán Đức Phật...
29/09/2010(Xem: 7496)
Ðạo Phật có nhiều pháp môn để thích ứng với căn cơ từng người, mỗi pháp môn có mục đích và phương pháp khác biệt, vì vậy cần có sự phân biệt rõ ràng để giúp sự lựa chọn...
24/09/2010(Xem: 5103)
Tất cả chúng sinh mong ước được vui vẻ, không ai mong cầu buồn rầu. Phật Pháp dạy những phương pháp để xa lánh khổ đau và đạt đến an lạc. Phật Pháp mà chúng ta thực tập là, nói một cách chữ nghĩa, là điều gì đấy ôm ấp chúng ta. Điều này có thể được giải thích trong nhiều cách. Nó ôm ấp chúng ta khỏi khổ đau và ôm ấp tất cả những nguồn cội của an lạc.
21/09/2010(Xem: 4495)
Nghe là sự vận hành tự nhiên của một cơ thể bình thường. Thế nhưng sự vận hành này tuy tự nhiên nhưng không phải hoàn toàn phóng túng, bừa bãi, vô tổ chức…mà có chọn lọc. Chúng ta có thể ví lỗ tai (nhĩ căn) của chúng ta giống như một chú lính. Khi nhận được một tín hiệu, một thông điệp, một tin tức nào…thì chú vội vàng báo ngay cho chủ tướng của mình – không ai khác hơn là chính Ta. Mà cái Ta này chính là cái Tôi hay cái Ngã do Nhãn (Mắt), Nhĩ (Tai), Tị (Mũi), Thiệt (Lưỡi), Thân, Ý (Ý thức) kết hợp lại mà thành.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]